Press "Enter" to skip to content

LỰC VÀ NGUỒN LỰC TÔN GIÁO

Trần Văn Đoàn

Academia Catholica (Đài Loan) & Học Viện Công Giáo Việt Nam (Việt Nam)

Mỗi năm vào tháng 12, tôi đều được Trung Tâm Tôn Giáo Đương Đại (Center of Contemporary Religions Study) thuộc Trường Đại Học Khoa Học Xã Hội Nhân Văn (thành viên Đại Học Quốc Gia Hà Nội) ưu ái mời tham dự hội nghị quốc tế thường niên. Một “đặc ân” mà tôi chưa bao giờ khước từ, trừ một lần bận thỉnh giảng tại Đh Heidelberg (Đức) và tham dự cuộc họp của Ban Giám đốc Điều hành Liên Hiệp Hội Triết Học Thế Giới (Fédération internationale des sociétés de philosophie/FISP) ở Mexico.

Bài viết sau đây viết lại từ bài tham luận mở đầu cho cuộc Hội thảo Quốc tế Religion as a Socio-cultural Resource: International Experiences for Vietnam (Hà Nội, 03.12.2021,) dự định in trong một Proceedings của Trung Tâm (chưa in,) mang tính cách nội bộ, không thương mại. Do sửa lại một số đoạn, hai bản văn không đồng nhất hoàn toàn, và vì Proceedings mang tính biên bản (Protocol) nội bộ, không phải là một tập san nghiên cứu, nên tác giả không vi phạm thông lệ không được (không nên) công bố trong hai Tập san khác nhau. Xin thông báo cùng độc giả.

Xin được ghi nhận nơi đây tấm lòng ưu ái Trung Tâm dành cho, qua Gs Nguyễn Văn Khánh (nguyên Hiệu trưởng,) PGs Lâm Bá Nam (nguyên Phó Hiệu trưởng kiêm Giám đốc Trung Tâm,) Gs Phạm Quang Minh (nguyên Hiệu trưởng,) Gs Đỗ Quang Hưng (Chủ tịch Hội đồng Khoa học,) và đặc biệt PGs Nguyễn Quang Hưng, những học giả đã phụ trách và gắn bó với Trung Tâm qua những tháng năm gây dựng khó khăn.

Dẫn Nhập

Theo đề nghị của Ban Tổ Chức hội thảo, bài tham luận này mang tính cách ‘dẫn nhập’ vào chủ đề ‘Tôn giáo như là nguồn lực văn hóa xã hội.’ Để tránh phạm vào cái tội nói dài, nói dại, nói tầm phào, ru ngủ (của một ông giáo già nhớ nghề, ngứa miệng,) tôi chỉ tập trung vào ba luận điểm chính: (1) tôn[g] (宗) giáo (教) không thể tách rời sự sống, và lực tôn[g] giáo là một phần của lực sống; (2) Do vậy, lực tôn[g] giáo bao gồm hai lực chính: bảo toàn sự sốngthăng hoa cuộc sống; (3) Là một bản chất của sức sống, tôn giáo do đó không phải là công cụ, cũng không phải là ý thức hệ, càng không hoàn toàn đồng nhất với tổ chức, hội đoàn hay cơ quan (mang tên) tôn giáo, vốn chỉ là công cụ quản lý, tổ chức, điều hành như giáo hội; cơ quan giám sát hoạt đồng tôn giáo như “công an tôn giáo;” hay tổ chức liên kết sinh hoạt tôn giáo như “ủy ban đoàn kết tôn giáo,” vân vân. Tôn[g] giáo tính (religiosity) có thể thấy trong sinh hoạt trực tiếp liên quan tới sự bảo toàn và thăng hoa cuộc sống, trong khi công cụ tính của tôn giáo thấy nơi tổ chức, hội đoàn hay cộng đoàn, và đặc biệt khi chỉ là phương tiện thuần túy cho mục đích nào khác như xã hội, kinh tế và chính trị.

Ba luận đề trên được trình bày trong ba phần chính của luận văn như sau:

Phần thứ nhất chứng minh lực tôn[g] giáo là một phần của lực sống. Qua phân tích sự liên quan giữa lực (hay là sức mạnh) và lực sống (haylà sức sống,) ta hiểu được lực sống gắn liền với lực tôn giáo. Như lực sống, lực tôn giáo có thể thấy trong lực bảo toàn sự sống và lực thăng hoa cuộc sống.

Lực bảo toàn sự sống bao gồm lực cân bằng giữa lực đẩy và lực hút, lực tác động và lực phản,) lực chuyển trạng (hình) thái và lực đề kháng. Lực thăng hoa bao gồm lực tiếp nhận, lực hòa hợp, lực tiến xa, và lực vươn cao (hay siêu việt, transcendence) đưa cuộc sống tới hoàn mỹ, hoàn thiện, hài hòa. Vươn cao là đi sâu vào trong nội thế (nội tâm/đạo tâm,) bay cao vào ngoại thế (siêu việt/đạo vạn vật) theo nghĩa “nội thánh ngoại vương” (內聖外王.) Trong tà giáo, thăng hoa bị hiểu (nhầm) theo nghĩa tươngphản như là tăng thêm sức lực, quyền lực, tài lực, ác lực, tuổi thọ lên tầm khủng khiếp của ma qủy, với mục đích khống trị con người, xã hội, thế giới.

Từ phân tích này, chúng tôi hiểu nguồn lực (pege/πηγή/source, hay αρχή/the beginning) theo lối nhìn khoa học tôn giáo như là cội nguồn, cội sinh, cội rễ hay cốt lõi của sự sống (κύρια πηγή.) Lực tôn giáo ảnh hưởng tích cực trên sự sống được diễn tả như là thần lực (神,) thánh lực (聖,) thiện lực (善,) thăng lực (升,) mỹ lực (美,) v.v. Ngược lại, nếu làm hại cuộc sống, lực này bị coi là lực (邪,) ma lực (魔,) ác lực (惡,) âm lực (陰,) yêu lực (妖)… của quỷ quái trong tà giáo, yêu giáo hay ma giáo.

Phần thứ hai lí giải lực tôn giáo theo truyền thống tông giáo (宗教) Việt. Tông được biết theo nguyên lý sinh (生,) tức tạo ra cuộc sống; nguyên lý bảo toàn lực sống; và nguyên lý sản (產) làm sự sống thăng hoa. Sinh bao gồm sinh ra, sống một cuộc sống và tiếp tục tạo ra (những) cuộc sống mới. Do đó, để sinh, cần phải giao (交,) kết (結,) hợp (合,) hòa (和,) và truyền (傳) lực sống tạo ra cuộc sống mới (傳宗後代); trong khi Sản là phát triển sự sống theo quy luật đắc (得,) phát (發,) thăng (升) và viên mãn, an lạc (安樂.) Sống viên mãn, an lạc là sống hạnh phúc (福); mà phúc thì bao gồm phú (富,) quý (貴,) lộc (祿) và trường thọ (壽).

Phần thứ ba phân tích tính “hai mặt” (the Janus face / lưỡng diện) của sự hiểu biết về tôn[g] giáo,[1] coi tôn giáo như là một ý thức hệ công cụ (như thấy trong những chủ nghĩa “làng xóm,” “bộ lạc” (tribalism,) gia tộc, dòng tộc, dân tộc (quốc gia) và cả chủ nghĩa ái quốc.[2] Ngược lại lối nhìn ý thức hệ coi tôn giáo như công cụ, chúng tôi hiểu lực tôn giáo là một phần của lực sống, đó là lực bảo toàn sự sống và phát huy thăng hoa cuộc sống. Quan niệm thăng hoa được hiểu theo nghĩa lực vươn lên (élan vital)[3] và lực vượt khỏi (hay siêu việt,)[4] cũng được coi như là động lực sáng tạo của mọi nền khoa học.

  1. Lực và Nguồn Lực Tôn Giáo
    1. Lực và Sức Lực

Để hiểu thêm về lực sống, phần này phân tích quan niệm lực trong tôn giáo. Tôi tránh không bàn về lực (thể lực, physical force) trong thế giới vật lý (vì vượt khỏi phạm vi bài viết cũng như sự hiểu biết của mình,) và tập trung vào sức lực (energy) theo lối hiểu bình dân, và sức mạnh (spiritual, mental force) trong tôn giáo. Tuy vậy, vẫn phải nói một chút về quan niệm lực theo Isaac Newton, để phân biệt giữa lực sức lực, sức lực và sức mạnh và nhất là quan niệm vạn năng hay lực tuyệt đối của Thượng Đế.

