Press "Enter" to skip to content

Hóa Thực Liệt Truyện

Tư Mã Thiên

Chuyển ngữ : Nguyễn Lê Tiến

 

Lời giới thiệu:

Sử Ký của Tư Mã Thiên (Sử gia thời Hán, sinh năm 145 trước CN ) là một tác phẩm lớn của Trung Hoa. Nó không chỉ là một sử phẩm mà còn là một bức tranh linh động của xã hội cổ TH. Nó cũng bao gồm cả các bô môn khoa học như thiên văn, lịch học, địa lý, kinh tế vv…

Bản dịch sang tiếng Việt cũng khá nhiều. Có thể kể ra như của Nguyễn Hiến Lê, Phan Ngọc… Vì tác phẩm quá đồ sộ (52 vạn chữ, 130 thiên) nên không ai dịch hết trọn bộ. Chẳng hạn như Phan Ngọc chỉ dịch 42 thiên mà sách đã dày khoảng 800 trang. Trong số các bài chưa được dịch [trong các sách đã xuất bản] có một truyện rất hay, thú vị và mang nhiều thông tin của nhiều lĩnh vực, đó là “Hóa Thực Liệt Truyện”.

Khác với các Liệt truyện khác, kể lại về các bậc vương,hầu,khanh tướng.. với những câu chuyện ly kỳ, hấp dẫn như Kinh Kha, Hàn Tín… ở đây Tư Mã Thiên kể về những thương nhân, cũng hấp dẫn không kém.

Ông kể về những con buôn Trung Hoa cách chúng ta gần 3000 năm. Tuy xưa như thế đọc nó ta có cảm tưởng như họ sống cùng thời đại chúng ta.

Ngay từ đầu tác phẩm, Tư Mã Thiên đã phê phán Lão Tử với lý tưởng vất thánh bỏ trí để trở về thời Thái cổ. Thật không khác nào một kinh tế gia của trường phái kinh tế tự do phê bình khuynh hướng chính trị tả khuynh ngày nay. Sau đó ông mô tả những thương nhân như những nhà chính trị đại tài! Những người “hùng” lên xe xuống ngựa mà các bậc vương hầu cũng phải làm thân.

Chưa đọc HTLT tôi cứ tưởng Khổng Tử và các đồ đệ là những nhà nho đạo mạo, lễ nghĩa… Hoàn toàn không thế! Thầy Tử Cống là một thương gia “quốc tế”! Mua rẻ, bán đắt, đầu cơ tích trữ, xênh xang xe ngựa, quà cáp biếu xén các bậc vương hầu mà gây ảnh hưởng cho thầy của mình. Khác nào một Lobbyist tân thời.

HTLT không chỉ kể đời các doanh nhân và cung cách kinh doanh của họ. Ở đây ông còn vẽ lên một bức tranh sinh động của kinh tế, xã hội, dân tình… của Trung Hoa thời cổ đại. Có thể làm chúng ta ngạc nhiên là những hiểu biết kinh tế, tưởng chừng như hiện đại, như luật “cung cầu”, sự điều chỉnh giá cả… đã có từ hàng ngàn năm trước.

Tư Mã Thiên sinh ra trước Adam Smith (1723-1790) đến 18 thế kỷ. Adam Smith sống trong thời cách mạng kỹ nghệ, thời của chủ nghĩa tư bản. Tư Mã Thiên sống ( và những gì ông mô tả trong tác phẩm) ở buổi bình minh văn minh Trung Hoa. Mặc dầu thế, hai ông có nhiều điểm tương đồng trong tư tưởng. Adam Smith chủ trương kinh tế tự do. Theo ông, con người tự bản chất là ích kỷ và có ưu tiên thỏa mãn nhu cầu của chính mình. Một nền kinh tế tự do, thuận theo thiên hướng tự nhiên đó, thúc đẩy mỗi người nỗ lực làm việc cho lợi ích của chính họ, qua đó nâng cao phúc lợi cho cộng đồng, mà hề có chủ tâm. Ông cho rằng:

“Không phải từ sự tốt bụng của người chủ hàng thịt, người nấu bia và người làm bánh mì mà chúng ta có thể chờ đợi một bữa ăn tối, mà chỉ từ sự quan tâm của những người đó đến lợi ích riêng tư của họ”.

Vì thế, nền kinh tế tự do tự điều chỉnh như thể bởi một “bàn tay vô hình”. Tư Mã Thiên cũng cùng một quan niệm như thế về con người :

“..con người, mắt và tai luôn bị mê đắm bởi thanh và sắc; miệng thì luôn thèm nếm vị ngon của các loài gia súc, thân thèm sự an nhàn thoải mái…. Những tính chất đó đã thấm đậm trong đời sống con người quá lâu. Và vì thế cho dẫu có đi gõ cửa từng nhà để mà thuyết giáo thì cũng chẳng thay đổi được ai. Bởi thế cách tốt nhất là nương theo nhân tính, dùng cái lợi để mà dẫn dắt dân chúng”. Và “Nếu mọi người tùy vị trí của mình mà làm việc cho lợi ích của chính họ thì, như nuớc chảy chỗ trũng, hóa vật sẽ tự lưu thông, đêm ngày không ngừng nghỉ. Chẳng cần vẫy mà lại.Chẳng cần thúc mà đi.Nguời dân sẽ tự động sản xuất ra của cải.”.

Cách nhau 18 thế kỷ, thế mà cả hai nhà tư tưởng đông và tây gần như giống hệt nhau về quan niệm “bàn tay vô hình” điều khiển nền kinh tế.

Bản dịch này dựa trên văn bản : Sử Ký, Tư Mã Thiên, Trung Hoa Thư Cục , Bắc Kinh 1994. [1]
Tham khảo bản Anh ngữ Records of the Grand Historian , Burton Watson, Columbia University Press Book, NY 1993.

X-X-X

Tư Mã Thiên

Lão Tử viết: “trị nước tốt nhất là: Nước láng giềng gần sát nhau, có thể nghe tiếng gà gáy chó sủa của nhau. Dân ăn ngon, mặc đẹp, sống yên theo phong tục của mình, vui thú với công việc của mình. Người dân đến già đến chết vẫn không qua lại nhau”.

Thế nhưng nếu muốn thực hiện chế độ này, muốn kéo ngược thời nay về tình trạng thái cổ [2], bịt mắt, bưng tai con người, thì hẳn khó mà thành công!

Thái Sử Công [3] cho rằng:

Ta chẳng biết gì về đời Thần Nông và trước nữa, nhưng chỉ cần căn cứ vào những gì được ghi lại trong Thi, Thư, từ thời Ngu, Hạ cho đến ngày nay thì thấy: Ở con người, mắt và tai luôn bị mê đắm bởi thanh và sắc; miệng thì luôn thèm nếm vị ngon của các loài gia súc, thân thì luôn thèm sự an nhàn thoải mái; và lòng thì đầy sự kiêu căng, tham vọng. Những tính chất đó đã thấm đậm trong đời sống con người quá lâu. Và vì thế cho dẫu có đi gõ cửa từng nhà để mà thuyết giáo thì cũng chẳng thay đổi được ai. Bởi thế cách tốt nhất là nương theo nhân tính, dùng cái lợi để mà dẫn dắt dân chúng, thứ đến là giáo hóa, thứ đến là khép họ vào khuôn khổ. Điều tệ nhất có thể làm là đi ngược lại nhân tính thường tình!

Vùng Sơn Tây giàu gỗ, tre, gỗ làm giấy, gai, đuôi mao, ngọc thạch. Sơn Đông nhiều cá, muối, sơn, lụa, ca nhi và mỹ nữ. Giang Nam sản xuất những cây quý như cây nam, cây tử, gừng, quế, vàng, thiếc, chu sa, [4] sừng tê, ngọc trai, ngà voi, đồi mồi. Trong khi đó phía bắc của Long Môn, Kiệt Thạch lại nhiều ngựa, cừu, dê, da thú, gân, sừng. Các rặng núi chứa mỏ đồng, sắt mọc lên khắp nơi trên đất nước nhiều như quân trên bàn cờ.

Tất cả các của cải đó được người dân xử dụng để, tùy theo phong tục, mà sản xuất nhà cửa, áo quần, thức ăn thức uống, những sản phẩm cần cho đời sống cũng như cho tang ma.

