Press "Enter" to skip to content

ĐỌC VÀ PHẢN BIỆN KANT

ĐỌC VÀ PHẢN BIỆN KANT: SAO SÁNG TRÊN TRỜI VÀ QUY LUẬT ĐẠO ĐỨC BÊN TRONG TA.

Kỷ niệm 300 năm sinh nhật Immanel Kant (4/1724 – 4/2024)

Nguyễn Hữu Liêm

Có hai điều luôn chất đầy mới lạ và ngưỡng mộ trong tâm trí tôi: bầu trời đầy sao phía trên và quy luật đạo đức bên trong.” (Kant: Phê phán Lý tính Thực hành).

Tháng Tư năm nay, 2024, đánh dấu 300 năm ngày sinh của Immanuel Kant (4/1724 – 4/2024) một đệ nhất triết gia Âu châu thời cận đại. Thế giới triết học, vốn mang ảnh hưởng văn minh và học thuật Tây Âu, đặc biệt là trong các phân khoa triết, đang có những sự kiện đánh dấu ngày sinh của nhân vật trí thức lớn nầy. Riêng ở Việt Nam, theo chúng tôi biết thì Đại học Thái Bình Dương ở Nha Trang đang chuẩn bị tổ chức một hội thảo toàn quốc về Kant vào cuối hè năm nay. Một tập kỷ yếu về Kant cũng được một nhóm triết học gốc Việt chủ biên với sự điều phối của Tiến sỹ Nguyễn Xuân Xanh ở Thành phố Hồ Chí Minh.

KANT TIẾNG VIỆT – VẪN CHỈ MỚI BẮT ĐẦU

Triết học Kant đã đến với Việt Nam từ giữa thế kỷ 20 với sách của các giáo sư triết học ở miền Nam cũng như miền Bắc. Nhưng cho đến gần đây thì các tác phẩm kinh điển của Kant mới được chính thức phiên dịch bởi dịch giả lừng danh Bùi Văn Nam Sơn (BVNS).

Văn viết của Kant rất khó đọc và khô khan, từ thể thức trình bày đến nội dung lý luận. Những ai không quen với triết học Tây phương, nhất là với các triết gia hiện đại từ Descartes đến Locke hay Hume thì khó mà hiểu Kant. Đọc Kant thì gần như học toán cao cấp. Nó cho người học một niềm hoan lạc thuần lý, không vướng mắc cảm xúc hay tính thời sự hay sử tính. Có lẽ vì thế mà giới trí thức, văn chương ở miền Nam Việt Nam trước 1975, không tiếp nhận Kant một cách nồng nhiệt như là đã với Nietzsche hay Heidegger. Khó mà thấy giòng chữ nào viết về Kant từ các cây bút đầy cảm xúc thi ca như Bùi Giáng hay Phạm Công Thiện; ngay cả giới học thuật hàn lâm như Nguyễn Văn Trung hay Lê Tôn Nghiêm, Đặng Phùng Quân, cũng chỉ viết về Kant một cách rất đơn giản.

Có thể rằng văn hóa và khuynh hướng học thuật của trí thức Việt – vốn nặng về cảm xúc văn chương thi phú – vẫn chưa vươn đến tầm mức lý tính thuần túy để có thể lãnh hội và thưởng ngoạn chiều sâu và thẩm mỹ trong triết học Kant.

Ngay cả mấy năm gần đây, các tác phẩm của Ludwig Wittgenstein và Friederich Nietzsche hay ngay cả các triết gia xa lạ hơn như Gottlob Frege, Saul Kripke cũng đã được phiên dịch sang tiếng Việt. Nhưng Kant – là triết gia quan trọng và nền tảng bậc nhất cho môn triết – thì vẫn còn xa lạ, ngoại trừ các bản dịch công phu và hàn lâm của BVNS. Tuy nhiên, các bản dịch của anh Sơn quá đồ sộ, dày cộm để có thể đọc suốt. Riêng tác phẩm cơ bản Phê phán Lý tính thuần túy, bản Việt ngữ, đã dày hơn 1260 trang.(1) (Có câu đùa rằng, nếu ta mang sách Kant với bản tiếng Việt của BVNS ra đường, lỡ bị té ngã, thì chắc không thể đứng dậy nổi với cuốn sách đó trên người). Với ngôn ngữ thuần chuyên triết, nặng Hán ngữ, chua theo tiếng Đức, đối với các tác phẩm của Kant tiếng Việt qua bản dịch của BVNS, thì hầu hết người mua sách chỉ là sản phẩm trang trí trong tủ sách hơn là chất liệu học thuật phổ dụng và nghiêm túc.

