Lý Thuyết Nhà Nước trong Thời Đại Khai Sáng
Tôn Thất Thông
Lý thuyết nhà nước trong thời đại khai sáng
Tôn Thất Thông
Các dòng triết học chính trị, nhất là lý thuyết nhà nước tại châu Âu trong hai thế kỷ khai sáng rõ ràng mang tính chất cách mạng triệt để, tạo ra những biến đổi hệ hình sâu sắc, chi phối diện mạo chính trị của thế giới trong những thế kỷ tiếp theo. Nhìn từ quan điểm lịch sử, bài này khảo sát công trình của các triết gia chính trị trong thời đại khai sáng, những công trình còn để lại ảnh hưởng cho đến ngày nay. Bài này gồm hai phần. Sau đây là phần một.
***
Để khảo sát lý thuyết nhà nước trên phương diện lịch sử, tốt nhất chúng ta nên trở về thời cổ đại với Socrates, Plato và Aristotle, vì ý niệm chính trị của giai đoạn đó rất có giá trị lịch sử đế chúng ta thấy sự liên hệ với các giai đoạn sau. Nói cho cùng, nền dân chủ Hy Lạp, chủ nghĩa cộng hòa La Mã và gốc rễ của tinh thần Kitô là nền tảng chung của lý thuyết chính trị tại châu Âu cho đến cuối thời kỳ trung cổ. Tuy nhiên, trong khuôn khổ khảo sát lý thuyết nhà nước của thời đại khai sáng, chúng ta có thể giới hạn bớt khung thời gian, và bắt đầu trước hết ở thời trung đại, khi các nhà tư tưởng bắt đầu tách rời mô hình tư duy của họ ra khỏi truyền thống cổ đại cũng như hệ tư tưởng Kitô.
Đến thế kỷ 15, hệ thống chính trị tại châu Âu ngày càng yếu kém, chế độ phong kiến cát cứ trên đường lung lay sụp đổ, thêm vào đó, cái chết đen bắt đầu từ năm 1346 vẫn còn để lại hệ lụy không thể xóa nhòa sau hơn một thế kỷ. Châu Âu chưa kịp hồi phục thì tiếp theo cơn địa chấn chính trị xảy ra vào năm 1453, khi đế chế Ottoman chiếm Constantinople, làm cho đế chế Byzantine hoàn toàn sụp đổ, chấm dứt sự thống trị của Đế chế La Mã vốn đã tồn tại gần 2000 năm trên lục địa châu Âu. Biến cố này làm cho các vương triều ở lục địa phải hoảng hốt đi tìm lý thuyết nhà nước mới, nhằm củng cố chế độ để nâng cao khả năng bảo vệ quyền lực chống lại những bất ổn xã hội bên trong và đối kháng với các cuộc tấn công từ bên ngoài.
Bối cảnh lịch sử thế kỷ 15 với nhiều biến cố trọng đại đã có ảnh hưởng rất lớn lên sự phát triển nền triết học chính trị lúc ấy, nhất là tại Ý. Đó là trào lưu phục hưng đang trên đà nở rộ; là cuộc di tản ồ ạt học giả vùng Byzantine sau khi Constatinople thất thủ, đưa vô vàn tác phẩm văn hóa có giá trị từ trung đông sang tây Âu; là những cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp và Tây Ban Nha vào bán đảo Ý; là các cuộc thám hiểm liên lục địa ngày càng có nhiều tiếng vang; là sự phân liệt của giới học giả đương thời thuộc hai dòng tư tưởng: triết học và thần học, trong đó triết học ngày càng chiếm ưu thế; truyền thống cổ đại và hệ tư tưởng Kitô không còn là khuôn mẫu định hướng cho giới học giả tinh hoa.
Trong bối cảnh đó, các triết gia chính trị bắt đầu đưa ra những tiền đề mới để tương thích với thời đại mới, một thời đại đầy rẫy tranh chấp, xâm chiếm đất đai, tiêu diệt lẫn nhau với chết chóc, tàn phá và cướp giựt khắp nơi. Tình hình đó làm cho “nhà nước mạnh” trở thành thuật ngữ đầu môi được các triết gia chính trị ưa chuộng. Nổi bật lên trên hết là Nicolò Machiavelli thuộc cộng hòa Firenze ở Ý và Jean Bodin người Pháp sau đó nửa thế kỷ. Ngoài ra, có thể kể thêm Hugo Grotius người Hà Lan và Samuel von Pufendorf người Đức.
Nicolò Machiavelli (1469-1527, trái);
Jean Bodin (1529-1596, phải), tác giả: François Tuerhelt.
So với Machiavelli, lý thuyết nhà nước quyền lực của Jean Bodin xem ra ôn hòa hơn, có thể xem như là con đường trung dung giữa một bên là những ý tưởng cực đoan của Machiavelli và bên kia là những khái niệm tiến bộ sau này về luật tự nhiên và quyền công dân.
Tuy nhiên, dù đã có những nhân tố mới, hai triết thuyết chính trị này về căn bản vẫn là xây dựng và củng cố quyền lực tuyệt đối của nhà nước nhằm mục đích bảo vệ sự tồn tại của chế độ quân chủ chuyên chế, trong đó tất cả quyền lực đều tập trung trong tay một “nhà chuyên chế mạnh”, vốn dĩ không có người nào hoặc định chế nào có thẩm quyền kiểm soát. Mọi phương tiện, kể cả bạo lực đều được xem là hợp pháp khi nhà chuyên chế sử dụng chúng để bảo vệ quyền lực. Nói tóm lại, nhà chuyên chế có một quyền lực tuyệt đối đứng trên tất cả các định chế chính trị, đứng trên luật pháp, đứng trên mọi quan tòa và tất nhiên đứng trên mọi công dân. Quyền lực tuyệt đối đó được vua Louis XIV phát biểu một cách ngạo mạn trước quốc hội Pháp: Nhà nước, chính là ta[1].
Cho đến thế kỷ 16, châu Âu vẫn còn là quê hương của các chế độ quân chủ chuyên chế tồn tại song song với các định chế thần quyền thuộc giáo hội Kitô. Đối tượng của nghiên cứu chính trị là tìm đường để bảo tồn và nâng cao quyền lực nhà nước. Các nhà nước thế quyền đều có cơ cấu gần giống nhau: bên trên là những nhà chuyên chế, tức là vua hoặc hoàng đế, được Giáo Hoàng phong quang, được Thượng Đế thừa nhận tính chính danh và có quyền hành không giới hạn. Tiếp đến là hàng quý tộc và giáo sĩ thay mặt cho nhà chuyên chế và Giáo hoàng cai quản mọi lớp người khác. Thần dân bên dưới chỉ biết phục tòng. Nhà chuyên chế có thể ban hành luật pháp và cũng có thể hủy bỏ chúng bất cứ lúc nào. Luật pháp chỉ áp dụng cho thần dân, chứ không ảnh hưởng đến các hoạt động của nhà chuyên chế.