Xã hội phải có nông dân mới có cái để ăn; có tiều phu, thợ mỏ mới có thể khai thác tài nguyên thiên nhiên; có thợ thủ công mới có vật dụng; và phải có thương nhân để lưu hành hóa vật.

Và khi mọi thứ có rồi thì còn cần gì nữa. Cần có chính giáo, cần huy động sức lao động hay cần trưng thu định kỳ [5] ?

Chỉ cần để cho mọi người dân được dùng khả năng của họ và gắng hết sức để đạt tới cái mình muốn. Khi hàng hóa quá đắt, nó sẽ có khuynh hướng phải rẻ đi. Nếu quá rẻ nó sẽ phải đắt trở lại[6].

Nếu mọi người tùy vị trí của mình mà làm việc cho lợi ích của chính họ thì, như nuớc chảy chỗ trũng, hóa vật sẽ tự lưu thông, đêm ngày không ngừng nghỉ.

Chẳng cần vẫy mà lại.

Chẳng cần thúc mà đi.

Nguời dân sẽ tự động sản xuất ra của cải.

Đấy chẳng phải là hợp lý sao? Đấy chẳng phải là hiệu nghiệm một cách tự nhiên sao?

Chu thư viết: “Nếu nông chẳng cày, sẽ thiếu thức ăn; công chẳng làm, sẽ thiếu vật dụng; thương chẳng buôn, ba thứ vật quý chẵng thể lưu thông; nếu ngư, tiều, thợ mỏ chẳng khai thác tài nguyên, tài quỹ sẽ ít đi. Tài quỹ ít thì không thể khai thác nguồn lợi của núi, chầm”.

Bốn thứ trên chính là nguồn cơm ăn, áo mặc của người dân. Nguồn lớn tất dẫn tới sự sung túc, nguồn nhỏ tất dẫn tới thiếu thốn. Trên là đất nước phú cường, dưới là gia đình giàu có. Cái đạo của sự giàu nghèo nào có phải ngẫu nhiên. Chẳng phải tự nhiên mà đoạt được, người khôn thì dư giả, kẻ dại thì chẳng bao giờ có đủ.

Đầu thời Chu, Thái Công Vọng được phong đất Doanh Khâu ở nước Tề, nơi đất mặn đồng chua, dân cư thưa thớt. Thái Công đã huy động cả đàn bà làm việc, phát triển nghề thủ công tinh xảo và ngành buôn bán cá và muối. Kết quả là cả người lẫn vật đều được cuốn hút vào đất của Thái Công, như thể nan hoa xoay quanh trục xe vậy. Chẳng bao lâu sau, nước Tề đã có thể cung cấp nón, đai, áo quần, giày dép cho khắp thiên hạ.

Ở khắp mọi nơi, từ vùng biển đến núi Thái Sơn, mọi người đều đến nước Tề, xắn tay áo, tỏ lòng ngưỡng mộ. Sau này khi nước Tề [7] suy, Quản Trọng lại phục hưng nó bằng cách lập chín phủ lo điều hành lưu thông tiền tệ. Kết quả là Tề Hoàn Công lập nên nghiệp Bá, chín lần hội họp chư hầu mà chấn chỉnh lại thiên hạ. Quản Trọng tuy chỉ ở vị trí bồi thần [8] mà có thể tự xây cho mình đài Tam Quy, bản thân giàu có hơn nhiều vị công, hầu liệt quốc. Sự phú cường của nước Tề từ đó kéo dài cho mãi đến thời Uy Vương và Tuyên Vương.

Bởi thế mới nói: “Kho lẫm đầy rồi mới biết lễ tiết, y thực đủ rồi mới biết nhục vinh. Giàu có thì lễ nghĩa mới sinh, nghèo khó thì lễ nghĩa chẳng còn. Cho nên người quân tử mà giàu thì thi hành đức mình, kẻ tiểu nhân mà giàu thì thỏa mãn ý thích của mình. Vực có sâu thì cá mới sinh, núi có cao thì thú mới tới, ngưòi có giàu thì mới thêm nhân nghĩa. Người giàu mà đắc thế thì càng hiển hách, thất thế thì khách chẳng tới lui”.

Tình cảnh đó, ở những nơi Di, Địch càng đúng. Ngạn ngữ có câu: “Đứa con ngàn vàng không chết ở chợ”. Lời đó chẳng phải nói ngoa! Lại có câu rằng:

“Thiên hạ hân hoan, đều vì lợi mà lại;

Thiên hạ hoan hỉ, đều vì lợi mà đi”.

Kìa bực vương một nước có ngàn cỗ xe, bực hầu có vạn hộ, bực quân làm chủ trăm nhà thế mà còn lo nghèo, huống hồ là bọn thất phu mà tên có trong sổ thuế?

Xưa, khi Việt Vương Câu Tiễn bị quân Ngô vây khốn ở núi Cối Kê, lúc đó có Phạm Lãi và Kế Nhiên theo phò. Kế Nhiên hiến kế:

“Nếu biết sẽ dụng binh, phải biết sửa soạn vũ khí. Và cho đời sống ta cần biết những gì cần thiết cho từng thời . Nếu ta hiểu biết thật rõ hai lẽ này thì ta sẽ biết cần dự trữ thứ gì. Khi sao Tuế [9] ở hành Kim [mọc ở hướng tây], năm đó sẽ được mùa; ở hành Thuỷ [bắc], sẽ mất mùa; ở hành Mộc [đông], nạn đói sẽ xảy ra; ở hành Hỏa [nam] , sẽ có đại hạn. Thời hạn hán cũng là thời ta nên trữ sẵn thuyền bè, thời lụt lội lại là thời nên trữ xe cộ. Đấy chính là Lý của sự vật. “

“Cứ mỗi sáu năm thì lại một lần được mùa lớn, mỗi sáu năm là một lần đại hạn và cứ mỗi mười hai năm lại một lần đói lớn. Nếu giá thóc xuống quá 20 quan tiền [10] thì nhà nông sẽ bị thiệt. Nhưng nếu nó lên quá 90 quan thì những kẻ làm nghề khác sẽ thiệt thòi, và họ sẽ ngưng sản xuất các vật dụng. Ngược lại, nếu nhà nông thiệt quá, họ sẽ ngưng làm ruộng. Nếu như giá thóc không cao quá 80 và không xuống thấp hơn 30 thì cả hai nhóm dân đều có lợi cả. Nếu giá thóc được giữ ở giá trung bình hợp lý và hàng hóa lưu thông thuận lợi thì ở chợ sẽ không thiếu hàng, mà thuế thu vào cũng tăng. Đấy chính là thuật trị nước.

Thuật tích trữ hàng hóa là kiếm thứ nào có thể trữ lâu ngày không hư hỏng và dễ trao đổi với hàng hóa khác. Cũng không nên tích trữ hàng đắt tiền. Nếu biết sự dư, thiếu [của thị trường], thì ta sẽ biết thứ nào đắt, thứ nào rẻ. Nếu một mặt hàng quá đắt, nó bắt buộc sẽ hạ xuống. Nếu nó quá rẻ, tất sẽ tăng lên. Phải bán ra những thứ cao giá thật mau lẹ như thể vất đi những vật dơ bẩn, và phải thu mua hàng rẻ vào như thể là châu ngọc quý báu. Hàng hóa và tiền tệ phải được lưu thông nhặm lẹ, trơn tru như nước chảy!”

Câu Tiễn thi hành chính sách của Kế Nhiên. Sau mười năm nước Việt trở nên giàu có. Hậu đãi chiến sĩ và vì thế họ nức lòng xông tới mũi tên, hòn đạn như kẻ khát tranh giành được uống nước vậy! Câu Tiễn tiêu diệt nước Ngô, trở nên một trong Ngũ Bá.

Phạm Lãi, sau khi phò Việt Vương, trả mối nhục núi Cối Kê, bùi ngùi thở dài mà than rằng:

“Kế Nhiên dâng bảy thuật. Nước Việt mới chỉ thi hành có năm đã được toại ý. Thuật đó đã hiệu nghiệm cho nước, sao ta không dùng nó cho nhà”.

