Press "Enter" to skip to content

Về động từ TO BE…

Về động từ TO BE của Hy Lạp
& Vài gợi ý về dịch động từ này trong
các tác phẩm triết học Hy Lạp Cổ Đại sang tiếng Việt

(eVersion 0.2)

Trần Đình Thắng

 

Tóm tắt.

Giáo sư Charles H. Kahn là một trong những học giả hàng đầu về triết học Hy Lạp cổ đại, nổi tiếng với những nghiên cứu sâu rộng về triết học trước-Socrates, đặc biệt là về Heraclitus và Parmenides. Ông cũng đã có những đóng góp quan trọng trong việc nghiên cứu ngôn ngữ Hy Lạp và tác phẩm của các triết gia như Plato và Aristotle. Kahn đã có một sự nghiệp giảng dạy lâu dài tại Đại học Pennsylvania, nơi ông trở thành giáo sư danh dự về triết học. Một trong những bài báo nổi tiếng nhất của ông là “The VerbBein Ancient Greek” (1973), trong đó ông nghiên cứu ý nghĩa và vai trò của động từ “to be” trong triết học Hy Lạp cổ đại, giúp hiểu sâu hơn về cách mà người Hy Lạp nhìn nhận bản chất của tồn tại và thực tại. Bài viết này dựa vào ý tưởng lõi ‘cách dùng động từ to be theo nghĩa đích thực’ (‘veridical use of to be’) trong bài báo nói trên cũng như dựa vào một vài tác phẩm khác của ông để đề xuất một lối dịch khác của động từ ‘to be’ của Hy Lạp cổ đại.

Từ khoá

Aristotle; being; cách dùng veridical; copula; einai; esti; existential; Heraclitus; is; là; là như thế; Parmenides; Protagoras; to be; tồn tại; triết học Hy Lạp cổ đại; veridical use of einai

Charles Kahn, Carter-Finley Stadium Architect, Passes Away | College of  Design

Mục lục

I. Đặt vấn đề

Triết học Hy Lạp cổ đại là nền móng của tư tưởng triết học phương Tây, xuất phát từ khoảng thế kỷ 6 TCN và phát triển mạnh mẽ qua các thời kỳ với những triết gia lớn như Parminides, Socrates, Plato, và Aristotle… Các triết gia Hy Lạp cổ đại này đã đặt ra những câu hỏi căn bản về bản chất của vũ trụ, con người, tri thức, đạo đức và chính trị và nhiều khái niệm khác của họ vẫn còn giá trị cho đến ngày nay. Nền triết học này không chỉ là sự khám phá tri thức mà còn là nền tảng cho các nguyên lý đạo đức, chính trị, và khoa học của thế giới phương Tây, ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều thế hệ triết gia và tư tưởng gia sau này. Thậm chí, Alfred North Whitehead, trong Process and Reality, viết, dù có phần quá đáng: “Đặc điểm chung, rõ ràng nhất của truyền thống triết học châu Âu là nó chỉ là loạt cước chú về Plato.” 1. Và chắc chắn Wittgenstein không đồng ý:

‘Tôi đọc đâu đó: “. . . các triết gia không thể hiểu ý nghĩa của ‘Thực tại’ như Plato. . .” Thật là một sự việc quái đản. Trong trường hợp này, quả là quái lạ khi Plato có thể tiến xa đến thế ngay từ thủa ban đầu! Hoặc, sau khi đi theo ni (he), ta không thể tiến xa hơn! Hoặc, phải chăng Plato quá ư thông minh?’

(Wittgenstein, The Big Typescript 213, 2005, p. 312e)

Tuy nhiên bài viết này chỉ quan tâm đến một khía cạnh rất hẹp nhưng rất quan trọng: động từ TO BE của Hy Lạp và cách dịch động từ này trong các tác phẩm của các triết gia Hy Lạp. Theo ý kiến của người viết, các tác phẩm của các triết gia Hy Lạp cổ đại chưa được dịch bài bản, có hệ thống và nhất quán ở Việt nam, một số tác phẩm này thường được dịch từ các ngôn ngữ trung gian như tiếng Anh hoặc tiếng Pháp, ngoại trừ cuốn Cộng Hoà của Plato được dịch thẳng từ tiếng Hy Lạp (Gs. Đỗ Khánh Hoan); hoặc phần lớn chỉ được trích dịch vài câu riêng lẻ trong các sách lịch sử triết học phương Tây 2 .Thử hình dung tiếng Hy Lạp được sử dụng cách đây mấy ngàn năm, chưa kể mỗi triết gia sử dụng với ý nghĩa khác nhau, mặc dù được dịch qua các ngôn ngữ phương Tây (Anh, Pháp, Đức,…) thông qua các học giả tương đối là liên tục, nhưng chắc chắn sẽ có sai biệt, hiểu sai. Chẳng hạn, ngài William David Ross (15.4.1877 – 5.5.1971), thường được gọi là David Ross hay W. D. Ross, là một triết gia, chuyên về Aristotle, khi về già, nhận thấy mình đã sai ở một số vấn đề quan trọng liên quan triết học Hy Lạp cổ đại, đã than thở ‘Tôi đã sai, nhưng rất tiếc, tôi đã già, tôi không thể bắt đầu lại!’ 3 Nói chung, với những chặng trung gian như vậy, từ tiếng Hy Lạp thời cổ đại cho đến tiếng Việt là khoảng cách không hề nhỏ! Từ ‘LÀ’ của tiếng Việt không hề mang nét nghĩa ‘TỒN TẠI’: từ động từ ‘είμαι’ (Hy lạp) chuyển qua động từ ‘to be’ (Anh Mỹ) hoặc ‘être’ (Pháp), ‘sein’ (Đức) đã là một cú vặn mình, nhưng từ ‘TO BE’ sang ‘LÀ’ (tiếng Việt) thì không thể bẻ lưng được, cứ như hôn nhân giữa kiến và voi! Và nói riêng, với từ to be/being (hoặc l’être), trải dài suốt mấy mươi năm được dịch sang tiếng Việt rất phong phú: hữu thể 4, tính thể, thể tính, tính 5 , hiện thể,… Mãi cho đến gần đây mới tạm có sự thống nhất trong cách dịch: tồn tại, Tồn tại (viết hoa). Khái niệm về tồn tại (being) và động từ ‘to be’ đóng vai trò trung tâm trong tư tưởng của nhiều nhà tư tưởng Hy Lạp cổ đại. 6 Chẳng hạn, Parmenides đã khai sinh ra siêu hình học khi nhấn mạnh về sự lựa chọn giữa hai câu hỏi sâu, ‘it is’ và ‘it is not’, cũng như những hệ quả quan trọng mà ông rút ra liên quan đến bản chất của sự tồn tại. Aristotle đã chọn các tơm (thuật ngữ) ‘being’ (ousia) và ‘what it is’ (ho esti) làm thành những khái niệm lõi của mình, substance (thực thể); về lý thuyết phạm trù, ông cho rằng các ý nghĩa của ‘is’ và ‘being’ sẽ thay đổi tuỳ theo được sử dụng với phạm trù nào (Siêu hình học 7 1017 220-4, 1028a10-13); và ông đã đưa ra một định nghĩa nổi tiếng về chân lý là ‘saying that what is is and that what is not is not’ (Met. 8 1011627). Protagoras, theo Plato, trong Theaetetus 152a, đã đưa ra luận đề rằng, ‘man is the measure of all things, of things that are, that they are, of things that are not, that they are not.’ Plato mô tả các Dạng/Hình (Forms) hay Ý niệm (Ideas) của mình, các đối tượng của tri thức và của tìm sâu triết học, là ‘the being that really is’ (Phaedrus 247c7), và ‘the being which has the denomination of “what is” ’ (Phaedo 93d8-9). Vấn đề của chúng ta, khi gặp những từ này, ta phải hiểu chúng như thế nào để từ đó chọn ra cách dịch phù hợp. Rất tiếc ở Việt Nam, thì cách giải quyết rất đơn giản: dịch TO BE là, chẳng hạn, “TỒN TẠI” , nếu thấy “TỒN TẠI” khó nghe hoặc không thuận tai thì dịch bằng chữ ‘LÀ’, thế là xong!