Lý thuyết nhà nước quyền lực vì thế được các cộng hòa cát cứ của Ý và nhất là các triều đại chuyên chế của Pháp ủng hộ, cho nên trở thành lý thuyết có ảnh hưởng nhất lúc đó. Trong bối cảnh thường trực tranh chấp quyền lực với giáo hội Kitô, lý thuyết nhà nước này cung cấp cho các vương triều một công cụ mới để hạn chế ảnh hưởng của giáo hội trên chính trường. Lý thuyết nhà nước quyền lực tuy là một bước tiến của lịch sử, vĩnh viễn giã từ chế độ phong kiến cát cứ phân quyền, nhưng không thay đổi thực chất đời sống chính trị lúc đó, không khác gì là bình mới rượu cũ. Hơn thế nữa, lý thuyết nhà nước quyền lực là cơ sở triết học để bảo vệ chế độ quân chủ chuyên chế lỗi thời còn tiếp tục tồn tại ở châu Âu thêm một thời gian dài.
Có một ngoại lệ là đảo quốc Anh, nơi các sáng kiến mới về thể chế chính trị luôn luôn đi sớm hơn các nước khác ở lục địa.
Đảo quốc Anh: nơi sinh thành nhà nước hiện đại
Lý thuyết chính trị thường xuất hiện để giải quyết mâu thuẫn xung khắc giữa một bên là thực tế nhiễu nhương về chính trị, xã hội, và bên kia là ý muốn đổi thay của đa số người dân. Tùy theo mức độ xung khắc, lý thuyết ấy có thể mang tính chất cải lương, cải cách hay cách mạng. Các dòng triết học chính trị, nhất là lý thuyết nhà nước tại châu Âu trong hai thế kỷ khai sáng rõ ràng mang tính chất cách mạng triệt để, nhằm tạo ra những biến đổi hệ hình sâu sắc, chi phối diện mạo chính trị của thế giới trong những thế kỷ tiếp theo. Mặc dù các dòng triết học đó chưa tạo nên những thay đổi hệ thống chính trị đương thời, thực hiện các sáng kiến của triết gia đúng vào giai đoạn đó như họ mong muốn, nhưng chúng là nguồn cảm hứng tạo nên những cuộc cách mạng vĩ đại nhất của loài người, không riêng ở châu Âu và châu Mỹ vào cuối thế kỷ 18, mà nguồn cảm hứng đó còn thâm nhập vào các lục địa khác trong thế kỷ 19 và 20.
Trước hết, chúng ta hãy khảo sát sơ lược xã hội đảo quốc Anh đầu thế kỷ 17, xem thử tình hình chính trị đương thời tác động thế nào lên tư tưởng của giới học giả, để từ đó soi sáng thêm bản chất và nội dung các triết thuyết chính trị được ra đời trong thời đại khai sáng. Anh là một nước có truyền thống dân chủ lâu đời nhất trên thế giới. Ngay từ năm 1215, văn kiện Đại Hiến chương Tự do (Magna Carta Libertatum) ra đời được xem như là nền tảng của hiến pháp Anh sau này. Hiến chương này quy định sự phân chia quyền lực giữa nhà vua và giới quí tộc, cũng như quy định việc thành lập quốc hội có thẩm quyền giải quyết các vấn đề quan trọng thay vì thuộc về nhà vua như trước đó. Mặc dù quyền hành của quốc hội có lúc nhiều lúc ít, tương quan lực lượng giữa quốc hội và nhà vua có lúc mạnh lúc yếu, nhưng cơ chế đó vẫn tồn tại và không ngừng được cải thiện theo thời gian.
Đến đầu thế kỷ 17, cơ cấu chính trị của đảo quốc Anh đã định hình tương đối vững chắc kéo dài đến hôm nay. Mặc dù tương quan quyền lực giữa các định chế nhà nước không ngừng thay đổi, nhưng về cấu trúc thì vẫn giữ nguyên. Lúc ấy, bên cạnh nhà vua có quyền hành cao nhất, họ còn có một Privy Council có vai trò như nội các ngày nay; họ còn có quốc hội với hai viện: Thượng viện (House of Lords) bao gồm các thành viên do nhà vua chỉ định[2], và hạ viện (House of Commons) gồm đại diện các địa phương cử đến[3]. Lúc đó, quốc hội có bốn ủy ban quan trọng có thẩm quyền xử lý bốn vấn đề lớn: Lập pháp, thuế má và chi thu tài chính, ngân sách triều đình và tôn giáo. So với tất cả các nước khác ở lục địa châu Âu, cơ cấu chính trị của Anh lúc đó có thể xem là vững vàng nhất, tiến bộ nhất, tương đối hiệu quả nhất trong việc giới hạn quyền lực nhà vua và bảo vệ quyền tự nhiên của công dân. Tuy nhiên, có lẽ kinh nghiệm và trình độ hiểu biết của giới chính trị ở Anh chưa đủ cao để sử dụng một cách hiệu quả lợi thế về cơ cấu. Điều đó làm phát sinh mâu thuẫn gay gắt giữa các nhóm thành viên, nhất là kể từ giữa thập niên 1620, lúc triều đại Charles I bắt đầu trị vì Anh quốc.
Charles I vốn không phải là người được chuẩn bị chu đáo cho vai trò trị vì vương quốc, một người thiếu kinh nghiệm chính trị, xuất hiện rụt rè, có vấn đề về khả năng phát ngôn. Ngay từ những năm đầu tiên, Charles I đã tạo nên xung đột với quốc hội. Triều đại này chứng kiến một thời kỳ đầy biến động chính trị và bạo lực xã hội, tạo nên những mâu thuẫn bên trong dường như khó lòng giải quyết. Dù thiệt hại vật chất và nhân mạng không bằng cuộc chiến tranh tôn giáo 30 năm đang xảy ra đồng thời tại lục địa, nhưng các biến động ở Anh đã gây nên thiệt hại vô cùng lớn lên đời sống chính trị và xã hội. Mâu thuẫn nội bộ lần này có lẽ là lớn nhất trong lịch sử nước Anh cho đến lúc ấy.
Đó là thời kỳ phân liệt tôn giáo giữa Thiên chúa và Tin lành, giữa các giáo phái Tin lành khác nhau, tạo nên nghi kỵ chia rẽ trong nội bộ người dân Anh và đấu tranh không khoan nhượng giữa các tổ chức chính trị theo các giáo phái khác nhau. Đó là thời kỳ tranh giành quyền lực gay gắt giữa nhà vua và quốc hội, có lúc nhà Vua bị mất hết quyền vì không được quốc hội chuẩn y tài chính để hoạt động, có lúc nhà vua phải lưu vong ở ngoại quốc, có lúc tranh chấp dẫn đến việc giải tán quốc hội. Đó là thời kỳ đầy bạo lực giữa các phe phái chính trị, tố cáo lẫn nhau, đe dọa, tù đày thậm chí khủng bố, ám sát, hành hình. Đó là thời kỳ nội chiến kéo dài gần 20 năm giữa các nhóm chính trị, một bên ủng hộ nhà vua, bên kia thuộc phe quốc hội, cũng như nội chiến giữa các tiểu quốc Anh, Tô Cách Lan và Ái Nhĩ Lan trong Vương quốc Thống nhất. Đó cũng là thời kỳ vươn lên của quân đội vốn đứng về phe quốc hội và công khai tham dự vào chính trường với một gương mặt mới là Oliver Cromwell, mở đầu thời kỳ cai trị ngắn ngủi của độc tài quân phiệt. Bắt bớ, bỏ tù người khác chính kiến, thanh trừng bạo lực đối với thành phần chống đối ngày càng tăng lên một cách đáng sợ. Quốc hội có lúc bị giải tán một phần, thu gọn số lượng thành viên từ 500 nghị sĩ xuống còn 60 mà sử sách ngày nay gọi là Rump Parliament.
