Press "Enter" to skip to content

Kant&Tôn giáo…

Trò chuyện về tôn giáo:
Immanuel Kant có phải là người “phá nát tôn giáo”?
hay đối với tôn giáo lại là người “đổi mới canh tân”?

Kỷ niệm Kant 300 năm (1724-2024)

Gs.Volker Gerhardt
Bản dịch: Lưu Hồng Khanh

Buổi trò chuyện trên Diễn Đàn Công Luận (Publik Forum, Số 7|2024, CHLB Đức), nhân 300 năm ngày sinh của Kant (1724-2024).
Chủ đề: Niềm tin tôn giáo trong xã hội hiện đại.
Tác giả đối thoại: Gs.Volker Gerhardt (*1944):
Giáo sư thượng thọ, phân khoa Triết học tại Đại học Humboldt, Berlin; triết gia chuyên ngành lỗi lạc về Kant; năm 2014 đã xuất bản tác phẩm “Ý nghĩa của ý nghĩa. Tìm hiểu về thần linh” (“Der Sinn des Sinns. Versuch über das Göttliche” (C.H.Beck).
Phỏng vấn do các biên tập viên Christoph Fleischmann và Michael Schrom của DĐCL.
Bản dịch: Lưu Hồng Khanh

 

Diễn Đàn Công Luận: Thưa Giáo sư Gerhardt, Immanuel Kant theo cảm nhận của đại bộ phận quần chúng là một triết gia đã phá nát các lý chứng về Thượng đế, đã đốn chặt cắt tỉa tôn giáo, đã tôn vinh lý trí và làm cho đức tin nên thừa thải. Điều ấy có đúng không theo nhận xét của giáo sư?

Volker Gerhafrdt: Loạt vấn đề được các Bạn kê khai có một số sự thực. Nhưng khi nhìn vào đức tin, thì tôi phải nói lên sự bất đồng. Ngay trong Lời nói đầu của tác phẩm quan trọng nhất của Kant, tức trong “Phê phán lý tính thuần túy”, thì Kant đã thú nhận phải “vươn ra khỏi tri thực, để đi tới đức tin”. Không ai nói như thế, khi kẻ ấy xem đức tin là thừa thải. Đàng khác, Kant không ngừng nhấn mạnh rằng, toàn sự nghiệp làm triết học của ông là để trả lời cho ba câu hỏi: “Tôi có thể biết gì? Tôi phải làm gì? Tôi được phép hi vọng gì?” Và sự hi vọng này chỉ có thể tìm thấy được trong điều mà ta dẫu sao cũng vẩn còn luôn gọi là “đức tin”. Ngoài ra, điều mà Kant nói về tin và hi vọng cũng liên quan với điều đang đến trong chính trị và văn hóa của con người, cách riêng trong việc bảo toàn sự hòa bình hay bảo trì nhân cách của con người.

DĐCL: Nếu quả thật như Giáo sư nói, thì tại sao Kant lại mang tiếng là một người vô thần?

Gerhardt: Moses Mendelssohn, sau khi lần thứ nhất với kinh hoàng đọc tác phẩm “Phê phán lý tính thuần túy”, thì đã gọi Kant là “Kẻ phá nát tất cả”. Nếu nhìn về nội dung của siêu hình học truyền thống, thì phê phán ấy là đúng. Nhưng phê phán ấy, khi nói rằng Kant đã phá bỏ cơ đồ giảng dạy của siêu hình học truyền thống, lại đã chưa nói đến việc Kant thay vào siêu hình học truyền thống thì đã đưa lại một siêu hình học “phê phán”. Kant quả thật đã chỉ ra rằng, sự hiện hữu của Thượng đế không thể chứng minh như cách thức các nhà vật lý học hay vũ trụ học trong chuyên ngành của họ đã làm với thành công. Vả lại, sự thất bại trong việc chứng minh về Thượng đế không đồng nghĩa với khẳng định không có ý nghĩa gì khi tin vào Thượng đế! Điều muốn nói chỉ là, Thượng đế không “có” như trời đầy sao trên đầu ta hoặc có lẽ cả “phát nổ nguyên thủy” (Urknall). Điều mà theo Kant là “có” thực, đó là chính chúng ta. Và chúng ta là những con người, mà mỗi cá nhân nhận thức mình như là nhất thể và mình ở trong một thế giới cũng được xem như là nhất thể hoặc nữa như là toàn thể. Và khi một người nhìn nhận điều xác định thế giới này cũng như là một toàn thể đối với mình, thì y có thể gọi đó như là “Thượng đế”.

