THÔNG TIN TRIẾT HỌC
1- Nguyễn Quang Hưng được phong hàm Giáo sư Triết học
Tại Việt Nam, giáo sư Triết học vốn rất ít ỏi. Nên việc Phó giáo sư Nguyễn Quang Hưng, Khoa Triết học, Đại học Quốc gia Hà Nội, được Hội đồng Giáo sư Việt Nam phong tặng học hàm Giáo sư là một tin vui cho giới triết học Việt, và đặc biệt cho Tạp chí TRIẾT: Triết học và Tư tưởng.
Nguyễn Quang Hưng, cựu sinh viên Triết tại Đại học Tổng hợp Hà Nội, từng du học tại Liên Xô và Cộng hòa liên bang Đức. Ông tốt nghiệp Cử nhân Triết tại ĐH Rostov on Don (Liên Xô cũ), Thạc sỹ tại ĐH Passau (Đức) và Tiến sỹ Triết học tại ĐH Humboldt tại Berlin, Đức. ĐH Humboldt từng là cái nôi triết học thế giới với những tên tuổi như Fichte, Schelling, Hegel, Marx, Engels, Kỉerkegaard, Bakunin, Feuerbach, Schopenhauer… Ông hiện công tác tại Khoa Triết học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
GS Hưng là một học giả và một nhà giáo triết học thâm niên với gần bốn chục năm gắn bó với ngành triết học tại Việt Nam. Ông nổi tiếng là một chuyên gia đầu ngành về triết học Đức và tôn giáo học, đặc biệt Công Giáo, với nhiều công bố liên quan bằng tiếng Việt, Đức và Anh. GS Hưng cũng là một trong những người sáng lập, và điều hành trong chức vụ Phó Giám đốc và Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo Đương đại thuộc Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội từ năm 2008 cho đến 2023, và đồng tổ chức rất nhiều hội thảo khoa học quốc nội và quốc tế. Ngoài ra, GS. Hưng cũng từng giữ chức Phó Chủ nhiệm Khoa Triết học, chủ nhiệm nhiều chương trình nghiên cứu khoa học. Từ năm 2023, ông cộng tác với Tạp chí Triết – An International Journal of Philosphy and Thought (Mỹ-Đài Loan), phụ trách trong vai trò Phó Tổng biên tập Điều hành. TRIẾT xin chúc mừng GS Nguyễn Quang Hưng.
2- Nguyễn Hữu Liêm 70 Tuổi
Giáo sư Nguyễn Hữu Liêm, Tổng biên tập tạp chí TRIẾT: Triết học và Tư tưởng vào cuối tháng 12 năm 2024 này bước vào tuổi 70, cái tuổi “người thọ bảy mươi xưa nay hiếm”, nhưng đó là câu chuyện của ngày xưa thời Khổng Tử, còn ngày nay ta phải nói ngược lại, “người thọ một trăm nay không hiếm”. Nguyễn Hữu Liêm sinh năm 1954 tại Quảng Trị, tản cư sang Mỹ năm 1975, và sinh sống tại California. Ông tốt nghiệp Kỹ sư Canh nông. Sau đó theo ngành luật, có bằng Tiến sỹ Luật (Jura Doctor), hành nghê luật sư. Nhưng ông đam mê triết học, học thêm lấy bằng Thạc sỹ Triết và Tiến sỹ Triết. Đồng thời ông kiêm nhiệm Giảng viên Triết tại San Jose City College. Tại đây ông được bổ nhiệm chức Giáo sư Chủ nhiệm phụ trách bộ môn Triết học. Ông là một trong những nhà tư tưởng chủ trương Tập san TRIẾT: Triết Học và Tư Tưởng (1998), kiên trì vực dậy tập san (2019).
Cùng với giáo sư Trần Văn Đoàn (ĐH Quốc gia Đài Loan/ĐH Phụ Nhân) và Trung tâm Việt Nam học tại ĐH Thành Công (Đài Loan), giáo Nguyễn Quang Hưng, và nhiều học giả khác thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, giáo sư Nguyễn Hữu Liêm đang nỗ lực phát triển TRIẾT thành một tạp chí triết học quốc tế. TRIẾT: Triết học và Tư tưởng có Ban biên tập tại Mỹ, Việt Nam và Đài Loan, và Ban cố vấn quốc tế, được thành viên của nhiều đại học trong nước và quốc tế tham gia ủng hộ: Tại Đài Loan có ĐH Thành Công, ĐH Phụ Nhân, ĐH Trường Vinh, ĐH Y khoa Cao Hùng, ĐH Aletheia; Tại Việt Nam có Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Đại học Sư phạm Hà Nội, ĐH Hoa Sen; tại Thái Lan có ĐH Assumption, ĐH Krirk.
Dịp này, TRIẾT: Triết học và Tư tưởng kính chúc GS Nguyễn Hữu Liêm “ad multos annos”, bách tuế thượng thọ.
Để độc giả biết thêm về GS Nguyễn Hữu Liêm, TRIẾT: Triết học và Tư tưởng xin trân trọng giới thiệu quý vị tham khảo thêm bài viết của GS Dương Ngọc Dũng về GS Liêm và tác phẩm Phác thảo về một nền triết học cho lịch sử thế giới (2020) của ông. Xin trích một câu trong bài viết:
“Có thể nói mà không sợ mang tiếng quá phóng đại rằng Nguyễn Hữu Liêm đang là Hegel của Việt Nam. Ông đã thổi một luồng sinh khí mới vào một lãnh vực xưa nay vốn vẫn chỉ dành riêng cho một thiểu số đặc biệt. Ông đi thẳng vào những vấn đề triết học mà ông quan tâm nhất: Hegel, Fukuyama, Wilber, và truyền thống huyền học (esoteric tradition) Tây Phương.”
Bài viết được đăng trên Viet Times, đọc giả có thể đọc bản đầy đủ ở đây: Bài viết của Dương Ngọc Dũng về Nguyễn Hữu Liêm