Immanuel Kant: Hướng đến nền Hòa bình vĩnh cửu
Một lý thuyết hành động chính trị
trên cơ sở triết học luân lý pháp quyền
Lưu Hồng Khanh
Kỷ yếu Kant 300 năm
( 1724-2024)
*Xin lưu ý: Cách trích dẫn về Kant theo Ấn bản Hàn lâm và Cách viết tắt tên các văn phẩm của Kant được ghi lại ở cuối bài viết này. Riêng về tác phẩm Hướng đến nền hòa bình vĩnh cửu (Zum ewigen Frieden) của Kant: bộ sách Ấn bản AA số 8:341-386, các trích dẫn về Kant trong bài viết này sẽ chỉ ghi số trang sách mà thôi.
Lời mở đầu
Hòa bình, hòa bình bền vững: một ước mơ, một khát vọng, của muôn người, muôn nước, qua muôn đời lịch sử sinh sống và phát triển của con người. Nhưng hòa bình đích thực và bền vững đó vẫn chưa hề thấy được thực hiện.
Mùa thu năm 1795, Kant cho xuất bản tại Königsberg (nước Phổ) một tiểu phẩm triết học mang tên Hướng đến nền hòa bình vĩnh cửu. Một dự thảo triết học (Zum ewigen Frieden. Ein philosophischer Entwurf). Một câu hỏi được đặt ra từ đó đến nay là: làm thế nào để Dự thảo triết học về Hòa bình vĩnh cửu như thế này của Kant được trở thành hiện thực.
Để Dự thảo có thể trở thành hiện thực, Kant ở đây đã không còn diễn đạt thuần chỉ như một triết gia của Triết học siêu nghiệm, kẻ chỉ quan tâm đến sự tinh khiết của những thành tựu trí tuệ. Khi phải đối mặt với những vấn đề cụ thể của hiện hữu con người, Kant nay cũng chú tâm đến cái logic nội tại của phê phán lý tính bằng cách tìm hiểu và thực hiện tính hiệu nghiệm của lý tính trong thế giới con người. Đòi hỏi này đặt ra cho Kant vấn đề hành động trong lĩnh vực chính trị. Sau đây, ta sẽ khảo sát sâu rộng thêm về một Lý thuyết chính trị của Kant ứng dụng cho việc thể hiện một nền hòa bình bền vững.
Từ Triết học siêu nghiệm bước qua Lý thuyết chính trị
Câu hỏi được đặt ra là: lý tính xử sự thế nào với bản tính lịch sử của con người? Nói cách khác: tri thức của con người làm cách nào để trở nên thực hành? Thực hành (“praxis”) đối với Kant không chỉ là luân lý với đức hạnh, mà còn là pháp lý với pháp quyền. Trong văn phẩm Hòa bình, ngoài đức hạnh và pháp quyền như thực tế (practical) trong nghĩa hẹp thiết thực, Kant còn hiểu thực tế với nghĩa thực tiễn (pragmatical) trong nghĩa tính hiệu nghiệm: Kant tìm kiếm sự hiệu nghiệm của lý tính con người trong lĩnh vực hành động công cộng. Ông nêu câu hỏi về những nguyên do và những chủ đích của sự hợp tác công cộng cấu kết xác định nên toàn bộ xã hội. Và đó chính là địa hạt chính trị, lĩnh vực được bàn đến trong tương quan với lý tính và từ đó làm thành một lý thuyết chính trị.
Trong Một dự thảo triết học cho nền Hòa bình vĩnh cửu, chiến tranh bị lên án nhân danh nhân quyền, việc xây dựng một trật tự pháp quyền các dân tộc được cổ vũ, trật tự đó có nhiệm vụ tạo dựng và bảo toàn một nền “hòa bình bền vững”. Chính với ý nghĩa hiệu nghiệm chính trị mang tính thực tiễn này mà tĩnh từ “vĩnh cửu” trong tiêu đề của văn phẩm “Hòa bình vĩnh cửu” của Kant không hàm nghĩa một hòa bình thoát ly qua một thế giới nào bên kia hay sau này, nhưng thiết yếu muốn nói đến một hòa bình có chất lượng ngay trong đời này, “lâu dài không hạn chế” (Điều khoản sơ bộ 1; 8:343); một “hòa bình bền vững” (Höffe [Hrsg.] 4 2024, 1-2; Willaschek 2023, 38).
Hiệp ước hòa bình Basel:
Từ đâu nẩy sinh ra nơi Kant ý kiến thực hiện văn phẩm Hòa bình vĩnh cửu này? Phải chăng Hiệp ước hòa bình Basel (05.04.1795) giữa Phổ và Pháp cách mạng (1789) đã là cơ hội cho việc sáng tác này của Kant? Kant không hề cho biết điều đó. Nhưng mối thịnh tình đối với cách mạng Pháp thì Kant vẫn không giấu giếm, mặc dầu ông vẫn đang trong tầm giám sát và kiểm duyệt của chính quyền nước Phổ.
Sau ngày cách mạng 14.07.1789, Pháp vừa phải kiến thiết nội bộ nên một nước cộng hòa, vừa phải đương đầu với các vương triều Âu châu Phổ-Áo-Anh-Ý tiếp nối liên minh tuyên chiến chống lại một nước Pháp cách mạng. Với Hiệp ước hòa bình Basel, Phổ thỏa thuận với Pháp cách mạng về đường biên giới phía tây của mình: tân cộng hòa Pháp sau khi đã đưa quân mình vượt Hà Lan tiến vào Bắc Đức nay rút về đất nước mình và nhận được chủ quyền phía bờ trái sông Rhin. Công dân Phổ, những người ít nhiều thiện cảm với cách mạng nay cũng được dịp thở ra nhẹ nhàng. Nhưng đối với người chú tâm quan sát, thì hiển nhiên đối với cả hai phía đối tác, đây chỉ là vơi gánh nặng cho những chiến tuyến khác: Phổ có thêm quân để chiếm cứ phần thứ ba lãnh thổ Ba Lan, còn Pháp thì được tăng lực cho mặt trận tiến quân phía Nam Đức và Bắc Ý.
Hiệp ước hòa bình Basel như thế chỉ là một sự ngưng chiến. Văn phẩm hòa bình của Kant trái lại là một sự chấm dứt chiến tranh và đưa đến hòa bình bền vững và đích thực. Hòa bình Basel như thế đối với Kant là cơ hội để nghĩ đến một hòa bình hoàn toàn khác. Hình thức một hiệp ước pháp quyền các dân tộc là hình mẫu một hiệp ước hòa bình được Kant phác họa trong văn phẩm “Hòa bình vĩnh cửu” của mình với phụ đề “một dự thảo triết học” (x. Gerhardt 22023, 6-8; Saner, in: Höffe [Hrsg.] 4 2024, 31-32).
Hoàn cảnh chính trị cuối thế kỷ 18:
Quả thực, Văn phẩm hòa bình của Kant đã được đối chiếu với hoàn cảnh chính trị cuối thế kỷ 18. Nó đã hàm chứa sự kiện chiếm đoạt và cư ngụ trên toàn trái đất, nhìn nhận việc giao thương toàn cầu như một thực tại, nhìn nhận chính sách thuộc địa đối với các “dân man rợ” là một việc phi pháp cuối cùng cần phải được điều chỉnh lại, và sau cùng phải nhìn nhận từ 1783 (cách mạng và giải phóng các thuộc địa Anh quốc tại Bắc Mỹ) và trễ là từ 1789 (cách mạng Pháp) một tình trạng chung quyết được thay đổi và nay đích thực được gọi là mang tính chính trị toàn cầu. Và nếu thêm rằng, Kant đã tìm cách kết nối sự kiện này với yêu sách của lý tính phê phán, thì ta có thể dự cảm rằng, chính nơi đây Kant đã đề xuất một tư tưởng triết học mới.
Tư tưởng triết học chính trị mới:
Văn phẩm Hòa bình vĩnh cửu không phải chỉ là một tiếng kêu gọi mang tính nhân bản gửi đến những người làm chính trị và các nhóm dân gian của họ. Dù rằng luân lý là điểm xuất phát không thể thiếu của suy tư nơi đây, nhưng khái niệm luân lý của Kant rộng lớn hơn chỉ là thái độ ứng xử nhất quán về bản vị con người: nó cũng bao hàm cả khái niệm pháp lý. Và bởi trong chính trị, điều sơ khởi là mối tương quan bên ngoài giữa các cá nhân đối với nhau, nên pháp lý giữ một vị trí ưu tiên. Bởi vậy trọng lượng của suy luận hệ tại việc bảo đảm cơ chế cho hòa bình. Chỉ ý nghĩ ngay lành mà thôi là điều chưa đủ ở đây. Nhiều hơn thế, hòa bình phải được hỗ trợ bởi cả một hệ thống bảo đảm hỗ tương với nhau. Như thế, điều Kant đề xuất có thể được gọi là “học thuyết pháp quyền về hòa bình thế giới”.
Chính công thức đích đáng này là biểu hiện cho sự tân kỳ về triết học chính trị trong văn phẩm Hòa bình của Kant: (1).Trước hết nó nói đến điểm xuất phát là tình trạng chính trị thế giới, chứ không chỉ là những xung đột vùng miền. (2).Tiếp đến là nói đến một phương tiện mà xưa rày triết học chính trị thường chỉ nghĩ đến trong phạm vi nội bộ từng các quốc gia riêng lẻ, phương tiện đó là pháp luật. Hòa bình theo Kant (Pax Kantiana) đặt nền tảng trên pháp quyền lý tính hay nhân quyền và nhằm đến pháp quyền các dân tộc bao gồm mọi quốc gia. Pháp quyền các dân tộc này cho phép kiềm chế và giúp giải quyết các xung đột giữa các quốc gia bằng kiểm soát, hiệp ước, cộng tác liên quốc gia, diễn giải ứng dụng luật pháp. Điều quyết định ở đây là hòa bình theo pháp luật chỉ có thể lâu dài, khi trong nội bộ các quốc gia cũng có được những điều kiện pháp quyền quốc gia. (3).Thứ ba, điều đích đáng được gọi là tân kỳ ở đây là việc Kant kết nối luận điểm cơ chế của mình với một lý thuyết hành động chính trị. Và như thế, văn phẩm Hòa bình của Kant không những được liệt vào dòng truyền thống lớn các văn phẩm lý thuyết quốc gia, nhưng còn xác định rõ hơn với những nguyên lý mới, vào những điều mà Plato, Aristotle và Cicero đã đầu tiên phát biểu các triết học, cùng những gì Machiavelli, Hobbes và Rousseau đã hiện đại hóa với đầy năng lực. Kant nay nói lên: không những đâu là nhiệm vụ của chính trị, mà còn thể hiện nó như thế nào.
Nội dung và cấu trúc
Văn phẩm Hòa bình của Kant được diễn đạt phỏng theo phong cách văn học của các hiệp ước hòa bình các dân tộc thế kỷ 17 và 18 trước đây. Văn phẩm Hòa bình của Kant bao gồm 5 phần chủ đề lớn:
Phần 1. Sáu điều khoản sơ bộ cho nền hòa bình thế giới.
Thông giải về những điều khoản sơ bộ:
Xây dựng hòa bình không dùng khí giới? -Một giấc mơ lớn.
Xây dựng hòa bình mặc dầu có khí giới? -Một thách thức không nhỏ.
Xây dựng hòa bình với khí giới? -Một thách thức quá lớn.
Giải pháp chính trị nào đối với Kant?
Kant xuất phát từ tình trạng -như vào thời điểm Hòa ước Basel ngày 5.4.1795 giữa Phổ và Pháp cách mạng (1789)- khi hai nước này tuyên bố hòa bình với một hiệp ước mang tính pháp lý các dân tộc. Điều này đòi hỏi các nhà lý thuyết không gì khác hơn là ý chí hòa bình được tuyên bố này cũng phải là ý chí phải được nghiêm túc thực hiện. Nói cách khác, các chính trị gia cuối cùng cũng phải thiết thực thể hiện những điều mình đã công khai tuyên bố, và như thế hòa bình cũng được một bước đến gần. Giải pháp Kant đề xuất trước hết thông qua những Điều khoản sơ bộ mang tính ngăn cấm.
Sáu điều khoản sơ bộ ngăn cấm, đó là:
- “Hòa ước sẽ không có giá trị khi có điều khoản bao hàm ẩn ý nhằm tạo cơ sở cho một cuộc chiến tương lai”. (343/B 5)
- “Không một đất nước độc lập nào, dù lớn hay nhỏ, (đặc điểm này không quan trọng ở đây), có thể bị một nước khác thụ đắc bằng cách thừa kế, trao đổi, mua hay tặng”. (344/B 6)
- “Quân đội thường trực (stehende Heere) phải được hủy bỏ qua thời gian”. (345/B 8)
- “Không được gây nợ công trong tương quan với những xung đột đối ngoại”. (345/B 9)
- “Không nước nào có quyền can thiệp vào hiến pháp và chính quyền một nước nào khác bằng bạo lực.” (346/B 11)
- “Không một nước nào đang khi lâm chiến với một nước khác được phép có những hành vi thù nghịch làm cho niềm tin tưởng nhau về nền hòa bình tương lai sẽ không được thành tựu, thí dụ như sử dụng phương tiện sát hại, chất độc, phế bỏ việc đầu hàng, xúi dục phản bội trong nước lâm chiến”. (346/B 12)
Những Điều khoản sơ bộ này nhằm gửi đến những người làm chính trị với những trọng trách lớn -những người như chủ tịch nhà nước, chính phủ, quốc hội- bằng cách vạch ra những ngăn cấm về những vi phạm pháp luật:
-Các Điều khoản 1,5,6 (luật nghiêm nhặt, leges strictae): là những Điều khoản ngăn cấm “tức thời” (8:347) bởi chúng liên hệ trực tiếp đến giải pháp hòa bình. Ngưng chiến không phải là hòa bình, hòa ước với ẩn ý tái chiến không phải là hòa bình, hành vi thù nghịch gây mất tin tưởng lẫn nhau không phải là hòa bình. Các khoản luật nghiêm nhặt này có thể thực hiện ngay, bởi chúng không trực tiếp liên hệ đến các thể chế, nhưng chỉ liên quan đến tâm tư, tập tục, thói quen (x. Saner, in: Höffe [Hrsg.] 42024, 42).
