Nan đề Diodore : khi Luận Lý làm chủ Triết Học
Nguyễn Hoài Vân
Diodore là một nhà luận lý học của thế kỷ thứ 3 trước Công Nguyên. Ông đưa ra một nan đề được coi là “làm chủ” mọi trường phái Triết học.
“Nan đề” vì không thể nào chấp nhận được toàn bộ ba khẳng định được đề ra.
“Làm chủ” khi nghĩ rằng tất các các triết lý đều phải phủ nhận một trong ba tiền đề ấy (Vuillemin).
Thật ra, những gì Diodore viết ra đã thất truyền. Ba tiền đề của ông được lưu lại nhờ Epictete (1). Đó là :
1) Mọi mệnh đề có thật trong quá khứ đều cần thiết
2) Sự không thể không bao giờ suy ra được từ sự có thể
3) Có điều có thể, nhưng không hiện hữu vào lúc này, và trong tương lai.
Bạn phủ nhận tiền đề nào ? Nhớ là chính Epictete khi được hỏi câu này, đã trả lời “không biết”, chỉ bảo “nghe nói ông này phủ định cái này, ông kia cái kia” …”
Một giải pháp đơn giản : để khỏi mất công suy nghĩ, bạn cứ chọn phủ định tiền đề 3. Vì đó là lựa chọn của Diodore … Tuy nhiên vẫn thử tìm hiểu tí tẹo xem sao :
1) Tiền đề một :
Bạn hãy tưởng tượng rất nhiều thế giới cùng hiện hữu vào một thời điểm. Tuy nhiên chỉ có một thế giới được thể hiện. Các thế giới kia chỉ là giả định (Mx), không hiện thực. Tiền đề 1 cho là có một thế giới hiện thực trong quá khứ (Mo) cho ra X thế giới được giả định, trong đó chỉ có một thế giới trở thành hiện thực (Mt). Nói cách khác, mỗi thế giới hiện thực (Mt) đều bắt buộc phải đến từ một thế giới hiện thực. Mt không thể đến từ một Mx trước nó.
Trong quan niệm “thế giới”, bạn có thể chỉ tập trung vào một biến cố : Mt là thế giới trong đó bạn trúng số độc đắc. Mx là các thế giới trong đó bạn trúng 5, 10, 15 hay 0 đồng … Còn Mo là thế giới trong đó bạn mua vé số (không đặt vấn đề nhặt được, hay ai cho …). Nếu bạn trúng số đôc đắc (thế giới Mt), thì việc bạn mua vé số (Mo) là … cần thiết.
Ở đây bạn để ý đến khía cạnh : quá khứ đã được an bài, điều gì đã hiện hữu trong quá khứ, thì sẽ mãi mãi đúng.
2) Tiền đề hai :
Một chuyện chi đó, nếu “có thể”, thì sẽ phải cho ra một điều cũng “có thể”. Thí dụ : tôi có thể mua vé số một ngày thứ năm (biến cố S), thì ngày thứ sáu tôi có thể trúng số (biến cố T). Giả sử tôi khẳng định : “tôi không thể trúng số” (T không thể), thì chính là khẳng định “S không thể”, vì hôm thứ năm ấy tôi trực bệnh viện suốt ngày, không có thời giờ mua vé số (kể cả nhờ ai đó mua …)
Một thí dụ khác, thời cổ Hy Lạp :
Vào lúc mà người ta chỉ biết đến số tự nhiên và phân số, Aristote bảo : không thể đo lường được đường chéo của một hình vuông, vì nếu thế thì số lẻ sẽ bằng số chẵn (2). Sự kiện p : “đo lường đường chéo của một hình vuông”, không thể, vì hệ quả của nó, tức sự kiện q : “số lẻ sẽ bằng số chẵn” là không thể. “Quả” không thể, thì “Nhân” phải không thể.
Trong tiền đề này các bạn để ý đến quan điểm định mệnh, tức sự quy định.
3) Tiền đề ba :
Có những chuyện có thể, nhưng không hiện hữu, và cũng sẽ không bao giờ hiện hữu. Thí dụ, “tôi làm vua” là một chuyện có thể (số tôi “chân mạng đế vương”, tử vi nói rất rõ, thày bói xem xong, thiếu điều quỳ xuống lạy, tung hô vạn tuế !). Nhưng chuyện ấy không xảy ra, bây giờ và sau này. Tương tự như thế : tôi trúng số độc đắc, cô Lý Nhã Kỳ yêu tôi v.v… đều có thể, nhưng không hiện hữu vào lúc này, và trong tương lai …
—–0—–
Đến đây, chúng ta đã làm xong công việc dễ nhất, là hình dung ba tiền đề. Bây giờ phải tìm hiểu vì sao người ta phủ định tiền đề này hay tiền đề khác ?
A) Phủ định tiền đề ba (nhưng công nhận tiền đề 1 và 2) :
Như đã nói, đó là lựa chọn của Diodore. Ông ta KHÔNG chấp nhận rằng có những chuyện, tuy “có thể” nhưng sẽ không bao giờ xảy ra.
Diodore cho là : nó chưa xảy ra, nhưng không có nghĩa là nó sẽ không bao giờ xảy ra. Một ngày nào đó, tôi sẽ trúng số, nước Mỹ sẽ có một Tổng Thống gốc Việt, gốc Tàu, hay là người chuyển giới … Diodore duy trì tính quy định, tức quan điểm định mệnh, của hai tiền đề còn lại, nhưng đưa sự ngẫu nhiên vào yếu tố thời gian. Nó sẽ xảy ra, Diodore biết chắc như thế, nhưng chỉ không biết lúc nào. Ngày mai ? Năm tới ? 10 năm nữa ?
Vấn đề tự do cũng được đặt ra. Nếu cho rằng : mọi chuyện “có thể” đều bắt buộc phải xảy ta, tức là những gì không xảy ra, là “không có thể”. Mà tự do chính là lựa chọn giữa những thứ có thể, nên quan điểm của Diodore hạn chế những thứ “có thể”, và thu hẹp tự do. Leibnitz quan niệm phải có những thứ “có thể”, nhưng không xảy ra (vì “không cần thiết”), để cho con người, với sự tự do, toàn quyền lựa chọn giữa chúng, và đưa những lựa chọn ấy vào hiện thực.
Để ý là những thứ “có thể” khác, dù không hiện hữu trong “đời sống thực”, vẫn có thể hiện hữu trong sách vở, thơ phú, hội họa, phim ảnh, trí tưởng tượng, v.v…
Các bạn đừng quên ghi nhận tương quan giữa ngẫu nhiên và tự do.
B) Phủ định tiền đề hai (nhưng công nhận tiền đề 1 và 3) :
Trong quan điểm này, người ta phủ định sự bắt buộc của một tương quan nhân quả giữa hai sự kiện “có thể”.
Thí dụ : Chiến sĩ X qua đời. Liền sau đó, ông ta hài lòng vì nước nhà được giải phóng. Việc X qua đời là “có thể”. Nhưng nếu nghĩ rằng “chết là hết”, thì chuyện “ông ta hài lòng” là không thể. X một khi đã chết, thì không còn hiện hữu. Muốn nói “X hài lòng” sau khi đã chết thì phải bị ràng buộc vào niềm tin rằng : X vẫn sống, dù đã chết.
Thí dụ khác : Người sinh năm sửu thì cực như trâu, phụ nữ có gò má cao thì “sát phu”, chồng sẽ chết yểu. Trong trường hợp này sự quy định nhân quả “năm sửu” –> “cực như trâu”, và “gò má cao” –> chồng chết sớm”, cũng lệ thuộc những niềm tin, ở đây là thuộc về tướng số. Nếu tin , thì theo tam đoạn luận : Bà Y, có gò má cao, mà gò má cao, thì sát phu, nên (các) ông chồng bà Y (đều) chết yểu …Phủ định nó, chính là phủ định niềm tin vào một khẳng định của tướng số.
“Khoa học” hơn chút : Các mệnh đề như “tiêm tiền vào kinh tế” thì “lạm phát vọt cao”, hay “tăng phát triển” thì “tăng lạm phát” … được nhiều người tin là có những liên hệ nhân quả, cái này quy định cái kia. Tuy nhiên : có thể “tiêm tiền vào kinh tế” (như nước Mỹ hiện tại), nhưng không lạm phát “phi mã”. Hay có thể thấy phát triển kém nhưng vẫn lạm phát cao (stagflation – thập niên 1970). Tức cái “có thể” (tăng khối lượng tiền) gắn liền với cái “không có” (lạm phát) hay cái “không có” (phát triển cao), đi kèm với “thực có” (tăng lạm phát). Liên hệ nhân quả (tính quy định) bị nghi ngờ. Xin ghi nhận là những người không muốn phủ định hẳn liên hệ này thường viện dẫn sự can thiệp của nhiều yếu tố khác …
Trong quan điểm này (được Epictete gán cho Chrysippe), người ta tấn công một liên hệ nhân quả, tức một sự quy định, đến từ một niềm tin. Có thể nói, trong một số trường hợp, nó đưa vào sự vật yếu tố ngẫu nhiên, tình cờ. Chồng của bà Y (gò má cao), chết do tình cờ (bệnh dịch, tai nạn v.v…), chứ không phải do hình tướng của bà vợ …
C) Phủ định tiền đề một (nhưng công nhận tiền đề 2 và 3):
Quan điểm này (được Epictete gán cho Cleanthe), bắt buộc chúng ta phải nhìn thời gian một cách hoàn toàn mới. Nếu quá khứ có thể thay đổi thì phải chấp nhận một quy chế đối xứng giữa tương lai và quá khứ, trong khi chúng ta thường không thể hình dung được sự đối xứng này. Thật vậy, tương lai chưa xảy ra, ta có thể ảnh hưởng vào nó để cho chuyện này chuyện khác trở thành hiện thực, trong khi quá khứ thì đã an bài, đã hiện thực, không thể thay đổi. Vì thế, tôi chỉ đề nghị một số yếu tố để các bạn có thể phần nào “cảm thông” với những người theo quan điểm “quá khứ có thể thay đổi”, dù không đồng ý với họ.
1) Cắt nghĩa truyền thống của lập trường “có thể ảnh hưởng vào quá khứ” là : thời gian là một sự xoay tròn, khiến một biến cố “tương lai” có thể trở thành “quá khứ”, nếu tiếp tục theo vòng quay. Thí dụ trên mặt đồng hồ : 3 giờ đến sau 12 giờ, nhưng nếu “đi” tiếp thì sẽ gặp lại 12 giờ. Tức là 3 giờ của lúc nãy “trước” 12 giờ bạn sắp gặp. Trong điều kiện ấy một biến cố trong tương lai có thể quy định một chuyện trong quá khứ (5).
2) Một nhận xét khác, là : chúng ta thường không biết chuyện gì đã xảy ra trong quá khứ, và trông chờ vào tương lai để biết được những chuyện ấy. Về An Dương Vương, bà Trưng, bà Triệu, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Lê Thái Tổ, nguồn gốc Virus SARSCoV 2, v.v… chúng ta chỉ có những tài liệu vắn tắt, và chút ít bằng chứng khảo cổ. Trong tương lai, những nghiên cứu sâu xa hơn sẽ có thể cho chúng ta những hình ảnh rõ ràng hơn. Tức là hình ảnh của quá khứ được quy định bởi tương lai.
3) Một điểm khác cần chú ý là thế giới mà chúng ta có trong tâm trí không phải là thế giới thực sự, mà là hình ảnh của thế giới được vẽ lên trong tâm thức của chúng ta. Trong cái thế giới “hiện tượng” này, dòng thời gian không bắt buộc phải theo trình tự quá khứ đến hiện tại đến tương lai. Có thể có sự đảo ngược trình tự ấy (thường thấy trong giấc mơ : hiện tại của giấc mơ có thể là quá khứ, hay tương lai).
Một thí dụ : người tình của anh A du lịch đâu đó mất tích trong một cuộc động đất. Anh A lên đường hành hương thánh địa La Vang cầu xin cho chị ta được sống sót khỏe mạnh. Tức là anh A làm một việc trong tương lai với hy vọng “quy định” một biến cố trong quá khứ !
Một nhận xét khác : trong các thảo trình chẩn đoán bệnh, người ta đưa vào một số triệu chứng của bệnh nhân B, máy tính đề nghị một chẩn đoán (3), nhưng nếu hôm sau, B có thêm triệu chứng khác, máy sẽ đề nghị một căn bệnh hoàn toàn khác. Căn bệnh thuộc về quá khứ. Chẩn đoán của máy thuộc về tương lai. Ở đây tương lai cũng quy định một biến cố trong quá khứ.
Trong hai thí dụ vừa kể, bạn thấy rằng tương lai không thay đổi quá khứ thực sự. Người tình của A chết hay không chết, B mắc bệnh gì, đều đã được an bài. Nhưng ở đây là quá khứ theo nghĩa “hiện tượng”, tức một hình ảnh trong tâm anh A hay người bác sĩ của B.