Nói rồi xuống phiến thuyền con, xuôi giòng sông xuống vùng Ngũ Hồ. Lại sang nước Tề, đổi tên họ, tự gọi là Chi Di Tử Bì. Sau đó lại sang đất Đào, lấy tên là Chu Công. Đất Đào là nơi nằm ở giữa thiên hạ, vương hầu các nước tấp nập qua lại, thuận tiện cho việc buôn bán. Phạm Lãi mở cửa hàng buôn, tích trữ hóa vật, đợi thời thuận lợi mà bán ra. Trong vòng mười chín năm, Phạm Lãi đã ba lần tạo nên gia sản đáng giá ngàn vàng. Ông đã hai lần mang tất cả của cải ấy cho hết bạn bè cùng họ hàng xa gần nghèo khó. Đấy thực là: “giàu thì thi hành đức mình”.

Khi già yếu, Phạm Lãi để lại gia tài cho con cháu, và con cháu ông đã phát triển nó lên thành một gia sản vô cùng lớn. Bởi thế, khi nói đến người giàu có, người ta thường nhắc đến tên Đào Chu Công.

Tử Cống, theo học thầy Trọng Ni, sau trở về nước Vệ sinh sống. Ông tích trữ, buôn bán hàng hóa mọi loại đến từ đất Tào đất Lỗ , và trở nên người giàu nhất trong số bảy mươi môn đồ Khổng Tử. Nếu như Nguyên Hiến nghèo đến nỗi không đủ tao khang [11] mà ăn, giấu thân trong ngõ hẹp nghèo nàn, thì Tử Cống đi xe tứ mã, cùng đám tùy tùng, mang lụa là gấm vóc làm quà, ngược xuôi thiên hạ. Đi đến đâu ông cũng được các vương hầu tiếp rước vào cung đình và đối đãi như một kẻ ngang hàng. Và cũng với những nỗ lực của Tử Cống mà danh tiếng của thầy ông là Khổng Tử đã vang xa trong khắp thiên hạ.

Thế chẳng phải là giàu có thì đắc thế và được nể vì hay sao?

Bạch Khuê, người nước Chu, sống dưới thời Ngụy Văn Hầu. Nếu Lý Khắc giỏi tận dụng đất đai, thì Bạch Khuê giỏi tận dụng thời cơ theo cách:

“Nguời muốn vất đi, ta thời nhặt lấỵ Người muốn thu về, ta lại vất đi!”

Bạch Khuê nói: “Nếu mùa màng tốt, ta mua thóc và bán tơ và sơn; nếu được mùa tằm, ta mua kén, lụa và bán thóc. Khi Thái Âm ở cung Mão, mùa màng năm ấy sẽ tốt, nhưng năm sau sẽ mất mùạ Thái âm vào cung Ngọ, năm ấy sẽ khô hạn, nhưng năm sau sẽ khá hơn. Thái âm vào cung Dậu, lại được mùa, và năm sau lại xấu đị Thái âm vào cung Tý, sẽ có đại hạn và sau đó lại có lũ lụt. Và sao Thái âm lại trở về cung Mão, thế là tròn một chu kỳ [12]“.

Nhờ nắm được quy luật đó, vựa lúa của ông mỗi năm tăng gấp đôi. Muốn tăng tiền vốn, ông mua thóc rẻ vào. Muốn tăng giá trị, ông mua giống thóc tốt vào. Bạch Khuê sống giản dị, ăn uống kham khổ, tiết kiệm y phục, và chia sẻ sự khó nhọc với gia nhân và nô tỳ của mình. Khi có cơ hội đến ông chộp lấy như mãnh thú vồ chim!

Lại thường nói: “Ta làm kinh doanh [13] như Y Doãn, Lữ Thượng bày mưu, như Tôn, Ngô dùng binh, như Thương Ưởng thi hành pháp luật. Nếu ai đó, không đủ ‘Trí’ để linh họat, quyền biến, không đủ ‘Dũng’ để quyết đoán, không đủ ‘Nhân’ để cho và nhận, không đủ ‘Cường’ để giữ vững chủ định. Thì dù kẻ đó có muốn học thuật của ta thì ta cũng chẳng dạy”.

Bởi thế, thiên hạ nói về Bạch Khuê như ông tổ của thuật kinh doanh. Bạch Khuê có lý thuyết và đã thử nghiệm thành công lý thuyết ấy, ông biết mình nói gì! ấy chẳng phải là nói càn!

Ỷ Đốn làm giàu nhờ làm muối, Quách Túng nhờ luyện sắt, và cả hai có tài sản như vương hầu một nước.

Ô Thị Khỏa chăn nuôi gia súc và khi ông có một đàn khá lớn thì bán đi mà mua lụa thêu và quý vật để gởi tặng vua rợ Nhung [14]. Vua Nhung trả lại bằng mười giá trị được tặng và gởi Ô Thị Khỏa gia súc nhiều đến nỗi ông chỉ có thể ước lượng bằng cách dùng thung lũng để lùa ngựa và cừu vào mà đong. Tần Thủy Hoàng xuống lệnh cho ông hưởng những vinh dự như bậc quân và vời Ô Thị vào triều.

Lại có bà goá họ Thanh ở đất Ba Thục [15]. Tổ tiên khai mỏ chu sa, giữ được độc quyền về nghành này và nhờ vậy đã tích tụ được một gia sản vô cùng lớn. Bà Thanh, tuy goá bụa, nhưng điều khiển được doanh nghiệp và dùng sự giàu có của mình để tự bảo vệ không để ai hà hiếp được.Tần Thủy Hoàng xem bà là một phụ nữ danh tiếng, đối đãi bà như khách và xây ngôi đài mang tên: Nữ Hoài Thanh Đài.

Ô Thị Khỏa chỉ là một người chăn thú tầm thường, Thanh thị chẳng qua là một bà góa nơi chốn xa xôi hẻo lánh, thế mà được đối xử như vương hầu của một nước có vạn cỗ xe. Ấy chẳng phải là do của cải của họ hay sao?

Nhà Hán nhất thống thiên hạ, các biên giới đều mở, sự cấm đoán khai thác tài nguyên của núi, chằm được nới lỏng. Phú thương, các nhà buôn bán lớn chu du khắp thiên hạ, mang hàng hóa đến khắp mọi nơi khiến cho mọi người đều có thể mua được thứ mình cần. Các gia đình thế lực cũng như các vương hầu thời trước tụ tập về kinh đô.

Tượng cưỡi ngựa thời Hán

[Bắt đầu từ đây tác giả bàn về địa lý , ngưồn lợi.. cũng như tính cách người dân mỗi vùng]

Vùng Quan Trung trải dài ngàn dặm từ sông Thiên , Ung đến sông Hoàng Hà và núi Hoa, là cả một vùng màu mỡ. Cứ căn cứ vào cống, thuế thời Ngu, Hạ thì biết ruộng đất ở đây thuộc hàng thượng điền [16] .

Sau này Công Lưu, tổ nhà Chu, cũng đóng đô ở đất Bân, Đại Vương và Vương Lý dời sang đất Kỳ, Văn Vương đóng đô đất Phong, Vũ Vương khởi nghiệp từ đất Cảo. Bởi thế ngưòi dân vùng này còn giữ phong tục tốt của thời tiên vương. Họ quý đất đai, ruộng vườn, giỏi nghề nông, trồng đủ loại ngũ cốc.

Sau đó đến thời Văn Công, Mâu Công nhà Tần đóng đô ở đất Ung, nằm trên trục giao thông chính đến đất Lũng, Thục là nơi nhiều hoá vật và là trung tâm buôn bán. Tần Hiếu Công dời kinh sang đất Lịch Ba, phía bắc thì tiếp giới với rợ Nhung Địch, phía đông là nước Tấn cũng là nơi buôn bán phồn thịnh. Chiêu Vương đóng đô ở Hàm Dương, sau này trở thành kinh đô nhà Hán, Trường An. Đất này cũng là nơi có nhiều lăng tẩm của triều đại.

Đây là nơi thiên hạ mọi nơi đổ xô về sinh sống. Đất hẹp, người đông bởi thế con người ở đây khôn lanh và tinh xảọ Họ bỏ nghề nông xoay qua làm nhiều nghề “ngọn” [17]. Phía nam là đất Ba Thục, một vùng đất phì nhiêu, có nhiều nguồn lợi như gừng, chu sa, đá quý, đồng, sắt, vật dụng bằng trúc, gỗ. đi xa hơn về phía nam là đất Điền [18], đất Ba. Đất Ba là nơi có nhiều nô lệ. Sang phía tây là đất Cung, đất Xạ là nơi nhiều ngựa, trâu bò.

