Press "Enter" to skip to content

“MỸ HỌC” của HEGEL

“MỸ HỌC” của HEGEL

Nghệ thuật đã chết và con đường đi đến tinh thần tuyệt đối

Nguyễn Hoài Vân

Sách Mỹ Học không do Hegel viết ra, mà là những ghi chép của học trò, với nhiều đơn giản hóa và sai lầm (1), được xuất bản sau khi ông qua đời (2). Tựa “Mỹ Học” cũng không do ông đặt, vì đề tài các bài giảng là “Triết lý nghệ thuật”, chứ không phải “triết lý của cái đẹp”. Cần hiểu nghệ thuật ở đây là một cơ chế sản sinh ý nghĩa nên triết lý nghệ thuật là một triết lý về sự sản sinh ý nghĩa.

Phát biểu nổi tiếng “nghệ thuật đã chết” cũng không phải của Hegel mà do hậu thế diễn dịch ý tưởng “nghệ thuật thuộc về quá khứ” (xem các đoạn trích). Nói “nghệ thuật thuộc về quá khứ” không có nghĩa là nó không còn hiện hữu. Nó vẫn hiện hữu, nhưng phương thức hiện hữu của nó là “hiện hữu trong quá khứ”. Tức là dù nó vẫn ảnh hưởng trên hiện tại và tương lai, nhưng những chức năng chủ trì sự tạo tác ra nó, trong lãnh vực thờ cúng, trang trí, biểu dương uy thế, quyền hành v.v… không còn là thời sự.

Đó cũng là lý do nghệ thuật được đem cất giữ trong các viện bảo tàng (hoặc các định chế tương đương). Thực tế này áp dụng cho cả âm nhạc lẫn nghệ thuật hiện đại ! Các nghệ sĩ hiện đại chỉ có một ước mơ là tác phẩm của họ được giữ trong viện bảo tàng. Các nhạc sĩ hiện đại cũng mong ước được sự chiếu cố của các hãng đĩa, cũng là những “định chế bảo tàng”. Các họa sĩ đường phố, như Banksy, cũng chỉ được công chúng biết đến qua các phim tài liệu, video, sách vở, trong chức năng bảo tàng của chúng (3).

Mặt khác vì các chức năng của nó không còn là thời sự, nên ngày nay nghệ thuật chỉ hiện hữu vì nó, tức mang một giá trị tự thân, trong khi trước đó giá trị của nghệ thuật lệ thuộc vào các chức năng mà nó phải chu toàn (nói ở trên). Cùng lúc với việc “thuộc về quá khứ”, nghệ thuật trở thành một phạm trù tự do, chỉ mời gọi chứ không áp đặt.

Triết lý của Hegel nói chung đặt nặng ý tưởng một con đường, với một mục tiêu tối hậu. Khi đặt nghệ thuật trên con đường kiểu này, thì hệ luận tự nhiên là nó có một điểm đến, và một sự kết thúc.

Mục tiêu tối hậu theo Hegel là tinh thần. Áp dụng cho nghệ thuật, thì đó là cuộc hành trình thoát khỏi những ràng buộc của vật chất và cảm giác (trước các tranh, tượng, kiến trúc, nhạc …) để đạt đến tinh thần tuyệt đối. Và vì đó là một hành trình, nên Hegel phân ra những giai đoạn, mà rốt ráo có thể là một loại nghệ thuật không còn lệ thuộc hình dáng của sự vật (xem “Phân loại nghệ thuật” ở dưới).

Nhận xét này giúp chúng ta tiếp cận nghệ thuật hiện đại, đặc biệt là nghệ thuật trừu tượng (không lệ thuộc hình dáng …). Điều các bạn có thể nhận xét là chúng ta không những không thể thoát khỏi sự ràng buộc của vật chất (4) mà cũng không thể tách mình ra khỏi cảm giác. Hegel, chắc chắn biết điều đó, nhưng, như đã nói, “Mỹ Học” là tư tưởng của ông được đơn giản hóa …

Ý tưởng nghệ thuật đã chết được đặt cạnh sự chấm dứt của lịch sử nghệ thuật, như được hình dung bởi Arthur Danto (1924-2013). Theo tác giả này, nghệ thuật hiện đại tự nó hiện hữu như những thực thể độc lập, nên không còn có thể được kết nối trong một câu chuyện mạch lạc, cái này cho ra cái kia, như một “lịch sử”. Vả lại, khi nghệ thuật hiện đại xuất hiện, nó đã bị gạt bỏ bởi những người đại diện cho nghệ thuật, như “không phải nghệ thuật”. Sự kiện, với thời gian, nó được công nhận như “là nghệ thuật”, cho thấy nó đứng ngoài “lịch sử nghệ thuật”, đồng thời là một sự tái sinh của nghệ thuật, dưới những dạng thức không sử tính.

§§§§§§§§§§§§

(1) Mỹ học được coi như sách “dễ đọc” nhất của Hegel vì lý do ấy. Thật vậy, một mặt Hegel tự đơn giản hóa tư tưởng của mình để thích nghi với trình độ của học trò, mặt khác, khi ghi chép bài giảng, các sinh viên có khuynh hướng đơn giản hóa các khái niệm mà họ không hiểu hết …

(2) Đầu tiên, những ghi chép chỉ gồm khoảng 100 trang, nhưng sau khi tổng hợp bài giảng của nhiều năm khác nhau, người ta xuất bản được khoảng 1000 trang. Sau đó lại xuất hiện nhiều ấn bản mới hơn ít ra là cho đến 2018.

(3) Về Banksy, xem : https://www.instagram.com/p/BomXijJhArX/?hl=fr&taken-by=banksy

(4) Vật chất theo Hegel không phải là loại “vật chất ngây thơ” của người thường. Trong Encyclopédie des Sciences Philosophiques, Hegel quan niệm vật chất như chức năng của chuyển động và tương quan giữa thời gian và không gian. Vật chất không có một hiện hữu tự thân. Khoa học hiện đại cũng theo hướng suy tư này. Thật vậy khi bạn có cảm giác chạm vào một vật thể, thì bạn không chạm vào “vật chất”, mà chỉ có những phản ứng phức tạp có thể được mô tả phần nào, giữa hệ thần kinh của bạn với những hạt, đồng thời là sóng, và trường điện từ, của vật thể này, nhưng điều ấy không có nghĩa là “vật chất hiện hữu” theo nghĩa “ngây thơ” …

§§§§§§§§§§§§§§

Bây giờ xin mời đọc vào các đoạn trích Hegel (NHV phỏng dịch), với vài chú giải :

Nghệ thuật đã chết : Bản khai tử

Lưu ý : có hai đoạn trích không lấy từ tập “Mỹ Học” – như đoạn dưới đây, từ Hiện Tượng Luận của Tinh thần (1) :

« Các pho tượng ngày nay chỉ là xác chết. Linh hồn của chúng đã thoát đi. Những thần khúc chỉ là lời nói, mất trọn niềm tin. Các di sản của Thần, Chúa, không còn được dưỡng nuôi bởi lương thực tâm linh, cũng như các lễ hội không còn đem lại niềm vui vô bờ bến của sự hợp nhất giữa tâm trí với bản thể của nó (…)

Các tác phẩm trở thành những trái cây đẹp đẽ, nhưng đã rời khỏi cành cây. Định mệnh thân tình, như một thiếu nữ, đã trao tặng những trái cây ấy cho cúng ta. Không còn trong đó sự sống hiệu dụng của “hiện hữu tại đây”, không còn cội cây đã sinh ra chúng, không còn mảnh đất và những yếu tố đã làm nên chất liệu của chúng, cũng như khí hậu đã quy định sự triển nở của các trái cây này (…)

Như thế, định mệnh không trao lại cho chúng ta những tác phẩm nghệ thuật cùng với thế giới, cùng với mùa xuân, mùa hạ của đời sống đạo đức trong đó chúng đã hiện hữu (…) (2)

