Press "Enter" to skip to content

MIỀN ‘VẬT NGOẠI NHÂN’

MIỀN ‘VẬT NGOẠI NHÂN’

Hoàng Hãn

Mô hình lưỡng phân vật – tâm (gắn với phổ thế giới quan duy vật – duy tâm) là một cỗ hộp đen đã bao bọc (encapsulated), phiên lọc (filtered) và/ hoặc trừu tượng hóa (abstracted)[1]; hiểu theo hướng rằng nó giao diện ra cho người ta những công cụ “cán nắm, tay cầm” dùng để thao tác suy lí, tức những định nghĩa, khái niệm và phép luận (chẳng hạn: thứ gì đó tồn tại độc lập bên ngoài miền tinh thần cá nhân/ tập thể thì là vật. – mệnh đề một chiều), chứ ở nó không thấy lộ ra hoàn toàn cách vận hành của mỗi công cụ ấy (nói cách khác là các khái niệm công cụ ấy chưa được lập thức cho trọn). Mấy đường biên giới bao bọc khái niệm nêu trên có tính chất biết[2] nhiều hơn là tính hiểu (tức có tính ontologic nhiều hơn tính epistemologic); chúng như con cọp totem trí truệ nào đó thời xưa từng có lần chợt hiện ra trước mặt người cổ nhân đang đi thẩn trong rừng hồng hoang triết học – triết học đã biết đến da cọp từ đó, và từ đó, trong bấy nhiêu lịch sử trôi qua triết học tìm cách vẽ xương cọp, nhưng hình như … vẽ chưa xong, vì muốn làm vậy phải xé con cọp ra, tức là phải có cách thống nhất hai mặt vật tâm lại với nhau dưới một phạm trù chung “bất phân vật tâm”. Bài viết này thử làm công tác triết học ấy, với hậu thuẫn của triết học ngôn ngữ học; theo đây, hai miền vật – tâm sẽ tách thành vật nội nhân tâm, cả hai thuộc vào miền mẹ là vật ngoại nhân. Khái niệm (miền) vật ngoại nhân có mục đích đem cái quang cảnh vật – tâm hiện tại đi nới rộng/ trả lại về dạng chi tiết hơn của nó chưa phiên lọc; dạng ấy cho phép người ta làm lại những thao tác bao bọc, trừu tượng hóa theo hướng khác, tức mở ra những con đường nghiên cứu mới – như một hình gấp giấy được mở ra, cho phép gấp lại thành hình khác (những “lằn gấp” kinh nghiệm tri thức từ hình gấp trước còn đó sẽ tiếp tục làm thành hành trang).

A. TIỀN VĂN: BAO BỌC, PHIÊN LỌC, TRỪU TƯỢNG HÓA

1. Dẫn nhập:

Ba khái niệm trên cần thiết để trình bày hướng đi từ vật nội nhân bước ra vật ngoại nhân; để tiện hình dung, ta viện đến sơ đồ sau làm minh họa.

Quang cảnh A, B, C lần lượt là ba quang cảnh tham chiếu đến cùng một phần thế giới nhất định. Quang cảnh A là dạng đầy đủ nhất, với các hiện tượng hiện ra hoàn toàn và đan xen với nhau, mang theo các tham số đương lượng thực tế; quan trọng là ở đó “có gì hiện nấy”, còn một chủ thể nào đó có nhận thấy hay không là chuyện khác. Trong quang cảnh này, thường thì người quan sát có nhu cầu quan tâm riêng một hiện tượng nào đó, thành ra dưới mắt họ, quang cảnh A sẽ lọc đi ít nhiều thông qua một màn lọc – được gọi là bình diện (nghiên cứu), có chức năng giống một đôi kính mắt lọc bớt chi tiết không quan yếu đặng cho họ tập trung vào các nét chủ chốt của hiện tượng hữu quan; trên hình là màn lọc cam – đóng vai chi tiết thừa, với mức độ lọc khác nhau (hình lọc bên dưới vẫn còn đường cam mờ mờ). Thí dụ khác: nhìn lên trời, người nghiên cứu mây thì thấy các dạng thù hình của mây; người nghiên cứu màu sắc thiên nhiên thì thấy các mảng màu với biên giới nhạt nhòa; người ngắm cảnh thì có thể thấy mây một cách đại khái, hoặc có thể chỉ thấy … bầu trời. Thao tác phiên lọc như trên nó giúp con người tiết kiệm chi phí năng lượng để khảo sát thế giới xung quanh – một cách đủ đáp ứng nhu cầu của mình – vì nó đáp ứng được sự tách biệt mối quan tâm (separation of concerns)[3]; nó diễn ra một cách bản năng của loài người, hoặc diễn ra một cách có ý thức trong công tác khoa học.

Quang cảnh B là góc nhìn mà trong đó các chi tiết, hiện tượng quan yếu – vốn đã được hiểu do đó mà đã được tách ra rời rạc – đã được biết thành các phạm trù sở thuộc; đến quang cảnh C, người ta chỉ biết phạm trù ấy chứ không nhất thiết là có hiểu nó. Minh họa dẫn dắt: Chủ lò giao cho thợ bánh đem bột bánh cắt thành một hình lạ mắt; người chủ tự tay cắt ra một hình làm mẫu thị phạm cho người thợ, người thợ thử làm theo vài lần, đối chiếu qua lại với mẫu, sau đó đã nhớ được cách cắt ra hình đúng ý chủ. Mẫu bánh này bán ra tên là ‘bánh X’, khách đến mua chỉ cần hô tên ấy. Về sau, lò bánh làm sẵn máy cắt bánh, chỉ cần đưa bột vào, theo dõi để cắt, thợ mới đến cũng đem bột đi cắt được đúng hình, không cần chủ lò bày cách thủ công. Đối chiếu với sơ đồ, ta thấy: đối với bánh X, (1) chủ lò bánh – trong bụng nắm chắc đầu đuôi cách làm, cách cắt – nhìn thấy quang cảnh A; bắt người này mở lò bánh mới không sẵn dụng cụ, hẳn họ vẫn làm, cắt ra được bánh X; (2a) người thợ được chủ lò bày cách cắt thì nhìn thấy quang cảnh B; giả như tạm thời tìm máy cắt không ra, họ tự xoay sở cắt tạm bằng tay cũng được; (2c) người thợ chỉ quen dùng máy cắt thì nhìn thấy quang cảnh C; họ chỉ biết đơn giản một điều: có cái máy thì sẽ cắt được bánh ấy, theo bốn giai đoạn (bốn vạch màu giản ước trên sơ đồ) đỏ-vàng-lục-tím, chứ không nhất thiết là có hiểu sự vận hành của từng giai đoạn; (3) khách mua – có thể nói là – đến lượt mình, họ chỉ còn biết đại khái nhất cái tên ‘bánh X’ (ứng với viền đen và chỉ nền màu cam). Sự phân chia/ tách biệt mối quan tâm như trên, nó thực tiễn; tuy nhiên, có lúc buộc lòng ta phải mất công lần mò từ (3) ngược tới (1) vì nhu cầu phát triển.

Đặt tên cho các mức độ nhìn nhận trên: quang cảnh tự nhiên[4] (A), quang cảnh quan yếu (A đã lọc theo đối tượng cần quan sát), quang cảnh bao bọc (B), quang cảnh trừu tượng hóa (C) (từ đây viết tắt theo số hiệu qc1, qc2, qc3, qc4).

2. Khi nào thì cần đến quang cảnh nào:

Đối với câu hỏi này, có thể đáp bằng cách xem các mô hình tri thức như là một thứ công cụ. Như với quạt điện quay cánh gia dụng, người dùng thì chỉ cần biết nút khởi động/ nút chỉnh độ mạnh gió, cần xoay/ giữ đứng quạt, và đầu phích cắm điện (qc4); người sửa thì cần biết nguyên lí vận hành của các “giao diện” vừa nêu (qc3); ứng với qc2 là bên chế xuất, lắp ráp, kiểm định dựa trên thiết kế; còn qc1 – muốn đề cập đến nó thì phải thoát khỏi câu chuyện của cái quạt, vì quang cảnh ấy thuộc về câu chuyện phát minh công cụ.