Lực (力/ δυναμικός/vis/force) được hiểu như là sức vốn có bẩm sinh trong mỗi vật thể. Sức lực (力量/lực lượng/energy) được hiểu như là lực (sức mạnh) của một vật thể A phát ra khi tác động trên lực của một vật thể B khác. Theo nguyên lý vật lý, lực phát ra (động năng) tạo ra lực mới (năng lượng) khi tác động (chuyển động) theo định luật của Newton: Wđ = 1/2mv2. (Định luật II): a = F/m.) Ngược lại với động năng, là lực đề kháng (phản lực.) Lực đề kháng là lực tự vệ của vật thể khi bị kích động, uy hiếp hay bị tấn công.[5] Do đó, hiệu quả của sức lực (sức mạnh) được tính theo lực tác động của vật thể A trên vật thể B và lực đề kháng của vật thể B chống lại lực của A. Sức mạnh có thể tăng giảm tùy thuộc vào đặc tính (chất liệu, vật liệu,) diện tích/thể tích, tốc độ của vật thể A trên/tới vật thể B, và tùy thuộc vào sức đề kháng của vật thể B. Tương tự, sức đề kháng tăng hay giảm tùy theo lực đề kháng yếu đi hay mạnh hơn (do các điều kiện khác.)

Trong khoa học con người nói chung, nếu lực tác động và lực đề kháng cân bằng, thì sức mạnh cân bằng. Ngược lại, nếu lực đề kháng của B yếu hơn lực tác động của A, lực B sẽ bị suy yếu hay biến đổi. Trong y học, khi thể lực yếu, sức đề kháng sẽ bị lực bên ngoài tấn công phá vỡ, và nhiễm bệnh. Sức tàn phá của đại dịch “Covid-19” được giải thích như là con người chưa có lực (hay đủ lực) đề kháng trước sự tấn công của một con ‘virus’ mới; và sức hủy diệt của nó tính theo tốc độ lây lan, số lượng người bị nhiễm và tử vong, và nhất là sức đề kháng yếu hay không có của bệnh nhân (nhất là nhóm người già yếu bệnh nền)… Do đó, chống lại “virus Covid-19” và biến thể, chỉ có phương án tối ưu là tạo ra, hay gia tăng, lực đề kháng để cân bằng với lực xâm nhập từ bên ngoài. Phương thế “gia cố” lập ra bức tường ngăn cách (cô lập, cách li, không giao tiếp / quarantine) chỉ là phương thế bảo thủ, tạm thời.

Trong đạo đức và tôn giáo, những con ‘viruses’ (hay mầm bệnh) tàn phá vốn nằm sẵn trong bản tính con người, được nhận ra là tham, sân, si hay tội “nguyên tổ.” Chúng phát ra và tấn công bất cứ khi nào có điều kiện, và đánh bại lực đề kháng khi mạng lưới bảo vệ có lỗ hổng và suy yếu. Do đó, cần một sức đề kháng kiên cường, mà chỉ có được nhờ vào tu thân, khổ luyện, tuân thủ quy luật đạo đức (tu luyện,) hay được thần thánh phù trợ (ân sủng,) mà người Việt bình dân gọi là “ơn Trời,” “Trời thương,” “Trời giúp.”

Nơi đây cũng cần phải nói thêm, tu thân theo nhiều tôn giáo là phương cách “cách li” bảo thủ, không giao tiếp với nguồn của tội lỗi như sống “ẩn tu,” “tu tiên,” hay “nhập quan;” từ bỏ cách sống có thể tạo ra cơn bệnh làm suy yếu con người… Ăn chay, khổ luyện… là những cách thế tu luyện thấy nhiều nhất trong các tôn giáo. Tu thân cũng có nghĩa là luyện tập phát huy sức đề kháng như cách thế luyện chính tâm, thành ý, trí tri, cách vật” của Nho giáo (Đại Học, chương 1.) Dĩ nhiên, để chính tâm, thành ý, trí tri, cách vật, thì trước hết phải luyên tập để tiềm lực phát huy ra thành năng lực. Theo đức Khổng Tử, để tạo ra năng lực thì cần phải hiểu biết (tri/知;) để có được hiểu biết thì trước hết phải học được cách định tâm định trí (định/定;) mà đề định tâm trí thì cần phải luyện và sống tĩnh (靜;) vì chỉ có tĩnh mới có được cái an (安; ) có an mới có lự慮,) và sau đó mới thành công (đắc/得) (Đại Học, Chương 1: 知止而後有定, 定而後能靜, 靜而後能安, 安而後能慮, 慮而後能得.)

Như sức mạnh văn hóa, sức mạnh tôn giáo không thể đo lường bằng đơn vị khoa học. Sức mạnh này chỉ được nhận biết qua hiệu ứng và hiệu quả (sâu, rộng, mạnh, nhẹ, dài, ngắn, cao, thấp) trên và trong đời sống. Nhưng hơn cả sức mạnh văn hóa, lực đề kháng trong tôn giáo phát huy gấp bội khi bị áp bức.[6] Lực của một nền văn hóa nào đó có thể suy yếu và bị quên lãng, nhưng lực tôn giáo thì không. Càng bị bách hại, tôn giáo càng phát huy sức mạnh, thậm chí ảnh hưởng ngay cả những người chủ trương bách hại một tôn giáo nào đó.[7]

Không như sức mạnh khoa học được đo lường một cách chính xác ở mọi nơi mọi thời (do đặc tính phổ quát và tất yếu,) sức mạnh tôn giáo không thể đo lường hay ấn định. Nó mang tính tương đối, gắn liền với mỗi dân tộc, lịch sử, văn hóa và nhất là với những thao thức căn bản nhất của con người cụ thể về sự sống. Và ảnh hưởng của nó mang tính quyết định không kém khoa học, thậm chí còn sâu đậm hơn. Đây là điều mà nhà thần học Paul Tillich (1886-1965) gọi là ‘ưu tư cốt lõi’ (ultimate concern.)[8] Những ưu tư này đều thấy nơi những tôn giáo lớn, trong mọi dân tộc, sắc tộc, văn hóa, và tiềm ẩn trong thâm tâm con người. Điều này thấy ngay cả nơi những người chối bỏ tôn giáo, thần thánh như Karl Marx, Ludwig Feuerbach, Friedrich Nietzsche, Jean-Paul Sartre, v.v.[9] Họ là những người trăn trở với cuộc sống hiện tại và tương lai. Tuy không nhìn Thượng đế theo quan điểm của Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, Do Thái giáo… họ nhận ra hình ảnh của Ngài trong chính con người (Feuerbach, Nietzsche,) trong một xã hội hoàn mỹ (Marx,) hay trong nỗi khắc khoải của con người hiện sinh (Sartre.) Chính vì vậy mà Paul Tillich nhận định: “Bất cứ ai ưu tư về cuộc sống tối hậu đều tin vào Thượng Đế… Ngay cả những người vô thần ưu tư về một điều gì cốt lõi nhất đều có thể được cho là tin vào Thượng Đế.”[10]

Thước đo sức mạnh tôn giáo, do đó, là tính xác tín, lòng trung thành, và sự dấn thân của tín hữu (theo Soren Kierkegaard, Karl Barth, Gabriel Marcel, Jacques Maritain…) Trong Ki tô giáo, đó là tin yêu; trong Phật giáo đó là giác ngộ; trong Nho giáo đó là nhân nghĩa lí trí tín. Vì có sự khác biệt nhất định như vậy, nên việc sử dụng phương pháp khoa học tự nhiên hay xã hội (trong thống kê, phân tích dữ liệu, v.v.) tuy có thể giúp hiểu hiện tượng tôn giáo và tổ chức tôn giáo một phần nào đó, nhưng chắc chắn không thể nắm hết được bản chất của tôn giáo.[11]

    1. Lực Bảo Toàn và Lực Thăng Hoa

Từ một nhân định chung về lực trong phần trên, tôi hiểu lực tôn giáo chỉ có thể hiểu được trong cuộc sống. Như lực sống, lực tôn giáo được cấu thành từ chính cuộc sống, từ ý thức về tính hữu hạn của hiện sinh, từ khát vọng giải thoát, từ truyền thống, phong tục, từ thiên nhiên (đất, nước, gió, khí hậu, sinh vật, động vật, thực vật,) dòng giống, và nhất là từ những nhu cầu bản chất mà tôi tạm tóm gọn vào hai nhu cầu bào toàn ý chí thăng hoa. Từ lối nhìn này, tôi hiểu chính lực sống là nguồn lực tôn giáo. Lực sống làm nền tảng cho niềm tin vào tính giao kết[12] của con người với con người, với Trời và đất tạo ra sức sống. Nếu giao kết vật/thể lý (giao hợp) tạo ra sự sống, thì giao kết tông giáo giúp sinh vật ý thức sống, thỏa mãn nhu cầu tồn tại cũng như ý muốn vươn lên tạo ra sức sốnglực đẩy làm con người thăng hoa.[13] Lực tôn giáo phát sinh từ lực sống nhưng đồng thời cũng tác động ngược lại trên cuộc sống. Do đó, có thể nói, lực tôn giáo có nhiều công năng như là nguồn lực và động lực sống; mà động lực được thấy qua lực hút và lực đẩy, lực phát và lực phản giúp bảo toàn sức sống và thăng hoa cuộc sống.

