Press "Enter" to skip to content

Karl Popper cố chấp

Karl Popper cố chấp

Trần Đình Thắng

Gần đây, thế giới dành nhiều sự chú ý cho nhà triết học Karl Popper, mặc dù chắc chắn ni muốn nhiều hơn thế, ngang tầm với Wittgenstein và Quine! Popper, 1902-1994, chống lại chủ nghĩa giáo điều dưới mọi hình thức. Khoa học thực sự, Popper chỉ ra, phải đưa ra các dự đoán có thể kiểm được bằng thực nghiệm (empirically tested). Nhưng Popper nhấn mạnh, các nhà khoa học không bao giờ có thể chứng minh một lý thuyết là đúng, bởi vì một thử nghiệm tiếp theo có thể mâu thuẫn với tất cả những gì trước đó. Các quan sát chỉ có thể bác sai (falsify) một lý thuyết. Nguyên tắc bác sai của Popper đã được sử dụng để tấn công các lý thuyết dây và nhiều-vũ trụ (multiverse), những lý thuyết không thể kiểm được bằng thực nghiệm. (Horgan, 2022)

Nguyên tắc bác sai (Falsification)

Karl Popper (1902-1994), là một nhà triết học người Áo (Vienna), định cư ở London vào năm 1946 sau một vài năm sống ở New Zealand. Là Giáo sư Logic và Phương pháp Khoa học tại Trường Kinh tế London, ni và đã có những đóng góp đáng kể cho triết học chính trị cũng như triết học khoa học. Do sớm tiếp xúc với các trào lưu triết học khoa học, đặc biệt khâm phục trước sự thành công vang dội của Einstein, tất cả đã góp phần dẫn Popper đến với khoa học, đặc biệt, triết học khoa học. (Thompson, 2003)

Nguyên tắc ‘bác sai’ của Popper có hai chức năng: thứ nhất, nó là tiêu chí phân ranh[1] (demarcation) giữa khoa học đích thực (cơ học lượng tử, thuyết tương đối) với phi khoa học (non-science) hoặc khoa học giả (pseudoscience) (chiêm tinh học, phân tâm học Freud); kế đến, vấn đề phân ranh là một chìa khóa để giải quyết một số vấn đề triết học, đặc biệt là vấn đề quy nạp.[2] (Klemke, 1998)Karl Popper đưa ra nguyên tắc ‘bác sai’ để đối lập gay gắt nguyên tắc ‘chứng thực’[3] của nhóm Thực chứng Logic khi nhóm này tuyên bố rằng, những phát biểu chỉ có ý nghĩa (meaning) nếu chúng có thể được chứng thực (verify) bằng dữ liệu cảm biết [giác]. Nói cách khác, nếu ta không thể đưa ra bất kỳ bằng chứng nào cho một phát biểu nào đó, thì phát biểu này vô nghĩa.[4]

Trong Logic của phát hiện khoa học[5], Popper lập luận rằng ta không thể chứng minh một lý thuyết khoa học là đúng chỉ bằng cách thêm vào bằng chứng xác nhận mới. Mặt khác, chỉ cần một chứng cứ vững vàng đi ngược lại với một lý thuyết, thì điều này có thể đủ cho thấy lý thuyết đó là sai. Do đó, Popper cho rằng, một lý thuyết khoa học không thể tương thích với mọi bằng chứng có thể có. Nếu lý thuyết đấy là khoa học, thì trên nguyên tắc, lý thuyết này CÓ THỂ[6] bác [sai] được. Đồng thời, các nhà khoa học có khả năng sẽ xem xét bất kỳ lý thuyết khác nào có thể lý giải, vừa cho những bằng chứng xác nhận ban đầu, cũng như cho các bằng chứng mâu thuẫn mới. Nói cách khác, tiến bộ khoa học có được là nhờ việc tìm ra những hạn chế của các lý thuyết khoa học hiện có.

