Press "Enter" to skip to content

LỜI MỜI GỌI CỘNG TÁC…

LỜI MỜI GỌI CỘNG TÁC VÀ THÔNG TIN

Từ

TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU TƯ TƯỞNG VIỆT

Lời Kính Mời

Trung Tâm Nghiên Cứu Tư Tưởng Việt (TTNCTTV) xin được kính báo tới quý vị học giả quan tâm tới nền tư tưởng nước nhà một tin mừng, đó là Học Viện Công Giáo Việt Nam (HVCGVN), qua điện thư 19.02.2025 của Đức Giám mục Viện trưởng Tiến sỹ Phêrô Nguyễn Văn Khảm gửi Gs Phan Đình Cho (Georgetown University) và Gs Trần Văn Đoàn (National Taiwan University & Fujen University), đã chấp nhận đề án TTNCTTV như là một đơn vị nghiên cứu của Học Viện.

Hiện thời Trung Tâm Nghiên Cứu Tư Tưởng Việt đương trong giai đoạn qui hoạch, nên rất mong có được sự quan tâm, cổ võ, góp ý của các nhà học giả, tư tưởng ưu thời mẫn thế, muốn đóng góp vào công việc bồi đắp, gây dựng một nền tư tưởng nước nhà. Những lời chỉ giáo của quý vị chắc chắn sẽ giúp Trung Tâm định hướng đường đi và hoạt động hiệu quả hơn. Chúng tôi thành tâm lắng nghe và xin chân thành cám ơn.

Phan Đình Cho (Georgetown University, Washington D.C., Mỹ)

Trần Văn Đoàn (National Taiwan University & Academia Catholica, Fujen Catholic University, Đài Loan)

Ps. Mọi đóng góp ý kiến, xin e-mail về Trần Văn Đoàn, E-mail: tran@ntu.edu.tw


BẢN THÔNG TIN CỦA

TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU TƯ TƯỞNG VIỆT

Trong bản thông tin sau đây, chúng tôi xin giới thiệu một cách ngắn gọn về Học Viện Công Giáo Việt Nam và về Trung Tâm Nghiên Cứu Tư Tưởng Việt (TTNCTTV) cũng như (dài hơn) về bối cảnh lịch sử của Trung Tâm,

Về Học Viện Công Giáo Việt Nam (HVCGVN):

Học Viện Công Giáo Việt Nam được Hội Đồng Giám Mục Việt Nam thành lập năm 2015 qua sắc lệnh của Bộ Giáo Dục Tòa Thánh Vatican (9.2015), với sự đồng ý của Ban Tôn Giáo Chính phủ Cộng Hòa Chủ Nghĩa Xã Hội Việt Nam. Học Viện nằm trong hệ thống cả ngàn Đại học, Học Viện Công giáo trên thế giới. Bằng cấp, chứng chỉ, học vị được hầu hết các nước trên thế giới công nhận.

Hiện HVCGVN có Viện Thần Học (Faculty of Theology), và các Bộ Môn (Ngành, Department) Triết Học, Ngoại Ngữ, Văn Hóa, Mục Vụ và, đặc biệt, Ngôn ngữ Dân Tộc Êđê, K’ho, Mnông, cũng như 6 Trung Tâm Nghiên Cứu và Đào Tạo (bao gồm Luân Lý, Văn Hóa, Dịch Thuật…).

Ban Giảng Huấn Học Viện (chuyên nhiệm và thỉnh giảng) trên 120 Giảng viên (Giáo sư, Phó Giáo sư, Giáo sư Trợ lý, Giảng sư) hầu hết được đào tạo, tốt nghiệp Tiến sỹ tại Âu, Mỹ và Á châu, trong đó có một số thành viên từng dạy hay đương công tác tại các đại học nước ngoài.

Khác với các Đại Chủng Viện hay Học Viện (của các Hội Dòng Tu), nơi đào tạo giới tu sỹ cho các Giáo phận và Hội Dòng, HVCGVN đi sâu vào nghiên cứu hàn lâm, lý thuyết và áp dụng, với 6 Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo. TTNCTTV là Trung tâm thứ 7.

HVCGVN là cơ quan duy nhất của Giáo hội Công giáo Việt Nam cấp bằng Thạc sỹ và Tiến sỹ (hiện đương qui hoạch).

Học Viện mở rộng đón nhận sinh viên không phải là tu sỹ và không phân biệt giới tính.

Về Trung Tâm Nghiên Cứu Tư Tưởng Việt

Học Viện Công Giáo Việt Nam, qua thơ điện tử của Đức Giám Mục Viện trưởng Tiến sỹ Phêrô Nguyễn Văn Khảm gửi hai người chủ trương, Gs Trần Văn Đoàn (Đh Quốc Gia Đài Loan) và Gs Phan Đình Cho (Đh Georgetown, Washington DC, USA), ngày 19.02.2025, đã chấp nhận đề án thành lập Trung Tâm Nghiên Cứu Tư Tưởng Việt (TTNCTTV) như là một trong những Trung Tâm Nghiên Cứu của Học Viện Công Giáo Việt Nam.

