Press "Enter" to skip to content

Tái dịch diễn ngôn cách mạng vào ngôn ngữ của sự biến

Tái dịch diễn ngôn cách mạng vào ngôn ngữ của sự biến

Trương Trọng Hiếu

Phương tiện và cách mạng (PTVCM) nằm ở một khoảng giữa. Khoảng giữa giữa những gì?

Giữa Adyton. Triết học bí truyền của HeideggerViết vào nước. Một thể nghiệm triết học về tính thân mật. PTVCM, do đó, tiếp nối mô típ của Adyton, cái không thể tiếp cận, nơi không lối vào, vùng ẩn mật của đền thiêng ở đó suy tư chân thực là một đào thoát khỏi diễn ngôn công cộng, đồng thời sửa soạn cho Viết vào nước các ý tưởng hiện tượng học về tính thân mật, cách thức xuất hiện của Trong/Ngoài, nơi mà hiện tượng được xác định như là hiện tượng ranh giới, quá độ, chảy, nước, viết…

Chính ở khoảng giữa này mà hai chủ đề, phương tiện và cách mạng, được khảo sát. Khảo sát này được đặc trưng hóa bởi hai chiều kích: topos học và hiện tượng học. Phương tiện và cách mạng bộc lộ bản chất ra sao trong hai chiều kích trên?

Câu trả lời đầu tiên của Trawny về bản chất của phương tiện: một trật tự, trật tự hiện hành. Một trật tự hiện hành sẽ là gì nếu không phải là tính toàn thể của những nơi ở đó mọi nơi đều bị chiếm đóng? Phương tiện trước hết chính là sự chiếm đóng này trong không gian. Nhiệm vụ của topos học về phương tiện, do đó, trước hết là vạch ra cái cấu trúc không gian bị phương tiện chiếm đóng ngày nay. Nó chỉ ra bản chất và tình trạng của các nơi trong không gian bị phương tiện hóa. Các nơi nào?

Nơi đầu tiên phải được xem xét không gì khác hơn chính là: thế giới, nơi của những nơi. Sự phương tiện hóa thế giới chính là sự chuyển đổi cấu trúc quả địa cầu thành mặt phẳng vô hạn ở đó mọi nơi đều bị định vị, „xuất hiện ra’. Sự chuyển hóa cấu trúc này chính là tiến trình giải ranh các không gian hạn định, là sự xâm lược vô hạn mọi nơi bên ngoài. Không còn các ranh giới, các góc khuất, các nơi lẩn trốn, các không gian ngoại vi, những nơi kháng cự, thế giới trở thành một nơi trong suốt của những nơi, một cái một toàn thể và vô hạn của những nơi hữu hình. Chính trong cái nhìn có tính cách topos học này về trật tự không gian của phương tiện mà ý nghĩa hiện tượng học của nó cần được lưu ý.

Vì không gian của phương tiện trước hết chính là không gian của sự xuất hiện ra, không gian của hiện tượng. Chính tính hiện tượng này trong không gian phương tiện cũng đồng thời là thứ đặc trưng hóa quyền lực của nó. Bằng cách kiến tạo một không gian hiện tượng ở đó mọi nơi, mọi thứ, mọi người dường như đều có thể xuất hiện ra mà phương tiện tự trình bày bản thân như một tiến trình dân chủ hóa hoàn hảo. Nếu dân chủ là dân chủ về hiện tượng thì còn gì dân chủ hơn khi mọi người đều có cơ hội xuất hiện ra như ngày hôm nay. Thế giới trở thành thế giới của hình ảnh, những hình ảnh xuất hiện ra, những hình ảnh được lưu trữ và thay thế nhưng không bao giờ mất mát. Không gian phương tiện chính là bộ nhớ vô hạn của những kí ức, những kí ức được lưu trữ và thay thế nhưng dường như không bao giờ mất mất. Cái thế giới được lưu trữ vĩnh cửu đó cũng đồng thời là một thế giới đánh mất cảm giác mất mát. Chính ở đây mà bản chất áp bức của phương tiện được hé lộ: bằng cách để cho mọi thứ được xuất hiện ra mà phương tiện vô hiệu hóa khả thể của sự xuất hiện ra. Chính trong khi mọi thứ được xuất hiện ra thì cũng là khi chẳng còn cái gì có thể xuất hiện được nữa. Chính thông qua thế giới hình ảnh và tính hiện tượng được kiến tạo mà phương tiện trung giới hóa và thủ tiêu mọi sự hiện diện trực tiếp. Thế giới phương tiện về bản chất chính là không gian vô hạn của sự trung giới.

Nếu chính sự trung giới này là bản chất đích thực của triết học Hegel, thì sự kế thừa Hegel của Marx không nằm ở đâu khác hơn sự xác định bản chất của tư bản như là một quá trình trung giới. Chẩn đoán và phê phán quyền lực của Marx đồng thời cũng là chẩn đoán và phê phán quyền lực của tư bản như một quá trình trung giới. Chẩn đoán và phê phán quyền lực của Trawny trong thời đại của chúng ta chính là sự khái quát hóa và tái xác định lại mối quan hệ này giữa tư bản và sự trung giới trong một tiêu điểm mới: phương tiện. Phương tiện như là sự trung giới, do đó, theo ông, chính là “sự thống nhất phi vật chất giữa tư bản và kỹ thuật”.

Nhưng chính trong tiến trình trung giới hóa vô hạn của phương tiện vẫn tồn tại tại khả thể của một sự đứt gãy. Chính trong không gian toàn thể hóa của phương tiện vẫn tồn tại một nơi kháng cự. Chính trong tính hiện tượng của phương tiện vẫn tồn tại một điểm mù. Cái nơi đổ vỡ của cấu trúc trung giới ấy, cái nơi chống lại mọi sự định vị ấy, cái từ khước xuất hiện ra trong không gian công cộng ấy, nó là gì?

Tiếp nối các suy tư hậu kì của Heidegger sau “bước ngoặt”, Trawny gọi nó là “sự biến”. Sự biến là gì?

Về mặt topos học sự biến là một “không nơi” (Atopie). Một không nơi thì không phải là một “nơi không có” (Utopie). Một không nơi thì vẫn là có nơi, chỉ có điều là một nơi bất khả định vị trong không gian của phương tiện. Chính tính cách không nơi và “ham muốn sống không nơi” này, theo Trawny, là cái đặc trưng hóa bản chất của chủ nghĩa lãng mạn và “sự lãng mạn hóa” (Novalis). Tính cách không nơi cho chúng ta biết nơi mà sự biến xảy ra: các vùng trung chuyển, các nơi bất xác lập, các nơi xa lạ mãi là nơi xa lạ, các phi tọa độ, các thành lũy chống đối mọi sự sáp nhập, các ranh giới bất khả trung giới, các khu vực bị phong tỏa khỏi không gian công cộng, các nơi giải tâm, ly tâm, ngoại tâm, các sa mạc và đại dương, các vực thẳm, các hố đen… Nơi của sự biến không ở đâu khác hơn: “cõi hoang”…

Chính trong và từ cõi hoang mà sự biến khởi sự. Chúng ta không chỉ nói về không gian tính của sự biến mà cả về thời tính của nó nữa. Một khởi sự (Anfang) xét như là nguồn gốc (Ursprung) không phải là một cái có trước đơn thuần. Nguồn gốc không có sẵn từ đầu, sẵn đó cho ta truy nguyên. Nguồn gốc xảy ra, xảy ra như một sự biến, và sẽ còn mãi xảy ra, về sau. Ý nghĩa, do đó, là cái đến sau, xảy ra trong thời tính và không gian tính của sự biến.

Về mặt hiện tượng học sự biến từ chối không gian công cộng của sự xuất hiện, nó là điểm mù trong không gian phương tiện hóa. Tính hiện tượng của sự biến không được cấu trúc hóa bởi bộ nhớ và sự lưu trữ có tính trung giới hóa của hình ảnh mà bởi tính trực tiếp của hiện tại. Chính tính trực tiếp này của hiện tại, cái được mang lại không qua trung giới, chính là bản chất của kinh nghiệm nguyên ủy. Trong một thế giới bị chiếm đóng gần như hoàn toàn bởi phương tiện ngày nay cái kinh nghiệm nguyên ủy như vậy không có mặt ở mọi nơi. Chúng chỉ xuất hiện ra, xảy ra trong tình trạng khẩn cấp của và như một sự biến.

Hai kích thước trên của sự biến, không nơi và kinh nghiệm về tính trực tiếp, định nghĩa cấu trúc của cách mạng. Cách mạng, theo Trawny, là sự biến lãng mạn hóa. Nguồn cội của nó là vực thẳm của cõi hoang. Ngôn ngữ của nó là vô ngôn. Kinh tế của nó là mất mát và hoang phí. Không gian của nó là không nơi. Tính hiện tượng của nó là sự xuất hiện trầm trọng của cái chết. Chính bởi bản chất sự biến này mà cách mạng bao giờ cũng vô trách nhiệm và gắn liền với bạo lực. Cũng bởi tính cách sự biến mà cách mạng thì phi nhân. Nó xảy ra và triệu hồi quanh nó các không gian tiền luân lý và tiền pháp quyền. Tuy nhiên, chính ở trong kinh nghiệm của cách mạng mà chúng ta giáp mặt với một kinh nghiệm khác, kinh nghiệm nguyên ủy của một tính mật thiết sâu kín vốn không bao giờ xuất hiện ra trong không gian hiện tượng của phương tiện: kinh nghiệm về sự biến cộng đồng.

Cộng đồng gắn liền với cách mạng. Kinh nghiệm cộng đồng gắn liền với kinh nghiệm cách mạng, kinh nghiệm của sự “ở trong”, ở trong sự biến. Kinh nghiệm của sự ở trong không là gì khác hơn kinh nghiệm về sự gần gũi, về tính trực hiện, sự hiện diện trực tiếp phi trung giới. Cách mạng nghĩa là “ở trong cách mạng”, ở trong cộng đồng cách mạng, ở trong một sự thân mật đã bị thủ tiêu trong không gian phương tiện, cái không gian không ngừng trung giới, cách ly, trừu tượng hóa mọi sự gần gũi đích thực. Chính ở đây mà người ta nhận ra một liên hệ bản chất giữa bạo lực và ái lực (Eros): cả hai đều khởi sinh từ một sự gần gũi nguyên ủy của sự tồn tại ở trong cộng đồng. Sự gần gũi ấy không là gì khác hơn sự gần gũi của những cơ thể, vì bạo lực bao giờ cũng là bạo lực đối với cơ thể cũng như tình yêu bao giờ cũng là ham muốn thân mật giữa những cơ thể. Chính bởi liên hệ bản chất này mà “một sự gia tăng nhất định của bạo lực có thể phục vụ cho khoái lạc”.

Cái cộng đồng của sự gần gũi ấy, cái cộng đồng của những cơ thể thân mật ấy, của một tính bên trong sâu kín, của các ranh giới kháng cự mọi sự toàn thể hóa, cái cộng đồng của một tính trực hiện thể xác phá vỡ trật tự trung giới của xã hội phương tiện, các cộng đồng nhỏ chống lại một thế giới to, cái cộng đồng còn cảm nhận được Trong/Ngoài, còn cảm nhận được sự mất mát và cái chết, cái cộng đồng đến từ cõi hoang và là nguồn cội của bạo lực lẫn tình yêu ấy, được Trawny gọi là “cộng đồng cảm nhận”. Cũng với bản chất sự biến mà cái cộng đồng này “không tồn tại, nó xảy ra”. Chính cái cộng đồng không nơi ấy chính là nơi của cách mạng.

Cùng với PTVCM mà các nghiên cứu về cộng đồng trong tương quan gay gắt với xã hội từ F. Tốnnies, H. Plessner, M. Blanchot, J. L. Nancy,… có thêm một suy tư mới. Bất chấp tính nguy hiểm và có vẻ lỗi thời của nó, hệ hình cộng đồng vẫn có một sức hấp dẫn nhất định đối với các trí thức cấp tiến. Không khó để nhận thấy ảnh hưởng của J. L. Nancy đối với tập sách mỏng giàu tính thể nghiệm và văn phong này: từ khái niệm “cộng đồng giải tác” (la communauté désoeuvrée) đến “cộng đồng cảm nhận” (die gespurte Gemeinschaft), từ “chủ nghĩa cộng sản văn chương” (le communisme littéraire) đến “chủ nghĩa cộng sản quý tộc” (der aristokratische Kommunismus), cơ thể như là cái chống đỡ cho cộng đồng và là điểm kháng cự ngay trong trung tâm của trật tự thống trị tư bản chủ nghĩa. Phê phán sự trung giới của Marx, triết học sự biến của Heidegger, hiện tượng học về cái xa lạ của B. Waldenfels, các lý thuyết phê phán phương tiện,. cũng là những quy chiếu quan trọng cấu trúc hóa hậu cảnh của tác phẩm.

“Cách mạng đòi hỏi các khái niệm cách mạng, ngôn ngữ cách mạng.” PTVCM cho chúng ta thấy tại sao và bằng cách nào mà diễn ngôn cách mạng có thể và cần phải được, trong khi không ngừng nhận diện lại bản chất các đối tượng cũng như bản thân nó, tái dịch liên tục vào các ngôn ngữ mới. Chống lại những lối vào tầm thường của không gian công cộng và diễn ngôn công cộng trong chủ nghĩa tư bản phương tiện, Trawny đề nghị với chúng ta một không gian không lối vào cùng ngôn ngữ sự biến của nó.

Chính trong cõi hoang của cái không nơi này mà sự biến cách mạng tìm ra ngôn ngữ mới cho mình.