Lý thuyết nhà nước trong thời đại khai sáng (3):
Montesquieu hoàn tất thuyết phân quyền
Tôn Thất Thông
Trong loạt bài lý thuyết nhà nước, chúng ta đã khảo sát trong phần I về nguyên tắc căn bản của học thuyết Thomas Hobbes và phần II về mô hình nhà nước tự do của John Locke. Để nối tiếp, Montesquieu bổ sung các nguyên lý cốt lõi của luật pháp vào những sáng kiến kể trên để hoàn tất thuyết phân quyền làm nền tảng chính trị cho các định chế dân chủ ngày nay.
Montesquieu (1689 – 1755) sinh sau John Locke chừng nửa thế kỷ, đúng vào thời kỳ cách mạng huy hoàng tại Anh vừa hoàn tất, cũng là thời kỳ có nhiều chuyển biến mạnh mẽ về mặt chính trị và xã hội tại châu Âu. Khi Montesquieu vừa đến tuổi trưởng thành thì vua Louis XIV mất năm 1715. Biến cố này làm sống dậy một niềm hy vọng lớn lao trong giới học giả Pháp. Sau một thời gian dài gần 80 năm dưới sự cai trị hà khắc, đàn áp tôn giáo và cuộc sống xa hoa vô độ của nhà vua chuyên chế Louis XIV, giới học giả hy vọng một cuộc cải cách rộng lớn trong triều đại kế tiếp. Cho dù cuộc cải cách đó không xảy ra, nhưng hoạt động nhộn nhịp của giới học thuật thuộc trào lưu khai sáng đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị phi thời gian của nhiều học giả tiếng tăm. Bối cảnh lịch sử đó đã tác động mạnh lên cuộc đời Montesquieu, tạo tiền đề cho ông suy ngẫm sâu xa về một thể chế chính trị lý tưởng.
John Locke (1632-1704) và Montesquieu (1689-1755).
Đó cũng là thời kỳ cao điểm của trào lưu khai sáng, được đánh dấu bởi sự ra đời của Bách khoa Toàn thư với sự tham gia của hơn 150 học giả tiếng tăm đương thời. Không có gì nghi ngờ để gọi Montesquieu là triết gia khai sáng, và gương mặt ông cũng không xa lạ gì trong các câu lạc bộ học thuật ở Paris (Salons de Paris). Ông quả đúng là triết gia khai sáng, nhưng lại thường buông tiếng thở dài trước hệ lụy của chính trào lưu đó mà ông đoán trước sẽ xảy ra.
Ngoại trừ d’Alembert, hầu hết những người còn lại trong nhóm Bách khoa đều giữ khoảng cách với Montesquieu vì nguồn gốc qúy tộc của ông. Họ xa cách không phải vì tình trạng giàu nghèo giữa các giai cấp, mà vì tư tưởng của ông, dù hết sức tiến bộ, vẫn còn bị gò bó trong khuôn khổ các định chế đương thời, trong đó giới qúy tộc vẫn còn hưởng nhiều đặc quyền, hơn thế nữa, họ còn có quyền lợi ưu tiên được kế thừa trong vai trò là thành viên của hội đồng lập pháp[1]. Chính Montesquieu quan niệm như thế vì ông cho rằng điều đó phù hợp với luật tự nhiên. Quan niệm của Montesquieu về vai trò và vị trí của nhà vua cũng không kém phần bảo thủ: Vua và vương triều là những thực thể chính trị tất yếu phải có, như thể đã do Thượng Đế định đoạt. Montesquieu thường phát biểu rằng, thể chế quân chủ ở mức độ ôn hòa vẫn là hình thái tốt nhất trong ba loại: quân chủ, cộng hòa và chuyên chế[2]. Cũng không có gì ngạc nhiên, khi ngôi mộ của Montesquieu bị những thành phần cực đoan của cách mạng Pháp năm 1789 phá hủy.
Montesquieu để lại cho hậu thế hơn 30 tác phẩm có giá trị, trong đó nổi bật ba tác phẩm độc đáo được xuất bản mỗi cuốn cách nhau gần 15 năm. Trước hết là “Lá thư Ba Tư[3]” xuất bản năm 1721. Đó là một tác phẩm châm biếm thể hiện trong các bức thư trao đổi giữa hai du khách Ba Tư ở Paris với bạn đồng hương ở quê nhà, khi họ so sánh kinh đô của Pháp với hiện trạng của Ba Tư. Thứ hai, “Khảo sát nguồn gốc sự lớn mạnh và suy tàn của đế chế La Mã[4]” năm 1734, một khảo luận bi tráng về La Mã trên quan điểm triết sử. Và cuối cùng, tác phẩm có giá trị phi thời gian “Về tinh thần luật pháp[5]” xuất bản năm 1748 sau gần 20 năm miệt mài trong điều kiện sức khỏe vô cùng khắc nghiệt.
Và đó cũng chính là tác phẩm để đời làm cho Montesquieu trở thành bất tử đối với những ai nghiên cứu về lịch sử, lịch sử văn học, triết lý chính trị, và nhất là lý thuyết nhà nước. Xuyên suốt trong từng chương của tác phẩm, người ta tìm thấy dáng dấp của tác giả với “nét trầm tư về tự do”[6]. Tác phẩm được phổ biến rộng trên khắp châu Âu, trong suốt hậu bán thế kỷ 18, nó được đọc nhiều, tranh luận, thán phục và phê phán. Sau khi lưu hành được ba năm, tác phẩm này bị giáo hội Thiên Chúa đưa vào chỉ mục sách cấm, cho dù có sự can thiệp che chở của nhiều quan chức quyền thế ở La Mã, thí dụ như Hồng Y Domenico Passionei[7]. Mãi hơn 200 năm sau, lệnh cấm mới được Giáo Hoàng Paul VI xóa bỏ vào năm 1967.
Về trạng thái tự nhiên
Để khảo sát lý thuyết chính trị của Montesquieu, chúng ta cần bắt đầu bằng nhận thức của ông về tình trạng tự nhiên, như mô hình tư duy mà Thomas Hobbes đã phát họa trước đó. Tuy nhiên, khác với Hobbes vốn cho rằng con người trong trạng thái tự nhiên đều thường trực ở trong tình trạng chiến tranh giữa “mỗi người chống lại mọi người”, Montesquieu cho rằng không có tình trạng chiến tranh vì lúc ấy, mọi người đều yếu như nhau. Người hoang dã run sợ trước mọi chuyện và trốn chạy trước mọi nguy cơ. Trong trạng thái tự nhiên đó, họ đều yếu như nhau, sợ hãi lẫn nhau, không ai trội hơn ai cho nên không có xu hướng tấn công nhau. Vì thế, hòa bình chính là định luật đầu tiên và tất yếu của trạng thái tự nhiên[8].
Với cảm nhận là người yếu đuối, con người có nhu cầu được sinh sống trong hòa bình, không xung đột với ai và cũng không bị lệ thuộc vào ai. Như vậy, tự kiếm sống là định luật tất yếu thứ hai trong trạng thái tự nhiên.
Dần dần, mỗi người đều có một cảm nhận giống nhau là người khác cũng có nỗi sợ hãi tương tự, cho nên họ có xu hướng tiến gần đến nhau. Ngoài ra, trong cuộc sống cộng đồng, con người có một niềm vui thú lạ kỳ khi đến gần người khác, như mọi sinh vật khi đến gần một sinh vật đồng loại. Điều vui thú này càng tăng cao hơn, khi đó là quan hệ gần gũi với người đồng loại nhưng khác nhau về tính chất và cách hành xử, điều dễ thấy nhất giữa những người khác giới tính. Montesquieu cho rằng, điều ước ao được tiến gần đến nhau giữa những người trong cộng đồng là định luật tự nhiên thứ ba.
Dần dần, cảm giác ưa thích được gần gũi nhau biến thành nhận thức thực tế về nhu cầu chung sống để bảo vệ lẫn nhau. Động cơ cho sự hợp nhất với nhau được thành hình từ đó. Ước muốn được sống chung với nhau dưới một dạng thức cộng đồng nào đó là định luật tự nhiên thứ tư trong trạng thái tự nhiên[9].
Nhưng đến đây, nhà nước cũng chưa có điều kiện để thành hình.
Khi những con người riêng lẻ hợp nhất lại trong một cộng đồng, cảm giác yếu ớt mất đi, nhưng đồng thời sự bình đẳng về sức mạnh, về của cải cũng dần dần biến mất. Từ đó, bất bình đẳng xã hội là hậu quả tất yếu làm nảy sinh xung đột nội bộ. Cảm giác mạnh yếu ngày càng bộc lộ rõ rệt hơn, và đó chính là mầm mống tranh giành quyền lực dẫn đến xung đột, thậm chí là chiến tranh giữa các phe phái bên trong cộng đồng. Thêm vào đó, giữa cộng đồng này và cộng đồng kia cũng có sự khác nhau về quy mô phát triển, có nơi mạnh nơi yếu, thế quân bình ngày càng bị xói mòn và chiến tranh, trong một mức độ nào đó, là điều không thể tránh khỏi. Đây chính là lúc xuất hiện nhu cầu thành hình khế ước xã hội để tiến đến việc thành lập nhà nước với mục đích đầu tiên là ngăn ngừa chiến tranh. Có thể đó là chiến tranh với các dân tộc bên ngoài, nhưng cũng có thể là chiến tranh giữa nội bộ lẫn nhau[10].
