Press "Enter" to skip to content

Về Đại hội Triết học Thế giới

Về Đại hội Triết học Thế giới lần thứ XXV (Rome, Italy 1-8/8/2024) và

Đại hội Triết học Thế giới lần thứ XXIV (Bắc Kinh, Trung Quốc 13-20/8/1018)

Hồ Sĩ Quý [1]*

1. Vài nét về lịch sử Đại hội triết học thế giới

2. Đại hội Triết học thế giới XXV Rome, Italy 8/2024

3. Đại hội Triết học Thế giới lần thứ XXIV Bắc Kinh, Trung Quốc 8/2018

4. Lời kết

1. Vài nét về lịch sử Đại hội triết học thế giới

Đại hội triết học thế giới (World Congress of Philosophy – WCP) là sự kiện quan trọng nhất và lớn nhất của giới triết học và của các Hội Triết học trên toàn thế giới được tổ chức thường kỳ 5 năm một lần, theo Điều lệ của Liên đoàn quốc tế các Hội triết học (FISP – Fédération Internationale des Sociétés de Philosophie).

Đại hội lần đầu tiên được tổ chức tại Paris, năm 1900. Từ Đại hội Paris 1990 đến Vienna 1968 tên gọi của Đại hội là International Congress of Philosophy (ICP). Từ sau đó tên gọi của Đại hội là World Congress of Philosophy (WCP). Các Đại hội gần đây là Đại hội XIX Moscow, Nga năm 1993; XX Boston, Mỹ năm 1998; XXI Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ năm 2003; XXII Seoul, Hàn Quốc năm 2008; XXIII Athens, Hy Lạp năm 2013; và XXIV Bắc Kinh, Trung Quốc năm 2018[2].

Kết thúc Đại hội XXIV 2018 Bắc Kinh, Liên đoàn các Hội triết học thế giới đã ra quyết định, Đại hội XXV tiếp theo sẽ được tổ chức ở Australia năm 2023. Nhưng đại dịch Covid 19 đã làm thay đổi lịch trình. Năm 2019 FISP quyết định phải hoãn Đại hội XXV đến năm 2024 tại Rome, Italy.

Trong lịch sử các kỳ Đại hội hơn 125 năm qua, đây là lần thứ ba Đại hội không tổ chức được theo đúng kế hoạch. Từ Đại hội IV tại Bologna, Đức năm 1911 phải tới 13 năm sau, năm 1924 Đại hội V mới tổ chức ở Naples năm 1924; cũng như vậy, từ Đại hội IX tổ chức ở Paris năm 1938 phải tới 11 năm sau, năm 1948 Đại hội X mới được tổ chức trở lại tại Amsterdam, Hà Lan. Hai cuộc Chiến tranh thế giới I và II và Đại dịch Covid 19 đã làm gián đoạn các kỳ Đại hội. Chỉ có những tai hoạ lớn (mà tiếc rằng lại phần lớn là những nhân hoạ) mới làm gián đoạn được tiếng nói của các nhà triết học.

Tháng 8 tới đây, các nhà triết học khắp các châu lục lại hẹn nhau gặp gỡ tại tại Rome, Italy trong Đại hội XXV.

2. Đại hội Triết học thế giới XXV Rome, Italy 8/2024

Đại hội XXV sẽ được tổ chức tại Rome, Italy từ ngày 01 đến ngày 8 tháng 8 năm 2024. Theo thông báo của Hiệp hội Triết học Italy, đến nay, lịch trình chi tiết của Đại hội đã chuẩn bị xong. Chủ đề của Đại hội lần này được xác định là “Triết học vượt qua các rào cản” (Philosophy across Boundaries”; Theo cách giải thích của một số học giả, chủ đề này cũng có thể hiểu là “Triết học xuyên qua các ranh giới” hay “Triết học xuyên qua các biên giới”).

Quyết định của Hiệp hội Triết học Italy, Đại học Sapienza và cộng đồng triết học Italy về việc Rome đăng cai Đại hội Triết học Thế giới XXV được đưa ra trong những ngày u ám của Đại dịch Covid-19, đã củng cố thêm cho giới triết học thế giới tư tưởng về việc giữ gìn những truyền thống lâu bền của triết học. Có lịch sử trải dài gần 30 thế kỷ, gần 5 triệu dân, Roma là thành phố lớn nhất ở Italy, thứ ba ở EU. Với câu thành ngữ nổi tiếng từ thời Đế quốc “Mọi con đường đều dẫn đến Roma”, Roma là đầu não của một trong những nền văn minh vĩ đại nhất thế giới, là thủ đô của thời đại Phục Hưng, là quê hương của nhiều vĩ nhân kiệt xuất của nhân loại, trong đó có những nhà triết học có ảnh sâu rộng xuyên nhiều thế kỷ. Không chỉ là thành phố của những cảnh quan ngoạn mục, những di sản nghìn năm độc đáo, Rome còn là một trong những thủ phủ của nền triết học Hy lạp – La mã cổ đại, nơi xuất phát của tất cả các loại thế giới quan triết học ngày nay.

“Triết học vượt qua các rào cản” theo Luca Maria Scarantino, Chủ tịch Liên đoàn FISP, là chủ đề thể hiện một tinh thần quốc tế về nền văn minh xuất phát từ huyền thoại một người tị nạn thành Troia tên là Aeneas đào thoát trên chiếc bè qua Địa Trung Hải đến tị nạn trên bờ biển Latium, thành lập đô thị cổ Rome[3].

Theo bà Suwanna Satha-Anand, Tổng thư ký Liên đoàn FISP, sau Đại hội Bắc Kinh 2018, việc phân chia triết học giữa Đông và Tây, Cổ đại và Hiện đại, giữa châu Âu và phần còn lại của thế giới… với chỉ ít ỏi một số vĩ nhân, sẽ trở nên chật hẹp. Nhìn từ góc độ này, Rome là địa điểm hoàn hảo cho WCP XXV, vì Rome luôn là điểm gặp gỡ của thế giới, nơi gieo mầm hy vọng để triết học “giúp nhân loại hiểu biết sâu sắc hơn về tình trạng người và phi con người trong thế kỷ đầy biến động và dễ bị tổn thương này” (hope to help make better sense for the human and non-human condition in this volatile and vulnerable century[4]).

  • Các phiên hội thảo, hội nghị của Đại hội XXV

Tương tự như Đại hội các kỳ trước, các tham luận triết học được trình bày tại 9 hình thức hội thảo, hội nghị: Hội nghị toàn thể (Plenary Sessions); Hội thảo chuyên đề (Symposia): Các tiểu ban của Đại hội (Sections for Contributed Papers); Thuyết trình đặc biệt (Endowed Lectures); Chủ đề được đề xuất hoặc đặt hàng (Invited Sessions); Hội thảo bàn tròn (Round Tables); Hội thảo của các Hội Triết học (Society Sessions); Hội thảo dành cho sinh viên (Student Sessions); và Hội nghị chuyên biệt (Special Sessions), đến nay, 2/2024 các đăng ký cho Hội nghị chuyên biệt chưa thấy được FISP công bố.

2.1. Hội nghị toàn thể: Ngoài phiên khai mạc và bế mạc, Đại hội XXV sẽ tổ chức 15 phiên toàn thể với các nội dung như sau:

2.1.1. Khai mạc tổ chức vào 21:30 ngày 01/8/2024.

    1. Các phiên toàn thể và Hội thảo chuyên đề (Plenary & Symposia)

Theo chúng tôi hiểu, Đại hội dùng 15 phiên toàn thể và Hội thảo chuyên đề để thảo luận về những “Quyển giới hạn” (Spheres of Boundaries) mà triết học cần phải phải xem xét liệu nó có khả năng vượt qua hoặc xuyên thủng được được hay không. Quyển giới hạn đó được bàn thảo ở 5 chủ đề “Cá nhân, Sự chuyển đổi, Công bằng, Trái đất và Sự vô cùng tận”. Đúng là vượt qua được giới hạn của cá nhân, của sự công bằng, của trái đất và nhất là của sự vô cùng tận… là điều nan giải. Biên giới của vũ trụ, của xã hội, của lý trí và của tâm hồn con người… đều được đề cập đến ở đây. Tuy vậy, những tham luận sẽ trình bày ở cả 5 chủ đề này, như liệt kê dưới đây, dường như còn khá xa với ý tưởng về những rào cản mà triết học cần phải vượt qua.

