NHỮNG NGHIÊN CỨU TRIẾT HỌC VIỆT NAM CỦA TÔI
GS,TS Nguyễn Hùng Hậu
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Tóm tắt: Bài báo gồm 3 phần: phần thứ nhất trình bày quan điểm của tôi về triết học Việt Nam cùng giả thuyết nghiên cứu; phần hai, chứng minh thực chứng, chỉ ra diện mạo, khuôn mặt của Triết học Việt Nam; phần ba, chỉ ra đặc điểm của triết học Việt Nam.
Từ khoá: Triết học Việt Nam, Diện mạo, Đặc điểm
I. VỀ TRIẾT HỌC VIỆT NAM
Ở Việt Nam, tôi là người đầu tiên cho rằng ở Việt Nam có triết học và tiến hành nghiên cứu triết học Việt Nam; bởi lẽ hầu hết các học giả ở Việt Nam, đặc biệt là các nhà triết học, đều cho rằng ở Việt Nam không có triết học; thế là xong, chẳng phải nghiên cứu, chẳng phải làm gì cả. Ngay từ những năm 1982-1987, tức cách đây hơn 40 năm, sau khi nghiên cứu triết học Phật giáo Việt Nam, đặc biệt tác phẩm Khoá hư lục của Trần Thái Tông, tôi đã khảng định ở Việt Nam có triết học, vấn đề là triết học được hiểu theo nghĩa nào. Năm 1996 cuốn sách Góp phần tìm hiểu tư tưởng triết học Trần Thái Tông ra đời, do nhà xuất bản khoa học xã hội in, trong đó tôi đã cảnh báo với những ai cho rằng ở Việt Nam không có triết học thì hãy đọc tác phẩm Khoá hư lục của Trần Thái Tông. Đáng tiếc rằng các nhà triết học Việt Nam hình như chẳng mấy ai quan tâm; bởi lẽ, họ cho rằng họ đã đứng trên đỉnh cao của triết học, đó là triết học Mác-Lênin. Họ dùng cái gọi là nhãn quan triết học Mác-Lênin một cách cứng nhắc của họ để xem Việt Nam có triết học hay không. Những người này mắc cái bệnh, mà V.I.Lênin đã chỉ ra đúng bản chất – bệnh tự kiêu của những người Cộng sản. Nghiên cứu Khoá hư lục, tôi đã khảng định Việt Nam có triết học và chứng minh triết học Trần Thái Tông là tập đại thành đầu tiên của triết học Việt Nam, của Phật giáo Việt Nam (xem: Nguyễn Hùng Hậu: Góp phần tìm hiểu tư tưởng triết học Phật giáo Trần Thái Tông. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1996). Ở Việt Nam ngoài bệnh tự kiêu ở một số người như đã nói trên còn có cái bệnh: đối với bản thân mình, nước mình thì lờ mờ không rõ; còn đối với người khác, nước khác thì thao thao bất tuyệt. Người ta có thể nói cả ngày về triết học Mác-Lênin, triết học Hêghen, Platon, Aristot, … , nhưng khi đề cập đến triết học Việt Nam thì lờ mờ, mù tịt, ngay cả đối với một giáo sư triết học. Đến đây, tôi bất giác nhớ đến câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài Ý kiến về việc làm và xuất bản loại sách người tốt, việc tốt, tháng 6 năm 1968 :”Trước kia, thực dân Pháp còn cai trị nước ta, có những người tri thức Việt Nam rất thông thuộc lịch sử, địa lý và các chuyện thần thoại của nước Pháp, của Hy-lạp và La-mã. Nhưng khi hỏi đến các vị anh hùng là tổ tiên, ông cha mình, hỏi đến địa lý nước mình thì mù tịt. Nay ta độc lập, tự do rồi, cố nhiên ta không đào tạo nên những con người như thế. Tuy vậy, Bác nhắc các chú điều này: Bây giờ … ngày càng có nhiều người nước ngoài tìm hiểu rất kỹ về Việt Nam. Coi chừng có nhiều người Việt Nam lại không hiểu rõ lịch sử, đất nước, con người và những cái vốn rất quý báu của mình bằng người nước ngoài”.[1] Có lẽ các nhà triết học Việt Nam chưa biết đến câu nói này của Bác.
