Bộ sách “Những Nhà Tư Tưởng Lớn trong 60 phút”
Lưu Hồng Khanh
Viết cho tập san TRIẾ́́́T-6_10-2021
Đây là một bộ sách tiếng Việt được chuyển ngữ từ nguyên văn tiếng Đức mang tên
„Große Denker in 60 Minuten“, do tác giả Dr. Walther Ziegler biên soạn. Bộ sách tiếng Đức này khởi sự ra mắt từ năm 2015, do nhà xuất bản Books on Demand [Sách đặt hàng theo yêu cầu], Norderstedt, Deutschland.
Bài giới thiệu bộ sách hai ngôn ngữ này được hình thành dưới đây thông qua 4 tiết mục như sau:
1.Danh mục các tên sách tiếng Đức và tiếng Việt với tên người dịch và các đợt dịch
2.Tác giả và các nguyện vọng của bộ sách
3.Những nội dung và phương pháp
4.Phản ứng từ các độc giả trên các nước đã phiên dịch
1-Danh mục các tên sách tiếng Đức và tiếng Việt
với tên người dịch và các đợt dịch
Vào thời điểm tháng 9 cùng với dự tính đến cuối năm 2021 này, bộ sách nguyên văn tiếng Đức đã và sẽ xuất bản được 25 đầu sách. Xin liệt kê các tên sách tại đây. Bởi các tên sách cũng là tên các nhà tư tưởng lớn được bàn đến, nên bảng các tên sách bước đầu cũng đã phần nào cống hiến cho bạn đọc có được một cái nhìn tổng quát về các chiều kích tư tưởng của bộ sách “Những nhà tư tưởng lớn – trong 60 phút” [NNTTL]:
- Adorno (xb.2017) — Lưu Hồng Khanh
- Arendt (xb.2018) — Lưu Hồng Khanh
- Buddha (xb.2021) — Nguyễn Tường Bách
- Camus (xb.2015) — Trần Minh Khôi
- Descartes (xb.2021) — Nguyễn Lê Tiến
- Epikur (xb.2021) — Trần Minh Khôi (?)
- Foucault (xb.2019) — Nguyễn Lê Tiến
- Freud (xb.2015) — Hoàng Lan-Anh
- Habermas (xb.2017) — Lưu Hồng Khanh
- Hegel (xb.2015) — Lưu Hồng Khanh
- Heidegger (xb.2015) — Tô Tuấn Lưu
- Hobbes (xb.2019) — Trần Minh Khôi
- Kafka (xb.2021) — Lưu Hồng Khanh
- Kant (xb.2015) — Lưu Hồng Khanh
- Konfuzius (xb.2020) — Lưu Hồng Khanh
- Marx (xb.2015) — Nguyễn Đăng Chính [bị hoãn in, vì “nhạy cảm”]
- Nietzsche (xb.2017) — Nguyễn Lê Tiến
- Platon (xb.2015) — Nguyễn Lê Tiến
- Popper (xb.2019) — Nguyễn Le Tiến [bị hoãn dịch, vì “nhạy cảm”]
- Rawls (xb.2019) — Nguyễn Đăng Chính
- Rousseau (xb.2015)– Tô Tuấn Lưu
- Sartre (xb.2015) — Tô Tuấn Lưu
- Schopenhauer (xb.2018) — Tô Tuấn Lưu
- Smith (xb.2015) — Tôn Thất Thông
- Wittgenstein(xb.2018) — Tô Tuấn Lưu
Dự tính, nhưng chưa xuất bản: - Bacon (xb.—-)
Bộ sách chuyển ngữ tiếng Việt “Những nhà tư tưởng lớn – trong 60 phút” đã ra mắt đợt một năm 2020 gồm 9 cuốn, do Nhà xuất bản Hồng Đức, Hà Nội, thông qua Công ty Cổ phần Văn hóa Văn Lang, Tp.HCM. Chủ biên: Lưu Hồng Khanh và Bùi Văn Nam Sơn.