Chữ LÀ tiếng Việt không hề mang nét nghĩa triết học nào của IS/BEING! Mặc dù, thỉnh thoảng, trong tác phẩm văn chương, chẳng hạn Henry Miller viết, ‘I am.’ được dịch là ‘Tôi ’; hoặc một câu rất nổi tiếng trong văn học: Hamlet của Shakespeare:

To be, or not to be, that is the question

đã được các học giả bình nát nước về chữ ‘to be’: sống, tồn tại, … thậm chí Ts Dương Ngọc Dũng còn đề nghị dịch: Là [hồn ma của cha ta] hay không phải là [hồn ma của cha ta]! (Dũng, 2022, p. 784) 9Tuy nhiên, đối với cách dịch làm biếng, không dụng công thì chỉ việc dịch là ‘LÀ’:[10] 10

Là, hay không là, đó là vấn đề!

Có thể kể ra đây sự khó khăn khi dịch từ này, chẳng hạn, B. Russell, trong The Problems of Philosophy:

(1) The law of identity: ‘Whatever is, is.’
(2) The law of contradiction: ‘Nothing can both be and not be.’
(3) The law of excluded middle: ‘Everything must either be or not be.’

được dịch là:

định luật đồng nhất: “Bất cứ cái gì là, thì nó là” 11
định luật mâu thuẫn: “Không có cái gì có thể cùng là và không là”
định luật bài trung: “Tất cả mọi cái phải là hoặc không là”12

Và với cách dịch ‘is/be’ là ‘’ như vậy, có lẽ không ai nhận ra hoặc suy được từ “Bất cứ cái gì là, thì nó là” là luật đồng nhất ‘Mọi thứ đều đồng nhất (là một, y hệt) với chính nó’, hoặc “Tất cả mọi cái phải là hoặc không là” liên hệ thế nào với luật loại giữa (bài trung) quen thuộc: “Với mọi chắt (mệnh đề), hoặc chắt này đúng, hoặc phủ định của nó đúng”!

Có thể dẫn lại lời của Wittgenstein nói về vai trò của động từ TO BE đối với triết học phương Tây:

Những cái bẫy của ngôn ngữ.
Ngôn ngữ có sẵn cùng một loại bẫy cho tất cả mọi người; mạng lưới rộng lớn gồm những con đường sai lầm dễ bị che khuất. Và do đó, ta thấy hết người này đến người khác đi lại cùng những con đường y như nhau và ta sẽ biết ni sẽ rẽ ở đâu … Ta nghe mãi luận điệu cho rằng triết học thực sự không đạt được tiến bộ nào, rằng chính những vấn đề triết học mà người Hy Lạp từng quan tâm, chúng vẫn tiếp tục chiếm lấy đầu óc chúng ta. Nhưng những người đưa ra luận điệu đấy không hiểu lý do tại sao nó phải như vậy.

[Rằng] lý do là vì ngôn ngữ của ta không hề thay đổi và tiếp tục cuốn ta vào cùng những câu hỏi này. Bao lâu còn có động từ “là/thì/to be”, chức năng y như “ăn” và “uống”, bao lâu còn có các tính từ “giống hệt nhau”, “đúng”, “sai”, “có thể”, bao lâu còn lối nói về ‘dòng thời gian’ và ‘không gian trải rộng’, v.v., v.v., con người sẽ vẫn tiếp tục đối mặt với cùng những khó khăn bí ẩn đấy, và nhìn chằm chằm vào một thứ gì đó mà dường như không có lời giải thích nào có thể gỡ bỏ được. Và nhân tiện, điều này sẽ thỏa mãn một khao khát đối với cái siêu việt, vì tin rằng họ đã nhìn thấy “giới hạn hiểu biết của con người”, họ, tất nhiên, tin rằng họ có thể nhìn thấy xa hơn cái siêu việt đấy.

(Wittgenstein, The Big Typescript 213, 2005, p. 312e)

II. Cách hiểu của Kahn về είμαι (“to be” trong tiếng Hy Lạp)

Mặc dù không phải là người đầu tiên nhận ra vấn đề với cách hiểu của ‘to be’ (Hy Lạp), nhưng Kahn có lẽ là người đầu tiên khảo sát bài bản, công phu về vấn đề này, Kahn viết:

“Trong bài viết này, tôi quan tâm đến cơ sở ngữ văn của bản thể luận Hy Lạp, nghĩa là với chất liệu thô được cung cấp cho việc phân tích triết học bằng cách sử dụng thông thường và ý nghĩa của động từ einai, “to be”. Nói một cách đại khái, câu hỏi của tôi là: các triết gia Hy Lạp đã được hướng dẫn hoặc bị ảnh hưởng như thế nào trong việc xây dựng các học thuyết về Tồn tại (Being), bằng lối dùng động từ trước-triết học (pre-philosophical) này (cùng với các dẫn xuất danh từ của nó on và ousia) dùng để biểu đạt khái niệm này về Tồn tại trong tiếng Hy Lạp?

Trước khi bắt đầu bàn về câu hỏi đấy, tôi muốn nói đôi lời về những hàm ý khi đặt câu hỏi theo hình thức này. Tôi cho rằng mọi suy nghĩ đều bị chi phối ở một mức độ nào đó bởi cấu trúc của ngôn ngữ mà chúng ta dùng để diễn đạt hoặc biện bày (formulate) suy nghĩ của mình, và điều này đặc biệt đúng đối với các nhà triết học Hy Lạp, những người không biết ngôn ngữ nào khác ngoài ngôn ngữ của chính họ. Tuy nhiên, tôi không cho rằng (như nhiều nhà phê bình hiện đại dường như vẫn làm) rằng sự chi phối về mặt ngôn ngữ như vậy nhất thiết là một hạn chế hay một bất lợi. Có thể đó là phần nào bất lợi, vì sự nhầm lẫn về mặt logic có thể dễ dàng phát sinh trong một ngôn ngữ này nhưng không thể xảy ra trong ngôn ngữ khác. Nhưng một nhà làm triết - ngay cả một nhà làm triết không biết các ngôn ngữ khác - luôn có thể tự do đưa ra những phân biệt mà ngôn ngữ bất lực, cũng như anh ta có thể tự do bỏ qua sự phân biệt có sẵn trong vốn từ vựng hoặc cú pháp của lời lẽ của mình, nếu ni (he) không thấy dữ liệu ngôn ngữ này có tầm quan trọng về mặt triết học.… Thực tế là triết học Hy Lạp đã được dịch thành công sang các ngôn ngữ khác – đáng chú ý là sang một ngôn ngữ rất khác biệt như tiếng Ả Rập – cho thấy rằng nó không bị ràng buộc bởi ngôn ngữ theo bất kỳ nghĩa hẹp nào.

Mặt khác, rõ ràng là bất kỳ ngôn ngữ nào cũng cho phép người bản xứ hình thành một số khái niệm nhất định hoặc đưa ra một số sự phân biệt nhất định dễ dàng và tự phát hơn những ngôn ngữ khác. Ở mức độ này, một ngôn ngữ – và tất nhiên là tôi muốn nói đến một ngôn ngữ tự nhiên – có thể phù hợp hơn về mặt triết học so với ngôn ngữ khác. Theo nghĩa này, tôi cho rằng tiếng Hy Lạp cổ đại là một trong những ngôn ngữ phù hợp nhất trong tất cả các ngôn ngữ, và việc sở hữu một ngôn ngữ như vậy thực sự là điều kiện cần thiết để người Hy Lạp thành công trong việc tạo ra logic và triết học phương Tây – và, tôi ngờ rằng, cũng là điều kiện cần thiết để họ thành công trong việc tạo ra khoa học lý thuyết và toán học nghiêm ngặt, nhưng điểm thứ hai này có thể khó bảo vệ hơn.

