Press "Enter" to skip to content

THẦN KHÍ hay ÁM KHÍ

THẦN KHÍ hay ÁM KHÍ

TRIẾT HỌC TÔN GIÁO SAU HEGEL

Trần Văn Đoàn

Academia Catholica, Đh Phụ Nhân (Đài Loan) &

Học Viện Công Giáo Việt Nam (Việt Nam)

Bản văn sau đây viết lại từ bài thuyết trình “Spirit or Ghost – Philosophy of Religion after Hegel” cho Hội nghị Quốc tế về Tôn Giáo Dân Gian do Trung Tâm Tôn Giáo Đương Đại tổ chức (với sự hỗ trợ của Missio, Đức) tại Đh Khoa Học Xã Hội Nhân Văn thuộc Đh Quốc Gia Hà Nội, 12. 2022. Tác giả đặc biệt cảm ơn PGs Nguyễn Quang Hưng, Giám đốc Trung Tâm, đã ưu ái mời tham dự. Một số lập luận và trích dẫn trong bài này dựa theo Karl Löwith trong tập sách Von Hegel zu Nietzsche: Der revolutionäre Bruch im Denken des 19. Jahrhunderts (1941), một tác phẩm kinh điển về triết học Đức vào thế kỷ 19. Để giúp bạn đọc xa lạ với tiếng Đức, trích dẫn trong bài dựa theo bản tiếng Anh: From Hegel to Nietzsche: The Revolution in Nineteenth-Century Thought (New York-Chicago-San Francisco: Holt, Rinehart and Winston, 1964).

  1. Bóng Ma Hegel

Tác phẩm Hiện tượng học về Tinh thần (Phänomenologie des Geistes, sau đây viết tắt PdG) được vội vã hoàn tất năm 1806 và xuất bản 1807.[1] Mặc dù được Johannes F. Fichte ca tụng như một tác phẩm sâu sắc,[2] PdG bị rơi vào quên lãng gần cả chục năm. Mãi tới thời gian Hegel kế tiếp Fichte giữ ghế triết học tại Đại học Berlin (1818-1831), tác phẩm này lại được nhắc đến, nhưng không tạo ra được ảnh hưởng gì ồn ào đáng nói ngoài sự nổi tiếng vì ngôn ngữ tù mù, luận chứng khó hiểu. Nhưng đối với những ai đi sâu vào PdG, cho là đồ đệ hay đồng nghiệp, thậm chí đối thủ của ông, đều không thoát khỏi cái bóng ma đàng sau nó: mỗi người tiếp nhận, khước bỏ hay sử dụng tác phẩm này theo lăng kính triết học và mục đích riêng của mình. Mỗi người đều hiểu rằng, chống hay theo Hegel thì triết học, thần học và lịch sử quan của họ vẫn khó thoát khỏi những ý tưởng chính trong PdG. Đi theo Hegel, họ là những đứa con, hoặc ngỗ nghịch hoang đàng chống lại thầy, hoặc là một loại mọt sách ngoan ngoãn bảo hoàng hơn vua, lấy tư tưởng của thầy làm ý thức hệ Đức (deutsche Ideologie). Giới “Hegel tả phái” (phái trẻ, the young Hegelians) phát triển tư tưởng Hegel một cách cực đoan, đưa ra những lí thuyết vô thần, duy vật, vô chính phủ… làm giới lãnh đạo lo âu. Giới “Hegel hữu phái”, còn được gọi là “phái già” (the old Hegelians) bảo hoàng hơn vua, coi triết học của ông là cao điểm của nước Phổ, trợ giúp thần học Kitô giáo phát triển. Dĩ nhiên, cũng có “phái học giả”, chuyên sưu tầm, công bố và rao giảng tác phẩm của Hegel trong hệ thống hàn lâm, coi ông như là tinh thần Đức sau Kant. Trong luận văn này, tôi tập trung vào phái tả, những người phát triển triết học và tôn giáo Hegel đến độ cực đoan (radical), ngược hẳn lại ý của ông thầy mình.[3]

Dù theo phái nào đi nữa, triết học sau Hegel đều bị cái bóng của ông ám ảnh sâu đậm.[4] Nhìn một cách phiến diện, triết học Đức sau Hegel xem ra gắn liền với tên ông, và PdG vẫn là cội hứng cho nhiều nền triết học mới, một thế hệ mới, với đầy những nghịch lý. Ảnh hưởng Hegel nổi lên ngay khi ông tiếp nối Fichte ngồi vào ghế triết học tại Đh Berlin, mới được thành lập không lâu (1810-12). PdG được nhắc đến, nhưng gây tranh cãi nhiều hơn là được nghiêm túc nghiên cứu.

Người khai mào tấn công vào Hegel, Arthur Schopenhauer (1788-1860), là một ví dụ cho cái nghịch lí muốn hạ bệ Hegel bằng lối nghĩ mang đậm chất Hegel. Là một người tự cao tự đại, có đủ năng lực, tương đối giàu có không lệ thuộc vào nghề dậy học, lại có quan hệ trong giới quý tộc, Schopenhauer nghênh ngang thách đố Hegel, người đang ngự trị cái ngai (Lehrstuhle) triết học Phổ. Schopenhauer không chỉ mở lớp cùng giờ, cùng ngày, bên cạnh đại giảng đường Hegel dạy, ông còn xuất bản bài viết rủa xả triết học Hegel. Nhưng để rồi quan niệm “ý chí” (Wille) mà Schopenhauer “trình làng” trong tác phẩm quan trọng nhất của ông, Die Welt als Wille und Vorstellung (1820), lại bị người đọc coi (một cách nhầm lẫn) là “bản sao” của tinh thần (Geist) của PdG.[5] Nhà triết học duy ý này làm sao chịu được việc ông bị ảnh hưởng bởi một sản phẩm mà ông khinh miệt là “rác rưởi”, “một loại triết học điên rồ (vô nghĩa) tuyệt đối” (Philosophie des absoluten Unsinns) của một “anh chàng đầu đặc”, “một tay đại bịp” (Scharlatan), “một con ma quái ăn thịt người” (geistiger Kaliban) (Weischedel, 222).[6] Chửi mãi, nhưng chẳng mấy ai thèm đến nghe,[7] đừng nói coi trọng, giảng viên Schopenhauer đau xót, chua chát, phẫn nộ, giã từ giấc mộng trở thành giáo sư, gia tăng lòng thù nghịch chống lại “lũ giáo sư đại học” như “Hegel và đồng bọn”! (Weischedel, 223).

  • Một nghịch lí khác thấy nơi những người phê phán Hegel như Arnold Ruge (1802-1880), Bruno Bauer (1809-1872), Max Stirner (1806-1856) và nhất là Ludwig Feuerbach (1804-1872), tức “giới Hegel trẻ” (the young Hegelians) hay “nhóm Hegel tả phái” (the left Hegelians), đó là, họ đâu có vất PdG vào sọt rác như họ ồn ào tuyên bố; ngược lại, họ phát huy tinh thần PdG theo một hướng mà ngay cả Hegel cũng không thể ngờ tới. Chủ thuyết vô thần duy nhân, chủ thuyết ích kỷ cá nhân, chủ thuyết “duy ngã độc tôn”, chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa vô chính phủ của họ đi ngược với Hegel bằng cách dựa vào luận cứ của Hegel, như Marx rất tinh tế nhận ra cái nghịch lý này (Die deutsche Ideologie.1845-1846).
  • Nghịch lý rõ rệt nhất là cuộc trừ khử cái “tà ma” Hegel, do Friedrich Wilhelm Joseph Schelling (1775-1854) khởi xướng, biến thành cuộc phong thần cho Hegel. Là thần đồng triết học, giáo sư “ngoại tòa” (Ausserordentlicher Professor)[8] triết học ở vào cái tuổi 23, một hiện tượng có một không hai tại Đức, lại từng nâng đỡ Hegel–lúc ấy, ngoài 30 nhưng vẫn còn lông bông chưa có chỗ đứng trong giới hàn lâm, có được một chân “giảng viên ngoại ngạch” (Privatdozent)[9] mở lớp tại Đh Jena–, Schelling làm sao có thể chấp nhận việc bị cái bóng Hegel càng ngày càng lớn che lấp. Thế nên, khi được hoàng đế Friedrich Wilhelm IV của nước Phổ giao cho sứ vụ “trừ khử cái bóng ma” (exorcise) Hegel, đặt ông ngồi vào Viện Hàn Lâm Berlin, kiêm luôn chính cái ghế triết gia Đức (bỏ trống sau cái chết của Hegel) tại Đh Berlin, Schelling nỗ lực tống khứ cái “ám khí Hegel” khỏi nền tư tưởng Phổ. Ông chê bai triết học Hegel là loại triết học tiêu cực (negative philosophy), hình thức, nội dung trống rỗng, không giải quyết được vấn đề hiện thực.[10] Dĩ nhiên, Schelling không quên đánh bóng nền “triết học tích cực” (positive philosophy) của mình mới là tương lai triết học Đức.[11]
  • Nhưng rồi, học trò của Schelling đi theo thầy thì ít, mà ngược lại bị tiếng sáo ma thuật Hegel mê hoặc thì nhiều. Tuy ngồi trong giảng đường Schelling, nhưng tâm trí họ lại bay lượn theo tinh thần biện chứng của Hegel (Löwith, 115-121). Những cái tên đình đám như Friedrich Engels, Mikhail Bakunin, Søren Aabye Kierkegaard… chưa kể đến Karl Marx (người biết Hegel qua nhóm “Câu lạc bộ Tiến sỹ” (Doktorklub) là chính) khiến Schelling cay đắng nhận ra quá muộn sự thất bại trong sứ vụ “trừ tà khí Hegel” (exorcise) của mình. Schelling đã không nhìn thấy “bản chất” đàng sau hiện tượng, tuy bị chê nhiều, chửi cũng không ít, nhưng Hegel hình như có kim bài miễn tử, càng bị chửi ông càng nổi danh; càng bị chống đối ông lại càng đình đám. Không chỉ Schelling, mà ngay cả Wolfgang Goethe, “nhà vua thi ca của Đức”, cũng phải nể nang và giữ một quảng cách nhất định với Hegel, người được mặc định như là “ông vua triết học Đức” (Löwith, 14-17).
  • Mà thực vậy, uy lực Hegel bùng ra mãnh liệt. Triết học hiện sinh của Kierkegaard (và cả Friedrich Nietzsche, một địch thủ đáng gờm của Hegel) sẽ khó bắt rễ trong giới trí thức nếu không có sự phân tích sâu sắc về chủ thể (subject) và đối thể (object) mà Hegel đã làm trong PdG. Chủ nghĩa vô chính phủ của Bakunin sẽ chẳng xuất hiện nếu không có ý tưởng tự do tuyệt đối của chủ thể; và chủ thuyết xã hội cộng sản (Marx và Engels) sẽ chẳng đi tới đâu nếu thiếu ý tưởng biện chứng và cái ý thức (tinh thần) của giai cấp. Tương tự, nền thần học Tin lành, và nền lịch sử tiến hóa vô tận của con người (Ludwig Feuerbach và Charles Darwin) khó có thể phát triển nếu không có nền tảng tuyệt đối của tinh thần, điều mà chỉ có Hegel (chứ không phải Friedrich Schleiermacher, nhà thần học thời danh đồng nghiệp với Hegel tại Đh Berlin), mới tác động lên được. Chính vì vậy mà Marx từng nhận định là Hegel đâu phải là “một con chó chết” (ngôn từ Mendelssohn dùng miệt thị Lessing) nên hết chuyện để nói. Ngược lại, Hegel vẫn sống, và sống khỏe. Và đây là lí do, mặc dù bất mãn với tất cả giới triết học Đức, xã hội Đức, tôn giáo cũng như chính trị thời ông, Marx lại hãnh diện công nhận, ông là học trò của Hegel. Dĩ nhiên, Marx không quên nhắc khéo độc giả về cái vĩ đại của mình là sửa sai ông thầy vĩ đại nhất, vặn ngược phương pháp của thầy mình để nó đi đúng hướng (Das Kapital, Tập 1. Lời Nói đầu, lần tái xuất bản, 1867). Phải nói, tuy “đao to búa lớn”, Marx thực sự là người có công nhất trong quá trình vực cái bóng ma Hegel sống lại, ảnh hưởng sâu rộng tới chính trị.
  1. Hegel và Thần Học: Luận Đề về Tính Thống Nhất của Sáng Thế Luận và Mạt Thế Luận.