Bộ sách chuyển ngữ tiếng Việt “Những nhà tư tưởng lớn – trong 60 phút” cho đợt hai gồm 10 cuốn. Các bản dịch đã được gửi về Cty CP Văn Hóa Văn Lang cuối tháng 5.2021. Việc ra mắt bộ sách đợt hai trong năm 2021 này phần lớn còn tùy thuộc vào tình trạng làm việc có giới hạn trong giãn cách của các khâu biên tập và kỹ thuật in ấn do dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam hiện nay.
Bộ sách chuyển ngữ tiếng Việt “Những nhà tư tưởng lớn – trong 60 phút” dự tính cho đợt ba, có thể qua năm 2022 – 2023, gồm những cuốn tiếng Đức đang dịch, chưa dịch hoặc đang biên soạn.
2-Tác giả và các nguyện vọng của bộ sách
Về tác giả Dr. Walther Ziegler:
Ở trang cuối mỗi tập sách tiếng Đức và trang hai bìa đầu mỗi bản dịch tiếng Việt đều có ghi đôi dòng đơn giản về con người và công việc của tác giả. Dr. Walther Ziegler đã theo học triết học, lịch sử và chính trị. Qua các bước nghề nghiệp thông tín viên tại nước ngoài, phóng viên và giám đốc phòng tin tức của công ty truyền hình ProSieben, ông đã sản xuất nhiều phim trên mọi châu lục của thế giới.
Các tường thuật của ông đã giành được nhiều giải thưởng. Tại Munich từ 2007, ông đào tạo các nhà báo truyền hình trẻ và lãnh đạo Học viện Truyền thông – một cơ sở cấp đại học về phim và truyền hình được đặt trong khuôn viên của hãng phim Bavaria.
Ông đồng thời là tác giả của nhiều sách về triết học. Qua kinh nghiệm lâu năm của nhà báo, ông đã thành công trong công việc diễn giải những kiến thức phức tạp một cách lôi cuốn và dễ hiểu.
Nguyện vọng trong việc biên soạn bộ sách của tác giả Dr.Walther Ziegler:
Trong cùng một năm, năm 2015, tác giả Dr. Ziegler đã cho xuất bản 10 đầu sách về 10 nhà tư tưởng lớn, trong đó có đến 8 vị là những triết gia gộc cội của nền triết học phương Tây (x. Bảng danh mục các tên sách ở trên), 2 vị còn lại cũng là những nhà tư tưởng lớn: nhà phân tâm học Freud và nhà kinh tế học Smith. Những năm tiếp theo, Dr. Ziegler đã liên tục xuất bản thêm nhiều nhà tư tưởng lớn khác, đặc biệt nhất là hai danh nhân lớn của châu Á: Khổng Tử và Đức Phật (x. Bảng danh mục các tên sách và tên người dịch ở trên).
Ngay từ cuối năm 2015, Dr. Ziegler đã trình bày trước nhiều cử tọa thuộc Phân khoa Triết học cũng như thuộc Trường Cao đẳng Giáo dục Thường xuyên ở Đức lời giới thiệu ngắn về bộ sách và những nguyện vọng của ông khi biên soạn bộ sách của mình. Tháng 9 năm 2021, Dr. Ziegler và người đang viết bài trình bày này đã cùng nhau trao đổi các suy tư và những nguyện vọng về bộ sách đã và đang được tiếp tục biên soạn, chuyển ngữ và phổ biến – ngoài nguyên quán của tác giả là nước Đức – còn cả một số nước trên thế giới, như Anh-Mỹ, Pháp, Việt Nam, Nhật Bản, Nam Hàn, Úc, Trung Quốc. Chúng tôi tổng hợp các suy tư và những nguyện vọng này lại thông qua lời giới thiệu sau đây, phần lớn qua danh xưng trực tiếp của tác giả Dr. Ziegler cho việc diễn đạt biểu trưng được sự linh động và tính trung thực của buổi trò chuyện trao đổi.