1. Mục Đích và Tôn Chỉ: Trung Tâm chuyên nghiên cứu, thúc đẩy và hỗ trợ những nghiên cứu liên quan đến tư tưởng Việt, đi tìm nền tảng và khai quật bản chất của dân Việt (theo nghĩa rộng của người Việt Nam). Ngoài ra, Trung Tâm hỗ trợ các bộ môn như tôn giáo, thần học, triết học, nghệ thuật, văn hóa, âm nhạc trong quá trình bản vị hóa mang tính Việt hơn…Xa hơn, Trung Tâm cổ võ giới tư tưởng Việt trong quá trình khai quật và xây dựng nền thần học Việt, triết học Việt, tôn giáo Việt, nghệ thuật Việt… nói chung văn hóa Việt.

Đây là một Trung Tâm Nghiên Cứu thuần túy học thuật, theo đúng tinh thần hòa nhập (inculturation), mở rộng, canh tân (aggiornamento) và phục vụ của Công Đồng Vatican II, tách biệt khỏi chính trị và tranh chấp tôn giáo. Mọi học giả không phân biệt tôn giáo, chính trị, sắc tộc, giới tính đều có thể chia sẻ và sử dụng những kết quả nghiên cứu của Trung Tâm.

2. Trung Tâm có tên Trung Tâm Nghiên Cứu Tư Tưởng Việt (viết tắt TTNCTTV), tiếng Anh: The Center for Research in Viet-Thinking.

 

3. Quá Trình Thành Lập:

– Giai đoạn Chuẩn bị Thành Lập: 2025-2027.

– Chính thức Hoạt Động: Niên khóa 2027 (Theo đề nghị của Đức Giám mục Viện trưởng Phêrô Nguyễn Văn Khảm)

4. Những Sinh Hoạt Chính của TTNCTTV

Theo đúng tôn chỉ nghiên cứu hỗ trợ nghiên cứu, Trung Tâm sẽ tổ chức, hay đồng tổ chức:

  • Chương trình nghiên cứu (Trung Tâm đề ra)
  • Hỗ trợ chương trình nghiên cứu của Học Viện và các cơ quan hàn lâm khác.
  • Seminar: Thảo luận chuyên đề.
  • Hội thảo
  • Thuyết trình
  • Nghiệm Thu, Công bố, Xuất bản
  • Xúc tiến Cộng tác với giới Hàn lâm trong và ngoài nước như Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam, Hai Đại học Quốc Gia, Đh Sư Phạm Hà Nội, Đh Phụ Nhân (Đài Loan), v.v. cũng như các Học Viện của Dòng Đa Minh, Dòng Tên, Dòng Phan Xi Cô, các Đại Chủng Viện… và cả Học Viện của các tôn giáo khác như Phật Giáo Việt Nam, Cao Đài, Tin Lành…
  • Cộng tác với một số nhà xuất bản (như Nxb Trí Thức) và nhiều Tập san chuyên ngành. Hiện các tập san sau đây nhận lời cộng tác với TTNCTTV, công bố tác phẩm của thành viên Trung Tâm: Tạp chí Triết – Triết Học và Tư Tưởng, Tập san Lời Vào Đất (của HVCGVN), Tập san Philosophy, Culture and Traditions (Hội Triết Học Công Giáo Thế Giới, Canada), Tập san Lumen (Viện Hàn Lâm Academia Catholica, Đài Loan), Tập san Prajna Vihara (Đh Assumption, Thái Lan), v.v.

5. Nhân Sự: Thư ký thường trực (full-time) kiêm phụ trách Thư viện Trung Tâm. Giám đốc (không lương) do Viện trưởng Học Viện bổ nhiệm theo nhiệm kỳ. Nghiên cứu viên được mời theo đề án của các chương trình nghiên cứu.

6. Địa Chỉ: Trung Tâm (sẽ) nằm trong Khuôn viên của Học Viện Công Giáo Việt Nam.

Địa chỉ: số 25 Đường số 9, Khu 1, Phường Bình Thọ, Tph. Thủ Đức.

Liên lạc: Trần Văn Đoàn. Academia Catholica, Fujen Catholic University, 510 Chungcheng Road, NEW TAIPEI City, Taiwan.

