Đường về Ngôn Ngữ
Martin Heidegger
Trần Đình Thắng dịch
Lời người dịch
Bản dịch này, Đường Về Ngôn Ngữ dịch từ bài Der Weg zur Sprache (1959), trong GA12: Unterwegs Zur Sprache[1] và tham khảo bản Anh The Way To Language trong (Heidegger M. , On The Way To Language, 1971)[2]. Để có cái nhìn thoáng qua bài viết Đường Về Ngôn Ngữ, ta có thể dẫn lại lời giới thiệu của Krell:
Heidegger, dù giai đoạn trẻ hay già, vẫn tiếp tục lần theo dấu vết ngôn ngữ. Nếu tồn tại, thời gian và chân lý tạo nên phương châm trên huy hiệu của ông, thì dù sao cũng đúng là những thứ này, bất kể chúng là gì, đều chỉ là chữ với chữ. Heidegger không bao giờ quên mất sự thật này. Dù có ngắn đến đâu đi nữa, thì hầu như mọi văn bản khác trong Basic Writings (Heidegger M. , Basic writings: from being and time (1927) to the task of thinking (1964), 1993) đều lấy chủ đề là ngôn ngữ; trong bài luận này, vấn đề ngôn ngữ được xử lý sâu nhất trong tác phẩm của Heidegger. Ở đây, suy nghĩ của ông hướng đến sự gặp gỡ với suy nghĩ của nhiều người khác trong thế kỷ của chúng ta— có thể kể ra một vài người: Russell và Wittgenstein, Carnap, Quine và Austin—những người mà ngôn ngữ là vấn đề [duy nhất] cần phải suy nghĩ. Tuy nhiên, cách thức gặp gỡ họ [của Heidegger] lại xa lạ và thậm chí kỳ dị.
Heidegger tìm kiếm một con đường đến với ngôn ngữ. Ông không xuất hiện trên hiện trường có sẵn một chương trình và một thủ tục, một phương pháp luận và một toa thuốc cho ngôn ngữ. Ông không chạy một máy hút bụi phân tích trên ngôn ngữ để dọn dẹp nó; ông không đưa nó vào máy vắt của sự hình thức hóa để làm cho nó phù hợp với Ngôi Nhà của Khoa Học. Ông thậm chí không xây dựng các lập luận liên quan đến ngôn ngữ, đưa ra một lý thuyết về nó, hoặc bịa ra một siêu ngôn ngữ cho phép ông nói những điều không thể về ngôn ngữ. Cuộc tìm kiếm của ông không ấn tượng bằng tất cả những điều đó. Thật vậy, có một sự đơn giản không thể phủ nhận về “Con đường đến với ngôn ngữ”, đó chắc chắn là lý do tại sao nó là tác phẩm khó nhất trong Basic Writings. Bây giờ, chúng ta hãy nói đôi lời về quá trình thai nghén tác phẩm, tiếp theo là phần thảo luận ngắn gọn về một vài bước ngoặt quyết định trong con đường đơn giản đến với ngôn ngữ của Heidegger.
Vào tháng 1 năm 1959, Heidegger đã tham gia cùng một nhóm đồng nghiệp lỗi lạc trong một loạt bài giảng do các học viện nghệ thuật Bavaria và Berlin tài trợ chung. Tựa đề giản dị của loạt bài giảng: “Ngôn ngữ”. Các bài đóng góp rất đa dạng về chủ đề và cách tiếp cận. Carl von Weizsacker đã nói về lý thuyết điều khiển học và thông tin; Thrasybulos Georgiades đã kể lại tầm quan trọng của nhịp điệu được thiết lập theo truyền thống trong và đối với cách diễn đạt tiếng Hy Lạp cổ đại. Heidegger đã tận dụng cơ hội này để tóm tắt toàn bộ suy nghĩ thuộc giai đoạn sau của ông về ngôn ngữ, vốn là một tư duy về Ereignis hoặc sự biến chiếm riêng. (Giai đoạn “sau” ở đây có nghĩa là từ năm 1935 trở đi; đặc biệt hãy xem các nhận xét về ngôn ngữ trong Readings IV, V và IX.)
Trong Tồn tại và Thời gian, Heidegger đã nhấn mạnh tầm quan trọng hàng đầu của diễn ngôn hoặc nói về, nói với (die Rede/talk) đối với ngôn ngữ, và tính chất thứ cấp hoặc “phái sinh” của những khẳng định và chắt (mệnh đề)—những diễn ngôn của khoa học và triết học, nhưng cũng của báo chí, chính trị và văn hóa nói chung. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chúng ta lắng nghe và chú ý đến lời nói (speech), cho rằng sự im lặng cho phép chúng ta lắng nghe còn có ý nghĩa hơn tất cả tiếng ồn của sự tỏ nghĩa (signification). (Những nhận xét của ông về sự im lặng trong Tồn tại và Thời gian có được một phẩm chất đáng chú ý trong bài viết này.)
“Con đường đến với ngôn ngữ” cũng lấy định hướng từ lời nói chứ không phải từ chữ viết. Rốt cuộc, một hàng dài các nhà tư tưởng từ Aristotle đến Wilhelm von Humboldt đã đóng dấu ấn chấp thuận bằng văn viết của họ lên tính thứ nhất (primacy) của lời nói đối với ngôn ngữ. Ngôn ngữ nói. Language speaks. Nhà văn và nhà tư tưởng Lãng mạn, Novalis (Friedrich von Hardenberg, 1772-1801), người góp cụm từ mở đầu cho “Con đường” của Heidegger, cho chúng ta biết rằng ngôn ngữ “chỉ quan tâm đến chính nó mà thôi”. Nếu ngôn ngữ lên tiếng, thì lời nói của nó là “nói một mình”. Con đường riêng của Heidegger đến với ngôn ngữ bắt đầu bằng sự kế thừa kép này. Ngôn ngữ nói. Ngôn ngữ lên tiếng. Tuy nhiên, sự nói một mình của ngôn ngữ không phải là tự mình lẩm bẩm miệt mài. Ngôn ngữ nói điều gì đó khi nó lên tiếng, và sự nói ra như vậy (sagen, die Sage) sẽ là mối quan tâm chính của Heidegger trong “Con đường đến với ngôn ngữ”. Nghe thì có vẻ đơn giản.
Bằng cách nói ra điều gì đó, ngôn ngữ hướng đến con người và sự vật trên thế giới; nó trỏ đến chúng, như thể, phô cho thấy chúng là những vấn đề đáng quan tâm. Việc phô ra và chỉ trỏ (zeigen, die Zeige) mà ngôn ngữ thực hiện sẽ cấu thành nên bản chất của ngôn ngữ. Chúng phác họa hồ sơ của nó, bản vẽ mặt cắt của nó (der Auf-Riss). Thông qua lời nói, sự chỉ ra và chỉ trỏ, ngôn ngữ đặt để con người và sự vật ở đó cho chúng ta, cho phép chúng tự đứng theo cách riêng và tỏa sáng trong sự có mặt. Nói một mình (độc thoại) không bao giờ chỉ đơn giản là dàn dựng sự vật. Nó thừa nhận thực tế rằng lời nói của nó chỉ trở nên sự kể, sự bảo (telling) khi nó để một tồn tại tự tự đứng theo cách riêng của mình. (Heidegger M. , Basic writings: from being and time (1927) to the task of thinking (1964), 1993)
– Từ “Ereignis”. Giống như “Dasein” của Heidegger trẻ, Ereignis đã trở thành từ lõi của Heidegger già, ông đã phát triển tư tưởng Ereignis (Ereignis-thinking, 1936–1938) qua tác phẩm thường được gọi là tác phẩm lớn thứ hai của ông (sau Tồn Tại và Thời Gian), Beiträge zur Philosophie (Vom Ereignis).[3] Từ thời điểm này trở đi, Ereignis gọi tên cho tồn tại diễn ra trong chân lý của nó như thế nào. Mặc dù khái niệm Ereignis đóng vai trò trung tâm đối với Heidegger, nhưng các tác phẩm mà ông thực sự phát triển khái niệm này không dành cho “công chúng”, Heidegger lần đầu tiên nói công khai về Ereignis là trong bốn bài phát biểu ông đưa ra vào cuối năm 1949, bắt đầu bằng bài phát biểu về “Das Ding” (“[Sự] vật”).
Cũng giống như các từ ngữ cốt lõi khác được Heidegger (cả giai đoạn trẻ và già) sử dụng trong hơn 60 năm tư duy triết học của mình, Ereignis cũng có một loạt thuật ngữ được sử dụng cả về mặt từ nguyên lẫn ý nghĩa hiện tại, tất cả đều liên quan đến nó, giúp mở rộng hơn những nét nghĩa của Ereignis. Các nhà nghiên cứu Heidegger thường gọi đây là cụm từ liên quan của Ereignis. Trong bài giảng năm 1949 có tựa đề “Das Ding”, Heidegger mô tả sự thống nhất dựa trên tính thống nhất thuần khiết trong “Cái Bốn/das Geviert” là Ereignis, còn được gọi là “trò chơi-soi gương” (Spiegel-Spiel), “điệu nhảy xoay tròn”, khi đề cập đến tiến trình “[sự] vật [sự] vật hóa” (das Ding dingt), một loạt các từ liên quan đến Ereignis như Vereignung, Eigenen, enteignen, Ereignen, sich ereignen, v.v. được sử dụng để minh họa cho tiến trình này. Và nhóm từ này đều liên quan đến Ereignis hoặc là biến cách của Ereignis. Sau này, ngoài những từ được đề cập ở trên, Heidegger còn sử dụng thêm üebereignen, zueignen, aneignen, Enteignis, Eigen, Eigentum, das Eigentuemliche, v.v. cũng thuộc cụm từ Ereignis.
Ereignis trong tiếng Đức thông thường có nghĩa là sự kiện, sự xảy ra, sự biến (“happening”), song khái niệm Ereignis của Heidegger có nhiều nét nghĩa hơn là nét nghĩa thông thường của nó là “sự xảy ra” hay “sự kiện” mặc dù nét nghĩa này đóng phần quan trọng của theo những nét nghĩa của Heidegger. Do đó, như trong nhiều ca khác, Heidegger vẫn thích chơi chữ. Chẳng hạn, ông viết “die Welt weltet” (thế giới thế giới hoá), “das Ding dingt’ ([sự] vật [sự] vật hoá); tệ hơn nữa, “Das Nichts nichtet” (The nothing nothings) khiến Carnap phải nhăn nhó! Riêng trong bài luận này, Heidegger còn mượn một số từ của các nhà thơ, die Sterblichen (mortal) chẳng hạn. Bản thân chữ Ereignis không có gì bí ẩn, chỉ vì Heidegger đã sử dụng nó trong những năm cuối đời nên ngày nay người ta cho rằng nó sâu sắc và bí ẩn, thật ra, nó chỉ khó dịch.[4] Đối với chữ Ereignis, Heidegger muốn nó có một trường ngữ rộng hơn bằng cách chia Ereignis thành hai thành phần ngữ nghĩa er– và –eignis. Tiền tố er– mang ý nghĩa về một chuyển động bắt đầu hoặc một thành tựu, trong khi –eignis thì liên quan đến eigen, trong tiếng Đức thường có nghĩa là “của riêng, riêng có, chiếm lĩnh, chiếm hữu, cư hữu, sở hữu (own)”, nhưng nó cũng được sử dụng trong một chữ quen thuộc với chúng ta từ Tồn Tại và Thời Gian của Heidegger, cụ thể là eigentlich, là “đích thực” (“proper” hoặc “authentic”). Điều này đã khiến các học giả khá bất đồng khi dịch Ereignis. Chẳng hạn, Julian Young đề nghị giữ nguyên Ereignis, không dịch; Parvis Emad và Kenneth Maly chế từ dịch là “enowning”[5] nhưng cũng bị một số tác giả khác phản bác; Daniela Vallega-Neu dịch là “Event”, hoặc Krell và Hertz dịch là “appropriation” (chiếm hữu, chiếm lĩnh), hoặc là “sự kiện chiếm hữu” (event of appropriation)… Người dịch đã cân nhắc về khả năng để nguyên chữ Ereignis, không dịch, song sau cùng, qua mấy lần thử nghiệm dịch thử, vì việc để nguyên từ Ereignis sẽ đòi hỏi phải có giải thích, kể cả diễn giải, nghĩa là, vô hình trung đã buộc phải dịch chữ này. Mặt khác, không chỉ riêng từ Ereignis, Heidegger còn dùng những từ có liên quan chặt chẽ với Ereignis: Ereignung, Eignung, Zueignung, Übereignung, Eigentum, ereignen, zueignen, übereignen, … không thể không dịch. Do đó, người dịch quyết định dịch cả chùm từ này, cố gắng mỗi từ sẽ được dịch bằng các từ tiếng Việt không trùng nhau, cho phép người đọc có thể truy ngược từ gốc Đức (và tiếng Anh, xem thêm bảng từ); về việc hiểu rõ, cảm nhận “Ereignis” như thế nào sẽ do chính người đọc cảm nhận qua các đoạn văn của Heidegger, hoặc qua các tư liệu khác về Heidegger. Một ví dụ:
Kinh nghiệm sống trải (Er-leben) không lướt qua tôi như một thứ mà tôi cho là một đối tượng nào đó; đúng hơn, tôi xảy chiếm riêng (er-eigne) nó cho chính mình và nó tự xảy chiếm riêng (er-eignet sich). Và nếu, tôi hiểu kinh nghiệm sống trải như thế, thì tôi hiểu nó không phải là một tiến-trình (Vor-gang), là [sự] vật, một đối tượng, mà đúng hơn, đấy là một cái gì đó hoàn toàn mới: Ereignis.[6]
Ngoài ra, trong bài viết này Heidegger còn phân biệt giữa sprechen (speak, nói) và sagen (say, nói ra) cũng như các biến cách của chúng, bản dịch cố gắng dùng các từ Việt riêng biệt cho chúng, và trong khi làm như vậy, đôi lúc câu văn sẽ cứng, không được mềm mại, nhưng đành phải vậy để bảo đảm sự thống nhất.
– Bản dịch này được dịch theo bài Der Weg zur Sprache (1959, trang 227–257) trong (Heidegger, Gesamtausgabe, Band 12, 1985)[7]; có tham khảo thêm các bản tiếng Anh: The Way to Language, David Krell dịch (Heidegger M. , Basic writings: from being and time (1927) to the task of thinking (1964), 1993), và The Way to Language, Peter D. Hertz dịch (Heidegger M. , 1971). Bản dịch mà các bạn đang đọc, phiên bản eVersion 0.22, nghĩa là, chỉ mới tạm dịch; hiện giờ người dịch không được khoẻ mạnh và sáng suốt để tút lại kỹ lưỡng, song nghĩ rằng bạn đọc cũng có thể tạm dùng được, hy vọng sau này sẽ có người khác dịch lại tốt hơn, và sau đây là phần dịch chính của bài luận này.
Đường Về Ngôn Ngữ[8]
Đầu tiên ta hãy lắng nghe đôi lời từ Novalis. Những lời này có mặt trong bài Nói Một Mình (Độc thoại) của ông. Cái tít này gợi lên sự bí ẩn của ngôn ngữ: ngôn ngữ chỉ nói với chính mình. Trong bài viết có câu: “Không ai biết được điều này chỉ có riêng ở ngôn ngữ: Ngôn ngữ chỉ quan tâm đến chính nó.”