Mặc dù vùng này rất hiểm trở, tứ bề núi non, nhưng nhờ có đường sạn đạo[19] dài cả ngàn dặm, nên không có chỗ nào là không lui tới được. Chính là nhờ những con đường sạn đạo này mà hàng hóa lưu thông giữa các vùng, thoả mãn nhu cầu, cân bằng sự dư, thiếu. Phía bắc kinh sư là vùng Thiên Thủy, Lũng Tây, Bắc Địa và Thượng Quận, phong tục tập quán như vùng Quan Trung. Phía tây vùng này thì có nguồn lợi dến từ rợ Khương, còn phía bắc là rợ Nhung Địch với đàn mục súc lớn nhất thiên hạ. Vùng này hiểm trở, núi non và con đường duy nhất ra khỏi nó là con đường dẫn tới kinh đô. Bởi thế đất Quan Trung nếu so sánh với toàn thiên hạ thì chỉ bằng một phần ba, về dân số mà nói thì chỉ bằng ba phần mười, nhưng chiếm đến sáu phần mười của cải cả toàn quốc.

Xưa, vua Nghiêu đóng đô ở Hà Đông, nhà Ân đóng đô ở Hà Nội, nhà Chu đóng đô ở Hà Nam. Bởi ba vùng “Hà” [20] nằm chính giữa thiên hạ, như ba chân vạc. Nơi đây là trung tâm, các triều đại kiến quốc, dài đến hàng ngàn năm. Đất hẹp người đông, chư hầu tụ hội. Bởi thế người ở đây biết tiết kiệm và khôn khéo trong xử thế.

Đất Dương và Bình Dương [thuộc Hà Đông], phía tây thì buôn bán với nước Tần, nước Địch, phía bắc giao thương với người Chủng, người Đại. Vùng này nằm sát vùng của rợ Hồ, nên hay bị Hung Nô vào đánh cướp. Bởi thế con người ở đây tính khí kiêu hãnh, hào hiệp lẫn gian dối. Họ chẳng cày cấy lẫn buôn bán. Vì tiếp cận biên giới, nên quân đội thường phải đến đây. Và người dân sống nhờ phục vụ chuyển vận binh lương. Tiếp cận với rợ Yết, rợ Di nên phong tục ở đây không thuần, nước Tấn trước khi bị chia đã gặp nhiều khó khăn với tính khí hung hãn của người dân. Tính nết này lại được hỗ trợ bởi chính sách của Vũ Linh Vương nhà Triệu. Thương nhân đất Dương, Bình Dương qua lại vùng này và mua được tất cả những gì họ muốn.

Đất Ôn, đất Chỉ (thuộc Hà Nội), phía tây thì buôn bán với vùng Thượng Đảng, bắc giao thương với đất Triệu, Trung Sơn. Trung Sơn là vùng người đông, đất cằn, nhiều đụn cát. Vùng này vốn là nơi vua Trụ xây cung điện. Bởi thế giữ nhiều thói hư, tật xấu của thời Trụ Vương. Ở đây người ta ưa rình cơ hội mà chụp lấy mối lợi. Nam thường đàn đúm chơi bời, hát xướng. Họ thích hát những bài ca buồn bã. Khi làm việc thì có nghĩa là cầm vồ đi ăn cướp. Khi nghỉ ngơi thì có nghĩa là đi đào mả [kiếm quý vật] hoặc tìm cách đi lừa người. Họ thích diện đẹp và thường trở thành con hát, kép tuồng. Nữ thì tay ôm đàn sắt, chân xỏ hài múa, tìm đến các nhà quyền quý để làm họ mê say. Con gái vùng này thường trở nên các nàng hầu, thiếp trong hậu cung khắp nơi trên đất nước.

Hàm Đan, nằm giữa sông Chương và sông Hoàng Hà, là nơi đô hội. Bắc thông với nước Yên, nước Trác, nam thông với nước Trịnh, nước Vệ. Phong tục nước Trịnh, Vệ thì cũng tương tự như nước Triệu, có điều là vì gần nước Lương nước Lỗ [21] nên người dân ở đây biết trọng lễ nghĩa. Dân vùng Dã Vương trước ở đất Bộc di cư sang. Họ trọng nghĩa khí, hào hiệp và giữ phong cách người nước Vệ.

Nước Yên nằm giữa vịnh Bột Hải và Kiệt Chi, cũng là nơi đô hộị Nam thông với nước Tề, Triệụ Đông bắc giáp với rợ Hộ Từ vùng Thượng Cốc đến Liêu Đông là một giải đất xa xôi, dân cư thưa thớt và hay bị rợ Hồ vào cướp phá. Phong tục ở đây cũng tương tự như nước Đại, nước Triệu. Có điều là người dân ở đây táo tợn như diều hâu và hành động liều lĩnh. Vùng này có nguồn lợi về cá, muối, táo, hạt giẻ. Phía bắc giao tiếp với các giống dân Ô Hoàn, Phù Dự. Phía tây thì thu lợi từ buôn bán với người Triều Tiên, Chân Phiên.

Thành Lạc Dương [thuộc Hà Nam], phía đông thì giao thương với nước Tề nước Lỗ, nam với nước Lương, nước Sở. Phía nam núi Thái sơn là nước Lỗ, bắc là nước Tề.

Tề được bao quanh bởi núi và biển cả. Dân đông, đất đai màu mỡ rộng đến ngàn dặm. Đất vùng này thích hợp cho các giống dâu [nuôi tằm], gai [để dệt vải], và người ta sản xuất đủ loại vải, lụa trắng, lụa nhuộm, cá và muối. Lâm Truy là thành phố đô hội của vùng này. Dân ở đây tính tình khoáng đạt và túc trí, ăn nói thì khôn ngoan. Họ quý đất đai và không thích chiến tranh nhưng không phải thiếu can đảm. Họ làm đủ thứ nghề, năm thứ dân đều có đầy đủ [22]. Thực là phong thái của một nước lớn.

Lại đến nước Trâu, nước Lỗ nằm ven sông Thù, sông Tứ , tiếp nối phong hóa thời Chu Công để lại. Phong tục nho nhã , lễ nghĩa ; người dân thận trọng kỹ lưỡng, trồng dâu, trồng gai. Ở đây có ít rừng, hồ. Đất hẹp người đông, họ sống tiết kiệm đến bủn xỉn, sợ tội lánh tà. Nhưng khi đến thời suy , khi buốn bán họ còn kéo cái lợi về mình còn hơn người Chu.

Sang đến phia đông của kênh Hồng và phía bắc của núi Mang, núi Đãng, cho đến vùng đầm lầy Chúc, là nước Lương, nước Tống. Vùng này có Dao và Tuy Dương là nơi đô hội nhất. Vua Nghiêu lấy Thành Dương làm nơi nghỉ ngơi, vua Thuấn câu cá đầm Lôi, vua Thang đóng đô đất Bạc. Bởi thế dân sống theo phong hóa tiên vương, nhiều đấng quân tử, dân cấy cầy, gặt hái siêng năng. Tuy không nhiều nguồn lợi từ sông núi, người dân cần kiệm, mặc áo thô, ăn ở tiết kiệm, nên vẫn tích trữ đươc dư đủ.

Nước Việt, nước Sở gồm ba vùng với tập quán khác nhau. Từ mạn bắc sông Hoài đến đất Bái, Trần, Nhữ Nam và Nam Quận là vùng tây nước Sở. Dân tình khinh bạc, nhẹ dạ và nóng nảy. Đất đai kém phì nhiêu, thu hoạch kém cỏi nên khó tích tụ của cải. Dĩnh Đô là kinh đô nước Sở, nằm ở vùng Giang Lăng. Phía tây Giang Lăng thông với đất Vu, đất Ba, phía đông có tài nguyên của hồ Vân Mộng. Thời nhà Hạ, đất Trần là vùng giao tiếp giữa Sở và Hạ [*]. Hàng hóa trao đổi là cá và muối, người dân mở nhiều cửa hàng nuôn bán. Đất Từ, Đồng, Thủ Lự là nơi dân tình thật thà , tự hào , tín nhiệm và nghiêm cẩn, đã hứa thì giữ lấy lời.