Nhìn một mô hình trí thức mà có tính ứng dụng vào thực tiễn, cũng tương tự có phân bố mức độ hiểu-biết về nó như sau: bậc học viên nhập môn tiếp cận qc4, bậc chuyên viên nghiệp vụ tiếp cận qc3, bậc thầy tiếp cận qc2, và bậc thầy lập nền móng tiếp cận qc1. Đối với câu chuyện vật – tâm, vì người viết nhắm tới hiểu về chính (ít nhất là) hai cái tiên đề khái niệm “vật là gì? tâm là gì?”, bài viết này buộc phải có phần chính văn tiếp cận khoảng qc2-3, tức cái điểm đột sinh ra vậttâm trong nhận thức triết học của nhân loại.

3. Một manh mối: Trừu tượng hóa che mờ bổn tính sở thuộc.

(A clue: Abstraction shadows original attributes.)

Hiện tượng này ta đã thấy ở ví dụ về người thợ chỉ biết cắt bánh bằng máy; nó để lại khó khăn khi bóng mờ ấy không thể tháo ra: hoặc vì người ta đã tiện sống với phần biết nên quên mất phần hiểu (hướng đi từ tri thức luận), hoặc vì người ta còn chưa hiểu nó – tuy đã biết có một cái là nó (hướng đi từ bản thể luận). Bây giờ, ta minh họa tiếp hiện tượng này bằng một giảng đồ Venn của ngôn ngữ học đại cương (trường phái Ferdinand de Saussure)[5].

Sơ đồ này nhằm hai mục đích: (1) minh họa hiện tượng nêu trong tiêu đề 3. , (2) theo đó đặt ra lại phạm trù chung giữa vật tâm.

a. Các hiện tượng tâm lí có nền tảng là các hiện tượng sinh lí (thường là sinh lí thần kinh – nội tiết); nhưng thường thường – nhất là trong ngữ cảnh đồng hiện như ‘hiện tượng A là tâm lí, còn hiện tượng B là sinh lí’ – thì ‘sinh lí’ hiểu là “phần sinh lí mà không phải là tâm lí” (phần bù của tâm lí bên trong sinh lí); chuyện tương tự xảy ra giữa sinh lí vật lí.

Ta đi vào giảng đồ trên bằng câu hỏi: Giữa rừng, một cục đá rớt xuống suối kêu cái tõm; nếu trong rừng không có một cái lỗ tai nào, liệu trong rừng có có âm thanh nào hay không? (mẫu hỏi này áp dụng tương tự với các giác quan còn lại: mắt nhìn, mũi ngửi, tay sờ, lưỡi nếm). Đáp ngắn: không; đáp dài: có thể có, có thể không.

Khác với sóng cơ học lan truyền giữa các phân tử vật chất – tức một hiện tượng vật lí, âm thanh là một hiện tượng sinh lí, chỉ xuất hiện ở sinh thể có cơ quan thính giác mà tối thiểu phải có năng lực đón lấy được ít nhất một bước sóng cơ đặng chuyển thành tín hiệu thần kinh tương ứng. Xét một chủ thể tồn tại tách biệt không học tập từ chủ thể khác, nếu nó không có “lỗ tai” thì trong cõi thế giới của nó tất sẽ không có cái gọi là âm thanh; nhưng ở giác độ khác ta có: người khiếm thính bẩm sinh vẫn có thể biết tới khái niệm âm thanh. Nó giống như chuyện người hiện đại vẫn có thể biết tới khủng long một cách gián tiếp qua một nguồn hiểu biết nào đó vậy. (Vấn đề “nhận thức tồn tại một cách gián tiếp” này được gác lại bàn sau ở mục B.2.)

Nhưng mà hệ cơ quan thính giác thì bản chất vẫn là một hệ vật lí – một hệ vật lí (thuộc một hệ vật lí mẹ,) có năng lực sống; cái khả năng đặc biệt này cấp cho nó tư cách/ dáng mạo của một dạng vật lí “không tầm thường”; tư cách mới này đã thay đổi thế phân bố nội hàm vào trong thuật ngữ (lưu ý dấu *)

(phân bố ban đầu)

vật lí* 🡪 vật lí có năng lực sống + vật lí không có năng lực sống

(phân bố lại)

vật lí có năng lực sống 🡪 sinh lí

vật lí không có năng lực sống 🡪 vật lí*

Phân bố lại như vậy đáp ứng một tiện ích nhận thức hiển nhiên: sinh lí là một hiện tượng đã thoát thai từ vật lí một cách đột phá, li khai; những bổn tính sở thuộc của vật lí không còn quá quan yếu trong “phong cách sống” của sinh lí đã bao bọc lại, ẩn mờ; thậm chí còn có tác động ngược đến những bổn tinh ấy.

b. Theo cách mà triết học Marx đối lập tâm với vật, thì: toàn bộ vòng tròn sinh lí là tâm, phần bù của sinh lí trong vật lí (phần còn lại) là vật (theo nghĩa những thứ mà sự tồn tại không chịu quyết định bởi tâm), và toàn bộ vòng tròn vật lí trên giảng đồ chính là tổng hòa của những cái cái có thực trên thế giới này đã “phân rã” khỏi các tên gọi mà con người đặt cho chúng (nghĩa là: nội dung tổng hòa ấy có bao gồm: cái ghế, cái bàn, con mèo, cuộc sống, v.v nhưng nhìn vào đó ta không thể liệt kê những thứ ấy ra lại nữa – sự tổng hòa ấy như một hố đen). Ba thứ ấy giờ đây đặt tên lại như sau (dấu 🡨 thể hiện sự trả lại quang cảnh chưa bao bọc/ trừu tượng hóa):

sinh lí ~ hay là tâm 🡨 tâm

phần bù của sinh lí trong vật lí ~ hay là vật (nghĩa Marx) 🡨 vật nội nhân

vật lí 🡨 vật ngoại nhân

B. CHÍNH VĂN: VẬT NGOẠI NHÂN

I. Tâm – Thế cuộc phân cắt hỗn độn của nó

1. Tâm với tư cách một công cụ phân đoạn miền vật ngoại nhân:

Con người không nhận thức được vật ngoại nhân đúng như chính nó – đúng hơn là không có cái hay cái cái nào ở đây, ngoài một phổ liên tục vô hạn (infinite continuum) vật ngoại nhân – đây không phải một góc nhìn chủ nghĩa hư vô, hoặc nếu muốn gọi là hư vô thì nên hiểu “hư vô” ấy là sự vô minh của nhân loại. Cái miền vô hạn ấy, nhờ có ngôn ngữ mà con người phân nó ra thành những phân đoạn thực tại[6] – và cũng chính quá trình phân đoạn ấy giúp đột sinh ra ngôn ngữ[7] (nói rộng hơn – đối với con người, hoặc rộng hơn ra mọi sinh thể khác cũng có khả năng tri giác sinh lí, thì “ngôn ngữ” ở đây phải thay bằng những “phù hiệu” – xem thêm phần C); bắt đầu từ những phân đoạn thực tại tối thiểu (không phải nó, tức có-không hay âm-dương) ra những nét khu biệt, đến những phân đoạn thực tại tổ hợp của các nét khu biệt ấy (chẳng hạn. thú – không thú 🡪 thú dữ – thú không dữ 🡪 v.v.). Mỗi ranh giới phân đoạn thực tại ấy cho ra một cặp tên gọi – với tâm là cái dao rạch[8]; lúc này mới có thể nói đến một cái cái hoặc một cái nào đó.

(Đây cũng là lí do không thể có cái gọi là tâm ngoại nhân làm phạm trù chung bao chứa hai khái niệm tâm vật theo nghĩa Marx; miền vật chất là có sẵn – với biên giới mỗi lúc một sâu thêm: giữa hai bờ của tờ giấy tưởng như có biên giới, nhưng ở cấp nguyên tử là khoảng không; tưởng như nguyên tử có biên giới giữa hạt nhân và đám mây điện tử, nhưng xuổng đến cấp lượng tử thì không phải vậy nữa; tâm là một cái cái thứ sinh của con người nói riêng hay của mỗi loài sinh vật nói chung – ý này tách thành nội dung các cõi của vật ngoại nhân B.3.)