Tác giả Dr. Ziegler nói:
- Nguyện vọng của tôi khi biên soạn bộ sách này là xác định được một cách rõ ràng và dễ hiểu những tư tưởng cốt lõi của các triết gia xuất sắc nhất trên thế giới.
- Điều kỳ diệu của triết học là nêu ra được những câu hỏi quan trọng nhất trong cuộc sống:
- Tại sao tôi có mặt ở đây?
- Cái toàn thể là gì?
- Xã hội và lịch sử hoạt động ra sao?
- Cái toàn thể đi về đâu? Lịch sử có kết thúc không, nếu có thì kết thúc ở đâu, thế nào?
- Mỗi cá nhân con người có thể và phải làm gì? Có một nhiệm vụ gì trong lịch sử không? Nhiệm vụ của mỗi cá nhân con người là gì?
- Các triết gia – và đây là điều thật đáng say mê và đầy hấp dẫn – đã từng đề xuất những lời giải đáp rất khác nhau.
- Trong bộ sách “Những nhà tư tưởng lớn – trong 60 phút” của tôi, trong từng cuốn sách:
- tôi sẽ trưng ra tư tưởng cốt lõi của từng nhà tư tưởng cùng với những lời trích dẫn quan trọng nhất của họ,
- sau đó nêu lên câu hỏi, rằng điều ấy có giúp ích gì cho chúng ta hôm nay không – giúp ích cho xã hội và đích thân cho từng người trong cuộc sống thường ngày của mình.
- và cuối cùng ta có thể nhận thấy, rằng tất cả những nhà tư tưởng này đều trên đường tìm kiếm điều nối kết xã hội lại trong sâu thẳm nhất của nó.
Tác giả Dr. Ziegler đưa ra một vài minh họa, với các nhà tư tưởng lớn:
- Platon: Khai mở hồn mình cho điều thiện, cho ta học được cách nhìn với con mắt nội tâm.
- Marx: Lao động và quan hệ sản xuất khắc chạm cuộc sống con người chúng ta – cuộc sống của bản thân và của cộng đồng xã hội, tồn tại quyết định ý thức – và như thế thì người nhà nông chủng tộc German hay dân da đỏ vùng Trung Nam châu Mỹ trong công việc làm ăn tập thể và chia chác hoa màu sẽ có những cảm nghiệm hoàn toàn khác với các thợ thuyền công xưởng ngày nay hoặc với giới công chức hay người quản trị trong xã hội tư bản hiện đại.
- Freud: Dục vọng, giới tính, năng lượng bản năng mà chúng ta theo đuổi, trấn áp hay thăng hoa.
- Hegel: Tinh thần thế giới, tinh thần phát triển chính mình lên những cấp bậc cao hơn – không phải như một thượng đế từ trên cao nhìn xuống kiếp khổ cực của con người, nhưng như một con người phát triển chính mình trên suốt hành trình cuộc sống, cũng như lịch sử khai triển chính mình từ những khởi đầu rất đơn giản đến một đích điểm cuối cùng.
- Nietzsche: Ý chí tìm kiếm quyền lực.
- Habermas: ngôn ngữ, sự khai triển lý tính tương giao, nhờ đó mà thế giới cùng lớn lên – đó là trực thị tri kiến của ông.