Trong mọi trường hợp, tôi không có ý định tranh luận về những ưu điểm vượt trội của tiếng Hy Lạp với tư cách là ngôn ngữ triết học, cũng như không duy trì bất kỳ luận điểm chung nào về mối quan hệ giữa tư tưởng triết học và cấu trúc của một ngôn ngữ nhất định. Tôi đề cập đến những câu hỏi lớn hơn này chỉ để làm rõ rằng tôi muốn để ngỏ chúng. Tất cả những gì tôi hy vọng chỉ ra là một số đặc điểm về cách sử dụng và ý nghĩa của einai, – những đặc điểm ít dễ thấy hơn hoặc hoàn toàn thiếu đối với động từ “to be” trong hầu hết các ngôn ngữ hiện đại - có thể làm sáng tỏ các học thuyết bản thể học của người Hy Lạp bằng cách đưa ra ý nghĩa đầy đủ và những giả định trước không được nêu rõ của các khái niệm được thể hiện bằng esti, einai, on và ousia. Nói cách khác, tôi đề xuất sử dụng tư liệu ngữ văn theo cách ròng là công cụ, không phải như một cây gậy để đánh đập các nhà tư tưởng cổ xưa vì đã bỏ qua những khác biệt mà chúng ta cho là đương nhiên, mà như một công cụ để hiểu đầy đủ hơn về các học thuyết Hy Lạp, theo quan điểm riêng của họ, bao gồm cả những ý tưởng mà người Hy Lạp có thể coi là đương nhiên nhưng chúng ta lại có xu hướng bỏ qua.”

(Kahn, 1966, Aug, Vol. 2, No. 3 , p. 245)

Và về vai trò của từ to be, Kahn viết tiếp:

“Hầu như không cần thiết phải nhấn mạnh tầm quan trọng của khái niệm Tồn tại (Being) trong truyền thống triết học trải dài từ thời cổ đại qua thời trung cổ cho đến tư tưởng hiện đại. Có lẽ ngoại trừ khái niệm Tự nhiên (Nature), thật khó có thể đề cập đến một ý tưởng triết học nào có ảnh hưởng tương đương. Khái niệm Tồn tại vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay, ít nhất là trong triết học Đức: hãy chứng kiến nghiên cứu chuyên sâu của Heidegger về cái mà ông gọi là Seinsfrage (Câu hỏi về Tồn tại), và định nghĩa gần đây của Gottfried Martin về “Allgemeine Metaphysical” bằng cách tham khảo câu hỏi cổ điển: Was ist das Sein? Tuy nhiên, dù sao đi nữa, chúng ta không thể bỏ qua sự kiện rằng trong triết học Anh Mỹ, họ hết sức nghi ngờ khái niệm Tồn tại, khái niệm này chỉ là một khái niệm giả hoặc chỉ là sự nhầm lẫn của một số ý tưởng khác biệt.13  Sự khác biệt rõ ràng nhất mà chúng ta dường như bị bỏ qua trong khái niệm Tồn tại là sự khác biệt giữa tồn tại (existence) 14 và vị ngữ (predication). Nhà logic học sẽ đi xa hơn và chỉ ra rằng từ “is” có nghĩa là một thứ gì đó khi nó biểu diễn cho lượng từ tồn tại (existential quantifier), là một thứ khác khi nó biểu diễn cho sự bao chứa lớp hoặc tư cách thành viên của một lớp, một thứ khác nữa khi nó biểu diễn cho tính đồng nhất (identity), v.v.
Ở đây tôi sẽ bỏ qua những khác biệt dựa trên logic lớp (class-logic) và khái niệm chặt chẽ về đồng nhất (được chi phối bởi luật Leibniz), bởi vì tôi không thấy những khác biệt này được phản ánh hay tôn trọng trong cách sử dụng thực tế của động từ “to be” trong tiếng Hy Lạp, hoặc trong tiếng Anh về vấn đề đó. Nhưng sự khác biệt giữa “is” (có, tồn tại – existence) và “is” của vị ngữ (predication) giờ đây đã được thiết lập rất rõ ràng trong suy nghĩ của chúng ta, và ngay cả trong cách sử dụng ngôn ngữ của chúng ta, đến nỗi nó không thể bị bỏ qua trong bất kỳ cuộc thảo luận nào về Tồn tại. Do đó, tôi bắt đầu với tuyên bố kinh điển về sự phân biệt này của John Stuart Mill khi viết rằng, “… rất nhiều sách vở (volumes) có thể chứa đầy những suy đoán phù phiếm liên quan đến bản chất của chữ tồn tại (the word to be) ... nảy sinh khi bỏ qua ý nghĩa kép này của từ ‘to be’… từ việc giả định rằng khi nó biểu thị sự có/tồn hữu (to exist), và khi nó biểu thị [là] một vật cụ thể nào đó, là một con người, … được nhìn thấy hoặc nói đến (to be seen or spoken of), … thậm chí là thứ không thật (nonentity), thì xét cho cùng, nó vẫn phải trả lời cho ý tưởng tương tự... Sương mù bốc lên từ điểm hẹp này đã tự khuếch tán vào thời kỳ đầu trên toàn bộ bề mặt của siêu hình học.” (Logic I, iv. i) 
Sự phân biệt của Mill không chỉ được đưa vào hệ ký hiệu (symbolism) logic hiện đại; với sự nhất trí đáng kể, nó còn được đem vào ngữ pháp mô tả chuẩn của tiếng Hy Lạp cổ đại. Tôi sẽ không đặt câu hỏi về việc sử dụng sự phân biệt này trong logic, nhưng tôi rất nghi ngờ về tính phù hợp của nó trong ngữ pháp tiếng Hy Lạp. Trước hết, có một khó khăn thực tế trong việc áp dụng phép phân đôi (dichotomy) của Mill. Tôi không thể tìm thấy bằng chứng nào cho sự phân biệt như vậy trong cách sử dụng của các tác giả cổ điển, những người vui vẻ chuyển qua lại giữa các cách sử dụng mà chúng ta có thể xác định là kiểu tồn tại (existential) và kiểu từ buộc 15(copulative). Tôi đã thấy các nhà chú giải nhíu mày trước câu hỏi: liệu Plato, trong một đoạn văn nhất định trong Sophist, có muốn chúng ta hiểu einai theo nghĩa là tồn tại hay từ buộc, trong khi trên thực tế, ông không tỏ ra muốn đối đầu với chúng ta với bất kỳ lựa chọn nào như vậy.

