Press "Enter" to skip to content

Levi Strauss…

Nhân học của Claude Levi-Strauss như một chủ nghĩa nhân văn mới
trong nửa sau thế kỷ 20

The anthropology of Claude Levi-Strauss as a new humanism
during the second half of the 20th century

Nguyễn Đăng Thành
Trường Đại học Luật Hà Nội
thanhnd@hlu.edu.vn

Tóm tắt:

Nhân học của Claude Levi-Strauss, xét như một trường phái của bộ môn nhân học và của triết học, trước hết có nguồn gốc lịch sử từ một ngành khoa học được hình thành trong tiến trình thuộc địa hóa. Tội lỗi thuộc địa không thể chuộc lại của con người phương Tây đòi hỏi Levi-Strauss cần đặt sự chuộc tội như một chức năng then chốt trong môn nhân học của ông. Để làm được điều này, môn nhân học ấy cần tự đặt chính mình trong truyền thống của chủ nghĩa nhân văn, bao gồm chủ nghĩa nhân văn cổ điển và phi cổ điển, từ đó tìm cách vượt qua chúng. Nhân học Levi-Straussian, từ thập niên 1930s tới 1980s, đã tự nhận mình như một chủ nghĩa nhân văn mới hướng tới một sự nghiên cứu con người toàn diện và một nền dân chủ dành cho tất cả sinh vật sống trên thế giới có thể góp phần ngăn trở những thảm họa toàn cầu. Levi-Strauss, dẫu vậy, trong hai thập niên cuối đời, đã nhận ra nỗ lực của ông là bất khả thi. Qua sự nghiên cứu tiến trình suy nghĩ của Levi-Strauss về chủ nghĩa nhân văn, bài báo có thể làm lộ ra sự phức tạp của các thảo luận triết học Châu Âu thế kỷ XX về lịch sử và chân trời của chủ nghĩa nhân văn.

Từ khóa:

Claude Levi-Strauss, Nhân học Levi-Straussian, Chủ nghĩa nhân văn, Lịch sử của chủ nghĩa nhân văn, Thuộc địa hóa.

Abstract:

The Anthropology of Claude Levi-Strauss, as a branch of anthropology and also philosophy during the second half of the 20th century, has its historical roots in science which emerged in the process of colonization. The irreparable sin of Western man required Levi-Strauss to place expiation as a primary function of his anthropology. To do so, it needs to place itself in the history of humanism, then contrast with two forms of humanism, that is, classical and nonclassical, and thereby overcome them. Levi-Straussian anthropology, from the 1930s to the 1980s, claims itself as a new humanism that aims at the comprehensive human sciences and democratizing all living creatures in the world, therefore, might contribute to preventing terrible global disasters. However, during the 1990s and 2000s, he realized that his effort was impossible. Throught the study of Levi-Strauss’ process of thinking about humanism, this paper would reveal the complexity of twentieth-century European philosophical discussions on the history and horizon of humanism.

Key-words:

Claude Levi-Strauss, Levi-Straussian anthropology, humanism, history of humanism, colonization.


Dẫn nhập

Trong nửa cuối thế kỷ 20, nghĩa là, sau hai cuộc Thế chiến đã thách thức các giá trị của nền văn minh phương Tây, các triết gia Châu Âu tự nhận thấy trách nghiệm cần tái tạo lại các nền tảng triết học của lục địa già. Trong số các nhân vật nổi bật thời kỳ đó, triết gia và nhà nhân học Claude Levi-Strauss (1908 – 2009) xứng đáng được nghiên cứu kỹ lưỡng. Danh tiếng của ông trước hết gắn liền với cấu trúc luận, một trào lưu triết học và khoa học đã khuấy động bầu không khí trí tuệ phương Tây trong thập niên 1950 và 1960 1. Sử gia và triết gia về khoa học Gilles-Gaston Granger đã đánh giá sự kiện Levi-Strauss xuất bản tuyển tập Nhân học cấu trúc vào năm 1958 như một thời điểm quan trọng trong tiến trình đổi mới các môn khoa học xã hội và nhân văn thế kỷ 20 2. Một năm sau đó, năm 1959, ông được bầu giữ ghế giáo sư môn Nhân học xã hội tại Học viện Pháp, từ đó góp phần then chốt trong sự hợp thức hóa việc giảng dạy và nghiên cứu môn Nhân học tại Pháp.

Levi-Strauss tự gọi môn nhân học của ông là “nhân học cấu trúc” được đặt trong truyền thống nhân học với tư cách “ngành nghiên cứu hiện tượng con người” 3. Xét vậy, môn “nhân học cũng cổ xưa như chính con người” 4được khởi đầu bởi óc tò mò thượng cổ nơi bản thân con người 5.

Các tài liệu thành văn đã ghi nhận ngành nhân học theo nghĩa rộng mà Levi-Strauss đề xuất đã bắt đầu từ trang viết của đoàn người tháp tùng cuộc viễn chinh của Alexandre Đại Đế tới vùng Tiểu Á, trong thế kỷ IV TCN. Các triết gia Hy Lạp thời cổ như Aristotle hay Lucrece cũng không nằm ngoài sự quan tâm đến nhân học 6. Rời khỏi khu vực ngày nay gọi là Châu Âu, tại Châu Á, các cuộc nghiên cứu có tinh thần nhân học cũng xuất hiện. Sử gia vĩ đại nhất của Trung Quốc thời Cổ đại Tư Mã Thiên, theo tác giả, cũng là một nhà nhân học cứng cựa tiền khởi tại phương Đông. “Trừ miền Quảng Đông, Quảng Tây, còn từ Vân Nam, Tứ Xuyên cho đến Vạn lý trường thành ở đâu cũng có vết chân của ông. Ông là một trong những nhà du lịch lớn nhất của thời cổ” 7. Những cuộc du lịch ấy đưa lại cho Tư Mã thiên vô số tài liệu thành văn và tài liệu dân tộc chí, từ đó góp phần vào quá trình viết Sử ký. Tại vùng Tiểu Á, trong thế kỷ XV, nhà du hành Ibn Batouta và nhà triết học Iban Khaldoun cũng đã thể hiện “một tinh thần nhân học sơ khai” 8. Levi-Strauss cũng lưu ý liệt kê các tác phẩm của các nhà tu hành từ Trung Quốc sang Ấn Độ thỉnh kinh Phật giáo và nhà thám hiểu Marco Polo như các tài liệu nhân học sơ khởi 9.

Nhân học của Levi-Strauss, dẫu vậy, không chỉ được hình thành từ các thành tựu đã nêu, nhưng còn từ tiến trình thuộc địa hóa các xã hội ngoài phương Tây từ thế kỷ XV. Các tộc người nhỏ ngoài phương Tây, đặc biệt là sau Thế chiến 2, đã bị lôi kéo vào tiến trình Tây phương hóa không thể đảo ngược, có thể đưa tới sự chấm dứt của các nền văn hóa ấy 10. Ông từ đó cảnh báo rằng nhân loại có thể sẽ đánh mất hầu hết sự giàu có và các kinh nghiệm tồn tại đa dạng nơi các văn hóa ngoài phương Tây, chỉ để lại duy nhất một nền văn minh độc canh, rập khuôn theo phương Tây 11. Levi-Strauss, khi này, đã nhận ra bổn phận của môn nhân học do ông đề xướng cần góp phần ngăn chặn thảm họa trên bằng cách chuyển hóa chính nó trở thành một chủ nghĩa nhân văn mới.

Nhân học Levi-Straussian là sản phẩm của tiến trình thuộc địa hóa

Levi-Strauss, trước hết, đã xem xét một trong các truyền thống của môn nhân học của ông tại nơi các triết gia và các nhà văn thời Phụng hưng. Giai đoạn Phục hưng song hành cùng tiến trình Châu Âu mở rộng lãnh thổ bằng con đường thuộc địa hóa, do đó đã tích lũy được khối ghi chép khổng lồ tại các xứ sở xa lạ. Nói cách khác, ông không thể phủ nhận được lịch sử của môn nhân học bao gồm một giai đoạn đen tối của chủ nghĩa thực dân, “một tiến trình lịch sử ở đó phần lớn nhân loại phải tuân phục số ít còn lại, và hàng triệu người vô tội chứng kiến nguồn lợi của họ bị tước đoạt và các thiết chế cùng lòng tin của họ bị tàn phá, trong lúc chính họ bị giết chết, bị bắt làm nô lệ, và chịu những thảm họa mà họ không thể phản kháng” 12.

Levi-Strauss, trong cuộc phỏng vấn có ý nghĩa nhìn lại sự nghiệp của mình vào năm, đã được nhắc lại những trang viết Nhiệt đới buồn, xuất bản lần đầu năm 1955. Trong đó, ông nhìn nhận nhà nhân học là một biểu tượng của sự chuộc tội cho những tội lỗi mà người Châu Âu đã gây ra trong tiến trình thuộc địa hóa. Người phỏng vấn tiếp tục hỏi ông về khả năng của việc chuộc tội và nỗ lực chuộc tội ấy. Levi-Strauss cho rằng cách nhìn của ông về bộ môn nhân học và chức năng của nhà nhân học có thể không được các đồng nghiệp chấp nhận. Trong trường hợp chính mình, với tư cách một người Châu Âu nghiên cứu thực địa các tộc người tại Châu Mỹ, ông cho rằng chính mình luôn cần nhớ những tội lỗi mà tổ tiên của ông đã gây ra đối với các tộc người này 13. Cho nên nhà nhân học theo ảnh hưởng của Levi-Strauss, lúc đối diện với các xã hội trên, không chỉ cần có thái độ tinh thần khoa học nhưng cần ý thức được bản thân “là một phần của một văn minh [phương Tây] đã phạm một loại tội không thể tha thứ – theo quan điểm của tôi là tội nặng nhất trong lịch sử nhân loại, nó đã phá hủy hoặc gắng phá hủy phân nửa sự giàu có [về văn hóa] của loài người” 14.

Tác động của tiến trình thuộc địa hóa không dừng lại ở những cuộc giải phóng thuộc địa trong thế kỷ XX. Các cộng đồng nhỏ, hoặc “các xã hội nguyên tính” mà ông lựa chọn làm đối tượng nghiên cứu 15, đang dần biến mất, trở nên đồng hóa với các xã hội phương Tây trong tiến trình toàn cầu hóa không thể vãn hồi. Sự biến mất này không chỉ đến từ áp lực kinh tế – chính trị, nhưng còn từ sự tự nguyện của bản thân cộng đồng. Nhiều xã hội, trong giai đoạn toàn cầu hóa từ nửa sau thế kỷ XX, muốn hưởng lợi ích từ tiến trình công nghiệp hóa và các thành tựu của văn minh phương Tây, do đó đã từ bỏ phương thức tồn tại trước đây, để sống như những người Tây Âu trên chính quê hương của mình. Vì vậy, nhà nhân học theo đề xuất của Levi-Strauss luôn bị kẹp trong tình thế lưỡng nan, khi ý muốn tôn trọng sự đa dạng văn hóa của các cộng đồng nhỏ nơi nhà nghiên cứu mâu thuẫn một cách gay gắt, tới mức khó thể hòa giải, với ý chí của bản thân các xã hội ấy muốn rời bỏ cách sống trước đây 16. Nói cách khác, thực trạng đang diễn ra cần được nhìn nhận như một trong các hệ quả của chủ nghĩa thực dân. Bộ môn nhân học theo kiểu Levi-Strauss đã và đang thực hiện không biết mệt mỏi nỗ lực chuộc lại tội lỗi của cha ông họ trong tình thế mâu thuẫn ấy.

Phê phán chủ nghĩa nhân văn cổ điển và phi cổ điển

Nhân học theo kiểu Levi-Strauss, hay nhân học Levi-Straussian, tự đòi hỏi chính mình một bổn phận về phương diện trí tuệ và thực hành. Điều đó đã đặt nhân học Levi-Straussian như một hậu duệ của truyền thống nhân văn chủ nghĩa phương Tây 17. Bản thân Levi-Strauss đã hiểu về nguồn cội tinh thần đó, nhưng ông không muốn chỉ dừng lại ở các đòi hỏi trong chủ nghĩa nhân văn cổ điển. Ngược lại, ông chất vấn về giới hạn trong các hình thức trước đây của chủ nghĩa nhân văn, và liệu nhân học của chính ông có thể tự trở nên một chủ nghĩa nhân văn mới hay không. Nếu quả thật, nhân học Levi-Strauss là một chủ nghĩa nhân văn mới trong nửa sau thế kỷ XX, chúng so thể đưa đến các đề xuất nào cho những vấn đề lớn mà nhân loại đã, đang và sẽ phải đối diện?

Trong tiến trình suy luận của Levi-Strauss, chặng đầu tiên của sự chất vấn này là việc phác thảo lịch sử của chủ nghĩa nhân văn theo kiểu phương Tây. Ông đã theo đuổi dự án này từ i) bài thuyết trình năm 1937 về Montaigne, qua ii) tiểu luận in năm 1953, Toàn cảnh dân tộc học 1950-1952, tới iii) tiểu luận Ba chủ nghĩa nhân văn in lần đầu năm 1956, rồi được đóng chung trong tuyển tập Nhân học cấu trúc: tập 2 xuất bản năm 1973, và cuối cùng iv) loạt ba bài giảng tại Tokyo, Nhật Bản năm 1986, được công bố năm 2011, sau khi ông mất. Chức năng của bài thuyết trình năm 1937 về vị trí của Montaigne trong lịch sử chủ nghĩa nhân văn Tây Phương có thể được nhìn nhận như sự bổ sung cho phác thảo đã được Levi-Strauss trình bày tường minh trong ba tác phẩm được sáng tác từ thập niên 1950 tới 1980. Trong bài giảng đầu tiên tại Tokyo năm 1986, Levi-Strauss biện hộ cho phác thảo của ông về lịch sử chủ nghĩa nhân văn là đã “đặt mình trong nhãn quan phương Tây của mình” 18. Ông cho rằng có thể tồn tại các lịch sử khác của chủ nghĩa nhân văn bên ngoài phạm vị Châu Âu vẫn đang chờ được viết lại. Đối với lịch sử chủ nghĩa nhân văn theo kiểu phương Tây, ông nhận thấy hai hình thức nổi bật là chủ nghĩa nhân văn cổ điển thời Phục hưng và chủ nghĩa nhân văn phi cổ điển trong thế kỷ XVIII – XIX.

Hình thức đầu tiên của chủ nghĩa nhân văn, đối với Levi-Strauss, là chủ nghĩa nhân văn cổ điển hoặc “chủ nghĩa nhân văn quý tộc19 trong thời Phục Hưng từ thế kỷ XV tới đầu thế kỷ XVII. Các nhân vật thuộc “chủ nghĩa nhân văn quý tộc” đã tái khám phá nền văn minh Hy Lạp – La Mã thời cổ như nền tảng của sự đào luyện trí tuệ và tinh thần 20. Hình thức này của chủ nghĩa nhân văn, thật thế, thông qua việc xem xét lại di sản thời cổ, đã sử dụng di sản trí tuệ đó như một phương tiện nhằm nghiên cứu chính xã hội đương thời từ điểm nhìn của một con người duy lý phổ quát. Khuôn mẫu con người duy lý phổ quát, dẫu vậy, vào đầu thời Phục hưng, chỉ bó hẹp trong khu vực Địa Trung Hải 21. Triết gia đáng kể nhất trong giai đoạn Phục hưng của chủ nghĩa nhân văn cổ điển, theo Levi-Strauss, là Montaigne. Các suy tư của Montaigne, dẫu vậy, cũng theo Levi-Strauss, chỉ có thể xuất hiện vào cuối thời Phục hưng, sau khi đã diễn ra những cuộc mở rộng địa lý và thuộc địa hóa các xứ sở khác của người Châu Âu.

Những người da đỏ Châu Mỹ, khi này, tràn ngập trong các trang viết Tiểu luận của Montaigne, góp phần tạo nên triết học tương đối luận của ông. Montaigne, trên thực tế, thông qua các quan hệ xã hội từ địa vị cao của ông, tận dụng gần như mọi cơ hội tiếp xúc và trò chuyện với các thổ dân Châu Mỹ khi họ bị đưa tới Pháp. Qua các cuộc thảo luận này, Montaigne nhận thấy sự khác nhau khó thể hòa giải giữa ông và các thổ dân về tập quán, đạo đức và ý nghĩa đời sống. Levi-Strauss, trong bài thuyết trình năm 1937, đã đánh giá tầm quan trọng của những người da đỏ Châu Mỹ, với tư cách những người hoàn toàn xa lạ với văn minh phương Tây, đối với chủ nghĩa nhân văn của Montaigne. “Ông [Montaigne] viện dẫn họ thường xuyên nhằm phác thảo các ý niệm tương đối luận giữa thiện và ác” 22. Montaigne, khi này, đã hoài nghi về nền tảng chân lý theo Kito giáo, vốn là chuẩn mực trong nền văn minh của ông, để nhận thấy, thông qua đời sống của những người da đỏ, rằng, nhân loại có thể thiết lập “các thiết chế xã hội có thể tồn tại ngay cả trong các hình thức hoàn toàn khác xã hội Châu Âu, rồi những người không cùng tôn giáo lẫn tình trạng chính trị với ta có thể sống rất hạnh phúc và hòa hợp”23.

Tinh thần tò mò và cởi mở của Montaigne là một điểm đột phá của lịch sử chủ nghĩa nhân văn trong thời Phục hưng. Bầu không khi chung thời đó là “thờ ơ, thậm chí từ chối nhìn nhận những [điều] khác biệt nhưng rất cơ bản ngay khi bắt đầu việc nghiên cứu về con người” 24. Ông do đó đã phê phán nghiêm khắc chủ nghĩa nhân văn thời Phục hưng, hay chủ nghĩa nhân văn cổ điển vì đã chỉ thấy “những gì gây ấn tượng với con người ở những cá nhân khác là biểu hiện của những đặc điểm tương đồng với nó”25. Chủ nghĩa nhân cổ điển, nói khác, không nhìn thấy ở nơi người da đỏ Châu Mỹ một tồn tại tuyệt đối khác so với truyền thống Tây phương như trong các tác phẩm của Montaigne. Ngược lại, các thảo luận đặc trưng trong bầu không khí trí tuệ thời đó chỉ nhìn thấy ở nơi người khác chính bản thân mình. Vì vậy, người Châu Âu chỉ nhìn thấy ở nơi người da đỏ Châu Mỹ một phương cách chứng minh về tình trạng nguyên thủy của con người đã được viết trong Kinh Thánh. Sự giới hạn này của chủ nghĩa nhân văn cổ điển đã bị Levi-Strauss phê phán kịch liệt. “Trong thế kỷ XVI Châu Mỹ được khám phá, [con người phương Tây] tự thuyết phục rằng mình đã khám phá được những con người thực sự nguyên thủy. [Qua so sánh với người Châu Mỹ] Chúng ta [biện hộ rằng chúng ta] có truyền thống cổ, lùi tới thời Kinh Thánh, theo đó loài người, trước khi hình thành một xã hội, sống thời hoàng kim lúc chẳng tồn tại các thiết chế xã hội hay triết học hay công nghiệp hay bất cứ yếu tố giờ đây nên kiến tạo văn minh. Và khi các nhà hàng hải đầu tiên tới Châu Mỹ và thấy những người trần truồng, không có công nghiệp, mù tịt mặc khải của đấng Christ, thì giả định chắc chắn và mạnh mẽ về huyền thoại thời hoàng kim lập tức xuất hiện. Chúng ta tưởng đã tái khám phá những nhân chứng cuối của của thời hoàng kim” 26. Sự hẹp hòi của chủ nghĩa nhân văn cổ điển tiếp tục kéo dài, đòi hỏi cần những những đầu óc cởi mở và trung thực tiếp tục công việc của Montaigne.

Nhân vật Châu Âu tiếp tục tinh thần cởi mở của Montaigne là các triết gia thời Ánh sáng, với đại diện là Jean-Jacques Rousseau. Ông được Levi-Strauss đặt làm nhân vật tiêu biểu của hình thức thứ hai của chủ nghĩa nhân văn diễn ra trong thế kỷ XVIII và XIX là chủ nghĩa nhân văn phi cổ điển, hay còn được gọi là “chủ nghĩa nhân văn tư sản” 27 hoặc “chủ nghĩa nhân văn phương xa” 28. Các nhân vật trong thời chủ nghĩa nhân văn phi cổ điển đã không còn nhìn nhận các cộng đồng người xa lạ như sự gợi nhớ quá khứ xa xưa của chính mình. Ngược lại, họ đã dần cảm nhận được tầm quan trọng của các xã hội đó trong tiến trình tư tưởng, và đã chú tâm vào các xã hội bên ngoài phương Tây như các tộc người không có chữ viết hay các văn minh lớn ở phương Đông, Ấn Độ và Trung Quốc.

Mệnh đề tiêu biểu của chủ nghĩa nhân văn tư sản có thể được tìm thấy trong Luận văn về nguồn gốc của các ngôn ngữ của Jean-Jaques Rousseau: “để tìm ra thuộc tính, trước hết phải quan sát những khác biệt” 29. Levi-Strauss, trong tham luận Jean-Jacques Rousseu, cha đẻ của các khoa học về con người, đọc tại Đại học Geneva, ngày 28 tháng Sáu 1962, nhân lễ tưởng niệm 225 năm ngày sinh của Rousseau, đã vinh danh ông là “cha đẻ của nhân học”, người không những đặt tiền đề cho nhân học hiện đại mà đã thực sự đã tạo ra nó 30. Rousseau, thật thế, đã đi tiếp chủ nghĩa nhân văn của Montaigne để tìm thấy nguồn cảm hứng triết học ở nơi các cộng đồng người bên ngoài phương Tây. Song, Rousseau đã tìm thấy một giới hạn khác của chính chủ nghĩa nhân văn của Montaigne: làm sao nhà nghiên cứu có thể khách quan trong sự quan sát của anh ta về các đối tượng bên ngoài anh ta? Không chỉ vậy, chủ nghĩa nhân văn tư sản của Rousseau đã chất vấn về chính hình dung của người Châu Âu về bản thân họ cũng như tư thế nhìn của họ hướng tới các cộng đồng xa lạ. Cách đặt vấn đề của Rousseau, thật thế, đã cung cấp cho nhân học Levi-Straussian nguồn cảm hứng trí tuệ và thực hành. Hướng xử lý của Rousseau là nhà nghiên cứu trước hết phải cố gắng xét tự chính mình như cách anh ta xét những người khác, một cách khách quan và từ xa. Đòi hỏi của ông được Levi-Strauss chuyển hóa thành một mệnh lệnh, cũng là nhan đề một tuyển tập xuất bản lần đầu năm 1983: “[cần] nhìn từ xa”. “Trong công trình nhân học, do đó, người quan sát dùng chính bản thân anh ta như công cụ của sự quan sát. Vì vậy, anh ta phải học cách tự biết bản thân để xét chính mình một cách khách quan và từ một khoảng cách tương đương với sự quan sát của anh ta với người khác”31.

Nhưng chủ thể quan sát, hay “anh ta” trong trích dẫn của Levi-Strauss, có thể là ai? Và liệu “anh ta” có thể ý thức được mình thuộc về nền văn minh đã tiến hành những cuộc thuộc địa hóa trên toàn thế giới, nhằm hưởng những đặc quyền có thể nhìn nhận một cách sắc lạnh về các cộng đồng người bên ngoài Châu Âu? Cảm thức của một điểm nhìn nơi chủ thể quan sát nằm bên ngoài bối cảnh kinh tế – xã hội cùng tiến trình lịch sử của nhân loại, thật thế, là một đặc trưng của giai cấp tư sản trong thế kỷ XVIII. Dẫu chủ nghĩa nhân văn của Rousseau đã bắt đầu ý thức được giá trị của những cộng đồng người bên ngoài phương Tây, nó vẫn không thể thừa nhận, như Levi-Strauss, chính mình là một sản phẩm của chủ nghĩa thực dân. Nói cách khác, chủ nghĩa nhân văn tư sản của Rousseau vẫn cố gắng bảo vệ hệ tư tư tưởng cùng đặc quyền của giai cấp tư sản, mà bản thân Rousseau thuộc về.

Hai hình thức đầu tiên của chủ nghĩa nhân văn là là chủ nghĩa nhân văn cổ điển và phi cổ điển, xét vậy, đã giới hạn chân trời của sự nghiên cứu con người. Chủ nghĩa nhân văn cổ điển, hay chủ nghĩa nhân văn quý tộc thời Phục hưng chỉ hướng tới ý niệm về con người phổ quát sinh trưởng trong khu vực Địa Trung Hải, nghĩa là cả thế giới quen thuộc đối họ lúc bấy giờ. Phần còn lại của thế giới do đó hẵng là những giả thuyết nhằm kéo dài thế giới Địa Trung Hải quen thuộc. Chủ nghĩa nhân văn phi cổ điển, hay chủ nghĩa nhân văn tư sản, ngược lại, nhận lấy đòi hỏi tinh thần của tiền nhân Montaigne, đã nới rộng khu vực nghiên cứu tới Châu Mỹ và Viễn Đông. Cả hai hình thức này của chủ nghĩa nhân văn do đó đã chỉ giới hạn số ít những người được hưởng lợi từ thành quả trí tuệ của nó ở một giai cấp đặc quyền trong mỗi thời đại: giai cấp quý tộc thời Phục hưng, ở đó Montaigne là một thành viên, và giai cấp tư sản, mà ở đó Diderot và Rousseau là hai nhà lý luận xuất sắc 32.

Hướng tới một chủ nghĩa nhân văn mới

Levi-Strauss mang bổn phận tạo ra một môn nhân học đồng thời giữ chức năng trí tuệ và thực hành: tìm cách nghiên cứu một cách toàn diện và khách quan về sự đa dạng của các nền văn hóa trên thế giới, nhằm cố gắng cuộc lại tội lỗi của tổ tiên ông, những người phương Tây, đã gây nên trên khu vực bên ngoài Châu Âu. Xét vậy, Levi-Strauss đã đề xuất môn nhân học của ông, hay nhân học Levi-Straussian cần nằm trong truyềng thống của chủ nghĩa nhân văn theo kiểu phương Tây. Chỉ bằng cách đó, ông mới có thể nhìn nhận trung thực các giới hạn trong lịch sử của chủ nghĩa nhân văn, từ đó cố gắng tìm cách vượt qua nhằm xác lập một cách hiện thực môn nhân học Levi-Straussian như một chủ nghĩa nhân văn mới cho nhân loại.

Trong đánh giá của Levi-Strauss, hai hình thức trước đây của chủ nghĩa nhân văn phương Tây – chủ nghĩa nhân văn quý tộc và tư sản – quả thật đã nuôi dưỡng tư tưởng và hoạt động của con người phương Tây, và đạt tới những thành tựu lớn về văn chương, nghệ thuật, khoa học, và cải thiện điều kiện sống vật chất 33. Levi-Strauss dẫu vậy nhận thấy sự nghịch lý của thịnh vượng. Thành tựu của chủ nghĩa nhân văn quý tộc và tư sản luôn đi cùng, và ở một mức, nuôi dưỡng sự man rợ của tiến trình thuộc địa hóa, hoặc, nói như Walter Benjamin, “không thể tồn tại một chứng tích về văn hóa, nếu không đồng thời tồn tại chứng tích của sự man rợ” 34. Sự rực rỡ của nền văn minh càng lớn, xét vậy, thì sự man rợ càng không thể chịu đựng nổi. Hai chủ nghĩa nhân văn cổ điển và phi cổ điển đó do đó cũng không thể ngăn cản những hệ quả tàn khốc của thế giới từ thế kỷ XV tới nay: sự bóc lột tàn khốc giữa người với người, sự hủy diện sinh vật trên quy mô toàn cầu do chiến tranh, nạn đói và thiếu dinh dưỡng lan rất rộng, sự hủy diệt các tài nguyên thiên nhiên ở quy mô toàn cầu, ô nhiễm không khí và nước, sự tăng trưởng quá mức dân số dẫn tới phá hủy các phương thức sinh sống trước đây 35.

Môn nhân học của Claude Levi-Strauss do đó cố gắng tự “thiết lập một chủ nghĩa nhân văn dân chủ vượt qua tất cả những nền nhân văn trước đó, tạo ra những ưu tiên đặc biệt từ những nền văn minh ưu việt” 36. Nhân học Levi-Straussian hướng tới sự mở rộng cả về địa lý lẫn đối tượng được hưởng lợi từ nó. Thậm chí, trong bài viết năm 1953, Toàn cảnh dân tộc học 1950-1952, ông lạc quan cho rằng nhân học Levi-Straussian là bộ môn duy nhất có đủ khả năng trở thành một chủ nghĩa nhân văn mới bởi vì cả phương diện thực hành lẫn tham vọng khoa học của nó: hướng tới sự nghiên cứu con người một cách khách quan, toàn thể, vẫn giữ được những ý nghĩa chủ quan nơi các cá nhân 37. Kế thừa từ hai hình thức trước đây của chủ nghĩa nhân văn, môn nhân học Levi-Strauss đã xác lập một nguyên tắc nền tảng là không xét bản thân xã hội của mình trong thế cô lập, nhưng như là bộ phận của các cấu phần khác làm nên toàn thể rộng lớn hơn. Nói khác, Levi-Strauss “nhận ra rằng một nền văn minh tự nó không thể tự tư duy nếu không có một hoặc nhiều nền văn minh khác để so sánh” 38. Nhận định của Levi-Strauss đồng thời có nghĩa rằng mỗi cá nhân không sống cô độc trên hành tinh này. Ngược lại, các cộng đồng người khác biệt với nhau nhất cần học cách để cùng liên hiệp và trở nên bạn hữu với nhau. Lợi ích cơ bản của nhân học Levi-Strauss, xét vậy, có thể là “tạo cảm hứng cho chúng ta, những thành viên của các nền văn minh giàu có và hùng mạnh, một sự khiêm nhường nhất định và học tập sự minh triết cho mình” 39.

