Press "Enter" to skip to content

LÝ THUYẾT TRÔI DẠT

LÝ THUYẾT TRÔI DẠT

GUY DEBORD

Dịch giả: Phạm Tấn Xuân Cao

Guy Debord (1931-1994) là triết gia Mác-xít nổi tiếng người Pháp. Ông là một trong những thành viên chủ chốt sáng lập Quốc tế Chữ cái (Letterist International) – nhóm các nghệ sĩ và lý thuyết gia văn hóa cấp tiến hoạt động sôi nổi ở Paris từ năm 1952-1957, và Quốc tế Tình huống (Situationist International) – tổ chức cách mạng xã hội do các nghệ sĩ tiên phong, trí thức và lý thuyết gia chính trị thành lập nổi lên ở châu Âu từ năm 1957 đến năm 1972. Nhắc đến Guy Debord đồng nghĩa với việc nhắc đến tác phẩm Xã hội diễn cảnh (1967). Thế nhưng, đó chưa phải là tất cả! Ngoài quan niệm về “diễn cảnh” (spectacle), ông còn có một quan niệm khác khá độc đáo – trôi dạt (dérive). Trôi dạt là khái niệm rất quan trọng trong lý thuyết của Quốc tế Tình huống. Đối với những người theo thuyết tình huống, trôi dạt là kỹ thuật mang tính cách mạng nhằm chống lại tình trạng khó chịu và nhàm chán trước một xã hội diễn cảnh. Trong bài viết dưới đây, Debord định nghĩa trôi dạt là một trong những thực hành cơ bản của chủ nghĩa tình huống, được hiểu như là “kỹ thuật di chuyển nhanh qua nhiều môi trường khác nhau.” Nghiên cứu về trôi dạt là công cụ quan trọng trong việc phát triển lý thuyết địa tâm lý học (psychogeography), vốn tập trung vào sự mất phương hướng của cảm xúc, tác động cụ thể của môi trường địa lý đô thị lên cảm xúc và hành vi của các cá nhân, từ đó dẫn đến khả năng tạo ra các tình huống.

Một trong những thực hành cơ bản của chủ nghĩa tình huống là sự trôi dạt (dérivé), đây được hiểu như là một kỹ thuật di chuyển nhanh qua nhiều môi trường khác nhau. Trôi dạt liên quan đến hành vi kiến tạo theo hướng chơi và nhận thức về các tác động địa tâm lý, do đó, nó khá khác với những quan niệm cổ điển về sự du hành hay việc đi dạo.

Ở sự trôi dạt, một hoặc nhiều người, trong suốt một khoảng thời gian nhất định, tiến hành thu giảm các mối quan hệ, công việc và các hoạt động giải trí, cũng như tất cả các động cơ chuyển động lẫn hành động thông thường khác của mình để thả lỏng bản thân theo những sự hấp dẫn của nơi chốn và những cuộc gặp gỡ mà họ tìm thấy ở đó. Ở hoạt động này, sự tình cờ (chance) là một yếu tố không mấy quan trọng so với việc người ta có thể nghĩ đến vai trò của nó: từ điểm nhìn của sự trôi dạt, một thành phố thường có những đường nét địa tâm lý, với các dòng chảy liên tục, các điểm cố định cùng các luồng xoáy cản trở một cách mạnh mẽ việc đi vào hoặc đi ra khỏi các khu vực nhất định.

Tuy nhiên, sự trôi dạt thì bao gồm cả sự buông bỏ và sự mâu thuẫn tất yếu của nó: sự thống trị của các biến thể địa tâm lý bằng tri thức và tính toán các khả năng của chúng. Ở việc tính toán này, khoa sinh thái học – tuy tự giới hạn vào không gian xã hội nhỏ hẹp – lại cung cấp cho địa tâm lý học với những dữ liệu phong phú.

Phân tích sinh thái học về đặc tính tuyệt đối hoặc tương đối của các vết nứt (fissures) trong mạng lưới đô thị, về vai trò của các tiểu vùng khí hậu, các khu vực lân cận riêng biệt không hề liên quan đến ranh giới hành chính, và trên hết, về hành động chi phối của các trung tâm có sức hút, phải được phương pháp địa tâm lý học sử dụng và hoàn thiện. Địa thế có sức hút khách quan của sự trôi dạt phải được xác định theo cả logic của riêng nó cùng các mối quan hệ với hình thái xã hội.