Cuối năm 2020 và giữa năm 2021 này, Dr.Ziegler lại đã vừa cho ra mắt 2 tác phẩm rất quan trọng về 2 danh nhân lớn Á châu: Khổng Tử và Đức Phật. Việc biên soạn và xuất bản 2 tác phẩm này xem ra là một công việc bình thường trong cuộc đời của một nhà văn, nhưng nó cũng biểu trưng được một cách kỳ diệu sự phối hợp những ước mơ âm ỉ mơ hồ cùng với những bước đi quyết định và dứt khoát trong tiến trình sáng tác. Năm 2019, Dr.Ziegler tâm sự cho biết ông muốn mở rộng biên giới “Những nhà tư tưởng lớn trong 60 phút” lâu nay tập trung vào xã hội phương Tây, nay ông có ý nghĩ cũng sẽ viết về những danh nhân lớn Á châu, như Đức Phật và Khổng Tử. Trước vẻ ngập ngừng, do dự và ít tin tưởng của ông, tôi (lhk, lúc này đã biết được khá nhiều về con người và công việc của tác giả Dr.Ziegler) đã chân tình góp ý, rằng với cái sức đọc sách rất lớn, cái óc tổng hợp rất mạnh và cái trực giác rất tinh tế của ông, chắc chắn ông sẽ thực hiện được một cách tuyệt vời cái ước mơ một “Triết học đa văn hóa” của thế kỷ 21 này. Mà quả thật chỉ 1 năm sau đó, ông đã cho xuất bản tác phẩm “Konfuzius trong 60 phút”, và thêm nửa năm sau là tác phẩm “Buddha trong 60 phút”.
Và bây giờ Dr.Ziegler tiếp tục lời giới thiệu về 2 tác phẩm mới của bộ sách:
- Khổng Tử: đã rất minh thị đặt câu hỏi về “Đạo”, con Đường công chính, con Đường của sự sống, và lời giải đáp của ông hàm chứa một sự chính xác vượt thời gian. Theo Khổng Tử, chúng ta phải rèn luyện tính tình của mình, phát triển những đặc tính tối ưu của bản thân, trong khi vẫn hỗ trợ những khả năng phát triển của tha nhân. Bởi thực hiện đức Nhân – mà tư tưởng cốt lõi của nó là sự đồng cảm, lòng nhân ái – là cái Thiện tối cao mà chúng ta có thể và phải thể hiện trong cuộc sống.
- Đức Phật: đã phác thảo một bức họa tổng thể về thế giới và nhắn nhủ ta biết giải quyết những đam mê dục vọng của mình một cách minh triết. Với giáo huấn “Bát chánh đạo”, ngài đã chỉ ra cho ta con đường cụ thể đưa đến thanh thản và tự giải thoát.
Mỗi triết gia đều có một thị kiến, một hiện tượng, một phát kiến tìm ra tia lửa từ khối tinh thể Sự thật, từ đó hiền giả tìm hiểu về thế giới, và từ đó tìm cách nhìn ra đâu là nhiệm vụ của bản thân mình trong thế giới này. Nhìn chung, ta thấy tư tưởng của các triết gia hầu như không có giới hạn, chúng có khả năng kết nối mọi dân tộc trên thế giới lại với nhau trong sự thật, vượt trên mọi khác biệt của văn hóa. Dr.Ziegler minh họa ý này nói thêm rằng, thí dụ như Khổng Tử và nhất là Đức Phật đã và vẫn đang từng được quan tâm và yêu mến trên nước Đức này. Thật là một điều kỳ diệu, rằng Triết học ngay cả lúc này và chính trong những thời gian khó khăn của chúng ta bây giờ đã tìm ra con đường đến với con người. Và chính đó là điều mà bộ sách này muốn đưa lại một đóng góp nhỏ bé của mình.
3-Những nội dung và phương pháp
Thông qua những gì tác giả Dr.Ziegler vừa trình bày trên đây về những nguyện vọng của bộ sách “Những nhà tư tưởng lớn trong 60 phút” của mình, thì ông cũng đã nói đến những nội dung cơ bản của toàn thể bộ sách cũng như của từng cuốn sách, tức của từng nhà tư tưởng – ít nữa là của một số vị làm minh họa. Nay ở đây chúng tôi chỉ xin ghi thêm một vài ý nhỏ giải thích bổ sung.
Tên gọi của bộ sách là “Những nhà tư tưởng”, nhưng hàm ý của tác giả là “Những nhà triết học”. Bởi theo tác giả, “Những nhà tư tưởng” được trình bày ở đây – như Sigmund Freud, Adam Smith, … và gần đây hơn nữa, Franz Kafka – đã từng đề xuất những tư tưởng triết học lớn. Chính Dr.Ziegler trong cuốn “Kafka trong 60 phút” đã mở đầu tác phẩm của mình rằng: “Kafka (1883-1924) là một văn sĩ chứ không phải một triết gia. Dẫu vậy ông cũng được liệt vào hàng ngũ những nhà tư tưởng quan trọng bậc nhất trên thế giới. Ông phải được điểm tên cùng với Platon, Khổng Tử, Kant, Hegel, Hume, Freud, Wittgenstein và Sartre. Bởi chúng ta ghi ơn ông không phải chỉ vì cái phần văn chương thế giới xuất chúng của ông, nhưng cũng còn là vì một sự khám phá triết học vượt thời gian của ông…”.
Nhưng điều đặc sắc chúng tôi muốn ghi lại ở đây là phương pháp biên soạn mang tính sư phạm rất cao của tác giả. Những ai đã từng bước vào thế giới triết học, nguyên chỉ với Kant hay Hegel, đều đã không dưới một lần bị ‘nhức đầu nhức óc’, ‘bứt tai bứt tóc’, vì sách của các ông dày cộm hàng nghìn trang và chữ nghĩa của các ông không ai hiểu nổi các ông muốn nói gì! Hẳn nhiều người còn nhớ, hồi sách “Phê phán Lý tính Thuần túy” của Kant và “Hiện tượng học Tinh thần” của Hegel, cả hai chuyển ngữ tiếng Việt, ra mắt ở Việt Nam, nhiều đoàn người đã dồn dập nối chân nhau vào các Nhà sách để kịp mua sắm. Nhưng chỉ ít ngày sau, các sách vừa mới mua nói trên phần lớn đã được kính cẩn và kỹ lưỡng đem chưng bày trong tủ kính phòng khách tư gia và không bao giờ được sờ đụng đến nữa, bởi hầu như không ai có đủ thì giờ và đủ khả năng để lĩnh hội được sách muốn nói gì. Nhận xét này không phải là một chỉ trích về các tác giả rất lỗi lạc Kant và Hegel, về người dịch hay người đọc, nhưng chỉ là một quan sát về sự kiện. Và sự kiện này muốn nói rằng, công việc làm triết học một đàng phải rất công phu khoa học, nhưng đồng thời cũng phải rất sinh động và ứng thù trong cuộc sống.
Phương pháp sư phạm của bộ sách:
Trở về với tác giả Dr.Ziegler và bộ sách “Những nhà tư tưởng lớn trong 60 phút” của ông:
Bộ sách này đã được Dr.Ziegler trình bày ngắn gọn, cơ bản, súc tích, đầy đủ, nhưng dễ hiểu và ứng dụng cho các câu hỏi của con người thời đại, có thể chỉ cần 60 phút để đọc hết tập sách dài khoảng trên dưới 100 trang, với cỡ chữ to và nhiều hình ảnh hài hước thân tình về nhà tư tưởng đang được bàn đến, cùng với những lời trích dẫn quan trọng và cơ bản của nhà tư tưởng đó .
Quả thật, chỉ riêng về một triết gia với hàng chục hay hàng trăm tác phẩm và tư liệu rất phức tạp trong tư tưởng cũng đã là một khó khăn cực lớn cho người đọc, làm sao độc giả có thể quán xuyến thấu triệt toàn bộ tư tưởng của một triết gia như thế, nói gì đến hàng chục triết gia quan trọng khác trong tổng thể lịch sử triết học thế giới? Soạn giả Dr.Walther Ziegler rất khiêm tốn và đầy thịnh tình trong giao tiếp đã chứng tỏ sự thành công của ông trong công việc tổng hợp này. Ông đã đúc kết cống hiến cho bạn đọc những tư tưởng nòng cốt của từng triết gia, hơn nữa trên cơ sở toàn bộ các lời trích dẫn đã để cho các triết gia trực tiếp nói chuyện với bạn đọc thay vì soạn giả nói về các triết gia.
