Đôi điều về tư tưởng và niên đại của Văn tử
(試談《文子》的年代舆思想)
Tác giả: Trương Đại Niên 1
Người dịch: Lê Quốc Tín
(Trích từ Đạo gia văn hóa nghiên cứu, tập 5, tr.133 -141)
Tóm tắt nội dung: Gần đây ở huyện Định – Hà Bắc trong ngôi mộ thời Hán đào được sách thẻ tre không toàn vẹn của Văn tử, [điều đó] chứng minh Văn tử là cổ tịch thời Hán sơ. Bản văn thông qua so sánh văn tự giữa Văn tử với Hoài Nam tử, Mạnh tử, Trang tử, Dịch truyện, Lã thị Xuân thu, nhận thấy Văn tử là trước tác của phái học Hoàng Lão thời Hán Văn – Cảnh. Xuất phát từ sáu phương diện Đạo cùng Nhất, Đạo cùng Âm dương, Vô vi cùng Hữu vi, Đạo cùng Nhân nghĩa, Luận thời biến, Thiên Nhân tương loại để phân tích tư tưởng của Văn tử, khẳng định Văn tử là có ảnh hưởng rất lớn tới quan điểm về “đạo gia” của Tư Mã Đàm, cũng như sự hình thành của Hoài Nam tử và học thuyết [âm dương] của Đổng Trọng Thư.
Văn tử và sách Văn tử
Hán thư – Nghệ văn chí chép Văn tử gồm 9 thiên, nguyên chú: “[Văn tử là] đệ tử của Lão tử, cùng thời với Khổng tử, mà xưng chép là “Châu Bình vương hỏi”, tựa như thác lời vậy”. Tùy thư – Kinh tịch chí chép “Văn tử 12 thiên, nguyên chú: “Văn tử là đệ tử Lão tử. Thất lược có 9 thiên, Lương có Thất lục, 10 thiên, đều thất truyền”. Hiện nay truyền bản Văn tử có 12 thiên, giống Tùy chí ký tải. Lúc trước nhiều học giả cho Văn tử là ngụy thư, vì vậy trong các trước tác văn học sử Trung Quốc rất ít khi đề cập đến Văn tử. Gần đây huyện Định – Hà Bắc, ở ngôi mộ Hán số 40, trong số sách tre khai quật được, có tàn bản Văn tử, chứng minh Văn tử là chân thư cổ tịch thời Hán sơ. Nhưng Văn tử xưa nhất là ở Hán chí, như thế [Văn tử] có phải là điển tịch Tiên Tần, thì vẫn cần khảo sát thêm.
Liên quan đến niên đại Lão tử, đến nay vẫn chưa thống nhất. Chúng tôi cho truyền thuyết Khổng Lão đồng thời là có căn cứ. Truyền thuyết Văn tử là đệ tử Lão tử, vì vậy Hán chí nói “[Văn tử ] cùng thời với Khổng tử”. Sách Văn tử có phải là của Văn tử “Sống cùng thời với Khổng tử” ? Ban Cố chép: “Cùng thời với Khổng tử, mà xưng chép là “Châu Bình vương hỏi”, tựa như thác lời vậy”. Người trước đã từng chỉ ra trong sách Văn tử, chỗ gọi là Bình vương tức là Sở Bình vương, thật không phải là Châu Bình vương. Nhưng sách Văn tử có phải được viết bởi người của thời Sở Bình vương? Tả truyện, Ai công năm thứ 6, từng chép việc Khổng tử xưng tán Sở Chiêu vương. “Ngày trước Chiêu vương có tật, bói rằng: “nên tế thần sông [Hoàng] Hà”. Vương không tế… Khổng tử bảo: “Sở Chiêu vương là người biết đạo trời đất vậy. Người đó không mất nước là xứng lắm thay!” 2 Sở Chiêu vương là con của Bình vương. Như Văn tử từng đối thoại với Sở Bình vương, thì tuổi hẳn sẽ không nhỏ hơn Khổng tử. “Xưng chép là Sở Bình vương hỏi” là giả thác, xưng chép “Sở Bình vương hỏi”, có thật là không phải giả thác?
Trong sách Văn tử có rất nhiều câu văn giống với Hoài Nam tử. Trước đây phần nhiều học giả cho Văn tử là dạng sao tập từ Hoài Nam tử, hiện nay sách thẻ tre Văn tử xuất hiện, chứng minh Văn tử không sao tập từ Hoài Nam tử, mà Hoài Nam tử sao tập câu văn của Văn tử, vấn đề đó đã được kết luận. Quả thật, đem hai sách so sánh, chỉ cần một chương mục cũng đã đủ chứng minh Hoài Nam tử sao tập từ Văn tử. Như Hoài Nam tử – Tu vụ huấn bản Trang khắc chép: “。。。 循理而學事,因資而立權,自然之勢,而曲故不得容者/Tuần lý nhi học sự, nhân tư nhi lập quyền, tự nhiên chi thế, nhi khúc cố bấ đắc dung giả。” Học giả đời Thanh khảo chứng, sắp chữ hay làm mất công năng của chữ. Thiên Tự nhiên của Văn tử có câu văn tương đồng, chép là “。。。 循理而舉事,因資而立功,推自然之權,曲故不得容/Tuần lý nhi cử sự, nhân tư nhi lập công, thôi tự nhiên chi quyền, khúc cố bất đắc dung。” Theo ấy đã chứng minh Văn tử không sao tập từ Hoài Nam.
Tuy Văn tử không sao tập từ Hoài Nam, nhưng sao tập từ Trang tử, Mạnh tử. Liễu Tông Nguyên trong “Biện Văn tử” đã nói: “[Nhìn bên ngoài thì] tông chỉ sách Văn tử gốc ở Lão tử, nhưng khảo xét ra thì lại trái với Lão tử, nhiều hỗn tạp mà ít thuần nhất, trộm lấy sách khác để làm cho dày, [câu từ của] bọn sau Mạnh tử đều thấy trộm cắt dùng”. Xét Văn tử dẫn dụng Trang tử rất nhiều. Như thiên Phù ngôn “無爲名尸,無爲謀府,無爲事任,無爲智主/Vô vi danh thi, vô vi mưu phủ, vô vi sự nhậm, vô vi trí chủ.” Lời này thấy ở Trang tử – Ứng đế vương. Thiên Cửu thủ: “故其生也天行,其死也物化,静即舆陰合德,動即舆陽同波/Cố kỳ sinh dã thiên hành, kỳ tử dã vật hóa, tĩnh tức dữ âm hợp đức, động tức dữ dương dồng ba”. Lời này thấy ở Trang tử – Khắc ý. Thiên Tinh thành cũng nói: “是謂坐馳,陸沉/Thị vị tọa trì, lục trầm。” Từ “tọa trì” thấy ở Trang tử – Nhân gian thế, từ “lục trầm” thấy ở Trang tử – Tắc dương. Trong sách Trang tử đều có các đoạn trên, Văn tử lại dẫn dùng hai danh từ đó, hẳn nhiên [Văn tử] là sau Trang tử. Văn tử – Thượng lễ chép: “若 夫至人定乎死生之意,通乎榮辱之理,舉世譽之不益勸,舉世非之而不加沮/Nhược phù chí nhân định hồ tử sinh chi ý, thông hồ vinh nhục chi lý, cử thế dự chi bất ích khuyến, cử thế phi chi nhi bất gia thư。” Đây hiển nhiên là sao tập từ Trang tử – Tiêu dao du “且舉世譽之而不加勸,舉世非之而不加沮,定乎内外之分,辩乎榮辱之境/Thả cử thế dự chi nhi bất gia khuyến, cử thế phi chi nhi bất gia thư, định hồ nội ngoại chi phân, biện hồ vinh nhục chi cảnh。” Trang tử dùng lời đó để than kể về Tống Vinh tử, mà Văn tử lại dùng tán tụng đức hạnh bậc chí nhân. Văn tử nhiều chỗ cũng dẫn dùng câu từ Mạnh tử. Như thiên Tinh thành: “夫憂民之憂者民亦憂其憂,樂民之樂者民亦樂其樂。故憂以天下,樂以天下,然而不王者未之有也/Phù ưu dân chi ưu giả dân diệc ưu kỳ ưu, lạc dân chi lạc giả dân diệc lạc kỳ lạc. Cố ưu dĩ thiên hạ, lạc dĩ thiên hạ, nhiên nhi bất vương giả vị chi hữu dã。” Thiên Phù ngôn chép: “求之有道,得之有命/Cầu chi hữu đạo, đắc chi hữu mệnh。” Văn tử – Tinh thành còn sao tập câu từ của Dịch truyện – Văn ngôn, như: “大人舆天地合德,舆日月合明,舆鬼神合靈,舆四時合信/Đại nhân dữ thiên địa hợp đức, dữ nhật nguyệt hợp minh, dữ quỷ thần hợp linh, dữ tứ thời hợp tín。” Hai vế sau hơi cải biến, hai vế trước thì hoàn toàn sao chép. Thiên Thượng nghĩa cũng chép: “凡學者能明于天人之分,通于治亂之本/Phàm học giả năng minh vu thiên nhân chi phận, thông vu trị loạn chi bản。” Xét ra các chữ “thiên nhân chi phân” là lấy ý từ sự cường điệu của Tuân tử. Trang tử – Đại tông sư giảng: “知天之所爲、知人之所爲者,至矣/Tri thiên chi sở vi, tri nhân chi sở vi giả, chí hĩ。” Thiên Thu thủy thảo luận “何爲天?何爲人?/Hà vi thiên? Hà vi nhân?” , giảng rất rõ về “thiên nhân chi phận”. Nên chỗ Văn tử bảo “minh vu thiên nhân phận” e là có liên quan đến Tuân tử.
Ở Văn tử – Hạ đức có một đoạn mà từ ngữ trong đó vừa thấy ở Trang tử – Nhượng vương, lại thấy ở Lã thị Xuân thu – Phiên vi. Nay xin đem ba đoạn sao lục ra bên dưới:
Văn tử – Hạ đức:
身處江海之上,心在魏闕之下,即重生,重生即輕利矣。猶不能自勝即從之,神無所害也,不能自勝而強不從,是謂重傷,重傷之人無壽類矣。
Thân xử giang hải chi thượng, tâm tại ngụy quyết chi hạ, tức trọng sinh, trọng sinh tức khinh lợi hĩ. Do bất năng tự thắng tức tòng chi, thần vô sở hại dã, bất năng tự thắng nhi cưỡng bất tòng, thị vị trọng thương, trọng thương chi nhân vô thọ loại hĩ.
Trang tử – Nhượng vương:
中山公子牟謂瞻子曰:身在江海之上,心居乎魏闕之下,柰何?瞻子曰:「重生。重生則利輕。中山公子牟曰:雖知之,未能自勝也。瞻子曰:不能自勝則從,神无惡乎?不能自勝而強不從者,此之謂重傷。重傷之人,无壽類矣。
Trung Sơn Công tử Mâu vị Chiêm tử viết: Thân tại giang hải chi thượng, tâm cư hồ ngụy quyết chi hạ, nài hà?” Chiêm tử viết: “Trọng sinh. Trọng sinh tắc lợi khinh. Trung Sơn Công tử Mâu viết: “Tuy tri chi, vị năng tự thắng dã”. Chiêm tử viết: Bất năng tự thắng tất tòng, thần vô ác hồ? Bất năng tự thắng nhi cưỡng bất năng tòng giả, thử chi vị trọng thương. Trọng thương chi nhân, vô thọ loại hĩ.
Lã thị Xuân thu – Phiên vi:
中山公子牟謂詹子曰:身在江海之上,心居乎魏闕之下,奈何?詹子曰:重生。重生則輕利。中山公子牟曰:雖知之,猶不能自勝也。詹子曰:不能自勝則縱之,神無惡乎。不能自勝而強不縱者,此之謂重傷。重傷之人無壽類矣。
Trung Sơn Công tử Mâu vị Chiêm tử viết: Thân tại giang hải chi thượng, tâm cư hồ ngụy quyết chi hạ, nài hà? Chiêm tử viết: Trọng sinh. Trọng sinh tắt khinh lợi. Trung Sơn Công tử Mâu viết: Tuy tri chi, do bất năng tự thắng dã. Chiêm tử viết: Bất năng tự thắng tắc tòng chi, thần vô ác hồ. Bất năng tự thắng nhi cưỡng bất tòng chi, thử chi vị trọng thượng. Trọng thương chi nhân vô thọ loại hĩ.
Trang và Lã chép lời hội thoại của Ngụy Mâu và Chiêm Hà, câu từ do cảm mà phát ra, Chiêm Hà vì Ngụy Mâu mà lập luận ứng đối. Văn tử lại lấy làm nguyên tắc cho hình mẫu trừu tượng. Chiêm Hà, Ngụy Mâu không thể dựa vào câu từ của Văn tử để ứng đối. Rõ ràng là đoạn này của Văn tử sao tập từ Trang hoặc Lã. Trang tử – Nhượng vương không biết viết ra đời nào, Lã thị Xuân thu thì hình thành cuối thời Chiến quốc. Do đó đoạn trên của Văn tử không thể nào sớm hơn cuối thời Chiến quốc.
Ở Văn tử – Đạo nguyên có một đoạn, vừa thấy ở Hoài Nam, vừa thấy Lễ ký – Nhạc ký. Nay thử so sánh thêm:
Văn tử – Đạo nguyên:
人生而静,天之性也;感物而動,性之害也。物至而應,智之動也;智舆物接,而好憎生焉。好憎成形,而智怵于外,不能反己,而天理滅矣。
Nhân sinh nhi tĩnh, thiên chi tính dã; cảm vật nhi động, tính chi hại dã. Vật chí nhi ứng, trí chi động dã; trí dữ vật tiếp, nhi hiếu tằng sinh yên. Hiếu tằng thành hình, nhi trí trù vu ngoại, bất năng phản kỉ, nhi thiên lý diệt hĩ.
Hoài Nam tử – Nguyên đạo huấn:
人生而静,天之性也;感而後動,性之害也,物至而神應,知之動也;知舆物接,而好憎 生焉。好憎成形,而知誘于外,不能反己,而天理滅矣。
Nhân sinh nhi tĩnh, thiên chi tính dã; cảm nhi hậu động, tính chi hại dã, vật chí nhi thần ứng, tri chi động dã; tri dữ vật tiếp, nhi hiếu tằng sinh yên. Hiếu tằng thành hình, nhi tri dụ vu ngoại, bất năng phản kỉ, nhi thiên lý diệt hĩ.
Lễ ký – Nhạc ký:
人生而静,天之性也;感于物而動,性之欲也。物至知知,然後好惡形焉。好惡無節于内,知誘于外,不能反躬,天理滅矣。
Nhân sinh nhi tĩnh, thiên chi tính dã; cảm vu vật nhi động, tính chi dục dã. Vật chí tri tri, nhiên hậu hiếu ố hình yên. Hiếu ố vô tiết vu nội, tri dụ vu ngoại, bất năng phản cung, thiên lý diệt hĩ.
Tiết này của Nhạc ký được các nhà Lý học đời Tống tán tụng, nhưng thật ra nó xuất phát từ Hoài Nam, mà Hoài Nam gốc lại ở Văn tử. Nhạc ký thành khoảng năm đầu Hán Vũ đế, Hoài Nam thành ở khoảng Hán Cảnh Võ. Thành thử, soạn niên của sách Văn tử không thể muộn hơn thời Hán Cảnh đế.
Văn tử – Tự nhiên chép: “神農形悴,堯瘦癯,。。。孔子無黔突,墨子無煖席/Thần nông hình toái, Nghiêu sấu cù,… Khổng tử vô kiềm đột, Mặc tử vô noãn tịch”. Xét Mặc tử từng dâng thư cho Sở Huệ vương, Huệ vương là cháu Bình vương. Văn tử đồng thời với Sở Bình vương sao có thể nói cùng Mặc tử? Mấy câu trên có thể do người sau thêm vào. Nhưng xem xét phần nhiều câu văn của Văn tử thì sách này không thể sớm hơn thời Xuân thu. Căn cứ vào các luận chứng trên, chúng tôi bước đầu xác định, niên đại hình thành Văn tử không thể sớm hơn giai đoạn cuối Chiến quốc, nhưng không muộn hơn thời Hán Cảnh đế. Suy đoán bước đầu của chúng tôi là, sách Văn tử là trước tác của học phái Hoàng Lão thời Hán Văn Cảnh. Điều đó có thể khảo sát từ trong tư tưởng sách Văn tử.
Nhà sử học Tư Mã Đàm thời Hán Võ đế viết Luận Lục gia yếu chỉ, trong đó bình luận về Đạo gia rằng: “Xét cái thuật của Đạo gia, họ nhân sự tuần hoàn của Âm dương, gom chọn cái hay Nho – Mặc, thu lượm yếu chỉ Danh – Pháp, theo thời thay đổi, nương sự biến hóa, tạo thành phép hành sự, không chỗ nào là không thích đáng.” Xét nay các sách Đạo gia hiện tồn, như Lão tử, Trang tử, đều không phải là “gom chọn cái hay Nho – Mặc, thu lượm yếu chỉ Danh – Pháp”, chỉ có sách Văn tử đã tuyên dương cái đạo hư vô vô hình, lại thừa nhận giá trị nhân nghĩa, đồng thời lại khẳng định “đời khác thì việc khác, thời đổi thì tục đổi”, có thể gọi đó là “gom chọn cái hay Nho – Mặc, thu lượm yếu chỉ Danh – Pháp”. Cho nên, nhận Văn tử là trước tác của phái Đạo gia thời Văn Cảnh, là một sự đối sánh phù hợp thực tế. Văn tử – Thượng lễ chép: “đời sắp làm mất tính mệnh [thuần nhất], ấy là do khí âm phát khởi, bậc quân chủ ám muội bất minh, đạo bị ngăn lấp không thể thi hành,… thiên hạ không quy về một mối, chư hầu thi nhau chế đặt pháp độ theo lối tục,… Từ đấy về sau, thiên hạ chưa từng yên nơi tính mệnh [thuần nhất], mà lại vui say theo thói tục. Hiền thánh bởi thế phải hiện, chủ trì đạo đức, phò lập nhân nghĩa, dạy người thân gần nâng cao tuệ trí, chỉ kẻ phương xa bao chứa đức hạnh, thiên hạ hỗn mang quy về một mối, con cháu nối đời coi quản, bài truất tệ sàm nịnh, dẹp yên lẽ điêu ngoa, trừ pháp luật hà khắc, bỏ chính sự phiền hà.”
Đấy chính là cái hoàn cảnh tán tụng chính sách thống nhất thiên hạ, cho dân an định sau thời Chiến quốc của những năm đầu nhà Hán. Cũng là minh chứng cho việc Văn tử được viết trong khoảng Văn Cảnh.
Những tư tưởng chủ đạo của Văn tử
Liên quan đến tư tưởng Văn tử, xin đem ra sáu vấn đề để bàn luận: (1) Đạo cùng Nhất; (2) Đạo cùng Âm dương; (3) Vô vi cùng Hữu vi; (4) Đạo cùng Nhân nghĩa; (5) Luận thời biến; (6) Trời – Người đồng loại.
1- Đạo cùng Nhất
Văn tử kế thừa quan niệm “Đạo” của Lão tử, lặp lại [ý niệm] “có vật hình thành từ hỗn mang, sinh trước trời đất, chỉ có tượng mà không có hình” của Lão tử, cho “đạo cao không thể đo, sâu không thể dò, bao trùm trời đất, không có hình cố định,… thoắt ẩn thoắt hiện, không thể thấy hình; thoắt hiện thoắt ẩn, dùng mãi không hết” (Đạo nguyên). Nhưng lại cho đạo vô hình lại là “nhất”. Đạo nguyên viết: “Vô hình gọi là nhất,… nhìn mà không thấy, lắng tai mà không nghe, vô hình nhưng là chỗ hữu hình sinh, cái thực sinh từ hư…. Đạo “nhất” lập thì vạn vật sinh.” Xét Lão tử giảng “đạo sinh nhất”, thì “nhất” cùng “đạo” là hai tầng khác nhau. Lão tử – Chương 39: “Xưa chỉ có “nhất”, trời do thế sáng rõ, đất nhờ đó yên định”. Có người chú cho “nhất” là đạo, nhưng Lão tử chưa từng nói “Nhất” là đạo. Người đầu tiên đề xuất “nhất” là đạo chính là Văn tử. Văn tử – Đạo đức: “Nhất là cái đạo vô địch, là gốc của vạn vật.” Rất rõ ràng khẳng định “nhất” là đạo. Hoài Nam tử – Nguyên Đạo huấn: “Chỗ gọi là vô hình, đó là nói đến “nhất”…. Đạo “nhất” lập thì vạn vật sinh.” Thuyên Ngôn huấn: “Nhất, là gốc vạn vật, là đạo vô địch.” Đó đều giống Văn tử, bởi do sao tập từ Văn tử.
Hoài Nam tử – Thiên Văn huấn: “Đạo bắt đầu từ “nhất”, “nhất” do không sinh thêm, nên phân mà thành âm dương, âm dương hòa hợp mà vạn vật sinh. Nên bảo: nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật.” Tinh Thần huấn: “tinh thần thu nhận nơi trời, mà hình thể thì thụ bẩm nơi đất. Nên bảo: nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật.” Hai lần dẫn Lão tử đều bỏ qua câu “đạo sinh nhất”. Nhưng Văn tử – Cửu thủ: “Tinh thần thu nhận nơi trời, hài cốt thụ bẩm nơi đất, nên bảo: đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật.” Vẫn dẫn dùng câu “đạo sinh nhất” của Lão tử. Từ đó cũng có thể thấy mối quan hệ trước sau giữa Văn tử và Hoài nam. Văn tử tuy đề xuất “nhất” tức là đạo, nhưng vẫn không dám phủ nhận câu “đạo sinh nhất” của Lão tử. Đến Hoài Nam thì hoàn toàn không thừa nhận câu “đạo sinh nhất”. Đó cũng đủ chứng minh Văn tử có trước Hoài Nam.
2- Đạo cùng Âm dương
Lão tử “quý nhu”, ý là dùng nhu thắng cương, đem nhược thắng cường. Lão tử giảng: “vạn vật đều ôm âm chứa dương, hai khí giao thoa mà làm ra bình hòa”. Dương ở mặt phải, âm ở mặt trái. Văn tử đề xuất thuyết “thướng dương”. Văn tử – thượng đức: “khí trời giáng xuống, khí đất bốc lên, âm dương giao hòa, vạn vật cùng phát… khí trời không giáng, khí đất không thăng, âm dương cách trở, vạn vật không sinh…. khí dương động, vạn vật được thư thả sở đắc, do vậy thánh nhân thuận dương đạo…. dương diệt âm, vạn vật béo tốt; âm diệt dương, vạn vật tiêu mòn. Cho nên vương công chuộng dương đạo thì vạn vật phát, chuộng âm đạo thì thiên hạ vong…. dương khí thạnh, biến thành âm; âm khí thạnh, biến thành dương. vì vậy ham muốn không nên thái quá, vui chơi không nên cùng cực.
Một mặt khẳng định sự hòa hợp âm dương, mặt khác lại cường điệu tác dụng tích cực của dương đạo.
Bạn tôi là Trần Cổ Ứng nói với tôi rằng: Văn tử đề cao giá trị dương đạo là điều đáng chú ý. Tôi cho rằng đó chính là một biểu hiện “gom chọn cái hay Nho – Mặc” của Văn tử.
3- Vô vi cùng Hữu vi
Trong Trung Quốc triết học đại cương, tôi đã từng dẫn thuật Vô Vi luận của Hoài Nam, cho Vô Vi luận của Hoài Nam thực chất là một dạng biến tướng của Hữu Vi luận. Đem Hoài Nam và Văn tử ra đối sánh, mới biết Vô Vi luận của Hoài Nam gốc ở Văn tử. Văn tử – Đạo Nguyên: “Chỗ gọi là vô vi là không làm trước vật; [chỗ gọi] vô trị, tức không thay đổi tự nhiên.” Thiên Tự nhiên cũng chép: “Chỗ gọi là vô vi, chẳng phải là mời mà không đến, đuổi mà không đi, bức mà không ứng, cảm mà không động… Nói chí riêng không đem vào công đạo, là ham muốn không làm cong chính thuật, theo lý mà hành sự, nhân cái sẵn có mà lập công, thuận cái thế tự nhiên, không dung trá xảo, sự thành mà cho không do nơi mình, công lập cũng xem như chẳng có.” Sau này, Hoài Nam – Tu Vụ huấn chính là căn cứ theo ý này mà dẫn dụng thêm bớt. Dạng Vô vi luận này có thể nói là sửa đổi sai khác với Vô Vi luận của Lão tử, là một tư tưởng có giá trị của Văn tử.
4- Đạo cùng Nhân nghĩa
Sách của Lão, Trang đều đề cao Đạo Đức mà hạ thấp Nhân Nghĩa, không thừa nhận giá trị Nhân Nghĩa. Văn tử có chỗ không giống họ, một mặt khẳng định Đạo Đức cao hơn Nhân Nghĩa, một mặt lại nhận Nhân Nghĩa cũng có giá trị nhất định. Thiên Đạo Đức chép: “Vật sinh ra từ Đạo, lớn lên bởi Đức, đặt tình cảm ở Nhân, công chính ở Nghĩa, tôn kính ở Lễ. Không nuôi không dưỡng, thì không thể thành hình. Không từ không ái, không thể trưởng thành. Không ngay không phép, không thể dài lâu. Không kính không yêu, không thể quý trọng. Cho nên người có Đức được dân quý, người có Nhân được dân mến, người có Nghĩa được dân phục, người có Lễ được dân kính. Gồm đủ bốn điều ấy là thuận lòng trời, là thứ thánh nhân dùng coi quản vạn vật.” Lại nói: “Ra sức khiến dân thiên hạ đều mang lòng nhân ái, tai họa do đâu mà ra cơ chứ?” Đó là cho Nhân Nghĩa Lễ là điều tất yếu. Nhưng lại nói “Đạo lớn phế, Nhân Nghĩa mới sinh” của Lão tử: “Đạo mất là bởi do Đức, Đức thạnh là do Nhân Nghĩa, Nhân Nghĩa lập thì Đạo Đức phế vậy” (Tinh Thành). “Kẻ có Nhân thì được người ái mộ, kẻ có Nghĩa thì được người đề cao. Làm người ta ái mộ, làm người ta đề cao, ấy là kẻ diệt thân vong quốc, không biết tuần hoàn tự nhiên. Vì vậy biết Nhân Nghĩa mà không biết Thế Quyền, là người chưa đạt Đạo vậy” (Trưng Minh). Thế là nhận Đạo Đức và Nhân Nghĩa có khác nhau về đậm nhạt: “Xưa bậc quân trưởng, hạnh cao xưng là Đạo – Đức, hạnh vừa xưng là Nhân – Nghĩa, hạnh thấp xưng là Lễ – Trí. Sáu điều đó là giềng mối của quốc gia” (Thượng Nhân). Như thế Văn tử đem Đạo Đức và Nhân Nghĩa sắp xếp theo thứ tự trước sau. Đã tuyên dương Đạo Đức, lại khẳng định tính quan trọng tương đối của Nhân Nghĩa, đó cũng là biểu hiện “gom chọn cái hay Nho – Mặc”. Nhưng rốt Văn tử cũng là Đạo gia, vẫn cường điệu Đạo Đức cao hơn Nhân Nghĩa.
