Press "Enter" to skip to content

Lý thuyết nhà nước trong thời đại khai sáng (2)

Lý thuyết nhà nước trong thời đại khai sáng (2):
John Locke và nhà nước tự do

Tôn Thất Thông

Về lý thuyết nhà nước, chúng tôi đã trình bày trong phần I về bối cảnh chính trị trong thế kỷ 17 tại Anh và lý thuyết nhà nước chuyên chế của Thomas Hobbes. Xin tiếp tục trình bày Phần II của loạt bài này để bàn về lý thuyết nhà nước của John Locke.

John Locke (1632 – 1704) sinh tại Wrington, ngoại thành Bristol ở tây nam nước Anh. Từ lúc còn trẻ, Locke đã nổi danh là một học giả đa dạng, am hiểu mọi ngành từ triết học, toán học, vật lý, hóa học, kinh tế học và cả y khoa. Năm 30 tuổi, Locke được phong chức giảng viên triết học tại đại học Oxford. Tuy nhiên, Locke không tán thành thế giới quan cổ điển của chủ nghĩa kinh viện vốn đang được giảng dạy tại Oxford, vì nó không phù hợp với quan điểm của ông về các lĩnh vực khoa học tự nhiên, triết học đạo đức cũng như lý thuyết chính trị.

Ông sớm tiếp cận với chính trị Anh quốc sau khi trở thành cố vấn thân cận và là bác sĩ riêng của Anthony Ashley-Cooper, người sau này trở thành bá tước vùng Shaftesbury rồi Thủ tướng Anh và cũng là một nhân vật nổi bật trong trào lưu vận động chính trị dẫn đến cuộc cách mạng huy hoàng 1688. Kể từ lúc cộng tác gần gũi, John Locke sát cánh với Ashley-Cooper trong mọi bước đi trên chính trường cho đến lúc Ashley-Cooper mất. Trên bước đường đó, Locke đã chịu ảnh hưởng xu hướng cộng hòa của Ashley-Cooper.

Locke - Ashley-Cooper.jpg
John Locke (1632-1704) & Anthony Ashley-Cooper (1621-1683).

John Locke là một trong những triết gia tên tuổi nhất của nền triết học hiện đại. Ngay cả đến thế kỷ 21, những nghiên cứu về Locke đã sản xuất ra mỗi năm vô số sách vở và tiểu luận của những học giả tiếng tăm. Nếu so sánh với những người cùng thời tương tự như Thomas Hobbes, Jean Jacques Rousseau, Karl Marx, thì John Locke là một triết gia hiện đại đa dạng nhất, vì thế giới quan triết học, chính trị và kinh tế của Locke đã để lại dấu ấn rất sâu đậm trong kỷ nguyên mới của xã hội tư sản[1]. Những tác phẩm của John Locke trong 15 năm cuối đời là một trong những nền tảng vững chắc nhất của thời đại khai sáng trong thế kỷ 18. Ở Pháp, Locke đã là nhân tố làm cho trào lưu khai sáng sống động hơn, những cuộc tranh luận trong các Salons de Paris đều ít nhiều liên quan đến tư tưởng của John Locke. Ở Đức, ảnh hưởng của Locke là yếu tố đột phá cho quá trình tách rời tư tưởng hiện đại khỏi triết học truyền thống và thần học[2].

Những tác giả của Bách khoa Toàn Thư phác họa hình ảnh John Locke như một người kỳ lạ hiếm có, điều gì cũng biết, điều gì cũng tham gia tranh luận. Không có một lĩnh vực nào mang ý nghĩa khai phá mở đường của thời đại khai sáng mà không có công lao của John Locke đóng góp vào, hoặc chí ít cũng được ông ươm mầm, gây cảm hứng. John Locke để lại cho hậu thế những công trình đồ sộ về lý thuyết nhận thức, triết lý luật pháp, lý thuyết nhà nước, thần học, chú giải Thánh Kinh, chính sách Giáo hội, kinh tế, khoa học tài chính, toán, y khoa, sư phạm v.v…[3], cho nên cũng không có gì ngạc nhiên khi ông sớm được chọn làm viện sĩ của Royal Society, hàn lâm viện danh giá nhất của Anh. Lúc ấy Locke mới vừa 36 tuổi. Không hiếm người so sánh và xem Locke như là “Aristotle thời hiện đại”, mặc dù bản thân ông cũng rất khó xử về tước hiệu danh giá đó.

Khởi điểm lý luận trong triết lý chính trị của Locke là chủ nghĩa tự do, luật tự nhiên và quyền tư hữu. Nhưng sống trong thời kỳ biến động chính trị tại Anh trong thời gian trước và sau cuộc Cách mạng Huy hoàng năm 1688, lại là người đứng về phía đối lập với vương triều, trên vai gánh chịu biết bao áp lực chính trị đè nặng, thậm chí bị đe dọa và phải sống lưu vong ở Hà Lan 5 năm, John Locke cố gắng vận dụng những nhận thức về các lý thuyết khởi điểm nói trên để phác họa các định chế chính trị có bản chất và khả năng bảo vệ quyền con người. Kết quả của quá trình lao động trí tuệ đó được John Locke đúc kết trong tác phẩm “Hai khảo luận về chính quyền[4]”, được hoàn tất vào cuối năm 1680, nhưng mãi đến năm 1689 mới xuất bản với tác giả vô danh ngay trong thời kỳ sôi động của cuộc Cách mạng Huy hoàng năm 1688 tại Anh.

Trong lĩnh vực lý thuyết nhà nước, Khảo luận thứ II bàn về quá trình thành hình, mục tiêu và các định chế chính trị của một hệ thống nhà nước vốn dĩ có thể được những người ưa chuộng tự do thừa nhận là chính danh. Khi xây dựng lý thuyết nhà nước, John Locke đi theo mô hình tư duy của Hobbes, khởi đầu bằng trạng thái tự nhiên. Nhưng với John Locke, trạng thái tự nhiên mang màu sắc khác hẳn, với những tính chất mới mẻ hiếm thấy, chí ít là rất mới mẻ trong thời đại khai sáng và trong xã hội ông đang sống, dưới góc nhìn của một con người lý tưởng. Đó là tình trạng tự do, bình đẳng, tôn trọng luật pháp, con người sống độc lập nhưng có tinh thần trách nhiệm, con người có quyền tư hữu đồng thời biết tôn trọng sở hữu riêng của người khác. Với những tiền đề này, nhà nước lý tưởng của John Locke cũng mang những tính chất tương ứng, và John Locke xứng đáng được gọi là triết gia đầu tiên khai sinh chủ nghĩa tự do trong nền triết học chính trị thế giới.

Về trạng thái tự nhiên

Điều khác nhau mang tính nguyên lý giữa Thomas Hobbes và John Locke khi lý giải về tình trạng tự nhiên theo Locke là, cho dù con người vốn ít nhiều có tư tưởng cạnh tranh thù địch với nhau, nhưng họ không thể sống cô lập, mà để sinh tồn, họ phải có quan hệ mật thiết với nhau thông qua các hoạt động kinh tế trong thị trường. Ngoài ra, trong trạng thái tự nhiên, con người chịu sự chi phối của luật tự nhiên có giá trị phổ quát cho mọi người, vì thế họ có thể phân biệt giữa đúng và sai, hợp pháp và phi pháp[5]. Nói cách khác, sự phân biệt đúng sai này đã có từ trong trạng thái tự nhiên, chứ không cần phải đợi đến lúc nhà nước được thành lập như Hobbes quan niệm.

Hơn nữa, đời sống trong trạng thái tự nhiên đã hàm chứa những nhân tố đạo đức, lẽ phải và tuân theo những qui ước cộng đồng mà ngôn ngữ của chúng ta hôm nay gọi là luật pháp bất thành văn. John Locke viết: “Trong trạng thái tự nhiên đã hàm chứa một luật tự nhiên được mọi người chấp nhận. Lẽ phải xuyên suốt thống nhất trong bộ luật đó dạy cho chúng ta rằng, vì mọi người sinh ra đã bình đẳng và độc lập, cho nên không ai được quyền làm hại đến đời sống, sức khỏe, tự do hoặc tư hữu của người khác[6]”.

Theo John Locke, trạng thái tự nhiên là một tình trạng tự do hoàn hảo để chọn lựa hành động của mình và xử lý các nguồn sở hữu và con người theo cách mà họ cho là phù hợp trong khuôn khổ của luật tự nhiên, mà không cần phải xin phép hay phụ thuộc vào ý chí của một ai. Đó cũng là tình trạng bình đẳng, trong đó tất cả mọi quyền lực và phán quyết đều mang tính chất hổ tương, không ai có nhiều hơn ai hoặc chiếm lợi thế hơn người khác[7].

Nhưng tự do hoàn hảo không có nghĩa là tự do tùy tiện, ai muốn làm gì cũng được, vì dù được sống trong trạng thái tự do hoàn hảo, mỗi người có nhiệm vụ bảo vệ tự do của người khác, cũng như có quyền trừng phạt những người xâm phạm tự do[8]. Theo diễn giải của Locke về trạng thái tự nhiên, việc thực thi luật tự nhiên được trao vào tay mỗi thành viên, nếu không thì luật ấy trở nên vô hiệu vì không ai có quyền thực thi, để qua đó mà bảo vệ người vô tội và trừng phạt người vi phạm. Nói cách khác, trong trạng thái tự nhiên, người này có quyền lực đối với người kia, tức là có quyền gây hại một cách hợp pháp cho người khác[9], điều mà chúng ta thường diễn đạt bằng thuật ngữ quen thuộc là trừng phạt. Tóm lại trong trạng thái tự nhiên, mỗi người vừa là tác nhân trong cộng đồng, vừa là quan tòa có quyền trừng phạt người khác, cũng vừa là chấp pháp viên thi hành lệnh trừng phạt đó.

Dù mức độ trừng phạt phải phù hợp với tội phạm, nhưng điều lý thú là, John Locke không hề giới hạn quyền trừng phạt cho đến cả mức độ có thể giết người phạm tội, mà chúng ta thường gọi một cách bình dân là giết người đền mạng theo luật rừng thời trung cổ, hay là như Locke nói: nợ máu phải trả bằng máu[10]. Xem ra thì có vẻ không còn luật lệ. Nhưng không sao, nếu chưa có một nhà nước cai quản xã hội, thì mọi chuyện đều có thể xảy ra, khi các thỏa thuận bất thành văn trong cộng đồng cho phép. Chủ ý của Locke có lẽ là để biện giải rằng, việc con người rời bỏ trạng thái tự nhiên để tiến đến trạng thái xã hội có nhà nước cai quản là cần thiết đến dường nào, như thể đó là ý muốn của Thượng Đế đã sắp đặt từ trước.

Theo lý thuyết chính trị của Thomas Hobbes, nhà nước được hình thành từ một khế ước đặt trên hai nền tảng: mỗi người hành xử một cách duy lý không tuân theo một chuẩn mực đạo đức hoặc vô đạo đức nào, và tình trạng tự nhiên phải mang bản chất công bằng tuyệt đối. Đối với John Locke, như thế là chưa hoàn hảo. Tình trạng tự nhiên không chỉ mang bản chất công bằng cần phải có, mà nó còn bị chi phối bởi luật tự nhiên. Luật lệ này không phải là những định luật vật lý hay sinh học trong thiên nhiên, cũng không phải là những qui ước mang tính xã hội hoặc tâm lý, mà là những qui ước đạo đức với mục đích tối thượng là bảo vệ quyền tự do và bình đẳng cho mọi người.

Về tư hữu

Bên cạnh khái niệm về trạng thái tự nhiên, quyền tư hữu cũng là một khái niệm quan trọng không thể thiếu trong lý thuyết nhà nước của John Locke. Ông đã dùng nguyên chương V trong Khảo luận II để bàn về sở hữu. Xuất phát từ nhận thức cơ bản rằng, “Thượng Đế đã hào phóng trao tặng chúng ta mọi thứ”, con người có quyền sở hữu đến mức tối đa những gì phục vụ cho lợi ích cuộc sống, trước khi chúng trở nên hư thối, như chừng ấy lao động được dùng để biến thành tư hữu. Vượt quá giới hạn đó là đã đi quá nhu cầu thực sự của cá nhân, nên chúng phải thuộc người khác[11].

Một số triết gia cổ đại như Plato hoặc nhiều học giả thần học phê phán rằng, tư hữu là một sản phẩm tai hại đối với trật tự tự nhiên, xuất phát từ ham muốn cá nhân. Cả Jean-Jacques Rousseau trong thế kỷ 18 cũng cho rằng, quyền tư hữu là nguồn gốc của mọi bất bình đẳng trong xã hội. Ngược lại, John Locke khẳng định rằng, tư hữu là tiền đề cần thiết để cho con người có thể tồn tại.

Locke lý giải rằng, để sinh sống con người cần tác động vào ngoại cảnh thiên nhiên để tạo ra những tiền đề vật chất phục vụ cho việc sinh tồn. Khi con người chế tạo một sản phẩm nào đó có thể sử dụng được, anh ta rõ ràng đã sử dụng sức lực và trí tuệ, vốn dĩ là tư hữu của anh ta, để tác động vào nguyên liệu trong thiên nhiên và làm ra sản phẩm. Vậy thì, sản phẩm được chế tạo đó phải được xem là tư hữu của anh ta mà không cần phải xin phép sự chấp thuận của các thành viên khác trong cộng đồng. Tất nhiên là việc sử dụng nguyên liệu thiên nhiên phải phù hợp với quy ước của luật tự nhiên, tức là không tham lam chiếm hữu quá nhiều, vượt quá nhu cầu bản thân, cũng không được xâm phạm vào quyền tự do tư hữu của người khác khi họ cũng muốn làm công việc tương tự[12].

Nói tóm lại theo Locke, khi con người lấy bất cứ thứ gì từ trạng thái tự nhiên chung, rồi hòa trộn với lao động của riêng mình để tạo nên một sản phẩm nào đó có thể sử dụng được, thì sản phẩm ấy tất yếu thuộc sở hữu của người đó, vì rõ ràng lao động con người là sở hữu riêng của người này, là cái không thể tách ra hoặc bị cướp đoạt từ người đó. Cho nên, không một ai khác có quyền đối với sản phẩm được tạo ra từ lao động của người khác[13].

Một thí dụ thực tế: cá trong biển rộng là của chung dân chúng, người nào dùng lao động của mình hoặc thuê lao động để đánh bắt mang lên thuyền, thì số cá bắt được tất yếu thuộc về anh ta, sau khi trừ bớt một tỷ lệ vừa phải để phục vụ cộng đồng mà ngôn ngữ hôm nay chúng ta gọi là thuế ngư nghiệp. Với quan niệm về tư hữu như thế, quyền tự do tư hữu theo Locke là điều hiển nhiên, là thành tố quan trọng trong việc duy trì đời sống cộng đồng một cách hài hòa. Và quyền tư hữu cũng chính là động lực quan trọng để con người sẵn sàng lao động miệt mài hòng tạo ra sản phẩm, vừa trực tiếp nâng cao tài sản riêng, vừa tạo ra sản phẩm cung cấp cho cộng đồng, và như thế gián tiếp góp phần vào sự tăng trưởng phồn vinh cho xã hội.

Như kinh tế gia Adam Smith sau này nhận xét, “nơi nào không có tư hữu, nơi đó chưa cần một cơ quan dân sự”, nhưng từ lúc con người có quyền sở hữu của cải, lúc đó tất yếu họ cũng muốn có quyền được bảo vệ tư hữa của mình. Nhìn trở lại lịch sử phát triển loài người cách đây nhiều thiên niên kỷ, sau khi thoát ra khỏi kỷ nguyên săn bắn hái lượm, sau đó bước sang kỷ nguyên chăn nuôi gia súc để tiến lên kỷ nguyên định cư định canh, thì tư hữu đất đai và mùa màng được thành hình và loài người có xu hướng rào chắn ruộng vườn để bảo vệ tư hữu do mình tạo ra, hoặc do trao đổi buôn bán với người khác.

Trong xã hội đó, người không có tư hữu nào là người thua thiệt. Đó là nô lệ, nông nô, tá điền phải bán sức lao động cho các điền chủ để sinh tồn. Tình trạng này tất yếu dẫn đến sự bất bình đẳng giữa những người có nhiều tư hữu ruộng vườn và những người tay trắng. Xung khắc xã hội tất yếu xảy ra dẫn đến xung đột giữa các thành viên[14].

Chúng ta thử hình dung tình trạng sau đây về đất đai nông nghiệp ở tình trạng tự nhiên trong giai đoạn đầu của kỷ nguyên canh tác. Không những tất cả đất đai thuộc sở hữu tư nhân đã lớn nhỏ khác nhau, việc phân phối tài sản tư nhân cũng đã không bình đẳng ở mức độ chưa từng thấy. Một số người có đất đai canh tác rộng lớn hơn người khác vì siêng năng hoặc do cách làm khôn ngoan, một số người khác có một mảnh đất tốt hơn nhiều so với người hàng xóm của họ, những người này bị lòng đố kỵ thúc đẩy, sẽ cố gắng lấy nó khỏi tay anh ta. Chủ sở hữu, ngay chính thông qua việc làm, không thể canh tác đất đai của mình trong hòa bình và đến lượt mình phải ra tay để trừng phạt kẻ phá hoại. Bằng cách này, một tình trạng rất nguy hiểm và không an toàn sẽ đạt đến. Không ai có thể sống trong hòa bình và duy trì bản thân theo quy luật tự nhiên.

Trong tình trạng hỗn loạn đó, nơi mọi người đều lo sợ cho tính mạng và tài sản của mình, mọi người sẵn sàng từ bỏ hai quyền rất quan trọng của họ để đổi lại là được bảo vệ tốt hơn: quyền tự vệ bản thân khi họ thấy cần thiết và quyền đối đầu với một kẻ bất lương cần phải bị trừng phạt. Nhưng không ai có thể chịu sự trừng phạt của người khác nếu không có sự đồng ý của anh ta. Chỉ khi mọi người tự nguyện từ bỏ quyền tự do tự nhiên của mình và ủy thác cho một cơ quan chính trị, thì lúc đó một xã hội dân sự mới có thể xuất hiện từ cộng đồng của tất cả mọi người. Khi con người đoàn kết lại để tạo thành một nhà nước, họ đạt đến một cấp độ cao hơn trạng thái tự nhiên: họ có thể cùng nhau vượt qua trạng thái hỗn loạn và bảo vệ tốt hơn tính mạng và tài sản của mình. Để đổi lại, mỗi cá nhân phục tùng ý chí của cộng đồng.

Do đó, ý chí của đa số luôn luôn được áp dụng. Mục tiêu cao nhất của cộng đồng dân sự là bảo vệ các thành viên và tài sản riêng của họ trước những nguy hiểm từ bên ngoài. Các thành viên của cộng đồng mới không phải chịu bất kỳ tổn thất nào khi từ bỏ các quyền cơ bản của họ: bằng cách đóng góp các quyền của mình cho cộng đồng, họ có thể sống yên bình hơn và nếu cần, có thể nhờ cộng đồng giúp đỡ. Và vì tất cả mọi người đều có thể tham gia vào việc tạo ra luật thông qua người đại diện của mình, một hệ thống quyền tài phán nảy sinh, thay vì xử lý tranh chấp bằng cách làm cá nhân tùy tiện, mà chúng ta gọi hôm nay là luật giang hồ.

Đó chính là nguyên nhân tại sao nhà nước phải được thành hình như là một định chế chính trị cần thiết để bảo vệ an ninh xã hội, thực chất và trước hết là bảo vệ quyền lợi của những người có ít nhiều tư hữu.

Nhà nước trong xã hội hiện đại cũng phát triển tương tự. Nếu tư hữu được thành hình như thế thì không tránh được tình trạng chênh lệch về giá trị của tư hữu mà các thành viên tạo ra và chiếm hữu. Điều đó tất nhiên dẫn tới sự bất bình đẳng xã hội trong cộng đồng. John Locke xem tình trạng đó là hợp tự nhiên[15], điều mà ngạc nhiên thay, đã để lại ảnh hưởng không ít lên tư tưởng học giả các đời sau, thí dụ như luận chứng kinh tế dựa trên nền tảng tư hữu là gốc rễ của lĩnh vực sau này được gọi là kinh tế chính trị học mà Adam Smith là đại biểu quan trọng nhất kể từ hậu bán thế kỷ 18.

Nhà nước với quyền lập pháp, hành pháp và liên hiệp

Theo lẽ tự nhiên, mọi người đều tự do, bình đẳng và độc lập, không ai có thể ép buộc họ ra khỏi trạng thái tự nhiên để trở thành đối tượng của quyền lực chính trị của người khác, mà không có sự đồng ý của họ. Nhưng vì nhu cầu được hưởng thụ một cuộc sống tiện lợi, an toàn, thanh bình với mọi người chung quanh, cũng như nhu cầu được hưởng thụ sở hữu của mình một cách chắc chắn trong một môi trường an ninh, họ có xu hướng cùng nhau liên kết và hợp nhất trong một cộng đồng[16], trong đó có sự phân công để dễ dàng thực hiện những việc có lợi ích chung. Khế ước xã hội bắt đầu thành hình như thế.

Sự liên kết này đầu tiên lỏng lẻo, nhưng khi số lượng công việc ngày càng nhiều và phức tạp, thì bắt đầu xuất hiện nhiều tổ chức với nhiều nhiệm vụ khác nhau. Giữa công dân với nhau có một thỏa thuận theo những nguyên tắc quy định trong khế ước xã hội. Cộng đồng không còn được liên kết lỏng lẻo như trước nữa, mà dần dần trở thành một thực thể chính trị. Đó là lúc mà nhà nước bắt đầu thành hình.

Qua khế ước này, chính phủ được thành lập và mang tính hợp pháp, đồng thời chính phủ phải tôn trọng luật pháp được ban hành. Khi chính phủ không đáp ứng đòi hỏi của đa số công dân trong xã hội, hoặc khi chính phủ hành động vượt ra ngoài khuôn khổ luật pháp, họ có thể bị truất phế bằng phương tiện ôn hòa, nhưng nếu cần cũng có thể bằng vũ lực.

Lý thuyết chính trị được John Locke tóm tắt trong tác phẩm nói trên đã ảnh hưởng sâu sắc lên sự thành lập các định chế chính trị ngay sau cuộc Cách mạng Huy hoàng tại Anh. Đúng một thế kỷ sau, cũng chính lý thuyết của Locke là nền tảng lý luận của Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ năm 1776, Hiến pháp Hoa Kỳ năm 1787 cũng như Tuyên ngôn Nhân quyền và quyền Công dân[17] của cuộc cách mạng Pháp năm 1789. Trên bình diện toàn cầu, “Hai khảo luận về chính quyền” được đánh giá là tuyên ngôn của chế độ dân chủ tự do, là thời khắc sinh thành của một mô hình chính trị mới mẻ mà chúng ta quen gọi bằng thuật ngữ hiện đại là chế độ tư bản chủ nghĩa.

Triết lý chính trị của John Locke đặt trên một tiền đề hết sức tiến bộ, nói đúng hơn là hết sức cách mạng trong thời đại của ông. Locke cho rằng, trong trạng thái tự nhiên, tất cả mọi người đều được sinh ra trong một hoàn cảnh giống nhau, chia xẻ thiên nhiên, năng lực và quyền lực như nhau, cũng như thụ hưởng lợi thế giống nhau từ thiên nhiên. Điều đó có nghĩa là mỗi người đều có quyền như nhau về việc thụ hưởng quyền tự do tự nhiên của họ, nói khác đi là thụ hưởng như nhau quyền làm chủ tư hữu và số phận của chính mình[18].

Mặc dù sử dụng mô hình tư duy của Thomas Hobbes, xem trạng thái tự nhiên là khởi điểm của lý thuyết nhà nước. Nhưng với hai cách nhìn hoàn toàn khác nhau về trạng thái tự nhiên, con đường dẫn đến sự thỏa thuận và nội dung khế ước chính trị của hai vị triết gia này cũng vô cùng khác nhau, từ đó hình thái nhà nước được thành hình cũng hoàn toàn khác. Nếu như Hobbes cho rằng, trạng thái tự nhiên là tình trạng “chiến tranh mỗi người chống lại mọi người”, thì như trên đã trình bày, John Locke quả quyết rằng, “mọi người sinh ra đã bình đẳng và độc lập, cho nên không ai được quyền xâm phạm đến đời sống, sức khỏe, tự do hoặc tư hữu của người khác”. Vì thế, nhiệm vụ quan trọng nhất của nhà nước là bảo vệ các quyền tự do của công dân, nếu muốn được xem là một nhà nước hợp pháp.

Nhiệm vụ ấy chỉ có thể hoàn thành với một số tiền đề nhất định trong cơ cấu nhà nước. Ở đây, John Locke đã thấy trước chỗ yếu của con người, nhất là khi họ nắm giữ quyền lực trong tay. Quan sát hệ thống chính trị ở Pháp dưới triều đại của vua Louis XIV, Locke cho rằng trong một chế độ quân chủ chuyên chế, người dân khó lòng kháng cự lại nhà cầm quyền để chống lại sự can thiệp thô bạo vào đời sống riêng và quyền tư hữu. Vì thế Locke kết luận rằng, “chế độ quân chủ chuyên chế mà có người cho là hình thái nhà nước hiệu quả duy nhất trên thế giới, chế độ đó mâu thuẩn với một xã hội dân sự và vì thế cũng không thể là thể chế chính trị của xã hội dân sự[19]”.

Trong thế kỷ 17, khi xã hội dân sự còn là một khái niệm xa lạ và phản động, khi quyền lực vương triều vẫn còn ngự trị trong khắp mọi quốc gia, kết luận của John Locke không những khó lòng được chấp nhận, mà còn có thể bị đánh đổi với mạng sống của chính mình. Nhưng có ai ngờ, 100 năm sau, viễn kiến ấy đã là nguồn cảm hứng cho hai cuộc cách mạng Hoa Kỳ và Pháp cuối thế kỷ 18, và trở thành hiện thực ở khắp lục địa châu Âu trong thế kỷ 19.

John Locke đã tự tạo cho mình một thế đứng không thể nhầm lẫn với ai khác khi tuyên bố rằng, “Hễ khi nào các nhà lập pháp có ý định cướp đoạt và triệt phá tư hữu của công dân hay kéo họ xuống tình trạng nô lệ dưới một quyền lực độc đoán, khi đó họ đã tự đặt mình vào tình trạng chiến tranh với nhân dân[20]”. Những lời tuyên bố đanh thép tương tự về vai trò của hành pháp cũng được tìm thấy nhiều nơi trong tác phẩm “Khảo luận thứ II về chính quyền[21]”.

Nhưng nếu John Locke chỉ dừng ở những lý thuyết căn bản về mối quan hệ giữa nhà nước và công dân của họ, thì có lẽ ông đã không đi vào lịch sử với ánh hào quang như hiện nay. Từ những lý giải về các mối liên hệ đặc thù ở trên, và nhất là để tìm lời giải cho công cuộc đấu tranh xây dựng một thể chế chính trị lý tưởng đang theo đuổi, John Locke tìm cách phác thảo cơ chế vận hành nhà nước để một mặt có khả năng bảo vệ quyền con người của công dân, mặt khác tránh sự lạm dụng quyền lực của giới cầm quyền, đồng thời bảo vệ những nguyên lý căn bản trong xã hội như “việc thực thi quyền tự do của một người không được xâm phạm đến tự do chân chính của người khác”.

Là người sống trong thế kỷ 17, tất nhiên John Locke khó lòng hình dung một thể chế dân chủ nghị viện hiện đại. Locke định hướng tư duy của mình vào căn bản lý thuyết đã có từ thời cổ đại, đó là phân biệt giữa ba loại chế độ: quân chủ, chuyên chế và dân chủ. Nhưng cho dù trong thể chế nào đi nữa, Locke cho rằng, việc thiết lập ra luật pháp luôn luôn có chỗ đứng quan trọng nhất trong toàn bộ hệ thống[22]. Nhưng sáng kiến của Locke là nên có một thể chế hỗn hợp, có nghĩa là cộng đồng sẽ rút ra một hình thái tối ưu để thực thi quyền lực chính trị tùy theo tình trạng thực tế. Tổ chức được một cộng đồng như thế là cách tốt nhất để có thể bảo vệ tự do của công dân. Theo Locke, thể chế “quân chủ ôn hòa” của nước Anh lúc ấy là chế độ lý tưởng, trong đó có sự cân bằng quyền lực giữa vương triều và quốc hội, đồng thời, quốc hội bao gồm hai bộ phận, thượng viện và hạ viện. Trong hai viện đó, hạ viện phải là cơ quan đại diện do mọi công dân bầu lên[23].

John Locke, cũng như sau này Montesquieu nhận thấy, điều nguy hiểm nhất đe dọa một thể chế chính trị là sự lạm quyền. Theo Locke, để ngăn chặn điều đó thì hệ thống quyền lực phải được phân chia làm hai bộ phận khác nhau và độc lập nhau. Sáng kiến này thực chất đã có từ trước, nhưng công trạng vĩ đại của Locke là đã đưa lý thuyết phân quyền thành một định chế bắt buộc để có một nhà nước pháp quyền vững mạnh và công minh. Sau này, Montesquieu đã tiếp thu, bổ sung, hoàn thiện và xây dựng nền móng để cho lý thuyết phân quyền trở thành một nhân tố chủ đạo trong việc xây dựng thể chế nhà nước, mà chúng ta quen gọi là tam quyền phân lập. Ba trăm năm sau, lý thuyết ấy vẫn còn chỗ đứng trang trọng trong lâu đài triết học chính trị và tìm thấy việc áp dụng thực tế trong nhiều quốc gia dân chủ ngày nay.

Montesquieu - Smith.jpg

Montesquieu (1689 – 1755) & Adam Smith (1723 – 1790)

Trước hết, John Locke từ chối việc xem vương triều như một “ân sủng của Thượng Đế” hoặc gọi như trong văn hóa Á châu là “Thiên mệnh”, vì mọi người sinh ra vốn đã bình đẳng với đầy đủ quyền căn bản của con người, chí ít là như vậy trong trạng thái tự nhiên. Locke cho rằng, nhà nước là một thực thể cần thiết trong việc cai trị quốc gia. Nhưng nhà nước không phải do ai sắp đặt từ trước, mà là một đối tác trong khế ước xã hội với công dân. Trong khế ước này, công dân cử ra nhà nước như là một thực thể đại diện cho mình.

Mục đích quan trọng nhất của con người khi thỏa thuận khế ước để tham gia vào xã hội là có thể thụ hưởng tư hữu của mình một cách an toàn và được sống trong hòa bình. Công cụ và phương tiện quan trọng nhất để thực hiện chuyện đó là luật pháp đã được thiết lập trong xã hội vốn dĩ do mọi người, thông qua đại diện của mình, đã kiến tạo[24]. Công dân sẵn sàng từ bỏ một phần quyền hạn họ đang chiếm giữ để đổi lại sự bảo vệ của nhà nước chống lại sự xâm phạm bất hợp pháp đi từ những công dân khác hay định chế khác. Cơ chế để bảo đảm phương thức hoạt động đó là các quy ước xã hội, hệ thống luật lệ được đa số công dân tán thành. Vì thế, việc kiến tạo hệ thống luật lệ là nhiệm vụ đầu tiên, cũng là nhiệm vụ tối thượng của nhà nước, vì nó xuất phát từ nhân dân mà ra[25]. John Locke gọi định chế đó là cơ quan lập pháp (legislative).

Mặc dù quyền lập pháp là quyền lực tối cao và quan trọng nhất trong hệ thống nhà nước, John Locke cũng vạch rõ bốn giới hạn mà cơ chế thực hiện quyền lập pháp, từ nay gọi là cơ quan lập pháp, phải tôn trọng. Mục đích của việc đặt ra bốn giới hạn đó nhằm để ngăn ngừa sự lạm dụng quyền lực của những người trong cơ quan lập pháp. Đó cũng chính là nhận xét sắc bén của một triết gia chính trị có viễn kiến: Ai nắm giữ nhiều quyền lực trong tay đều có xu hướng lạm dụng quyền lực cho mục đích riêng tư. Cho nên, ngăn ngừa sự lạm dụng quyền lực là việc làm cần thiết cho mọi cơ quan trong mọi thời kỳ. Đó cũng chính là ý tưởng chủ đạo của John Locke khi luận bàn về hình thái và cơ cấu tổ chức nhà nước. Các giới hạn của cơ quan lập pháp, theo Locke là:

Thứ nhất, đó không phải là một quyền lực độc đoán, chuyên chế có thể áp đặt điều gì lên đời sống của công dân, vì sự tồn tại của nó chỉ là do sự liên kết của các thành viên trong cộng đồng, ủy thác cho nó quyền soạn thảo luật pháp có thể áp dụng một cách tổng quát cho mọi người, trong một giới hạn rõ ràng là ranh giới của các loại lợi ích công của xã hội. Ngoài ra, cơ quan lập pháp này không thể có bất cứ quyền hạn gì khác hơn những quyền hạn mà các thành viên của nó đã có trước đó. Trong trạng thái tự nhiên, không ai có thể áp đặt điều gì lên đời sống người khác, cho nên các đại diện của họ cũng không có quyền đó[26].

Thứ hai, cơ quan lập pháp, dù với quyền lực cao nhất, không thể tự cho phép mình quyền cai trị bằng những quyết định chuyên quyền và tùy tiện, cũng không thể đưa ra quyết định gì về các quyền của công dân, hơn là những quyền lập pháp đã được ủy thác. Những quyền lực nói trên do những cơ quan chức năng khác đảm nhiệm và hoạt động trong khuôn khổ luật pháp đã được ban hành. Công dân tham gia vào khế ước xã hội với mục đích tối thượng là được sống an bình và tư hữu được bảo vệ. Mục đích này đã khiến cho mọi người sẵn sàng nhường lại tất cả quyền lực tự nhiên của mình cho xã hội, khiến xã hội có thể đặt quyền lực lập pháp vào tay những người được cho là thích hợp. Với sự ủy thác đó, công dân tự đặt mình dưới sự cai quản của những luật đã được ban hành, và chỉ dưới những bộ luật đó mà thôi. Nếu không, hóa ra hòa bình, sự yên ổn và sở hữu của họ cũng chỉ ở trong tình trạng bất định, y như trong trạng thái tự nhiên[27].

Thứ ba, cơ quan lập pháp không thể lấy bất cứ phần sở hữu nào của bất cứ một ai mà không có sự chấp thuận của người ấy, vì bảo toàn sở hữu của công dân là nhiệm vụ của nhà nước, và cũng chính vì điều này mà con người gia nhập vào xã hội. Ở những chính quyền mà cơ quan lập pháp có thể thay thế toàn bộ hay một phần, theo một chu kỳ được định trước, thì sự giới hạn ở trên không có gì đáng lo ngại. Nhưng khi quyền lực lập pháp được giao cho một người hoặc một nhóm người một cách vĩnh viễn, như các chính thể quân chủ chuyên chế thì điều nguy hiểm vẫn còn đó, tư hữu của công dân – toàn bộ hay một phần – có thể bị lấy đi dù họ không đồng ý.

Thứ tư, cơ quan lập pháp không được chuyển giao quyền làm luật cho bất kỳ ai khác hoặc cho bất kỳ cơ quan nào khác[28]. Điều hiển nhiên của sự ràng buộc này là, quyền lập pháp đó thuộc những người do nhân dân bầu ra, tức là họ được bầu lên bởi mọi thành viên trong xã hội, hoặc chí ít là đa số, những người đã tham gia vào khế ước xã hội. Muốn chuyển giao quyền lực đó cho một người nào khác, một nhóm người nào khác hay một cơ quan nào khác, điều đó đòi hỏi sự thỏa thuận một khế ước mới, hay nói cách khác là qua một cuộc bầu cử mới, vì nhân dân chỉ thừa nhận và chịu ràng buộc vào bất kỳ một luật lệ nào được quyết định bởi những người do chính họ bầu ra. Khi công dân thừa nhận rằng, họ sẽ phục tùng các quy định và chịu sự cai quản của luật pháp do những người đại diện của họ làm ra, thì không ai khác sẽ làm luật thay cho họ, và người công dân cũng không chịu ràng buộc bởi bất kỳ luật lệ nào khác hơn là những bộ luật được làm ra bởi người đại diện của họ.

Nói tóm lại, dù cơ quan lập pháp có quyền lực tối cao trong hệ thống nhà nước và những cơ quan khác phải phụ thuộc vào nó, thì cơ quan lập pháp cũng chỉ tồn tại như một quyền lực được nhân dân ủy thác, để làm tròn nhiệm vụ được quy định rõ ràng bởi nhân dân hòng đạt đến mục đích nào đó. Cho nên, khi cơ quan lập pháp hành động vượt ra ngoài khuôn khổ được đặt ra, hoặc khi nó không hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ và mục đích khó lòng đạt được, thì nhân dân vẫn còn giữ quyền thay thế những người đại diện của mình, tước bỏ sự ủy thác để giao lại cho những người khác phù hợp hơn[29].

Ở đây, chúng ta thấy rõ hơn tầm quan trọng của những cuộc bầu cử tự do và công minh trong một hệ thống xã hội lấy pháp luật làm thành tố chủ đạo trong việc điều hành quốc gia, nói theo ngôn ngữ ngày nay là chế độ pháp quyền. Điều này không thể có trong chế độ quân chủ, cũng khó có trong chế độ chuyên chế độc tài, hoặc có nhưng rất hạn chế và dễ bị lạm dụng. Việc bầu cử tự do và công minh chỉ có thể thực hiện trong một thể chế dân chủ thực sự, điều mà viễn kiến của John Locke đã trở thành hiện thực một cách rộng rãi sau 200 năm.

Nhưng hệ thống luật lệ, dù chặt chẽ đến đâu, tự nó cũng không thể vận hành để bảo toàn sự hoạt động thông suốt trong xã hội, mà nó cần một cơ quan khác với chức năng khác. John Locke lý giải rằng, luật lệ thường được kiến tạo một lần, trong một thời gian ngắn, nhưng lại có tính vững chắc và tồn tại lâu dài, cho nên nó cần một định chế chấp hành thường trực hoặc cần sự theo dõi bổ sung. Locke gọi định chế đó là hành pháp (executive). Nói khác đi, hệ thống luật lệ cần một quyền lực luôn luôn hiện hữu, có thể xem như cơ quan thi hành các luật lệ vốn dĩ đã được kiến tạo và cần được duy trì. Cũng chính vì thế mà lập pháp và hành pháp thường được tách rời độc lập[30].

Ngoài cơ chế lập pháp và hành pháp, John Locke còn đề nghị một cơ chế quyền lực liên bang để giải quyến các vấn đề đối ngoại, thí dụ lập liên minh với nước khác, quyết định chiến tranh hay giảng hòa v.v… Đó là những nhiệm vụ mà các thể chế hiện đại sau này giao luôn cho hành pháp. Trên góc nhìn đó, chúng ta thấy rằng lý thuyết phân quyền của John Locke vẫn còn chỗ khiếm khuyết cần được bổ sung.

Hơn nửa thế kỷ sau, chỗ khiếm khuyết của Locke được lấp đầy: Montesquieu là một bổ sung tuyệt vời cho John Locke để hoàn thiện lý thuyết phân quyền, tiến dần đến các định chế chính trị quen thuộc mà hôm nay chúng ta gọi là tam quyền phân lập trong các quốc gia dân chủ. Tư tưởng của John Locke, được bổ sung bởi sáng kiến của Montesquieu, sau này trở thành nguyên lý căn bản trong các hiến pháp của mọi quốc gia pháp quyền.

Bổ sung và kết luận

Hai khảo luận của John Locke là đỉnh cao của triết lý chính trị mà thời đại khai sáng để lại cho hậu thế. Thông điệp từ tác phẩm đó thật rõ ràng. Nhà nước không có nhiệm vụ nào quan trọng hơn nhiệm vụ bảo vệ quyền tự do của công dân, và mục tiêu này chỉ có thể đạt được một cách tốt đẹp nhất với một số tiền đề nhất định về cơ cấu chính trị. Riêng với chế độ quân chủ chuyên chế, Locke có một thái độ dứt khoát từ chối. Khi một vị vua có quyền chuyên chế, thì thần dân sẽ không có cơ hội nào để bảo vệ thân thể, đời sống và tư hữu chống lại sự đàn áp của nhà chuyên chế. Vì thế, Locke đi đến kết luận rằng, “chế độ quân chủ chuyên chế xung khắc với xã hội dân sự và không thể là một thể chế của xã hội dân sự[31]”.

Theo Locke, người dân sẵn sàng chấp nhận một khế ước xã hội vốn dĩ sẽ hợp thức hóa nhà nước. Ngược lại, nhà nước phải tôn trọng luật pháp, đồng thời bảo đảm rằng, luật pháp sẽ được thực thi một cách công minh, nhất là việc bảo vệ quyền công dân. Nhà nước có thể bị hạ bệ bằng phương tiện ôn hòa hay bạo lực, khi nó không đáp ứng ý muốn của đa số, hay là khi nó vượt quá quyền hạn mà luật pháp cho phép. Lúc ấy, sự tin cậy của công dân, tức những người đồng ý bản khế ước xã hội để lập nên các cơ quan lập pháp và hành pháp, đã sụp đổ. Tính chính danh vốn được đặt trên nền tảng khế ước xã hội cũng không còn. Khi tình trạng đó xảy ra, mỗi người công dân được quyền đòi lại quyền tự nhiên của họ để thành lập những cơ cấu chính trị mới khả dĩ bảo vệ tự do và tư hữu của họ[32].

Lề lối tư duy đó của John Locke chính là gốc rễ của những khái niệm mới trong thời hiện đại sau này: quyền phản kháng và quyền làm cách mạng. Tuy nhiên, trong thời đại đó, Locke đã bị những người theo thuyết “quyền của vua là ân sủng của Thượng Đế” phê phán kịch liệt rằng, sáng kiến về quyền phản kháng của Locke không khác gì giấy phép đặc biệt để thả lỏng cho những cuộc nổi loạn.

Cũng cần lưu ý rằng, quyền phản kháng chỉ được John Locke triển khai trong những năm cuối đời, bắt đầu bằng những ý tưởng sơ khởi trong lúc soạn thảo Lá thư về khoan dung (A Letter concerning toleration). Khi sắp hoàn tất Hai khảo luận về chính quyền, khái niệm quyền phản kháng mới được triển khai có hệ thống hơn.

Trước đó, John Locke chỉ phân biệt giữa sự phục tùng tích cực và phục tùng thụ động. Phục tùng tích cực – mệnh lệnh của nhà cầm quyền phải được thi hành – là đòi hỏi đối với nhân dân khi nhà cầm quyền không làm gì sai trái so với luật tự nhiên. Nhưng ngược lại, khi nhà cầm quyền đưa ra mệnh lệnh không phù hợp với luật tự nhiên, nhân dân có quyền và nên xử sự bằng cách phục tùng thụ động, nghĩa là bỏ qua không thực hiện mệnh lệnh. Nhưng đến đây, quyền phản kháng cũng chưa được đề cập đến.

Tuy nhiên, càng đối mặt lâu ngày với tình trạng nghiệt ngã của chính trường Anh trong ba thập niên kể từ 1660, khi bạo lực ngày càng dâng cao giữa hai phe phái vương triều và quốc hội, và bản thân Locke đã phải sống lưu vong ở Hà Lan, ông nghi ngờ hiệu quả của biện pháp phục tùng thụ động và bắt đầu triển khai khái niệm phản kháng. John Locke đã dùng nguyên chương XVIII trong Khảo luận II để lý giải về chế độ chuyên chế và quyền của nhân dân được sử dụng biện pháp phản kháng, không những đối với quan chức cấp dưới, mà đối với cả nhà vua trong chế độ quân chủ chuyên chế, mặc dù theo hiến pháp nước Anh lúc đó, nhà vua luôn luôn đúng và bất khả xâm phạm[33].

Theo Locke, nơi nào luật pháp chấm dứt, nơi đó sự chuyên chế bắt đầu khi có ai đó vượt lên trên luật pháp để gây hại cho người khác. Bất kỳ ai, quan chức hoặc nhà vua, vượt quá quyền lực mà luật pháp cho phép, để đưa ra những mệnh lệnh trái với luật pháp, thì người ấy đã chấm dứt tư cách đại diện đã được nhân dân ủy thác. Và nếu người này còn dùng vũ lực để thực hiện mệnh lệnh để làm hại đến đời sống, sức khỏe hoặc tài sản của nhân dân, thì người ấy đã tự mình tiến vào tình trạng chiến tranh với nhân dân[34].

John Locke không loại trừ khả năng nhân dân sẽ giải tán chính phủ như là một giải pháp thay thế cho khế ước xã hội được thành lập trong tình trạng tự nhiên: Bất kỳ ai có hành động bạo lực mà chưa được ủy quyền để làm như vậy, nói cách khác là vi phạm nguyên tắc luật pháp, người đó đã tự tiến vào tình trạng chiến tranh, đồng thời người đó đã từ chối tất cả các nghĩa vụ được ủy thác. Trong trường hợp đó, nhân dân có quyền tự bảo vệ mình, tức là chống lại những người có hành vi bạo lực. Trong quan hệ giữa nhà nước và nhân dân, sự phản kháng chính đáng này không nhất thiết là chỉ mang tính biểu tượng hoặc chỉ là sự phản đối bằng lời nói. Để có hiệu quả, nhân dân có thể tự mình sử dụng bạo lực và thậm chí trừng phạt nhà cầm quyền, bởi vì khi nhà cầm quyền đã tiến vào tình trạng chiến tranh, mọi trật tự đã không còn hiện hữu.

Nhìn lại thời gian từ hai ngàn năm trước, lịch sử chính trị loài người là một chuỗi biến cố nhiều lần thay chủ đổi ngôi, triều đại này thay thế triều đại khác. Nhưng mỗi lần như thế, sự thay thế xảy ra do gia tộc này lật đổ gia tộc khác, hoặc nhóm quý tộc này nổi lên chống lại nhóm quý tộc khác. Sư nổi loạn xuất phát từ nhân dân, thí dụ như các cuộc nổi loạn nông dân ở cuối thời kỳ trung cổ là những biến cố lịch sử hiếm hoi. Cho nên khái niệm về quyền phản kháng của John Locke, được chính danh hóa bằng cơ sở triết học là một sáng kiến mang tính đột phá, mở đường cho sự thay đổi bộ mặt chính trị châu Âu trong những thế kỷ tiếp theo. Quyền phản kháng được ghi rõ trong điều 2 của Tuyên ngôn Nhân quyền của cách mạng Pháp năm 1789, và sau đó được khẳng định lại trong hiến pháp.

Cần lưu ý là, Locke không đưa ra một khuyến dụ cụ thể về các hình thức phản kháng bằng bạo lực hoặc bất bạo lực. Đó cũng là điều hay của một triết gia có suy nghĩ thận trọng. Người đời sau, tùy theo hoàn cảnh cụ thể, tự chọn cho mình một phương pháp hành động.

Thí dụ, Mahatma Gandhi đã dùng phương pháp phản kháng bất bạo động, bất phục tùng, bất hợp tác để lãnh đạo nhân dân Ấn Độ thoát khỏi tình trạng thuộc địa từ tay người Anh năm 1947. Bốn mươi năm sau, Nelson Mandela cũng đã dùng phương pháp phản kháng bất bạo động để giải phóng đất nước Nam Phi khỏi chế độ kỳ thị chủng tộc.

Trong lúc đó, cách mạng Hoa Kỳ năm 1776 chỉ thành công sau nhiều năm xung đột vũ trang. Cuộc cách mạng đó được khởi đầu bằng sự phản kháng ôn hòa của người dân thuộc 13 bang thuộc địa ở Bắc Mỹ, chống lại nhà nước Anh vì sự áp đặt thuế lên thuộc địa một cách phi lý, trong lúc họ lại không được phép cử người đại diện vào quốc hội.

Cách mạng Pháp cũng thế, nó được khởi đầu bằng sự phản kháng của nhân dân trước sự cai trị hà khắc của vua Louis XVI. Sau đó, để chống lại sự đàn áp của quân đội, họ nổi loạn và, lần đầu tiên trong lịch sử nước Pháp, tự thành lập đội Vệ binh Quốc gia (Garde Nationale) vào tháng 7 năm 1789. Biến cố cướp ngục Bastille vài ngày sau đó đã châm ngòi cho một loạt biến cố khác dẫn đến cách mạng Pháp. Và cũng tại Paris ba tháng sau đó, cuộc phản kháng của 6.000 phụ nữ với gậy gộc làm vũ khí đã tiến về Versailles, tạo thành sức ép làm cho nhà vua phải ký vào tuyên ngôn nhân quyền đồng thời hủy bỏ mọi ưu đãi giành cho quý tộc và tăng lữ.

Hai cuộc cách mạng vĩ đại ở Mỹ và Pháp cuối thế kỷ 18 đã vĩnh viễn thay đổi bộ mặt chính trị thế giới về sau. Cả hai đều bắt đầu từ ý thức phảng kháng để tự bảo vệ quyền tự nhiên của mình, nó mang rõ dấu ấn của triết gia chính trị John Locke, chưa kể đến những khái niệm về tự do, tư hữu, lý thuyết phân quyền đã tác động thế nào lên hai cuộc cách mạng đó.

./.

(Còn tiếp phần 3: Montesquieu hoàn tất thuyết phân quyền; Rousseau và khế ước xã hội).

Tác giả: Tôn Thất Thông, tháng chín 2022

(Xin tham khảo thêm các bài cùng tác giả về thời đại khai sáng)

Tài liệu tham khảo

  1. Bùi Văn Nam Sơn: Chat với John Locke. Nhà xuất bản Trẻ. ISBN 978-604-1-08626-5.
  2. Châtelet, François chủ biên và nhiều tác giả: Geschichte der Philosophie Band IV – Die Aufklärung (Lịch sử triết học tập IV – Khai sáng). ISBN 3-548-03063-7. (Eva Brückner-Pfaffenberger và Donald Watts Tuckwiller dịch từ gốc tiếng Pháp: Les Lumières).
  3. Euchner, Walter: Naturrecht und Politik bei John Lock (Luật tự nhiên và chính trị với John Locke). ISBN 3-518-07880-1.
  4. Hazard, Paul: European Thought in the Eighteenth Century (Tư tưởng châu Âu thế kỷ 18). Pelican Book 1965 (J. Lewis May dịch từ tiếng Pháp: La Pensée européenne au XVIIIè siècle: de Montesquieu à Lessing).
  5. Hirschberger, Johannes: Geschichte der Philosophie – Band II: Neuzeit und Gegenwart (Lịch sử triết học – Tập II: Thời cận và hiện đại). ISBN 3-933366-00-3). Có thể tham khảo thêm trọn bộ tác phẩm này đã được dịch sang tiếng Việt: Lịch sử triết học Tập I & II – Bùi Văn Nam Sơn và tập thể dịch giả – NxB Tri Thức.
  6. Hobbes, Thomas: Leviathan (bản tiếng Đức do Kai Kilian hiệu đính từ phiên bản 1794 của Joh. Christ). ISBN 978-3-86647-347-8.
  7. Höffe, Otfried (I) chủ biên và nhiều tác giả: Klassiker der Philosophie I (Những nhà kinh điển của triết học, Tập I). ISBN 3-406-08048-0.
  8. Höffe, Otfried (II) chủ biên và nhiều tác giả: Klassiker der Philosophie II (Những nhà kinh điển của triết học, Tập II). ISBN 3-406-30849-X.
  9. Hübner, Dietmar: Politische Philosophie Nr. 6 (Triết lý chính trị phần 6) – Hobbes, Locke, Rousseau. Bài giảng ở đại học Hannover.
  10. Locke, John: Two Treatises of Government (Hai khảo luận về chính quyền). ISBN 978-0-521-35730-2 . Một phần tác phẩm này đã được Lê Tuấn Huy chuyển ngữ: Khảo luận thứ hai về chính quyền, NxB Tri Thức 2006, ISBN 978-604-908-896-4.
  11. Maier, Hans (1); Denzer, Horst và Rausch, Heinz: Klassiker des Politischen Denkens, Vol. 1: Von Plato bis Hobbes (Những triết gia chính trị kinh điển. Tập 1: từ Plato đến Hobbes). Beck Verlag, tái bản lần 3, 1969.
  12. Maier, Hans (2) và Denzer, Horst: Klassiker des Politischen Denkens, Vol. 2: Von Locke bis Max Weber (Những triết gia chính trị kinh điển. Tập 2: từ Locke đến Max Weber). ISBN 3-406-42162-8.
  13. Metzler Verlag chủ biên và nhiều tác giả: Philosophen (Những triết gia). ISBN 3-476-02026-6.
  14. Ziegler, Walther (SMITH): Smith trong vòng 60 phút. Nhà xuất bản Hồng Đức và Văn Lang 2019. ISBN 978-604-9948-30-5.
    Tủ sách “Những nhà tư tưởng lớn” (Tôn Thất Thông dịch từ bản tiếng Đức: Smith in 60 Minuten. ISBN 978-3-7347-8157-5).
  1. Xem H. Maier (2) trang 16 – Walter Euchner.

  2. Xem O. Höffe (1) trang 360.

  3. Xem Metzler trang 136.

  4. J. Locke – Two treatises of Government

  5. Xem W. Euchner trang 192.

  6. Xem W. Euchner trang 192. Xem thêm J. Locke – Khảo luận II, Chương V.

  7. Xem J. Locke – Khảo luận II, Chương II, §4.

  8. Xem J. Locke – Khảo luận II, Chương II, §6 trang.

  9. Xem J. Locke – Khảo luận II, Chương II, §§7, 8.

  10. Dịch như trên là dịch theo thành ngữ Việt Nam, mang tính ẩn dụ. Nguyên văn của Locke: Who so sheddeth Mans Blood, by Man shall his Blood be shed.

  11. Xem J. Locke – Khảo luận II, Chương V, §31.

  12. Xem H. Maier (2) trang 20-21.

  13. Xem J. Locke – Khảo luận II, Chương V, §27.

  14. Xem W. Ziegler (SMITH) trang 25-29.

  15. Đó là quan niệm của John Locke vào thế kỷ 17, vốn dĩ không xa lạ trong giới học thuật. Nhưng sang thế kỷ 19, bất bình đẳng xã hội trở thành thảm họa cho người ít tư hữu, dẫn đến nhiều xáo trộn xã hội.

  16. Xem J. Locke – Khảo luận II, Chương VIII, §95.

  17. Déclaration des droits de l´homme et du citoyen

  18. Xem W. Euchner 193-194.

  19. Xem J. Locke – Khảo luận II, Chương 7, §90.

  20. Xem J. Locke – Khảo luận II, Chương 19, §222.

  21. John Locke – The Second Treatise of Government – gọi tóm tắt là Khảo luận II.

  22. Xem J. Locke – Khảo luận II, Chương 7, §132.

  23. Xem J. Locke – Khảo luận II, §§132, 159, 213.

  24. Xem J. Locke – Khảo luận II, Chương XI, §134

  25. Xem H. Maier (2) trang 22-23 – Walter Euchner.

  26. Xem J. Locke – Khảo luận II, Chương XI, §135.

  27. Xem J. Locke – Khảo luận II, Chương XI, §136.

  28. Xem J. Locke – Khảo luận II, Chương XI, §141.

  29. Xem J. Locke – Khảo luận II, Chương XIII, §149.

  30. Xem J. Locke – Khảo luận II, Chương XII, §144.

  31. Xem J. Locke – Khảo luận II, Chương VII, §90.

  32. Xem J. Locke – Khảo luận II, §§ 149,168, 221.

  33. Hiến pháp Anh ghi rõ: “The King can do no wrong”.

  34. Xem J. Locke – Khảo luận II, Chương XVIII, §202.