Press "Enter" to skip to content

Aliénation : từ Tha Hóa đến Vong Thân

Aliénation : từ Tha Hóa đến Vong Thân

Nguyễn Hoài Vân

Chữ aliénation đến từ Alius là Tha tính, tha sự, những gì “khác tôi”. Chúng ta sẽ bàn đến những trường hợp trong đó chữ này gần với ý tưởng Tha Hóa, tức là “trở thành” cái khác (nghĩa chữ “Hóa”), và những trường hợp, phần lớn thuộc phạm vi kinh tế xã hội, trong đó aliénation mang nghĩa Vong thân : mất bản thân.

Trên phương diện pháp lý :

Nghĩa đơn giản nhất của Aliénation là việc thuê bán : một sự vật không còn là của mình nữa mà thuộc về một cá nhân (hay thực thể) khác, trong một thời gian hạn chế, khi cho thuê, hay vĩnh viễn, khi bán.

Một cách thông thường, vì lợi ích chung, người ta cũng có thể thoái nhượng một phần quyền lợi hay tự do của mình cho xã hội, trong một “khế ước”. Thí dụ thoái nhượng một phần quyền tư hữu cho xã hội trong việc đóng thuế, hạn chế quyền sản xuất và tiêu thụ để bảo vệ môi trường, hay chuyển giao một phần quyền tự do di chuyển trong luật đi đường, khi có quy chế cô lập lúc dịch bệnh, v.v…

Trong Thần học :

Khi Thiên Chúa tạo nên vũ trụ, sự vật … thì đó cũng là một sự Tha Hóa. Thiên Chúa vốn là toàn bộ hiện hữu, nên sự tạo tác, tức là cho phép những hiện hữu khác được sinh ra, chính là một thoái nhượng, nhường chỗ của mình cho các sự vật ấy.

Đối lại, con người, một “hình ảnh” của Thiên Chúa, muốn tìm lại nguyên bản của mình, buộc phải trở thành cái “khác”, cũng là Tha hóa. Tương tự như thế, là hiện tượng chứng ngộ, cách mạng nội tâm, thay đổi con người.

Trong triết học Duy Tâm :

Sự vật, thiên nhiên, là một hình thái của tha hóa. Lý do vì chúng đến từ Tinh Thần, theo ý nghĩa chúng chỉ hiện hữu vì Tâm ta quan niệm chúng (vạn pháp tại Tâm). Thiên nhiên chính là hiện thân của tiến trình tha hóa của Tinh thần.

Chúng ta vừa nói “tiến trình” … Đó là tiến trình “thời gian sinh động”, khiến cho sự vật “hiện hữu và không hiện hữu”, vì nó là chính nó và là cái khác (tha hóa). Sự vật không hiện hữu vì đã hiện hữu trong quá khứ, nay không còn nữa, để lắng đọng trong hiện trạng của lúc này, rồi trở thành một cái khác, chưa hiện hữu, trong sự xuất hiện của tương lai đã bắt đầu.

Mặt khác một thực tế hiển nhiên là chúng ta nhận biết sự vật bằng kinh nghiệm, qua giác quan. Giác quan cho thấy bề ngoài luôn biến hóa của sự vật. Tinh thần “tuyệt đối” không thể lệ thuộc các biến hóa bên ngoài ấy, nên có nhu cầu đi tìm cái bất biến, cái nguyên lý không thay đổi, ngược lại với các hiểu biết do kinh nghiệm. Tức là : trước một sự kiện khách quan, chủ thể suy tư đặt ra những lý thuyết, “ý niệm”, mang tính chủ quan, rồi tách khỏi sự chủ quan này để dần dần, bằng phủ định và phủ định của phủ định, đến gần thực tại một cách khách quan, khoa học. Đó là một tiến trình biện chứng, đưa Ý Niệm chủ quan đến với Thực Tại khách quan, để hòa hợp với nó. Sự hiểu biết rốt cuộc không còn là một cái nhìn từ bên ngoài, cách biệt với “sự vật tự thân”, mà là chính sự vật ấy (1). Sự vật (thực thể khách quan) trở thành chủ thể hiểu biết. Tinh thần chủ thể “tha hóa”, trở thành đối tượng nhận biết, hòa hợp với đối tượng ấy, để rồi, trong một suy tư hệ thống, hòa hợp với toàn thể các đối tượng, tức toàn bộ sự vật, tất cả thiên nhiên, đạt đến Tinh thần tuyệt đối, hiểu biết tuyệt đối, và tự do tuyệt đối (2).