Nếu chúng ta hiểu nội dung bài giảng này là loạt những phát biểu về ngôn ngữ, thì đấy vẫn là một loạt các khẳng định chưa được kiểm chứng và không thể kiểm chứng được về mặt khoa học. Song, nếu chúng ta trải nghiệm con đường đến với ngôn ngữ theo những gì xảy ra trên chính con đường này, thì ta có thể đoán chừng rằng, ngôn ngữ sẽ trở nên rất lạ lẫm với chúng ta và quan hệ (Verhältnis) giữa của chúng ta với ngôn ngữ đó được thể hiện dưới dạng quan-hệ (Ver-Hältnis).
Con đường đến với ngôn ngữ, tưởng chừng ngôn ngữ ở rất xa chúng ta, như thể một nơi nào đó mà chúng ta vẫn phải tìm đường đến. Có nhất thiết phải có một con đường đến với ngôn ngữ hay không? Theo một cách hiểu cổ xưa, bản thân chúng ta, xét cho cùng, là những tồn tại có năng lực nói và do đó [đã] có ngôn ngữ. Năng lực nói không chỉ là một trong số nhiều khả năng của con người có thể so sánh với những khả năng khác của con người. Năng lực nói[9] phân biệt con người với tư cách là một con người. Dấu hiệu này chứa đựng những nét phác[10] về bản chất của con người. Con người sẽ không còn là con người nếu bị tước đi khả năng nói không ngừng nghỉ, mọi nơi và theo mọi cách, bằng nhiều biến thể khác nhau, nhưng hầu như là ngầm hiều dưới dạng “nó là [thế thế]”[11]. Khi ban tặng cho con người tất cả những điều này, ngôn ngữ chính là bản chất của con người.
Thế thì, chúng ta đã ở trong ngôn ngữ, trong ngôi nhà của ngôn ngữ, trước mọi thứ khác.[12] Một con đường đến với ngôn ngữ là không cần thiết. Hơn nữa, con đường đến với ngôn ngữ là không thể, nếu thực sự chúng ta đã ở nơi được cho là con đường này sẽ dẫn ta đến. Nhưng ta đang ở đấy hay chưa? Phải chăng chúng ta hoàn toàn ở trong ngôn ngữ đến độ bằng cách lắng nghe và cảm nhận, ta có thể trải nghiệm được bản chất của ngôn ngữ, suy nghĩ về ngôn ngữ như là ngôn ngữ? Có phải chúng ta đã nhẹ nhàng cận kề, gần gũi với ngôn ngữ? Hay con đường đến với ngôn ngữ như là ngôn ngữ là con đường xa xôi nhất mà ta có thể đi theo? Một khi chúng ta cố gắng suy ngẫm chuyên chú về ngôn ngữ, để suy ngẫm thuần tuý về bản chất của nó, thì đây không chỉ là con đường xa nhất mà còn là một con đường đầy những trở ngại đến từ chính ngôn ngữ, phải vậy không?
Ở đây chúng ta sẽ thử một điều gì đó khác thường và chúng ta có thể biểu đạt như sau: Đem ngôn ngữ như là ngôn ngữ vào ngôn ngữ.[13] Điều này nghe cứ như một công thức. Công thức sẽ đóng vai trò dẫn đường cho ta trên con đường đến với ngôn ngữ. Công thức này sử dụng chữ “ngôn ngữ”[14] ba lần, mỗi lần nói điều gì đó mỗi khác, song cũng chỉ nói cùng một điều. Chính điều này gắn kết những khác biệt của ngôn ngữ với nhau trong một thể thống nhất bao gồm những thứ chỉ có riêng ở ngôn ngữ. Trước hết, công thức này chỉ ra một mạng các quan hệ trong đó chính chúng ta cũng có mặt. Ý định tiếp cận con đường đến ngôn ngữ, [ngay lập tức] đã bị đan xoắn vào một kiểu “nói”, tức là một kiểu “nói” muốn giải phóng ngôn ngữ nhằm trình bày ngôn ngữ như ngôn ngữ và biểu đạt những gì được trình bày, điều này chứng tỏ rằng chính ngôn ngữ đã đan xoắn chúng ta vào kiểu “nói” của nó.
Mạng các quan hệ được thể hiện bằng công thức này sẽ chỉ định lĩnh vực được quy định trước. Không chỉ loạt bài giảng này, mà toàn bộ các bộ môn ngôn ngữ học, tất cả các lý thuyết ngôn ngữ và triết lý ngôn ngữ, cũng như mọi nỗ lực tư duy về ngôn ngữ, đều phải nằm trong lĩnh vực này.
Một mạng dầy đặc, san sát và do đó cản trở mọi góc nhìn trực tiếp nào vào những gì đan xoắn bên trong. Tuy nhiên, đồng thời, mạng lưới, mà công thức dẫn đường nói đến, lại là thứ gì đó riêng của ngôn ngữ. Do đó, chúng ta không được rời mắt khỏi mạng lưới đấy, nó dường như dồn mọi thứ vào một mớ bòng bong vô vọng. Công thức này phải thúc đẩy suy nghĩ của chúng ta, không phải để loại bỏ mạng lưới đấy, mà là nới lỏng nó sao cho nó cho phép ta nhìn thấy sự kết nối tự do giữa các quan hệ có mặt trong công thức này. Có lẽ một sợi dây ràng buộc xuyên suốt mạng lưới này, theo một cách luôn kỳ lạ, tháo gỡ ngôn ngữ thành những thứ riêng có của nó. Điều quan trọng là trải nghiệm sợi dây được tháo gỡ này trong mạng lưới ngôn ngữ.
Bài giảng này, xem ngôn ngữ là thông tin và đồng thời phải coi thông tin là ngôn ngữ, đã gọi quan hệ xoay vòng này là một vòng tròn – một vòng tròn không tránh khỏi mặc dù có ý nghĩa. Vòng tròn này là một trường hợp đặc biệt của mạng lưới ngôn ngữ đã nhắc đến. Nó có ý nghĩa, bởi vì phương hướng và cách thức xoay vòng được xác định bởi chính ngôn ngữ thông qua một chuyển động nhất định trong ngôn ngữ. Khi bước vào mạng lưới này, chúng ta sẽ trải nghiệm đặc điểm và phạm vi của chuyển động này từ chính ngôn ngữ.
Làm sao để thực hiện được điều đó? Bằng cách theo đuổi không ngừng những gì công thức dẫn đường chỉ ra: đem ngôn ngữ như là ngôn ngữ vào ngôn ngữ.
Ở đây, ngôn ngữ càng phô rõ những cái riêng của nó, thì con đường đến với ngôn ngữ càng có ý nghĩa đối với chính ngôn ngữ bao nhiêu thì sự thay đổi ý nghĩa của con đường công thức càng trở nên rõ ràng bấy nhiêu. Và thế là, nó mất đi tính công thức, bỗng trở thành một tiếng vọng âm thầm không tiếng[15] cho phép chúng ta nghe ra những thứ chỉ riêng có của ngôn ngữ.
I
Ngôn ngữ: Chúng tôi muốn nói đến hành vi nói[16], đấy là hoạt động của riêng ta và ta tự tin có khả năng như vậy. Mặc dù vậy, năng lực nói không phải là một thứ sở hữu mãi mãi. Do ngạc nhiên hoặc sợ hãi, người ta có thể không nói nên lời. Người ta đứng trân, và sốc. Không còn nói được nữa: người ta im lặng. Hoặc ai đó có thể mất khả năng nói trong một tai nạn. Ni không nói nữa. Ni cũng không im lặng mà chỉ tắt tiếng[17]. Nói năng (Sprechen) ngụ ý việc tạo ra những âm thanh mạch lạc, gẫy gọn[18], cho dù chúng ta tạo ra chúng (khi nói), hay kiềm chế không tạo ra những âm thanh này (trong im lặng), hoặc không có khả năng tạo ra chúng (khi mất khả năng nói). Nói năng ngụ ý việc tạo ra âm thanh có cấu trúc bằng giọng nói[19]. Ngôn ngữ tự thể hiện trong hành vi nói qua sự hoạt động của các cơ quan phát âm như: miệng, môi, lợi, lưỡi, thanh quản. Những tên gọi do chính các ngôn ngữ phương Tây gọi cho các ngôn ngữ là γλώσσα, lingua, langue, language[20] – là bằng chứng cho thấy từ thời xa xưa ngôn ngữ đã được hình thành trực tiếp từ những hiện tượng này. Ngôn ngữ là lưỡi cùng với cách dùng miệng.[21]
Phần đầu một chuyên luận được biết với cái tít περὶ ἑρμηνείασ, “Về Diễn Giải” (de interpretatione), Aristotle viết:
Ἔστι μὲν οὖν τὰ ἐν τῇ φωνῇ τῶν ἐν τῇ ψυχῇ παθημάτων σύμβολα, καὶ τὰ γραφόμενα τῶν ἐν τῇ φωνῇ. καὶ ὥσπερ οὐδὲ γράμματα πᾶσι τὰ αὐτά, οὐδὲ φωναὶ αἱ αὐταί ὧν μέντοι ταῦτα σημεια πρώτων, ταὐτὰ πᾶσι παθήματα τῆς ψυχῆς, καὶ ὧν ταῦτα ομοιώματα πράγματα ἤδη ταὐτά.
Chỉ bằng cách chú giải cẩn thận, ta mới có thể dịch đầy đủ đoạn văn này. Ở đây chỉ dịch tạm là đủ. Aristotle nói:
Những gì xảy ra khi giao tiếp bằng giọng nói là sự thể hiện những dằn vặt, đam mê trong tâm hồn (der Seele), và chữ viết thì thể hiện những giọng nói. Và cũng như việc viết không giống nhau đối với mọi người, những giọng nói thì cũng vậy. Mặt khác, chúng (thanh âm và văn viết) trước hết là thể hiện những đam mê như nhau của tâm hồn mọi người, và nội dung của những thể hiện tương ứng với những trải nghiệm này cũng như nhau đối với mọi người.
Bản dịch của chúng tôi hiểu semeia (cái phô/thể hiện ra), symbola (cái gắn giữ với nhau) và homoiomata (cái tương ứng) một cách nhất quán dựa trên sự phô ra theo nghĩa của sự để cho xuất hiện, mà bản thân nó lại dựa trên sự chi phối của sự hé lộ (aletheia). Nhưng bản dịch của chúng tôi lại bỏ qua những cách thể hiện khác nhau được đề cập trong đoạn văn này.
Đoạn văn của Aristotle có giọng điệu bàng quan, tỉnh táo và phô ra cấu trúc cổ điển, trong đó ngôn ngữ được giữ gìn, lưu giữ như là tiếng nói (das Sprechen). Các con chữ phô ra thanh âm. Thanh âm phô ra những đam mê trong tâm hồn, và đam mê trong tâm hồn thì phô ra những vấn đề khơi dậy chúng ta.
Những thanh chống cấu thành, hỗ trợ[22] cho cấu trúc kiến trúc mang ý nghĩa của sự phô ra.[23] Theo nhiều cách khác nhau, hoặc hé lộ hoặc che giấu, hành vi phô ra[24] khiến một cái gì đó toả sáng, để những gì toả sáng (Scheinen) sẽ được nhận ra, để những gì nhận ra sẽ được xem xét (cho phép ta xử lý theo đó).[25] Quan hệ giữa sự phô ra với những gì được phô ra, chưa bao giờ được phát triển hoàn toàn từ bản thân quan hệ và nguồn gốc của nó. Theo thời gian, quan hệ này dần chuyển thành mối quan hệ quy ước giữa một dấu hiệu (Zeichen) và những gì dấu hiệu này trỏ đến. Vào thời đỉnh cao của văn minh Hy Lạp, họ đã kinh nghiệm dấu hiệu thông qua sự phô ra: dấu hiệu được cắt nghĩa là sự phô bày. Kể từ thời Hy lạp hóa (Stoa), dấu hiệu dần cố định, trở thành một công cụ chỉ định[26], qua đó sự diễn bày[27] cho một đối tượng này sẽ được điều chỉnh và hướng tới một đối tượng khác. Sự chỉ định không còn là sự phô bày, nghĩa là, để cho một cái gì đó xuất hiện. Sự thay đổi của dấu hiệu — từ cái phô ra cho đến cái chỉ định[28] — dựa trên sự thay đổi bản chất của chân lý.
Kể từ thời Hy Lạp, những [cái] tồn tại được [ta] kinh nghiệm như những [cái] có mặt[29]. Chừng nào ngôn ngữ còn “tồn tại”[30], thì tiếng nói luôn diễn ra và đều thuộc về những gì có mặt. Ngôn ngữ được thể hiện dưới dạng tiếng nói, vốn bao gồm các âm thanh có cấu trúc, là những vật mang “ý nghĩa”. Tiếng nói là một loại hoạt động của con người.
Mặc dù có nhiều biến đổi, khái niệm này về ngôn ngữ, được nói ngắn gọn ở đây, vẫn luôn là khái niệm vạch hướng cơ bản trong tư tưởng Tây Âu qua nhiều thế kỷ. Cách nhìn nhận này về ngôn ngữ, bắt đầu từ thời cổ đại Hy Lạp và lan rộng theo nhiều con đường khác nhau, đã đạt đến đỉnh cao trong những suy ngẫm của Wilhelm von Humboldt. Sự suy ngẫm đấy sau cùng đã có trong Lời giới thiệu tuyệt vời cho tác phẩm của ông về ngôn ngữ Kawi của Java. Một năm sau khi mất, em của ông là Alexander von Humboldt đã xuất bản riêng Lời giới thiệu đó với cái tựa “Về sự đa dạng của cấu trúc ngôn ngữ con người và ảnh hưởng của nó đến sự phát triển trí tuệ của con người”[31] (Berlin, 1836). Từ đấy đến nay, chuyên luận này đã định hình toàn bộ nền ngôn ngữ học và triết học ngôn ngữ sau này, dù là ngầm lấp hay công khai, dù được ủng hộ hay phản đối.
Mọi người nghe loạt bài giảng ở đây chắc hẳn đã suy nghĩ sâu về chuyên luận đấy của Humboldt. Đó là một cuốn sách tuyệt vời tuy những khái niệm cơ bản của nó rất mơ hồ, song cũng rất thú vị ở mọi góc nhìn. Thế thì, hẳn phải có một điểm nhìn chung cho tất cả chúng ta khi nhìn sâu vào ngôn ngữ. Nhưng thực tế thì không có điểm nhìn chung như vậy. Chúng ta phải hài lòng với sự thiếu sót đấy. Chỉ cần ta không quên điều này là được.
Theo Wilhelm von Humboldt, “âm thanh phân thành âm tiết”[32] là “cơ sở và bản chất của mọi tiếng nói” (Über die Verschiedenheit, §10, tr. 65). Tiết §8, trang 41 trong chuyên luận, Humboldt đưa ra nhiều câu thường được trích dẫn nhưng hiếm khi được xem xét cặn kẻ, cụ thể là ít khi được xem xét với mục đích xác định con đường đến với ngôn ngữ của Humboldt. Những câu này như sau:
Về bản chất, ngôn ngữ là một cái gì đó dai dẳng, bền bỉ (beständig) song không ngừng trôi mất trong từng khoảnh khắc. Ngay cả việc bảo tồn ngôn ngữ bằng chữ viết cũng chỉ là sự bảo tồn không đầy đủ, một kiểu ướp xác, đòi hỏi sự cố gắng cảm nhận sự sống động của từ ngữ (Vortrag). Bản thân ngôn ngữ không phải là sản phẩm (ergon) mà là một loại hoạt động (energeia). Do đó, định nghĩa thực sự của nó chỉ có thể là [một định nghĩa] di truyền.[33] Đó là hoạt động lặp đi lặp lại không ngừng của tâm trí sao cho âm thanh với những âm tiết có khả năng biểu đạt được suy nghĩ. Nói một cách trực tiếp và chặt chẽ, đây là định nghĩa của những hành vi nói (jedesmaligen Sprechens), nhưng trong ý nghĩa thực sự và bản chất, ta cũng chỉ có thể xem tổng thể của hành vi nói này như là ngôn ngữ.
Humboldt ở đây nói rằng ông đã tìm thấy bản chất của ngôn ngữ trong hành vi nói. Liệu khi nhìn theo cách này, ông có nói rằng ngôn ngữ như là ngôn ngữ [thì có nghĩa] là gì không? Ông có đưa hành vi nói như là ngôn ngữ vào ngôn ngữ hay không? Chúng tôi cố tình bỏ ngỏ những câu hỏi này nhưng hãy lưu ý những điều sau:
Humboldt coi ngôn ngữ là một loại “hoạt động tâm trí”[34] đặc biệt. Đi theo góc nhìn này, ông tìm kiếm xem ngôn ngữ tự phô ra những gì, nghĩa là, ngôn ngữ là gì. Cái-là-cái-gì (Was-Sein) này được gọi là bản chất. Một khi chúng ta theo dõi và giới hạn vào hoạt động tâm trí theo góc độ về thành tựu của ngôn ngữ, thì bản chất này sẽ trở nên rõ ràng hơn. Song tâm trí, theo ý nghĩa của Humboldt, cũng sống trong các hoạt động và thành tựu khác. Nhưng nếu xem ngôn ngữ như là một trong những hoạt động và tác dụng này, thì sự nói sẽ không được trải nghiệm theo chính nó, dựa theo ngôn ngữ, mà đúng hơn là được định hướng đến một thứ khác. Tuy nhiên, ‘cái thứ khác’ này vẫn quá quan trọng để chúng ta bỏ qua nó trong khi suy ngẫm về ngôn ngữ. Humboldt nghĩ đến hoạt động nào khi ông cho rằng ngôn ngữ là một hoạt động tâm trí? Một vài dòng ở đầu tiết §8 đưa ra câu trả lời:
Ta không nên xem ngôn ngữ là một sản phẩm khô chết (Erzeugtes), mà là một tiến trình tái tạo sản sinh (Erzeugung). Ta không nên chỉ chú ý đến những vai trò của ngôn ngữ, chẳng hạn, sự chỉ định các đối tượng và làm trung gian cho sự hiểu. Thay vào đó hãy cẩn thận hơn về nguồn gốc của nó vốn gắn liền với hoạt động tâm trí bên trong và ảnh hưởng qua lại của ngôn ngữ và nguồn gốc này.35]
Humboldt ở đây đang đề cập đến “dạng ngôn ngữ bên trong”[36] được mô tả trong §11, một khái niệm hơi khó định nghĩa theo những khái niệm của riêng ông. Chúng ta có thể đến gần ý nghĩa này hơn bằng câu hỏi: Khi nghĩ về “nói” theo nguồn gốc của nó từ hoạt động tâm trí bên trong, thì xét như một biểu đạt của tư tưởng, “nói”[37] là gì? Câu trả lời nằm trong một câu (trong §20, trang 205) mà cách giải thích đầy đủ sẽ cần phải thảo luận riêng:
Nếu trong tâm hồn[38] dậy nên cảm giác, [rằng] ngôn ngữ không chỉ là phương tiện trao đổi vì muốn hiểu biết lẫn nhau, mà là một thế giới[39] đích thực. Thế thì, tâm trí phải đặt thế giới này giữa chính nó và những đối tượng bằng hoạt động bên trong từ chính sức mạnh của nó, và nghĩa là, tâm hồn đang trên con đường thực sự để càng có nhiều khám phá về ngôn ngữ, đặt nhiều thứ vào ngôn ngữ hơn nữa.
Theo xim[40] duy tâm hiện đại, hoạt động tâm trí này là sự đặt để[41]. Bởi vì tâm trí được hiểu như là chủ thể, và theo đó được biểu diễn theo mô hình chủ thể-đối tượng, nên hành động đặt để (Thesis) phải là sự tổng hợp giữa chủ thể và các đối tượng của nó. Những gì được đặt để như thế đã cung cấp một góc nhìn về các đối tượng như một tổng thể. Những gì sức mạnh của chủ thể tạo ra, đặt để thông qua hoạt động giữa nó và các đối tượng, Humboldt gọi là một “thế giới”. Trong cái nhìn về thế giới[42] này, con người biểu đạt chính mình.
Nhưng tại sao Humboldt lại xem ngôn ngữ là một thế giới và góc nhìn về thế giới?[43] Bởi vì con đường đến với ngôn ngữ của ông không được quy định bởi ngôn ngữ như là ngôn ngữ; thay vào đó, ông cố gắng mô tả sự phát triển lịch sử và tâm trí của toàn thể con người trong tổng thể [của nó] song đồng thời cũng hoà cùng tính cá nhân tương ứng của nó. Trong một đoạn tự truyện từ năm 1816, Humboldt viết: “Hiểu thế giới trong tính cá thể hoà cùng tính tổng thể của nó, chính là ý định của tôi.”
Một sự hiểu về thế giới theo hướng này có thể rút ra từ nhiều nguồn, vì sức mạnh tự biểu đạt của tâm trí đang hoạt động theo nhiều cách khác nhau. Humboldt đã nhận ra và chọn ngôn ngữ là một trong những nguồn chính đấy. Rõ thấy, ngôn ngữ không phải là hình thức duy nhất của góc nhìn về thế giới được hình thành bởi tính chủ thể con người, nhưng là hình thức mà sức mạnh định hình của nó phải được coi là có ý nghĩa đặc biệt đối với lịch sử phát triển của con người. Cái tựa chuyên luận của Humboldts giờ đây nói rõ hơn về con đường đến với ngôn ngữ của ông.
Humboldt đã bàn về vấn đề “Về sự đa dạng trong cấu trúc ngôn ngữ của con người” và giải quyết vấn đề này theo hướng “ảnh hưởng của ngôn ngữ lên sự phát triển tâm trí của con người”. Humboldt đưa ngôn ngữ vào ngôn ngữ như một phương thức và một hình thức[44] của thế giới quan được hình thành trong tính chủ thể con người.
Vào ngôn ngữ nào? Vào loạt các khẳng định nói lên ngôn ngữ của siêu hình học thời đại ông, một ngôn ngữ mà triết học Leibniz đã có vai trò quyết định. Điều này thể hiện rõ nhất qua việc Humboldt định nghĩa bản chất của ngôn ngữ là hoạt động (Energeia), nhưng lại hiểu Energeia là hoạt động của chủ thể theo Monadologie của Leibniz[45], chứ không theo cách hiểu Hy Lạp. Con đường đến với ngôn ngữ của Humboldt hướng về con người, và xuyên qua ngôn ngữ đến một thứ khác: khám phá và trình bày về sự phát triển tâm trí của loài người.
Tuy nhiên, bản chất của ngôn ngữ được hiểu từ góc nhìn như vậy vẫn chưa cho thấy được bản chất của ngôn ngữ: Cách thức mà ngôn ngữ tồn tại như là ngôn ngữ, nghĩa là, bền bỉ (währen), tức là, cách thức tập hợp thành những gì cho phép ngôn ngữ trở thành chính nó như một yếu tố bản chất của ngôn ngữ.”[46]
II
Khi chúng ta suy ngẫm về ngôn ngữ như là ngôn ngữ, chúng ta đã từ bỏ phương pháp đã có từ lâu trong nghiên cứu ngôn ngữ. Chúng ta không còn có thể tìm kiếm những ý tưởng phổ biến như năng lượng, hoạt động, lao động, sức mạnh tâm trí, thế giới quan hay sự biểu đạt – trong đó chúng ta xem ngôn ngữ như một trường hợp đặc biệt của tính phổ biến này. Con đường đến với ngôn ngữ sẽ cho phép chúng ta trải nghiệm ngôn ngữ như là ngôn ngữ, thay vì diễn giải ngôn ngữ là thế này hay thế kia và do đó bỏ lỡ nó. Trong bản chất của ngôn ngữ, bản thân ngôn ngữ được nắm bắt về mặt khái niệm – nhưng lại bị kẹt trong sự nắm bắt của một thứ gì đó khác với chính nó. Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ chú ý đến ngôn ngữ như là ngôn ngữ, thì ngôn ngữ đòi hỏi trước hết, chúng ta phải đưa ra tất cả những gì chỉ thuộc về ngôn ngữ như là ngôn ngữ.[47]
Tuy nhiên, một mặt, chúng ta phải sắp xếp tất cả những gì xuất hiện trong bản chất của ngôn ngữ (Sprachwesen); mặt khác, chúng ta phải tập trung vào cái gì sẽ thống nhất những thứ thuộc về nhau, bởi vì sự thống nhất này sẽ cho phép bản chất của ngôn ngữ có tính thống nhất của riêng nó.
Giờ đây, con đường đến với ngôn ngữ của chúng ta sẽ cố gắng bám chặt chẽ hơn những hướng dẫn được nêu ra theo công thức: Đem ngôn ngữ như là ngôn ngữ đến với ngôn ngữ.[48] Điều này đòi hỏi phải đến gần hơn với những thứ chỉ có riêng của ngôn ngữ. Ở đây, ngôn ngữ ban đầu cũng tự phô ra như sự nói năng của chúng ta. Hiện tại, chúng ta chỉ chú ý đến tất cả những gì cùng có tiếng nói trong hành vi nói năng của ta[49], luôn luôn có mặt và theo cùng một mức độ, bất kể chúng ta có để ý đến điều đấy hay không.
Nói năng thuộc về người nói, nhưng không phải kiểu nguyên nhân thì đưa đến kết quả. Thay vào đó, người nói có mặt trong sự nói. Người nói có mặt ở đâu? Trong những gì họ nói và họ nấn nán, quanh quẩn – là những gì luôn chạm đến người nói. Nghĩa là, theo cách riêng của chúng, chính những người cùng sống với[50] và sự vật sẽ cùng nhau khiến sự vật là sự vật và quy định [quan hệ giữa ta với] người khác. Tất cả những điều này luôn luôn được nhắc đến (ansprechen) theo cách này hay cách khác, được nhắc đến và thảo luận với tư cách là người được nói đến; được nói theo cách người ta nói với nhau, nói cùng nhau và nói với chính mình. Những gì đã nói[51] hoá ra rất đa dạng. Thường thì chúng sẽ thoáng qua hoặc được bảo tồn bằng cách nào đó. Những gì được nói có thể đã qua đi, nhưng cũng có thể đã đến từ lâu hướng đến người khác như những gì gửi gắm, hứa hẹn.[52]
Những gì đã nói đều bắt nguồn theo nhiều cách khác nhau từ điều không được nói ra, nghĩa là, có thể là chưa được nói ra, hoặc có thể là buộc không được nói ra, theo ý nghĩa, là nó bị ngăn cản (vorenthalten) không được nói. Do đó, những gì đã nói, theo nhiều cách khác nhau, lại như thể bị cắt đứt khỏi lời nói và người nói và không hề thuộc về họ, trong khi trên thực tế, chỉ có chúng mới giữ cho lời nói và người nói những điều mà họ chú ý, bất kể chúng lưu lại như thế nào trong các yếu tố nói của những thứ không được nói.[53
Nhiều nhân tố và quan hệ khác nhau tự phô ra trong bản chất của ngôn ngữ. Chúng ta đã liệt kê những nhân tố và quan hệ này, nhưng không sắp xếp chúng theo đúng trình tự. Khi xem xét chúng, tức là trong lần đếm ban đầu[54], không liên quan đến các con số [cụ thể], sự biểu hiện gắn kết nhau đã trở nên rõ ràng. Đếm là kể chuyện (mô tả), thấy trước sự thống nhất trong sự gắn kết này, nhưng không thể hé lộ nó.
Ở đây bộc lộ sự bất lực của góc nhìn tư duy khi không thể trải nghiệm được sự thống nhất hợp nhất của bản chất ngôn ngữ; điều này có nguồn gốc lâu đời. Vì vậy, tính thống nhất này vẫn chưa được đặt tên. Những tên gọi truyền thống cho cái mà ta gọi là “ngôn ngữ” luôn chỉ theo khía cạnh này, khía cạnh kia do bản chất ngôn ngữ hứa hẹn.
Hình Những vết khắc, tức vết nứt của Heidegger (khắc Hồ Hữu Thủ)
Tính thống nhất về bản chất của ngôn ngữ được tìm kiếm ở đây có thể gọi là một bản vẽ. Cái tên này cho chúng ta cái nhìn sâu hơn về những gì độc đáo của bản chất ngôn ngữ. Riß [vết nứt] là từ cùng gốc với ritzen [chạm khắc]. Chúng ta thường bắt gặp từ Riß ở dạng tiêu cực, ví dụ như một vết nứt trên tường. Nhưng việc cày xới một cánh đồng, theo cách nói địa phương ngày nay, vẫn có nghĩa là tạo ra các luống cày. Chúng xới đất cánh đồng để nó có thể nuôi trồng những hạt giống. “Auf-Riß” là tổng thể các đường nét của một bản vẽ, gợi nên sự mở ra, tự do của ngôn ngữ.[55] “Aufriß” là bản vẽ của bản chất ngôn ngữ, cấu trúc của một sự phô ra trong đó những gì được nhắc đến sẽ ràng buộc người nói và lời nói của họ, ràng buộc những gì nói ra và những gì không nói ra.
Tuy nhiên, bao lâu mà chúng ta vẫn không chú ý đúng mức đến ý nghĩa mà chúng ta đã nói về sự nói và những gì được nói, thì bản chất của ngôn ngữ vẫn còn ẩn giấu đối với chúng ta ngay cả trong bản vẽ này.
Chắc chắn, nói thì tạo ra âm thanh. Ngoài ra, nó cũng có thể được coi là một hoạt động của con người. Cả hai đều là những quan niệm đúng đắn về ngôn ngữ xét như sự nói. Cả hai hiện nay chưa được chú ý nhiều, chúng ta sẽ không quên rằng hiện tượng tạo thanh của ngôn ngữ[56] từ lâu đã chờ một định nghĩa thỏa đáng. Vì sự giải thích về mặt ngữ âm-âm học-sinh lý học của các [âm] thanh của ngôn ngữ không kinh nghiệm được nguồn gốc của chúng từ sự im lặng ngân vang[57], và càng không quy định được âm thanh bắt nguồn từ sự im lặng đó.
Nhưng trong câu chuyện ngắn gọn trên đây về bản chất của ngôn ngữ, ta phải nghĩ gì về tiếng nói và những gì được nói? Chúng đã tự phô ra như thế, thông qua đó và bằng cách nào, một thứ gì đó đã đến với ngôn ngữ, tức là, được hé lộ khi điều gì đó được nói ra. Nói ra (sagen) và nói (sprechen) không giống nhau. Một người có thể nói, nói không ngừng nghỉ, thế mà chẳng nói ra gì cả. Ngược lại, người ta có thể im lặng, không nói ra điều gì, song vẫn nói rất nhiều dù không nói ra.
Nhưng nói ra (sagen) có nghĩa là gì? Để tìm hiểu, ta phải bám vào chính ngôn ngữ của ta kêu gọi chúng ta suy nghĩ khi sử dụng từ này. “Sagan” có nghĩa là: phô ra (chỉ ra, thể hiện), để cho xuất hiện, để cho được thấy và được nghe.
Chúng ta đang nói điều gì đó tự rõ, nhưng lại hầu như không xem xét những hàm ý của nó khi ta chỉ ra điều sau đây. “Nói với nhau”[58] có nghĩa là: nói ra điều gì đó, chỉ cho nhau thấy điều gì đó và tin cậy lẫn nhau về những gì được chỉ ra. “Nói cùng nhau”[59] có nghĩa là: cùng nhau nói ra điều gì đó, chỉ cho nhau thấy ý nghĩa của cái được nói đến trong khi thảo luận, cái mà bản thân nó hé lộ ra. Những gì không nói (das Ungesprochene) không chỉ là cái gì đó chưa công bố, mà là cái không nói ra (das Ungsagte), chưa được chỉ ra, chưa được hé lộ. Những gì buộc không được nói, sẽ được giữ lại trong những gì không được nói ra,vẫn ẩn kín như cái gì đó không thể phô bày. Đây là điều bí ẩn. Cái được nói đến (Zugesprochene) nói như một lời từng nói[60] theo nghĩa là điều gì đó được giao, thậm chí không cần phải thành lời, thành tiếng.
Xét như sự nói ra, sự nói thuộc về bản thiết kế của bản chất ngôn ngữ. Bản thiết kế này tràn ngập [bằng] những lời nói ra và những gì được nói, nơi cái có mặt hoặc cái không có mặt tự chúng thể hiện, đồng tình hoặc bác bỏ: tự hé lộ hoặc rút lui. Điều nhất quán trong bản vẽ của bản chất ngôn ngữ là những câu nói đa dạng từ các nguồn gốc khác nhau. Xét về sự quan hệ của sự nói ra, chúng ta gọi bản chất ngôn ngữ, như một tổng thể, là lời nói (die Sage). Chúng ta cũng thừa nhận rằng ngay cả lúc này, sự thống nhất của các mối quan hệ vẫn chưa được nhận thấy.
Ngày nay, ta có xu hướng dùng từ “lời nói”[61], giống như nhiều từ khác trong ngôn ngữ của chúng ta, chủ yếu theo nghĩa suy thoái. Lời nói được coi là một lời nói suông, lời đồn không căn cứ và do đó không đáng tin cậy. Ở đây, “Lời nói” không được hiểu theo nghĩa này, cũng không theo nghĩa cơ bản khi nói về “Xaga về các vị thần và anh hùng”[62]. Có lẽ nó được hiểu theo nghĩa của câu “die ehrwürdige Sage des blauen Quells”[63] của Georg Trakl? Theo cách sử dụng cổ xưa nhất của từ này, chúng ta hiểu “lời nói” theo nghĩa chỉ ra, phô ra. Để đặt tên cho lời nói mà bản chất ngôn ngữ dựa trên đấy, ta sẽ sử dụng một từ cổ, có chứng cứ rõ ràng nhưng lỗi thời: die Zeige [sự chỉ trỏ]. Cái gọi là “pronomen demostrativum”[64] được dịch là “từ chỉ định nhỏ”[65]. Jean Paul gọi các hiện tượng của tự nhiên là “ngón tay trỏ tâm linh”[66].
Bản chất cốt lõi của ngôn ngữ là lời nói như là sự chỉ ra.[67] Sự chỉ ra này không dựa trên bất kỳ loại dấu hiệu nào; ngược lại, tất cả các dấu hiệu đều nảy sinh từ sự chỉ ra, trong phạm vi và cho các mục đích của sự chỉ ra đó mà chúng có thể trở thành dấu hiệu.
Tuy nhiên, khi xem xét cấu trúc của lời nói, chúng ta không nên hay dứt khoát quy sự chỉ ra là hành vi của con người. Với tư cách là sự xuất hiện, sự tự chỉ ra (Sichzeigen) đặc trưng cho sự có mặt và không có mặt của mọi cách thức và mức độ của sự vật có mặt. Ngay cả khi sự chỉ ra được thực hiện thông qua lời nói của chúng ta, thì đi trước sự chỉ ra hay ám chỉ[68] như vậy, luôn có việc sự vật bản thân chúng tự phô ra.
Chỉ khi chúng ta suy nghĩ về lời nói của con người theo hướng này, thì khi đó ta mới có thể xác định đầy đủ về những gì thực chất có trong toàn bộ sự nói. Sự nói được cho là sự phát âm có cấu trúc[69] của tư duy thông qua các cơ quan phát âm. Nhưng nói đồng thời cũng là [lắng] nghe. Nói và nghe thường được đặt đối lập với nhau: người này nói, người kia nghe. Nhưng việc nghe không chỉ đi kèm và bao quanh việc nói như trong khi trò chuyện. Việc nói và nghe diễn ra đồng thời thì có ý nghĩa nhiều hơn thế. Nói, xét như nói ra [cái gì đó], tự nó đã là nghe. Nói chính là nghe ngôn ngữ mà chúng ta nói. Do đó, việc nghe không diễn ra cùng lúc, mà là trước khi chúng ta nói. Việc nghe ngôn ngữ này cũng đi trước mọi loại nghe khác theo cách kín đáo nhất. Chúng ta không chỉ nói ngôn ngữ, chúng ta nói từ ngôn ngữ.[70] Chúng ta có thể làm như vậy chỉ vì chúng ta đã luôn lắng nghe ngôn ngữ. Chúng ta đang nghe gì ở đấy? Chúng ta nghe ngôn ngữ lên tiếng.
Thế thì bản thân ngôn ngữ có nói không? Làm thế nào ngôn ngữ có thể thực hiện được việc này khi không có cơ quan phát âm? Thế mà ngôn ngữ vẫn nói. Trước hết và quan trọng nhất, nó tuân theo bản chất của sự nói: lời nói. Ngôn ngữ nói qua đó nó nói ra, tức là chỉ ra.[71] Lời nói, xuất phát từ những gì từng được nói và đã lâu chưa được nói, [nó] thấm nhuần bản thiết kế của bản chất ngôn ngữ. Ngôn ngữ nói bằng cách chỉ ra, vươn tới mọi vùng của những cái có mặt, từ đó làm cho những gì có mặt sẽ xuất hiện hoặc biến mất. Theo đó, chúng ta lắng nghe ngôn ngữ theo cách mà chúng ta để lời nói của nó nói ra cho ta. Bất kể chúng ta có thể lắng nghe như thế nào, bất cứ khi nào chúng ta nghe điều gì đó, chúng ta đang để điều đấy được nói ra với chúng ta[72], và việc này đã chứa đựng mọi sự hiểu và diễn bày[73]. Trong sự nói, khi lắng nghe ngôn ngữ, chúng ta lặp lại lời nói mà chúng ta đã nghe. Chúng ta để giọng nói âm thầm của nó cất lên, và chúng ta khao khát âm thanh đã được giữ lại này, và gọi nó vừa đủ để vang lên. Vậy thì, ít nhất một đặc điểm trong cấu trúc/bản thiết kế của bản chất ngôn ngữ đã trở nên rõ ràng hơn, một đặc điểm cho phép chúng ta mô tả cách ngôn ngữ xét như sự nói được đưa vào chính nó, do đó, như là ngôn ngữ nói.
Nếu sự nói, xét như sự lắng nghe ngôn ngữ, cho phép lời nói được nói ra, thì sự cho phép này chỉ có thể xảy ra khi và vì bản chất của chính chúng ta được phép đi vào trong lời nói ấy. Chúng ta nghe ra lời nói chỉ vì chúng ta thuộc về chúng. Tuy nhiên, lời nói ban cho những ai thuộc về nó khả năng lắng nghe ngôn ngữ và do đó là sự nói của chúng. Sự ban tặng (Gewähren) như vậy tồn tại trong lời nói; nó cho phép chúng ta có được khả năng nói. Bản chất của ngôn ngữ nằm trong lời nói, là nguồn ban tặng.[74]
Còn bản thân lời nói thì sao? Nó có tách biệt với sự nói của chúng ta, một thứ mà trước tiên chúng ta phải dựng nên một cây cầu? Hay lời nói là dòng chảy lặng lẽ, tự nối liền hai bờ của chính nó: lời nói và lời nói lặp lại của chúng ta? Những quan niệm thông thường của chúng ta về ngôn ngữ khó lòng vươn xa đến thế. Lời nói – Khi suy nghĩ về bản chất ngôn ngữ xuất phát từ lời nói, chẳng phải chúng ta sẽ rủi ro nâng ngôn ngữ lên một bản chất hư ảo, tự có nào đó không thể tìm thấy ở đâu miễn là chúng ta vẫn tỉnh táo suy nghĩ về ngôn ngữ? Ngôn ngữ vẫn gắn liền không thể sai nhầm với sự nói của con người. Chắc chắn rồi. Nhưng đó là loại gắn liền nào? Sự ràng buộc như vậy bắt nguồn từ đâu và như thế nào? Ngôn ngữ cần đến sự nói của con người, nhưng ngôn ngữ không chỉ là sản phẩm đơn thuần của những hành vi nói (Sprechtätigkeit) của chúng ta. Bản chất ngôn ngữ nằm ở đâu, nghĩa là nó dựa vào đâu? Có lẽ khi ta tìm kiếm những cơ sở, ta đã bỏ qua bản chất của ngôn ngữ.
Phải chăng chính lời nói là chỗ dựa vào (das Be-Ruhende), đem lại sự gắn kết cho những gì thuộc về cấu trúc của bản chất ngôn ngữ?
Trước khi suy nghĩ sâu hơn theo hướng này, chúng ta hãy quay lại con đường đến với ngôn ngữ. Như đã gợi ý trong phần giới thiệu, ngôn ngữ như là ngôn ngữ càng sáng tỏ rõ ràng, thì con đường đến với nó sẽ càng biến đổi dứt khoát hơn. Cho đến nay, con đường này có đặc tính của một lối đi dẫn dắt những suy tư của ta theo hướng ngôn ngữ vào trong một mạng lưới xa lạ được gọi là công thức dẫn đường. Cùng với Wilhelm Humboldt, chúng ta đã bắt đầu từ sự nói và cố gắng khám phá bản chất của ngôn ngữ, sau đó là cơ sở của nó. Theo đó, cần phải mô tả lại tất cả những gì thuộc về cấu trúc của bản chất ngôn ngữ. Sự phản ánh này đã đưa chúng ta đến với ngôn ngữ như là lời nói.
III
Với cách giải thích mang tính kể chuyện[75] (erzählenden Erläuterung) về ngôn ngữ như là lời nói, con đường đến ngôn ngữ đã bắt đầu từ ngôn ngữ như là ngôn ngữ và do đó đạt được mục tiêu của nó. Sự suy ngẫm (Nachdenken) đã bỏ lại con đường đến với ngôn ngữ phía sau. Dường như là vậy, và đúng là như vậy, miễn là ta coi con đường đến với ngôn ngữ là hành trình của những suy ngẫm về ngôn ngữ. Tuy nhiên, trong thực tế, sự suy ngẫm này chỉ mới đứng trước con đường đến với ngôn ngữ mà nó đang tìm kiếm; chỉ mới đang lần mò dấu vết của con đường này. Bởi vì, trong bản chất ngôn ngữ, một điều gì đó đã tự phô ra: Trong ngôn ngữ như là lời nói, có một cái gì đó bản chất như một con đường mở ra.
Một con đường là gì? Con đường cho phép ta đi đến đâu đó. Miễn là ta lắng nghe, lời nói sẽ cho phép chúng ta có thể nói ngôn ngữ.
Con đường đến với sự nói về cơ bản có mặt trong chính ngôn ngữ. Con đường đến với ngôn ngữ theo nghĩa của sự nói [như là lời nói] chính là ngôn ngữ như là lời nói.[76] Theo đó, tính chất chỉ có riêng của ngôn ngữ ẩn giấu chính nó trên con đường, con đường mà lời nói cho phép những người nghe nó [có thể] đến được ngôn ngữ. Chúng ta chỉ có thể là những người nghe đấy trong chừng mực chúng ta thuộc về lời nói. Con đường đến với sự nói đã bắt nguồn với việc để ta được phép nghe trong lời nói. Sự để được cho phép này chứa đựng sự có mặt thực sự của con đường đến với ngôn ngữ. Nhưng làm thế nào mà lời nói lại có thể để cho phép [ta] lắng nghe? Nếu quả như vậy, bản chất của lời nói sẽ tự phơi bày, biểu hiện ra, khi ta chú ý nhiều hơn đến những gì mà sự làm tỏ rõ (Erläuterung) mang lại.
Nói ra chính là chỉ ra.[77] Trong mọi thứ nói với chúng ta; trong mọi thứ chạm đến chúng ta bằng cách được nói ra hoặc được nói đến; trong mọi thứ nói hướng đến chúng ta; trong mọi thứ chờ đợi chúng ta, chưa được nói ra; nhưng cũng trong mọi sự nói về chúng ta—sự chỉ ra nắm giữ sức mạnh: Nó để cho toả sáng những gì đang có mặt, để cho phai mờ những gì vắng mặt. Lời nói không có nghĩa là những biểu đạt ngôn ngữ được thêm vào các hiện tượng sau khi chúng đã toả sáng – đúng hơn, mọi sự toả sáng và phai mờ đều dựa lời nói được chỉ ra. Lời nói giải phóng những gì có mặt vào sự có mặt tương ứng, và giải phóng những gì vắng mặt vào sự vắng mặt tương ứng. Lời nói thâm nhập và tạo ra vùng tự do sáng trống (das Freie der Lichtung[78]), sự sáng trống mà mọi sự toả sáng phải tìm kiếm và mọi sự phai mờ phải để lại phía sau, và mọi sự có mặt hay vắng mặt phải phơi bày, tự kêu nói với nó (sich einsagen).
Lời nói là tập hợp kết nối mọi thứ phô ra tỏa sáng. Sự phô ra đa dạng này của chính nó, ở mọi nơi, đều cho phép những gì phô ra vẫn ở lại trong chính mình.
Sự phô ra [này] bắt nguồn từ đâu? Câu hỏi này hỏi quá nhiều, quá vội. Chỉ cần chú ý đến những gì đang khơi dậy trong khi phô bày và những kết quả hoạt động của nó là đủ. Ở đây chúng ta không cần phải tìm kiếm không ngừng. Chỉ cần có một cái nhìn đơn giản, bất chợt, khó quên và do đó luôn luôn mới mẻ vào những gì quen thuộc với ta là đủ, thậm chí ta không cần cố gắng để biết nó, chứ đừng nói đến việc nhận ra nó theo cách thích hợp. Cái quen thuộc nhưng chưa biết này, tất cả những sự phô ra của lời nói mà nó khuấy động, khơi gợi nên, là buổi sớm của mọi sự có mặt và vắng mặt, là bình minh, là hừng đông, từ đó luân phiên giữa ngày và đêm có thể bắt đầu: Vừa sớm nhất, vừa cổ xưa nhất. Chúng ta không thể làm gì hơn ngoài việc gọi tên nó, bởi vì nó không chấp nhận thảo luận, vì nó là khu vực bao gồm mọi vị trí[79] và không gian-thời gian-trò chơi[80]. Chúng ta sẽ gọi tên nó bằng một từ cổ xưa, và nói rằng:
Lực tích cực trong sự phô ra của lời nói là sự thích ứng.[81]
Lực này mang mọi thứ có mặt và vắng mặt, mỗi thứ vào trong riêng chúng. Từ đây, chúng tự phô ra, và nấn ná ở lại theo theo cách riêng của chúng. Sự thích ứng này đưa chúng đến đó, và di chuyển lời nói, với tư cách là sự phô ra, vào trong sự phô ra của nó, chúng ta gọi là sự thích ứng (Ereignen).[82] Sự thích ứng mang lại vùng tự do sáng trống[83] mà trong đó những gì có mặt có thể ở lại, và từ đó những gì vắng mặt có thể rời đi, và vẫn giữ được sự tồn tại của chúng khi rút đi. Những gì sự thích ứng tạo ra thông qua lời nói thì không bao giờ là do tác dụng của một nguyên nhân, cũng không phải là hệ quả của một lý do [nào đó]. Sự phù hợp này, tức sự thích ứng, mang tính chất ban phát nhiều hơn bất kỳ sự tác động, làm ra hay sáng tạo nào. Những gì thích ứng (Das Ereignende) chính là sự thích nghi (Ereignis) – và không có gì khác. Từ góc độ phô ra của lời nói, không thể xem sự thích nghi như một sự xuất hiện cũng như một sự việc đang diễn ra, mà chỉ có thể trải nghiệm nó qua sự phô ra của lời nói như là sự ban tặng (Gewöhrende). Không có gì khác là nguồn của sự thích nghi, và cũng không có gì khác để giải thích nó. Sự thích nghi không phải là kết quả của một cái gì khác; mà là sự ban tặng (“Er-gebnis”), trong đó chính sự ban phát dồi dào của nó mới trao tặng một thứ gì như “có cái gì đó” (“es gibt”), mà ngay cả “Tồn tại” cũng cần để, với tư cách là sự có mặt, có thể đạt đến cái riêng của nó.[84]
Sự thích nghi tập hợp bản vẽ của lời nói và mở nó ra thành cấu trúc của nhiều sự phô ra khác nhau. Sự thích nghi là thứ kín đáo nhất trong những hiện tượng kín đáo, đơn giản nhất trong những thứ đơn giản, gần nhất trong những thứ gần gũi, và xa nhất trong những thứ xa xôi, và chúng ta, những người rồi sẽ chết[85], dành cả đời mình trong đấy.
Chúng ta có thể gọi tên cho sự thích nghi đang diễn ra trong lời nói: Nó – das Ereignis – thích nghi.[86] Khi chúng ta nói điều này, chúng ta đang nói bằng thứ vốn đã là ngôn ngữ nói của riêng chúng ta. Có một số câu thơ, mặc dù không liên quan đến bản chất của ngôn ngữ, trong đó Goethe sử dụng các từ eignen, sich eignen 87, theo nghĩa gần với tự phô ra và trỏ đến 88. Goethe viết:
Von Aberglauben früh und spat umgarnt:
Es eignet sich, es zeigt sich an, es warnt.[89]
Sớm muộn gì cũng dính bẫy: tín mê,
khi thì chiếm lĩnh [ta], khi thể hiện, khi báo điềm.[90]
Ở một nơi khác, [Goethe] đã viết khác đi:
Sei auch noch so viel bezeichnet,
Was man fürchtet, was begehrt,
Nur weil es dem Dank sich eignet,
Ist das Leben schätzenswert.
Bất kể bao nhiêu điều được mô tả,
Về những gì chúng ta khao khát, sợ hãi,
Chỉ vì [nó] thuận theo lòng biết ơn,
Nên đời sống mới đáng trân trọng.[91]
Sự thích nghi ban cho người đời nơi lưu ở trong bản chất của họ, để họ có thể trở thành những người nói. Nếu chúng ta hiểu “luật” là tập hợp những gì cho phép mọi thứ có mặt theo cách riêng của chúng và gắn kết với tất cả những gì thuộc về nó, thì sự thích nghi là luật đơn giản và nhẹ nhàng nhất, thậm chí còn nhẹ nhàng hơn “luật nhẹ nhàng”[92] mà Adalbert Stifter đã nhận ra. Tuy nhiên, sự thích nghi không phải là luật theo nghĩa là một thứ luật lơ lửng trên đầu chúng ta ở đâu đó, cũng không phải là một quy định ra lệnh và điều chỉnh sự diễn biến của các sự kiện:
Sự thích nghi chính là luật [duy nhất] vì nó tập hợp người đời vào cõi thích ứng theo bản chất của họ và giữ họ trong đó.
Bởi vì sự phô ra lời nói là một sự thích ứng (Eignen), nên khả năng nghe lời nói, nghĩa là, thuộc về lời nói, cũng dựa vào sự thích nghi. Để nhìn nhận đầy đủ tình huống này một cách bao quát, ta cần phải nghĩ mọi mặt về quan hệ của nó với bản chất của con người phải chết, và chắc chắn là phải nghĩ đến sự thích nghi.[93] Ở đây, chỉ cần một gợi ý là đủ.
Sự thích nghi, trong khi soi rọi bản chất của con người đời thường, đã thích ứng (vereignet) con người, vì nó đem con người trở về những gì được nói theo cách ẩn giấu ở mọi nơi trong lời nói. Với tư cách là người nghe, con người trở về cái riêng (Vereignung) của mình trong lời nói. Điểm nổi bật ở chỗ nó giải phóng con người vào những cái riêng của mình, nhưng chỉ để con người, với tư cách là người nói, tức là đáp lại lời nói, cụ thể là từ những gì của riêng mình. Đó là: sự vang lên của từ ngữ. Lời đáp của người đời chính là câu trả lời.[94] Mỗi từ được nói ra đã là một câu trả lời: nói-trả (Gegensage), mặt đối mặt, lắng nghe lời nói. Việc đưa người đời vào trong lời nói đã giải phóng bản chất con người vào cách sử dụng mà con người cần đến nhằm đưa lời nói vô thanh vào âm vang của ngôn ngữ.
Sự thích nghi cho phép lời nói lên tiếng thông qua sự thích ứng cần thiết của nó. Con đường đến với ngôn ngữ thuộc về lời nói được quy định bởi sự thích nghi. Những thứ chỉ có riêng ở ngôn ngữ ẩn chứa trong con đường này, nó thuộc về bản chất ngôn ngữ. Con đường đang thích ứng.[95]
Việc mở đường, chẳng hạn, xuyên qua một cánh đồng phủ đầy tuyết, vẫn được gọi trong phương ngữ Swabia vùng Arunmanis là wëgen cho đến ngày nay. Động từ này, được sử dụng theo nghĩa bắc cầu[96], có nghĩa là: làm [một con] đường, tạo hình hài và gìn giữ con đường sẵn sàng. Be-wëgen (Be-wëgung)[97], khi nghĩ theo cách này, không còn có nghĩa là chở một cái gì đó trên một con đường đã có sẵn; mà có nghĩa là: trước tiên dựng con đường đến … và do đó trở thành một con đường.[98]
Sự thích nghi làm thích ứng con người theo cách sử dụng của riêng nó. Vì vậy, sự phô ra xét như sự thích ứng (Eignen) xảy ra, do đó sự thích nghi là chuyển động mở đường (Be-wëgung) của lời nói hướng đến ngôn ngữ.
Sự mở đường như vậy đưa ngôn ngữ (bản chất ngôn ngữ) xét như ngôn ngữ (lời nói) đến ngôn ngữ (từ ngữ biểu đạt bằng âm thanh). Cuộc nói chuyện của chúng ta về con đường đến với ngôn ngữ giờ đây không còn có nghĩa duy nhất, thậm chí cũng không phải là hành trình tư duy của chúng ta về ngôn ngữ. Trong khi đang diễn ra, con đường đến ngôn ngữ đã tự biến đổi. Từ hoạt động của con người, nó đã chuyển sang bản chất thích ứng (ereignete) của ngôn ngữ. Tuy nhiên, sự thay đổi của con đường đến với ngôn ngữ giống như một sự chuyển đổi gần đây chỉ vì chúng ta, chỉ liên quan đến chúng ta. Thực ra, con đường đến ngôn ngữ luôn có vị trí duy nhất của nó trong bản chất của chính ngôn ngữ. Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa là: con đường đến ngôn ngữ như đã nói đến ban đầu không phải là thừa; trái lại, chỉ đơn giản là nó trở nên có thể và ắt phải [tất yếu] thông qua con đường thích hợp, thông qua chuyển động mở đường mang tính sử dụng và diễn ra riêng biệt.[99] Bởi vì bản chất của ngôn ngữ, như lời nói đã chỉ ra, dựa trên sự thích nghi vốn mang lại cho con người chúng ta thái độ lắng nghe thanh thản và cởi mở, nên chuyển động mở đường của lời nói hướng tới sự nói mà qua đó mở ra những lối mòn (Pfade) cho phép ta có thể suy ngẫm về con đường đích thực dẫn đến ngôn ngữ.
“Đem ngôn ngữ như là ngôn ngữ đến với ngôn ngữ”[100], công thức con đường này giờ đây không còn chỉ gói gọn trong một chỉ dẫn cho chúng ta, những người suy ngẫm về ngôn ngữ. Thay vào đó, nó nói lên cái dạng (forma), cái hình (Gestalt) của cấu trúc, trong đó, bản chất của ngôn ngữ, dựa trên sự thích nghi, mở đường cho nó.
Nếu không suy nghĩ kỹ và chỉ nghe theo nghĩa đen của từ ngữ, thì công thức này biểu đạt một mạng lưới các quan hệ mà trong đó ngôn ngữ sẽ trở nên vướng víu, chồng chập. Có vẻ như mọi nỗ lực để trình bày ngôn ngữ đều cần đến những phương tiện biện chứng khéo léo để có thể làm chủ được sự sự vướng víu này. Tuy nhiên, một phương pháp như vậy, mà công thức này rõ ràng gợi lên theo nghĩa đen, sẽ làm mất đi khả năng nắm bắt được sự đơn giản trong bản chất ngôn ngữ theo cách có cân nhắc (tức là tập trung vào sự chuyển động mở đường), thay vì tìm cách trình bày ngôn ngữ.
Từ góc nhìn của chuyển động mở đường, những gì trông như một mớ vướng víu hỗn độn sẽ trở nên rõ ràng. Chuyển động mở đường sẽ tháo gỡ lời nói và đưa lời nói vào sự nói. Nó mở đường cho sự nói, con đường mà trên đó sự nói xét như sự nghe, nhận lấy từ lời nói những gì cần được nói ra, và nâng đẩy những gì đã nhận thành từ ngữ vang lên. Chuyển động mở đường của lời nói đến với ngôn ngữ là mối ràng buộc được tháo gỡ, mối ràng buộc này được duy trì thông qua sự làm cho thích nghi (er-eignet).
Ngôn ngữ, do đó được thả vào sự tự do của chính nó, ngôn ngữ chỉ có thể quan tâm đến chính mình. Điều này nghe có vẻ như ta đang nói về xu hướng duy ngã vị kỷ nào đó. Nhưng ngôn ngữ không trở nên cứng nhắc theo nghĩa tự suy tư thuần tuý vì mình mà quên đi tất cả. Xét như lời nói, bản chất ngôn ngữ là sự phô ra mang tính thích ứng (ereignende) vốn gạt bỏ chính nó để giải phóng những gì được phô ra thành vẻ ngoài của riêng của nó.
Ngôn ngữ nói (speak) bằng cách nói ra (say) nhằm đảm bảo rằng, trong khi lắng nghe những điều không được nói ra, việc nói của chúng ta phải tương ứng với những gì được nói ra. Do đó, sự im lặng, được coi là gốc rễ của sự nói, bản thân nó đã là một sự tương ứng (Entsprechen). Sự im lặng (Schweigen) tương ứng với tiếng chuông không tiếng của sự lặng yên (Stille), cái lặng yên của lời nói vốn chiếm riêng và phô ra. Xét như sự phô ra, lời nói dựa trên sự thích nghi là phương thức thích ứng (Ereignens) có tính riêng biệt nhất. Sự thích nghi là được nói ra.[101] Theo đó, ngôn ngữ luôn nói theo cách mà sự thích nghi tự bộc lộ mình hoặc ẩn đi. Đối với lối suy nghĩ dò dẫm về sự thích nghi thì chỉ có thể đoán chừng nó, song vẫn có thể trải nghiệm nó theo bản chất của kỹ thuật hiện đại, được ta gọi bằng cái tên nghe lạ lẫm là đóng khung[102]. Sự đóng khung, vì nó đặt ra, nghĩa là, thách thức con người sắp xếp mọi thứ có mặt thành một bản kiểm kê kỹ thuật[103], về cơ bản vừa diễn ra theo cách thức sự thích nghi vừa đồng thời bóp méo sự thích nghi, vì mọi sự sắp xếp đều thấy mắc mứu với lối tư duy tính toán, và do đó, nói ngôn ngữ của sự đóng khung. Sự nói bị thách thức phải đáp ứng với sự đóng khung của tất cả những gì có mặt theo mọi chiều hướng.
Sự nói, khi được đặt ra theo cách này, sẽ trở thành thông tin. Nó tự thông tin về chính nó nhằm bảo đảm hành động của riêng nó bằng các lý thuyết thông tin. Sự đóng khung, bản chất của công nghệ hiện đại thống trị khắp nơi, tự đặt ra cho mình một ngôn ngữ được hình thức hoá—loại ngôn ngữ thông tin mà qua đó con người được định hình, tức là được sắp vào bản chất tính toán kỹ thuật, và từng bước con người từ bỏ “ngôn ngữ tự nhiên” của mình. Mặc dù lý thuyết thông tin phải thừa nhận rằng để thảo luận về các học thuyết bền vững về mặt kỹ thuật bằng ngôn ngữ phi hình thức, ngôn ngữ hình thức luôn phải dùng đến “ngôn ngữ tự nhiên”, nhưng đối với cách tự giải thích phổ biến của lý thuyết thông tin, trường hợp này chẳng qua chỉ là một giai đoạn tạm thời mà thôi. Bởi vì “ngôn ngữ tự nhiên” được đề cập trong trường hợp này, trước hết được hiểu là ngôn ngữ chưa được hình thức hóa, nhưng đang trong tiến trình hình thức hóa. Hình thức hóa, [nghĩa là,] khả năng tính toán của lời nói, là mục tiêu và tiêu chuẩn. “Tính tự nhiên” của ngôn ngữ, mà lúc này ý chí hướng đến hình thức hóa dường như vẫn phải thừa nhận, lại không được trải nghiệm theo góc nhìn của cái tự nhiên (bản chất; Natur) ban đầu của ngôn ngữ. Cái tự nhiên đó là φύσις (physis), bản thân nó lại dựa trên sự thích nghi mà lời nói khơi dậy và vận động. Lý thuyết thông tin hiểu các yếu tố tự nhiên của ngôn ngữ là thiếu hình thức hóa.
Ngay cả khi có thể thấy từ lâu rằng bản chất của ngôn ngữ không bao giờ có thể được chuyển về và tính toán theo xim (chủ nghĩa) hình thức. Theo đó, ta phải nói rằng “ngôn ngữ tự nhiên” là một ngôn ngữ không thể hình thức hóa, ngay cả khi đó, “ngôn ngữ tự nhiên” vẫn chỉ được quy định theo cách tiêu cực, nghĩa là, không vướng mắc với sự có thể hoặc không thể hình thức hóa.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu “ngôn ngữ tự nhiên”, thứ mà đối với lý thuyết thông tin không gì khác hơn một tàn dư khó chịu, lại rút ra bản chất của nó từ lời nói, tức là bản chất của ngôn ngữ? Điều gì sẽ xảy ra nếu lời nói, thay vì chỉ làm xáo trộn sự phân rã của [loại ngôn ngữ] thông tin, đã vượt qua thông tin vì tính không kiểm soát được của sự thích nghi? Điều gì sẽ xảy ra nếu sự thích nghi, không ai biết khi nào và như thế nào, trở thành một cái nhìn loáng (Ein-Blick) loé thấu vào những gì tồn tại và những gì được coi là tồn tại? Nếu sự thích nghi thông qua lối vào của nó (Einkehr), đã loại bỏ mọi thứ hiện có khỏi tính trật tự đơn thuần và đưa nó trở lại chính nó thì sao?
Mọi ngôn ngữ của con người đều diễn ra thế giới riêng (ereignet) trong lời nói, và như là ngôn ngữ theo nghĩa chặt chẽ của từ này, là ngôn ngữ đích thực, mặc dù có những mức độ gần gũi khác nhau với sự thích nghi. Mọi ngôn ngữ đích thực đều có tính vận mệnh (geschicklich), vì nó được phân gán cho con người thông qua sự chuyển động mở đường của lời nói.
Không có ngôn ngữ tự nhiên nào là ngôn ngữ của bản chất con người: tự diễn ra, không số phận. Mọi ngôn ngữ đều mang tính lịch sử, ngay cả khi con người không biết lịch sử theo nghĩa châu Âu hiện đại. Ngôn ngữ xét như thông tin, bản thân nó cũng không phải là ngôn ngữ như vậy. Trái lại, nó mang tính lịch sử theo nghĩa và giới hạn của thời đại ngày nay. Thời đại ngày nay không có điều gì mới mẻ, mà chỉ hoàn thiện cái cũ, những thứ gì đó được quy định trong thời hiện đại.
Những thứ chỉ có riêng của ngôn ngữ dựa trên nguồn gốc diễn ra thế giới riêng của từ [ngữ], nghĩa là, từ lời nói của sự nói con người.
Cuối cùng, cũng như lúc mở đầu, ta hãy nhớ lại câu nói của Novalis: “Ngôn ngữ chỉ quan tâm đến chính nó. Đây là điều chỉ có riêng của ngôn ngữ, nhưng không ai biết được.” Đặc tính mà Novalis hiểu chính là điều làm cho ngôn ngữ trở nên đặc thù. Trong trải nghiệm về bản chất ngôn ngữ như là lời nói, mà sự phô ra của nó dựa trên sự thích nghi, thì tính chỉ có riêng [ở mình] gần với sự thích ứng (Eignen) và sự làm thích ứng (Ereignen). Ở đây, tính chỉ có riêng [ở mình] này ghi nhận được sự quy định; nhưng chúng ta sẽ không đi sâu hơn về tính chất này tại đây.
Tính chỉ có riêng ở ngôn ngữ, được quy định bởi sự thích nghi, thậm chí ít được biết đến hơn tính riêng biệt của ngôn ngữ, nếu biết (wissen) có nghĩa là đã nhìn bao trọn một cái gì đó trong toàn bộ bản chất của nó. Chúng ta không thể nhìn bao trọn bản chất ngôn ngữ bởi vì chúng ta chỉ có thể nói lên bằng cách lặp lại lời nói. Chúng ta thuộc về lời nói. Tính độc thoại của bản chất ngôn ngữ có cấu trúc trong bản thiết kế của lời nói. Bản thiết kế đó không và không thể trùng khớp với loại độc thoại mà Novalis nghĩ đến, bởi vì, theo cách biện chứng, Novalis diễn bày ngôn ngữ dựa trên tính chủ thể, nghĩa là trong phạm vi của xim duy tâm tuyệt đối.
Nhưng ngôn ngữ chính là nói một mình (độc thoại). Điều này nói lên hai ý: chỉ có ngôn ngữ mới thực là nói; và ngôn ngữ nói trong cô đơn (einsam). Song chỉ những ai không cô độc (allein) mới có thể cô đơn, không cô độc, nghĩa là không chia tách và cô lập, không thiếu bất kỳ quan hệ nào. Ngược lại, sự cô đơn về cơ bản là sự vắng mặt những gì chung, và sự vắng mặt này là mối liên hệ ràng buộc nhất với những gì chung đấy. “Sam” trong “Einsam” là sama (tiếng Gothic), hama (tiếng Hy Lạp). “Cô đơn” có nghĩa là: giống nhau trong sự thống nhất những gì thuộc về nhau.[104] Lời nói phô ra sự mở đường cho ngôn ngữ đến với sự nói của con người. Lời nói cần được vang vọng trong từ ngữ. Nhưng con người chỉ có thể nói bằng cách lắng nghe lời nói, thuộc về lời nói; chỉ thông qua sự lặp lại, anh ta mới có thể nói lên một từ. Nhu cầu này và sự lặp lại như vậy dựa trên sự thiếu sót được nói ở trên, không phải là một thiếu sót đơn thuần hay điều gì tiêu cực cả.
Để trở thành chính mình, con người chúng ta vẫn gắn liền và thuộc về bản chất của ngôn ngữ, vì vậy ta không bao giờ có thể bước ra khỏi và nhìn nhận bản chất ngôn ngữ từ [những] góc nhìn khác. Do đó, chúng ta luôn chỉ nhìn thấy bản chất của ngôn ngữ ở mức độ mà chúng ta được chính nó nhìn nhận và dành riêng vào bản chất này. Việc chúng ta không thể biết được bản chất của ngôn ngữ – ‘biết’ ở đây là khái niệm truyền thống về sự biết hiểu[105], được xác định bằng sự diễn bày (Vorstellen) – điều này không phải là một thiếu sót, mà là một điểm mạnh giúp ta đi vào một cõi độc nhất, cõi mà chúng ta lưu ở như những kẻ rồi sẽ chết, là những người được cần đến, những người được dùng cho sự nói của ngôn ngữ.
Không khẳng định[106] nào có thể nắm bắt được tính chỉ có riêng[107] của lời nói. Lời nói đòi hỏi chúng ta phải im lặng trước sự chuyển động đang diễn ra theo cách riêng[108] trong bản chất của ngôn ngữ, đồng thời không được nói về sự im lặng này.
Xét như sự phô ra, thì lời nói dựa trên sự thích nghi là phương thức thích ứng thích hợp nhất. Điều này nghe như một khẳng định. Nếu chúng ta chỉ nghe thôi thì nó không nói lên điều gì đáng suy nghĩ. Lời nói là phương thức mà sự thích nghi nói: phương thức không theo nghĩa modus hay Art, mà theo nghĩa âm nhạc của melos, bài ca nói lên điều gì đó khi hát lên. Bởi vì lời nói mang tính thích ứng sẽ đưa những gì có mặt từ những gì của riêng chúng, từ nơi chúng thuộc về như là cái gì đó có mặt, ra ánh sáng và ngợi ca chúng, nghĩa là cho phép chúng trở lại với bản chất riêng của mình. Trong phần mở đầu của khổ thơ thứ tám của bài “Tụng ca hòa bình”[109], Hölderlin viết:
Viel hat von Morgen an,
Seit ein Gespräch wir sind und hören voneinander,
Erfahren der Mensch; bald sind aber Gesang (wir).
Từ buổi sớm mai,
Kể từ khi chúng ta là một cuộc chuyện trò[110]
Và lắng nghe ra nhau;
Song sớm thôi, chúng ta sẽ là bài ca.
Ngôn ngữ từng được gọi là “ngôi nhà của Tồn tại”[111. Ngôn ngữ là nơi ẩn náu cho những gì có mặt[112], vì sự rạng rỡ của nó vẫn được giao phó cho sự phô ra mang tính thích ứng của lời nói. Ngôn ngữ là ngôi nhà của Tồn tại vì ngôn ngữ, như lời nói, là phương thức của sự thích nghi.
Để ngẫm về bản chất của ngôn ngữ, về những gì là của riêng nó, cần phải có một sự biến đổi của ngôn ngữ (Wandel der Sprache), một biến đổi mà ta không thể ép buộc hay bịa ra. Sự biến đổi này không phải bằng cách chế ra các từ mới, cụm từ mới. Sự biến đổi này sẽ chạm đến quan hệ của chúng ta với ngôn ngữ. Quan hệ này được xác định bởi số phận: liệu có hay không và bằng cách nào bản chất của ngôn ngữ giữ chúng ta trong sự thích nghi, với tư cách là những thông điệp gốc (Ur-Kunde) của sự thích nghi. Vì sự thích nghi—cầm nắm, giữ cho riêng mình—là quan hệ của mọi quan hệ. Do đó, lời nói của chúng ta, xét như câu trả lời, mãi mãi mang tính quan hệ. Quan-hệ (Ver-hältnis) ở đây luôn được hiểu theo sự thích nghi, và không còn được hình dung dưới dạng một liên hệ (Beziehung) đơn thuần nữa. Quan hệ (Verhältnis) giữa chúng ta với ngôn ngữ phụ thuộc vào việc chúng ta, với tư cách là người được sử dụng, thuộc về sự thích nghi như thế nào.
Có lẽ ta có thể chuẩn bị một chút cho sự biến đổi trong quan hệ giữa ta với ngôn ngữ. Có lẽ kinh nghiệm này có thể đánh thức: Mọi suy tư có chiều sâu đều là thơ, và toàn bộ thi ca đều là một loại suy tư. Cả hai thuộc về nhau từ lời nói vốn đã cam kết với những gì chưa được nói ra, vì lời nói là suy tư như là lời tạ ơn.
Khả năng biến đổi của ngôn ngữ đã có trong tư tưởng của Wilhelm von Humboldt dựa trên một đoạn trong chuyên luận của ông về “Tính đa dạng của cấu trúc ngôn ngữ con người”. Như em của ông đã viết trong lời đầu, Humboldt đã làm việc cho chuyên luận này “cô đơn một mình, bên rìa một nấm mồ” cho đến khi qua đời.
Chúng ta phải ngưỡng mộ cái nhìn sâu kín, thâm u của Humboldt về bản chất của ngôn ngữ. Humboldt viết:
Việc áp dụng một hình thức ngữ âm đã có sẵn vào những mục đích bên trong[113] của ngôn ngữ . . . có thể được cho là có thể trong giai đoạn trung gian của tiến trình hình thành ngôn ngữ (Sprachbildung). Thông qua sự sáng tỏ bên trong và các hoàn cảnh thuận lợi bên ngoài, một dân tộc có thể đem lại một hình thức khác đến mức ngôn ngữ mà họ kế thừa sẽ trở thành một ngôn ngữ hoàn toàn khác, hoàn toàn mới. (§10, tr. 84).
Trong tiết sau (§11, trang 100), chúng ta đọc được:
“Không thay đổi ngôn ngữ về mặt ngữ âm, càng không thay đổi về hình thức và quy tắc của nó, thời gian, thông qua sự phát triển mạnh mẽ các ý tưởng, thường đưa vào ngôn ngữ một sức mạnh tư duy ngày càng tăng và một sự nhạy cảm sâu sắc hơn mà trước đó chưa có. Khi đó, lớp vỏ cũ được lấp đầy bằng một ý nghĩa mới, dấu ấn cũ cho ra một cái gì đó khác biệt, và cùng các quy tắc kết nối, một tiến trình ý tưởng được gợi ra với những cấp độ khác nhau. Đây là thành quả vĩnh cửu của nền văn học của một dân tộc, đặc biệt là thi ca và triết học.”
Chú thích
- GA: Toàn tập, viết tắt của Gesamtausgabe. ↩︎
- Theo Julian Young, trong Heidegger’s Philosophy of Art, đã cho rằng bản dịch của Hofstadter vướng một số lỗi khá cẩu thả, chất lượng không tin được. Tuy nhiên, Gs Gilbert J. Shaver lại nhận xét khác hẳn: “Bảy tác phẩm do Giáo sư Hofstadter dịch và tập hợp trong Poetry, Language, Thought (một cái tựa rất phù hợp) là những tác bài dịch mẫu mực về sự trong sáng và cách chọn từ, chọn lời. Những bản dịch này đặt ra một tiêu chuẩn cao cho bất kỳ người dịch tương lai nào, vì ngôn ngữ rậm rạp rối beng của Heidegger được làm sáng tỏ thành công hơn so với hầu hết các tác phẩm đã dịch cho đến nay.” (Xem boundary 2, Vol. 1, No. 3 (Spring, 1973), pp. 742-749, Duke University Press). ↩︎
- Bản dịch tiếng Anh: Contributions to Philosophy (of the Event). (GA 65). Translated by Richard Rojcewicz and Daniela Vallega-Neu, Bloomington, Indiana University Press, 2012. ↩︎
- Gs Phạm Công Thiện dịch Ereignis là biến cố, sự biến, sự tình, việc xảy ra, đặc biệt là bản lai tính. (Xem Ý thức bùng vỡ, Phạm Công Thiện, Đồng Nai, 1970, trang 100). Nhà thơ Bùi Giáng cho rằng (Lễ Hội Tháng Ba): Tiếng “Ereignis” cũng như hầu hết mọi ngôn từ cốt yếu trong sách Heidegger, đều mênh mang những ý nghĩa khôn lường. Sau này Heidegger sẽ giảng trở lại tiếng Ereignis theo thể lệ thật bất ngờ. Ereignis? Vốn là: sự biến, biến cố, sự gì xẩy ra đâu đó… Bất thình lình biến thành Trùng-Phục-Thủ-Hữu một kho tàng vốn-dĩ là của sở-hữu-từ-lâu. Theo thể lệ “ôn cố tri tân” hoặc “giác tân ư cố”, nghĩa là: nhận thức ra một cái tân kì nằm ở trong cái cổ kính. Một cái Cổ Kính chứa chất một cái Tân Kì khôn hàn tàng ẩn ở trong. Trong một Nếp Gấp Nhị Trùng thênh thang thăm thẳm mà bấy lâu bị để nằm vùi lấp ở dưới Tân Thanh, trong Nếp Gấp đó Ngôn Ngữ từ Cỗi Nguồn về, đem cho một Tặng Vật Tươi Vui dấu kín dưới tiếng Đoạn Trường… Từ đó, giờ đây làm sao dịch tiếng Ereigniss? Nếu một mai Ereignis bất thình lình biến ra làm Ereigniss, hoặc Er-rig-neiss, hoặc Ein-rei-gg- ni-ssis, thì lúc bấy giờ, mọi lời dịch tiếng di, đành tan hoang lông lốc, mọi diễn dịch bây giờ đều thi đua nhau dập dìu vỡ toang trong nhà ma cốt cách? Là thể cách ngậm ngùi của mọi mọi phong thể dịch diễn lập tồn lẽo đẽo? Mộng mị không đi về trong bước chiêm bao? (Người dịch) Theo Mark A. Wrathall (The Cambridge Heidegger Lexicon, mục Adaptation (Ereignis)), gợi ý dịch Ereignis là sự thích nghi/ứng (Adaptation) vì các lý do sau đây. Trong tiếng Đức thông tục, Ereignis (từ được dịch ở đây là “sự thích nghi”) có nghĩa là một sự kiện (event), một sự việc (incident), một sự xuất hiện (happening). Như thường lệ với những từ mà ông đưa vào tác phẩm triết học, Heidegger nhấn mạnh rằng Ereignis không thể được hiểu theo nghĩa thông thường, phổ biến của nó. Wrathall cho rằng Heidegger sử dụng từ Ereignis với ít nhất bốn luồng (strand) ý nghĩa khác nhau – những luồng ý nghĩa có thể được khai thác từ chữ này khi nó phát triển tự nhiên trong tiếng Đức:
– liên quan hoặc làm cho những sự việc có thể xảy ra (nghĩa là hiểu ‘Ereignis as Event’, mặc dù bản thân nó không phải là một sự kiện hay sự biến: Ereignis làm thay đổi không gian khả năng của các sự kiện, nhưng bản thân nó không phải là một sự kiện). Mặc dù có những văn cảnh có thể hiểu Ereignis như thế, song phần lớn cách hiểu như vậy bị Heidegger, cực lực bác bỏ: “…in the end, Ereignis cannot be re-presented as an ‘event’ or ‘something new’” (GA65:256); “Ereignis . . . cannot be represented either as an occurrence [Vorkommnis] or a happening [Geschehnis]” (GA12:247/OWL 127). Một vấn đề quan trọng khi dịch Ereignis thành “sự kiện/biến” là cách dịch này dễ gây ra sự hiểu lầm rằng nó là một dạng thay đổi nhân quả thông thường hoặc một sự biến đổi nào đó trong các đặc tính của những thực thể, và hơn nữa, cách dịch này không cho ta biết gì về kiểu tiến trình gì liên quan đến Ereignis.
– cho phép mọi thứ được thể hiện (manifestation), xuất hiện (coming into view). Quả là đúng khi nhấn mạnh mối liên hệ giữa Ereignis và việc trở nên hiển hiện. “Ereignis,” Heidegger lưu ý, “là việc đưa ra tầm nhìn làm cho phù hợp” (GA11:121/QCT 45). Trong và thông qua Ereignis, các quan hệ, ý nghĩa và khả năng xuất hiện sẽ phù hợp với tình huống, do đó đôi khi thay đổi cấu trúc thiết yếu của những sự vật và tình huống mà chúng ta gặp phải.
– bao gồm những khoảnh khắc sở hữu (owning), chiếm hữu (appropriating, enowning), chiếm lĩnh và truyền đạt (sự sở hữu) một thứ này sang thứ khác. Song theo Heidegger, điều quan trọng là việc chuyển giao sự sở hữu và chiếm lĩnh diễn ra trong Ereignis không bao giờ là một chiều. Ví dụ, sự thích nghi lẫn nhau giữa Chúa và con người bao gồm sự tương hỗ của sự chiếm hữu: “Ereignis chuyển giao Chúa cho con người bằng cách chiếm lĩnh con người cho Chúa. Sự chiếm lĩnh theo kiểu truyền đạt này là Ereignis” (GA65:26; xem thêm GA65:280). Hoặc, Ereignis cũng đem sự vật “vào trong chính chúng (ins Eigene), theo cách mà các thực thể tự phát sinh đầu tiên” (GA70:175). Đây là lý do mà nhiều dịch giả chọn cách dịch này, tức dịch “Ereignis” là “appropriation”, hay “enowning”, “enownment.”
– làm cho mọi thứ trở nên ăn khớp, phù hợp hoặc thích ứng, thích nghi với nhau. Đây là cách dịch mà Wrathall ủng hộ. Bạn đọc có thể xem trực tiếp các luận cứ trong bài viết Adaptation (Ereignis) của ni, ở đây, ta chỉ cần hiểu thêm: Sự thích nghi theo nghĩa đầy đủ nhất do đó vừa mang tính bắc cầu vừa mang tính hỗ tương. A thích nghi với B, và trong tiến trình đó, A được thích nghi với B. Khi B được thích nghi với A, ta có thể nói A “chiếm hữu” B. Và khi A được tìm thấy trong một tình huống mà nó thích nghi tốt, nghĩa là, A đã “đi vào cái riêng của mình”. Chính việc thích nghi với nhau khiến sự vật trở nên có thể phân biệt hoặc nhận biết được và do đó làm hé lộ chúng. Vì thế, về mặt khái niệm, sự thích nghi có trước sự kiện chiếm lĩnh (event of appropriation), sự xuất hiện và chiếm hữu (enownment). Trong một kiểu chơi chữ, Heidegger cũng kết nối ereignen với động từ hoàn toàn không liên quan reigen, để sắp ngay hàng (align), và danh từ phái sinh der Reigen (điệu nhảy), ví dụ, “Das Spiegel-Spiel von Welt ist der Reigen des Ereignens.”, “Trò chơi soi chiếu của thế giới là những điệu nhảy thích nghi.” (“[Sự] vật”; “Das Ding,” GA79:19). Khi mọi thứ thích nghi với nhau, chúng sẽ trở nên ngay hàng, giống như các đối tác trong một điệu nhảy ăn ý với nhau, hòa quyện vào nhau. Sự thích nghi đưa mọi thứ vào trạng thái phù hợp với nhau, hòa hợp với nhau, để chúng thuộc về nhau và thuộc lẫn nhau.
Sau khi cân nhắc, thử nghiệm, chúng tôi quyết định dịch thống nhất chùm từ cốt lõi này là “thích ứng” và ưu tiên dịch “Ereignis” là “sự thích nghi”. ↩︎ - Contributions to Philosophy : (From Enowning). (GA 65). Translated by Parvis Emad and Kenneth Maly, Bloomington, Indiana University Press, 1999. ↩︎
- M. Heidegger, Gesamtausgabe 56/57; trang 75: Das Er-leben geht nicht vor mir vorbei, wie eine Sache, die ich hinstelle, als Objekt, sondern ich selbst er-eigne es mir, und es er-eignet sich seinem Wesen nach. Und verstehe ich es darauf hinblickend so, dann verstehe ich es nicht als Vor-gang, als Sache, Objekt, sondern als ein ganz Neuartiges, ein Ereignis. ↩︎
- Tập GA 12 tâp hợp những suy nghĩ then chốt của Heidegger về ngôn ngữ. ↩︎
- eVer 0.22 (17.XII.2024) ↩︎
- Das Vermögen zu sprechen; the ability to speak ↩︎
- Aufriß (vết nứt, bản vẽ); bản Krell dịch là bản thiết kế vết nứt (rift-design). Trong triết học của Martin Heidegger, từ “Aufriß” có thể mang một số hàm ý sâu sắc, đặc biệt khi được dùng như một phép ẩn dụ hoặc ví von trong các tác phẩm của ông. Heidegger thường sử dụng ngôn ngữ theo những cách không dễ hiểu, vì ông tìm cách vượt qua những giới hạn của ngôn ngữ thông thường để miêu tả những khái niệm triết học sâu sắc của riêng ông. Dưới đây là một số ý nghĩa tiềm tàng của “Aufriß” trong tư tưởng của Heidegger: 1. Bản vẽ sơ đồ hoặc phác thảo: Trong kiến trúc, “Aufriß” thường chỉ đến một bản vẽ sơ đồ hoặc bản vẽ mặt cắt của một tòa nhà. Do đó, “Aufriß” như một ẩn dụ để chỉ một cái nhìn tổng quát hoặc sơ bộ về một vấn đề, ý tưởng, hoặc một hiện tượng. Điều này có thể ám chỉ cách ông tiếp cận hoặc phân tích các khái niệm triết học, như một bản phác thảo của những gì ông muốn trình bày trước khi đi sâu vào chi tiết. 2. Sự tiết lộ hoặc khai mở: “Aufriß” trong ngữ cảnh Heideggerian có thể được hiểu như một cách để “khai mở” hoặc “tiết lộ” bản chất của một sự vật hoặc hiện tượng. Đối với Heidegger, sự thật không chỉ là cái được phát hiện mà còn là quá trình khai mở, trong đó bản chất của sự vật hé lộ ra. “Aufriß” có thể biểu thị một cách mà sự vật hiện ra cho chúng ta trong kinh nghiệm, giống như cách một bản vẽ kiến trúc tiết lộ cấu trúc bên trong của một tòa nhà. 3. Cấu trúc của ý thức hoặc tồn tại: Heidegger cũng có thể sử dụng “Aufriß” để miêu tả cấu trúc cơ bản của ý thức hoặc tồn tại. Trong ngữ cảnh này, “Aufriß” có thể đề cập đến cách mà các yếu tố cơ bản của kinh nghiệm con người được tổ chức hoặc phác thảo trong mối liên hệ với thế giới, thời gian, và sự tồn tại (Dasein). 4. Tính chất tạm thời và động của hiểu biết: Khi Heidegger sử dụng “Aufriß,” ông có thể nhấn mạnh tính chất tạm thời, chưa hoàn thiện của hiểu biết con người. Như một bản vẽ sơ bộ, “Aufriß” có thể chỉ ra rằng sự hiểu biết của chúng ta về tồn tại luôn là một phác thảo đang phát triển, một bản thảo không bao giờ hoàn chỉnh, và luôn đòi hỏi sự suy tư và khai mở thêm. ↩︎
- “es ist” (“it is”). Trong triết học của Heidegger, cụm từ “es ist” (nó là [thế thế]) mang một ý nghĩa sâu sắc liên quan đến khái niệm tồn tại. Để hiểu tại sao Heidegger sử dụng cụm từ này và ý nghĩa của nó, chúng ta cần nhìn vào một số khía cạnh chính trong tư tưởng của ông: 1. Tồn tại và Có-ở-đó (Sein und Dasein): Heidegger quan tâm sâu sắc đến câu hỏi về “tồn tại” (Sein). Đối với ông, tồn tại không chỉ đơn thuần là việc cái gì đó tồn tại, mà là cách thức mà sự tồn tại của các có-ở-đó (Dasein) được biểu lộ ra. Khi con người nói “es ist” (nó là [thế thế]), họ đang khẳng định sự tồn tại của một cái gì đó, đưa nó từ trạng thái tiềm tàng vào trạng thái tồn tại trong ngôn ngữ và trong tư tưởng. 2. Ngôn ngữ như phương tiện của tồn tại: Heidegger cho rằng ngôn ngữ không chỉ là phương tiện để mô tả thế giới, mà là cách mà thế giới và sự tồn tại được mang ra ánh sáng. Khi chúng ta nói “nó là [thế thế]”, chúng ta đang thực sự xác nhận và làm rõ sự tồn tại của một sự vật hay hiện tượng. “Es ist” là một cách để con người gắn kết với thế giới, và qua đó, bản chất của sự vật và cả chính con người được tiết lộ. 3. “Es ist” và sự khẳng định ban đầu: “Es ist” cũng có thể được xem như một cách thức nguyên thủy để khẳng định sự tồn tại. Đây là một khẳng định cơ bản nhất về thực tại, mà không cần phải đưa ra bất kỳ thuộc tính hay định nghĩa nào khác. Mỗi khi nói “nó là [thế thế]”, con người không chỉ giao tiếp mà còn tham gia vào việc định hình thế giới thông qua sự khẳng định tồn tại. 4. Tính phổ quát và đa dạng của “es ist”: Heidegger nhấn mạnh rằng con người nói “nó là [thế thế]” theo nhiều cách khác nhau, ở mọi nơi, và trong nhiều ngữ cảnh khác nhau. Điều này cho thấy sự đa dạng và phong phú trong cách ngôn ngữ được sử dụng để biểu hiện sự tồn tại. “Es ist” có thể xuất hiện trong vô số biến thể ngôn ngữ, phản ánh khả năng vô tận của ngôn ngữ để mang đến sự hiện hữu cho mọi thứ. Tóm lại, cụm từ “es ist” trong tư tưởng của Heidegger không chỉ đơn giản là một khẳng định ngữ pháp, mà là một biểu hiện sâu sắc của cách con người gắn kết với thế giới và mang đến sự tồn tại cho mọi thứ thông qua ngôn ngữ. Đây là một khái niệm cơ bản giúp hiểu về mối quan hệ giữa ngôn ngữ, tư tưởng, và tồn tại trong triết học Heidegger. ↩︎
- was heißt hier »in« und»bei«? ↩︎
- Die Sprache als die Sprache zur Sprache bringen. (Krell) To bring language as language to language. ↩︎
- Die Formel gebraucht das Wort »Sprache« dreimal… ↩︎
- lautloser Anklang; soundless intimation ↩︎
- Sprechen; speaking, speech ↩︎
- stumm; mute ↩︎
- tức là có âm tiết (gegliederte Verlautbarung; articulated sounds) ↩︎
- stimmlich- gegliederte; articulated sounds by the voice ↩︎
- glossa (hy lạp), lingua (la tinh ), langue (pháp), language (anh) ↩︎
- Die Sprache ist die Zunge, ist Mund-art. ↩︎
- Đây là phép so ví chỉ cách ngôn ngữ được tổ chức và mang ý nghĩa. ↩︎
- So sánh với bản Krell: The braces and supports of the construction are shaped and borne aloft by showing. ↩︎
- Đây là hành động mang lại ý nghĩa hoặc thông tin thông qua ngôn ngữ. ↩︎
- Heidegger cho rằng cấu trúc của ngôn ngữ dựa trên sự phô ra (Zeigen). Sự phô ra này có thể mang lại ý nghĩa một cách rõ ràng hoặc mờ nhạt, cho phép chúng ta hiểu và làm việc với những gì được phô ra. ↩︎
- Bezeichnen; designating ↩︎
- Vorstellen; thường được dịch là hình dung/biểu tượng ↩︎
- vom Zeigenden zum Bezeichnenden; from that which shows to that which designates ↩︎
- das Seiende als das Anwesende ↩︎
- Sofern die Sprache »ist« ↩︎
- “Ober die Verschiedenheit des menschlichen Sprachbaues und ihren Einfluß auf die geistige Entwickelung des Menschengeschlechts.” ↩︎
- »articulirte Laut« ↩︎
- điều này ám chỉ rằng để hiểu bản chất thực sự của ngôn ngữ, ta cần phải xem xét quá trình tạo ra và phát triển của nó, chứ không chỉ dừng lại ở hình thức hoặc sản phẩm cuối cùng. Ngôn ngữ không phải là một sản phẩm tĩnh, mà là một quá trình động, luôn biến đổi và phát triển qua từng khoảnh khắc. Bởi vậy, định nghĩa đúng đắn của ngôn ngữ phải phản ánh được sự liên tục và động lực của quá trình này. ↩︎
- Arbeit des Geistes ↩︎
- Humboldt muốn nói, thay vì chỉ tập trung vào việc ngôn ngữ hoạt động như một công cụ để biểu thị ý nghĩa và truyền đạt thông tin, ta nên chú ý hơn đến nguồn gốc của ngôn ngữ và mối quan hệ chặt chẽ của nó với hoạt động tâm trí. ↩︎
- innere Sprachform; inner form of language ↩︎
- Sprechen; speaking; speech ↩︎
- der Seele; soul ↩︎
- có một cách dịch khác: cõi sống. ↩︎
- chủ nghĩa ↩︎
- das Setzen; Hán Việt: thiết định ↩︎
- tức thế giới quan. ↩︎
- thế giới quan ↩︎
- eine Art und Form ↩︎
- Trong thuyết Monadology của Leibniz, “Energeia” được hiểu như là hoạt động của các monad (tức các đơn vị cơ bản của thực tại, không thể chia nhỏ được). Monad là những thực thể đơn, tự thân chứa đựng và biểu thị tất cả các trạng thái và hành động của chúng thông qua sự phản ánh toàn bộ vũ trụ. Mỗi monad là một trung tâm năng động của năng lượng và hoạt động, không bị ảnh hưởng bởi các monad khác, nhưng phản ánh toàn bộ thế giới trong trạng thái riêng của nó. Trong ngữ cảnh của Humboldt, Energeia được hiểu là hoạt động của chủ thể con người trong việc sử dụng và phát triển ngôn ngữ. Đây không phải là một bản chất tĩnh mà là một quá trình động, liên tục thay đổi và phát triển thông qua sự tương tác giữa chủ thể và thế giới xung quanh. Theo Humboldt, ngôn ngữ không chỉ là một công cụ giao tiếp, mà còn là phương tiện thông qua đó con người thể hiện và phát triển tư duy và tinh thần của mình. ↩︎
- Trong đoạn này, tác giả đang phân biệt giữa “bản chất của ngôn ngữ” và “bản chất của ngôn ngữ như là ngôn ngữ”. Bản chất của ngôn ngữ, theo góc nhìn thông thường, có thể chỉ ra các khía cạnh cụ thể và chức năng của ngôn ngữ. Tuy nhiên, bản chất của ngôn ngữ như là ngôn ngữ thif đề cập đến cách ngôn ngữ tồn tại và hoạt động trong bản chất riêng của nó, không chỉ là các chức năng mà còn là sự hiện diện liên tục và cách nó duy trì sự tồn tại của mình trong việc tự biểu đạt. ↩︎
- chúng ta phải tiếp cận ngôn ngữ một cách nguyên bản và toàn diện, tức là nhìn nhận và trải nghiệm ngôn ngữ như chính nó, mà không phải qua lăng kính của những khái niệm, lý thuyết hay phạm trù khác. Điều này nghĩa là chúng ta cần phải tập trung vào những đặc điểm, chức năng và ý nghĩa mà ngôn ngữ mang lại trong chính bản thân nó, mà không bị chi phối bởi các yếu tố bên ngoài hay cố gắng định nghĩa ngôn ngữ theo những khái niệm khác. Đây là một sự kêu gọi hiểu ngôn ngữ một cách trọn vẹn và nguyên bản, không bị bóp méo hay làm mất đi tính chất riêng biệt của nó. ↩︎
- Die Sprache als die Sprache zur Sprache bringen. ↩︎
- Gốc: “…im Sprechen mitspricht”. Chưa rõ nghĩa của “mitspricht” ở đây; thành thử có thể có cách dịch khác: “Hiện tại, chúng ta chỉ chú ý đến tất cả những gì luôn cùng có vai trò quyết định nói trong [hành vi] nói năng của ta”. ↩︎
- đồng loại; mitmenschen ↩︎
- Das Gesprochene ↩︎
- Das Gesprochene kann vergangen, kann aber auch langher schon an den Menschen ergangen sein als das Zugesprochene.; What is spoken can be long gone, but it can also be what has long gone on, as what is addressed. ↩︎
- …wie immer sie auch im Gesprochenen des Ungesprochenen sich aufhalten. ↩︎
- ursprünglichen Zählen; original counting ↩︎
- “Aufriß” là khái niệm tượng trưng cho sự mở ra và tự do của ngôn ngữ, là bản vẽ tổng thể của bản chất ngôn ngữ, nơi mà người nói, lời nói, và những gì đã và chưa nói đều được kết nối và cấu trúc một cách toàn diện. Nói thêm: [Auf] Riß là một “bản thiết kế” thống nhất sự tranh chấp giữa thế giới và đất và được thể hiện thông qua hình cái hình (Gestalt) của một tác phẩm nghệ thuật. Phân tích của Heidegger về Riß (rift), đến lượt nó, đóng một vai trò quan trọng trong lý giải của ông về những gì cần phải có để sự thật xảy ra trong nghệ thuật và để một tác phẩm được tạo ra. Trong Nguồn gốc của tác phẩm nghệ thuật, Heidegger bàn về từ này trong đoạn bàn về sự tranh chấp giữa thế giới (world) và đất (earth). Heidegger ví von thông qua cách “hành chữ” của mình với từ Riß (vết nứt) và những từ liên quan: Aufriß: bản vẽ mặt cắt đứng, Durchriß: bản vẽ mặt cắt, Grundriß: bản vẽ mặt bằng, … về mặt dịch thuật, người dịch sẽ thường xuyên dùng lẫn lộn các cụm ‘bản vẽ mặt cắt’, ‘bản vẽ’, ‘bản thiết kế’, cấu trúc… (Bạn đọc có thể tham khảo thêm trong ‘Martin Heidegger’, Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải, TrustBooks, từ trang 166) Ở đây, ý nghĩa của chữ Riß, Heidegger đã cho vài gợi ý: vết nứt trên tường, vết luống cày trên ruộng; hoặc ta có thể lấy một ví dụ khác: các vết khắc trên gỗ (tranh khắc gỗ, xem hình, tranh khắc gỗ của hoạ sĩ Hồ Hữu Thủ) như là các vết nứt của Heidegger. ↩︎
- Lautende der Sprache; the sounding of language ↩︎
- Geläut der Stille; ringing of stillness ↩︎
- Zueinandersprechen ↩︎
- Miteinandersprechen ↩︎
- Spruch; dictum; pronouncement. Spruch (nghĩa là ‘những gì đã/từng được nói’, tức là ‘châm ngôn’, ‘phán quyết’,…) cùng với Sprache, sprechen được Heidegger tận dụng để chơi chữ. ↩︎
- (nhắc lại) Sage; saying ↩︎
- »Götter- und Heldensage« ↩︎
- Truyền thuyết uy nghi về đài phun nước xanh ↩︎
- “đại từ chỉ định”, tiếng Latin ↩︎
- Đức: “Zeigewörtlin” ↩︎
- Đức: den geistigen Zeigefinger. Zeigefinger là sự kết hợp giữa Zeige và Finger, có thể dịch theo nghĩa đen là “ngón tay chỉ trỏ “ và có nghĩa là “ngón trỏ” trong tiếng Đức hàng ngày. Ở đây Heidegger minh họa từ Zeige hiện đã bị thất lạc. ↩︎
- Das Wesende der Sprache ist die Sage als die Zeige ↩︎
- Hinweisen ↩︎
- gegliederte Verlautbarung; articulate vocalization ↩︎
- Wir sprechen nicht nur die Sprache, wir sprechen aus ihr.; We not only speak language, we speak from out of it. ↩︎
- Die Sprache spricht, indem sie sagt, d.h. zeigt. ↩︎
- Sichsagenlassen ↩︎
- Vorstellen; representing – thường được dịch là biểu tượng/hình dung ↩︎
- Lời nói không chỉ ưu tiên hơn suy tư, mà nó còn diễn bày cho sự có mặt và vắng mặt nguyên thủy vốn đi trước về mặt bản thể học và làm cho tính xác thực hoặc không xác thực của ngôn ngữ con người trở nên có thể. Trong phép so ví về tặng quà của Heidegger được thảo luận ở trên, Tồn tại đóng vai cho, con người là vai nhận, và Lời nói là quà tặng – món quà của những từ ngữ để nói đến những gì ban tặng nó. ↩︎
- tức mang tính tường thuật ↩︎
- so sánh ‘Der Weg zur Sprache im Sinne des Sprechens als Sagen ist die Sprache als die Sage.’ với ‘The way to language in the sense of speech is language as the saying.’ ↩︎
- Die Sage ist Zeigen; Saying is showing ↩︎
- có cách dịch khác: khai quang ↩︎
- die Ortschaft aller Orte ↩︎
- Zeit-Spiel-Räume ↩︎
- Das Regende im Zeigen der Sage ist das Eignen.; The moving force in Showing of Saying is Owning. Có thể dùng ‘sự chiếm hữu’. Lực ở đây hiểu là tác nhân. ↩︎
- Das Ereignen; Appropriation ; propriating. Từ đây, bản dịch sẽ dùng ‘thích ứng’ thay vì ‘chiếm hữu’ ↩︎
- Lichtung; clearing. Cách dịch khác: khai quang. ↩︎
- [Das Ereignen ist kein Er-gebnis (Resultat) aus anderem, aber die Er-gebnis, deren reichendes Geben erst dergleichen wie ein »Es gibt« gewährt, dessen auch noch »das Sein« bedarf, um als Anwesen in sein Eigenes zu gelangen.; Propriating is not an outcome or a result of something else; it is the bestowal whose giving reaches out in order to grant for the first time something like a “There is / It gives,” which “being” too needs if, as presencing, it is to come into its own]. “Er-gebnis” được Heidegger chơi chữ như một sự ban tặng, ám chỉ rằng “Ereignis” chính là nguồn cội mà từ đó mọi thứ được “ban phát” sự tồn tại, trong đó có cả “Tồn tại” (Sein). “Es gibt” (có cái gì đó) nhấn mạnh sự hiện diện của một thứ gì đó. Heidegger chỉ ra rằng ngay cả “Tồn tại” cũng cần đến sự ban phát của Ereignis mới có thể thành hình. Như vậy, Ereignis là sự tỏ lộ tối sơ, là nguồn cội của Tồn tại và sự có mặt, hiện diện. So sánh Sein und Zeit. 1927, §44. ↩︎
- Sterbliche; mortal ↩︎
- Es – das Ereignis – eignet; It—propriation—owns. ↩︎
- eignen, sich eignen; own, to own itself ↩︎
- bezeichnen ↩︎
- Faust. Der Tragödie zweiter Teil, V. Akt: Mitternacht. ↩︎
- Bản dịch Faust của Quang Chiến, NXB Sân Khấu: Cứ thế tối ngày ta bị vây trong vòng mê tín: / Ma đánh tiếng, ma răn đe, ma hiển hiện. ↩︎
- “Gửi Đại công tước Karl August vào ngày đầu năm mới 1828.” ↩︎
- »das sanfte Gesetz«. “Luật nhẹ nhàng” là một khái niệm lõi trong tác phẩm của nhà văn Áo Adalbert Stifter. Ông sử dụng thuật ngữ này để mô tả những lực tinh tế và thường không được chú ý trong tự nhiên và xã hội, nhưng lại có ảnh hưởng sâu sắc và bền vững. Stifter tin rằng những hiện tượng nhỏ bé và bình dị trong cuộc sống hàng ngày, như lòng tốt, sự kiên nhẫn và tình yêu thương, có sức mạnh lớn lao trong việc duy trì và phát triển xã hội loài người. Trong lời tựa của tập truyện “Bunte Steine” (Những viên đá màu), Stifter viết: “Chúng ta thoáng thấy luật nhẹ nhàng đã dẫn dắt nhân loại.” Ông cho rằng, trong thời kỳ đầu của nhân loại, con người chỉ ngưỡng mộ sức mạnh, bạo lực và những hành động anh hùng. Tuy nhiên, khi nhân loại trưởng thành, họ nhận ra rằng các luật đạo đức và pháp luật là nền tảng cho xã hội. Chính nhờ tình yêu, sự tôn trọng lẫn nhau và hợp tác hòa bình mà con người và xã hội mới phát triển. Do đó, có thể nói rằng sự dịu dàng và nhẹ nhàng mới thực sự chi phối. Stifter áp dụng “luật nhẹ nhàng” này trong các tác phẩm của mình bằng cách tập trung vào những chi tiết nhỏ nhặt và những nhân vật bình dị, qua đó thể hiện sự tôn trọng đối với những giá trị nhân văn và đạo đức. Ông cho rằng, chính những yếu tố nhỏ bé và tinh tế này mới thực sự định hình và duy trì cuộc sống, hơn là những sự kiện lớn lao và kịch tính. ↩︎
- Xem Vorträge und Aufsätze (1954): Das Ding S. 163 ff.; hoặc xem Vật, từ trang 17; Martin Heidegger, Bùi Văn Nam Sơn, Trustbooks. ↩︎
- Das entgegnende Sagen der Sterblichen ist das Antworten.; When mortals say, and thus encounter, they respond. ↩︎
- Der Weg ist ereignend.; The way is propriating. ↩︎
- transitiv; transitive. Tức loại động từ bắc cầu (ngoại động từ, động từ ngoại động/cập vật [Cao Xuân Hạo]) ↩︎
- mở/làm đường. Xem thêm bewegen, Bewegung: di chuyển, chuyển động ↩︎
- den Weg zu … allererst erbringen und so der Weg »sein«. ↩︎
- die er-eignend-brauchende Be-wegung ↩︎
- “die Sprache als die Sprache zur Sprache bringen” ↩︎
- Das Ereignis ist sagend. ↩︎
- hoặc ‘đưa/đặt vào khuôn khổ’ (Ge-Stell; Framing; enframing). Gestell cũng như khi Heidegger vận dụng lại (Ge-stell) có nhiều nét nghĩa. Gestell ban đầu có nghĩa là ‘vị trí; thứ gì đó được lắp, ghép lại’, sau đó là ‘khuôn khổ làm việc, đặc biệt là của một nhà máy’, và ‘giá đỡ, khung, giá đỡ’, ví dụ như giá treo mũ. Nói chung, ‘đóng khung’ thường được Heidegger ám chỉ đến công nghệ: đưa mọi thứ vào một khuôn khổ có thể quản lý được trong đó chúng có thể được tính toán và thao tác. Xem thêm phần Hölderlin: the later texts (trang 86) trong Heidegger’s Philosophy of Art của Julian Young: “Sự liên kết giữa “tính đời thường” ở đây với “góc nhìn về tính có ích” chắc chắn là ý tưởng có trước của Heidegger khi sau này ông nói về đặc điểm về tính hiện đại như là thời đại của “Gestell”: thời đại thế giới “bị đóng khung”: đối với hầu hết con người, hầu hết thời đại, những tồn tại – kể cả con người – là thế giới mà chúng ta thấy mình xuất hiện như và chỉ như những ‘nguồn lực’.” ↩︎
- nguồn tài nguyên kỹ thuật ↩︎
- das Selbe im Einigenden des Zueinandergehörenden. ↩︎
- Erkennen; knowledge (tri thức) ↩︎
- Aussage; statement; assertion ↩︎
- đặc thù ↩︎
- die ereignende Be-wegung ↩︎
- Friedensfeier ↩︎
- Chuyện trò ở đây được hiểu là ‘đối thoại’, ‘hội thoại’. ↩︎
- Haus des Seins; house of Being. Xem Heidegger, Brief über den Humanismus (Thư về nhân bản), 1947. ↩︎
- Hut des Anwesens; the guardian of presencing ↩︎
- nội tại ↩︎