Bố cục mỗi tập sách gồm 3 phần:
- Khám phá lớn của triết gia NN.
- Tư tưởng cốt lõi của triết gia NN.
- Phát hiện của triết gia NN có ích gì cho chúng ta ngày hôm nay?
Cấu trúc ba bước suy tư này của soạn giả Dr. Ziegler xem thật đơn giản, nhưng lại mang một tầm mức sư phạm rất cao: đánh dấu một tư duy sáng tạo tìm cách nhìn ra được những phát minh lớn và mới lạ, từ đó khai triển những suy tư cốt lõi cơ bản, nhưng không dừng lại ở đây để ghi nhận, chiêm ngắm hay liệt kê trích dẫn như trong một số chương trình giáo dục và đào tạo truyền thống, nhưng tìm cách ứng dụng một cách sáng tạo cho độc giả, cho chúng ta, cho con người ngày hôm nay.
4-Phản ứng từ các độc giả trên các nước đã biên dịch
Bộ sách “Những nhà tư tưởng lớn trong 60 phút” này đã được đón nhận với rất nhiều thiện cảm tại nước Đức nơi bản gốc được xuất bản. Nó cũng đã được biên dịch sang nhiều thứ tiếng như đã được nói đến đầu tiết mục 2 ở trên: Anh-Mỹ, Pháp, Việt Nam, Nhật Bản, Nam Hàn, Úc, Trung Quốc.
Một điều đem lại không ít vui mừng và khích lệ nữa, là ngay như ở Việt Nam, lớp người mua sắm và nghiền ngẫm bộ sách này phần lớn thuộc giới trẻ, và họ không phải chỉ là các sinh viên khoa Triết, nhưng thuộc nhiều thành phần khác nhau trong xã hội. Lần xuất bản đợt một với 9 tác phẩm năm 2020 vừa qua đã được bán sạch trong 10 tháng đầu, vượt quá dự tính của Cty xuất bản và phát hành sách. Các sách đợt một này dự tính sẽ được tái bản cùng lúc với lần xuất bản đợt hai với 10 đầu sách mới đang được tiến hành vào năm 2021 này.
Thông tin văn học đương đại đang chứng kiến một sự kiện đầy niềm vui và khích lệ: Đó là sự tiếp đón nồng nhiệt đối với bộ sách “Những nhà tư tưởng lớn trong 60 phút” và qua đó là với Triết học – không phải chỉ qua tiếng German tại bản xứ nước Đức, mà còn qua nhiều thứ tiếng khác trên nhiều châu lục khác trên thế giới – đặc biệt hơn nữa là sự tiếp đón từ các giới trẻ.
Sự kiện này cho thấy, điều mà thế giới đang cần là triết học, nhiều triết học hơn nữa. Và tác giả Dr.Ziegler nói: Chính đó là điều mà bộ sách này muốn đưa lại một đóng góp nhỏ bé của mình. Và đó cũng là động lực thúc đẩy chúng tôi – Ban dịch thuật và toàn bộ Cty biên tập, in ấn, xuất bản – sớm chuyển tải bộ sách này đến quý bạn đọc Việt Nam.
Người giới thiệu:
Lưu Hồng Khanh: Người Hà Tĩnh, trung học tại Huế, đại học tại Đà Lạt, dạy học tại Vũng Tàu, đi tu nghiệp năm 1967 tại Đức, các phân khoa triết học, thần học, xã hội học tại Đại học Munich, Đại học Marburg, PhD tại đây năm 1978, giảng dạy tại Hamburg, Frankfurt, Heerlen/Holland, Paris, Sài Gòn, Nha Trang, nay hưu trí tại Frankfurt, tiếp tục viết sách, dịch sách, phổ biến sách trong các lĩnh vực triết học, thần học, xã hội, tâm lý, giáo dục.