Press "Enter" to skip to content

Hành trình vào triết học

Hành trình vào triết học và

Sự quyến rũ của khái niệm “ị ngoài bô”

Một ông thày tâm lý trị liệu của tôi tuyên bố, giữa bữa ăn : có hai loại người, loại thứ nhất lúc bé tí luôn sợ ị không đúng chỗ và không đúng lúc, loại thứ hai, lúc bé chuyên làm việc ấy. Loại đầu, lớn lên trở thành những kẻ luôn tôn trọng lề lối, trật tự, quy tắc v.v… thừa hành tốt, chấp hành nghiêm chỉnh mọi công việc, không thừa không thiếu (đồng thời táo bón …). Loại thứ hai trở thành kẻ phá cách, sáng tạo, làm những chuyện không ai nghĩ tới, ngoài khuôn khổ, không giống ai …

Không biết tôi thuộc loại người nào, nhưng khái niệm “ị ngoài bô” dường như có một vẻ quyến rũ nào đó đối với tôi.

Lúc rất nhỏ, vì một số nguyên do, không có sách trẻ con, nên tôi chỉ đọc những tác phẩm viết cho “người lớn”. Từ đó, “người lớn”, để cười chơi, thích hỏi tôi những chuyện không thường được nghe qua cửa miệng trẻ con. Kiểu “Quan Vân Trường đánh đấm ra sao mà bị Tào Tháo vây khổn trên núi, phải ra hàng ?”, hay “Teillard de Chardin chuyển từ Noosphère lên Christosphère như thế nào ?” v.v… Trong số họ có vài giáo sư Chủng Viện. Nhờ thế, đổi lại, tôi được nghe những chuyện hài hước “thần học” như Thiên Chúa không hiện hữu, vì hiện hữu, “exister”, đến từ sistere ex, là “đến từ”, mà Thiên Chúa không thể “đến từ” bất cứ gì ! Thế là tôi khám phá ra rằng nhà Thần học có thể đùa chơi với sự hiện hữu của Thiên Chúa … Một loại “ị ngoài bô”, đồng thời cho thấy mọi con người đều chia sẻ một đặc tính : thích cười !

Vào lớp sixième, thày phụ trách bảo : chúng bay chỉ biết đọc sách hình, nay đã lớn, lên được trung học, phải đọc sách “thật” ! Vậy mỗi đứa mau vào thư viện, tìm một quyển sách “thật”, đọc và tóm tắt, xong đem nộp, chấm điểm. Tôi vào thư viện định bụng tìm sách trẻ con vớ vẩn nào đó, tóm tắt cho nhanh, dành thời giờ đi chơi. Tình cờ thấy sách nọ, bìa có hình một đứa bé ngồi trước thềm cửa. Đinh ninh đây là sách “trẻ con vớ vẩn”, bèn hí hửng vác về. Chẳng may, đó là tiểu thuyết “La Condition Humaine” của André Malraux ! Sách này khơi dậy trong tôi lòng ngưỡng mộ vô biên trước một nhân vật Cộng Sản, cùng các đồng chí ngồi chờ bị vứt vào lò lửa, từng người một. Bên cạnh anh, là một thanh niên kinh hoàng tột bực, đến độ mất tự chủ … Là một cán bộ cao cấp, anh có một viên cyanure để tự sát khi cần. Anh thương hại lấy viên độc dược duy nhất tặng cho người đống chí trẻ … Ý tưởng có thể có người Cộng Sản “tốt”, anh hùng, phá tan những giá trị của môi trường quanh tôi ! Sau được biết thêm Malraux là một bộ trưởng sáng giá của Tướng de Gaulle. Và de Gaulle, hữu phái chống Cộng, lại cũng là Tổng Thống Tây Phương đầu tiên công nhận chính thể Cộng Sản Trung Hoa, tháng giêng năm 1964. “Ị ngoài bô” …

Học trình Trung Học tiếp diễn, với nhiều thú vị, như khi nghe thày Trần Trọng Sanh bình giảng ca dao “Thằng Bờm”, hay trước tác phong trào phúng vui nhộn của Thày Bùi Quang Nga (từng là dân biểu quốc hội), dạy chúng tôi “xổ” thật nhanh những câu chữ nho dài, để không ai hiểu kịp ! Thày Nga không ngần ngại leo lên bàn, đứng “thuyết pháp”, 20 năm trước Robin Williams trong Dead Poets Society …

Đến năm seconde, thì những giai thoại có thể chỉ gợi lên chút hiếu kỳ, mới đưa tôi đến gần triết học một cách nghiêm túc, nhờ thày Huỳnh Kim Sang.

Khi giảng về Rabelais (1494-1553), một bác sĩ, Linh Mục, với các truyện “Gargantua” và “Pantagruel”, Thày Sang vừa vạch rõ những nét trào phúng, có khi rất tục, cười rơi xuống ghế, vừa giúp nhận ra cái triết lý được ẩn tàng dưới sự trào lộng của văn phong “ăn tục nói phét”.

Rồi đến Montaigne (1533-1592), triết gia đài các, luôn cẩn trọng, nhưng không tránh khỏi cám giỗ cài vào trường tư tưởng vài quả bom cực kỳ tàn phá … Khi ông nói “Chúng ta hoàn toàn không có một tương thông nào với hiện hữu” (Essais II), thì người ta không còn biết được rằng cái kiến thức tự phủ định chính mình như thế, có còn là kiến thức hay không ? Lévy Strauss cho rằng những người kế thừa Montaigne, như Descartes và Pascal, đã hãi hùng trước suy nghĩ của ông, đến nỗi tự gán cho họ cái sứ mạng phải khám phá ra con đường để lẩn tránh tư tưởng này (Histoire de Lynx).

Tuy nhiên, giữa muôn điều có thể nhận xét về Montaigne, Thày Sang lại đặc biệt chỉ cho chúng tôi đoạn dẫn nhập sách Essais, trong đó Montaigne mở đầu tác phẩm duy nhất của đời mình bằng việc kêu gọi đọc giả nên khép sách, đừng thèm đọc tiếp những dòng chữ chỉ biết nói về chính ông !

“Vậy, bạn đọc mến, bản thân tôi chính là đề tài của sách này : bạn không có lý do gì để phí thời gian nhàn rỗi cho một câu chuyện vớ vẩn và vô nghĩa như thế. Thôi, từ giã nhé, xin nhận lời chào của Montaigne, hôm nay, ngày một tháng ba, năm 1580”.

Năm Terminale, thực sự học triết, thì tôi được nghe Thày Camille, dòng La San, tốt nghiệp Sorbonne, thuyết về “Sự Ác từ đâu ra ?” : nếu do Chúa làm ra, thì Chúa không toàn thiện, nếu không phải Chúa làm ra, thì phải chăng có những hiện hữu không cần được Chúa tạo nên, và Chúa không phải là đấng sáng tạo một sự ? Một tu sĩ có thể nói thế về Thiên Chúa ? Triết học trở thành một võ đài không nhân nhượng …

Đậu xong tú tài tôi được gửi vào nhà khổ tu Châu Sơn một thời gian ngắn, giao cho cha Giu Se Liêm dạy dỗ, trước khi đi du học. Cha Liêm là người có học vị rất cao, từ Đức và Áo quốc. Mỗi ngày tôi được nói chuyện với cha một giờ, về bất cứ gì, nhưng sau đó thì không được dây dưa bàn tiếp. Đề tài tôi đặt ra với cha là : tại sao Đức Ky Tô lại phải là Thiên Chúa, trong khi đã sẵn có Thiên Chúa ? Chúng tôi bàn luận nhiều giờ, không nhân nhượng, và chia tay với một thỏa hiệp mà chắc chắn không một tu sĩ Công Giáo nào có thể chấp nhận …

Sang Pháp, tôi gặp cụ Trần Văn Ân, một chính khách chống cộng, cựu bộ trưởng từ thời Tướng Nguyễn Văn Xuân, nhưng lại thường khoe : bác thành lập hội Marxiste, số 10 rue Tortre ở Marseille, từ thập niên 20 ! Khi ra tù, làm bộ trưởng dưới chính quyền chống Cộng miền Nam những năm 60-70, thì đổng lý văn phòng của cụ là người Cộng Sản đệ tứ ! Hàng năm, tôi cũng được chứng kiến cụ cúng giỗ các bạn Cộng Sản như Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch … Lúc lưu vong ở Pháp sau 1975, cụ cũng gặp gỡ hội họp với các nhân vật đệ tứ. Nhờ đó tôi được hân hạnh quen biết và trao đổi suốt nhiều năm dài với các vị này, đặc biệt là cụ Hoàng Khoa Khôi.

Cụ Ân say mê triết học, nhưng chủ trương đọc ít biết nhiều, đi thẳng vào vấn đề một cách vắn tắt nhất có thể, bỏ qua những “cu cu chằng chằng, mẹ rằng đi chợ”. Cụ đánh dấu những trang sách cần đọc, và làm hồ sơ tóm tắt từng tác giả, từng đề tài, giúp tôi đỡ mất thời giờ …

Qua cụ Ân tôi cũng được quen Phan Tấn Phùng, bạn thâm giao, và qua bạn Phùng được tiếp cận Trần Đức Thảo, có lẽ là triết gia duy nhất của nước Đại Cồ Việt 4 ngàn năm văn hiến, đến sống những ngày cuối đời ở Paris. Tôi hân hạnh dịch ra Việt ngữ chúc thư triết học của ông, là tài liệu “Logique du Présent Vivant” …

Trên võ đài tranh giải “ị ngoài bô”, đương nhiên là tôi quan tâm nhiều đến Nietzsche. Khái niệm “luôn mãi trở về” của ông, tôi không hiểu, và chỉ được đả thông khi đọc giáo trình Triết của con gái, dạy bởi một giáo sư lỗi lạc xuất thân Normale Sup phố Ulm. Tôi khám phá ra rằng giáo trình ấy cũng gồm những hồ sơ chuyên đề như cụ Ân vẫn làm cho tôi …

Một đề tài tôi rất thích là các giai thoại Thiền Tông, như chuyện “Càn thỉ quyết”, gọi Phật là “que cứt khô” (Vân Môn), chuyện Đạt Ma mắng “bọn trọc đầu đem Phật lạy Phật” và “cứ tưởng ngồi thở phì phò sẽ thành Phật” (Bồ Đề Đạt Ma quán tâm pháp) … hay Lâm Tế viếng lăng tổ Đạt Ma, nghe hỏi “đại sư vào lễ Phật hay lễ tổ trước ?”, trả lời : “tao chẳng lễ đứa nào cả !”

Tựu trung, Đông cũng như Tây, toàn ị ngoài bô vậy …

Nguyễn Hoài Vân

13/10/2021