Từ Bành Thành đi về phía đông là các vùng Đông Hải, Ngô, Quảng Lăng, đó miền đông nước Sở. Phong tục nơi đây cũng giống như ở đất Từ, đất Đồng. Từ đất Câu , đất Tăng lên mạn bắc thì phong tục lại giống nước Tề. Ở phía nam sông Chiết Giang là nước Việt. Trải qua nhiều thời , từ Ngô Hạp Lư , Xuân Thân Quân đến thời Vương Tỵ, cả ba người [23] đều chiêu dụ người tài trí đang ngao du trong thiên hạ về đây, phía đông có tài nguyên về muối từ biển, quặng đồng từ núi Chương Sơn, tài nguyên của Tam Giang, Ngũ Hồ . Bởi thế đây là nơi đô hội nhất vùng Giang Đông.

Miền nam nước Sở gồm các vùng Hoành Sơn, Cửu Giang, Giang Nam, Dự Chương. Phong tục vùng này cũng giống như miền tây nước Sở. Khi Sở dời đô từ Thọ Xuân về Dĩnh thì nơi đây trở thành nới đô hội nhất. Đất Hợp Phì ở trên [trục giao thông][24] nam bắc, thu góp các sản vật như vỏ cây,da thú, cá muối, gỗ. Ảnh hưởng bởi phong tục người Mân Trung, Vu Việt nên người nam nước Sở khéo ăn khéo nói, giởi thuyết phục, thế nhưng khó tin lời họ được. Vùng Giang Nam ẩm thấp, đàn ông chết yểu. Nhiều gỗ và trúc, Dự Chương có [quặng] vàng, Trường sa có chì, thiếc, thế nhưng vì lượng ít ỏi, nên thu nhập chẳng bù được tổn phí. Từ đất Cửu Nghi, Thương ngô đi xuống phương nam, cho đến Đam Nhĩ , thì ở đây phong tục thì cũng đại thể giống như dân miền Giang Nam, lại thêm nhiều tính cách của người Dương Việt. Phan Ngu cũng là nơi đô hội nhất nơi đây, thu góp các sản vật như ngọc châu, sừng tê, ngọc mạo, quả cây, vải vóc.

Dĩnh Xuyên và Nam Dương, xưa là đất nhà Hạ. Bởi phong hóa lưu truyền từ thời các tiên vương [vua nhà Hạ] , nên dân tình chất phác và trung thành. Người Dĩnh Xuyên đôn hậu và ngay thật. Cuối thời Tần, nhiều người phạm tội bị [đi đày] đến Nam Dương. Đất Nam Dương, phía tây thông [với các vùng khác] qua đèo Vũ Quan và Vân Quan, phía đông và phía nam giao thông với Hán bằng sông [Dương Tủ] Giang, sông Hoài. Trong vùng này, Uyển là nôi đô hội nhất. Phong tục không đồng đều, phức tạp, dân chúng nhiều người làm nghề buôn bán. Quan trên vùng này làm việc khắng khít với Dĩnh Xuyên, cho đến ngày nay người ta vẫn xem dân vùng này là dân nhà Hạ.

Nói chung trong thiên hạ, sản phẩm tùy theo loại mà chỗ nhiều chỗ ít. Người ta cũng theo đó mà sống, chẳng hạn như vùng Sơn Đông thì người dân ăn muối biển, Sơn Tây thì dùng muối mỏ. Các vùng khác như Lĩnh Nam, vùng sa mạc phía bắc sản xuất muối. Về đại thể [ thì các sản phẩm khác ] cũng như thế.

Nhìn một cách tổng quát, ở đất Sở và Việt, đất rộng người thưa, người dân ăn cơm, ăn canh cá. Họ canh tác theo cách “Hỏa canh thủy nậu” [ dùng lửa mà đốt cây,cỏ,rơm.. và dẫn nước vào ruộng để diệt cỏ]. Người ta có thể hái hoa quả, nhặt ốc, hàu mà không cần chờ thương nhân [mang hàng tới bán] mà vẫn được đầy đủ. Bởi đất phì nhiêu, giàu phẩm vật, họ không sợ nạn mất mùa , đói kém. Bởi thế con người sinh ra lười nhác, dễ dãi và sống yên ổn, tạm bợ ngày qua ngày. Họ không tích trữ, tiết kiệm nên phần đông lại nghèo. Từ sông Dương Tử , sông Hoài đi xuống phương nam, con người, không ai đói rét , nhưng cũng chẳng ai giàu có ngàn vàng.

Từ sông Nghi , sông Tứ đi lên phía bắc, [người ta] có thể trồng trọt năm loại lúa , ngũ cốc; các loại cây như dâu [để nuôi tằm], gai [ để dệt vải ] ; chăn nuôi sáu giống gia súc. Đất hẹp người đông, hay bị hạn hán. Bởi thế người dân phải lo mà tích trữ. Bởi thế, các nước Tần, Hạ, Lương, Lỗ trọng nông nghiệp và nông dân. Ở các vùng như Tam Hà [Hà đông, Hà Nội, Hà Nam] , Uyển và Trần thì cũng thế, tuy nhiên ở các vùng này thương nghiệp phát triển hơn. Người nước Tề, nước Triệu trí xảo , khôn ngoan. Họ luôn chờ cơ hội để kiếm lợi. Người nước Yên, nước Đại làm ruộng, chăn nuôi gia súc, lại thêm nghề tằm tơ.

Vũ nữ thời Hán

[Động cơ thúc đẩy con người làm việc ]

Xem xét tất cả các chuyện như thế thì thấy:

Kẻ hiền tài, mưu sâu kế rộng, nghị luận ở chốn triều đình, giữ gìn tín nghĩa, sẵn sàng tử tiết. Kẻ ẩn sĩ rút về non cao, ẩn náu hang sâu; tạo lập danh tiếng uy tín. Để làm gì thế? Rút cục là vì muốn phú hậu.

Quan lại thanh liêm, nếu giữ được thanh liêm lâu dài tất cũng sẽ giàu. Nhà buôn thành tín cũng trở nên giàu có. Giàu có, ấy là ước muốn tự nhiên của con người, chẳng cần phải học mới biết.

Hãy xem, những tráng sĩ trong quân, khi tấn công thành trì thì leo lên trước, tấn công đẩy lui quân địch, chém tướng đoạt cờ, tiến lên trước mũi tên lằn đạn, không sợ nguy nan nước sôi lửa bỏng. Để làm gì thế? Để được trọng thưởng.

Hãy xem, bọn thiếu niên nơi đầu làng góc phố, vác vồ mai phục, cướp người trộm của, giết người chôn xác, đủ điều gian ác, quật mả đào mồ, đúc tiền giả mạo. Còn như, bọn hiệp sĩ kia, tụ bè kết đảng, kết giao báo cừu , soán đoạt tranh giành , âm mưu sâu độc, ẩn mình dối gian, coi thường pháp luật, chẳng sợ phép cấm, chạy vội chạy vàng, vào nơi tử địa.Thực ra chỉ là vì tiền của.

Con gái nước Triệu, ca nhi nước Trịnh, tô son điểm phấn, khảy phím đàn cầm, vén tay áo dài, rón rén bước hài, mắt liếc đung đưa, khiêu gợi quyến rũ, không sợ đường xa , chẳng nề ngàn dặm, chẳng nề tuổi tác, già trẻ không cần. Ấy là chạy theo giàu có vậy.

Chàng công tử nhàn du, điểm trang mũ áo, gươm kiếm dắt lưng, xe ngựa hàng đoàn. Ấy là muốn khoe sang phô giàu.

Thợ săn ngư phủ , chẳng nề sớm tối, sương tuyết lặn lội , xuống tận vực sâu , vào tận hang động, chẳng sợ mãnh thú. Cốt để kiếm được mồi ngon.

Hãy đến mà xem, đánh bạc, đấu vật, đua xe, chọi gà đua chó, mặt đỏ bừng bừng, tâm thần căng thẳng. Ấy là chỉ muốn thắng sợ thua.

Từ nhà y thuật, phương thuật đến thợ khéo nghề, tất cả đều lao tâm khổ trí, dùng hết năng lực. Vì cần cơm gạo[25].

Quan to lại nhỏ, bẻ cong văn bản, coi thường luật pháp, khắc con dấu giả, bịa đặt ngụy thư, chẳng lo hình phạt, đao chặt dao cưa. Vì họ bị chìm đắm trong của hối lộ biếu xén.