  • Chủ đề “Cá nhân” (Personae)
  1. Phiên toàn thể: Các phương án thực thi (Embodiments). Chủ trì: Dismas A. Masolo (Kenya). Diễn giả: Antonis Hatzimoysis (Hy Lạp), Hanétha Vété-Congolo (Pháp).
  2. Hội thảo chuyên đề: Phụ nữ trong lịch sử triết học (Women in the History of Philosophy). Chủ trì: Ruth Hagengruber (Đức). Diễn giả: Marie-Pauline Eboh (Nigeria), Heisook Kim (Hàn Quốc), Mary Ellen Waithe (Mỹ).
  3. Hội thảo chuyên đề: Trí tuệ nhân tạo và các dạng lý trí khác (Artificial Intelligence and other Kinds of Minds). Chủ trì: TBC. Diễn giả: Maria Chiara Carrozza (Italy), David Chalmers (Autralia), Yi Zeng (Trung Quốc).
  • Chủ đề “Chuyển đổi” (Transitions)
  1. Phiên toàn thể: “Tri thức và tính dễ bị tổn thương”. Chủ trì: Catriona McKenzie (Australia). Diễn giả:Veena Das (Ấn Độ), Kristie Dotson (Mỹ)
  2. Hội thảo chuyên đề (Symposium): Giao lưu liên văn hoá trong thế giới cổ đại (cross-cultural exchanges in the ancient world). Chủ trì: Emidio Spinelli (Italy). Diễn giả: Felix Chami (Tanzania), Dorota Dutch (Ba Lan), Johannes Preiser-Kapeller (Áo)
  3. Hội thảo chuyên đề: Dịch thuật, óc tưởng tượng và tính liên ngành (translation, imagination, interdisciplinarity). Chủ trì: Vasso Kindí (Hy Lạp). Diễn giả: Cecilia Martini (Italy), Mayuko Uehara (Nhật Bản).
  • Chủ đề “Công bằng” (Justice)
  1. Phiên toàn thể: Quyền công dân, quyền chăm sóc và quyền tự quyết (citizenship, care, and self-determination). Chủ trì: Bai Tongdong (Trung Quốc). Diễn giả: Seyla Benhabib (Mỹ), Rahel Jaeggi (Thụy Sĩ), Soumaya Mestiri (Tunisia).
  2. Hội thảo chuyên đề: Sự bất công về mặt nhận thức, quyền lực và đấu tranh (Epistemic Injustice, Power, and Struggle). Chủ trì: Walter Mignolo (Argentina), Diễn giả: Linda Martín Alcoff (Mỹ), Olufemi Taiwo (Nigeria).
  3. Hội thảo chuyên đề: Lòng tin, sự thật và tri thức (Trust, Truth, and Knowledge). Chủ trì: João Carlos Salles (Brazil), Diễn giả: Manuel García-Carpintero (Tây Ban Nha), Sybille Kramer (Đức), Michele Moody-Adams (Mỹ).
  • Chủ đề “Trái đất” (Earth)
  1. Phiên toàn thể: Cuộc sống trong một thế giới bền vững (Living in a Sustainable World). Chủ trì: Carolina Scotto (Argentina). Diễn giả: Bina Agarwal (Ấn Độ), Jeffrey Sachs (Mỹ).
  2. Hội thảo chuyên đề: Đa dạng sinh học và môi trường (Biodiversity and the Environment). Chủ trì: Workineh Kelbessa (Ethiopia). Diễn giả: Yomna T. Elkholy (Ai Cập), Dale Jamieson (Mỹ).
  3. Hội thảo chuyên đề: đạo đức và tồn tại sống (Ethics and Living Beings). Chủ trì: Mary Evelyn Tucker (Mỹ). Diễn giả: Masaki Ichinose (Nhật Bản).
  • Chủ đề “Vô cùng tận” (Infinity)
  1. Phiên toàn thể: Trống rỗng và trải nghiệm (Emptiness and Experience). Chủ trì: Adriano Fabris (Ytaly). Diễn giả: Jay L. Garfield (Autralia), Thomas P. Kasulis (Mỹ), Claire Petitmengin (Pháp).
  2. Hội thảo chuyên đề: Vẻ đẹp, sự quyến rũ và ân sủng (Beauty, Glamour, and Grace). Chủ trì: Alexander Nehamas (Hy Lạp), Diễn giả: Eva Man Kit Wah (Hồng Kông), Nkiru Nzegwu (Nigeria).
  3. Hội thảo chuyên đề: Tạm thời và định chế (Temporality and Agency). Chủ trì: Maria José Frápolli (Tây Ban Nha). Diễn giả: Jocelyn Benoist (Pháp), Jennifer Hornsby (Anh), Muhammad Ali Khalidi (Lebanon).

2.2. Các tiểu ban chuyên môn của Đại hội (Thematic Sections)

Hình thức sinh hoạt chủ yếu và quan trọng của các Đại hội được coi là ở các tiểu ban. Đại hội lần này có 89 tiểu ban chuyên môn diễn ra đồng thời, nhằm bàn luận và công bố các tư tưởng mới của các nhà triết học. So với Đại hội XXIV thì số lượng các tiểu ban của Đại hội lần này có ít hơn (89/99). Một số nội dung của các tiểu ban cũng có những thay đổi so với 6 năm trước.

Tại tiểu ban 12 “Triết học Đông Á và Đông Nam Á” (East Asian and South – East Asian Philosophies), GS.TS. Phạm Văn Đức, nhà triết học Việt Nam, Uỷ viên Uỷ ban điều hành Liên đoàn FISP, tham gia chủ trì. Sau đây là 89 tiểu ban của Đại hội.