NHÂN THÂN VÀ HÀNH TRẠNG

Kant sinh ra và lớn lên ở Konigsberg, một thành phố nhỏ ở miền đông nước Phổ (Prussia) nay là Kaliningrad, Nga. Là một giáo sư triết, Kant không đi ra khỏi thành phố, độc thân suốt đời, hằng ngày lập lại những thói quen chính xác. Cư dân địa phương nói rằng người ta có thể điều chỉnh đồng hồ tùy theo thời điểm đi dạo quanh phố của ông. Là một con người bình dị, đơn giản, gắn chặt với địa phương, nhưng tư tưởng triết học của ông đã bay xa và lan tỏa khắp địa cầu. Đời riêng của Kant thì trầm lặng, ít biến cố trong một thời quán chuyển động đầy sự cố lịch sử Âu châu – cuộc chiến Bảy năm giữa Phổ và Nga, Cách mạng Pháp, và sự xuất hiện của Napoleon. Ông được đào tạo bởi trường phái Cơ đốc Pietism (Kiền thành), và những truyền nhân của các triết gia Đức như Gottfried Leibniz, Christian Wolff. Kant cũng đã chịu ảnh hưởng của Isaac Newton (Anh) và J.J. Russeau (Pháp).

Cho đến gần tuổi 60, Kant chỉ viết một số bài vở và vài sách nhỏ không quan trọng. Tác phẩm quan trọng nhất, “Phê phán Lý tính thuần túy” (Critique of Pure Reason) (2) hoàn tất vào năm 1781, lúc ông đã ngót 57 tuồi. Ông nói rằng ông đã suy nghĩ về nội dung cơ bản cho cuốn nầy cả trên thập kỷ, nhưng chỉ mất chưa đầy sáu tháng để viết nó. Sau đó, ông tiếp tục hoàn tất bộ “Tam mạch thư” (trilogy) cho triết luận phê phán, bao gồm “Phê phán Lý tính Thực hành (1788) và Phê phán Năng lực Phán đoán (1790). Các tác phẩm khác về tôn giáo, logic, và lịch sử thì không được tôn vinh như bộ Tam mạch thư Phê phán trên.(3)

Triết học Kant nhấn mạnh đến yếu tố phê phán (critique) trên cơ sở lý tính. Nó là môt tập hợp những quy tắc lý luận cơ bản nhằm soi xét các vần đề nền tảng triết học Tây phương, từ siêu hình đến tri thức, đạo đức và thẩm mỹ. Tôn chỉ triết học của Kant là tôn vinh lý trí. Châm ngôn của ông là “Sapere aude – Hãy can đảm sử dụng lý trí của mình.” Đây là khẩu hiệu xung trận theo tiếng còi Khai sáng của Tây Âu, theo đó, “Khai sáng là nỗ lực thoát ly khỏi tình trạng u tối mà lỗi là do tại cá nhân con người.”(4).

Cơ đồ triết lý của Kant là mở lối cho nguyên lý và lý tưởng Tự do trên cơ sở lý tính. Con người phải đối diện với cái vô cùng và hữu hạn từ biên độ khả thể tư duy thực tiễn. Tự do là điều kiện tiên quyết, là nền tảng cho Đạo đức. Tức là, Tự do Ý chí là tiền đề cho năng ý Đạo đức. Con người, trên cơ sở từng cá nhân một, trong mệnh lệnh đức lý của mình, phải hành động theo nguyên ủy lý tính nhằm có thể có tự do. Cái “phải là” của mệnh lệnh đạo đức là quy tắc hoàn vũ mà chân lý của nó như là một công thức khoa học, khách quan, nhằm tôn trọng chân lý nhân bản con người. Chân lý đạo đức là tuyệt đối cho con người, từng cá nhân, và không vì một chân lý ngoại thân. Cá nhân không thể hy sinh cho một nhu cầu khách quan, chân lý, hay lịch sử nào. Con người, tự chính họ, là chân lý tối hậu. Do đó, cái “Phải như thế” đồng nghĩa với cái “Có thể là như thế.” Kant gọi nó là “Mệnh lệnh Tuyệt đối – Categorical Imperative.”(5)

