Press "Enter" to skip to content

LOGIC CỦA SỰ KHÁM PHÁ KHOA HỌC: một bản dịch nên thu hồi

LOGIC CỦA SỰ KHÁM PHÁ KHOA HỌC

Một bản dịch nên thu hồi

Trần Đình Thắng

 

I. VÀI LỜI VỚI BẠN ĐỌC

A. Bản dịch LOGIC CỦA SỰ KHÁM PHÁ KHOA HỌC, tác giả Karl Popper, được Nguyễn Trung Kiên dịch và Gs. Chu Hảo hiệu đính – Gs Ngô Bảo Châu viết giới thiệu – ở nước ngoài, đây là một tác phẩm rất nổi tiếng, được đọc rất nhiều trong lĩnh vực triết khoa học. Về Karl Raimund Popper cũng như tác phẩm này, đã được giới thiệu qua, bạn đọc có thể xem lại tại đây : [1]

Sự có mặt bản dịch này là một đáp ứng cho bạn đọc sách triết ở nước ta, cho dù người đấy theo bất cứ chuyên ngành triết học nào. Xét về tổng thể thì triết khoa học khá mới mẻ ở VN, dù trước đây đã từng có một vài bản dịch, chẳng hạn, Cấu Trúc Các Cuộc Cách Mạng Khoa Học của Thomas Kuhn và Tri Thức Khách Quan của K. Popper.

B. Bản dịch này trên được quảng cáo trên một trang FB, sau khi lướt qua một số trang được đưa lên cho xem trước, tôi nhận thấy có những hạt sạn trong các trang Mục Lục, các trang 4, 5, 6, 7 thuộc chương một (xin phép NXB tôi lấy lại 3 trang này để làm bằng chứng tôi không gõ sai); ngoài ra, một số lỗi khác thì tôi đọc ngẫu nhiên, việc gõ lại từ sách quá vất vả nên chỉ lấy một ít) và mạo muội đưa ra các nhận xét về những hạt sạn này, song/và bạn đọc cần lưu ý:

– bài này được lấy lại từ một tút FB của tôi, cho nên văn phong đôi chỗ vẫn còn nét văn phây! Ts. Nguyễn Hữu Liêm có yêu cầu tôi tút lại, sau đó sẽ đưa bên kia (liên quan đến bản dịch) phản biện; do đó, để không làm rườm mắt người đọc, tôi có sắp xếp lại những ý chính (số thứ tự tôi vân giữ nguyên như trên FB của tôi), đối với bạn đọc thì chỉ cần đọc phần kết luận và phần lỗi nặng, những phần nhạy cảm (tranh cải đến thiên thu, bạn đọc đọc chơi cho biết), tôi xếp vào phần BÊN LỀ. Trên FB tôi vẫn giữ nguyên, và khi rảnh tôi sẽ cập nhật một số lỗi sai nếu đọc được.

– để tham khảo, tôi sử dụng bản The Logic of Scientific Discovery; Karl Popper; First published in Routledge Classics 2002 by Routledge.
– tôi tạm ngưng một số từ chế mà tôi hay dùng, ngoại trừ chắt (mệnh đề).

– có những từ Hán Việt, theo thời gian, cách dùng đã lệch so với từ gốc người Tàu, Đài Loan dùng, chẳng hạn từ ‘chứng minh’. Do đó, gần đây có xu hướng dịch sách và sử dụng các bản của Tàu, thì những từ này là những cái bẫy – vì thế, những nhận xét, gặng xét sẽ dựa trên lối dùng từ của Việt Nam hiện nay. Bạn đọc chịu khó đọc trước phần này ở phần phụ lục, hơi dài dòng một tí [Về từ ‘Chứng minh’ – Proof/Prove – Muốn rõ hơn bạn có thể tra ở Standfford hoặc Wiki, mục Proof].

– tôi vẫn đi làm để kiếm sống, rảnh thì xem qua và mắt mũi đã kèm nhèm, có thể có những hạt sạn trong những nhận xét của tôi, bạn đọc cũng không nên tin tuyệt đối những gì tôi viết!

C. Quy ước đánh giá

Lỗi: 1: nhẹ – 2: hơi nặng – 3: nặng – 4: rất nặng – 5: cực nặng.

Chẳng hạn, lỗi 1 (nhẹ), gọi là nhẹ nhưng thực ra không theo nghĩa ‘nhẹ’ thông thường để có thể bỏ qua được, bạn đọc cứ xem điểm trừ là 1 x 2, tức trừ 2 điểm!

II. LỖI NẶNG (TỪ LỖI 3–5)

Thứ tự 3

Bản dịch

Chương 10. Sự chứng thực, hay lý thuyết đứng vững…

Vị trí: Mục lục

Bản Anh

10 Corroboration, or How a Theory Stands up to Tests

Tạm dịch

Tạm dịch ‘corroboration’ là ‘kiểm cũng cố’ (từ này tôi tạm chế, xem bên dưới).

Nhận xét

  • ‘Corroboration’ là một tơm kỹ thuật của Popper, không thể dịch là ‘chứng thực/thực chứng/kiểm chứng… (verify)’ quen thuộc của nhóm thực chứng. Có thể tìm xem bài báo của Putnam nhận xét về ‘corroboration’ của Popper. Không gì khó chịu khi nghe hoặc đọc ‘Đồng chí D. Trump đã…’ hoặc ‘Tổng thống TCB’! Vấn đề không phải chỉ là thuật ngữ, mà là ý nghĩa, triết lý, lập trường đằng sau những từ ký thuật của từng triết gia này. Vì thế, nhiệm vụ người dịch là phải giải quyết những việc như thế này, còn cứ lấy từ điển bê ra thì ai làm chẳng được! Một điều nữa, nên sử dụng NHẤT QUÁN XUYÊN SUỐT, chứ lúc thì ‘chứng thực’ (vốn của nhóm thực chứng, nhét vào miệng Popper), đôi chỗ thì ‘củng cố’ (trang 51, 112). Thật tình mà nói, chữ ‘củng cố’ khá đắt (có một dạo tôi tìm đúng chữ này, nhưng lớn tuổi, từ không phọt ra!), tiếc là người dịch lại cược vào chữ ‘chứng thực’.
  • Xem thêm:
    1. ‘…VERIFICATION and CONFIRMATION (as opposed to his own ‘CORROBORATION’) ‘Verify’ may mean either ‘show to be true’ or ‘test for truth’. Carnap substituted ‘test’ for ‘verify’. But Popper used the first sense, and argued that with universal affirmative statements like ‘All swans are white’, which he thought important for science, it is easier to falsify false ones than to verify true ones. Popper replaces confirmation by corroboration, which he defines in terms of falsifiability and the passing of tests. (A DICTIONARY OF PHILOSOPHY; LACEY)
    2. ‘For Popper, although scientific laws cannot be verified inductively, they can be falsified by observing a single negative instance; accordingly, falsifiability by observation, rather than verifiability, is what makes science empirical… Popper replaces CONFIRMATION by CORROBORATION, which he defines in terms of falsifiability and the passing of tests.’ (page 171)

Lỗi: 3

—————————————

Thứ tự 4

Bản dịch

79 Liên quan đến cái gọi là sự chứng minh là đúng các giả thuyết

Bản Anh

79 Concerning the So-Called Verification of Hypotheses

Tạm dịch

79. Về cái gọi là kiểm chứng giả thuyết

Nhận xét

Verify (Verification) là tơm kỹ thuật nổi tiếng của nhóm thực chứng. Ở VN đã được dịch là kiểm chứng, chứng thực, kiểm đúng,…
– về không nên dùng từ ‘chứng minh’, xin xem phụ lục TỪ CHỨNG MINH.
– xem lại lỗi trên.
– dùng không nhất quán: ‘KIỂM CHỨNG’, xem thứ tự 31
– ‘Chứng minh là đúng’ vừa dùng cho ‘verify’ vừa cho ‘justify’, ?

Lỗi: 4

—————————————

Thứ tự 5

Bản dịch

… và kiểm nghiệm chúng bằng quan sát và thí nghiệm, đối lập với kinh nghiệm.

Vị trí: trang 3

Bản Anh

… and tests them against experience by observation and experiment.

Tạm dịch

và kiểm nghiệm chúng đối chiếu với kinh nghiệm thông qua quan sát và thực nghiệm.

Nhận xét

Lạc ý!

Lỗi: 4

—————————————

Thứ tự 8

Bản dịch

… HIỂN NHIÊN là chúng ta đã chứng minh các tuyên bố là đúng khi suy chúng ra từ các tuyên bố riêng, bất kể với bao nhiêu tuyên bố; bởi…

Vị trí: tr. 4

Bản Anh

Now it is far from obvious, from a logical point of view, that we are justified in inferring universal statements from singular ones, no matter how numerous;

Tạm dịch

…không đương nhiên chút nào đối với lý do biện minh cho sự suy ra các phát biểu phổ quát từ các phát biểu đơn lẻ, bất kể có bao nhiêu phát biểu đi nữa.

Nhận xét

– Dịch làm đoạn trên và đoạn dưới HOÀN TOÀN MÂU THUẪN, chỏi nhau. Người đọc hiểu sai, hoặc không thể hiểu, cách duy nhất là phải xem lại bản gốc.

– như đã nói ở trên, không thể dùng ‘chứng minh’ cho ‘justified’ (chưa kể dịch chứng minh là đúng rất lòng thòng). Nhiệm vụ của người dịch là phải tìm từ thích hợp để dịch. Ở đây, tôi tạm dùng chữ ‘biện minh’, đôi khi là ‘chính đáng’.

Lỗi: 5

—————————————

Thứ tự 11

Bản dịch

Vấn đề phép quy nạp cũng có thể được mô tả chi tiết như là vấn đề về tính hợp lệ hoặc tính đúng đắn của các tuyên bố phổ quát dựa trên kinh nghiệm

Vị trí: tr. 4

Bản Anh

The problem of induction may also be formulated as the question of the validity or the truth of universal statements which are based on experience,

Tạm dịch

Vấn đề quy nạp, nếu phát biểu chính thức, chính là câu hỏi về tính hiệu lực (validity) hoặc chân lý của những phát biểu phổ quát vốn dựa trên kinh nghiệm.

Nhận xét

– formulated: phát biểu có hệ thống, nhưng không thể nào là ‘mô tả chi tiết’!

– tính hiệu lực (validity): một tơm quan trọng của logic, không thể lẫn lộn với tính ‘hợp lệ’!

– chân lý, tính/sự đúng sai (truth) cũng là tơm then chốt của logic, không nên xài từ thông thường ‘đúng đắn’!

Lỗi: 4

—————————————

Thứ tự 12

Bản dịch

Mặc dù nhiều người tin rằng tính chính xác của các tuyên bố phổ quát này được ‘biết đến bằng kinh nghiệm’; tuy nhiên, rõ ràng là việc giải thích kinh nghiệm – giải thích quan sát hoặc kết quả của thí nghiệm – ngay từ đầu có thể chỉ là tuyên bố riêng chứ không phải là tuyên bố phổ quát.

Vị trí: tr. 4

Bản Anh

For many people believe that the truth of these universal statements is ‘known by experience’; yet it is clear that an account of an experience—of an observation or the result of an experiment—can in the first place be only a singular statement and not a universal one.

Tạm dịch

Đối với nhiều người tin rằng chân lý của những phát biểu phổ quát này là ‘được biết qua kinh nghiệm’; song rõ ràng, một lý giải về một kinh nghiệm —về một quan sát hoặc kết quả của một thực nghiệm nào đó— thì đầu tiên, lý giải đấy chỉ có thể là một phát biểu đơn lẻ chứ không phải là một phát biểu phổ quát.

Nhận xét

Lạc ý, không thấy được sự tinh tế của các mạo từ (a, the).

Lỗi: 4

—————————————

Thứ tự 13

Bản dịch

Theo đó, những người nói về tuyên bố PHỔ QUÁT mà chúng ta biết TÍNH ĐÚNG ĐẮN của nó… TÍNH CHÍNH XÁC CỦA CÁC TUYÊN BỐ RIÊNG… dựa trên suy luận quy nạp.

Vị trí: tr. 4, dòng 18

Bản Anh

Accordingly, people who say of a universal statement that we know its truth from experience usually mean that the truth of this universal statement can somehow be reduced to the truth of singular ones, and that these singular ones are known by experience to be true; which amounts to saying that the universal statement is based on inductive inference.

Tạm dịch

Do đó, khi ai đó nói rằng CHÂN LÝ của một phát biểu phổ quát được biết đến từ kinh nghiệm, điều này thường được hiểu là bằng cách nào đó, chân lý của phát biểu phổ quát này có thể quy về CHÂN LÝ của những phát biểu đơn lẻ, và những phát biểu đơn lẻ này là đúng (true), do biết từ kinh nghiệm; nghĩa là phát biểu phổ quát dựa trên suy diễn quy nạp.

Nhận xét

  • Dịch rất khó hiểu!
  • ‘truth of this universal statement’: TRUTH, ở đây, ‘của một phát biểu phổ quát’, làm sao dịch được là ‘tính đúng đắn’ rồi ‘chính xác’ được!!!

Lỗi: 4

—————————————

Thứ tự 14

Bản dịch

Vì vậy, để biết được liệu các quy luạt tự nhiên, vốn đã được biết đến, là đúng đắn hay sai lầm, dường NHƯ CHỉ CÓ CÁCH KHÁC là đặt câu hỏi liệu các suy luận quy nạp có được chứng minh là đúng về mặt ogic hay không.

Vị trí: tr. 4

Bản Anh

Thus to ask whether there are natural laws known to be true appears to be only another way of asking whether inductive inferences are logically justified.

Tạm dịch

Do đó, liệu có những định luật tự nhiên được biết là đúng hay không dường như CHỉ LÀ MộT CÁCH HỏI KHÁC: liệu những suy luận quy nạp có chính đáng (justified) về mặt logic hay không.

Nhận xét

Dịch lạc ý! Ở đây tác giả muốn nói hai câu hỏi này là một mà thôi!

Lỗi: 5

—————————————

Thứ tự 15

Bản dịch

Nguyên lý của phép quy nạp sẽ là tuyên bố kèm theo sự trợ giúp mà qua đó chúng ta có thể đặt các suy luận quy nạp…

Vị trí: tr. 4

Bản Anh

A principle of induction would be a statement with the help of which we could put inductive inferences

Tạm dịch

[Một] nguyên lý quy nạp sẽ là một phát biểu, mà nhờ đó ta có thể đưa những suy diễn quy nạp …

Nhận xét

Gây lạc ý, khiến người đọc hoang mang: ngoài bản thân phát biểu thì còn có thêm sự trợ giúp nào khác nữa???

Lỗi: 4

—————————————

Thứ tự 16

Bản dịch

Giờ đây, nguyên lý của phép quy nạp này không thể là SỰ đúng đắn thuần tuý logic như phép lặp thừa hay tuyên bố phân tích.

Vị trí: tr. 5

Bản Anh

Now this principle of induction cannot be a purely logical truth like a tautology or an analytic statement.

Tạm dịch

Nguyên lý quy nạp này không thể là một chân lý logic thuần tuý, chẳng hạn, một chắt hằng đúng hay một phát biểu phân tích.

Nhận xét

Dùng chữ SỰ vừa khó chịu vừa lạc ý do bỏ qua mạo từ A khiến câu văn bị lạc nghĩa.

Lỗi: 5

—————————————

Thứ tự 17

Bản dịch

Thật vậy, nếu nguyên lý của phép quy nạp thuần tuý logic thực sự tồn tại, thì vấn đề về phép quy nạp SẼ HỢP LỆ;

Vị trí: tr 5

Bản Anh

Indeed, if there were such a thing as a purely logical principle of induction, there would be no problem of induction;

Tạm dịch

Thật vậy, nếu có bất kỳ một nguyên lý quy nạp logic thuần tuý nào, thì sẽ KHÔNG CÓ vấn đề quy nạp;

Nhận xét

Dịch lạc 180 độ!

Lỗi: 5

—————————————

Thứ tự 18

Bản dịch

Thật vậy, nếu nguyên lý của phép quy nạp phải là tuyên bố tổng hợp; nghĩa là, tuyên bố và sự phủ định của nó không tự mâu thuẫn, MÀ CÓ LOGIC.

Vị trí: tr 5

Bản Anh

Thus the principle of induction must be a synthetic statement; that is, a statement whose negation is not self-contradictory but logically possible.

Tạm dịch

Như vậy, nguyên lý quy nạp phải là một phát biểu tổng hợp; nghĩa là, phủ định của phát biểu này không phải là [một phát biểu] tự mâu thuẫn (self-contradictory), mà là [một phát biểu] có thể về mặt logic (logically possible).

Nhận xét

– Chỉ một từ đủ khiến lạc ý hoàn toàn!

logically possible là một khái niệm quan trọng, ở đây người dịch không rõ, nên dịch qua loa theo mặt chữ (có thể tra khái niệm logically possibility trên Wiki)!

Lỗi: 5

—————————————

Thứ tự 19

Bản dịch

Do đó, câu hỏi đặt ra là tại sao nguyên lý như vậy nên được chấp nhận, và làm thế nào chúng ta có thể ĐƯỢC chứng minh là đúng cho SỰ chấp nhận nó dựa vào các nền tảng DUY LÝ.

Vị trí: tr. 5

Bản Anh

So the question arises why such a principle should be accepted at all, and how we can justify its acceptance on rational grounds.

Tạm dịch

Vì vậy, câu hỏi đặt ra: tại sao [ta] phải chấp nhận một nguyên lý như vậy, và ta có thể biện minh cho việc chấp nhận nguyên lý này trên những nền tảng lý tính như thế nào.

Nhận xét

– Dịch lòng thòng, khó hiểu

– rational grounds: không thể dịch là ‘những nền tảng duy lý’!

Lỗi: 4

—————————————

Thứ tự 20

Bản dịch

Cùng với Reichenbach, một số người tin vào logc quy nạp lo lắng chỉ ra rằng ‘nguyên lý của phép quy nạp KHÔNG ĐƯỢC chấp nhận hoàn toàn bởi toàn bộ khoa học…

Vị trí: tr 5

Bản Anh

Some who believe in inductive logic are anxious to point out, with Reichenbach, that ‘the principle of induction is unreservedly accepted by the whole of science

Tạm dịch

Những người tin vào logic quy nạp, cùng với Reichenbach, vội vã chỉ ra: ‘toàn bộ khoa học đã CHẤP NHẬN nguyên lý quy nạp không một chút dè dặt

Nhận xét

Dịch lạc 180 độ!

Lỗi: 5

—————————————

Thứ tự 21

Bản dịch

…chỉ liên quan tới các vấn đề về sự chứng minh là đúng hoặc tính hợp lệ (câu hỏi quid juris? của Kant)

Vị trí: trang 9, dòng 13

Bản Anh

with questions of justification or validity (Kant’s quid juris?).

Tạm dịch

…chỉ liên quan tới các vấn đề BẰNG CHỨNG hoặc HIỆU LỰC (câu hỏi quid juris? [đúng pháp luật]của Kant)

Nhận xét

Chỉ cần lên mạng và sợt cụm “quid juris Kant” là ra ngay cuốn sách của Kant, và từ đó có thể mở xem lại Phê Phán Lý Trí Thuần Tuý (NNC BVNS dịch).

Lỗi: 4

—————————————

Thứ tự 22

Bản dịch

…hai tuyên bố được viết ở dạng ‘BÌNH THƯỜNG’ này; thì chúng ta có thể … được NGỤ Ý LÀ CÓ TÍNH LẶP THỪA (HOẶC ĐÚNG VỀ MẶT LOGIC) …

Vị trí Trang 139, dòng 3

Bản Anh

…two statements written in this ‘NORMAL’ form; then we can say … is TAUTOLOGICALLY IMPLIED by (or LOGICALLY DEDUCIBLE FROM)…

Tạm dịch

…hai phát biểu được viết ở dạng ‘CHUẨN’ này; thì chúng ta có thể … được KÉO THEO KIỂU HẰNG ĐÚNG (LẶP THỪA) (hoặc CÓ THỂ SUY DIỄN LOGIC TỪ) …

Nhận xét

Không AI có thể hiểu được những đoạn trong tiết này vì bản dịch cho thấy không có một chút căn bản gì về toán, logic học, và do đó, dịch MÙ theo mặt chữ! Nhất là phần này đang nói về phép kéo theo (a–>b)!

Lỗi: 5

—————————————

Thứ tự 23

Bản dịch

…không thể có, đơn giản bởi chúng không phải là các tuyên bố CHÍNH XÁC.

Vị trí : trang 18

Bản Anh

…there can be none, simply because they are not GENUINE statements.’

Tạm dịch

…không thể có, đơn giản bởi chúng không phải là các phát biểu đích thực/thực sự.

Nhận xét

  • Phát biểu đích thực hay mệnh đề đích thực, là một phân biệt rất nổi tiếng của Wittgenstein (cùng một số người khác): mệnh đề đích thực duy nhất mà ta có thể dùng để đưa ra những khẳng định về thực tại là mệnh đề đích thực (‘thường nghiệm’), mệnh đề này đúng (true) nếu chúng ăn khớp với thực tại và sai nếu ngược lại (xem Luận Văn Logic Triết Học, các câu 4.022, 4.25, 4.062, 2.222). Bản dịch sai ý hoàn toàn chỉ vì một thuật ngữ then chốt vô cùng quan trọng!
  • Có lẽ bản dịch không ý thức được việc này, chẳng hạn, lại dịch ‘GENUINE’ là ‘xác thực’!!! (trang 23, dòng 6-7) và ‘CHÍNH XÁC’ lại có thể dùng cho TRUTH, LOẠN CÀO CÀO!

Lỗi: 5

—————————————

Thứ tự 24

Bản dịch

Các từ ‘vô lý’ hoặc ‘vô nghĩa’ chứa đựng và có nghĩa là chứa đựng sự đánh giá làm giảm giá trị; và chắn chắc rằng những gì mà các nhà thực chứng luận thực sự muốn đạt được không phải là sự phân định ranh giới thành công như là cuộc lật đổ cuối cùng và sự tiêu diệt siêu hình học.

Vị trí Trang 16

Bản Anh

The words ‘meaningless’ or ‘nonsensical’ convey, and are meant to convey, a derogatory evaluation; and there is no doubt that what the positivists really want to achieve is not so much a successful demarcation as the final overthrow and the annihilation of metaphysics.

Tạm dịch

Các từ ‘không [có] nghĩa’ (meaningless) hoặc ‘vô nghĩa’ (nonsensical) thể hiện hoặc có ý định thể hiện một đánh giá tiêu cực. Không còn nghi ngờ gì nữa, điều mà những nhà thực chứng thực sự muốn đạt được không phải là một sự phân ranh thành công: họ chỉ muốn lật đổ và loại bỏ hoàn toàn siêu hình học.

Nhận xét

– dịch lôi thôi và lạc ý!

– Ngoài ra, bàn dịch này không phân biệt được, không biết các từ ‘nonsense’, ‘meaningless’, … là những từ cốt lõi khét tiếng của Wittgenstein, vì thế, cứ dịch theo cảm tính: khi thì ‘nonsense’ là vô lý, khi thì ‘meaningless’ cũng là vô lý. Bản thân Popper dùng hai từ ‘sense’ và ‘meaning’ như nhau mặc dù trong Tractatus, Wittgenstein phân biệt những từ này rất chi li (xem thêm Luận Văn Logic Triết Học; Trần Đình Thắng dịch; Domino xuất bản 2018); do đó, ở đây, Popper đang phê phán, gặng xét Witt. cũng như nhóm thực chứng >> Bạn đọc không cách gì hiểu được.

Lỗi: 4

—————————————

Thứ tự 25

Bản dịch

…chúng ta không bao giờ có thể chứng minh một quy luật là đúng một cách tuyệt đối, …

Vị trí Trang 18, cước chú iii

Bản Anh

…we can never speak of an absolute VERIFICATION of a law, since we always, so to speak,

Tạm dịch

…chúng ta không bao giờ có thể KIỂM CHỨNG/CHỨNG THỰC tuyệt đối một định luật, …

Nhận xét

Cũng như đã nói, bản dịch này đã không hề biết VERIFICATION là một từ lõi khét tiếng (của nhóm thực chứng) mà Popper đang tấn công; bản dịch này cứ vô tội tạ dùng CHỨNG MINH LÀ ĐÚNG, CHỨNG MINH LÀ ĐÚNG

Lỗi: 4

—————————————

Thứ tự 26

Bản dịch

Các mục tiêu của khoa học mà tôi nghĩ đến là KHÁC NHAU.

Vị trí : Trang 20, dòng 10

Bản Anh

The aims of science which I have in mind are different.

Tạm dịch

Các mục tiêu của khoa học mà tôi nghĩ đến là THÌ KHÁC.

Nhận xét

Lạc ý.

Lỗi: 4

—————————————

Thứ tự 27

Bản dịch

…Việc khám phá ra hiệu ứng vật lý mâu thuẫn với lý thuyết lượng tử là KHÔNG THỂ TRÁNH KHỎI Ở MỨC RẤT CAO;

Vị trí Trang 173, dòng 15-18

Bản Anh

The discovery of a physical effect which contradicts the quantum theory is highly improbable;

Tạm dịch

… KHẢ NĂNG khám phá ra MỘT hiệu ứng vật lý NÀO ĐÓ mâu thuẫn với lý thuyết lượng tử là RẤT THẤP;

Nhận xét

Dịch lạc 180 độ!

Lỗi: 5

—————————————

Thứ tự 28

Bản dịch

Sự ‘tự BỘC LỘ chính nó’ này rất rõ ràng trong trường hợp của Wittgenstein, theo ông, mọi mệnh đề có ý nghĩa phải có thể quy giản về mặt logic thành các mệnh đề cơ bản (hoặc nguyên tử), mà ông xác định đặc điểm như là các SỰ MÔ TẢ hay ‘các hình ảnh CỦA hiện thực’ (nhân tiện, SỰ mô tả đặc điểm bao hàm mọi mệnh đề có ý nghĩa).

Vị trí

Bản Anh

This ‘shows itself’ very clearly in the case of Wittgenstein, according to whom every meaningful proposition must be logically reducible to elementary (or atomic) propositions, which he characterizes as descriptions or ‘pictures of reality’ (a characterization, by the way, which is to cover all meaningful propositions).

Tạm dịch

Điều này ‘tự PHÔ RA’ rất rõ ở Wittgenstein. Theo ông, mọi mệnh đề có nghĩa (meaningful proposition), về mặt logic, phải có thể quy về các mệnh đề cơ bản (hoặc nguyên tử), và đặc điểm của các mệnh đề cơ bản, đấy là NHỮNG MÔ TẢ hoặc ‘hình ảnh VỀ thực tại’ (nhân tiện, đặc điểm này bao gồm tất cả các mệnh đề có nghĩa).

Nhận xét

  • dịch không ra, và lạc ý, ví dụ, ‘điều này’ (this) là điều được nói ở phần trên. Từ trang 1 cho đến cuối sách, danh từ gì người dịch cũng gần như đều có chữ SỰ, đa phần gây khó chịu, chỗ thì sai ý! Thậm chí tít LOGIC CỦA SỰ KHÁM PHÁ KHOA HỌC có thể dịch gọn là LOGIC KHÁM PHÁ KHOA HỌC!
  • ‘tự PHÔ RA’ (‘shows itself’) là cụm từ rất nổi tiếng của Wittgenstein, ở đây Popper đang đá xoáy chàng Wittgenstein! Có thể sợt cụm ‘say vs. show’ của Wittgenstein trên mạng.

Lỗi: 5

—————————————

Thứ tự 30

Bản dịch

…’tuyệt đối đúng’…hoặc ‘xác suất’ ở mức độ nào đó

Vị trí: tr. 6, 5 dòng cuối

Bản Anh

… ‘strictly valid’, can attain some degree of ‘reliability’ or of ‘probability’.

Tạm dịch

…’hiệu lực nghiêm ngặt’…hoặc ‘cái/khái nhiên’ (probability) nào đó.

Nhận xét

Lỗi dịch ‘valid’ đã nói ở trên; riêng với ‘probability’ thì bản dịch này gần như chỉ có một cách dịch duy nhất là ‘xác suất’, bất chấp ngữ cảnh của nó (dĩ nhiên có những chỗ phải dịch là xác suất), ở đây nó nên dịch là ‘khái nhiên’ hoặc ‘cái nhiên’ (tôi rất ghét hai từ hán việt này (mặc dù mấy năm nay tôi cố chế từ nhưng chưa ưng ý) – và hệ quả là câu bị lạc nghĩa. Bạn đọc có thể tra tìm từ này trên mạng.

Lỗi: 3

—————————————

Thứ tự 31

Bản dịch

Do đó, sự suy luận ra các lý thuyết, từ các tuyên bố riêng ‘được chứng minh là đúng bới kinh nghiệm’ (bất cứ tuyên bố nào có nghĩa), là không thể chấp nhận được về mặt logic.

Vị trí: Trang 23

Bản Anh

Now in my view there is no such thing as induction. Thus inference to theories, from singular statements which are ‘verified by experience’ (WHATEVER THAT MAY MEAN), is logically inadmissible.

Tạm dịch

Quan điểm của tôi là không có cái gọi là “quy nạp”. Do đó, về mặt logic, không thể suy ra một lý thuyết từ một phát biểu đơn lẻ ‘được kiểm chứng bằng thực nghiệm’ (BấT Kể ĐIềU NÀY CÓ NGHĨA LÀ GÌ).

Nhận xét

Lạc ý (chỗ in hoa), đồng thời ‘tuyên bố nào có nghĩa’ là cụm từ rất nhạy cảm của nhóm thực chứng và Wittgenstein.

Lỗi: 3

—————————————

Thứ tự 32

Bản dịch

lựa chọn tiêu chí cho phép chúng ta thừa nhận phạm vi của khoa học thực nghiệm ngay cả khi các tuyên bố không thể được chứng minh là đúng

Vị trí: Trang 24

Bản Anh

… then we must choose a criterion which allows us to admit to the domain of empirical science even statements which cannot be verified.

Tạm dịch

cho phép chúng ta đưa vào/bao gồm phạm vi của khoa học thực nghiệm cả những phát biểu thậm chí không thể kiểm chứng.

Nhận xét: Lạc ý.

Lỗi: 3

—————————————

Thứ tự 33

Bản dịch

…tôi không yêu cầu hệ thống khoa học phải có khả năng PHÂN TÁCH RA…

Vị trí: trang 24

Bản Anh

I shall not require of a scientific system that it shall be capable of being singled out,…

Tạm dịch

Nhận xét: PHÂN TÁCH cái gì hở giời!

Lỗi: 3

—————————————

Thứ tự 34

Bản dịch

Nếu điều gì đó ĐÚNG, đối với bất kỳ ai có LÝ DO của mình, thì các căn cứ của nó là khách quan và đầy đủ…

Vị trí: trang 29

Bản Anh

If the judgment is valid for everyone, provided only he is in possession of reason, its ground is objectively sufficient…

Tạm dịch

Nếu điều gì đó HIỆU LỰC (hoặc có giá trị) đối với bất cứ ai có LÝ TRÍ, thì cơ sở của nó là khách quan và đầy đủ. (Ông BVNS dịch từ bản Đức: Nếu phán đoán có giá trị phổ biến mà người nào có lý trí đều thừa nhận, thì cơ sở của nó là đầy đủ về mặt khách quan.

Nhận xét

Lạc ý khiến Kant như đang nói chuyện với người yêu ở quán cà phê.

Lỗi: 4

—————————————

Thứ tự 35

Bản dịch

Bây giờ, tôi cho rằng các lý thuyết khoa học không bao giờ CÓ THỂ CHỨNG MINH LÀ ĐÚNG hoặc CÓ THỂ KIỂM NGHIỆM ĐƯỢC MỘT CÁCH TRIỆT ĐỂ, nhưng dù sao chúng vẫn có thể KIỂM NGHIỆM ĐƯỢC.

Vị trí: trang 29

Bản Anh

Now I hold that scientific theories are never fully JUSTIFIABLE or VERIFIABLE, but that they are nevertheless testable.

Tạm dịch

Và tôi cho rằng các lý thuyết khoa học không thể được biện minh hoặc chứng thực hoàn toàn, tuy nhiên chúng có thể kiểm nghiệm được.

Nhận xét

  • Dịch ‘VERIFIABLE’ là ‘CÓ THỂ CHỨNG MINH LÀ ĐÚNG’, giờ thì ‘VERIFIABLE’ là ‘CÓ THỂ KIỂM NGHIỆM ĐƯỢC’, người đọc sao mà lần được?
  • Rồi làm sao phân biệt ‘CÓ THỂ KIỂM NGHIỆM ĐƯỢC’ (VERIFIABLE) với ‘CÓ THỂ KIỂM NGHIỆM ĐƯỢC’ (TESTABLE)?

Lỗi: 5

IV. KẾT LUẬN

Những nhận xét trên đây, nói chung chỉ là ý kiến của riêng tôi; phần nhận xét và đánh giá xin nhường cho bạn đọc. Có điều nếu bạn đọc tính ý, chỉ vài ba trang mà đã ra vô số lỗi, tôi không có tời gian rà hết, có điều đọc ngẫu nhiên bất kỳ đoạn nào cũng đầy sạn, sạn nhỏ tôi bỏ qua hết (chẳng hạn ‘law’ thì chỉ có đúng một cách dịch: ‘quy luật’. Nếu người dịch có căn bản về những bộ môn khoa học như toán, lý, kỹ thuật thì sẽ biết rằng, ‘law’ sẽ được dịch là ‘định luật’ trong vật lý, khoa học tự nhiên, dịch là ‘luật’, ví dụ ‘luật giao hoán’ trong toán, chả ai dịch là ‘quy luật giao hoán’!

Người dịch không biết đến những ý tưởng, thuật ngữ cốt lõi của tất cả các triết gia được nhắc đến trong sách; và nói chung gần giống như dịch mù, quờ quạng (gần 700 trang, thật thần phục!). Bản thân tôi ít khi dùng những từ nặng nề, chẳng hạn, ‘bản dịch thảm hoạ’… – tôi chỉ nói nhẹ nhàng: không xài được. Mấy năm nay, ở VN ra mắt nhiều bản dịch tác phẩm triết, sạn cũng kha khá, thường thì tôi điểm chơi vài ba lỗi, hy vọng nó đến được người dịch để sửa chữa và thường đó là những tác phẩm không quan trọng! Nhưng trường hợp bản dịch này thì khác hẵn! Tôi không phải dân triết, ngoại ngữ cũng chẳng đến đâu mà còn moi ra được những sạn to, sạn bé thế này thì một chuyên sẽ còn moi được đến đâu! Có hai xếp gọi và nói tôi đừng gặng xét bản dịch này vì còn liên quan đến vấn đề chi phí đầu tư cho nó – nhưng sau cùng, đã từng có một số tác phẩm dịch bị phê bình kịch liệt, nhưng rồi theo thời gian, cứt trâu hoá bùn, các NXB cứ vô tư in, tái bản lại! Cho nên, nói thẳng, di hại cuốn Popper quá lớn, tôi đành phải mượn và sửa lại lời của Hume:

Bản dịch này có thể dùng để học hỏi không? Không.

Bản dịch này có thể dùng để tham khảo không? Không.

Bản dịch này có thể dùng để theo dõi những lập luận tinh tế của Popper không? Không.

THẾ THÌ HÃY VẤT NÓ VÀO LỬA.

(HẾT)

VI. PHỤ LỤC

BÊN LỀ

Thứ tự 36

Bản dịch

82 Lý thuyết THỰC CHỨNG về sự chứng thực…

Vị trí: Mục lục

Bản Anh

82 The Positive Theory of Corroboration…

Tạm dịch

Lý thuyết tích cực về sự kiểm cũng cố

Nhận xét

  • Popper đã quy hàng nhóm thực chứng? TT Donald Trump soạn cương lĩnh Mác-Lê cho đảng cộng hoà? Diễn biến hoà bình?

Lỗi: 4

—————————————

Thứ tự 1

Bản dịch

Tính có thể bị CHỨNG MINH là sai như là tiêu chí

Vị trí: Mục lục

Bản Anh

Falsifiability as a Criterion of Demarcation

Tạm dịch

Tiêu chí tính bác bỏ được

Nhận xét

  • Đối với Popper, khoa học mà ni muốn nói đến là khoa học thường nghiệm, toán học KHÔNG PHẢI là khoa học (nghĩa chặt của từ này). Từ falsify/ falsifiable/ falsifiability là tơm then chốt của Karl Popper và ông thường dùng để chống lại nhóm thức chứng với tơm then chốt là verify/verifable/verifiability. Như vậy, Popper đang đối đầu với những người rất cứng về toán, logic và từ CHỨNG MINH (PROOF, PROVE), ở Việt Nam là để dành riêng cho các bộ môn toán, logic,… (xem phụ lục). Cho đến nay, từ ‘falsify’ (hoặc các biến thể của nó) thường được dịch là kiểm sai, phủ chứng, dù sao vẫn tạm chấp nhận OK – từ ‘Tính có thể bị chứng minh là sai’ không thể chấp nhận được vì lý do trên. Xem thêm phần phụ lục về TỪ CHỨNG MINH.

Lỗi: 4

—————————————

Thứ tự 2

Bản dịch

26… Các câu giao thức

Vị trí: Mục lục

Bản Anh

26… ‘Protocol Sentences’

Tạm dịch

26… ‘Các câu biên bản’

Nhận xét

Protocol Sentence (Đức: Protokollsatze) được một số người sử dụng, chẳng hạn Neurath, Carnap. Từ này mượn từ protocol theo nghĩa đời thường là ‘biên bản’:

Tôi, TVA trả số tiền 1000K cho ông … vào lúc … tại …

Câu biên bản là một loại phát biểu cơ sở (basis statement), ví dụ:

S1 nhìn thấy một đốm đỏ ở …, tại x, y, z, t…

Trong Lịch Sử Triết Học, tập 2, nhóm BVNS, trang 763, từ này cũng được dịch là mệnh đề biên bản.

Lỗi: 3

—————————————

Thứ tự 7

Bản dịch

…người ta gọi sự suy luận là ‘mang tính quy nạp’

Vị trí: tr. 3

Bản Anh

It is usual to call an inference ‘inductive’

Tạm dịch

Một suy diễn thường được gọi là ‘quy nạp’

Nhận xét

– Suy diễn (inference) là một tơm kỹ thuật của logic, toán, nó có ý nghĩa rất rõ ràng, trong khi đó, ‘suy luận’ chỉ là từ thông thường, chung chung.

– ‘mang tính quy nạp’: Tiếng Việt của người nước ngoài. Bạn đọc có thể hình dung cụm ‘mang tính xxx’ được lặp đi lặp lại hàng trăm lần không?

Lỗi: 3

—————————————

Thứ tự 10

Bản dịch

…các tuyên bố riêng

Vị trí: tr. 3

Bản Anh

… singular statements

Tạm dịch

…các phát biểu đơn lẻ

Nhận xét

Có thể dịch là phát biểu riêng lẻ; nếu muốn chế từ ‘riêng’ thì nên mở ngoặc chú thêm tiếng Anh, vì người đọc gần như không thể đoán được ‘riêng’ ở đây là gì (~ ‘private’?)! So sánh: Tổngthống A sau cuộc họp với Tổngthống B, hai ông đã ra tuyên bố chung ‘…’ và Tổngthống A ra tuyên bố riêng ‘…’.

Lỗi: 3

—————————————

VỀ TỪ ‘CHỨNG MINH’ (PROVE, PROOF)

Chữ này, cũng như mọi tơm khác, đều có nghĩa và cách dùng từ rất lỏng cho đến rất chặt, từ người này đến người khác :

A. nghĩa/cách dùng lỏng:

– trong đời thường: ‘Anh có yêu em không?’ – ‘Có!’ – ‘Chứng minh đi!’ – Ký tờ séc 1 tỷ cho nàng…

– ‘Chữ này có nghĩa là….’ – ‘Chứng minh?’ – ‘Mở từ điển ABC, trang n, ….’

– trong khoa học xã hội, khoa học huyền bí,…

B. nghĩa/cách dùng từ khá chặt:

– chặt: (vật lý – công thức chiều dài của vật sẽ tăng DL mm mỗi khi có độ tăng nhiệt độ D), cụ thể:

X: Thanh này, dài 1m, chiều dài đã tăng 0.001 mm khi tăng nhiệt nó lên một độ C.

Y: Làm lại lần hai đi… X làm lại một lần nữa và nói:

X: Lần này thì chiều dài đã tăng 0.00100000000001 mm. Sai số quá nhỏ, nên coi như công thức này đúng.

Y: OK, nếu anh chấp nhận 0.001 mm = 0.00100000000001 mm. Nhưng đối với toán, hai con số này khác nhau! Do đó, công thức này chỉ là gần đúng, mặt khác, ví dụ, giả sử có một sự kiện lớn nào đó xảy ra, tác động lên trái đất và công thức này không còn đúng như thế nữa!

C. nghĩa/cách dùng rất chặt: ‘chứng minh ’ ở đây (theo nghĩa hiện đại) chỉ áp dụng cho toán, logic: những suy diễn hình thức, một khi được CHỨNG MINH, chúng sẽ đúng vĩnh viễn. Theo nghĩa này thì ngay cả những bộ môn vật lý cũng không gọi là chứng minh – kể cả loại hình học phẳng, hình học không gian! Sao chứng minh bằng cách vẽ hình trong hình học phẳng cũng không gọi chứng minh? Chính xác!

Ví dụ 1

Trong Những Tìm Sâu Triết Học (cước chú tiết 144), Wittgenstein diễu rất cay:

Các nhà toán học Ấn Độ: “Nhìn này!”’: Zettel giải thích: ‘Tôi đọc ở đâu đó rằng các nhà toán học Ấn Độ (đôi khi) vui vẻ sử dụng một hình vẽ (hình học) và nói kèm theo là “Nhìn này! Nhìn này!” xem như là một cách chứng minh một định lý. Điều này cũng ảnh hưởng đến một sự thay đổi trong cách thấy của ta (Anschauungsweise).’ Dùng tiếng Sài Gòn ở đây có lẽ nhộn hơn: “Nè! nhìn nè cha! Rõ ràng c lớn hơn b!”

Ví dụ 2:

Ba nhà làm toán, vật lý và sinh vật cùng đi trên một tàu lửa đang băng qua một cánh đồng ở Scoland. Bỗng nhà sinh vật thấy một con cừu đen nên nói ngay:

– Ồ! Có nhiều cừu đen ở Scoland! (trực giác nhà nghề khiến ni biết sẽ có những con cừu đen khác.)

– Nhà vật lý đáp, ông nói sai rồi, nói thế này mới đúng: ‘Có một con cừu đen trên một cánh đồng ở Scotland!’

– Ông nói sai nốt! – Nhà toán học chen vào, chính xác phải nói thế này: ‘Có một cánh đồng ở Scotland, trên cánh đồng này có một con cừu sao cho một bên của nó là màu đen!’.

Ví dụ 3:

Cuộc tranh luận giữa Polkinghorne, John (nhà vật lý, sau làm giám mục) và Richard Dawkins (sinh vật học tiến hoá lừng danh, vô thần) trên BBC (không nhớ chính xác), khi Polkinghorne nghe Dawkins dùng từ ‘chứng minh’ và ‘khoa học’, Polkinghorne đá thẳng:

– Xin lỗi ngài Dawkins! Cái bộ môn của ngài thực sự thì cũng chưa gọi là khoa học đâu, cho nên đừng dùng từ ‘chứng minh’ ở đây!

Dawkins đứng hình, và dĩ nhiên phải chấp nhận đó là sự thật, không cải nhăng cải cuội được trước hàng vạn khán giả!

Cuối cùng, bản thân Popper còn đẩy mạnh hơn:

Theo LOGIC của KHOA HỌC được nêu ở đây, ta có thể tránh sử dụng khái niệm ‘đúng’ (TRUE) và ‘sai’ (FALSE).

In the logic of science here outlined it is possible to avoid using the concepts ‘true’ and ‘false’.

* Dĩ nhiên Proof/Prove còn được dịch ra tiếng Việt thông thường là chứng cứ, bằng chứng, … nhưng không liên quan gì đến tút này.

Và để kết luận ở đây, trong tác phẩm này, Popper đang đối đầu với nhóm thực chứng, những người thuộc loại khủng về toán, logic như Neurath, Carnap, do đó tôi đề nghị chỉ dành từ ‘chứng minh’ cho toán học, logic (prove/proof).

Một Số Trang Sách

  1. https://tapchitriet.com/?p=1098 hoặc:

    https://thuhiendichtruong.com/logic-cua-su-kham-pha-khoa-hoc-sigmund-freud-karl-popper-wittgenstein-va-khoa-hoc-tiem-danh/?fbclid=IwAR2SrQajsOid1CdzyprDMjF7ACmTL9LRBVHfL7uz_sv_LRSVl-XnDBumKFg