MỘT NHÀ TRIẾT HỌC THẦM LẶNG ĐÃ RA ĐI
Giáo Sư VŨ KIM CHÍNH, PhD, ThD (1948-2023)
Trần Văn Đoàn
Academia Catholica, Đài Loan (Trung Quốc) &
Học Viện Công Giáo Việt Nam, Việt Nam
Giữa bữa tiệc cưới của Chu Minh Quyền, một cựu sinh viên của tôi tại Đh Quốc gia Đài Loan và hiện là Phó Giáo sư tại Khoa Triết Học, Đh Phụ Nhân (14.10.2023, Đài Bắc), Gs Lê Kiến Cầu, nguyên Hiệu trưởng Đh Phụ Nhân, đồng nghiệp của Gs Vũ Kim Chính, bất ngờ đến ôm vai tôi với bộ mặt u sầu. Ông đưa cho tôi xem tin nhắn của một cựu sinh viên trên I-fone: “Giáo sư Vũ Kim Chính vừa qua đời tại Việt Nam”.
Bất ngờ! Tim nhói lên! Miệng đắng chát! Không ai nói, chúng tôi nắm chặt tay nhau. Một mất mát quá lớn cho bất cứ ai quen biết Gs Chính, nhất là đối với tôi. Ôi, đúng là số mệnh! Gs Chính, người bạn cuối cùng trong những đồng nghiệp thân thiết nhất ở nước ngoài cũng đã ra đi, sau Gs Vincent Shen (Thẩm Thanh Tòng, 1949-2018, Đh Toronto) và Gs George Francis McLean (1931-2016, Đh Catholic University of America). Gs Chính cũng là nhân vật quan trọng của nhóm Nghiên Cứu Việt Triết đã bỏ cuộc, sau những Gs (Lương) Kim Định, Vũ Đình Trác, Trần Văn Toàn và linh mục Trần Cao Tường. Sứ mệnh đem tư tưởng nhân bản vào trong lòng thế giới, đặc biệt Trung quốc và Đông Nam Á, cộng với giấc mộng truy tìm triết học Việt mà chúng tôi từng đeo đuổi trong mấy chục năm trở lên mù mịt hơn bao giờ hết. Có còn được mấy ai như những triết gia sẵn sàng hy sinh thời gian quý hiếm, sống tiện tặn, đơn giản nhưng luôn mở rộng đôi tay để làm những chuyện “vô tích sự” trợ giúp chương trình giới thiệu sứ điệp nhân bản cho giới triết học Đông Nam Á, đặc biệt Việt Nam, mà tôi đưa ra?
Tôi bỏ bữa tiệc cưới ra về, đầu óc ngược dòng nhớ lại 62 năm quen Gs Chính, từ năm 1961 đến 2023. Bữa cơm trưa trong khuôn viên Học Viện Benjamin tháng hai 2023 là “bữa tiệc ly” không ngờ. Cả đêm trằn trọc nhớ bạn, hồi tưởng về những năm chung sống dưới mái trường Simon Hòa ở Đà Lạt, rồi Học viện Canisianum, thời làm Tiến sỹ tại Đh Leopold Franzens Innsbruck của Áo quốc. Rồi những năm sát cánh giảng dậy tại Đài Loan, những buổi hội thảo quốc tế (Taipei, Nagasaki, Boston, Washington DC, Vienna, Roma…), những buổi chia sẻ thao thức về việc xây dựng triết học Việt với triết gia (Lương) Kim Định và tiến sỹ Vũ Đình Trác, cũng như trao đổi với Gs Phan Đình Cho, Gs Nguyễn Thái Hợp, Gs Như Hạnh Nguyễn Tự Cường, Gs Bùi Hữu Thư, và đồng nghiệp tại Viện Triết Đạo trong Khuôn viên Catholic University of America (Washington DC).
Ngược dòng thời gian –
Chàng Sinh Viên Kiên Trì, Mạo Hiểm và Không Sợ Thất Bại
Vũ Kim Chính là một học sinh “văn võ song toàn” thời trung học. Ngay từ bé, anh đã nổi tiếng can đảm, ưa mạo hiểm, giỏi thể thao và thích suy tư. Anh được đặc tuyển đi Áo vào mùa hè 1969. Du học triết học, thần học vùng nói tiếng Đức ư? Một phiêu lưu và thách đố cho bất cứ ai học qua triết học Tây phương, đặc biệt cho người Việt. Tiếng Đức vốn nổi tiếng là “khó nhằn”, và triết học thật “khó tiêu”. Thế mà, Chính, chưa từng biết một chữ tiếng Đức ở Việt Nam, lại có thể thành công tốt đẹp trong thời gian tương đối ngắn, với hai bằng Thạc sỹ (viết hai luận văn, một về triết học, 1975, một về thần học, 1976), và bằng Tiến sỹ Triết học (1979). Luận văn Tiến sỹ Von Transzendentaler Geltung zur Intersubjektivitaet tại Đh Innsbruck dưới sự hướng dẫn của Gs Otto Muck, một nhà toán học và triết gia nổi tiếng của Áo (06.1979), được đánh giá cao, ít thấy nơi người ngoại quốc.
Là người thích nghiên cứu, vị tân Tiến sỹ muốn biết thêm về triết lý Đông phương, nên năm 1980 ông qua Đài Loan, học tiếng Tầu, và nghiên cứu. Năm 1989, ông hoàn tất luận án Tiến sỹ Thần học viết bằng tiếng Tầu 解放神學——時代脈絡的詮釋 tại Đh Phụ Nhân. Thêm một kỷ lục, là người Việt hiếm hoi đậu tiến sỹ tại hai nước Âu Á và bằng hai ngôn ngữ khác nhau, đều vào loại khó nhất. Trước đó, ông đã được mời thỉnh giảng, mở một lớp học (Adjunct Assistant Professor) tại Khoa Triết Học (1987-1991), Đh Phụ Nhân. Năm 1991 Đh Phụ Nhân chính thức bổ nhiệm vào biên chế thực thụ (tenure) chức Phó Giáo sư, Khoa Tôn Giáo. Rất nhanh, Ts Chính được Bộ Giáo Dục Trung Hoa Dân Quốc phong hàm Phó Giáo sư (Associate Professor, 1991).[1] Năm 2001, với trên 50 công bố khoa học và hai tập chuyên khảo về Rahner… Phó Giáo sư Chính được Đh Phụ Nhân vinh thăng chức Giáo sư, và được Bộ Giáo Dục phong hàm Giáo sư (Full Professor, 2001), cấp giáo sư cao nhất tại Đh Phụ Nhân.[2] Gs Chính trở thành trụ cột của Khoa Tôn Giáo. Cần nói thêm, Khoa Tôn Giáo Phụ Nhân là khoa tôn giáo đầu tiên tại Đài, cũng là khoa nổi tiếng nhất về tôn giáo trong các đại học ở Đài và Trung Quốc, trong khi Đh Phụ Nhân là đại học Công giáo (Catholic University) và Giáo đại học hoàng (Pontifical University) được THE và QS xếp hạng rất cao ở Á châu, cũng như trong tốp 500-600 trên thế giới.
Nhà Triết Học Thầm Lặng và Nhà Thần Học Mẫu Mực
Không ít triết gia “đao to búa lớn”, kiểu như Socrates, Hegel, Marx, Nietzsche. Họ không phải là “thùng rỗng kêu to”, bởi vì họ là triết gia thực, và họ có “quyền” kêu to, thậm chí “hét ra lửa” như Nietzsche. Nhưng triết gia Chính, ngược lại, rất im ắng, tuy vẫn có nhiều công bố khoa học hàng năm. Chính ít tham dự những hội nghị ồn ào. Vì thầm lặng mà giới triết học Việt ít người biết ông. Thực ra, tôi rất mong có được những đại trí như Gs Chính bên cạnh. Ba học giả Việt quốc tế mà tôi đặc biệt đề nghị Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam, Đh Quốc Gia Hà Nội, Đh Quốc Gia Tph HCM… mời thuyết trình, tham dự hội thảo, và dậy học (thỉnh giảng), đó là Gs Chính (Trung Hoa), Gs Phan Đình Cho (Mỹ), và Gs Trần Văn Toàn (Pháp). Viện Triết Học mời, Khoa Triết Học Đh QG Hà Nội mời, Viện Tôn Giáo khẩn khoản mời, nhưng đều bị Gs Chính từ khước. Nhưng Gs Chính không từ chối những gì có lợi cho sự phát triển giáo dục triết học nhân bản cho đất nước và Á châu. Chính tham dự khá nhiều hội thảo (do tôi tổ chức hay phối hợp) tại Nagasaki (AACP), Taipei (AACP), Seoul (AACP), Washington DC (Triết Đạo, 1998-2001 mỗi năm), Vienna, Roma và Boston (Đại hội Triết học Thế giới, 1998). Cùng với triết gia Kim Định, Ts Vũ Đình Trác, Gs Chính là người đầu tiên hưởng ứng chương trình nghiên cứu triết Việt tôi đưa ra (1987). Trong những hội nghị này, tôi luôn luôn yêu cầu ban Tổ chức dành một buối họp (section hay panel hay round-table) bàn về tư tưởng Việt, và Gs Chính luôn có những luận văn sâu sắc, khiến tham dự viên chú ý và tranh luận.
Là một nhà nghiên cứu, học giả, Gs Chính đã công bố trên 80 luận văn học thuật ba tập chuyên khảo, chủ yếu viết bằng tiếng Tầu, tiếng Anh, tiếng Đức và tiếng Việt. Xin xem nơi đây: https://theology.catholic.org.tw/bs/professor/p0002.html
Gs Chính cũng từng cộng tác với một số tu sỹ Việt tại Đài (như lm Trương Văn Phúc, v.v.) dịch tập sách Đường Hy Vọng của Á Thánh Phanxicô Nguyễn Văn Thuận sang tiếng Tầu (Nxb Quang Khải, Đài Bắc) và biên tập Tự Điển Thần Học Tín Lý Anh Việt (Đài Bắc: Nxb Quang Khải, 1996), cũng như với nhóm giáo sư Khoa Tôn giáo biên soạn hay tham dự vào ba tập sách (tiếng Trung) về Khoa Học Tôn Giáo Nhập Môn. Không phải là một nhà hùng biện, nhưng Gs Chinh lại là một học giả cặm cụi với chữ nghĩa và suy tư. Với trên 80 luận văn và gần 7 tập sách (2 biên soạn), và viết bằng tiếng Trung, Đức, Anh cũng như Việt ngữ, phải nói Gs Chính là mẫu mực của một học giả quốc tế.
Tư Tưởng Chính của Vũ Kim Chính
Tư tưởng của Gs Chính có thể thấy rõ trong quá trình nghiên cứu. Tôi chọn 4 tập sách quan trọng, bắt đầu với luận án Tiến sỹ (tiếng Đức, 1979), qua hai tập sách (tiếng Trung) và kết thúc với tập sách (tiếng Việt, 2017) của Gs Chính, và từ trong đó chúng ta có thể nhìn ra triết học và thần học của ông:
– Von Transzendentaler Geltung zur Intersubjektivitaet (Innsbruck, 6. 1979. Bản tóm lược trong Zeitschrift fuer Theologie und Philosophie, 1979). Đây là luận văn Tiến sỹ bàn về phạm vi tiên nghiệm (Transzendentalitaet) của tính liên chủ thể (Inter-subjektivitaet) cũng như những vấn nạn của nó trong liên kết và tổ chức xã hội mà Alfred Schutz, Peter Berger và Thomas Luckmann phát hiện và tìm lối thoát. Theo tác giả luận văn, ảnh hưởng mang tính tiên nghiệm trên mối liên hệ, nhận thức trong các chủ thể tạo thành cái mà chúng ta gọi là liên chủ thể luôn gắn với cấu trúc xã hội, đây là một điều mà Husserl không chú ý khi ông chủ trương một loại “giản lược đến tận cốt lõi của cái tôi suy tư (eidetic Reduktion) nhưng lại không thoát ra khỏi cái epoche tự đặt ra. Luận văn này tiếp nối luận văn Thạc sỹ về ý niệm “Transzendental” mà Husserl phát triển từ Kant.
–人與神會晤:拉內的神學人觀 (Nhân dữ Thần Hội Ngộ: La Nội đích Thần Học Nhân Quan), Đài Bắc: Nxb Quang Khải, 2000. Tập sách Hội Ngộ giữa Thần Thánh và Con Người: Nền Thần Học theo Quand Điểm Con Người của Rahner này (và trên 50 công bố khoa học khác) giúp Ts Vũ Kim Chính được Đh Phụ Nhân và sau đó Bộ Giáo Dục Đài Loan phong chức Giáo sư (Full Professor). Trong tập sách này, Gs Chính bàn về một nền thần học con người (anthropological theology) mà Karl Rahner, nhà thần học được đánh giá là ảnh hưởng nhất vào thế kỷ 20 chủ trương. Là học trò của Rahner tại Đh Innsbruck (1974-1976), Gs Chính dĩ nhiên quen thuộc dòng suy tư của nhà thần học nổi tiếng khó hiểu này. Ông tìm hiểu Rahner từ truyền thống của Kant qua Heidegger, một truyền thống coi triết học là một nền nhân học (Anthropologie, theo Kant), và lấy phương pháp tiên nghiệm —transcendental method của Kant, mà theo Otto Muck, một thầy dậy khác của Gs Chính, cho là phương pháp chính của trường phái Tân Kinh Viện như Rahner, Lonergan, Coreth, Muck, v.v.– như là phương pháp hiểu biết và hội thông. Từ căn bản này, Chính thông diễn những quan điểm của Rahner về thần bí, hội thông, bản vị hóa, v.v. như là bước đi quan trọng trong quá trình xây dựng triết học và thần học Việt Nam.
– 解放神學——時代脈絡的詮釋 (Giải Phóng Thần Học – Thời Đại Mạch Lạc đích Thuyên Thích/Thần học Giải phóng – Thông Diễn từ Nguồn Mạch Thời Đại), Đài Bắc: Nxb Quang Khải, 2009.
Tập sách này tuy xuất bản muộn hơn, nhưng thực ra viết rất sớm. Nội dung chính được viết và sửa đổi lại từ luận văn Tiến sỹ Thần học năm 1989 của Ts Chính. Trọng điểm của tập sách không phải là tranh luận về thần học giải phóng, mà đưa ra một quan điểm, cho rằng, “giải phóng” chỉ có thể hiểu trong nguồn mạch của thời đại và điều kiện xã hội (dân tộc). Mạch lạc tiếng Hán có nghĩa là nguồn mạch (context), khác hẳn nghĩa theo Hán Việt là “rõ ràng, minh bạch” (clear and distinct, quan niệm của Descartes).
-Thần Học Bản Vị Hóa Và Những Vấn Đề Liên Quan (Học Viện Thánh Giuse Dòng Tên, Lưu hành Nội bộ, 2018).
Trong tập sách này, chúng ta thấy lối nhìn của Gs Chính về một nền thần học, triết học Việt. Là tập hợp các công bố trong gần ba thập niên trên các Tập san như Thời Điểm (Mỹ), Định Hướng (Pháp), Dân Chúa Âu Châu (Đức), Triết Đạo (Mỹ)… tập sách chủ trương nền thần học hay triết học Việt hình thành theo phương cách bản vị hóa. Phương pháp thông diễn giúp ta hiểu rằng, bản vị hóa không chỉ đơn thuần là inculturation (đi vào, hội nhập văn hóa) hay acculturation (đến gần, tiếp cận văn hóa) mà đi sâu vào trong và biến thành một phần cơ thể, theo nghĩa incarnatio (biến thành xương, thịt). Mầu nhiệm Thiên Chúa nhập thể biến thành người, Et in carnatum est, bắt đầu với nhập thế. Nhưng nhập thế không phải là “nhập gia tùy tục” mà biến đổi mỗi người (personification) và thế giới đương sống (Lebenswelt) của mình tiến gần tới hình ảnh toàn mỹ, toàn thiện của Thiên Chúa (imago Dei) hơn. Bản vị hóa của nhà thần học Vũ Kim Chính phải được hiểu trong nghĩa này: trong con người Kitô hữu Việt có bản chất Việt, và trong con người Việt có bản chất Kitô. Tuy bản vị hóa chỉ được bàn kỹ hơn ở chương 4, nhưng các vấn đề liên quan đến văn hóa, tôn giáo, đời sống đức tin, và giáo hội hiện nay như đạo thờ kính tổ tiên chỉ có thể hiểu và được hòa hợp với đức tin Kitô nếu được thông diễn theo lối nhìn bản vị hóa.
Vinh Danh: Hội thảo về Gs Vũ Kim Chính (06.2013)
Tuy khiêm nhượng và thầm lặng, Gs Chính lại được nghiên cứu sinh và đồng nghiệp rất trân trọng. Ông nổi tiếng ở Phụ Nhân như là nhà tư tưởng sâu sắc và nghiên cứu mẫu mực. Ông được vinh danh là giáo sư xuất sắc của Đại học, và được giải thưởng khoa học của Bộ Khoa Học Đài Loan. Nhưng cái vinh dự lớn nhất đến với ông vào dịp về hưu năm 65 tuổi. Gs Chính là một trong số rất ít giáo sư được đồng nghiệp và sinh viên vinh danh với một cuộc hội thảo học thuật (06. 2013). Điều phải nói, một hội thảo vinh danh giáo sư rất họa hoằn tại Đài Loan (và các nước Âu Mỹ, như tôi biết). Đó là vinh dự mà giới học giả ai cũng “ham muốn” nhưng không nói ra. Tôi được vinh hạnh là người đối thoại với Gs Chính trong một section kết thúc hội thảo. Mãi mãi không quên.[3] Ngay sau khi về hưu, Gs Chính được Đh Phụ Nhân khẩn khoản mời tiếp tục giảng dậy suốt đời (trong chức vụ thỉnh giảng, Adjunct Professor), điều mà ông không từ chối mặc cho con bệnh Parkinson quái ác hành hạ.[4]
Người Ta Sẽ Nhắc Đến Tên Vũ Kim Chính
Trong khi viết những dòng này, tôi nghe các bản hòa tấu Requiem (Cầu hồn Khúc) của nhiều đại nhạc sĩ, đặc biệt Mozart, Brahms và Fauré, một cách cầu nguyện cho người bạn (mà tôi biết là có lẽ không cần tới lời cầu nguyện của tôi, vì anh sống rất thánh thiện, bác ái, mẫu mực). Khi nghe Ein deutsches Requiem (Cầu hồn Khúc Đức ngữ) bi tráng thấu tâm can của Brahms, tôi cảm giác như là Chính đang an ủi tôi: chúng ta đã sống, đã cố gắng là được. Thành công hay thất bại không còn quan trọng, vì “mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên”, cái đạo lý muôn thuở. Hãy phó thác cho Thượng đế “In manu tuas Domine, commendo spiritum meum” (Lạy Trời, con xin phó thác tâm linh con vào trong tay Ngài). Tôi bây giờ hiểu được lí do nhà triết gia họ Vũ chọn lựa vâng theo sứ mệnh mà Trời trao phó, không kêu ca, không hối hận.
Bỗng nhiên, tôi nhớ về một buổi hòa tấu khúc Magnificat (Ngợi Ca Chúa) của J.S. Bach mà hai anh em cùng nghe vào tháng 2, 1980 tại Đại Thánh đường St. Stephan ở thành phố Viên (Vienna), trong cái lạnh giá của mùa Đông nước Áo. Đây là thời điểm tôi quyết định phiêu lưu đi tìm giấc mơ giáo sư nơi nào đó, một giấc mơ mà tôi biết không dễ hiện thực hóa được tại Áo, Đức vào thập niên 1970s, nơi mà người ngoại quốc da mầu đừng mơ được bổ nhiệm là giáo sư triết học. Từ bỏ cái ghế giảng viên bấp bênh, chia tay người quen, mạo hiểm làm lại từ số không với hai bàn tay trắng, tôi trở lại Á châu. Đó cũng là thời điểm Ts Chính quyết định chọn Đài Loan như là bàn đạp trở lại Việt Nam. Chúng tôi đã “xin vâng” theo tiếng gọi của con tim Việt. Nếu câu “xin vâng” (fiat) của người trinh nữ vâng theo mệnh lệnh của Trời đã thay đổi cả một lịch sử nhân loại, thì câu “xin vâng” đã khiến Gs Chính thành công, làm lên tên tuổi, và hiện thực hóa giấc mơ “làm cái gì cho Việt Nam, làm cái gì cho Giáo hội” của ông. Gs Chính sẽ được nhớ đến như là người có phúc (Ecce enim ex hoc beatam me dicent omnes generationes), cái phúc được vinh danh là một triết gia của Việt Nam, một nhà thần học của Giáo hội Công giáo nước Việt.[5]
Trần Văn Đoàn
Tại “Đào Nhiên Cư”, Tháng 10.2023
- Tại Đài Loan, học hàm do Bộ Giáo Dục phong. Quá trình rất ngặt nghèo, phức tạp qua thẩm định nghiên cứu, giảng dạy, và phục vụ của ứng viên, từ Khoa (Department), tới Viện (College), tới Đại học (University) rồi sau cùng tới Bộ Giáo Dục. Mỗi đơn vị đều có một Hội đồng chuyên gia (nặc danh) duyệt xét. Quá trình có thể từ 3 tháng (họa hiếm) tới nhiều năm. Bình thường từ 8 tháng tới 2 năm. ↑
- Giống như Mỹ, học hàm Đài Loan gồm: Giảng viên (Instructor), Giảng sư (Lector), Giáo sư Trợ lý (Assistant Professor), Phó Giáo sư (Associate Professor) và Giáo sư (Professor, hay Full Professor). Trong cấp bậc Giáo sư (Full Professor) có thể có thêm danh: Giáo sư Giảng tòa (Chair Professor), người có quyền hành, uy tín lớn nhất (cả đại học có rất ít Giảng tòa), Giáo sư Đặc cách (Dístinguished Professor), người có công cho đại học, hay nghiên cứu nổi tiếng, Giáo sư Nghiên cứu (Research Professor), chuyên nghiên cứu không dậy học. Nhưng những loại giáo sư nổi tiếng này thường tập trung nơi các đại học lớn và nổi tiếng. Các đại học nhỏ, họa hiếm có Giảng tòa. Không hoàn toàn theo chế độ tenure (vào biên ngạch chung thân), Đài Loan bổ nhiệm ban giảng huấn theo hợp đồng mỗi năm, hay hai năm tuy rằng đó chỉ là hình thức. Thực ra nếu được bổ nhiệm chuyên nhiệm (full-time), sẽ được đảm bảo tới tuổi về hưu (65). Kiêm nhiệm (part-time), hay thỉnh giảng (visitingship), hay tạm thời (short term contract) được bổ nhiệm tùy theo sự đòi hỏi của Khoa, tương ứng với “thỉnh giảng” ở Việt Nam, hay “adjunct” ở Mỹ. Các đại học nhỏ, tư thục thường ít giáo chức chuyên nhiệm và nhiều kiêm nhiệm hơn. ↑
- Buổi hội thảo khoa học (06.2013) do Khoa Tôn Giáo, Đh Phụ Nhân tổ chức, với quãng 100 người tham dự. Có trên 20 tham luận, và một Section đặc biệt: Đối thoại giữa Gs Vũ Kim Chính và Học giả và Cựu Sinh viên. Một vinh dự chỉ dành cho những giáo sư đặc biệt nổi tiếng được đồng nghiệp và sinh viên yêu quý. ↑
- Khác với Mỹ, tuổi quy định về hưu cho tất cả mọi người ở Đài Loan là 65. Nhưng qui định nới lỏng cho những giáo sư đặc biệt xuất sắc. Họ có thể được mời dậy tại các đại học khác (cho tới một độ tuổi nào đó). Họ cũng có thể được mời tiếp tục dậy trong tư cách giáo sư danh dự (Emeritus), hay giáo sư thỉnh giảng (Adjunct Professor) tại đại học cũ. ↑
- Một bất ngờ, sau lễ truy niệm Gs Vũ Kim Chính tại Đh Phụ Nhân (30.10.2023), một nghiên cứu sinh đến gặp tôi, bàn về dự định viết luận án tiến sỹ về quan niệm “bản vị hóa” của Gs Vũ Kim Chính. Tôi chắc, sẽ còn nhiều luận văn tiến sỹ, thạc sỹ nghiên cứu về tư tưởng của Giáo sư họ Vũ trong tương lai. ↑