Trong bài viết này, tôi lí giải “tính phong phú” (fertility) của PdG không phải là do sự khó hiểu vì ngôn ngữ mù mịt tối tăm, hay những luận chứng ngoằn ngoèo trong ma trận, lập đi lập lại làm người đọc nản lòng, nhưng là tham vọng của Hegel muốn đưa ra một lí thuyết, hao hao giống như “Unified Theory” hay “Grand Unified Theory”[12] (thuyết đại thống nhất) mà các nhà khoa học thế kỷ 20 đưa ra. Đó là lý thuyết thống nhất lịch sử cũng như tương lai nhân loại và vũ trụ. Hegel muốn thống nhất lịch sử con người theo lối nhìn biện chứng giữa “Sáng thế luận” (Genesis) về sự sinh và “Mạt thế luận” (Eschatology) về sự tử. Theo triết gia, huyền nhiệm phục sinh (resurrection) và thế giới hoàn hảo (mà đức Kitô đã loan báo) chỉ có thể hiểu được trong một qui luật lịch sử như vậy. Nói cách khác, Hegel muốn tìm ra cái qui luật đàng sau “lịch sử cứu độ” (Soteriology/History of Salvation) để hiểu lí do tại sao “Thiên Chúa xuống trần thế làm người” (Incarnatio/Menschenswerdung), để hiểu được mầu nhiệm (mysterium/mystery) Ba Ngôi (Trinitas/Trinity,) Phục Sinh, v.v. Hiển nhiên, tham vọng của Hegel là muốn xây dựng một nền thần học hiệp nhất hai nền thần học Do thái giáo theo tinh thần của Messiah (מָשִׁיחַ/ Liberator/đấng Giải Cứu) và Kitô giáo theo tinh thần cứu nhân độ thế (χριστός/Christus/ Redemptor/đấng Cứu Độ) của đức Giê-su (Jesus Christus) trong Thiên Chúa giáo.[13]

Luận đề của Hegel mang tính thần học, nhưng lại ngầm mang một nội hàm phong phú bao hàm chính trị, xã hội và nhất là lịch sử. Giới thần học nhận ra thông điệp Hegel muốn gửi gấm. Giới triết học nhìn thấy ý hướng muốn vượt khỏi khuôn khổ tín lý tôn giáo, và giới cải cách khám phá ra ý định mang tính cách mạng của Hegel. Từ quan điểm thần học, họ chia rẽ thành hai phái chính: phái hữu khẳng định ý chính của Hegel là giải quyết mâu thuẫn của các tín lý một cách hợp lý. Tinh thần tuyệt đối phải là Thiên Chúa, vì là động lực, mục đích, và giai đoạn cuối cùng của lịch sử. Sự hiệp nhất giữa Thiên Chúa và Loài người là cùng đích lịch sử. Ngược lại, phái tả hiểu tinh thần tuyệt đối như là nội lực vô biên của con người tạo thành con người. Tinh thần tuyệt đối nói lên con người chính là mục đích, và qui luật sống (biện chứng) là cách thế “thống nhất,” tạo ra cuộc sống mới. Do đó con người không cần tới Thiên Chúa. Thần học do đó chính là nhân học. Tác phẩm Das Wesen des Christentums (1841) của Feuerbach được phái tả Hegel coi như là tuyên ngôn của một nền thần học dựa trên chính con người, cơ bản là một nền nhân học (anthropology). Strauss, Ruge, Stirner, Bauer… và sau này Marx và Engels phát triển một cách chi tiết hơn và táo bạo hơn mà thôi. Họ tìm thấy “sứ điệp cứu rỗi” của Hegel qua việc phân tích những “hiện tượng” (phenomena) bất nhân xã hội, chính trị, và nhất là tôn giáo, và khai thác triệt để quan niệm “cứu thế”. Ai, giai cấp nào, thế lực nào có thể giải cứu con người, khôi phục con người; giải cứu như thế nào, và thế giới con người sẽ ra sao sau khi được giải cứu; đó là những câu hỏi với những câu trả lời khác nhau của phái tả. Messiah không còn là một nhân vật mà là một giai cấp, và lịch sử cứu độ (Messianism/Soteriology) không chỉ là cứu chuộc, cứu độ mà trước hết là giải phóng (liberation), cứu rỗi con người bị “mất tính người” (Marx, Pariser Manuskript, 1844). Hiển nhiên nền thần học giải phóng (theology of liberation) bắt rễ từ đây (Gustavo Gutiérrez, A Theology of Liberation: History, Politics, and Salvation. 1971).[14]

Phát triển ý niệm về tôn giáo một cách khác biệt, theo nhận xét của Karl Löwith, là do những đồ đệ cánh trái, tuy đoán được ý đồ của Hegel về lịch sử, nhưng lại bỏ qua yếu tính tôn giáo như là tinh thần lịch sử. Họ hoặc quá chú trọng đến yếu tố chính trị, xã hội (Marx trẻ) và kinh tế (Marx sau 1846), hoặc tâm lý (Feuerbach, Stirner…), hoặc tổ chức tôn giáo (Kierkegaard) nên đã không để ý những tác phẩm về tôn giáo của Hegel trẻ tại Jena, và do đó không nhìn ra được ý định muốn tìm ra qui luật thống nhất “lịch sử cứu độ” của ông thầy của họ (Löwith, 328). Tương tự, những người cánh phải nhìn PdG như là bản tuyên ngôn xác quyết điểm chung cuộc của lịch sử cứu độ con người trong cái vỏ bọc triết học, và với một ngôn ngữ trừu tượng khó hiểu.

Vấn đề là phải làm sáng tỏ Hegel. Đối với cánh hữu, lịch sử diễn biến theo quy luật biện chứng từ Sinh thế luận (genealogy/ hay Sáng thế luận/ Genesis) qua Mạt thế luận (eschatology) và đến Thiên Chúa, tức là chung cực của lịch sử, là cội nguồn (điểm Alpha) và là chung cực (điểm Omega) của lịch sử cứu rỗi. Nói cách khác, theo các nhà thần học theo Hegel, lịch sử đã được xác định bởi tính vĩnh cửu của Thượng Đế (mà Hegel bọc dưới từ Tinh thần tuyệt đối). Đấng xuất hiện qua (trong) tinh thần (cá biệt) của mỗi thời đại, mỗi dân tộc, và hòa giải (Aufhebung) xung khắc thời đại và dân tộc, đưa mọi người đến tinh thần phổ quát (universal) và tuyệt đối là chính Thượng Đế. Lối nhìn này gần gũi với Baruch Spinoza (1632-1677), người từng bị kết án chủ trương phiếm thần (pantheism), nhận định Thượng Đế xuất hiện trong tự nhiên (Natura naturata) và theo cách tự nhiên (Natura Naturans). Giới bảo thủ cánh hữu như Schelling cảm thấy bất an với một chủ trương thần học kiểu Spinoza như vậy.

Nói cách chung, tuy cả phái hữu lẫn phái tả đều mang máng nhìn ra ý tưởng “lịch sử tiến hóa” của ông thầy, nhưng mỗi người lại thông diễn “tinh thần” và quá trình diễn biến của nó đến giai đoạn tuyệt đối theo lối nhìn riêng của họ: tinh thần tuyệt đối chỉ ra tính toàn thể, toàn vẹn, toàn mỹ, toàn năng, toàn thiện, tức là chính Thượng Đế (chủ thuyết duy thần, duy linh); hay biểu hiện một thế giới thuần lý, diễn biến theo quy luật duy lý (chủ thuyết duy lý); hay một thế giới vật chất phát triển đến độ con người hoàn toàn thỏa mãn (chủ thuyết duy vật).

  1. Triết Học Tôn Giáo Hegel – Khi Thần Khí Trở Thành Nhân Khí

Hiểu như trên, cả hai phe tả và hữu tiếp nhận Die Phänomenologie des Geistes và tạo ra những hệ thống ý tưởng trừu tượng (và có phần vô tích sự cho xã hội con người, như Marx phê phán trong Luận cương Feuerbach/Thesen über Feuerbach). Sứ điệp chính của lịch sử cứu rỗi đã không được thực thi, cụ thể hóa. Câu hỏi, theo Marx, không phải là lí luận mà phải là hiện thực hóa (praxis) cứu độ qua chính tác động của con người (Thesen über Feuerbach, Luận điểm 11), bắt đầu với việc phải giải phóng nhân loại như thế nào. Marx nhìn ra sự bất lực của triết học và thần học. Bây giờ ông hiểu Geist không chỉ theo nghĩa tinh thần mà là người tạo ra tinh thần, hay lãnh đạo tinh thần (Geister), hay đơn giản người hay giai cấp lãnh đạo. Giai cấp lãnh đạo phải là giai cấp đại diện cho tinh thần tuyệt đối, có năng lực thay đổi, lãnh đạo (tức là “giai cấp vô sản” (the proletariat), được Marx và Engels xác định trong bản Tuyên ngôn đảng Cộng Sản (1848).