Cao điểm các biến động chính trị ấy sự kiện nhà vua Charles I bị bắt giam, bị tố cáo tội phản quốc và bị kết án tử hình ngày 30 tháng giêng năm 1649 sau 24 năm trị vì. Sự kiện nhà vua bị đưa lên máy chém là chuyện chưa hề có tiền lệ trong lịch sử châu Âu, và mãi gần 150 năm sau mới có một trường hợp thứ hai trong cuộc cách mạng Pháp, khi vua Louis XVI bị chém đầu năm 1793. Biến cố hành hình Charles I đã gây một chấn động lớn trong xã hội, mặc dù ông cũng không được ưa thích trong dân chúng.
Nhưng mặt khác tích cực hơn là chế độ quân chủ bị đập tan kể từ 1649. Đảo quốc Anh trở thành một nước cộng hòa đầu tiên với tên gọi chính thức là Commonwealth of England; quyền lực quốc gia được phân chia rõ rệt thành quyền lập pháp của quốc hội và quyền hành pháp của hội đồng quốc gia (Council of State); hiến pháp cộng hòa đầu tiên của Anh và cũng là đầu tiên của cả châu Âu được ban hành năm 1653. Đến 1660, hai năm sau khi Cromwell mất, vương triều được tái lập, nền cộng hòa cũng bị giải tán sau 11 năm tồn tại. Mặc dù Cromwell là vị tướng độc tài cá nhân, cai trị đảo quốc Anh bằng bạo lực và đàn áp, nhưng chỉ sau thời gian ngắn ngủi một thập niên, sau khi thoát khỏi vòng kiềm tỏa của chế độ quân chủ, tinh thần cộng hòa dân chủ đã được ăn sâu bám rễ vào ý thức của giới tinh hoa, tạo nên ảnh hưởng lâu dài lên nền chính trị nước Anh. Đó là mảnh đất màu mỡ cho những triết thuyết chính trị mới mẻ được ươm mầm.
Một tính chất chung của trào lưu khai sáng là, đa số các sáng kiến chính trị mang tính cách mạng đều xuất phát từ các “triết gia phòng trà[4]” (salon politicians). Họ có tư tưởng mới lạ, sáng kiến trong hành động nhưng chưa có kinh nghiệm thực tiễn trong guồng máy cai trị, vì thế sáng kiến mang tính chất lý tưởng, có lúc không tránh khỏi tính viễn vông. Thí dụ như khái niệm cộng hòa của Rousseau có thể phù hợp với các quốc gia thành phố nhỏ bé thời Hy Lạp cổ đại, hoặc lớn hơn một ít như cộng hòa La Mã, cộng hòa Venezia, cộng hòa Genève nơi Rousseau sinh sống, nhưng chắc hẳn khó lòng thích hợp với các xã hội phức tạp và đông dân sau này[5].
Nhưng trong bối cảnh lịch sử hỗn loạn của đảo quốc Anh, hơn nữa vì sự gắn bó thiết thân với hoạt động thường nhật, các triết lý chính trị hiện đại ra đời với hai khuôn mặt đầu tiên vốn có nhiều trải nghiệm cá nhân. Hai triết gia này không những là nhân chứng lịch sử, mà còn là những tác nhân quan trọng trong đời sống chính trị nước Anh, có sức ảnh hưởng mạnh lên các nhà lãnh đạo cao cấp. Đó là Thomas Hobbes và John Locke. Mặc dù lý thuyết của hai triết gia này chưa hẳn là hoàn hảo, nhưng các khái niệm và mô hình tư duy của họ là nguồn cảm hứng vô tận cho một lớp triết gia chính trị đông đảo tại châu Âu cho đến cuối thế kỷ 18.
Riêng trong lĩnh vực lý thuyết nhà nước của thời đại khai sáng, để trình bày tương đối đầy đủ, chúng ta phải khảo sát ít nhất sáu đại triết gia nổi bật, trong đó có hai cây đại thụ của giòng triết học khai sáng là Immanuel Kant và Georg Wilhelm Friedrich Hegel, nhưng triết lý chính trị của hai triết gia này chủ yếu để lại nhiều ảnh hưởng từ thế kỷ 19, cho nên chúng ta tạm gát ra ngoài danh sách các triết gia cần khảo sát trong khuôn khổ này.
Đến đây, tác giả xin làm một ngoại lệ là khảo sát từng triết gia riêng lẻ, thay cho thói quen phân tích theo dòng lịch sử. Lý do là, mỗi lý thuyết nhà nước quan trọng đều gắn liền với một triết gia khác nhau. Tuy còn được bổ sung bởi các triết gia đi sau để hoàn thiện theo thời gian, nhưng những thay đổi đó chỉ chiếm một tỉ trọng rất nhỏ, và dấu vết mà triết gia chính trị để lại vẫn không thể nhầm lẫn, nhất là mỗi lý thuyết ấy ban đầu chỉ gói ghém trong một tác phẩm kinh điển duy nhất. Bốn đại triết gia nổi bật còn lại là Thomas Hobbes biện minh cho chế độ quân chủ chuyên chế với tác phẩm Leviathan; John Locke cổ xúy chủ nghĩa tự do trong Hai khảo luận về chính quyền; Montesquieu hoàn tất thuyết phân quyền trong tác phẩm Về tinh thần luật pháp; Jean-Jacques Rousseau với Khế ước xã hội, dự phóng một xã hội lý tưởng dựa trên tiêu chuẩn đạo đức.
Thomas Hobbes (1588 – 1679) và nhà nước chuyên chính
Thomas Hobbes sinh năm 1588 tại Westport thuộc Malmesbury ở tây nam nước Anh. Lúc sắp đến ngày sinh, mẹ ông dường như vô cùng hoảng hốt vì tin đồn hạm đội Armada của Tây Ban Nha sắp tấn công nước Anh, nên bà sinh non mà như Hobbes kể là “Mẹ sinh đôi ra hai đứa, là tôi và sự sợ hãi[6]”. Có phải nỗi sợ hãi đó cứ theo ông suốt đời và để lại những dấu hằn sâu đậm lên nhiều mặt? Lúc nhỏ, ông là người thông minh, biết đọc biết viết năm lên bốn, học tiếng la-tin và Hy Lạp năm lên sáu, bắt đầu đại học năm 15 tuổi và trở thành giảng viên đại học môn logic lúc tuổi đời chưa đến 20.