E-mail: tran@ntu.edu.tw


Phụ Lục:

Để quý vị học giả biết rõ hơn về bối cảnh thành lập Trung Tâm, chúng tôi xin cung cấp một số thông tin (chưa đầy đủ, và chưa hoàn toàn chính xác) như sau:

1-Nghiên cứu Triết Việt Hiện nay:

    Hiện nay có một số nơi đương tiến hành công việc nghiên cứu triết Việt, bao gồm:

    (1) Tổ Nghiên cứu Tư tưởng Việt Nam của Viện Triết Học, Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam. Tổ được Gs Phạm Văn Đức (Viện trưởng) thành lập, với nhiều nghiên cứu viên như PGs Hoàng Thị Thơ, PGs Lê Thị Lan, PGs Nguyễn Tài Đông (Viện trưởng), PGs Trần Nguyên Việt, Ts. Trần Thúy Ngọc, Ts. Nguyễn Thị Mai, v.v. Nhiều tác phẩm đã được công bố, đặc biệt 3 Tập Lịch sử Tư tưởng Việt Nam do các Gs Nguyễn Tài Thư (Tập 1), PGs Lê Sỹ Thắng (Tập 2) và Gs Nguyễn Trọng Chuẩn (Tập 3) chủ biên.

    (2) Một số nhà giáo Triết học tại Khoa Triết học (Học Viện Hồ Chí Minh), Gs Nguyễn Quang Hưng, Gs Đỗ Quang Hưng (Trung Tâm Tôn Giáo Đương Đại, Đh Quốc Gia Hà Nội), PGs Trịnh Doãn Chính (Đh Quốc Gia Tph Hồ Chí Minh), Gs Nguyễn Hùng Hậu (Học Viện Chính Trị, Học Viện Hồ Chí Minh), Gs Tô Duy Hợp (Viện Xã Hôi Học, Viện Hàn Lâm), PGs Chu Văn Tuấn (Viện Tôn Giáo, Viện Hàn Lâm), cũng như học giả Nguyễn Khắc Mai và Trung Tâm Minh Triết của ông, v.v.

    Nói chung, không ít giới trí thức nước nhà quan tâm tới tư tưởng Việt.

    2-Nghiên cứu Triết Việt trước 1975 và tại Hải Ngoại sau 1975:

      TTNCTTV thực chất tiếp nối công việc của giới tư tưởng, trí thức Việt tại Việt Nam và hải ngoại. Do vậy, phần này đặc biệt giới thiệu “tiền thân” của Trung Tâm, tức Nhóm Nghiên Cứu Triết Việt, Viện Triết ĐạoTrang web Dunglac.net.

      Tại Việt Nam:

      Triết học Việt được thai nghén ngay từ thập niên 1960s. Vào thời này, triết học tại Việt Nam phần lớn là triết Tây (tại miền Nam) và chủ thuyết Mác-Lê (tại miền Bắc). Có một sự hồi sinh khá hấp dẫn của của triết Đông tại hai Đại học Sài Gòn và Vạn Hạnh, một chút âm thầm (không công bố) tại Đh Hà Nội (với Cao Xuân Huy, Trần Đình Hượu, hai ông được biết đến rất muộn mãi vào thập niên 1990s). Các tác phẩm triết học mang tính giới thiệu, ngoại trừ Trần Đức Thảo, Kim Định và Léopold Cadière. Nguyễn Đăng Thục nằm trong số hiếm hoi để ý đến tư tưởng Việt Nam. Ông sáng lập Khoa Triết (Đông) tại Đh Vạn Hạnh, và từng công bố bộ Lịch sử Tư tưởng Việt Nam (6 Tập). Cadière có lẽ là nhà nghiên cứu tư tưởng, tôn giáo Việt nghiêm túc hơn cả. Trong khi Đh Vạn Hạnh là cái nôi của Phật học. Nói chung, Đông hay Tây, Phật giáo hay Công giáo, Bắc hay Nam, hầu như giới tư tưởng Việt đều thao thức với đất nước, với vấn nạn nhược tiểu, với thân phận trí thức “ngoại lai”, nói chung, thân phận người Việt. Từ đây, họ ý thức được sự quan trọng của công việc phải đi tìm căn tính, trở lại nguồn, dùng trí tuệ Việt để giải đáp nan đề xung đột ý thức hệ và đi tìm hòa giải, với những phong trào như Hưng Đông (Hoàng Sỹ Quý), Việt Nho (Kim Định), Việt Phật (Lê Mạnh Thát).

      Những ưu tư của thời này đến nay vẫn còn giá trị. Trong hay ngoài nước, chúng ta vẫn ý thức được rằng, chỉ khi nào có tư tưởng của riêng mình thì mới có thể thoát ra khỏi thân phận nhược tiểu tư duy, “ăn theo nói leo”, hết theo Tầu đến theo Tây, hết Tây đến Nga, hết Nga đến Mỹ, và cứ thế “tiết mù nó lại vòng quay” của đèn cù.

      Tại Hải Ngoại:

      Tại hải ngoại sau 1975, ý thức thân phận nhược tiểu càng sâu đậm hơn. Một số trí thức vẫn tha thiết nỗ lực tiếp nối những người đi trước. Sau gần chục năm cuộc sống xáo trộn, họ vẫn không bỏ cuộc, và đã có những công bố liên quan đến tư tưởng Á đông và Việt vào những năm 1980. Trong giới Công giáo, nguyệt san Dân Chúa (Mỹ), Thời Điểm (Trần Công Nghị, Quyên Di, Trần Cao Tường, Phạm Văn Tuệ), Định Hướng (Nguyễn Đăng Trúc) trước sau ra đời, với nhiều bài viết về triết học, thần học, văn hóa. Ngoài Công giáo có Triết của nhóm Nguyễn Hữu Liêm, Phan Công Chánh (Mỹ), có Viện Việt Học của nhóm cựu giáo sư Đh Sài Gòn và Đh Huế. Tại Canada có Tập san Vietnamologica của nhóm Lê Hữu Mục, Thái Công Tụng. Tại Úc có Tập san Tư Tưởng của Cung Đình Thanh. Ngoài ra có nhiều công bố trên các trang Web như Talawas (Phạm Thị Hoài), Gió-O (Lê Thị Huệ), Tiền Vệ (Úc), DVC online (Mỹ, với những bài viết của Nguyễn Văn Lục, v.v.), Hợp Lưu, Da Mầu, v.v.

      2.1. Nhóm Nghiên Cứu Triết Việt

        Nhưng sớm nhất là Nhóm Nghiên cứu Triết Việt. với bốn nhà giáo triết học: Trần Văn Đoàn (Đh Quốc Gia Đài Loan), Lương Kim Định (Đh Sài Gòn), Vũ Kim Chính (Đh Phụ Nhân, Đài Loan) và Vũ Đình Trác (Đh Minh Đức, Sài Gòn). Năm 1983, sau khi đọc một bài viết của Trần Văn Đoàn (Dân Chúa, 08.1983) Kim Định đã hồi đáp (Dân Chúa, 11.1983 và 1.1984), và hai người cộng tác từ 1984 đến 1993 (năm KĐ bị đột quy). Trần Văn Đoàn mời Kim Định qua Đài Loan tham dự hội nghị quốc tế triết học (Đh Đông Hải, 1984). Năm 1987, ông mời Kim Định, Vũ Đình Trác (Ts Đh Sophia, Tokyo) và Vũ Kim Chính (Phó Giáo sư, Đh Phụ Nhân) tham dự Hội nghị Thế giới về Khổng Học (do Đh Phụ Nhân, Hàn Lâm Viện Trung Quốc (Academia Sinica) và Thư Viện Quốc Gia, 1987 đồng tổ chức). Bên lề Hội nghị, Nhóm Nghiên Cứu Triết Việt xuất hiện, và nhận được sự chú ý của giới triết học quốc tế (Buổi phỏng vấn Nhóm của Tập san Universitas, 12.1987), và đặc biệt được Tu Weiming (Gs Đỗ Duy Minh, Giám đốc Viện Yenching, Đh Harvard) và William Theodore de Bary (Đh Columbia, New York) mời cộng tác.

        Sau Đài Bắc, Nhóm bắt đầu công bố nhiều nghiên cứu liên quan Việt triết. Kim Định là thành viên hoạt động và công bố nhiều nhất cho tới năm 1993. Đồng thời, Trần Văn Đoàn đã tổ chức nhiều hội thảo về Việt Triết tại các Hội nghị quôc tế tại Boston (Mỹ), Toronto (Canada), Nagasaki và Tokyo (Nhật), Hong Kong (Trung Quốc), Đài Bắc (Đài Loan), Hán Thành (Đại Hàn), Bangkok (Thái Lan) và Manila (Phi Luật Tân). Ông cũng là người xúc tiến sự cộng tác giữa các thành viên và cố vấn của Nhóm (George F. McLean, Vincent Shen, Phan Đình Cho, Gabriel Ly, Vũ Kim Chính, Tu Weiming) với giới hàn lâm ở Việt Nam, đặc biệt các Viện Triết Học, Viện Tôn Giáo và Viện Con Người của Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam và Đh Khoa Học Xã Hội Nhân Văn (Hà Nội).

        Năm 1998, Nhóm tham gia Viện Triết Đạo do Gs Phan Đình Cho, nguyên Viện trưởng Viện Thần Học, Catholic University of America, khởi xướng. Từ đó, các bài tham luận của thành viên Nhóm phát biểu tại Viện Triết Đạo, và công bố trên Tập san Triết Đạo của Viện.