Quyền lực của luật pháp
Khác với Hobbes và Locke vốn cho rằng, việc thành lập nhà nước là đã giải quyết các mâu thuẫn vốn có trong cộng đồng và thiết lập một xã hội hòa bình và an ninh cho mọi thành viên, thì Montesquieu không dừng ở đó. Ông xem việc thành lập nhà nước mới chỉ là giai đoạn kiến tạo một phương tiện cần thiết. Điều cốt lõi để giải quyết mầm mống chiến tranh cũng như mâu thuẫn nội bộ là luật pháp, tức là những quy ước phải được đưa ra để mọi người tuân theo.
Montesquieu phân biệt luật giữa các quốc gia, mà ngày nay chúng ta gọi là luật công pháp quốc tế, là bộ luật định ra quy ước đối với các cộng đồng bên ngoài để ngăn ngừa chiến tranh. Về bên trong, Montesquieu đòi hỏi hai bộ quy ước để giải quyết xung khắc nội bộ, một là luật quốc gia, mà ngày nay chúng ta gọi là luật công pháp, liên quan đến cách hành xử giữa nhà nước và công dân; và thứ hai là luật công dân, tức là luật tư pháp ngày nay, quy định cách hành xử giữa cá nhân và tổ chức tư nhân với nhau.
Khái niệm về luật pháp và vai trò “thượng tôn” của nó trong hệ thống chính trị quốc gia chính là sự khác nhau cơ bản giữa Montesquieu với các triết gia chính trị đi trước. Có lẽ đó cũng là lý do mà Montesquieu đặt tựa đề tác phẩm kinh điển của mình là “Về tinh thần luật pháp”, ông viết: “[Mối quan hệ nhà nước] đó sẽ được tôi khảo sát trong tác phẩm này. Tôi sẽ khảo sát tất cả mối liên hệ: Tổng hợp chúng lại với nhau sẽ tạo nên điều mà chúng ta gọi là tinh thần luật pháp[11]”.
Có thể nói rằng, Về tinh thần luật pháp là bản tuyên ngôn đầu tiên của các chế độ pháp quyền vốn dĩ sẽ được thành lập khắp nơi kể từ thế kỷ 19 và 20. Mỗi quốc gia có một hình thái pháp quyền tương đối khác nhau, nhưng tinh thần chung là nhất quán: Pháp luật có khả năng giải quyết các mâu thuẫn và có quyền hạn lớn nhất trong hệ thống quyền lực của một quốc gia. Hơn thế nữa, quyền lực đó được Montesquieu định nghĩa rõ ràng không nhầm lẫn trong mọi thể chế: “hạnh phúc và quyền tự do của nhân dân là luật lệ cao nhất[12]”, mọi luật lệ đặt ra phải nhắm tới mục đích nâng cao hạnh phúc của công dân và bảo vệ tự do cho mỗi cá nhân trong xã hội. Những khái niệm tương tự như thế được Montesquieu lý giải nhiều lần trong tác phẩm.
Việc thiết lập nhà nước được đặt trên nguyên tắc rất minh bạch: “Nhà nước cần được kiến tạo thế nào để không ai bị cưỡng ép làm những gì mà luật pháp không quy định, cũng không một công dân nào bị ngăn cấm làm những chuyện mà luật pháp cho phép[13]”. Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của nhà nước là bảo vệ các quyền tự do ấy của công dân, để cho không ai phải sợ hãi người khác vì một lý do gì. Ông viết: “Quyền tự do chính trị của công dân là sự yên tâm về tinh thần vốn xuất phát từ niềm tin vững chắc rằng, mọi người đều được hưởng sự an toàn đó. Và để cho công dân có thể hưởng thụ quyền tự do này, nhà nước phải được kiến tạo theo phương cách mà qua đó, không ai cần phải sợ hãi bất kỳ một người nào khác[14]”.
Thể chế chính trị
Để bảo đảm tính “thượng tôn” của luật pháp trong quốc gia, thể chế chính trị nào là tối ưu? Cơ cấu tổ chức và quan hệ giữa các định chế chính trị nên như thế nào? Cách làm thế nào là tốt nhất để tổ chức nhà nước? Đó là các chủ đề quan trọng mà Montesquieu đào sâu lý giải trong tác phẩm kinh điển nói trên. Tất nhiên, trong tác phẩm còn nhiều vấn đề khác được đặt ra đi kèm với lời giải của Montesquieu, nhưng ở đây, chúng ta tạm giới hạn vào việc khảo sát các câu hỏi quan trọng ở trên.
Montesquieu bỏ khá nhiều công sức để bàn về các thể chế chính trị có thể áp dụng trong thế kỷ mà ông đang sống. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, những định nghĩa của Montesquieu về các thể chế chính trị lúc đó cũng không khác xa các thể chế chính trị mà chúng ta đang chứng kiến trong thế kỷ 21, mặc dù mỗi nước hiện nay có một thể chế riêng với những nét đặc thù khác nhau.
Montesquieu hình dung ba nhóm chính thể có thể được áp dụng và đưa ra một định nghĩa khái quát như sau: “Chính thể cộng hòa là một chính thể trong đó toàn dân hoặc một bộ phận đại diện của dân nắm quyền lực tối cao. Trong chính thể quân chủ[15], chỉ có một người nắm quyền lực, nhưng chỉ được phép hành động trong khuôn khổ luật pháp đã được quyết định và ban hành. Trong chính thể chuyên chế, quyền lực tập trung trong tay một người, có quyền xử lý mọi vấn đề tùy theo ý muốn riêng mà không cần phải tuân theo quy ước hoặc luật pháp[16]”.
Trong chính thể cộng hòa, Montesquieu phân biệt giữa hai chính thể khác nhau: Thứ nhất là chính thể dân chủ, tức là toàn dân nắm quyền lực tối cao và bầu ra đại diện để thừa hành việc cai quản quốc gia, thứ hai là chính thể quý tộc, trong đó quyền lực tối cao nằm trong tay những người đại diện của giới quý tộc có nhiệm vụ làm ra luật và thi hành luật, số đông dân chúng còn lại chỉ là thần dân phục tòng mà không có quyền lực gì trong hệ thống nhà nước[17].
Phân loại của Montesquieu về các thể chế chính trị.
Montesq uieu dành ra bốn quyển, từ quyển II đến quyển V, để luận bàn về bản chất và nguyên tắc vận hành của bốn loại nhà nước nêu trên. Tuy nhiên, ngay từ đầu, Montesquieu phê phán kịch liệt nhà nước quý tộc và và nhất là nhà nước chuyên chế.
Trong nhà nước chuyên chế, mọi quyền hành đều tập trung trong tay một người tức ông Vua và một nhóm nhỏ cận thần. Dân chỉ biết phục tòng chứ không có tiếng nói nào để bênh vực quyền lợi của mình, thậm chí mạng sống con người cũng không có gì bảo đảm trước những hành vi độc đoán của ông Vua. Về mặt chính trị, Montesquieu xem chế độ chuyên chế là địa ngục trần gian, trong đó con người không còn phương tiện để chống đỡ quyền lực luôn tìm cách nghiền nát cuộc đời của họ. Linh hồn của chính thể này là bạo lực khủng bố, cách cai trị dựa vào sự sợ hãi của người dân. Trong suốt tác phẩm Về tinh thần luật pháp, ông không tiếc lời phê phán gay gắt chế độ chuyên chế và luôn tìm cách đưa ra giải pháp làm thế nào để ngăn ngừa một thể chế như vậy.
Về nhà nước quý tộc, mặc dù bản thân Montesquieu là nhà quý tộc loại cao, tức quý tộc theo quyền thừa kế cha truyền con nối, ông vẫn xem nhà nước quý tộc là nhân tố cản trở sự tiến bộ. Nó cũng không tốt lành hơn nhà nước chuyên chế bao nhiêu. Trong nhà nước quý tộc, dân chủ chỉ có trong giới quý tộc thiểu số. Dân chúng không có một quyền hành chính trị nào đáng kể.
Về hai chính thể còn lại, Montesquieu lúc ban đầu có xu hướng chọn lựa dân chủ là thể chế ưu tiên. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện tác phẩm Về tinh thần luật pháp, và sau khi so sánh các thể chế khác nhau trong thời cổ đại với những ưu và khuyết điểm của chúng, Montesquieu ngã về xu hướng cho rằng, chế độ quân chủ lập hiến với một hiến pháp thật ôn hòa là thể chế lý tưởng.
Trước đó, Montesquieu vốn có cảm tình với thể chế dân chủ, nhưng e ngại rằng, nó khó lòng được thực hiện một cách hoàn hảo. Theo Montesquieu, linh hồn của chính thể dân chủ là đức hạnh, vì trong chính thể đó, người dân chấp hành luật pháp với ý thức làm việc cho mình, tự gánh lấy trách nhiệm cho chính mình[18]. Tuy nhiên, một khi đạo đức của nền dân chủ đã mất, thì tính tham lam sẽ lấn lướt lẽ phải, chuyện hư hỏng sẽ thâm nhập vào mọi ngóc ngách của xã hội, tài sản quốc gia được xem như là sở hữu tư nhân của những người có quyền lực, nước cộng hòa chỉ là túi tiền cho người ta bòn rút, sức mạnh quốc gia chỉ còn là quyền lực của một nhóm người rất nhỏ. Không có đức hạnh, chính thể này sẽ biến chất, có thể được gọi là dân chủ hình thức và tiến dần đến chính thể chuyên chế. Quả thật là trong thế kỷ 21, chúng ta cũng đang chứng kiến nhiều nước xứng đáng mang danh hiệu dân chủ chuyên chế. Về hình thức, ở đó cũng có những định chế dân chủ – thí dụ quyền bầu cử, tự do cá nhân, thể chế phân quyền – nhưng trong việc điều hành quốc gia, quyền lực lại nằm trong tay một số người rất ít ỏi. Thực chất đó là những chính thể chuyên chế hoạt động trong hình thức dân chủ trá hình.
Nguyên tắc phân quyền
Theo nghĩa thông thường, khi một người nào muốn sai khiến hoặc làm hại người khác, họ phải dùng đến quyền lực, hay nói chính xác hơn, là dùng bạo lực. Trên bình diện quốc gia, quyền lực nhà nước có ý nghĩa khác. Đó là khả năng của nhà nước dùng để bảo đảm rằng, mọi người trong xã hội đều hành xử trong khuôn khổ luật pháp. Tuy nhiên, để nhà nước không thể sử dụng quyền lực của mình một cách tùy tiện, thiếu kiểm soát, Montesquieu có sáng kiến là phân chia hệ thống quyền lực tối cao của nhà nước thành ba bộ phận, chúng hoạt động liên đới lẫn nhau nhưng độc lập với nhau, không ảnh hưởng lẫn nhau, một nguyên tắc mà ngày hôm nay chúng ta gọi là tam quyền phân lập. Sự phân chia này là nền tảng hoạt động của trật tự các nước dân chủ hiện nay. Điều này có mục đích chính là để ngăn chặn những người nắm giữ quyền lực chính trị lạm dụng quyền lực của họ. Có như vậy, các quyền tự do của công dân mới được đảm bảo.
Ba bộ phận đó là các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Cơ quan lập pháp (Legislative). Quyền lực của cơ quan này là ban hành luật pháp, cũng có thể được xem là quyền lực cao nhất trong một nhà nước dân chủ. Khi chính phủ muốn đưa ra một đạo luật, họ có thể soạn thảo một văn bản hàm chứa các đề nghị, nhưng chính phủ không có quyền ban hành nó. Việc thảo luận, thông qua và ban hành đạo luật đó thuộc về quyền hạn của cơ quan lập pháp mà ngày nay chúng ta gọi là quốc hội.
Cơ quan hành pháp (Executive). Nói một cách chính xác, quyền lực của hành pháp là thi hành các đạo luật của cơ quan lập pháp và nó cũng chỉ được phép thực thi quyền lực trong khuôn khổ đó mà thôi. Trong cấu trúc hôm nay, cơ quan hành pháp còn được gọi là chính phủ bao gồm nhiều bộ phận, thí dụ công an cảnh sát, quân đội và những cơ quan quản lý khác. Tòa án, dù là ăn lương của chính phủ, nhưng không thuộc về hành pháp, và cũng không bị ràng buộc vào các quyết định của hành pháp.
Cơ quan tư pháp (Judicative). Cơ quan này về cơ bản chỉ thi hành luật, cũng giống như hành pháp; tuy nhiên, sự khác biệt là cơ quan tư pháp chỉ thi hành luật trong trường hợp có tranh chấp. Lúc đó, cơ quan tư pháp căn cứ vào luật pháp để đưa ra phán quyết về cuộc tranh chấp. Không một chính phủ nào, hoặc một cơ quan quản lý nào hoặc một cá nhân nào có quyền ép cơ quan tư pháp ban hành những phán quyết mà quan tòa thấy là không đúng với luật pháp. Hay nói như Montesquieu: Phán quyết của tòa án không gì khác hơn là một diễn giải chính xác bộ luật liên quan trong một trường hợp cụ thể.
Trong tinh thần xem việc bảo vệ tự do chính trị của công dân là nhiệm vụ quan trọng nhất của chính phủ, Montesquieu cho rằng, mỗi chính phủ phải thiết lập một trật tự xã hội như thế nào để không một công dân nào phải sợ hãi người khác, khi họ hành xử đúng theo luật pháp. Việc hoạt động độc lập giữa ba cơ quan quyền lực ở trên cũng nhắm vào mục đích bảo vệ tự do cho công dân. Ông viết[19]:
“Khi quyền lực lập pháp và hành pháp đều ở trong tay một người hay một cơ quan, công dân sẽ mất tự do. Trong trường hợp này, cá nhân đó hoặc cơ quan đó sẽ tùy tiện đưa ra những bộ luật độc đoán và thi hành chúng một cách độc đoán.
[…] Tự do cũng không còn, khi hoạt động của quan tòa không được giữ độc lập đối với cơ quan lập pháp và cơ quan hành pháp. Khi quan tòa không độc lập với cơ quan lập pháp, thì bạo lực lên đời sống và tự do của công dân trở nên vô giới hạn, vì lúc ấy, quan tòa vừa có vai trò xử án, đồng thời cũng là người ban bố luật pháp. Khi quan tòa được gắn kết mật thiết với các cơ quan hành pháp, thì bản thân quan tòa cũng có luôn quyền lực của một người đi đàn áp công dân.
[…] Công dân sẽ mất hết tất cả, khi cả ba cơ quan quyền lực ở trên đều nằm trong tay một cá nhân hoặc trong một cơ quan duy nhất, vì lúc ấy mọi quyền lực của quốc gia đều tập trung thành một: vừa ban hành luật pháp, vừa đưa ra các nghị định và thực hiện chúng, đồng thời đưa ra phán xét đối với các tranh chấp dân sự”.
Montesquieu dùng nguyên chương 6, quyển XI để bàn về nguyên tắc độc lập của ba định chế quyền lực. Ông so sánh cách hoạt động của các thể chế chính trị đương thời như các triều đình ở châu Á, các nước Hồi giáo, nước Ý, Anh và Pháp để thuyết minh cho luận cứ được đưa ra. Tất nhiên, kết luận của Montesquieu có thể rất phù hợp cho thể chế chính trị thời đó ở châu Âu, tức là chế độ phong kiến, trong đó Vua và giới quý tộc còn đóng vai trò quan trọng trong guồng máy nhà nước. Đối với các thể chế trong thời hiện đại, một số kết luận của Montesquieu có thể đã bị lịch sử vượt qua, nhưng nguyên lý cốt lõi của nguyên tắc phân quyền theo tinh thần “tam quyền phân lập” vẫn còn giá trị và dường như sẽ còn tiếp tục có gia trị lâu dài, đó là: mặc dù ba cơ cấu quyền lực đều là những bộ phận của nhà nước, nhưng ba cơ cấu đó cần hoạt động độc lập với nhau và không được quyền ảnh hưởng lẫn nhau.
Nếu lý thuyết phân quyền của Montesquieu với nguyên tắc tam quyền phân lập là cơ sở pháp lý quan trọng hàng đầu trong bản hiến pháp Hoa Kỳ năm 1787, thì ngược lại, hiến pháp của Cộng hòa Pháp thứ nhất không xem sự phân quyền mang tính độc lập lẫn nhau là nguyên lý, vì nó đi ngược với ý thức hệ của nhóm Jacobin, vốn dĩ là những đệ tử trung thành của Jean-Jacques Rousseau, đại biểu cho xu hướng áp dụng nguyên tắc quyền tự quyết nhân dân trong mô hình chính trị trung ương tập quyền, một dạng thức mà ngày hôm nay chúng ta thường nghe trong các nước xã hội chủ nghĩa là “dân chủ tập trung”.
Sau cuộc cách mạng ở Mỹ và Pháp, trên thế giới dần dần thành hình một hệ thống chính trị ngày càng được ưa chuộng và áp dụng rộng rãi, đó là thể chế dân chủ và tự do. Dù mỗi nước thực hiện với một phương cách khác nhau, và dù vẫn còn một số nước áp dụng những chế độ chính trị khác, nhưng đa số các nước đều rút tỉa ra được những giá trị chung nhất. Người ta tin rằng, dân chủ tất yếu sẽ bảo đảm cho tự do. Người ta tin rằng, phổ thông đầu phiếu là công cụ sắc bén để bảo vệ quyền con người trong xã hội, vì như Montesquieu nói, chỉ riêng việc tham gia của mọi người dân đã hàm chứa giá trị tự do, hỗ trợ cho phẩm hạnh của mọi người đang tích cực tham dự vào đời sống chính trị[20].
Người ta tin rằng, trong một quốc gia lấy pháp quyền làm gốc, sự độc lập lẫn nhau giữa các cơ quan nghị viện làm luật, chính phủ thi hành luật và tòa án xử lý luật là phương tiện hữu hiệu để ngăn ngừa sự lạm quyền và tham nhũng vốn dĩ là căn bệnh trầm kha của các quốc gia mới nổi lên sau này. Tất cả những giá trị ấy, dù chưa được định hình rõ rệt trong thế kỷ 18, nhưng đều có nguồn gốc từ lý thuyết chính trị được manh nha trong thế kỷ đó.
Ở đây chúng ta cũng cần chú ý rằng, Montesquieu và các nhà khai sáng thế kỷ 18 chưa hề và cũng chưa thể phác thảo các định chế chính trị một cách chặt chẽ, nhưng sáng kiến của họ đã tạo cảm hứng cho những nước dân chủ trong tương lai tự thiết kế các định chế cho phù hợp với hoàn cảnh riêng của từng nước. Hiện nay, cơ cấu nhà nước ở Mỹ khác với Đức, chế độ cộng hòa ở Pháp khác với thể chế quân chủ nghị viện ở Anh. Nhưng tất cả các định chế ấy đều dựa trên một nguyên tắc chung, ấy là phân quyền để hạn chế sự lạm dụng quyền lực, một sáng kiến độc đáo của John Locke. Một nửa thế kỷ sau, Montesquieu bổ sung và hoàn tất thuyết phân quyền để tạo nên nguyên tắc tam quyền phân lập, được diễn giải khúc chiết trong tác phẩm Về tinh thần luật pháp xuất bản năm 1748.
Tất nhiên, nhiều sáng kiến của Montesquieu đã bị lịch sử vượt qua, nhưng những nguyên lý cốt lõi trong lý thuyết nhà nước của Montesquieu như “thượng tôn pháp luật“, “tam quyền phân lập“ v.v… vẫn là những chiếc đũa thần còn có giá trị lâu dài và có đủ sức mạnh để bảo vệ quyền tự do cho công dân và tăng cường sức mạnh cho thể chế chính trị trong các quốc gia hiện đại hôm nay. Nói cách khác, những nguyên lý cốt lõi nói trên là phương tiện hữu hiệu để đạt đến điều mà John Locke đã viết: “Tất cả mọi người sinh ra tự bản chất là tự do, bình đẳng và độc lập”.
***
Ghi chú thêm: Để trình bày trọn vẹn loạt bài “Lý thuyết nhà nước trong thời đại khai sáng”, chúng ta nên khảo sát “Khế ước xã hội” của Jean Jacques Rousseau. Tuy nhiên, mô hình nhà nước của Rousseau rất lý tưởng, phần nào mang tính chất ảo tưởng và không được áp dụng trong các nước phát triển sau này. Vì thế, loạt bài này có thể tạm chấm dứt ở đây.
./.
Tôn Thất Thông, tháng 6 năm 2023
Những bài liên quan:
Phần 1: Phát thảo ban đầu của Thomas Hobbes
Phần 2: John Locke và nhà nước theo chủ nghĩa tự do
Phần 3: Montesquieu hoàn tất thuyết phân quyền
Tài liệu tham khảo
- Châtelet, François chủ biên và nhiều tác giả: Geschichte der Philosophie Band IV – Die Aufklärung (Lịch sử triết học tập IV – Khai sáng). ISBN 3-548-03063-7. (Eva Brückner-Pfaffenberger và Donald Watts Tuckwiller dịch từ gốc tiếng Pháp: Les Lumières).
- Desgraves, Louis: Montesquieu. ISBN 3-7973-0497-8 (Bản tiếng Đức do Christoph Vormweg dịch từ tiếng Pháp).
- Euchner, Walter: Naturrecht und Politik bei John Locke (Luật tự nhiên và chính trị với John Locke). ISBN 3-518-07880-1.
- Gay, Peter: The enlightenment: An Interpretation. The science of freedom (Dẫn luận về khai sáng – Khoa học của tự do). ISBN 0-393-00875-4.
- Hampson, Norman: The Enlightenment – An evaluation of its assumptions, attitudes and values (Khai sáng – Đánh giá những giả thuyết, quan điểm và giá trị). ISBN 0-14-013745-9.
- Hirschberger, Johannes: Geschichte der Philosophie – Band II: Neuzeit und Gegenwart (Lịch sử triết học – Tập II: Thời cận và hiện đại). ISBN 3-933366-00-3). Có thể tham khảo thêm trọn bộ tác phẩm này đã được dịch sang tiếng Việt: Lịch sử triết học Tập I & II – Bùi Văn Nam Sơn và tập thể dịch giả – NxB Tri Thức.
- Hobbes, Thomas: Leviathan (bản tiếng Đức do Kai Kilian hiệu đính từ phiên bản 1794 của Joh. Christ). ISBN 978-3-86647-347-8.
- Locke, John: Two Treatises of Government (Hai khảo luận về chính quyền). ISBN 978-0-521-35730-2 . Một phần tác phẩm này đã được Lê Tuấn Huy chuyển ngữ: Khảo luận thứ hai về chính quyền, NxB Tri Thức 2006, ISBN 978-604-908-896-4.
- Maier, Hans (1); Denzer, Horst và Rausch, Heinz: Klassiker des Politischen Denkens, Vol. 1: Von Plato bis Hobbes (Những triết gia chính trị kinh điển. Tập 1: từ Plato đến Hobbes). Beck Verlag, tái bản lần 3, 1969.
- Maier, Hans (2) và Denzer, Horst: Klassiker des Politischen Denkens, Vol. 2: Von Locke bis Max Weber (Những triết gia chính trị kinh điển. Tập 2: từ Locke đến Max Weber). ISBN 3-406-42162-8.
- Metzler Verlag chủ biên và nhiều tác giả: Philosophen (Những triết gia). ISBN 3-476-02026-6.
- Montesquieu: Vom Geist der Gesetze (Về tinh thần luật pháp). ISBN 3-15-008953-0. Kurt Weigand chuyển ngữ từ tiếng Pháp “L’esprit des lois”, tuyển chọn bởi Roger Caillois.
- Porter, Roy (1): Enlightenment – Britain and the creation of the modern world (Khai sáng – Anh quốc và sự thành lập thế giới hiện đại). ISBN 0-14-025028-X.
- Porter, Roy (2): Kleine Geschichte der Aufklärung (Lịch sử ngắn về Khai sáng – Ebba D. Drolshagen dịch từ tiếng Anh: The enlightenment, xuất bản 1990). ISBN 3-8031-2192-2.
Ghi chú
-
Xem Montesquieu Quyển I, Chương 6, trang 222. ↑
-
Xem Metzler trang 163 – Frank-Rutger Hausmann. ↑
-
Lettres Persanes. ↑
-
Considérations sur les causes de la grandeur des Romains et de leur décadence. ↑
-
De l’esprit des loix. ↑
-
Xem Maier (2) trang 53. ↑
-
Xem L. Desgraves, trang 359. ↑
-
Xem Montesquieu Quyển I, Chương 2, trang 101. ↑
-
Xem Montesquieu Quyển I, Chương 2, trang 101-102. ↑
-
Xem Montesquieu Quyển I, Chương 3, trang 102-105. ↑
-
Xem Montesquieu Quyển I, Chương 3, trang 104. ↑
-
Xem Montesquieu, Quyển XXVI, Chương 23. ↑
-
Xem Montesquieu, Quyển XI, Chương 4, trang 215. ↑
-
Xem Montesquieu, Quyển XI, Chương 6, trang 216. ↑
-
Cần lưu ý là Montesquieu đang nói đến chính thể quân chủ lập hiến, hay còn gọi là quân chủ đại nghị. Bên cạnh người cầm quyền mang trách nhiệm về hành pháp, còn có một nghị viện độc lập phụ trách việc soạn thảo và ban hành luật pháp. ↑
-
Xem Montesquieu, Quyển II, Chương 1. ↑
-
Xem Montesquieu, Quyển II, Chương 3. ↑
-
Xem Montesquieu, Quyển III, Chương 3. ↑
-
Xem Montesquieu, Quyển XI, Chương 6 trang 216-217. ↑
-
R. Porter (2), trang 39. ↑