Thái độ lạc quan của ông còn được thể hiện trong bài viết ngắn năm 1956, Ba chủ nghĩa nhân văn. Trong đó, ông cho rằng nhân học “không nghi ngờ gì sẽ trở nên chủ nghĩa nhân văn cuối cùng, vì sau đó loài người không còn gì từ bản thân anh ta để khám phá – ít nhất là từ bên ngoài” 40. Chân trời của nhân học Levi-Strauss, xét vậy, không chỉ là chủ nghĩa nhân văn mới như một nền tảng triết học mới cho toàn nhân loại sau khi đã trải qua hai cuộc Thế chiến kinh hoàng, nhưng như một chủ nghĩa cuối cùng.

Levi-Strauss cuối đời xét lại vấn đề

Tác phẩm cuối cùng của Claude Levi-Strauss bàn tới nỗ lực đưa môn nhân học của ông trở nên một chủ nghĩa nhân văn mới là một bức thư viết ngày 12 tháng Giêng 2006 gửi sử gia Pháp Denis Kambouchner nhằm phản hồi bản thảo của Kambouchner. Bức thư đã được ông cho phép in lại làm phụ lục cho tiểu luận “Levi-Strauss và vấn đề chủ nghĩa nhân văn”, chương mở đầu của tuyển tập các tiểu luận bàn về ông của Đại học Cambridge, xuất bản tháng Năm 2009, ít tháng trước khi ông qua đời. Bức thư viết năm 2006 của Levi-Strauss do đó cần được nhìn nhận như một sự tự nhìn lại ngắn gọn, đại cương và chung quyết của ông về chủ nghĩa nhân văn.

Levi-Strauss, trong bức thư năm 2006, tự đặt ông và những người cùng thế hệ trong sự khủng hoảng của chủ nghĩa nhân văn, với tư cách thành tựu trí tựu của thế giới phương Tây, sau khi Châu Âu diễn ra hai cuộc chiến tranh thế giới chỉ trong 30 năm kéo theo những hệ quả kinh hoàng. Nhận định này có thể được diễn giải bằng cách hướng sự quan tâm tới tiểu sử của ông trong thập niên 1930. Khi này, sự chú ý của ông đối với môn nhân học đã làm ông không những đi ra khỏi bầu không khí triết học tư biện, nhưng đồng thời làm cho ông trực giác về một hướng đi khả thi khác cho chủ nghĩa nhân văn. Bài thuyết trình đại chúng của ông tại Tổng Liên đoàn Lao động, trụ sở Paris, vào ngày 29 tháng Giêng 1937, xét vậy, đã làm lộ mầm mống của ý định trên. Dân tộc chí, khi đó, được ông bảo vệ trước các đồng chí, không phải như một khoa học phản động, chăm chăm bảo tồn những tàn dư của các xã hội lạc hậu. Ngược lại, Levi-Strauss nhận thấy “sự phát triển chúng ta [người Châu Âu] có được trong hiểu biết các xã hội hoang dã, trong hiểu biết những người lạc hậu và nguyên thủy, luôn tương ứng với một [tiến trình] phát triển của [tư duy] phê phán mang tính cách mạng” 41. Từ đó ông đã hình thành một giả thuyết: “khi mà diễn ra sự phát triển các cuộc phê phán tri thức nhắm tới các thiết chế, thì chúng sẽ lấy dưỡng chất nơi những người hoang dã, và khi một cuộc cách mạng xuất hiện, thì nó cũng nhìn sang những người nguyên thủy và người hoang dã nhằm góp thêm sự hiểu hiểu về chính nó” 42. Levi-Strauss, qua bài thuyết trình, đã trực giác của ông về giá trị của việc nghiên cứu các cộng đồng nhỏ có thể góp phần phê phán xã hội tư bản chủ nghĩa đang ở giai đoạn đế quốc chủ nghĩa bấy giờ. Từ đó, nỗ lực đổi mới môn nhân học của ông đã mang cả kích thước trí tuệ lẫn hành động. Và Levi-Strauss đã hiểu truyền thống của chủ nghĩa nhân văn phương Tây đã không thể ngăn cản được những thảm họa đã diễn ra đầu thế kỷ XX. Từ thập niên 1930 tới thập niên 1950, ông càng tin tưởng môn nhân học Levi-Straussian có thể là một đường hướng mới của chủ nghĩa nhân văn, có thể giúp cho con người có thể hiểu nhau hơn từ đó hướng tới cuộc sinh sống với nhau trong tình bằng hữu trên ngôi nhà chung Trái đất 43.

Nhân học Levi-Straussian, theo bức thư năm 2006, cố gắng “đi tìm các điều kiện khả thi cho một hình thức đổi mới của chủ nghĩa nhân văn” 44. Ông đã đi nhiều hướng rất mâu thuẫn, để rồi nhận ra những hướng đi này không hiệu quả trong sự tiếp diễn không thể ngừng của những vấn đề nghiêm trọng hiện nay, tiêu biểu là tình trạng gia tăng dân số đã dẫn tới phá hủy các phương thức tổ chức xã hội truyền thống. “Hệ quả là hành tinh của chúng ta sẽ trở nên ngày càng khắc nghiệt và sẽ diễn ra sự hủy diệt không thể đảo ngược của rất nhiều hình thức của sự sống”45. Sự lạc quan của ông về đóng góp của nhân học như một chủ nghĩa nhân văn mới trong nửa sau thế kỷ XX, có mầm mống trong năm 1937, được khẳng định liên tục vào các năm 1953, 1956, và 1986, đã hoàn toàn biến mất trong thập niên 1990s và 2000s.

Để kết lại vấn đề, Levi-Strauss viết: “đối diện với quy mô tuyệt đối của sự hủy diệt này […] thì vấn đề chủ nghĩa nhân văn với tôi là vô ích. Để xét từ những hiện tượng trên, ý niệm về chủ nghĩa nhân văn không còn bất cứ ý nghĩa nào” 46. Sự tiêu cực trong nhìn nhận của ông về tương lai nhân loại được khẳng định một lần nữa trong bài trả lời phỏng vấn đài truyền hình NHK, Nhật Bản, năm 1993. Một giai đoạn lạc quan hơn của nhân loại, trước những nan đề mà ông đã nêu ra trong loạt bài giảng tại Nhật Bản năm 1986, tuyệt đối không thể diễn ra trong tương lai47. Nhân học Levi-Straussian, với tư cách một chủ nghĩa nhân văn mới có thể ngăn chặn được những thảm họa toàn cầu sẽ diễn ra, theo ông, cũng không thể khả thi.

Kết luận

Như đã tự nhìn nhận trong bức thư năm 2006, Levi-Strauss, bằng môn nhân học của chính ông gắng “đi tìm các điều kiện khả thi cho một hình thức đổi mới của chủ nghĩa nhân văn” 48. Nỗ lực của ông có thể được giải thích như một phương hướng nhằm đặt lại nền tảng trí tuệ phương Tây đã bị khủng hoảng sau những hậu quả gây nên bởi hai cuộc chiến tranh thế giới trong nửa đầu thế kỷ XX. Tiến trình suy nghĩ của Levi-Strauss về một môn nhân học có thể thay thế các nền triết học truyền thống nhằm trở nên một chủ nghĩa nhân văn thay thế cho các hình thức trước đó đã bắt đầu một cách khó nhọc từ bài thuyết trình cho đại chúng năm 1937. Bằng cách vinh danh Montaigne như một nhà nhân học tiền phong thời Phục hưng, Levi-Strauss đã tấn công vào điểm yếu của chủ nghĩa nhân văn cổ điển. Tiến trình suy nghĩ theo cùng hướng tích cực của ông đã kéo dài tới gần 50 năm sau cho tới loạt bài giảng tại Nhật Bản năm 1986. Khi này, ông, dẫu không còn chắc chắn về việc liệu môn nhân học của mình có thể trở nên một chủ nghĩa nhân văn chung quyết cho nhân loại, vẫn lạc quan về môn khoa học của mình có thể trở nên một chủ nghĩa nhân văn dân chủ không chỉ cho loài người nhưng dành cho mọi sinh vật trên hành tinh này. Nếu đồng lòng đi theo hoạch định của môn nhân học Levi-Strauss, nhân loại sẽ tránh được những thảm họa. Tuy nhiên, hơn hai mươi năm sau những tuyên bố đầy lòng tin vào tương lai của nhân loại, ông trở nên ngày càng hoài nghi về chân trời của môn nhân học của ông. Levi-Strauss, bằng cách đó, đã tự phê phán nghiêm khắc tiến trình suy nghĩ kéo dài gần 70 năm về cùng chủ đề. Bài viết này, do đó, đã cố gắng theo sát tiến trình bền bỉ của một trong những nhà tư tưởng lớn nhất trong thế kỷ XX, từ đó mời gọi sự chú ý của người đọc trở lại những thảo luận trong triết học Châu Âu về chủ nghĩa nhân văn kéo dài tới hôm nay.


Tài liệu tham khảo

1. Benjamin, Walter (2007). Illuminations. Schocken Books. New York.

2. Dosse, Francois (D. Glassman dịch) (1977). History of Structuralism, volume I: The Rising Sign 1945-1966. University of Minnesota Press. Minneapolis & London.

3. Granger, Gilles-Gaston (Phan Ngọc & Phan Thiều dịch) (1995). Khoa học và các khoa học. Nxb Thế giới, Hà Nội.

4. Kambouchner, Denis (2009). “Lévi-Strauss and the question of humanism: followed by a letter from Claude Levi-Strauss” [Lévi-Strauss và vấn đề về chủ nghĩa nhân văn: in kèm một thư của Claude Levi-Strauss], in trong: Wiseman, Boris (chủ biên). Cambridge companion to Lévi-Strauss [Tuyển tập Cambridge viết về Lévi-Strauss]. Cambridge University Press. Cambridge.

5. Levi-Strauss, Claude (1953). “Panorama of Ethnology 1950-1952”. Diogenes 1(2): 69-92.

6. Levi-Strauss, Claude (1963). “Rousseau, Father of Anthropology”. The UNESCO Courier, 16(3): 10-4.

7. Levi-Strauss, Claude (1966). “Anthropology: it’s achievements and future”. Current Anthropology, 7(2): 124-27.

8. Levi-Strauss, Claude (Monique Layton dịch) (1976). Structural Anthropology: volume 2. Basic Books. New York.

9. Levi-Strauss, Claude & Massenzio, Marcello (2001). “An interview with Claude Lévi-Strauss”, Current Anthropology, 42(3): 419-25.

10. Levi-Strauss, Claude (Ngô Bình Lâm dịch) (2009). Nhiệt đới buồn. Nxb Tri thức. Hà Nội.

11. Levi-Strauss, Claude & Harding, Susan (2010). “Questions for Claude Lévi-Strauss”. Anthropology Now, 2(2): 52-4.

12. Levi-Strauss, Claude (Nguyễn Duy Bình dịch) (2018). Mặt khác của trăng: khảo luận về Nhật Bản. Sao Bắc & Nxb Thế giới. Hà Nội.

13. Levi-Strauss, Claude (Robert Bononno dịch) (2019). From Montaigne to Montaigne. University of Mimesota Press. Minneapolis & London.

14. Levi-Strauss, Claude (Nguyễn Thị Hiệp dịch) (2020). Nhân học đối diện với những vấn đề của thế giới hiện đại. Omega+ & Nxb Đà nẵng. Hà Nội.

15. Loyer, Emmanuelle (Ninon Vinsonneau & Jonathan Magidoff dịch) (2019). Lévi-Strauss: A Biography. Polity Press. Cambridge & Medford.

16. Nguyễn Đăng Thành (2022). “Các xã hội làm đối tượng cho cách tiếp cận của Claude Levi-Strauss”, trong: Hội nghị Thông báo Văn hóa 2022. Viện Nghiên cứu Văn hóa – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội.