        Thành viên (xếp theo thời gian cộng tác):

        1987: – Kim Định RIP, 1997. Kim Định bút hiệu của Gs Lương Kim Định. Là triết gia nổi tiếng, nguyên Gs Đh Văn Khoa Sài Gòn. Tác giả trên dưới 40 tác phẩm về Việt nho, Việt triết. Ảnh hưởng của Kim Định lớn rộng trong giới trí thức và cộng đồng Việt tại hải ngoại, và gần đây tại Việt Nam. Đã từng có nhiều hội thảo về Kim Định (2000, tại Houston, do An Việt Houston tổ chức); 2007 tại Văn Miếu Hà Nội và 2014 tại Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội (cả hai do Trung Tâm Minh Triết của Học giả Nguyễn Khắc Mai tổ chức).

        Vũ Kim Chính. RIP 2023. Ts Triết tại Áo, Ts Thần học tại Trung Hoa, dạy trên 25 năm tại Đh Phụ Nhân, Đài Loan. Gs Vũ Kim Chính là một học giả uyên thâm, triết gia, thần học gia hàng đầu, công bố nhiều tác phẩm bằng tiếng Trung, Anh, Đức và Việt ngữ. Ông được Khoa Tôn giáo Đh Phụ Nhân vinh danh là Giáo sư Ưu tú, với một Hội thảo về ông (Festschrift, 2013).

        Vũ Đình Trác. RIP 2003. Là một học giả tài hoa (Cử nhân Đh Sài Gòn), Ths (Đh Phụ Nhân Đài Loan, Ts Đh Sofia, Nhật), một nhạc sỹ, một thầy thuốc Đông y, và đầy tâm huyết với triết học, thần học Việt. Ts Trác từng dậy học tại Đh Minh Đức, Sài Gòn, nghiên cứu ngữ học, giám đốc bệnh viện Đông y châm cứu.

        Trần Văn Đoàn. Giáo sư Chính tòa hưu trí (Emeritus) tại Đh Quốc Gia Đài Loan, Gs Giảng tòa (Chair Professor) Đh Chang Jung và Gs Nghiên cứu (Research Professor) tại Viện Hàn Lâm Academia Catholica. Ông thỉnh giảng tại nhiều nước Âu, Á, Mỹ. Từng được vinh danh với 5 hội thảo quốc tế (Festschrift) về ông, tại Đài Loan, Trung quốc, Thái Lan và Việt Nam dịp ông 50 tuổi, 60 tuổi, 65 tuổi, 70 tuổi và 75 tuổi.

        1991: Lê Xuân Hy. Ts Tâm Lý Học, Đh Harvard. Từng là Viện trưởng một Viện Nghiên cứu tại Đh Seattle. Ông hiện là Gs Giảng tòa (Chair Professor), Đh Seattle.

        1996: Phan Đình Cho, Cựu Viện trưởng Viện Thần Học, Catholic University of America / Hiện là Giáo sư Giảng tòa Ellacuria (The Ellacuria Chair) về Tư Tưởng Công Giáo, Georgetown University. Gs Cho là nhà thần học nổi danh thế giới, từng 2 lần được bầu làm chủ tịch Hội Thần Học Gia Bắc Mỹ. Ông được vinh danh trong nhiều hội nghị, đặc biệt một hội thảo riêng về ông (Festschrift) tại Đh Georgetown năm ông 70 tuổi, và được nhiều đại học Mỹ trao tặng bằng Tiến sỹ Danh dự (Dr. Honoris causa).

        1997: Nguyễn Đăng Trúc. Tiến sỹ Đh Strasbourg, Pháp. Tổng biên tập Tập san Định Hướng; Điều hành Đại Học Hè. Gs Thỉnh giảng, Đh Strasbourg. Gs Trúc có tầm ảnh hưởng lớn trong giới trí thức công giáo hải ngoại.

        2002: Trần Cao Tường. RIP, 2010. Linh mục, nhà văn, nhà tư tưởng, người tham gia thành lập báo Dân Chúa, Thời Điểm, và sáng lập cũng như điều hành trang Web Dũng Lạc.

        2008: Trần Văn Toàn. RIP, 2014. Tiến sỹ Đh Leuven (Bỉ, 1961). Giảng sư Đh Huế, Đh Sài Gòn’ Giáo sư Đh Lovanium (Congo Bỉ), Đh Đh Công giáo Lille, Pháp. Gs Toàn có lẽ là người Việt đầu tiên giảng dậy triết học tại nước ngoài. Là học giả uyên thâm, đầy lòng yêu nước và Giáo hội của ông, ông đã cống hiến đến phút cuối cùng, qua đời khi đương chuẩn bị tham luận dự Hội thảo Thờ kính Tổ tiên (của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam), Tph Hồ Chí Minh, 2014.

