Kính chào Ban biên tập,
Tôi thấy vui, mừng, cả hy vọng nữa, khi đọc các bài viết của Tạp chí Triết. Xin cảm ơn BBT và các tác giả.
Khi đọc bài ” Suy nghĩ về Triết” của Như Hạnh Nguyễn Tự Cường cùng với bài “Phê phán Triết lý giáo dục Công cụ” của Trần Văn Đoàn, phải đi đến kết luận rằng không thể chuyển ngữ các tác phẩm triết học, mà chúng phải được đọc bằng ngôn ngữ gốc, nếu người ta muốn tìm hiểu triết học thế giới để tạo dựng và phát triển nền triết học nước nhà, trên cở sở đó mà tạo lập các hệ giá trị đúng đắn.
Đối với các triết gia và người được đào tạo triết học là người Đức, các tác phẩm của Kant và Hegel vẫn là những tác phẩm đặc biệt khó đọc, hiểu, không chỉ do nội dung mà còn do (có thể đặc biệt là do) ngôn ngữ mà họ sử dụng. Vì thế, trong hoàn cảnh xã hội và tâm thức của giới học giả trong nước VN hiện nay, việc khuyến khích chuyển ngữ tác phẩm triết học nước ngoài, đặc biệt là của Kant, Hegel, thật sự là “Thương nhau như thế, bằng 10 hại nhau”.
Anh Nguyễn Hữu Liêm trong bài “Một lý thuyết về Công lý” có gián tiếp giới thiệu các bản dịch Kant, Hegel của Bùi Văn Nam Sơn, trong đó có tác phẩm nổi tiếng nhất của Kant ” Kritik der reinen Vernuft ” thành “Phê phán lý tính thuần tuý”. Đúng ra, chỉ có thể dịch là ” Nhận xét, (hoặc xem xét), lý tính thuần túy”. Ngay mới chỉ là dịch tên tác phẩm đã có vấn đề rồi. Xin nói thêm, mặc dù việc chuyển ngữ từ tiếng Đức sang tiếng Anh tác phẩm “Kritik der reinen Vernuft” đã được nhiều dịch giả nổi tiếng thế giới thực hiện, nhưng giới triết gia Đức hiện nay vẫn đồng ý rằng đọc bản tiếng Anh sẽ không bao giờ có thể hiểu một cách đúng đắn và đầy đủ về Kant được.
Về cơ bản, có 2 trở ngại lớn nhất cho việc chuyển ngữ các tác phẩm triết học của thế giới sang tiếng Việt: (1) Khách quan: trình độ phát triển, trình độ khoa học kỹ thuật của các lĩnh vực liên quan đến tác phẩm cần dịch quá chênh lệch so với của Việt nam, vì vậy rất khó tìm được từ vựng tiếng Việt tương ứng, hay tương tự hoặc chỉ là gợi ý hiểu được từ gốc; (2) Chủ quan của dịch giả: Dịch giả là người Việt thành danh ở nước ngoài, có chuyên môn phù hợp, giỏi ngôn ngữ gốc, nhưng lại thường là không thông hiểu tiếng Việt lắm, nhất là tiếng Việt hiện đại. Ngược lại, dịch giả trong nước vừa không có điều kiện để hiểu đúng, hiểu sâu sắc từ vựng được dùng trong từng ngữ cảnh cụ thể của tác phẩm cần dịch, vừa bối rối khi phải chuyển thể cả lối tư duy nước ngoài thành tư duy có thể hiểu được bằng tiếng Việt.
Nhưng, chuyển ngữ các tác phẩm triết học nổi tiếng thế giới sang tiếng Việt là cấp bách và cần thiết. Nó nên được thực hiện qua 2 hoạt động song song: (1) Đánh giá, nhận xét (có tính chất thẩm định khoa học, khách quan) các tác phẩm dịch quan trọng đang có trên thị trường Việt nam; (2) Tổ chức các nhóm dịch giả kết hợp được chuyên gia người Việt ở nước ngoài và trong nước. Thêm vào đó, cũng cần có một Quĩ chuyển ngữ hỗ trợ về mặt vật chất cho các dịch giả.
Một lần nữa xin cảm ơn BBT và các tác giả. Chúc các anh sức khoẻ, sự kiên trì và thành công trên con đường hướng đến mục tiêu của Tạp chí Triết.