Lúc đó, ít người hình dung rằng, Hobbes sau này sẽ trở thành một triết gia chính trị khó tính nhất nước Anh. Triết lý chính trị của Hobbes chịu ảnh hưởng của những tác giả tiếng tăm về học thuyết quyền lực, như Thucydides, Cicero thời cổ đại hoặc Machiavelli thời trung đại. Thomas Hobbes mất năm 1679, hưởng thọ 91 tuổi. Lúc ấy, đại học Oxford tổ chức lễ hội để đốt hai tác phẩm quan trọng của Hobbes là Leviathan và De Cive, còn sinh viên thì vui mừng khiêu vũ chung quanh đống sách đã cháy thành tro[7].
Thomas Hobbes đã từng làm thư ký riêng cho Francis Bacon, người khai sinh thuyết duy nghiệm Anh. Trong một thời gian dài, với vai trò gia sư cho những gia đình quan chức cao cấp giàu có, Hobbes có cơ hội tham dự các chuyến du lịch nghiên cứu dài ngày ở lục địa, nhờ thế ông có cơ hội tiếp cận với các lãnh đạo chính trị và nhiều học giả đương thời như Galileo Galilei, René Descartes, Marin Mersenne. Hobbes rất tích cực trong các hoạt động chính trị ở Anh và đứng về phe vương triều, cho nên năm 1640, ông phải trốn chạy sang Paris suốt 13 năm vì bị phe quốc hội đe dọa khủng bố.
Tại đây, Hobbes xuất bản Leviathan năm 1651, tác phẩm đã đưa Hobbes lên đài danh dự của triết học chính trị châu Âu. Ông chủ ý viết bằng tiếng Anh với mục đích phục vụ cho độc giả đại chúng tại Anh quốc. Hobbes hy vọng rằng, các sáng kiến trong Leviathan có thể đóng góp vào việc cải thiện tình trạng hỗn loạn và phân liệt trong xã hội Anh lúc đó. Tác phẩm này đã làm cho giáo hội Thiên chúa Pháp giận dữ và vương triều Pháp cấm lưu hành, cho nên Hobbes lại phải bỏ Pháp để trở về Anh năm 1653. Trên quan điểm hôm nay, mô hình nhà nước của Hobbes xem ra rất lỗi thời, đầy bạo lực và lạc hậu so với đà tiến hóa của xã hội Anh, nhưng Leviathan gói ghém phần lớn lý thuyết nhà nước của Hobbes, nơi ông đặt những nền tảng triết học đầu tiên có khả năng trả lời những vấn đề cơ bản nhất của lý thuyết nhà nước. Bỏ qua mô hình nhà nước mà Thomas Hobbes dự phóng, Leviathan có thể xem là sách gối đầu giường cho những ai nghiên cứu triết lý chính trị hiện đại,
Thomas Hobbes (trái); Bìa sách Leviathan (phải).
Leviathan là một quái thú trong thần thoại Do Thái, biểu tượng của sức mạnh, hung dữ và thích gây thảm họa, điều mà Hobbes tự diễn giải: “Không có gì trên đời có thể so sánh với Leviathan. Nó được tạo ra để không biết sợ là gì. Nó nhấn chìm tất cả mọi thứ. Nó là vua của những người con kiêu hãnh[8]”. Tại sao Hobbes dùng biểu tượng hung dữ Leviathan để làm chiếc áo choàng cho một nhà nước lý tưởng, vốn dĩ nên được mọi người ưa chuộng vì những hỗ trợ tích cực? Điều đó vẫn còn là một bí ẩn mà hậu thế chỉ có thể phỏng đoán, chưa ai đoan chắc rằng mình đoán trúng. Đối thủ chính trị thời đó còn rỉ tai rằng, Hobbes viết tác phẩm Leviathan với mục đích ủng hộ nhà độc tài quân phiệt Cromwell. Thực ra, đó chỉ là những lời đồn thiếu căn cứ.
Lý thuyết nhà nước của Thomas Hobbes chứa đầy âm hưởng bạo lực, có tính chất khiêu khích, khó lòng thuyết phục người đương thời chấp nhận và trong thực tế cũng ít người lúc đó quan tâm. Ngay cả hôm nay, cũng khó tìm được ai tán thành các ý tưởng chính trị cực đoan của Hobbes về nhà nước hiện đại, nhất là những luận cứ không khoan nhượng của ông để biện minh cho nhà nước chuyên chế hoặc nhà cai trị chuyên chế với quyền lực tuyệt đối đứng trên mọi định chế.
Tuy nhiên, công trạng lớn lao của Hobbes nằm ở giá trị học thuật mang tính nguyên lý trong tác phẩm. Ông đã cung cấp những chuẩn mực mới trong triết lý chính trị mà học giả trong trào lưu khai sáng ra công tìm kiếm. Hobbes đã để lại một gia tài vô giá, đó là mô hình tư duy độc đáo chưa từng có để trả lời câu hỏi tại sao phải cần một nhà nước. Tiếp tục công việc một cách cương quyết hơn, Hobbes cung cấp một lộ trình minh bạch và đưa ra những điều kiện tiên quyết để tiến đến việc thành lập một nhà nước công minh[9]. Sau này, mỗi triết gia trong mỗi thời đại có thể phản bác đòi hỏi của Hobbes, họ cũng có thể đề nghị những mô hình chính trị hoàn toàn khác, nhưng những nguyên lý căn bản của Hobbes thì các triết gia sau này không ai phản bác, hoặc chí ít là không thể phản bác chống lại những thành tố căn bản tích cực.
Theo Hobbes, nhà nước không phải là một thực thể tự nhiên, lại càng không do ân sủng của Thượng Đế, mà là một thực thể nhân tạo do con người thiết lập từ một trạng thái trước đó, gọi là trạng thái tự nhiên (state of nature). Trạng thái này chấm dứt sau khi các thành viên tự nguyện thỏa thuận với nhau những điều kiện chung để bước sang trạng thái xã hội do nhà nước cai quản. Nói cách khác, nhà nước được thành lập thông qua một khế ước tự nguyện giữa các thành viên trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, nhà nước là một sản phẩm của sự cân nhắc duy lý, đóng vai trò trọng tài tối cao giữa các thành viên. Đó là ý tưởng căn bản chung quanh lý thuyết về khế ước (contract theory), một triết lý chính trị hiện đại mới xuất hiện lần đầu trong buổi bình minh của thời đại khai sáng xuất phát từ mô hình tư duy của Thomas Hobbes.
Trong những trang kế tiếp, khi khảo sát lý thuyết chính trị của John Locke, Montesquieu và Jean-Jacques Rousseau, chúng ta sẽ thấy lại mô hình tư duy của Hobbes. Điều khác nhau giữa những triết gia chính trị tiên phong này, trước hết là cách nhìn khác nhau của họ về trạng thái tự nhiên, từ đó mục đích tối quan trọng của nhà nước, nội dung khế ước và hình thái nhà nước cũng khác nhau, và lộ trình đi đến sự thành lập nhà nước cũng ít nhiều khác nhau.