  1. Aesthetics and Philosophies of Art (Mỹ học và triết học nghệ thuật).
  2. African Philosophy (Triết học Phi châu).
  3. Africana Philosophy (Triết học Phi châu ở ngoài châu Phi).
  4. Bioethics and Medical Ethics (Đạo đức sinh học và Đạo đức y học).
  5. Buddhist Philosophy (Triết học Phật giáo).
  6. Chinese Philosophy (Triết học Trung Hoa).
  7. Christian Philosophy (Triết học Kyto giáo).
  8. Comparative, Intercultural, and Cross-Cultural Philosophy (Triết học so sánh, Triết học liên văn hoá và Triết học xuyên văn hoá).
  9. Confucian Philosophy (Triết học Khổng giáo).
  10. Contemporary Philosophy (Triết học đương đại)
  11. Daoist Philosophy (Triết học đạo gia).
  12. East Asian and South-East Asian Philosophies (Triết học Đông Á và Đông Nam Á)
  13. Economic Philosophy and Business Ethics (Triết học kinh tế và kinh doanh).
  14. Environmental Philosophy and Sustainability (Triết học môi trường và phát triển bề vững)
  15. Ethics (Đạo đức học).
  16. Ethics of Artificial Intelligence (Đạo đức học của trí tuệ nhân tạo).
  17. Experimental Philosophy (Triết học Kinh nghiệm).
  18. Feminist Philosophy (Triết học nữ quyền).
  19. Game Theory (Lý thuyết trò chơi).
  20. Gender and Queer Philosophy (Triết học giới tính và đồng tính).
  21. Greek, Roman, and Byzantine Philosophy (Triết học Hy Lạp, La Mã và Byzantine).
  22. Hermeneutics (Thông diễn học/hoặc Chú giải học).
  23. History of Analytic Philosophy (Lịch sử triết học phân tích).
  24. History of Philosophy (Lịch sử triết học).
  25. Human Rights (Quyền con người).
  26. Indian Philosophies (Triết học Ấn độ).
  27. Intersectionality (Tính giao nhau)
  28. Islamic Philosophy (Triết học Islam).
  29. Italian Philosophical Traditions (Truyền thống triết học Italy).
  30. Jewish philosophy (Triết học Do thái).
  31. Latin-American Philosophy (Triết học Mỹ Latinh).
  32. Logic and Philosophy of Logic (Logic và triết học logic).
  33. Marxist Philosophy (Triết học Macxit).
  34. Medical Humanities and Philosophy of Medicine (Nhân văn y tế và triết học y học).
  35. Medieval Philosophy (Triết học Trung cổ).
  36. Metaethics (Siêu đạo đức).
  37. Metaphilosophy (Siêu triết học).
  38. Metaphysics (Siêu hình học).
  39. Moral Psychology (Tâm lý học đạo đức).
  40. Mystical Traditions in Philosophy (Truyền thống huyền học trong triết học).
  41. Ontology (Bản thể luận).
  42. Phenomenology and Existential Philosophy (Hiện tượng học và triết học hiện sinh).
  43. Philosophical Anthropology (Nhân học triết học).
  44. Philosophical Counseling and Practices (Tư vấn và thực hành triết học).
  45. Philosophical Issues about Race (Các vấn đề triết học về chủng tộc).
  46. Philosophy, Film, and TV Series (Triết học, Phim và Phim truyền hình nhiều tập).
  47. Philosophy and Literature (Triết học và Văn học).
  48. Philosophy and Oral Traditions (Triết học và truyền thống truyền miệng).
  49. Philosophy and Popular Culture (Triết học và văn hóa đại chúng).
  50. Philosophy and Psychoanalysis (Triết học và Phân tâm học).
  51. Philosophy of Action (triết học hành vi).
  52. Philosophy of Aging (Triết học về sự lão hoá).
  53. Philosophy of Argumentation (Triết học tranh biện).
  54. Philosophy of Birth (Triết học của sự sinh ra con người).
  55. Philosophy of Childhood (Triết học về tuổi thơ).
  56. Philosophy of Cognitive Neurosciences (Triết học về khoa học thần kinh nhận thức)
  57. Philosophy of Culture (Triết học văn hoá).
  58. Philosophy of Death (Triết học về cái chết).
  59. Philosophy of Dwelling (Triết học về nơi cư trú).
  60. Philosophy of Education (Triết học giáo dục).
  61. Philosophy of Food (Triết học ẩm thực).
  62. Philosophy of Globalization and Migration (Triết học về toàn cầu hoá và di dân).
  63. Philosophy of History (triết học lịch sử).
  64. Philosophy of Indigenous Cultures (Triết học về văn hóa bản địa).
  65. Philosophy of Information and Digital Culture (Triết học về văn hoá thông tin và văn hoá số).
  66. Philosophy of Language and Linguistics (Triết học về ngôn ngữ và ngôn ngữ học).
  67. Philosophy of Law (Triết học pháp quyền).
  68. Philosophy of Liberation (Triết học về tự do).
  69. Philosophy of Mathematics (triết học toán học).
  70. Philosophy of Mind (Triết học trí tuệ).
  71. Philosophy of Music and the Performing Arts (Triết học âm nhạc và biểu diễn nghệ thuật).
  72. Philosophy of Physics (Triết học của vật lý).
  73. Philosophy of Religion (Triết học tôn giáo).
  74. Philosophy of Science (Triết học của khoa học).
  75. Philosophy of Sexuality (Triết học tình dục).
  76. Philosophy of Sport (Triết học thể thao).
  77. Philosophy of Technology (Triết học công nghệ học).
  78. Philosophy of the Human and Social Sciences (Triết học về con người và KHXH).
  79. Philosophy of the Life Science (Triết học về khoa học sự sống).
  80. Philosophy of Values (Triết học giá trị).
  81. Philosophy with Children (Triết học trẻ em).
  82. Political Philosophy (Triết học chính trị).
  83. Renaissance and Early Modern Philosophy (Triết học Phục hưng và tiền Hiện đại).
  84. Russian Philosophy (Triết học Nga).
  85. Social Epistemology (Tri thức luận xã hội).
  86. Social Philosophy (triết học xã hội).
  87. Teaching Philosophy (Triết học giảng dạy).
  88. Theories of Knowledge and Epistemology (Lý luận về tri thức luận và nhận thức luận).
  89. Utopia (Thuyết không tưởng)

2.3. Thuyết trình đặc biệt (Endowed Lectures): Đại hội đã quyết định sẽ tổ chức 7 thuyết trình đặc biệt gồm:

  1. Về “Ibn Roshd”. Diễn giả: Evandro Agazzi (Italy), Hội triết học Thổ Nhĩ Kỳ.
  2. Về “Simone de Beauvoir” Diễn giả: Nancy Tuana (Mỹ), Ủy ban về Giới của FISP.
  3. Về “Maimonides”. Diễn giả: Chờ xác nhận, FISP
  4. Về “Kant”. Diễn giả: Barbara Herman (Mỹ), Tổ chức Kant-Gesellschaft
  5. Về “Kierkegaard”. Diễn giả: Joakim Garff (Đan Mạch), Trung tâm nghiên cứu Kierkegaard, Đại học Copenhagen.
  6. Về “Dasan”. Diễn giả: Lee Tae-soo (Hàn Quốc), Hội Triết học Hàn Quốc
  7. Về “Wang Yangming”. Diễn giả: Chờ xác nhận, Đại học Bắc Kinh.

2.4. Hội thảo bàn tròn (Round Tables):

Tới ngày 24/2/2024 trên Website chính thức của Đại hội, hơn 200 Hội thảo bàn tròn về các chủ đề cụ thể đã được FISP phê duyệt. Trong khi đó Ban tổ chức vẫn tiếp tục mời các Hội triết học đề xuất thêm. Theo thể lệ Đại hội, Hội thảo bàn tròn thường diễn ra khoảng 120 phút. Một hội thảo phải có các diễn giả từ ít nhất 3 quốc gia và phải được FISP chấp thuận. Trong số hơn 200 chủ đề đã được phê duyệt, chúng tôi thấy có một số chủ đề đáng chú ý như sau:

  1. Vượt qua ranh giới: Con người và hiện thực tối thượng (Transcending Boundaries: Humans and Ultimate Reality). Chủ trì: Katia Lenehan (Đài Loan). Tham gia: Li Bernard, Trần Văn Đoàn, Selvamani Maria John P., Chan Tak Kwong, Chen Wen Hsiang, Su Ying-Fen.
  2. “Con tàu triết học 2022: Làn sóng di cư mới sau 24/02” (“Philosophy Steamer” 2022: the new wave of emigration after 24/02). Chủ trì: Ekaterina Rozova (Nga). Tham gia: Berdnikova Aleksandra, Ebanoidze Igor, Nemtsev Mikhail, Podoroga Ioulia, Akopov Sergei, Sineokaya Yulia, Biriukov Dmitry. (“Con tàu triết học” (Философский пароход) là sự kiện những con tàu chở các nhà triết học Nga di cư ra nước ngoài những năm 1920-1923, trong đó có những nhà triết học tên tuổi như N.A. Berdyaev, V.F. Bulgakov, P.A. Sorokin, N.A. Kotlyarevsky, S.E. Trubestoi, S.L. Frank…[5]).
  3. “Dự án triết học tôn giáo toàn cầu và phản ứng của Đông Nam Á” (The global philosophy of religion Project and the response of Southeast Asia). Chủ trì: Jeremiah Joven Joaquin (Philippines). Tham gia: Nagasawa Yujin, Hongladarom Soraj, Biana Hazel.
  4. Dân chủ và chủ nghĩa dân túy trong thời đại kỹ thuật số (Democracy and Populism in the Digital Age). Chủ trì: Gabriele Münnix (Đức). Tham gia: Bringeland Hans, Feldmann Klaus, Karageorgieva Aneta, Pozzo Riccardo, Boteva-Richter Bianca.
  5. Nietzsche và Âm nhạc (Nietzsche and Music). Chủ trì: Aysegul Durakoglu (Mỹ). Tham gia: Stefan Lorenz, Prange Martine.
  6. Triết học Đông Nam Á nửa đầu thế kỷ 21 (Southeast Asian Philosophy in the Second Quarter of the 21st Century). Chủ trì: Soraj Hongladarom (Thái Lan). Tham gia: Satha-anand Suwanna, Young Joaquin Jeremiah, Blumson Be
  7. “Bản ngã” (The Emplaced Self). Chủ trì: Laura Candiotto (Italy). Tham gia: Candiotto Laura, Ghilardi Marcello, Gallagher Shaun, Malpas Jeff, Hashimoto Noriko, O’Donnell Katherine.
  8. Nguồn gốc – Mục tiêu Nhân chủng học và cuộc khủng hoảng của nền văn minh đồ đá mới (Origin is the goal Anthropogenesis and the Crisis of Neolithic Civilization). Chủ trì: Vincenzo Cuomo (Italy). Tham gia: De Conciliis Eleonora, Caignard Gael, Pacilio Annamaria.
  9. Siêu việt và những biến thái của nó (The Trascendental and its Metamorphoses). Chủ trì: Gaetano Rametta (Italy). Tham gia: Radrizzani Ives, Tamborini Marco, Seron Denis.
  10. “Chỉ có tự do mới có thể làm cho chúng ta mạnh mẽ, khôn ngoan và hạnh phúc: Germana Ernst và triết học thời đại Phục hưng. Chủ trì: Antonella Del Prete (Italy). Tham gia Bertolini Manuel, Couzinet Dominique, De Lucca Jean-Paul, Giglioni Guido, Plastina Sandra, Ponzio Paolo, Ricci Saverio