Công việc của chúng ta trước các tác phẩm này không còn là phụng thờ thần linh, để nhờ đó đạt đến niềm vui của chân lý tuyệt vời (…) mà chỉ là những tác động bề mặt, như tẩy rửa vài vết mưa, vài hạt bụi (3). Để thế chỗ cho các yếu tố bên trong đã quy định sự hiệu dụng đạo đức của môi trường đã sinh ra các tác phẩm ấy, đã đem lại cho chúng yếu tố tinh thần, những tác động bên ngoài kia chỉ tạo nên một vỏ bọc vô định kết tụ những yếu tố chết của sự hiện hữu bề ngoài của các tác phẩm này, như ngôn ngữ, lịch sử, v.v… »  (4)

Hegel – Phénoménologie de l’esprit

(1) Phénoménologie de l’Esprit (Hiện Tượng Luận của Tinh thần) được chính Hegel xuất bản, trong khi Esthétique (Mỹ Học) được viết bởi sinh viên của ông, đặt tên và xuất bản sau khi Thày của họ qua đời.

(2) Nghệ thuật tách ly cội rễ khi không còn được sử dụng trong chức năng thực sự của nó (tế tự, chính trị, đạo đức …)

(3) Hegel nói đến nỗ lực bảo trì các tác phẩm trong bảo tàng viện hay “định chế bảo tàng” nói chung. Các nỗ lực tô điểm này nhằm vào cái “bên ngoài vô định”, để thế chỗ cho “phần trong” của các tác phẩm này.

(4) Những yếu tố như ngôn ngữ, lịch sử… được Hegel coi như “đã chết”, “bề ngoài” và “vô định”, vì chúng thuộc về quá khứ (đã chết), không ai biết được thực sự ra sao (vô định), và chỉ được “định chế bảo tàng” sử dụng như một sự trang điểm (bề ngoài), hoàn toàn cách biệt với chức năng thực sự của tác phẩm.

§§§§§§§§§§§§§§

Phân loại Nghệ thuật :

Sau khi đã duyệt qua bản khai tử nghệ thuật, chúng ta thử khám nghiệm anh bệnh nhân này xem sao ? Như thể hắn còn sống … Mà, có thực chăng là hắn đã chết ?

Hegel phân chia nghệ thuật thành ba giai đoạn, dựa trên định nghĩa “nghệ thuật như một phương thức sản sinh ý nghĩa” :

1) Trong giai đoạn Biểu tượng, thì ý nghĩa bị cất giấu. Phải biết được cấu trúc của biểu tượng thì mới hiểu được nó. Ở đây Hegel nghĩ đến nghệ thuật cổ Ai Cập và ngành Kiến Trúc. Thật vậy, khi một chiến binh của Napoleon đặt chân đến Hy Lạp năm 1798, thì anh ta nghĩ gì về các Kim Tự Tháp ? Một đống gạch đồ sộ, không cửa vào … Bí ẩn !

2) Sang giai đoạn “Cổ Điển“, được Hegel gắn liền với nghệ thuật điêu khắc cổ Hy Lạp, thì ý nghĩa được phơi bày ra ngoài bởi Hình Ảnh. Người ta không cần thâm nhập văn hóa, hiểu biết ngôn ngữ, huyền thoại, tôn giáo cổ Hy Lạp, để nhận thấy sức mạnh uy vũ thoát ra từ một bức tượng Heraklès, hay vẻ đẹp kiều diễm của một Aphrodite … Hậu thế mở rộng quan điểm này đến tất cả các dạng nghệ thuật “diễn hình” (iconique), “sản xuất” ý nghĩa bằng hình ảnh.

3) Giai đoạn thứ ba được Hegel gọi lá “Lãng Mạn“, tương ứng với nghệ thuật Thiên Chúa Giáo, được xây dựng trên Tinh Thần. Khổ nỗi, tinh thần, trong bản chất, không thể biểu thị. Vì thế, nếu người ta cho nó một dạng thể, thì chỉ là quyền biến, với mục tiêu đánh thức cái “thần khí” ẩn tàng trong mỗi người. Hậu thế gọi đây là một loại nghệ thuật “hiện định“, trong đó ý nghĩa được gợi ý, trong giây lát, tại đây và bây giờ, cho mỗi cá nhân, như với âm nhạc (chỉ có thể thưởng thức “lúc này và tại đây”), và một số thể loại hội họa.