“Theo tự nhiên mà làm gọi là Đạo, ứng hợp với tự thiên gọi là Đức, tính [tự nhiên] mất rồi sau mới quý Nhân Nghĩa, Nhân Nghĩa lập thì Đạo Đức phế, thuần phác mất mà lễ lạc hưng” (Thượng Lễ). Đem Đạo Đức và Nhân Nghĩa đặt đối lập nhau. Nho gia thì nhận Nhân Nghĩa là Đạo Đức, Đạo gia lại nhận Nhân Nghĩa là phản diện của Đạo Đức. Đấy là do quan niệm không giống nhau.
5- Luận thời biến
Văn tử còn tuyên dương quan niệm thời biến. Thiên Đạo Đức chép: “nắm giữ pháp điển, mà không tùy theo thói tục, thì như đánh đàn mà dán thanh chỉnh dây. Thánh nhân theo thời biến đổi, nhìn [sự vật] biểu hiện mà thi triển [cho phù hợp], khác đời thì khác việc, thời đổi thì tục thay, suy luận việc đời để lập chính pháp, thì tùy thời mà hành xử. Bậc vương đời xưa, pháp độ khác nhau, chẳng phải là do cố ý trái nhau, mà do mỗi thời có chức phận khác nhau. Cho nên việc không theo pháp mà đã thành pháp, thì pháp đó gọi là pháp, cùng chuyển hóa dời đổi”.
Thiên Thượng Nghĩa cũng nói: “trị quốc theo lẽ thường, lấy việc lợi cho dân làm gốc… nếu muốn lợi cho dân, thì không cần theo xưa; nếu muốn chu toàn hành sự, thì không cần theo thói định. vì vậy thánh nhân đặt pháp theo thời, chế lễ theo tục. Quần áo khí giới, đều đổi theo tiện dụng; pháp lệnh chế độ, đều đặt theo tùy nghi. Cho nên đổi thói xưa chưa phải là sai, mà theo thói định chưa đủ là hay”.
Quan điểm xem trọng “thời biến” là bởi chịu ảnh hưởng của Thương Ưởng và Hàn Phi. Trong sách Trang tử cũng từng nói qua “thời biến”, như thiên Thu Thủy: “Đối với con ve mùa hè không thể nói băng giá với chúng, vì thời gian sống của nó rất ngắn… Xưa Nghiêu Thuấn vì khiêm nhường mà được ngôi đế, nhưng Chi Khoái khiêm nhường lại bị chết; Thang Võ tranh đoạt mà được ngôi vương, nhưng Bạch Công tranh đoạt thì bị giết. Do đó mà xét, cái lễ tranh nhượng, đức hạnh Nghiêu Kiệt, quý tiện tùy thời, không thể xem là lẽ thường vậy”. Nhưng không bằng Văn tử “đời khác thì sự đổi, thời qua thì tục biến”, rất rõ ràng. Văn tử tách bạch “pháp đã thành” với “vì vậy mà thành pháp”, thiên Thiên Vận – Trang Tử cũng nói: “ôi, lục kinh là nơi trần bày vết tích của tiên vương, há vì vậy mà thành vết tích sao?” Phân biệt “vết tích” với “vì vậy mà thành vết tích”. Văn tử đề xuất “vì vậy mà thành pháp”, có thể nói là làm cho quan điểm Trang tử thêm rõ ràng.
6- Trời và người tương hợp
Văn tử – Cửu thủ chép: “Trời có 4 mùa, 5 hành, 9 giải và 360 ngày. Người có 4 chi 5 tạng, 9 khiếu và 360 tiết; trời có gió mưa lạnh nóng, người có lấy, tặng, vui, giận, mật là mây, thịt là khí, lá lách là gió, thận là mưa, gan là sấm. Người và trời đất giống nhau, tâm làm chủ tể, tai mắt là nhật nguyệt, huyết khí là gió mưa”.
Đó là thuyết “trời người tương hợp”, có thể nói là tiền đề cho thuyết “thiên nhân cảm ứng” của Đổng Trọng Thư. Mối quan hệ giữa trời và người là vấn đề quan trọng của tư tưởng thời Hán, Văn tử ở phương diện đó cũng là biểu hiện đặc điểm tư tưởng chủ đạo thời Hán.
Trên là khái quát những tư tưởng chủ yếu của Văn tử, những tư tưởng đó đã xác nhận biểu hiện diện mạo “trích chọn những điều hay của Nho Mặc”, tóm lược những yếu chỉ của Danh Pháp, theo thời mà đổi, theo vật mà biến, noi tục mà làm, không chỗ nào là không được. Do vậy Văn tử là một tác phẩm trọng yếu của Đạo gia đầu đời Hán.
Thẻ tre Văn tử được khai quật, chứng minh Văn tử thuộc cổ tịch thời Hán, Chứng minh những câu văn tương đồng giữa Hoài Nam tử và Văn tử là do Hoài Nam tử sao tập từ Văn tử, chẳng phải Văn tử sao tập từ Hoài Nam tử. Hán thư – Nghệ Văn chí chép văn tử có 9 thiên, Tùy thư – Kinh Tịch chí chép Văn tử có 12 thiên, bản hiện nay cũng là 12 thiên. Sai biệt giữa 9 thiên và 12 thiên là do phân tách không đồng giữa các thiên hay là không đồng về sự nhiều ít, hiện nay đã khó khảo sát. Cũng có thể 3 thiên nhiều hơn là do người đời sau thêm vào. Mà nếu người đời sau thêm vào là 3 thiên, thì cũng khó khảo sát [là những thiên nào]. Sách thẻ tre Văn tử vẫn chưa công bố, nó cùng bản hiện nay giống khác ra sao vẫn chưa thể rõ.
Ban Cố bảo Văn tử là đệ tử của Lão tử, là có căn cứ. Luận hành đều trích dùng Lão tử Văn tử, dùng Lão tử Văn tử để đối sánh với Khổng tử Nhan Uyên trong thiên Tự Nhiên, cũng phù hợp với thuyết Văn tử là đệ tử của Lão tử. Hàn Phi tử – Nội Trữ Thuyết thượng: “Tề vương hỏi Văn tử rằng: ‘muốn trị nước thì làm như thế nào? Đáp rằng: lấy thưởng phạt làm Đạo, làm lợi khí [trị quốc], quân giữ kín việc ấy, không để người khác biết’”. Thuyết này là phát huy chỗ Lão tử nói “lợi khí của nước thì không để người khác biết”, tựa như liên quan đến Lão tử. Tư Mã Trinh trong Sử ký Tác ẩn dẫn Biệt lục của Lưu Hướng nói: “[người đương thời] Mặc tử có Văn tử, Văn tử là đệ tử của Tử Hạ, hỏi nơi Mặc tử”. Xét ra đệ tử Tử Hạ tức là đệ tử truyền thừa của Khổng tử, cùng Văn tử đệ tử Lão tử sợ không phải một người. Theo nội dung sách Văn tử mà xét, trong đó bao hàm các điển cố cuối thời Chiến quốc, như “thân phiêu bạt bốn phương, mà lòng thì nơi Ngụy”, chắc chắn không là sáng tác cuối thời Xuân thu, cũng có thể là Văn tử cùng hậu học sao tập chép ra. Nhưng dù thế nào thì Văn tử là một bộ trứ tác trọng yếu của Đạo gia, điều đó là đích xác không nghi ngại.
Chú thích
- Tác giả: Trương Đại Niên, sinh năm 1909, người huyện Hiến – Hà Bắc. Giáo sư khoa Triết học – Đại học Bắc Kinh, Trưởng sở Sở Nghiên cứu Văn hóa Tư tưởng – Đại học Thanh Hoa, Hội trưởng danh dự Hội Triết học Sử học Trung Quốc, sáng tác có Trung Quốc triết học đại cương, Trương Đại Niên văn tập,… ↩︎
- Dương Bá Tuấn (2018). Xuân thu Tả truyện chú. Trung Quốc: Trung Hoa thư cục, tập 6, tr.1826. ↩︎
Be First to Comment