Press "Enter" to skip to content

Sartre, triết gia của Tự Do

Sartre, triết gia của Tự Do

Nguyến Hoài Vân

Nếu phải dùng một chữ để tóm tắt tư tưởng của Sartre thì tôi sẽ chọn “Tự Do” . Sartre là triết gia của tự do. Điều này càng nặng ý nghĩa trong một giai đoạn mà người ta đặt trên mọi hành vi của con người đủ loại quy định, từ di truyền, tiến hóa, vô thức, chiều đi “tất yếu” của lịch sử, cấu trúc của văn minh, văn hóa, của tương quan xã hội, chưa kể dòng cuốn của giáo dục, của truyền thống, cũng như sức nặng của môi trường, từ môi trường thiên nhiên đến môi trường tâm lý …

Nếu tất cả đã được quy định, thì tự do không có chỗ đứng, và chúng ta chỉ là những con rối trong tay định mệnh, không hơn gì cây soài phải cho ra tráI soài, con chó phải sủa “gâu gâu”, người Việt Nam phải “gì cũng cười”, như lời Nguyễn Văn Vĩnh, người Pháp phải thích rượu nho, người Ý mê tán gái, và người Phi Châu giỏi chạy bộ … Trước những quy định được coi như đương nhiên ấy, Sartre, mặc dù không chối bỏ chúng, đã đem con người ra khỏi cái hệ thống chằng chịt che khuất và bóp nghẹt tính Nhân Bản, đến một bầu trời tự do, trong đó mỗi cá nhân là một sự trở thành, như một trang giấy trắng, trên đó người ta có thể tự do viết lên câu chuyện của cuộc đời mình.

Quy định duy nhất còn tồn tại, là con người bị “kết án phải tự do”. Đồng thời nó lại phải tự giải phóng mình. Mâu thuẫn này đến từ ý thức. Sự vật trong trời đất chỉ có thể “là cái chúng là”, hiện hữu của chúng là “hiện hữu tự nó”. Tảng đá, hoa hồng, con mèo, không thể là gì khác. Con người cũng có thể chỉ là “cái nó là” : thày giáo, ca sĩ, thày tu, bác sĩ, v.v… với những quy định trói buộc mình trong một vai trò, như diễn viên của một vở kịch.

Tuy nhiên, ý thức cho phép con người đem hư vô vào sự hiện hữu đã được quy định ấy, tức đem cái « không hiện hữu » vào thực tại. Một cách cụ thể, ý thức cho phép hình dung cái không có. Ta gọi đó là tưởng tượng hay dự phóng … Người yêu của tôi không có mặt trong gian phòng này. Mặc dù vậy, tôi chỉ nghĩ đến nàng. Mọi thứ ở đây trở thành hư vô, không hiện hữu. Chỉ có nàng hiện hữu trong tâm trí tôi. Hay đúng hơn là trong tâm trí tôi chỉ có sự vắng mặt, sự « không hiện hữu » của nàng. Rồi, tôi thả hồn đến với nàng, mường tượng giây phút gặp lại nàng, sẽ thế này, thế khác … Đó là mầu nhiệm của tự do.

Chính bản thân tôi cũng mang khả năng “là cái mình không là”. Linh mục có thể điên cuồng yêu đương, bác sĩ có thể làm thơ con cóc, tổng bí thư có thể tiểu bậy đầu đường, Đạt Lai Lạt Ma có thể lắc lư nhảy rock … Đó là “hiện hữu vì nó”, cho phép tự do trở thành, để nhân sinh là một dự phóng, một câu chuyện được viết lên từ hư không.

Vấn đề nằm ở chỗ chúng ta vừa là “cái mình là”, “hiện hữu tự mình”, như một sự vật, hành động không khác diễn viên của một vở kịch, vừa là “cái mình không là”, « hiện hữu vì mình”, hư vô hóa mọi vai trò đã được định trước. Hai khía cạnh ấy diễn bày mâu thuẫn đã nói ở trên, đồng thời, vì chỉ có con người mang mâu thuẫn này, nên đó chính là ngọn lửa chiếu ra ánh sáng Nhân Bản nơi con người : Hiện Sinh là một lý thuyết Nhân Bản.

Ý thức tự do cũng là ý thức rằng : « cái tôi là » không có lý do gì để hiện hữu. Nói cách khác, tôi, như một « hiện hữu vì mình », không phải chịu bất cứ ràng buộc hay quy định nào (nếu không thì không còn tự do !), nên tôi hoàn toàn có thể hiện hữu hay không, có thể thế này hay thế khác. Sự hiện hữu “vì mình” của tôi, như thế, hoàn toàn ngẫu nhiên, cũng như sự không hiện hữu của tôi. Rồi sự tước đoạt ý nghĩa của hiện hữu cá nhân, lan đến hiện hữu của sự vật chung quanh, cũng bị xóa đi mọi ý nghĩa. Kết quả là một cảm giác chóng mặt đến « buồn nôn », tựa của một tiểu thuyết thường được trích dẫn …

Như đã gợi ý ở trên, sự tự do của ý thức mâu thuẫn với thực tế của bản thân. Tôi là đàn ông hay đàn bà, cao hay thấp, xấu hay đẹp, giàu hay nghèo, dân nước này hay nước khác … là những thực tế mà tôi đã không chọn lựa. Nếu sự tự do cho phép tôi luôn có thể vượt lên khỏi những quy định vừa nói, nếu con người tự nó là một sự siêu việt, luôn có khả năng thoát khỏi những trói buộc của một sự nhận dạng cố định, để tạo nên một khoảng cách, để “hư vô hóa” những gắn bó với cái « nó là », thì có một yếu tố khiến khả năng ấy bị hóa giải. Đó là cái nhìn của người khác. Người khác nhìn bạn như cái bạn « là », tức khía cạnh thực tế của bản thân bạn. Y thức cái nhìn ấy đem bạn trở về với cái thực tại bị quy định, xóa bỏ khoảng cách của “hiện hữu vì nó” (không bị quy định), với « hiện hữu tự nó » (bị quy định).

Sartre lấy thí dụ một người nhìn trộm qua ổ khóa : ý thức của anh ta thoát khỏi thực tế bản thân, và trở thành ý thức những gì anh ta đang nhìn. Chợt có người bước đến trông thấy anh ta. Khi ấy, anh ta bị lôi về với thực tại : anh ta là một thày giáo, đang lom khom nhìn qua ổ khóa. Cái nhìn của tha nhân, đem chúng ta trở lại ngục tù của một thực tại bị quy định. Đó là ý nghĩa của câu : « địa ngục là tha nhân ». Thật vậy, tha nhân hiện diện như những hiện hữu “có lý do”, vì được quy định, trong khi hiện hữu « vì mình » của tôi như một hư không. Nó vô ích, ngẫu nhiên, không có lý do gì để tồn tại. Tôi có thể cảm thấy cần phải lẩn tránh mặc cảm này để khoác cho mình một chiếc áo, mang một mặt nạ, ẩn trốn sau một vai trò, để hy vọng rằng với nó, tôi « có quyền » hiện hữu như một nhân vật cần thiết, được Thiên Chúa hay xã hội tạo nên, được giao phó cho một sứ mạng. Sartre gọi con người ấy là một kẻ đểu giả, lừa dối người, và tự lừa dối mình …

Trong phần sau của cuộc đời ông, Sartre tìm cách đem thuyết Hiện Sinh ra khỏi ranh giới cá nhân, để hội nhập nó vào xã hội. Tác phẩm chủ yếu của giai đoạn ấy là Phê Bình Lý Trí Biện Chứng.

Biện chứng là một chuỗi phủ định, cũng như sự phủ định cái tôi thường hữu, “hiện hữu tự nó”, hiện hữu như một sự vật, đã được phân tích trong “Hiện hữu và Hư Vô”. Ở đây, con người kết hợp với những người khác qua hành động tập thể, để phủ định một cấu trúc xã hội, và hình thành một hệ thống tương quan mới. Tổng hợp của những hành động tập thể ấy, là lịch sử. Qua lịch sử, ý nghĩa của hành vi của con người trong bối cảnh xã hội, có thể được nhận diện.
Lập lại Marx, Sartre cho rằng con người làm nên lịch sử, nhưng trong điều kiện đã được định trước. Điều kiện ấy là sự thiếu thốn. Vì sợ thiếu thốn nên người ta làm việc, rồi tích lũy, chiếm đoạt, đưa đến bất công và đấu tranh. Thiếu thốn luôn ẩn tàng dưới mọi hành động tập thể, chẳng hạn như đấu tranh. Vì thế, dù đấu tranh khởi đi từ “tự do hành động”, sự tự do ấy cũng sẽ “hư vô hóa” chính nó, để tình đồng chí huynh đệ biến thành áp đặt, kỷ luật, thậm chí thanh trừng sắt máu. Tương tự như thế, những lý tưởng tự do cao đẹp của các cuộc cách mạng cũng biến thành cái “nó không là”, với độc tài, giết chóc, tàn sát, lưu đày tập thể.
Rồi, cùng với cảm giác thiếu thốn, môi trường xã hội và thiên nhiên, như “nó là”, hiện hữu “tự nó”, luôn được cảm nhận như một đe dọa đối với sự hiện hữu “vì nó” của con người. Tự do bị đe dọa, hành động của con người bị điều kiện thực tế đảo ngược, khiến nó không làm được điều nó đã muốn, và không muốn những gì nó đã phải làm (lời các cựu chiến binh khi quay lại nơi đã bị họ tàn phá).

Trong điều kiện ấy, con người làm sao lấy lại được sự tự do của mình trong lịch sử ? Câu trả lời là : bằng cách Hiểu Biết những cơ chế của hành động tập thể, bắt đầu từ sự thiếu thốn, thâm nhập sâu xa vào tâm thức. Khi ấy, trong đấu tranh, tôi ý thức được những động cơ của đối phương, những kẻ cũng đấu tranh như tôi, tôi hiểu được kẻ thù từ bên trong đầu óc họ. Như thể tôi tự đồng hóa với họ …

Quan điểm về lịch sử của Sartre được coi như không phù hợp với những quan sát của Nhân Chủng học, đua đến một cuộc tranh cãi rất được chú ý với Claude Lévy Strauss, mà chúng ta có thể bàn đến trong một dịp khác.

Mặt khác, nhiều người, như Merleau Ponty, cũng nhận xét là Sartre đã không biện minh được cho sự tổng hợp những ý thức cá nhân « hiện hữu vì nó », tức những “định mệnh” riêng rẽ, phức biến và đa dạng, trong một dòng chảy duy nhất là lịch sử. Trong “Hiện Hữu và Hư Vô”, sự vật hiện hữu qua ý thức của mỗi cá nhân, một cách độc lập, tự do, không quy định. Vậy, làm sao dòng lịch sử, với bản chất là liên tục lưu chuyển, có thể có được một ý nghĩa đồng nhất, khi nó phải tổng hợp sự cá biệt, gián cách, của muôn triệu ý thức nơi mỗi con người ?
Những khó khăn kiểu này nhiều khi đã đưa Sartre đến tự mâu thuẫn. Tuy nhiên, phải chăng sự « hư vô hóa » quan điểm của chính mình như thế, chính là điều kiện để suy tư là một sự trở thành không bị trói buộc, và đó chính là “Hiện Sinh” ?

Trong cuộc sống của Sartre, nhiều mâu thuẫn cũng đã được ghi nhận. Từ triết gia của tự do cá nhân, ông trở thành “bạn đường” của đảng Cộng Sản. Từ thân Liên Sô, Cuba, Trung Hoa … gọi « những kẻ chống Cộng là đồ chó », ông trở thành người vận động tích cực cho việc đón nhận thuyền nhân Việt Nam. Sartre từ bạn, trở thành đối thủ, trước khi làm hòa với Aron, cũng như với Camus (khi ông này qua đời) … Thật ra, một số mâu thuẫn có thể đến từ tính khí cá nhân hơn là triết lý, như việc Sartre không ngớt hô hào « trí thức dấn thân » nhưng lại « rất ít dấn thân » trong thời Quốc Xã (thậm chí từng chiếm chỗ dạy học của một đồng nghiệp gốc Do Thái) …

Dù sao, một trong những ấn tượng mà Sartre còn để lại ngày hôm nay, có lẽ vẫn là thái độ không nhân nhượng, không những đối với các trào lưu tư tưởng thời thượng, mà cả với suy tư của chính mình.

Nguyễn Hoài Vân

§§§§§§§§§§

Đọc thêm :

Vì sao Sartre từ chối giải Nobel ?

Lý do Sartre từ chối giải Nobel được thấy rõ trong “Les Mots” (Lời Nói). Ông coi sách vở như những nấm mồ, và tủ sách như một nghĩa trang. Tư tưởng được đưa vào sách vở để chết và rữa nát trong đó. Chết, vì không còn được cập nhật, không còn có thể “tiến hóa”. Rữa nát vì tất cả những gì nói ra vào một thời điểm sẽ bị phủ định, gạt bỏ, một phần hay toàn thể, sau đó.

Giải Nobel tưởng thưởng toàn bộ công trình, tác phẩm của một nhà văn. Nếu Sartre nhận giải Nobel, thì ông phải tự coi như mình đã chết, đã được cho vào mồ, vào nghĩa địa, như những quyển sách đã mất tác giả. Sartre cho rằng mình vẫn sống, vẫn hiện hữu, và hiện hữu, đối với ông, là một tiến trình, một “dự án” luôn được cập nhật, hôm nay khác với hôm qua, ngày mai khác ngày hôm nay.

Ông không thể chấp nhận để người ta nhét vào một ngôi mộ, sau khi đậy nắp quan tài với một giải thưởng tôn vinh “toàn bộ” công trình văn học và tư tưởng của mình, như thể nó đã chấm dứt, nó chỉ là thế !

Điều ấy phản lại thái độ “Hiện Sinh”.

§§§§§§§§

Vô Thức không có thật ? Quan điểm của Sartre

Cần nói ngay là Vô Thức ở đây được quan niệm như nơi người ta dồn nén những gì ý thức không muốn nhận biết. Dồn nén là một trong bốn cơ chế của sự hình thành Vô Thức, theo thuyết Phân Tâm của Freud.

Sartre cho là muốn dồn nén bất cứ điều gì thì điều ấy đã phải được ý thức, và được phê phán. Vì thế, cái Vô Thức mà Freud mô tả, chỉ là một phần của ý thức mà người ta chọn không nhìn đến, vì không đủ can đảm chấp nhận những gì nó chứa đựng. Đó chẳng qua là kết quả của sự dối trá với chính mình.

Hiểu như thế, con người không còn bị bị quy định bởi những thế lực “bí mật” mai phục trong bóng tối của Vô Thức nữa, mà có thể nhìn thẳng vào tương lai, tự do viết lên câu chuyện của cuộc đời mình. Điều này không có nghĩa là con người không phải chịu rất nhiều quy định khác (đến từ di truyền, tiến hóa, môi trường, xã hội, v.v…) nằm trong cái mà Sartre gọi là “hiện hữu tự nó”.

Trong lãnh vực trị liệu, Freud tìm trong Vô Thức những dồn nén tích tự từ quá khứ, như căn nguyên của các chứng bệnh tâm lý. Sự phân tích, tìm kiếm này có thể kéo dài nhiều năm. Woody Allen cho biết “giai đoạn khó khăn nhất trong phân tâm trị liệu là … tám năm đầu !”
Khi đã loại bỏ khái niệm Vô Thức như Freud quan niệm, thì nhà tâm lý trị liệu có thể không cần lục tìm căn nguyên của trục trặc tâm lý trong quá khứ nữa, mà trực tiếp hướng đến tương lai, để giúp bệnh nhân xây dựng một “dự án”. Các phương pháp tâm lý trị liệu hiện đang thịnh hành đều áp dụng quan điểm này. Thí dụ trước một người sợ những không gian đóng kín, người ta sẽ không ra công “phân tâm”, tìm trong quá khứ một biến cố chấn thương nào đó, lần lên đến lúc sơ sinh, hay cả trong bụng mẹ, mà đề nghị một chương trình luyện tập từ từ cho người ấy quen dần, và không còn sợ những nơi đóng kín nữa. Thường chỉ mất khoảng 10 tuần, hay ít hơn.

Sự đối chọi này có thể được coi như đối chọi giữa quá khứ và tương lai, hay giữa “định mệnh” và tự do. Charles Pepin tưởng tượng một mẩu đối thoại giữa Sartre và Freud như sau :
Freud bảo : “làm sao ông có thể nghĩ mình chữa lành bệnh chỉ bằng cách vạch ra cho bệnh nhân một chương trình, một dự án ?”
Sartre trả lời : “như thế vẫn còn hơn là ném vào mặt họ một định mệnh !”

(*) Vô thức cũng có thể được quan niệm như một “tập hợp giải pháp”, hay đơn thuần như một “nơi tàng trữ” (nghĩa chữ “Alaya” trong Sanskrit), hoặc một tập hợp những hoạt động “không được ý thức” của bộ óc với 150 ngàn tỷ kết nối giữa các tế bào thần kinh.

§§§§§§§§§

Vài trích dẫn nổi tiếng :

“Con người là một đam mê vô ích”

Trong Hiện Hữu và Hư Vô, con người mang khát vọng hướng đến trạng thái « tự nó – vì nó » từc vừa có sự yên ổn tiện nghi của « tự nó », vừa thỏa mãn nhu cầu tự do với hiện hữu « vì nó ». Khát vọng ấy chính là đạt đến một trạng thái tương đương với sự hiện hữu của … Thiên Chúa ! Khỏi nói là nó không thực tế, nên chỉ là « một đam mê vô ích ».

« Hiện hữu có trước bản chất »

Nếu bản chất có trước, thì nó đã quy định hiện hữu, hiểu như « hiện hữu vì nó », hoàn toàn tự do, không bị quy định. Vì thế bản chất chỉ có thể đến sau hiện hữu.

“Những kẻ chống Cộng là đồ chó”

Theo Sartre mỗi giai đoạn lịch sử được giải thích bởi một lý thuyết tổng hợp những vận động của xã hội loài người. Trong giai đoạn mà ông quan sát, lý thuyết ấy là học thuyết Marx, biểu hiện bằng lý tưởng Cộng Sản. Vì thế, những người không ý thức được dòng vận chuyển ấy của lịch sử, mặc nhiên nằm ngoài cái gọi là « loài người được tóm tắt bằng lịch sử », tức không nhận diện được « nhân tính » của mình như thành phần của lịch sử loài người biết ý thức chính nó.

“Địa ngục là tha nhân”

Theo Sartre, tha nhân nhìn chúng ta như sự vật, như « hiện hữu tự nó », được ấn định sẵn, « phải như thế ». Điều này xóa bỏ tự do, xóa bỏ khoảng cách giữa « hiện hữu tự nó » và « hiện hữu vì nó », không bị quy định, nền tảng của tính Nhân Bản. Tha nhân tạo nên một thế giới trong đó sự hiện hữu ngẫu nhiên, « vì nó », không lý do, không chịu quy định, của chúng ta, không có chỗ đứng. Giữa những con người mang những vai trò rõ rệt, những con người hiện hữu vì vai trò ấy chúng ta như kẻ lạ mặt, lạc lõng, bơ vơ … Đó là địa ngục.

Quan điểm này bị thay đổi nhiều trong Phê Bình Lý Trí Biện Chứng, khi Sartre phân tích hành động tập thể.

Cần nói là nó hoàn toàn bị lật ngược với Levinas, qua khái niệm « hiện hữu vị tha », hiện hữu vì tha nhân (xem bài phê bình phim Gran Torino : http://tho-van-phim.blogspot.fr/2015/11/gran-torino.html).

“Sự chết không bao giờ đem lại ý nghĩa, mà ngược lại tước bỏ mọi ý nghĩa của cuộc sống”

Đâu là ý nghĩa của cuộc sống đối với một triết gia hiện sinh ? Ý nghĩa ấy chỉ có thể nằm trong sự trở thành, trong câu chuyện được viết lên vào mỗi giây phút, tức như thể nó không cần phải kể bất cứ gì.

Sự chết thì chỉ có ý nghĩa như kết cuộc của một câu chuyện. Ý nghĩa của nó là ý nghĩa của câu chuyện được kể lại. Vì thế, ngoài khía cạnh hiển nhiên là sự chết cắt đứt dòng trở thành của cuộc sống, ý nghĩa mà người ta gán cho nó không những hoàn toàn xa lạ với thái độ hiện sinh, mà chính là sự triệt tiêu cái ý nghĩa của cuộc sống được hiểu như « không cần phải kể bất cứ gì » mà chúng ta vừa bàn đến.

“Mọi hiện hữu sinh ra không lý do, kéo dài vì hèn nhát và chết bởi tình cờ”

Bối cảnh của câu này là tiểu thuyết « Buồn Nôn ». Roquentin, nhân vật chính, nhìn sự vật trần truồng, vô nghĩa, hay nói đúng hơn là không còn được che đậy bởi những cái gọi là « ý nghĩa » được người đời tạo nên. Không còn ý nghĩa, không còn « để làm gì », không còn « tại sao », đó là sự phục thù của thực tại trên mộng tưởng hư huyễn của con người. Hiện hữu chỉ hiện hữu vì nó hiện hữu. Sự chấm dứt hiện hữu cũng thế.

Tuy nhiên, chính vì thế giới mang tính ngẫu nhiên, vì không có gì được định trước, nên tất cả đều có thể xảy đến. Một điệu nhạc, một gặp gỡ, một hương thơm, một ánh mắt, vị ngọt của một quả nhãn, cảm giác mát rượi của một ly bia, cảnh hoàng hôn … đều có thể thay đổi tất cả. Buồn nôn không còn nữa, cuộc sống từ nặng nề trở nên thanh thoát, và khoảng thời gian đang sống (hiện sinh) có được một biện minh.

Con người mang trong nó khả năng thoát khỏi địa ngục. Trước sự vô nghĩa, nó biết trả lời bằng : Tự Do. Và Roquentin gián đoạn luận án dang dở của mình, để viết một tiểu thuyết …

Nguyễn Hoài Vân