2.5. Chủ đề được đề xuất hoặc đặt hàng (Invited Sessions):

Tới ngày 24/2/2024 trên Website chính thức của Đại hội, hơn 50 Hội thảo theo chủ đề được Uỷ viên Uỷ ban điều hành FISP đề xuất hoặc đặt hàng, đã được FISP phê duyệt. Ban tổ chức vẫn tiếp tục mời các Hội triết học đề xuất thêm. Chúng tôi thấy có một số chủ đề đáng chú ý như sau:

  1. Ý nghĩa cuộc sống: Nguồn gốc và tương lai (The Meaning of Life: Origin and Future). Chủ trì: Mirela Oliva (Mỹ). Tham gia: Stephen Leach, James Tartaglia, Jacob Fox.
  2. Khoa học trong một xã hội tự do: kỷ niệm 100 năm ngày sinh Paul Feyerabend (Science in a Free Society. On the 100th Centenary of Paul Feyerabend). Chủ trì: Ilya Kasavin (Nga). Tham gia: Alexander Ruser, Olga Stoliarova, Jan Schmidt, Ivana Renic, Elena Chebotareva, Lada Shipovalova, Tatiana Sokolova, Eugeniy Maslanov, Liana Tukhvatulina, Alexandra Argamkova.
  3. Chủ nghĩa Marx và triết học Ý (Marxism and Italian Philosophy). Chủ trì: Tom Rockmore (Trung Quốc). Tham gia: Edoardo Raimondi, Piergiorgio Della Pelle, Claudio Tuozzolo.
  4. Triết học Mác và nền văn minh hiện đại (Marxist Philosophy and Modern Civilization). Chủ trì: Fengyu Zang (Trung Quốc). Tham gia: Roland Boer, Liangbin Wang, Hannes Fellner, Gabriel Rockhill, Bo Wei, Moritz Kuhlmann.
  5. Sự phát triển và triển vọng của triết học kinh tế hiện nay (Developments and Prospects of Economic Philosophy in Contemporary). Chủ trì: G. Zhang (Trung Quốc). Tham gia: Xiaoping Wei, Luz Hu, Di K. Ang, Nan Hai Wei.
  6. Nghiên cứu “Triết học Nga” ngày nay: Thách thức và triển vọng (Studying “Russian Philosophy” Today: Challenges and Perspectives). Chủ trì: Daniela Steila (Italy). Tham gia: Aleksandra Berdnikova, Liisa Bourgeot, Diana Gasparyan, Artemy Magun, Evert van der Zweerde

2.7. Hội thảo của các Hội Triết học (Society Sessions):

Cho đến 24/2/2024, hơn 40 Hội triết học thành viên đã đề nghị tổ chức các hội thảo và đã được FISP chấp thuận, trong đó có:

  1. Hội đồng Nghiên cứu Giá trị và Triết học (Mỹ)
  2. Viện Hàn lâm Triết học Khoa học Quốc tế
  3. Hội triết học Trung Quốc ở Bắc Mỹ
  4. Hiệp hội châu Âu về triết học Trung Quốc
  5. Hiệp hội quốc tế các nhà triết học nữ
  6. Hiệp hội quốc tế về Socrate
  7. Hội triết học Hàn Quốc
  8. Hội triết học Philippines
  9. Hội triết học Thụy Sĩ
  10. Viện Triết học của Viện Khoa học Xã hội Thượng Hải
  11. Viện Khoa học Xã hội Thượng Hải
  12. Viện đạo đức sinh thái Tomonobu Imamichi

* * *

Có thể thấy, các hoạt động của Đại hội Triết học thế giới XXV rất phong phú, đa dạng và hứa hẹn nhiều nội dung thu hút sự quan tâm của không chỉ giới triết học. Chúng tôi được biết, một số nhà nghiên cứu Việt Nam (trong và ngoài triết học, trong nước và ở nước ngoài) đã gửi tham luận và đã được Đại hội chấp thuận. Tuy vậy, trên Website của Đại hội không thông báo công khai những người sẽ tham gia.Thật vinh hạnh và may mắn cho những ai được trực tiếp tham dự Đại hội Roma vào mùa thu này.

Để hiểu hơn các vấn đề triết học mà các nhà triết học đang quan tâm, sau đây chúng tôi xin trình bày kỹ hơn về Đại hội kỳ trước, lần thứ XXIV tại bắc Kinh, Trung Quốc.

3. Đại hội Triết học thế giới lần thứ XXIV Bắc Kinh, Trung Quốc, 8/2018.

10 giờ ngày 13/8/2018 tại Đại Lễ đường Nhân dân trên quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh, Trung Quốc, Đại hội Triết học thế giới lần thứ XXIV đã khai mạc. Đây là lần thứ hai Đại hội Triết học thế giới được tổ chức tại châu Á; lần đầu tiên Đại hội được tổ chức tại Seoul, Hàn Quốc năm 2008. Đại hội lần này diễn ra trong 8 ngày, từ 13/8 đến 20/8. Ngoài phiên khai mạc và một số ít các phiên tổ chức tại Đại học Bắc Kinh, các phiên còn lại được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc gia.

Chủ đề của Đại hội XXIV được phía Trung Quốc đề xuất từ trước là “Học để làm người” (Learning to be Human 学以成人) dựa trên nền tảng học thuật của triết học truyền thống Trung Hoa. Nhiều báo chí Trung Quốc nhấn mạnh điều này. Chủ đề này được coi là vấn đề lớn, đặc biệt quan trọng, đáng phải xem xét từ góc độ triết học và đã được các Hội triết học không chỉ khu vực Âu Mỹ, mà cả ở Châu Phi, Mỹ Latinh, Ấn Độ… chấp thuận. Theo thông báo của Ban tổ chức, Đại hội nhận được khoảng hơn 5.000 tham luận của hơn 7.000 học giả. Số người đăng ký khoảng 8000 người, nhưng trực tiếp đến tham dự có hơn 6.000, trong đó có khoảng 2.000 học giả từ 121 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây cũng là Đại hội đầu tiên mà người tham dự từ nước chủ nhà có số lượng áp đảo.

Chủ trì Lễ khai mạc Đại hội là Lin Jianhua (Lâm Kiến Hoa 林建华), Hiệu trưởng Đại học Bắc Kinh và Chủ tịch Ủy ban tổ chức Đại hội của phía Trung Quốc; GS. Wang Bo (Vương Bác 王博), Bí thư đảng uỷ, Phó hiệu trưởng Đại học Bắc Kinh, Giám đốc điều hành Ban Tổ chức Đại hội; GS. Dermot Moran, Chủ tịch Liên đoàn quốc tế các Hội triết học FISP; GS. Luca Maria Scarantino, Tổng thư ký Liên đoàn quốc tế các Hội triết học (FISP). Cấp cao nhất từ phía Trung Quốc đến dự và phát biểu tại Lễ khai mạc là Bộ trưởng Bộ Giáo dục GS. Chen Baosheng (Trần Bảo Sinh 陈宝生).

Trong bài phát biểu tại Lễ Khai mạc, GS. Lin Jianhua, Hiệu trưởng Đại học Bắc Kinh đã nhắc lại lịch sử và đặc điểm học thuật của lĩnh vực nhân văn của Đại học Bắc Kinh trong 100 năm qua và giải thích mối quan hệ giữa “học để thành người” với giáo dục đại học ngày nay. GS. Luca Maria Scarantino, Tổng thư ký FISP điểm lại quá trình chuẩn bị Đại hội và bàn luận về mối quan hệ giữa triết học và tinh thần của thời đại. GS. Dermot Moran, Chủ tịch FISP nhấn mạnh trách nhiệm và giá trị của triết học đương đại trước những thách thức mà ngày nay con người phải đối mặt[6]. Bộ trưởng Chen Baosheng đề cập đến tư tưởng về “Hòa nhi bất đồng” (和而不同), “Thành dĩ đạt nhân” (成己达人) và “Tự nhiên vô vi” (自然无为) trong triết học truyền thống Trung Quốc. Theo ông, việc Đại hội tổ chức tại Trung Quốc sẽ thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa Trung Quốc và thế giới và thúc đẩy sự phát triển của triết học Trung Quốc[7]. Các diễn giả chủ nhà đều ít nhiều nhắc tới tầm quan trọng của sự hiểu biết lẫn nhau giữa Triết học truyền thống Trung Quốc và triết học thế giới, giữa Trung Quốc và thế giới.

3.1. Các phiên hội thảo, hội nghị của Đại hội XXIV

3.1.1. Hội nghị toàn thể

Ngoài phiên khai mạc và bế mạc, Đại hội XXIV đã tổ chức 5 Hội nghị toàn thể với các nội dung:

  1. Về “Self” (Bản ngã). GS. Suwanna Satha-Anand (Thái Lan) điều hành với các tham luận của Sara Heinämaa (Phần Lan), Ni Liangkang (Trung Quốc) và Theophilus Okere (Nigeria).
  2. Về “Cộng đồng” (Community). GS. Abdoulaye Elimane Kane (Senegal) điều hành với các tham luận của Roger T. Ames (Mỹ), Kunitake Ito (Nhật bản), Herta Nagl-Docekal (Áo), và Obi Oguejiofor (Nigeria).
  3. Về “Tự nhiên” (Nature). GS. Demetra Sfendoni-Mentzou (Hy Lạp) điều hành với các tham luận của Guillermo Hurtado (Mexico), Sebastian Rödl (Đức), Peter Singer (Australia) và Yang Guorong (Trung Quốc).
  4. Về “Tinh thần” (Spirituality). GS. Han Zhen (Trung Quốc) điều hành với các tham luận của Richard Kearney (Mỹ) và Hans-Julius Schneider (Đức).
  5. Về “Truyền thống” (Traditions). GS. Karan Singh (Ấn Độ) điều hành với các tham luận của Anne Cheng (Pháp), Mercedes De La Garza (Mexico), Paulin J. Hountondji (Benin) và Zhao Dunhua (Trung Quốc).

Gọi là phiên Plenary Sessions, nhưng lại diễn ra đồng thời với các phiên khác, nên một số phiên toàn thể tại Đại hội lần đó cũng không thật đông người tham dự.

3.1.2. Hội thảo chuyên đề (Symposia)

Đại hội XXIV Bắc Kinh tổ chức 9 Hội thảo chuyên đề:

  1. “Nhân, nhân đạo, tình yêu và trái tim” (Ren, Ubuntu, Love, and the Heart). GS. Pia Søltoft (Đan Mạch) điều hành với các tham luận của Graham Parkes (Scotland), Mogobe Ramose (Nam Phi), Eileen Sweeney (Mỹ) và Zhang Xianglong (Trung Quốc).
  2. “Tâm thức, não bộ, thân thể, ý thức và cảm xúc” (Mind, Brain, Body, Consciousness, Emotions) GS. Evandro Agazzi (Italy) điều hành với các tham luận của Amita Chatterjee (Ấn Độ), Shaun Gallagher (Mỹ) và Zhang Shiying (Trung Quốc).
  3. “Triết học cận biên: Thống trị, Tự do và Đoàn kết” (Philosophy at the margins: Domination, Freedom, and Solidarity). GS. Wu Xiaoming (Trung Quốc) điều hành với các tham luận của Charles-Romain Mbelé (Cameroon) và Sally J. Scholz (Mỹ).
  4. “Quyền, Trách nhiệm và Công lý” (Rights, Responsibility, and Justice). GS. Bhuvan Chandel (Ấn Độ) điều hành với các tham luận của Sally Haslanger (Mỹ), Julian Nida-Ruemelin (Đức) và Chaiwat Satha-anand (Thái Lan).
  5. “Con người, Phi Con người, Hậu con người” (Human, Non-Human, Post-Human). GS. Feng Ziyi (Trung Quốc) điều hành với các tham luận của Sangkyu Shin (Hàn Quốc), Lars Fredrik Svendsen (Na Uy) và Sigridur Thorgeirsdottir (Iceland).
  6. “Khoa học, Công nghệ và Môi trường” (Science, Technology, and the Environment). GS. Ilkka Niiniluoto (Phần Lan) điều hành với các tham luận của J. Baird Callicott (Mỹ) và Helen Longino (Mỹ).
  7. “Sáng tạo, biểu tượng và mỹ cảm” (Creativity, Symbol, and Aesthetic Sense). GS. Gao Jianping (Trung Quốc) điều hành với các tham luận của Jean-Godefroy Bidima (Cameroon) và Bashshar Haydar (Li Băng).
  8. “Lý tính, Minh triết và cuộc sống tốt đẹp” (Reason, Wisdom, and the Good Life). GS. Nam-in Lee (Hàn Quốc) điều hành với các tham luận của Supakwadee Amatayakul (Thái Lan), Maurizio Ferraris (Italy), Pavlos Kalligàs (Hy Lạp) và Xinzhong Yao (Anh).
  9. “Tính biểu đạt, Đối thoại và Khả năng dịch thuật” (Expressibility, Dialogue, Translatability). GS. Heisook Kim (Hàn Quốc) điều hành với các tham luận của Michael Beaney (Anh), Paul Healy (Australia) và Andrey Smirnov (Nga).
  10. “Khác biệt, Đa dạng và Tính phổ quát” (Differences, Diversity, Commonality). GS. Vincent Shen (Canada – Đài Loan) điều hành với các tham luận của Ram Adhar Mall (Ấn Độ), Tan Sor-Hoon (Singapore) và Wang Zhongjiang (Trung Quốc).

3.1.3. Thuyết trình đặc biệt (Endowed Lectures)

Đại hội XXIV Bắc Kinh dành 7 buổi thuyết trình đặc biệt cho các chủ đề chuyên sâu về triết học.

  1. “Về Ibn Roshd”. GS. Bhuvan Chandel (Ấn Độ) điều hành. Người thuyết trình là GS. Hans Lenk (Đức).
  2. “Về Kierkegaard”. GS. Jacob Dahl Rendtorff (Đan Mạch) điều hành. Người thuyết trình là GS. Pia Soltoft (Đan Mạch).
  3. “Về Maimonides”. GS. Ernest Lepore (Mỹ) điều hành. Người thuyết trình là GS. Ernest Sosa (Mỹ).
  4. “Về Dasan”. GS. Heisook Kim (Hàn Quốc) điều hành. Người thuyết trình là GS. Keel Hee-sung (Hàn Quốc).
  5. “Về Vương Dương Minh”. GS. Chen Lai (Trung Quốc) điều hành. Người thuyết trình là GS. Tu Weiming (Trung Quốc).
  6. “Về Simone de Beauvoir”. GS. Sigridur Thorgeirsdottir (Iceland) điều hành. Người thuyết trình là GS. Judith Butler (Mỹ).
  7. “Về Hai trăm năm Các Mác” (Bicentenary Marx). GS. Zhang Yibin (Trung Quốc) điều hành. Người thuyết trình là GS. William L. McBride (Mỹ).

3.1.4. Chủ đề được đề xuất hoặc đặt hàng (Invited Sessions)

Theo truyền thống, các chủ đề triết học được đề xuất từ phía các Hội triết học của các quốc gia hoặc của các học giả có uy tín, được xếp trong “Invited Session”. Đại hội XXIV dành hẳn 76 Sessions với hơn 80 phiên họp để các học giả trình bày các tham luận dạng này (một số chủ đề được thảo luận tại nhiều phiên họp khác nhau). Có nhiều phiên họp với những nội dung thu hút được sự quan tâm của khá đông người tham dự.