Từ mục đích bảo toàn sự sống, sinh hoạt đầu tiên và căn bản nhất của lực sống là giữ được hiện trạng (hiện hữu, hiện tồn,) hay sự sinh tồn của chính mình. Từ mục đích này, cuộc sống và tất cả những gì liên quan đến nó như điều kiện sống, môi trường sống và cộng đồng sống được tính toán và tổ chức theo quy luật cân bằng, cân đối hay trung dung, quy luật bổ túc, quy luật đáp ứng, v.v. Bảo vệ nguồn lương thực, nguồn nước, bảo tồn quan hệ nam nữ (qua hôn nhân, gia đình) là những sinh hoạt tất yếu bảo toàn sự sống.[14] Cân bằng giúp đảm bảo an sinh; bổ túc giúp cuộc sống đầy đủ hơn; trong khi đáp ứng hay thích ứng giúp cuộc sống dễ tồn tại hơn.

Tuy nhiên, cần phải nói là, đảm bảo an sinh chỉ là giai đoạn đầu của sống còn (tồn tại.) Nó không phải là mục đích duy nhất của cuộc sống. Ngoài đảm bảo an sinh, con người còn không ngừng đi tìm sự đảm bảo an bình, an khang, an , lạc nghiệp… và nhất là an lạc. Mà an lạc được hiểu như là trạng thái tối ưu, không còn bị tính hữu hạn, bất toàn như đau khổ, bệnh tật, tuổi già sức yếu và nhất là cái chết khống chế. Để có được an lạc, con người phát triển sức sống vươn lên cao, đi xa hơn, sống dài hơn, làm tốt hơn, và khiến cuộc sống đẹp và lý tưởng hơn.[15] Lực thúc đẩy đi tìm an lạc tuân thủ nguyên lý thăng hoa.

Trong mỗi giai đoạn, bảo toàn hay thăng hoa, lực tôn giáo tác động khác nhau tạo ra những hình thái tôn giáo cá biệt. Ở giai đoạn bảo toàn, tôn giáo mang hình thái bái vật (totemism,) bái lực tự nhiên (pantheism,) những ngoại lực ảnh hưởng tới sự tồn vong của con người. Tương tự, chủ trương phồn thực (繁殖) như nguyên lý sinh, coi cơ quan sinh dục và tác động giao cấu như là một phương thế sản sinh sự sống mới.[16] Cao hơn phồn thực là chủ trương của Đạo giáo coi sự giao hợp, hợp nhất giữa âm và dương (nữ-nam) là nguyên lí của sự sống và sinh ra sự sống.

Đi xa hơn đến giai đoạn tìm kiếm một sự bảo toàn lâu dài, không chỉ cho cá nhân đơn độc, mà còn cho gia đình, cộng đồng, xã hội và ‘đất nước trong mọi nghịch cảnh. Ở giai đoạn này, tông giáo vượt ra khỏi cái thế giới đóng kín của dòng, giống (tông,) địa phương để chuyển biến thành tôn giáo mang tính phổ quát và lý trí, liên kết, liên đới, liên hiệp mọi người “có lòng thiện tâm” không phân biệt dòng giống, giới tính, địa phương, văn hóa.[17] Tính giao kết của tôn giáo được xây dựng trên cái tình tự nhiên (tình tương cận,) cái đồng cảm phổ biến (sensus communis,) qui luật tất yếu (như luật tự nhiên,) và nhất là phát xuất từ lòng khát vọng thâm sâu đi tìm một thế giới sống an lạc. Từ đây, con người xây dựng, tổ chức cộng đồng nối kết con người có cùng niềm tin, cảm thông, nhu cầu và hướng tới cùng mục đích. Các cộng đoàn tôn giáo (giáo hội) sơ khởi được hình thành theo cách này.[18]

Sự chuyển biến từ tông giáo nguyên thủy thành tôn giáo (religion) như chúng ta hiểu ngày nay không đánh mất lực tôn giáo. Ngược lại, nghi lễ thờ cúng tổ tiên, cúng bái anh hùng hào kiệt (như Đức Thánh Trần, Thánh Gióng, v.v.), tôn vinh những ai xuất chúng (Trạng Trình, Thần Siêu, Thánh Quát), nói lên tính liên kết, nối kết và đoàn kết này. Tương tự, qua việc tôn kính những nhân vật như Quan Âm (Thị Kính,), ông Bụt (trong dân gian,) Thánh Mẫu, Phật hoàng Trần Nhân Tông… tín đồ muốn nói lên lòng mong ước có được một cuộc sống nhân ái, an lạc nhờ vào sự phù trợ của những thánh nhân này.[19]

Từ đây, chúng ta có thể nói, để bảo toàn cuộc sống, ý niệm tôn giáo (1) gắn liền với ý thức về nguồn tạo ra sự sống (văn hóa phồn thực, nhân tố tổ tiên, quan hệ nam nữ, âm dương, thiên nhiên như sông, núi, đất, nước;) (2) lực tôn giáo gắn liền với lực trợ giúp tạo ra và bảo toàn sự sống (trời, đất, sông, núi, khí;) (3) sức sống tôn giáo không thể tách rời khỏi nguồn thực phẩmcông cụ (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ) dùng để bảo toàn sự sống; (4) và hình thức tôn giáo không thể xa rời những hình thái của sức sống như tinh thần, khí, đạo lý, lễ nghĩa, nhân nghĩa.

Nói cách khác, lực tôn giáo nằm sâu trong lực sống, trong ý thức về sự tồn tại, tiếp nối, và thăng hoa của sự sống, và trong ý thức về sự giao tiếp với Trời và đất trong việc sinh, sống, tiếp sinh của con người (Thuyết Tam Tài/三才.) Ý thức tôn giáo này ảnh hưởng tới ý thức về làm thế nào để sống hòa hợp với lực của thiên nhiên (Đạo giáo), với con người (Nho giáo;) và về khát vọng làm thế nào để vượt khỏi hạn chế của hiện hữu (Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Hồi giáo.) Ước mong vượt khỏi hạn chế hiện hữu để có được một cuộc sống viên mãn hoàn thiện, hoàn mỹ và hoàn hảo thúc đẩy con người phải vươn lên cao, đi xa hơn, xuống sâu hơn tìm kiếm và tu tập. Nơi đây, ta thấy có một cái nhìn chung về mục đích giữa những tôn giáo lớn như Thiên Chúa giáo, Phật giáo, Hồi giáo và truyền thống tông giáo Viễn Đông: lực tôn giáo là lực sống thúc đẩy đi tìm cuộc sống an lạc vĩnh cửu.

  1. Tôn Giáo trong Lối Suy Tư Việt

Phân tích về lực sống và lực tôn giáo trong phần trên giúp chúng ta hiểu hơn về tôn giáo Việt. Trong phần này, tôi chỉ diễn rộng ra sự tương quan mật thiết giữa ý thức về cuộc sống, mục đích sống và lối sống tôn giáo nơi người Việt, một cách chung chung và ngắn gọn.

    1. Động Lực Sống: An, Bình, Khang, Lạc

Tư duy Việt khởi đầu với sinh, tiếp nối với sống và cuộc sống tiếp theo. Họ bị cái chết ám ảnh, không chỉ sợ cái chết theo nghĩa không còn cuộc sống hiện tại, mà còn sợ cái chết theo nghĩa cuộc sống của họ bị chấm dứt hoàn toàn, không được tiếp nối.[20] Do đó, họ cầu mong được “an thân lập mệnh.” Chữ an luôn đi trước chữ bình, chữ khang, chữ lạc, nói lên ước mong một cuộc sống an bình, an khang và an lạc.[21] Chữ lập liên quan tới quan niệm như “nối dõi tông đường,” qui luật như “đạo hiếu,” và tập tục như “thờ cúng tổ tiên.” Tất cả đều nói lên niềm tin vào bổn phận tạo sự sống mới để tiếp nối sự sống, theo nghĩa rộng, của dòng tộc, giống nòi. Từ lối nhìn này, chết là sự chấm dứt của một cuộc sống, nhưng không phải là sự kết thúc của sự sống, và càng không phải là đánh mất sức sống. Sự sống tiếp nối nếu sức sống phát huy tạo ra cuộc sống mới (Nho giáo;) nếu sức sống mãnh liệt hơn giúp cuộc sống an lạc (Đạo giáo;) hay nếu chuyển hóa thành cuộc sống viên mãn (Phật giáo.)

Tập tục thờ kính liệt sỹ, anh hùng, hào kiệt được hiểu theo mạch văn này: cái chết của họ tạo ra sức sống của dân tộc, giống nòi. Tương tự, niềm tin vào cõi cực lạc (niết bàn,) hay sự phục sinh đều nói lên sự xác tín vào một cuộc sống viên mãn mà người Việt gọi là an lạc (安樂.) An lạc là động lực cũng là mục đích cuối cùng của cuộc sống sau những mục đích khác là an bình, và an khang. Cuộc sống thuận hòa được hiểu như sống an bình; cuộc sống không bị đau khổ được mơ ước như là cuộc sống an khang; và có thêm con cháu tiếp nối cuộc sống (lộc) được ca tụng là cuộc sống an lạc.

Để có được cuộc sống như vậy, người Việt nhận ra rằng, an bình không chỉ tùy thuộc vào mình, mà còn vào thiên nhiên (mưa thuận, gió hòa,) vào đồng loại (dĩ hòa vi quý,) và vào ý Trời (định mệnh.) Không có sự trợ giúp của ngoại lực (Trời, đất, vạn vật,) không có sự gắn kết giữa con người với nhau, không có nội lực tự điều chế, con người không thể có được an bình, an khang và an lạc. Hòa (和) và hợp (合) trở thành nguyên lý sống, và cũng là cách thế đối xử với thần thánh và con người.[22]

Trong ba niềm mong ước, an bình và an khang gắn liền với nguyên lý bảo toàn, trong khi an lạc gắn chặt vào nguyên lý thăng hoa. Ý niệm thăng hoa phát xuất từ ý thức về tính hữu hạn của cuộc sống, và về ý chí muốn vượt khỏi tính hữu hạn để hoàn thiện cuộc sống (đạo Nho,) để thoát khỏi tứ khổ sinh, lão, bệnh của kiếp luân hồi (đạo Phật,) và trường sinh (đạo Lão.)

2.2. Hình Thái Thăng Hoa: Phúc, Lộc, Thọ

Như đã nói ở phần trên, an sinh lập mệnh lý tưởng là có được cuộc sống an lạc (安樂.) An lạc đòi buộc không chỉ an bình (安平) và an khang(安康) mà còn phải thăng hoa vượt khỏi tính hữu hạn của kiếp sinh. Thăng hoa được diễn tả như là động lực giúp đạt tới trạng thái hạnh phúc (福,) với cuộc sống được tiếp nối và phát huy (lộc/錄,) cũng như bền vững (thọ/壽.) Phúc, lộc, thọ chỉ có thể đạt được qua lối sống hòa hợp (mà để hòa hợp con người phải tu thân, tích đức, làm việc công đức,) và đặc biệt nhờ vào thần thánh (quan niệm định mệnh, ân sủng, từ bi, Trời giúp.)

2.3. Trời, Đất và Người

Hòa hợp được diễn tả như là bản chất của thái hòa (太和,) tức là nguyên mẫu (matrix) của vạn vật. Hòa hợp cũng là điều kiện tạo ra cuộc sống mới. Chữ sinh (生) tự nó đã nói lên một sự hòa hợp giữa Trời, đất và con người. Tạo ra cuộc sống mới (sinh sản/生產,) chỉ có thể nếu có một sự hòa hợp (合,) giữa âm và dương, nữ và nam, đất và trời. Giao hợp không chỉ mang nghĩa hành vi giao phối, mà còn nói lên tính hòa (和,) tức là sự chấp nhận một cuộc sống chung, sinh hoạt chung, một sự cộng sinh. Theo thuyết Tam Tài (三才,) triết lý nền tảng của Việt tộc,[23] chỉ khi hợp với Trời, hợp với Đất và hợp với người (khác)[24] cuộc sống hiện tại mới có thể tạo ra một cuộc sống mới, và phát triển thành cuộc sống an lạc.

2.4. Tu Thân, Tích Đức, Dưỡng Tính: Bảo Toàn và Thăng Hoa Sức Sống.

Như đã nói trên trong phần bàn về lực sống, phản lực hay lực đề kháng là sức tất yếu bảo vệ nguyên trạng. Lực của mỗi người có khuynh hướng tự nhiên (bản năng) không tiếp nhận ngọai lực nếu không thích hợp, hay nếu không bổ túc lực của mình. Bản năng này tạo ra nhiều tôn giáo dòng tộc, tôn giáo nguyên thủy, và ngay cả chủ nghĩa yêu nước, và chủ nghĩa vô thần. Những tôn giáo lớn nhận ra nguyên lực làm con người thăng hoa là nguyên lý hòa hợp, đại đồng, biết nhận ra tính tương tác, tương hỗ của mọi lực của Trời, đất và con người. Vấn đề là làm sao nhận ra nguyên lực, và làm thế nào để hòa hợp các nguyên lực. Các tôn giáo lớn đều nhất trí, hòa hợp chỉ có được nhờ vào tu luyện. Tu luyện bao gồm tu thân (Nho giáo) hay tu tâm luyện tính (Kitô giáo, Phật giáo,) và luyện khí (Đạo Lão.) Tu thân (修身) trong tôn giáo Đông phương bao gồm luyện tập, cải đổi bản tính cho phù hợp với Thiên đạo (thuận Thiên,) và nhất là hoàn thiện nhân đạo (đạo làm người.) Nói tóm lại, tu tâm, luyện tính, luyện khí, tu dưỡng, tu tập… đều nhắm tới mục đích giúp con người đạt tới “chí thiện” (至善/Nho giáo,) hòa mình vào trong cái “đạo” (道/Lão giáo,) được “giải thoát” (解脫/Phật giáo.) Đó cũng là niềm tin chung mà người Việt thấy trong tam giáo (tam giáo đồng nguyên.) Trong Ki tô giáo, tu trì là chọn một cuộc sống và tu luyện để có thề gần với (bản tính toàn thiện của) Thiên Chúa. Nói cách chung, tu trì đòi buộc từ bỏ tham sân si (như Phật giáo,) cầu nguyện để nhận ra ý Trời và làm theo ý của Ngài, thực thi giáo huấn yêu người và nhất là kết hợp với Chúa (Thiên Chúa giáo,) với Đạo (Lão giáo,) và có thể tự giác ngộ (giải thoát,) (Phật giáo.)

2.5. Nguyên Lý của Niềm Tin Tôn Giáo Việt

Vì coi lực tôn giáo gần như đồng nhất với lực sống, bao gồm lực bảo toànlực thăng tiến nên tôn giáo Việt mang tính chất kết hợp và thực dụng (theo nghĩa tích cực) nhắm tới cuộc sống. Tam giáo đồng nguyên không có nghĩa là ba tôn giáo Nho, Phật, Lão đồng nhất với nhau. Đúng hơn, là mỗi giáo huấn đều phát xuất từ động cơ bảo toàn và thăng hoa cuộc sống. Tất cả được ghi nhận như những góc nhìn cũng như những cách tu luyện khác biệt, đóng góp vào mục đích này. Đây là lí do, chữ tâm (theo tâm đạo, lương tâm), chữ tín, chữ nghĩa, chữ trung, chữ hiếu đều được coi như nhân đức và thiên đạo trong mọi tôn giáo ở Việt Nam. Quan niệm thần và thánh cũng được hiểu theo nghĩa như vậy: thánh là người bảo vệ sự sống dân tộc (Thánh Trần, Thánh Gióng) là người tuân thủ quy luật đạo đức (Thánh Khổng, Á Thánh Mạnh,) trợ giúp giòng giống, đồng loại (Thánh Mẫu,) hay tài năng (Thánh Quát.) Phật (hay mang Phật tính) là người cảm thông tình người, đồng hành với người bị áp bức, khổ nạn (Quan Âm). Thần là người có “siêu lực” bảo hộ xóm làng, thành quách (Thành Hoàng, Thổ Thần…). Nói cách khác, để thành Thánh, thành Phật, con người phải tu luyện tăng thêm sức sống, làm cuộc sống thăng tiến đến độ trổi vượt, hoà hợp lực sống của vạn vật, và thế giới thần và thánh.

  1. Tôn Giáo, Văn Hóa và Ý Thức Hệ

Phần này bổ túc cho luận đề lực tôn giáo gắn liền với lực sống. Là lực sống, tôn giáo không phải là công cụ, trong khi tổ chức tôn giáo, hay sinh hoạt (nghi lễ) liên quan đến đời sống tôn giáo mới là công cụ. Nơi đây cần nêu rõ sự khác biệt giữa tôn giáo tự thân và tổ chức, sinh hoạt tôn giáo, giữa tôn giáo như là văn hóa (culture) và tôn giáo như là một nền văn minh (civilization,) giữa tôn giáo và ý thức hệ (ideology.)

Như đã nói trong phần dẫn nhập, lực sống thúc đẩy con người đi tìm cách thế sống, bảo toàn sự sống và thăng hoa cuộc sống. Là một phần của lực sống, lực tôn giáo thuộc bản tính con người, nó không phải là công cụ, bởi lẽ công cụ mang tính ngoại tại, phụ thuộc.