CƠ BẢN TRIẾT HỌC KANT: TỪ CẢM NGHIỆM ĐẾN SIÊU NGHIỆM

Cái gì làm nên một đối thể tư duy? Câu hỏi nầy tuy đơn giản nhưng nó chứa đựng tinh túy tri thức học Tây Âu. Kant là người đưa ra một hệ thống quy chuẩn khá hoàn chỉnh để tra cứu câu hỏi cơ bản nầy.

Nhưng muốn hiểu Kant và những gì ông viết về vấn đề nầy thì ta phải trở về và có thể bắt đầu từ triết gia Pháp Rene Descartes (1596-1650) và John Locke (Anh, 1632-1704). Descartes muốn chứng minh thế gian, vật thể khách quan là có thật bằng công thức “Ta tư duy nên ta hiện hữu,” và Thượng đế tồn tại vì Ngài là toàn hảo và tính toàn hảo đòi hỏi, như là mệnh đề logic, phải có tính tồn hữu. Từ đó, thế giới có thật vì Thượng đế không nỡ đánh lừa giác quan ta đối với sự thể tồn tại khách quan.

Trong khi đó, Locke cho rằng đồi thể tư duy, ví dụ, con thỏ, tồn tại vì nó cho ta những cảm nhận (ideas/ sensations) về sắc, thanh, hương, vị, xúc – như nhà Phật nói đến. Nhưng lý thuyết của Locke thì quá thô thiển. Nói như George Berkeley, triết gia Ái Nhĩ Lan (1685-1753), thì ta chỉ có kinh nghiệm một đối thể vật chất qua cảm quan, do đó, đối thể khách quan mà ta chỉ cảm nhận qua giác quan vẫn là một cái gì bí ẩn. Theo Berkeley thì tất cả chỉ là cảm nhận, hay là ý tưởng. Và thế giới, vũ trụ, kể cả thân ta hay tư duy chủ quan, chỉ là một phần của trí năng Thượng đế. Tức là, Thượng đế tư duy nên ta hiện hữu. Đến David Hume (Anh, 1711-1776) thì ông nghi ngờ tất cả. Khi phân tích kỹ càng, thì theo Hume, những gì ta có thể suy nghĩ đến chỉ là cảm nhận giác quan. Những nguyên lý hay khái niệm về cái Ta (Self), Nhân quả (Causation), hay Quy luật khoa học tự nhiên (Natural Laws) đều là những suy diễn quy nạp của tư duy, vốn chỉ là cảm nhận.

Đứng trước hai ngã đường của Locke với thuyết nghi ngờ toàn diện, hay của Berkeley với Duy tâm thần luận (Theo-Idealism), Kant đưa ra thuyết “Siêu nghiệm luận” (Transcendental argument) rằng cảm nhận mà ta có được từ khách thể không thể tự chúng làm nên kinh nghiệm, mà chúng phải được tổ chức, trung tâm hóa, thống nhất lại, khái niệm hóa bằng cơ năng bẩm sinh của trí óc. Kant gọi cơ năng này là trực giác. Trực giác của ta kiến lập qua các thể thức tiên thiên – à priori – để cho ta thế giới khách thể. Ví dụ, ta có kinh nghiệm thời và không gian, cái ta, hay nhân quả, không phải từ giác quan, mà là từ trực giác siêu nghiệm. Một cánh cửa tự động mở khi ta đến gần nhưng nó không có một kinh nghiệm về đối thể đi ngang qua nó. Tức là kinh nghiệm đến, nhưng không có nguồn gốc, từ cảm nhận giác quan. Kant nói, “Khái niệm mà không có trực giác là trống rỗng; trực giác không có khái niệm là mù lòa.” Hãy hình dung ra một chiếc phi cơ: trực giác là động cơ, hai cánh là khái niệm. Trí năng được đánh thức bởi kinh nghiệm nhưng không phải đến từ kinh nghiệm. Như vậy, thế giới nầy là một kiến lập hai vế, nội tại và khách quan – một cấu trúc kiến lập của những thuộc tính – a predicative-structured reality. Vì thế, ta chỉ biết đến khách thể qua hiện tượng (phenomena) nhưng vật tự nó (noumena) thì ta không thể biết đến. Nhị nguyên luận nầy của Kant là điều mà nhiều triết gia sau đó chỉ trích mạnh, đặc biệt là trường phái duy tâm tuyệt đối của Georg W. F. Hegel (1770-1831).

Dĩ nhiên, trong phạm vi bài viết nầy, ta khó mà đi vào chi tiết về trí thức luận của Kant, vốn rất phức tạp. Đây chỉ là khái quát hóa đến tận tối thiểu có thể.

Kant đã, theo ông, hóa giải những khó khăn và mâu thuẫn mà những triết gia tiền nhiệm vướng phải. Ông tự cho triết học tri thức của mình là một “Cách mạng Corpernicus cho triết học” (Corpernicus – Ba Lan, 1473-1543 – là nhà thiên văn chứng minh rằng trái đất không là trung tâm vũ trụ, đảo ngược kiến thức thiên hà thời đó).

TRIẾT HỌC ĐẠO ĐỨC VÀ TÔN GIÁO

Kant cho rằng lý trí có khả năng kiến lập quy tắc vĩnh hằng cho đạo đức – vốn là về lãnh vực quy ước mang tính mệnh lệnh. Nguyên lý khoa học thực nghiệm có thể có ngoại lệ với từng bước đi tiến bộ từ bằng chứng, nhưng quy luật đạo đức là nguyên lý vĩnh cửu, không có biệt lệ. Tra tấn hay giết một nạn nhân vô tội phải là vô đạo đức trong bất cứ không gian, thời gian hay hoàn cảnh nào. Quy luật đạo đức là tối thượng, là hoàn vũ và nghiêm ngặt. “Hãy luôn hành động trên nguyên tắc rằng ta muốn nó có thể trở nên là quy luật hoàn vũ.” Kant gọi nguyên lý đạo đức nầy là Mệnh lệnh Tuyệt đối – Categerical Imperative. Khi ta hành động, cơ sở đạo lý của hành vi phải là từ chủ ý thiện tâm. Ta hành động vì nó đúng, chứ không vì nghĩ đến hậu quả hay đo lường tính toán hơn thiệt, lợi hại như trường phái thực dụng vẫn chủ trương. Làm sao ta biết được cái gì là đúng? Kant trả lời: Hãy dùng lý trí.

Khi bàn đến Thượng đế, Kant là một triết gia thực dụng. Ta phải tin vào một Chúa Trời vì ta là một nhân thể có lý tính, sử dụng tư duy như là một mệnh lệnh đạo đức tối hậu – gần với lý luận của nhà thần học Thomas Aquinas (Ý, ?-1274). Ta không thể dùng lý luận để chứng minh rằng Chúa tồn tại như là một đối thể tư duy qua bản thể luận. Niềm tin vào Thượng đế là một giả định lý tính cần thiết – rationally justified postulate – dù rằng ta không thể lý luận hay chứng minh có Chúa Trời. Ta tin Chúa vì ta là một con người thực tế, lý tính và đạo đức. Niềm tin này là cơ sở cho chân lý đúng sai, và là điểm tựa cho niềm hạnh phước sinh hữu.

PHÊ PHÁN KANT: NHỮNG LỖ HỔNG TRIẾT HỌC

Triết học của Kant là một cơ đồ phê bình, phản biện. Ta học được từ Kant không phải là giáo điều mang chân lý đúng sai – mà là tinh thần và ý chí phản biện – critical understanding – đối với tất cả những tín điều hay học thuyết. Ngay cả những nguyên lý tưởng như bất khả phủ nhận của khoa học thực nghiệm cũng dần trở thành lỗi thời. Ta mang nợ Kant ở tinh thần phê phán – và cũng từ tinh thần đó, ta phải có ý chí phản biện lại triết học Kant.

Không có triết học nào là hoàn tất. Tư duy luôn bị giới hạn vào bản sắc thời tính, hay lịch sử và ngôn ngữ cá biệt. Vậy, những điều gì mà ta, ở thời điểm nầy, có thể lên giọng cho là những bất cập trong học thuyết Kant? Một vài điểm quan yếu ta có thể nêu lên ở đây.

1. Về trí thức luận, Kant duy trì một tầm nhìn nhị nguyên (dualism) giữa cái gì ta có thể biết và cái bí ẩn ta không thể biết đến. Điều nầy làm cho con người triết học khao khát kiến thức không thỏa mãn và tiếp tục đi tìm nhằm khai mở bức màn bí ẩn đằng sau cái màn che của cảm nhận với biên độ cảm quan và lý tính. Hệ quả của nhị nguyên và bí ẩn nầy là tôn giáo siêu nghiệm, các cứ điểm của thần linh, và tệ hơn là những cao trào tín ngưỡng huyển hoặc và mê tín. Dĩ nhiên là Kant không là kẻ duy nhất duy trì điều bí ẩn đó, hay là triết học của ông là một nguyên nhân. Dù Kant đã cảnh cáo về thói lười biếng và thiếu ý chí sử dụng lý trí, tuy nhiên, vì biên giới Kant dựng nên đã làm cho những gì đằng sau hiện tượng luận vẫn luôn là món mồi ngon đầy cám dỗ.

2. Dù đặt cơ sở lý tính làm nền tảng tư duy, triết học Kant là một hình thức lý luận cực đoan. Nó thuần về thể thức – bao gổm những quy tắc, nguyên lý, công thức, từ siêu hình đến đạo đức, tôn giáo. Kant quy giảm tất cả những đa dạng tính của thế gian về lại một mặt phẳng lý tính thuần nhất. Không ai có thể chấp nhận tính thuần nhất như là một chân lý mặt bằng thống nhất. Tính đa nguyên của tri thức, của phản tư, tư biện, của bản thể học, từ nội dung đến thể thức, không thể được cào vớt về một khung thức như là một paradigm tuyệt đối. Khi Kant khai mở những điều đối nghịch bất khả hóa giải – the antinomies – để chứng minh rằng lý tính tự nó không thể vượt qua những giới hạn hiển nhiên, thì chính triết học của ông, như là một hệ thống tri thức luận, lại hàm chứa một nội dung đầy mâu thuẫn.(7) Kant nhầm lẫn và bỏ qua sự đối nghịch giữa thực tại và cái phải là, cái có thể và cái phải như vậy. Khi bản thể luận chưa được kiến lập vững chắc nhưng Kant đã nhảy vọt sang mệnh lệnh đạo đức tuyệt đối. Đây là một tham vọng siêu hình sai lầm. Đây là tư duy và ý chí của một giáo sỹ vốn tin vào đức tin lý tính của ta như là một niềm tin tôn giáo tuyệt đối. Ta phê phán những mâu thuẫn bất khả hóa giải của thể gian nhưng không ý thức đến cái nền móng tư duy đầy đối nghịch tự bản chất. Chính đây mới là bài học khi ta nghiên cứu Kant. Một cơ đồ lý thuyết huy hoàng vô tình mở ra cho ta một cánh cửa đi ngược. Nó chính là một ánh sáng bất chợt bừng lên khi ta vội tin rằng Kant đã giải quyết được những vấn đề cơ bản của siêu hình và nhận thức.

3. Thiếu vắng một triết luận về vai trò ngôn ngữ. Khi Kant tuyên bố rằng tri kiến khởi đi từ, tức là được đánh thức bởi, kinh nghiệm chứ không phải có gốc gác từ kinh nghiệm, ở một tầm mức cao hơn, Kant đã lập lại sai lầm của Locke vốn cho rằng cảm quan là nguồn gốc của kinh nghiệm. Trong lý thuyết về sự kiến lập của tri kiến và kinh nghiệm, nhà Phật đã có thêm “pháp” (tư duy) tiếp theo sắc, thanh,, hương, vị, xúc nhằm hoàn tất khả thể thực nghiệm. Cấu trúc tư duy tiên nghiệm và tiên thiên của Kant cũng chính là “pháp.” Nhưng Kant bỏ quên rằng khái niệm vốn khai mở cho trực giác cần phải dựa trên ngôn từ. Công thức của Kant phải được cộng thêm, “Ngôn từ không khái niệm là vô nghĩa; Khái niệm thiếu ngôn từ là u tối.” Từ Hy Lạp, Ấn độ, từ Phật Thích Ca, Thế Thân (Vasubandu) đến Plato đều có bàn đến vai trò ngôn ngữ trong kinh nghiệm và tri thức. Kant hoàn toàn bỏ qua. Đây là lỗ hổng lớn kéo dài theo sau Kant cho đến gần đây thì phong trào triết học ngôn ngữ ở Anh Mỹ mới điền vào khỏang trống đó.

4. Đâu là sử tính trong triết học Kant? Ở đó, hoàn toàn không có sự hiện diện của thời tính, của nhịp điệu biến cố trong thời thế, của những con người lịch sử, và cả những điều thông hiểu về những ngu dốt sai lầm của nhân loại. Không như Hegel đã muốn kiến tạo một thiên bi sử cho giòng ý thức nhân loại qua văn minh và thời đại để biện minh cho một tinh thần thế giới qua thời gian; thì trái lại, Kant đứng yên một nơi, nhìn xem và đánh giá thế gian như là quang cảnh đơn sơ của khu phố nhỏ của mình. Sai lầm cơ bản của Kant là tách rời ý thức ra khỏi bối cảnh không và thời gian để tuyệt đối hóa lý tính thành một chân lý vĩnh hằng cho tất cả. Kant viết, “Ta không thể thông hiểu bản sắc thực tế thiết yếu vô điều kiện của mệnh lệnh đạo đức; nhưng ta vẫn có thể suy thức cái không thể nhận thức được – vì đây là một triết học về lý tính với những giới hạn của nó.” (Phê phán Lý tính Thực tiễn)(6). Có phải đạo đức luận của Kant muốn tách rời thực tại thế gian ra khỏi biên độ lý thuyết vì ông ta biết rằng nó không thể áp dụng được? Nó cũng tương tự như một nhân thể đứng trong bóng tối rao giảng về ánh sáng phải có. Theo Kant, cái sẽ phải là của sử tính thế giới như là một mệnh đề cứu cánh luận không nằm ở tính phổ quát mà là nơi mỗi cá nhân. Đó là ưu điểm tối thượng của Kant và cùng lúc là khuyết điểm trầm trọng nhất. Đây là lý do vì sao, những thế hệ triết học Âu châu kế tiếp đã đi theo những con lộ khác, từ Hegel đến Kierkegaard đến Nietzsche hay Marx, đều mang sử tính và yếu tố đa dạng của nhân loại và lịch sử vào khuôn thức lý thuyết.

5. Có phải con người có thể có năng lực Tự do Ý chí, dù chỉ là lý thuyết? Kant trả lời theo thể xác định. Vì thế, Kant bỏ qua yếu tố nhân quả trong hành vi để đòi hỏi cá nhân tuân theo mệnh lệnh vô điều kiện. Jean Paul Sartre (Pháp, 1905-1980) lập lại giả thuyết không thực tế nầy. Karl Marx (Đức, 1818-1883) là triết gia khai mở đến cực đoan tính điều kiện bởi trật tự xã hội cho ý chí. Giữa hai đối cực ý chí, giữa điều kiện hóa toàn thể và tự do tuyệt đối, Kant nhận thức điều mâu thuẫn đó, nhưng không hóa giải hai đối cực bằng một lý thuyết khả thi. Kant nhầm lẫn giữa con người toàn hảo về bình diện lý thuyết, vốn là một Noumenon, một nhân thể tự-chính-nó mà ta không thể thông hiểu, trái nghịch với con người hiện thân mà ta kinh nghiệm ở đời thường. Vậy thì mệnh lệnh đạo lý làm người sẽ áp dụng cho ai đây? Hãy xét lại công thức đạo đức cơ bản của Kant: Hãy hành động trên nguyên tắc như thể rằng nó phải là đạo lý hoàn vũ. Thử hỏi, một kẻ vô minh, đầy tham lam, vô đạo đức – vốn là đa số nhân loại – muốn áp dụng nguyên tắc hành động của mình cho thế gian thì hệ quả sẽ ra sao?

