Press "Enter" to skip to content

VÀI LỜI PHI LỘ

VÀI LỜI PHI LỘ

TRIẾT HỌC VIỆT NAM VÀ TRIẾT HỌC Ở VIỆT NAM

 

Về tinh thần yêu nước, cao hơn là cái tinh thần dân tộc (nationalism) của người Việt Nam, cho tới nay cả trong và ngoài nước đã có nhiều công trình đề cập. Mỗi khi đất nước bị ngoại bang kéo quân sang đô hộ, thì cái tinh thần dân tộc ấy thể hiện rõ. Lịch sử Việt Nam từ khi dựng nước đến nay cho thấy điều đó. Điều đó cũng dễ hiểu bởi trên thế giới, cũng không có nhiều dân tộc như chúng ta, có lịch sử chừng 2700 năm, mà có tới hơn một ngàn năm bị ngoại bang đô hộ, rồi cả sau này khi giành được độc lập, vẫn nhiều lần bị quốc gia phương Bắc, từ thời cận đại, các cường quốc phương Tây đô hộ.

Nhưng cái gót chân Achiles của cái tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc ấy của người Việt Nam, thể hiện rất thấp kém, mờ nhạt trong thời bình, trong xây dựng, chấn hưng quốc gia, dân tộc. Điều này không phải mới mẻ. Các nhà nho Việt Nam, tuy tự coi là có dòng máu Lạc Hồng, nhưng luôn lấy mẫu hình Trung Hoa làm khuôn mẫu, tinh thông sử Tàu hơn sử Việt. Họ, như A. Woodside nhận xét, sống chả khác gì những người Hoa ở ngôi nhà, mảnh vườn Đông Nam Á của mình. Nhà Việt Nam học nổi tiếng người Mỹ đã phải thốt lên “ít có cái dân tộc nào mà dân chúng lại vọng ngoại như cái dân tộc [Việt Nam] này!”. Rồi hiện tại, trên các phố phường nhan nhản tên của các cửa hàng, biển quảng cáo bằng tiếng nước ngoài nhiều khi lấn át cả tiếng Việt, làm cho ta đôi khi đang dạo phố ở Hà Nội, Sàigòn mà cứ ngỡ như đang ở một thành phố nào ở trời Tây vậy!

Trong sáng tạo triết học tình hình cũng không khả quan hơn. Bị ảnh hưởng của lối tiếp cận “lấy châu Âu làm trung tâm” (Euro-centrism), sẵn cái gọi là “truyền thống” vọng ngoại, chả lấy gì làm vẻ vang, chỉ dám ngẩng đầu lên khi giặc đến nhà, lên trong một thời gian dài, không ít chúng ta vẫn nghĩ triết học là sản phẩm chủ yếu của phương Tây, chứ đâu đến lượt các dân tộc bé nhỏ. Bản thân người viết mấy dòng này cũng từng trong một thời gian dài có suy nghĩ như vậy. Chỉ đến khi bức tường Berlin sụp đổ, có cơ hội học ở trời Tây, làm thức tỉnh, nhất là khi đọc công trình Việt triết luận tập cách đây chục năm của GS. Trần Văn Đoàn, một triết gia, trí thức lớn mang dòng máu Việt, sống xa quê hương nhưng luôn mong mỏi, hoài bão về cố hương, tôi tự cảm thấy xấu hổ. Từ đó, chúng tôi mới dám tin là dân Việt mình cũng có triết học (chả thua kém gì thiên hạ!), tự tin khi sử dụng cụm từ “triết học Việt Nam” (Vietnamese philosophy) với đồng nghiệp trong nước và quốc tế.

Tiếp nối tinh thần đó, chúng tôi chọn chủ đề “Triết học Việt Nam và triết học ở Việt Nam” làm chủ đề chính của số 14 của tạp chí Triết học và Tư tưởng (Journal of Philosophy and Ideas). Đã đến lúc chúng ta cần thức tỉnh, tìm cách dần thu hẹp khoảng cách, nhào lặn, suy tư, biến cái triết học có mặt, hiện diện trên đất của ta thành cái triết học của mình: Nếu tự bản thân chúng ta coi dẻ mình, thì làm sao có thể thuyết mục người khác phải kính trọng chúng ta? Một khi chúng ta còn mang nặng cái mặc cảm của “một dân tộc nhược tiểu”, thì đừng có bao giờ có quyền đòi hỏi người ngoại quốc phải yêu mến chúng ta.