Trong Y Khoa :

Một thời người ta đã dùng chữ Aliénation để chỉ chứng điên loạn. Bệnh nhân loại này chịu một sự mất mát những thành tố định hình con người của họ, một cách rõ rệt và trong một thời gian tương đối ngắn. Không còn cái tiến trình trong đó quá khứ lắng đọng trong hiện tại để phóng chiếu vào tương lai, mà một phần quan trọng của quá khứ đột ngột mất đi. Một người đạo mạo, nghiêm nghị, đài các … có thể bất thần “đăng cao nhi ca, thoát y nhi tẩu”, khác hẳn những gì người ấy “đã là”. Người ta bảo người này “mất trí”. Ở đây Aliénation trở thành Vong Thân : đánh mất chính mình.

Trong thuyết vô thần – duy vật “hạ cấp” :

Thuyết này cho là người ta phóng chiếu những lý tưởng, ước vọng và lo sợ của mình, ra ngoài mình, tạo thành thần linh, Thiên Chúa … rồi thờ lạy những hình ảnh ấy như những thực thể biệt lập với mình. Vì không còn ý thức được rằng những vị Thần, Chúa ấy là chính họ, nên những người này đánh mất đi một phần bản thân của mình, thể hiện một sự Vong Thân.

Bên cạnh đó, khi ý thực được trạng thái vong thân này, người ta có khuynh hướng trở thành vô thần, và thay Thiên Chúa bằng Vật Chất, như yếu tố chủ trì mọi sự.

Vì sao gọi quan điểm này là “hạ cấp” ?

Vì nó hình dung Con Người như một thực thể bất biến, tuyệt đối, tương tự như việc thay thế Thiên Chúa bằng Vật Chất, biến Vật chất thành một ý niệm trừu tượng, siêu hình, không thật. Trong căn bản, đó chính là một lập trường duy tâm.

Thật vậy, con người không lơ lửng trên không trung của một hệ thống triết học, mà luôn bắt rễ trong thực tại bằng hành động, hành động cá nhân và hành động tập thể. Và, vì gắn liền vào hiện thực, trong tương quan biện chứng, nên con người luôn biến đổi, trong tiến trình lịch sử mà nó góp phần làm nên, qua những hình thái xã hội đa dạng. Con người bất biến chỉ là một hình ảnh trừu tượng, không có thật.

Mặt khác, đời sống con người không nằm dưới sự chủ trì của vật chất, như một ý niệm siêu hình, mà chịu ảnh hưởng của những yếu tố thực tế, cụ thể, mà nó có khả năng thay đổi, biến hóa. Thực tại này bao gồm : môi trường thiên nhiên, tâm lý, xã hội, với tương quan sản xuất, điều kiện trao đổi hàng hóa và dịch vụ, hình thái tư hữu, dạng thức bất công, cũng như các điều kiện đấu tranh cho công bằng và Nhân bản …

“Việc làm” của triết học Duy Tâm là thay đổi cách hiểu sự vật, trong khi nhu cầu lại là thay đổi xã hội. Thay đổi như thế nào ? Thưa : qua hành động thuần lý, khởi đi và luôn quay về thực tại cụ thể, tức các điều kiện kinh tế, xã hội … vừa nói.

Trong lãnh vực kinh tế xã hội :

Aliénation mang ý nghĩa Vong Thân, trên năm phương diện :

1) Người thợ thủ công làm chủ công việc của mình, sản xuất ra những đồ vật mang cá tính sáng tạo của mình. Trong tiến trình trao đổi, anh ta sở hữu đồ vật ấy như “của mình”, trước khi biến nó thành hàng hóa, nhưng vẫn có thể nhận ra hàng hóa ấy như “của mình làm ra”.

Với nhu cầu gia tăng năng suất, sự phân công lao động khiến người thợ công nghiệp chỉ tham gia một cách rất hạn chế vào dây chuyền sản xuất. Tính sáng tạo cũng biến mất. Kết quả là sản phẩm sau cùng không còn được nhận biết là “của mình làm ra” nữa. Rồi, khi sản phẩm kia trở thành hàng hóa, thì nó hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của nhà đầu tư, mua đi bán lại một cách biệt lập với người công nhân.

Vong thân ở đây là mất bản thân trong sản phẩm làm ra, một hình thức truất hữu.

2) Người thợ công nghiệp cũng không làm chủ được chính bản thân cái công việc mà mình thực hiện. Các động tác, tư thế, nhịp độ v.v… trong việc làm của họ đều được chỉ định. Người làm công bắt buộc phải tuân theo. Việc làm trở thành một món hàng, được ấn định rõ ràng, thuộc quyền sở hữu của người chủ, mang toàn quyền sử dụng nó. Trong kỹ nghệ cơ khí, người công nhân chỉ là sự nối dài của máy móc, một cơ phận xương thịt gắn vào cấu trúc sắt thép của cái máy. Nhân cách trong việc làm bị mất đi. Theo quan điểm “bạn là cái bạn làm”, thì ở đây bạn chỉ “là” một phụ tùng của bộ máy.

Vong thân, như thế, là “mất nhân cách”.

3) Bất cứ công việc nào, ở một thời điểm, đều gắn liền với toàn bộ các công việc đã có trong lịch sử loài người. Nó là kết quả của một tiến trình bao gồm khoa học, kỹ thuật, văn hóa, tổ chức xã hội v.v… biến hóa và nối kết từ thế hệ này sang thế hệ khác. Khi việc làm trở thành sở hữu của một số cá nhân có tiền đầu tư vào “phương tiện sản xuất”, thì gia tài sáng tạo của nhân loại trong tiến trình làm việc, sản xuất, cùng với những hiểu biết lên hệ, bị tước đoạt, và trở thành của riêng của một số người.

Vong thân ở đây là mất “xã hội tính”, và “Phi Nhân” hóa, vì xã hội tính chính là Nhân tính.

4) Hệ quả của “Phi Nhân” và “mất nhân cách” như vừa mô tả, là người công nhân biến thành hàng hóa, người này so sánh với người khác như so sánh trị giá của món hàng này với món hàng khác, trên thị trường “nhân dụng”. Trong điều kiện ấy, những lo sợ và ước vọng của họ được kết tinh trong Nhà Nước, biểu tượng của công lý, với chức năng che chở họ, hay trong một chính đảng, đấu tranh cải thiện đời sống của họ. Đó cũng là một hiện tượng Vong thân, khi những phóng chiếu từ bản thân họ trở thành những cấu trúc chỉ huy họ, thậm chí áp bức họ.

5) Cần nhấn mạnh là những người trưởng giả cũng không thoát khỏi hiện tượng Vong thân, vì càng “sở hữu” thì họ càng mất đi “hiện hữu” của mình. Họ tự định nghĩa như người “có” công ty này cơ sở kia, “có” tài sản cỡ này cỡ nọ, v.v… và tự đặt mình trên một thang giá trị dựa trên tiền bạc, tài sản …

Vong thân ở đây là đánh mất bản thân, mất cái mình “là”, trong sự tương tranh giữa “là” và “có”.

§§§§§§§§§§

Kết :

Aliénation là chữ có nhiều nghĩa, sang tiếng Hán Việt trải từ Tha Hóa đến Vong Thân, với những màu sắc đa dạng. Aliénation có thể chỉ ở trình độ ý thức, cuộn tròn trong tâm mỗi người, hay phát tán cùng khắp các điều kiện sinh sống của xã hội.

Khi nằm trong ý thức, sự Tha Hóa mỗi khi được nhận diện như phủ định chính mình, thì liền sau đó có thể bị phủ định một lần nữa, như phủ định của phủ định, khiến con người, cái tôi, luôn được tái tạo, trong tiến trình biện chứng. Lịch sử tư tưởng và triết học, được vẽ lên với tiến trình ấy.

Tuy nhiên, đó chỉ là tạo tác trong trừu tượng, là “vận động khái niệm” thuần túy, trong khi con người hiện thực mang nhu cầu làm việc với những thành tố cụ thể của thiên nhiên, để xây dựng đời sống của mình và của xã hội. Công việc ấy thường được lý tưởng hóa một cách duy tâm, với những khẩu hiệu kiểu như “lao động là vinh quang” … bỏ sang một bên những cùng khổ của việc làm trong điều kiện vong thân, như đã nói. Trong tháp ngà của mình, triết gia, cũng như nhiều người trí thức, là dạng trừu tượng của aliénation. Khi trí thức trưởng giả tự cho mình là thước đo của toàn thể xã hội, thì xã hội trở thành xã hội vong thân.

