Press "Enter" to skip to content

Hãy cẩn trọng khi đọc triết: Trường hợp Nietzsche và Wittgenstein

Hãy cẩn trọng khi đọc triết: Trường hợp Nietzsche và Wittgenstein

Nguyễn Hữu Liêm

(Thư Chủ nhiệm, TRIẾT số 9, tháng 9, 2022).

Thân mời độc giả của TRIẾT bước vào những trang tập san cho số mùa Thu năm nay. Cũng như là mùa Thu, các bạn cũng thấy, bài vở cho số 9 nầy thật là khiêm tốn – nhưng chất lượng thì vẫn như các số trước với các công trình sáng tác và dịch thuật công phu, mang giá trị học thuật cao. Mời độc giả suy niệm các bài viết của những tác giả uy tín bao gồm Trần Văn Đoàn, Lưu Hồng Khanh, Tôn Thất Thông và hai bản dịch triết học của Quinne và Kripke bởi Trần Đình Thắng và ĐàoThị Hồng Hạnh. 

Đôi giòng tâm sự: Cá nhân tôi, trong chuyến về nước hồi tháng trước đã nhận thấy sự quan tâm cao độ đến triết học và tư tưởng, nhất là trong giới trẻ. Ngay cả trong thành phần chuyên môn, những nhân vật khoa bảng trong các lãnh vực khoa học và xã hội nhân văn cũng tham gia những buổi nói chuyện về các đề tài triết học. Có người đã mời giáo sư triết học về nhà giảng dạy riêng về môn triết cho họ. Giới trí thức nay nhận ra rằng khi ta suy nghĩ về đề tài nào đó, tối hậu thì cũng phải đi vào các nguyên lý triết học. Nhất là giới viết văn, làm thơ, cũng muốn trình bày những câu chuyện vượt qua tầm mức và trình độ mô tả, kể chuyện, hay than vãn, lên án – nhằm khai mở một chân trời triết lý cho câu chuyện của tác phẩm. Không ai có thể thoát và tránh được triết học. Minh triết là nguồn sáng cho trí tuệ, cho ý chí, cho nhân ái và từ bi – và cũng là căn nguyên cho hạnh phúc. 

Khi chúng ta tham dự vào câu chuyện triết học là khi chúng ta chia sẻ vào Chân Thức nơi Sat-Chit-Ananda khởi nguồn. Có nghĩa rằng khi đọc và suy niệm triết học, ta tham dự vào nguồn căn nguyên của sự Hữu, Ý thức, Hoan lạc – Being, Consciousness, Bliss. Đó là methexis mà Plato nói đến. Khi ta tồn tại, có ý thức, được hạnh phước, hay chịu khổ đau, tất cả đều tùy vào mức độ mà cá nhân ta chia sẻ và tham dự vào Chân Nguyên Satchitananda

Đó là siêu hình học. Một lối suy thức cổ điển mà trí thức ngày nay không muốn tham dự vào. Triết học Tây phương nay đã tự cho là nó đã thoát ra khỏi vòng mê ảo của huyền thoại chân lý mang mầu sắc huyền bí và thần linh. Thay vào đó, triết học ngày nay là nàng dâu của khoa học thực nghiệm – tức là chia sẻ dự án đi tìm nguyên lý và quy luật vũ trụ bằng cơ năng thân xác trong tư thế cá nhân, xã hội và sử tính.  Con người thời đại không còn niềm tin vào siêu hình học và tôn giáo vì họ cho rằng khoa học thực nghiệm đã đóng vai trò truy cứu chân lý mà không cần đến huyền thoại. Triết học, trong trào lưu đó, chỉ là những công việc khai sáng những mệnh đề về thực tại cung cấp bởi giới khoa học. Khoa học gia là giai cấp giáo sĩ mới đầy thẩm quyền, độc quyền chân lý, cho tôn giáo thực nghiệm. 

Qua chuyến đi, tôi nhận thấy là giới trí thức Việt ngữ bắt đầu tham dự vào triết học rất hào hứng – nhưng có vẻ như là còn thiếu cơ bản học thuật. Họ vẫn còn mơ màng trong cơn say chữ nghĩa mang chất liệu thi ca huyền hoặc của giới văn chương Sài Gòn trước 1975. Và phong trào đọc Nietzsche đang lên cao hiện nay như là biểu dấu của ý chí phủ quyết thực trạng xã hội và giá trị lịch sử vốn theo họ đang nhấn chìm bản thân cá nhân và quốc gia. 

Đó là điều hay và đáng ghi nhận – với ít nhiều quan tâm. Nietzsche là một triết gia phủ quyết, là kẻ đánh thức bằng cách đánh đổ huyền thoại quá khứ gần kề – trong khi tôn sùng vào dĩ vãng vàng son thượng cổ Hy Lạp, như là kẻ sĩ Trung Hoa mơ về thời đại Nghiêu Thuấn. Muốn hiểu Nietzsche thì cần phải hiểu cơ bản lịch sử triết học và tôn giáo Tây Âu. Nếu không nắm được cơ bản học thuật đó, ta sẽ bị mê hoặc vào những câu văn mơ hồ, huyền hoặc, mang tính chất thần chú, nặng mùi thi ca – hơn là minh triết trên cơ sở lý tính. Đọc Nietzsche nếu không tỉnh táo thì ta dễ bị rơi vào mê hồn trận thi ca, cứ như đọc Bùi Giáng hay Phạm Công Thiện thưở xưa khi trí thức Việt ngữ còn ở một thời quán hỗn mang ngây ngô. 

Tức là, nói theo Karl Jaspers, lề lối suy tư của Nietzsche phát xuất từ một giai thời chuyển động của sử tính khi mà căn nguyên văn minh Tây Âu đang bị từ chối – nhưng rồi để chỉ đưa Nietzsche đi vào ngõ cụt.  “Nietzsche không biết tính trong sáng của tình yêu, nhưng nói nhiều về khả năng làm ngu muội của nó; không nhận thức được tình thương, từ bi trong liên hệ đến thể tính siêu nghiệm, mà chỉ nói đến tình yêu như là niềm khao khát, đam mê, chỉ là động cơ thuần tâm lý. Nietzsche không biết đến niềm hoan lạc đến từ căn nguyên sử tính mà chỉ thấy đâu đâu cũng chỉ là hiện thân cho ý chí quyền lực, không biết đến niềm hạnh phước mà từ bi mang lại mà chỉ coi đó như chỉ là nguồn gốc cho khả thể sáng tạo” – Jaspers nhận xét. Theo Jaspers thì It takes love to know love – muốn hiểu tình yêu thì ta phải biết yêu. Đọc Nietzsche ta phải cảnh giác khả năng cám dỗ vào hố đen thuần phủ định, cay đắng, hàm hồ và hoang tưởng. Nếu Nietzsche là cha đẻ của cái gọi là “hậu hiện đại” hay “giải cấu trúc” thì những đứa con rơi của ông ta là cả một lũ thiếu niên đi quậy phá đập bỏ những đền thờ linh thiêng nơi đã giữ gìn giềng mối trật tự và hạnh phúc cho làng xóm. 

Văn minh và văn hóa Việt có rất nhiều điều mà ta cần phủ định và vươn thoát – nhưng không phải theo tinh thần hoang tưởng, vĩ cuồng đầy tiêu cực – dù xuất thần – như là của Nietzsche. Vậy, muốn đọc Nietzsche ta phải khởi đi từ tư tưởng triết học cơ bản và nắm vững cơ sở logic và tư duy phê phán. Nếu không, chúng ta cứ lập lại phong trào văn triết hoang đường và ngây ngô thưở truớc – vốn chỉ dành cho tuổi thiếu niên chưa trưởng thành về tính khí cũng như là tri thức. Đó là chưa nói đến nạn hoang tưởng và vĩ cuồng, nửa tỉnh nửa mê, nửa trí thức nửa u muội, của của một vài doanh nhân và trí thức Việt hiện nay.  

Và Wittgenstein. À ha! Vâng, triết gia gốc Áo nầy nay cũng đang được đọc ở Việt Nam – nhờ công lao phiên dịch của Trần Đình Thắng. Cả giới triết học Anh Mỹ đã một thời tôn sùng Wittgenstein quá mức – như giới trí thức lục địa Âu châu đã từng tôn thờ Karl Marx. Nhưng cũng như là với Nietzsche, dù nội dung rất khác nhau, nhưng chàng Wittgenstein nầy cũng đã đóng vai phủ định như Marx và Neitzsche vậy. Theo Wittgenstein thì tất cả cả chỉ là trò chơi ngôn ngữ. Nhân loại hoàn toàn không có nan đề triết học – mà chỉ là sự lạm dụng ngôn ngữ. Để rồi chàng ta đem những công án logic và ngôn ngữ ra để khêu ghẹo giới trí thức nhàm chán Tây phương. Từ Tractatus đến Investigations chỉ có hai câu hỏi. Làm thế nào để ngôn ngữ tiếp xúc được với thực tại? Làm thế nào để giải ảo triết học bằng cách sử dụng ngôn từ? Wittgenstein là một triết gia khá quan trọng nhưng được đánh giá quá cao – overrated. Đọc Wittgenstein ta học được kỹ năng phân tích, phản biện, giải cấu – nhưng không có một nội dung chất lượng minh triết về thực tại, về sử tính, về các câu hỏi siêu hình vốn là giá trị triết học mà ta không thể bỏ qua bằng cách phân tích ngôn ngữ. 

Trong một lần bàn chuyện gần đây ở Sài Gòn với một trí thức đại học, anh nói rằng từ khi đọc Wittgenstein, anh đã bỏ qua hết triết học Tây phương. Đây là câu nói nêu lên cái nan đề triết học mà tôi nói ở trên: Tinh thần phủ định giá trị từ các triết gia phủ định tạo tác cho trí thức một thái độ đầy dấu trừ trống rỗng, một tinh thần phế bỏ tất cả để làm hành trang sinh hữu cho sứ mệnh tri kiến – như là một chú tiểu mới đi tu trong chùa cứ cho rằng vạn sự đều là “không.” Đó là chưa nói đến thói tật lười biếng đọc và suy tư để tự nghĩ rằng triết học có chi mô mà phải mất công nghiên cứu. Wittgenstein cũng như Nietzsche là hai triết gia lừng danh – nhưng đọc mà tin hết vào họ thì thà không đọc họ. Ta phải đọc các triết gia thể loại nầy với đầu óc phê phán, phản biện, và phải biết đặt họ trong bối cảnh lịch sử, thời đại, ngôn ngữ và truyền thống triết học Tây phương. Nếu không, ta sẽ như là một thiếu niên mới bắt đầu học võ, đứng tấn và đi bài quyền cơ bản chưa xong mà đã đòi nhảy đá song phi hay đấm vỡ gạch đá ở trình độ đai đen. 

Nhưng cái gì cũng có hai mặt. Biết đâu, cái vĩ cuồng điên loạn của Nietzsche, cái tinh thần phế bỏ siêu hình học bằng phân tích ngôn từ của Wittgenstein ít ra là cũng đang tạo nên một niềm hứng thú để quyến dụ người đọc tiếng Việt đi vào thế giới chữ nghĩa. Ở đây, tôi chỉ muốn nhắc nhẹ. 

(Nhân tiện ở đây tôi xin đề nghị. Cho các bạn đọc triết chuyên môn, nếu muốn cập nhật về triết học thì có ba triết gia đương thời cần phải đọc. Về siêu hình tổng hợp thì có triết gia Mỹ Ken Wilber với cuốn Sex, Ecology, Sprituality – The spirit of evolution (Shambhala: 2000). Về triết học ý thức (consciousness) thì David J. Chalmers với cuốn The Character of Consciousness (Oxford: 2010) và cuốn mới nhất Reality – virtual worlds and the problems of philosophy (Norton: 2022). Về triết học khoa học thì có Sabine Hossenfelder với Existential Physics – a scientist’s guide to life’s biggest questions (Viking: 2022). Cũng xin nói thêm rằng khi đã nắm vững và quen đọc triết thì khi đọc các tác giả ở tầm mức học giả và sử gia như Francis Fukuyama, Yuval Noah Harari… các bạn sẽ thấy không đủ “đô” vì các tác phẩm của họ, dù chứa đựng nhiều kiến thức bổ ích, nhưng rất thiếu vắng bình diện khái niệm và nguyên lý). 

Trở lại với TRIẾT số 9 nầy. Như tiêu đề của tạp chí nêu rõ, TRIẾT bao gồm triết học và tư tưởng. Thế nên chúng tôi đã từng đăng những bài không thuần triết học, nhưng hội đủ giá trị và tiêu chuẩn học thuật cho một tạp chí nghiêm túc. Mong rằng, lần nữa, số 9 nầy, lượng thì khiêm tốn, nhưng phẩm chất thì hy vọng sẽ được quý độc giả hài lòng, không bỏ công đọc và suy tưởng.

Trân trọng.

NHL