Press "Enter" to skip to content

CÁI LỚN LAO CỦA ĐỨC

CÁI LỚN LAO CỦA ĐỨC

(DEUTSCHE GRÖSSE)
FRIEDRICH SCHILLER
(1801)

Lời nói đầu. Nhà đại văn hào Đức Friedrich Schiller, người bạn đồng hành của Wolfgang von Goethe, đã làm bài thơ này năm 1801, lúc Pháp tiến hành các cuộc chiến tranh cách mạng. Schiller dự định phát triển những ý tưởng của ông về một Quốc gia văn hóa Đức (deutsche Kulturnation) trong một bài thơ lớn có tính triết lý−chính trị mang tên “Cái lớn lao của Đức”. Nhưng ông đã không thực hiện được, mà chỉ để lại một bản thảo nghiên cứu. Nhưng những ý tưởng được dịch ra dưới đây đã nói rõ tư tưởng mà ông muốn nhắm tới. Schiller muốn khẳng định giá trị của người Đức biệt lập với chính trị: “Vương triều Đức có sụp đổ trong lửa đạn/ Thì cái lớn lao của Đức vẫn vững bền.” Và trong khi “Vương quốc chính trị chao đảo/Vương quốc tinh thần vẫn tiếp tục được dựng xây” Thực tế, Quốc gia Đức về văn hóa, với Weimar là “kinh đô văn hóa”, đã hình thành trước Quốc gia Đức về chính trị một thế kỷ. Và nền văn hóa phát triển cao đã là động lực quan trọng trong cuộc Đại cải cách của nước Đức thế kỷ 19. (Xem thêm Nước Đức Thế Kỷ XIX). Các văn hào Đức thiếu quốc gia, nên đã thành lập ra các Nhà hát quốc gia, Nationaltheater, để thể hiện tính quốc gia bằng con đường văn học. Bao lâu sự tham gia của công dân vào những quyết định chính trị bị từ chối, thì nhà hát trở thành sân khấu chính trị ảo, sân khấu trở thành “nơi chốn thiêng liêng” (Wolf Lepenies). Các văn hào, hay triết gia trở thành những con người thống nhất. Trong “Năm Schiller” 1859, nhà văn Theodor Fontane tuyên bố: “Schiller đến và nước Đức được thống nhất.”

“Đó là một sự tương phản bi thảm trong dân tộc này của thời đại này: Ở chiều sâu của cái thống khổ không có nhà nước (staatlsloses Elend), dân tộc (Đức) đứng trên đỉnh cao của văn hóa tinh thần cá nhân” như một nhà chính trị tiến bộ thời Cộng hòa Weimar viết (Hugo Preuβ). Chẳng phải các nhà thơ không chính trị, nhưng “càng cảm nhận sống động về chính trị, thì họ ý thức rõ hơn, rằng họ là những đứa con của dân tộc chính trị (politisches Volk), mà các tài năng tốt nhất của họ không thể phát triển trong nhà nước, mà ngoài nhà nước thôi”. Cho nên cũng không ngạc nhiên khi Wilhelm von Humboldt trong một bức thư từ Paris gửi cho Goethe tháng 3, 1799, có đoạn viết: “Ai hoạt động trong lãnh vực triết học và nghệ thuật, người đó thuộc về Tổ quốc của anh ta đích thực hơn những người khác. ” Trên vũ đài chính trị lớn, Đức không có tiếng nói, nhưng Nhân phẩm của nó được thể hiện trong Văn hóa (Kultur). Văn hóa là trường tồn, trong khi quyền lực giành được nhanh, và mất cũng nhanh.

Có một cái gì không hòa hợp giữa chính trị và văn hóa ở Đức. Nhà triết học Friedrich Schlegel đi xa hơn khi ông yêu cầu người Đức không nên phung phí niềm tin và tình yêu vào thế giới chính trị, mà nên tập trung tất cả các sức lực vào thế giới của Nghệ thuật và Khoa học. Friedrich Nietzsche, sau khi vì lý do sức khỏe bị trả về từ chiến trường trong cuộc chiến tranh Pháp-Phổ 1870-71, nhìn thấy rõ hơn cái gì là tai hại cho nền văn hóa Đức. Không phải con cọp Pháp, mà chính cuộc chiến thắng sắp tới của Phổ mới là mối đe dọa cho văn hóa Đức. Trong một bức thư gửi cho mẹ và em gái tháng 12, 1870, ông viết: “Đối với cuộc chiến tranh xâm chiếm của Đức, sự ủng hộ của con dần dần thuyên giảm. Tương lai của Văn hóa Đức đối với con đang bị đe dọa hơn bao giờ hết.” Và khi Phổ chiến thắng, Nietzsche nhận định trái ngược với công luận, rằng với sự chiến thắng của quân đội Phổ, văn hóa Đức cũng chiến thắng theo: “Một chiến thắng lớn là một nguy cơ lớn. […] Sự điên rồ này là tai hại nhất […] vì nó có khả năng biến sự thắng trận của chúng ta thành một cuộc bại trận hoàn toàn: cuộc bại trận, vâng sự hủy diệt hoàn toàn tinh thần Đức có lợi cho ‘Vương quốc Đức’”. Nietzsche không sống đủ lâu để kiểm nghiệm lời ông. Cuối thế kỷ 19, cậu bé có cảm nhận tinh tế Albert Einstein ở tuổi 15 không chịu nổi “âm khí” của môi trường xung quanh, nên đã tự ý bỏ trường Luitpold ở Munich để qua Thụy Sỹ tiếp tục học. Hai năm sau, Einstein từ bỏ quốc tịch Đức luôn. Và đầu thế kỷ 20, nước Đức sụp đổ.

Schiller đang sống trong những ngày thách thức cho số mệnh của đất nước ông, một đất nước vô cùng lạc hậu về chính trị và kinh tế, và có nguy cơ sụp đổ trước cơn bão thời đại. Ông thấy cần khẳng định trước thế giới tính cách của người Đức. Chỉ năm năm sau bài thơ, 1806, Phổ, cường quốc quân sự của Đức, đã sụp đổ trước Napoleon trong một đêm đọ sức tại Jena và Auerstedt. Lúc đó Hegel vừa hoàn thành bản thảo của tác phẩm Hiện tượng luận của Tinh thần (Phänomenologie des Geistes), Goethe vừa hoàn tất tác phẩm Faust, phần I; Kant vừa qua đời hai năm trước, Schiller cũng qua đời sau đó, chưa kịp chứng kiến bi kịch đau lòng nhưng tất yếu của đất nước; một năm sau, 1807, nhà khoa học Alexander von Humboldt bắt đầu xuất bản tập I trong 30 tập của tác phẩm Kosmos, và bốn năm sau Gauss đưa ra Thuyết chuyển động của thiên thể; năm năm sau, 1811, nhà công nghiệp trẻ Friedrich Krupp thành lập nhà máy đúc tại Essen, hạt giống đầu tiên cho cuộc cách mạng công nghiệp sắp tới.

Những đoạn lược dịch dưới đây của bài thơ của Schiller rất đáng để suy ngẫm. Người Việt Nam có lẽ cũng nên như thế, phải tự mình phấn đấu và khẳng định giá trị của mình trên mọi lãnh vực. Khi tiềm năng trí tuệ của người Việt đã phát triển lên cao, độc lập với chính trị, chúng ta mới hy vọng đất nước có ngày tươi sáng. Người Việt cần thăng hoa, thì đất nước mới mong thăng hoa. Người Việt cần phải chứng minh rằng dân tộc mình cũng bản lĩnh, cũng thuộc “dòng họ đại bàng” (Xem thêm Diễn văn năm học mới). Hiểu rằng chúng ta làm một cuộc lội ngược dòng lịch sử, điều đó cũng được, để có thêm dũng cảm và thông minh. Các dân tộc khác cũng đã từng lội ngược dòng. Hãy nhìn Tây và nhìn Đông. (Xem Nước Đức thế kỷ XIX) Người Nhật từng tin rằng, họ là dân tộc ưu việt, cho nên họ đã làm Cách mạng Duy tân và ưu việt thật sự. Chúng ta, mỗi cá nhân, cũng hãy chứng minh như thế. Đó cũng là con đường tốt nhất để xây dựng nhân phẩmcủa người Việt Nam, và thể hiện lòng yêu nước, tạo tiền đề để tiến tới một đất nước hạnh phúc.

Nguyễn Xuân Xanh

CÁI LỚN LAO CỦA ĐỨC

Người Đức trong phút giây này

Khi anh ta thất thểu bước ra khỏi

cuộc chiến đầy nước mắt,

nơi hai dân tộc kiêu hãnh

đặt bàn chân lên gáy anh ta

và kẻ chiến thắng quyết định số phận −

thì anh ta còn được phép cảm xúc chăng? Anh ta còn được

phép hãnh diện và vui mừng về cái tên của anh nữa chăng?

Anh ta được phép ngẩng đầu và đứng dậy

với cảm giác tự tin vào hàng ngũ các dân tộc nữa chăng?

Vâng, anh ta được phép chứ! Anh ta bất hạnh bước ra

khỏi cuộc chiến, nhưng cái làm nên

giá trị của anh ta, anh ta vẫn không hề mất.

Vương quốc Đức, và Quốc gia Đức

hai cái khác nhau xa. Sự cao cả

của người Đức không bao giờ

dựa lên các vương miện của vua chúa.

Biệt lập với chính trị, người Đức xây dựng

cho mình một giá trị riêng, và cả

khi Đế chế kia tiêu vong,

thì Nhân phẩm Đức vẫn không hề suy suyển.

Đó là sự lớn lao Đạo đức, nó chứa đựng trong

văn hóa, và trong tư chất của quốc gia,

độc lập với số phận chính trị của các thời −

Vương quốc đạo đức này thăng hoa trên nước Đức,

phát triển mạnh mẽ, và giữa

những đống gạch vụn của tinh thần man dã,

cái tố chất sống động đã hình thành (người Đức sống trong

một ngôi nhà sắp sụp đổ, nhưng bản thân anh ta

là một cư dân cao cả, và trong khi

Vương quốc chính trị chao đảo,

Vương quốc tinh thần vẫn tiếp tục được dựng xây,

củng cố bền chặt và hoàn hảo hơn.)

[…]

cuối cùng, đạo lý và lý tính phải chiến thắng,

Bạo lực hoang dã phải đầu hàng −

và dân tộc chậm chạp nhất sẽ bắt kịp

tất cả những cái gì đi nhanh và qua nhanh.

[…]

Giành được thắng lợi cao cả hơn,

Là kẻ đã vung lên tia chớp của chân lý,

kẻ giải phóng được chính tinh thần,

giành lại tự do của lý tính,

là chiến đấu cho các dân tộc,

(điều đó) đúng cho mọi thời đại.

[…]

Cái cao cả của nước Đức, và vinh dự của nó

không tựa lên vương miện của vua chúa.

Vương triều Đức có sụp đổ trong lửa đạn,

Thì cái lớn lao của Đức vẫn vững bền.

[…]

Mỗi dân tộc có ngày của nó trong lịch sử, nhưng ngày của

Người Đức là vụ mùa của tất cả thời gian…