17. Oshima, Hitoshi (2022). Reflections on Science and Poetry. Hana Shoin Publishing. Fukuoka.

18. Trần Đỗ Dũng (1967). Luận lý và tư tưởng trong huyền thoại (một quan niệm văn minh mới theo Claude Levi-Strauss). Nxb Trình bày. Sài Gòn.


Chú thích

  1. Dosse,  Francois (D. Glassman dịch) (1977). History of Structuralism, volume I: The Rising Sign 1945-1966. University of Minnesota Press. Minneapolis & London, tr. 10. ↩︎
  2. Granger,  Gilles-Gaston (Phan Ngọc & Phan Thiều dịch) (1995). Khoa học và các khoa học. Nxb Thế giới, Hà Nội, tr. 11. ↩︎
  3. Levi-Strauss, Claude (Nguyễn Thị Hiệp dịch) (2020). Nhân học đối diện với những vấn đề của thế giới hiện đại. Omega+ & Nxb Đà nẵng. Hà Nội, tr. 26. ↩︎
  4. Như trên. ↩︎
  5. Levi-Strauss (2020). tlđd, tr. 29-30. ↩︎
  6. Levi-Strauss (2020). tlđd, tr. 26. ↩︎
  7. Tư Mã Thiên (Phan Ngọc dịch và giới thiệu) (2015). Sử Ký Tư Mã Thiên. Trí Việt & Nxb Văn học, Hà Nội, tr. 6. ↩︎
  8. Levi-Strauss (2020). tlđd, tr. 27-8.Levi-Strauss (2020). tlđd, tr. 27. ↩︎
  9. Levi-Strauss (2020). tlđd, tr. 27-8. ↩︎
  10. Levi-Strauss, Claude (Ngô Bình Lâm dịch) (2009). Nhiệt đới buồn. NXB Tri thức. Hà Nội, tr. xxi-xxiii. ↩︎
  11. Trần Đỗ Dũng (1967). Luận lý và tư tưởng trong huyền thoại (một quan niệm văn minh mới theo Claude Levi-Strauss). Nxb Trình bày. Sài Gòn, tr. 10. ↩︎
  12. Levi-Strauss, Claude (1966). “Anthropology: it’s achievements and future”. Current Anthropology, 7(2), tr. 126. ↩︎
  13. Levi-Strauss, Claude & Massenzio, Marcello (Melanie Canard dịch) (2001). “An interview with Claude Lévi-Strauss”. Current Anthropology, 42(2), tr. 419. ↩︎
  14. Như trên. ↩︎
  15. Nguyễn Đăng Thành (2022). “Các xã hội làm đối tượng cho cách tiếp cận của Claude Levi-Strauss”, trong: Hội nghị Thông báo Văn hóa 2022, Viện Nghiên cứu Văn hóa – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội. ↩︎
  16. Levi-Strauss, Claude (1966). tlđd, tr. 125-26. ↩︎
  17. Levi-Strauss, Claude (2020). tlđd, tr. 51. ↩︎
  18. Như trên. ↩︎
  19. Levi-Strauss, Claude (Monique Layton dịch) (1976). Structural Anthropology: volume 2. Basic Books. New York, tr. 275. ↩︎
  20. Levi-Strauss, Claude (2020). tlđd, tr. 51. ↩︎
  21. Levi-Strauss, Claude (1976). tlđd, tr. 273 ↩︎
  22.  Levi-Strauss, Claude (Robert Bononno dịch) (2019). From Montaigne to Montaigne. University of Mimesota Press. Minneapolis & London, tr. 25 ↩︎
  23.  Như trên. ↩︎
  24. Levi-Strauss, Claude (2020). tlđd, tr. 31. ↩︎
  25. Levi-Strauss, Claude (2020). tlđd, tr. 30. ↩︎
  26.  Levi-Strauss, Claude (2019). tlđd, tr. 27. ↩︎
  27. vi-Strauss, Claude (1976). tlđd, tr. 274-75. ↩︎
  28. Levi-Strauss, Claude (2020). tlđd, tr. 57. ↩︎
  29. Levi-Strauss, Claude (2020). tlđd, tr. 31. ↩︎
  30. Levi-Strauss, Claude (1963). “Rousseau, Father of Anthropology”. The UNESCO Courier, 16(3), tr. 11. ↩︎
  31. Như trên. ↩︎
  32. Levi-Strauss, Claude (2020). tlđd, tr. 54-5 & 57. ↩︎
  33. Levi-Strauss, Claude (2020). tlđd, tr. 58. ↩︎
  34. Benjamin, Walter (2007). Illuminations. Schocken Books. New York, tr. 256. ↩︎
  35. Levi-Strauss, Claude (2020). tlđd, tr. 58-9. ↩︎
  36. Levi-Strauss, Claude (2020). tlđd, tr. 58. ↩︎
  37.  Levi-Strauss, Claude (1953). “Panorama of Ethnology 1950-1952”, Diogenes, 1(2), tr. 70. ↩︎
  38. Levi-Strauss, Claude (2020). tlđd, tr. 51. ↩︎
  39. Levi-Strauss, Claude (2020). tlđd, tr. 59. ↩︎
  40. Levi-Strauss, Claude (1976). tlđd, tr. 274. ↩︎
  41. Levi-Strauss, Claude (2019). tlđd, tr. 24. ↩︎
  42. Levi-Strauss, Claude (2019). tlđd, tr. 25-6. ↩︎
  43. Oshima, Hitoshi (2022). Reflections on Science and Poetry. Hana Shoin Publishing. Fukuoka, tr. 33. ↩︎
  44. Kambouchner, Denis (2009). “Lévi-Strauss and the question of humanism: followed by a letter from Claude Levi-Strauss”, in trong: Wiseman, Boris (chủ biên). Cambridge companion to Lévi-Strauss. Cambridge University Press. Cambridge, tr. 37. ↩︎
  45. Như trên. ↩︎
  46. Như trên. ↩︎
  47. Levi-Strauss, Claude (Nguyễn Duy Bình dịch) (2018), Mặt khác của trăng: khảo luận về Nhật Bản. Sao Bắc & Nxb Thế giới, Hà Nội, tr. 157-58. ↩︎
  48. Kambouchner, Denis (2009). tlđd, tr. 37. ↩︎