        2008: Trần Ngọc Thêm.Tiến sỹ Khoa học Ngữ học, Đh Saint Petersburg (Nga), Giáo sư Đh Quốc gia Việt Nam tại Tph Hồ Chí Minh, sáng lập Bộ Môn Văn Hóa tại Đh Khoa học Xã hội Nhân văn. Gs Thêm là nhà ngôn ngữ và văn hóa nổi tiếng của Việt Nam. Tác phẩm Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam của Gs Thêm đã được dịch sang tiếng Anh, Pháp và Trung. Ông từng là Ủy viên Hội đồng Chức danh Nhà nước, Hội đồng Lý luận Trung ương.

        Giáo sư Học giả Cố vấn Trợ giúp Nhóm Nghiên Cứu:

        Là đồng nghiệp với Gs Trần Văn Đoàn, các triết gia sau đây đã cộng tác, tạo điều kiện và giúp Việt Nam rất nhiều:

        – George F. McLean. RIP, 2016. Giáo sư Chính tòa (Ordinarius of Metaphysics), Đh Catholic University of America, Giám đốc Center for Research in Values and Philosophy, Chủ tịch, Hội Triết Học Công Giáo Thế Giới. Là một linh mục triết gia có ảnh hưởng rộng lớn trên toàn thế giới, và cả ở Việt Nam. Cùng với Trần Văn Đoàn, Gs McLean đã đến Việt Nam nhiều lần, giúp đưa triết học Việt Nam vào lòng thế giới, và đào tạo nhiều nhà lãnh đạo của Viện Triết Học tại Washington DC.

        – Vincent Shen (Thẩm Thanh Tòng). RIP, 2019. Triết gia Đài loan nổi tiếng, Khoa trưởng Khoa Triết Học, Đh Chính trị, Đài Bắc, và sau đó là Giáo sư Giảng tòa (Chair of Chinese Philosophy and Culture), kiêm Khoa trưởng Khoa Đông Á, Đh Toronto, Canada. Từng là Chủ tịch Hội Triết Học Trung Quốc (Đài Loan), và Hội Triết Học Quốc Tế Trung Hoa (Mỹ). Gs Tòng đã cùng với Gs Đoàn đến thuyết trình tại Việt Nam nhiều lần, và là bạn thân với Viện Triết Học, cũng như ủng hộ Học Viện Công Giáo Việt Nam. Tập sách Truyền Thống Tái Sinh của Gs Tòng được Gs Nguyễn Tài Thư, chuyên gia về Tư tưởng Việt và Phật học (Viện Triết Học) dịch sang tiếng Việt.

        – Tomonobu Imamichi. RIP, 2012. Gs T. Imamichi (Kim Đạo Hữu Tín) là một triết gia Nhật nổi tiếng quốc tế, nguyên Giáo sư Viện trưởng Viện Văn Học, Đh Tokyo, Nhật, Chủ tịch Hội Siêu Hình Học Quốc Tế, Chủ tịch Hội Triết Gia Công Giáo Á châu, nguyên Hiệu trưởng Đh Công Giáo Osaka. Người sáng lập Viện Nghiên cứu Eco-Ethica (Copenhagen, 2003), đổi tên thành Viện Eco-Ethica Imamichi (sau khi triết gia qua đời). Cùng với McLean, Gs Đoàn, Gs Imamichi là những người từng điều hành Hội Triết Gia Á châu, Hội Siêu Hình Học Quốc Tế, và Liên Hội Triết Học Công Giáo Thế Giới (World Union of Catholic Philosophical Societies).

        – Jean Ladrière. RIP 2007. Triết gia, nhà toán học. Viện sỹ Viện Hàn Lâm Bỉ, Giáo sư Chính tòa, nguyên Viện trưởng Viện Cao Cấp Triết Học Đh Louvain-la-neuve (Bỉ), nguyên chủ tịch Hội Triết Học Công Giáo Thế Giới. Gs Ladrière là thầy dậy của các nhà triết học Việt như Lý Chánh Trung, Trần Văn Toàn và Nguyễn Văn Trung (và có thể cả Lê Tôn Nghiêm) tại Đh Leuven (Louvain).

        – Tu Wei-ming (Đỗ Duy Minh), Giáo sư và Giám đốc Viện Yenching, Đh Harvard. Nhà tư tưởng nổi tiếng Trung quốc họ Đỗ từng dậy học tại Đh Princeton, Đh Harvard và Đh Quốc Gia Đài Loan. Ông hiện là Viện trưởng Viện Nhân Văn Cao Cấp tại Đh Bắc Kinh, Viện sỹ Viện Hàn Lâm Trung Quốc. Theo đề nghị của Gs Đoàn, Gs Minh đặc biệt chú ý đến Nho giáo tại Việt Nam. Ông đã giúp và trợ cấp một loạt hội thảo về Nho giáo tại Việt Nam, cũng như đưa một số nhà nghiên cứu Việt qua nghiên cứu học tập tại Viện Yenching, Harvard.