Đi xa hơn, và để lại Hegel đàng sau, chúng ta thấy trong nghệ thuật hiện đại cái khái niệm gợi ý vừa nói, nhưng trong mục tiêu tạo phản ứng nơi công chúng. Điều cần hiểu rõ là : như ở giai đoạn biểu tượng, trong nghệ thuật hiện đại ý nghĩa lại bị cất giấu (a). Nhưng ý nghĩa ấy không còn là một ý nghĩa nhất định, trường tồn (như ý nghĩa “nấm mổ” và “cõi chết” trong trường hợp Kim Tự Tháp), mà trở thành một ý nghĩa vô định, được khơi dậy trong tâm hồn của mỗi cá nhân, tại đây, lúc này. Tức vẫn “hiện định” …

Mời đọc Hegel về đề tài này :

Để chọn một biểu tượng có tính đặc trưng cho tinh thần Ai Cập, chúng ta có thể lấy quái thú Nhân Sư. Người ta tìm thấy ở Ai Cập vô số tượng Nhân Sư (…) Đó là những con vật ngồi xổm, phần trên thân thể vươn cao (…) thường là với một cái đầu phụ nữ. Tinh thần con người cố gắng thoát ra khỏi hình dáng thô thiển và đần độn của giống thú, mà không diễn đạt nổi một cách hoàn hảo sự tự do, không biểu hiện được một hình thái đầy sinh động. Lý do vì tinh thần ấy vẫn bị hòa lẫn và kết hợp với các thành tố dị biệt với nó.

Hegel – Esthétique

§§§§§§§§§§§§§§

(đoạn này cũng không lấy từ tập Mỹ Học)

Trong nghệ thuật Ai Cập, có một cố gắng rất lớn của sự hiện hữu bên trong để có thể tự triển khai ra bên ngoài. Cái mà chúng ta nhìn thấy bên ngoài phản ảnh sự chiến đấu ấy của tinh thần (tức sự hiện hữu bên trong- NHV).

Hình dạng trong nghệ thuật Ai Cập chưa đạt được đến tự do, đến vẻ đẹp, chưa có được sự trong sáng của tinh thần. Yếu tố cảm tính, tự nhiên, chưa hoàn toàn được chuyển dạng bởi tinh thần (…) Nguyên lý của sự sống ở Ai Cập còn thiếu thốn tính trong suốt của yếu tố tự nhiên, bên ngoài, của hình ảnh (b).

Đạt đến ý thức rõ ràng về chính mình, đó là vấn đề luôn phải giải quyết. Điều chúng ta cần nhận ra, là sự đấu tranh của ý thức tinh thần, với tính cách nguyên lý bên trong, để tự giải phóng mình ra khỏi yếu tố tự nhiên.

Biểu hiện chủ yếu qua đó người ta có được một trực giác toàn diện về bản chất của cuộc chiến ấy, là hình ảnh nữ thần thành Saïs được che dấu sau một tấm màn (c). Biểu tượng của hình ảnh ấy, và của câu khắc trong điện thờ vị thần : “Ta là cái đã hiện hữu, đang hiện hữu, và sẽ hiện hữu, không ai vén lên được bức màn che dấu ta”, là : thiên nhiên chính là một hiện hữu riêng biệt, mang trong nó hai khía cạnh. Khía cạnh bên trong, bị che dấu, đối lại với khía cạnh bên ngoài, qua đó thiên nhiên hiện lên dưới một hình dạng trực tiếp. Cả hai cho thấy thiên nhiên chính là một ẩn ngữ.

Tuy nhiên, nữ thần nói tiếp qua câu khắc trong điện thờ : “Đứa con của thân thể ta là Helios” (d). Như thế, thiên nhiên, dù vẫn còn bị che dấu, đã sẵn sàng cho ra ánh sáng, sản sinh ra mặt trời, tức cái ý thức trong suốt về chính mình, thiên thể của tinh thần, như con đẻ của nó. Các tôn giáo Hy Lạp và Do Thái đã vươn lên đến sự trong sáng. Hy Lạp bằng nghệ thuật và hình ảnh tuyệt mỹ của con người. Do Thái bằng tư duy khách quan. Ẩn ngữ đã được giải đáp. Theo một huyền thoại tuyệt diệu và đầy ý nghĩa, Nhân Sư Ai Cập đã bị giết bởi một người Hy Lạp (e). Đó là nút gỡ của ẩn ngữ. Và cái mà ẩn ngữ ấy hàm chứa, chính là con người, là tinh thần tự do, biết tự thông hiểu chính mình.” (f)

Hegel – LA PHILOSOPHIE DE LA RELIGION

§§§§§§§§§§§

Kiến trúc là nghệ thuật nghèo nàn nhất trên phương diện biểu thị ý niệm. Điêu khắc giàu hơn, nhưng vẫn không bằng hội họa và âm nhạc, vì hai nghệ thuật này lan trải trên một lãnh vực rộng rãi hơn. Với những vật liệu bên ngoài càng ngày càng lý tưởng và phong phú, các ý niệm có thể được diễn đạt sẽ càng thêm phức biến, cùng với các hình dáng được sử dụng để chứa đựng chúng.

Duy có thi ca là vượt thoát khỏi sự ràng buộc của vật liệu. Thi ca là nghệ thuật phổ quát, mang khả năng tạo tác, dưới mọi hình thái, trong bất cứ đề tài nào, chỉ cần đề tài ấy thuộc về trí tưởng tượng. Lý do vì yếu tố đặc thù của thi ca là sự tưởng tượng, tức nền tảng chung của mọi hình thức nghệ thuật (…)

Hegel – Esthétique

(a) Trước một tác phẩm nghệ thuật hiện đại, nhiều người sẽ kêu lên : “thật vô nghĩa !” Nhưng nói “vô nghĩa” chính là gán cho nó một ý nghĩa, là biểu lộ một phản ứng (luôn mang ý nghĩa), tức đáp ứng một cách chính xác mục tiêu của nghệ thuật hiện đại, là : tạo phản ứng.

(b) Sự trong suốt của hình ảnh, tức yếu tố tự nhiên, bên ngoài, cho phép nhìn thấy yếu tô bên trong, là tinh thần.

(c) Các bạn có thể đọc một đoạn văn của Schiller về Nữ Thần thành Saïs (trong “Les Heures” – 1795 : https://truyen-ngan-vuon-tho.blogspot.com/2018/11/sais-friedrich-Schiller.html

(d) Helios là Thần Mặt trời, là ánh sáng

(e) Huyền thoại Oedipe

(f) Một số nhà bình luận nghĩ rằng “Thi Ca” được Hegel sử dụng theo ý nghĩa của chữ Hy Lạp Poièsis, là “sáng tạo”.

§§§§§§§§§§

Tìm đến tinh thần :

Mục đích của nghệ thuật, cũng như triết học và tôn giáo, là dẫn đến “tinh thần tuyệt đối”

Tinh thần là gì ? Là yếu tố siêu nghiệm liên kết các sự vật để cho chúng một ý nghĩa.

Khi dùng chữ tinh thần “tuyệt đối”, Hegel muốn phân biệt tinh thần ấy với tinh thần “khách quan”, gắn liền với quốc gia và luật pháp. Tinh thần tuyệt đối tự nó hiện hữu, trong khi tinh thần khách quan, như tinh thần của một quốc gia, hiện hữu nhờ vào nhiều yếu tố, đồng thời phải đấu tranh để tồn tại, và rốt cuộc cũng phải tiêu vong, như mọi sự kiện khách quan.

Chính vì tinh thần khó được nhận ra từ thiên nhiên, nên người ta mới phải tìm cách “thăng hoa” thiên nhiên bằng nghệ thuật. Như chúng ta đã nhận thấy trong phần trên (phân loại nghệ thuật), Hegel mô tả một con đường, qua ba giai đoạn, theo đó nghệ thuật dần dần tự giải thoát khỏi sự dày dặc, mờ tối của vật chất, vượt ra ngoài “hình dáng có thể cảm nghiệm”, để cắt đứt các “liên hệ với cảm giác”, và mời gọi tư duy “vượt thắng mỹ thuật”, để được “lãnh đạo bởi những nguyên tắc trừu tượng”, tức tinh thần.

Khi đạt đến mục tiêu ấy, thì nghệ thuật chu toàn sứ mạng của nó, không còn phải “đáp ứng cho nhu cầu thâm sâu của tinh thần”, và lùi vào quá khứ.

Xin mời đọc Hegel :

Tinh thần gặp nhiều khó khăn để thoát ra ngoài lớp vỏ dầy dặc của thiên nhiên. Nó dễ dàng tự biểu hiện hơn từ các tác phẩm nghệ thuật. Dù cho chúng ta có đặt nghệ thuật lên một thứ bậc cao cả cách mấy đi chăng nữa, thì cũng đừng quên là nội dung hay hình dáng được trình bày, không phải là sự thể hiện cao nhất, là phát biểu cuối cùng và tuyệt đối qua đó sự thật hiện lên trong tâm thần. Chính vì nghệ thuật buộc phải phủ trên các quan niệm của nó một hình dáng có thể cảm nghiệm, khiến cho phạm vi của nó bị hạn chế. Thật vậy, nó chỉ có thể đạt đến một trình độ nào đó của sự thật.

(…) Có một phương thức sâu sắc hơn để nắm bắt được sự thật, khi chân lý không còn liên kết với cảm giác, mà vượt trên cảm giác một cách rõ ràng đến độ cảm giác không còn có thể chứa đựng hay phát biểu được nó. Nghệ thuật Ky Tô Giáo đã diễn đạt được điều ấy, và tinh thần của thời hiện đại đã lên cao hơn cái trình độ cao nhất mà nghệ thuật có thể có được để biểu hiện sự tuyệt đối. Tư tưởng đã nhận chìm mỹ thuật.

Khi suy xét và hành động, chúng ta được lãnh đạo bởi những nguyên tắc trừu tượng và những quy luật tổng quát. Nghệ sĩ không thể tránh được ảnh hưởng của những nguồn cảm hứng ấy, không thể thoát ra ngoài thế giới của mình, và tự tạo nên một sự cô lập có khả năng cho phép mình làm sống lại nghệ thuật trong sự hồn nhiên nguyên thủy của nó.

Trong những điều kiện ấy, nghệ thuật, với định mệnh cao cả của nó, thuộc về quá khứ. Đối với chúng ta, nó đã mất đi chân lý và sự sống.

(…)

Không ai ngăn được ước mong nghệ thuật sẽ tiếp tục thăng tiến và hoàn chỉnh. Tuy nhiên, tự bản thân nó, nghệ thuật đã ngừng đáp ứng cho nhu cầu thâm sâu nhất của tinh thần. Chúng ta có thể tiếp tục rung động trước các tượng thần Hy Lạp, chiêm ngưỡng hình ảnh Thiên Chúa, Đức Ky Tô, Đức Mẹ, nhưng chúng ta không còn quỳ gối trước những hình ảnh ấy.

Hegel – ESTHÉTIQUE

§§§§§§§§§§§§§§§§§§§

Nếu thiên nhiên và những lãnh vực hữu hạn của cuộc sống vẽ lên một giai đoạn trước nghệ thuật, thì chúng cũng cho thấy một thời gian sau nghệ thuật, khi nghệ thuật không còn đủ khả năng nắm bắt và thể hiện sự tuyệt đối. Lý do vì nghệ thuật bao hàm giới hạn của chính nó. Và nó phải nhường chỗ cho những trình độ cao hơn của nhận thức. Thông thường, trong sự phát triển của mỗi dân tộc, có một lúc nghệ thuật không còn cần thiết. Giai đoạn sau nghệ thuật là lúc mà tinh thần cảm thấy phải tự thỏa mãn, phải lùi vào bên trong chính mình, giữa vùng riêng tư của tâm thức, trong ngôi đền của chân lý. Vào lúc ban đầu, nghệ thuật còn để lại một cảm tưởng huyền ảo, bí mật, một sự tiếc nuối, vì những sáng tạo nghệ thuật chưa biểu hiện nổi toàn bộ sự phong phú của nó cho trực giác. Nhưng khi tất cả nội dung ấy đã được nghệ thuật thể hiện ra, thì tinh thần, với tầm nhìn xa hơn, sẽ không còn để mắt đến loại hình dáng khách quan này nữa, và thẳng tay gạt bỏ nó, để quay vào nội tâm của mình …

Hegel – Esthétique