Ở đây, cũng phải thêm rằng : không cần “nhảy sang” thế giới hiện tượng, cứ ở trong thế giới thực sự, nếu bạn đưa vào sự vật một tỷ lệ ngẫu nhiên nào đó, thì trước một thực tại, sự “cần thiết” của “mọi mệnh đề có thật trong quá khứ” có thể được bỏ qua. Khi thực tại bạn chứng kiến là hoàn toàn ngẫu nhiên, tình cờ, thì không cần nghĩ đến một quá khứ bắt buộc ! (4)
Tóm lại :
Nan đề Diodore thống lãnh triết học qua một vấn nạn nền tảng, là tương quan giữa ngẫu nhiên và quy định. Sự vật phải chăng là một “vũ trụ khối” (univers bloc) theo ý nghĩa tất cả đều đã được tạo ra từ nguyên thủy, và chúng ta chỉ như những con vi trùng bò trên đó, theo một con đường đã định sẵn, và dần dần khám phá ra mọi sự với dòng thời gian ? Trong điều kiện ấy, đâu là tự do ? Trước một Thiên Chúa muốn liệng bạn xuống Hỏa Ngục vì bạn đã làm chi đó rất tội lỗi (khai gian thuế ?), bạn có thể nhỏ nhẹ “tuyên bố” : thì ông đã làm ra tôi với toàn bộ yếu tố để tôi hành động như thế, sao lại phạt tôi ? Phải phạt ông chứ !
Tuy nhiên vũ trụ cũng có thể chỉ “thật” trong quá khứ, trong khi tương lai “đang” được tạo nên, với những yếu tố ngẫu nhiên, tình cờ (nếu không thì là đã được định trước !). Tuy nhiên, lúc nào là tương lai ? Từ Augustin, người ta đã nhận ra là hiện tại không nắm bắt được (vừa nghĩ nó là hiện tại, thì nó đã trở thành quá khứ). Nếu vậy thì tương lai bắt đầu ở đâu ? Thêm vào đó, Thuyết Tương Đối cho biết hai biến cố có thể được nhìn như trước, sau, hoặc cùng một lúc, bởi những quan sát viên khác nhau, tùy vận tốc và hướng di chuyển của họ (6). Khi không phân biệt được trước và sau, thì thật là khó ấn định được đâu là cái tương lai trong đó thế giới được “làm ra” ?
Mặt khác nói tình cờ, ngẫu nhiên, là phủ định nhân quả. Và, trong trường hợp ấy, bạn sẽ “tuyên bố” với vị Chúa muốn sử phạt bạn, rằng : chuyện ấy tình cờ xảy ra, không phải lỗi của tôi … Thật vậy, không có “nhân quả”, thì làm sao bảo được “tôi” là nguyên nhân của chuyện ấy ? Và cộng đồng triết học sẽ xúm xít lại, kẻ ủng hộ, người phản bác bạn.
Có thể nói là hơn hai ngàn năm trăm năm trước, Diodoros Cronos đã cho bạn những chìa khóa để mở những cánh cửa mà bạn không biết có thật hay không, dẫn vào những căn phòng không biết ở đâu, trong một tòa lâu đài mênh mông vô tận chưa ai thấy được hình dáng …
Nguyễn Hoài Vân
13/3/2021
Chú thích :
(1) Một mệnh đề thứ tư được thấy trong quyển 9, sách Metaphysique của Aristote : “Một sự kiện hiện hữu không thể vừa hiện hữu vừa không hiện hữu trong khoảng thời gian nó hiện hữu”. Nhưng chúng ta không cần làm phúc tạp thêm vấn đề …
(2) Xem : http://triet-hoc-tam-linh.blogspot.com/2016/01/aristote-pythagore.html
(3) Giả định “một” chẩn đoán cho dễ, nhưng thật ra các thảo trình này thường đề nghị một số “giả thuyết chẩn đoán”
(4) Có hai loại ngẫu nhiên : ngẫu nhiên hoàn toàn, và ngẫu nhiên “tạm thời” do không biết được hết các quy định.
(5) Một đồng hồ cát vĩnh cửu luôn được lật lại, với ngươi trong đó, cát bụi gi ữa cát bụi ! Nietzsche – Le Gai Savoir
(6) Xem : http://y-khoa-xa-hoi-khoa-hoc.blogspot.com/2016/08/van-nan-thoi-gian.html