DĐCL: Như thế thì không có một Thượng đế duy vị nào, mà chỉ có một hình dung huyền nhiệm về Thượng đế?

Gerhardt: Có thể là như vậy, nhưng không nhất thiết phải hiểu như thế. Dẫu sao thì biểu đạt triết học tôn giáo của Kant đã được trình bày một cách duy vị theo cách mà con người có đức tin tự hiểu về mình mỗi khi y tìm kiếm Thượng đế. Nhưng con người phải hình dung Thượng đế như thế nào, điều ấy Kant cũng không thể đưa lại cho họ một thông tin nào. Người ta chỉ có thể nói, Thượng đế phải được hình dung cách nào để con người có thể tin vào Ngài. Những điều kiện nào cần thiết cho niềm tin đó thì thay đổi tùy theo những dữ kiện văn hóa cùng với những tâm trạng cá nhân. Tôi đã đề nghị khái niệm “Ý nghĩa của ý nghĩa” (“Der Sinn des Sinns”) để diễn tả thần linh, mà không nại đến Kant, nhưng tôi đã đứng gần những suy tư của Kant: theo đó Thượng đế là điều kiện cho việc chúng ta cuối cùng có thể hiểu được điều gì đó là đầy ý nghĩa.

DĐCL: Michel Foucault có nói, chúng ta không thể tin rằng thế giới quay về ta với một gương mặt đọc ra được ý nghĩa. Liệu Kant ngược lại có tin rằng, thế giới đến với ta như một không gian âm hưởng hay một thách thức luân lý?

Gerhardt: Chúng ta quả thật không thể hiểu thế giới hay tự nhiên, nếu ta không có cảm tưởng rằng, nơi đây có một cái gì cùng sinh sống với ta, nuôi nấng ta và không chỉ đe dọa chúng ta. Ngoài ra: con người, kẻ nhận thức chính mình như hữu thể luân lý, cũng phải nhận thức được chính mình như hữu thể tự do; và từ đó y cũng phải nhận thức được rằng điều gì mình làm đều có một ý nghĩa, ý nghĩa vượt lên trên hiện hữu cá nhân của mình. Và y cũng phải có thể tin rằng, trong điều mình là gì và điều mình làm gì, thì cũng có một ý nghĩa trong toàn thể. Điều ấy nghe như thật cuồng vĩ, nhưng lại là một điều khiêm tốn nếu so sánh với khẳng định có Thượng đế như là sinh thể thực sự hiện tồn. Như thế, Kant đã tạo nên dữ kiện cho mỗi cá nhân con người không bị rơi vào “tâm trạng chủ bại” (“defaitism”) – nói theo tiếng Đức: không bị thất vọng. Trong một thời đại, trong đó thuyết hư vô được xuất hiện trên châu Âu, thì Kant đã đưa lại lời nhắn nhủ làm thế nào thoát khỏi dịch bệnh đó.

DĐCL: Vậy giáo sư hiểu điều đó như là quan niệm về Thượng đế của Kitô giáo?