Hẳn trong chúng ta không ít người tới giờ vẫn còn hồ nghi liệu có cái triết học Việt Nam hay không, thậm chí, có người cho đó là viển vông. Cái chính là xung quanh việc hiểu khái niệm “triết học”, rồi trong cái tiếng Việt (lại phức tạp hóa vấn đề?) sinh ra cả mấy khái niệm “triết lý”, “minh triết”, mà nội hàm của chúng chưa hẳn đã có những ý kiến thống nhất. Có lẽ cái triết học dân gian hay triết lý dân gian (folk philosophy) thì ít ai nghi ngờ. Ở đây, ý nói về một triết học bác học, hàn lâm (theoretical philosophy). Người viết bài này tán thành với phương châm của GS. Trần Văn Đoàn, giờ không phải là lúc chúng ta cứ ngồi tranh luận xung quanh câu hỏi “có triết học Việt Nam hay không?” kéo dài hết ngày này sang tháng khác. Chúng ta không hề có ý hạ thấp sự cần thiết của các cuộc tranh biện, bởi tranh biện là cách thức để đi tới chân lý như các triết gia Hy Lạp từ cách đây trên hai ngàn năm đã răn dạy và bản thân các triết gia Hy Lạp cổ đại cũng trưởng thành, thành danh từ các cuộc tranh biện. Nhưng trong cái thời đại công nghiệp 4.0 này, hơn lúc nào hết, chúng ta phải ý thức rằng chính người Mỹ giàu có được hơn nhiều quốc gia khác, bởi họ có câu châm ngôn “thì giờ là vàng bạc” (time is money). Vì thế, nếu như hiện tai chưa có “triết học Việt Nam”, thì chúng ta phải làm cho nó có. Nếu như nó hiện tại đang có ít, đang còn mờ nhạt, thì chúng ta phải làm cho nó có nhiều, trở nên rõ ràng hơn. Thay các cuộc tranh luận vô bổ bằng những việc làm khác nhau thiết thực hơn!

Việc hình thành một nền triết học của một quốc gia dân tộc không phải là điều tức thì, có thể hoàn thành một sớm một chiều. Cũng như “một con én không tạo ra mùa xuân”, chúng tôi mong muốn bạn đọc ủng hộ ý tưởng trên theo nhiệt huyết và năng lực cụ thể của mình, trước hết bằng việc đóng góp bài vở cho tạp chí cũng như nhiều cách khác nhau để tiếp nối truyền thống các thế hệ đi trước, cũng như làm gương cho các thế hệ sau này, làm cho ngôi nhà triết học Việt Nam ngày càng có hình hài rõ nét, cho tới một ngày khang trang, to đẹp hơn.

Một việc nữa trong số 14 này của tạp chí, là những ý kiến của TS. Đỗ Quốc Bảo xung quanh bản dịch của Trần Đình Thắng đối với công trình “Đường về ngôn ngữ” của M. Heidegger đăng trên tạp chí Triết học và Tư tưởng số 13. Từ khi còn là tập san cách đây đôi chục năm, nhất là gần đây, khi trở thành một tạp chí, thì Triết học và Tư tưởng luôn có mong mỏi sẽ trở thành một trong những diễn đàn có uy tín cho bạn đọc trong và ngoài nước. Thiết nghĩ, việc có những ý kiến trái chiều về cùng một vấn đề, là chuyện hết sức bình thường của đời sống khoa học. Có điều chúng ta cần tôn trọng văn hóa tranh luận, tránh những xúc cảm chủ quan, cá nhân, dễ gây hiểu lầm.

Ý thức rõ điều đó, tạp chí số 14 này cho đăng những ý kiến của TS. Đỗ Quốc Bảo để bạn đọc tiện theo rõi. Đồng thời chúng tôi cũng đã liên hệ với hai tác giả, cố gắng thuyết phục TS. Đỗ Quốc Bảo có phiên bản dịch riêng của ông đối với công trình trên của Heidegger, cũng như cố gắng thuyết phục tác giả Trần Đình Thắng phản hồi. Tuy nhiên, hiện tại TS. Đỗ Quốc Bảo do hoàn cảnh công tác và cá nhân, không/chưa có bản dịch đối với công trình trên. Phía tác giả Trần Đình Thắng, đáng tiếc, cũng không có phản hồi trên tạp chí.

NQH. Hà Nội, những ngày đầu hè 2025

Be First to Comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *