SPINOZA: CUỘC ĐỜI CỦA MỘT TRIẾT GIA
NGUYỄN SỸ NGUYÊN
Benedict (Baruch) Spinoza (1632-1677) ra đời và trưởng thành tại Hà Lan trong một thời đại mà khám phá khoa học, chia rẽ tôn giáo và những biến động lớn về chính trị đã tạo nên những ảnh hưởng có tính cách mạng lên triết học. Khi hăng hái tham dự vào các cuộc tranh luận tư tưởng đương thời, Spinoza dứt khoát khẳng định triết học không phải là vũ khí để chống lại một thế lực nào đó. Triết học, nói cho đúng, là một lối sống, một tiếng gọi thiêng liêng, mà người phụng sự nó sẽ được hưởng ơn phước tối thượng và sâu dày. Tuy nhiên, mọi tiếng gọi đều gắn liền với một sự hi sinh, và sự hi sinh mà triết học đòi hỏi – tìm kiếm chân lý – là không dễ thực hiện, và thường cô độc. Do đó, với phần lớn những người đương thời, triết gia dường như là kẻ phá hoại tinh thần, một kẻ luôn tìm cách lật đổ những gì đã được thiết lập, một “kẻ biện hộ cho quỷ dữ”. Spinoza hiện ra trước mắt những người đương thời của ông và rất nhiều năm sau khi đã qua đời là một “kẻ dị giáo lớn nhất của thế kỉ XVII”.
Người Do Thái trên bán đảo Iberia
Tổ tiên của Spinoza là những người Do Thái gốc Bồ Đào Nha; từ thế kỉ XVI, họ đã cư ngụ tại vùng biên giới giữa Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, một khu vực thương mại sầm uất. Cuộc sống của họ tương đối yên bình trong nhiều thế kỉ trên bán đảo Iberia dưới sự trị vì của các lãnh chúa theo Đạo Islam. Các nhà thần học và học giả trong cộng đồng này góp công rất lớn vào việc phục hồi triết học Aristotle. Trong số đó, tên tuổi của Moses ben Maimon (Maimonides, 1135-1204) đã vang xa và để lại nhiều ảnh hưởng nhất, không chỉ nơi những người Do Thái, mà cả những người theo Đạo Islam và các Ki tô hữu.
Tuy nhiên, từ cuối thế kỉ XIV, rất nhiều biến động xảy ra trên bán đảo Iberia. Điều này ảnh hưởng không nhỏ lên đời sống của người Do Thái. Bắt đầu tại Castile – vương quốc rộng lớn nhất của Tây Ban Nha lúc bấy giờ – nhiều đám đông từ các tầng lớp nghèo bị giáo sĩ Công giáo xíu giục đốt phá các nhà thờ Do Thái. Người Do Thái bị giết, hoặc bị bắt phải cải đạo sang Ki tô giáo, hoặc bị bán làm nô lệ cho những người theo Đạo Islam. Những cuộc bạo loạn chống-Do Thái lan tràn khắp vùng Catalonia và Valencia. Nhưng nhà nước không có bất kì động thái ngăn chặn nào cả. Về sau, tình hình được lắng dịu, song bất kì hoạt động tôn giáo Do Thái đều bị xem là dị giáo.
Khi vương quốc Granada bị Ferdinand và Isabella xâm chiếm (1492), buộc những người Ả-rập phải tháo chạy khỏi bán đảo, đó là lúc cuộc trả thù bắt đầu. Những kẻ thù của Chúa Ki tô trước kia phải bị trừng phạt, vì những tội lỗi mà cho đến lúc ấy họ vẫn không ý thức được. Để tránh lưỡi đao của Tòa án dị giáo, người Do Thái buộc phải cải đạo hoặc đào vong. Phần lớn những người cải đạo – bị miệt thị là những marrano – phải trải qua cuộc đời khốn khổ dưới ánh mắt dè chừng và ngờ vực của những kẻ cai trị mới đến. Người ta phỏng đoán danh xưng marrano xuất phát từ một câu của thánh Paulo trong Thư gửi tín hữu Corinthian1, 16: 22: “Bất kì kẻ nào không yêu Chúa, hãy gọi y là anathema maranatha”. Trong tiếng Tây Ban Nha, marrano có nghĩa là “con lợn”.
Phần lớn những người chạy nạn (khoảng 120,000 người) đều trốn sang Bồ Đào Nha. (Những người khác chạy qua Bắc Phi, Italia và Thổ Nhĩ Kì). Tuy nhiên, đời sống của họ tại Bồ Đào Nha chỉ yên ổn trong một thời gian ngắn. Ngày 5 tháng 12 năm 1496, vua Manuel ban hành một sắc lệnh hoàng gia, trục xuất người Do Thái và người theo Đạo Islam ra khỏi vùng đất của ông. Tuy nhiên, sau khi nhận ra lợi ích về kinh tế mà người Do Thái có thể mang lại, ông quyết định thu hồi sắc lệnh, song bắt tất cả những người Do Thái phải cải đạo sang Ki tô giáo. Trẻ em Do Thái phải được thực hiện phép rửa sau khi sinh. Tại Bồ Đào Nha, không có tòa án dị giáo và những người mới cải đạo có thể bí mật truyền bá Do Thái giáo của mình. Điều kiện này không kéo dài quá lâu, bởi vì năm 1547 một “tòa án dị giáo tự do và không bị ngăn trở” được thiết lập tại Bồ Đào Nha theo lệnh của đức giáo hoàng. Trong những năm tiếp theo người ta chứng kiến những cuộc hành quyết đối với các conversos / những người cải đạo bị nghi ngờ là tuyên truyền Do Thái giáo. Trong cuộc trốn chạy, có những người đã quay trở lại Tây Ban Nha và nhiều người sang các nước khác, được gọi là những quốc gia ở vùng đất thấp (ngày nay là Luxembourg, Bỉ và Hà Lan). Mùa xuân năm 1593, một nhóm nhỏ những người bị xem là marrano đã bí mật vượt biển. Sau nhiều tháng lênh đênh, họ neo thuyền vào vùng Ultrecht, dưới sự bảo hộ của William I xứ Orange, rồi sau đó di chuyển lên Amsterdam.
Sinh trưởng tại Amsterdam
Cha của Spinoza, Michael, có lẽ đã đến Amsterdam từ lúc còn là một cậu bé, trước khi những người Do Thái khẳng định vị thế ở đây. Là một nhà buôn thành công và quảng giao, ông nhanh chóng thể hiện tầm ảnh hưởng của mình. Ông trở thành người đứng đầu một ngôi đền và một ngôi trường Do Thái tại Amsterdam. Nhưng đời sống gia đình của ông là một bi kịch, vì ông phải chứng kiến cảnh tượng ba người vợ và sáu đứa con qua đời[1].
Baruch de Spinoza sinh ngày 24 tháng 11 năm 1632, là con thứ hai trong số 5 người con của Michael de Spinoza và người vợ, bà Hannah Deborah Senior. Người viết tiểu sử Spinoza gần đây là Steven Nadler đặt ra nghi vấn rằng, liệu người anh của Spinoza, Isaac, là con Hannah hay của người vợ đầu – Rachel – đã mất năm 1627. Cũng vậy, không rõ cô em gái Rebecca là con của Hannah, hay của Esther – người vợ thứ ba sau khi Hannah qua đời năm 1639. Hai người còn lại là Gabriel và Miriam. Chắc chắn, họ là anh em ruột với Baruch[2].
Năm 1649, Isaac qua đời và Baruch buộc phải dừng việc học hành, để đảm đương công việc kinh doanh của gia đình. Khi Michael mất năm 1654, Baruch và Gabriel là những người trực tiếp điều hành công ty “Bento y Gabriel de Spinoza”. Tuy nhiên, dường như ông không phải là một nhà buôn giỏi và khoản nợ của cha ông đã khiến công ty gặp nhiều thách thức. Rõ ràng, Spinoza không hứng thú với đời sống của một thương nhân. Thành công về tài chính vốn mang lại địa vị và sự nể trọng trong cộng đồng Do Thái gốc Bồ Đào Nha không phải là điều thực sự lôi cuốn ông. Ta biết được điều này từ những dòng đầu trong công trình đầu tiên của ông “Treatise on the Emendation of the Intellect / Khảo luận về sự điều chỉnh trí năng”: “Kinh nghiệm dạy cho tôi biết rằng, những gì thường diễn ra trong đời đều phù phiếm và hư ảo.”
Từ khi còn là một đứa trẻ, ông tỏ ra là người có thiên tư trí tuệ, và được hấp thụ nền giáo dục Do Thái. Ông học tiếng Hebrew và các tác phẩm thần học Do Thái và Ả-rập. Các vị thầy dạy ông là những rabbi danh tiếng tại Amsterdam. Người cha kì vọng ông sẽ trở thành một rabbi và tạo nhiều điều kiện để Baruch trải nghiệm một nền giáo dục chính thống. Năm 20 tuổi, Spinoza bắt đầu học triết học với Frances van den Enden, đặc biệt là triết học kinh viện. Về sau, ta sẽ thấy đó là nguồn suối cho hệ thuật ngữ trong “Đạo đức học” của Spinoza. Vị thầy khả kính này đã mang đến cho ông niềm cảm hứng say sưa với khoa học. Có thể từ Enden, ông đã tiếp cận triết học Descartes, một người đã sống phần lớn đời mình tại Hà Lan. Những giao hảo với bạn bè thế tục và các Ki tô hữu ngày càng khiến Spinoza không thỏa mãn với những diễn giải thánh điển mà ông nhận được từ các rabbi. Trong khi đó, các rabbi luôn tìm cách ngăn cản mối bận tâm của ông dành cho khoa học tự nhiên và ngôn ngữ Latin, mà họ cho là chứa đầy tư tưởng dị giáo và những lời báng bổ.
Spinoza ngày càng cho thấy tính độc lập trong tư duy và cảm thông nhiều hơn với các Ki tô hữu phi chính thống tại Hà Lan, nhất là với những người Collegiant (một phái chống-tăng lữ của những người Remonstrants) và những người Mennonites, vốn xuất hiện vào thế kỉ trước và có quan hệ gần gũi với phong trào Remonstrant. Lối sống đơn giản và hạnh kham nhẫn của họ đã mang đến cho ông một hình mẫu đạo đức, thể hiện rõ trong các tác phẩm về sau. Chính việc kết thân với những nhóm này, giờ đây Spinoza phải chịu sự ngờ vực từ các giáo sĩ Do Thái. Do đó, ông đổi tên thành Benedict, chuyển đến sống cùng van den Enden, bắt đầu dạy học và chìm sâu vào những quan tâm trí tuệ về các tư tưởng gia thế tục và Ki tô giáo.
Cộng đồng Do Thái đã triệu hồi Spinoza, buộc tội ông là dị giáo và bắt ông phải hối cải. Ngày 27 tháng 7 năm 1656, Spinoza bị khai trừ khỏi Đạo và bị rút phép hiệp thông (excommunication). Chỉ dụ viết bằng tiếng Hebrew và được đọc trước pháp điển Torah trong một nhà thờ Do Thái có lời tuyên bố:
Các quý ngài của ma’amad [hội đồng trưởng lão] từ lâu đã biết về những ý tưởng bất thiện cùng hành trạng của Baruch de Spinoza. Các vị ấy đã tìm đủ mọi cách, cũng như ban cho nhiều lời khuyên bảo, nhằm đưa con người ấy ra khỏi con đường tội lỗi. Tuy nhiên, mọi nỗ lực đều thất bại. Trái lại, hằng ngày lại càng có nhiều thông tin trầm trọng về những tư tưởng dị giáo đáng kinh tởm mà y đã thực hành, đã được dạy và về những hành động quái dị. Về điều này, đã có nhiều nhân chứng đáng tin cậy…; trên hết, tất cả những điều đó đã được các chakhamim [“những vị thầy thông thái” hay các rabbi] tiến hành điều tra. Họ cùng đi đến quyết định với sự đồng thuận nhất trí rằng, kẻ được gọi là Espinoza ấy phải bị rút phép hiệp thông, và bị đuổi ra khỏi cộng đồng người Israel. Bằng sắc lệnh của các thiên thần và bằng mệnh lệnh của các bậc thánh nhân, chúng ta rút phép hiệp thông, trục xuất, lên án và nguyền rủa Baruch de Espinoza, với sự cho phép của Thiên Chúa cùng ơn phước của Người, với sự đồng thuận của toàn thể hội đoàn thánh thiêng, và trước các thánh điển với 613 huấn thị đã được viết rõ; nguyền rủa cho y không còn phép hiệp thông, như Joshua đã nguyền rủa Jericho, và như Elisha đã nguyền rủa những đứa trẻ mà Sách luật đã ghi. Chúng ta nguyền rủa y cả ngày lẫn đêm, khi y nằm cũng như khi đứng, khi ra ngoài cũng như khi vào cửa…”[3]
Đáp lại, ông chỉ nói: “Tốt thôi; điều đó sẽ không bắt tôi phải làm những gì không thuận ý mình”. Sau đó, ông gửi đến các trưởng lão của Hội Đạo một bài Tự biện (viết bằng tiếng Tây Ban Nha) nhằm bảo vệ và khẳng định các quan điểm của mình là chính thống, đồng thời cho thấy rõ những lời buộc tội của các rabbi đối với ông chỉ bởi vì ông không tuân thủ các nghi lễ. Ngày nay, không may là nguyên bản của lời Tự biện ấy không còn lưu lại. Ta chỉ có thể tìm thấy nội dung của nó trong “Khảo luận thần học-chính trị”.
Lúc này Spinoza 24 tuổi. Các tư liệu còn lưu lại cho biết, ông điển trai với một vẻ ngoài đặc tính Địa trung hải. Ông được mô tả là nhỏ người, khuôn mặt thanh tú, da màu, tóc đen, dài và mắt đen. Leibniz đã kể lại sau lần gặp gỡ Spinoza rằng: “Nước da màu olive với một cái gì đó rất Tây Ban Nha trên khuôn mặt”. Spinoza không phải là một người khỏe mạnh, ông gặp vấn đề về hô hấp suốt một thời gian dài. Ông buộc phải rời khỏi Amsterdam từ mọi phía, từ các nhà cầm quyền đã nghe theo lời phán quyết của các rabbi, cho đến tầng lớp tăng lữ theo phái Calvin – những người cho rằng họ bị xúc phạm nặng nề bởi sự hiện diện của một kẻ có tư tưởng tự do trong nhà thờ Do Thái[4]. Ông tạm lánh tại ngôi làng Ouwerkerk nhỏ nhắn phía Tây Nam, sau đó lén quay trở lại Amsterdam và sống ở đó bằng nghề mài kính cho đến năm 1660. Trong thời gian này ông viết “Short Treatise on God, Man and His Well-Being / Khảo luận ngắn về Thượng Đế, con người và hạnh phúc của con người” bằng tiếng Latin. Mặc dù được trình bày một cách khái lược, nhưng cuốn sách đã cho thấy những luận điểm quan trọng trong tư tưởng về sau.
Suy tư triết học tại Rijnburg
Mùa hè năm 1661, ông rời Ouwerkek, chuyển đến cư ngụ trong một ngôi làng yên tĩnh khác – Rijnburg. Đây được xem là trung tâm tinh thần của cộng đồng người collegiant. Ông sống cùng Hermann Homan, một bác sĩ giải phẫu, trong căn nhà nhỏ cách xa trung tâm ngôi làng. Tại đây, Spinoza tiếp tục công việc của một thợ mài kính, chế tạo các loại kính viễn vọng và kính hiển vi. Công việc thợ kính yên tĩnh và lặng lẽ rất phù hợp với tính cách của ông. Nó giúp ông thêm phần kỉ luật và kiên nhẫn. Tuy nhiên, công việc vất vả này lại không phù hợp với thể trạng của triết gia, bụi kính khiến vấn đề hô hấp thêm trầm trọng. Ông qua đời ở tuổi mà tư duy triết học của ông chắn chắc đang đến độ chín muồi (45 tuổi). Bên cạnh công việc mưu sinh này, ông để tâm vào các vấn đề triết học, tìm kiếm “cái thiện đích thực”, như những dòng đầu của “Khảo luận về sự điều chỉnh trí năng” cho ta biết:
“Tôi nhận thấy rằng, nếu dành hết tâm sức cho kế hoạch mới này của cuộc đời và từ bỏ kế hoạch cũ … Tôi sẽ từ bỏ những điều khuấy ác, để theo đuổi một cái thiện nào đó”[5].
Suốt cuộc đời, ông nỗ lực để giữ cho nhu cầu vật chất ở mức tối thiểu. Công việc hằng ngày với các thấu kính không phải chỉ bắt nguồn từ nhu cầu tài chính, mà quan trọng hơn là từ một sự quan tâm khoa học. Spinoza quan tâm đến những giải thích mới nhất về các hiện tượng tiểu vi trong sinh học và hóa học, những quan sát của thiên văn học, cùng những nguyên tắc của quang học. Lúc này, danh tiếng của ông như một học giả đã vang xa. Ông bắt đầu nhận được những lời mời gặp gỡ và trao đổi thư từ. Các chủ đề thường xoay quanh những câu hỏi triết học và khoa học đang gây xôn xao trong học giới Âu châu. Dù vẫn chưa công bố một công trình nào, nhưng tên tuổi Spinoza đã bắt đầu được biết đến nơi những nhà bảo vệ “khoa học mới”, xa đến nỗi vị thư kí của Hiệp hội hoàng gia London là Henry Oldenburg, trong một chuyến công du sang Hà Lan, đã ngược lên Rijnsburg để gặp ông suốt mùa hè 1661. Trong căn phòng của Spinoza, họ bàn về Thượng Đế và các thuộc tính của Ngài, về sự hợp nhất của linh hồn và thân xác, về triết học của Descartes và Bacon[6]. Trở về London, Oldenburg viết thư cho Spinoza, bắt đầu một cuộc thư từ kéo dài 15 năm (với một sự đứt quãng khá lâu) và đã bàn về tất cả các chủ đề: vật lý, chính trị, tôn giáo, triết học. Ông viết cho Oldenburg (1665) với một niềm hứng khởi về những dụng cụ mới mà ông biết được từ nhà toán học Hà Lan Christiaan Huygens: “Ông ấy đã kể cho tôi điều kì diệu của những chiếc kính hiển vi và những chiếc kính viễn vọng được làm tại Ý. Nhờ đó, người ta có thể quan sát được các kì nhật thực của sao Mộc được gây ra bởi các vệ tinh của nó, cũng như một cái bóng nào đó trên sao Thổ, như thể nó được tạo nên bởi một chiếc vòng”[7].
Khi Spinoza bắt đầu viết thư cho Oldenburg (tháng 9, 1661), công trình “Khảo luận ngắn về Thượng Đế, con người và hạnh phúc của con người” vẫn trong quá trình hoàn tất. Tác phẩm này được khởi thảo lúc ông vẫn còn sống tại Amsterdam, với sự động viên của các thân hữu. Họ nhận ra năng lực vượt trội của Spinoza trong các cuộc thảo luận về triết học, nhất là triết học Descartes. Ở đó, họ muốn ông trình bày thật gọn gàng các ý tưởng chính của ông trên trang giấy. Ông “tuân mệnh” để tỏ lòng “cung kính”, và bắt tay soạn tác phẩm ấy bằng tiếng Latin. Sau đó, ông phải viết lại công trình này bằng tiếng Hà Lan, vì một vài người không thông thạo tiếng Latin. Trong bản này ông có một vài bổ sung và điều chỉnh, một vài điểm dành để trả lời những chất vấn và đề xuất của họ. Mặc dù Spinoza đã nghĩ đến việc công bố “Khảo luận ngắn” này, nhưng ở những dòng cuối ông chỉ muốn xem đây chủ yếu là một trình bày triết học dành cho những người bạn:
“Đến đây ta có thể kết thúc được rồi. Với tôi, vẫn phải nói với các bạn rằng: đừng ngạc nhiên với những điều mới mẻ này, bởi vì bạn biết rất rõ nếu nhiều người không tán đồng sự thật về một điều gì đó, thì đó hẳn không phải là trở ngại. Và như bạn cũng ý thức rõ về đặc điểm của thời đại mà ta đang sống, tôi sẽ nhắc kĩ bạn là, hãy cẩn trọng khi nói về những điều trên cho những người khác”[8].
Ở đây Spinoza đã ý thức được tính sáng tạo và sự mới mẻ trong những ý tưởng của mình. Vì thế, phải dè chừng trước con mắt của những nhà cầm quyền theo phái Calvin tại Hà Lan. Có lẽ Oldenburg hoặc đánh giá quá mức sự khoan dung của nền chính trị Hà Lan, hoặc không hiểu những hàm ý triết học sâu xa trong tác phẩm của Spinoza, khi ông nhiều lần thúc giục Spinoza hãy công bố tác phẩm này:
“Hãy để nó được công bố, bất chấp những ầm ĩ có thể có nơi các nhà thần học xuẩn ngốc. Nền cộng hòa của anh rất tự do và nó mang đến nhiều tự do cho công việc triết học”[9].
Hiểu được những quan tâm của Spinoza về các vấn đề khoa học và nhân dịp công cán với tư cách là thư kí của Hội hoàng gia Anh, mùa thu năm 1661 Oldenburg đến thăm Spinoza cùng với một bản dịch tiếng Latin của công trình “Một vài tiểu luận sinh lý học” của Robert Boyle – một nhà khoa học lớn của nước Anh thế kỉ XVII. Qua Oldenburg, Spinoza được kết nối với Boyle, và nơi nhà khoa học người Anh này, ông tìm thấy người bạn mới trên con đường truy tầm chân lý khoa học.
Thông qua phần lớn các nhà viết tiểu sử Spinoza, hình ảnh một Spinoza ẩn dật, xa lánh cuộc sống nơi đô hội và suy tư triết học trong sự cô tịch hiện lên rất nổi bật. Tuy nhiên, từ những gì ta biết về cuộc đời ông tại Rijnburg, sự thật dường như không hoàn toàn như vậy. Ông có một vài bạn hữu thân tình và hết lòng, cùng những người bạn quen biết có chung niềm vui triết học và khoa học. Spinoza thường tạm rời Rijnburg yên bình và tĩnh lặng, để viếng thăm một vài người bạn tại thành phố này hay thành phố khác, và một lần như vậy (có lẽ cuối 1662) ông đến Hague để gặp gỡ và trò chuyện cùng Simon de Vries. Cũng đôi lần, về lại Amsterdam, ở đó vài tuần với những người bạn. Một bạn hữu đương thời đã nhận xét về ông:
“Spinoza – một người Do Thái đã trở thành một Ki tô hữu và giờ đây là một nhà vô thần luận – đang sống tại Rijnburg. Ông tỏ ra vượt trội về triết học của Descartes và những điều hơn thế nữa. Thậm chí, ông còn thay thế triết học Cartesien với các ý tưởng phân minh và hợp lý của mình”[10].
Tại Rijnburg, Spinoza soạn phần thứ nhất của “The Principles of Cartesian Philosophy / Những nguyên lý của triết học Descartes”, và bắt đầu cho sự ra đời của kiệt tác “The Ethics / Đạo đức học” (cả hai đều được viết bằng tiếng Latin).
Thiên di sang Voorburg
Ông rời Rijnburg để chuyển đến Voorburg, tại đây, nhận được nhiều lời động viên, ông nỗ lực hoàn thành lý giải của mình về siêu hình học của Descartes. Sau đó, công bố tác phẩm này với phụ lục là những tư tưởng siêu hình học của riêng ông. Đây là công trình duy nhất được chính Spinoza công bố. Ông vẫn miệt mài làm việc với “Đạo đức học”. Tiếp tục thư từ cùng các nhà khoa học, các triết gia và các nhà thần học. Ông làm quen và kết thân với Christiaan Huygens, người sáng lập môn quang học hiện đại, và đặc biệt là với Johan de Witt – một chính khách trọng kẻ sĩ, đang giữ chức vị tương đương với “tể tướng” hay thủ tướng. Johan de Witt là người bảo vệ nhiệt thành cho các nguyên tắc về sự khoan dung và tự do ngôn luận trong nền cộng hòa Hà Lan. Căng thẳng chính trị tại Hà Lan được thể hiện trong các cuộc tranh luận về bản chất của nhà nước, và mong muốn về quyền tự do ngôn luận và tự do tôn giáo. Mối quan hệ với Johan de Witt khiến Spinoza phải đứng về một phía. Kết quả là, “Khảo luận thần học-chính trị” được công bố khuyết danh năm 1670 với luận điểm bảo vệ công khai và mạnh mẽ dành cho nhà nước thế tục và hiến định. Frederick Pollock đã gọi Khảo luận này là “có tính hòa giải, nhưng làm một cách quá mức đến nỗi vấn đề thêm trầm trọng”[11]. Tác giả của nó được nhận diện không lâu sau đó, và những kẻ thù chính trị của de Witt gọi nó là “đáng bị lửa thiêu trong Hỏa ngục, [được viết bởi] một kẻ Do Thái phản bội và Quỷ dữ”. Tác phẩm bị Hội đồng giám mục của Giáo hội Cải cách lên án (1673) và chính thức bị cấm lưu hành (1674).
Cuộc sống tĩnh lặng tại Hague
Spinoza chuyển đến Hague năm 1670. Lý do ông đến Hague không biết có phải vì sự tố cáo của cư dân Voorburg, khi họ coi ông là một kẻ vô thần xem thường mọi tôn giáo và có thể phương hại đến nền cộng hòa. Có lẽ, đó chỉ là một phần nguyên nhân khiến ông thiên di thêm lần nữa. Bởi vì sự kiện ấy đã diễn ra 5 năm trước (1665)[12]. Ổn định nơi ở tại nhà của Hendrik van der Spyck, một họa sĩ, ông trở lại công việc với “Đạo đức học”, thư từ nhiều hơn và điềm tĩnh đón nhận mọi phê bình từ những phản ứng nhắm vào “Khảo luận thần học-chính trị”. Ông dành nhiều thời gian trong phòng và làm việc hoặc với các thấu kính hoặc với những cuốn sách. Sau những giờ làm việc ấy, ông trò chuyện với mọi người trong nhà về đủ mọi chuyện, đủ mọi vấn đề.
Spinoza qua mô tả của một trong những người viết tiểu sử của ông sớm nhất – Johannes Colerus – không phải là một người hay ủ rũ và âu sầu, mà rất gần gũi, thích giao du và có những thú vui bình thường như tất cả mọi người. Ông thường tiêu khiển bằng trò đấu nhện và bắt ruồi bỏ vào mạng nhện. Ông là người tử tế, mực thước và biết cách kiểm soát bản thân. Ít ai thấy ông giận dữ hay phản ứng quá mức về điều gì đó không hài lòng. Đặc biệt, ông lôi cuốn người đối thoại với sự gần gũi và tinh tường, đến mức Pierre Bayle dù phê bình gay gắt tư tưởng của Spinoza là vô thần luận cũng đã dành cho ông những lời khen ngợi về nhân cách và lối sống. Đó như là bằng chứng về một người không tin vào chân lý của Ki tô giáo vẫn có thể sống một cuộc đời lương thiện và ngay thẳng.
Thu nhập từ công việc mài kính vẫn cần sự hỗ trợ của bạn bè mới đủ cho ông trang trải. Tuy nhiên, nhu cầu cá nhân của ông cũng rất chừng mực và đời sống vô cùng thanh đạm. Người viết tiểu sử ông – Lucas – nhận xét rằng: “Không những sự giàu có không quyến rũ được ông, mà cái nghèo khổ cũng không làm ông dao động. Người ta kể rằng, có người nợ ông 200 florin và đã đến nguy cơ phá sản. Chẳng hề buồn bã, ông chỉ mỉm cười và nói: ‘Tôi phải giảm lại những nhu cầu hằng ngày, để bù lại khoản mất mát nho nhỏ ấy thôi. Đó là cái giá của lòng kham nhẫn’”[13]. Trong những năm tháng sống tại Hague (1670-1675), bận tâm lớn nhất của ông dành cho việc chỉnh sửa “Đạo đức học”.
Tháng 10 năm 1671, Spinoza nhận được một bức thư từ Gottfried Wilhelm Leibniz, một thanh niên Đức vừa tốt nghiệp ngành luật tại Đại học Altdorf. Đó là người về sau sẽ trở thành một trong những nhà toán học, nhà triết học lớn của thời cận đại, người độc lập phát triển phép vi tích phân cùng thời với Newton. Leibniz luôn dành sự quan tâm rất lớn cho các câu hỏi khoa học. Ông đã công bố một khảo luận về vật chất và chuyển động.
Leibniz viết cho Spinoza từ Frankfurt, tự giới thiệu và cho thấy mình có cùng những quan tâm về môn quang học với nhà học giả danh tiếng, cũng như bảo rằng đã được lời kể về “những khả năng kiệt xuất của ngài” trong lĩnh vực này. Ngày nay, ta không còn bức thư nào giữa hai người được lưu lại, song chắc chắn cả hai đã bàn nhiều về siêu hình học và thần học, và với trí thông minh cùng phạm vi quan tâm rất rộng của Leibniz, Spinoza hẳn rất mãn nguyện với người tương thoại trẻ tuổi này.
Vào thời gian ấy, một vài người bạn đã thúc giục Spinoza công bố “Đạo đức học”. Đầu tháng 6 năm 1675, Spinoza cho thấy ông hoàn toàn hài lòng với tiến trình hiệu chỉnh “Đạo đức học” và xem đó là thời gian chín muồi để công bố tác phẩm. Bản thảo mà ông đã giữ kín bấy lâu hoặc chỉ gửi cho một vài người bạn giờ đây dường như sẽ được công khai. Vào cuối tháng này, ông thực hiện chuyến đi lên Amsterdam, mang một bản sao cho Rieuwertsz. Ta không rõ liệu ông có định giấu tên ở trang bìa hay không, giống như đã làm với “A Theologico-Political Treatise / Khảo luận thần học-chính trị”, song có lẽ ông cảm thấy không còn cần thiết phải tỏ ra thận trọng như vậy nữa. Tuy nhiên, vì sự bất ổn chính trị lúc bấy giờ, và vì sự thù hằn của tầng lớp tăng lữ lẫn các nhà thần học đối với ông, mà công trình này đã không được công bố như kế hoạch. Trong một lá thư gửi Oldenburg, ông giải thích lý do về sự trì hoãn:
… Tôi đã khởi hành đến Amsterdam, vì mục đích xuất bản cuốn sách mà tôi đã đề cập với anh. Trong khi đang thương thảo, một tin đồn lan tràn khắp nơi rằng, tôi đã in một cuốn sách về Thượng Đế, ở đó tôi cố gắng chứng minh là Ngài không hiện hữu. Vì thế, một vài thần học gia, có lẽ là tác giả của tin đồn ấy, được dịp công kích tôi trước nhà vua và thượng hội đồng; không những vậy, những nhà Descartes xuẩn ngốc – vốn là những kẻ nghi ngờ tôi – đã ra sức bôi nhọ, bằng cách rêu rao khắp nơi về các quan điểm và trước tác của tôi, và họ vẫn đang làm như thế. Khi ý thức được điều đó qua những người bạn chân thành – họ bảo rằng các nhà thần học đang phục sẵn khắp mọi nơi để đợi tôi – tôi quyết định ngừng việc xuất bản, cho đến khi nhìn thấy có sự chuyển biến nào đó[14]…
Năm 1676, Leibniz chính thức ghé thăm Spinoza trong căn nhà nhỏ tại Hague. Khi còn ở Pháp, Leibniz biết đến các ý tưởng của Spinoza qua người bạn chung là Ehrenfried Walther von Tschirnhaus. Tschirnhaus trước đó đã đến Paris với một bản sao cuốn “Đạo đức học”. Hiển nhiên, ông không được tiết lộ cho ai biết nếu không hỏi ý tác giả của nó. Leibniz sốt sắng muốn được xem công trình này, ông nhờ Tschirnhaus viết thư xin phép Spinoza. Tuy nhiên, theo những gì ngày nay ta được biết, Spinoza tỏ ra ngần ngại và hồ nghi về động cơ của người thanh niên trẻ tuổi, và đã nói “Không”. Tschirnhaus và Leibniz chắc chắn đã nói về nội dung của “Đạo đức học”. Cho đến khi Leibniz viếng thăm Spinoza, ông mới có dịp hỏi thêm những quan điểm về chính trị, triết học và khoa học. Hai người gặp nhau vài lần trong khoảng thời gian vài tuần mà Leibniz lưu lại Hà Lan. Về sau chàng thanh niên người Đức nhận xét về vị triết gia Hà Lan như sau:
“Tôi đã gặp [Spinoza] khi ghé Hà Lan, đã nói chuyện với ông vài lần và đủ lâu. Ông có một siêu hình học rất lạ, đầy những nghịch lý. Đại thể, ông tin rằng thế giới và Thượng Đế là một bản thể duy nhất, rằng Thượng Đế là bản thể của vạn hữu, và tạo vật chỉ là những thể cách hay những tùy thể mà thôi. Tuy vậy, tôi cũng để ý đến vài chứng minh của ông, và nhận thấy chúng không hoàn toàn thuyết phục. Thật không dễ để đưa ra những chứng minh thuyết phục trong siêu hình học”[15].
Năm 1676, sức khỏe của Spinoza bắt đầu suy yếu. Trong suốt một khoảng thời gian dài ông phải chịu căn bệnh lao phổi, mà nguyên nhân chắc chắn đến từ công việc thợ kính. Nhưng ông vẫn làm việc và không hề than vãn. Đến ngày thứ bảy, 20 tháng 2 năm 1677, ông phải đến gặp bác sĩ G. H. Schuller, một người bạn khác của ông. Ngày chủ nhật Schuller đến thăm với hi vọng sức khỏe của triết gia đã tiến triển. Tuy nhiên Spinoza đã rút hơi thở cuối cùng khi chiếc đồng hồ trong căn phòng điểm ba giờ sáng. Vậy là “vị triết gia tự do ít nói về cái chết nhất” đã ra đi vĩnh viễn. Tang lễ được cử hành trong 4 ngày. Ông được chôn tại nghĩa trang New Church ở Hague.
Ngày nay, để tìm hiểu cuộc đời Spinoza, 5 tư liệu sau đây là những nơi tham chiếu chính thức[16]. Thứ nhất là Lời tựa cho Di cảo (1677). Về Lời tựa này, Koenraad Oege Meinsma nhận xét rằng: “Hai trang viết ngắn ấy vẫn là hòn đá thử đối với tất cả những gì về sau được viết ra”, bởi vì “người ta không thể thử thách sự thật/chân lý của những gì đã được khắc ấn vào đó”: họ [những người trong nhóm của Spinoza trong đó có Meinsma] là những người bạn thân thiết nhất của Spinoza và đã viết sau khi ông vừa qua đời. Nơi quy chiếu thứ hai là một mục từ của Pierre Bayle trong “Từ điển lịch sử và phê phán (Dictionaire historique et critique)” (1697), vẫn xuất hiện trong ấn bản thứ hai và được bổ sung với những chi tiết được lấy từ lời tựa của Kortholt; nó được dịch sang tiếng Hà Lan bởi một nhà buôn sách có tên Francois Halma năm 1698. Chính thông qua toát yếu về hệ thống nhờ mục từ và các nhận xét của Bayle mà thế kỉ XVIII mới biết đến tư tưởng của Spinoza. Mục từ này cũng kể về cuộc đời của ông, Bayle có thể đã sắp xếp lại từ nhiều nguồn khác nhau. Thứ ba, Lời tựa của Sebastian Kortholt cho lần tái bản “Khảo luận về ba kẻ mạo danh” đã được công bố năm 1680 do thân phụ ông là Christian Kortholt chấp bút (“ba kẻ mạo danh” ấy là Hobbes, Herbert de Cherbury và Spinoza, chứ không phải là Moise, Jésus và Mahomet như trong truyền thống tự do). Thứ tư, “Cuộc đời của Spinoza” được mục sư Colerus dòng Luther soạn và công bố tại Hà Lan cùng năm với bài giảng của ông về “Sự phục sinh đích thực của chúa Jésus Christ từ cõi chết, chống B. de Spinoza và các môn đệ của Spinoza”. Ông không quen biết cũng không chia sẻ những ý tưởng của Spinoza (mà ngược lại, ra sức bác bỏ chúng) nhưng ông bị cuốn hút bởi con người ấy và tìm kiếm thông tin về cuộc đời và hành trạng của Spinoza. Làm mục sư tại Hague, ông sống trong căn nhà mà Spinoza đã từng cư ngụ 20 năm trước đó và trên hết ông có cơ hội để hỏi chuyện với họa sĩ Van der Spyck, người đã gặp gỡ Spinoza vào những năm cuối đời. Ngược lại với giai đoạn trước năm 1671 quá vắn tắt và không chắc chắn, sự giao thiệp của Spinoza trong thời gian 1671-1677 là vô cùng sinh động. Khước từ học thuyết của Spinoza nhưng dành lời khen cho cách cư xử của ông dường như minh họa cho công thức của Bayle về một nhà vô thần có đức hạnh. Về cơ bản Colerus dựa vào những lời kể của Van de Spyck cùng với những gì ông có thể tìm thấy nơi Bayle hay Kortholt. Và tư liệu cuối cùng, phần đầu của cuốn “Cuộc đời và trí tuệ của M. Benoit de Spinosa” (1719) – một tác phẩm đã lưu truyền một thời gian dài trước khi xuất bản, và được xem là của bác sĩ người Pháp Jean-Maximilien Lucas, xuất thân từ quận Rouen (1646-1697). Trên hết, tác giả tự nhận mình là bạn và môn đệ của Spinoza.
Vẫn còn lưu lại một vài bức chân dung về Spinoza, nhưng tính chân thực của chúng chưa hoàn toàn được công nhận. Lucas kể rằng Spinoza thường hút tẩu và uống bia. Về trang phục, ông là một người lịch lãm, ăn mặc chỉnh tề và ngay ngắn. Ông quan niệm rằng “tính cẩu thả lơ đãng [đối với vẻ ngoài] là dấu hiệu của một tinh thần kém trí mà ở đó sẽ chẳng có sự minh triết nào cả, và ở đó khoa học chỉ có thể ươm mầm cho sự bất tịnh và suy đồi”[17]. Thái độ của Spinoza đối với người khác giới cũng không được biết nhiều. Lucas cho ta biết rằng Spinoza không chê bai việc lập gia đình, nhưng bản thân ông khước từ điều đó, có lẽ bởi ông sợ “tính khí thất thường của phụ nữ” và đời sống hôn nhân sẽ làm giảm những quan tâm trí tuệ của ông. Tiếng mẹ đẻ của Spinoza là tiếng Tây Ban Nha, bên cạnh đó ông là một chuyên gia về tiếng Hebrew, thành thạo tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Hà Lan, có thể là tiếng Pháp nữa. Tuy nhiên, với Spinoza, tiếng Latin mới thể hiện tính phong phú cho các lập luận triết học và khoa học của ông, ngôn ngữ này đã trở thành phương tiện chuyên chở tư tưởng Spinoza và là biểu tượng của sự truy tầm tri thức của ông. Sau cùng, khi chọn một từ duy nhất cho châm ngôn của mình, ông nói: caute, “hãy cẩn trọng”. Đó là biểu tượng cho sự ẩn mật.
Tài liệu tham khảo
- Roger Scruton, A very short Introduction: Spinoza, Oxford University Press, 2002.
- Steven Nadler, Spinoza’s Ethics: An Introduction, Cambridge University Press, 2006.
- Spinoza complete works, Samuel Shirley dịch, Hackett Publishing Company, 2002.
- Pierre-François Moreau, Spinoza et le Spinozisme, Presses Universitaires de France, 2003.
- Michael Della Rocca, Spinoza, Routledge, 2008.
- Charles E. Jarret, Spinoza: A Giude for the Perplexed, Continuum, 2007.
- Don Garrett chủ biên, The Companion Cambridge to Spinoza, Cambridge University Press, 1995.
- https://plato.stanford.edu/entries/spinoza/
- Roger Scruton, A very short Introduction: Spinoza, Oxford University Press, 2002, tr. 7. ↑
- Steven Nadler, Spinoza’s Ethics: An Introduction, Cambridge University Press, 2006, tr. 1, cước chú 2. ↑
- Dẫn theo Steven Nadler, Spinoza’s Ethics: An Introduction, Cambridge University Press, 2006, tr. 5-6. ↑
- Roger Scuton, A very short Introduction Spinoza, Oxford University Press, 2002, tr. 10. ↑
- Spinoza complete works, Samuel Shirley dịch, Hackett Publishing Company, 2002. ↑
- Steven Nadler, Spinoza: A Life, 2003, tr. 185. ↑
- Dẫn theo Steven Nadler, Spinoza: A Life, Cambridge University Press, 1999, tr. 183. ↑
- Spinoza complete works, Samuel Shirley dịch, Hackett Publishing Company, 2002. ↑
- Steven Nadler, Spinoza: A Life, Cambridge University Press, 1999, tr.191. ↑
- Dẫn theo Nadler trong Sdd, tr. 194. ↑
- Dẫn theo Roger Scuton, A very short Introduction Spinoza, Oxford University Press, 2002, tr. 13. ↑
- Xem Pierre-François Moreau, Spinoza et le Spinozisme, Presses Universitaires de France, 2003, tr 33, 34. ↑
- Dẫn theo Nadler, Sdd, tr. 23. ↑
- Dẫn theo Roger Scuton, A very short Introduction Spinoza, Oxford University Press, 2002, tr.16. ↑
- Dẫn theo Nadler, Spinoza’s Ethics, tr. 32. ↑
- Pierre-François Moreau, Spinoza et le Spinozisme, Presses Universitaires de France, 2003, tr. 7-8. ↑
- Dẫn theo Roger Scruton, sdd, tr. 18-19. ↑