Gerhardt: Qua tuổi thất tuần, Kant đã cho xuất bản tác phẩm “Tôn giáo bên trong các ranh giới của lý tính đơn thuần” (1793). Vua Phổ và quan chức kiểm tra tôn giáo tối cao đã xem trong đó một tội phạm thánh với Thượng đế và đã tìm cách ngăn cấm tác phẩm bằng cách đe dọa rút phép danh chức giáo sư cùng với lương bổng của ông. Nhưng các độc giả không câu thúc thì lại nhìn ra trong đó một nổ lực kết hợp khoa học có phê phán với một yêu sách tự nhiên của con người tìm ra một chủ đích và ý nghĩa của sinh tồn mình, điều mà không có được một nhận thức nào là vững chắc cả. Sự việc ấy như thế đã mở ra nhiều không gian cho những giải thích khác nhau là điều không làm ai ngạc nhiên cả. Tóm lại, Thượng đế đối với Kant là Thực thể mà ta có thể tin và hi vọng. Qua đó ta ngầm hiểu một tương quan giữa Thượng đế và con người. Đối với Kant, mối tương quan giữa con người và Đấng sáng tạo mình là một biểu dương danh hiệu Thượng đế và con người. Và điều ấy đối với Kant được biểu đạt trong học thuyết “Con Người” [‘Menschensohn’] Jesus Christ, mà Kant cũng thường gọi là “Con của Thượng đế” [‘Gottessohn’].

>> Sự thất bại cho một chứng minh về Thượng đế không có nghĩa là không có ý nghĩa gì khi tin vào Thượng đế <<

DĐCL: Jesus Christ có một vai trò quan trọng nào đối với Kant?

Gerhardt: Trong văn phẩm Tôn giáo của mình, Kant nhận thức về Jesus không phải chỉ như người phê phán một truyền thống đã bị bỏ quên, mà còn như “biểu tượng đức tin” của một đổi mới đặc biệt. Nhưng cái nét đặc thù của sự đổi mới tiếp nối này, dưới cái nhìn của Kant, đã không được các đấng bậc trọng vọng trong giáo hội quan tâm. Họ đã không nhìn ra cái tính triệt để trong đức tin của Đấng sáng lập của họ, mỗi khi họ trình bày ý nghĩa lòng tin của mình. Mỗi tôn giáo trong thời Cổ đại đều có một quy chế nhân sự tư tế với hàm công chức, có trách nhiệm. Đạo Kitô có thể từ bỏ tất cả những quy chế đó. Điển hình là thí dụ mà Con Người đã đưa ra. Jesus đã khoáng đạt trong tương giao với các môn đồ của mình. Điều thiết thực, rằng đây là một khái niệm mới về Thượng đế đã được thiết lập nên, khái niệm mà trong một cảnh đa sắc màu văn hóa và tôn giáo có thể làm nên một khái niệm chung, điều thiết thực đó – theo tôi hiểu và tôi nghĩ đó cũng là cách hiểu của Kant – chính là điều mang tính quyết định. Trong mọi lầm đường của lịch sử, thì điều quan trọng là Kitô giáo phải chú tâm đến kẻ đối tác, phải bày tỏ sự hiểu biết lẫn nhau và phải quan tâm đến sứ điệp ràng buộc mình.

DĐCL: Điều ấy có chăng ý nghĩa rằng, Kant tin tưởng Kitô giáo có những đóng góp tích cực?

Gerhardt: Khi đưa ra hình ảnh và sứ điệp của Đấng sáng lập, thì giáo lý Kitôgiáo đối với Kant có mang một ý nghĩa vô song: trong đó có niềm ưu tư về mọi bổn phận sơ đẳng trong văn hóa con người. Và như thế, giáo hội đứng trong truyền thống của tình yêu người lân cận Kitôgiáo, mà Kant chừng mực đón nhận, đồng thời phủ nhận việc sùng đạo dân gian mù quáng. Bên cạnh đó, ông cũng thấy giáo hội cần được đứng trong những nước cộng hòa dưới ánh sáng của pháp quyền. Và ông xác tín rằng, chỉ có dân chủ mới có khả năng đáp ứng những đòi hỏi của nhân quyền.

DĐCL: Vậy có thể chăng nói rằng, Kant đã chỉ ra cách chúng ta có thể tin trong những điều kiện của Hiện đại?