Trong nghiên cứu của mình, Paris et l’agglomération parisienne (Bibliothèque de Sociologie Contemporaine, PUF, 1952) Chombart de Lauwe lưu ý rằng “một khu dân cư đô thị được xác định không chỉ bởi các nhân tố địa lý và kinh tế, mà còn bởi hình ảnh mà người dân và những người sống từ các khu phố khác có về nó.” Trong cùng một tác phẩm, để minh họa cho “sự nhỏ hẹp của Paris trên thực tế ở đó mỗi cá nhân sống… trong một khu vực địa lý có bán kính cực kỳ nhỏ,” ông ấy vẽ ra sơ đồ thể hiện tất cả các chuyển động được thực hiện trong không gian ấy qua một năm của một sinh viên sống ở Quận 16. Hành trình của cô sinh viên này tạo thành một hình tam giác nhỏ không có độ lệch đáng kể, với ba đỉnh của hình tam giác này là Trường Khoa học Chính trị, nơi ở của cô và chỗ của giáo viên dạy piano của cô.

Những dữ liệu đó – đơn cử như thơ ca hiện đại có khả năng kích thích các phản ứng cảm xúc sắc nét (trong trường hợp cụ thể này, điều gây ra sự xúc phạm đó chính là thực tế rằng cuộc sống của bất kỳ ai cũng đều có thể bị giới hạn một cách thảm hại) – hay thậm chí lý thuyết của Burgess về các hoạt động xã hội diễn ra ở Chicago khi được phân phối thành các vùng đồng tâm riêng biệt, chắc chắn sẽ hữu ích cho việc phát triển sự trôi dạt.

Nếu yếu tố ngẫu nhiên đóng một vai trò quan trọng ở sự trôi dạt thì điều này là vì phương pháp quan sát của địa tâm lý học vẫn còn đang ở giai đoạn sơ khai của nó. Kỳ thực, hoạt động ngẫu nhiên, xét về bản chất, là không mang tính thăng tiến và thường có xu hướng cắt giảm tất cả mọi thứ thành thói quen hay thành một sự thay thế một số lượng hạn chế của các biến thể với nhau. Ngược lại, sự thăng tiến có nghĩa là vượt qua các phân vùng và phạm vi mà yếu tố ngẫu nhiên ngự trị bằng cách tạo ra các điều kiện mới thuận lợi hơn cho các mục đích của ta. Do đó, ta có thể nói rằng tính ngẫu nhiên của một sự trôi dạt, về cơ bản, khác với tính ngẫu nhiên của việc đi dạo, ngoài ra những điểm thu hút đầu tiên của địa tâm lý học được phát hiện bởi các nhà trôi dạt có thể có xu hướng cố định chúng xung quanh các trục thói quen mới, thứ mà chúng sẽ liên tục bị kéo trở lại.

Một nhận thức chưa đầy đủ về những hạn chế của yếu tố ngẫu nhiên và những tác động phản thăng tiến không thể tránh khỏi của nó, đã bị kết án là một thất bại ảm đạm, khi mà một thể nghiệm lang thang vô mục đích nổi tiếng đã được thực hiện vào năm 1923 bởi bốn nhà siêu thực, bắt đầu từ một thị trấn được nhiều người lựa chọn: việc lang thang ở một miền quê thoáng đãng về bản chất là nhạt nhẽo, và những sự can thiệp của yếu tố ngẫu nhiên ở đó còn nghèo nàn hơn cả bất cứ nơi nào khác. Nhưng sự bất cập này còn được Pierre Vendryes đẩy mạnh hơn nữa (trên Médium, tháng 5 năm 1954), người nghĩ rằng ông có thể liên hệ giai thoại này với các thí nghiệm xác suất khác nhau, dựa trên cơ sở rằng tất cả chúng đều liên quan đến cùng một loại hình giải phóng chống lại khuynh hướng tất định luận. Ông lấy ví dụ về sự phân bố ngẫu nhiên của các con nòng nọc trong một bể cá hình tròn, thêm vào đó, đáng kể, “dĩ nhiên, là một quần thể như vậy không chịu ảnh hưởng nào từ phía bên ngoài cả.” Từ quan điểm đó, các con nòng nọc có thể được xem xét đồng thời như được tự do hơn hẳn so với các nhà siêu thực, vì chúng có lợi thế là “bị tước hết khả năng của trí thông minh, tính xã hội và tình dục,” và do đó, “thực sự độc lập với nhau.”

Ở cực đối lập với những cách hiểu ngây thơ như vậy, đặc tính đô thị chủ yếu của sự trôi dạt diễn ra ở các thành phố lớn được chuyển đổi công nghiệp một cách đại trà – vốn là những trung tâm chứa đựng nhiều khả năng và ý nghĩa – có thể được diễn tả bằng cụm từ của Marx: “Người ta có thể chẳng nhìn thấy gì ngoài hình ảnh của chính họ; tất cả mọi thứ tự nói lên chính họ. Chính cảnh quan của họ đang sống.”

Người ta có thể trôi dạt một mình, nhưng tất cả các thể nghiệm khác đều cho thấy rằng sự sắp xếp về mặt số lượng hiệu quả nhất bao gồm một số nhóm nhỏ gồm 2 hoặc 3 người đạt được cùng một mức độ nhận thức, vì việc kiểm tra chéo các ấn tượng giữa các nhóm khác nhau này có thể đi đến được nhiều hơn các kết luận khách quan. Nói đúng hơn, sự kết hợp giữa nhóm này với nhóm kia thay đổi từ một sự trôi dạt này sang một sự trôi dạt khác. Với hơn 4 hoặc 5 người tham gia, đặc tính trôi dạt cụ thể nhanh chóng giảm đi, và trong mọi trường hợp, không thể có hơn 10 hoặc 12 người cùng tham gia vào việc trôi dạt mà không khiến cho sự trôi dạt đồng thời bị phân mảnh đi. Việc thực hành sự chia nhỏ như vậy trên thực tế rất được quan tâm, nhưng những khó khăn mà nó gây ra cho đến nay đã ngăn không cho nó được tổ chức ở quy mô đủ.

Thời lượng trung bình cho một sự trôi dạt là một ngày, được xem như là thời gian giữa hai giai đoạn ngủ. Thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc không nhất thiết có mối quan hệ với ban ngày mà cần lưu ý rằng những giờ cuối cùng của đêm thường không phù hợp với sự trôi dạt.

Tuy thế, thời lượng này chỉ là một thống kê trung bình. Có một điều, một sự trôi dạt hiếm khi xảy ra ở dạng thuần túy của nó: người tham gia sẽ rất khó tránh khỏi việc dành ra 1 hoặc 2 giờ vào đầu hoặc cuối ngày để thực hiện các nhiệm vụ quen nhàm; và đến cuối ngày, sự mệt mỏi có xu hướng khuyến khích một sự từ bỏ làm việc đó. Quan trọng hơn, một sự trôi dạt thường diễn ra trong khoảng thời gian giới hạn có chủ ý trong vài giờ, hoặc thậm chí là tình cờ trong suốt những khoảnh khắc khá ngắn ngủi; hoặc nó có thể kéo dài trong vài ngày mà không bị gián đoạn. Mặc dù đã chấm dứt do nhu cầu ngủ, một số sự trôi dạt nhất định có đủ cường độ đã được duy trì trong 3 hoặc 4 ngày, hoặc thậm chí lâu hơn. Đúng là trong trường hợp một loạt những sự trôi dạt diễn ra trong một khoảng thời gian khá dài, gần như không thể xác định chính xác khi nào trạng thái của tâm trí gắn liền với sự trôi dạt này nhường chỗ cho một sư trôi dạt khác. Một chuỗi những sự trôi dạt đã được theo đuổi mà không hề có sự gián đoạn đáng chú ý nào đã diễn ra trong vòng khoảng 2 tháng. Một kinh nghiệm như vậy làm phát sinh các điều kiện khách quan mới của hành vi, mang lại sự biến mất của một số lượng đáng kể của những điều kiện cũ.

Ảnh hưởng của các hiện tượng thời tiết đến sự trôi dạt, tuy là một yếu tố quan trọng, nhưng kỳ thực nếu trong trường hợp của những cơn mưa kéo dài triền miên, lại khiến chúng hầu như vô hiệu đối với việc trôi dạt. Thế nhưng, bão hay các kiểu hình mưa gió khác thì lại khá thuận lợi cho sự trôi dạt.

Trường không gian của sự trôi dạt có thể được phân định chính xác hoặc mơ hồ, tùy thuộc vào mục tiêu mà chủ thể muốn tìm hiểu một nơi chốn nào đó hay để thả lỏng cảm xúc của bản thân. Đừng nên quên rằng hai khía cạnh này của sự trôi dạt trùng lặp theo nhiều cách đến mức ta không thể phân định rạch ròi một trong hai ở trạng thái thuần túy. Chẳng hạn như việc sử dụng taxi có thể mang lại cho ta một sự phân chia đủ rõ ràng liên quan đến vấn đề này. Nếu trong quá trình trôi dạt, người ta phải đi taxi để đến một địa điểm cụ thể hoặc đơn giản là để di chuyển, giả sử trong vòng 20 phút về phía tây, thì ở đây người ta chủ yếu quan tâm tới một chuyến đi mang tính chất cá nhân trong môi trường xung quanh bên ngoài quá đỗi quen thuộc đối với họ. Nhưng, mặt khác, nếu một người thích khám phá trực tiếp một nơi chốn cụ thể, thì người ấy liền chủ yếu tập trung vào việc tìm hiểu một đô thị theo hướng địa tâm lý học.

Dĩ nhiên, trường không gian trước hết phụ thuộc vào điểm khởi hành – nơi cư trú của kẻ trôi dạt hoặc nơi gặp gỡ được chọn bởi một nhóm người trôi dạt. Diện tích tối đa của trường không gian này không vượt quá một thành phố lớn và vùng ngoại ô của nó. Ở mức tối thiểu, nó có thể bị giới hạn trong một môi trường nhỏ khép kín: một khu phố hoặc thậm chí là một khu nhà nếu nó đủ thú vị (trường hợp hiếm hoi là sự trôi dạt-tĩnh diễn ra cả ngày trong nhà ga xe lửa Saint-Lazare).

Việc thăm dò một trường không gian cố định đòi hỏi phải thiết lập các căn cứ và tính toán các đường hướng xâm nhập. Ở đây, nghiên cứu về bản đồ xuất hiện – những bản đồ thông thường cũng như những bản đồ sinh thái học và địa tâm lý học – cùng với sự điều chỉnh và cải tiến của chúng. Không nên nói rằng ta hoàn toàn không quan tâm đến bất kỳ những phân vùng khác lạ nào có thể phát sinh từ việc người ta lần đầu tiên khám phá một khu phố. Bên cạnh sự không quan trọng của nó, khía cạnh của vấn đề này là hoàn toàn chủ quan và sẽ sớm biến mất.

Mặt khác, ở “chỗ hẹn có thể có” [của nhóm người trôi dạt], yếu tố khám phá lại chẳng quan trọng mấy so với sự mất phương hướng hành vi. Chủ thể được mời đến một mình tại một nơi nhất định vào một thời điểm nhất định. Anh ta sẽ thoát khỏi được những cảm giác khó chịu của điểm hẹn thông thường vì không có ai chờ đợi ở đó. Bởi lẽ, “điểm hẹn có thể có” này đã đưa anh ta đến mà không cảnh báo anh ta đến một nơi mà mình có thể biết hoặc không biết khiến anh ta buộc phải quan sát mọi thứ xung quanh. Có thể là cùng một vị trí đã được lựa chọn cho một “điểm hẹn có thể có” ấy có một người nào đó khác nữa mà danh tính của người này anh ta không có cách nào biết được cũng đi đến đó. Vì anh ta thậm chí có thể chưa bao giờ nhìn thấy người kia trước đây, anh ta sẽ được khuyến khích bắt đầu cuộc trò chuyện với nhiều người qua đường khác nhau. Anh ta có thể không gặp ai, hoặc thậm chí anh ta có thể tình cờ gặp người đã sắp xếp “điểm hẹn có thể có” ấy. Dĩ nhiên, đặc biệt nếu thời gian và địa điểm đã được lựa chọn đủ tốt, thì việc sử dụng thời gian của anh ta sẽ có một bước ngoặt bất ngờ. Anh ta thậm chí có thể gọi điện thoại cho người khác không biết nơi mà “điểm hẹn có thể có” đầu tiên đã đưa anh ta đến, để yêu cầu người kia lựa chọn. Người ta có thể thấy trò tiêu khiển này chứa đựng một nguồn tài nguyên hầu như không giới hạn.

http://www.cddc.vt.edu/sionline/images/theory2.jpg

– Ai là người mà tôi phải thông báo cho Công tước của tôi?

– Chàng trai trẻ vào một buổi tối tìm cách cãi nhau với Pont Neuf, đối diện Samarataine ư.

– Một lời giới thiệu lạ kì!

– Bạn sẽ thấy rằng nó hay như lời giới thiệu khác.

Dumas (Ba chàng lính ngự lâm)

Lối sống buông thả và những trò giải trí nhất định của ta khi luôn muốn khám phá phạm vi xung quanh mình – như việc lẫn vào bóng đêm nơi các ngôi nhà bỏ hoang, quá giang liên tục và hầu như không có điểm dừng khắp Paris khi viện lý do nhầm lẫn điểm đến, lang thang trong hầm mộ bí mật, v.v. – không chỉ là những biểu hiện tổng quát hơn của sự nhạy cảm, mà còn là biểu hiện của sự trôi dạt. Việc mô tả bằng văn bản có thể chẳng mấy bí mật hơn so với trò chơi tuyệt vời này.

Những bài học rút ra từ sự trôi dạt cho phép ta có được những khảo sát đầu tiên về các kết luận địa tâm lý học đối với một thành phố hiện đại. Ngoài việc phát hiện ra sự thống nhất của môi trường xung quanh, các thành phần chính cùng sự định khu không gian của chúng, người ta còn nhận thức được các trục thông hành chủ đạo, các lối thoát của chúng cùng thành lũy của chúng. Người ta đi đến giả thuyết trung tâm về sự tồn tại của các tiêu điểm địa tâm lý học then chốt. Người ta đo đạc các khoảng cách thực sự tách biệt giữa hai vùng của một thành phố, khoảng cách có thể ít liên quan đến khoảng cách vật lý giữa chúng. Với sự trợ giúp của các bản đồ cũ, các bức ảnh chụp từ trên không và sự trôi dạt thực nghiệm, người ta có thể vẽ ra các bản đồ của sự ảnh hưởng còn thiếu cho đến nay, các bản đồ mà sự sai sót không thể tránh khỏi của nó ở giai đoạn đầu này không thua kém gì các biểu đồ điều hướng trước đây. Sự khác biệt duy nhất ở vấn đề này đó là việc nó không còn là vấn đề phân định chính xác các vùng đất ổn định nữa, mà là thay đổi kiến ​​trúc và đô thị.

Ngày nay, sự thống nhất khác nhau của môi trường sống và nhà ở không hề được đánh dấu một cách chính xác, mà được bao quanh bởi các khu vực giáp ranh ít nhiều mở rộng và không rõ ràng. Sự thay đổi chung nhất mà kinh nghiệm trôi dạt gợi ra là sự giảm dần liên tục của các khu vực ngoại biên này, cho đến khi chúng hoàn toàn bị áp chế.

Trong lĩnh vực kiến ​​trúc, thị hiếu trôi dạt có xu hướng thúc đẩy tất cả các dạng hình thể mê cung mới có thể thực hiện được bằng các kỹ thuật xây dựng hiện đại. Do đó, vào tháng 3 năm 1955, báo chí đã đưa tin về việc một tòa nhà được xây dựng ở New York, ở đó người ta có thể thấy những dấu hiệu đầu tiên về cơ hội phát triển sự trôi dạt bên trong một căn hộ:

Các căn hộ của tòa nhà có bề mặt hình đinh ốc này sẽ có hình dạng như những lát bánh. Người ta sẽ có thể phóng to hoặc thu nhỏ chúng bằng cách dịch chuyển các phân vùng có thể di chuyển. Sự thay đổi từ từ ở nửa không gian mỗi tầng sẽ khiến cho số lượng các phòng không còn bị hạn chế nữa, vì người thuê có thể yêu cầu sử dụng phần liền kề ở mặt trên hoặc mặt dưới căn phòng của mình. Với cách xây dựng này, ba căn hộ gồm bốn phòng có thể được chuyển đổi thành một căn hộ mười hai phòng trong vòng chưa đầy sáu giờ.

G. D.

Phạm Tấn Xuân Cao dịch

từ bản Anh ngữ của Ken Knabb

Theory of the Dérive, đăng lần đầu trên Les Lèvres Nues #9 (11/1956), đăng lại trên Internationale Situationniste #2 (12/1958)

Link: https://www.cddc.vt.edu/sionline/si/theory.html