TỰ DO NGHIÊN CỨU VÀ CHỦ NGHĨA BẰNG CẤP
Về Vấn Đề Nghiên Cứu Tiến Sĩ Ngành Nhân Văn Tại Việt Nam
Trần Văn Đoàn
Academia Catholica, Đài Loan & Học Viện Công Giáo, Việt Nam
Dẫn Nhập
Khủng hoảng bằng cấp nói chung, vấn nạn đào tạo tiến sĩ nói riêng, là phần nổi của tảng băng giáo dục đương tan chảy, chậm nhưng khó tránh. Một hệ quả của truyền thống ngàn năm coi học thuật chỉ là con đường dẫn tới cái bả quyền lực, phú quý, vinh hoa cũng như coi thường nghiên cứu, suy tư và khám phá, tìm tòi kiến thức và giải pháp cho mọi vấn đề liên quan đến cuộc sống con người. Thiếu tự do suy nghĩ, xa lạ với tinh thần phản biện, không chấp nhận sai sót, bảo thủ cố chấp không muốn sửa đổi, cộng thêm mù tịt kỹ thuật phân tích và phương pháp tìm tòi, giáo dục khoa cử trong quá khứ chỉ là một quá trình học theo, nói theo, viết theo và làm theo. Tóm lại, đó là cái học bắt chước “cái gì đã qua đi,” nhắm mắt trước “cái đang xẩy ra” và mù tịt về “cái sẽ đến.” Đi học đồng nghĩa với tập luyện theo một mô hình “cha truyền con nối,” “giữ nếp lấy nề,” thầy đọc trò chép,và thi cử là lập lại cái gì đã học. Trí thông minh được đo xét bằng trí nhớ, và năng lực cao thấp được xếp hạng theo cái tài “học vẹt,” lập lại từng chữ những điều “thánh hiền” đã viết. Hệ thống khoa cử Nho học, từ thi Hương tới thi Đình, tuân thủ nguyên tắc này đến độ mù quáng. Nhưng nó lại rất hấp dẫn vì cái học từ chương mở toang cánh cửa quan trường, đồng nghĩa với con đường công danh,vinh hoa, phú quý. Từ đây chủ nghĩa bằng cấp ra đời và khống trị tâm não chúng ta.
Bài này chủ đích phân tích hệ lụy cản trở tự do sáng tạo và nghiên cứu của chủ nghĩa bằng cấp, con đẻ của nền giáo dục công cụ. Bài phân thành 4 phần:
Phần thứ nhất vạch ra bản chất mâu thuẫn của bằng cấp, tính đối nghịch giữa chủ nghĩa bằng cấp và sáng tạo, tự do, tự chủ, tức là những yếu tố tạo ra nhân văn. Bằng hay văn bằng là tấm giấy chứng nhận, công nhận, chấp nhận; trong khi cấp là trình độ (degree.) Tuy nhiên, cấp thường bị lạm dụng hiểu theo nghĩa trao, cho, ban, phát như cấp bằng.[1] Trong chủ nghĩa bằng cấp, chính cái “cấp cho” mới là căn nguyên của vấn nạn. Sự lạm dụng quyền lực thường xẩy ra trong việc cấp bằng: ai có quyền cấp văn bằng, ai xác định giá trị văn bằng, và ai sử dụng văn bằng! Một khẩu lệnh của lãnh đạo, một sắc lệnh của vua, một qui định của nhà nước, một mệnh lệnh của Bộ ngành liên quan quyết định giá trị văn bằng, thí dụ từ “Phó Tiến sĩ” biến thành Tiến sĩ, từ Tiến sĩ biến thành “Tiến sĩ Khoa học.” Chính sự lạm dụng quyền lực “cấp cho” này bóp nghẹt sáng tạo và tinh thần nhân văn trong nghiên cứu.
Phần thứ hai đề nghị một số phương thế có lợi cho việc xây dựng một nền văn hóa nghiên cứu và sáng tạo trong ngành nhân văn, bao gồm: (1) Bãi bỏ những rào cản hành chính, những qui định xét nét, hạn chế, rà xét kiểu “bới lông tìm vết” không cần thiết; những đòi hỏi vượt quá năng lực của nghiên cứu viên/nghiên cứu sinh. (2) Xóa bỏ những đặc ân, đặc quyền dựa trên học vị, học hàm. Thay vào đó, đưa ra qui định bình đẳng và dựa trên thực lực, thực tiễn, thực trạng. (3) Tiếp đến phải xây dựng một chương trình nghiên cứu phù hợp với cuộc sống của người Việt, truy tầm vấn nạn của mình và tìm ra giải đáp cho mình.
Phần thứ ba biện minh cho chủ trương tự do học thuật (trong phần thứ nhất) qua việc phân tích những bất cập trong qui định về đào tạo tiến sĩ của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo (Thông tư 2017 và 2021.)
Phần thứ tư, nhận định ngắn gọn mang tính triết học về sự tương quan giữa khoa học tinh thần (nhân văn) và tự do nghiên cứu tạo ra “tinh thần Đức” vào đầu thế kỷ 19; chủ trương đã đưa nước này lên hàng đầu trong nghiên cứu khoa học, triết học, thần học, y học, nghệ thuật và kỹ thuật.
- Nhìn lại Chính Sách Bằng Cấp: Nuốt Không Trôi, Nhả Không Muốn
Tại Đông Á, bằng TS là tấm giấy thông hành đi vào một thế giới quyền cao chức trọng, là chiếc lọng quyền uy khiến cả “hàng tổng“ kính sợ, là chìa khóa mở cánh cổng phú quý vinh hoa “võng anh đi trước, võng nàng theo sau,” và là bước đêm cho quyền lực “một kẻ làm quan cả họ được nhờ.” Do đó, nhà nước đặc biệt coi trọng. Việc quản lí hệ thống thi cử, bổ nhiệm được coi là quốc sách hàng đầu. Hệ thống khoa cử được qui định chi li, và thực thi một cách nghiêm nhặt. Tại Trung Hoa Dân Quốc, có cả một Viện Khảo Thí (考試院,) quyền lực không kém Viện Hành Pháp (Chính phủ) và Viện Lập Pháp (Quốc Hội,) chỉ chuyên tổ chức thi cử chọn lựa chuyên viên, công chức… Tại Việt Nam, tuy không có Viện Khảo Thí, cũng không có Bộ Khảo Tuyển (考選部) tương tự, nhưng nhà nước rất chú trọng vào các loại thi cử, có phần “cuồng” còn hơn cả Đài Loan và Trung Quốc hiện nay. Việt Nam chia sẻ với Trung Quốc một ý thức hệ gọi là “văn bằng chủ nghĩa” (文憑主義.) Chủ nghĩa bằng cấp coi quá trình học hỏi, đào tạo chỉ là thời gian luyện thi lấy bằng cấp; và bằng cấp như là chứng nhận duy nhất cho sự thành công, bước đầu đưa tới cái gọi là vinh hoa phú quý, cùng đích của cuộc sống.
Chính vì vậy, quản lí giáo dục đồng nghĩa với vận hành hệ thống thi cử và cung ứng bằng cấp. Vì bằng cấp quyết định cuộc đời, nên nhà nước thường can thiệp quá mức cần thiết và rất chi li vào giáo dục, ngay cả vào “đào tạo” đại học và sau đại học, những nơi cấp phát bằng cao nhất, mang tính quyết định vận mệnh của đất nước. Bằng cấp cao được coi như là tài cao, và người đỗ đạt cao được tôn vinh như là hiền tài, tức là “nhân khí đất nước” (Thân Nhân Trung.)
Do cái nhìn khác biệt về bằng cấp giữa Đông Á và các nước Tây phương, nên có một sự chênh lệch rất lớn về cách điều hành nền giáo dục đại học và sau đại học; về quan niệm, thái độ cũng như cách thế làm nghiên cứu. Các nước Đông Á, tuy đã có thay đổi phần nào gần đây, nhưng chủ yếu vẫn thích trực tiếp quản lí, giám sát chương trình, thậm chí đòi hỏi nghiên cứu phải tuân thủ qui định (thường phi khoa học) nhà nước đặt ra, thí dụ “hồng” hơn “chuyên,” “quan chức cao, bằng cấp phải cao,” v.v. Thay vì “làm” nghiên cứu, chúng ta “đào tạo”[2] nghiên cứu. Thay vì trợ giúp, cho ý kiến, giáo sư hướng dẫn của chúng ta “dạy, bảo, cầm tay chỉ dẫn” bắt nghiên cứu sinh phải làm theo ý của mình. Nếu các nước tân tiến định hướng, gợi ý, trợ giúp hay đặt hàng nghiên cứu nhưng không ép buộc, và để đại học tự chủ, thì nước ta thọc tay thẳng vào trong chương trình, cơ quan, nhân viên, ban giảng huấn và cả sinh viên, tất tần tật mọi sự.[3] Ngay cả những đề tài nghiên cứu cũng cần phải qua mấy bộ lọc, việc được nhận bao nhiêu ứng viên, viết như thế nào cũng phải được phép và theo đúng qui trình. Nói chung, sự khác biệt về bằng cấp giữa Đông Á và Âu Mỹ căn bản là do sự khác biệt về mục đích và về vai trò của người học. Âu Mỹ lấy khám phá, phát minh, sáng tạo… làm mục đích nên chú trọng tính chủ động và tự do sáng tạo của người nghiên cứu, trong khi Đông Á nói chung và Việt Nam nói riêng coi bằng cấp chỉ là cánh cửa cho giầu sang, phú quý, nên chú trọng thi cử và coi thường nghiên cứu.
Vấn đề là ngày nay, Việt Nam bắt buộc phải đi vào quĩ đạo thế giới, chung sống và cạnh tranh với họ. Thời đại này đòi hỏi phải sáng tạo, và chất lượng phải thật tốt mới có thể cạnh tranh. Do đó, nghiên cứu bắt đầu được chú ý, biến thành một chủ trương quan trọng của đất nước. Tuy nhiên, nhà nước vẫn chưa bỏ được lối quản lí cũ kỹ với những qui định rối rắm, nghĩ rằng, càng ngặt nghèo càng gia tăng chất lượng. Thực tế, lối quản lí chi li chỉ có thể đảm bảo chất lượng như cũ, giữ lại cái từng có.[4] Nhưng tiếc thay, lối quản lí này quên đi thực tế, đó là thế giới khoa học không ngừng tiến bộ, và vấn nạn con người, khoa học… không ngừng sản sinh. Bài học về sự lỗi thời của nền giáo dục Nho giáo vẫn còn đó. Đó là cái học chỉ biết bám vào quá khứ mà quên thực tại, và nhất là .bất lực không giải quyết được vấn nạn hiện hữu và vấn nạn sẽ xẩy ra trong tương lai.
Đây là vấn đề mà (tôi nghĩ) nhà nước Việt Nam đã nhìn thấy từ cái quá khứ của mình, và từ bài học của nước láng giềng. Sự trì trệ khoa học, giáo dục dưới thời Mao Trạch Đông, và ngược lại, sự thành công đáng ngạc nhiên của nền khoa học Trung Quốc gần đây sau khi được Đặng Tiểu Bình cởi trói phần nào, là chất xúc tác khiến Việt Nam thay đổi lối nhìn quản lí về vai trò nghiên cứu. Đã đến lúc nhà nước cần đi thêm một bước, chú trọng vào phát triển hơn là chỉ có khư khư bảo quản. Bãi bỏ những qui định lỗi thời, không phù hợp và xây dựng một nền văn hóa nghiên cứu là bước đi không thể tránh.
Nhà nước cần phải chấp nhận là, chất lượng nghiên cứu tùy thuộc vào cơ sở nghiên cứu, vào đam mê và năng lực người nghiên cứu, vào sự thông mẫn của người hướng dẫn chứ không phải là do nhà nước hạ lệnh là có. Tương tự, danh tiếng học thuật không tùy thuộc vào qui định của nhà nước, vào danh xưng quốc gia hay tập đoàn mà do thành quả nghiên cứu, thành công nghề nghiệp và nhất là độ cống hiến cho xã hội, đất nước và nhân loại. Sự cao thấp giữa các trường không tùy thuộc vào nhà nước hay tư nhân, to hay nhỏ, lâu đời hay mới lập, nhiều tiền hay ít tiền… mà được đo lường bằng cống hiến, lãnh đạo, tạo nghiệp, sáng tạo, v.v. , những giá trị do cựu học viên và ban giảng huấn tạo ra.[5]
Việc lấy chuẩn mực của một trường (thí dụ, trường Bách Khoa Hà Nội, nơi có nhiều “học quan” để bắt những trường khác không cùng hệ thống (thí dụ, các trường Nhân văn và Giáo dục) phải theo là cố ý không chấp nhận sự khác biệt, hay tính đa dạng học thuật. Tương tự, lấy tiêu chuẩn “quốc gia” để định vị mỗi trường là “đồng phục hóa” hay “công nghệ hóa” tri thức, một việc tự nó đã phản tri thức, và khó mà thành công. Sự thất bại của Tần Thủy Hoàng, Mao Trạch Đông, Hitler, Stalin .v.v. trong việc “đồng phục hóa” tri thức chỉ ra một sự thật, đó là bản chất con người là tự do được đấng Sáng tạo phú bẩm mà không có thế lực nào có thể bóp nghẹt.
Vả lại, làm gì có “tiêu chuẩn quốc gia?” Gọi là chuẩn mực quốc gia, nhưng thực ra là ý của một ai đó (vua, lãnh tụ) hay của một nhóm đặc quyền (oligarchy) hay một giai cấp nào đó. Họ lạm dụng quyền thế, nhân danh quốc gia, kiểu như ‘ta chính là quốc gia’ (câu nói xú danh được gán cho vua Louis XIV) để áp đặt ý chí của họ trên người dân. Những chuẩn mực này dễ dàng bị vất bỏ một khi quyền lực rơi vào trong tay người khác. Sự thay đổi các chuẩn mực giáo dục, từ thời Nguyễn đến thời Pháp thuộc, qua thời dưới bóng của Liên Sô tới thời nay dưới ảnh hưởng của Mỹ, là một thí dụ rõ ràng nhất nói lên tính tạm bợ của cái gọi là chuẩn mực quốc gia hay quốc tế. Sự thực rất đơn giản là không có tiêu chuẩn chung cho tất cả, vì môi trường học thuật (giống như một đất nước với đủ mọi sắc dân, giai cấp, cách sống) bao gồm đủ loại tri thức với những mục đích, phương pháp, giá trị, đẳng cấp khác nhau, và nhất là nhu cầu của người học ở những xã hội cá biệt cũng không giống nhau. Việc phân loại ra trường các cấp Cao đẳng, Cộng đồng, Thành phố, Bang, Miền, Toàn quốc (VN nhầm lẫn gọi là Đh Quốc gia)[6] trong hệ thống đại học công, cũng như tính tự chủ và khác biệt của mỗi trường, các ngành khoa học[7]… nói lên điều này.
Từ những nhận xét trên, bài này vạch ra cái nghịch lí trong giáo dục và nhất là nghiên cứu: càng khắt khe, càng ép buộc, càng “đồng phục,” “đồng chất,” “đồng nhất,” thì chất lượng giáo dục lại càng có vấn đề; càng đòi buộc mọi trường, mọi ngành, mọi cách làm nghiên cứu phải theo cùng tiêu chuẩn “quốc gia,” “quốc tế” (do Bộ qui định,) thì “đồ giả,” “đồ rởm” xuất hiện càng nhiều. Qui định đào tạo Tiến sĩ (sau đây viết tắt TS) áp dụng cho ngành khoa học nhân văn và xã hội (Thông tư số 8, 2017/GDDT) nói lên nghịch lí này.[8]
Chúng ta quên rằng, bất cứ sự can thiệp nào, từ bất cứ đâu, của bất cứ tổ chức nào, cho dù có mục đích tốt như thế nào đi nữa (thí dụ, giáo dục đại học thời Trung Cổ,) vẫn khó có thể đảm bảo chất lượng, và tính sáng tạo nhân văn. Lí do đơn giản, sự ép buộc luôn đi ngược với tinh thần tự do; càng qui hoạch đường lối thì càng khiến sáng tạo đui chột; càng “mô hình hóa,” “đồng phục hóa,” “hình thức hóa” thì nghiên cứu càng đồng dạng, đồng chất và dĩ nhiên là nghèo nàn; chưa nói đến bất cứ can thiệp, qui hoạch, hay bắt theo mô hình nào đều đó nói lên thái độ không tôn trọng tự do sáng tạo (vốn là bản chất của nhân văn.)
Khác với kỹ thuật (mà bản chất mang tính công cụ,) khoa học cơ bản và nhân văn thuộc lãnh vực tinh thần.[9] Nếu bị bắt biến thành công cụ, nhân văn chỉ còn là một công cụ thuộc loại hạng hai, thua xa kỹ thuật, thương mại, công nghệ, v.v., và đánh mất lí do tồn tại của nó. Một luận văn TS nhân văn mà mục đích chỉ để phục vụ, “ăn theo nói leo,” làm “vũ khí” bảo vệ chủ nhân … thì chỉ còn là một bản văn tuyên truyền, tuy khoác bộ áo “khoa học,” nhưng thực chất phản lại tinh thần truy tầm chân, thiện, mỹ, tức là nền tảng và mục đích của mọi khoa học.
Hệ lụy của chính sách can thiệp là “chủ nghĩa bằng cấp,”[10] cái đáng phải loại bỏ thì được giữ lại; trong khi tự do và sáng tạo, cái đáng phải bảo vệ, cái cốt lõi của nhân văn, thì lại bị coi thường, thậm chí vùi dập. Chúng ta quên rằng, chủ nghĩa bằng cấp từng khiến Đông Á, đặc biệt Trung Quốc và Việt Nam, trì trệ cả ngàn năm. Thi cử thời phong kiến chỉ đẻ ra giới bằng cấp giỏi thơ (thẩn,) văn (tụng,) phú (vịnh)… ham hố làm quan nhưng thiếu năng lực kinh bang tế thế, không đủ lực tìm ra vấn nạn, và gần như bất lực không thể giải quyết được vấn nạn của đất nước.[11] Với hàng ngàn tiến sĩ được vinh danh khắc trên bia đá Văn Miếu mà chỉ có được rất ít vị thật xứng đáng là “lương đống quốc gia,” “thánh hiền,” và với một con số không tròn trĩnh trong khoa học, triết học, nghệ thuật, kỹ thuật… đó là minh chứng cho sự túng bấn của chủ nghĩa bằng cấp.
Ngày nay, chủ nghĩa bằng cấp là nguyên nhân tạo ra nạn “lạm phát” học vị, học hàm và sự bùng nổ của những “lò ấp bằng cấp” đủ loại, từ chứng chỉ ngoại ngữ tới chứng chỉ nghề nghiệp, từ bằng trung học phổ thông tới tiến sĩ.[12] Hệ quả tiếp theo là chất lượng nghiên cứu không được đảm bảo. Giống như đi “chợ trời” tìm được hàng chất lượng đáng mua là truyện “hên xui,” thì có được một nghiên cứu nhân văn đáng giá cũng cần tới số may trong “nghệ thuật chạy trúng chỗ, gặp đúng người.”
- Bài Giải – Giữ hay Bỏ – Vai Trò của Nhà Nước.
Để giải quyết vấn nạn một cách then chốt, bài này chủ trương: Nhà nước cần thực thi chính sách tự chủ học thuật, tự do nghiên cứu (mà mỗi Bộ trưởng GDDT khi vừa nhận chức đều hứa,) trả lại bằng cấp cái giá trị đích thực của nó, qua những bước như sau:
Thứ nhất, cần phải phá bỏ chủ nghĩa bằng cấp bằng cách: (1) Bãi bỏ những qui định hành chánh đòi hỏi bằng cấp, những qui chế ban tặng đặc quyền, bổng lộc, ưu tiên, hay điều kiện để làm quan cho người có bằng cấp. Thay vào đó, thực thi chính sách bình đẳng, tất cả đều có được cái mà họ xứng đáng “làm theo khả năng và hưởng theo nhu cầu,” nguyên tắc mà Marx đưa ra.[13] Một trong hàng trăm thí dụ: thay vì qui định TS, Phó Gíáo sư, Giáo sư được “đặc quyền” vượt qui định tuổi hưu dưỡng,[14] nên qui định cho toàn dân không phân biệt nam nữ, văn bằng, chức tước đều có quyền hưu dưỡng ở cùng tuổi hợp lí (thí dụ ở tuối 65-70 như nhiều quốc gia trên thế giới.) Dĩ nhiên, có thể hưu sớm hay muộn hơn số tuổi qui định tùy nhu cầu công việc, năng lực cống hiến và số năm phục vụ. (2) Xóa bỏ “cơ chế xin-cho” trong học thuật, nghiên cứu, sáng tác, sáng tạo. Một thí dụ: thay vì chỉ Gs hay PGs mới được tham gia chương trình nghiên cứu cấp nhà nước, hãy để cho mọi nghiên cứu viên có quyền tham gia tranh đua. Ai đưa ra được chương trình nghiên cứu tốt hơn sẽ được trợ cấp.[15] (3) Không áp đặt bất cứ ý thức hệ nào vào trong nghiên cứu, sáng tạo. Tổ chức nghiên cứu khác với các tổ chức xã hội, chính trị khác. Nghiên cứu đòi buộc phải tập trung cao độ, khách quan và chỉ theo nguyên tắc khoa học, truy tầm sự thật. Bắt nghiên cứu viên phải tham gia đủ mọi tổ chức đảng, đoàn, hội, sinh hoạt xã hội không liên quan nghiên cứu chỉ làm họ phí phạm thì giờ, mất tập trung, khó có được kết quả giá trị.
Thứ hai, cần áp dụng chính sách trọng thực tài. (1) Đánh giá mỗi người dựa trên năng lực thực sự trực tiếp liên quan đến ngành chuyên môn của họ.[16] Nhìn kết quả nghiên cứu thay vì chỉ xem xét học vị, học hàm, địa vị, cơ quan.[17] (2) Không can thiệp vào sinh hoạt sáng tạo, sáng tác. Sáng tạo mà phải được qui hoạch, chỉ dẫn thì không còn là sáng tạo. Sáng tác theo đơn đặt hàng, cho ra hàng loạt sản phẩm giống nhau, theo cùng một khuôn mẫu thì đó là công xưởng sản xuất chứ đâu còn là nghệ thuật, văn chương.
Thứ ba, cần phải thay đổi lối nhìn “bên trọng, bên khinh” về các nền khoa học. (1) Phải công nhận tính khác biệt, đa dạng của các ngành khoa học, và tôn trọng cách thế nghiên cứu, sáng tạo khác nhau của mỗi ngành. (2) Hãy để chuyên gia của mỗi ngành thẩm định và đánh giá theo chuẩn mực chung của mỗi ngành.[18] (3) Đừng ỷ vào quyền lực tạo ra những tiêu chuẩn chẳng giống ai và bắt ép giới nghiên cứu phải theo. Duy ý chí dựa trên thiếu hiểu biết sẽ tạo ra thảm họa.[19] Đó là mối họa của học phiệt trong nghiên cứu (mà tôi sẽ bàn trong phần tới.)
Thứ bốn, không nên qui hoạch TS nhân văn theo nhu cầu nhà nước, quan trường hay thị trường. Kỹ thuật, công nghệ sản xuất… có thể qui hoạch và nên qui hoạch, nhưng nhân văn thì không thể được. Nghiên cứu nhân văn, trước hết phát xuất từ ý thích, ước muốn, thị hiếu, lí tưởng cá nhân hơn là vì lí do chính trị, kinh tế. Nhân văn cũng không phải là kỹ thuật công cụ (instruments) tuy liên quan đến kỹ năng (arts/skill) tư duy, diễn tả, và càng không phải là hàng hóa. Làm sao qui hoạch được?
Thứ năm, thay vì quản lí (kiểu hạn chế, xiết chặt, cách li,) nhà nước nên để tự do. Tuy không giống thị trường tiêu thụ (mà đồ dở sẽ ế, và nhà sản xuất sẽ đóng cửa,) khối nhân văn cũng có một “thị trường đặc biệt.” TS kém chất lượng sẽ không dễ được giới hàn lâm công nhận. Tác phẩm của họ sẽ rơi vào quên lãng. Một cơ sở đào tạo TS mà không có ai thành danh sẽ mất tính hấp dẫn và dễ dàng bị đào thải.[20] Không thể cạnh tranh, chương trình TS có thể bị đóng cửa.[21] Điều Bộ nên làm, đó là khuyến khích, cổ võ cạnh tranh học thuật. Hỗ trợ các trường, viện, trung tâm nghiên cứu nào có thành tích đáng giá, có ảnh hưởng sâu rộng tới học thuật vã xã hội. Hỗ trợ bằng cách ủy thác nghiên cứu, hợp tác nghiên cứu, công bố, trao tặng học bổng, v.v. Hỗ trợ thay vì quản lí là tỏ ra biết tôn trọng học thuật. Nên bãi bỏ những giải thưởng, khen thưởng (kiểu nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú…) mà ai cũng biết là người nhận giải đa số là quan chức trong ngành giáo dục. Nhà giáo, nhà nghiên cứu khác với công chức. Họ cần được tôn trọng. Chính sách ban cho, bắt phải xin xỏ chỉ làm họ mất động lực, nhiệt huyết cống hiến. Giá trị của họ không phải là được bao nhiêu giải thưởng, mà là ảnh hưởng của họ được bao lâu, sâu đậm thế nào, trên bao nhiêu người, tới bao nhiêu ngành tri thức nhân loại.[22]
Thứ sáu, nên ủng hộ các Tổ chức Giáo dục Độc lập (NGO,) các Quỹ Giáo dục tham gia việc kiểm tra, đánh giá một cách công khai và trách nhiệm. Bảng xếp hạng, phân loại như US News and World Report và các tổ chức tương tự (được công bố mỗi năm) không chỉ giúp sinh viên, phụ huynh chọn đúng trường, bộ môn mong muốn, mà còn khiến các trường, học viện cạnh tranh một cách lành mạnh. Trường, viện, khoa… nào mà càng được nhiều tổ chức giáo dục công nhận, đánh giá cao thì giá trị càng cao. Những trường đại học Mỹ, đặc biệt khối Ivy League, là một thí dụ.
Thứ bảy, Bộ Giáo Dục chỉ cần đóng vai trọng tài phân xử khi có tranh chấp; phân phối một cách công chính nguồn tài lực; trợ giúp đào tạo, phát triển nhân lực; tài trợ nghiên cứu (tùy theo thành tích, năng lực, và tầm quan trọng); trợ cấp trường, sinh viên theo những qui định bình đẳng xã hội, và sự xuất sắc học thuật.
- Nhìn Lại Thông Tư 2017/GDDT
3.1. Không thể cho cái gì mà ta không có[23]
Bản báo cáo số 638/TBTTCP, 2022 về Học viện Khoa học Xã hội (HVKHXH) của Thanh tra Chính phủ, dựa vào qui định của Bộ Giáo dục và Đào tạo qua Thông tư số 8, 2017/TT-GDĐT, vạch ra rất nhiều lỗi (sai lầm) của Học viện. Nhưng, rất tiếc, bản báo cáo lại không đưa ra giải đáp nào, hay đường lối nào giúp nâng cao chất lượng nghiên cứu. Cũng không có bất cứ nhận xét nào về những qui định và trách nhiệm liên đới của Bộ. Đành phải thông cảm, vì vai trò của thanh tra bị hạn chế trong việc “moi móc” cái sai. Họ không có trách nhiệm phải nâng cao năng lực nghiên cứu của đất nước! Nhưng tôi phải thêm vào vài ý kiến về bản báo cáo này.
Thứ nhất, Thanh tra đã bỏ qua nguyên tắc trong khoa học “không sai qui định không đồng nghĩa với việc chất lượng tốt hơn.” Những hậu quả tai hại gây ra bởi những quan chức “làm đúng qui trình” không thể đếm hết. Ngược lại, “phạm lỗi (nào đó) cũng có thể làm một công việc (nào đó) hiệu quả hơn.” Những vụ “vượt rào” của Kim Ngọc, Võ Văn Kiệt trong lãnh vực kinh tế vào thập niên 1980s là một thí dụ. Trong khoa học càng không hiếm những vụ như Thomas Aquinas, Galileo, Einstein, de Chardin, Darwin… những người vượt rào không theo qui định thời của họ.
Từ nhận định trên, phải đặt câu hỏi “Tại sao lại (phải) phạm lỗi?” “Tại sao Học viện KHXHVN không tuân thủ qui định?” Có phải họ cố ý làm sai, hay là vì họ không thể làm đúng những qui định của Bộ? Cố ý làm sai không chỉ là vi phạm lỗi hành chính, mà có thể liên quan đến hình luật, nhưng không thể làm đúng thì lại là một chuyện phức tạp đáng phải bàn. Không thể làm đúng là lỗi, nhưng có thể vô tội; và cũng có thể chỉ ra cái tội “thiếu trách nhiệm” của người biết qui định “quá đáng” nhưng lại bắt buộc kẻ “thiếu năng lực” phải làm bằng được.
Giả thuyết cố ý vi phạm Thông tư 2017 chỉ là suy đoán vì chương trình hậu đại học của Học Viện chỉ là sự tiếp nối chương trình, cách làm việc, điều hành… từ các Viện (trên 20 Viện) trong Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam hàng chục năm rồi, nên chỉ còn câu trả lời cho phần thứ hai của câu hỏi. Họ không thể tuân thủ qui định mới, vì “lực bất tòng tâm,” vì “ngựa quen đường cũ,” và nhất là vì qui định quá mới, quá nặng, bất khả thi đối với họ. Quen với lối học ở Đông Âu, lại thiếu huấn luyện, thiếu nhân lực, thiếu kinh nghiệm, thiếu tài lực và thiếu cả những chuyên môn cần thiết mà một cơ sở nghiên cứu (hệ Mỹ) đòi buộc, nhưng vẫn phải mở chương trình TS (như Mỹ.) Nếu như vậy, thì đây là vấn đề của Bộ. Bộ không thể né tránh trách nhiệm khi cho phép những cơ quan chưa đủ điều kiện, cũng chưa được chuẩn bị, hay không được huấn luyện làm điều họ không (chưa) thể làm.
Sự thiếu trách nhiệm mang tính hệ thống. Việc Bộ đã từng làm như hô biến “Phó Tiến sĩ” (thực chất là chuẩn TS, hay ứng viên TS/candidate,) thành Tiến sĩ qua một “đạo luật” (12.1998) không những chẳng giúp gì khiến học thuật tiến bộ mà có lẽ ngược lại, làm nghiên cứu biến chất. Khá nhiều vị chuẩn TS trong ngành nhân văn (ở Đông Âu) từng rất thành thật thú nhận là họ chưa từng hoàn tất nghiên cứu, cũng chưa từng có kinh nghiệm hướng dẫn nghiên cứu sinh, giảng dậy sau đại học, năng lực ngoại ngữ rất hạn chế, không dễ tiếp cận những tri thức mới. Bỗng nhiên sáng thức dậy biến thành TS, có quyền quyết định chất lượng nghiên cứu, hướng dẫn TS, và ngồi hội đồng thẩm định, nên họ cũng chẳng cần phấn đấu nghiên cứu hoàn tất TS (sau gọi là TS Khoa học) làm gì. Chúng ta có thể thấy được một cách dễ dàng chất lượng sản phẩm TS của những người hướng dẫn tuy có tâm nhưng chưa đủ tầm.
Thứ hai, Thanh tra chưa nhìn ra thủ phạm chính là chủ nghĩa bằng cấp. Tội của Bộ và lỗi của Học viện thực ra là sản phẩm tất yếu của nó. Việc Bộ đưa ra những đề án “tiến sĩ hóa” giới giảng viên, với chương trình “20 ngàn tiến sĩ” trong quãng thời gian ngắn, với việc ủng hộ chủ trương “tiến sĩ hóa quan chức” của thành ủy Hà Nội, v.v., với qui định “hợp thức hóa bằng cấp học tại chức như bằng chính quy,” v.v., gián tiếp cổ võ chủ nghĩa bằng cấp. Chính sách biệt đãi TS (thêm 5 năm công tác,) trọng đãi Phó Giáo sư, Giáo sư (công tác tới 67/70 tuổi, chưa kể danh vọng, ghế to, đặc quyền,) không chỉ khiến xã hội lên cơn sốt bằng cấp mà còn khôi phục cái ảo tưởng giai cấp “nhất sĩ” của thời phong kiến. Cộng thêm với việc Bộ từng cho phép (hiện nay, đã có thay đổi, hạn chế khắt khe hơn) biết bao chương trình TS được dễ dãi thành lập một cách vô tội vạ, không cần biết năng lực của ban giảng viên, chuyên môn của họ, cũng như thực trạng của cơ sở nghiên cứu.[24] Một cách nào đó, Bộ đã không bỏ mà còn hỗ trợ khiến chủ nghĩa bằng cấp lớn, mạnh hơn. Hệ lụy TS rởm, TS giả, học gỉa bằng thật, kỹ nghệ viết mướn luận văn, mua công bố, “đi xe ôm” công bố khoa học, viện sĩ mua, viện sĩ ngoại giao, v.v.., chỉ được Bộ để ý sau khi giới học thuật, báo chí bất bình chỉ trích. Tương tự là những câu chuyện khôi hài về những ông bà (lấy bằng) TS của đh Mỹ nhưng một chữ tiếng Anh/Mỹ bẻ đôi cũng không thông; những vị TS Đông Âu không nói, đọc và viết được ngay cả ngôn ngữ nơi họ học… thấy nhan nhản ở Việt Nam và Trung quốc.[25] Và gần đây hơn, những chương trình “liên kết quốc tế,” những trường quốc tế cấp bằng “đáng nghi ngờ” bị phanh phui thì Bộ mới yêu cầu “rà soát.”
Thứ ba, bản Báo cáo chưa nhìn ra cái mặt chung của vấn nạn. Không chỉ một Học viện KHXHVN, mà hầu như mọi học viện (Hv HCM, Hv của các Bộ, Tổ chức,) mọi đại học đều phạm cùng lỗi. Học viện KHXHVN “chẳng may bị lộ” nên biến thành con dê tế thần. Câu hỏi, tại sao nghiên cứu sau đại học lại quá dễ dãi như thế có thể liên quan đến chính sách “đi tắt đón đầu” của nhà nước. Vấn nạn của “đi tắt đón đầu” chỉ ra vấn nạn tự tị và tự tôn (thái quá) dân tộc. Biết mình không bằng người, nhưng vì “tự tôn dân tộc,” nên câu hỏi “làm thế nào để đưa mình lên bằng người” luôn ám ảnh nhà nước và mỗi người Việt có học. Cái ám ảnh ma quái khiến nhà nước phải tạo ra càng nhiều TS càng tốt để “bắt kịp” các nước khác. Thực sự là để khoe mẽ! Đây là lí do chúng ta chấp nhận các loại TS từ “thượng vàng” tới “hạ cám.” Để đáp ứng chính sách “đi tắt đón đầu,” chiến thuật “mì ăn liền” được áp dụng. Từ đây, những “lò ấp” ra đời, những “đại học quốc tế” xuất hiện như nấm mọc sau mưa; phong trào du học nổi lên như bong bóng xà bông… Bị chỉ trích, Bộ nâng cấp “chất lượng.” Lại cái bệnh “sĩ hảo!” Bộ đòi hỏi chất lượng phải tương đương với đh Mỹ (nhưng với đh Mỹ nào, thì lại không rõ!) Thay vì xây dựng nền học cơ bản, Bộ áp dụng “chuẩn mực Mỹ” nhưng lại không rõ Mỹ có rất nhiều chuẩn mực, thượng vàng hạ cám! Thất bại (so với đh loại trung bình, chưa nói đến những đh khá tốt, tốt hay rất tốt của Mỹ,) như nói trên, Bộ hạ chuẩn xuống một tí, và tự an ủi là đương bắt kịp thiên hạ.
Chính sách này nói lên một sự thiếu sót ý chí tự vươn lên bằng chính năng lực của mình. Và đây là một sai lầm chết người làm nội lực nghiên cứu của đất nước bị suy thoái. Làm sao leo cao, chạy nhanh, bơi lội được khi chưa học đi, chưa học trèo cũng chẳng học bơi?[26] Đi tắt đón đầu là bỏ qua nền khoa học cơ bản, là thiếu gốc rễ khoa học, khiến phải sống đời tầm gửi. Nói theo Immanuel Kant, chúng ta chỉ thành người lớn khi thoát khỏi thời con nít chưa trưởng thành;[27] mà đã là người lớn thì phải tự lập, tự chủ chứ không phải sống theo, chạy theo, ăn bám thiên hạ. Chỉ có khoa học thực sự khi biết tự vươn lên từ chính cái gốc rễ của mình.
Thứ bốn, bản Báo cáo không những không giải quyết được vấn nạn chủ nghĩa bằng cấp, cũng chẳng biết có giúp nghiên cứu tốt hơn, chuyên nghiệp hơn hay không, nhưng ngược lại, chỉ thấy các “lò ấp” “thông minh” hơn, kỹ thuật len lỏi, chạy chọt, tránh né, luồn lót tinh vi tới trình độ nghệ thuật. Vụ các ông bà ứng viên giáo sư, phó giáo sư công bố bài trên những tập san khoa học (rởm) nước ngoài (gọi là quốc tế,) thiếu chất lượng là một thí dụ. Vụ mua bán công bố khoa học của nhiều đại học (như Tôn Đức Thắng, Duy Tân, v.v.,) những phòng “nghiên cứu” ma, những giảng viên “chính qui” mà cả đời chưa tới trường, những hợp đồng mua bán nghiên cứu trên giấy… lại là một thí dụ khác.[28] Chưa nói đến kỹ nghệ học hộ, viết thuê, thi giúp, ngồi “xe ôm công bố,” đút lót hội đồng, kỹ thuật “nhân bản” luận án và đủ mọi thứ nhảm nhí đếm ra không xuể.
3.2. Trách Nhiệm Liên Đới
Tôi nghĩ, để giải quyết nạn bằng cấp từ gốc, Thông tư 2017 của Bộ chỉ đi được một đoạn đường rất ngắn, đó là đặt ra những tiêu chuẩn gọi là “quốc tế,” chặn được một số tiêu cực bề nổi. Nhưng đó là một đoạn đường gập gềnh đầy ổ voi, thực sự khó đi, nếu không dám nói là không thể đi được trong tình hình thực tế hiện nay. Bộ quên đi sự thật đáng buồn là chúng ta còn đương ở trong vùng trũng học thuật, là chúng ta chưa đủ điều kiện (và năng lực) tiếp thu và áp dụng những mẫu Cornell, Pensylvannia… của Mỹ, Oxford, Cambridge của Anh, hay ngay cả Waseda (một đh nổi tiếng trong hệ thống các đh tư lập, tuy vẫn chưa đủ lực để cạnh tranh với hệ thống đh quốc lập như Tokyo, Kyoto, Osaka… của Nhật.)[29] Bắt một chú bé đương lớn phải như một người trưởng thành không chỉ do tội duy ý chí, thiếu hiểu biết, mà còn biểu hiện thái độ thiếu trách nhiệm liên đới.[30]
3.3. Học Giả và Học Phiệt
Học giả là người có học thức, được coi trọng vì trung thực, khiêm tốn, luôn học hỏi và nhất là tôn trọng ý kiến khác biệt, không áp đặt ý của mình trên người khác. Ngược lại, học phiệt (學閥) là người (hay nhóm người) có thể có phần nào sở học, nhưng tự cao tự đại coi mình thông biết mọi sự, luôn cho mình là đúng, không thèm học hỏi, thiếu tôn trọng ý kiến khác biệt, và nhất là ép buộc mọi người phải tuân thủ ý mình. Lịch sử giáo dục Việt Nam được đóng khung bởi giới học phiệt hơn là những trí thức thực sự. Giới Nho gia Việt, đi ngược lại chủ trương của Khổng Tử “học không biết mệt,“ bắt cả dân tộc phải “dùi mài” kinh sử Tầu. Tương tự, giới Tây học ép buộc cả nước phải theo Tân học (của Pháp)… Và cứ như thế tiếp tục với giới du học ở Liên Sô và Đông Âu từ 1954 mãi cho đến 1990s, đẻ ra những cải cách nửa vời, xa lạ, thiếu thực tế,[31] lạc hậu với thế giới tiên tiến. Ngày nay một thế hệ học phiệt mới thay thế, lấy “tiêu chuẩn quốc tế,” thực chất là “tiêu chuẩn Mỹ.” Theo họ, Mỹ là duy nhất. Chuyện lấy đại học Mỹ làm mẫu mực, bắt cả ngành Việt học phải thông thạo tiếng Anh/Mỹ là một thí dụ. Chuyện (một ông giảng viên có bằng TS tại London School of Oriental and African Studies) lấy sách giáo khoa bậc sau đại học của đh Harvard để dạy cho sinh viên ban cử nhân kinh tế tại Đh Ngoại Thương là một thí dụ trong muôn ngàn chuyện tương tự.
Trong qui định 2017 về đào tạo TS, có rất nhiều quy định rập theo Mỹ (nhưng dưới cái danh hiệu quốc tế.) Họ, những người không thèm nhìn vào thực tại của nền giáo dục, không sống thực tế của giới nghiên cứu, và trong đầu óc chỉ có mô hình đh Mỹ, đâu có khác gì giới học phiệt các thời trước, đặc biệt giới nho gia. Nơi đây, tôi chỉ xin phân tich vài quy định mà cả trên thế giới này không ai làm, và không thể làm nổi.
Thứ nhất, Bộ đòi hỏi nghiên cứu sinh phải gửi đề cương luận văn cho 50 chuyên gia để nhận xét trước khi bảo vệ!!! Nghiên cứu TS đòi hỏi sáng tạo, chuyên và sâu. Một đề tài nghiên cứu không chắc mấy ngưởi làm, đừng nói đến hiểu thấu suốt. Vậy mà đòi buộc phải có được 50 chuyên gia nhận xét. Đào đâu ra được 50 “mống” hở trời? Trong một nước mới tập tững chưa quen nghiên cứu, với “môn học” (hay Khoa) nhỏ bé dăm người chủ yếu bận dậy học và chạy lớp (không còn mấy thời giờ làm nghiên cứu) lại hạn chế trong một số rất ít trường, mà đòi phải có 50 chuyên gia trong một ngành rất hẹp, thật còn khó hơn “con lạc đà chui lọt lỗ chân kim.”[32] Mà nếu chỉ xem đề cương thì làm sao bình duyệt và cho ý kiến? “Cưỡi ngựa xem hoa?”
Thứ hai, đòi hỏi những ông bà nghè văn chương Việt phải có “công bố quốc tế” bằng tiếng Anh hay tiếng ngoại quốc (chủ yếu Nga, Pháp, Đức, Trung) trước khi bảo vệ. Những người ra qui định có biết được đất nước nào có qui định viết về văn chương của chính họ mà phải công bố bằng tiếng nước ngoài? Thí dụ như bắt nghiên cứu sinh tại một đh Trung Quốc phải công bố luận văn về Tô Đông Pha bằng tiếng Anh? Lại nữa, làm sao có thể đào sâu vào đề tài Việt bằng ngoại ngữ hơn là bằng chính tiếng mẹ đẻ?[33] Họ có biết qui định công bố trước bảo vệ khó có thể áp dụng cho ngành nhân văn như thế nào không? Cho ngay cả những người viết bằng tiếng mẹ đẻ (như tiếng Anh tại những nước nói tiếng Anh/Mỹ)?[34]
Thứ ba, giới học phiệt thường là những người nắm quyền hành chính và liên quan tới vị thế chính trị hơn là học thuật. Họ là những nhà ý thức hệ (ideologue) hơn là nhà giáo dục hay nhà văn hóa. Nếu ý thức hệ chủ đạo trong quá khứ gần đây là mầu đỏ (hồng hơn chuyên,) thì ý thức hệ hôm nay có thêm màu xám (chủ nghĩa duy khoa học, scientism) hay bất cứ mầu nào mang tính thực dụng đại chúng nông cạn (vulgar pragmatism,) loại “mì ăn liền,” “ăn xổi ở thì,” “đi tắt đón đầu.” Học phiệt không thèm để ý, đừng nói đến tôn trọng, sự khác biệt giữa các ngành, các nhánh khoa học, đặc biệt ngành nhân văn, cái ngành cần “mưa lâu” mới “thấm bền” được, căn bản để làm người không phiên lệch.
Nói chung, đưa ra một quy chuẩn chung và bắt ép mọi ngành khoa học phải theo là chưa hiểu khoa học theo đúng nghĩa. Khoa học không phải là một kiến thức chung chung cho tất cả, mà là sự không ngừng tạo ra những tri thức mới (Karl Popper.)[35] Những nền tri thức căn bản (scientia/Wissenschaft) làm nền tảng cho suy tư và truy tìm những cái mới, chỉ là những bước đầu giúp nghiên cứu, đi tìm tri thức mới. Tự nó chưa tạo ra tri thức mới, khoa học mới. Nó không thể và không được phép đòi quyền định đoạt tất cả mọi tri thức con người, cho dù nó quan trọng tới đâu. Tri thức toán học là nền tri thức căn bản, nhưng không thể áp dụng vào để hiểu cảm giác, tình cảm, nghệ thuật, đừng nói đến quyết định giá trị của các ngành nhân văn. Sự thất bại của “bài tính hạnh phúc” (Felix calculus) của Jeremy Bentham chỉ ra sự bất cập của ý định áp dụng tiêu chuẩn của toán học vào hành vi, đạo đức, ý muốn của con người.
- Khoa Học Nhân Văn – Nền Tảng Tinh Thần của Dân Tộc
Để tránh lập lại, tôi xin vắn tắt nơi đây về tầm quan trọng của tinh thần tự do trong nghiên cứu và sự tiến bộ xã hội bằng cách lấy bài học của tinh thần nhân văn mà giới triết gia, văn học nước Đức, đặc biệt Đh Berlin (hiện là Đh Humboldt Berlin) đã phất lên.
4.1. Bài Học Đh Berlin, Đức
Tập sách của Nguyễn Xuân Sanh về đại học,[36] đặc biệt Đh Humboldt,[37] đã nói khá đầy đủ, nên chỉ xin bổ túc về cái gọi là tinh thần nhân văn mà gần đây chúng ta dịch sang tiếng Việt là khai phóng.[38] Nước Đức (Phổ) từng bị người La mã miệt thị là man dã; ngôn ngữ Đức từng bị chính người Đức coi thường là ngôn ngữ thiếu khoa học, nghệ thuật, và đặc biệt không có triết học, thần học. Mãi đến thời Martin Luther (1483-1546,) tiếng Đức mới dần dần thông dụng, thần học mới mang sắc thái Đức.[39] Nhưng phải đợi tới Kant khi ông viết tác phẩm quan trọng nhất bằng tiếng Đức (Kritik dẻ reinen Vernunft, 1781) thay vì La tinh, và tới Goethe thì tiếng Đức mới được công nhận như là ngôn ngữ thế giới. Và với Hegel, triết học Đức biến thành triết học thế giới, trong khi với Đh Berlin, Đức cạnh tranh với Pháp (Đh Sorbonne,) Anh (Đh Oxford) trong vai trò là bộ óc thế giới.
Không phải vua quan, không phải kinh tế, càng không phải là vũ lực quân đội mà chính là cái tinh thần Đức đã nâng Đức thành một đẳng cấp thế giới. Cả thế giới công nhận, thậm chí học tập từ Đức (như trường hợp các đh khối Ivy League học theo Đh Berlin.) Tinh thần Đức thấy trong tính kiên nhẫn truy tầm chân, thiện và mỹ; trong thái độ phản biện không thỏa hiệp, phê phán không khoan nhượng; trong lối suy tư lí trí; trong con đường truy tìm vấn nạn và giải đáp lâu dài… Tinh thần này chỉ có được nếu tôn trọng tự do và thực thi tính tự chủ cũng như tuân thủ qui luật lí trí. Đó là tôn chỉ và nền tảng triết lí của Đh Berlin mà thần học gia Friedrich Schleiermacher (1768-1834) và triết gia Johannes Fichte (1762-1814) đề ra.
4.2. Cái Riêng và Cái Chung – Tự Do và Trách Nhiệm Xã Hội
Trong nhân văn, sáng tác và sáng tạo là đặc tính. Chỉ có sáng tạo, sáng tác nếu có tự do. Nhưng tự do chỉ có được: (1) Khi vẫn là chính mình trong tương tác với xã hội, không bị mất vì vụ lợi, áp lực, hay vì thiếu ý thức. (2) Không những không tự đánh mất mình, mà còn ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong cộng đồng, xã hội, đất nước mình sống. (3) Ý thức rõ ràng nhất là biết mình có thể đóng góp cái riêng hay cá biệt (individuality/particularity) của mình vào cái chung (commonality/sociality,) kiến tạo xã hội tốt đẹp hơn. Tự do sáng tạo trong nhân văn chỉ có ý nghĩa khi đóng góp cái riêng (sáng tạo) vào trong cái chung (tinh thần) của cộng đồng, giúp cộng đồng tốt hơn, đẹp hơn, tiến bộ hơn. Một ý thức như vậy luôn là một ý thức đầy trách nhiệm.
Nói cách khác, tính nhân văn đồng nghĩa với tính tự do, mà tự do chỉ ý thức được qua nhận thức về vai trò của cái riêng (particularity) trong cái chung của con người xã hội. Sáng tác nói lên sự đóng góp cái riêng, cái cá nhân vào trong cái chung, một cách tự do và cống hiến. Sự thành công, mức độ thành công của cống hiến trong nhân văn không được đo lường bởi độ quảng (quantity,) hào nhoáng (popularity) nhưng bởi độ sâu (deep impact,) độ bền (long lasting,) sức mạnh vô hình (invisible impact) trên cuộc sống của xã hội hay của nhân loại. Những tác phẩm kinh điển là bằng chứng nói lên giá trị nhân văn.
Tạm Kết
Như đã trình bày trong bài này, vấn nạn về bằng cấp, đặc biệt bằng TS (trong ngành nhân văn và một phần nào trong ngành xã hội) không đơn thuần là một hiện tượng bề nổi như căn bệnh ngoài da. Vấn nạn mang tính hệ thống và di chuyền, là một phần của truyền thống học tập mà mục đích không phải học thuật, khoa học, tri thức, dân trí nhưng là quyền lực, vinh hoa, phú quý. Chủ nghĩa bằng cấp, con đẻ của triết lí thực dụng thô thiển học tập này, lại đẻ ra một loạt vấn nạn (bất công) xã hội giai cấp. Ưu đãi, biệt đãi, đặc quyền của giai cấp sĩ sản sinh ra lối suy tư (què quặt tệ hại) như “một kẻ làm quan, cả họ được nhờ,” “chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng,” “võng anh đi trước, võng nàng theo sau…” Bằng cấp không còn là giấy chứng nhận năng lực nhưng là cánh cửa thông vào các ngõ ngách xã hội, thỏa mãn nhu cầu vật chất “tối sâm banh, sáng sữa bò” (thơ Tú Xương.) Giống như nguy cơ quên hẳn mục tiêu là mặt trăng mà chỉ còn thấy ngón tay của Đức Phật chỉ mặt trăng, chúng ta quên đi mục đích của học thuật và chỉ còn chăm chăm nhìn vào bằng cấp, coi nó như cứu cách của cuộc đời.
Khôi phục lại giá trị học thuật phải bắt đầu với việc hồi phục sức sống học thuật. Mà sức sống, tinh thần học thuật luôn gắn liền với lẽ sống, tức mục đích sống, của học thuật, đó là truy tầm, khám phá, phát minh, sáng tạo, nâng cao tri thức nhân loại. Do đó, giá trị học vị (bằng cấp TS,) học hàm phải được đo lường bởi chính thành tựu học thuật, chứ không phải bằng quyền lực chính trị, quân sự, kinh tế, tài chánh, tôn giáo, địa vị, giai cấp xã hội. Thành tựu học thuật được thấy trong phát minh, sáng chế, phát hiện, khám phá, cải cách, dẫn đường chỉ lối, lãnh đạo… trong mỗi ngành chuyên biệt, và xã hội.[40]
Để hồi phục sức sống học thuật, phải trả lại cho giới học thuật tự do suy tư, tự do nghiên cứu, tự do sáng tác, tự do khám phá, tự do tìm đường, tự do sáng tạo và tự do giảng dạy. Tự chủ trong nghiên cứu, học thuật là sự biểu hiện rõ rệt nhất của những tự do này. Để được như vậy, điều mà nhà nước nên làm, đó là (1) bãi bỏ những qui chế trở ngại cho tự chủ, những qui định bất khả thi, những rào cản không cần thiết (như trình bày trong phần 2 bài này.) (2) Đây chỉ là bước đầu, tuy rất cần thiết nhưng chưa đủ. Điều nhà nước cần đưa ra là một chính sách phù hợp với mục đích học thuật, những đảm bào cho nghiên cứu. Hỗ trợ nhưng không can thiệp, trợ giúp nhưng không đòi buộc; giúp môi trường học thuật cạnh tranh thay vì đặt ra những qui tắc bất bình đẳng giữa đh công và đh tư, đh công nghệ và đh nhân văn, đại học và cao đẳng, không vừa “đá bóng vừa thổi còi”… mới có thể giúp tạo ra một môi trường nghiên cứu lành mạnh và phát triển. Nếu giáo dục thành công được đo lường bởi mức độ thành công của học viên, thì sự thành công của nghiên cứu chỉ được đo từ thành quả thấy trong khám phá, phát minh, phát hiện, tạo ra… những giải đáp cho vấn nạn nhân sinh, sức khỏe, tri thức, đạo đức, mỹ cảm, v.v. Một đất nước vĩ đại, một dân tộc đáng quí trọng không phải vì sức mạnh quân sự hay giầu có, mà vì đóng góp nhiều vào việc tìm ra những con đường bảo vệ nhân loại và phát triển con người.
-
Hiểu bằng cấp theo nghĩa chứng nhận cấp bậc (degree/đẳng cấp/danh từ) không sai, nhưng chưa nói lên bản chất chính trị và sức mạnh của tác động, quyền lực cấp (động từ,) chứng nhận và công nhận (certificate/diploma/Zeugniss.) Trong truyền thống Việt Nam, ai cấp, ai cho mới mang tính quyết định đẳng cấp, giá trị. Truyền thống này mặc nhiên công nhận hai giai cấp: người cấp và người nhận. Người cấp bằng thường có quyền lớn hơn, do vậy, không phải tri thức mà là quyền lực quyết định giá trị. Không phải Tiến sĩ giỏi hơn tú tài, hay cử nhân, mà chỉ vì TS là do nhà vua “ban,” được chọn để làm quan lớn, nên được coi trọng hơn. Truyền thống phản khoa học sai lầm này vẫn được giữ. Cái mà quốc gia cấp luôn giá trị hơn cái mà Bộ cấp; Bộ cấp giá trị hơn Vụ cấp; Vụ cấp cao hơn Đh cấp, và Đh nhà nước lại cao hơn Đh tư thục cấp. Khác với Việt Nam, tại tuyệt đại đa số các nước, bằng TS do đại học cấp, bằng TS và hàm vị Phó Giáo sư, Giáo sư ở Việt Nam (hiện nay) do quốc gia (qua Bộ GDĐT) cấp, nên các cơ sở nghiên cứu phải tuân thủ qui định của nhà nước, không được tự ý “cấp phát” hay “thu hồi” văn bằng, học vị, học hàm. Đặc biệt tước hiệu “nhà giáo nhân dân,” “nhà giáo ưu tú” không phải do nhân dân cấp, hay do thành quả kiệt xuất được giới học thuật công nhận, mà do hệ thống quyền lực quyết định. Hầu hết những vị từng giữ những chức vụ quản lí cao cấp và quan hệ mật thiết với bộ máy nhà nước hay đảng lãnh đạo được phong những chức trên. ↑
-
Coi giáo dục là “trồng người,” nên tất cả các giai đoạn giáo dục đều được hiểu là “đi học” như học tiểu học, học trung học, học đại học, và… học thạc sĩ cũng như học tiến sĩ. Mà “đi học” chủ yếu là “học theo,” “luyện tập” (theo bài bản) kiểu như “học ăn, học nói, học gói, học mở.” Đào tạo được hiểu theo nghĩa này: đào luyện những người biết ăn, biết nói, biết làm… theo gương tiền nhân, theo lời dạy của cha mẹ, của thầy cô… Chữ “đào tạo” không (hay chưa) nói lên hành vi, suy nghĩ chủ động đi tìm tòi vấn nạn, tìm ra giải đáp, v.v., và nhất là sáng tạo, tức là những mục tiêu của nghiên cứu. Xin tkh. Trần Văn Đoàn, “Phê phán Triết lý Giáo dục Công cụ.” Trong Triết – Tập san Triết Học và Tư Tưởng (2021.07,) số 5, Http://tapchitriethoc.com ↑
-
Hiện nay, với chính sách (mới) “đại học tự chủ” (Luật số 34/2018/QH14) đã có một sự thay đổi đáng kể, ít kìm hãm hơn. Tuy vậy, để có được tự chủ theo đúng mô hình của đh quốc tế, có lẽ rất khó. Vấn nạn là não bộ bảo thủ trong việc điều hành giáo dục, khoa học theo nghĩa quản lí chứ không phải là trợ giúp, và nhất là tính vị lợi. Xin tkh: Tự chủ đại học: Cuộc cách mạng đổi mới giáo dục đại học (baochinhphu.vn) ↑
-
Lỗi “bảo thủ” này rất phổ biến khi lấy quá khứ làm tiêu chuẩn. Nho gia thích “ăn bám” vào Nghiêu Thuấn, Văn vương, coi đó là đỉnh cao nhất của nhân loại, chỉ được giữ lại, không được thay đổi. ↑
-
Như thấy trong sự cạnh tranh giữa Oxford và Cambridge, Harvard và Yale, Harvard và Princeton, Columbia và Cornell, MIT và CalTech, giữa Tokyo và Kyoto, giữa Harvard Business School và Wharton School, v.v. Trường nào có nhiều nhà lãnh đạo, nhà khoa học, triết gia, văn hào, đại nghệ sĩ, tỉ phú… hơn, trường đó được đánh giá cao hơn. ↑
-
Trường cho toàn quốc, hay cấp quốc gia không phải là đại học quốc gia (như nhiều người lầm tưởng.) Ơ các nước tân tiến, không có đại học kiểu ĐHQG Hà Nội hay ĐHQG Tph. HCM. Tại Đại Hàn, Singapore và Đài Loan, những trường mang danh “quốc gia” (theo lối dịch thông dụng tại VN,) như National Taiwan University, Seoul National University, National University of Singapore… thực chất là đh nhà nước lập ra, làm chủ quản và chi trả, nguyên ngữ là “đại học quốc lập” (國立大學.) ↑
-
Đại học/Học viện/Trường được phân loại theo những ngành cá biệt: hệ thống Nhân văn/Cơ bản (Liberal Arts), hệ thống nghệ thuật (Arts & Musics & Architects &Fashions,) hệ thống Sức khỏe (Y, Dược,) hệ thống Thần học/Tôn giáo, hệ thống Khoa học, hệ thống Kỹ thuật, hệ thống Kinh tế, Tài chính, hệ thống Quản trị… Mỗi hệ thống (ngành) có bản xếp hạng riêng, chuẩn mực riêng, qui định riêng, và được đánh giá khác nhau. ↑
-
Thông tư 2017 bị giới chuyên gia chỉ trích khá nặng về lối làm việc chắp vá, thiếu quy hoạch, bắt chước một cách máy móc, bỏ qua thực tại. Thấy nhiều đh “tốp đầu” của Mỹ có “bức tường” cao 2 mét ngăn “trộm,” ta cũng vội xây một bức tường, cao hơn, khó vào hơn. Tưởng là ngăn được “trộm cắp,” hóa ra là làm khó dễ người nhà (hiện vốn còn nhỏ và thấp) ra vào phải leo trèo qua, rất khó khăn và tốn phí. Nhưng bọn “trộm cắp” thì biết cách đào hầm, khoan tường, đút lót nên vẫn chui vào chui ra dễ dàng. Tật vẫn mang mà tiền của thì lại tốn hơn. Để giảm độ khó đến nỗi không còn mấy ai đủ tư cách thi vào, thi ra, hướng dẫn, ngồi hội đồng, v.v., Bộ lại ra “Thông tư 2021,” dễ dãi hơn trong một vài quy định như giảm số lượng “công bố quốc tế,” chấp nhận “công bố quốc nội,” chứng chỉ tiếng Anh theo “tiêu chuẩn Việt” … để rồi lại phải nhận cả rổ đá (từ giới khoa học tự nhiên) vì buông lỏng qui định. ↑
-
Theo truyền thống Đức từ việc thành lập Đh Berlin (Đh Humboldt) vào đầu thế kỷ 19, nhân văn được gọi là “khoa học tinh thần” (Geisteswissenschaft.) Đh Berlin dựa trên tư tưởng của giới triết gia, thần học gia, lịch sử, văn chương như Fichte, Schleiermacher, Humboldt, Goethe… Hegel với tác phẩm Phaenomenologie des Geistes (1807) có thể được coi như là nền tảng cho khoa học tinh thần. ↑
-
Chủ nghĩa bằng cấp bao gồm chủ nghĩa văn bằng (文憑主義,) và nội hàm “uy quyền” (authoritarianism.). Có lẽ chủ nghĩa này thịnh hành tại Đông Á, nơi khảo hạch là một phần quan trọng của cuộc sống, nơi mà nhà lãnh đạo có quyền lực tuyệt đối, cả trong lãnh vực tri thức. Họ thường tùy tiện thay đổi qui định, tiêu chuẩn, giá trị, cách thế sử dụng văn bằng. ↑
-
Cả ngàn tiến sĩ được vinh danh nhưng chỉ có một số rất ít có được những tác phẩm “để đời.” Sự nghèo nàn trong “tạng kinh Việt” nói lên hệ lụy của chủ nghĩa bằng cấp. Và truyền thống này tiếp diễn cho đến nay. Tuyệt đại đa số các ngài TS kết thúc cuộc đời học thuật với luận văn tốt nghiệp (không xuất bản,) và đó là thực trạng báo động cho học thuật. Chúng ta hiểu được tại sao tiến sĩ không ít nhưng lại rất thiếu tác phẩm, và tác phẩm để đời thì càng ít hơn. ↑
-
Sau Thông tư 2017, số lượng tốt nghiệp TS và học TS sụt giảm đáng kể. Ngay cả khi đã cởi trói phần nào (TT 2021,) số ứng viên muốn học TS trong ngành nhân văn vẫn chỉ đạt tới quãng 1/4 chỉ tiêu Bộ cho phép (2022.) Tkh. Đào tạo tiến sĩ ‘đói’ hàng nghìn ứng viên mỗi năm – VnExpress
Hậu quả, sự thiếu hụt TS tuy làm gia tăng tầm quan trọng của chủ nghĩa bằng cấp theo luật cung cầu nhưng lại không thể giúp làm chất lượng nghiên cứu tốt hơn. ↑
-
. Karl Marx, Kritik des Gothaer Programms (1875.) Trong Marx-Engel Werke, Tập 19, tr. 21: “Jeder nach seinen Fähigkeiten, jedem nach seinen Bedürfnissen” (Mỗi người làm theo năng lực, (phân phát) cho mỗi người tùy theo nhu cầu.) ↑
-
Nghị định 141/2013/NĐ-CP. Điều 9. ↑
-
Giới nghiên cứu ai cũng biết là những chương trình cấp nhà nước hằng tỉ bạc đều do những vị giáo sư nổi tiếng “bao thầu.” Một vị mà “chúa biết mặt vua biết tên,” cùng lúc nắm 5 chương trình, tổng cộng hàng chục tỉ bạc. Thành quả hình như được nghiệm thu xuất sắc (cũng bởi đồng nghiệp) nhưng rất ít ai biết. Hy vọng không xếp trong ngăn kéo. ↑
-
Rất nhiều Gs, PGs “nổi tiếng” vì những bài viết không liên quan đến lãnh vực chuyên môn của họ. Một truyền thống có hại cho nghiên cứu chiều sâu, nhất là khi họ có chút quyền lực ảnh hưởng đến chính sách giáo dục, nghiên cứu. Để giúp nghiên cứu đi đúng hướng, cần phải loại bỏ những bài viết kiểu “về hết mọi sự” của những vị “biết hết mọi việc,” nhưng “chẳng có mấy tí chuyên môn,” mà lại đòi “xía vào lãnh vực chuyên môn” của giới chuyên gia. “Vụ án Nhã Thuyên” tại Đh Sư Phạm Hà Nội là một thí dụ. ↑
-
Nên bỏ thói giới thiệu khoe bằng cấp, chức tước, tưởng thưởng kiểu Giáo sư Tiến sĩ Khoa học, Nhà giáo Nhân dân. Anh hùng lao động XXX, giải thưởng HCM… trong công bố khoa học, và trong các hội nghị khoa học. Chỉ cần ghi cơ quan nơi đương công tác theo thông lệ quốc tế là đủ. Thí dụ: XXX, Đh Quốc Gia Hà Nội. ↑
-
Lấy tiêu chuẩn “quốc tế,” bắt dùng tiếng Anh để nghiên cứu tiếng Việt, Việt học, ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam là chuyện không cần thiết, và không giúp mấy cho những ngành này. Chỉ nên áp dụng chuẩn mực quốc tế cho những ngành đóng góp vào tri thức nhân loại nói chung như ngữ học, triết học, sử học, khảo cổ, v.v.. Nghiêm túc, yêu cầu ngoại ngữ thường liên quan tới ngành nghiên cứu. Thí dụ, nghiên cứu triết học đông phương phải thông tiếng Tầu (Hán cổ), đọc được tiếng Nhật và nếu có được tiếng Anh thì càng tốt. Nghiên cứu Phật học đòi buộc phải đọc thông tiếng Hán cổ, tiếng Phạn (có thể thêm những ngôn ngữ liên quan như Pali, Tây Tạng.) Nghiên cứu triết học cổ đại, trung đại thì phải thông (đọc được) tiếng Hi lạp, Latinh và dĩ nhiên nếu biết được tiếng Đức và tiếng Anh thì rất tốt (vì nhiều nghiên cứu nghiêm túc về thời này được viết bằng tiếng Đức và Anh.) Hiển nhiên, chỉ biết tiếng Việt thì khó có thể đi tới ngọn ngành. ↑
-
Câu nói “nhiệt huyết cộng với ngu độn là phá hoại” được cho là của Vladimir Ilyich Lenin. ↑
-
Trong ngành triết học, có được một triết gia nổi danh, đại học sẽ nổi tiếng. Những Plato, Aristotle, Augustine, Thomas Aquinas, Kant, Descartes… còn nổi tiếng hơn cả đạị học. Người ta biết có hàng trăm đại học, học viện mang tên Thomas Aquinas nhưng không cần nhớ triết gia từng học tại trường nào. Người ta cũng chỉ nhớ tới Kant chứ không cần biết ông học ở đâu. Tương tự chẳng ai hỏi Descartes hay Rousseau học ở đại học nào (hai ông tự học là chính.) Đh Berlin (Humboldt) nổi tiếng vì có những giáo sư như Schleiermacher (thần học,) Fichte, Hegel (triết học,) Einstein (vật lý) … và sinh viên như Marx, Engels, Schopenhauer, Kierkegaard, Bakunin, Bismarck, Heine, Weber, Planck… Đây là một điểm mà các đại học hàng đầu của Mỹ như Harvard ý thức và học được từ Đh Berlin (Humboldt.) ↑
-
Điều này từng xẩy ra ngay cả nơi những đại học như Harvard. Vào cuối thập niên 1990s, chương trình TS Toán học tại Harvard đóng cửa vì không cạnh tranh học thuật được với Học Viện Công Nghệ Massachusett (MIT) nằm cùng thành phố. Tại Mỹ, mỗi năm bình quân có không ít học viện, đại học, khoa đóng cửa vì thiếu sinh viên. Và ngược lại, hàng chục cơ sở giáo dục mới được lập ra do nhu cầu và những nền tri thức mới xuất hiện. ↑
-
Tôi từng quen biết một số vị giáo sư được tôn vinh là “cây đa, cây đề.” Họ được vinh danh với đủ mọi giải thưởng, danh hiệu, bằng khen cấp cao nhất của nhà nước như Giải thưởng HCM, huy chương Anh hùng lao động, được vinh danh là Nhà giáo nhân dân, v.v., nhưng lại bị giới học thuật quên lãng ngay cả khi chưa qua đời. ↑
-
Ngạn ngữ La mã: “Nemo dat quod non habet” (không ai cho cái mình không có) hiện được dùng trong hệ thống dân luật (thương mại) như là “luật nemo dat” (Nemo plus iuris ad alium transferre potest quam ipse habet.) Nemo dat quod non habet – Wikipedia ↑
-
Một thí dụ điển hình mà Bộ nhắm mắt làm ngơ là việc thành lập chương trình TS Phật học trong một Viện thuộc một đại học hàng đầu của đất nước. Viện vừa mới thành lập (2017) không có đến một chuyên gia Phật học chuyên nhiệm (full-time,) được điều hành bởi ba học quan, không ai trong họ chuyên về Phật học. Đh này dĩ nhiên không phải là trường duy nhất. Cứ xem, mỗi năm biết bao ngành học mới được mở ra, nhưng ban giảng huấn (những chuyên gia về tất cả mọi sự) thì vẫn như cũ, được điềù động từ khoa này sang khoa mới. Chuyện ai cũng biết về một vị giáo sư sử học, bộc trực, rất nổi tiếng về “sử dân gian” (với những bài viết theo “nghe nói,” “nghe kể lại,” “người dân đồn thổi,” không có bất cứ tư liệu, vật liệu hay chứng từ khoa học nào, như bài viết về việc tại sao nhân vật Nguyễn Tất Thành đổi họ Nguyễn thành họ Hồ.) Ông xuề xòa thú nhận cái quá khứ học sử học, khảo cố, tiếng Pháp… rất ư thiếu bài bản của mình từ những ông thầy (rất nổi tiếng nhưng cũng chẳng được đào tạo sử học bao giờ) như Trần Huy Liệu, Trần Văn Giầu…. Là nhà sử học nhưng ông thành lập Khoa Văn hóa học, rồi lại thành lập Khoa Du lịch! Bộ vẫn cho phép thành lập! Chuyện lạ nhưng có thật ở cái “nước mình nó như thế” (câu nói nổi tiếng của Hoàng Ngọc Hiến.) Những trường hợp tương tự rất nhiều. Vậy thì Bộ lấy cớ gì phạt Học viện KHXHVN, khi khắp nơi đều “cá mè một lứa?” ↑
-
Tôi từng gặp vài vị (bao gồm cả tu sĩ cao cấp) có bằng TS tại những đh hàng đầu như Đh Bắc Kinh, nhưng không nói được tiếng Trung, cần người thông dịch. Tôi cũng gặp khá nhiều Gs, PGs, TS học tại nhiều nước Đông Âu, và cũng thấy một hiện tượng “lạ lùng” tương tự. Không biết họ học như thế nào?! Hiện tượng tương tự cũng nhan nhản ở Trung Quốc. Tôi từng được mời dạy một khóa học 2 tín chỉ (42 giờ lớp) tại một đh tại Bangkok, lớp dành cho nghiên cứu sinh được 1 đh Trung quốc gửi tới theo hệ liên kết. Chương trình tiếng Anh, nhưng tiếng Anh của gần như tất cả học viên rất hạn chế. Có một chị “thông ngôn,” nhưng lại “không thông” cái môn học mà chị phải dịch. Đành phải dùng tiếng Trung dạy học, chấp nhận sinh viên báo cáo và thi cử bằng tiếng Trung. ↑
-
Gần đây không ít người như Gs Phạm Mạnh Hùng (Đh Kinh Tế, ĐHQGHN) vẫn cổ võ chiến thuật “ngồi trên vai người khổng lồ.” Tkh. Chấn hưng đất nước bắt đầu từ cải cách đại học (vietnamnet.vn) Tốt thôi, nếu tự mình leo lên vai họ được. Trong ngành khoa học, kĩ thuật, nhiều Gs Việt kiều như Nguyễn Đăng Hưng (Bỉ,) Trần Thanh Vân (Pháp,) Ngô Bảo Châu (Mỹ) đã cố gắng huấn luyện giới nghiên cứu Việt trẻ biết cách từng bước tự leo lên. Một công việc đáng phục! Nhưng rất tiếc, nhà nước không nhân rộng lối làm việc của họ, và để không ít đh Việt chọn con đường dễ dãi “mì ăn liền,” leo cao nhờ vào xin xỏ (trường hợp Đh Fulbright,) hay dùng tiền mua (trường hợp VinUni,) hay bỏ ít tiền “mua vé đi xe ôm” (kiểu Đh Tôn Đức Thắng, Đh Duy Tân,) hay tệ hơn, “ăn cắp” ý tưởng, công cụ (kiểu nhiều đh Trung Quốc từng làm và đương làm.) Nền nghiên cứu học thuật nước nhà khó có thể tự tạo ra năng lực với lối khôn lỏi này. Để phát triển, một khả thi cho Việt Nam đó là tham khảo Đại Hàn, Đài Loan (vì rất gần VN, lại tương đối tiết kiệm) về chính sách cải cách nghiên cứu và giáo dục đại học của họ. Mô hình Harvard, Princeton, Oxford, Cambridge quá cao, qúa mắc, quá xa để với tới. Cứ nhìn học phí cao ngất ngưởng (815-923 triệu đồng/US. Ca. 35.000-40.000) của VinUni so với mức độ thu nhập quá thấp của người Việt (US. 3561) thì đã thấy cái phi lí khủng khiếp của chiến lược “chơi trội” của VinUni. Tại Mỹ, bình quân thu nhập là US. 76.027 trong khi học phí tại Harvard quãng US.60.000 (năm 2022.) ↑
-
Kant nói về “khải minh” (Aufklaerung/được chiếu sáng) như là quá trình tự thoát khỏi tính con nít (Unmuendigkeit) để trở thành người chín chắn (“Ausgang des Menschen aus seiner selbstverschuldeten Unmündigkeit.“) Trong Immanuel Kant, “Beantwortung der Frage: Was ist Aufklärung?” (1783.) Lấy ra từ: Beantwortung der Frage: Was ist Aufklärung? – Wikipedia ↑
-
Theo báo cáo của Đh TDT (2022), chính TDT đã mua những bài báo cáo khoa học ISI/Scopus với mục đích tăng hạng trong bảng xếp hạng “từ những người không có liên hệ công việc cụ thể…, rất nhiều người trong số này chưa từng đến Trường Đại học Tôn Đức Thắng hoặc biết về Trường Đại học Tôn Đức Thắng.” (xem Không có chuyện 200 tiến sĩ cơ hữu ở Trường Đại học Tôn Đức Thắng nghỉ việc (laodong.vn). ↑
-
Trần Văn Thọ, “Đặt lại vấn đề học vị Tiến sĩ,” Tia Sáng, 9.2003. Tác giả từng dạy học tại Đh Waseda (早稲田大学/わせだだいがTokyo, Nhật.) Yêu sách phải gặp người hướng dẫn thường xuyên tại Waseda là bình thường, nhưng thử hỏi ngay Đh Quốc Gia Hà Nội có làm được không, khi ban giảng viên không ai có phòng ốc nghiên cứu cho riêng mình? Khi mà họ phải chạy lớp, chạy “sô” (show) để cải thiện thu nhập (vì lương căn bản không đủ sống,) còn lấy giờ đâu để nghiên cứu, hướng dẫn theo đúng nghĩa? ↑
-
Một thí dụ khác, đòi hỏi nghiên cứu sinh phải phải tiếp cận những thông tin mới chuyên ngành, nhưng thư viện nghèo nàn không có mấy tư liệu, mà cũng chẳng có ngân sách đủ để mua! Tôi có thể đoan chắc, sách về triết học tại một số đại học tại Việt Nam còn kém tủ sách của một số học giả sống tại Việt Nam như Bùi Văn Nam Sơn, Nguyễn Xuân Sanh hay các bậc tiền bối trước 1975 như Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Văn Trung. Đòi hỏi phải biết tiếng Anh và các ngoại ngữ liên quan, nhưng chính các học quan “sáng tạo” ra qui định, người hướng dẫn, cũng đều “chới với” với tiếng Anh, chưa nói tới ngoại ngữ khác. Tôi từng bất đắc dĩ làm thông ngôn tiếng Đức cho nhiều vị giáo sư quan chức, có cả viện sỹ, từng lấy TS “Khoa học” ở Đông Đức, Ủy viên “Hội đồng chức danh nhà nước.” Đòi buộc nghiên cứu sinh phải có (2) bài công bố quốc tế, nhưng người hướng dẫn, thành viên hội đồng luận văn cũng chưa có mấy bài, thậm chí chẳng có bài nào. ↑
-
Trước Đổi Mới, bắt mọi học sinh phải học tiếng Nga (tuy không biết làm gì ở VN với mớ tiếng Nga nửa vời?;) cải đổi phương pháp dạy tiếng Việt theo phương pháp Nga; chưa kể rập theo nông nghiệp Nga (vùng ôn đới hay giá lạnh.) Trong nghiên cứu văn học Việt, các vị lấy những Tolstoy, Dostoevsky, Gorky, Pushkin … làm mẫu mực. Chả khác gì thời Pháp thuộc, giới trí thức Việt lấy Lafontaine, Balzac, Hugo, Baudelaire, Dumas, Apollinaire làm khuôn vàng thước ngọc văn học Việt phải theo. Và “thảm thương” thay, người ta lại đương ồ ạt chuyển hướng tới văn chương Mỹ như là mẫu mực mới cho văn chương Việt. ↑
-
Câu nói của Chúa Giê-su về khả thể người giàu có vào được thiên đàng còn khó hơn con lạc đà chui qua lỗ chân kim (Mt. 19, 23-30.) Một thí dụ, cả nước Việt Nam chỉ có 4 trường nghiên cứu cấp bằng TS Triết học (Học viện KHXHVN, Học viện HCM, 2 Đh Quốc gia HN và HCM,) nhưng nghiên cứu sâu về Kant chưa tới được hai, ba vị học giả, tìm đâu ra 50 người? Chưa nói tới cả Khoa Triết Đh KHNV Hà Nội có mấy ai biết, nghiên cứu, đừng nói đến hiểu được Franz Brenntano, thì tìm đâu ra một người chứ đừng nói đến 50 để bình duyệt một luận văn về triết gia người Áo này? ↑
-
Trừ những nước không có được ngôn ngữ chung cho quá nhiều sắc tộc nên phải dùng tiếng Anh hay Pháp hay Tây ban nha…,) những nước có ngôn ngữ chung cho cả mọi sắc tộc đều sử dụng ngôn ngữ của họ để nghiên cứu về văn học… Nước Pháp đã từng có thời bắt buộc luận án phải viết bằng tiếng Pháp. Nhiều nước như Đức, Áo cũng có chính sách tương tự như vậy về ngôn ngữ (quốc ngữ) luận văn TS vào thời tôi học và làm việc tại những nước này. ↑
-
Nghiên cứu sinh được khuyến khích nhưng không bắt buộc công bố trước khi bảo vệ luận án. Tại Đức, đòi hỏi phải công bố chỉ sau khi đã bảo vệ, để được cấp bằng chính thức. Như tôi biết từ kinh nghiệm thỉnh giảng, Khoa Triết học và Viện Thần học tại nhiều đh nằm trong “top 100” trên thế giới (bao gồm Bắc Kinh, Oxford, Leuven, Kyoto, Heidelberg, Vienna…,) không đòi hỏi phải công bố 2 tiểu luận trước khi bảo vệ. Cần phải nói thêm là tại vùng nói tiếng Đức, luận án thần học đòi hỏi rất nghiêm nhặt và nhiều năm nghiên cứu, vào loại khó nhất tại những nước này. Tại National Taiwan University (THE xếp hạng 71 năm 2022,) nơi tôi chuyên nhiệm gần 30 năm, nghiên cứu sinh được trợ cấp tham dự hội nghị quốc tế và công bố nhưng không có qui định bắt buộc phải công bố. Nhưng những dự án được Bộ Khoa Học trợ cấp, nếu không có kết quả được công bố trên hệ thống SCI/SSCI/AHCI/TWSCI/TWSSCI… và Scopus, sẽ không được cứu xét khi nộp đơn xin trợ cấp cho nghiên cứu mới. ↑
-
Karl Popper, Conjectures and Refutations- The Growth of Scientific Knowledge (London: Routledge, 2002.) ↑
-
Nguyễn Xuân Sanh, Đại Học – Định Chế Giáo Dục Cao Thay Đổi Thế Giới (Tph HCM: Nxb Tổng Hợp, 2019.) ↑
-
Kỷ yếu Đại Học Humboldt 200 Năm (1810-2010), cb. Ngô Bảo Châu, Pierre Darruriat, Cao Huy Thuần, Hoàng Tụy, Nguyễn Xuân Xanh, Phạm Xuân Yêm (Hà Nội: Nxb Tri Thức, 2011.) ↑
-
Đa số hiểu liberal arts là “khai phóng.” Không sai, nhưng nội dung chưa đầy đủ. Từ Paideia/παιδεία thời Hy lạp tới “liberia studia” thời Trung cổ, rồi tới “Formatio” hay “Bildung” thời Cận đại, luôn có một sự nhất quán: Liberalis có nghĩa không bị hạn chế vào một lãnh vực như thấy trong đào tạo chuyên nghiệp (professional,) trong khi art/artis có nghĩa là kỹ năng nền tảng cho thực hành. Liberia studia là môn học chung (studium generalis) để truy tìm chân, thiện, mỹ, làm căn bản cho mọi môn học chuyên ngành khác như y học, thần học, luật học, những Facultas (Khoa/Đào tạo Năng lực,) chính của các đh thời Trung Cổ. Là cơ bản nên ngay vào thời Plato, nó bao gồm những môn ai cũng phải học như hình học, thiên văn, toán học và âm nhạc (còn gọi là tứ khoa/quadrivium.) Do nhu cầu ngôn ngữ (giảng dậy bằng tiếng La-tinh, một ngôn ngữ mà cấu trúc như toán học, văn phạm cực khó, nên studia liberia/ studium generalis vào thời Trung cổ có thêm ba môn liên quan đến cuộc sống tương thông như hùng biện, lí luận (logic), văn phạm (còn gọi là tam khoa/trivium.) Những tri thức căn bản này giúp con người tự mình có đủ năng lực để tự lập. Chú ý, tự do (liber/liberis/liberalis) và sách vở (liber/libris) luôn gắn liền nhau. Chúng cũng là cái nền móng cho mọi khoa học. Đây là lí do tại sao ở nhiều nước, để học ngành Luật, Thần học và Y học, ứng viên phải có bằng cử nhân nhân văn (BA) hay khoa học (BS). Bạn đọc có thể tham khảo thêm Nguyễn Xuân Sanh, sđd., hay trong Tự điển Bách khoa mở Wikipedia: Liberal arts education – Wikipedia
Tại nhiều nước có hệ thống College of Liberal Arts, mỗi nơi có lối chuyển ngữ khác nhau như Đh Văn Khoa (Facuté de Lettres,) Trưởng Triết Học (School of Philosophy,) Đh Khoa học Nhân Văn (College of Humanities,) Viện Khoa học Tinh thần (College of Human Sciences /Geisteswissenschaft Fakultaet,) Viện Khoa học Cơ bản (Integralwissenschaft Fakultaet,) Văn học Viện (Trung Quốc, Nhật, Đài Loan, Đại Hàn.) Hiểu như vậy, dịch College of Liberal Arts là Đh Khai Phóng (như thấy tại VN) chỉ nói lên được một phần nội dung của College of Liberal Arts. ↑
-
Đây là lí do tại sao Martin Luther (1483-1546) có một ảnh hưởng quyết định trên nước Đức, không chỉ trong tư cách nhà cải cách tôn giáo mà còn trên ý thức hệ Đức và tính độc lập của người Đức. ↑
-
Trần Văn Đoàn, “Sử Mệnh Và Sứ Mệnh Đại Học Đẳng Cấp.” Trong Triết – Tập San Triết Học và Tư Tưởng, số 7 (2022). Https://tapchitriet.com ↑