Gerhardt: Phải, ta phải nói như thế! Kant đã nghiêm túc đón nhận những kiến thức của khoa học hiện đại. Trong đó có thức nhận, rằng chúng ta không thể hành xử với cái Toàn thể thế giới cũng như với cái Toàn thể cuộc sống chúng ta với những khái niệm của một tri thức chắc chắn. Một xác định như thế có thể gây phẫn nộ cho người đương thời, khi nói rằng người ta cũng có thể bảo đảm đức tin với sự hiểu biết. Nhưng Kant thì nhìn ra trong tri thức không phải một nguy hại cho đức tin, trái lại một bổ sung sức lực cho những đòi hỏi mà ta nêu ra cho chính mình. Điều ấy thích ứng cách riêng cho luân lý và chính trị, hai điều mà nếu không có niềm tin vào năng lực của chính mình thì không tài nào có thể thực hiện được. Không có hi vọng – và với đó không có lòng tin – sẽ không thực hiện được gì.

DĐCL: Như thế có chăng cũng gây nguy hiểm cho bằng chứng luân lý trứ danh về Thượng đế của Kant?

Gerhardt: Chúng ta trông chờ, có ai đó sống có đạo lý. Nói là như thế, nhưng không chắc biết được điều đó. Tôn giáo cũng tương đương như vậy. Trong học thuyết về cuộc sống và về kẻ sống, Kant đã đưa ra một bằng chứng đạo đức học về Thượng đế. Bằng chứng đó được trình bày cùng với những quan sát của ông về Thẩm mỹ học. Con người có một quan tâm đặc biệt với chính mình. Ta thấy ta trong điều cập đến với ta, trong điều ta cảm thấy đẹp. Nơi đây có một tương quan lẫn lộn đầu tiên giữa điều ta cảm thức và điều ta xúc cảm. Và trong lý thuyết về sinh vật tiếp đó, tự nhiên được nhìn nhận trong đó tự nhiên tỏ bày cho ta một cách sơ đẳng nhất. Chúng ta sống động, nhưng không phải chỉ một mình chúng ta. Còn có những hữu sinh khác mà ta không thể miêu tả chuẩn xác được. Nhưng thế giới có đó không phải chỉ riêng cho một mình chúng ta. Điều ấy ngày nay ta biết rõ hơn nhiều, nhưng vào thế kỷ 18 đó là một điều cách mạng. Và điều ấy có những hệ quả của nó: Có một tương quan liên hệ giữa “thích nghi mình” (“Sich-Einpassen”) và (“sát nhập mình” (“Sich-Einfügen”), một tương quan mà chúng ta có thể cảm nhận bên ngoài cũng như hiểu biết bên trong về chính chúng ta. Kant gọi đó là Thần học đạo đức (“Ethiko-Theologie”.

Ảnh đối thoại giữa Gs Gerhardt và biên tập viên Michael Schrom của DĐCL

DĐCL: Kant có cần đến Thượng đế đưa lại cho con người một thúc đẩy thực hành nghĩa vụ của mình và sinh sống một cách đạo đức? Thượng đế có phải lả bảo đảm cho điều thiện đem lại lợi ích, mặc dầu trong trần gian không phải luôn luôn như thế?

Gerhardt: Kant không ngây thơ gì về những hố sâu của con người. Trong văn phẩm Tôn giáo của mình, Kant gọi con người là “triệt để ác” – điều cuối cùng có nghĩa, mỗi người đều có thể là một bất ngờ về cái ác. Nhưng ý nghĩa là điểm xuất phát của nó. Trong mong chờ của chúng ta, sự bất tử đóng một vai trò trong điều chúng ta hi vọng. Đó không phải là sự sống lại từ kẻ chết, nhưng là một hiệu lực mà chúng ta được tham phần, và trong đó chúng ta có thể nói: Điều đó còn lại trên cơ sở những việc chúng ta đã làm hay trên cơ sở những gương hạnh chúng ta để lại trong trần gian.

DĐCL: Điều nghe có phần giống đạo Phật. Điều gì chúng ta gây ra, đều còn lại trên trần gian?

Gerhardt: Bạn nghi ngờ việc có điều gì còn lại của Bạn? Có thể các sách in của tôi, các bài viết của Bạn không còn được đọc nữa. Nhưng tôi nghĩ rằng, những thức nhận và những tri thức đã được khai triển, chúng không phải chỉ quan trọng đối với chúng ta. Đối với Kant, thông tin là một khái niệm mang tính quyết định. Mặc dầu chúng ta là những chủ thể riêng lẻ, nhưng chúng ta có thể trao đưa những gì có thể là đáng hiểu biết, là đáng mong chờ. Điều ấy không nhất thiết phải là một Phật tử.

DĐCL: Điều ấy có cần đến một linh hồn bất tử?

Gerhardt: Kant tìm cách suy nghĩ về một tác động vượt trên cuộc sống của chính mình trong những điều kiện của sự toàn vẹn. Nghĩa là về một điều không cỏ điểm chấm dứt. Sự bất tử, tôi sẽ dịch như thế, là một viễn ảnh mở như vậy. Trong đó ta có thể hi vọng, rằng cái đặc sắc con người của cuộc sống sẽ tồn tại trong tương lai của lịch sử. Cũng có thể trong hình thức mà ta nghĩ. Nhưng các Bạn thấy cái toàn bộ đều là giả tưởng.

DĐCL: Đặt tay lên ngực: Giáo sư có tin rằng, con người có một linh hồn bất tử?

Gerhardt: Tôi không biết điều đó. Nhưng sự mong chờ, rằng một điều gì đó còn lại từ những gì tôi làm, nhưng không theo nghĩa ta có con cái, rồi con cái lại có con cái. Cũng đã có thể đủ, khi ta để lại một gương hạnh về phẩm tính người! “Biểu tượng đức tin” (“Glaubenssymbol”) mà Jesus để lại, theo Kant, thiết yếu cũng chỉ nằm trong dấu chỉ mà Ngài đưa lại trong cuộc sinh tồn (Dasein) của Ngài. Và “Theo chân Ngài” (“Nachfolge”) đối với một tín nhân chỉ có nghĩa, chính mình trong thế giới của mình và với những phương tiện của mình, làm một dấu chỉ. Như vậy, tôi hiểu bất tử không phải như là một sự biểu dương sau này, hoặc nữa như là thưởng hay phạt. Nó nằm trong gương hạnh mà tôi đưa ra. Trong đó có điều tôi có thể hi vọng, rằng có lẽ sau tôi nó vẫn còn tiếp tục sống.

DĐCL: Từ nghiên cứu ngành thương tích, chúng ta biết cả những cảm nghiệm tiêu cực cũng được trao chuyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và có những hậu quả tiêu cực trong thế giới. Hiểu như thế thì sự bất tử không nhất thiết là một phúc lành, nhưng cũng có thể là một thảm họa.

Gerhardt: Như thế thì lại càng quan trọng, rằng ta phải sống ra sao để không để lại một gương xấu nào. Rằng ta phải sống cách nào mà ta có thể bào chữa được cho mình. Kant chỉ nói rằng, chúng ta phải nhìn nhận sự bất tử như một tư tưởng có tác dụng lâu bền hơn chỉ là một khoảnh khắc. Điều ấy có thành hiện thực hay không, đó là điều còn bỏ ngỏ.Và bởi ta không biết được kế hoạch của Thượng đế, nên chỉ sự thật là phương sách cơ bản cho cách sống của con người. Điều ấy cũng đúng cho trong tương lai. Rằng sự thật là điều có thể, kể cả trong những điều kiện trái nghịch – đó là điều mà tôi trong đời sống của mình chịu trách nhiệm. Và nó có giá trị trong cuộc sống riêng tư cũng như trong đời sống công khai chính trị.