Coi tôn giáo như là một ý thức hệ, hay một nền văn hóa nhất thời mang tính công cụ (văn minh,) hay đồng nhất tôn giáo với tổ chức tôn giáo là một sự lẫn lộn giữa bản chất và công cụ. Tôi xin vắn tắt như sau:

    1. Tôn Giáo và Văn Hóa

Trên căn bản, lực tôn giáo và lực văn hóa khởi đầu với nguyên lý bảo toàn, và tiếp tục vươn tới thăng hoa, nhưng hình thành khác nhau. Văn hóa, tự ý nghĩa là “văn nhân hóa thành” (人文化成,) phải qua một quá trình sống lâu dài, xây dựng từ kinh nghiệm sống với thiên nhiên, với con người xung quanh, cũng như từ khát vọng và ý chí muốn tự thăng hoa mới có thể “tập đại thành,” Trong khi ý thức tôn giáo hình thành ngay từ lúc con người xuất hiện. Đó là ý thức, hay ưu tư về tính hữu hạn (sinh, lão, bệnh, tử) của con người. Đó là khát vọng vượt khỏi tính hữu hạn này; và nhất đó là niềm hy vọng vào cuộc sống trường sinh an lạc (phục sinh, vào cõi niết bàn…). Nếu nội dung văn hóa gồm cả tinh thần lẫn vật chất, linh thiêng lẫn thế tục, khát vọng chung lẫn mong muốn riêng biệt của từng dân tộc trong một thời và không gian nhất định, thì tôn giáo tập trung vào phần linh thiêng, vào khát vọng và hy vọng của mọi người, vượt khỏi thời gian và không gian. Nếu văn hóa cần được học hỏi luyện tập (cultura/Bildung,) để sống dễ hơn, tổ chức hiệu quả hơn, chế tạo dụng cụ tinh xảo hơn, đẹp hơn, nói chung đáng sống hơn, thì tôn giáo đòi hỏi mỗi con người phải tự ý thức về tính hữu hạn của mình và về một thế giới viên mãn (thần linh;) đồng thời phải tự tu dưỡng và sống hòa hợp với Trời, đất và người.

Hiển nhiên, có một sự giống nhau và khác biệt nhất định giữa văn hóa bản chất và văn hóa vật thể, tức văn hóa mang tính công cụ,[25] còn được gọi là văn minh. Mỗi nền văn minh được hiểu như là quá trình tạo ra dụng cụ, cải tiến công cụ, xây dựng phương tiện đi lại, sử dụng vật dụng vào cuộc sống đều ảnh hưởng đến cách thế sống, phương tiện sống… Chúng ta có nhiều nền văn minh được hiểu theo nghĩa này: văn minh thời đồ đá nói lên việc con người biết sử dụng đá làm dụng cụ, vũ khí để sống; thời đồ đồng nói lên con người phát hiện, luyện đồng tạo ra dụng cụ, vũ khí, nghệ thuật bằng đồng. Đặc biệt, văn minh phát triển nhảy vọt khi con người sáng tạo ra ký hiệu ngôn ngữ để ghi lại tư tưởng, kinh nghiệm và nhất là để giao tiếp với đồng loại.

Vì là công cụ, văn minh chỉ là phần vật thể của văn hóa. Nó giúp cuộc sống dễ, tiện, hiệu quả hơn. Nhưng văn minh không thể thay thế văn hóa, bởi lẽ được hiểu như là những bảng giá trị từ chính cuộc sống. Văn hóa “cao” hay “thấp,” được đánh giá từ những giá trị đạo đức, khoa học, lý tính, pháp trị, nhân quyền…chứ không phải từ những công cụ, dụng cụ chúng ta sử dụng. Không thể có “văn hóa tham ô,” “văn hóa nói dối,” “văn hóa tự do phỉ báng,” vì tham ô, nói dối, phỉ báng… tự nó đã là vô đạo đức, ngược với chân thực… Gọi nạn tham ô, bịp bợm, “đi tắt đón đầu,” “ăn xổi ở thì,” “thọc gậy bánh xe,” “qua cầu rút ván,” “thượng đội hạ đạp” là văn hóa, đúng là sỉ nhục văn hóa.[26] Đây là lí do giải thích tại sao những nền văn hóa lớn thường gắn liền với tôn giáo, với những lý tưởng và nhất là với ý muốn thăng hoa của con người.

    1. Tôn Giáo Không Phải là Ý Thức Hệ

Ý thức hệ tự nó là những ý tưởng được một nhóm người, hay một đảng phái nào đó tôn vinh, lấy làm nguyên lý hướng dẫn và quyết định cuộc sống của họ. Nó được thai nghén trong cơn “bỉ cực” với ý muốn vượt qua để đến hồi “thái lai” và hình thành qua tranh đấu bền bỉ. Tùy theo mục đích, phạm vi, xã hội, ý thức hệ thường bắt đầu trong một xã hội nhất định, nhắm một đối tượng rõ ràng, và có mục đích, thường mang tính lợi ích giai cấp, dòng giống và giai đoạn. Nói cách chung, quá trình hình thành ý thức hệ thường đi qua năm giai đoạn: (1) giai đoạn nhận thức bị áp bức, ở trong tình trạng khốn cùng, và từ đó ý thức được quyền lợi của mình và của giai cấp hay cộng đồng nơi mình sống; (2) tìm ra một lối thoát, một giải đáp, con đường phải đi, phương hướng phải theo, phương thế giải thoát cần áp dụng; (3) giai đoạn tập hợp nhân lực, tổ chức, tranh đấu và sống theo con đường, phương thế giải thoát đã chọn; (4) giai đoạn thành công, xây dựng hệ thống quyền lực cho chế độ, giáo phái, đảng phái, giai cấp; (5) và giai đoạn bảo vệ chế độ, giáo phái, đảng phái bằng cách xây dựng thể chế (hiến pháp,) bộ máy giáo dục, tuyên truyền, và nhất là hệ thống kiểm soát (pháp luật, tòa án, công an, giám thị, thanh tra…).[27]

Trong giai đoạn 5, ý thức hệ biến thành một loại giáo điều, được tuyên truyền và giáo dục bằng phương thế “nhồi sọ” như những tín điều. Hiến pháp, pháp luật, quy định được xây dựng dựa trên những tín điều “không thể sai” này. Ý thức hệ tự cho mình là nguyên lý khoa học tuyệt đối, mang tính ép buộc, và gạt bỏ những quan niệm khác. Tất cả mọi nền khoa học khác phải tuân theo ý thức hệ. Trên thực tế, ý thức hệ dễ đổ vỡ nếu không được bảo vệ chặt chẽ bằng một hệ thống qui định, pháp lệnh được hỗ trợ bởi bộ máy công an, quân đội, thanh tra, kiểm soát. Và đặc biệt, sự đổ vỡ của ý thức hệ sẽ xẩy ra một khi con người được tự do giao tiếp và lựa chọn những ý tưởng khác.

Nhìn theo quá trình hình thành ở hai giai đoạn đầu, ý thức hệ không khác biệt mấy với tôn giáo và văn hóa. Ý thức về sự khốn cùng, đau khổ, hữu hạn tính… và ý muốn được giải thoát hay có cuộc sống tốt hơn là điểm phát xuất của bất cứ tôn giáo và văn hóa lớn nào. Sự khác biệt giữa văn hóa, tôn giáo và ý thức hệ thấy rõ từ giai đoạn thứ 3 khi phải lựa chọn phương thế đấu tranh hay phương thế nhân ái, bạo lực hay nhân văn; và ở giai đoạn 4 và 5 về cách tổ chức ràng buộc theo đức tin hay ràng buộc vì sợ hãi, về mục đích cao xa hay lợi ích thấp như quyền hành, lợi lộc. Trong giai đoạn 5, bảo vệ giáo hội, hay đảng phái, vương quyền…, cũng có một sự khác biệt rõ ràng giữa tôn giáo và ý thức hệ. Ở giai đoạn cuối này, ý thức hệ là một lối nhìn độc tôn, độc đoán, độc quyền và độc diễn, lấy một nền văn hóa, một cách sống của một dân tộc, một giai cấp, một thế giới sống, một mối thù chung, một quá khứ chung, một khát vọng chung, một đảng phái hay một tổ chức tôn giáo… làm chủ đạo. Ý thức hệ, do đó ép buộc mọi người phải tin và sống theo. Tôn giáo tin vào những tín lý của mình, nhưng không ép buộc ai cũng phải tin, phải theo. Tôn giáo không dùng vũ lực bắt ép ta phải tin, phải theo, hay không theo đạo khác; cũng không dùng lợi ích vật chất, quyền lợi xã hội để lôi kéo tín hữu. Ngược lại, những người tin theo đạo phải tự mình biết từ bỏ, hysinh quyền lợi, ý thích… Đây là sự khác biệt rõ ràng nhất giữa tôn giáo và ý thức hệ.

Dĩ nhiên, khác với tôn giáo, tổ chức tôn giáo như là một công cụ, rất dễ sa vào cái bẫy ý thức hệ. Lấy thí dụ về sự khác biệt giữa Nho giáo và Đạo giáo để nói lên điều này. Đạo Nho vốn là nền văn hóa chung của mọi dân tộc vùng Đông Á. Sau thời Khổng Tử, nó được sử dụng như là một công cụ để chọn người làm “cha mẹ dân,” nhưng chưa có quyền hành tuyệt đối. Phải đợi tới thời Đại Hán, giới Nho gia mới độc chiếm được hệ thống quyền lực và địa vị xã hội. Nho học biến thành thanh kiếm bảo vệ chế độ và giai cấp Nho gia. Nó biến thành Nho giáo, thậm chí quốc giáo, bắt mọi người phải tin theo và nghiêm khắc tuân thủ. Nho giáo biến thành ý thức hệ Đại Hán, một công cụ duy nhất để “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.” Khác với Nho giáo, Đạo giáo vốn tích hợp từ nhiều lối nhìn về sự sống và cách sống: sống hợp với tự nhiên, không trọng quyền lực, không tranh quyền lợi là tinh hoa của Đạo giáo. Đây là lí do đạo giáo (gần như) chưa bao giờ được vua chúa, hay chính quyền nào sử dụng làm công cụ. Và vì vậy, Đạo giáo không mang tính bắt buộc, nên cách sống và lối tổ chức có phần uyển chuyển, mềm mại, tùy duyên, tùy thời, tuy người. Vì không phải là công cụ cho quyền lực, địa vị xã hội, và vì không phải là một tổ chức theo đúng nghĩa, Đạo giáo chưa bao giờ là ý thức hệ, tuy rất được giới trí thức để ý. Đạo giáo cũng không bị cấm đoán, vì nó không uy hiếp bất cứ ý thức hệ nào khác.[28]

Bất cứ tôn giáo nào cũng dễ dàng sa vào bẫy ý thức hệ, một khi lấy tổ chức tôn giáo làm nền tảng thay thế chính đạo lý. Bất cứ nền văn hóa nào cũng dễ dàng trở thành một ý thức hệ một khi đặt quyền lơi của cá nhân, nhóm người, sắc tộc, giai cấp, đảng phái… lên trên quyền lợi của tất cả mọi người. Sự tha hóa của tổ chức tôn giáo bắt đầu khi nắm được quyền lực, và phủ bại khi có được quyền lực tuyệt đối (nhận định của Lord Acton.) Là ý thức hệ của tổ chức tôn giáo, lực tôn giáo dễ bị hủy hoại nếu tổ chức tôn giáo không được cải cách.[29] Coi tôn giáo như là ý thức hệ, Karl Marx đã phần nào có lý khi quyết liệt phê phán tôn giáo.[30]

Kết luận

Lối nhìn coi lực tôn giáo là một phần cốt yếu của lực sống thực ra không có gì mới lạ. Quãng 300 năm trước, Giambattista Vico (1668-1744) đã nhìn ra sự tương quan này. Trong tác phẩm kinh điển Những Nguyên Lý của Nền Khoa Học Mới (Principi di scienzia nuova, 1725,) ông xác quyết tôn giáo cùng với sinh (qua tập tục hôn nhân,) và tử (thấy trong nghi lễ an táng) là ba nguyên lực tạo ra nguồn lực khoa học hay tri thức (science): “Chúng ta nhận thấy rằng, tất cả mọi dân tộc man dã hay văn minh, (dẫu rằng không gian) cách biệt xa gần hay (thời gian) dài ngắn, luôn giữ ba phong tục nhân văn: tất cả đều có một tôn giáo nào đó, tất cả đều tổ chức long trọng hôn lễ, tất cả đều chôn cất người chết… Vì thế chúng tôi coi ba phong tục mang tính vĩnh cửu và phổ quát này là những nguyên lý của khoa học.”[31]

Vico có cái lý của ông. Quả thật, bất cứ khoa học, tri thức nào cũng đều liên quan đến sự sống. Mà sinh, tử luôn đi cùng tôn giáo; mà lực tôn giáo luôn muốn thắng vượt cái chết để bảo toàn và làm cuộc sống viên mãn. Y học, dược học không thể có nếu con người không có ý muốn bảo toàn cuộc sống; và không thể tiến bộ nếu thiếu động lực thăng hoa cuộc sống: mạnh khỏe hơn (khang,) lâu dài hơn (thọ,) sống phát đạt hơn (lộc,) hạnh phúc hơn (phúc.) Sinh vật học, nhân chủng học, văn hóa học trực tiếp lấy con người làm đối tượng, trong khi thần học, tôn giáo học đều tập trung vào sự thăng hoa của cuộc sống; về tính tương quan giữa con người và thế giới thần linh, một thế giới mà con người sẽ “phải” đối diện sau khi ra đi khỏi thế giới hiện hữu. Vật lý ư, hóa học ư, địa lý ư, địa chất ư… sẽ chẳng có ý nghĩa lắm nếu không liên quan đến cuộc sống của con người. Khoa học xã hội ư, lịch sử sẽ hoàn toàn không hiện hữu nếu không đối diện với sự sống và cái chết. Có lẽ, chỉ có toán học thuần túy (không phải toán học ứng dụng) hình như đứng ngoài lề của sự sống. Nói là “có lẽ, hình như,” nhưng thực tiễn thì không phải. Bởi lẽ toán học không thể “hiện hữu” nếu không có nhà toán học; mà là nhà gì đi nữa thì vẫn phải đối diện với định mệnh ‘sinh, lão, bệnh, tử’ của mình. Chúng ta biết, những triết gia đầu tiên là những nhà toán học (Thales, Pythagoras, v.v.) và những nhà toán học ưu thời mẫn thế cũng là những triết gia (Plato, Aristotle, Descartes, Pascal, Russell, Whitehead, Goedel, v.v.).

Khi coi sinh sống, chết và tôn giáo là ba nguyên lý phổ biến (universal) và tất yếu (necessary) của con người và của khoa học hay bất cứ nền tri thức căn bản nào,[32] Vico cũng nhận ra là ba yếu tố này không thể tách rời nhau, điều mà ông dùng tín lý “Thiên Chúa Ba Ngôi” (Tam Vị Nhất Thể/Trinity)[33] để diễn tả sinh, tử, tôn giáo tuy ba mà là một (sự sống.)

Luận đề mà tôi muốn phát triển tiếp theo Vico, đó là lực tôn giáo là một phần bản chất của lực sống không bao giờ tận. Nó suy giảm hay gia tăng, biến đổi với những hình thái (Gestalt) khác nhau. Lực sống được coi là tinh thần (spirit/Geist,) linh hồn (soul) hay cốt lõi (kernel.) Giới triết gia Đức như Hegel, Marx… nhìn nhận lực sống như là tinh thần của con người, tự biểu hiện qua mỗi dân tộc (Volksgeist) và trong mỗi thời đại (Zeitsgeist). Lực sống phát sinh từ chính sự sống, điều mà nhà “thần học” Hegel gọi là tinh thần tuyệt đối (absolutes Geist.) Thực ra, Hegel đã hiểu tinh thần tuyệt đối như là nguồn sống bất tận. [34] Mà nguồn sống bất tận chính là Thượng Đế, như Chúa Giê-su từng nói cho môn đệ của Ngài: “Ta là đường, là sự thật và là sự sống.” (John 14:6)

Để kết thúc bài viết, tôi xin mượn lời của Vico “Luật tự nhiên của các dân tộc được làm ra dựa trên những phong tục chung của họ. Thậm chí, chưa hề có một dân tộc vô thần nào trên thế giới, bởi lẽ mọi dân tộc đều bắt đầu với một tôn giáo đơn thuần của mình”[35] để nhấn mạnh đến mục đich của bài viết này: (1) Lực tôn giáo là một phần bất khả phân li của lực sống, không phải là công cụ, nên không thể bị áp đặt, khống chế. (2) Tổ chức tôn giáo mục đích phục vụ tôn giáo là chính. Nhưng vì là tổ chức mang tính xã hội, nên chủ yếu là công cụ. (3) Là công cụ, tổ chức tôn giáo dễ bị lũng đoạn, bị hạ thấp xuống hàng ý thức hệ. (4) Tổ chức tôn giáo do đó có thể tốt hay xấu tùy theo vai trò công cụ cho mục đích tốt hay xấu. Nhưng lực tôn giáo tự nó không thể xấu, bởi lẽ nó vốn là một phần của lực sống, với hai công năng chính là bảo toàn và thăng hoa sự sống.

  1. Trong tiểu luận này, tôi không phân biệt tôntông. Phần dẫn nhập, người viết cố ý dùng ký hiệu tôn[g] để nói lên điều này. Lí do, hai chữ tôn tông trong tôn giáo (宗教) viết giống nhau (宗,) nhưng có lẽ vì một lí do nào đó (phạm húy, kị, kiêng) nên đọc tông trại thành tôn. Tông có nghĩa là nguồn gốc. Những thế hệ đầu tiên dựng lên, hay phát huy một dòng tộc, một triều đại, một môn phái… được tôn vinh là tổtông. Tuy tông được coi là ông tổ thứ hai, nhưng đều là tổ tông (祖宗.) Lý Thái Tổ (1009-1028) là ông tổ nhà Lý; Lý Thái Tông (1028-1054) là người thứ nhất trong hàng tông sau tổ. Những người kế ngôi đều thuộc hàng tông. Có công, tôn vinh là ‘thánh’ (聖) (Trần Thánh Tông;) được dân yêu mến khen ngợi là ‘nhân nghĩa’ (仁) (như Trần Nhân Tông,) v.v. Trong khi tôn (尊) theo đúng nghĩa biểu tả một thái độ, hành vi kính trọng người trên mình theo nghĩa rộng (tôn kính, tôn phục, tôn vinh, tôn trọng…)
  2. Thấy trong niềm tin và tập tục bái lạy thần bếp (ông Táo), thần thổ địa, thần hoàng, hay thiết lập miếu, đền, điện, am để thờ anh hùng, thiên tài, v.v. (như đền Trần, đền Hùng, Thánh Gióng, đền Bà Triệu, đền Hai Bà Trưng…) Các tôn giáo lâu đời (Do Thái giáo, Hi lạp, La mã, Nho giáo…) đều phần nào mang tính chất dân tộc hay dòng tộc, và trở thành ý thức hệ của đất nước. Chủ thuyết ái quốc (yêu nước) thực chất là “yêu nơi mình sinh sống.” Chữ quốc (國) diễn tả địa hình (bao bọc) nơi nhiều người sống; chữ gia (家) chỉ ra nơi gia đình cư ngụ. Gọi chung là quốc gia. Tương tự, đất nước nên hiểu theo nghĩa nơi sinh, sống (đất), và nguồn nước cung cấp cho cuộc sống (nước.)
  3. Henri Bergson, Évolution créatrice (1907.) (Paris: Presses universitaires de France, 2001.) Bản in lần 10.
  4. Hay còn được hiểu là siêu việt (transcendence,) một quan niệm của thánh Thomas Aquinas và được Martin Heidegger thông diễn. Trong ba tác phẩm Sein und Zeit (1927,) Was ist Metaphysik? (1929,) và Einfuehrung in die Metaphysik (1935,) Heidegger hiểu meta trong truyền thống siêu hình học từ Hy lạp trước thời Socrates như là vươn cao, đào sâu, vượt xa, đi vào… Chính vì vậy, qua phân tích hiện thể (Dasein,) ông lý giải Sein Hữu sinh (luôn trong quá trình phát sinh.) Chú ý: Tại Việt Nam, Sein/Being được dịch là hữu thể. Hữu thể (ngược lại với vô thể) có thể tương đối đúng để hiểu Aristotle và truyền thống triết học kinh viện (Scholastics.) Heidegger không đi theo nền siêu hình học truyền thống này, và hiểu Sein như cốt lõi đương phát sinh không ngừng của sự sống. Ông hiểu Sein gần gũi với Đạo (của Lão Tử.) Do vậy, tôi tạm dịch là Hữu sinh (Hữu viết hoa.)
  5. Hiện tượng tôn giáo càng bị bách hại, càng phát triển có thể hiểu được theo nguyên lý của lực đề kháng. Bản chất của sự sống đòi buộc sức đề kháng gia tăng khi bị ngoại lực uy hiếp, mà tôn giáo, ý thức dân tộc … vốn là bản chất tạo thành cuộc sống, nên cũng theo quy luật này.
  6. Như thấy trong sự kiện tuẫn đạo (tử vì đạo.) Tín hữu, càng bị cấm đoán, ngược đãi, bách hại thì càng nhiệt huyết bảo vệ đức tin, sẵn sàng hy sinh vì đạo của họ.
  7. Phao-lô (Paulus), người từng dẫn nhóm dân Do Thái quá khích đi sát hại Ki tô hữu, sau lại trở thành tông đồ của Chúa Giê-su, và thuộc về những người truyền đạo nhiệt huyết nhất, chết vì đạo. Được Giáo hội Công giáo phong lên hàng thánh nhân.
  8. Paul Tillich, Theology of Culture (London: Oxford University Press, 1964.) Ông viết: “Theo nghĩa rộng nhất và căn bản nhất của từ ngữ, tôn giáo chính là ưu tư cốt lõi. Và ưu tư cốt lõi được thấy trong mọi sinh hoạt sáng tạo của tinh thần con người.” (Ctr. 6-7.)
  9. Triết gia “Mác-xít” Ernst Bloch cũng đưa ra một nhận định tương tự: “Nur ein Atheist kann ein guter Christ sein, gewiss aber auch: Nur ein Christ kann ein guter Atheist sein.” (Chỉ có người vô thần mới có thể là một Kitô hữu tốt, nhưng cũng chắc chắn là: Chỉ có người Ki tô hữu mới có thể là một người vô thần tốt.) Xin tkh. Ernst Bloch, Atheismus im Christentum. Zur Religion des Exodus und des Reichs (Frankfurt a.M.: Suhrkamp, 1968.)
  10. Paul Tillich, Dynamics of Faith. (New York: Harper, 1958,) Ctr. 2-3.
  11. Nhà lãnh đạo Liên Xô Ivan Joseph Stalin từng nhầm lẫn sức mạnh tôn giáo với sức mạnh vũ trang qua câu hỏi xỏ xiên cho lời đề nghị (của Thủ tướng W. Churchill tại Hội nghị Yalta, 1943) mời Giáo Hoàng Pio XII tham dự hội nghị hòa bình dự kiến sau thế chiến II, “Giáo hoàng có bao nhiêu sư đoàn?” Xin tkh. history of the phrase ‘How many divisions has the Pope?’ – word histories Trên thực tế, nhiều đảng phái chính trị, nhà nước, vua chúa đã lấy nguyên tắc xác tín và trung thành làm nền tảng để xây dựng sức mạnh đảng phái của họ. Các đảng phái chính trị, đặc biệt đảng Cộng sản, đều dựa vào lòng tin và tính trung thành của đảng viên để xây dựng và bảo vệ mình.
  12. Giao kết theo nguyên nghĩa religio (la tinh). Religere là nối kết, liên kết. Religiositas (religiosity) là tính giao kết.
  13. Giao kết tự nhiên được truyền khẩu hay qua tập tục, truyền thống (tôn giáo nguyên sơ,) trong khi giao kết qua văn bản giữa Thiên Chúa và con người có lẽ bắt đầu với Do Thái giáo (Luật Maisen (Moses) /Mười Giới răn của Maisen.) Giao kết tự nhiên thấy qua sự đồng cảm (Hans-Georg Gadamer gọi là “consensus communis,”) hay lương tâm (Vương Dương Minh,) hay”tâm đạo” (Nguyễn Du.) Giao ước cũng mang hình thức của phong tục, tập quán, đạo đức, truyền thống và tông truyền (như kinh, điển, giáo huấn…) trong nhiều tôn giáo tự nhiên như Đạo giáo và cả Nho giáo.
  14. Trong xã hội (nguyên sơ,) chiến tranh cũng là một phương thế bảo toàn cuộc sống của dòng, giống hay cộng đồng (bằng cách hủy diệt đối thủ.) Lịch sử nhân loại trên căn bản bao gồm lịch sử chiến tranh. Chiến tranh, xung đột thường liên quan tới tranh chấp nguồn sống (đất đai, nguồn nước,) và sinh sản (phụ nữ.) Lý thuyết tiến hóa của Charles Darwin được xây dụng trên nguyên lý bảo toàn cuộc sống (struggle for life.)
  15. Trần Văn Đoàn, “Sống Còn, Sống Được và Sống Đẹp.” Trong Trần Ngọc Thêm, chb., Triết lý giáo dục Việt Nam: từ truyền thống đến hiện đại. (Hà Nội: Nxb Giáo Dục Việt Nam, 2021.) Cũng xin tkh. Trần Văn Đoàn, “The Ideals and Social Progress.” Prajnà Vihàra – Journal of Philosophy and Religion. Vol. 6, No. 2 (July-Dec., 2006,) ctr. 25-42.
  16. Claude Lévy-Strauss, Totémisme aujourd’hui (1961.) Trans. Rodney Needham, Totemism (London: Merlin Press, 1964/1991.)
  17. Đạo Công giáo (Catholicism) theo đúng nghĩa ‘catholica’ là đạo cho mọi người (universalis) không phân biệt giai cấp chủ ông hay nô lệ, dòng giống (Do thái hay không Do thái,) đất nước, giới tính, thân phận giầu hay nghèo, sang hay hèn, có học hay vô học, thánh thiện hay tội lỗi… Tại Việt nam, từ công giáo (公教) dễ tạo ra hiểu lầm là đạo công, hay là đạo chính thức, trong khi các đạo khác bị cho là người “lương,” tức là người không có “đạo.”
  18. Giáo hội (the Church/ viết hoa) không phải là “nhà thờ” (church/viết thường,) “nhà chùa” như ngôn ngữ nhà nước sử dụng (một cách tùy tiện, thiếu hiểu biết.) Theo đúng nghĩa nguyên thủy của ecclesia (ἐκκλησία/l’église/the church) được dịch là giáo hội và thông dụng nơi giáo hữu các tôn giáo. Giáo hội là cộng đoàn (community) của tất cả những ai có cùng đức tin (Giáo hội Công giáo, Giáo hội Phật giáo, Giáo hội Tin Lành, Giáo hội Cao Đài, v.v.). Nhà thờ, chùa, miếu, đạo quán, điện, đình, đạo thất là nghĩa thứ hai, chỉ nơi tụ tập, cử hành nghi lễ, cầu nguyện của một cộng đoàn tôn giáo nào đó (mà người Công giáo gọi là giáo xứ, hay xứ đạo.) Xin tkh. McGrath, Alister E., “Ecclesiology”. Trong The Blackwell Encyclopedia of Modern Christian Thought (Oxford: Blackwell, 1999,) tr. 127.
  19. Có một điểm khác biệt giữa Thiên Chúa giáo và tông giáo Đông phương, đó là nghi lễ cúng bái. Kinh nguyện Đông phương chủ yếu là cầu xin cho mình hay người thân thuộc, họa hằn mới cầu xin cho “quốc thái dân an” (chỉ khi nào gặp phải thiên tai, hạn hán, mất mùa, loạn lạc.) Nghi lễ “phụng vụ” (liturgy) Thiên Chúa giáo chủ yếu ca tụng, tôn vinh, cảm tạ Thiên Chúa. Cầu nguyện cho tha nhân, cho đất nước, giáo hội… là phần thứ hai trong nghi lễ. Riêng cầu xin cho riêng mình chỉ mang tính chất thứ yếu, không phải là mục đích của nghi lễ phụng tự.
  20. Thí dụ, trong ba tội bất hiếu, tội nghiêm trọng nhất là tội “không có con nối dõi tông đường.” (Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại.)
  21. Ngôn ngữ Việt thường ngược lối đọc Hán Việt như bình an thay vì an bình, khang an thay vì an khang… Thực ra, lối đọc này không hẳn thuần túy Việt. Cả hai lối đọc đều được sử dụng trong Hán cổ ngữ, thí dụ trong sách Đại Học “tề gia”/ “gia tề,” “trị quốc”/ “quốc trị,” “bình thiên hạ”/ “thiên hạ bình.”
  22. Hòahợp không mang tính chất biện chứng như Aufhebung của Hegel, và không qua con đường “đấu tranh” giai cấp của Marx. Trần Văn Đoàn, “Synthesis in Dialectical Meterialism and Ho (合) in Chinese Philosophy.” Asian Culture Quartely, Vo. XIII, No. 1 (1985), 1-20.
  23. Vũ Đình Trác, Triết Lý Nhân Bản Nguyễn Du (Garden Grove: Hội Hữu, 1987.) Bản tiếng Việt của luận án tiến sỹ Triết học đệ trình tại Đh Thượng Trí (じょうちだいが, Tokyo, 1983.) Trong luận văn này, Tiến sỹ Trác nhận định, chính triết lý tam tài mới là nền tư tưởng căn bản của người Việt.
  24. Nguyên lý “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” (天時地利人和)
  25. Martin Heidegger phân biệt ontische (ontical) khỏi ontologische (ontological) để chỉ ra sự khác biệt giữa bản thể (bản chất) và tính chất. Bản chất tự nó đã có, trong khi tính chất có thể được hình thành từ thế giới sống bên ngoài. Thí dụ, tính khoe khoang thấy nơi những người hay giai cấp thấp trong xã hội; tính hay nói dối thường thấy nơi người trong xã hội loạn lạc, ghen tị, cạnh tranh…
  26. Hiện tượng sử dụng từ văn hóa một cách bừa bãi thiếu hiểu biết ở Việt nam hiện nay thật đáng báo động. Trên báo chí, xuất hiện dày đặc nhưng cụm từ như “văn hóa tham nhũng,” “văn hóa lừa bịp,” “văn hóa nịnh,” vân vân…
  27. Về ý thức hệ, tôi đã bàn sâu hơn trong: Trần Văn Đoàn, “Reflection on the Nature of Ideology.” The Asian Journal of Philosphy. Vol. 2, No. 1 (1990), ctr. 105-150. Tái xuất bản trong tập chuyên khảo: Trần Văn Đoàn, The Poversty of Ideological Education (Washington D.C.: The Council for Research in Values and Philosophy, 2000, ctr. 1-34.
  28. Phật giáo đời nhà Đường từng được rất trọng dụng và hưởng nhiều đặc quyền nên bị giới Nho gia đả phá kịch liệt. Tương tự, Nho gia (không phải Nho giáo) từng chống Ki tô giáo dữ dội tại Trung Hoa, Triều Tiên và Việt Nam. Trong lịch sử, chiến tranh tôn giáo chỉ xẩy ra khi một tổ chức tôn giáo nào đó tự cho mình quyền hành tuyệt đối (như cuộc Thánh chiến giữa Thiên Chúa giáo và Hồi giáo.) Nguy cơ này vẫn tồn tại một khi tổ chức tôn giáo gắn liền với quyền lực. Ý tưởng chọn một tôn giáo làm “quốc giáo” tạo ra rất nhiều hệ lụy làm tha hóa tôn giáo.
  29. Lịch sử của Giáo hội Thiên Chúa giáo là một lịch sử của cải cách (Reform) không ngừng, từ tín lý đến tổ chức. Xin tkh. Peter Marshall, The Oxford History of the Reformation (Oxford University Press, 2022.)
  30. Karl Marx, Zur Kritik der Hegelschen Rechtsphilosophie, Lời Dẫn nhập. Trong Marx-Engels Werke (MEW,) Vol. 1, tr. 378. Dĩ nhiên lối nhìn về tôn giáo của Marx phiến diện, vì ông không phân biệt giữa bản chất tôn giáo và hiện tượng tôn giáo, tôn giáo tự thân (in se) và tổ chức tôn giáo (per se.) Xin tkh. Trần Văn Đoàn, “The Marxist Critique of Christianity.” Philosophical Review, No. 18 (01.1995,) ctr. 61-92.
  31. Giambattista Vico, Principi di scienza nuova. (Milano: Mondadori Editore, 2011,) 322-323. Nguyên bản: Principi di scienza nuova d’intorno alla comune natura delle nazioni (1744.) Những chữ trong ngoặc đơn không có trong nguyên bản tiếng Ý, do tôi tự thêm vào, để giúp câu văn dễ hiểu hơn.
  32. Khoa học vốn có nghĩa là tri thức (ἐπιστήμη/scientia/knowledge/das Wissen.) Nhưng khác với tri thức bình dân, trí thức khoa học đòi buộc phải đúng ở mọi nơi, mọi thời và mọi dân tộc (ta gọi là phổ biến hay phổ quát, universal,) và luôn cần thiết để có thể nhận thức đúng, hay để xây dựng tri thức tiếp theo (ta gọi là tính tất yếu, necessity.) Tri thức qua hai giai đoạn: nhận thức (ἐπῐ́στᾰμαι/ scire/ knowing/ wissen) và tri thức. Chỉ tri thức nào luôn luôn đúng (qua thí nghiệm, minh chứng, luận chứng, hay thể nghiệm) và phải đúng (qua áp dụng, tính toán, kiểm tra) mới được gọi là khoa học. Tri thức khoa học theo đúng nghĩa là nền tri thức căn bản, không thể thay đổi và làm nền tảng (Wissenschaft.)
  33. Độc giả không phải là Ki tô hữu, có thể hiểu thêm về tín lý “Thiên Chúa Ba Ngôi” qua bài viết của Giáo sư Phan Đình Cho, một nhà thần học gốc Việt nổi tiếng thế giới: Peter Phan C., The Cambridge Companion to the Trinity. ISBN 978-0-521-87739-8.
  34. Xin tkh. Trần Văn Đoàn, “Thần Khí hay Ám Khí – Triết Học Tôn Giáo sau Hegel.” (Sẽ công bố trong Tập san Triết số 11 tới, 2023.) Trong bài này, tôi lập luận, tinh thần tuyệt đối mà Hegel trình bày trong tập sách kinh điển Hiện Tượng Học Tinh Thần (1807) xuất phát từ khái niệm Thiên Chúa mà Hegel đã nỗ lực chứng minh trong những tác phẩm thần học của ông thời ở Jena (1801-1805.) Và đây cũng là khái niệm Thiên Chúa mà Nietzsche tuyên bố đã chết.
  35. Giambattista Vico, Leon Pompa dịch, The First New Science (Cambridge: Cambridge University Press, 2002,) tr. 9.