Press "Enter" to skip to content

THỜI TÍNH, HỮU THỂ VÀ Ý CHÍ: Một luận đề siêu hình học

THỜI TÍNH, HỮU THỂ VÀ Ý CHÍ: Một luận đề siêu hình học

(Domino Books, 2018)

NGUYỄN HỮU LIÊM

LỜI NÓI ĐẦU

I. VỀ TRIẾT HỌC VIỆT NAM

Rằng Việt Nam chưa có một hệ thống triết học là một sự kiện. Và sự kiện lịch sử nầy có thể và đã đến lúc phải được thay đổi. Chúng ta, những nhân chứng trong Thời Đại mới, trên căn bản tự hữu, độc lập với Quá Khứ, hướng về Tương Lai, muốn xây dựng cho chính mình một vũ trụ quan và nhân sinh quan thích ứng, hợp Thời, hợp lý và mang một nội dung cách mạng. Đây là nhu cầu Thời Tính, như là tinh hoa của thiết yếu tính chủ quan cũng như khách quan, trên phương diện triết học và tư tưởng, mà con người Việt Nam đang phải đối diện.

Đây không phải là lúc để quanh quẩn đi tìm hay tranh luận về câu hỏi tại sao dân tộc Việt Nam chưa có triết học như Tây Phương hay Ấn Độ – mà là khởi điểm bắt tay vào hành trình triết học trên căn bản phổ quát, toàn cầu, chứ không chỉ giới hạn vào vấn đề triết Việt. Mọi vấn đề triết học đều không phải chỉ cho người Việt Nam vì sự thật lý giải không ngừng lại ở biên giới chủng tộc hay quốc gia.

Triết học là một khoa học được diễn đạt trên căn bản phạm trù khái niệm và ngôn ngữ cũng như phương thế truyền thông khác nhằm khai sáng sự thật về chính mình, vũ trụ và Hiện Hữu. Từ đó, triết học là một nỗ lực đi trước chính mình nhằm dẫn lối cho sinh hiện và chinh phục Hiện Tại. Mọi câu hỏi triết học đều là những tác động của ý chí nhằm khai phá thực tại cho con lộ Trở Nên.

Khi Tây Phương, Ấn Độ và Trung Hoa đã từ lâu trải dài cho dân tộc Việt một tấm chiếu cấu tạo bởi các khái niệm thần học, tín ngưỡng, khoa học thực nghiệm và tư tưởng để rồi chúng ta cứ ngoan ngoãn đi vào đó bằng hai con mắt nhắm nghiền để cúi đầu chiêm bái thì hệ quả là một sử tính vong thân và nô lệ. Chúng ta phải thức dậy, mở to hai mắt để khai phá những phạm trù khái niệm cho chúng ta không phải trên căn bản dân tộc hay quốc gia đặc thù mà là của phổ quát, vượt không gian hay chủng tộc để chúng ta có thể đến với sự thật khách quan không từ một thừa kế ngoại thân mà bởi từ nỗ lực nội tại. Không có một chân lý duy Việt Nam cũng như không có một khoa học vật lý không gian chỉ đúng với con người Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta phải đứng dậy để kiến tạo cho chính mình một nền tảng tư tưởng tổng thể, toàn cầu trên căn bản ngôn ngữ và cấu trúc tâm thức Việt Nam. Tức là chúng ta phải có can đảm để khách quan hóa những giá trị thuần chủ quan và biến chúng thành những phạm trù ý thức cho cả nhân loại. Một triết học chỉ chú trọng về nguồn gốc dân tộc sẽ không thể được coi như là triết Việt – và nó cũng không thể đem chúng ta đi đến đâu hơn chỉ là một hiện tượng của những con “gà què ăn quẩn cối xay” trong bóng tối đầy huyền thoại và những hạt lúa rơi vụt vặt từ những công trình nghiên cứu của các học giả thế giới. Vì thế, chúng ta phải đưa ra những hệ thống luận thuyết nhằm lý giải được những vấn nạn mà nhân loại đã đang và sẽ còn tiếp tục cưu mang. Đó là những cầu hỏi triết học chung cho tất cả con người mà dân tộc Việt là một thành phần quan yếu. Chúng ta phải chấm dứt thái độ hãnh diện về chính cá nhân mình trên căn bản giá trị vay mượn. Tuy nhiên, điêu nầy cũng không có nghĩa là chúng ta lại mang thái độ cực đoan để nhắm mắt ôm nhau về tắm ao ta dù chiếc ao chỉ là một vũng nước bùn lầy, ô nhiễm, ứ đọng từ lâu. Hãy khai thông một giòng suối tri thức cho cái ao lầy tâm thức dân tộc Việt ra với biển lớn của nhân loại để chúng ta cùng tiến bước với tất cả trên căn bản định danh là người Việt Nam. Và triết học, trên cơ bản tiếng Việt, cung cấp cho chúng ta cơ bản định danh và tư tưởng đó.

Triết học là một lối đi thử nghiệm Chân Lý bằng khả năng lý giải trên phạm trù khái niệm – một chuỗi dài tiến gần đến sự thật Thời tính mà cá nhân đang phải thử thách. Chân Lý không phải là một sự thể khách quan, mà là một sự cấu thành theo năng động Ý Thức và ngôn ngữ. Không có sự thật có sẵn để đi tìm mà chỉ có một bối cảnh sự thật từ sự chọn lựa của Ý Chí và lý luận. Vì vậy, khi một dân tộc nào chỉ đi theo một sự thể cấu thành từ bên ngoài mang chiếc áo sự thật qua mệnh danh giá trị tôn giáo, ý thức hệ chính trị hay là khoa học, ngay đến cả các phong trào truyền thông, kỹ thuật thì dân tộc đó chưa làm chủ được sinh mệnh cho mình, do đó, chưa được Tự Do. Từ trong trạng huống thừa hưởng phạm trù giá trị ngoại thân mà lịch sử dân tộc cho đến hôm, nay vẫn chỉ là phần đuôi của Sử Mệnh vì khả năng chủ động và điều hướng Sử Tính đã không nằm trong tầm tay của mình.

Do đó, triết học – trên Ý Thức về Sử Mệnh cho dân tộc – là Ý Chí xây dựng một nền tảng giá trị về một vũ trụ quan, thế giới quan và nhân sinh quan cho chính mình mà không cần nhân danh một biên giới đặc thù nào trên căn bản dân tộc hay quốc gia. Chúng ta phải đi ra với nhân loại như là một thành phần đồng dạng, đồng tính – trên cơ sở Ý Thức rằng chính chúng ta phải sáng tạo giá trị cho chính mình và đóng góp cơ sở giá trị này cho cả nhân loại. Đây có thể là một mâu thuẫn cần phải được giải hóa – bằng sự vượt qua biên giới dân tộc, quốc gia và cả lịch sử đặc thù để có thể nhận diện và định danh được chính mình trên căn bản dân tộc. Và điều nầy có thể hiện thực hóa trên cơ bản triết học và tư tưởng. Kinh nghiệm của Ấn Độ và Đức Quốc đã chứng minh được điểm nầy: Triết học của các dân tộc đó vượt qua biên giới quốc gia và lịch sử riêng biệt để nói đến những vấn nạn tư tưởng phổ quát cho nhân loại – nhưng trong truyền thống đó, nội tính và cấu trúc tâm thức và lịch sử riêng họ được khai sáng và định danh.

Lịch sử nhân loại đã từ lâu bị cai trị bởi những phạm trù khái niệm từ Tây Phương – mà khái niệm vững cứ và hùng hồn nhất, mang nô lệ tính cao nhất là chủ thể tính Thượng Đế/ Chúa Trời – God. Chính từ những phạm trù khái niệm phát xuất từ chủ thể tính tuyệt đối nầy mà bản chất Sử tính Tây Phương và cả nhân loại đã được định đoạt. Sử Mệnh Việt Nam trong suốt hai thế kỷ qua đã phần lớn được điều hướng bởi ảnh hưởng hay là phản ứng lại các phạm trù khái niệm nầy. Đây có phải là Thời điểm để cho chúng ta, những con người Việt Nam, nhân danh thế hệ mới, tâm thức mới, ý chí mới không còn phải sinh hiện và kết thành Sử tính từ sự duy phản ứng với các phong trào khái niệm từ Tây Phương?

II. BẦU THAI THỜI TÍNH CỦA TRIẾT HỌC

Triết học chuyển động như một cơn đau Thời Tính kéo dài trong tiến trình Trở Nên từ Hiện Hữu – và nó đòi hỏi sự hiện thân để thực tại hóa bầu thai trong khả thể của chữ Thời.

Trong tất cả các Thời Đại, triết học Ấn Độ là của thần học mang chiếc áo lý giải bằng những mệnh danh đầy huyền bí, của Trung Hoa là của những tiền đề gãy gọn về nhân sinh quan và thế giới mang tính chất mơ hồ và quá tổng quan để cho mọi sự phân định về tính thể và Hiện Hữu không thể kết tựu được. Từ đó, triết học Á Đông không được chuyển hóa theo Thời mà chỉ dừng lại ở điểm khởi hành – sự chuyển hóa tư tưởng Á Đông chỉ là sự nối dài của một gốc rễ tư tưởng Quá Khứ. Thế còn Tây Phương? Triết học Tây Phương, cho đến gần đầy, nói theo Alfred North Whitehead, chỉ là một chuỗi dài biện giải cho những chú thích từ triết học Plato vì tất cả những gì được nêu lên đều đã được nêu lên bởi Plato. Và bản chất triết học đó là sự đi tìm căn tính cho tự-Ngã trong liên hệ đến Thượng Đế mà tiến trình tìm kiếm nầy, trong truyền thống Thiên Chúa Giáo, đã ngoại thân hóa chủ thể tính của tự-Ngã để ký thác giá trị bản thân vào một tuyệt đối thể. Triết học Tây Phương là chuỗi dài biện giải cho khái niệm Thượng Đế nầy, hay là như gần đây, chỉ là những phản ứng lại các phạm trù khái niệm liên hệ, mà tất cả vốn đã được khởi đầu bởi Plato. Từ đó, bầu thai Thời Tính của triết học nhân loại, từ Hy Lạp và Tây Âu qua Trung Hoa và Ấn Độ, vẫn chưa được khai sinh thành đứa con cho Thời Đại hôm nay. Triết học, vì vậy, vẫn là một nỗi uẩn ức không nguôi, một chuỗi những bầu thai Thời Tính bị dang dỡ mãi, từ một ước vọng sự thật mà tri thức và ngôn ngữ chưa cung cấp nỗi. Đây chính là nguyên nhân tại sao khoa học và kỹ thuật, vốn chỉ là một lãnh vực tư tưởng thực nghiệm, đã chiếm diễn đàn ưu tiên và được mệnh danh là một hệ thống chân lý khách quan và thực tại.

III. NHÌN LẠI TRIẾT HỌC NHÂN LOẠI

Từ Hy Lạp, triết học đã là một khoa học vốn bao gồm cả thiên văn học, vật lý và hóa học. Nhưng từ khi sau Aristotle thì triết học chỉ còn ôm chiếc bóng khái niệm để bàn giao những câu hỏi về không gian, vũ trụ, Thời Tính cho khoa học thực nghiệm. Cho đến khi Einstein đưa ra những tiền đề khoa học vật lý không gian mới cùng lúc với sự khai sinh của phong trào khoa vật lý lượng tử, quantum physics, thì khoa học mon men trở về lại với gốc rễ triết học của nó. Và triết gia đã tương đối khá thành công trong sự thống hợp triết học và khoa học Thời đại là Whitehead với hệ thống Triết học Tiến trình, Process Philosophy. Nếu không có những triết gia trong trường phái tiến trình nầy, những Peirce, Whitehead và Hartshorne, thì chắc là các thần linh chân lý phải tung hô với những trận cười chế ngạo khi nhìn thấy những thành đạt của khoa học để so sánh với triết học – triết học, như là siêu hình học và bản thể học, vào tiền bán thế kỷ hai mươi nầy chỉ còn là một chàng thư sinh ôm nặng quá nhiều kiến thức trừu tượng với những khúc gỗ khái niệm cứng ngắt để phải gục chết khát giữa sa mạc nhân sinh – để từ đó triết học Âu Mỹ chỉ còn trở lại cấu xé, giải hóa văn bản trên cơ sở ngôn ngữ để giải cấu giá trị truyền thống. Khi khoa học đã tuyên bố một tiền đề về vũ trụ và chứng minh bằng toán học, bằng công thức điện toán để có thể đem con người lên mặt trăng và về lại một cách an toàn thì không ai có thể có thái độ khinh thường khoa học được. Triết học Tiến Trình nối cánh tay suy tưởng với khoa học thực nghiệm để gặp được Phật Giáo trên những phạm trù khái niệm để chuyển hóa vấn đề triết học từ một vấn nạn về Hữu thể, Being, sang đến Trở Nên, Becoming. Cánh tay suy tưởng đó là suy lý, hay tư biện – speculative thinking. Khoa học không thể đi trước chính mình vì nó phải khách quan hóa phạm trù giả định của mình bằng thực nghiệm – nhưng triết học suy lý không bị giới hạn nầy kiềm chế: triết học tung cánh lên bầu trời suy thức để kiến tạo những tiền đề chân lý đi trước Thời Tính. Nhưng đây không phải là một cánh chim bất định và ảo vọng. Triết học chỉ có giá trị như là một ngọn đèn khai tạo chân lý nếu nó chỉ đi trước Thời Tính chỉ một Thời Quán vừa đủ để cho chính nó không bị mất đi gốc rễ thực tại. Triết học đi trước dẫn đường cho khoa học nhưng phải có khoa học minh giải những tiền đề sự thật mà triết học nêu lên. Cho đến giờ nầy, chỉ có hai hệ thông triết học suy lý đã thành công một cách huy hoàng là của Hegel và Whitehead. Hegel là đỉnh cao của truyền thống suy lý Tây Phương trong truyền thống Thiên Chúa Giáo mà giá trị của nó vẫn còn như một cơn say mèm nay nhân loại đã phải tỉnh thức sau cơn bão Marxism. Còn Whitehead là đỉnh cao mới: nhưng triết học tiến trình, sau Hartshorne, chưa có truyền nhân xứng danh – không như trường hợp của Hegel thì có Marx hay là những kẻ phản ứng lại Hegel như Kierkegaard, Nietzsche, Heidegger hay Russell, Wittgenstein. Để từ đó, triết học, qua siêu hình học Whitehead, vẫn chưa đi hết tột đỉnh của khả thể suy lý và đoạn đường thiết yếu kế tiếp vẫn còn đang là một khu rừng đầy bóng tối bất định.

IV. VỀ NHỮNG CƠ CẤU PHẠM TRÙ MỚI CHO TRIẾT HỌC THỜI TÍNH

Triết học là sự khai vỡ luống đất tư tưởng, một dự phóng ý thức để điều hướng cho bước đi Kế Tiếp của nhân loại. Như một kiến trúc sư chuẩn bị dự án và vật liệu cho cây cầu sang sông, triết gia phải dự phóng một định hướng tiền đề và một cấu trúc vật liệu trên phạm trù khái niệm mới cho hệ thống triết học của mình – sự hiện thực hóa tiềm năng khái niệm thành nên một hệ thống lý giải cho những vấn nạn tư duy mà nhân loại đang phải đối đầu. Cá nhân khai sáng triết luận là kẻ mang ý chí xây dựng con lộ tri thức để biến khốỉ tổng thể tư tưởng bất định thành ra một cơ cấu hữu hạn, phân bày và lý giải. Công tác lập thuyết bắt đầu bằng một hành trình dựng ngôn để từ khả năng vô hạn của ngôn ngữ, khái niệm có thể được phân bày cho khả thể tiếp cận với sự thật trước mắt. Và đó là công việc kiến tạo một cấu trúc cho những phạm trù khái niệm mới cho triết học.

Triết học khởi đi không bằng một niềm xác tín mà trái lại là sự khai mở những tiền đề mang tính chất giả định trên căn bản thiết yếu tính của lý luận trong bối cảnh khả thi của ngôn ngữ và tâm thức. Tư duy bằng triết học là viết ra thành một hệ thống lý giải mạch lạc để cho nhịp tim suy tưởng có thể biến thành tiếng trống thôi thúc ý thức. Từ đó, triết gia phải tìm cách chinh phục chính mình bằng cấu trúc khái niệm mà mình nêu lên như là những tiền đề giả định để từ đó sự xác tín vào cấu trúc của phạm trù được tìm đến sau khi tri thức triết gia đã tiêu hóa và lãnh hội sự thật khách quan do chính mình tạo dựng lên từ bối cảnh năng thức nội tại. Một dự án triết học là một công trình khách quan hóa năng lực chủ quan của triết gia để biến biên độ Ý Thức thành một bãi chiến thực nghiệm trên căn bản ngôn ngữ nhằm thử thách và đối diện với nhân sinh và chính mình. Mỗi tiền đề triết học là một hành vi ngoại thân hóa cá thể để chính mình phải vạch áo cho chính ta và cho thiên hạ xem lưng – cái gì riêng tư phải không còn là riêng tư mà là một thực tại chung cho nhu cầu trang trải và kinh nghiệm để Hiện Hữu có thể Trở Nên. Triết học là Ý Chí Trở Nên bằng suy thức để chính mỗi cá nhân có thể được Tự Do bằng ý chí chủ động của mình. Và mỗi phạm trù khái niệm tự nó là một sự giới hạn nhưng là mỗi thanh sắt nối liền giữa hai bờ của khả thể tính như là một cõi tiềm năng đối với thực tại ngôn ngữ được điều động bởi năng ý suy tưởng. Muốn được Tự Do cá nhân phải biết tự giới hạn chính mình. Mỗi lần lập thuyết là mỗi lần bước chân mình vào con lộ hữu hạn của ngôn ngữ. Và mỗi chọn lựa bản sắc ngôn ngữ cho con đường Ý Thức là một chọn lựa tri kiến để được Tự Do.

Từ những tiền đề suy thức tổng quan đó, ở đây tôi muốn đề ra một dự phóng triết học cho Nguyên Lý của Thời (Thời Lý) bằng ngôn ngữ bản thân, tiếng Việt, với tất cả những khả thể và giới hạn cấu trúc và tinh thần của ngôn ngữ nầy. Đây là một hệ thống siêu hình học, metaphysics, đồng thời là một đề án bản thể luận, ontology, khác. Tất cả là một công trình thử nghiệm suy thức – vì mỗi hệ thống triết luận là một thử thách cho những bước khởi hành mới. Và mỗi thử nghiệm đều dung chứa một phần năng ý phản ứng lại gánh nặng truyền thống – vì không ai có thể bắt đầu lại một cách tuyệt đối. Mỗi bắt đầu chỉ là một khởi động ý chí kiến tạo sự thể khách quan cho các phạm trù tư duy trên những vật liệu có sẵn. Mỗi sáng tạo là một sự tái xếp đặt vì cá nhân sáng tạo không thể sáng thành sự thể cá nhân của hắn như là một sự kiện khách quan. Thành ra một dự phóng triết học mới, trên căn bản suy lý và tư biện, chỉ là một sự nhìn lại toàn thể bối cảnh Hiện Hữu để định hướng cho ý chí sinh tồn.

Trước hết về chữ Thời: mọi nỗ lực khai phá trên lãnh vực khoa học hiện đại đều đang hướng về tính chất của Thời Tính, Time. Tuy nhiên, trên bình diện triết học thì chữ Thời vẫn là một khái niệm xa lạ chưa được các triết gia chú ý đúng mức. Từ thượng cổ Hy Lạp hay là ở Ấn Độ, chữ Thời vẫn là một huyền bí để cho các hệ thống triết luận chỉ cho đó là một cơ chế hiện thân cho Thượng Đế hay là một con lộ chuyển động cho thế giới vật thể. Riêng ở Ấn Độ thì Thời đi từ cực đoan của một chủ thể sáng tạo cho vũ trụ đến quan điểm cho rằng tất cả những cảm nhận về Thời tính đều chỉ là ảo tưởng. Riêng triết học Trung Hoa thì có Dịch Lý, I Ching, là một cấu trúc tư duy về chữ Thời. Tuy nhiên, I Ching đặt trọng tâm về Thời Vận như là khả thể tính đã được tiên định mà tất cả những lý giải đều thuộc về lãnh vực huyền bí – mà rất nhiều kẻ tự cho rằng mình hiểu “Kinh Dịch” cũng không thể có một hệ thống lý giải cho cơ cấu thuần biểu tượng nầy. Vì thế, I Ching không phải nằm trong lãnh vực triết học khi triết học phải là một cơ năng giải thích những tiền đề bằng lý luận.

Ở Việt Nam thì Kim Định, hơn ba thập niên trước ở Sài Gòn, có xuất bản cuốn Chữ Thời phác họa sơ lược những vấn đề triết học liên quan đến Thời Tính. Đây có lẽ là nỗ lực duy nhất của triết học Việt Nam, mà tôi biết được, về đề tài nầy. Tuy nhiên, Kim Định không đưa ra một luận thuyết nào mới hơn chỉ là một công trình có tính cách giáo khoa.

Nhìn về triết học Tây Âu thì chữ Thời là một cấu trúc chuyển động tiên thiên – cho đến Heidegger thì chữ Thời mới được bắt đầu đặt lại một cách mới mẽ. Tuy nhiên, chữ Thời của Heidegger, phần lớn là phản ứng lại với khái niệm Thời tính của Hegel, bị bỏ quên nửa chừng dang dỡ vì triết gia nầy chưa bao giờ đưa lên một hệ thống toàn bộ cho cấu trúc tư tưởng của mình. Heidegger chỉ đi tìm gốc rễ Chân tính cho Hữu thể, Being, mà chữ Thời vẫn không thoát ra khỏi phạm trù ngoại thân của các khái niệm mà Kant và Hegel đã nêu lên. Nhưng với khái niệm “thời tại tính,” temporality, như là nền tảng căn bản cho Hiện thể, Dasein, Heidegger đã khai mở một tiền đề triết học mới về Thời tính – nhưng để rồi tất cả lại đi vào lãng quên. Triết học Tây Âu sau đó chỉ bận tâm về các vấn nạn hiện sinh và khả thể lãnh hội chân lý bằng ngôn ngữ. Ngọn đuốc triết học về không gian và Thời tính được chuyển tay qua lãnh vực vật lý không gian và triết học tiến trình ở Anh Quốc và Hoa Kỳ. Nhưng vật lý học không gian và lượng tử không đưa ra một dự phóng giả định về Thời Tính mang tính chất triết học suy lý; cũng như triết học tiến trình của Anh Quốc và Hoa Kỳ vẫn để chữ Thời nằm yên trong nỗ lực khai phá khái niệm Trở Nên cho Hiện Hữu. Triết học Tây Phương, sau hai hệ thống suy lý của Whitehead và McTaggart, đã nằm yên. Những gì sinh động hôm nay chỉ còn là dư âm của các thế kỷ trước nhằm đánh giá lại truyền thống tư tưởng và ngôn ngữ hơn là kiến tạo gì mới cho nhu cầu suy thức.

Ở đây, tôi đưa chữ Thời lên làm tâm điểm cho hệ thống bản thể luận về Hữu Thể (Being): Hiện Hữu (Existence) là một năng lực Trở Nên của Thời. Từ đó, các phạm trù khái niệm chủ động cho cấu trúc suy lý nầy đều được bắt đầu và đặt căn tính trên chữ Thời.

Tuy nhiên, Thời ở đây không đóng vai chủ thể như là khái niệm về một Thượng Đế. Trong hệ thống Thời Lý (The Logic of Time) nầy không có khái niệm về một chủ thể tuyệt đối. Tất cả là một năng động Trở Nên bất định mà tôi gọi là tính lý Ngẫu Nhiên trên bàn cờ thuần xác suất. Năng lực chuyển động qua từng cánh cửa xác suất là ý chí Khát Sống và lòng Hiếu Thắng. Nhưng ở đây, hoàn toàn là tôi không muốn đưa ra một tiền đề Ý Chí, Will, cho triết học như Schopenhauer và Nietzsche đã nêu lên. Tôi ngưỡng mộ hệ thống cấu trúc của triết học Hegel, khả năng lý giải của Whitehead, tinh thần khai phá và phê phán giá trị của Nietzsche, nội dung triết luận đầy thi văn của Heidegger, và căn bản khoa học của Monod – nhưng tôi không muốn bị ảnh hưởng bởi một triết gia nào. Chưa có một triết gia lớn nào đặt trọng tâm chữ Thời vào trong hệ thông phạm trù cho triết học của họ cả. Ngay cả các triết học gia chuyên nghiên cứu về Thời cũng chỉ đưa ra với thể cách của học giả, thuần cấu trúc, hay lịch sử, hơn là một hệ thống suy lý như tôi muốn đưa ra ở đây.

Do đó, các phạm trù khái niệm của Thời trong tác phẩm nầy là một nỗ lực kiến tạo lại cấu trúc tư tưởng về Hiện Hữu khi nền tảng Hiện Hữu không phải là một định tính mà chỉ là một năng động thuần Trở Nên. Từ đó, mọi khái niệm về cấu trúc Hiện Hữu trên cơ bản định thể, entity, đều bị phủ định. Mỗi định thể chỉ là một biến cố Thời Tính mà căn bản của nó chỉ là một dạng thể của Thời trong nguyên lý kiến tạo vào thể trạng khách quan. Và toàn thể cấu trúc phạm trù về Thời là những nguyên tắc ý chí chủ quan nhằm lãnh hội sự thể biến cố khách quan của Thời. Từ đó, năng lực ý chí từ căn bản cá thể chủ quan đóng vai trò quan trọng cho triết học chữ Thời khi nó bắt đầu từ cảm thức về chính Ta qua năng động tự-Ngã – mà hai phạm trù của Thời nhằm lãnh hội và kiến tạo Hiện Hữu là tâm thức Khát Sống và Ý lực Hiếu Thắng.

Trong bối cảnh sinh hiện khó khăn, văn minh Việt Nam mang nặng một Ý Thức về chữ Thời. Tuy nhiên truyền thống cảm nhận nầy chưa hề được khai giải và kiến tạo nên thành một hệ thống triết học. Trong hệ thống siêu hình học về Thời nầy tôi đưa ra một cấu trúc tiền đề mới nhằm thử nghiệm khai giải truyền thống tâm thức của chúng ta và của cả nhân loại. Vì thế mà tôi nói rất nhiều về Phật Giáo và Nguyễn Du trong truyền thống tư duy Việt Nam vốn bận tâm với chữ Thời một cách gián tiếp. Như đã nói ở trên, triết học về Thời mà tôi cố gắng đưa ra ở đây một phần phát xuất từ một tâm ý phản ứng lại truyền thống Phật Giáo mà tôi đã lớn lên và coi nó như chính thân mệnh mình – và vì thế mà tôi chỉ trích nặng nề Phật Giáo, hay Long Thọ, Nguyễn Du, như là một khuyết điểm của chính mình, nhất là với cảm thức về Khổ Đau của con người, của chúng sinh – và của dân tộc Việt Nam trong suốt thế kỷ qua. Triết luận của tôi, với những tiền đề ý chí và chủ động tích cực, có lẽ là một nỗ lực vươn thoát tâm cảm Khổ Đau mà tôi nghĩ rằng triết lý Phật Giáo đã thâm nhiễm sâu sắc tận đáy nội tâm. Còn đối với những triết gia lớn khác mà tôi đề cập đến, nhiều lúc rất tiêu cực, không phải là một kiểu lèse majesté, mà trái lại, tất cả là từ một nỗ lực lãnh hội triết học nhân loại bằng phương pháp phê phán phủ định, nhưng không có nghĩa là tôi coi thường hay mang thái độ bất kính ai.

Và từ đó, các tiền đề khác về Tự-Ngã, Ý Lực, Hữu/Vô, Thiện/Ác, Lịch Sử, Tự Do/Nô Lệ là những thành phần trong cấu trúc của Thời Gian, Hữu Thể và Ý Chí. Tôi không muốn đem các cấu trúc khái niệm nầy vào triết học như là những luận điệu thuần trừu tượng; trái lại, tất cả là những tiên đề định hướng cho năng lực Khát Sống và Hiếu Thắng. Tôi muốn cấu tạo lại một nền tảng phạm trù cho các khái niệm triết học hoàn toàn trên nền tảng bản thể luận của chữ Thời: tất cả là những phạm trù lý giải đối với bản chất năng động của Ý Chí mà tinh hoa của chữ Thời là sự khai mở cánh cửa Cơ Thời trên tiến trình Trở Nên giữa bàn cờ Hữu/Vô đầy xác suất bất định. Từ đó, năng lực quyết định cho Trở Nên là Thời Ý.

V. TRỞ LẠI CHUYỆN VIỆT NAM

Tôi đã suy thức nhiều về những tiền đề Thời Tính trong văn hóa Việt Nam. Chữ Thời trong văn minh Việt Nam vẫn từng bị đồng hóa với số phận tiền định vì chúng ta không thể giải thích được năng động logic của cái gì vốn như là tình cờ, bất định. Từ đó, dân tộc ta nhắm mắt chấp nhận cái gì đến như là sự thể đã xong và mọi nỗ lực ý chí đều là chỉ để nhìn lại Quá Khứ một cách vô vọng. Và mọi cố gắng lý giải về cơ năng vận hành của Hiện Hữu đều được ký thác vào huyền bí luận. Mysticism becomes our highest court of appeals – khi cái gì cũng cứ gọi là “cao siêu” hay “bất khả tư nghì” trở thành một giải đáp tối hậu – cũng như Tây Phương trước đây cứ trả lời tất cả mọi vấn nạn Hiện Hữu bằng khái niệm Thượng Đế.

Khi cả một dân tộc bị ngự trị bởi Quá Khứ và huyền bí thì họ không có Tương Lai – và hệ quả là năng lực tồn hữu chỉ còn là những bận tâm với vấn đề đang xảy ra trước mắt và bây giờ. Cho đến ngày nay, khi khoa học có vẻ như đã ngự trị tâm thức nhân loại; nhưng phần lớn con người Việt Nam vẫn còn bị nô lệ bởi bóng tối bất định khi họ, từ mọi thành phần, từ thôn quê, bình dân đến thành thị, trí thức hải ngoại, đều còn tin tưởng rất sâu, nhưng không hiểu được nguyên lý cơ bản, vào những thuyết định mệnh, dịch lý, bói toán, nhân quả, nghiệp căn.

Dĩ nhiên, khoa học không phải là chân lý tối hậu; nhưng khoa học là một toà kháng án đáng tin cậy nhất cho các vấn nạn triết học và tư tưởng. Khi mệnh danh khoa học như là một thẩm quyền cao cấp, điều nầy không có nghĩa rằng chúng ta chỉ dừng lại ở khoa học vì khoa học, nhất là khoa học thực nghiệm, vẫn còn mang rất nhiều giới hạn và khuyết điểm. Và từ đó, chúng ta không thể hoàn toàn viện cớ khoa học để phủ định hết tất cả những vấn nạn Hiện Hữu vốn chưa được lý giải thỏa đáng. Tuy nhiên chúng ta không thể ký thác những tiền đề khó khăn vào một phạm vi huyền bí luận nào đó để tự thỏa mãn với cái gọi là “cao siêu” bất định nào đó. Tôi quan niệm rằng chúng ta có quyền tin tưởng cho đến một biên độ tri thức cần thiết nếu niềm tin đó không giới hạn khả thể Tự Do cho tác động ý chí sinh tồn. Khi nào chúng ta còn mang lý tưởng Hiện Hữu vốn bị chi phối bởi huyền bí luận thì cuộc đời sẽ phải là Khổ Đau.

Và chiếc cầu bắc ngang giữa hai bờ của khoa học thực nghiệm và huyền bí luận là triết học suy lý – speculative philosophy. Thời Tính, Hữu Thể và Ý Chí mà quý vị đang có trên tay là một nỗ lực kiến tạo chiếc cầu đó.

Và hơn thế nữa: Từ trong tất cả những thao thức, những vật lộn với chính mình và truyền thống, với văn minh Tây Phương, triết học Thời Lý mà tôi đưa lên ở đây nhằm vào một lý tưởng: chuyển ngược lại mũi tên tâm thức Thời Ý cho dân tộc Việt Nam, vốn từ lâu nay chỉ hướng về Quá Khứ, để có thể xoay chuyển mũi tên tâm thức về tới Tương Lai. Tự Do được quyết định bởi chiều hướng tâm thức. Khi dân tộc Việt Nam quay lưng lại với Quá Khứ không-còn-là để khai tạo Tương Lai sẽ-phải-là cho mình thì Tự Do sẽ được khai mở trong tổng hợp của khả thể Trở Nên.

VI. LỜI MỜI

Triết học là một tác hành của Ý lực Tự Do muốn khai sáng chính mình và để chủ động Thời Ý cho chuỗi dài Trở Nên của Hiện Hữu. Những tiền đề nêu lên ở đây không phải là một công trình nghiên cứu khoa học hay tổng hợp kiến thức về Thời Tính đã có sẵn. Trái lại, tôi muốn kiến tạo một cấu trúc triết học mới mà trong đó chân lý chỉ có giá trị cho đến mức mà triết học là một nguồn cảm hứng cho năng thức Ý Chí sinh hữu.

Tuy nhiên, khi đã viết lên điều gì thì ngôn ngữ trói cột chính mình vào phạm trù ngôn ngữ giới hạn để rồi tác giả phải phơi bày ra nhiều khuyết điểm từ nội dung tri thức và lý luận của mình. Vấn đề là một chọn lựa. Và triết học là một hành vi chọn lựa Tự Do trong tất cả những khả thể cũng như biên độ giới hạn của Ý Chí, tri thức và ngôn ngữ.

Điều mà triết học cần nêu lên là một thái độ về sự thật cho tinh hoa của sự sống mà năng thức chọn lựa phải được thực hành – tự-Ngã phải hiện thân ra với cuộc đời như là một sự thể khách quan nhằm thử thách Ý Chí nội tại. Kẻ nào “cao siêu” nhưng đóng chặt cửa nuôi chí riêng mình thì cũng chỉ là những đơn vị sinh hiện vô nghĩa. Trong tinh thần đó, triết học đòi hỏi sự mở cửa để đón khách lạ vào – vì căn nhà của tác giả có gì đi nữa thì cũng mời độc giả hãy bước vô.

NHL

San Jose, California: 1995/2013