DĐCL: Kant suy tư không quá lạc quan về lý tính con người?

Gerhardt: Chúng ta có gì ngoài lý tính?

DĐCL: Vui thích ngắn hạn mà không có trách nhiệm, tìm kiếm thắng lợi riêng tư mà không có e ngại.

Gerhardt: Dĩ nhiên có thể có người nói: Khi y chỉ có tiền và cơ may, rồi sau đó nói y ta sống rất thoải mái, điều ấy thỏa mãn y nhiều. Nhưng điều ấy lại không thích ứng với bất cứ một quan niệm nghiêm túc nào về một cuộc sống đích thực. Cho một cuộc sống đích thực, còn cần nhiều điều nữa, như con người phải chu toàn bổn phận mình một cách mà những công việc đó cũng được những người khác nghiêm túc nhìn nhận. Mỗi cuộc sống chung đều cần có những con người cùng chung nhau tác động trong một sự đồng thuận như thế. Và trong sự cùng nhau hợp tác này có một nghĩa vụ, và nghĩa vụ này là động cơ trung tâm của Đạo đức học của Kant: sống cách nào để cuộc sống đó là một mẫu mực cho mọi người, cho nhân loại. Điều ấy cần không hơn không kém trong sinh tồn của hiện hữu là trở nên một con người, một nhân vị (person), kẻ nghiêm túc nhìn nhận mình và tìm cách thực hiện cho tương ứng những đòi hỏi đạo đức của một con người. Văn phẩm mang tên hài hước “Hướng đến nền hòa bình vĩnh cửu” của Kant minh họa cho cái nhãn quan rất hiện đại và không ảo tưởng về con người.

DĐCL: Không ảo tưởng hay lại là duy tâm?

Gerhardt: Không ảo tưởng. Kant không đi vào lịch sử với những bước đi đã sắp sẵn. Ta không thể tin rằng tất cả đều sẽ tốt đẹp. Và con người theo Kant “tự bản tính là ác” (‘von Natur aus böse’), nhưng Kant nhìn nhận đó chỉ như là điều trách cứ, bởi con người có cơ bản là điều thiện.

>> Trong niềm tin vào Thượng đế, nhiều người có thể tìm thấy điều hòa đồng nhất trí và cùng lúc cả những điều khác biệt, mà không lấy mất đi điều gì nơi kẻ khác <<

DĐCL: Tính phổ cập, nơi mà Kant đặt nhiều hi vọng của mình, lại đã luôn nẩy sinh nhiều tranh biện gay gắt về vấn đề căn tính.

Gerhardt: Tôi đã thật kinh hoàng về điều đó, và Kant cũng vậy. Bởi không phải là một Cộng hòa thế giới nhất thể, nhưng là một Thực thể đa hình các quốc gia. Kant biết châu Âu đã hình thành cái Thực thể đa hình này và những tương quan pháp quyền đã được xây dựng chính nơi đây, những tương quan phải được củng cố, để có thể thực hiện một cuộc sống chung trong tự do. Kant đã hình dung điều đó với khái niệm Liên hiệp (Föderalismus). Mặt khác, Kant đã rất ưu tư về việc người châu Âu đã cư xử thiếu đạo đức với những dân tộc không phải âu châu. Kant là một người phê phán không khoan nhượng chế độ thuộc địa của châu Âu. Nhưng ông cũng nghĩ, thông qua một thỏa hiệp trên cơ sở pháp quyền, thì cũng có thể thực hiện được sự nhìn nhận trong kính nể phẩm giá con người những khác biệt xẩy ra.

DĐCL: Điều ấy có nghĩa gì trong chiến tranh xâm lược Nga sô?

Gerhardt: Kant rất dè dặt trong vấn đề chiến tranh và hòa bình. Ông không phải là kẻ mà ngày nay ta gọi là “người phản chiến” [Pazifist], bởi ông nhìn nhận sự tự vệ chống lại kẻ xâm lược là một “quyền chính đáng” không ai được phép phủ nhận. Ông nhắm vào liên minh các quốc gia và vào pháp quyền các dân tộc để giải quyết chiến tranh và đưa đến hòa bình. Ông đã phân biệt rành rõi các hiện tình trước chiến tranh, trong chiến tranh và sau chiến tranh. Và như thế, văn phẩm Hòa bình của Kant không phải là một tiếng kêu gọi hòa bình trống rỗng, nhưng là một học thuyết về hòa bình trong một thế giới đầy “tương phản”. Theo đó thì cũng phải kể đến việc chống trả kẻ xâm lược cả bằng phương cách quân sự để phục hồi hòa bình.

DĐCL: Trong những điều kiện độc tài, có thể nào còn nói đến đạo đức nữa không?

Gerhardt: Thật khó mà đưa ra ở đây một câu trả lời. Dẫu sao Putin cũng có thể là một điển hình cho Kant về tác động của luân lý trên hành động chính trị. Bởi nhân vật độc quyền này, kẻ mà mọi phương tiện đều bất chấp có thể sử dụng, rõ ràng vẫn sợ hãi đối với một kẻ thù, kẻ chỉ với một tiếng nói và với yêu sách luân lý chống lại ông ta, kẻ đó là Alexej Nawalny. Ông này đã không thể trở nên một kẻ thù lớn và đáng sợ như thế đối với Putin, nếu nơi ông ta đã không có được cái định hướng vào luân lý, vào sự bền chí và vào sự mở lòng đón nhận nếp sống phương Tây. Qua đó, người ta thấy rằng, Putin quả đã có một hình dung điều gì có thể gây nguy hiểm cho một chế độ quyền lực tội phạm.

DĐCL: Luân lý thực sự có thể chăng tác động trên diễn ngôn công cộng của chúng ta?

Gerhardt: Năng lực của luân lý đòi hỏi trước đó phải đã có được một tương giao tự do và cởi mở. Nếu không có điều đó, vì bởi bị ngăn cấm, bị khống chế, hay bị hệ thống tuyên truyền bôi nhọ, hoặc nữa nếu mỗi người chỉ kêu than riêng lẻ trong góc nhà mình, thì ý tưởng một quyền lợi chung sẽ không còn gì hiệu nghiệm nữa. Và như thế thì luân lý cũng mất đi tính hiệu nghiệm tổng thể của mình. Vì vậy, chính là điều vô cùng quảng kiến, khi Kant nêu cao tầm quan trọng của tính tương tác giữa công luận và luân lý.

DĐCL: Điều ấy có cần đến cộng đồng tôn giáo?

Gerhardt: Nhất thiết cần. Không phải chỉ vì có nhiều người lớn lên trong các truyền thống tôn giáo, những truyền thống có ý nghĩa đối với họ. Sẽ là một điều bất nhân, nếu ta đòi hỏi con người đơn giản phải từ bỏ những gì quý báu trong các truyền thống của họ. Nhưng điều quyết định là, thế giới biểu hiện ra vô tận lại luôn đặt ra những giới hạn cho con người trong hành trình thành toàn cuộc sống của mình, những giới hạn mà con người trong cảm nhận và tư duy phải tiếp tục vượt qua. Nơi đây, chỉ có tôn giáo đưa lại cho họ một chủ đích, trong đó con người đối với chính mình -cho dầu có một xa cách lớn nhất đối với tất cả- nhưng lại có thể không những gần gũi nhất mà còn đích thực nhất đối với chính mình. Và cả trong vô tận thì Thượng đế cũng có thể là kẻ thân gần nhất của từng người. Trong niềm tin vào Ngài, nhiều người có thể tìm thấy được điều hòa đồng nhất trí của họ và đồng thời cả những điều khác biệt, mà không lấy mất đi một điều gì nơi kẻ khác. Với thức nhận nầy, thì cả tôn giáo của Kant cũng có thể học hỏi được đôi điều từ ý tưởng tính liên minh của Kant.

.|. .|.

Be First to Comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *