Press "Enter" to skip to content

VỀ CHÂN LÝ

VỀ CHÂN LÝ

Nguyễn Xuân Xanh

Tôi chỉ biết một điều, đó là tôi không biết gì hết.

Socrates

Cái gì cuối cùng là những chân lý vĩnh cửu của con người? – Đó là những sai lầm không bác được của con người.

Nietzsche, Die Fröhliche Wissenschaft

Sự sợ hãi trước ý tưởng, đó chính là sự sợ hãi trước hoạt động tự do của lý tính. Sự sợ hãi này của người dân là chỗ dựa của tòa nhà mục nát của chế độ quân chủ, chế độ đã gần như thủ tiêu đất nước chúng ta.

Maxim Gorki

Thế giới đã có nhiều thí dụ về chân lý như thế để học. Cái hôm trước đúng thì hôm sau có thể sai. Nhà thờ, giáo hội cũng đã phải học từ những bài học đắt giá nhất mà mình đã gây nên đau khổ cho bao nhiêu nhà khoa học. Họ tổ chức xe-mi-ne vật lý tại tòa thánh để tỏ thiện chí sống hòa bình, và để học hỏi từ những người đại diện của giới làm khoa học đã từng bị giáo hội truy bức. Planck, Einstein, Heisenberg được sống bình yên. Tuy vẫn có những nơi chống bán, không phải tôn giáo nữa mà vì chính trị. May là Einstein không sống ở những nơi đó.

Ở Việt Nam chúng ta cũng có một số “chân lý” giống như chân lý về thời gian nói trên: nhiều người tưởng rằng đã biết, nhưng nếu được hỏi, thì hầu như không ai biết là gì. “Nói vậy mà không phải vậy”. Giống như một bóng ma.

Chân lý là những điều mà nhân loại đã mất biết bao công sức để tìm nó. Có người thì bị ném lên giàn hỏa thiêu (Giordano Bruno), có người thì bị quản thúc suốt đời (Galilei), có người thì suýt nữa đã bị cho vào lò hơi ngạt (Einstein). Nếu thế giới này được xây dựng bằng một số chân lý bất biến và phổ quát, chi phối mọi đời sống xã hội và vũ trụ, thì cuộc sống sẽ tẻ nhạt, và khoa học cũng sẽ biến mất, bởi cần chi nữa khi chân lý đã có sẵn rồi? Nếu khoa học chấm dứt tại cuối thế kỷ 19 như đa số nhà khoa học đã lầm tưởng, thì chắc bộ mặt thế giới không được như hôm nay.

Có những chân lý xanh tươi, đơm hoa kết trái. Nhưng cũng có những chân lý khô héo, cằn cỗi. Có những chân lý đúng cho một thời và rồi biến mất. Có những chân lý mà nhân loại từ thế kỷ này sang thế kỷ khác thỉnh thoảng vẫn phải ngoái đầu nhìn lại.

Nếu năm1840 một người Mỹ (Theodore Parker[1]) khiêm tốn nói rằng “Chúng ta, có lẽ, còn quá trẻ và thô thiển để thực hiện được ý tưởng lớn của Hoa Kỳ, trong văn học và xã hội”, thì người Việt Nam cũng nên khiêm tốn không nên khẳng định những chân lý lớn vượt quá sức một dân tộc còn đang ở những bậc thang đầu của sự phát triển hiện đại. Thế giới đã đi trước chúng ta hàng nhiều thế kỷ, họ hiểu về sự giới hạn của mỗi chân lý, đâu là cạm bẫy và cái giá phải trả cho những sự khẳng định tiên thiên duy ý chí. Sau khi đọc David Hume Kant còn phải thốt lên rằng chính những tư tưởng triết học có tính cách hoài nghi của Hume đã kéo ông ra khỏi “giấc ngủ giáo điều”. Khi một điều gì được đưa lên thành chân lý bất khả xâm phạm buộc mọi người phải tuân theo, thì lúc đó khoa học, tư duy đích thực sẽ chết, và tụt hậu là điều tất yếu. Ý là một thí dụ điển hình. Sau khi Nhà thờ kết án ông, và yêu cầu ông rút lại thuyết nhật tâm, khoa học ở Ý hầu như vắng bóng 200 năm liền. Ông cha ta đã từng làm thế, và đã trắng tay trong cuộc chơi toàn cầu hóa bấy giờ.

Chúng ta cũng không nên tự hào, rằng mình đã nắm được những chân lý cao hơn các dân tộc khác, vì chúng ta “yêu nước” hay “sáng suốt” hơn. Không dân tộc nào dám khẳng định thế, và cũng không đơn giản như thế. Sự thật sẽ là thước đo. Thực tế, nhiều lựa chọn của chúng ta đã tỏ ra trì trệ đến bế tắc, so với những lựa chọn dễ dàng thông suốt hơn của các dân tộc khác xung quanh.

