Press "Enter" to skip to content

Siêu hình học Ma trận

Siêu hình học Ma trận

The Matrix as Metaphysics[1]

(Kỳ 1 – eVersion 0.3)

David J. Chalmers

Trần Đình Thắng dịch

David John Chalmers (sinh ngày 20 tháng 4 năm 1966) là một triết gia và nhà khoa học nhận thức người Úc chuyên về lĩnh vực triết học tâm trí và triết học ngôn ngữ. Ông là giáo sư triết học và khoa học thần kinh tại Đại học New York, đồng thời là đồng giám đốc Trung tâm Center for Mind, Brain and Consciousness của NYU. Năm 2006, ông được bầu làm Uỷ viên (Fellow) của Học viện Nhân văn Úc. Năm 2013, ông được bầu làm Uỷ viên của Viện Hàn lâm Khoa học & Nghệ thuật Hoa Kỳ.

Chalmers nổi tiếng với phát biểu trình bày về Vấn đề khó nhằn về ý thức (The hard problem of consciousness) và phổ biến thí nghiệm tư duy về xác lết triết học (philosophical zombie).

Ông và David Bourget cùng sáng lập PhilPapers, một cơ sở dữ liệu các bài báo dành cho các nhà triết học.

Tác phẩm của Chalmers

  • The Conscious Mind: In Search of a Fundamental Theory (1996). Oxford University Press.
  • Toward a Science of Consciousness III: The Third Tucson Discussions and Debates (1999). Stuart R. Hameroff, Alfred W. Kaszniak and David J. Chalmers (Editors). The MIT Press.
  • Philosophy of Mind: Classical and Contemporary Readings (2002). (Editor). Oxford University Press.
  • The Character of Consciousness (2010). Oxford University Press.
  • Constructing the World (2012). Oxford University Press.
  • Reality+: Virtual Worlds and the Problems of Philosophy (2022). W. W. Norton & Company.

–&–

* [[Bài báo này ban đầu được viết cho phần triết học của trang web Ma trận chính thức (The Matrix website , 2003) và sau đó được xuất bản trong (Christopher Grau, ed.) Philosophers Explore the Matrix (Nhà xuất bản Đại học Oxford, 2005). Phần lớn bài báo này được nhắm tới những người đọc dù không có nền tảng về triết học song vẫn có thể đọc hiểu dễ dàng. Đồng thời, bài báo này được coi là một công trình triết học nghiêm túc, liên quan đến các vấn đề trọng tâm trong nhận thức luận, siêu hình học, triết học tâm trí và ngôn ngữ. Mục “những ghi chú triết học” ở cuối bài viết này sẽ rút ra một vài liên kết này một cách rõ ngoài (tường minh).]]

1 Những bộ não trong bình[2] (Brains in Vats)

Phim Ma trận (The Matrix ) trình bày một phiên bản của một ngụ ngôn triết học xưa cũ: bộ não trong bình (the brain in a vat). Một bộ não tách rời đang trôi nổi trong một cái bình, bên trong phòng thí nghiệm của một nhà khoa học. Các nhà khoa học đã sắp xếp sao cho bộ não này sẽ được kích thích với cùng những đầu vào (input) mà một bộ não bình thường tiếp nhận được. Để làm được điều này, bộ não ấy được kết nối với một giả lập một thế giới nào đó bằng một máy tính khổng lồ. Giả lập này (simulation) sẽ xác định những đầu vào nào mà bộ não này nhận được. Khi bộ não cho kết quả là các đầu ra (outputs), những đầu ra này sẽ được đưa ngược lại (fed back) giả lập đấy. Trạng thái bên trong của bộ não y như một bộ não bình thường, mặc dù thực tế là nó không có cơ thể. Theo góc nhìn từ bộ não này, mọi sự dường như rất giống với góc nhìn của bạn và tôi.

https://consc.net/pics/@@/matrix1.jpg

Dường như bộ não này bị ủ mê cực độ[3] (massively deluded). Nó có đủ loại niềm tin sai lầm về thế giới. Nó tin rằng nó có một cơ thể, nhưng nó không hề có. Nó tin rằng nó đang đi bên ngoài dưới ánh sáng mặt trời, nhưng thực tế nó đang ở bên trong một phòng thí nghiệm tối tăm. Nó tin rằng nó đang ở một nơi nào đó, thực tế thì nó có thể ở một nơi nào đó hoàn toàn khác. Có lẽ nó nghĩ rằng nó đang ở Tucson, trong khi nó thực sự ở Úc, hoặc thậm chí ở ngoài không gian.

Tình huống của Neo ở phần đầu phim Ma Trận là thứ gì đó như thế này. Ni (he) cho rằng mình đang sống ở một thành phố nào đó, ni nghĩ rằng mình có tóc và đang ở vào năm 1999, ni nghĩ rằng bên ngoài trời nắng. Trong thực tế, ni đang lơ lửng trong không gian, không có tóc, vào khoảng năm 2199, và thế giới hoàn toàn tối tăm do chiến tranh. Có một vài điểm khác biệt nhỏ so với kịch bản cái bình ở trên: bộ não của Neo nằm trong một cơ thể, và giả lập máy tính được điều khiển bởi máy móc chứ không phải bởi một nhà khoa học. Nhưng các chi tiết then chốt thì như nhau. Trên thực tế, Neo là một bộ não trong bình.

Giả sử một ma trận (chữ thường “m”) là một máy tính nhân tạo được thiết kế giả lập cho một thế giới. Vì vậy, Ma trận trong phim này là một ví dụ về một ma trận. Và giả sử, một ai đó là bộ não cấy nhúng [trong bình] (is envatted), hoặc họ đang ở trong một ma trận, nếu hệ thống nhận thức (cognitive system) của họ nhận đầu vào và gửi đầu ra đến một ma trận nào đó. Thế thì bộ não ban đầu này được cấy nhúng, và Neo cũng vậy.

Chúng ta có thể tưởng tượng một ma trận giả lập toàn bộ vật lý của một thế giới, theo dõi từng hạt cơ bản trong toàn bộ không gian và thời gian. (Sau này, chúng ta sẽ xem xét các cách thiết lập có thể khác nhau.) Một tồn tại cấy nhúng trong bình (an envatted being) được liên kết với một cơ thể giả lập cụ thể. Một kết nối được sắp xếp sao cho bất cứ khi nào cơ thể này nhận được các đầu vào cảm giác bên trong giả lập này, thì hệ thống nhận thức cấy nhúng trong bình sẽ nhận được các đầu vào cảm giác cùng loại. Khi hệ thống nhận thức trong bình tạo ra các đầu ra vận động, các đầu ra tương ứng sẽ được truyền đến các cơ quan vận động của cơ thể giả lập này.

Khi nêu ra khả năng của một ma trận, tức thì một câu hỏi sẽ nảy sinh. Làm sao tôi biết rằng tôi không ở trong một ma trận nào đó? Rốt cuộc, có thể có một bộ não trong bình có cấu trúc giống hệt như bộ não của tôi, được kết nối với một ma trận nào đó, với những trải nghiệm không thể phân biệt được với những trải nghiệm mà tôi đang có ngay lúc này. Từ bên trong, không có cách nào để nói chắc rằng tôi không ở trong tình huống bộ não trong bình. Vì vậy, dường như không có cách nào để biết chắc rằng tôi không ở trong một ma trận nào đấy.

Ta hãy gọi Giả thuyết Ma trận (Matrix Hypothesis) là giả thuyết cho rằng tôi đang ở trong một ma trận và từng luôn ở trong một ma trận. Nói cách khác, Giả thuyết Ma trận nói rằng tôi đang bị cấy nhúng trong bình và đã luôn như vậy. Giả thuyết này không hoàn toàn tương đương với giả thuyết tôi đang ở trong [phim] Ma trận (the Matrix), vì Ma trận chỉ là một phiên bản cụ thể của một ma trận nào đó. Lúc này, tôi sẽ bỏ qua một số chi tiết phức tạp đặc trưng cho Ma trận trong phim này, chẳng hạn như việc đôi khi mọi người đi qua đi lại giữa Ma trận và thế giới bên ngoài. Tạm gác những vấn đề ấy, theo cách không chính thức, ta có thể cho rằng Giả thuyết Ma trận chính là, tôi đang ở trong loại tình huống giống như những người từng luôn ở trong Ma trận.

Giả thuyết Ma trận là một giả thuyết ta nên nghiêm túc xem xét. Như Nick Bostrom đã gợi ý và không phải là không thể: trong lịch sử vũ trụ, công nghệ phát triển sẽ cho phép các tồn tại (beings) tạo ra những giả lập [bằng] máy tính (computer simulations) của toàn bộ các thế giới. Có thể có rất nhiều giả lập máy tính như vậy, so với chỉ có một thế giới thực.

Nếu vậy, rất có thể có nhiều tồn tại ở trong ma trận hơn là những tồn tại không ở trong ma trận. Với tất cả những điều này, ta thậm chí có thể suy ra: có nhiều khả năng ta đang ở trong một ma trận hơn so với việc [ta] không ở trong đấy. Cho dù điều này có đúng hay không, thì có vẻ như ta không thể chắc chắn [rằng] ta không ở trong một ma trận nào đấy.

Và dường như đưa đến các hệ quả nghiêm trọng. Đối ứng trong bình của tôi (my envatted counterpart) dường như bị ủ mê cực độ. Nó (đối ứng này) nghĩ rằng nó đang ở Tucson; nó nghĩ rằng nó đang ngồi ở bàn và đang viết một bài báo; nó nghĩ rằng nó có một cơ thể. Nhưng xét trên bề mặt, mọi niềm tin này đều sai. Y như vậy, dường như nếu tôi đang bị cấy nhúng, thì những niềm tin tương ứng của riêng tôi là sai. Nếu tôi đang bị nhúng, tôi không thực sự ở Tucson, tôi không thực sự đang ngồi tại bàn làm việc, và thậm chí tôi có thể không có cơ thể. Vì vậy, nếu tôi không biết rằng tôi không đang bị nhúng, thế thì tôi không biết rằng tôi đang ở Tucson, tôi không biết rằng tôi đang ngồi ở cái bàn nào đó, và tôi không biết [rằng] tôi có một cơ thể.

Giả thuyết Ma trận đe dọa cắt xén (undercut) hầu hết mọi thứ tôi biết. Đó dường như là một giả thuyết [kiểu] hoài nghi (skeptical hypothesis): một giả thuyết mà tôi không thể loại trừ, và một giả thuyết sẽ làm sai lệch hầu hết các niềm tin của tôi nếu đấy là sự thật. Với một giả thuyết hoài nghi, thì dường như không có niềm tin nào trong số những niềm tin này được coi là sự biết hiểu đích thực (genuine knowledge). Rõ thấy những niềm tin ấy có thể đúng – tôi có thể may mắn, và không bị nhúng –- nhưng tôi không thể loại trừ khả năng chúng là sai. Vì vậy, một giả thuyết hoài nghi sẽ dẫn đến thế đứng hoài nghi về những niềm tin này: Tôi tin những thứ này, nhưng tôi không biết chúng.

Tóm tắt lập luận này: Tôi không biết [rằng] tôi không ở trong một ma trận nào đó. Nếu tôi ở trong một ma trận, thì có lẽ tôi không ở Tucson. Vì thế, nếu tôi không biết rằng tôi không ở trong một ma trận, thì tôi không biết rằng tôi đang ở Tucson. Điều tương tự cũng xảy ra với hầu hết mọi thứ khác mà tôi nghĩ rằng tôi biết về thế giới bên ngoài.

2 Xem xét lại sự cấy nhúng trong bình (Envatment Reconsidered)

Đây là một kiểu suy nghĩ chuẩn về kịch bản cấy nhúng trong bình (vat scenario). Có vẻ như góc nhìn này cũng được chính những người đã tạo ra [phim] Ma Trận tán thành. Trên hộp DVD của phim, ta thấy như sau:

Nhận biết (tức, Thế giới ảo): Thế giới hàng ngày của ta là thật.

Thực tại: Thế giới này là một trò lừa đảo, một trò bịp tinh vi được tạo ra bởi những cỗ máy cực mạnh kiểm soát chúng ta. Ái chà.[4]

Tôi cho rằng góc nhìn này không hoàn toàn đúng. Tôi nghĩ rằng ngay cả khi tôi đang ở trong một ma trận nào đó, thế giới của tôi là hoàn toàn thực (perfectly real). Một bộ não trong bình không bị ủ mê cực độ (massively deluded) (ít nhất là nếu nó luôn ở trong bình). Neo không có những niềm tin sai cực độ về thế giới bên ngoài. Thay vào đó, những tồn tại trong bình có niềm tin phần lớn là chính xác về thế giới của họ. Nếu vậy, Giả thuyết Ma trận không phải là một giả thuyết hoài nghi, và khả năng của nó không hề cắt xén chạm trổ mọi thứ mà tôi nghĩ là tôi biết.

Các triết gia đã có góc nhìn này trước đây. Nhà triết học thế kỷ 18 George Berkeley cho rằng vẻ ngoài [hiện tượng] là thực tại. (Hãy nhớ lại Morpheus: “Thực là gì? (“What is real?”) Anh định nghĩa thế nào là thực? Nếu anh đang nói về những gì anh có thể cảm nhận, những gì anh có thể ngửi, những gì anh có thể nếm và nhìn thấy, thế thì, ‘thực’ chỉ đơn giản là những tín hiệu điện được não anh diễn giải.” ) Nếu điều này đúng, thì thế giới được cảm nhận bởi các tồn tại trong bình (envatted beings) này là hoàn toàn thật: chúng nhận được tất cả các vẻ ngoài (hiện tượng) đúng đắn, và vẻ ngoài là thực tại. Vì vậy, theo góc nhìn này, ngay cả những tồn tại trong bình cũng có những niềm tin đúng (true beliefs) về thế giới.

Gần đây tôi thấy mình cũng có một kết luận tương tự, mặc dù với những lý do hoàn toàn khác. Tôi không cho là hợp lý với góc nhìn cho rằng vẻ ngoài là thực tại, vì vậy tôi không tán thành lập luận của Berkeley. Và cho đến gần đây, tôi thấy khá rõ ràng: những bộ não trong bình sẽ có những niềm tin sai cực độ (massively false beliefs). Nhưng giờ thì tôi nghĩ rằng có một lập luận cho thấy điều này là sai.

Tôi vẫn nghĩ rằng tôi không thể loại bỏ giả thuyết cho rằng tôi đang ở trong một ma trận nào đấy. Nhưng tôi cho rằng, ngay cả khi tôi đang ở trong một ma trận, tôi vẫn đang ở tại Tucson, tôi vẫn đang ngồi ở bàn làm việc của mình, v.v. Vì vậy, giả thuyết cho rằng tôi đang ở trong một ma trận thì không phải là một giả thuyết hoài nghi. Điều tương tự cũng đúng với Neo. Ở đầu phim, nếu anh ấy nghĩ “Tôi có tóc” thì anh ấy đã đúng. Nếu anh ấy nghĩ “Bên ngoài trời nắng”, anh ấy cũng đúng. Và rõ ràng, điều tương tự cũng xảy ra đối với bộ não ban đầu (original brain) trong bình. Khi bộ não này nghĩ rằng “Tôi có một cơ thể”, thì điều này đúng. Khi nó nghĩ “Tôi đang đi”, nó cũng đúng.

Góc nhìn này thoạt nghe có vẻ rất phản biết thẳng [trực giác]. Ban đầu, nó có vẻ khá phản biết thẳng đối với tôi. Vì vậy, bây giờ tôi sẽ trình bày các lập luận đã thuyết phục tôi rằng góc nhìn này đúng.

3 Giả thuyết Siêu hình (The Metaphysical Hypothesis)

Tôi sẽ lập luận rằng, giả thuyết cho rằng tôi đang được cấy trong bình thì không phải là một giả thuyết [kiểu] hoài nghi, mà là một giả thuyết siêu hình. Nghĩa là, đấy là một giả thuyết về bản chất (nature) cơ bản của thực tại.

Trong khi vật lý học quan tâm đến các tiến trình vi mô làm cơ sở cho thực tại vĩ mô, thì siêu hình học lại quan tâm đến bản chất cơ bản của thực tại. Một giả thuyết siêu hình có thể đưa ra một tuyên bố về thực tại làm nền tảng cho bản thân vật lý học. Ngoài ra, nó có thể nói điều gì đó về bản chất của tâm trí chúng ta, hoặc sự tạo lập ra thế giới của ta.

Tôi nghĩ rằng Giả thuyết Ma trận nên được coi là một giả thuyết siêu hình với cả ba yếu tố này. Nó đưa ra tuyên bố về thực tại làm nền tảng cho vật lý, về bản chất của tâm trí chúng ta, và về sự tạo lập thế giới.

Đặc biệt, tôi nghĩ Giả thuyết Ma trận thì tương đương với một phiên bản của Giả thuyết Siêu hình gồm ba phần sau đây. Thứ nhất, các tiến trình vật lý về cơ bản là tính toán (fundamentally computational). Thứ hai, những hệ thống nhận thức (cognitive systems) của ta thì tách biệt với các tiến trình vật lý, nhưng vẫn tương tác với các tiến trình này. Thứ ba, thực tại vật lý được tạo ra bởi những tồn tại bên ngoài không-thời gian [kiểu] vật lý.

Điều quan trọng là không có gì đáng hoài nghi về Giả thuyết Siêu hình này. Giả thuyết Siêu hình ở đây cho ta biết về các tiến trình nằm trong nền tảng thực tại thông thường của ta, nhưng nó không đòi hỏi rằng thực tại này không tồn tại. Chúng ta vẫn có thân thể, vẫn có bàn ghế: chỉ là bản chất cơ bản của chúng thì hơi khác so với những gì ta có thể nghĩ đến. Theo cách này, Giả thuyết Siêu hình thì tương tự như một giả thuyết vật lý, chẳng hạn như một giả thuyết liên quan đến cơ học lượng tử. Cả giả thuyết vật lý và Giả thuyết Siêu hình đều cho ta biết về các tiến trình cơ bản xảy ra trong những chiếc ghế. Chúng không đưa đến kết luận rằng không có cái ghế nào. Thay vào đó, chúng cho ta biết những chiếc ghế thực sự thì [trông] như cái gì.

Tôi sẽ chứng minh [trường hợp này] bằng cách giới thiệu riêng từng phần trong ba phần của Giả thuyết Siêu hình. Tôi sẽ gợi ý rằng, mỗi một trong số chúng đều nhất quán, mạch lạc và không thể loại bỏ dứt điểm (conclusively ruled out). Và tôi cũng sẽ gợi ý rằng không có giả thuyết nào trong số chúng là một giả thuyết hoài nghi: ngay cả khi chúng đúng, hầu hết niềm tin thông thường của ta vẫn đúng. Điều tương tự cũng y như thế với sự kết hợp của cả ba giả thuyết này. Sau đó tôi sẽ lập luận rằng giả thuyết Giả thuyết Ma trận tương đương với sự kết hợp này.

(1) Giả thuyết tính toán (Computational Hypothesis)

Giả thuyết Tính toán nói rằng: Các tiến trình vật lý vi mô xuyên suốt không-thời gian được cấu thành bởi các tiến trình tính toán cơ bản.

https://consc.net/pics/@@/matrix3.jpg

Giả thuyết tính toán nói rằng, vật lý theo như ta biết thì không phải là cấp độ cơ bản của thực tại. Giống như các tiến trình hóa học làm cơ sở cho các tiến trình sinh học và các tiến trình vật lý vi mô làm cơ sở cho các tiến trình hóa học, có một cái gì đó làm cơ sở cho các tiến trình vật lý vi mô. Bên dưới cấp độ quark, electron và photon là một cấp độ sâu hơn: cấp độ bit. Các bit này bị chi phối (governed) bởi một thuật toán tính toán (computational algorithm), vốn ở cấp độ cao hơn sẽ tạo ra các tiến trình mà ta coi là các hạt cơ bản, các lực, v.v.

Một số người rất coi trọng Giả thuyết Tính toán. Nổi tiếng nhất, Edward Fredkin đã mặc nhiên công nhận rằng vũ trụ nằm tận đáy của một loại máy tính nào đó (universe is at bottom some sort of computer). Gần đây hơn, Stephen Wolfram đã đưa ra ý tưởng này trong cuốn sách A New Kind of Science của mình, gợi ý rằng ở cấp độ cơ bản, thực tại vật lý có thể là một loại cellular automata, với các bit tương tác bị chi phối/điều chỉnh bởi các quy tắc đơn giản. Và một số nhà vật lý đã xem xét cái khả năng cho rằng, các định luật vật lý có thể được phát biểu (formulated) bằng công thức (dưới hình thức tính toán), hoặc có thể được coi là hệ quả của các nguyên tắc tính toán nhất định.

Ta có thể e ngại rằng, các bit thuần túy không thể là cấp độ cơ bản của thực tại: một bit chỉ là bit 0 hoặc bit 1 và thực tại không thể chỉ là những số không và những số một. Hoặc có lẽ, các bit chỉ là một “sự sai biệt ròng” (“pure difference”) giữa hai trạng thái cơ bản, và không thể có một thực tại nào được tạo thành từ những sai biệt ròng. Thay vào đó, các bit phải luôn được cài đặt (implemented) bởi các trạng thái cơ bản hơn, chẳng hạn như điện áp trong một máy tính thông thường.

Tôi không biết liệu sự phản đối này có đúng không. Tôi không nghĩ rằng, đấy hoàn toàn là ngoài vấn đề: có thể có một vũ trụ gồm những “bit ròng [thuần túy]” (pure bits). Nhưng điều này không quan trọng cho các mục đích hiện tại. Chúng ta có thể cho rằng bản thân cấp độ tính toán được cấu thành bởi một cấp độ thậm chí còn cơ bản hơn, tại đó các tiến trình tính toán được thực hiện. Đối với các mục đích hiện tại, cấp độ cơ bản hơn, đó là gì thì không quan trọng. Tất cả những gì quan trọng là các tiến trình vật lý vi mô được cấu thành bởi các tiến trình tính toán, bản thân chúng được cấu thành bởi các tiến trình cơ bản hơn. Từ giờ trở đi, tôi sẽ coi Giả thuyết Tính toán là những thứ này.

Tôi không biết Giả thuyết Tính toán có đúng không. Nhưng một lần nữa, tôi không biết nó có sai không. Nếu chỉ xét về mặt suy biện (speculative) thì giả thuyết này là nhất quán, mạch lạc, và tôi không thể loại trừ nó một cách thuyết phục.

Giả thuyết Tính toán không phải là một giả thuyết hoài nghi. Nếu nó đúng, thì vẫn còn đấy những electron và proton. Trong bức tranh này, các electron và proton sẽ tương tự như các phân tử: chúng được tạo thành từ một thứ gì đó cơ bản hơn, nhưng chúng vẫn có đó (exist). Tương tự như vậy, nếu Giả thuyết Tính toán đúng thì vẫn có bàn, có ghế, thực tại vĩ mô vẫn tồn tại. Hóa ra thực tại cơ bản của chúng hơi khác so với những gì ta nghĩ.

Tình huống ở đây thì y như tình huống với cơ học lượng tử hoặc thuyết tương đối. Những tình huống này có thể khiến ta phải xem xét lại một vài niềm tin “siêu hình” về thế giới bên ngoài: [rằng] thế giới được tạo thành từ các hạt cổ điển, hoặc [rằng] có thời gian tuyệt đối. Nhưng hầu hết những niềm tin thông thường của ta vẫn còn nguyên vẹn. Tương tự như vậy, việc chấp nhận Giả thuyết Tính toán có thể khiến ta xem xét lại một số niềm tin siêu hình: chẳng hạn như electron và proton là cơ bản. Nhưng hầu hết những niềm tin bình thường của ta đều không bị ảnh hưởng.

(2) Giả Thuyết Tạo lập (The Creation Hypothesis)

Giả thuyết Tạo lập nói: Không-thời gian vật lý (Physical space-time) và nội dung của nó được tạo ra bởi những tồn tại bên ngoài không-thời gian vật lý.

Đây là một giả thuyết quen thuộc. Một phiên bản của nó được nhiều người trong xã hội của chúng ta tin tưởng, và có lẽ phần lớn thế giới cũng thế. Nếu ai đó tin rằng Gót đã tạo ra thế giới, và nếu ai đó tin rằng Gót ở bên ngoài không-thời gian vật lý, thì người đó tin vào Giả thuyết Tạo lập. Tuy nhiên, ta không cần phải tin vào Gót mới có thể tin được Giả thuyết Tạo lập. Có lẽ thế giới của ta được tạo ra bởi một tồn tại tương đối bình thường trong “vũ trụ kề trên” (next universe up), sử dụng công nghệ tạo thế giới mới nhất trong vũ trụ đó. Nếu vậy, Giả thuyết Tạo lập là đúng.

Tôi không biết Giả thuyết Tạo lập có đúng không. Nhưng tôi [cũng] không biết chắc là nó sai. Giả thuyết này rõ ràng là nhất quán, mạch lạc và tôi không thể loại trừ nó dứt điểm.

Giả thuyết Tạo lập không phải là một giả thuyết hoài nghi. Ngay cả khi nó đúng, hầu hết những niềm tin thông thường của tôi vẫn là sự thật. Tôi vẫn còn tay, tôi vẫn ở Tucson, v.v. Có lẽ một số niềm tin của tôi sẽ sai: chẳng hạn nếu tôi là người vô thần, hoặc nếu tôi tin rằng toàn bộ thực tại đều bắt đầu từ Vụ nổ lớn. Nhưng hầu hết niềm tin đời thường của tôi về thế giới bên ngoài sẽ vẫn nguyên vẹn.

(3) Thuyết Thân-Tâm (The Mind-Body Hypothesis)

Giả thuyết Thân-Tâm nói rằng: Tâm trí của tôi (và từng luôn) được cấu thành bởi các tiến trình nằm ngoài không-thời gian vật lý, và nhận các đầu vào tri giác của nó từ đó, gửi các đầu ra của nó đến các tiến trình trong không-thời gian vật lý.

https://consc.net/pics/@@/matrix4.jpg

Giả thuyết Thân-Tâm cũng khá quen thuộc và được rất nhiều người tin tưởng. Descartes tin vào điều gì đó như thế này: theo góc nhìn của ông, ta có những tâm trí phi vật lý tương tác với cơ thể vật lý của ta. Giả thuyết ngày nay ít được tin tưởng hơn so với thời Descartes, nhưng vẫn có nhiều người chấp nhận Giả thuyết Thân-Tâm này.

Không biết Giả thuyết Thân-Tâm có đúng hay không, song nó chắc chắn là cố kết, nhất. Ngay cả khi khoa học đương đại có xu hướng cho rằng giả thuyết đó sai, thì ta cũng không thể loại trừ nó dứt điểm.

Giả thuyết Thân-Tâm không phải là một giả thuyết hoài nghi. Ngay cả khi tâm trí của tôi ở bên ngoài không-thời gian vật lý, tôi vẫn có một cơ thể, tôi vẫn ở Tucson, v.v. Nhiều nhất, chấp nhận giả thuyết này sẽ khiến ta phải xem xét lại một số niềm tin siêu hình về tâm trí của ta. Niềm tin thông thường của ta về thực tại bên ngoài sẽ vẫn còn nguyên vẹn.

(4) Giả Thuyết Siêu Hình (The Metaphysical Hypothesis)

Lúc này, ta có thể đặt những giả thuyết này lại với nhau. Đầu tiên ta có thể xem xét Giả thuyết Kết hợp (Combination Hypothesis) vốn kết hợp cả ba [giả thuyết nói trên]. Nó nói rằng không-thời gian vật lý và nội dung của nó được tạo ra bởi các tồn tại bên ngoài không-thời gian vật lý, [rằng] các tiến trình vật lý vi mô được cấu thành bởi các tiến trình tính toán và tâm trí của ta ở bên ngoài không-thời gian vật lý nhưng vẫn tương tác với nó.

Xét từng giả thuyết riêng biệt, Giả thuyết Kết hợp là nhất quán và ta không thể loại trừ nó dứt điểm. Và y như những giả thuyết được xét riêng biệt, nó không phải là một giả thuyết hoài nghi. Việc chấp nhận nó có thể khiến ta sửa đổi một số niềm tin của mình, nhưng hầu hết chúng sẽ không bị ảnh hưởng.

Cuối cùng, chúng ta có thể xem xét Giả thuyết Siêu hình (S viết hoa). Giống như Giả thuyết Kết hợp, giả thuyết này kết hợp Giả thuyết Tạo lập, Giả thuyết Tính toán và Giả thuyết Thân-Tâm. Nó cũng bổ sung thêm tuyên bố cụ thể hơn sau đây: các tiến trình tính toán nền tảng cho không-thời gian vật lý được những người sáng tạo thiết kế dưới dạng một mô phỏng cho một thế giới bằng máy tính.

(Cũng có thể có ích khi nghĩ về Giả thuyết Siêu hình cho rằng, các tiến trình tính toán cấu thành không-thời gian vật lý là một phần của một miền (domain) lớn hơn và rằng những người tạo lập (creators) và hệ thống nhận thức của tôi cũng nằm trong miền này. Sự bổ sung này không nhất thiết chặt chẽ cho những hệ quả theo sau, nhưng nó phù hợp với cách suy nghĩ phổ biến nhất về Giả thuyết Ma trận.)

https://consc.net/pics/@@/matrix5.jpg

Giả thuyết Siêu hình, một phiên bản cụ thể hơn một chút của Giả thuyết Kết hợp, trong đó xác định một số quan hệ giữa các phần khác nhau của giả thuyết này. Một lần nữa, Giả thuyết Siêu hình là một giả thuyết nhất quán và ta không thể loại trừ nó dứt điểm. Vả lại, nó không phải là một giả thuyết hoài nghi. Ngay cả khi ta chấp nhận nó, hầu hết niềm tin thông thường của ta về thế giới bên ngoài sẽ vẫn còn nguyên vẹn.

  1. Nguồn: https://consc.net/papers/matrix.html

  2. Vat có thể dịch là ‘bể’, ‘thùng’,… ở đây dùng ‘bình’ cho dễ gọi.

  3. tức bị ủ mê, bị lừa ảo có quy mô

  4. Perception: Our day-in, day-out world is real.
    Reality: That world is a hoax, an elaborate deception spun by all-powerful machines that control us. Whoa.