Nhà nông, công nhân, người buôn, kẻ bán tất cả đều lo tích trữ tài vật, tăng trưởng vốn liếng. Họ dùng hết năng lực cho việc như thế. Cuối cùng thì còn sức nào mà nhường tài vật cho ai.

Tục ngữ có câu rằng:

“Chẳng ai đi trăm dặm để mà buôn củi; Không ai đi ngàn dặm để mà mua thóc”.

Định ở nơi nào một năm, gieo hạt thóc lúa. Ở mười năm, vun trồng cây cối. Ở trăm năm, vun bồi đức độ. Chữ “Đức” ở đây có nghĩa là đối xử phúc hậu đối với mọi người.

[ Tác giả kể về những doanh nhân tài giỏi , “quý tộc dân dã”]

Ngày nay, có những kẻ không hề có chức tước, không hề được ban bổng lộc hay thái ấp. Thế nhưng, họ sống vui thú chẳng thua kém gì những vị có tất cả các điều đó. Họ có thể được gọi là giới “quý tộc dân dã” [26]. Nếu được phong thái ấp thì có thể thu tô thuế mỗi hộ dân 200 quan tiền một năm. Như thế, một vị vương hầu “thiên hộ”, được phong ấp với một ngàn hộ dân, sẽ có thu nhập là 200.000 quan tiền. Thu nhập đó lại phải trừ đi phí tổn lui tới chốn triều đình, thết đãi và tiến cống. Những người dân bình thường như nhà nông, thợ thuyền hay thương gia tuy chỉ thuộc hạng thứ dân, nhưng nếu có thể bỏ vốn để đầu tư 10.000 quan thì lợi tức mà họ có thể trông chờ là 2.000 quan. Vì vậy, nếu một gia đình có vốn 1.000.000 quan để đầu tư thì cũng thu nhập được đến 200.000 quan. Thu nhập đó phải trả chi phí lao động, tô thuế. Thế nhưng với phần còn lại, họ có thể thỏa mãn như cầu ăn ngon mặc đẹp, sống phong lưu như họ muốn.

Vì vậy, người đời nói rằng: Những người có đất đai để thả nuôi năm mươi con ngựa, hay 250 con bò, hay 250 con cừu, hay có đầm lầy để nuôi 250 con lợn [27], hay có ao hồ để thả nuôi 1000 thạch [28] cá. Những người có đất rừng vùng núi có thể thu hoạch 1.000 súc gỗ.  Những người trồng 1.000 cây táo ở An Ấp, hay 1.000 cây hạt dẻ ở nước Yên hay nước Tần, hay 1.000 cây quýt ở đất Thục, Hán, Giang Lăng, hay 1.000 cây gỗ thị ở phía bắc sông Hoài hoặc phía nam Thường Sơn trong vùng sông Tế.  Những người sở hữu 1.000 mẫu trồng cây sơn ở nước Trần, nước Hạ, hay 1.000 mẫu trồng cây dâu tằm hoặc cây gai dầu ở nước Tề, nước Lỗ, hay 1.000 mẫu trồng tre trúc ở Vị Xuyên. Ở vùng ngoại ô các thành phố đông dân hay trong các nước danh tiếng, những người có 1000 mẫu ruộng, với sản lượng 10 hộc gạo một mẫu, hay 1000 mẫu đất trồng cây Chi , cỏ Thiến, hay 1000 luống gừng hoặc tỏi [29]. Với những tài sản mang lại hoa lợi phong phú như thế, tất cả những chủ nhân tài sản đó có thể sống không thua kém một bậc ‘Thiên hộ hầu’ thu tô thuế của ngàn hộ dân. Họ chẳng cần ra chợ búa, chẳng cần sang nước khác, chỉ việc ngồi nhà mà chờ thu lợi. Họ sống như một ông quan về hưu mà vẫn hưởng đủ bổng lộc.

Ở cực ngược lại là những con người nghèo khổ, vợ yếu con thơ, hàng năm chẳng biết lấy gì để cúng tế tổ tiên, ăn uống kham khổ, áo chăn chẳng đủ lo thân, họ bị coi thường và cảm thấy tủi nhục. Bởi thế khi con người không chút của cải gì thì họ dùng sức để làm lụng. Có thêm chút ít tiền của thì họ dùng trí để mà phấn đấu. Khi đã tích lũy được nhiều hơn thì họ tìm kiếm cơ hội. Đó là lẽ thường tình trong đời. Ngày nay, phép kinh doanh khôn ngoan là tránh mối nguy đến bản thân. Làm giàu bằng nghề gốc [nông nghiệp] là tốt nhất, thứ đến là làm giàu bằng nghề ngọn [thương nghiệp], tệ hại nhất là làm giàu bằng gian dối.

Con người ta, phàm là kẻ thứ dân phải chịu thuế thì hễ: gặp kẻ giàu gấp mười tất cảm thấy mình thua kém, giàu gấp trăm thì sinh ra kính nể, giàu gấp ngàn thì xin được sai khiến, giàu gấp vạn thì xin làm tôi tớ. Âu cũng là lẽ thường tình của người đời. Nếu đang nghèo mà muốn trở thành giàu có thì: nông chẳng bằng công, công chẳng bằng thương. Ở nhà thêu thùa sao bằng lê la ngoài cổng chợ. Thế cho nên mới nói rằng, nghề phụ là nguồn của cải của người nghèo.

Người ta nói rằng: hễ ai một năm có các mặt hàng sau đây: chưng cất một ngàn chai rượu, ngàn vò dấm tương, mổ bán một ngàn con bò, cừu hay lợn, bán một ngàn chung [30] thóc hạt, một ngàn xe củi đốt, một ngàn súc gỗ, mười ngàn sào tre, [..] [31] thì những người ấy có thu nhập chẳng kém bậc quyền quý có ngàn cỗ xe.

Bây giờ xin nói qua về những kẻ tài giỏi trong vòng một ngàn dặm trở lại về cách làm giàu của họ.

Tổ tiên của gia đình họ Trác là người nước Triệu. Họ trở nên giàu có bằng nghề khai mỏ sắt. Khi nước Tần diệt nước Triệu, họ Trác bị đuổi ra khỏi quê hương của họ. Họ bị tước đoạt hết của cải và gia nhân, chỉ còn hai vợ chồng, cùng nhau đẩy một chiếc xe trên đường đi đày. Trong khi những người cùng bị đi đày đem chút của cải còn lại hối lộ quan lại để xin được đày đi chỗ gần. Họ được cho chuyển đến vùng Gia Minh. Chỉ riêng họ Trác cho rằng: “Đất ấy vừa hẹp vừa cằn cỗi. Ta nghe rằng, ở vùng Vấn Sơn, đất đai màu mỡ, khoai môn ê hề dưới đất, sống ở đó đến chết cũng chẳng bao giờ sợ đói. Người dân thì khéo tay, giỏi buôn bán. Sống ở đó dễ buôn bán làm ăn”. Bởi thế , họ Trác mới xin được đày đi xa và được cho phép đến sống ở vùng Lâm Cung. Anh ta vui mừng khôn xiết. Đến nơi tìm thấy mỏ sắt trong vùng núi. Trác khai mỏ nấu sắt, sắp đặt cơ sở kinh doanh, buôn bán làm ăn với người nước Thục, nước Điền và trở thành giàu có đến độ có cả ngàn gia nhân. Trác sống vui thú điền viên, thăm thú ruộng đồng, rong chơi ao hồ, bắn chim săn thú, chằng khác gì một vị quí nhân.

Giống như Trác, Trình Trịnh, người đất Sơn Đông, cũng bị đi đày và tước đoạt tài sản. Trịnh cũng làm nghề nấu sắt, buôn bán làm ăn với người bản địa búi tóc hình trùy, giàu ngang ngửa với gia đình họ Trác. Cả hai cùng sống ở Lâm Cung.

Tổ tiên Khổng Thị đất Uyển là người nước Lương. Khi nước Tần diệt nước Ngụy, Khổng Thị bị đày đi Nam Dương. Ở nơi đây, Khổng Thị lập cơ sở nấu sắt với quy mô lớn và trở nên giàu có. Khổng Thị cưỡi xe ngựa, chu du giao thiệp với các vương hầu và dùng mối quan hệ rộng rãi đó để mở rộng việc kinh doanh. Khổng Thị nổi tiếng là công tử nhàn hạ và hào phóng, vung tay quà cáp biếu xén, chẳng tiếc gì. Thế nhưng lợi nhuận thu được lại vượt xa chi phí. Vì thê, Khổng Thị thu lợi cao hơn nhiều so với các doanh nhân bủn xỉn hà tiện, gia sản đến cả ngàn vàng. Bởi thế, các thương nhân vùng Nam Dương đều noi theo phong cách ung dung, hào phóng của Khổng Thị.