Đoạn a này đề cập sơ lược về sự hóa thân của miền vật ngoại nhân thành một cõi nhận thức của con người, gây ra bởi sự hiện diện của tâm của con người. Thay bằng tâm của một sinh thể khác, ta sẽ có một cõi hóa thân khác – có thể dự kiến như thế, tuy việc ấy hiện nay nhân loại chưa có vẻ gì là đủ sức phỏng dựng (emulate) (nhất là khi họ còn đang chưa thoát hẳn được khỏi cõi hóa thân tương ứng mà họ bẩm sinh đã mắc vào).

2. Những phân đoạn của tâm – phân theo tính danh thực:

Việc quy toàn bộ sự phân đoạn thực tại cho tâm như trên làm nảy sinh một phản đề: Nghĩ như vậy thì một cái ghế và một con Pikachu (hay một đối tượng tinh thần nào khác do con người tưởng tượng ra) sẽ có cùng cấp độ về mức lượng “tồn tại tính”; cũng câu phản đề này có thể áp dụng cho ba cái xúc sắc giống hệt nhau với người A, nhưng với đứa trẻ B lại cho rằng ở đây có ba cái xúc sắc khác nhau ‘xúc sắc con, xúc sắc mẹ, xúc sắc ba’ (viết tắt. X3). Phản đề này hiện ra được là vì, quá trình phân đoạn thực tại, có ít nhất hai loại tâm tham gia: tâm cá nhân – chủ quan (như cách đứa trẻ B phân đoạn loại – chứ không phải cái – xúc sắc trên) và tâm tập thể – đa chủ quan (như cách phần lớn những người khác đều đồng ý với nhau rằng xúc sắc ấy chỉ phân đoạn ra được đúng một loại mà thôi). Trong thí dụ “xúc sắc” này cần tách bạch ra hai loại phân đoạn, mà ta sẽ chua thêm đôi điều bằng tính danh thực:

Thứ nhất, giả như đứa trẻ thấy gì nói nấy, thì mỗi loại xúc sắc trong X3 là có thực với tư cách những kích thích sinh lí – nhận thức bên trong hệ thần kinh của nó; và cái loại xúc sắc duy nhất cũng là có thực với tư cách tương tự trong hệ thần kinh của người A; cả hai trường hợp đều là (những) phân đoạn thực của tâm cá nhân đối với một mảnh duy nhất của miền vật ngoại nhân. Sự phân đoạn này theo loại, là sự phân đoạn kiểu tổ hợp những nét đặc tính tùy sở thích nào đó; nếu gọi mỗi phân đoạn là một danh, thì tính thực của các danh này, trong thực tế phụ thuộc một cách tỉ đối vào số lượng những người mà tâm cá nhân của họ cũng phân đoạn như vậy (và những danh mang tính thực ấy trở nên tư cách phân đoạn của tâm tập thể).

Thứ hai, tuy nhiên, nếu đứa trẻ cho rằng trước mặt nó không hề có viên xúc sắc nào: tâm cá nhân của nó đang chạm đến sự phân đoạn tối thiểu, bởi nó liên quan tới giác quan – tức những khí cụ chung của loài người, là cơ sở mà tâm vạch ra những phân đoạn đầu tiên lên trên miền vật ngoại nhân. Dạng phân đoạn này, hoặc là có tính thực trực tiếp tương ứng với tâm cá nhân thay vì chịu quyết định bởi tâm tập thể[9]; hoặc ngược lại, nếu tính thực của nó chịu quyết định bởi tâm tập thể, có thể nghĩ đến trường hợp trong tập thể ấy có một quyền lực chi phối nhận thức của con người (thần quyền là một thí dụ); trong trường hợp đầu, sự phân đoạn ấy được người viết xếp vào vật nội nhân.

3. Tương tác giữa tâm tập thể và tâm cá nhân:

Tóm lại, ta có một thế cuộc như sau: từ thuở hồng hoang, tâm của mỗi con người (hoặc của mỗi cá nhân tiền dạng tổ tiên của loài người) đã bắt đầu một việc mà hẳn phải dự kiến là cũng đã, đang và sẽ diễn ra ở mọi sinh thể có khả năng phản ứng sinh lí trong lịch sử sinh học: nó đã bắt đầu phân cắt thế giới vật ngoại nhân thành cõi nhận thức của cá nhân ấy. Con người – theo đó mở rộng phạm vi đến tập thể người, cộng đồng người, loài người – bắt đầu có thể trỏ đến một cái cái hoặc nào đó.

Những phân đoạn có căn cớ thiên nhiên (bởi những giác quan hay những bản năng phổ quát như một loài động vật hoang dã) làm thành các đối tượng vật nội nhân, có tính thực hoặc là trực tiếp chịu quyết định bởi tâm cá nhân (hiểu nôm na là “ta cảm thấy nó thực thì nó là thực”), hoặc là như vậy nhưng sau đó chịu phủ bóng (overcast) bởi những phân đoạn tâm tập thể thông qua trí nhớ (từ giáo dục và lưu truyền); sở dĩ trong cái thế cuộc mà muôn sự phân cắt bởi tâm lại có một thứ được người viết chọn gọi là vật, là bởi vì cái tính thực hầu như thường hằng của nó – cái tính chất mà không có ai với nhận thức (chưa cần đến tri thức) lành mạnh lại không dễ dàng đồng ý với nhau ngay lập tức, trừ trường hợp bị chi phối tâm lí.

Những phân đoạn khác, nếu có tính thực chịu quy định bởi sự “khế ước hóa” tức sự đồng ý giữa một số người rồi lan ra trong một cộng đồng người (quá trình có thời gian diễn ra dài, ngắn đa dạng, tùy vào phạm vi của cái cộng đồng mà đã đạt tới trạng thái “cùng hiểu cái A này là B”), thì làm thành các đối tượng tâm tập thể (ngược lại: nếu là đối tượng vật nội nhân, một cách tương ứng nó sẽ không nhất thiết cần phải trải qua quá trình khế ước hóa đó). Khởi nguồn của tâm tập thể là các phân đoạn của tâm cá nhân – giữ tiềm năng của những nguyên mẫu (prototypes) mà tùy vào lịch sử sẽ có hoặc không được đề đạt/ khế ước hóa thành các bản mẫu (rules) tức các phân đoạn của tâm tập thể.[10]

Sơ đồ A.3.b được chuyển lại thành:

vật ngoại nhân 🡪 vật nội nhân + tâm[11]

tâm🡪 ( tâm tập thể tâm cá nhân)

II. Cõi nội nhân và mảnh nội nhân

  1. Dẫn nhập

a. Đây là cách đặt lại tên mà người viết áp dụng cho hai khái niệm: i. toàn bộ kho phân đoạn của tâm công cụ của loài người, ii. kho phân đoạn của tâm công cụ của một cá nhân. Đối tượng kho phân đoạn thực tại (inventory of reality segments) hình dung trong trạng thái động, nghĩa là: đối với loài người, nó thể hiện hoạt động lẫn kết quả tích cóp nhận thức từ hồng hoang đến nay – và quá trình này vẫn tiếp diễn, có thể coi đây là cái kho của một cá thể “con người nhân loại”, tương ứng với toàn bộ lưu truyền thành văn và truyền khẩu; đối với cá nhân, cũng hiểu tương tự nhưng phạm vi kho tích cóp giới hạn lại riêng của một cá nhân (bao gồm mọi thứ phân đoạn nhận thức mà người đó học hỏi, lượm nhặt và cả tự sáng tạo). Các mảnh nội nhân của toàn bộ cá nhân trong lịch sử tham gia vun đắp nên – trước hết là các “siêu mảnh” văn hóa, rồi sau đó là hình thành một cõi nội nhân thể hiện thế giới quan của con người nhân loại.

b. Trở lại câu chuyện “đá rớt giữa rừng không tai”, đương nhiên là nếu không có cái tai nào (gắn trên một cơ thể) thì hệ quan sát ấy không ghi nhận sự xuất hiện của đối tượng âm thanh; một người khiếm thính sống hoang dã, không giao lưu với cá nhân – cộng đồng nào khác, hẳn sẽ sở hữu một mảnh nội nhân mà cả đời không hề thấy có một “kí lục” (record) nào là âm thanh. Nhưng nếu người này chịu sự xã hội hóa thì khác: mảnh nội nhân của họ sẽ chịu những bóng phủ từ vòm trời cõi nội nhân bên trên phủ xuống; bên trong mảnh nội nhân của họ có thể có một “bóng mờ” kí lục là âm thanh; người viết dự kiến rằng bóng mờ kí lục ấy – so với kí lục âm thanh của người lành lặn thính giác – thuần túy chỉ là một tham chiếu (a reference to a record) thay vì một kí lục nguyên vẹn về căn cước tồn tại (a record with its full integrity), tham chiếu ấy – đến lượt nó – là sự bao bọc lấy những kí lục nguyên vẹn khác, thực có bên trong mảnh nội nhân của người khiếm thính; nói cách khác: sự phủ bóng của cõi nội nhân khuyến khích cho sinh ra bên trong mảnh nội nhân của người khiếm thính một tổ hợp bao bọc mới; tổ hợp này đáp ứng trước hết là cái nhu cầu “ích kỉ”[12] của cõi nội nhân – rằng mọi mảnh nội nhân được coi là thuộc về một “con người” trong cõi ấy thì phải phản ánh và đóng góp cho nó, còn sự hoạt hóa nhận thức của tổ hợp ấy như thế nào thì đáp án cậy vào các phép phỏng dựng hệ thần kinh người khiếm thính (một vấn đề ngoài rìa triết học, thuộc về thần kinh học).

2. Sự đột sinh của cõi nội nhân và tính tự tổ chức của nó:

a. Tính tự tổ chức:

Đoạn trên là tình thế của một mảnh nội nhân ra đời và tồn tại dưới bóng phủ của cõi nội nhân đã hình thành từ trước; giữa chúng có một mối quan hệ mà, bây giờ, để dễ minh họa, ta viện đến câu chuyện của ngôn ngữ lập trình C[13], để nói đến sự tự tổ chức (self-hosting) của cõi nội nhân, về những mặt: cách thức của nó ra sao và khởi điểm của nó là khi nào.

C – một ngôn ngữ lập trình – hoạt động như sau: người ta thảo ra một tệp nguồn (source file) thể hiện nhu cầu mà họ muốn máy vi tính thực hiện, rồi tệp ấy – viết ở dạng ngôn ngữ tương đối là “người ta đọc hiểu được” – được biên dịch (being compiled) sang dạng tín hiệu mà điều khiển được máy vi tính thao tác; quá trình biên dịch thực hiện bởi phần mềm biên dịch (compiler software). Một cuộc hội thoại để ví von gần gũi hơn – và cũng để thấy điểm liên quan của câu chuyện đang bàn:

người A (quốc tịch Anh):

“I would like a bánh mì.”

nguòi B – chủ tiệm bánh mì – sai người thợ việc C làm việc:

“Xẻ bánh ra, bỏ nhưn cho ngon, gói cho sạch, rỗi hẵng giao họ, lấy tiền của họ 10 ngàn nghen.”

Một yêu cầu thao tác bằng tiếng Anh phải dịch ra tiếng Việt, là vì cái thao tác ấy người thực hiện được nó họ chỉ biết tiếng Việt, còn cái người ra yêu cầu chỉ biết tiếng Anh (cũng như người lập trình chỉ biết lập trình x = x + 2 còn máy móc thì chỉ hiểu tín hiệu nhị phân 1001000100…). Nhưng, như ví dụ sau, ta thấy một bước tiến:

(người A về nước tự mở tiệm bánh mì)

người C:

“I would like one bánh mì.

người A:

“Got it, one bánh mì; please, wait some minutes […]”

(cái việc diễn giải thao tác bằng lời tiếng Việt không cần nữa)

Cách chế biến món ăn Việt này giờ đã được bao bọc lại trong một yêu cầu tiếng Anh – đối với người A nó đã trừu tượng hóa trong trí thuộc lòng của họ; nếu có người A’ nào đó cần học cách làm thì nó sẽ tạm thời được giải trừu tượng (de-abstracted). Từ đó về sau, những công thức chế biến với “ingredient: bánh mì”, nếu có đem ra bàn chi tiết thì chỉ chi tiết ngang đến mức nguyên liệu ấy là dừng, chứ không cần phải lần nào cũng phải tìm một người Việt đến đặng hỏi giống như lúc người A còn ở Việt Nam học cách làm bánh mì. Đây là tính tự tổ chức của một hệ thống, nghĩa là: sau khi có được công cụ cơ sở (what is bánh mì?) của riêng mình, thì thế giới “bánh-mì-based food” trong xứ Anh giả tưởng trên sẽ dùng chính công cụ đó để xây dựng mình. Hay như người thợ rèn: sau khi được lò rèn nào đó khác rèn cho họ (những trang bị để làm thành) một lò rèn riêng, thì từ đó về sau, họ có thể phát triển lò rèn của mình bằng chính sản phẩm rèn ra từ nó. Ngôn ngữ C cũng vậy – tuy rằng hiện nay những chương trình dùng để chạy nó hầu hết đều được lập trình từ … chính nó (mã nguồn bằng C, được biên dịch ra ngôn ngữ máy bởi phần mềm biên dịch viết bởi C, ra một chương trình C), ta dễ dàng hình dung rằng phải có một khởi điểm, ở đó một ngôn ngữ lập trình B nào khác đã giúp tạo ra nguyên mẫu đầu tiên của phần mềm biên dịch của C, vì rằng lúc đó phần mềm này chưa giao tiếp được với máy – trước tiên nó cần B giúp cho (ngôn ngữ của) nó và (ngôn ngữ của) máy hiểu nhau, để về sau nó và máy tự giao tiếp lấy.

Đi theo góc nhìn về tính tự tổ chức thì cõi nội nhân – một cõi tự tổ chức – hiện tại, nó phủ bóng xuống các mảnh nội nhân để rồi các mảnh nội nhân đó sẽ bổ sung lại nó; song phải có một khởi điểm, ở đó có một số mảnh nội “tiền-nhân” nào đó đã thoát li khỏi cõi nội “tiền-nhân” tương ứng, đón nhận tư cách sống mới – tư cách của những nguyên mẫu mảnh nội nhân đầu tiên, tương ứng với những phân đoạn tâm sơ khai nhất (tức vật nội nhân của B.1.c.); khi khả năng tự tổ chức đã xuất hiện, cõi nội nhân – thế giới quan của riêng loài người – bắt đầu quá trình tự lũy tiến không ngừng.

b. Sự đột sinh và vai trò của “trí nhớ – lưu truyền”:

Sau lưng ta có một con cọp; nếu ta quay lưng lại, thì hình ảnh của con cọp ấy – một phân đoạn vật nội nhân – có còn tồn tại không? Thử đi ngược lẽ thường tình: giả sử nó không còn tồn tại; ta biện luận hai trường hợp: phân đoạn ấy là phân đoạn của một mảnh nội nhân không chịu phủ bóng của cõi nội nhân với tuổi đời lịch sử – tức là ứng với một con người thời nay và một con người thượng cổ.

Con người thời nay đã đủ khôn ngoan đặng biết rằng: không thấy nữa chưa chắc là không còn nữa (*) – đây là nói chung với một cá nhân đã chịu phủ bóng (đã “xã hội hóa”); chứ với một em bé chỉ mới biết ngồi thì còn có khả năng khác. “Thí nghiệm” này[14] cho thấy có một số chó nuôi hoảng hốt sau khi chủ “biến mất” đằng sau tấm màn – hoảng hốt, có thể do biết là đang chơi , có thể là hoảng hốt thật; tương tự, những mẹo thủ thuật “biến mất” không ít thì nhiều luôn kích thích được em bé. Người viết cho rằng, giữa một người thượng cổ chưa có kí lục (*) trên, và một em bé, thì điểm khác cốt lõi là em bé được phủ bóng một cách nhanh hơn với những trí khôn đầy hiệu quả hơn[15]; còn người thượng cổ – hẳn phải sau nhiều lần “không thấy con cọp nữa nhưng hóa ra nó vẫn còn”, với một số lần đạt ngưỡng, ở họ đã đột sinh ra trí khôn ngoan ấy[16] – sự đột sinh này bản chất của nó là khi tâm cá nhân bắt đầu có sức quyết định đối với tính thực một cách lớn hơn vật nội nhân.

Những điều khôn ngoan (*) trên không tĩnh; nó chỉ là một phản xạ tự đánh giá giác quan, thiên về tính dự đoán. Sau lưng ta là một cái ghế; là một con người, ta dự đoán sau khi đầu ta ngoảnh đi quay lại thì cái ghế vẫn còn tồn tại; nhưng nếu nó biến mất, một người tò mò và khôn ngoan sẽ đặt vấn đề ngay lập tức – giả sử cái việc giải quyết vấn đề này có hậu cuộc, thì trong mảnh nội nhân ấy xuất hiện một kí lục phân đoạn (còn kí lục ấy có được “cập nhật” lên “cơ sở dữ liệu” cõi nội nhân hay không là chuyện khác), thể hiện một chân lí mới được tìm ra.

Xin lưu ý rằng cái bước khế ước hóa đó có tính động, và cõi nội nhân không phải là một sản phẩm sơ cấp, như thể ta copy paste từ mười tệp Word (mười mảnh nội nhân) lại thành một tệp Word X tổng (cõi nội nhân), rồi sau đó dùng tệp tổng ấy để đối chiếu với các tệp Word mới, hoặc hiệu chỉnh tệp tổng khi cần – không, không phải như vậy. Cõi nội nhân chỉ là một cái bóng “tạm thời”, một đường ranh giới tưởng tượng, “tham lam” bao bọc hòng có được lấy tất cả các kí lục nội nhân hiện có; mỗi một mảnh nội nhân thay đổi đều tiềm năng làm thay đổi nó; chẳng qua những sự thay đổi ấy nhỏ nhặt so với toàn thể cõi nội nhân, nên ta dễ có cảm giác cõi nội nhân là một thứ thường tồn. Cơ chế vừa nêu có thể hình dung qua sơ đồ sau:

Cõi nội nhân – hay cái “kho” nhận thức của loài người – không phải là một cái kho đúng nghĩa, mà thuần túy là một bảng liệt kê các kí lục hiện có; trên sơ đồ, cõi nội nhân xét tại thời điểm lịch sử (của cộng đồng nhân loại đang xét) t=T thì có các kí lục: 0, 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9; nơi thực tế chứa các kí lục bao gồm: truyền văn, truyền khẩu, trí nhớ, mã di truyền sinh học.

Tại thời điểm lịch sử t=T+Δ thì riêng cá nhân C đã có thêm một phân đoạn nhận thức của họ (hãy hình dung đây là một thiên tài có nhìn nhận đi trước thời đại); ngược lại, sự biến mất của một kí lục cũng không khó tưởng: hàng loạt các kí lục tín ngưỡng đã biến mất sau những lần văn hóa chịu đứt gãy, sáp nhập, nhổ triệt, canh tân: chẳng hạn, những phân đoạn của tâm tập thể như <totem>, <thần mưa-nắng-gió>, <cơ thể người là tổng hòa của bốn tư chất (humeurs)>, v.v đã lần lượt biến mất ở nơi này nơi khác – thời đại mới không còn giữ lại sự phân đoạn ấy, nghĩa là đại thể con người nơi ấy không nhận thức như vậy nữa, kéo theo cái bản mẫu nhận thức mà thế hệ tiếp theo sẽ được họ bày cho “phải nghĩ như thế” nó cũng thay đổi theo – chứ không phải ngược lại: bản mẫu thay đổi bởi “khách quan” hay bởi “thần bí” nào đó làm cho các phân đoạn nhận thức thay đổi[17].

Quay lại mảnh nội nhân C, ta có câu chuyện của chân lí – một sở thuộc của tâm tập thể; thực tế người ta ít có hành vi giống người C, tức là nghĩ về chân lí như một cái túi hở miệng, luôn nhặt thêm điều mới[18]. Hiện tượng này hoặc là do sự bảo thủ trạng thái an toàn của loài người, hoặc là do áp lực của cõi nội nhân phủ bóng xuống họ; nó cho thấy hai điều: (1) Trên nguyên tắc, cõi nội nhân nó rộng lớn, có đầy tiềm năng khám phá thỏa mãn tri thức của con người, nhưng tiếp cận được với những kí lục ấy không là chuyện khác (chẳng hạn, kí lục ấy chỉ xuất hiện một lần trong mảnh nội nhân C rồi biến mất mà không được sao chép sang mảnh nội nhân – theo nghĩa trực tiếp vào trí nhớ, hoặc gián tiếp qua sách vở); (2) Sự thay đổi của cõi nội nhân hoặc là nhỏ nhặt mà người ta chỉ thấy khác biệt nếu nhìn hai đầu mút cách nhau một khoảng Δ lịch sử dài (khi ấy hiện ra chênh lệch trên bảng liệt kê các kí lục), hoặc là dữ dội trong một Δ cực ngắn với một cuộc cách mạng nhận thức.

3. “Tiểu cõi khoa học” – bất đắc dĩ phải lấy làm hệ “mét” cho cõi nội nhân:

Bên trong cõi nội nhân có một phần là “tiểu cõi khoa học” – là phần chứa các phân đoạn vật nội nhân; “cõi” này được con người ấp ủ làm thành bệ phóng để tự bứt phá khỏi biên giới mà định lí bất toàn Gödel phủ lên trên nhân loại (theo đó, hiểu nôm na là: “muốn hiểu được nhân loại, phải đứng ra bên ngoài nhân loại”). Phần bù của “tiểu cõi khoa học” trong các “tiểu cõi văn hóa” (là phần “phi khoa học, phần chủ quan”) là đặc trưng phân biệt văn hóa này với văn hóa khác trên phương diện nhận thức, nhất là về những phương diện tiền khoa học Tây phương như: tín ngưỡng, “đúng – sai”[19] trong đời, phép tắc giao tiếp, sự phân chia sinh quyển theo cách riêng của nền văn hóa ấy[20]. Nó có chức năng như một hệ mét – thay vì đối với chiều dài thì nó đối với nhận thức của con người về tính thực, và thay vì được quy chuẩn bởi các vật chuẩn mà người ta cố gắng lưu trữ nguyên vẹn trong viện đo lường thì nó quy chuẩn bởi những nỗ lực thực nghiệm chạm tới/ xác định rõ vật nội nhân.

“Cõi khoa học” – hay vật nội nhân – nếu hệ thống hóa lại thuật ngữ, thì đó là tập hợp của những yếu tố hình trong hình chi thượng hay siêu hình; miền siêu hình chính là miền vật ngoại nhân. Trở ngại của lưỡng phân tâm – vật theo nghĩa Marx, là ở chỗ tưởng rằng hình là thước đo cuối cùng của vật; sự tưởng này nó sinh ra bởi một nhu cầu muốn hiểu: tôi muốn hiểu/ hình dung cho thấy ra được cái miền siêu hình/ miền vật ngoại nhân ấy. Bài viết này không thỏa mãn được nhu cầu hiểu ấy, mà trước hết nó cố gắng giúp cho nhu cầu biết: tôi muốn biết/ vạch ra cho ra cánh cổng dẫn đến vị trí của miền siêu hình ấy, nằm ở đâu nếu xét tương đối với cái cõi của bấy nhiêu những hình mà con người tri giác được – là nội dung trong phần tiếp theo sau đây.

III. Cõi nội nhân và cõi “nội trùng” – hay là các cõi của vật ngoại nhân:

1. Lập thức:

a. Mỗi loài có đặc trưng giác quan thiên nhiên riêng, do đó mà mỗi loài được thiên nhiên ấn định cho một miền “vật nội loài” riêng – là một vùng nào đó trên miền “vật ngoại loài” (với loài = nhân hoặc loài = điểu – lấy loài chim vì liên quan tới thí dụ sắp trình bày). Cái vùng vật nội loài này vừa là đặc ân, vừa là giới hạn chân trời – mà những ai thích cách nghĩ huyền bí thì có thể nói rằng đó là những phân lô mà “Chúa Trời” cho phép một loài được khám phá nhận thức, còn nếu nói cho có màu “khách quan” thì đó là vùng vật ngoại loài đã phiên lọc bởi hệ giác quan thiên nhiên của loài ấy (vùng ngoại nhân và vùng ngoại điểu trên sơ đồ thể hiện không giao nhau chỉ là vì mục đích trực quan, còn đúng theo cách hình dung của bài viết này thì – vì giữa bộ giác quan thiên của chim và của người không phải không có điểm tương đồng, cho nên hai vùng nội loài trích xuất ra tất phải giao nhau); trong chân trời ấy, mỗi loài có một sự phát triển riêng nhờ năng lực tâm của nó – mà ta dự kiến là giống như (hoặc khả năng cao là kém hơn so với) hai sơ đồ của B.I và B.II: sự kém hơn có thể dự kiến là một tiêu chí đánh giá loài nào có mức độ nhận thức/ trí tuệ cao hơn loài nào[21], nhưng cụ thể đánh giá thì phải chờ đến khi loài này phỏng dựng được cõi nội loài của loài kia (mà hi vọng là, loài đi phỏng dựng ấy là loài người).

b. Những nghiên cứu dạng này[22] cho thấy rằng tâm phân đoạn rất khác ở – chẳng hạn – (mắt) chim và (mắt) người. Trong hình bên dưới, sự khác biệt về phân đoạn ranh giới tồn tại của mảng màu (bên trái: mắt người, bên phải: minh họa cái thấy của mắt chim) gợi ý cho ta nghĩ đến sự khác biệt hệ trọng hơn: thay vì khác biệt về phân đoạn[23] thuộc tính (mảng màu), còn có sự phân đoạn về hình dáng của đối tượng trong miền thời – không vật lí; để ví dụ, ta nghĩ đến khác biệt trong cấu trúc mắt: một loài thấy được thế giới ba chiều, một loài thấy được thế giới hai chiều, thì “không gian mẫu” khả kiến của mỗi loài phải rất khác nhau về mức độ; nhưng không nhất thiết khác nhau về độ trù mật (tức số lượng những khả năng phân đoạn): một đoạn thẳng hay một đường thẳng thì đều có vô số điểm trên đó; một loài chỉ thấy màu trắng-đen, so với loài thấy nhiều màu, thì mỗi loài đều vẫn có “thế giới quan vô hạn” của nó, tuy là sự vô hạn này lớn hơn sự vô hạn kia.[24]

Human Vision vs Bird Vision

2. Một chút tìm về đạo Phật:

Tương tự với câu kinh “Ngôi Lời”, người viết còn thấy một dấu chỉ lối trong cách nhìn của đạo Phật: cõi. Trong đạo Phật có nhiều cõi, nhiều thế giới khác nhau; người viết rất ấn tượng với một đoạn truyện, rằng khi Phật Tổ truyền phát pháp về kinh Dược Sư, dứt lời xong thì pháp ấy lan truyền từ cõi này sang cõi khác: nó lan đến cõi của những bậc thiên tiên – tiếng rì rầm của họ làm cho những cõi khác gần với họ cũng nghe thấy; những lời rì rầm nối nhau truyền từ cõi này sang cõi khác – cơn truyền ấy như bánh xe xoay chuyển, đưa sự chứng ngộ đi khắp ba ngàn thế giới. Trong cách kể trên, thoạt tiên người viết có một hình dung mang tính không gian đối với các cõi: từ các cõi chư thiên, pháp truyền đến cõi nhân, rồi truyền xuống những cõi địa ngục; cảm giác như các cõi – thế giới nối nhau qua những cánh cửa vật lí nằm đâu đó cùng trời cuối đất, nằm đâu đó khi ta băng qua con thác lớn, khi lặn xuống biển sâu thì cửa thiên đàng hay địa ngục nằm ở đó.

Hoặc, không. Với những mô hình – sơ đồ xoay quanh khái niệm miền vật ngoại nhân, được trình bày từ đầu đến giờ, người viết thấy một hướng nhìn khác: cõi là sự giới hạn của một loài, bởi tâm tập thể của nó, là những “băng thông sóng điện từ” mà các “thiết bị sinh thể” khác nhau về “phổ tần số hoạt động nhận thức” thì thiết bị nào sống trong vùng băng thông nấy. Nếu nói về cõi của ma quỷ thánh thần, ta thấy khái niệm ấy huyền ảo; nhưng nếu ta giao tiếp được với con chó cưng hiểu chủ, đó là sự kết nối giữa cõi người và cõi chó – một khái niệm cõi giản dị; nỗ lực của bao người sinh học tìm cách hiểu được các sinh vật khác, chính là nỗ lực để vượt cõi. Nơi cho phép sự kết nối giữa các cõi diễn ra, là miền vật ngoại nhân – đóng vai trò cổng giao diện (gate of interface); theo đó, điều kiện đặt ra để vượt cõi, là làm sao đó gián tiếp/ trực tiếp mở rộng cái vùng khả tri thiên nhiên (vùng vật nội loài) của con người, sao cho nó bắt đầu giao với vùng khả tri thiên nhiên của loài (tương ứng với cõi của nó) mà ta cần giao tiếp.

IV. Mấy điều luận về chức năng của mô hình vật ngoại nhân

Chức năng 0: Bao bọc ra một hệ công cụ – khái niệm (làm) mới

Bài viết này, người viết có chủ đích soạn nó ra như một bài lập thức – lập thức lại đặng có một hệ công cụ khái niệm rõ ràng khi ta bàn đến câu chuyện vậttâm; chủ đích ấy đi với hệ quả là, ngoại trừ sự lập thức và trình bày thành lớp lang, những thứ khác có thể không hề mới; song người viết mong rằng riêng sự lập thức ấy sẽ có chút gì phụ bớt một phần công việc cho những người đồng nghiệp triết học khác, có được một hệ thống “sẵn dùng”.

Các khái niệm vật, tâm, hình, danh, thực (thường đi cùng duy vật, duy tâm, duy danh, duy thực, siêu hình) được đặt vào những cách khái niệm có phạm vi hiệu lực rộng hơn, mà người viết mong rằng sẽ giúp cải thiện những công tác suy tư liên quan.

a. Trước bài viết này, có một chút lấn cấn giữa hai khái niệm vật hình (vì lúc này vật vẫn ngang cấp độ với hình), hiện ra trong vấn đề sau: Cái mà vượt ra khỏi hình – tức sự phản ánh mà loài người tri giác được – thì gọi là gì? Không thể gọi là vật vì ta biết được một vật là nhờ sự tri giác ấy; còn nếu không thể gọi là gì, ta bị bí trước quang cảnh hư vô – bất khả tri. Còn bây giờ, vật được đặt lên cấp độ cao hơn hình (vật = vật ngoại nhân = vật ngoại loài, toàn bộ diễn biến của phổ vật chất liên tục, mà vật lí hiện đại ngày nay tìm thấy/ giả thuyết ra những biên giới càng lúc, càng nhỏ hơn – đồng nghĩa với việc vẫn chưa có những biên giới “thiên nhiên” không phải do sự phân đoạn của tâm).

b. Khái niệm tâm cũ – với cái nghĩa mà tuy không muốn, ít nhiều ta cũng thấy nó “chủ quan, huyền ảo, bịa đặt” – được cấp (lại) đúng chức trách của nó: sự phân đoạn và hình thành một cõi. Mặt khác, những tiểu loại của tâm được giới thiệu trong bài giúp cơ chế hóa sự phân đoạn nhận thức của con người cùng với những dị biệt “hữu danh vô thực” của nó (tâm cá nhân > tâm tập thể), chạm đến tính chất tương đối của tiêu chuẩn đúng-sai/ danh-thực bằng mô hình cõi nội nhân – mảnh nội nhân (có tiềm năng định lượng hóa khách quan như các môn khoa học thiên nhiên – thực nghiệm), thay vì nói đến tiêu chuẩn ấy bằng cách viện vào “chân lí, lẽ thường” không có hệ quy chiếu nào hậu thuẫn.

Chức năng 1: Đáp ứng phần nào định lí bất toàn Kurt Gödel

Tâm – theo cái nghĩa rộng tức tâm của “con người nhân loại” (ứng với cõi nội nhân, thay vì tâm cá nhân của một con người ứng với chỉ một mảnh nội nhân ) – có hai bổn tính sở thuộc: i. tính vật chất (nhìn theo hướng: nó là những phản ứng sinh lí thần kinh), ii. tồn tại như một “cơ sở dữ liệu” nằm bên ngoài mọi cá nhân. Cái tính bên ngoài (với sắc thái “tồn tại độc lập”) ấy bác bỏ không được, bởi vì nếu không có nó thì từ đâu “tải về rồi cài đặt” bên trong một cá nhân những tri giác mà không phải là họ học từ đâu ra cả? Tại sao một người thám hiểm có thể làm người đầu tiên hiểu ngôn ngữ – văn hóa của một tộc người mà họ mới biết đến lần đầu tiên, trước giờ chưa nghe, chưa thấy bất cứ đâu trong truyền văn hay truyền khẩu – nếu không phải là do một sức mạnh huyền bí nào đó? (thường được ví von với Chúa Trời, do đó mà làm thành cực duy tâm đối trọng với duy vật)? Tại sao khi nghe tiếng hát giọng họng (throat singing) của người Mông Cổ ta phấn chấn đến vậy, tuy từ nhỏ đến lớn chưa có lời văn tiếng nói nào bày là ta phải phấn chấn nếu vậy? Tại sao một người bỗng nhiên có khả năng nhìn thấy người cõi âm, hay nhìn thấy thiên thần?

Trường hợp cuối thuộc về tâm cá nhân, xin gác qua – vì nó không liên quan tới câu chuyện “cơ sở dữ liệu tồn tại bên ngoài”; còn hai trường hợp đầu, hướng giải đáp đã được đề ra ở phần B.3.b. (trường hợp “phấn chấn khi nghe hát giọng họng” đã được khởi công tìm hiểu nhiều trong bộ môn tâm lí học về cổ mẫu). Như đã nói ở phần ấy, thì cái cảm giác về một sự “tồn tại độc lập và thường tồn bên ngoài cơ thể” là một ảo giác do sự nhỏ bé của một mảnh nội nhân dưới vòm trời cõi nội nhân; nếu không nhận ra những điểm động nhỏ nhặt của vòm trời ấy, thì cũng khó mà nhận ra rằng con đường sao chép các kí lục/ phân đoạn nhận thức vào mỗi cá nhân, nó đều thông qua một con đường mà nhìn trên đại thể thì hoàn toàn là vật chất, sự truyền được trình bày theo sơ đồ cải biến như sau (dấu | là “hoặc”):

kí lục: mảnh nội nhân 🡪 TRUNG GIAN 🡪 mảnh nội nhân

TRUNG GIAN := TRUNG GIAN 🡪 TRUNG GIAN

TRUNG GIAN := truyền văn | truyền khẩu | mã di truyền sinh học

Chức năng 2: Hướng đến việc đại lượng hóa trong mảng triết học này

Màu sắc “đại lượng hóa” hiện ra trong tương quan giữa tâm tập thể với tâm cá nhân; ở đây ta có các công tác thống kê và liên quan, với nội dung chính là lập ra các ngưỡng chia sẻ quyết định cho một kí lục được xem là tâm tập thể hay không (nôm na là “cái thứ ấy, người ở đây họ có coi là thực không, hay chỉ là riêng mấy người kia thấy vậy thôi”); ngưỡng này liên quan đến tỉ lệ % số mảnh nội nhân chia sẻ kí lục ấy, xét trong một cõi nội nhân.

Ngoài ra, sau khi đủ sức phỏng dựng (vừa đủ để nghiên cứu) một cõi nội loài nào đó khác, thì dựa trên các con số về số lượng, quy mô phân đoạn của tâm trong cõi ấy, ta có thể bắt đầu đưa ra những đánh giá giữa các loài với nhau (nhất là để so với loài người) về những chỉ số “nhạy cảm”: mức nhận thức, mức tri giác, khả năng sáng tạo.

C. BỊ LỤC:

1. Trong bài viết có nhiều chỗ chèn tiếng Anh, mà mục đích của người viết thuần túy là để vừa tránh cho khỏi mập mờ, vừa gợi nhắc đến những lĩnh vực đã gợi ý tưởng cho bài viết này; hơn phân nửa các khái niệm “lạ” trong bài là đến từ tin học lập trình, lĩnh vực mà người viết thấy góc nhìn của nó có nhiều gợi ý hiệu quả về mặt meta-argument “lập luận về (các công cụ) lập luận”.

2. Về sự phân biệt hữu ích giữa danhthực, và giữa hai sự lưỡng phân danh-thực vật-tâm, và về nội dung về phù hiệu – ngôn ngữ học, bạn đọc có thể đào sâu ở phần dẫn nhập của quyển Giáo trình ngôn ngữ học đại cương (Ferdinand de Saussure, Cao Xuân Hạo dịch).

HẾT./.

  1. Cách đánh giá theo hướng hộp đen này người viết lấy ý tưởng từ tin học lập trình (xem thêm phụ lục Ý tưởng đánh giá rút ra từ tinh học lập trình cuối bài).

  2. (phép dùng từ của người viết) Hai từ biết hiểu chia sẻ gốc từ nguyên với 別 (chia tách) và 曉 (sáng thấu). Định ra ngoại diện – ranh giới, là biết; định ra nội hàm, là hiểu. Từ trong quặng đá đục lấy được một khối ngọc, là “biết” được nó; nghiên cứu cho ra chất liệu của nó, là “hiểu” được nó. Đối với một người, biết họ tức là nhận ra được họ giữa muôn người khác, còn hiểu họ là nhìn thấu lòng họ. Khi ta nói đến một cái thì tiền giả định ta đã “biết” nó (vì không thể nghĩ về một cái nếu không có ranh giới “âm dương” tức giữa không-phải-nó), nhưng chưa chắc ta đã hiểu; ngược lại, khi ta hiểu một điều gì đó (điều này là nội dung của sự hiểu ấy), chưa chắc ta đã biết, tức là điều ấy chưa chắc thuộc về một cái gì đó, mà có thể điều ấy mới chỉ thuần túy là một nét phạm trù có năng lực sở thuộc vào (attribute itself to) một cái gì đó. Cách khái niệm về hai thao tác biết hiểu như vậy từ đây trong bài được dùng thường xuyên.

  3. Những tên gọi khác của hiện tượng/ việc ấy: tri túc, biết đủ, lagom.

  4. Dòng chú thích này có thể thừa, nhưng mong là “mắc cỡ đỡ mất công”: người viết phân biệt tự nhiên (những gì của tự thân một cái, die Dings für Sich) với thiên nhiên (của đất trời, chim muông, v.v trong sinh quyển).

  5. Ferdinand de Saussure (Cao Xuân Hạo dịch), “Giáo trình ngôn ngữ học đại cương”.

  6. the segmentation of reality; segments of reality.

  7. Trong mô hình ngôn ngữ học thiên về tính đồng đại của F. d. Saussure, (quan sát ngôn ngữ một cách tĩnh, theo nghĩa nó có một bản mẫu la langue bất biến, quyết định sự tạo thành của các hoạt động ngôn ngữ trong thực tế – tức la parole), câu chuyện nguồn gốc ấy là một nan đề không khác gì nan đề “gà và trứng” dưới góc nhìn đã bao bọc và trừu tượng hóa. Dĩ nhiên, những nan đề có căn nguyên do cách suy tư “chuộng định tính” ấy đều giải quyết được khi ta chuyển sang hướng suy tư mới hơn “chuộng định lượng” với sự hỗ trợ cơ sở dữ liệu của toán – tin học lập trình – thứ cung cấp cái nhìn đầy đủ về lượng, từ đó giúp định ra các ngưỡng biến đổi về chất; chẳng hạn, ta sẽ đáp được rằng: sinh dạng (bio-form) <gà-99%> là tổ tiên – dưới đột biến nhất định – đã sinh ra nguyên mẫu trứng đầu tiên (the first prototype of egg) của sinh dạng <gà-100%>.

  8. (bên lề) Câu kinh Thiên Chúa giáo “In the beginning was the Word, and the Word was with God, and the Word was God.” (Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở với Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời.) gợi lên một cột mốc huyền sử, tiền-ngôn-ngữ-học của loài người; cách hình dung rằng Chúa tạo nên mọi thứ (sự Sáng Thế) dường như là một cách biểu đạt của cổ nhân đối với cái mà mãi tận bây giờ mới có thể gọi là “quá trình phân đoạn thực tại của loài người thượng cổ”. Nếu không có từ ngữ (hay nếu không có Ngôi Lời), “thế giới” này chẳng có gì; sẽ dễ hình dung hơn nếu ta thay “thế giới” bằng “cõi nhận thức của loài người”; nghĩa là: thế giới vật chất nó tồn tại – từ trước khi xuất hiện loài người, còn khi xuất hiện loài người rồi, thì thế giới vật chất ấy phản ánh thành một ảnh ấn “cõi người ta” trong nhận thức tập thể của loài người (chứ không phải là “cõi cọp ta”, “cõi voi ta”, “cõi cây ta”, v.v) – nếu tri thức ấy rỗng (có thể do không có Ngôi Lời – không có từ ngữ) thì, tuy thế giới ngoại nhân vẫn ở đó, dễ hồ loài người sẽ tưởng xung quanh trống không – vì tình cảnh lúc ấy họ không khác gì sỏi đá vô tri (chúng chưa từng tham gia những diễn biến tiến hóa như các sinh thể).

  9. Chẳng hạn, nếu ta quay lưng lại mà bất ngờ bỗng có ai hiện ra sau lưng, khả năng là ta có phản ứng giật mình. Sự giật mình thể hiện cơ thể ta xác nhận người đó là thực. Tuy nhiên, loài người đã chuyển sang giai đoạn cõi vật nội nhân (B.2.) của cả một loài thay vì một cá nhân, cho nên sự phân đoạn tối thiểu có thể có tính thực chịu quyết định bởi tâm tập thể, bởi vì trong tập thể thì có một công cụ biểu lộ rõ năng lực của nó: trí nhớ – lưu truyền.

  10. Ví dụ của quá trình này rõ nhất là sự xuất hiện của các khái niệm nhận thức hoặc các tạo vật của thời đại mới, mà sau một thời gian lan ra lưu hành phổ biến thì – từ “bao giờ” đã được nhìn nhận với tư cách “ai cũng biết, cũng hiểu, cũng thấy là như vậy”.

  11. Lần lượt trong đoạn a-b và đoạn c, tâm được trình bày với nghĩa “một công cụ của nhận thức” và “một sản phẩm của nhận thức”; tâm sản phẩm và vật nội nhân tổng lại là bằng lượng kết quả phân đoạn thực tại mà tâm công cụ đã vạch lên vật ngoại nhân.

  12. Có thể nói cách khác, đây là một nét của áp lực xã hội hóa – đồng nhất hóa về nhận thức, mà mỗi cá nhân phải chịu lấy khi sinh sống trong một cộng đồng nói riêng và sinh sống như một cá thể loài người nói chung.

  13. Có thể dùng Python thay cho C để minh họa.

  14. https://www.youtube.com/watch?v=bfshM4HiCkE

  15. Có thể phân biệt rằng: ở người thượng cổ có sự tích cóp kí lục một cách tập nhiễm (thử, sai và rút kinh nghiệm), còn ở em bé hiện đại – có những kí lục mà người thượng cổ phải tập nhiễm thì ở em bé lại là tích cóp một cách thừa hưởng từ cõi nội nhân.

  16. Chi tiết “cái roi quất trừ độc của Thần Nông” cũng vậy; nó gợi ý một câu chuyện đằng sau – không phải là một Thần Nông ăn đủ loại lá cỏ độc rồi nhờ roi mà tự hồi phục đặng biên soạn y thư giúp tránh độc – mà là hàng vạn người đã chết độc mới cho ra kinh nghiệm đó. Theo hướng ấy thì Thần Nông là một mảng cõi nội nhân thể hiện trí khôn tránh độc, trong nó bao bọc lấy những mảnh nội nhân đã chết độc.

  17. Đây là nhược điểm rất lớn trong tầm nhìn về văn hóa – giáo dục, khi mà mọi biến động lớn của nhân tình thế thái được coi là “do tác động của khách quan”; cách nhìn này là một dạng suy nghĩ chuộng khái quát hóa. Chẳng hạn, người ta cho rằng sự thay đổi của ngữ pháp ngôn ngữ là do “độ dời/ độ lùi của khách quan”, nhưng thực tế cái khách quan đó chẳng có gì khác là tổng hòa những cách nói/ kí lục mới đẩy lùi các cách nói/ kí lục cũ.

  18. (một điểm kết nối) Thánh Augustine: “Miracles are not contrary to nature, but only contrary to what we know about nature.” (Với tự nhiên, phép mầu chẳng nghịch, phép mầu chỉ nghịch với điều ta biết về tự nhiên). Con người rất vội định ra ranh giới chân lí, thay vì mở rộng túi chân lí của mình mỗi khi thấy một điều mới. Về nguyên tắc, điều có xảy ra là điều hợp lí, chính sự xảy ra của nó hợp lí hóa nó; nhưng với không ít người, hợp lí hay không là hợp với túi chân lí của riêng họ (mà họ tưởng là đã phổ quát cả tự nhiên).

  19. (thú vị bên lề) đúng sai chia sẻ gốc từ nguyên với 中 trúng và 差 sai, theo logic thì hẳn vốn dĩ chúng cũng chỉ có nghĩa tương đối là “trúng/ lệch khỏi thứ gì” hay “đúng/ sai so với thứ gì”.

  20. Loại thực vật nào tích bột thành dạng trái thu hoạch được thì hầu như người Việt gọi là củ – đây là phân đoạn củ của “cõi Việt Nam”, không trùng khít với phân đoạn củ của “cõi sinh học tiếng Việt”.

  21. Vấn đề này thường dừng lại ở một tiên đề ngông cuồng và tạm bợ rằng: con người đứng nhất về trí thông minh/ nhận thức; nếu không biết thì ta tạm cho là vậy (!). Tính tạm bợ nằm ở chỗ: hiện tại, đối với sự phản ánh của miền vật ngoại loài (của “thiên nhiên”) vào trong một sinh thể của loài nào đó, nhân loại chỉ kiểm nghiệm được đến ngang sự phản ánh cơ học (là mức ứng với vật nội loài của loài đó) đã là nhiều; chứ đến mức sâu hơn như mức phản ánh lí tính – trí tuệ (cái mà ta biết chắc chắn là có ở con người) thì, đối với các sinh thể khác, ta chưa thu được kết quả khả quan.

  22. https://www.nature.com/articles/s41467-018-08142-5

  23. Phân đoạn, vẫn hiểu theo nghĩa sự phân cắt trừu tượng ra các đơn vị nhận thức mà ta có thể gọi tên, chỉ trỏ được; các mảng màu trong ví dụ không phân đoạn theo nghĩa “cắt ra từng thực thể rời rạc”, mà theo nghĩa trừu tượng kia tức “những vùng nhận diện khác nhau”; tuy nhiên, bản thân các vùng nhận diện cũng tiềm năng cho ra các thực thể rời rạc (chẳng hạn: sẹo có thể thuần túy coi là một mảng da có màu sắc khác, lỗ trên tấm kim loại chỉ là một ranh giới, nhưng người ta luôn có thể coi sẹo lỗ là đối tượng thực tồn tại phân lập).

  24. Hướng thí dụ này, bạn đọc có thể đào sâu thêm thông qua băng TED-ed tại: https://www.youtube.com/watch?v=C6kn6nXMWF0 và quyển sách nó giới thiệu: Flatland: A Romance of Many Dimensions (Edwin Abbott Abbott).