-Các Điều khoản 2,3,4 (luật dung dưỡng, Erlaubnisgesetze, leges latae): là những Điều khoản ngăn cấm còn được dung dưỡng một thời gian, vì tiến độ thay đổi các điều kiện còn tùy thuộc vào các hoàn cảnh cụ thể (x. Saner, in: Höffe [Hrsg.] 42024, 47).
Phần 2. Ba điều khoản chung quyết cho nền hòa bình thế giới.
Thông giải về những điều khoản chung quyết:
Chính trị như hành động tác thành và kiến tạo.
Hòa bình không phải là một tình trạng của tự nhiên, không phải là một món quà từ trời rơi xuống, cũng không phải chỉ là thái độ chẳng làm gì phiền hà cho ai, nhưng là một tình trạng pháp quyền chính trị phải được thiết lập nên và phải được tích cực bảo đảm. Kant sử dụng từ ngữ “kiến tạo” (“gestiftet”) (349/B18). Từ ngữ kiến tạo (Stiftung) trong truyền thống văn học Đức được dùng để chỉ “thể chế” (“Institution”) bao hàm những ý nghĩa thành tựu, công ích, an toàn, bền bỉ, lâu dài.
Bởi vậy, thực hành (Praxis) chỉ theo nghĩa hẹn hò tương giao giữa công dân với nhau về nguyện ước hòa bình mà thôi thì chưa đủ. Nhất thiết còn luôn phải hành động (Poiesis) bằng cách tìm ra những phương sách và thiết lập những kỹ năng để tác thành và kiến tạo. Cả những kỹ năng lập pháp, hành pháp, tư pháp, kiểm tra pháp luật cũng là những điều kiện tất yếu cho hòa bình, một nền hòa bình mà một khi được bảo toàn thì cũng cho thấy con người nay thoát được ra khỏi “tình trạng tự nhiên” (Idee, 8:20). Tìm ra những phương sách, thiết lập những kỹ năng, sử dụng những công cụ cùng với hành động liên tục và tái diễn là những thành tố không phải chỉ thuộc về những điều kiện bên ngoài, nhưng cũng đích thực là những thành tố nội tại của sự kiện chính trị.
Khái niệm xây dựng hòa bình trên cơ sở pháp quyền chính trị được tác thành và kiến tạo như vừa trình bày trên đây đối với con người thời đại của chúng ta là điều khá quen thuộc. Khái niệm xây dựng hòa bình này đã vượt qua những quan điểm truyền thống về hòa bình bằng ước mong, nguyện cầu, kêu gọi; cũng đã vượt qua những học thuyết về nhà nước của Tân thời đại còn dựa trên danh phận của vương triều (Hobbes, 1588-1679), chưa biết cách nào tìm ra đồng thuận, ngoài bình an của nội tâm (Locke, 1632-1704). Chỉ với Rousseau (1772-1778) là tác giả đã gây một niềm hưng phấn lớn cho Kant thông qua cái “nhiệt tình cộng hòa” và cái văn kiện “Khế ước xã hội” đề cao tự do và bình đẳng dựa trên cơ sở pháp luật. Dẫu vậy, Rouseau vẫn chưa cho thấy được làm cách nào tìm ra tự do mà vẫn giữ vững được hòa bình. Nơi đây Kant có được một “lợi thế lịch sử” là đã chứng kiến được thành công của Cách mạng Pháp (1789). Quả thật, biến cố thời đại này đã là bước ngoặt trong suy tư của Kant về chiến tranh và hòa bình, nghĩa là về tính cách chính trị cho Dự thảo hướng đến nền hòa bình vĩnh cửu của ông (x. Gerhardt 22023, 27-31).
Trong khi những Điều khoản sơ bộ là những điều kiện dự bị cần thiết phác họa một nền hòa bình giữa các nước, thì những Điều khoản chung quyết vạch ra những điều kiện cơ bản phải luôn mãi và khắp nơi được thực hiện để dứt khoát kiến tạo được hòa bình. Những Điều khoản chung quyết này bao gồm ba cấp: pháp quyền quốc gia, pháp quyền các dân tộc, pháp quyền công dân thế giới. Đối tác tiếp nhận là những trật tự pháp luật và các quốc gia, những thực thể có trách nhiệm quyết định trong các cơ chế đó: những người làm luật, những kẻ điều hành chính quyền, cũng như chính toàn thể nhân dân đã trao quyền cho họ.
2.1.Điều khoản chung quyết thứ nhất bàn về pháp quyền quốc gia, với châm ngôn:
“Hiến pháp dân sự của mỗi quốc gia phải theo thể chế cộng hòa” (349/B20)
Phán quyết này là sự toàn vẹn của triết học chính trị phê phán. Nó bao hàm tất cả những đặc tính mà một tổ chức ứng hợp với lý tính của xã hội loài người trên một khoảng không gian nhất định đòi hỏi. Nhờ quyền lực được trở nên chính danh dựa trên pháp quyền mà phán quyết nói trên bảo đảm được hòa bình và từ đó thiết lập được điều kiện thực tiễn đầu tiên và quan trọng nhất trên một không gian giới hạn nhất định cho một nền hòa bình tổng thể. Bởi làm thế nào có được hòa bình tổng thể, nếu chưa có được hòa bình trong từng cá thể quốc gia, và làm thế nào có được hòa bình trong từng cá thể quốc gia, nếu các cá thể quốc gia này chưa có được một cơ chế quyền lực mang tính chính danh dựa trên pháp quyền?
Giữa các nước toàn trị thì không thể bảo đảm có được hòa bình. Nếu có được, thì chỉ khi trật tự nội bộ trong từng mỗi nước đó phải đích thực bảo đảm được nguyện vọng thực hiện hòa bình. Vậy nên điều kiện mang tính quyết định trong Điều khoản chung quyết thứ nhất này là các cá thể quốc gia trong bản thân đã phải có được một nền hòa bình quốc gia mang tính công dân, nghĩa là chỉ khi các quốc gia được thiết lập và vận hành dựa trên những nguyên lý pháp quyền tự do.