6. Kant đề ra những công thức mệnh lệnh cho cá nhân, nhưng không bàn gì đến một lý tưởng cho nhân loại. Triết học lịch sử và chính trị của Kant là tập hợp những công thức gần như toán học cho những ý niệm về hòa bình, về xã hội dân sự – nhưng không phác họa một chân lý tối hậu cho sử tính. Điều nầy chính là ưu và khuyết điểm của Kant. Triết học phải biết giới hạn chính nó như lý tính phải biết điều đó. Tuy nhiên, cho những triết nhân thao thức đi tìm con lộ giải thoát cho nhân loại thì Kant chỉ là một tiếng kèn tỉnh thức để soi chiếu chính tự thân chứ không trả lời những vấn nạn khúc mắc thế gian.

7. Nói chung, triết học Kant là một khối giáo điều nhân danh lý tính tuyệt đối. Nó chứa đựng quá nhiều điều bí ẩn không được khai mở. Đâu là tương quan nhân quả giữa cấu trúc tiên thiên và kinh nghiệm? Đâu là mối quan hệ thiết yếu giữa tiên và hậu nghiệm? Làm sao để minh xác chân lý đúng sai cho những mệnh đề trí thức luận khi bàn về bình diện à priori? Đọc Kant, ta không có một hứng khởi cảm xúc về thế gian, về lịch sử, về con người, về cuộc sống gian khổ – dù may ra ta chỉ tìm được niềm hoan lạc tri thức thuần lý. Cầm sách Kant trên tay ta chỉ muốn hiểu hết, đọc đến trang cuối cho xong. Chỉ có những giáo sư chuyên ngành về Kant mới cần đến chúng cho nhu cầu giáo khoa. Sách của Kant, như là các bản Việt ngữ của BVNS, dù là những công trình dịch thuật tuyệt hảo, vẫn còn là một công án cho ý chí học hỏi, điều mà giới trẻ trí thức thời nay ít ai kham nỗi.

***

Kỷ niệm 300 năm sinh nhật Kant, tôi xin nghiêng mình trước một nhân cách lớn, một triết gia vĩ đại và một triết học thiết yếu. Gia sản Kant chính là tinh thần phê phán – mà khi ta đọc và muốn hiểu Kant, điều mà Kant muốn có lẽ là ta phải phê bình Kant như là Kant đã tạo ra truyền thống Critique cho triết học vậy.

Chú thích:

  1. Immanuel Kant, Phê phán Lý tính Thuần túy. Dịch và chú giải bởi Bùi Văn Nam Sơn. NXB Văn Học (2004).
  2. Kritik der reinen Vernunft – Critique of Pure Reason. Bản Anh ngữ bởi Werner S. Pluhar (Hackett Pub. Co., 1996).
  3. Vì dụ, các tác phẩm hay tiểu luận khác của Kant như “Tôn giáo trong giới hạn của lý tính mà thôi” (1793), “Các yếu tố siêu hình của Công lý” (1797), Logic (1800), “Ý niệm về một Lịch sử phổ quát quan phương án chính trị hoàn vũ (1784), “Hòa bình vĩnh cửu” (1795)… đã không được đánh giá quan trọng như ba công trình “phê phán.”
  4. Saupere aude: Tiếng Latin. “Hãy can đảm dùng lý trí của mình,” trong tiểu luận “Khai sáng là gì?” (1784). Kant trích lại câu của Horace, thi sĩ Roman, trong tác phẩm “First Book of Letters” (20 B.C.E).
  5. Kategorischer Imperativ trong “Cơ bản Siêu hình học về Đạo đức” (1785).
  6. Phê phán Lý tính Thực hành” Anh ngữ bởi L.W. Beck (Chicago, 1949), p. 117.
  7. Theo thiển ý của tôi, the antinomies – những đối nghịch bất hóa giải – mà Kant nêu lên, đặc biệt là hai đối nghịch về Thời Không và Nguyên tử, bị vướng vào hai khuyết điểm lý luận thể thức. Thứ nhất là Kant lấy suy thức thuộc phạm trù Không gian để suy luận cho phạm trù Thời gian, điều mà Henri Bergson có bàn đến nhưng không giải lý cặn kẻ. Thứ hai là Kant nhầm lẫn giữa hai phạm trù Khả thể (Potentiality) đối với Thực thể (Actuality) mà Aristotle bàn đến từ thời trước Công nguyên. Theo tôi, những mâu thuẩn lý tính mà Kant nêu lên đã được Hegel hóa giải bằng lý thuyết Tinh thần tuyệt đối (Xem bài của Sean Kelly trong số này).