Chúng ta trước nhất phải là một dân tộc biết yêu chân lý, phải là một dân tộc dám nhìn thẳng vào sự thật, không chút sợ hãi tránh né, không cúi đầu trước mọi thứ định kiến và “uy quyền” của nó. Nhìn thẳng để khám phá, để thích nghi. “Sự sợ hãi trước uy quyền là kẻ thù của chân lý” như Einstein nói. Cả dân tộc, không phải một ít người, phải đi tìm chân lý trong sự tỉnh thức, rằng con đường đến chân lý còn dài trước mặt, còn phải không ngừng chinh phục. Xây dựng và phát triển một đất nước chính là một cuộc chinh phục không ngừng những chân lý mới. Giáo dục vì thế phải dạy cho những con người trẻ yêu quý sự thật trong sự tỉnh thức, luôn luôn đi tìm sự thật, xem chân lý là khoa học, là “những cái không bao giờ tìm ra được trọn vẹn. Một khi người ta chấm dứt việc đi tìm khoa học, hay tự nghĩ rằng, khoa học không cần được tìm ra từ chiều sâu của tinh thần, mà chỉ cần được thu thập xếp hàng dài, thì lúc đó tất cả sẽ bị mất mát một cách không gì cứu vãn được, và mãi mãi” như một trong những nguyên tắc cải tổ đại học đầu thế kỷ 19 của nhà cải cách giáo dục Wilhelm von Humboldt khi canh tân nước Đức. Einstein cũng đã để lại một thái độ tỉnh thức từ những kinh nghiệm vô giá của mình: “Điều quan trọng là người ta không ngừng tra vấn”. Giáo dục phải chuẩn bị cho thanh thiếu niên óc phê phán, tìm tòi cái mới, tư duy độc lập với những chân lý nhất thời. Bám víu vào một số chân lý tức là “bịt mắt” con ngựa lại và chỉ muốn cho nó đi theo con đường của chủ quan mình, chứ không phải vì khoa học cao cả.

Chúng ta hãy còn là một dân tộc chưa trưởng thành, nếu không muốn nói còn “non nớt” trong phát triển. Giáo dục là một quá trình để trưởng thành, tự do, khai phá, để tìm đến chính mình. Chúng ta phải quen nghe nhiều chân lý khác nhau, mâu thuẫn nhau.

Cúng ta phải không bao giờ sợ hãi trước những ý tưởng mới, dù có ngược với niềm tin của chúng ta. Thế giới là thế giới của ý tưởng. Chúng ta thua là thua về ý tưởng, và nếu thắng là thắng về ý tưởng. Cho nên chúng ta không bao giờ được phép sợ những ý tưởng mới, sợ đi tìm cái mới, và không bao giờ được phép đưa cái gì lên thành điều cấm kỵ, cho dù đó là chân lý một thời. “Sự sợ hãi này…chính là cột đỡ của lâu đài mục nát của nền quân chủ đã gần như đưa đất nước vào chỗ diệt vong” như Maxim Gorki đã nói về sự sợ hãi của vua chúa Nga trước những ý tưởng đổi mới.[2]

Một dân tộc luôn luôn tỉnh thức đi tìm chân lý với trái tim và khối óc rộng mở, không ngừng tìm tòi học hỏi, sẽ không bao giờ yếu đuối, khó bị huyễn hoặc hay hoang tưởng, và mau trưởng thành, chín chắn. Một sự ý thức chân lý đầy đủ sẽ đem lại những liều thuốc hữu hiệu chống lại yếu kém, trì trệ, ảo tưởng và nguy cơ, những cái mà nhận thức nửa vời tất yếu sẽ gây ra./.

Nguyễn Xuân Xanh

Tháng 10, 2007

  1. Là một nhà cải cách và theo chủ nghĩa bãi nô, những lời nói và câu danh ngôn phổ biến của ông sau này sẽ truyền cảm hứng cho các bài phát biểu của Abraham Lincoln và Martin Luther King Jr.

  2. Nga là quốc gia ít đổi mới nhất trong lịch sử châu Âu. Nga đã thắng Napoleon nên không chịu đổi mới, mãi cho đến chiến tranh Crimea 1853-1855, dưới thời Nga Hoàng Alexander II, chế độ nông nô mới được bãi bỏ, nhưng mãi đến 1861 mới thực sự được thực hiện và công nghiệp hóa mới bắt đầu. Xem thêm Maxim Gorki – Những ý tưởng không hợp thời về Văn hóa và Cách mạng