Bước kế tiếp theo Hobbes là, làm thế nào để thành lập nhà nước? Trước hết, các thành viên soạn thảo một khế ước tưởng tượng xuất phát từ trạng thái tự nhiên để sau đó cùng tự nguyện thỏa thuận tiến vào trạng thái xã hội. Quá trình này sẽ giúp các thành viên biện giải tại sao cần có một nhà nước và tiêu chuẩn nào nhà nước có thể được xây dựng trong thực tế, thí dụ thể chế chính trị gì, các định chế nào, các thành viên được phân công ra sao v.v…
Để có thể kiến tạo một nhà nước công minh, quá trình đó đòi hỏi hai điều kiện. Thứ nhất, mỗi thành viên cần có một động cơ duy lý tuyệt đối, không bị chi phối bởi một lý do đạo đức hoặc vô đạo đức nào, mà chỉ xuất phát từ những cân nhắc duy kỷ không mang nội dung luân lý, với mục đích là để tối ưu hóa những gì họ muốn cho riêng mình. Nói cách khác, quyết định duy lý của các thành viên cần phải xuất phát từ một động cơ duy nhất: đó là quan tâm riêng tư của chính họ. Thứ hai, chỉ riêng với sự ích kỷ duy lý thì khế ước khó lòng đạt được thỏa thuận tốt đẹp. Để có thể kiến tạo một nhà nước công minh, thì trong việc chọn lựa xuất phát từ trạng thái tự nhiên, mỗi thành viên phải có cùng một khởi điểm như nhau, có điều kiện công bằng như nhau, không ai có lợi thế hơn ai, không ai được hưởng sự thiên vị vì bất cứ lý do gì. Không có những điều kiện đó thì kết quả cũng khó lòng mang bản chất công minh[10].
Nói tóm lại, xuất phát từ trạng thái tự nhiên, các thành viên phát thảo một khế ước xã hội để mọi cá thể tự nguyện tham gia vào việc thành lập nhà nước, xác định hình thái và tính chất của nhà nước trong tương lai. Đó là một sáng kiến mang tính cách mạng trong thế kỷ 17. Mặc dù Thomas Hobbes không đưa ra một đề nghị cụ thể về mô hình nhà nước, nhưng quan niệm của Thomas Hobbes về quyền lực nhà chuyên chế là cực kỳ bảo thủ, đang trên bước đường tiêu vong để dọn đường cho những mô hình khác hiện đại hơn, nhưng Thomas Hobbes vẫn xứng đáng được gọi là người sinh thành triết lý chính trị hiện đại, và tác phẩm Leviathan chính là tờ giấy khai sinh của lý thuyết nhà nước.
Trong mô hình khế ước đó, người ta đặt quyền lợi thuần túy riêng tư và sự chọn lựa tự do công bằng lên bàn cân. Điều chắc chắn là, kết quả sẽ mang tính chất đạo đức thuần lý vì nó được chọn lựa trong một hoàn cảnh lý tưởng được hướng dẫn bởi hành động duy lý của mỗi thành viên. Nếu hoàn cảnh không lý tưởng, hoặc các thành viên hành xử thiếu duy lý thì sẽ không đạt được một khế ước khả dĩ được mọi người thỏa mãn.
Trong thực tế, đó là những đòi hỏi khó thực hiện, vì không thể có tình trạng công bằng tuyệt đối, cũng không thể có con người duy lý tuyệt đối. Theo Hobbes, ở trạng thái tự nhiên, trong mỗi người bình thường đều tiềm ẩn ba tính chất có thể dẫn đến xung đột với người khác: tính cạnh tranh, nghi kỵ và thích tiếng tăm. Ba tính chất đó sẽ dẫn con người đến cách hành xử hung hãn với người khác: cạnh tranh để chiếm lợi ích và để trở thành chủ nhân những người chung quanh; vì nghi kỵ nên phải tự bảo vệ và tìm an toàn cho bản thân bằng cách tấn công người khác; vì thích tiếng tăm nên phải nâng cao danh vọng và che dấu chỗ yếu kém của mình[11]. Điều đó xem ra có vẻ thiếu đạo đức, nhưng không sao, vì theo nhận xét lạc quan của Hobbes, người thực sự có tri giác thì mới thường trực tìm cách tự bảo vệ và làm mọi chuyện để đạt đến quyền lợi riêng tư một cách duy kỷ. “Anh ta chỉ có thể là người ngu ngốc, nếu không biết lập hàng rào bảo vệ mình trong một môi trường đầy rẫy thù nghịch”. Đó chính là mầm mống triết lý nhà nước của Thomas Hobbes.
Tiền đề cơ bản của khế ước đó là, tất cả mọi thành viên đều sẵn sàng từ bỏ ý định sử dụng bất kỳ phương tiện nào có thể mang lại lợi thế cho riêng mình. Mỗi đối tác hợp đồng cũng tuyên bố rằng, sự từ bỏ đó chỉ có giá trị với một điều kiện là, tất cả các đối tác khác cũng song song làm điều tương tự. Ngoài ra, hợp đồng chỉ được xem là hiệu lực, nếu người được phân công nắm giữ quyền lực sau này có năng lực thiết lập một trật tự pháp lý vốn dĩ có thể bảo đảm an toàn cho các thành viên[12].
Nói cách khác, mỗi đối tác hợp đồng sẵn sàng từ bỏ bớt những quyền căn bản mà mình được hưởng trong trạng thái tự nhiên để đổi lại sự an toàn lúc ở trạng thái xã hội, mà người cai trị hoặc nhóm người cai trị được chọn lựa sẽ có thể cống hiến cho họ. Điều này chúng ta có thể chứng nghiệm trong các nước chuyên chế ngày nay: Ở đó, người dân dù không muốn nhưng sẵn sàng hy sinh một số quyền tự do để đổi lại những điều lợi ích khác, thí dụ như phồn vinh kinh tế và an ninh xã hội. Khi các điều đó không còn nữa, chính phủ sẽ bị hạ bệ.
Như trên đã nói, để thiết kế một khế ước xã hội, Hobbes bắt đầu bằng nhận thức về trạng thái tự nhiên, được quan sát dưới góc nhìn của chính ông, một nhân chứng thời đại của thế kỷ 17. Đó là một thời đại của khủng hoảng này kế tiếp khủng hoảng khác, của thảm họa này tiếp nối thảm họa khác, chiến tranh này chưa chấm dứt đã manh nha mầm mống chiến tranh khác. Sự tranh giành quyền lực giữa hai khối, một bên là quốc hội dưới sự lãnh đạo của những người cực đoan như Oliver Cromwell, bên kia là vương triều dưới quyền lãnh đạo của Charles I cực kỳ bảo thủ và kém năng lực, mỗi bên có quân đội riêng sẵn sàng đối đầu nhau, đã làm cho xã hội Anh suốt hơn 20 năm chìm đắm trong nội chiến với bạo lực, hỗn loạn, một tình trạng vô chính phủ, trong đó con người thuộc phe này thường trực sống trong sợ hãi rằng, bất cứ lúc nào cũng có thể bị ám sát, bắt bớ, giam cầm bởi những người thuộc phe kia.