        Gabriel Ly (Lý Chấn Anh). RIP 2023. Giáo sư và Hiệu trưởng Đh Phụ Nhân. Là một linh mục triết gia nổi tiếng của Trường phái Phụ Nhân, Viện sỹ Hàn Lâm Viện Thánh Thomas (Academia di Santo Tommaso, Roma). Gs Lý là một trong những học giả ủng hộ đầy nhiệt tâm chương trình của Trần Văn Đoàn, tặng học bổng và mời học giả Việt tới Đài Loan. Ông từng tới Việt Nam, thuyết trình tại Viện Triết Học, Viện Con Người và Viện Tôn Giáo thuộc Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội. Tập sách Triết Học Cơ Bản của Lý Viện sỹ được Gs Nguyễn Tài Thư dịch sang tiếng Việt.

        Sinh hoạt chính của Nhóm Nghiên Cứu Triết Học Việt Nam

        – Xuất bản, chủ yếu:

        Kim Định. Là một tác giả phong phú, triết gia công bố trên dưới 40 tập sách về Việt nho, 3 Tập sách về Việt Triết.

        Vũ Đình Trác. Ts Trác xuất bản 2 tập chuyên khảo về Nguyễn Công Trứ và Nguyễn Du.

        Vũ Kim Chính. Gs Chính công bố hai tập chuyên khảo về Thần học giải phóng (tiếng Trung) và Thần học của Karl Rahner (tiếng Trung), cũng như rất nhiều công bố khoa học về tôn giáo và suy tư thần học Việt (tiếng Anh, Trung, Việt).

        Nguyễn Đăng Trúc. Ts Trúc công bố hàng chục tập sách về triết học, văn hóa, thần học… trong đó có tập sách về Heidegger (tiếng Pháp), và suy tư thần học trên Định Hướng (Strasbourg).

        Phan Đình Cho. Gs Cho có trên 30 tác phẩm (tiếng Anh) do các nhà xuất bản hàng đầu như Oxford University Press, trong đó có nhiều tập được giải “best seller” chuyên về thần học văn hóa, thần học Á châu.

        Trần Ngọc Thêm. Gs Thêm có rất nhiều công bố khoa học liên quan văn hóa học, ngữ học, giáo dục. Tập sách Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam có một tầm ảnh hưởng rộng rãi trong giới hàn lâm, Việt học và văn học, và được quốc tế để ý.

        Trần Văn Toàn. Gs Toàn có nhiều công bố giá trị về Feuerbach (trên Revue de philosophie de Louvain), Marx và về Đạo Công giáo Việt Nam.

        Hai tác phẩm: Tìm hiểu Triết học của Karl Marx, và Hành trình vào Triết học vẫn còn đầy giá trị ngày nay, và đượ Đh Hoa Sen sử dụng là sách giáo khoa.

        Trần Văn Đoàn. Công bố trên 15 tập sách và trên 150 công bố khoa học về triết học, thần học, giáo dục, tôn giáo. Về triết Việt, ông đã công bố Việt Triết Luận Tập 1 (Los Angeles, 2000), và đương chuẩn bị Việt Triết Luận Tập 2, và Việt Triết Luận Tập 3 (dự tính Nxb Trí Thức).

        – Hội nghị Quốc Tế (trong đó có phần bàn về tư tưởng Việt): (1) “Nho học Việt”, Thư Viện Quốc Gia, Đài Bắc, Đài Loan,1987; (2) “Tam Tài: Nguyên lý Siêu hình?”, Đại hội Triết học Thế giới, Brighton, Anh quốc,1988; “Giáo dục Nho học tại Việt Nam”, Đại hội Á Phi học, Toronto, Canada, 1991; “Văn hóa Việt”, Orsonnens, Thụy Sỹ: Đại học Hè 1996 và Đại học Hè, 1997; “Tâm đạo”, Đại học Thánh Tâm, Nagasaki, Nhật, 1997; “Nhìn lại Giáo dục Ý thức hệ”, Đại hội Triết học Thế giới, Boston, Mỹ:1998;

        Từ năm 1998, ngoài việc thành viên của Nhóm Nghiên Cứu tham dự các Hội thảo của Viện Triết Đạo (tại Catholic University of America, Washington DC) do Gs Phan Đình Cho và Gs Bùi Hữu Thư tổ chức (Xem Viện Triết Đạo), còn tham dự Hội thảo tại Đh Công giáo Đại Hàn, Seoul, Đại Hàn, 2000; Đh Assumption, Bangkok, Thái Lan, 2002; Đh Tokyo, Nhật, 2005; Đh Trung Nguyên, Trung Lập, Đài Loan, 2007; Đh Ateneo de Manila, Manila, Phi Luật Tân, 2010.