Trong phần này, để tránh lạc đề, tôi xin trở lại vấn đề tôn giáo sau Hegel. Geist trong Đức ngữ vốn phức tạp và phong phú. Geist không chỉ là tinh thần, mang tính bản chất, tinh hoa, tinh túy nhưng cũng có nghĩa là không thực tế… Geister là người mang tinh thần (như lãnh đạo tinh thần, tu sĩ) nhưng cũng có nghĩa là ma, thần linh. Thế nên, việc phái tả Hegel giải thích tinh thần tuyệt đối của Hegel theo nhiều hướng thuần túy nhân bản, hay thuần túy triết học… và việc phái hữu Hegel đồng nhất tinh thần tuyệt đối với Thiên Chúa, tuy đối nghịch nhau, tất cả đều góp phần vào việc mở toang cánh cửa cho mọi chiều hướng thần học, tôn giáo, văn hóa, nghệ thuật… sau này. Sau Hegel là cả một vùng trời trống trải đẻ ra các loại thần học như “Thần học vô thần” (Atheist theology), “thần học về cái chết của Chúa” (Theology of the Death of God), “thần học giải phóng” (Theology of Liberation), “thần học bản địa hóa” (Theology of Inculturation), “thần học văn hóa” (Theology of Culture), vân vân… Sau Hegel là sự sinh sôi nảy nở đủ loại ý thức hệ, chủ nghĩa, từ duy vật tới duy lí, từ duy tâm tới duy linh, từ vô chính chủ tới chủ thuyết hư vô, từ sáng tạo tới phá hủy…Tất cả đều bị ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp từ những lối giải thích khác nhau về Geist của đồ đệ Hegel.

Trong phạm vi nhỏ hẹp của bài này, tôi chỉ lược qua những lối giải thích của “phái tả,” mà đa số họ không phải là học trò trực tiếp của triết gia. Mục đích để chứng minh rằng, tuy họ là những người cực đoan, muốn thoát ra khỏi cái bóng ma của triết gia đương đè nặng trí óc của họ, nhưng như Tôn Ngộ Không không thoát khỏi bàn tay của Phật Như Lai, họ cũng không thể thoát được “tinh thần tuyệt đối”. Là những kẻ tự nhận là “đám con rơi” của Hegel, nằm ngoài lề thế giới hàn lâm” (đa số hành nghề tự do, hay bị đại học từ chối không cho dạy), họ thực ra mang phần nào huyết thống Hegel, với những tham vọng như thầy mình, nhưng mang tính cá nhân hơn, quyết liệt hơn, và cũng cực đoan hơn.

3.1. Tham Vọng của Hegel

Khi lấy tựa đề Phänomenologie des Geistes, Hegel đã làm cho độc giả rối mù. Không mấy ai nắm được ý nghĩ của tác giả. Thực ra, Phänomenologie, theo đúng nghĩa, phải là quy luật của hiện tượng (Logik der Phänomena), nhưng nơi đây Hegel muốn nói đến lộ trình xuất hiện của tinh thần qua những hiện tượng như thế nào. Hiện tượng là những biểu hiện hay cách thế xuất hiện (Erscheinungen/appearances) của tinh thần. Rõ ràng là Hegel mang tham vọng tiếp nối Newton và Kant: nếu Newton tìm ra qui luật của thế giới vật lý đàng sau các hiện tượng, nếu Kant xây dựng qui luật của đạo đức của cuộc sống, thì Hegel muốn tìm ra qui luật của lịch sử qua quá trình xuất hiện của tinh thần, và dựa trên qui luật này để giải thích lịch sử cứu rỗi của đạo Kitô. Ông muốn đưa ra một qui luật đồng nhất mọi lịch sử về sự sinh (trong sách Sáng Thế Ký), sự chết (Mạt Thế Luận trong sách Khải Huyền) và lịch sử tiến hóa của con người. Vậy thì quy luật đó là gì?

Theo Hegel, hiện tượng (phenomenon/na) không phải là Geist, mà chỉ là sự xuất hiện (Erscheinung/appearance), hay những cái bóng, cái hình của Geist đang tự xuất hiện. Hiện tượng thay đổi, nhưng đều theo một quy luật nhất định. Điều đó có nghĩa là Geist xuất hiện theo một lịch trình (logic) của chính mình.[15] Chúng ta chỉ có thể nhận biết được qui luật này qua việc tìm thấy cái chung (universality) và cái thiết yếu (necessity, Notwendigkeit), của hiện tượng. Cái chung (tính phổ quát) và cái thiết yếu (tính tất nhiên) là hai yếu tính của tinh thần. Mỗi thời đại đều mang một tinh thần chung, mỗi dân tộc đều có một tinh thần chung. Theo nhận xét của Hegel, lịch sử là một chuỗi ghi lại đặc tính của các thời đại của nhiều dân tộc. Đặc tính chỉ được coi là tinh thần nếu mang đặc tính chung (universal) và tất yếu (necessary) của thời đại và dân tộc. Nhưng mỗi thời đại, mỗi dân tộc đều khác nhau. Nhưng tuy khác nhau, tất cả đều theo một quy luật (logic) chung, và một quá trình (logic) có thể nhận ra được qua phân tích hiện tượng. Quy luật vươn lên, và quá trình biện chứng giải thích tại sao mọi lịch sử đều tiến về giai đoạn tuyệt đối, và qua một con đường khẩn định (affirmation), phủ định (negation), và thăng hoa vượt lên (sublimation). Nói cách khác, lịch sử là diễn biến theo quá trình đi về hướng tuyệt đối (Absolute), viên mãn (Vollendung) của chính mình bằng cách thế biện chứng (dialectic). Một cách đơn giản, “logic” (logos) theo Hegel là qui luật biện chứng hướng về mục đích tối thượng của cuộc sống viên mãn.[16] Phenomeno/logy được hiểu theo nghĩa này.

3.2. Tinh thần Thời đại (Zeitgeist), Tinh thần Dân tộc (Volksgeist) và Tinh thần Tuyệt đối (absolute Geist)

Vậy thì Geist là gì? Khi dịch Geist là tinh thần (清神), người Đông phương chúng ta hiểu như là cái hồn, cái túy, cái tinh anh, hay cái cốt lõi. Thần không nhất thiết liên quan đến thần thánh hay “quỷ thần” (mà đức Khổng “kính nhi viễn chi”).[17] Do vậy, chúng ta dễ dãi không đi sâu vào tính chất dân tộc và tôn giáo của Geist vốn rất sâu đậm trong ngôn ngữ và văn hóa Đức. Geist vốn mang ý nghĩa tùy theo mạch văn, có “tốt” (guter Geist), có “xấu” (boeser Geist), có mạnh có yếu, có khỏe (gesund) có bệnh (ungesund), có chung (allgemein/general), có riêng (individual), có phổ quát (universal), có cá biệt (particular). Thế nên Geist không nhất thiết chỉ là “tinh anh”, tinh túy hay cốt lõi mà thôi. Theo cái nhìn của Hegel, Geist biểu tả cái chung của một nhóm người, một dân tộc (Volksgeist), một thời đại (Zeitsgeist), một ý thức giai cấp (theo Georg Lukács).[18] Geist vừa là động lực thúc đẩy vừa là hấp lực thu hút.

Vì vừa là động lực, hấp lực, tinh túy, ý chí chung, lối nhìn chung, Geist mang cả hai đặc tính “thần” và thánh (holy), cả linh thiêng (sacred) lẫn thế tục (profane). Chính vì vậy, Geist huyền bí, tâm linh trong truyền thống Kitô giáo được diễn tả như “Thần khí”, “Thánh Linh” hay “Thánh Thần” (Heiliger Geist). Theo Hegel, Thánh Linh được tin như là chính Thiên Chúa, Ý Chúa ở trên Trời được mặc khải qua Kinh Thánh (Luther,) được nhận biết dưới đất qua ý chí chung (volonté générale, Rousseau),và nhờ chính lí trí của triết học (Vernunft/reason).

Là ý chí mọi người, là “tâm thái” của dân tộc, là cái nhìn chung của thời đại, Geist là tinh hoa, là đạo đức, là cái đẹp, cái lành (gesunder Geist) chống lại cái xấu (boeser Geist) của con người, thời đại, đất nước. Cái xấu được hiểu như cái gì thiếu sót, bệnh hoạn, tạm bợ, nhất thời, cực đoan không hoàn hảo (quan niệm từ thời Plato). Là ý chí, Geist cũng mang nghĩa nội lực, động lực, ý hướng của cuộc sống, và do đó luôn vươn lên khỏi giai đoạn hiện tại. Geist do vậy không bị giới hạn, và bản chất của nó là tự do và sáng tạo (Goethe), tạo ra cái mà lí trí cho là “bất khả” như Niezsche chủ trương, và như Ernst Bloch diễn tả trong tác phẩm Geist der Utopie (1918), v.v. Ngoài ra, Geist chỉ ra phẩm chất lãnh đạo, dẫn đường, hay chính những người ảnh hưởng lớn tới cộng đoàn, dân tộc, v.v. (Geister).[19]

Nói chung, từ “tinh thần” chưa hoàn toàn lột hết ý nghĩa của Geist.

Đây là lí do, PdG tự nó đã rất khó hiểu cho người Đức, và càng không dễ cho những ai không thông hiểu truyền thống Đức và Kitô giáo. Trong bài viết này, tôi tiếp cận Hegel từ khía cạnh tôn giáo hơn là triết học, nhắm chứng minh là ảnh hưởng của Hegel rõ rệt và sâu sắc hơn trong lãnh vực tôn giáo và chính trị, như Marx từng nhận định.[20]

  1. Khi Thần Học Biến Thành Triết Học và Triết Học Biến Thành Nhân Học

Như Fichte, Schelling, Hegel đã từng quan tâm tới thần học nhiều hơn triết học trong thời còn trẻ. Ông viết 4 tác phẩm về thần học (được Hermann Nohl… biên tập và xuất bản vào đầu thế kỷ 20) nhưng hầu như không mấy ai chú ý.[21] Bước vào giai đoạn triết học với tác phẩm Phänomenologies des Geistes, những quan điểm của ông về vai trò của tôn giáo không có gì mới mẻ, đột phá so với những tác phẩm thời Jena. Khác biệt lớn nhất là ông chủ trương chỉ có triết học mới đủ tư cách đưa con người lí trí tới Thiên Chúa. Do đó, tôn giáo chỉ là một giai đoạn tiền triết học.

Trong những tác phẩm thần học, Hegel cho rằng, yếu tính của Kitô giáo phải là sự khôi phục lại cuộc sống một cách toàn diện, một cuộc sống đã từng bị chính mình tự dị hóa (self-alienated). Sứ vụ của Chúa Giêsu chính là việc phục hồi lại cái toàn tính nội tâm (inner totality) đã bị mất bởi tính khẳng định thực tiễn (hay tính thực tại/positivity) của một nền tôn giáo dựa trên luật pháp như đạo Do Thái. Tình yêu con người chính là phương thế tối ưu để vượt khỏi luật lệ. Tình yêu đó nói lên sự tương quan trong cuộc sống như thấy trong tình yêu giữa Thiên Chúa và con người, giữa con người với nhau, giữa anh và tôi. Tình yêu tạo lên “tương đồng giữa hợp nhất và hiện thể” (unification and being are equivalent). Nói theo nguyên lý triết học, mầu nhiệm Thỉên Chúa nhập thể làm người (incarnatio/Menschenwerdung), hay sự tự mặc khải (revelatio/Offenbarung) của Thiên Chúa qua mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi (Trinitas/Dreienigkeit) đều theo quy luật ‘biến thành’ hay ‘trở thành’ (Werden) của triết học, đó là quy luật đương hình thành (on being) từ chủ thể hiện hữu (immediate) tới ý thức đối thể (tha ngã, thế giới ngoại tại, hay khách thể) và hoàn tất (Vollendung/realization) qua sự hiệp nhất giữa chủ thể và khách thể.

Sự chuyển biến từ thần học sang triết học tư biện (speculative) rõ rệt trong tập sách Phänomenologie des Geistes. Trong tập sách này, phần bàn về quá trình ‘hình thành’ của sinh hoạt tôn giáo, Hegel trình bày sự ‘hình thành’ (và ‘biến thành’/Werden/becoming) các tôn giáo trong lịch sử tuân theo quy luật biện chứng, chứ không theo cuộc sống (điều mà Schelling sau này chỉ trích). Theo Hegel, tôn giáo tự nhiên phát sinh từ chính hiện hữu xây trên cảm tính: cảm tính phát sinh trực tiếp từ chủ thể tác động tiếp cận với thiên nhiên (đối thể, đối tượng), tạo ra tôn giáo nguyên khởi như bái vật (cây cối, động vật, hiện tượng tự nhiên). Qua giao tiếp với thế giới tự nhiên, con người đi từ thụ động chấp nhận qua ý thức tương tác, và tới tự tác. Con người tác sinh (homo faber/người thợ/lao động) bắt đầu xuất hiện như là tổng hợp mới qua sinh hoạt biện chứng trên. Con người tác sinh là tinh thần của giai đoạn tôn giáo này (PdG 672-698/ HTT, 1319-1358). Từ tông giáo (ancestral religion) tự nhiên, từ ý thức được vai trò qua tạo vật mới có được sinh mệnh của chủ thể, con người hướng thượng tới một tôn giáo lý tính hơn (rational religion) nhưng vẫn bảo toàn được cảm tính, đó là tôn giáo mang tính cách nghệ thuật, và lấy cái hình thức nghệ thuật để diễn tả cảm tính. Trong sinh hoạt tôn giáo này, con người không chỉ tác động để bảo toàn cuộc sống hiện hữu, mà còn làm cuộc sống đáng hưởng thụ hơn. Thế giới sống của họ không còn bị hạn hẹp vào những nhu yếu thiết yếu cho sự sống, hay bị cái ám ảnh trống rỗng của sự chết khống chế. Người tạo vật (homo faber / Werkmeister) phải là người tác sinh tinh thần (PdG, §699/ HTT, 1359). Sinh hoạt nghệ thuật được thúc đẩy bởi chính tự do: con người đi tìm bản ngã, và tự thức về mình, để “nâng mình lên trên thế giới hiện thực” (PdG, §701/HTT, 1363). Nghệ thuật cao nhất là nghệ thuật trừu tượng vì nó biểu hiện được tính phổ quát. Tôn giáo trong giai đoạn này mặc lấy hình thức nghệ thuật: “Tự ý thức ấy là Tinh thần xác tín bên trong chính mình, than khóc về sự mất mát thế giới của mình, và bây giờ, – ra khỏi thuần túy của Tự ngã -, sáng tạo ra chính bản chất của mình” (PdG, §701 / HTT, 1363). Do vậy, “Nghệ thuật (với hình thức tuyệt đối) tuyệt đối ra đời trong một thời đại có đặc điểm như thế. (PdG, §702, HTT, 1363).

Nhưng nghệ thuật tôn giáo chưa phải là hình thức phát triển tôn giáo hợp lý và hợp tình nhất. Hegel khẳng định, “Ở giai đoạn về sau (tôn giáo mặc khải), tinh thần sẽ vượt lên khỏi nghệ thuật để đạt tới hình thái cao hơn, không chỉ đơn thuần thể hiện bản thể sản sinh từ cái tự ngã mà chính là bản thân tự ngã, như là đối tượng trong sự hình dung” (PdG, 702; HTT, 1363-64) (Tôi có sửa đổi vài từ ngữ trong bản dịch HTT của BVNS nơi đây). Giải thích lí do tại sao giai đoạn cao nhất của nghệ thuật phải là tôn giáo, Hegel cho rằng, ngay cả khi nghệ thuật trừu tượng nhất như thi ca thì vẫn phải mang tính công cụ, và lệ thuộc vào ngoại tại, như chất liệu, không gian, thời gian…

Từ quan niệm duy lí như vậy, Hegel giải thích những mầu nhiệm bí tích (mysterium sacramenti) của Kitô giáo. Thí dụ như khi Hegel nói về bí tích Thánh thể (sacramentum Eucharistiae),[22] như là một mầu nhiệm nói lên sự cộng sinh, chia sẻ tình yêu nhân loại. Theo tinh thần của bí tích này, bánh không chỉ là bánh, mà là thực phẩm cho cuộc sống. Chia sẻ bánh với nhau là chia sẻ sự sống với nhau; và rượu không chỉ là rượu mà là cùng một giọt máu, chia sẻ qua chính yêu thương. Phân phát bánh, rượu cho mọi người trong cộng đồng là chia sẻ cuộc sống, là biểu hiệu của yêu thương. Hiểu như vậy, bí tích Thánh thể biểu tả sự cộng thông (communio/Kommunion), liên kết, hợp nhất (Verbundenheit) của mọi người tham dự vào cuộc sống cộng đồng. Hegel viết: “Khi mà bánh và rượu được tiếp nhận không chỉ như là vật thể mà được cảm nhận trong tâm linh và nhận thức sự hiện diện của Chúa Kitô và nhân danh ngài, thì những vật thể này tự bản chất của chúng hơn hẳn những đối tượng của sự hưởng thụ thân xác (physical enjoyment): chúng chính là một sự cộng thông linh thiêng đã trở thành vật thể” (Trích từ Löwith, 329).

4. Thần Khí hay Ám Khí

4.1. Ám Khí

Rắc rối của PdG bắt đầu khi Hegel “triết học hóa” tôn giáo, khẳng định giai đoạn cao nhất của tôn giáo là triết học. Sự nhập nhằng giữa tôn giáo và thần học, thần học và triết học (đôi khi Hegel khẳng định thần học là triết học) vào thời Hegel, Fichte, Schelling và Schleiermacher vốn là đặc tính của thời quá độ chưa hoàn toàn tách biệt giữa thần quyền và thế quyền. Nhà vua thường tự cho mình sứ vụ bảo vệ giáo hội. Ghế giáo sư danh giá nhất vẫn thuộc thần học (Schleiermacher), và sinh viên thần học (rất nhiều thuộc danh gia quí tộc) chấp nhận Hegel như nhà thần học hơn là nhà triết học.

Khi nhìn PdG như là một tác phẩm triết học thuần túy, và bỏ qua tư tưởng tôn giáo của Hegel thời trẻ, giới triết học như Schelling đã chỉ nhìn thấy cái trống rỗng (hay tiêu cực) của một nền tôn giáo trừu tượng triết học. Cũng vì không hiểu lập trường tôn giáo của Hegel mà hoàng đế Phổ (Friedrick Wilhelm IV) lo lắng, và ngay cả đại thi hào Goethe, người từng có một thời quen biết qua thư từ với Hegel, tuy không mặn mà lắm với thần học, cũng giữ một quảng cách với Hegel.[23]

Vậy thì, có phải ảnh hưởng của Hegel thuần túy trong phạm vi triết học? Hay, đúng hơn và nhậy cảm hơn, đó là triết học tôn giáo của Hegel đã làm cho các giáo phái Tin lành bất an, và chính nhà vua, người bảo vệ giáo hội Kitô giáo, cũng lo lắng? Khi bổ nhiệm Schelling vào ghế triết học, nhà vua cũng như lãnh đạo của các giáo phái Tin lành muốn bứng cái gai trong mắt mà không đụng chạm tới tinh thần tự do của giới triết học và thần học. Như đã nói trên, Schelling đã làm “qúa tốt” sứ mệnh vua giao phó khi ông vất cái ám khí Hegel ra khỏi cái hộp hàn lâm. Nhưng Schelling lại không ngờ, cái hộp hàn lâm cũng là cái hộp ma thuật Pandora. Thoát ra khỏi hộp, phái tả Hegel nắm được ám khí này bùng nổ phát triển thành những luồng tư tưởng chống Kitô giáo. Điều làm Schelling hối hận, nhưng đã quá muộn. Schelling đâu có để ý rằng, khi quy tội triết học Hegel tiêu cựu (negative philosophy) –vì dựa trên những quan niệm trừu tượng nhưng quên đi cái hiện thực (immediate), tức sự hiện hữu (existence), tức hiện thể (Dasein), tức cuộc sống hiện tại (existence),– và khi ông đòi hỏi triết học phải tích cực (positive philosophy), ông đã gián tiếp giúp nền nhân học, khơi động ước vọng thầm kín làm chủ chính mình của con người thức tỉnh. Một khi “hồn” (anima/Geist) bay thoát ra khỏi “xác”, không ai có đủ uy ực để nhốt nó lại.

Kierkegaard nhận ra điều này, khi ông chỉ ra sự thiếu vắng tính tích cực (xây dựng cuộc sống) trong qúa trình “tiến về phía trước” của tinh thần thuần túy.[24] Quá trình của tinh thần trong PdG chỉ ra một hệ thống phát triển các ý niệm trừu tượng bằng cách trừu tượng hoá cái trừu tượng (abstraction of the abstract),[25] không liên quan đến cuộc sống. Một vòng luẩn quẩn. Trong một hệ thống quan niệm trừu tượng như vậy, Thiên Chúa chỉ còn là một ý niệm tuyệt đối, mang tính chất thuần túy lý trí, xa cách với hiện hữu. Ý niệm về Thiên Chúa khác xa với đức tin vào Thiên Chúa của tín hữu thuộc hệ phái Luther mà Hegel, Schelling và đại thi hào Hoelderlin từng được đào tạo. Đối với Schelling, “một con đường chân thật của con người trong tư cách như một triết gia, và ngay cả của Thiên Chúa, là phải “tự giải thoát mình khỏi tình trạng hiện hữu đương sống, là “thoát hồn” (ἔκστασις, ekstasis), là phải “thoát khỏi” cái đương hiện hữu mù quáng để có thể có được một sự độc lập thật sự” (Meinecke, 20ff., 36 ff./ trích theo Löwith, 118).

4.2. Cái Hộp Ma Thuật Pandora

Nói một cách bình dân, triết học tôn giáo của Hegel giống như cái đòn tựa, mà mỗi người có thể sử dụng, nhưng cùng lúc cũng là cái bẫy, mà mỗi người có thể sa chân sập bẫy. Nó giống như cái hộp Pandora chứa đủ mọi loại tinh thần, tốt xấu đều có. Nhóm hữu phái đã tìm thấy trong Hegel những luận cứ để diễn giải những huyền bí trong tín lý của đạo Thiên Chúa.[26] Ngược lại, nhóm tả phái tìm ra ngòi nổ của qủa bom chậm ngay trong chính những luận chứng của Hegel và sử dụng nó để hủy diệt tôn giáo. Trừ quỷ, trừ tà ma (exorcism) là phép đuổi quỷ, tà ma ra khỏi thân xác bị ám, nhưng quỷ đi đâu sau khi bị đuổi, đó là một câu hỏi không chỉ ám ảnh giới trừ quỷ, mà ngay cả giới triết học. Khi trừ khử “con ma Hegel”, tinh thần Hegel sẽ đi về đâu, biến thành cái gì? Không chỉ Nietzsche mà gần như hầu hết nhóm Hegel tả phái đều đi tìm câu trả lời cho câu hỏi này.

Trả lời cho câu hỏi này, nhóm tả triển khai quan niệm tôn giáo của Hegel bằng cách đi ngược, phản lại Hegel. Dẫn đầu bởi David F. Strauss (1808-1874), họ sử dụng phương thế phá bỏ thần thoại (Entmythologisierung),[27] lược bỏ những câu chuyện mang tính huyền hoặc, và biến tôn giáo thành một nền nhân học (anthropology). Trong tập Der alte und der neue Glaube (1872) (Niềm tin cũ và niềm tin mới), Strauss dựa vào thực chứng khoa học chối bỏ Kitô giáo và triết học Hegel, phát triển một niềm tin mới, coi Kitô giáo chỉ là một thuyết nhân bản (humanism) và “Thiên Chúa” là cái vũ trụ (cosmos, universe), giống như Spinoza coi Thiên Chúa là thế giới tự nhiên (Natura) (Löwith, 324-325).

Arnold Ruge là người tiếp theo. Trong tác phẩm System der Religion unserer Zeit (Hệ thống tôn giáo thời chúng ta), ông không chỉ hiểu lịch sử tôn giáo như là lịch sử của con người mà còn phát triển quá trình “tinh thần hóa” (spiritualization) của Hegel thành một quá trình ý niệm hóa của Kitô giáo (Löwith, 342). Nói chung, Ruge nhận định, tôn giáo chỉ là một hình thức cũ chưa đủ nhân bản (humanity), và đã đến lúc chủ thuyết nhân bản (humanism) có thể thay thế Kitô giáo.

Cực đoan hơn, Bruno Bauer qua tác phẩm Die Posaune des jüngsten Gerichts über Hegel, den Atheisten und Antichristen (Leipzig, 1841) (Tiếng kèn của quan tòa trẻ phán xét Hegel, kẻ vô thần và phản Kitô) không chỉ phá bỏ mọi huyền thoại, chống lại lối nhìn của Hegel, và những người theo Hegel như Strauss (bị ông gọi là phe hữu), mà còn muốn phá hủy nền thần học. Theo Bauer, kết luận tất yếu của triết học tôn giáo Hegel là sự phá hủy nền thần học Kitô giáo (Löwith, 347). Dựa theo kết luận tất yếu của luận chứng Hegel coi giai đoạn triết học là giai đoạn tuyệt đối, Bauer coi Thiên Chúa chỉ là quan niệm triết học, mà “Thiên Chúa của triết học” thực ra chỉ là “sự tự nhận thức của tinh thần tuyệt đối” (the self-consciousness of the absolute spirit), một loại Thiên Chúa tương tự mà Spinoza từng hiểu (Ethica, 1677).[28] Do đó, Bauer tách tôn giáo ra khỏi triết học và biến tôn giáo thành một nền nhân học. Theo lối nhìn này, phiếm thần luận (pantheism) và vô thần luận (atheism) là cái kết luận không thể tránh khỏi. Chúng ta không thấy làm lạ gì khi Bauer tự xưng mình là nhà thần học “vô thần và chống lại Kitô giáo” (Die Posaune des jüngsten Gerichts über Hegel, den Atheisten und Antichristen: ein Ultimatum, dẫn chứng theo Löwith, 343-350).

Tương tự Bauer, Max Stirner (1806-1856) tìm cách chối bỏ cả thần tính lẫn nhân tính (Löwith, 355-358), vì theo Hegel, triết học đồng nhất với lí tính, và quy luật của nó là chính lí tính. Trong tác phẩm Der Einzige und sein Eigentum (Cá nhân và cái thuộc về riêng mình), Stirner viết “Thiên Chúa đã bị ép buộc nhường lại chỗ cho con người chứ không phải cho chúng ta. Làm thế nào để tin được rằng Chúa-làm-người đã chết cho tới khi không chỉ chính Chúa mà ngay cả con người cũng đã chết?”

Nhưng người có ảnh hưởng hơn cả, chính là Ludwig Feuerbach (1804-1872) với tập sách Das Wesen des Christentums (1841) (Bản chất của Kitô giáo) mà Marx ca ngợi là tiến bộ vượt bực. Marx, Bakunin và cả Nietzsche, Richard Wagner cũng như Charles Darwin đều bị ảnh hưởng sâu đậm từ Feuerbach. Trong tập sách đầy tranh cãi này, Feuerbach đưa ra hai chủ trương chính sau đây: Thứ nhất, do con người bất lực không thể thỏa mãn khát vọng của mình, nên tạo ra Thiên Chúa. Thứ đến, tôn giáo trên bản chất là một nền nhân học. Dựa trên hai lí thuyết căn bản này, nghi lễ, bí tích, tổ chức tôn giáo, qui luật tôn giáo được hình thành. Ông nhận định, “nếu tuyệt đối không phải là một sự hiện hữu lịch sử nhưng chỉ là một qúa trình dẫn tới quan niệm, thì kiến thức về Thiên Chúa của con người biến thành một tri thức về Chúa do chính Chúa mà thôi” (Trích theo Löwith, 366.) Hiển nhiên, chủ trương của Feuerbach đưa đến quan niệm hoặc là phiếm thần (như Spinoza) hoặc vô thần.

Karl Marx (1818-1883), tuy ca tụng sự tiến bộ của Feuerbach, vẫn cho rằng ông này chưa đi đến tận cùng tới được cái cội nguồn của tôn giáo (Thesen über Feuerbach). Marx diễn tả tôn giáo như là một thế giới đảo ngược, hay đúng hơn, một thế giới đảo điên lộn ngược (perverted world).[29] Và để giải quyết vấn đề, không chỉ cần phê phán chính trị, kinh tế, mà trước hết phải phê phán tôn giáo.

Như đã thấy, mặc dầu phê phán Hegel nhưng những đồ đệ như Feuerbach, Ruge, Strauss, Stirner, Bauer, và “đồ đệ” xa như Marx, Kierkegaard, vân vân, và nhất là Nietzche lại đi đúng vào con đường, tuy lộn ngược, Hegel vạch ra (Löwith, 53-136). Xem ra cái bóng ma Hegel đã trở thành chính cái “tinh thần” của những người chống lại cái ám khí, hay uy lực của tinh thần tuyệt đối của Hegel.

4.3. Biện chứng Tinh Thần và Ám Khí

Những cuộc tấn công mà địch thủ của Hegel phát động nhắm vào cái tinh thần tuyệt đối tạo ra một hệ qủa trái hẳn lại ý muốn của họ: tác phẩm Phänomenologie des Geistes được tái khám phá, và Hegel không còn là “con chó chết” nữa, mà biến thành cái “bóng” đè nặng tâm trí làm những kẻ phê phán ông tê liệt. Nghịch lý thay, bằng mọi nỗ lực phá bỏ cái tinh thần tuyệt đối ông thầy của mình, họ đã làm PdG sống lại một cách ngoạn mục. Phải nói, không có nhóm “Hegel trẻ”, với những tên đình đám như Feuerbach, Ruge, Bauer, Stirner và Marx, chưa kể những người gián tiếp theo Hegel như Kierkegaard, Engels, Bakunin, Burchkhard, thì cái tinh thần tuyệt đối của Hegel khó mà sống lại một cách ngoạn mục như thế.

4.4. Khi Bóng Ma Trở Lại

Nhưng phải nói, nhóm Hegel trẻ chỉ có được vũ khí tấn công tôn giáo và xã hội nhờ vào cái nghịch lý Schelling, người đã phát động chương trình “quật mộ” Hegel, và nhờ vậy mà cái tinh thần tuyệt đối sống lại, thoát khỏi cái hộp Pandora. Dựa vào việc Schelling phê phán cái “triết học tiêu cực” của Hegel, nhóm Hegel trẻ tìm thấy trong cái tiêu cực ấy sự vĩ đại của tinh thần con người, đó là tinh thần “tại thế”, tinh thần thời đại. Họ quay phắt lại phê phán chính ông thầy Schelling, coi cái tính “tích cực”, “thực tiễn”, thực tại” (positive philosophy) của ông chỉ mang tính hiện sinh tức thời (immediate), không thể đi xa và cho tới vĩnh hằng. Phạm trù hiện sinh mà Schelling trân trọng vẫn còn bị cái hữu hạn tiêu cực vây hãm, một điều mà Kierkegaard ý thức rõ ràng. Nhà triết học Đan Mạch này chỉ ra rằng, tính hữu hạn của tinh thần thời đại chỉ có thể hiểu được trong tính hữu hạn của hiện sinh, và ngược lại. Do đó, phải suy tư hai chiều, từ hiện sinh tới tuyệt đối, và ngược lại. Chỉ khi tinh thần tuyệt đối là cội nguồn đồng thời là mục đích tối hậu của hiện sinh, tức là quá khứ và tương lai, là Alpha và Omega, thì hiện sinh mới có ý nghĩa.

Tương tự, Marx và Engels tìm ra con đường thực tiễn dẫn tới một xã hội tuyệt đối dựa theo luận chứng (biện chứng) của Hegel,[30] theo đó lịch sử luôn biến động theo hướng tuyệt đối. Giai đoạn cuối của lịch sử không phải là tinh thần (trống rỗng) tuyệt đối mà là một xã hội tuyệt đối nhưng hiện hữu. Và chính cái xã hội tuyệt đối này để lại ý nghĩa cho hiện sinh. Đây là lí do tại sao Marx “công khai tuyên xưng” Hegel là “thầy” của mình.[31] Khác biệt gữa Hegel và Marx, đó là hướng đi lịch sử của tinh thần, và ý nghĩa của tinh thần tuyệt đối. Nếu tinh thần tuyệt đối là xã hội tuyệt đối, thì cách thế tiến hóa (biện chứng) của vật chất hướng về tuyệt đối mới là quy luật (logic). Cái “logic” của “phenomena” (phenomenology) hay cái quy luật của cuộc sống phải là duy vật biện chứng. Tôn giáo, hay tinh thần theo Hegel chỉ còn là cái bóng, hay hơi thở, phản ánh thế giới thực tại khốn cùng mà thôi (Karl Marx, Zur Kritik der Hegelschen Rechts-Philosophie, 1843-44, Lời dẫn nhập).

Nietzsche có lẽ là người cực đoan nhất. Nếu Feuerbach vẫn còn bám víu vào một khái niệm Thiên Chúa, dẫu rằng do con người tạo ra; nếu Marx coi tôn giáo như là cái phản ảnh của thế giới thực tại khốn cùng; và nếu Bauer vẫn còn lưu luyến với tôn giáo, cho rằng nó mang tính nhân bản, hay mang hình dáng phiếm thần hay vô thần, thì đối với Nietzsche, tôn giáo đã chết. Lí do, Thiên Chúa, cội nguồn của tôn giáo đã chết. (Friedrich Nietzsche, Fröhliche Wissenschaft, 1882, 125: “Tên điên”). Vậy thì còn cần chi đến nhà thờ, đến giáo hội? Nietzsche, chết năm 1900, đánh dấu sự xuất hiện của một thế hệ mới, mang một tinh thần mới, tinh thần của thời đại đang chuyển biến từ hiện đại đến hậu hiện đại. Theo Nietzsche, tinh thần của Hegel đã chết, nhưng tinh thần của thời đại lại vẫn sống, nhưng là sống một cách khác, không tiệm tiến “đối nghịch” như kiểu biện chứng của Hegel, không theo con đường thẳng của lí trí mà Kant và những người thời ông tung hô là thời Ánh sáng, nhưng theo con đường gập ghềnh, đứt đoạn, không liên tục. Tinh thần, sau Nietzsche, không còn là duy lý, cũng chẳng duy tâm, mà cũng không phải là duy vật. Đó là tinh thần sáng tạo bằng cách phá hủy lịch sử liên tục. Đó là con đường, mà Heidegger diễn giải (Holzwege,1972),[32] tương tự những con đường mòn trong rừng thường tắc lối khi không ai đi, mà chỉ có những ai sống trong rừng (tiều phu, kiểm lâm) mới biết. Đi tìm con đường sáng tạo như đi vào trong khu rừng trên dẫy Trường Sơn, có mấy ai biết được thế nào là sáng tạo. Nếu biết được thì cũng rất lờ mờ, đi trong mò mẫm, nghi hoặc. Đi tìm tinh thần tuyệt đối không khác gì đi trong rừng rậm âm u.

Đi tìm tuyệt đối là tiền đề cho sáng tạo. Như Hegel, họ bắt đầu nghi ngờ, phản tỉnh, đi tìm tự thức. Những nhà sáng tạo là những đại sư nghi ngờ hơn Tào Tháo, những Marx, Nietzsche và Freud (theo Paul Ricoeur).[33] Nhưng oái oăm thay, giấc mộng tuyệt đối đòi hỏi họ quyết liệt chống đối bất cứ cái gì mang tính hiện đại, phản kháng bất cứ điều gì, phương pháp gì hạn chế tự do.[34] hay phản kháng bất cứ nền trí thức nào (meta-naratives),[35] hay đơn giản bỏ qua tất cả nền triết học truyền thống như Richard Rorty chủ trương.[36] Và với họ, đây là thời đại của chủ nghĩa hư vô (nihilism,) vô chính phủ (anarchism) và phần nào đó, vô ngã. Tính cực đoan của Nietzsche mở đường cho những người như Michel Foucault, Jacques Derrida, Jean-Francois Lyotard và Rorty.

Nhưng như những người Hegel trẻ, Nietzsche và những đứa con hoang của ông vẫn chẳng thoát được cái bóng ma của Hegel, giống như Tôn Ngộ Không không thể nào thoát khỏi bàn tay của Phật Như Lai vậy. Họ làm sao chối bỏ được việc họ mang tinh thần thời đại của họ? Họ làm sao thoát khỏi qui luật biện chứng khi họ coi tinh thần thời đại mới là tinh thần tự phủ định trong biện chứng của Hegel. Họ đâu có chối bỏ một nền móng siêu hình! Chối bỏ Thượng đế để rồi lại lấy hư vô (nihilism) làm nền móng. Phủ nhận hiện đại, tương lai, nhưng lại công nhận thời tính (temporality,) tự cho mình “đi trước hiện đại, và đi sau hiện đại” (Jean-Francois Lyotard, Réponse à la question “Qu’est-ce-que postmodernisme?”).[37] Nếu vậy thì có khác gì Nietzsche, từng phủ nhận Thiên Chúa để rồi tự tôn mình là Thiên Chúa? Thực ra như Nietzsche từng nhận định rất sâu sắc, “Làm sao mà Chúa chết được khi mà ta vẫn còn nghĩ đến Chúa?” Thiên Chúa không có chết, chỉ xuất hiện khác nhau trong tâm trí mỗi người. Và điều này rõ rệt nhất trong các nền tôn giáo gọi là tôn giáo dân gian (folksreligions).

Tạm Kết

Khi Thần Khí (the Holy Spirit) Xuất Hiện – Tôn Giáo trong thời Hậu Hiện Đại

Trong sách Tông Đồ Công Vụ (The Acts of the Apostles / Πράξεις Ἀποστόλων / Actūs Apostolōrum) một tập sách ghi chép sinh hoạt, chứng cớ đức tin, những lời giảng dậy của cộng đoàn Kitô giáo đầu tiên, có ghi lại một đoạn về sự xuất hiện của Thần Khí (Acts 2: 4-6) đáng cho chúng ta suy nghĩ. Giáo đoàn Kitô giáo nhỏ bé mới được thành lập, bị cô lập và bị giới đương quyền truy tìm bách hại. Họ sống trong lo âu, sợ hãi, bất an. Nhưng giữa lúc tuyệt vọng, Thần Khí tới, đem lại cho họ lòng tin tưởng vào đức Kitô, vào một tương lai quang vinh, và sự đồng tâm nhất trí dựa vào Thiên Chúa và hỗ trợ nhau. Lòng tin này, sự đồng cảm này, ý chí chung này được biểu hiện bằng Thần Khí, hay Thánh Linh, hay Thánh Thần (the Holy Spirit).[38] Thần Khí chính là Ý chí của Chúa được biểu tả qua tình yêu của Người dành cho nhân loại; và tình yêu của Người được biết qua chính cuộc sống nhân ái của những ai tin vào Người: “ở đâu có tình yêu thương, ở đó có Thiên Chúa” (ubi caritas et amor, ibi est Deus”, một bài thánh ca vào thế kỷ thứ 8). Thần khí hun nóng, và nối kết mọi tín hữu với nhau, vượt khỏi khác biệt ngôn ngữ, bất đồng dân tộc, cách biệt giai cấp (facta autem hac voce convenit multitudo et mente confusa est quoniam audiebat unusquisque lingua sua illos loquentes).

Đoạn sách này ảnh hưởng không ít tới ý niệm Geist và nhất là absolute Geist của Hegel, như thấy trong những tác phẩm đầu tay thời thanh niên của ông. Tinh thần thời đại nói lên cái chung của cả một thời. Cái chung thời đại thấy trong phong tục, tập quán, ngôn ngữ, nghệ thuật, tôn giáo và nhất là triết học (duy lí của thời ông). Tương tự, tinh thần dân tộc nói lên cái ý chí chung như thấy trong cách sống chung, ngôn ngữ chung, đạo đức chung, cảm giác chung, nghệ thuật chung, tôn giáo chung và tư tưởng chung của một dân tộc (tôi cố ý nhấn mạnh chữ chung tức tính phổ quát và tất yếu).

Cái chung này biến đổi khi thời đại, dân tộc biến đổi. Nền tảng cho biến đổi căn bản là chính cuộc sống. Theo thuyết tiến hóa, cuộc sống luôn thay đổi theo hướng tốt hơn, đẹp hơn, hoàn hảo hơn. Theo Hegel, thay đổi tiến hóa chính là qui luật của lí tính. Thế nên, bất cứ tôn giáo cũng đương thay đổi, tuy chậm chạp nhưng rõ ràng, bởi vì cuộc sống con người đương thay đổi theo qui luật của lí tính. Đây là cơ sở để khẳng định là tôn giáo dân gian, như là tinh thần của cuộc sống, cũng đương thay đổi, nhưng sẽ không biến mất.

Tham Khảo

Một số tác phẩm tham khảo trong bài này dựa theo tư liệu liệt kê trong: Karl Löwith, From Hegel to Nietzsche: The Revolution in Nineteenth-Century Thought. New York-Chicago-San Francisco: Holt, Rinehart and Winston, 1964.

– Bruno Bauer, Die Posaune des jüngsten Gerichts über Hegel den Atheisten und Antichristen. Ein Ultimatum. Leipzig, 1841.

– G.W. F. Hegel, Vorlesungen über die Philosophie der Religion. Bản Anh ngữ của E.B. Speirs và J.B. Sanderson. London 1895.

– G.W. F. Hegel, Phänomenologie des Geistes (1807). Bản dịch và chú giải của Bùi Văn Nam Sơn. Hiện tượng học Tinh Thần. Hà Nội: Nhà xuất bản Văn Học, 2006.

– G.W.F. Hegel, Werke, Chb. E. Moldenhauer và K.M. Michel. Frankfurt a. M.: Suhrkamp, 1970.

– W. Dilthey, Die Jugendgeschichte Hegels, 1905.

– Friedrich Engels, Feuerbach und der Ausgang der klassischen deutschen Philosophie, Stuttgart, 1910.

– Ludwig Feuerbach, Das Wesen des Christentums. 1841.

– Soeren Kierkegaard, Angriff auf die Christenheit. Stuttgart, 1896.

– Henri de Lubac, Le drame de l’humanisme athée. Paris, 1945.

– F. Meinecke, Die Entstehung des Historismus. Bản tiếng Tây ban nha, El Historicismo y su Génesis, Mexico, 1943.

– Karl Marx, Die Heilige Familie. Bản Anh ngữ của R. Dixon, The Holy Family. Moscow, 1956.

– Karl Marx, Thesen über Feuerbach, in trong F. Engels, Ludwig Feuerbach and the End of Classical German Philosophy, Moscow, 1949.

– Friedrich Nietzsche, Der Antichrist. Trong F. Nietzsche, Kritische Studienausgabe. 15 vols. Vol. 6. Berlin: De Gruyter, 1999 (Bản mới).

– F. Nietzsche, Jenseits von Gut und Boese. Bản Anh ngữ của H. Zimmern, Beyond Good and Evil. New York, 1924.

– Arnold Ruge, Unser System. 3 vols., Leipzig, 1850; Frankfurt 1903.

– Max Stirner, Der Einzige und sein Eigentum. Leipzig: Reclam, Không có năm xuất bản.

Trần Văn Đoàn, The Nihilistic Essence of Nietzsche’s Morality. Fujen Philosophical Studies, Vol. XVI (Jan. 1982), 130-167 / Vol. XVII (1983), 173-216.

– Trần Văn Đòan, The Marxist Critique of Religion. Philosophical Review, No. 18 (1995), 61-92.

Trần Văn Đoàn, The Dialectic of Faith-in-Life of S.A. Kierkegaard, in Construction & Strangification – The Philosophy of Friedrich Wallner. Ed. Jan Brousek, Vienna: Verlag Traugott Bautz GmbH., 2024), 409-422.

  1. Georg Wilhelm Friedrich Hegel, Werke in zwangzig Bänden. Bd 3. Phänomenologie des Geistes (Frankfurt a.M.: Suhrkamp,1970). Eva Moldenhauer và Karl Markus Michel biên soạn. Bản tiếng Việt: G. W. F. Hegel, Hiện Tượng Học Tinh Thần. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải (Hà Nội: Nxb Văn Học, 2006) (Sau đây viết tắt HTT). Chúng tôi dựa theo bản tiếng Đức (viết tắt PdG), có tham khảo bản tiếng Việt của họ Bùi.

  2. Hegel hoàn tất tập sách kinh điển này vào tháng 10.1806. Triết gia giải thích việc vội vã hoàn tất tập sách này là vì “biết được” Napoléon sẽ đánh chiếm Jena. Trên thực tế, Napoléon tấn công Jena và Auerstedt, đánh bại quân đội Phổ của Friedrich Wilhelm III ngày 14.10. 1806. Hegel viết là ông trông thấy “vị đại đế – linh hồn của thế giới (Weltseele)- cỡi ngựa ra khỏi thành phố đi trinh sát trận mạc….” (Thư ngày 13.10.1806 gửi F. I. Niethammer, một thần học gia tại Đh Jena) (Wilhelm Weischedel, Die philosophische Hintertreppe (München: DTV, 1975), 211 (Sau đây, Weischedel). Thực ra, vì đã qúa thời hạn giao kèo ký với nhà xuất bản (đã lấy tiền nhuận bút trước cả 3 năm), nên Hegel vội vã viết phần kết luận để giao cho nhà xuất bản.

  3. Karl Löwith, Von Hegel zu Nietzsche : Der revolutionäre Bruch im Denken des 19. Jahrhunderts. (Hamburg: Felix Meiner Verlag, 2015). Bản tiếng Anh: From Hegel to Nietzsche: The Revolution in Nineteenth-Century Thought (New York-Chicago-San Francisco: Holt, Rinehart and Winston, 1964), 53-136. Sau đây, viết tắt Löwith.

  4. Löwith, 53-136.

  5. Arthur Shopenhauer, The World as Will and Representation. Judith Norman, Alistair Welchman, và Christopher Janaway dịch (Cambridge: Cambridge University Press, Tập 1, 2010/ Tập 2, 2018). Thực ra, trong tác phẩm này, Schopenhauer phê phán quan niệm “vật tự thân bất khả tri” (noumenon) của Kant, cũng như nền triết học duy tâm của Fichte, Schelling và Hegel. Ông chủ trương ý chí (Wille) vô thức, vô ngã, vô mục đích, là động lực phi lý tính làm nền tảng của mọi sự vật và bản năng sống. Khác với tinh thần tuyệt đối, ý chí của Schopenhauer hoàn toàn vô tri, phi lý, gần với quan niệm vô tri, vô ngã mà ông tiếp nhận từ Upanishads. Tkh. https://plato.stanford.edu/entries/schopenhauer/#4

  6. Trong Die Welt als Wille und Vorstellung, Schopenhaur chửi rủa Hegel rất chợ búa: “Hegel, một tay được quyền lực phía trên đặt lên và công nhận như là đại triết gia thực ra chỉ là một tên đầu đặc, nhạt nhẽo, buồn nôn, một tên bịp bợm vô học, nhưng cực táo bạo viết tào lao về mọi điều, xào nấu chúng thành một món nhậu điên rồ thần bí bậy bạ vô nghĩa”. Trích từ Weischedel, 209.

  7. Năm 1820, được sự đồng ý của Đh Berlin và của cả Hegel, Schopenhauer mở một lớp học vào cùng ngày, cùng giờ, và ngay cạnh đại giảng đường nơi Hegel dạy để thách đố Hegel. Kết quả thảm bại! So với hàng mấy trăm người đến nghe Hegel, chỉ lèo tèo được vài sinh viên ghi danh theo lớp của Schopenhauer. Weischedel, 221/ Löwith, 70. Sau một khóa, Schopenhauer phải bỏ cuộc.

  8. Hệ thống hàn lâm tại Đức trước đây, mỗi bộ môn chuyên chỉ có một Giáo sư chính tòa (hay Giảng tòa, Ordinarius/Ordentlicher Professor). Những giáo sư khác thường là “ngoại tòa” (ausser/extra) hay Giáo sư không ghế. Thời Hegel, ghế triết học tại Đh Berlin do Hegel nắm, được nhà vua bổ nhiệm tiếp quản cái ghế của Johannes Fichte.

  9. Privatdozent là giảng viên có đủ tư cách làm giáo sư nhưng không nằm trong biên chế, sống bằng trợ cấp, trợ giảng, hay phí đứng lớp (do sinh viên tự trả). Schelling từng giúp Hegel mở lớp học (đứng tên chung). Vì cuộc sống khó khăn nên Hegel đã phải viết thư cầu cứu Wolfgang Goethe, lúc đó là Bộ trưởng Giáo dục của Weimar, xin được giúp đỡ. Nhờ Goethe, Hegel được một nhà xuất bản ký hợp đồng xuất bản tập PdG, ứng trước nhuận bút giúp ông sống tạm. Gần đến thời hạn hợp đồng (1806), Hegel vội vã kết thúc PdG, nên phần kết luận có đôi chút lộn xộn, vội vàng.

  10. Hegel từng phê phán “hình thức tích cực” (positive form) của tôn giáo (do Kant, Fichte chủ trương). Ông cho rằng sứ vụ của đức Giê-su là khôi phục “tính toàn thể” của sự sống bằng cách xây dựng lại “tính toàn thể nội tại” (inner totality) chống lại chủ trương tôn giáo như là hệ thống giáo luật hình thức của đạo Do Thái. Theo Hegel, dùng luật pháp để sống tôn giáo (Gesetzheit, positive form) đi ngược lại với dùng tình yêu để sống trong Kitô giáo. Löwith, 328.

  11. Thực ra, Schelling hiểu “positivity” khác với Hegel. Trong tập sách Grundlegung der positiven Philosophie (tr. 99) ông phê phán triết học thuần lý trí của Hegel là “tiêu cực” (negative). Lí do là Hegel chủ trương chỉ qua lý tính (mà hình thức lý tính là triết học) mới có thể sống đức tin. Theo Schelling, một chủ trương như vậy không thể giúp sống đạo, bởi lẽ lý tính không có trước cuộc sống. Cuộc sống bao gồm lý trí lẫn phi lý trí. Chỉ dựa vào lý trí thuần túy thì đó là một triết học “tiêu cực” theo nghĩa không thể tạo ra cuộc sống thực sự. Xin tkh. Emil L. Fackenheim, “Schelling’s Conception of Positive Philosophy”. The Review of Metaphysics. Tập 7, Số 4 (Jun., 1954), 563-582.

    Lấy từ nguồn: https://www.jstor.org/stable/20123402

  12. Grand Unified Theory – Wikipedia

  13. Chú thích cho độc giả ngoài Kitô giáo: χριστός/Christus mang nhiều ý nghĩa: Đấng được chọn, đấng được sức dầu làm lãnh tụ (annointed), đấng Cứu độ, Thiên tử, v.v. Tham khảo từ: W. Kramer, Christos, §65 trong Google Scholar.

  14. Bản tiếng Tây ban nha (Lima, Peru, 1971); bản tiếng Anh (Maryknoll, New York: Orbis Books, 1973).

  15. Dịch sang ngôn ngữ Đông phương, người Nhật và Tầu đều dịch là Hiện tượng học (現上學), và chúng ta cũng dựa vào lối dịch này. Xem Trần Thái Đỉnh, Hiện tượng học là gì? (Sài Gòn, 1973). Thực ra hiện tượng học chưa lột được hết ý nghĩa của Phänomenologie. Chúng ta hiểu hiện tượng học như là cái học về hiện tượng (study of phenomena), nhầm lẫn “hiện tượng học” trong PdG với phương pháp phân tích hiện tượng của Husserl. Cái học (study) chưa phải là logic theo truyền thống logos của thần học Kitô giáo, và logos trong triết học Hy lạp. Tương tự có một độ vênh, lệch đáng kể về ý nghĩa giữa Geist/spirit và tinh thần (清神). Điều mà Paul Feyerabend gọi là ‘incommensurability’ (lệch/dị chuẩn).Tkh. Paul Feyerabend, Against Method. (New York: Verso Books, 2010). Tái bản lần 4.

  16. Hegel cố ý hiểu logos (Λόγος) theo một nghĩa rộng bao gồm (1) logos của giới triết học Hy lạp như là nguyên lý (principle), nguyên nhân (reason), lý tính, (2) quan niệm của những nhà hộ giáo (apologists) vào thế kỷ đầu của đạo Thiên Chúa như Filo, Justinus coi logos như là Thánh Linh, Thiên Chúa, và đặc biệt (3) việc thánh Gio-an, tác giả Phúc Âm thứ 4, đồng nhất logos với Thiên Chúa: “Ἐν ἀρχῇ ἦν ὁ λόγος, καὶ ὁ λόγος ἦν πρὸς τὸν θεόν, καὶ θεὸς ἦν ὁ λόγος”. (John 1:1.) Bản dịch tiếng Việt: “Tự nguyên thủy đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời ở cùng Thiên Chúa, và Ngôi Lời chính là Thiên Chúa”.

  17. Trong lối hiểu của người Việt, thần nói lên tài năng thiên bẩm hơn người, thánh diễn tả sự thành đạt nhờ vào nỗ lực hơn người. Thí dụ “thần Siêu thánh Quát” chỉ ra tài văn chương của Nguyễn Văn Siêu (阮文超 1799-1872) và Cao Bá Quát (高伯适 1808 – 1855,) hai danh sĩ thời Nguyễn.

  18. Georg Lukács phát triển quan niệm này của Hegel trong tập sách Geschichte und Klassenbewußtsein. (1923), một tập sách nền tảng cho thuyết Tân Mác-xít (Neo-Marxism).

  19. Trong Lời Tựa §25, Hegel viết về Geist: ”Đây là Khái niệm cao cả nhất, lớn lao nhất vốn thuộc về thời hiện đại và nền tôn giáo của nó. Chỉ duy cái tinh thần mới là cái hiện thực…”. HTT, 47. Tôi nhấn mạnh in đậm chữ chữ “nền tôn giáo.” Geister được hiểu như nhà lãnh đạo tinh thần.

  20. Karl Marx, Das Kapital, Vorrede 2 (1867).

  21. Volksreligion und Christentum (Đạo Dân Gian và Đạo Kitô); Das Leben Jesu (Cuộc Đời Đức Giêsu); Die Positivität der christlichen Religion (Tính Thực Tại của Kitô Giáo); Der Geist des Christentums und sein Schicksal (Tinh Thần Đạo Kitô và Định Mệnh). Bốn tác phẩm này được Wilhelm Dilthey phát hiện và xuất bản trong tập Die Jugendgeschichte Hegels (1905), và được Hermann Nohl biên tập xuất bản năm 1907 (sau in lại năm 1929 và 1938). Löwith, 328, nhấn mạnh: “Nhóm Hegel trẻ chẳng ai biết gì về những tác phẩm này”. Ngoài 4 tác phẩm, trong bài này, chúng tôi cũng tham khảo những bài giảng về triết học tôn giáo của Hegel: Vorlesungen über die Philosophie der Religion, trong Werke in zwangzig Bänden, Tập 16 và tập 17 do E. Modldenhauer và Michel biên soạn, đã nhắc đến ở chú thích 1.

  22. Chú thích cho độc giả không quen thuộc với tín lý Ki tô giáo: Bí tích Thánh thể (Eucharistia/Eucharistie) là một trong bẩy “bí tích” (sacraments) nền tảng của đạo Công giáo, được thành lập bởi Đức Giêsu trong bữa tiệc cuối cùng với đồ đệ (Bữa Tiệc Ly), trước ngày người bị giết. Trong bữa tiệc, người phát bánh và rượu cho mỗi đồ đệ, dạy họ biết thương yêu nhau. Bánh tượng trưng cho thịt, rượu tượng trưng cho máu của người, nói lên tình yêu của người dành cho họ (và nhân loại). Tôi nhấn mạnh đến chữ tượng trưng, vì có một số người cố ý giải thích (sai lầm) Thánh thể theo nghĩa thông thường của “ăn thịt, uống máu”.

  23. Löwith, 14 và tiếp theo.

  24. S. Kierkegaard, Werke, Vols. I-XII, Jena 1909… / V, 78; VI, 67 / Löwith, 116.

  25. S. Kierkegaard, Concluding Unscientific Postscrift – A Critical Guide, Rick Anthony Furtak, ed. (Cambridge University Press, 2010).

  26. Trong phạm vi bài viết này chúng tôi không bàn tới ảnh hưởng của Hegel trên những trí thức thuộc hữu khuynh, những người muốn bảo toàn nội hàm (contents) của nền triết học và thần học của Hegel không bị xuyên tạc bởi tả phái. Goeschel, Gabler, Michelet… và ngay cả Bruno Bauer với tác phẩm đầu tiên là những người thuộc hữu khuynh (the right wing). Ngược lại, tả phải (the left wing) công kích nội hàm của tín lý Kitô giáo. Hữu phái bảo toàn Thánh Kinh theo truyền thống thần học, trong khi tả phái giải thích theo cái nhìn nhân học. Hữu phái, hay giới “Hegel già” (old Hegelians) là những học giả đúng nghĩa, tìm cách phát huy tinh thần Hegel bằng cách xuất bản những tác phẩm của Hegel, và thành lập trường phái Hegel. Đáng kể là những tên tuổi như Von Henning, Horto, Foerster, Marheinecke, Hinrich, Daub, Conradi và Schaller. Ngoài ra những giáo sư triết học như Haym, Erdman, Fisher và cả Rosenkranz cũng được coi thuộc về phe Hegel già (Löwith, 53-65).

  27. Phá bỏ thần thoại (Entmythologisierung/demythologization) được thần học gia Rudolf Butlmann (1884-1974) phát triển đến cao điểm vào đầu thế kỷ 20. Tkh. Rudolph Bultmann, Neues Testament und Mythologie. Das Problem der Entmythologisierung der neutestamentlichen Verkündigung (1941), Tái bản: Hamburg: Reich 1960.

  28. Baruch Spinoza, Ethica, ordine geometrico demonstrata (1677). Bản tiếng Anh: Ethics Proved in Geometrical Order, Michael Silverthorne dịch (Cambridge: Cambridge University Press, 2018).

  29. Về quan niệm tôn giáo của Marx, xin tkh. Trần Văn Đoàn, “The Marxist Critique of Religion”. Philosophical Review. No 18 (1995), 61-92.

  30. Löwith, 115

  31. Trong thư từ trao đổi với bạn bè từ năm 1866 đến 1870, Marx cũng đã nhắc đến việc ông chịu ảnh hưởng sâu đậm của Hegel. Cũng xin tkh. Karl Marx, Capital, Lời nói đầu, lần xuất bản thứ 2. 1867.

  32. Martin Heidegger, Holzwege (Pfullingen: Klostermann, 1972). Trong lời nói đầu, Heidegger giải thích Holzwege như sau: “Holz lautet ein alter Name für Wald. Im Holz sind Wege, die meist verwachsen jäh im Unbegangenen aufhören. Sie heißen Holzwege. Jeder verläuft gesondert, aber im selben Wald. Oft scheint es, als gleiche einer dem anderen. Doch es scheint nur so. Holzmacher und Waldhüter kennen die Wege. Sie wissen, was es heißt, auf einem Holzweg zu sein.”

  33. Paul Ricoeur, Freud and Philosophy. An Essay on Interpretation. Bản tiếng Anh của Denis Savage (New Haven, Connecticut: Yale University Press, 2008), 33.

  34. Paul Feyerabend (Against Method: Outline of an Anarchistic Theory of Knowledge (1975.) Bản in lần thứ 4. (New York, NY: Verso Books, 2010).

  35. Jean-Francois Lyotard, La condition postmoderne: rapport sur le savoir. (Paris: Minuit, 1979).

  36. Richard Rorty, Objectivity, Relativism and Truth: Philosophical Papers I. (Cambridge: Cambridge University Press, 1991).

  37. Bản dịch của Trần Văn Đoàn. “Trả lời câu hỏi: Chủ thuyết hậu hiện đại là gì?” – Triết học (https://triethoc.edu.vn)

  38. The Holy Spirit/ Sanctus Spiritus được dịch là “Chúa Thánh Thần” (theo tín lý Thiên Chúa Ba Ngôi), hay Chúa Thánh Linh hay Thần Khí. Riêng từ Thần Khí được sử dụng sau Công Đồng Vatican II do giới Thần học gia Trung Hoa của Đh Fujen (Phụ Nhân) như Trương Xuân Thân, Phương Chí Long… đề ra và được Giáo hội Công giáo Trung hoa, và cả Việt Nam sử dụng. Khí, một quan niệm của Đạo giáo, không chỉ có khí tốt, mà còn có khí xấu (âm khí, ám khí, tử khí…), nên khi sử dụng để dịch The Holy Spirit vẫn còn nhiều ý kiến không đồng thuận.