Tiếp theo, năm 1997, tôi cho xuất bản cuốn Lược khảo tư tưởng Thiền Trúc Lâm Việt Nam, cũng do nhà xuất bản khoa học xã hội ấn hành. Qua tác phẩm này, tôi đã chỉ ra, ở Việt Nam không chỉ có Trần Thái Tông là nhà triết học, mà còn có cả Tuệ Trung Thượng sĩ, Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang, …Năm 2002, tôi ra cuốn Đại cương triết học Phật giáo Việt Nam, tập 1, từ khởi nguyên đến thế kỷ XIV, cũng do nhà xuất bản khoa học xã hội in. Trong cuốn này tôi phân tích triết học Phật giáo trên góc độ thế giới quan và nhân sinh quan. Đã có triết học Phật giáo Việt Nam thì đương nhiên có triết học Việt Nam. Phải nói rằng nghiên cứu triết học Phật giáo trên thế giới, đặc biệt là triết học Phật giáo Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Tạng, …thì đã có nhiều học giả với nhiều công trình nổi tiếng. Triết học Phật giáo còn nằm rải rác trong các công trình triết học chuyên biệt về triết học Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản. Ở Việt Nam cũng có học giả nghiên cứu triết học Phật giáo nói chung; nhưng nghiên cứu triết học Phật giáo Việt Nam thì tôi là người đầu tiên và đã xuất bản được ba cuốn sách và một số bài báo đăng trên các tạp chí trong và ngoài nước.
Như vậy, tôi đi từ triết học Phật giáo Việt Nam đến triết học Việt Nam, chứ không phải ngồi tư biện, tự nghĩ ra. Đến năm 2010, tôi xuất bản cuốn Đại cương lịch sử triết học Việt Nam do Nxb. Chính trị quốc gia phát hành. Trong cuốn này tôi đã phân tích triết học Việt Nam từ khởi thuỷ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh và chỉ ra ở Việt Nam có khá nhiều nhà triết học. Vì trước đó, để hoàn tất triết học Việt Nam, sau khi sang Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, tôi nghiên cứu triết học Việt Nam đương đại mà hạt nhân và trung tâm là triết học Hồ Chí Minh, và đã ra được cuốn Suy ngẫm về triết Hồ Chí Minh. Nxb. Chính trị quốc gia. Hà Nội 2015; Từ chủ nghĩa yêu nước truyền thống đến chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà nội 2008 (vừa chủ biên, vừa tham gia viết hầu hết cuốn sách); Triết lý “Dĩ bất biến ứng vạn biến” trong Tư tưởng Hồ Chí Minh. Nxb. Chính trị quốc gia. Hà Nội 2011( vừa chủ biên, vừa tham gia viết hầu hết cuốn sách).
Để hệ thống và rõ ràng hơn, tôi dự định xuất bản triết học Việt Nam làm 2 tập, một là Triết học Việt Nam. T.1. Triết học Việt Nam truyền thống đã ra do nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã in năm 2017; còn Triết học Việt Nam. T.2. Triết học Việt Nam đương đại. Triết học Hồ Chí Minh thì đang chuản bị in.
Triết học Việt Nam còn được tôi viết trong giáo trình Triết học. Phần 1. Lịch sử triết học (Dùng cho học viên CH và NCS không chuyên ngành triết học), Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội 2006 mà tôi là chủ biên nhằm giảng dạy cho các lớp cao học chuyên triết trong Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Trên truyền hình An Viên, tôi có nói rằng trong cuộc đời tôi đã cắm được ba lá cờ trên ba quả đồi: 1. Người đầu tiên nghiên cứu triết học Phật giáo Việt Nam; 2. Người đầu tiên nghiên cứu triết học Hồ Chí Minh; 3. Người đầu tiên nghiên cứu triết học Việt Nam.
Có người thắc mắc: dựa vào những tiêu chí nào mà anh cho rằng ở Việt Nam có triết học? Trong cuốn Triết học Việt Nam, t.1, triết học Việt Nam truyền thống, tôi đã đưa ra bốn tiêu chí liên hệ mật thiết với nhau để nói lên một nước, một dân tộc có triết học hay không:
Thứ nhất, có các thuyết, học thuyết, chủ thuyết triết học hoặc có tính triết học;
Thứ hai, có các nhà tư tưởng hình thành nên các thuyết, học thuyết, chủ thuyết đó;
Thứ ba, có các trường phái tư tưởng mà bề sâu của chúng là triết học;
Thứ tư, có các cuộc tranh luận triết học hoặc mang tính triết học, từ đó đưa ra những quan điểm triết học xác định.
Qua những những công trình triết học Việt Nam mà tôi đã công bố cho thấy rõ Việt Nam đã thỏa mãn được bốn tiêu chí đó (xin xem thêm những công trình tham khảo của tôi ở dưới). Riêng tiêu chí thứ tư thể hiện rõ nhất trong cuộc chấn hưng Phật giáo với những cuộc tranh luận nảy lửa về có hay không có Thượng đế sáng tạo muôn vật; có hay không có linh hồn bất tử; có hay không có Thiên đường, Niết bàn, địa ngục; thế giới có tồn tại khách quan hay chỉ do tâm thức biến hiện ra;… Trên thế giới ta thấy cũng có rất nhiều nước hội đủ những tiêu chí đó như Đức, Pháp, Anh, Italia, Hà Lan, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ,… Tuy nhiên, có nhiều nước, những tiêu chí này khá mờ nhạt, hoặc không rõ. Phải nói thêm rằng những tiêu chí này, ở các nước khác nhau, mức độ cũng khác nhau. Còn gắn triết học với những tiêu chí như hệ thống khái niệm, phạm trù, nguyên lý, quy luật liên hệ một cách lôgíc chặt chẽ với nhau, nhằm giải quyết vấn đề cơ bản của triết học, tức gắn triết học với những tiêu chí không phổ quát hiện nay, từ đó dẫn đến hạn chế nhận thức của con người.
II. DIỆN MẠO, KHUÔN MẶT CỦA TRIẾT HỌC VIỆT NAM
Nói triết học Việt Nam không thể nói một cách chung chung trừu tượng, mà phải vẽ lên được khuôn mặt cụ thể đề chứng minh cho sự tồn tại của nó.
1. Diện mạo, khuôn mặt triết học Việt Nam truyền thống. Điều này thể hiện rõ trong Triết học Việt Nam. T.1. Triết học Việt Nam truyền thống. Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 2017. Sau đây là mục lục chính của cuốn sách này.
Chương 1. CƠ SỞ HÌNH THÀNH TRIẾT HỌC VIỆT NAM TRUYỀN THỐNG
1. Xã hội Việt Nam truyền thống nhìn chung là xã hội nông nghiệp trồng lúa nước theo thời vụ
2. Dân tộc Việt Nam luôn thường trực phải chống giặc ngoại xâm
3. Xã hội Việt Nam là xã hội nằm trong khung cảnh của cái gọi là phương thức sản xuất châu Á
4. Văn hóa Việt Nam là sự thống nhất trong đa dạng
Chương 2. VÀI NÉT VỀ KINH TẾ, XÃ HỘI VÀ THẾ GIỚI QUAN CỦA NGƯỜI VIỆT THỜI TIỀN SỬ
1. Một vài nét lịch sử
2. Thế giới quan của người Việt cổ
Chương 3. TRIẾT HỌC VIỆT NAM THỜI BẮC THUỘC
1. Một vài nét về thời Bắc thuộc
2. Sự du nhập Đạo giáo vào Việt Nam
3. Sự du nhập Nho giáo vào Việt Nam
4. Sự du nhập Phật giáo vào Việt Nam và triết học Phật giáo trong giai đoạn này
5. Cuộc đấu tranh chống sự đồng hóa về mặt tư tưởng thời Bắc thuộc
Chương 4. TRIẾT HỌC VIỆT NAM THỜI KỲ PHỤC HỒI VÀ XÂY DỰNG QUỐC GIA ĐỘC LẬP (THẾ KỶ X – XIV)
1. Một vài nét về xã hội Việt Nam thế kỷ X – XIV
2. Triết học Phật giáo
3. Triết lý quân sự Trần Quốc Tuấn
4. Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam (thế kỷ X – XVI)
5. Tư tưởng triết học của Nho giáo (thế kỷ X – XIV)
Chương 5. TRIẾT HỌC VIỆT NAM THẾ KỶ XV ĐẾN NĂM 1858
1. Thời Lê Sơ (1428-1527)
2. Thời Mạc (1527-1592)
3. Thời Trịnh – Nguyễn phân tranh (Lê Trung Hưng) (1627 – cuối thế kỷ XVIII)
4. Triết học đầu thời Nguyễn
Chương 6. TRIẾT HỌC BÌNH DÂN VIỆT NAM
1. Thế giới quan của người bình dân Việt Nam
2. Tư tưởng biện chứng của người bình dân Việt Nam
3. Quan niệm về đạo lý làm người của người bình dân Việt Nam
Kết luận
2. Diện mạo, khuôn mặt triết học Việt Nam đương đại. Triết học Hồ Chí Minh. Sau đây là mục lục cuốn sách sắp xuất bản.
Chương 1. MỘT SỐ VẤN ĐỀ PHƯƠNG PHÁP LUẬN KHI NGHIÊN CỨU TRIẾT HỌC HỒ CHÍ MINH
Chương 2. CƠ SỞ HÌNH THÀNH TRIẾT HỌC HỒ CHÍ MINH
2.1. Điều kiện khách quan
2.2. Nhân tố chủ quan
Chương 3. CHỦ NGHĨA YÊU NƯỚC HỒ CHÍ MINH
3.1. Từ chủ nghĩa yêu nước truyền thống đến chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh
3.2. Nội dung cốt lõi của chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh
3.3. Ý nghĩa của chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh đối với Việt Nam hiện nay
Chương 4. CHỦ THUYẾT ĐỘC LẬP DÂN TỘC GẮN LIỀN VỚI CHỦ NGHĨA XÃ HỘI CỦA HỒ CHÍ MINH
4.1. Cơ sở lý luận của chủ thuyết độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội của Hồ Chí Minh
4.2. Nội dung chủ thuyết độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội của Hồ Chí Minh
4.3. Ý nghĩa chủ thuyết độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trong kỷ nghuyên vươn mình hiện nay
Chương 5. TRIẾT LÝ “DĨ BẤT BIẾN ỨNG VẠN BIẾN” Ở HỒ CHÍ MINH
5.1. “Dĩ bất biến ứng vạn biến” trong triết học
5.2. Nội dung chủ thuyết “dĩ bất biến ứng vạn biến” ở Hồ Chí Minh
5.3. Ý nghĩa của triết lý “dĩ bất biến ứng vạn biến” ở Hồ Chí Minh đối với Việt Nam hiện nay
Chương 6. TỪ TRIẾT LY “LẤY DÂN LÀM GỐC” ĐẾN TRIẾT LÝ “LẤY SỨC DÂN LÀM LỢI CHO DÂN” CỦA HỒ CHÍ MINH
6.1. Triết lý “lấy dân làm gốc” của Hồ Chí Minh
6.2. Triết lý “lấy sức dân làm lợi cho dân” của Hồ Chí Minh
Chương 7. CHỦ THUYẾT ĐẠI ĐOÀN KẾT CỦA HỒ CHÍ MINH
7.1. Cơ sở của chủ thuyết đại đoàn kết của Hồ Chí Minh
7.2. Nội dung chủ thuyết đại đoàn kết của Hồ Chí Minh
7.3. Ý nghĩa của chủ thuyết đại đoàn kết của Hồ Chí Minh đối với Việt Nam hiện nay
Chương 8. TRIẾT HỌC ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH
8.1. Cơ sở triết học đạo đức Hồ Chí Minh
8.2. Nội dung triết học đạo đức Hồ Chí Minh
8.3. Ý nghĩa triết học đạo đức Hồ Chí Minh đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý trong kỷ nguyên vươn mình ở Việt Nam hiện nay
Kết luận
III. ĐẶC ĐIỂM CỦA TRIẾT HỌC VIỆT NAM
Sau đây là tóm tắt hết sức sơ lược những đặc điểm chủ yếu của triết học Việt Nam; còn quí vị nào muốn được chi tiết xin tham khảo những cuốn sách mà tôi đã xuất bản ở bên dưới.
1. Do phải thường trực chống giặc ngoại xâm nên nếu như triết học phương Tây thường gắn liền với bản thể luận, vũ trụ quan thì triết học Việt Nam lại gắn liền với những vấn đề thiết thực, thực tế, thực tiễn, với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Điều này quy định triết học Việt Nam hướng chủ yếu đến vấn đề nhân sinh, con người mà tư tưởng trung tâm là yêu nước
2. Nếu như triết học Hy La nghiêng đi từ thế giới quan đến nhân sinh quan thì triết học Việt Nam lại hơi ngả về đi từ nhân sinh quan đến thế giới quan
3. Nếu triết học phương Tây hơi nghiêng về duy vật hướng ngoại (nghiêng về lấy ngoài giải thích trong) thì triết học Việt Nam truyền thống trên bình diện bác học lại có vẻ hơi nghiêng về duy tâm, hướng nội (lấy trong giải thích ngoài)
4. Nếu mâu thuẫn là đấu tranh và thống nhất của các mặt đối lập thì ở phương Tây hơi nghiêng về đấu tranh, còn triết học Việt Nam truyền thống lại hơi ngả về thống nhất, quân bình, cân bằng
5. Xã hội phương Tây là một tập tương đối rõ, bởi vậy, triết học của họ nhìn chung là tập rõ; còn xã hội Việt Nam trong truyền thống nhìn chung là tập tương đối mờ do ảnh hưởng cái gọi là phương thức sản xuất châu Á, bởi vậy triết học Việt Nam cũng là tập tương đối mờ. Điều này thể hiện ở chỗ nó không có một hệ thống khái niệm được xác định (định nghĩa) một cách rõ ràng
6. Ở Việt Nam, tư tưởng con người (kể cả tư tưởng triết học) không chỉ thể hiện qua câu chữ (ngôn ngữ) mà có lẽ còn qua những hành động, cử chỉ, hành vi đối nhân xử thế, trong cuộc đời hoạt động của một con người hay tập đoàn người
7. Triết học Hồ Chí Minh là triết học, triết lý hành động. Triết lý hành động là triết lý và hành động, nói và làm, lý luận và thực tiễn liên hệ mật thiết với nhau, không tách rời nhau; triết lý hướng đến hành động, hành động nói lên triết lý; trong triết lý đã bao hàm xu thế hành động, trong hành động có triết lý, đây là điều mà không phải vĩ nhân nào cũng có được.
NHỮNG CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU VỀ TRIẾT HỌC VIỆT NAM CỦA GIÁO SƯ NGUYỄN HÙNG HẬU
1. Nguyễn Hùng Hậu. Góp phần tìm hiểu tư tưởng triết học Phật giáo Trần Thái Tông. Nxb. Khoa học xã hội; H. 1996
2. Nguyễn Hùng Hậu. Lược khảo tư tưởng Thiền Trúc Lâm Việt Nam. Nxb. Khoa học xã hội; H. 1997
3. Nguyễn Hùng Hậu. Đại cương triết học Phật giáo Việt Nam. Nxb. Khoa học xã hội; H. 2002
4. Nguyễn Hùng Hậu. Triết lý trong văn hóa phương Đông. Nxb. Đại học Sư phạm. Hà Nội 2004.
5. Nguyễn Hùng Hậu. Đại cương lịch sử triết học Việt Nam. Nxb. Chính trị quốc gia. Hà Nội 2010.
6. Nguyễn Hùng Hậu. Suy ngẫm về triết Hồ Chí Minh. Nxb. Chính trị quốc gia. Hà Nội 2015.
7. Nguyễn Hùng Hậu. Triết học Việt Nam. T.1. Triết học Việt Nam truyền thống. Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 2017
8. Nguyễn Hùng Hậu. Minh triết Phật giáo Việt Nam và một số vấn đề triết học Phật giáo đương đại. Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội 2024
9. Nguyễn Hùng Hậu (Chủ biên). Đại cương lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam. Từ khởi nguyên đến năm 1858. Nxb. Đại học quốc gia; H. 2002 ( vừa chủ biên, vừa tham gia viết hầu hết cuốn sách).
10. Nguyễn Hùng Hậu (Chủ biên). Đại cương triết học Việt Nam. NXB Thuận Hóa, Huế 2005.( vừa chủ biên, vừa tham gia viết hầu hết cuốn sách)
11. Nguyễn Hùng Hậu (Chủ biên). Triết học. Phần 1. Lịch sử triết học (Dùng cho học viên CH và NCS không chuyên ngành triết học). Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội 2006.
12. Nguyễn Hùng Hậu (Chủ biên). Từ chủ nghĩa yêu nước truyền thống đến chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà nội 2008( vừa chủ biên, vừa tham gia viết hầu hết cuốn sách).
13. Nguyễn Hùng Hậu (Chủ biên).Triết lý “Dĩ bất biến ứng vạn biến” trong Tư tưởng Hồ Chí Minh. Nxb. Chính trị quốc gia. Hà Nội 2011( vừa chủ biên, vừa tham gia viết hầu hết cuốn sách)
-
Hồ Chí Minh. Tuyển tập, tập II, Nxb Sự thật, Hà Nội 1980, tr.489-490 ↑
Be First to Comment