Theo Hobbes, cuộc sống con người là cô đơn, tồi tàn, bẩn thỉu, tàn bạo và ngắn ngủi[13]. Con người trong trạng thái tự nhiên sống như một loài vật hoang dã. Mỗi người là một con sói đối với người khác (Homo homini Lupus). Xã hội thì đầy rẫy bạo lực, hành động con người thì thiếu lý trí, không có luật lệ hoặc trật tự nào để bảo vệ an toàn cho mọi người. Nói tóm lại là một tình trạng hết sức tồi tệ về con người và xã hội, theo cách nhìn của Hobbes: “mỗi người trở thành kẻ thù của người khác, và để thực hiện ý định ban đầu là được sinh tồn, cả hai đều có xu hướng hành động bạo lực như nhau, hoặc làm cho bên kia ngoan ngoãn thuần phục, hoặc phải giết họ[14]”. Nói cách khác, mỗi người phải thường trực sống trong tình trạng sẵn sàng đấu tranh để tự bảo vệ, hoặc sẵn sàng tiêu diệt người khác.
Ngoài ra, con người thường trực bị thôi thúc phải làm tất cả để sinh tồn, từ đó nảy sinh thôi thúc về quyền lực để đạt an toàn cho bản thân và nâng cao khả năng kiểm soát người khác. Nhưng từ sự thôi thúc về quyền lực, con người thường trực đối diện với niềm thất vọng về chính mình vì ham muốn quyền lực luôn luôn tăng lên chứ ít khi giảm xuống. Điều phiền toái hơn là, dù kiểm soát được người khác, nhưng anh ta lại không kiểm soát được cái chết của bản thân mình. Vì thế, sự thôi thúc đến quyền lực trở thành một niềm bất hạnh của chính anh ta.
Phải làm gì để khắc phục trạng thái tự nhiên vốn dĩ chứa đầy sự sợ hãi và cảm giác bất an? Đó là câu hỏi trung tâm để Hobbes thiết kế bản khế ước xã hội. Mặc dù quan điểm của Thomas Hobbes về trạng thái tự nhiên bị chi phối bởi tâm lý cá nhân và điều kiện xã hội đặc thù trong thời đại mà ông đang sống, vì thế mang tính chủ quan và thiếu tính chất phổ quát, chí ít là rất phiến diện, nhưng khi đi tìm lời giải cho tình trạng “chiến tranh” thường trực giữa người và người, Hobbes đã trở lại phương pháp luận của một triết gia chính trị. Theo Hobbes, khả năng khắc phục chỉ có thể nằm trong lý tính của con người. Nói cách khác, nhờ năng lực lý tính, con người có thể tách rời bản thân ra khỏi trạng thái tự nhiên bằng cách thiết lập một khế ước cai trị vốn có thể điều chỉnh những thôi thúc quyền lực của bản thân. Với khế ước đó, xã hội sẽ trở thành một cộng đồng bao gồm “mỗi người là một Thượng Đế đối với người khác” (Homo homini Deus), thay vì là sói với nhau như trước đây.
Thomas Hobbes cắt nghĩa hiện tượng đó: “Ý định và nguyên nhân tại sao con người vốn dĩ rất ưa chuộng tự do và quyền tự chủ bản thân, lại sẵn sàng thuần phục dưới một trật tự mà xã hội đòi hỏi, lý do chính nằm ở đòi hỏi của từng cá nhân riêng lẻ muốn được tồn tại, muốn hưởng thụ một đời sống dễ chịu, hay nói cách khác là muốn được bảo vệ an toàn trong điều kiện nghiệt ngã của tình trạng chiến tranh giữa người này chống lại tất cả những người khác[15]”.
Trong bản khế ước đó, mỗi cá nhân riêng lẻ vừa là đối tượng vừa là người kiến tạo, hay chí ít là có tham gia vào việc kiến tạo một cấu trúc chính trị, trong đó mỗi người tự nguyện tuân theo bản khế ước để qua đó, cuộc sống chung hòa bình trong cộng đồng có thể trở thành hiện thực. Trong bản khế ước đó, dù nó chỉ là lý thuyết và mang tính tưởng tượng, mỗi người tự nguyện từ bỏ quyền cá nhân và quyền tự do chính trị trong chừng mực mà, một trật tự pháp lý có giá trị cho tất cả mọi người trở thành chuẩn mực chung, và được bảo kê bởi một nhà nước chuyên chế hoặc một nhà cai trị chuyên chế. Về lâu dài, theo Thomas Hobbes, tài sản cá nhân chỉ có thể được bảo vệ và sự thịnh vượng xã hội chỉ được tạo ra nếu một nhà nước mạnh được kiến tạo với quyền lực chính trị và quyền lực thực tế để bảo vệ mỗi người trong cộng đồng.
Thomas Hobbes không quan tâm đến việc biện hộ cho điều luật này hay điều luật kia, cũng không chú ý đến tính ưu việt của hình thái nhà nước này hay nhà nước khác, mà thường trực nêu lên một câu hỏi triệt để là, tại sao phải cần một nhà nước. Nhưng điều quan trọng hơn nữa là tại sao người ta cần đến một nền tảng tuyệt đối vững chắc cho triết lý chính trị, để từ đó những câu hỏi cụ thể như trên có thể được trả lời một cách chắc chắn và có hệ thống, thí dụ làm sao để có những điều luật tốt nhất, làm sao để kiến tạo những hình thái nhà nước tối ưu. Ở đây, câu trả lời của Hobbes cũng có nguồn gốc ít nhiều đến bối cảnh chính trị trong buổi bình minh của thời đại khai sáng, mặc dù theo cách biện giải duy lý, điều đó có thể dẫn đến những luận cứ thiếu tính phổ quát hoặc thậm chí là phiến diện.
Một mặt, đó là thời đại vươn lên của giai cấp tư sản. Đòi hỏi trước đây của giới quý tộc và giáo sĩ về quyền cai trị không còn đương nhiên được thừa nhận. Sáng kiến về cộng hòa từ các trào lưu cách mạng tư sản, trước hết ở Anh và tiếp đó là Pháp, bắt đầu phát triển. Những chuyển hóa cực đoan đó đã châm ngòi cho một câu hỏi chính trị rất triệt để: Nhà nước cần có những tính chất nào, và yếu tố nào có thể biện minh cho hình thái nhà nước đó.
Mặt khác, nhà nước hiện hữu trong thời đại đó đã trở thành một thực thể vô cùng đa dạng, một guồng máy được tổ chức chặt chẽ, có khả năng ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống của từng người dân. Đó là thời đại của các chính thể chuyên chế khai sáng với sự vâng lời tuyệt đối từ người dân và mạng lưới hành chính rộng khắp với đủ mọi phương tiện như công an vững mạnh, tư pháp nghiêm ngặt có năng lực đưa ra những quy định trong nhiều lĩnh vực hơn trước đây rất nhiều.
Một tính chất khác của thời đại khai sáng đã chi phối cách nhìn của Hobbes về trạng thái tự nhiên, và từ đó ảnh hưởng đến cách nhìn về mục tiêu của nhà nước. Đó là vai trò của cá nhân trong xã hội ngày càng tiến vào trung tâm của mọi hoạt động xã hội. Con người trong thời đại khai sáng không còn được quan sát từ cộng đồng, mà thuần là một thành viên độc lập, một cá nhân với tất cả các tính chất riêng tư của nó. Điều này đã được René Descartes khái quát hóa “cái Tôi” trong một khẩu hiệu trứ danh có ảnh hưởng suốt nhiều thế kỷ: “Tôi tư duy, vậy tôi hiện hữu[16]”, và điều này cũng hoàn toàn đúng cho triết lý chính trị.
Trên góc nhìn đó, bản chất nhà nước là một thực thể đến sau, là sản phẩm của khế ước xã hội vốn dĩ thành hình do sự sắp xếp của con người, nhằm phục vụ cho các quan tâm và quyền lợi của từng cá thể với tính tự chủ nguyên thủy của nó. Nói cách khác, bản chất nhà nước không gì khác hơn là sự tập hợp của tất cả các cá nhân riêng lẻ, có vai trò là để phục vụ cho từng cá nhân, và nói cho cùng, hạnh phúc của con người là thước đo tính chính danh của nhà nước. Khái niệm Thượng Đế hay “thiên mệnh” không có chỗ đứng trong triết lý chính trị của Thomas Hobbes, điều đã trở thành mẫu mực tư duy cho các triết gia về sau.
Thomas Hobbes cũng biết rằng, khế ước xã hội không bao giờ có thể hoàn hảo để ngăn ngừa những bất cập có thể xảy ra. Thí dụ trong xã hội hôm nay, luôn luôn có người hành xử ích kỷ, một mặt thì trốn thuế mặc dù có tiền của đầy đủ, nhưng mặt khác vẫn thản nhiên đón nhận phúc lợi xã hội vốn dĩ được tạo thành bởi tiền thuế nhà nước thu được từ mọi người. Hobbes cho rằng, điều hòa các hoạt động đó là nhiệm vụ của nhà nước, hay nói cách khác, nhà nước chính là quy ước của mọi quy ước để điều hòa cuộc sống xã hội.
Vì đã có một cái nhìn tiêu cực về trạng thái tự nhiên, trạng thái về chiến tranh của mỗi người chống lại mọi người, trạng thái mà mỗi người là sói đối với người khác, cho nên nhiệm vụ hàng đầu của nhà nước, được đại diện bởi một người hay một guồng máy bao gồm nhiều người, theo Hobbes là chấm dứt tình trạng chiến tranh để mang lại đời sống hòa bình cho mọi người trong xã hội. Một kết luận không sai. Nhưng Hobbes còn đi xa hơn, khi cho rằng đại diện của nhà nước, tức là nhà chuyên chế, không phải là một thành viên của khế ước, mà nhà chuyên chế phải đứng trên mọi thành viên, đứng trên mọi định chế chính trị, và có những quyền lực tuyệt đối mới mong giải quyết mọi vấn đề của xã hội. Và đó chính là luận cứ mà người đương thời kịch liệt phê phán. Ngày hôm nay, cũng khó có ai đứng ra bênh vực luận cứ cực đoan của Thomas Hobbes.
Tuy nhiên, Hobbes vẫn kiên quyết tranh thủ mọi phe phái, từ các nhóm ủng hộ quốc hội, đến những thành viên trung thành với vương triều. Không những không thành công, mà thậm chí Hobbes đã bị một ủy ban của quốc hội điều tra hoạt động vì tư tưởng chính trị của ông. Dù sao, bên cạnh giá trị học thuật trong triết lý chính trị mà Thomas Hobbes còn để lại ảnh hưởng cho đến ngày nay, những cố gắng của Hobbes cũng có ít nhiều thành quả lúc đó: Năm 1679, tức là năm Thomas Hobbes lìa đời, quốc hội Anh đã biểu quyết và ban hành đạo luật Habeas Corpus Act, qua đó nhà nước chỉ được phép bắt giam một công dân sau khi có phán quyết của tòa án. Nguyên tắc đó là thành tố cốt lõi của mọi chế độ pháp quyền hiện đại ngày nay. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử loài người, một quốc gia có thể bảo vệ công dân của mình chống lại cách hành xử tùy tiện của nhà nước, hay nói cách khác, nhà nước bị ép buộc phải tuân thủ việc thi hành khế ước xã hội đã được quyết định.
Lý thuyết nhà nước của Thomas Hobbes đã để lại nhiều ảnh hưởng lên quá trình tranh luận dẫn đến việc chuyển hóa môi trường chính trị trên lục địa châu Âu, trong lúc ảnh hưởng đó lên tương quan chính trị tại Anh không cao như Hobbes vốn chờ đợi lúc soạn thảo tác phẩm Leviathan. Nguyên do có thể vì truyền thống Common Law[17] tại Anh dường như mạnh hơn những luận cứ mà ông đưa ra. Nguyên do khác có thể vì Hobbes đã dứt khoát đứng về phía ủng hộ vương triều và tất nhiên sẽ bị búa rìu từ phe quốc hội. Ngoài ra mô hình nhà nước của Hobbes là để phục vụ cho một chế độ quân chủ chuyên chế vốn dĩ đã bắt đầu tỏ ra lạc hậu và trên đường thoái trào tại Anh. Trên đảo quốc này, các phê phán chống lại lý thuyết nhà nước và triết học pháp lý của Hobbes rất gay gắt. Tuy nhiên, người đồng hương John Locke sau đó cũng sử dụng khá nhiều thành tố của Hobbes trong lý thuyết về khế ước xã hội. Dù vậy, sáng kiến của Locke về luật tự nhiên thì rất khác so với Hobbes, đặc biệt bước ngoặc của Locke tiến đến chủ nghĩa tự do là điều mà chúng ta không hề thấy trong triết lý chính trị của Hobbes.
Trên lục địa châu Âu, lý thuyết nhà nước của Thomas Hobbes đầu tiên có ảnh hưởng đến hệ thống chính trị Hà Lan thông qua lý thuyết gia chính trị Johan de Witt (1625-1672), sau khi thay đổi một ít để phù hợp với hiến pháp cộng hòa Hà Lan. Baruch de Spinoza, vốn thuộc vòng gần gủi chung quanh Witt, cũng không ngần ngại đưa những nhân tố tích cực của Hobbes vào hệ thống triết học của mình và như thế đã tác động vào hệ thống chính trị Hà Lan nói chung. Cả hai lý thuyết gia Hà Lan này đều tương đắc với Hobbes trong khía cạnh phản bác những luận cứ cơ bản của thần học Kitô. Lý thuyết pháp luật của Hobbes cũng để lại nhiều ảnh hưởng lên các dòng tư tưởng tại Đức, trước hết là về phương pháp luận với Samuel von Pufendorf và sau đó là về nội dung lý thuyết với Christian Thomasius. Ở Pháp, các tác phẩm quan trọng về lý thuyết nhà nước của Jean-Jacques Rousseau chịu ảnh hưởng trực tiếp từ Thomas Hobbes nhiều hơn là từ John Locke[18].