Trong tiến trình sản xuất, xã hội ấy tôn vinh sự làm việc, sự sáng tạo, mà không nhìn thấy rằng chủ ý của nhà đầu tư không phải là sản xuất bất cứ gì, mà chỉ là “làm ra tiền”. Con người, hiểu theo nghĩa trừu tượng, không hiện diện trong sổ kế toán. Tiền lương trả cho hắn là một con số, ngang hàng với tiền điện, tiền mua nguyên liệu, bảo trì máy móc … Người công nhân là một vật liệu, thừa thì vứt bớt, thiếu thì mua thêm, không khác các vật liệu khác. Vinh quang của “con người tạo tác”, trở thành một quan điểm siêu hình, gán cho những đối tượng vong thân, trong một hệ thống vong thân.

Mặt khác, khi cần yên tâm trong việc vật chất hóa người lao động chân tay, xã hội vong thân phân biệt họ, trong bản chất, với lao động trí óc. Người ta tôn vinh việc làm trí tuệ như hình thức lao động duy nhất có khả năng cải thiện thế giới, quên rằng hai hình thức lao động này ràng buộc chặt chẽ với nhau và liên lục lẫn nhau, không có ranh giới phân biệt. Giả sử phân chia được lao động trí óc với lao tay chân một cách giả định, thì, dưới nhãn quan duy lợi, lao động trí thức hay tay chân đều chỉ là những phương cách để nhà đầu tư làm ra tiền. Lý tưởng cải thiện thế giới hoàn toàn mang tính phụ thuộc. Nếu làm ra tiền mà tàn phá thiên nhiên, gây thảm họa sinh thái, đào xâu bất công, thậm chí đặt xã hội trước nguy cơ bị tiêu diệt, thì các nhà đầu tư cũng không ngần ngại lươn lẹo giữa các kẽ hở của luật pháp để đạt đến mục đích trục lợi của họ. Rồi, khi kinh tế khủng hoảng, suy thoái, thì nhân sự trí thức cũng bị xa thải, ngân quỹ của các đại học, các viện nghiên cứu, cũng bị cắt giảm … Trí thức chỉ là “phương tiện sản xuất”, sở hữu bởi những tư nhân duy lợi, y hệt như người lao động.

Tóm lại, triết học cần rời bỏ những hoa lá cành trừu tượng, siêu hình, để trở về với gốc rễ thực tế, cụ thể, đã cho ra những nhận thức và suy tư của mình.

Giả sử triết gia rốt cuộc có trở thành siêu nhân, thành đấng giác ngộ, bậc đại hiền, thượng đẳng minh sư v.v… thì công việc (nho nhỏ) còn lại của họ phải chăng chính là cải thiện xã hội, cho nó được (phần nào) xứng đáng với sự cao quý của mình ? (3)

Nguyễn Hoài Vân

15/12/2022

(1) Hiểu biết : comprendre chiết tự là “com- cum”, nghĩa là “cùng”, “chung”, và “prendre” là “nắm lấy”. Hiểu biết, như thế, hàm ý chủ thể cũng như khách thể cùng “nắm bắt”. Nắm bắt cái gì ? Thưa : cái tinh thần của sự kiện đang được tìm biết, và tinh thần của chủ thể tìm biết.

(2) “Tính năng cao nhất mà con người có thể có được, chúng ta chỉ gọi nó bằng một chữ : tự do. Tự do là điểm đến cao nhất của tâm trí con người. Ở đó, con người không đối diện với bất cứ gì xa lạ, hiện hữu trước mặt không ngăn cản nó, mà ở chỗ trước mặt ấy, nó chỉ nhận ra chính nó. Đương nhiên là mọi ràng buộc và khổ đau đều biến mất. Người ta hòa hợp với thế giới và tự thỏa mãn trong đó. Mâu thuẫn , đối kháng không còn nữa” – Hegel – Esthétique.

(3) Việc làm “cao quý” ấy cũng sẽ vẫn siêu hình, trừu tượng, nếu được nhìn từ quan điểm của người trưởng giả, thay vì khởi đi từ điều kiện sinh sống cụ thể của những người cùng khổ nhất …