Những nguyên lý của “Hiến pháp cộng hòa”:
Trật tự pháp quyền này là gì? “Hiến pháp cộng hòa” này bao gồm những gì và vận hành ra sao?
Điều thiết yếu đầu tiên là mỗi cá thể quốc gia phải có được một Hiến pháp mang tính pháp quyền ràng buộc. Cơ sở nguyên thủy của nó là lý tính, nghĩa là những nguyên lý pháp quyền lý tính, trong đó cơ bản là quyền con người, là nhân quyền. Và điều cơ bản đầu tiên của nhân quyền là sự tự do, tự do hành động của công dân.
Cũng vì thế, tự do là nguyên lý đầu tiên và cao nhất của “Hiến pháp cộng hòa”, và như thế nó là điều kiện quan trọng nhất cho hòa bình. Ngoài ra, đối với khái niệm chính trị của Kant, không phải là điều không quan trọng khi ông cũng liệt kê hạnh phúc vào các thành tố nguyên khởi trong tổ chức chính trị của ông. Bởi như thế thì rõ ràng, Kant đã quan niệm những chủ đích sơ đẳng của chính trị không phải chỉ là những nguyên tắc pháp lý thuần hình thức, nhưng vẫn luôn còn là sự mong chờ một cuộc sống với xúc cảm của từng cá nhân con người. Chỉ vậy thôi thì Dự thảo cho nền Hòa bình vĩnh cửu không được phép hiểu như là một ảo tưởng.
Nguyên lý thứ hai của “Hiến pháp cộng hòa” được Kant gọi là “Sự tùy thuộc của mọi người vào một nền pháp luật chung và duy nhất”. Điều này thoảng nghe có vẻ quá lỗi thời, nhất là bởi các từ “mọi người” và “tùy thuộc” gợi lên ý tưởng sự đồng đều phục tùng của giới thuộc nô. Nhưng ý nghĩa đích thực được mọi nhà thông giải đồng ý lại là một nguyên lý vô cùng quan trọng, đó là “nguyên lý chủ đạo và thống soái của pháp luật” mà mọi công dân phải tuân phục. Và khi Kant cùng nhắc đến nguyên lý tự chủ (Selbständigkeit), thì qua đó sự quan tâm từ lĩnh vực xã hội được chuyển qua lĩnh vực chính trị. Tính tự chủ như thế là tiền đề xã hội cho khả năng hành động chính trị của công dân.
Nguyên lý thứ ba của “Hiến pháp cộng hòa” là sự bình đẳng giữa các công dân. Sự bình đẳng này chính là nguyên lý nguồn cội của trật tự pháp quyền. Trật tự pháp quyền đáng được mang danh hiệu này chỉ khi nó là một “Hiến pháp được kiến tạo” (350/B 20) theo nguyên lý bình đẳng đề xuất nơi đây.
2.2.Điều khoản chung quyết thứ hai bàn về pháp quyền các dân tộc,
với châm ngôn:
“Pháp quyền các dân tộc phải được thiết lập trên thể chế liên minh các quốc gia tự do” (354/B30). [“Das Völkerrecht soll auf einen Föderalism freier Staaten gegründet sein” (354/B30)].
Lời dẫn với góc nhìn tổng quát về ba Điều khoản chung quyết:
*Lời cảm thông và đề nghị với Bạn đọc: ngành Luật cũng như ngành Toán là những phân khoa phức tạp, trừu tượng, khô khan, khó hiểu. Trong phân đoạn Điều khoản chung quyết thứ hai này, chúng tôi đã cố gắng trình bày một cách giản lược tối đa, nhưng không đánh mất đi những tư tưởng chính xác và cối lõi của nó. Dẫu vậy, đây đó vẫn có thể còn có những phức tạp, khó khăn. Chúng tôi đề nghị Bạn đọc cứ thanh thản bỏ qua trong khi đọc lần đầu, hi vọng sau đó với cái nhìn tổng quát Bạn sẽ dễ dàng lãnh hội được các nội dung thiết yếu của chúng.
Ba Điều khoản chung quyết bàn về những điều kiện tích cực về khả năng thể hiện hòa bình, thông qua ba hình thức cơ bản của nhà nước, cùng với ba mô hình pháp quyền tương ứng, làm thành trật tự chính trị thế giới. Ba hình thức nhà nước, cùng với ba mô hình pháp quyền tương ứng, đó là:
(1).Giữa những người riêng lẻ, kết hợp dưới hình thức những Quốc gia riêng lẻ (Einzelstaaten), với mô hình Pháp quyền quốc gia (Staatsrecht) tương ứng của mình, được Kant trình bày trong Điều khoản chung quyết thứ nhất;
(2).Giữa những quốc gia riêng lẻ, kết hợp dưới hình thức Quốc gia các dân tộc (Völkerstaat, State of nations), với mô hình Pháp quyền các dân tộc (Völkerrecht) tương ứng của mình, được Kant trình bày trong Điều khoản chung quyết thứ hai;
*Xin lưu ý: Trong tiểu đoạn (2) này, Kant đang nói về các quốc gia, bỗng dùng đến từ dân tộc, làm người đọc bỡ ngỡ. Chính Kant cho thấy Kant viết có dụng ý, ngay với ba từ đầu câu: ‘dân tộc như là quốc gia’: ‘Völker als Staaten’ (354, 3), bởi Kant không muốn hiểu từ latinh tương ứng ‘gentes’ theo nghĩa cùng ‘chung một dòng máu’, nhưng muốn hiểu từ latinh tương ứng ‘civitates’ theo nghĩa cùng một ‘cộng đồng công dân’ (Anthropologie 7:311; MSR 6:311; Höffe [Hrsg.], 42024, 80; Willascheck [Hrsg.], Kant-Lexikon 2015, S.2545).
Trong Điều khoản chung quyết thứ hai này, có một thực tế được nhìn nhận, rằng nơi đây phải được gọi là một Liên minh các dân tộc (Völkerbund: League of nations), chứ không phải một Quốc gia các dân tộc (Völkerstaat: State of nations), điều này đến nay được bàn thảo sôi nổi không chỉ trong các Câu lạc bộ Kant mà thôi (Höffe [Hrsg.], 42024, 79).
(3).Giữa những con người và những quốc gia có những tương quan liên hệ ảnh hưởng lẫn nhau kết hợp dưới hình thức một Quốc gia con người tổng thể (‘eines allgemeinen Menschenstaates’), với mô hình Pháp quyền công dân thế giới (Weltbürgerrecht: jus cosmopoliticum) (349, 27-29), được Kant trình bày trong Điều khoản chung quyết thứ ba.
*Riêng về Điều khoản chung quyết thứ hai:
Nay trong văn phẩm Hòa bình vĩnh cửu, Kant bàn đến không phải bất cứ hòa bình nào, nhưng đến hỏa bình “giữa các quốc gia”, (“unter Staaten”) như ông đã ghi trên đề mục các phân đoạn Điều khoản sơ bộ và Điều khoản chung quyết (343, 348). Bởi Điều khoản chung quyết thứ hai trực tiếp bàn về đề tài “hòa bình giữa các quốc gia” (“inter-national”), nên 3 trang rưỡi (354-357) mà Kant viết nơi đây được coi là cốt lõi của toàn văn phẩm Hòa bình của ông.
Điều khoản chung quyết thứ hai được diễn đạt như sau. Đoạn 1 trưng ra luận điểm rằng có một Liên minh các dân tộc (Völkerbund), chứ không phải Quốc gia các dân tộc (Völkerstaat), quan điểm sau dựa trên nguyên lý tương tự (Analogie) giữa quốc gia và cá nhân. Đoạn 2 đưa ra phản kháng đối với Pháp quyền các dân tộc (Völkerrecht), rằng không quốc gia nào muốn lệ thuộc một cưỡng bức nào từ phía bên ngoài. Đoạn 3 nói ra lý do của sự phản kháng: đó là “tính ác” chứ không phải sự đồi trụy tuyệt đối của bản tính con người. Các đoạn 4-6 củng cố mục đích xuyên suốt chấm dứt chiến tranh, chủ trương hòa bình, khẳng định Liên minh các dân tộc (Völkerbund) (Höffe [Hrsg.] 42024, 79).
Diễn tả một cách chi tiết: Theo Logic của điều kiện tự nhiên giữa các quốc gia, thì các quốc gia này phải được kết hợp với nhau thành một Quốc gia các dân tộc (Völkerstaat), chứ không phải Liên minh các dân tộc (Völkerbund: Föderalism); Quốc gia các dân tộc này sở hữu một quyền cưỡng bức trên các quốc gia thành viên của mình, giống như các quốc gia thành viên này sở hữu quyền cưỡng bức trên các cá thể công dân của mình.
Vậy nay với lý do nào mà Kant trong văn phẩm Hòa bình của mình đã từ bỏ ý tưởng Quốc gia các dân tộc, rồi đề xuất ý tưởng Liên minh các dân tộc, điều này trên công luận có nhiều ý kiến khác nhau dựa trên những tham chiếu khác nhau: (1).Có người cho rằng, Kant dựa trên xác tín, quyền năng tối cao của nhà nước là điều không thể phân chia, vậy nên khái niệm Quốc gia các dân tộc sẽ là một điều tự mâu thuẫn (x.8:354); (2).Ý kiến khác cho rằng, bởi Kant lưu tâm đến nguyện vọng dân chủ trong nước, nên đã không muốn đưa ra đòi hỏi chuẩn mực nào cho việc thành lập một Quốc gia các dân tộc (x.8:355t.); (3).Một Quốc gia các dân tộc chắc chắn sẽ đưa đến một chính thể quân chủ phổ cập chuyên chế (x.8:367); (4).Rằng sự thực hữu các quốc gia tự chủ bên nhau là một sự phát triển văn hóa cần thiết (x.8:367); (5).Rằng sự phủ quyết về Quốc gia các dân tộc là một biểu thị có khả năng phấn khích tích cực người cầm quyền hơn (x.8:357); (6).Điều phủ nhận về Quốc gia các dân tộc của Kant chỉ có nghĩa là Quốc gia các dân tộc không thể chỉ với một bước đi là thành đạt được.
Với bất cứ lý do nào đi nữa, thì Kant vẫn chủ trương thay thế ý tưởng Quốc gia các dân tộc (Völkerstaat) bằng khái niệm “thay thế tiêu cực” [“negatives Surrogat”] (8:357) của một Liên minh hòa bình tức Liên minh các dân tộc (Völkerbund: Föderalism) không mang quyền lực cưỡng bức (x. Hoesch, in: Willaschek [Hrsg.], Kant-Lexikon, 2015, III, 2729).
**Vậy khái niệm Liên minh các dân tộc (Völkerbund) được Kant hiểu như thế nào? Ngay về khái niệm này, Kant cũng có nhiều cách hiểu khác nhau tùy theo từng giai đoạn suy tư và biên soạn của mình. Trong các văn phẩm thuộc giai đoạn đầu, Kant quan niệm đó là một quốc gia trên các quốc gia; từ 1795 đó là ý tưởng về một liên minh hòa bình không có quyền cưỡng bách gì riêng cho mình, và bất cứ quốc gia thành viên nào cũng có quyền chấm dứt tính thành viên của mình. Như thế, Liên minh các dân tộc là một khái niệm bao gồm hai hình thức trong hai giai đoạn biên soạn của Kant.
(1).Trong các văn phẩm thuộc giai đoạn đầu, hình thức Liên minh các dân tộc mang hình thức tương tự như tình trạng tự nhiên của các cá thể. Giống như các cá thể con người kết hợp thành một quốc gia với các quyền tương ứng, thì nay các quốc gia kết hợp thành một Liên minh các dân tộc (x.8:24). Trong Geschichte (1784), Liên minh các dân tộc còn phải bảo đảm được an toàn và quyền lợi cho các thành viên của mình bởi quyền lực của sự kết hợp, do đó bằng cưỡng bức (x.8:24). Cả đến năm 1793, Kant còn gọi “Liên minh các dân tộc như là Cộng hòa thế giới” (Weltrepublik, 6:34) với quyền lực cưỡng bức đối với các quốc gia thành viên của mình.
(2).Nhưng trong Frieden (1795) thì được biện bác ngược lại: các quốc gia không còn có thể bị cưỡng bức giống như các cá thể con người phải rời bỏ tình trạng tự nhiên; họ đơn thuần được kêu gọi kiến tạo một Liên minh hòa bình. Bởi không có quyền lực cưỡng bức của một Cộng hòa thế giới (Weltrepublik), nên phải có một “Liên minh đặc biệt” (8:356) với quyền lực tạo ra những tương quan hợp pháp cùng với hòa bình bền vững giữa các quốc gia, nhưng nó đồng thời không phải là cơ chế tầm quốc gia, cũng như không bao hàm những phương tiện cưỡng bách nào. Liên minh các dân tộc như thế không phải là Quốc gia các dân tộc (x.8:354). Một Liên minh như thế được Kant biểu đạt như là “Föderalism” (8:354).
Trong MSR (1797), Kant sử dụng khái niệm Liên minh các dân tộc trước hết theo một nghĩa khái quát như một thẩm quyền kiến tạo pháp lý liên quốc gia, tiếp theo là xác định nó không phải là một quyền lực tối cao, nhưng chỉ là hình thức của một Liên minh (Föderation) (x.6:344); sau này Kant còn gọi nó là Hội nhóm quốc gia (Staatenverein, 6:350).
(x.Hoesch, M., Völkerbund, in: Kant-Lexikon, 2015, III, 2546-2547)
Suy tư phản biện ghi nhận vấn đề nhưng không dứt khoát giải quyết: Liên minh các dân tộc được hiểu như thế thì có thể đáp ứng hiệu nghiệm cách nào các nhiệm vụ của mình và nó đích thực có còn giá trị pháp lý nào nữa không, đó là vấn đề được đặt ra.
Trong lịch sử văn chương triết học, tiếp nối quan niệm về Pháp quyền các dân tộc của Kant trong văn phẩm Hòa bình vĩnh cửu, thì khái niệm Liên minh các dân tộc phần lớn được sử dụng như là khái niệm nghịch với khái niệm Cộng hòa thế giới (Weltrepublik), nghĩa là như một thể chế không dùng phương tiện cưỡng bách.
2.3.Điều khoản chung quyết thứ ba bàn về pháp quyền công dân thế giới,
với châm ngôn: “Pháp quyền công dân thế giới cần được giới hạn trong những điều kiện về tính hiếu khách” (357/B40)
Trong đoạn dẫn nhập vào Điều khoản chung quyết thứ hai, ta đã nói đến ba hình thức nhà nước cùng với ba mô hình pháp quyền tương ứng, trong đó hình thức nhà nước thứ ba là Quốc gia con người tổng quát (eines allgemeinen Menschenstaats) cùng với mô hình Pháp quyền công dân thế giới (Weltbürgerrecht) tương ứng (349, 27-29). Hình thức nhà nước thứ ba cùng với mô hình pháp quyền thứ ba tương ứng chính là chủ đề của tiểu đoạn Điều khoản chung quyết thứ ba nay được bàn đến sau đây. Trước hết ta bàn: (1).về khái niệm Pháp quyền công dân thế giới và sau đó: (2).về sự hình thành thể hiện nó như thế nào.
(1).Về Khái niệm Pháp quyền công dân thế giới: Điều đặc sắc quan trọng được Kant sử dụng nơi đây như khung khái niệm hệ thống hóa vấn đề Pháp quyền công dân thế giới là khái niệm “dòng chảy hỗ tương” (‘wechselseitig einfließen’) hay “ảnh hưởng vật lý hỗ tương” (‘des wechselseitigen physischen Einflusses’) của các sự vật (349: 23, 32, 35-36). Rằng, thể nhân hay pháp nhân, những kẻ sống bên cạnh nhau trong không gian, đồng thời không muốn hoặc không thể lìa bỏ cuộc sống lân cận này (349: 21-22; MSR 6:256, 312) đều có nghĩa vụ pháp lý phải kết hợp với nhau trong một hiến pháp mang tính công dân. Hiến pháp này -ngoài Pháp quyền công dân quốc gia trong trường hợp các nhân thể tự nhiên và ngoài Pháp quyền các dân tộc trong trường hợp các quốc gia- chính là Pháp quyền công dân thế giới nay là những con người và những quốc gia trong mối “tương quan hỗ tương trôi chảy vào nhau” của một “Quốc gia con người khái quát” (‘jus cosmopoliticum’) (x.Brandt, R., In: Höffe [Hrsg.] 42024, 103-104).
*Chú thích: “Dòng chảy hỗ tương” với cả những ảnh hưởng vật lý nói trên được Kant sử dụng trong nhiều văn kiện, qua nhiều thời kỳ, cùng với những ý nghĩa khác nhau, với thuật ngữ latinh ‘influxus physicus’: x. Kant-Lexikon 2015, 1165-1167. Một thuật ngữ tiếng Việt tương ứng có thể là “tương tức tương nhập tương tác”.
Mối “tương quan hỗ tương” được Kant dùng ở đây với thuật ngữ “dòng chảy vật lý hỗ tương” (‘influxus physicus’) trong cả hai tầng ý nghĩa vật chất và tinh thần (x. Kant-Lexikon 2015, 1167) được đặt ra trong liên hệ với tính tổng thể của cả nhân loại. Nó được biểu hiện đến đỗi chúng ta có thể bắt nắm được những tình trạng và những biến chuyển của pháp luật từ trong mọi thành phần của thế giới, đến đỗi chúng ta cũng có thể “cảm xúc” (“fühlen”) được nó (360,4). Chúng ta nay sống như cư dân của trái đất, và như vậy chúng ta cũng có thể như Kant diễn tả vật lý như một khoa học, như một “hệ thống năng lượng chuyển động”, như một hệ thống “tương tức tương nhập tương tác”, đưa pháp luật của lý tính đến yêu sách phải thực hiện được Pháp quyền công dân thế giới và như thế cũng là hoàn thành được Pháp quyền công cộng. Pháp quyền của tự nhiên nay được thể hiện nên Pháp quyền của con người. “Dòng chảy vật lý” (‘influxus physicus’) được thể hiện trong thời đại mới, từ những lý do lịch sử và kiện toàn được Pháp quyền của lý tính trong lịch sử (349, 360); (x. Brandt, R., In: Höffe [Hrsg.] 42024, nt).
(2).Về sự hình thành thể hiện Pháp quyền công dân thế giới: Bằng cách nào Pháp quyền công dân thế giới có thể đem lại hòa bình, không phải từ một quốc gia thế giới (Weltstaat), nhưng là từ cấu trúc của những quốc gia cộng hòa? Có hai lĩnh vực, trong đó pháp luật và tự nhiên trên bình diện thế giới có thể cung cấp điều kiện thực hiện. Trước hết, đó là pháp luật về tính hiếu khách và tiếp đến là xu hướng tự nhiên tìm kiếm thắng lợi như thông qua thương nghiệp. Ta hãy bắt đầu với tính hiếu khách, lĩnh vực mang tính pháp luật.
(2.1).Tính hiếu khách: Tính hiếu khách có nghĩa “quyền thăm viếng, quyền cho mọi người xa lạ đi đến một xã hội không quen biết mà không bị đối đãi một cách thù nghịch, quyền ấy có được bởi lý do sở hữu chung mặt bằng trái đất có giới hạn, trên đó từ nguyên thủy không ai có quyền đắc thủ hơn ai một nơi nào đó” (358). Đối nghịch với quyền này có hai cách: hoặc từ chối khách lạ đi vào đất mình hay đối xử với họ như một sự vật, cách thứ hai ngược lại: chính mình với cao vọng của một đế quốc hành xử bất nhân trên một miền đất lạ.
Việc biện giải cho hình thức cụ thể của Pháp quyền công dân thế giới trong văn phẩm Hòa bình của Kant chỉ rất ngắn (như trong câu văn đã được trích dẫn). Diễn giải kỹ lưỡng và rộng rãi hơn được tìm thấy trong tác phẩm năm 1797: Siêu hình học về đức Lý, phần I: Học thuyết về pháp quyền (MS Rechtslehre, AA, 6:203-372). Theo đó, mọi người từ bẩm sinh đều có quyền sinh sống trên mặt đất này, nơi mà tự nhiên hay hoàn cảnh đưa đến (6:262). Đàng khác, bởi mặt đất có giới hạn, nên việc sở đắc chung và từ nguyên thủy kia cần được quy định bởi pháp luật (6:262). Vậy những ai vô tình như khi bị bão táp sóng gió xua đẩy vào một bờ bến xa lạ nào đó, thì được hưởng quyền thăm viếng, bởi họ cần có được một mảnh đất đặt chân sinh sống.
(2.2).Giao lưu thương nghiệp: Và theo Kant thì cả những kẻ có chủ ý thực hiện những tương quan mang tính pháp lý với một cư dân xa lạ, như trường hợp giao lưu thương nghiệp mua bán, thì cũng được hưởng quyền thăm viếng này. Trong phân đoạn Pháp quyền công dân thế giới trong văn phẩm Học thuyết về pháp quyền nói trên (6:352-353), vấn đề giao lưu bằng thương nghiệp được nhấn mạnh: “… tương giao cả về vật chất với nhau…, mà người xa lạ không bị xem như một kẻ thù địch” (6:352). Trường hợp có khả năng lạm dụng cũng không hủy bỏ được cái “quyền công dân địa cầu” (“Recht des Erdbürgers”) này, cái quyền cộng đồng kết nối với mọi người, và để được vậy là cái quyền thăm viếng mọi vùng miền trên trái đất (6:353).
Tổn thương quyền thăm viếng: Quyền thăm viếng bị tổn thương khi người khách lạ không được chấp nhận. Trong lịch sử thế giới, điều bi ai hơn lại là điều ngược lại: người khách lạ nay lại là kẻ phá vỡ quyền thăm viếng và biến nó thành quyền đế quốc đi cưỡng chiếm các dân nước xa gần khác (6:352). Kant đồng ý với sự phê phán chống lại chính sách thuộc địa của châu Âu vào giữa thế kỷ 18 với những biện giải được trình bày trong lý thuyết pháp luật của ông. Khi so sánh thái độ của người dân bản địa với “thái độ thù nghịch của các quốc gia thương nghiệp thuộc thế giới của chúng ta, thì sự bất công của các quốc gia này trong việc biến đổi quyền thăm viếng thành quyền chiếm đoạt quả là điều kinh khủng” (358) – sự phá vỡ pháp quyền của dân đế quốc quả là rành rành trước mặt” (358).
Phần 3. Bổ sung 1: Bảo đảm cho Hòa bình vĩnh cửu.
Tiếp nối lý thuyết pháp quyền luân lý về hòa bình, Kant đã bổ sung thêm ở đây lý thuyết cứu cánh luận của tự nhiên về hòa bình. Lấy lại những tư tưởng về triết học lịch sử và về Phê phán năng lực phán đoán, Kant đã khai triển ở đây một lịch sử xã hội của nhân loại, dựa trên cơ sở bản tính tự nhiên của con người, nhưng đồng thời được xác định cho hòa bình như là mục đích cuối cùng.
Phần 4. Bổ sung 2: Điều khoản bí mật cho Hòa bình vĩnh cửu.
Đoạn bổ sung 2 này nói về mối tương quan giữa triết học -biểu hiện của sự khai sáng- và quyền lực chính trị. Trong bàn luận về pháp quyền công cộng mà có điều khoản bí mật, thì khách quan là một điều mâu thuẫn, nhưng chủ quan thì người nắm quyền lực chính trị không nhất thiết phải tiết lộ nguồn suy tư của mình đón nhận được từ triết học.
Phần 5. Phụ lục: Luân lý và chính trị. Bất hòa và hòa hợp giữa luân lý và chính trị.
(‘Mißhelligkeit und Einhelligkeit zwischen der Moral und der Politik’)
Để thực hiện hòa bình, ta cần đến chính trị. Để duy trì hòa bình, ta cần đến những quyết sách của chính trị. Nhưng khi hòa bình không còn là lý tưởng của luân lý và pháp luật, mà chỉ là chủ đích nghề nghiệp của người làm chính trị, thì chắc chắn không tránh khỏi một cuộc xung đột giữa chính trị và luân lý cùng với pháp luật. Sau đây ta sẽ bàn đến ba tình huống tương quan giữa luân lý và chính trị.
(5.1).Số phận của hòa bình giữa luân lý và chính trị.
Có thể là điều hi hữu, khi một vấn đề luân lý lại được giải quyết bằng pháp luật. Mà quả thật, đó là vấn đề hòa bình được thực hiện thông qua các phương sách pháp luật của quốc gia, liên minh các dân tộc và liên minh công dân thế giới. Theo những nguyên tắc cơ bản về luân lý và pháp luật được Kant bàn đến trong Siêu hình học về đức lý (1797), thì luân lý điều tiết chủ đích của hành động thuộc ‘học thuyết về đức hạnh’ (‘Tugendlehre’), còn những tương quan giữa các tự do thì được pháp lý điều động thuộc ‘học thuyết về pháp quyền’ (‘Rechtslehre’).
Trong Phụ lục của văn phẩm Hòa bình của Kant, ý niệm luân lý được hiểu một cách sâu rộng, bao gồm những quy luật xác định hành động cho cả hai lĩnh vực cơ bản là đạo đức và pháp luật (385). Theo đó thì luân lý bao gồm toàn bộ sự thực hành [đạo đức và pháp luật] và là một thực hành mang tính quy tắc chuẩn mực. Việc thực hiện hòa bình trên tư thế chính trị [thông qua đạo đức và pháp luật] như thế đưa đến sự kiện, rằng học thuyết về pháp quyền trên bình diện nội quốc gia có tác dụng luân lý hóa chính trị, còn trên bình diện liên minh các dân tộc thì đưa lại một luân lý liên hiệp các quốc gia -điều kiện độc nhất không làm nguy hại đến hòa bình (Castillo M., in: Höffe [Hrsg.] 42024, 141-142).
(5.2).Ngụy luận của sự tài khéo đối chiếu với sự khôn ngoan.
Tiểu đoạn này bàn về lý do của sự bất hòa [Mißhelligkeit] và sự hòa hợp [Einhelligkeit] giữa luân lý và chính trị. Sự bất hòa là do người nắm giữ quyền lực, dưới ảnh hưởng của những “quân sư quạt mo”, chủ trương tìm kiếm lợi lộc, hiệu quả tức thời, một chính trị gọi là duy thực [Realpolitik], dựa trên sự tài khéo quốc gia [Staatsklugheit], nhân vật nắm giữ quyền lực này được gọi là “[ngụy] luân lý gia làm chính trị” [‘politischer Moralist’]. Còn hòa hợp là do người ở vị thế quyền lực, được tư vấn bởi những vị thầy pháp quyền triết lý, dựa trên sự khôn ngoan quốc gia [Staatsweisheit], nhân vật thực thi quyền lực này được gọi là “chính trị gia đạo hạnh” [‘moralischer Politiker’].
Để tái lập lại được sự hòa hợp giữa chính trị và luân lý, thì theo Kant phải loại bỏ cái ảo tưởng sự tự trị của quyền lực, tìm kiếm lợi lộc và hiệu quả tức thời, đánh mất đi tính chính danh đích thực của quyền lực. Thay vào đó, là thiết lập một nền chính trị mang tính pháp quyền, và biểu hiện của nền chính trị pháp quyền này được thể hiện thông qua “Nguyên lý tính công khai, công minh, công luận” [‘Prinzip der Publizität’].
(5.3).Tính công khai và pháp quyền của công luận.
Trong Phê phán lý tính thuần túy (1781), Kant đã đề xuất giải pháp giải quyết các xung đột giữa các trường phái triết học bằng cách các đối thủ phải “đưa tư tưởng của mình công khai ra trước phán quyết của công luận” (PPLTTT A 492). Đây là một phán quyết trên cơ sở pháp lý. Nó được sử dụng không phải để khống chế đối thủ như trường hợp của sự tài khéo theo nguyên lý bạo lực, nhưng là để dẫn đưa họ đến chủ đích pháp lý khách quan của sự khôn ngoan theo nguyên lý sự công chính.
Lời Kết của văn phẩm Hòa bình:
“Hướng đến nền hòa bình vĩnh cửu” là một tác phẩm triết học chính trị bao quát, với phẩm tính cộng hòa trên cá thể từng quốc gia, trên liên minh các dân tộc và trên liên hiệp các quốc gia trên thế giới.
Đây là một nền hòa bình khả thi và khả thực, trên cơ sở luân lý pháp quyền, không thù nghịch với nguyên lý biện chứng “hợp quần phi quần hợp” (‘ungesellige Geselligkeit’) theo quy luật phát triển của tự nhiên và của xã hội, sử dụng mệnh lệnh thiết yếu của pháp luật, cũng như mệnh lệnh thiết yếu của quốc gia trên cơ sở công luận và ý chí toàn dân (378, 19-22, và 386, 27-29).
Rồi Kant kết thúc theo thể thức lời Kinh thánh Tân ước: “Hãy tìm kiếm trước hết vương quốc của lý tính thực hành và sự công chính, và như thế sau đó mục đích mà các Bạn theo dõi là hòa bình vĩnh cửu tự nó cũng sẽ được thực hiện” (378, 5-7). Ngày xưa quân sư lý thuyết Vegetius (tk.4 SCN) của đế quốc Roma nói: “Nếu Bạn muốn hòa bình, hãy chuẩn bị chiến tranh”, ngày nay Kant (1724-1804) nói: “Nếu Bạn muốn hòa bình, hãy thực thi công lý” (x. Höffe, in: Höffe [Hrsg.] 42024 Immanuel Kant: Zum ewigen Frieden), 8-13).
Bảng tên sách viết tắt của Kant:
Anfang Mutmaßlicher Anfang der Menschengeschichten (1786), (VIII 107-123). Phỏng đoán về lúc khởi đầu của lịch sử con người.
Fak Der Streit der Fakultäten (1798), (VII 1-116). Sự tranh cãi giữa các phân khoa.
Gemeinspruch Über den Gemeinspruch: Das mag in der Theorie richtig sein, taugt aber nicht für die Praxis (1793), (VIII 273-313). Về câu thành ngữ: Có thể đúng về lý thuyết, nhưng vô dụng về thực hành.
GMS Grundlegung zur Metaphysik der Sitten (1785), (IV 385-463). Đặt cơ sở cho Siêu hình học về đức lý.
Idee Idee zu einer allgemeinen Geschichte in weltbürgerlicher Absicht (1784), (VIII 15-31). Ý tưởng về một lịch sử khái quát hướng theo mục đích làm công dân thế giới.
KpV Kritik der praktischen Vernunft (1788), (V 1-163). Phê phán lý tính thực hành.
KrV Kritik der reinen Vernunft (1787, Ấn bản lần hai), (A: IV 1-252, B: III 1-552). Phê phán lý tính thuần túy.
KU Kritik der Urteilskraft (1790), (V 165-485). Phê phán năng lực phán đoán.
MS Die Metaphysik der Sitten (1797), (VI 203-493). Siêu hình học về đức lý.
RL Die Rechtslehre (=1.Teil der MS VI 203-372). Học thuyết về pháp quyền (Phần 1 của MS).
TL Die Tugendlehre (=2.Teil der MS: VI 373-493). Học thuyết về đức hạnh (Phần 2 của MS).
Rel. Die Religion innerhalb der Grenzen der bloßen Vernunft (1793), (VI 1-202), Tôn giáo bên trong các ranh giới của lý tính đơn thuần.
Sách tham khảo về Kant:
Gerhardt, Volker 22023: Immanuels Kants Entwurf >Zum ewigen Frieden<. Eine Theorie der Politik, Darmstadt.
Gerhardt, Volker 2022: Der Sinn des Sinns, Versuch über das Göttliche. München.
Höffe, Otfried 2001: Königliche Völker, Frankfurt. [III. Rechtsmoral und Frieden]
Höffe, Otfried 2004: Wirtschaftsbürger, Staatsbürger, Weltbürger. Politische Ethik im Zeitalter der Globalisierung, München.
Höffe, Otfried 2007: Immanuel Kant, München.
Höffe, Otfried 2011: KrV. Die Grundlegung der modernen Philosophie, München. [s.. epistemische,Kopernikanische Revolution , 45-50]
Höffe, Otfried 2012: KpV. Eine Philosophie der Freiheit, München. [Zur Garantie des ewigen Friedens, Kap.17, 293-310]
Höffe, Otfried 2016: Geschichte des politischen Denkens, München. [Kant. Zum ewigen Frieden, Kap. 15.8, 298-319]
Höffe, Otfried (Hrsg.) 42024: Immanuel Kant: Zum ewigen Frieden, Berlin/Boston.
Klemme, Heiner F. 1992: Einleitung zu Immanuel Kant: Über den Gemeinspruch und Zum ewigen Frieden, Verlag Meiner, Hamburg.
Willaschek, Marcus u.a. 2015: Kant-Lexikon, 3 Bde, Berlin/Boston.
Willaschek, Marcus 22024: Kant. Die Revolution des Denkens, München.
Be First to Comment