Người nước Lỗ thường keo kiệt, bủn xỉn. Thế mà họ Bỉnh đất Tào lại càng đặc biệt hơn. Họ Bỉnh khởi nghiệp bằng nghê nấu sắt, giàu đến tiền rừng bạc bể. Thế nhưng, trong gia đình, từ cha mẹ cho đến anh em con cháu đều tâm niệm: Không bao giờ cúi xuống mà không nhặt một cái gì, Chẳng bao giờ ngẩng lên mà chẳng hái một cái gì. Họ mở rộng kinh doanh ở khắp các tỉnh trong nước, cho vay nợ và buôn bán. Người nước Trâu, nước Lỗ quay lưng lại với văn chương, học vấn để chạy theo lợi lộc, ấy là vì noi gương của họ Bỉnh.

Người nước Tề thường khinh bỉ nô lệ [32]. Thế nhưng Đao Nhàn lại coi trọng họ. Thường thì người ta ngại những người nô lệ thông minh, có tài năng đặc biệt. Riêng Đao Nhàn lại sẵn sàng thu nhận họ, giao cho họ đi buôn muối, bán cá kiếm lời. Đao Nhàn cùng đoàn tùy tùng rong ruỗi trên cả đoàn xe ngựa, kết giao với quan tướng các quận. Mặc dù có quan hệ rông rãi với giới quyền quý, Đạo Nhàn rất cần đến sự trợ giúp của những gia nô của ông. Nhờ biết sử dụng tài năng của họ, Đạo Nhàn trở thành giàu có, tài sản lên đến hàng chục triệu. Bởi vậy, có câu rằng: “nhận chức tước hay làm việc với Đao Nhàn?”. Bởi Đao Nhàn biết dùng người nô lệ tài trí, tạo điều kiện cho họ làm lợi cho chính bản thân họ, đồng thời tận dụng khả năng của họ một cách tốt nhất.

Người nước Chu xưa nay vốn bủn xỉn, chi li. Thế nhưng Sư Sử lại là một nhân vật thật khác thường. Với cả trăm xe hàng, mở rộng buôn bán ở khắp các quận, các nước, không nơi nào là không đến. Lạc Dương nằm ở trung tâm, giữa các nước Tề, Tần, Chu, Triệu. Con người năng nổ, thậm chí dân nghèo cũng xin vào phú gia để học việc, để rồi khoe với nhau rằng: đi buôn lâu rồi, bận quá chừng, nhiều lần về nước, đi ngang qua nhà mà chẳng có giờ để bước vào cửa. Biết dùng những con người năng nổ đó, Sư Sử trở thành giàu có, tích lũy tiền của lên đến 70 triệu.

Tổ tiên của họ Nhậm vùng Tuyên Khúc vốn là một quan đốc đạo quản lý kho lúa. Khi nhà Tần diệt vong, anh hùng hào kiệt khắp nơi nổi lên, tranh nhau vàng bạc châu báu. Riêng một mình Nhậm lặng lẽ đào một cái hố, tích trữ thóc lúa. Hán Sở tranh hùng, giao tranh cầm chân nhau ở Huỳnh Dương. Chiến cuộc kéo dài, dân không thể cày ruộng và trồng trọt, giá ngũ cốc tăng vọt lên đến mười ngàn quan một thạch. Thế là bao nhiêu vàng bạc châu báu mà hào kiệt tước đoạt được trước kia lại vào tay Nhậm Thị. Nhờ thế họ Nhậm bắt đầu trở nên giàu có. Mặc cho những người giàu có khác ganh đua nhau khoe giàu khoe sang, sống trong xa xỉ thì họ Nhậm lại sống rất cần kiệm, dành toàn bộ sức lực cho canh tác và chăn nuôi. Trong khi mọi người cố gắng mua ruộng và đồng cỏ rẻ nhất, thì riêng một mình Nhậm chỉ nhắm mua các thửa ruộng màu mỡ nhất. Nhờ thế, họ Nhậm giữ được phú quý qua nhiều thế hệ. Nhậm công đặt ra gia ước cho toàn thể gia đình phải tuân theo rằng: -Không ăn, không mặc bất cứ một thứ gì không được sản xuất từ ​​chính ruộng đồng và đàn gia súc của gia đình mình. -Công việc chung chưa hoàn tất, không uống rượu ăn thịt. Thực hiện nghiêm chỉnh gia ước này, gia đình họ Nhậm giữ được nếp nhà , vừa giàu có vừa có vị thế lãnh đạo trong xã hội, được mọi người trọng vọng kính nể.

Khi ranh giới được xóa bỏ, biên cương mở rộng [33], chỉ riêng Kiều Diêu là tận dụng được cơ hội làm giàu, sở hữu đàn gia súc lớn với một ngàn ngựa, hai ngàn bò, mười ngàn cừu và kho thóc lúa nhiều đến vạn chung.

Nước Ngô và nước Sở cùng 5 nước khác dấy loạn khởi binh chống Cảnh Đế [34]. Tại kinh đô Trường An, các vương hầu trung liệt mộ quân để theo phò Hán Cảnh Đế. Để đài thọ quân phí họ muốn vay tiền. Thế nhưng, những nhà cho vay từ chối vì cho rằng đất phong của các vương hầu này ở đất Quan Đông là vùng đèo núi và tình hình chiến cuộc chưa rõ thắng bại. Duy chỉ có nhà cho vay họ Vô Diêm là sẵn sàng xuất một ngàn cân vàng cho vay với lãi xuất một lời mười. Chỉ sau ba tháng, Ngô Sở thua trận. Chỉ trong vòng một năm, Vô Diêm Thị đã thu về lợi nhuận gấp mười số vốn. Ông trở thành người giàu nhất vùng Quan Trung.

Các thương gia giàu có, buôn bán lớn ở vùng Quan Trung phần lớn thuộc dòng họ Điền. Như Điền Sắc, Điền Lan. Ngoài ra còn có gia đình họ Lật ở Vi Gia và họ Đõ ở An Lăng. Các gia đình giàu có này cũng có tài sản lên đến hàng trăm triệu.

Các con người vừa kể trên và còn nhiều người khác là những nhân vật xuất chúng. Họ không hề có chức tước, không được ban thái ấp để mà hưởng lộc, cũng không làm bất cứ điều gì gian dối, phạm pháp để làm giàu. Họ biết nắm lấy cơ hội, hoạch định tài giỏi trong việc kinh doanh sinh lợi. Họ biết kết hợp, dùng nghề phụ là thương nghiệp để làm giàu và ổn định tài sản một cách bền vững bằng nghề gốc là nông nghiệp. Họ uyển chuyển, biến hóa linh hoạt, tùy thời tùy hoàn cảnh, dùng cả văn lẫn võ.

Ngoài những con người tiêu biểu kể trên, còn rất nhiều người nữa, nhà nông, nhà chăn nuôi, nhà buôn nhờ tài trí mà trở thành giàu có. Kẻ thật giàu có ảnh hưởng lên cả quận, giàu bậc trung ảnh hưởng lên cả huyện, giàu bậc dưới đúng đầu cả làng. Thế nhưng họ rất đông, không thể nào kể xiết.

Làm việc cần cù, sống tiết kiệm hẳn là một cách bình thường để sinh nhai. Thế nhưng, những kẻ trở nên giàu có phải luôn sử dụng phương cách độc đáo để mà vươn lên. Làm ruộng là nghề cuốc đất, thế mà Tần Dương đã nhờ thế mà trở thành người giàu nhất vùng. Đào mả là nghề gian ác, thế mà Điền Thúc từ đó mà khởi nghiệp. Cờ bạc là nghề bạc ác, thế mà Hoàn Phát nhờ đánh bạc mà giàu. Quân tử trượng phu mà nghe đến chuyện chạy chợ, đi buôn hẳn chê là chuyện đê tiện, thế nhưng Ung Nhạc lại nhờ đó mà được sung túc. Bán dầu rán mỡ hẳn là chuyện nhục nhã, thế nhưng Ung Bá đã kiếm ngàn vàng nhờ dầu mỡ. Bán tương hẳn là nghề nhỏ mọn, thế nhưng Trương Thị kiếm được bạc triệu nhờ tương. Bán khô bao tử hẳn là nghề nhỏ mọn, thế mà họ Trọc trở thành giàu có, thung dung cả đàn xe ngựa. Làm thầy lang chữa bệnh ngựa hẳn là nghề nông cạn, thế nhưng Trương Lý trở thành phú gia nhờ ngựa. Tất cả những con người này trở nên thành đạt do họ dốc toàn tâm toàn lực vào nghề của họ.

Từ đó, ta có thể thấy rằng, không có một con đường cố định để đi đến thành công và giàu có. Tiền bạc của cải không có chủ vĩnh viễn. Nó tụ về người tài giỏi như những nan hoa của bánh xe hướng về trục quay, nó tan vỡ trên tay kẻ bất tài như những mảnh ngói vụn.

Một phú gia có ngàn vàng có thể sánh vai với chúa tể thành phố.

Giàu đến trăm triệu có thể vui chơi cùng với nhà vua.

Há chẳng được gọi họ là thuộc hàng “quý tộc dân dã” sao?

Hay chẳng phải thế?

Ghi chú :

  1. Văn bản trên mạng: 史記 : 列傳 : 貨殖列傳 – 中國哲學書電子化計劃 (ctext.org)

  2. Lão tử chủ trương “dứt thánh, bỏ trí”, trở về lối sống đơn sơ mộc mạc như thời thái cổ.

  3. Thái Sử Công tức là chính Tư Mã Thiên, ông làm Sử Quan nhà Hán.

  4. Chu sa , nghĩa là “cát đỏ”, còn gọi là đan sa, là quặng thủy ngân. Đạo gia thường dùng để luyện đan.

  5. Câu này nguyên văn là: 此寧有政教發徵期會哉? (Thử ninh hữu chính giáo phát trưng kỳ hội tai?). Tôi tạm dịch là “trưng thu định kỳ”, theo kiểu thu tô, thuế. Burton Watson dịch là “periodic assemblies”.

  6. Ở đây ta thấy tác giả đã đưa ra quy luật kinh tế “giá cả&luật cung/cầu” và cơ hồ như cổ vũ cho “thị trường tự do”.

  7. Nước Tề nằm ở Sơn Đông ngày nay, phía bắc, giáp biển. Nước Tề nổi tiếng về buôn bán làm ăn. Thời Quản Trọng sống là khoảng thế kỷ thứ 7 trước CN , trước Tư Mã Thiên khoảng 500 năm.

  8. Bồi thần là “bề tôi hai cấp”. Quản Trọng là bề tôi của Tề Hoàn Công, Hoàn công là bề tôi của vua nhà Chu

  9. Sao Tuế tức là Mộc tinh (Jupiter)

  10. Trong nguyên bản, Tư mã thiên chỉ viết nhũng con số 20,80 vv… Chúng tôi phải thêm chữ “quan tiền”, “quan” cho dễ đọc.

  11. “Tao khang” tức là cám và bã rượu. Ý nói nghèo đến nỗi phải ăn cám. Khi ta nói: vợ chồng tình nghĩa “tao khang” là ở ý này, tình nghĩa từ thủa cùng cam chịu nghèo khổ với nhau.

  12. Sao Mộc xoay trên vòm trời theo chu kỳ mười hai năm. Bởi sao Mộc quay ngược chiều với các tinh tú nên các nhà thiên văn lấy “sao” thái âm là một sao giả xoay cùng chiều với các tinh tú để làm chuẩn. Quy luật về mối liên hệ thiên văn và mùa màng mà Bách Khuê nói tới cũng chính là quy luật của Kế Nhiên đưa ra.

  13. Nguyên văn là 吾治生產 (Ngô trị sinh sản ). Từ “sinh sản” đối với người Việt ngày nay có nghĩa khác! Ở đây là “sinh sản nghiệp” , tức là kinh doanh.

  14. Xưa, người Trung Hoa xem các dân tộc xung quanh là “rợ” như: Bắc Nhung, Bắc Địch, Tây Khương, Đông Di, Nam Man.

  15. Ba Thục tức vùng Tứ Xuyên ngày naỵ.

  16. Thượng điền là ruộng tốt nhất

  17. nguyên văn là “mạt” (末) có nghĩa là nghề “ngọn”, trái với nghề “gốc” , nghề căn bản, là nghề nông

  18. Điền (滇) tức là vùng Vân Nam bây giờ. Vùng này cũng nổi tiếng với nền văn minh ” trống đồng” như Đông Sơn ở Việt Nam.

  19. Trên vùng núi non hiểm trở người ta đục núi, bắc ván làm đường gọi là sạn đạo.

  20. Các vùng “Hà” này nằm xung quanh sông Hoàng Hà.

  21. Nước Lỗ là nước của Khổng Tử.

  22. Ngũ dân : sĩ , nông, công, thương, cổ. “Thương” (商) có nghĩa là đi buôn ở xa, “Cổ” (股) là mở cửa hàng tại chỗ để buôn bán.

  23. Ba nhân vật trong đoạn văn này là: Hạp Lư (闔廬) vua nước Ngô (514 BC) , Xuân Thân Quân (春申君) là tể tướng nước Sở(~250BC) , Vương Tỵ (王濞) hay còn là Lưu Tỵ (劉濞) (195 BC) là cháu Hán Cao Tổ.

  24. Đất Hợp Phì nằm trên trục giao thông bắc-nam, phía bắc là sông Hoài , phía nam là sông Dương Tử.

  25. Nguyên văn “vi trọng tư dã”[為重糈也]. Chữ 糈[Tư] có nghĩa là lương thực, gạo cúng thần. Ngoài ra còn có nghĩa là thù lao.

  26. Nguyên văn “Tố Phong” [素封] để chỉ các người không có chức tước mà giàu có. Tố có nghĩa là mộc mạc đơn giản. Phong là được phong chức tước, đất đai. Khổng Tử được mệnh danh là “Tố vương” vì ông có ảnh hưởng chẳng kém gì một ông vua.

  27. Nguyên văn: “lục địa mục mã nhị bách đề, ngưu đề giác thiên, thiên túc dương, trạch trung thiên túc trệ”. Có thể hiểu 200 vó ngựa, 1000 chân sừng bò, 1000 chân dê, 1000 chân lợn. Không rõ vì sao Watson dịch là “50 ngựa, 100 bò, 500 dê, 500 lợn. Người dịch dùng con số chia bốn [chân]: 100 ngựa, 250 bò, 250 dê , 250 lợn. Watson chú thích là dịch theo nghiên cứu của GS Miyazaki Ichida, “A Price list in the Biographies of Millionaires in the Shi-ji”, Miscellanea Kiotensia (Kyoto Universitym1956), pp 451-74.

  28. Thạch [石] : Đơn vị đo lường dung tích [có khi lại là đơn vị trọng lượng]. Nếu hiểu là dung tích thì: 1 Thạch bằng 10 đấu [斗]. Thời Tần-Hán , một đấu tương đương khoảng 2 lít. Như thế , một thạch tương đương khoảng 20 lít.

  29. Tên thực vật: Táo[棗],Lật[栗]:cây hạt dẻ, Quất[橘]:quít,Thu[萩]: cây Tử mộc hay Cây Thị, dùng để đóng vật dụng, Chi và Thiến [卮茜] là hai loại thảo mộc có màu dùng để nhuộm .

  30. Chung [鐘]: Đơn vị đo lường, bằng 10 hộc [斛]. 1 hộc bằng 10 đấu[斗].

  31. Danh sách các mặt hàng rất dài: da thú, vải vóc , rau quả vv…, người dịch xin lược bớt .

  32. Nguyên văn: Nô Lỗ [ 奴虜] . Nô là người phạm tội, Lỗ là tù binh. Họ bị bắt trở thành nô lệ.

  33. Nhà Hán thống nhất Trung quốc, bãi bỏ biên cương các nước , mở rộng biên giới.

  34. Biến cố này là “loạn 7 nước” [ Thất quốc chi loạn] , xảy ra năm 154 trước CN, thời Tây Hán. Bảy nước dẫn đàu bởi Ngô và Sở liên minh chống lại Hán Cảnh Đế.