Nhìn từ góc độ triết sử hôm nay, với luận cứ bênh vực chủ nghĩa quân chủ chuyên chế, mô hình nhà nước của Thomas Hobbes không thể được xem là tiến bộ và khó lòng được ai ưa thích. Nhưng cho dù tư tưởng cực đoan bị các nhà phân tích đương thời phê phán kịch liệt, thì ảnh hưởng của Thomas Hobbes lên thế giới học thuật châu Âu cũng không bị xóa mờ. Đặc biệt là, Hobbes đã chiếm được địa vị vinh quang trong các hệ thống triết học thế kỷ 17 và 18 nhờ vào thử nghiệm của ông trong việc tích hợp lý thuyết nhà nước và triết lý pháp luật vào hệ thống triết học hiện đại. Nói cho cùng, Hobbes chính là người đã làm cho lý thuyết nhà nước trở thành một bộ môn độc lập và quan trọng của triết học.
(Còn tiếp phần 2: John Locke và chủ nghĩa tự do; Montesquieu hoàn tất thuyết phân quyền; Rousseau và khế ước xã hội).
./.
Tác giả: Tôn Thất Thông, tháng sáu 2022
(Xin tham khảo thêm các bài cùng tác giả về thời đại khai sáng)
Tài liệu tham khảo
- Barudio, Günter: Das Zeitalter des Absolutismus und der Aufklärung 1648-1779. ISBN 3-596-60025-1. (Thời đại quân chủ chuyên chế và khai sáng). Fischer Weltgeschichte Band 25.
- Brinton, Crane, Christopher, John B. và Wolff, Robert Lee: A history of civilization – 1715 to the present. ISBN 0-13-389593-9. (Lịch sử văn minh – 1715 đến hôm nay).
- Bùi Văn Nam Sơn: Chat với René Descartes. Nhà xuất bản Trẻ. ISBN 978-604-1-09568-7.
- Hirschberger, Johannes: Geschichte der Philosophie – Band II: Neuzeit und Gegenwart (Lịch sử triết học – Tập II: Thời cận và hiện đại). ISBN 3-933366-00-3). Có thể tham khảo thêm trọn bộ tác phẩm này đã được dịch sang tiếng Việt: Lịch sử triết học Tập I & II – Bùi Văn Nam Sơn và tập thể dịch giả – NxB Tri Thức.
- Hobbes, Thomas: Leviathan (bản tiếng Đức do Kai Kilian hiệu đính từ phiên bản 1794 của Joh. Christ). ISBN 978-3-86647-347-8.
- Höffe, Otfried (I) chủ biên và nhiều tác giả: Klassiker der Philosophie I (Những nhà kinh điển của triết học, Tập I). ISBN 3-406-08048-0.
- Höffe, Otfried (II) chủ biên và nhiều tác giả: Klassiker der Philosophie II (Những nhà kinh điển của triết học, Tập II). ISBN 3-406-30849-X.
- Hübner, Dietmar: Politische Philosophie Nr. 6 (Triết lý chính trị phần 6) – Hobbes, Locke, Rousseau. Bài giảng ở đại học Hannover.
- Maier, Hans (1); Denzer, Horst và Rausch, Heinz: Klassiker des Politischen Denkens, Vol. 1: Von Plato bis Hobbes (Những triết gia chính trị kinh điển. Tập 1: từ Plato đến Hobbes). Beck Verlag, tái bản lần 3, 1969.
- Maier, Hans (2) và Denzer, Horst: Klassiker des Politischen Denkens, Vol. 2: Von Locke bis Max Weber (Những triết gia chính trị kinh điển. Tập 2: từ Locke đến Max Weber). ISBN 3-406-42162-8.
- Porter, Roy (1): Enlightenment – Britain and the creation of the modern world (Khai sáng – Anh quốc và sự thành lập thế giới hiện đại). ISBN 0-14-025028-X.
- Porter, Roy (2): Kleine Geschichte der Aufklärung (Lịch sử ngắn về Khai sáng – Ebba D. Drolshagen dịch từ tiếng Anh: The enlightenment, xuất bản 1990). ISBN 3-8031-2192-2.
- Schneiders, Werner chủ biên và nhiều tác giả: Lexikon der Aufklärung (Từ điển tường giải về khai sáng). ISBN 3-406-39920-7.
Ghi chú:
-
L’État, c’est moi là tuyên bố của vua Louis XIV trước quốc hội Pháp năm 1655 . ↑
-
Ngày nay, thành viên của House of Lords được bầu chọn dân chủ hơn. Họ là những người có uy tín trong xã hội, bao gồm nhiều ngành nghề khác nhau, được đề nghị từ một ủy ban độc lập, được chấp thuận bởi Thủ tướng và được phong tước bởi Nữ Hoàng. ↑
-
Ngày nay, thành viên của hạ viện được bầu trực tiếp từ người dân. ↑
-
Tạm gọi ngắn như thế, nhưng không có nghĩa rằng, họ là những người chỉ biết bàn luận suông. Salon là thuật ngữ ám chỉ các nhóm học giả ở ngoài hệ thống nhà nước, và vì thế không có phương tiện nào để thực thi sáng kiến của mình, ngoài cách diễn đạt qua sách vở, các phương tiện truyền thông công cộng và các nhóm tư nhân (salons de Paris là thuật ngữ quen thuộc ở thế kỷ 18). ↑
-
Xem R. Porter (2) trang 36. ↑
-
Xem H. Maier (1) trang 351. ↑
-
Xem H. Maier (1) trang 355-356. ↑
-
Xem H. Maier (1) trang 370. ↑
-
Nhà nước công minh là một khái niệm mang tính lý tưởng phổ quát, chứ thật ra mô hình nhà nước của Hobbes khó được xem là công minh. ↑
-
Xem D. Hübner. ↑
-
Xem T. Hobbes – Leviathan trang 134. ↑
-
Xem O. Höffe (1) trang 294 – Wolfgang Röd. ↑
-
Xem T. Hobbes – Leviathan 135: “and the life of man, solitary, poor, nasty, brutish, and short” . ↑
-
Xem T. Hobbes – Leviathan 133. ↑
-
Xem T. Hobbes – Leviathan trang 171. ↑
-
René Descartes – “Je pense, donc je suis” (Cogito ergo sum). ↑
-
Common Law thường được dùng rộng rãi trong các nước thuộc Commonwealth. Quan tòa không chỉ dựa vào luật pháp mà quan trọng hơn là vào các phán quyết đã có từ trước, tức là các trường hợp điển hình. Truyền thống này khác với truyền thống Civil Law được áp dụng rộng rãi trên lục địa, nơi mà duy nhất các điều luật hiện hành đóng vai trò quyết định. ↑
-
Xem O. Höffe trang 299 – Wolfgang Röd. ↑