        – Cộng Tác với:

        Viện Triết Học, Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam: Tham dự và đồng tổ chức nhiều Hội Nghị Quôc Tế tại Việt Nam, Đài Loan, Mỹ; Hỗ trợ biên tập Từ Điển Triết Học và Tôn Giáo

        Đại Học Quốc Gia Việt Nam tại Hà Nội: Trung Tâm Nghiên Cứu Tôn Giáo Đương Đại, Hội nghị Quốc Tế về Triết Học Duy Tâm Đức.

        Đại Học Quốc Gia Việt Nam tại Tph Hồ Chí Minh: 2 Hội nghị về Nho Giáo (Yenching, Harvard University trợ cấp và tham dự). Thành lập Trung Tâm Tôn Giáo Miền Nam

        2.2. Viện Triết Đạo

        Nhận thấy nhu cầu phải gìn giữ và phát triển tư tưởng Việt nơi hải ngoại, Phan Đình ChoTrần Văn Đoàn, trong dịp giảng thuyết tại Đh Hè ở Orsonnens, Thụy Sỹ (do Ts Nguyễn Đăng Trúc tổ chức), quyết định thành lập Viện Triết Đạo trong khuôn viên Đại Học Công Giáo Mỹ (Catholic University of America).

        Hội thảo đầu tiên của Viện được tổ chức ngay sau buổi hội thảo về “Nhìn lại Giáo dục Ý thức hệ”, trong khuôn khổ Đại Hội Triết Học Thế Giới tại Boston (đầu tháng 8. 1998). (Đạo (Thần) là chuyên ngành của Gs Cho, Triết là chuyên ngành của Gs Đoàn). Gs Bùi Hữu Thư, Tiến sỹ về Giáo dục, và là Gs Thỉnh giảng tại Đh American University, được Gs Cho mời đứng ra tổ chức hội thảo, và điều hành Viện Triết Đạo. Ngoài Gs Cho, Gs Thư, Gs Đoàn, Viện Triết Đạo quy tụ được nhiều giáo sư học giả Việt thành danh như Gs Vũ Kim Chính (Đh Phụ Nhân), Gs Như Hạnh Nguyễn Tự Cường (Ts Tôn giáo học, Đh Harvard, Giáo sư Đh George Mason, một học giả uyên thâm về Phật học), Gs Nguyễn Thái Hợp (Đh Saint Thomas, Rome, sau được bổ nhiệm Giám mục Nghệ An)… Thuyết trình viên bao gồm cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, Ts Võ Tá Đề, Lm Nguyễn Đoàn Tân (Harvard), Gs Quyên Di (Đh State University of California, Long Beach), Ts Trần Công Nghị (Vietcatholic), cùng với sự tham dự ủng hộ của các giáo sư, học giả, tu sỹ như Ts Đặng Đức Ngân (hiện là Tổng Giám Mục Huế), Gs Nguyễn Văn Trung (Đh Sài Gòn), Gs Phó Bá Long (Đh Georgetown), Lm Trần Cao Tường, Lm Phạm Văn Tuệ, v.v.

        Sinh hoạt của Viện Triết Đạo bao gồm tổ chức những khóa học, hội thảo thường niên về những đề tài liên quan đến tư tưởng, tôn giáo tại Đh Công giáo Mỹ, Washington DC và Đh Marymount College, California, cũng như xuất bản Tập san Triết Đạo (Chủ biên: Phan Đình Cho; Phó Chủ biên: Trần Văn Đoàn; Điều hành: Bùi Hữu Thư).

        Viện Triết Đạo gây ra được một phong trào tìm nguồn Việt đáng nói, ảnh hưởng tới cộng đồng Công giáo Việt tại Mỹ, và phần nào tại hải ngoại.

        Viện Triết Đạo , vì thiếu người tiếp nối, ngưng hoạt động sau gần một thập niên nỗ lực.

        2.3. Gia trang Nghiên Cứu Tư Tưởng Việt trong https://dunglac.net

        Để tiếp nối Triết Đạo, lm Trần Cao Tường (Thạc sỹ Triết Học, Thạc sỹ Thần học Linh đạo) và lm Phạm Văn Tuệ (Thạc sỹ Triết và Thần học) lập ra trang mạng Dũng Lạc, https://dunglac.net . Trong đó có chuyên mục Tư Tưởng Việt do Gs Trần Văn Đoàn phụ trách. Ngoài những thành viên của Nhóm Nghiên Cứu (trừ Gs Kim Định và Ts Vũ Đình Trác đã qua đời), có thêm nhiều học giả quan tâm tham dự viết bài. Gs Trần Ngọc Thêm và Gs Trần Văn Toàn tham gia Nhóm Nghiên Cứu trong thời gian này. Nhiều học giả trong nước bắt đầu để ý đến những công bố của nhóm. Dunglac.net đã gây được một tiếng vang đáng kể. Rất tiếc, sau khi hai linh mục Tường và Tuệ qua đời, trang Dunglac.net không có người kế tục quản lý điều hành, đã khóa lại.