Một đặc điểm chính trong tuyên bố của Popper ở đây là các định luật khoa học luôn vượt ra ngoài dữ liệu và kinh nghiệm thực nghiệm. Phương pháp quy nạp đã cố gắng chỉ ra rằng, bằng cách thu thập một khối lượng dữ liệu, bằng suy diễn, có thể đưa ra các định luật được xem là chắc chắn, thay vì chỉ có khả năng. Popper thách thức phương pháp này với lý do: mọi cảm giác đều liên quan đến một kiểu diễn giải nào đấy, và trong bất kỳ loạt thí nghiệm nào cũng có các biến động và việc các biến động đó có được tính đến hay không lại phụ thuộc vào những giả định trước của người tiến hành thí nghiệm. Ngoài ra, tất nhiên, số lượng thí nghiệm đã thực hiện chỉ là hữu hạn, trong khi số lượng thí nghiệm chưa được thực hiện là vô hạn. Lập luận quy nạp này không bao giờ có thể đạt được sự chắc chắn tuyệt đối của logic diễn dịch. Vì vậy, Popper cho rằng mọi lý thuyết khoa học đích thực phải tự nhất quán về mặt logic và đồng thời phải có khả năng [bị] bác sai. Không có lý thuyết khoa học nào có thể tương thích với mọi bằng chứng có thể có về mặt logic. Một lý thuyết không thể bác bỏ được thì không phải là khoa học. Do đó, khoa học tiến lên bằng cách tìm ra bằng chứng bác bỏ một lý thuyết trước đó và do đó, lý thuyết này, hoặc bị sửa đổi hoặc bị loại bỏ. Đặc biệt, góc nhìn của Popper đã thách thức ý tưởng của Wittgenstein, trong Tractatus, Wittgenstein cho rằng chỉ triết học chỉ có một nhiệm vụ duy nhất[7] là làm sáng rõ ngôn ngữ, bản chất thực sự của triết học không phải là một lý thuyết, mà là một hoạt động.; nhiệm vụ của triết học đích thực là phân biệt rõ những câu vô nghĩa với câu có nghĩa[8] – và ngôn ngữ chỉ là một mô hình (bức tranh) về thế giới bên ngoài:[9]

4.01 Mệnh đề là một mô hình về hiện thực. (Thắng, 2018)

Thay vào đó, Popper cho rằng tâm trí có vai trò sáng tạo đối với kinh nghiệm. Trong lĩnh vực khoa học, điều này có nghĩa là sự tiến bộ sẽ có được khi một ai đó thực hiện một bước nhảy vọt sáng tạo để đưa ra một giả thuyết vượt xa những gì có thể biết được thông qua kinh nghiệm. Khoa học không tiến bộ dần dần bằng cách thêm vào thông tin bổ sung để xác nhận những gì đã biết, mà bằng ức đoán, đi sâu vào những cái chưa biết và kiểm tra các giả thuyết, thăm dò những điểm yếu của chúng và sửa đổi chúng cho phù hợp. Trên thực tế, vì thế, mục tiêu của khoa học là đưa ra các phát biểu có hàm lượng thông tin cao và do đó xác suất để đúng thì thấp (vì càng chứa nhiều thông tin, cơ hội tìm thấy một mệnh đề là sai càng lớn), nhưng mục tiêu này thực sự gần với sự thật. Tất nhiên, nếu dễ dàng tìm thấy một phát biểu không bao giờ sợ bị bác bỏ (ví dụ: ‘Ngày mai mặt trời mọc’), nhưng nội dung của phát biểu này rất ít thông tin đến mức khó thấy nó có thể thực tế được sử dụng như thế nào. (Thompson, 2003)

Mô hình khoa học của Popper & Những gặng xét

Theo lý thuyết của Popper, không thể chứng minh được một định luật khoa học, cùng lắm ta chỉ có thể đưa ra một lý thuyết với một mức xác suất cao. Luôn luôn có khả năng một ngày nào đó sẽ tìm thấy một bằng chứng để chứng minh định luật ấy sai. Để cụ thể các bước phát triển khoa học, cách tiếp cận của ni đối với phương pháp khoa học là như sau: 1. nhận thức được vấn đề (sự thất bại của một lý thuyết trước đó, chẳng hạn, cơ học Newton giải thích tốt theo các điều kiện thông thường trên Trái đất, nhưng không còn đúng nữa trong các tình huống cực đoan, ánh sáng bị bẻ cong khi đi qua các thiên thể kích thước lớn). 2. đề xuất giải pháp (tức là một lý thuyết mới, ở đây, thuyết tương đối). 3. đưa ra một số chắt [mệnh đề] có thể kiểm được bằng lý thuyết đó. (các phương trình của thuyết tương đối). 4. cân đối lựa chọn giữa các lý thuyết cạnh tranh với nhau (ưu thế thuộc về Einstein khi kết quả thực nghiệm đã tiên đoán chính xác sự bẻ cong của ánh sáng từ các ngôi sao ở xa do lực hấp dẫn của Mặt trời).

 

Tôi là một triết gia hạnh phúc nhất. Hầu hết các triết gia đều trầm cảm sâu sắc, vì họ không thể tạo ra bất cứ điều gì đáng kể.

Nói chung, khoa học vận hành thông qua các thí nghiệm. Kết quả sẽ được trình bày cùng với thông tin chi tiết về các phương pháp thử nghiệm. Nhiệm vụ của những ai muốn kiểm lại kết quả là lặp lại các thí nghiệm đấy và xem liệu chúng có tạo ra kết quả y hệt hay không. Sau đấy, ta sẽ dùng lý thuyết này để dự đoán các sự kiện, một vài sự kiện trong số đó sẽ được chứng thực, một số thì không. Khi dự đoán không chính xác, có khả năng là lý thuyết này sẽ bị bác sai – đó là cách tiếp cận của Popper. Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn đơn giản như vậy, đối với Lakatos, sự bác sai và loại bỏ một lý thuyết thường chỉ diễn ra khi có một lý thuyết khác sẵn sàng thay thế nó. Nói cách khác, nếu có một lý thuyết khác có thể giải thích tất cả những gì mà lý thuyết này có thể giải thích, và sau đó tiếp tục tính đến một số tình huống mà lý thuyết này sai, thì lý thuyết khác sẽ được ưu tiên hơn. Năng lực giải thích là tiêu chí cuối cùng ở đây. Vì vậy, điều này là có thể: nếu một thí nghiệm dường như bác sai một lý thuyết, thì có điều gì đó không ổn với thí nghiệm này, hoặc có một số yếu tố khác có liên quan đến mà trước đây chưa được xem xét. (Thompson, 2003)

Theo thời gian, những tư tưởng có giá trị trong tư tưởng của Popper vẫn được phát triển, và những sai lầm đã được nhiều người chỉ ra[10] kể cả nhưng học trò của ni. Nhưng học thuyết về tính bác sai được phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng như được mô tả bởi Duhem[11], Quine[12] và Lakatos[13]. (Klemke, 1998)

Chẳng hạn, Imre Lakatos, mặc dù không quên ơn của Popper:

“Những ý tưởng của Popper đại diện cho sự phát triển quan trọng nhất trong triết học của thế kỷ XX; một thành tựu trong truyền thống— và ngang tầm — với Hume, Kant hoặc Whewell. Riêng tôi, món nợ của tôi đối với ông là không thể đong đếm được: hơn tất cả, ông đã thay đổi cuộc đời tôi. Khi bước vào trường trí tuệ của ông thì tôi đã gần bốn mươi tuổi. Triết lý của ông ấy đã giúp tôi cắt đứt dứt điểm với góc nhìn của Hegel mà tôi đã đeo đuổi suốt gần hai mươi năm trời. Và, quan trọng hơn, triết lý này cung cấp cho tôi một loạt các vấn đề vô cùng phong phú, thực vậy, một chương trình nghiên cứu thực sự. Tất nhiên, công việc của một chương trình nghiên cứu là một công việc quan trọng và không có gì lạ khi công trình của tôi về các vấn đề của Popper thường xuyên khiến tôi xung đột với các giải pháp của chính Popper.” (Lakatos, 1989, p. 139)

Nhưng Imre Lakatos cho rằng, có một số kiểu mẫu tiến bộ trong khoa học là điều rõ ràng,… Trong vài năm gần đây, ni đã ủng hộ một phương pháp luận về các chương trình nghiên cứu khoa học, giải quyết một số vấn đề mà cả Popper và Kuhn đều không giải quyết được. (Lakatos, 1989, p. 4)Trên thực tế, khoa học đạt được tiến bộ nhờ các chương trình nghiên cứu (research programmes), về cơ bản là các hoạt động giải quyết vấn đề. Vấn đề không phải là chấp nhận hoặc loại bỏ một giả thuyết chỉ vì một chứng cứ đối lại, theo như đề xuất của thuyết bác sai của Popper, cũng không phải là vấn đề chờ đợi một cuộc khủng hoảng và thay đổi paradigm. Tiến bộ trong khoa học là có thể có thông qua các chương trình nghiên cứu, đề ra trong một khoảng thời gian để thiết lập các thí nghiệm và tập hợp các dữ kiện mới. Vì thế, Lakatos chỉ trích Popper vì không chấp nhận tính liên tục lịch sử của các lý thuyết trong các chương trình nghiên cứu, khiến chúng dễ bị bác sai, không đúng với cách thức thực tế mà các nhà khoa học đánh giá công trình của họ.

Một điều khác cần lưu ý là, nếu ta tiếp cận theo nguyên tắc bác sai của Popper, không chắc khoa học sẽ tiến bộ. Vì mặc dù được thiết lập cẩn thận, các thí nghiệm hiếm khi mang lại kết quả hoàn toàn rõ ràng. Do đó, đối với một người theo nguyên tắc bác sai nghiêm ngặt, mọi dữ kiện nhỏ nhặt mâu thuẫn đều đòi hỏi một lý thuyết phải bị loại bỏ! Thực tế thì việc này không xảy ra như vậy. Nếu một số dữ kiện bất thường xuất hiện, chúng sẽ được xem xét một cách nghiêm túc, sẽ tìm cách giải thích lý do, có lẽ do sai sót thí nghiệm chẳng hạn.

Feyerabend[14] nói rằng ‘sự tiến bộ’ là sai lầm và không thể – chúng ta không thể có được ‘kiến thức thực sự’, chỉ có những cách nhìn khác nhau. Do đó, đối với Feyerabend, việc lựa chọn lý thuyết này hơn lý thuyết khác có thể được thực hiện vì đủ loại lý do cá nhân, văn hóa, thẩm mỹ và chủ quan. Mỗi người được tự do lựa chọn quan điểm của mình, và khoa học không thể áp đặt một tiêu chí tuyệt đối hay cố định cho điều gì là đúng và điều gì không. (Thompson, 2003, p. 54)

Bất chấp những gặng xét về lý thuyết của mình, Karl Popper, nhà triết học lớn, nổi tiếng với những cuộc tấn công dữ dội vào chủ nghĩa giáo điều khoa học và chính trị, lại khá là cố chấp. Chẳng hạn, về tính khách quan của vật lý trong cơ học lượng tử: “Tôi không tin một lời nào về điều đó, xim [chủ nghĩa] chủ quan không có chỗ đứng trong vật lý, lượng tử, tôi biết tất cả những người khổng lồ của khoa học thế kỷ XX: Einstein, Schrodinger, Heisenberg. Thế mà Bohr, lại đưa xu hướng thuyết chủ quan vào vật lý. Bohr làmột trong những nhà vật lý vĩ đại nhất mọi thời đại, song ni chỉ là một nhà triết học khốn khổ!” Về Vụ Nổ Lớn (Big Bang): “Điều ấy vẫn y như cũ, những khó khăn luôn được đánh giá thấp. Vụ Nổ Lớn được trình bày y như thể tất cả rất chắc chắn về mặt khoa học, nhưng sự chắc chắn về mặt khoa học thì không tồn tại”. Về thuyết tiến hoá Darwin (chọn lọc tự nhiên): “lý thuyết này là nói lặp, nói cà lăm (tautology) và do đó là khoa học giả, ta phải tìm kiếm các lý thuyết khác thay thế!”

Và thật là ngốc khi đưa ra câu hỏi này cho Popper: “Thưa ngài, liệu có thể bác sai nguyên tắc bác sai không?” Popper sẽ sửng cồ mặc dù ni buộc phải thừa nhận những chỉ trích: nguyên tắc bác sai chỉ là một kim chỉ nam, đôi khi xài được, đôi khi không. Trên một mặt nào đó, Popper cũng cộc cằn không kém Wittgenstein: sẵn sàng ném sinh viên ra khỏi lớp khi dám phê bình lý thuyết của mình !

Sau khi ni mất, tờ Economist ca ngợi Popper là “nhà triết học còn sống được biết đến và được đọc nhiều nhất”, nhưng lưu ý rằng phương pháp quy nạp của Popper, cơ sở cho nguyên tắc bác sai của ni, đã bị các triết gia sau này bác bỏ. Lẽ ra, theo tính khí của mình, Popper phải hoan nghênh thực tế này, điều trớ trêu là ở đây, Popper không thể thừa nhận mình đã sai!” (Horgan, 2022)

Dù vậy, ta không thể không cảm động, bồi hồi khi nghe những lời chân thành của người thầy rất lớn này:

“… Tôi tin rằng chức năng của một nhà khoa học hoặc của một tay làm triết là để giải quyết các vấn đề khoa học hoặc các vấn đề triết học, thay vì ba hoa mãi về những gì mình đang làm hoặc sẽ làm. Bất kỳ sự gắng sức nào, dù không thành, nhằm giải quyết một vấn đề khoa học hoặc triết học, nếu sự gắng sức này là trung thực và hết lòng—với tôi—nó vẫn có ý nghĩa hơn là ngồi bàn mãi về những câu hỏi kiểu như ‘Khoa học là gì?’ hoặc ‘Triết học là gì?’ … Tôi không bận tâm nhiều về những thứ đại loại như thế: triết gia thì phải làm triết: ni phải cố giải quyết các vấn đề triết học, thay vì nói mãi về triết. Nếu Wittgenstein đúng, thì theo tôi, chẳng ai có thể làm triết được. Giả như tôi đã nghĩ như thế thì tôi sẽ từ bỏ triết học. Nhưng do tôi không chỉ quan tâm sâu sắc đến một số vấn đề triết học nhất định, mà còn hy vọng rằng tôi có thể đóng góp—cho dù nhỏ nhoi, bằng cách làm việc chăm chỉ, cật lực …[15] (Popper, Conjectures and Refutations, 2002, p. 90)

“Mọi người đều bình đẳng trước sự dốt nát vô hạn của mình”.[16] (Popper, Conjectures and Refutations, 2002, p. 38)

Tác phẩm trích dẫn

Ayer, A. J. (1959). Language, Truth and Logic. Dover Edition.

Horgan, J. (2022). The Paradox of Karl Popper. SCIENTIFIC AMERICAN , https://blogs.scientificamerican.com/cross-check/the-paradox-of-karl-popper/.

Klemke, E. D. (1998). Introductory Readings In The Philosophy Of Science. New York: Prometheus Books.

Lakatos, I. (1989). The methodology of scientific research programmes – Philosophical Papers Volume I. In I. Lakatos, The methodology of scientific research programmes – Philosophical Papers Volume I (p. 139). USA: Cambridge University Press.

Popper, K. (2002). Conjectures and Refutations. New York: Routledge & Kegan.

Popper, K. (2002). The Logic of Scientific Discovery. New York: Routledge.

Scruton, R. (1995). Modern Philosophy – An Introduction & Survey. New York: Allen Lane The Penguin Press.

Thắng, T. Đ. (2018). Luận Văn Logic Triết Học. TP HCM: NXB Đà Nẵng.

Thompson, M. (2003). Teach Yourself: The Philosophy of Science. UK: Teach Yourself .

Nốt

  1. + Cuộc tấn công của Popper đặc biệt nhằm vào những lĩnh vực mà ni cho là khoa học giả. Ni đặc biệt phê phán xim [chủ nghĩa] Marx và phân tâm học Freud. Ni nhận thấy rằng những người Mác xít có thói quen diễn giải mọi sự kiện theo lý thuyết của xim Marx, và sau đó sử dụng những diễn giải đó để xác nhận lý thuyết đó. Popper cho rằng, nếu không có điều gì cho phép bác sai góc nhìn duy vật biện chứng mácxít thì lý thuyết này không phải là bộ môn khoa học đích thực. Tương tự, một nhà phân tâm học cũng thế, ni có thể dễ dàng đưa ra một diễn giải cụ thể về tình trạng của người bệnh, dựa trên lý thuyết này, và cố gắng diẽn giải, bóp méo hoặc bỏ qua bất kỳ điều gì dường như không phù hợp với lý thuyết đó. Bằng tiêu chí bác sai được hoặc bác bỏ được (refutability)- ni cố gắng chứng minh rằng lý thuyết hấp dẫn của Einstein thỏa mãn tiêu chí này, và do đó lý thuyết này là khoa học.
  2. Vấn đề quy nạp: Làm thế nào biện minh cho những phát biểu liên quan đến những vấn đề thực tế mà ta chưa trải qua? (Conjectures and Refutations)
  3. Các từ falsify/ falsifiable/ falsifiability là các tơm then chốt của Karl Popper và ni thường dùng để chống lại nhóm thực chứng với các tơm then chốt là verify/verifable/verifiability; nói chung cặp verify/falsify cũng được dịch rất nhiều cách khác nhau ở VN, trong đó có cặp kiểm đúng/kiểm sai. Nếu chỉ dịch mà không đọc Popper và nhóm thực chứng thì hầu như ta chỉ dịch đoán theo mặt chữ, gần đúng và sẽ bị sót cái cốt lõi của chúng (Tàu dịch falsify khá đúng là KHẢ PHỦ CHỨNG, linh hồn là chữ KHẢ/CÓ THỂ, Việt nam mình hầu như mất ý nghĩa này).

    – (Nhóm thực chứng, verifiability)

    Nói chung, theo nhóm này thì nên dịch verify là ‘kiểm nghĩa’: ‘kiểm nghĩa’ là 1 tiêu chí phân biệt một câu có nghĩa hay không; nếu câu có nghĩa thì khi đó nó có thể đúng hay sai, câu vô nghĩa là những câu thuộc tôn giáo, siêu hình học, đạo đức,… do đó, dịch là ‘kiểm đúng’ thì không ra được ý nghĩa thật sự của nó! Ở đây, người dịch sẽ dùng lẫn lộn hai từ ‘kiểm nghĩa’ và ‘chứng thực’ với nhau, đôi khi là ‘kiểm chứng’.

    – Falsify của Popper

    Ban đầu Popper dùng ‘Falsifikation/Falsifizierung’ , … sau này chính ni dịch sang tiếng Anh là falsify (bác sai)/falsifiable (có thể bác sai/bác sai được)/falsifiability (tính có thể bác sai/tính bác [sai] được). Chú ý: từ test (kiểm, kiểm nghiệm)/testability cũng là từ then chốt của Popper nên 2 từ falsify & verify không nên dịch có chữ kiểm trong đấy!

    Tính có thể bác sai (falsifiability). Giả thuyết có thể bác sai (falsifiable hypothesis) là giả thuyết có thể được kiểm [nghiệm] (test) mà qua đó có thể bác bỏ nó (luý hai từ có thể). Khái niệm này rất quan trọng trong triết khoa học của Karl Popper, theo đó, đặc điểm nổi bật của bất kỳ lý thuyết khoa học nào là các giả thuyết của nó đều có thể được kiểm nghiệm. Đặc điểm nổi bật của một thuyết khoa học tốt là các giả thuyết của nó vượt qua được cái kiểm nghiệm này, khoa học giả thì không. Những tay làm khoa học giả có thể bám vào các giả thuyết của họ bất chấp các sự kiện diễn ra như thế nào, bởi vì không thể kiểm nghiệm được chúng. Karl Popper cho rằng khái niệm then chốt trong khoa học không phải là tính chứng thực (verification) mà là tính có thể bác sai: ta không bao giờ có thể chứng thực dứt điểm (conclusive) một định luật khoa học; ta chỉ có thể bác bỏ dứt điểm nó mà thôi (bằng một phản ví dụ là đủ, ví dụ giả thuyết ‘mọi con quạ lông đều đen’, chỉ cần một con quạ lông không đen là đủ để bác sai giả thuyết này).

    Lưu ý:

    – không nên lẫn lộn hai khía cạnh khác nhau của ‘chứng thực’ và ‘có thể bác sai’: ‘chứng thực’ liên quan đến nghĩa/vô nghĩa của mệnh đề và ‘có thể bác sai’ là một tiêu chí để phân ranh khoa học/khoa học giả của Popper.

    – trong bản dịch tiếng Pháp, Popper đề nghị dịch là ‘réfute’ (bác bỏ)!

    *Verification principle. Nguyên tắc có thể chứng thực (verifiability), gọi tắt là nguyên tắc chứng thực được, là một nguyên tắc đặc biệt và cốt lõi của thế đứng thực chứng logic. Nguyên tắc này giả định rằng tất cả các phát biểu có nghĩa (về mặt nhận thức) có thể được chia thành hai loại. Một loại gồm những phát biểu đúng hoặc sai về mặt phân tích, tức là đúng hay sai hoàn toàn dựa trên nghĩa của chúng. Loại kia thì gồm các phát biểu tổng hợp. Nguyên tắc có thể chứng thực này xác định một tiêu chí về tính có nghĩa của những phát biểu đấy: để một phát biểu tổng hợp có nghĩa (về mặt nhận thức), tức là hoặc đúng hoặc sai, thì phải có thể xác định được đúng sai của phát biểu này, một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua kinh nghiệm cảm biết (sensory experience). Đây là một nguyên tắc thường nghiệm đã có mặt, ít nhất là gián tiếp, trong Hume (x. đoạn cuối trong Enquiry Concerning Human Understanding). Về điểm mạnh của nguyên tắc này, các thuyết cốt lõi của tôn giáo, siêu hình học và đạo đức học có thể bị bác bỏ, không phải vì chúng sai, mà là vô nghĩa. Cùng lắm, ý nghĩa của chúng cũng giống như ý nghĩa của những câu than [cảm thán] hoặc câu ra nài [mệnh lệnh]: chúng không đúng cũng không sai. Một ý kiến phản đối nguyên tắc này [dạng mạnh; strong] là mặc dù kinh nghiệm-cảm biết có thể xác nhận một phát biểu, nhưng hiếm khi kinh nghiệm có thể xác lập dứt điểm [theo cách quyết định] (conclusive) sự thật của phát biểu đấy. Điều này dẫn đến việc phải sửa đổi lại yêu cầu về tính có thể chứng thực (verifiability): [ta] chỉ cần dạng yếu (weak) của nguyên tắc này. Một phản đối quan trọng liên quan đến tính gốc |bản chất| của nguyên tắc này. Nguyên tắc đấy không đúng theo cách phân tích. Nếu nó sai theo cách phân tích, rõ thấy nó phải bị bác bỏ. Nếu nguyên tắc này là tổng hợp, thì bản thân nó có ý nghĩa (về mặt nhận thức) nếu và chỉ nếu nó có thể được bồi hoặc phủi bằng kinh nghiệm cảm biết. Nhưng điều này là không thể. Vì vậy, nếu ta chấp nhận nguyên tắc này [đúng], ta phải xem nó là vô nghĩa. Một phản đối lại phản đối này là, [ta] không khẳng định nguyên tắc này đúng, mà chỉ đơn thuần xem nó là một đề xuất, quy định có ích. Nhưng lập luận này lại gặp phải vấn đề khác của nó. Những khó khăn loại này cũng nảy sinh với các biện bày (formulations) khác của thế đứng kinh nghiệm (empiricism).

    – người dịch sẽ cơi cách dùng chữ ‘được’ như sau: Tính có thể bác sai >> Tính bác sai được hoặc Tính bác được; tính có thể chứng thực >> Tính chứng thực được.

  4. Popper cho rằng khái niệm then chốt trong phương pháp khoa học không phải là chứng thực mà là bác sai. Ta không bao giờ có thể chứng thực một cách thuyết phục một định luật khoa học; nhưng chúng ta có thể bác bỏ dứt điểm (conclusively refute) nó. Một phản ví dụ đủ để lật đổ cả một lý thuyết. Suy diễn khoa học không phải là quy nạp, mà là phỏng đoán và bác bỏ.
  5. Popper, Karl. The Logic of Scientific Discovery. Routledge 1992, Hutchinson, 1959. (Originally published as Logik der Forschung. Vienna: J. Springer, 1935.)
  6. Ví dụ để bạn có thể nắm vấn đề:

    – Một giả thuyết được gọi là giả thuyết khoa học nếu CÓ THỂ bác bỏ/sai nó (falsify) bằng một phép KIỂM (Test).

    Giả thuyết 1 (GT1): Nếu làm nóng x gam bạc lên đến nhiệt độ 200 độ C thì nó sẽ phát nổ với năng lượng y.

    Giả thuyết 2 (GT2): Bệnh nhân A bị chứng nói lắp là do chấn thương tâm lý X lúc A lên 4 tuổi.

    Giả thuyết 3 (GT3): Thượng đế tồn tại.

    Giả thuyết 4 (GT4): Ở vị trí K nào đó cách trái đất 1 tỷ năm ánh sáng có một ngôi sao … kích thước 1 mét.

    GT1: Giả sử ta dựng 1 test (T01) để kiểm GT1 và (giả sử) không thấy hiện tượng phát nổ nói trên, ta sẽ nói:

    Phép kiểm T01 đã BÁC BỎ giả thuyết GT1.

    GT2: Do không thể dựng 1 test nào để bác bỏ GT2, ta nói: GT2 không phải là một giả thuyết khoa học. (phân tâm học)

    GT3: Do không thể dựng 1 test nào để bác bỏ GT3, ta nói: GT3 không phải là một giả thuyết khoa học. (tôn giáo)

    GT4: mặc dù với công nghệ hiện nay ta không thể nào đi đến nơi như thế để xác nhận hay bác bỏ giả thuyết này. NHƯNG, đến đây là cái chữ quan trọng: CÓ THỂ, tức là TRÊN NGUYÊN TẮC nếu ta CÓ THỂ đến được đó (test này có thể thực hiện bằng 1 phi thuyền công nghệ tiên tiến nào đó), ta có thể bác bỏ hay xác nhận GT4, và khi ấy, cho dù GT4 đúng hay sai, nó vẫn là 1 giả thuyết khoa học.

  7. Vào ngày 26 tháng 10, một cuộc đụng độ đã diễn ra giữa hai tay làm triết lừng lẫy, và từ đó trở nên nổi tiếng: khi Karl Popper đến thuyết trình tại câu lạc bộ về đề tài: Những vấn đề triết học – có hay không? (Are there Philosophical Problems?) Popper cố tình chọn chủ đề này, và trình bày sao cho khiêu khích được Wittgenstein, người mà Popper cho rằng đã phủ nhận sự tồn tại của các vấn đề triết học. Và thực sự Popper đã chọc giận được Wittgenstein. Vụ việc này có được kể lại với nhiều phiên bản khác nhau:

    – Popper và Wittgenstein sáp lại nhau, mỗi ông cầm một cây cời lửa (poker).

    – (Theo Popper kể) Lúc ấy, Wittgenstein, cầm cây cời chọc chọc, huơ huơ, Popper nói “Không được cầm cây cời đe doạ diễn giả khách mời!” và thế rồi Wittgenstein đùng đùng xông ra khỏi phòng, tay vẫn cầm cây cời trên tay.

    – Russell cũng có mặt tại cuộc họp, và dành thiện cảm cho Popper. Sau khi đấu khẩu căng thẳng, Wittgenstein bực tức xông ra, lúc ấy, Russell nói với theo: “Wittgenstein! Ông đang gây ra … “ (lược lại theo Wittgenstein’s poker)

  8. Popper giễu Wittgenstein: ‘Mọi con vật đều bình đẳng, nhưng một số con thì bình đẳng hơn‘ là một ví dụ tuyệt vời về một câu ‘vô nghĩa’ theo nghĩa kỹ thuật của Russell và Wittgenstein, mặc dù rõ ràng là không vô nghĩa trong ngữ cảnh của Trại Súc Vật của Orwell. Điều thú vị là sau này Orwell đã xem xét khả năng giới thiệu một ngôn ngữ và áp dụng nó, trong đó câu ‘Mọi người đều bình đẳng‘ sẽ trở nên vô nghĩa theo ý nghĩa kỹ thuật của Wittgenstein. (Popper, Conjectures and Refutations, 2002, p. 90) và: Ví dụ của Wittgenstein về một chắt giả vô nghĩa là: ‘Socrates thì đồng nhất‘. (Thắng, 2018, p. 117) Rõ ràng, ‘Socrates thì không đồng nhất‘ cũng phải là một câu vô nghĩa. Vì vậy, phủ định của câu vô nghĩa sẽ là một câu vô nghĩa, và phủ định của câu có nghĩa cũng sẽ có nghĩa. Nhưng phủ định của một phát biểu có thể kiểm được (hoặc có thể bác sai được) thì không nhất thiết phải kiểm được …Có thể dễ dàng hình dung ra sự nhầm lẫn phát sinh do xem tính có thể kiểm được hay bác bỏ được như một tiêu chí của ý nghĩa thay vì tiêu chí phân ranh. (Popper, Conjectures and Refutations, 2002, p. 54)
  9. Các từ ‘không nghĩa’ (senseless) hoặc ‘vô nghĩa’ (nonsense) truyền đạt và có hàm ý để truyền đạt một đánh giá xúc phạm; và chắc chắn, những gì mà những tay thực chứng thực sự muốn đạt được không chỉ là một phân ranh thành công, mà nhiều hơn: cuộc lật đổ cuối cùng và tiêu diệt siêu hình học. Dù điều này có thế nào đi nũa, chúng tôi thấy rằng mỗi khi các tay thực chứng cố gắng nói rõ ý nghĩa của cụm ‘có nghĩa’, thì nỗ lực đó lại dẫn đến kết quả tương tự—dẫn đến một định nghĩa về “câu có nghĩa” (để tương phản với ‘khoa học giả vô nghĩa’) vốn chỉ đơn giản là nhắc lại tiêu chí phân ranh về logic quy nạp của họ. Cái ‘tự phô ra’ (‘shows itself’) rất rõ ràng này trong ca của Wittgenstein, theo đó, mọi chắt có ý nghĩa, về mặt logic, phải được rút gọn về các chắt đơn (cơ sở hoặc nguyên tử), mà ni cho là những đặc trưng để mô tả hoặc mô hình về thực tại'(nhân tiện, một đặc trưng, nghĩa là bao hàm tất cả các chắt có nghĩa). Từ đây, ta có thể thấy rằng tiêu chí của Wittgenstein về tính có ý nghĩa sẽ trùng khớp với tiêu chí phân ranh của các tay quy nạp, miễn là ta thay thế các từ ‘khoa học’ hoặc ‘hợp lệ’ của họ bằng cụm ‘có nghĩa’. Và chính vì vấn đề quy nạp mà nỗ lực nhằm giải quyết vấn đề phân ranh này đã dẫn đến cơn đau buồn: những tay thực chứng, trong cơn ám ảnh muốn tiêu diệt siêu hình học, đã triệt bỏ khoa học tự nhiên cùng với nó. Vì các định luật khoa học cũng vậy, không thể rút gọn theo cách logic về những phát biểu đơn về kinh nghiệm. Nếu được áp dụng một cách nhất quán, tiêu chí về ý nghĩa của Wittgenstein sẽ bác bỏ những định luật tự nhiên, xem đấy là vô nghĩa, mà qua việc tìm kiếm, như Einstein đã nói, là ‘nhiệm vụ tối cao của nhà vật lý’: chúng không bao giờ có thể được chấp nhận là những phát biểu đích thực hoặc hợp lệ. Nỗ lực của Wittgenstein nhằm lột trần vấn đề quy nạp như một bài toán giả và rỗng đã được Schlick phát biểu như sau: ‘Vấn đề quy nạp bao gồm việc đòi hỏi một sự biện minh hợp lý cho những phát biểu bao khắp [phổ quát] về thực tại… (Popper, The Logic of Scientific Discovery, 2002, p. 13)
  10. Chẳng hạn, A. J. Ayer: “…Those who adopt this course assume that, although no finite series of observations is ever sufficient to establish the truth of a hypothesis beyond all possibility of doubt, there are crucial cases in which a single observation, or series of observations, can definitely confute it. But, as we shall show later on, this assumption is false.” (Ayer, 1959)
  11. Duhem, P. The Aim and Structure of Physical Theory. Translated by P. Wiener. New York: Atheneum, 1954. (Translated from 2nd edition of La Theorie Physique: Son Object Sa Structure. Paris: Marcel Riviere & Cie, 1914.)
  12. Quine, W. V. O. “Two Dogmas of Empiricism.” In From a Logical Point of Yew, 20-46. New York: Harper & Row, 1963. (Originally published in The Philosophical Review 60 [19511: 20-43.)
  13. Lakatos, Imre. “Falsification and the Methodology of Scientific Research Programmes.” In [16]. Tr. 91-195.
  14. Against Method: Outline of Anarchistic Theory of Knowledge, 1975
  15. Conjectures and Refutations; Karl Popper
  16. It might be well for all of us to remember that, while differing widely in the various little bits we know, in our infinite ignorance we are all equal.