Chẳng hạn, tiểu ban 4. “Tính đặc thù của tri giác” (Perceptual Particularity) do GS. Marietta Stepanyants (Nga) chủ trì với 2 tham luận từ phía các nhà triết học Mỹ. Tiểu ban 8 “Học để thành người liên-văn hóa với truy cập mở” (Learning To Be Human Interculturally: The Role of Open Access) do GS. Marietta Stepanyants (Nga) chủ trì với 4 tham luận từ phía các nhà triết học Italy, Đức và Mỹ. Tiểu ban 9 & 10 “Thông diễn học và triết học Trung Quốc” (Hermeneutics and Chinese Philosophy I & II) do các nhà triết học Mỹ, Đức, Đan Mạch, Trung Quốc, Canada tham gia thảo luận. Tiểu ban 22 “Triết học, văn hóa và xã hội dân sự: một quan điểm Ấn Độ” (Philosophy, Culture, and Civil Society. An Indian Perspective). Tiểu ban này có bốn nhà triết học Ấn Độ, một nhà triết học Canada và một học giả Việt Nam (Thich Nhat Tu). Tiểu ban 24 “Triết học và các biến đổi lý luận, nhận thức luận và phương pháp luận của nó. Tác động đến Khoa học Xã hội ở Châu Phi” (La Philosophie et ses Mutations Théoriques, Epistémologiques et Méthodologiques. Impact sur les Sciences Sociales en Afrique). Tiểu ban này có hơn 30 tham luận phần lớn là của các học giả châu Phi. Tiểu ban 26 “Xúc cảm trong nhận thức luận” (Emotions in Epistemology). Cả 4 tham luận trong tiểu ban này đều là của các nhà triết học Anh. Tiểu ban 32 và tiểu ban 45 “Quan điểm của châu Á về Hòa bình” (Asian Perspectives of Peace). Cả hai tiểu ban này đều có 5 tham luận của các học giả Ấn Độ và 2 học giả khác là Trung Quốc và Mỹ.

Hai tiểu ban thuộc hình thức “Invited Session” có số lượng đông nhất các học giả Trung Quốc tham gia thảo luận là tiểu ban 60 “Tuyên bố của các doanh nghiệp Nho giáo 2018: Chủ nghĩa nhân văn tinh thần là đạo đức phổ quát (phổ biến) cho kinh doanh toàn cầu” (Discourse on Confucian Entrepreneurs 2018: Spiritual Humanism as a World Ethos for Global Business) với 37 tham luận và tiểu ban 71. “Triết học Mác trong kỷ nguyên mới: Hội thảo kỷ niệm lần thứ 200 ngày sinh Các Mác”. Tiểu ban này cũng có 37 tham luận đều của các học giả Trung Quốc do GS. Ziyi Feng chịu trách nhiệm điều hành.

3.1.5. Hội thảo bàn tròn (Round Tables)

Tại Đại hội XXIV, 134 hội thảo bàn tròn đã được tiến hành. Các chủ đề của dạng hội thảo này cũng rất sâu và đa dạng. Chẳng hạn, phiên 9 “Chủ nghĩa Tư bản, Chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa tiêu dùng, quảng cáo và tính bền vững về môi trường” (Capitalism, Socialism, Consumerism, Advertising, and Environmental Sustainability). Phiên 12 “Chủ nghĩa Mác và truyền thống triết học phương Tây” (Marxism and the Western Philosophical Tradition). Phiên 32 “Lý tính và tôn giáo” (Reason and Religion). Phiên 45 “Heidegger và châu Á” (Heidegger and Asia). Phiên 100 “Sự hình thành của tâm thức số” (The Formation of Digital Mind). Phiên 127 “Cách tiếp cận sinh học – vũ trụ trong việc đảm bảo và tích hợp hai cực của tri thức lý tính: Bắc (những người theo chủ nghĩa tự nhiên, môn đệ của Aristotle) Nam (những người theo chủ nghĩa nhị nguyên, Môn đệ của Platon)” (Biocosmological Approach in Appreciating and Integrating the Two Poles of Rational Knowledge: of “North” (Naturalist, the Aristotelian); and “South” (Dualist, the Platonic). Phiên 132. “Giáo dục hàn lâm và “Học để thành người”” (Academy Education and “Learning to be Human”). Phiên 133. “Descartes bàn về niềm đam mê, hành động và vấn đề tâm-thân (Descartes on Passion, Action and the Mind-body Problem).

3.1.6. Hội thảo của các Hội Triết học (Society Sessions)

Trong khuôn khổ Đại hội XXIV, đã có 66 phiên họp của các Hội triết học thành viên. Nội dung đôi khi có bàn đến hoạt động của các Hội, nhưng chủ yếu vẫn là những vấn đề học thuật. Chẳng hạn, phiên 46 của Hội triết học Nga bàn về Hình thức “Đại Hội đồng” của Hội triết học Nga (The Russian Philosophical Society: General Assembly of the Russian Philosophical Society). Hội đồng nghiên cứu giá trị và triết học Hoa kỳ (RVP) tổ chức 7 phiên liên tục (từ phiên 47 đến phiên 53) với các diễn giả khác nhau bàn về “Học mãi để làm người” cho/trong thời đại toàn cầu (Re-Learning to be Human for/in Global Times). Một trong 7 phiên đó, Hội đồng RVP đã dành để vinh danh và tưởng nhớ GS. George F. McLean, Chủ tịch RVP mới qua đời năm 2016 (George F. McLean: A Service to The World Philosophy). GS. Trần Văn Đoàn, học giả Đài Loan gốc Việt đã phát biểu tại đây và một số phiên họp khác nữa. Phiên 60 “Hội triết học Châu Á và triết học So sánh (SACP) Học để làm người: Quan điểm Đông Á và So sánh” (Society for Asian and Comparative Philosophy (SACP) Learning to be Human: East Asian and Comparative Perspectives). Trong chương trình của phiên họp này có tham luận của một nhà triết học người Việt – Chánh Công Phan.

3.1.7. Hội thảo dành cho sinh viên (Student Sessions)

Tại Đại hội XXIV, số lượng các Hội thảo dành cho sinh viên cũng lớn đến mức kỷ lục. Đã có 147 phiên họp riêng của giới sinh viên Trung Quốc được tiến hành. Tuy vậy, do các phiên họp dành cho sinh viên quá nhiều nên lượng sinh viên tự do đến tham dự các phiên hội thảo khác mà họ quan tâm lại trở nên ít hơn so với các Đại hội trước.

3.1.8. Hội nghị chuyên biệt (Special Sessions)

Trong thời gian Đại hội XXIV Bắc Kinh, có 5 hội nghị chuyên biệt chủ yếu là của Liên đoàn các Hội triết học thế giới (FISP) được tổ chức.

3.1.9. Các tiểu ban của Đại hội (Sections for Contributed Papers)

Theo truyền thống, hình thức chủ yếu để Đại hội công bố tư tưởng mới nhất của các nhà triết học là tham luận tại các Tiểu ban. Hàng nghìn tham luận triết học của Đại hội lần này được trình bày trong 99 tiểu ban. Số lượng 99 tiểu ban cũng là số lượng kỷ lục tính đến nay của các kỳ Đại hội triết học thế giới. Việc phân chia các tiểu ban chủ yếu vẫn là căn cứ vào phân ngành các tri thức triết học[8]. Trong những ngày diễn ra Đại hội, mỗi tiểu ban thường tổ chức đồng thời nhiều phiên họp về các chủ đề khác nhau. Hàng nghìn cuộc hội thảo đã được tổ chức. (Lịch trình cụ thể của các phiên họp tiểu ban đã công bố trên Website chính thức của Đại hội[9]).

3.2. Việt Nam tại Đại hội Triết học Thế giới lần thứ XXIV

Việt Nam mới thành lập Hội triết học vào năm 2019 và đã được Liên đoàn các Hội triết học thế giới FISP công nhận. Nhưng trước đó, tiếng nói của Việt Nam trong cộng đồng triết học thế giới và trong những hoạt động của Đại hội đã có ý nghĩa nhất định, đặc biệt kể từ khi GS. Phạm Văn Đức được bầu vào Ủy ban điều hành FISP (Member of the Steering Committee of FISP) từ năm 2008. Trong những kỳ Đại hội gần đây, ngoài các nhà nghiên cứu đến từ Việt Nam, nhiều học giả gốc Việt từ các quốc gia có nền triết học mạnh đã tới tham luận tại Đại hội. Tại Đại hội XXIV lần này, các tham luận của Việt Nam đã được bình duyệt và được phép công bố tại các phiên họp tiểu ban là:

  1. Phạm Văn Đức. “Hồ Chí Minh và sự nghiệp xây dựng đời sống tốt đẹp ở Việt Nam” (Ho Chi Minh and the Cause of Construction of the Good Life in Vietnam).
  2. Nguyễn Tài Đông. “Tranh luận về dân chủ trong Nho giáo” (Debates on Democracy in Confucianism).
  3. Nguyễn Tài Đông. “Tinh thần cải cách của Lê Quý Đôn” (黎贵敦的改革精神).
  4. Luong Hai. “Các lý thuyết đương đại cho phát triển xã hội trong thời đại của cuộc cách mạng khoa học – công nghệ” (Contemporary Theories for Social Development in the Epoch of Scientific – Technological Revolution).
  5. Hồ Sĩ Quý. “Hạnh phúc trong Tôn giáo, trong Triết học và trong Nghiên cứu định lượng” (The Debate Over Happiness in Religion, in Philosophy and in Quantitative Research).
  6. Nguyễn Lan Hương. “So sánh một số nguyên tắc phân phối hiện đại với quan niệm của C. Mác về công bằng trong phân phối trong trường hợp Việt Nam” (Some Modern Distribution Principles in Comparison with Karl Marx’s Conception of Distributive Justiceand the Case of Vietnam).
  7. Trần Thúy Ngọc. “Ngô Thì Nhậm, nhà tư tưởng “Thời biến” thế kỷ XVIII” (越南18世纪时变之人吴时任).
  8. Hồ Mạnh Tùng, Nguyen To Hong Kong, Toan Manh Ho, Vuong Thu Trang, Vuong Quan Hoang. “Làm người trong kỷ nguyên công nghiệp 4.0: quan niệm từ Việt Nam” (To Be Human in the Age of Industry 4.0: Perspective from Vietnam).
  9. Vuong Quan Hoang, Hồ Mạnh Tùng, Phuong Viet La, Thu Trang Vuong, Hong Kong T Nguyen. “Làm thế nào để Triết học về Khoa học Xã hội có thể được hưởng lợi từ Thống kê Bayes: Những hiểu biết từ một nước đang phát triển” (How Philosophy of Social Sciences Can Benefit from Bayesian Statistics: Insights from a Developing Country).
  • Các học giả gốc Việt ở nước ngoài có tham luận tại Đại hội:
  1. Trần Văn Đoàn, GS. Danh dự Đại học Quốc lập Đài Loan, hiện là GS. kiêm Viện trưởng Viện Thần học thuộc Đại học Chang Jung Christian, GS. Thỉnh giảng Học Viện Công giáo Việt Nam, người trước đây đã nhiều khóa là Ủy viên Ủy ban Điều hành FISP, tại Đại hội này chủ tọa 2 phiên họp và có 5 tham luận tại các Hội thảo: “Quyết định luận, Công lý và Nền Dân chủ tận tâm” (Determinism, Justice, and Caring Democracy) do Hội đồng nghiên cứu triết học và giá trị Hoa Kỳ chủ trì; “Triết học kinh viện và tư tưởng Trung Hoa” (Scholastic Philosophy and Chinese Thought) do Viện hàn lâm Thiên Chúa giáo chủ trì; “Tưởng nhớ GS. Tomonobu Imamichi” do Viện Imamichi, Eco-Ethica, Dan Mach chủ trì; “Đánh giá triết học và sự thực hiện của con người” (Valuing Philosophy and Human Fulfilment) do Hội đồng nghiên cứu triết học và giá trị Hoa Kỳ chủ trì; và “Học mãi để làm người trong thời đại toàn cầu: George F. McLean với triết học thế giới” (Re-learning to be human for/in global times (ii): George F. Mclean: A Service to the World Philosophy) do Hội đồng nghiên cứu triết học và giá trị Hoa Kỳ chủ trì.
  2. Chánh Công Phan. Tham luận trong Hội thảo “Học để làm người: Quan điểm Đông Á và So sánh” (Learning to be Human: East Asian and Comparative Perspectives).
  3. Thich Nhat Tu. Tham luận tại Hội thảo “Triết học, văn hóa và xã hội dân sự: một quan điểm Ấn Độ” (Philosophy, Culture, and Civil Society. An Indian Perspective).

Nói chung, đây là kỳ Đại hội có khá nhiều học giả Việt Nam đến dự. Tham luận của các nhà nghiên cứu Việt Nam đã thu hút được sự quan tâm nhất định của những người tham dự.

  • Các nhà nghiên cứu có tham luận gửi đến Đại hội nhưng không tham dự được
    1. Trần Hải Minh. “Deleuzianism và toàn cầu hóa đương đại” (Deleuzianism Deleuzianism and Contemporary Globalisation)
    2. Trần Tuấn Phong. “Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đại đoàn kết và Dân chủ: Đoàn kết để xây dựng nền Cộng hòa cho nhân dân là chủ và làm chủ” (Ho Chi Minh Thought on Great Solidarity and Democracy: Solidarity to Build a Republic for the People to Be Masters and Exercise Their Mastership).

3.3. Ủy ban điều hành Liên đoàn các Hội Triết học thế giới (FISP) khóa 2018-2023

Trong những ngày cuối Đại hội, Liên đoàn các Hội Triết học thế giới đã họp bầu ra Ủy ban điều hành (The Steering Committee of FISP) cho khóa mới và lựa chọn địa điểm tổ chức Đại hội lần thứ XXV vào năm 2023.

Ủy viên Ủy ban điều hành Liên đoàn quốc tế các Hội triết học khoá mới 2018-2023 được bầu ngày 16/8/2018 gồm 39 thành viên. Nhà triết học người Italy Luca Maria Scarantino được bầu làm Chủ tịch Liên đoàn. Phó Chủ tịch Liên đoàn là GS. Tu Weiming (Trung Quốc), GS. Noriko Hashimoto (Nhật Bản). Tổng Thư ký Liên đoàn là GS. Suwanna Satha-Anand (Thái Lan).

GS. Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Giám đốc Học viện Khoa học xã hội, lần thứ ba được bầu vào Ủy ban điều hành của Liên đoàn các Hội Triết học thế giới. Đây là một trong số ít đại biểu của các quốc gia châu Á được bầu vào tổ chức Quốc tế lớn nhất này của giới triết học và của các Hội Triết học thế giới, đặc biệt lại là khi Việt Nam chưa có Hội Triết học.

Phiên họp đầu tiên của Ủy ban điều hành của FISP khóa 2018-2023 đã được tổ chức vào 14:00 ngày 18/8/2018. Australia, một trong số nhiều nước đăng cai tổ chức Đại hội triết học quốc tế lần thứ XXV đã được bầu chọn là quốc gia sẽ diễn ra Đại hội triết học quốc tế lần tới vào năm 2023.

4. Lời kết

Đại hội XXIV đã đi qua 6 năm với một thế giới có nhiều điều tốt đẹp hơn, nhiều vùng đất giàu có và văn minh hơn, nhưng cũng xuất hiện không ít hiện tượng tệ hại hơn như Đại dịch Covid 19 và các cuộc chiến tranh ở Ucraina và Israel.

Theo đánh giá của nhiều người tham dự, không giống như Đại hội Paris năm 1938, Varna năm 1973, hay Montreal năm 1983, Đại hội XXIV không xuất hiện những tư tưởng kiệt xuất hay những đột phá ấn tượng tiềm ẩn khả năng dẫn tới làm thay đổi tư duy nhân loại. Không thấy có những dự báo về những sự kiện ảm đạm hơn hay sáng sủa hơn mà nhân loại đã đối mặt trong 6 năm qua. Cũng không có những nhắc nhở hay cảnh báo nào về thái độ của các chính phủ. Nhìn chung “Học để làm người” 2018 Bắc Kinh là một trong số các Đại hội tương đối bình lặng.

Có lẽ cần phải có thời gian để những tư tưởng triết học xuất sắc được công bố đi vào các trung tâm học thuật hay thấm vào tư duy của các học phái và lan ra xã hội. Điều này không nằm ngoài dòng chảy chung của triết học thời đại ngày nay – Từ nửa sau thế kỷ XX, những nhà tư tưởng lớn như Socrates hay Aristotle, Kant, Hegel hay Marx của các thế kỷ trước, hoặc như Jean Paul Sartre hay Teilhard de Chardin, Bertrand Russell hay Sigmund Freud của thế kỷ XX, chưa thấy xuất hiện.

Là nước chủ nhà của Đại hội XXIV, với chủ đề “Học để làm người”, Trung Quốc đã cố gắng rất nhiều để tư tưởng triết học truyền thống Trung Quốc có ảnh hưởng lớn hơn hoặc đối thoại được với các dòng triết học khác. Nhưng có vẻ số người quan tâm đến kiểu học để trở thành “người quân tử” chỉ là số rất ít trong các quốc gia ít nhiều có văn hóa Nho giáo. Dẫu sao triết học Trung Hoa truyền thống vẫn không phải là dòng “Yêu mến sự thông thái” như Philo-sophia có cội nguồn từ các nhà thông thái Hy Lạp. Tư tưởng “Quân tử thành dĩ đạt nhân” – (Người quân tử thành đạt cần làm cho người khác thành đạt, mà Bộ trưởng Giáo dục Chen Baosheng đã nhấn mạnh hôm Khai mạc 13/8/2018), rõ ràng không thể mở rộng sang áp dụng cho các chính phủ. Dễ hiểu là tại sao nhiều phiên họp rất vắng người dự. Không khí Đại hội trong truyền thông đại chúng ở Bắc Kinh thật ra cũng khá mờ nhạt. Đại lễ đường Nhân dân trên quảng trường Thiên An Môn ngay hôm khai mạc cũng không thấy có cờ, khẩu hiệu hoặc logo, như thường thấy ở các sự kiện lớn trên đất Trung Quốc. Các hoạt động bên lề Đại hội hay quảng cáo, giới thiệu… cũng hầu như không có. Rất ít người Bắc Kinh biết về sự kiện này.

Tuy vậy, Đại hội XXIV cũng không có gì sơ suất hoặc có vấn đề gì đáng ngại. An ninh tốt, thời tiết đẹp, Bắc Kinh thân thiện và tương đối thanh bình, mặc dù không khí chính trị ở Bắc Đới Hà, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và vụ dược phẩm Vaccine giả đã khiến cả Trung Quốc nóng lên trong những ngày Đại hội, nhưng cũng không ảnh hưởng gì đến không khí Đại hội.

Với tính cách là diễn đàn lớn nhất của giới triết học và của các Hội Triết học thế giới – nơi gặp gỡ, chia sẻ, hợp tác, công bố những tư tưởng triết học mới nhất của các trường phái, các nhà tư tưởng, các tổ chức nghiên cứu triết học… lớn nhỏ trên toàn cầu, Đại hội XXIV Bắc Kinh đã hoàn thành sứ mệnh của mình.

Trách nhiệm của triết học đối với thế giới lại chuyển gánh nặng đến Đại hội XXV Rome 2024. Chẳng ai quên, lịch sử các kỳ Đại hội với 125 năm đã trôi qua, hai lần không tổ chức được Đại hội, là những lúc chiến tranh đã lan ra khắp thế giới. Hôm nay tiếng súng vẫn nổ ở Israel và Ucraina. Số người bị chết trong các cuộc xung đột này so với hai cuộc Chiến tranh thế giới đầu thế kỷ XX cũng không hề nhỏ. Chẳng phải ngẫu nhiên mà bà Suwanna Satha-Anand, Tổng thư ký Liên đoàn FISP lại hy vọng Đại hội sẽ giúp nhân loại nhận thức sâu sắc hơn về tình trạng người và phi con người trong thế kỷ đầy biến động và dễ bị tổn thương này (hope to help make better sense for the human and non-human condition in this volatile and vulnerable century).

Mặc dù không lảng tránh những điều tệ hại, tuy nhiên, theo lời ông Luca Maria Scarantino, Chủ tịch Liên đoàn các hội triết học thế giới, trong mọi trường hợp, tinh thần Đại hội XXV Rome bao trùm vẫn là “mời gọi chúng ta suy ngẫm về những chia rẽ quốc gia và chính trị, vượt qua những rào cản về văn hóa, và chuyển cái nhìn của chúng ta từ truyền thống của chính mình sang sự đan xen phức tạp của các nền văn minh nhân loại từ thời cổ đại cho đến ngày nay… (In all cases, the spirit of Rome invites us to think across national and political divides, to overcome cultural delimitations, and to shift our gaze from our own traditions to the complex interweaving of human civilizations from antiquity to today)… Đối với hiện tại, hơn bao giờ hết, việc làm quen với nhiều quan điểm khác nhau là rất quan trọng” [10].

Trong cái nhìn triết học, sự vận động của thế giới và nhân loại, xưa nay bao giờ cũngđi về phía trước theo chiều hướng tốt đẹp hơn, nhẫn nại đến với nấc thang mới của tiến bộ xã hội, không có con đường khác, dù phải vượt qua bao nhiều rào cản quanh co, bất trắc hoặc thụt lùi tương đối./.

  1. * GS.TS., Hội Triết học Việt Nam; Nguyên Viện trưởng Viện thông tin KHXH, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

  2. World Congress of Philosophy (WCP): Beijing, 2018. 24th WCP; Athens, 2013. 23rd WCP; Seoul, 2008. 22nd WCP; Istanbul, 2003. 21st WCP; Boston, 1998. 20th WCP; Moscow, 1993. 19th WCP; Brighton, 1988. 18th WCP; Montréal, 1983. 17th WCP; Düsseldorf, 1978. 16th WCP; Varna, 1973. 15th WCP. International Congress of Philosophy (ICP): Vienna, 1968. 14th ICP; Mexico, 1963. 13th ICP; Venice, 1958. 12th ICP; Brussels, 1953. 11th ICP; Amsterdam, 1948. 10th ICP; Paris, 1937. 9th ICP; Prague, 1934. 8th ICP; Oxford, 1930. 7th ICP; Cambridge (U.S.A, 1926. 6th ICP; aples, 1924. 5th ICP; Bologna, 1911. 4th ICP; Heidelberg, 1908. 3rd ICP; Geneva, 1904. 2nd ICP; Paris, 1900. 1st ICP.

  3. Xem: Luca Maria Scarantino, President FISP. Welcome message from the President of FISP. https://wcprome2024.com/accommodation/

  4. Xem: Suwanna Satha-Anand, Secretary-general FISP, Welcome message from the Secretary-general of FISP. https://wcprome2024.com/accommodation/

  5. Xem: Макаров В. Г., Христофоров В. С. (2003), Пассажиры “философского парохода” (судьбы интеллигенции, репрессированной летом — осенью 1922 г. Вопросы философии. № 7 (600). С. 113-137 [со списком биографических справок о всех лицах, высланных за границу в 1922—1923 гг.].

  6. Xem: 第二十四届世界哲学大会首次在中国召开-天天快报. http://kuaibao.qq.com/s/20180814A0SQOB00?refer=spider // 世界哲学大会首次在中国举办 哲人共议“学以成人 http://culture.ifeng.com/a/20180813/59790292_0.shtml

  7. Xem: “学以成人”, 为什么121个国家6000多名哲学家都关注这个话题. http://www.thecover.cn/news/1037139. “Hòa nhi bất đồng” là tư tưởng Khổng tử trong câu “Quân từ hòa nhi bất đồng” – Người quân tử hòa hợp nhưng vẫn giữ sự khác biệt. “Thành dĩ đạt nhân” cũng là tư tưởng Khổng tử trong câu “Quân tử thành dĩ đạt nhân”- Người quân tử thành đạt cần làm cho người khác thành đạt. “Tự nhiên vô vi” – đề cao sự vô vi của tự nhiên, tư tưởng kết hợp giữa Nho gia và Đạo gia, ý nói đừng làm gì trái tự nhiên (Giải thích của GS. Lê Văn Toan).

  8. 99 tiểu ban cũng tương tự như 89 tiểu ban ở Đại hội XXV Roma. Nhưng có một số khác biệt so với Đại hội Roma lần này: Tiểu ban 4. Ancient Greek philosophy (Triết học Hy lạp cổ Đại) được chia thành: I. Presocratic philosophy (Giai đoạn Tiền Socrate); II. Classical Greek philosophy (Triết học Hy Lạp cổ điển); III. Hellenistic philosophy (Triết học giai đoạn Hy Lạp hoá); IV. Neo-Platonic philosophy (Triết học giai đoạn Tân Platon). Tiểu ban 9. Chinese philosophy (triết học Trung Hoa) được chia thành: I. Pre-Qin philosophy (Triết học Tiên Tần). II.Philosophy from Han to Qing (Triết học giai đoạn Hán – Thanh). III. Modern Chinese philosophy (Triết học Trung Quốc cận đại). IV.Contemporary Chinese philosophy (Triết học Trung Quốc hiện đại). Tiểu ban 84. Philosophy of sex and love (triết học về Sex và tình yêu). Tiểu ban 87. Philosophy of the axial age (Triết học của thời đại bản lề). Tiểu ban 89. Philosophy of the human and social sciences (Triết học của khoa học xã hội và con người). 90. Philosophy of the life sciences (Triết học của khoa học về sự sống). Tiểu ban 95. Russian philosophy (Triết học Nga).

  9. Xem: http://wcp2018.pku.edu.cn/yw/Programme/SectionsforContributedPapers/index.htm

  10. Xem: Luca Maria Scarantino, President FISP, Welcome message from the Luca Maria Scarantino, President of FISP. https://wcprome2024.com/accommodation/