(Kahn, 1966, Aug, Vol. 2, No. 3 , pp. 246-247)

Lý lẽ của Kahn khá dài và công phu, dưới đây là các điểm chính mà Kahn nhấn mạnh:

1. Sự rủi ro khi đánh đồng động từ tiếng Anh ‘to be’, cùng với hầu hết các động từ tương đương trong những ngôn ngữ Ấn-Âu khác với einai trong tiếng Hy Lạp cổ đại. Như Charles Kahn đã nhắc đến John Stuart Mill đã phàn nàn về ‘Sương mù bốc lên từ điểm hẹp này (không phân biệt rõ giữa IS (tồn tại) và IS của vị ngữ) đã tự khuếch tán vào thời kỳ đầu trên toàn bộ bề mặt của siêu hình học.’ Kahn gọi sự phân biệt của Mill (giữa “is”/”tồn tại” và “is” của vị ngữ) là “sự phân đôi truyền thống”; động từ này gộp chung hai sự phân biệt khác nhau, một là cú pháp, một là ngữ nghĩa. Sự phân biệt cú pháp (hoặc ngữ pháp) là giữa các cách sử dụng “be” kiểu tuyệt đối (hoặc đầy đủ), như trong câu hỏi của Hamlet “To be or not to be?”, và những cách sử dụng có vị ngữ (hoặc không đầy đủ), chẳng hạn, ‘Alice is a girl’. Bản thân động từ ‘einai/to be’ , Gs. Catherine Osborne cũng cho rằng, có hai cách hiểu về động từ này: 1. Vị ngữ (I am Brown) 2. To exist (tồn tại), trích:

…We might also wonder what exactly Parmenides intended by ‘is’. When he says that we have to choose absolutely between saying ‘is’ and saying ‘is not’, does he mean to rule out all the ordinary ways that we use ‘is not’, like ‘smoking is not permitted’, ‘wine is not expensive’, or ‘life is not a holiday’? Or does he use the word ‘is’ just to mean ‘exists’, so that what we must not say is ‘dragons don’t exist’? It might be tempting to think he means ‘exists’ because he keeps using the word ‘is’ by itself: he says we cannot think ‘it is not’, not that we cannot think ‘it is not blue’, and it might seem puzzling why we mustn’t think ‘it is not blue’. .. (Osborne, 2004, p. 43)

2. Theo Kahn, áp dụng sự phân đôi này vào tiếng Hy Lạp cổ đại sẽ bị sai. Kahn chấp nhận rằng một số cách sử dụng esti (‘is’) là đầy đủ, một số không đầy đủ, nhưng nhấn mạnh rằng việc sử dụng esti đầy đủ hoặc tuyệt đối không phải lúc nào cũng có nghĩa là ‘tồn tại/có’ (exist), mà cũng có thể có nghĩa là ‘[là] đúng’ (is true) , ‘là tình huống này/thật’ (is the case) hoặc ‘là thật’ (is real).

3. Thậm chí, cách sử dụng esti không đầy đủ hoặc sử dụng có vị ngữ có thể có nhiều sắc thái khác nhau, chẳng hạn như sắc thái durative (‘is’ có nghĩa là ‘kéo dài theo thời gian’), hoặc locativeexistential (‘is’ có nghĩa là ‘nằm đâu đó trong không gian’), do đó ý nghĩa của chúng có thể nằm ra ngoài từ buộc (hệ từ; copula) đơn thuần. (Từ buộc, theo lý thuyết truyền thống, là động từ có chức năng duy nhất là nối chủ ngữ với vị ngữ và bản thân nó không có ‘ý nghĩa.)

4. Trong Metaphysics, Delta 7, Aristotle phân biệt bốn nghĩa cơ bản của ‘to be’ trong tiếng Hy Lạp (Aristotle, 1908, p. 1017a):

1. being per accidens, hoặc vị ngữ ngẫu nhiên (tức là ‘X is [là] Y’, không liên quan đến vị thế logic của chủ ngữ và vị ngữ);
2. being per se, hoặc vị ngữ có dạng logic chuẩn theo lược đồ của các phạm trù (ví dụ khi một phẩm chất được bổ ngữ cho một chất [substance]). Nghĩa là, số nghĩa của einai sẽ nhiều như số lượng phạm trù, và Aristotle chỉ ra rằng một cấu trúc với ‘to be’ có thể được thay thế cho bất kỳ động từ có ngôi (finite verb) nào, ví dụ ‘anh ấy đang đi bộ’ (‘he is walking’) cho ‘anh ấy đi bộ’ (‘he walks’);
3. einaiesti có thể có nghĩa là ‘is true’ (‘là đúng’), và phủ định có nghĩa là ‘is false’ (‘là sai’). Aristotle cho ví dụ: ‘Socrates is musical’ sẽ được hiểu, dịch là “Socrates đúng nhạc sĩ” hoặc “Socrates thực sự nhạc sĩ” (nếu người ta nói câu này nhấn mạnh tính đúng của nó);
4. Cuối cùng, “being” có thể có nghĩa being đang ở trạng thái tiềm năng hoặc đang ở trạng thái hiện thực. Chẳng hạn, một khúc gỗ có thể tồn tại ở trạng thái tiềm năng là một cái tủ (gỗ).
Thủ tục của Aristotle ở đây không hoàn toàn là từ vựng: ông đang phân tích cách sử dụng thông thường theo quan niệm triết học của mình. Nhưng quan điểm của tôi là cả lược đồ khái niệm của riêng Aristotle cũng như cách sử dụng thông thường của động từ đều không bắt buộc ông phải dành chỗ cho ý nghĩa của einai mà chúng ta sẽ nhận ra là tồn tại. Hơn nữa, trong mọi ví dụ của Aristotle, động từ đều được hiểu là vị ngữ, mặc dù chủ đề chung của chương được đưa ra ở dạng tuyệt đối, “what is”. Sự khác biệt về cú pháp giữa cấu trúc vị ngữ và tuyệt đối được coi là không có hậu quả gì ở đây.

III. Cạm bẫy dịch thuật nhìn từ những bản dịch văn bản triết học Hy Lạp cổ đại

Protagoras

Xem câu mở đầu nổi tiếng từ tác phẩm On Truth (Về Chân lý) của Protagoras:

‘Man is the measure of all things, of what is, that it is, of what is not, that it is not.’

Bản dịch của Mai Sơn (Russell, 2024)16:

Con người là thước đo của vạn vật, của những vật vốn là cái chúng là, và của những vật vốn không là cái chúng không là.

Bản dịch của Hồ Hồng Đăng (Russell, Lịch Sử Triết Học Phương Tây I, 2023, p. 170):

Con người là thước đo cho vạn vật, cho sự vật là cái nó là, và cho sự vật không phải là cái nó không là.17

Bản dịch của nhóm Bùi Văn Nam Sơn (Hirschberger, 2020, p. 73):

Con người là thước đo cho vạn vật, những thứ mà có con người thì chúng tồn tại, những thứ không có con người thì chúng không tồn tại.18

Bản dịch của nhóm (Đinh Ngọc Thạch; Doãn Chính, 2018, p. 73)

“Con người là thước đo của vạn vật, tồn tại như chúng tồn tại, không tồn tại như chúng không tồn tại.”

Nhận xét:

– Bản dịch Mai Sơn và Hồ Hồng Đăng đều dịch ‘IS’ là ‘LÀ’ và ‘LÀ’ chẳng có ý nghĩa gì ở đây!

– Bản dịch của nhóm Bùi Văn Nam Sơn thì dịch ‘IS’ là ‘TỒN TẠI’, và rất tiếc cả câu dịch không thể nào hiểu được (‘những thứ mà CÓ CON NGƯờI thì chúng tồn tại’ nghĩa là làm sao?).

– Bản dịch của nhóm Đinh Ngọc Thạch và Doãn Chính thì dịch là ‘tồn tại’, giống như cách dịch của nhóm Bùi Văn Nam Sơn, và rất tiếc cả câu dịch không thể nào hiểu được: ‘tồn tại như chúng tồn tại, không tồn tại như chúng không tồn tại’; hao hao cách nói theo kiểu dân nam bộ: Có sao nói dzậy? Thế thì còn gì là thước đo, đánh giá?

Cả bốn câu dịch trên đều không thể hiện được ý tưởng của Protagoras khi lấy ‘Con người là thước đo cho vạn vật’. Ở đây, ta có thể diễn giải động từ IS ở đây là TỒN TẠI, nhưng sẽ gặp hai khó khăn:

– Trước hết, Protagoras rõ ràng có ý định biến con người thành thước đo, đánh giá về TẤT CẢ mọi sự, tức là về tất cả những vấn đề liên quan đến sự kiện (fact), không chỉ là các câu hỏi về sự tồn tại. Protagoras có lẽ không muốn nói rằng, ‘cái bàn này’ tồn tại, cái nhà kia tồn tại, kỳ lân không tồn tại, thiên thần không tồn tại… Đây chỉ là bản liệt kê những [sự] vật tồn tại, không phải là thước đo đánh giá [sự] vật!

– Phản đối thứ hai đối với việc hiểu động từ IS là tồn tại ở đây là khi Plato trích dẫn câu châm ngôn này trong Theaetetus, ông ngay lập tức giải thích câu này bằng cách sử dụng cấu trúc VỊ NGỮ: ‘Với tôi, mọi sự dường như là thế này; nhưng với bạn, thì nó lại như thế kia’ (As each thing seems to me, SUCH IS IT for me; as it seems to you, SUCH IS IT for you.) và được minh họa bằng một ví dụ: một cơn gió LẠNH đối với người này, nhưng KHÔNG LẠNH đối với người khác. (Kahn, Essays on Being, 2009, p. 22)

Tạm dịch

Con người là thước đo của mọi sự [vật]; sự [vật] này như thế thì đánh giá như thế, sự [vật] đấy không như vậy thì đánh giá không như vậy.

Và với một chút tinh ý, thì câu trên rất giống với khái niệm chân lý của người Hy Lạp: ta onta legein hōs esti, ta mē onta hōs mē esti (to say of the things that are (the case) that they are, and of the things that are not that they are not.), chính xác thì Protagoras có thể xem là sư tổ của công thức chân lý này được Plato và Aristotle nhắc lại.

Aristotle

Định nghĩa về chân lý nổi tiếng của Aristotle:

To say that what IS is not, or that what IS not is, is FALSE; but to say that what IS is, a what IS not is not, is TRUE; and therefore also who says that a thing IS or IS not will say either what is TRUE or what is FALSE.

Bản dịch của nhóm Bùi Văn Nam Sơn (Hirschberger, 2020, p. 192) dịch một phần:

“Việc nói rằng cái cái không cókhông có, chính là chân lý” (Siêu hình học/ Meta., IV, 7; 1011 b 27; ed. McKeon, tr. 749).

Định nghĩa này (‘adequatio intellectus et rei’; correspondence theory of truth) thể hiện ý tưởng: chân lý là sự ăn khớp (adequatio; phù hợp, tương ứng) giữa trí tuệ (ngôn ngữ,…) và sự vật/việc (xảy ra trong thế giới; tồn tại). Nói cách khác, chân lý là sự tương ứng giữa cái được cho là đúng và thứ khiến cho cái đấy đúng. Thế thì, đúng giữa cái gì với cái gì? Những thứ có thể đúng, thì gồm: câu, phát biểu, chắt (mệnh đề), niềm tin và ý tưởng.

Nói chung, động từ to be (is, ở đây) có những cách dùng như sau:

1. is (kiểu từ buộc[19]): chỉ có chức năng ngữ pháp, không có ý nghĩa riêng, Việt nam thường dịch là ‘LÀ/THÌ’. Ví dụ: ‘I am Brown’ được dịch là ‘Tôi Brown’. Trong tiếng Nga, không giống như tiếng Anh, không cần một từ buộc (như “to be”) để nối chủ ngữ với tính từ, danh từ hay trạng từ. Ví dụ: “Я студент.” (Tôi sinh viên), “камень красный” (“hòn đá đỏ”). Do đó, nếu dùng kiểu từ buộc cho câu trên sẽ như thế này:

“Việc nói rằng cái là là là và cái không là không là, chính là chân lý…” thì rất là ngớ ngẩn!

2. tồn tại (exist) hoặc là CÓ/KHÔNG theo mặt bản thể luận như trong bản dịch trên.[20]

– Với trường hợp dịch là ‘có/không’ (nói rằng cái có là có và cái không có là không có, chính là chân lý) thì câu dịch ngắn gọn, gợi lên kiểu nói đông phương (sắc tức là không, không tức là có[21], đao khả đạo phi thường đạo …), nhưng đọc kỹ và nghiền ngẫm thì có vấn đề…! ‘Có/không có’ ở đây có nghĩa tương đương với ‘tồn tại’, thế nên ta chỉ xét trường hợp này.

– ‘is’ là ‘tồn tại’:

Nói cái gì tồn tại nhưng nó không tồn tại, hoặc nói cái gì không tồn tại nhưng nó lại tồn tại, là nói sai, trong khi nói cái gì là tồn tại và nó tồn tại, hoặc nói cái gì không tồn tại và nó không tồn tại, là nói đúng.

Như đã nói trong phần Protagorias: Aristotle có lẽ cũng không quá tầm thường khi chỉ muốn nói rằng, ‘cái bàn này’ có nếu có nó thì nói đúng, nếu nó không có thì là nói sai, … kỳ lân không tồn tại, không có thiên thần[22]… Sự tương ứng giữa ‘ngôn ngữ’ và ‘thế giới’ cũng được nhiều tác giả nói đến (Wittgenstein: Ngôn ngữ có thể biểu diễn thế giới; hoặc Heidegger: Phải chăng cấu trúc của CÂU phản ánh được cấu trúc của sự vật?) và như vậy, đơn vị cơ bản của ngôn ngữ đang nói đến ở đây là câu, bao gồm chủ ngữ và vị ngữ; những câu (giả sử) chỉ gồm một chủ từ duy nhất: ‘cái bàn’, ‘Thiên thần’, ‘Con mèo Tom’,… thì chẳng có ý nghĩa gì cho lắm![23]

3. is (của đồng nhất). Chẳng hạn A là A (A = A), Sao Hôm là sao Mai. Rõ ràng không thể dịch IS với ý nghĩa ‘đồng nhất’ cho câu này.

4. is (xếp gộp, subsumption).

5. Cách dùng IS theo durative aspect & locative value: không có vai trò quan trọng về mặt triết học như cách dùng veridical nên ta sẽ không đi sâu ở đây.

6. Cách dùng IS mà Gs Kahn gọi là cách dùng ‘veridical’. Nói vắn tắt, đây là cách dùng ‘to be’ với ý nghĩa ‘to be true’, ‘to be so [and so]’, ‘to be the case’ và lưu ý ‘to be true’ không có cùng ý nghĩa như ‘to be the case’.[24] Ví dụ của Aristotle: esti Sokrates mousikos, Socrates is musical: Socrates quả thực là nhạc sĩ (he really is so).
Về cách dùng veridical, Gs. Kahn viết:

Những nhận xét này có mục đích làm cho tuyên bố của tôi trở nên hợp lý rằng, đối với cách sử dụng triết học của động từ này, giá trị cơ bản nhất của einai (to be) khi được sử dụng một mình (không có vị ngữ) không phải là “tồn tại” (“to exist”) mà là “là như vậy” (“to be so”), “là tình huống như thế/này/đấy” (“to be the case”) hoặc “là đúng/thật” (“to be true”).[25] Điều đáng chú ý là ý nghĩa này của động từ này, xuất hiện trong bốn cách sử dụng được liệt kê trong Siêu Hình Học tóm tắt ở trên (trong đó Aristotle thừa nhận ý nghĩa của chân lý ngay cả trong cấu trúc vị ngữ, khi esti xuất hiện ở vị trí nhấn mạnh ban đầu, 1017a33–5[26]), được Aristotle mô tả ở nơi khác là ý nghĩa “nghiêm ngặt nhất” hoặc “có thẩm quyền nhất” của “to be” (Met. 10. 1051b1[27]). Các biên tập viên gần đây, đáng chú ý là Ross và Jaeger, không hài lòng về tuyên bố này và muốn “sửa đổi” nó theo nhiều cách khác nhau[28]. Lập luận của tôi cho thấy rằng họ đã sai và văn bản [của Aristotle] hoàn toàn đúng thứ tự. Tôi hiểu Aristotle muốn nói rằng, xét về mặt triết học, cách sử dụng einai này là nét nghĩa cơ bản nhất và theo đúng nghĩa đen của động từ này.

Chúng tôi sẽ dịch lại câu của Aristotle dựa theo cách hiểu ‘veridical’như sau:

Nói cái gì là như thế nhưng nó không như thế, hoặc nói cái gì không như thế nhưng nó lại như thế, là nói sai, trong khi nói cái gì là như vậy và nó là như vậy, hoặc nói cái gì không như vậy và nó không như vậy, là nói đúng.

Sau đây là vài ví dụ minh hoạ, cho thấy cách dịch này là ổn.

Ví dụ 1: ‘Núi Bà Đen cao hơn núi Everest.’

  • ‘Cái gì’ (chủ từ) ở đây là núi Bà Đen
  • ‘là như thế’: ‘cao hơn núi Everest’
  • Thực tế thì núi Bà Đen không cao hơn núi Everest, do đó, ‘nó không như thế’, vì thế, ‘câu này nói sai’. Ví dụ này sẽ không khớp với cách dịch ‘tồn tại/không tồn tại’, ‘có/không có’.

Ví dụ 2: ‘Wittgenstein không có vợ.’

  • ‘Cái gì’ (chủ từ) ở đây là Wittgenstein
  • ‘là như thế’ (vị ngữ): ‘không có vợ’
  • Thực tế thì Wittgenstein không có vợ, do đó, ‘nó là như thế’, vì thế, ‘câu này nói đúng’.

Về ý tưởng chân lý này, có thể xem thêm:

A. Tarski: ‘A true sentence is one which says that the state of affairs is so and so, and the state of affairs indeed is so and so.’

hoặc

‘For the sake of simplification, we can cut out the negation part of Aristotle’s formulation and still express the essence of Tarski’s view. Truth is saying of what is so that it is so this is Aristotle’s fundamental idea.’ (McGinn, 2015, p. 152)[29]

Parmenides

Tư tưởng của Parmenides được viết bằng bài thơ On Nature. Ông đã đưa ra một phương pháp, một phác họa về ‘con đường tìm hiểu’, và đưa ra một loạt kết luận siêu hình đáng kinh ngạc: rằng being (hay what is) không được tạo ra, bất diệt, liên tục, không thay đổi. Những người đi trước ông đã nghiên cứu và suy biện về nguồn gốc và bản chất của vũ trụ. Parmenides đã đặt câu hỏi về giả định của những nghiên cứu như vậy, bằng cách thăm dò các điều kiện trước của việc hỏi sâu này. Trong bài thơ này, trọng tâm là lời hứa của Nữ thần về sự biết sâu sắc về chân lý và ý kiến ​​của người đời, tuyên bố rằng bất kỳ cuộc tìm hiểu nào cũng phải theo một trong hai cách sau: ‘that a thing is, and that it is not for not being’ hoặc ‘that a thing is not, and that it must needs not be’:

‘Come now, and I will tell you … the only ways of inquiry that are to be thought of, The one, that it is and that it is impossible for it not to be, is the path of Persuasion, for she attends on Truth; the other, that it is not and that it is needful that it not be,…’
(Mảnh 2)

Tạm dịch 1 (hiểu to be là tồn tại)

‘Hãy đến đây, ta sẽ bảo cho ngươi biết…về những con đường hỏi sâu (enquirry) duy nhất có thể hình dung được. Một con đường, [nó] tồn tại và [nó] không thể không tồn tại, đó là con đường của thuyết phục, vì thuyết phục hướng về sự thật; con đường kia, [] không tồn tại, và [] không nhất thiết phải tồn tại, …’’

Chúng ta nên hiểu con đường hỏi sâu được chỉ định là esti (‘it is’) như thế nào? Không hề có chủ ngữ nào được đưa ra: chúng ta hãy chấp nhận mà không cần bàn cãi thêm về quan điểm phổ biến rằng Parmenides đang nói về bất cứ thứ gì có thể đang được hỏi sâu; vì vậy, quan điểm ban đầu của ông là thế này: Gọi bất cứ thứ gì có thể được hỏi sâu (tạm gọi nó là O, là đối tượng của hỏi sâu), thì ‘O tồn tại’ (O is) và phải tồn tại, hoặc 0 không tồn tại và không thể tồn tại, Vậy, ý nghĩa của ‘O tồn tại’ là gì? Cách dù esti là đầy đủ… do đó, được hiểu tự nhiên là ‘nó tồn tại’. … Nếu điều này đúng, Parmenides là nhà tư tưởng đầu tiên nhấn mạnh rằng chỉ những gì TỒN TẠI mới có thể được biết đến, được nhắc đến, được nói đến, hoặc được nghĩ đến (mảnh 6[30]). Mặc dù rất hợp lý, nhưng tuyên bố này lại là nguồn gốc của nghịch lý, nghịch lý Parmenides: vì chúng ta không nghĩ và nói về những thứ không tồn tại hay sao, chẳng hạn như các nhân vật thần thoại và các sự kiện trong tương lai, nhân vật hư cấu, Ông già Noel, v.v.? (Brown, 1994) Chẳng hạn, câu ‘Quỷ ba sừng không hề tồn tại’ thì không thể có ý nghĩa sao? Russell nêu lại giai đoạn đầu trong lập luận của Parmenides như sau: “nếu một từ có thể được sử dụng một cách có ý nghĩa thì nó phải có nói đến một cái gì đó, chứ không phải hư không, và do đó cái đối tượng của từ đó phải tồn tại theo một nghĩa nào đó” (Russell 1945, 50).

Tạm dịch 2 (theo cách dùng veridical)

‘Hãy đến đây, ta sẽ bảo cho ngươi biết…về những con đường hỏi sâu duy nhất có thể hình dung được. Một con đường đích thực và không thể không đích thực, đó là con đường của thuyết phục, vì thuyết phục hướng về sự thật; con đường kia, không đích thực, và không nhất thiết phải đích thực, …’’

Và cuối cùng, để kết thúc phần này, ta xem lại vài câu của Heraclitus:

We step and do not step into the same rivers: we are, and are not.

Gs Lê Tôn Nghiêm dịch (Nghiêm, 2000, p. 132):

“Ta xuống và không xuống trong cùng những dòng sông, chúng ta không có

hoặc câu (Aristotle, 1908, p. 1005b):

“It is, that the same attribute cannot at the same time belong and not belong to the same subject in the same respect;”

Gs Lê Tôn Nghiêm dịch[31] (Nghiêm, Lịch Sử Triết Học Tây Phương, Tập 1, 2000, p. 103):

…biến dịch của Héraclite còn phải hiểu là “cùng một sự vật vừa vừa không

hoặc dịch theo (Minh, 2000, pp. 131-139):

Chúng ta vừa bước xuống vừa không bước xuống cùng một dòng sông. Chúng ta vừa tồn tại vừa không tồn tại. (D49a)

Với cách dịch “có/không” của Gs Nghiêm, “tồn tại/không tồn tại” của Hà Thúc Minh, trường hợp này cũng tương tự như trường hợp “có/không” Aristotle đã nói bên trên – Tạm dịch lại:

Ta vừa lội, vừa không lội vào cùng dòng sông; ta vừa là như thế, vừa không là như thế.

IV. Kết luận

Bài báo “The Greek Verb ‘To Be’ and the Concept of Being” của Charles H. Kahn đã mở ra một góc nhìn sâu sắc về những nét nghĩa, lối dùng động từ “to be” (esti) trong tiếng Hy Lạp cổ đại không chỉ biểu đạt sự tồn tại đơn thuần, mà còn chứa đựng nhiều nét nghĩa quan trọng, đặc biệt là nét nghĩa “to be so [and so]”,[32] và điều này có thể tạo ra sự khác biệt lớn khi tiếp cận triết học Hy Lạp, và đồng thời Kahn lập luận rằng nhiều cách dịch trong triết học hiện nay (Anh, Mỹ,…) không phản ánh đúng nét nghĩa này. Trong bối cảnh ở Việt Nam, việc dịch động từ “to be” một cách đơn giản, hời hợt thành “tồn tại” (hoặc từ ‘giả dịch’[33] LÀ), mà không làm rõ nét nghĩa “to be so [and so]” mà Kahn nhắc đến sẽ bỏ qua các khía cạnh sâu sắc về trạng thái, tính chất của sự vật có thể dẫn đến sự hiểu sai hoặc thiếu chính xác khi nghiên cứu các tác phẩm triết học Hy Lạp cổ điển. Do đó, ngoài vấn đề context, người dịch cần phải cân nhắc thêm những sắc thái về trạng thái, bản chất, và cách thức sử dụng tất cả những nét nghĩa thích hợp của being/is (tồn tại), để đảm bảo rằng ý nghĩa sâu xa của văn bản gốc được truyền tải chính xác. Vấn đề này không hề dễ dàng, chẳng hạn, hãy xem câu ‘ἦν ἀεὶ καὶ ἔστιν καὶ ἔσται πῦρ ἀείζωον’ (Heraclitus B 30), tiếng Anh: ‘it ever was and is and will be: everliving fire’. Qua sự cân xứng của ‘was’, ‘is’, ‘will be’, câu này khiến ta có xu hướng dịch là ‘nó mãi đã, đangsẽ là ngọn lửa vĩnh cửu’. Nhưng theo Kahn (Kahn, Essays on Being, 2009, p. 174; 204), hai động từ ‘was’ và ‘is’ sử dụng theo kiểu tồn tại, động từ ‘will be’ được sử dụng theo kiểu từ buộc; vì thế câu này nếu dịch theo ý Kahn sẽ là: ‘nó đã tồn tại, đang tồn tại và mãi mãi ngọn lửa vĩnh cửu’’!

Bài viết này chỉ là một đề xuất, hy vọng các nhà dịch thuật và học giả cần có sự trao đổi và cập nhật với những nghiên cứu mới nhất trong lĩnh vực ngôn ngữ và triết học Hy Lạp cổ điển để liên tục cải thiện chất lượng dịch & hiểu, tránh làm mất đi sự phong phú và đa chiều trong tư duy triết học Hy Lạp.

Cuối cùng, người viết chân thành cảm ơn hai bạn Phạm Yên Nhiên và Nguyễn Việt Anh đã bỏ công đọc lại và đóng góp một số ý kiến có giá trị.

V. Tham khảo

Aristotle. (1908). Metaphysica (The Works of Aristotle – Volume VIII). (W. D. Ross, Trans.) OXFORD: OXFORD AT THE CLARENDON PRESS.

Brown, L. (1994). The verb “to be” in greek philosophy. Language: Companions to Ancient Thought, Vol. 3., 217.

Đinh Ngọc Thạch; Doãn Chính. (2018). Lịch sử Triết Học Phương Tây, Tập 1. Hà Nội: NXB Chính Trị Quốc Gia Sự Thật.

Dũng, D. N. (2022). Triết Luận Đông Tây: Từ Maitreya Đến Martin Heidegger. TP HCM: NXB Khoa Học Xã Hội.

Graham, A. C. (1986). “Being” In Western Philosophy Compared With Shih/Fei And Yu/Wu In Chinese Philosophy. Studies in Chinese Philosophy & Philosophical Literature.

Hirschberger, J. (2020). Lịch Sử Triết Học, Tập 1 (Vol. 1). (B. V. Sơn, Ed., & D. A. Xuân, Trans.) TP HCM: NXB Tri Thức.

Kahn, C. H. (1966, Aug, Vol. 2, No. 3 ). The Greek Verb ‘To Be’ and the Concept of Being. Foundations of Language, 245-265.

Kahn, C. H. (2009). Essays on Being. New York: Oxford University Press.

Matthen, M. (1983). Greek Ontology and the ‘Is’ of Truth. Phronesis, Vol. 28, No. 2 (2), pp. 113-135.

McGinn, C. (2015). Philosophy of Language: The Classics Explained. London: The MIT Press Cambridge, Massachusetts London, England.

Minh, H. T. (2000). Triết học cổ đại Hy Lạp La Mã. Nxb. Mũi Cà Mau.

Nghiêm, L. T. (2000). Lịch Sử Triết Học Tây Phương. TP Hồ Chí Minh: NXB TP Hồ Chí Minh.

Nghiêm, L. T. (2000). Lịch Sử Triết Học Tây Phương, Tập 1. TP Hồ Chí Minh: NXB TP Hồ Chí Minh.

Osborne, C. (2004). Presocratic Philosophy: A Very Short Introduction. New York: Oxford University Press.

Russell, B. (2023). Lịch Sử Triết Học Phương Tây I. (H. H. Đăng, Trans.) Hà Nội: Nhã Nam.

Russell, B. (2024). Lịch Sử Triết Học Tây Phương. (M. Sơn, Trans.) TP HCM: NXB Tri Thức.

Wittgenstein, L. (2005). The Big Typescript 213. (C. G. Luckhardt, & M. A. Aue, Eds.) United Kingdom: Blackwell Publishing Ltd.

Wittgenstein, L. (2018). Luận Văn Logic Triết Học. (T. Đ. Thắng, Trans.) TP HCM: Domino.


Chú Thích

  1. “The safest general characterization of the European philosophical tradition is that it consists of a series of footnotes to Plato.” ↩︎
  2. Gần đây một số tác phẩm của Aristotle đã được dịch sang tiếng Việt, nhưng do chất lượng kém nên sẽ không nhắc đến trong bài viết này. ↩︎
  3. Người viết không tìm lại được nguồn. ↩︎
  4. Ông Bùi Văn Nam Sơn: “Tại sao tôi dịch chữ Sein/Being của Heidegger là “Tồn tại”? Tôi cũng băn khoăn nhiều khi thử dịch từ hệ trọng này của Heidegger, trong khi đã có nhiều cách dịch khá phổ biến trong tiếng Việt: Hữu thể, Tính thể, Thể tính v.v..” Ở Sài gòn, cách dịch ‘Being/To be’ là ‘hữu thể’ cũng khá phổ biến, chẳng hạn, ‘être et penser, c’est la même chose’ dịch là ‘hữu thể và tư tưởng là một’ (Nghiêm, Lịch Sử Triết Học Tây Phương, Tập 1, 2000, p. 175) ↩︎
  5. Đây là cách dịch của nhà thơ Phạm Công Thiện, một con người quá khác thường, không chút bận tâm việc tuân theo các chuẩn mực của công việc dịch thuật: nghệ sĩ, bốc đồng, khi dịch những khái niệm của Tây phương mà ông móc vào những khái niệm thời cổ đại bên Tàu. Người viết cho rằng ông phải chịu trách nhiệm về những lối dịch này, và hy vọng lịch sử rồi sẽ rất công bằng: những từ Hán Việt ông chế ra rồi sẽ đi vào quên lãng! Nhân tiện nói ngoài lề về nhà thơ này. Trong Hố Thẳm của Tư Tưởng, trang 48, Phạm Công Thiện viết: “Tôi chỉ xin phê phán trên cương vị thường tính. Tôi sẽ dùng số đếm để phá hủy tư tưởng số đếm của C. G. Jung; tôi xin dùng toán học của hai nhà toán học Đức nổi danh khắp thế giới là George Cantor và David Hilbert.” Phạm Công Thiện đọc A HISTORY OF WESTERN PHILOSOPHY của Russell (Chapter XXXI. The Philosophy of Logical Analysis, trang 828-829), lấy lại cách hiểu, chứng minh Russell nhưng lại viết rằng ‘tôi xin dùng toán học của hai nhà toán học Đức nổi danh khắp thế giới là George Cantor và David Hilbert’ để người đọc ngầm hiểu mình đọc trực tiếp từ Cantor và David Hilbert! Vậy mà cả đời Phạm Công Thiện mắng ra rả Russell là ngu dốt nhất, nông cạn nhất: “Tại sao mấy chục năm rồi mà nó vẫn cho quyển A History of Western Philosophy của Bertrand Russell (gồm đến 895 trang) là quyển sách ngu dốt nhất và nông cạn nhất về Triết Lý Tây phương?” (Đi Cho Hết Một Đêm Hoang Vu Trên Mặt Đất, trang 80) Bạn gọi hành động này là gì? ↩︎
  6. Động từ “to be” là một trong những đặc điểm nổi bật nhất của nhóm Ấn-Âu, thực hiện nhiều chức năng khác nhau mà hầu hết các ngôn ngữ đấy đều phân biệt rõ ràng. Những vấn đề siêu hình mà động từ này khơi dậy có tầm quan trọng trong suốt lịch sử triết học phương Tây, từ Parmenides đến những người theo xim Hiện sinh. Tiếng Trung cổ điển không có từ nào tương đương với động từ này, do đó, thể hiện các chức năng của “to be” bằng ít nhất 6 từ/cấu trúc khác nhau, Trung, chẳng hạn, THỊ (是), PHI (非), HỮU (有), VÔ (無), ví dụ:
    – There [is] a man > [Hữu] nhất cá nhân (有一個人)
    – A white horse [is] not a horse > Bạch mã phi mã (白馬非馬) – theo”Being’ In Western Philosophy Compared With Shih/Fei And Yu/Wu In Chinese Philosophy – (Graham, 1986, pp. 80-81) ↩︎
  7.  tác phẩm của Aristotle ↩︎
  8. Met. viết tắt của Metaphysics, Aristottle. ↩︎
  9. Nói ngoài lề, vì ‘to be’ ở đây không phải của Hy Lạp. ↩︎
  10. Xem thêm ca của Descartes: Cogito, ergo sum (La Tinh)  được dịch thành ‘Je pense, donc je suis.’ ↩︎
  11. Tàu dịch cũng không khá hơn Việt Nam: (1) 同一律:“是就是是。” > (1) đồng nhất luật: “thị tựu thị thị.” > (1) Luật đồng nhất: “Là chính là là.” ↩︎
  12. xem Các Vấn Đề Triết Học, B. Russell, Huỳnh Duy Thanh dịch; IRED 2018, trang 67. Luật đồng nhất do Parmenides phát biểu,…,  theo A. H. Coxon: “Mặc dù Parmenides định nghĩa khái niệm triết học của mình theo các biểu thức “is” và “is not”, ông không đưa ra chỉ dẫn rõ ràng nào về ý nghĩa của các biểu thức này. Do đó, xu hướng giải thích hiện đại đã gán cho ông, nói chung, động từ này được hiểu theo nghĩa ‘tồn tại’, hoặc có lẽ, từ khi ấy, không có phân biệt rõ ràng giữa cách sử dụng existential và cách sử dụng copulative của động từ này. Tốt hơn hết là nên nhận ra rằng cách tiếp cận của ông hoàn toàn mang tính hình thức hoặc biện chứng, tức là, thay vì đưa ra bất kỳ ý nghĩa nào cho động từ đấy, ông quan tâm đến việc xác định ý nghĩa nào gắn liền với nó, xét đến vai trò thiết yếu của nó trong việc “khẳng định và tư duy”. ↩︎
  13. Vấn đề về tồn tại (being & existence) là một trong những vấn đề khó nhằn nhất trong triết học. Chủ đề này thường bị pha trộn một cách tù mù giữa giáo điều và sự nhầm lẫn. Frege và Russell, được gợi hứng từ Kant, cho rằng ‘x tồn tại’ không phải là một vị từ thực sự (real predicate). Họ cho rằng, khái niệm này sẽ được biểu đạt đầy đủ và chính xác bởi lượng từ tồn tại (existential quantifier).
    – Frege đã khá chính xác về khái niệm này. Quan điểm của ni cho rằng nó không phải là một vị từ cấp một, một vị từ biểu đạt một thuộc tính của các đối tượng. Ni cho rằng nó (tức khái niệm tồn tại) thực sự là một vị từ cấp hai, một vị từ biểu thị thuộc tính của các khái niệm.
    Frege: ‘Fs tồn tại’ phải được hiểu là biểu đạt một thứ gì đó về khái niệm F, tức là, nó có ít nhất một ví dụ [cho nó].
    – Russell cũng nói tương tự:
    “Về bản chất, tồn tại là một thuộc tính của một hàm mệnh đề, nghĩa là, có ít nhất một trường hợp mà hàm mệnh đề này đúng.”
    Vì vậy, nói rằng Fs tồn tại là nói rằng hàm [x là F] sẽ đúng với ít nhất một giá trị của x. Ý  tưởng này hiện nay thường được diễn đạt như sau:
    1. Khẳng định [rằng] Fs tồn tại chính là nói rằng có Fs và phủ định [rằng] Fs tồn tại là nói rằng không có bất kỳ Fs nào.
    Ý trên liên quan chặt chẽ với:
    2.
    (i) ‘x tồn tại’ không phải là một vị từ cấp một (first-order predicate);
    (ii) ‘Tồn tại’ không phải là thuộc tính của đối tượng – tồn tại chính là thuộc tính của thuộc tính; và
    (iii) ‘Tồn tại’ được biểu đạt hoàn toàn bằng lượng từ ‘Có’ (‘There is’, ∃). ↩︎
  14. ở VN thường dịch ‘existence’ là ‘hiện hữu’, tuy nhiên nếu đem cách dịch này, chẳng hạn, vào câu sau thì không thể nghe lọt tai, ví dụ: 𝘛𝘩𝘦𝘳𝘦 𝘦𝘹𝘪𝘴𝘵𝘴 𝘢 𝘱𝘳𝘪𝘮𝘦 𝘣𝘦𝘵𝘸𝘦𝘦𝘯 𝘯 𝘢𝘯𝘥 2𝘯. > 𝘔𝘰̣̂𝘵 𝘴𝘰̂́ 𝘯𝘨𝘶𝘺𝘦̂𝘯 𝘵𝘰̂́ 𝘩𝘪𝘦̣̂𝘯 𝘩𝘶̛̃𝘶 𝘨𝘪𝘶̛̃𝘢 𝘯 𝘷𝘢̀ 2𝘯. Câu này thường được nói là: Tồn tại (hoặc ) một số nguyên tố nằm giữa n và 2n. ↩︎
  15. từ cũ: hệ từ (copula) ↩︎
  16. Câu gốc: “Man is the measure of all things, of things that are that they are, and of things that are not that they are not.” ↩︎
  17. Người biên tập có cách dịch khác: Con người là thước đo cho vạn vật, cho sự vật là có thì nó có, và cho sự vật là không thì nó không có. [BT] ↩︎
  18. Gốc: “Man is the measure of all things; of those that are, that they are, and of those that are not, that they are not” (Diels, Frag. 1). ↩︎

Be First to Comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *