Press "Enter" to skip to content

Cái riêng, cái chung và cái đơn nhất

Cái riêng, cái chung và cái đơn nhất:

Từ G. W. F. HEGEL VÀ CÁC NHÀ KINH ĐIỂN MARXIST ĐẾN CÁC NHÀ MARXIST SOVIET, Mao Trạch Đông và cách trình bày ở Việt Nam

Ngô Đăng Toàn[1]*

Tóm tắt

Việc hiểu và trình bày các phạm trù cái riêng-cái chung-cái đơn nhất ở Việt Nam có một số bất cập. Những bất cập này xuất hiện cả trên bình diện thuật ngữ được sử dụng tới cách hiểu về nội dung và ý nghĩa của những phạm trù này. Bài viết này cố gắng tiếp cận vấn đề cái riêng-cái chung-cái đơn nhất một cách hệ thống và kỹ lưỡng hơn. Cụ thể, cần có sự phân biệt rõ giữa cái riêng-cái chung-cái đơn nhất với cái phổ biến-cái đặc thù-cái cá biệt cả về mặt thuật ngữ lẫn về mặt nội dung. Điều này sẽ được thực hiện bằng việc khảo sát và đối chiếu các góc độ tiếp cận khác nhau, từ quan niệm của Hegel, Marx và Engels đến V. I. Lenin và các nhà Marxist Soviet; so sánh với cách tiếp cận của các nhà Marxist ở Trung Quốc và Việt Nam. Sự khảo cứu đi đến kết luận rằng việc trình bày bộ ba phạm trù cái riêng-cái chung-cái đơn nhất ở Việt Nam là một trường hợp biến dạng rất đặc biệt và có tính sáng tạo, diễn ra chủ yếu dưới sự ảnh hưởng của các quan điểm Marxist Soviet, mà đặc biệt là của A. P. Sheptulin.

Từ khóa: phép biện chứng, phạm trù, cái chung, cái riêng, cái đơn nhất

THE UNIVERSAL, THE PARTICULAR, AND THE INDIVIDUAL:

FROM G. W. F. HEGEL AND MARxist founders to the SOVIET MARXISTS, MAO TSE-TUNG AND THE PRESENTATION IN VIETNAM

Ngô Đăng Toàn[2]*

Abstract

The presentation of the categories of universals, particulars and individuals in Vietnam has certain problems. These problems arose in both aspects of terminological usage and contentual apprehension of these categories. This study tried to approach this issue of the universal, the particular and the individual more systematically and thoroughly. We suggest the need of a clearer distinction between the categories of universals, particulars and individuals and what have been teaching and presenting in Vietnam as “generals, individuals, and unique characteristics” in both terminology and meaning. We then took on a survey and analysis of multiple sources, from the original ideas of Hegel, Marx and Engels to the interpretations of V. I. Lenin and Soviet Marxists; then compare these with how the categories were presented in China and Vietnam. The study came to the conclusion that the presentation of the general, the individual, and the unique characteristic by Vietnamese Marxists are a special modification with some creativity, occurred mainly under the influence of Soviet Marxists, especially of A. P. Sheptulin.

Keywords: dialectics, categories, universals, particulars, individuals

1. Đặt vấn đề

Trong các phạm trù của Phép biện chứng duy vật, cái riêng-cái chung-cái đơn nhất là nội dung quan trọng nhất nhưng việc hiểu và trình bày trong cách sách vở chuyên môn ở Việt Nam còn không ít khúc mắc. Những bất cập này xuất hiện cả trên bình diện thuật ngữ được sử dụng tới cách hiểu về nội dung và ý nghĩa của những phạm trù này. Việc nhận thức không thấu đáo về chúng có thể để lại hậu quả nghiêm trọng bởi đây là vấn đề liên quan đến tính quy luật—đối tượng nghiên cứu cơ bản của phép biện chứng.

Trong các tác phẩm kinh điển của G. W. F. Hegel, K. Marx, F. Engels và V. I. Lenin vốn được coi là công cụ tiêu chuẩn của những người nghiên cứu và học tập triết học, đặc biệt là triết học Marx ở Việt Nam, cả trong bản gốc lẫn bản dịch tiếng Việt, chúng ta không thấy việc sử dụng cụm thuật ngữ cái chung-cái riêng-cái đơn nhất trong cùng bối cảnh văn bản mà thay vào đó là các phạm trù cái phổ biến-cái đặc thù-cái cá biệt. Vấn đề này đã được một số nhà nghiên cứu Marxist ở Việt Nam phản ánh, tuy nhiên còn ít được cộng đồng học tập và nghiên cứu Triết học Marx chú ý và bàn luận sâu kỹ. Cụ thể, Tạp chí Triết học số 4 tháng 4/2004 đăng bài viết của TS. Phạm Chiến Khu với tiêu đề “Về cặp phạm trù Cái phổ quát – Cái đặc thù – Cái đơn nhất trong phép biện chứng của Hêgen”. Bài viết này đã khảo sát về từ nguyên của các phạm trù này trong triết học Hegel và trong tiếng Nga từ đó chỉ ra bất cập trong cách dịch và hiểu chúng ở Việt Nam. Đáng chú ý là vấn đề hiểu về các phạm trù này đã được bổ sung trong Giáo trình Triết học Mác-Lênin (dành cho bậc đại học hệ chuyên về lý luận chính trị) năm 2021 do GS.TS. Phạm Văn Đức làm Chủ tịch hội đồng. Giáo trình này đã bổ sung thêm phần giải thích nội dung cặp phạm trù cái phổ biến-cái đặc thù bên cạnh cách hiểu cái chung-cái riêng truyền thống (Bộ Giáo dục và Đào tạo 2021: 191-194). Đây là điểm mới và tiến bộ so với các giáo trình trước đó, kể cả Giáo trình Triết học Mác-Lênin của Hội đồng Trung ương chỉ đạo biên soạn giáo trình quốc gia các bộ môn khoa học Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, việc bổ sung này vẫn chưa giải quyết vấn đề thuật ngữ và độ sâu chỉ dừng lại ở cấp độ giáo trình. Nhìn chung, ảnh hưởng của cả hai nghiên cứu này còn rất hạn chế trong việc giảng dạy và nghiên cứu phép biện chứng duy vật ở Việt Nam.

Bài viết này cố gắng tiếp cận vấn đề cái riêng-cái chung-cái đơn nhất một cách hệ thống và kỹ lưỡng hơn. Cụ thể, cần có sự phân biệt rõ giữa cái riêng-cái chung-cái đơn nhất với cái phổ biến-cái đặc thù-cái cá biệt cả về mặt thuật ngữ lẫn về mặt nội dung.

Về mặt thuật ngữ, trong các tài liệu tiếng Việt, cái phổ biến còn có những cách gọi khác như cái chung, cái phổ quát; còn cái đơn nhất có lúc được gọi là cái riêng, cái riêng lẻ, cái cá biệt.[3] Do đó, cần có sự phân biệt rõ chúng là những tên gọi khác nhau của cùng một bộ phạm trù thống nhất về cách hiểu, hay là một sự hiểu không chính xác dẫn đến dịch không chính xác, hay là các phạm trù khác nhau? Từ góc độ ngôn ngữ tiếng Việt, có sự trùng lặp nhất định giữa hai từ “riêng” và “đơn nhất” dễ gây lẫn lộn trong cách hiểu các phạm trù này. Thứ nữa, việc sử dụng “cặp” cho bộ ba phạm trù cái riêng-cái chung-cái đơn nhất hoặc cái phổ biến-cái đặc thù-cái cá biệt là bất hợp lý. Nếu chỉ thừa nhận cặp phạm trù cái riêng-cái chung như một số giáo trình và tài liệu nghiên cứu thì việc sau đó trình bày thêm về cái đơn nhất ở phần nội dung cần phải có sự lý giải thích đáng về tư cách tồn tại như một phạm trù của nó và mối liên hệ của nó với cặp phạm trù kia.

Tiếp đó là vấn đề về cách hiểu và sự trình bày nội dung các phạm trù này. Rà soát lại nguyên tác kinh điển, có thể nhận ra rằng các nhà kinh điển từ G. W. Hegel đến K. Marx và V. I. Lenin về cơ bản hiểu, giải thích và vận dụng chúng với tư cách là cái phổ biến-cái đặc thù-cái cá biệt. Vậy thì cách hiểu về cái riêng-cái chung-cái đơn nhất từ đâu mà ra và có giá trị cũng như hệ lụy triết học gì? Đặc biệt và thú vị hơn cả là trường hợp của “cái đơn nhất” (theo cách hiểu phổ biến ở Việt Nam) gần như không có phạm trù tương đương về mặt nội dung trong hệ thống triết học của các tác giả kinh điển nói trên, khác với trường hợp cái chung có phần tương đương về nội dung với cái phổ biến, và cái riêng có phần tương đương về nội dung với cái cá biệt hoặc cái đặc thù. Đây là vấn đề chưa được đề cập đến trong các nghiên cứu ở Việt Nam trước đây trên.

Hai vấn đề này trên thực tế cần được giải quyết cùng lúc thông qua việc truy nguyên và so sánh các phạm trù này ở các trước tác kinh điển trong lịch sử triết học, đặc biệt là trong lịch sử phép biện chứng Marxist. Cụ thể, bài viết sẽ đi tìm câu trả lời bằng việc khảo sát và đối chiếu các góc độ tiếp cận khác nhau: cách tiếp cận (tạm gọi là) gốc trong quan niệm của Hegel, Marx và Engels; cách tiếp cận của các nhà Marxist-Leninist với đại diện là V. I. Lenin và các nhà Marxist kế tục ông, cụ thể là M. M. Rosenthal, E. V. Ilyenkov, và A. P. Sheptulin—những tên tuổi triết học Soviet có ảnh hưởng phổ biến trong các nhà Marxist ở Việt Nam; cách tiếp cận của các nhà Marxist Trung Quốc với đại diện tiêu biểu là Mao Trạch Đông; và cuối cùng, nhằm mở rộng sự đối sánh, bài viết cũng cung cấp một vài dẫn chứng về cách hiểu các phạm trù này của các tác gia phương Tây hiện đại như B. Russell và A. J. Ayer. Các thuật ngữ mà những tác giả này sử dụng sẽ được tham chiếu về ngôn ngữ gốc, hoặc trong trường hợp không tìm được văn bản gốc thì sẽ được so sánh với bản tiếng Anh.[4] Cố nhiên, một sự khảo sát qua ít ỏi các đại diện như thế phần nào chưa đủ toàn diện và sâu sắc, nhưng thiết nghĩ đã đủ để khởi động một cuộc tranh luận trên cơ sở khoa học và kinh điển. Cũng cần nói rõ rằng trong quá trình khảo sát và trả lời như thế, bài viết này tạm bỏ qua một cách có ý thức những tranh luận về bản chất của các phạm trù này. Những vấn đề như tồn tại thực (tính bản thể) của cái phổ biến hay sự thống nhất và chuyển hóa giữa cái phổ biến và cái cá biệt hoặc giữa cái chung và cái đơn nhất… đòi hỏi một không gian và sự cố gắng khoa học khác, sâu rộng hơn.

2. Cách hiểu của G. W. F. Hegel, K. Marx và F. Engels

Về cách hiểu và sử dụng của Hegel đối với bộ ba phạm trù cái phổ biến-cái đặc thù-cái cá biệt, tác giả Phạm Chiến Khu (2004) đã có sự trình bày khá sáng tỏ. Người viết xin khái quát lại một số điểm cần lưu ý và bổ sung thêm sự lý giải như sau:

Hegel sử dụng một cách nhất quán bộ ba cái phổ biến-cái đặc thù-cái cá biệt như những phạm trù căn bản, là ba mômen (moments) của khái niệm, có ý nghĩa đặc biệt quan trong với toàn bộ hệ thống của mình. Trong tiếng Đức, cái phổ biến là Allgemein, cái đặc thù là Besonder, và cái cá thể là Einzeln (hình thái của chúng có thể khác trong các văn bản tùy cách chia ngôi và cách sử dụng chúng với tư cách là danh từ hay tính từ). Các thuật ngữ này trong tiếng Anh tương ứng là (the) Universal (đôi khi là General), (the) Particular và (the) Individual (đôi khi là Singular). Cần lưu ý những thuật ngữ tiếng Anh và tiếng Đức này (cũng như tiếng Nga và tiếng Trung sẽ trình bày ở phần tiếp sau) bởi người viết sẽ sử dụng chúng làm cơ sở để đối sánh trong các đoạn trích và chứng minh cách hiểu và sử dụng các phạm trù của các tác giả được khảo sát.

Về mặt nội dung, cái phổ biến (Allgemein) có nghĩa đen là “chung cho tất cả” (Inwood 2015: 332) nhưng “chung” trong trường hợp này được Hegel hiểu là “sự thống nhất sống động, chứa đựng cái hữu hạn, “mâu thuẫn”, sự khác biệt, sự đối lập trong chính bản thân mình, bảo tồn mình thông qua quá trình liên tục đặt ra các giới hạn và phủ định, vượt qua các giới hạn đó” (Phạm Chiến Khu 2004). Nói cách khác, “chung” ở đây là cái bản chất, tính quy luật xuyên suốt lớp sự vật hiện tượng và quy định sự tồn tại và phát triển của chúng chứ không đơn giản là sự xuất hiện lặp lại của các đặc điểm và thuộc tính (có thể rất bề ngoài, nông cạn). Trong Khoa học Logic, Hegel nhấn mạnh: “khái niệm phổ quát [universal] không chỉ là cái chung [common] đối lập lại với cái đặc thù [particular] đang sở hữu sự sinh tồn của riêng mình; ngược lại nó tự dị biệt hóa (đặc thù hóa) chính mình, và với sự ngời sáng không hề bị vẩn đục, nó vẫn nguyên vị tại chính bản thân mình trong cái khác của mình” (Hegel 2013: 469) (xem đối chứng tiếng Anh ở chú thích).[5] Trong tam đoạn luận (syllogism) của Hegel, cái phổ biến là chính đề chứa đựng khả năng tự phủ định, sinh thành và diễn hóa.

Cái đặc thù (Besonder) có nghĩa gốc là “được tách ra, được phân ranh, đặc biệt” (Inwood 2015: 332), được Hegel hiểu là một bộ phận của cái tổng thể tự tách mình ra, khác biệt với phần còn lại bởi sự sinh thành trong nó những đặc điểm đặc thù. Cái đặc thù là bước trung gian chứa đựng cả tính phổ biến và tính cá biệt: “cái đặc thù [the particular] là cái khác biệt, hay tính xác định, nhưng nó như vậy trong cái nghĩa nó là cái phổ quát trong chính bản thân mình và như là cái đơn nhất” (Hegel 2013: 472).[6] Trong tam đoạn luận của Hegel, cái đặc thù là phản đề, thứ sinh ra từ chính đề, kế thừa một số đặc điểm của chính đề nhưng khác biệt hóa, đa dạng hóa và trong quan hệ xác định thì đối lập với chính đề.

Cái cá biệt (Einzeln) được ông hiểu là một sự vật riêng lẻ, chỉnh thể, đồng thời là một chủ thể: “cái đơn nhất [the individual] là cái đơn nhất với cái nghĩa nó là chủ thể, là cái nền tảng chứa đựng trong chính mình bản thân mình và giống và nòi, tự nó là thực thể” (Hegel 2013: 472).[7] Trong tam đoạn luận, cái cá thể là hợp đề của cái phổ biến và cái đặc thù bởi nó chứa đựng cả những thuộc tính phổ biến lẫn đặc thù trong sự thống nhất sống động.

Ở đây cần lưu ý thêm là trong logic học của Hegel, ông phân loại các phán đoán phản tư (Urteil der Reflexion) thành ba loại căn cứ vào mặt lượng của chủ từ: phán đoán cá biệt, phán đoán đặc thù, và phán đoán phổ biến (Inwood 2015: 310). Các phán đoán có chủ từ là cái cá thể/cá biệt được gọi là phán đoán cá biệt (Singuläres Urteil, singular judgment), nhưng ở đây ông chỉ sử dụng “singuläres” thay vì “einzeln” và đo đó cũng có thể, và có lẽ là chính xác hơn, được dịch là phán đoán đơn nhất. Cũng có lúc Hegel sử dụng từ “đơn nhất” này để nói về cái cá thể. Điều này có thể có ý nghĩa đối với việc khảo sát phạm trù cái đơn nhất ở phần sau.

Trong định nghĩa về cái đơn nhất ở trên, xuất hiện một ví dụ mà cả Hegel và các nhà kinh điển thường sử dụng để minh họa mối quan hệ cái phổ biến-cái đặc thù-cái cá thể: mối quan hệ chi-loài-cá thể (genus-species-individuals) mà trong bản dịch của Phạm Chiến Khu dùng từ “giống và nòi”. Ví dụ: Nguyễn Văn A là một cá thể thuộc loài người thông minh (homo sapiens) nằm trong chi người (homo). Điều đó có nghĩa là trong chi người (tính phổ biến là tính người) có nhiều loài khác nhau với những sự khác biệt và đa dạng cả về kiểu hình và kiểu gien (như người thông minh (homo sapiens), người đứng thẳng (homo erectus, đã tuyệt chủng), người Neanderthal (homo neanderthalensis, đã tuyệt chủng)) nhưng đều được coi là con người với những thuộc tính người phổ biến nào đó (xin tạm không quan tâm đến vấn đề tính người này là gì). Mỗi loài này là một bộ phận của chi (cái phổ biến) với những điểm đặc thù phân biệt chúng với nhau và khác biệt (đa dạng) hơn so với tính phổ biến của chi. Anh A là chỉnh thể độc lập chứa đựng cả tính phổ quát của chi homo lẫn tính đặc thù của loài homo sapiens. Đến đây, cách hiểu và sử dụng thuật ngữ của Hegel đã tương đối sáng tỏ. Chúng ta sẽ còn quay lại với vấn đề con người này ở phía cuối bài viết, còn bây giờ hãy xem Marx và Engels hiểu về các phạm trù này như thế nào.

Trong các tác phẩm của mình, K. Marx và F. Engels hiếm khi đề cập đến các phạm trù cái phổ biến-cái đặc thù-cái cá thể một cách rõ ràng và tập trung. Tuy nhiên, việc khảo sát toàn bộ các trường hợp sử dụng những thuật ngữ này của các ông thiết nghĩ cũng không nhất thiết, bởi chúng ta biết Marx và Engels đồng ý và kế thừa phần lớn nội dung phép biện chứng của Hegel, vì “[ở] Hêghen phép biện chứng bị lộn ngược đầu xuống đất. Chỉ cần dựng nó lại là sẽ phát hiện được cái hạt nhân hợp lý của nó ở đằng sau cái vỏ thần bí của nó” (Marx 1993: 35). Có thể dẫn ra một vài ví dụ trong các tác phẩm kinh điển để minh chứng rằng các ông có chung cách hiểu và dùng từ với Hegel ở các phạm trù đang được chúng ta bàn đến.

Trong tác phẩm Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hê-ghen (1843), Marx phê phán cách Hegel áp đặt tam đoạn luận của ông ta vào việc giải thích sự khai triển của nhà nước trong lịch sử tương tự như một cơ thể sống sinh thành hay như cách Ý niệm tuyệt đối tự tha hóa: “Quy định theo đó cái phổ biến [the universal] không ngừng ‘đẻ ra’ bản thân và do đó bảo tồn bản thân […] chẳng qua là một cách diễn đạt khác tư tưởng cho rằng cơ thể là ‘sự phát triển của ý niệm tới những sự khác biệt của nó, v.v.’.” (Marx 2002: 322).[8]

Có thể dễ dàng nhận thấy ở cả bản dịch tiếng Việt và tiếng Anh, thuật ngữ được sử dụng là cái phổ biến (the universal) theo nghĩa hiểu của Hegel. Marx không đề cập trực tiếp đến phạm trù cái đặc thù ở đây mà nhắc đến nó với tư cách là “sự khác biệt” phát triển ra từ cái phổ biến. Phạm trù cái đặc thù được Marx nhắc tới trong một tác phẩm tiếp theo thể hiện sự bứt phá triết học của ông khỏi hệ thống của Hegel. Trong Bản thảo kinh tế-triết học 1844, bình luận về cách Feuerbach phê phán phép biện chứng của Hegel, Marx viết:

“Phoi-ơ-bắc lý giải phép biện chứng của Hê-ghen (do đó xác minh sự tất yếu phải xuất phát từ cái khẳng định, từ cái xác thực cảm tính) như sau:

Hê-ghen xuất phát từ sự tha hoá (về mặt lô-gích: từ cái vô tận, cái phổ biến [universal] – trừu tượng), từ thực thể, từ sự trừu tượng tuyệt đối và cố định, nghĩa là, nói một cách thông tục, ông xuất phát từ tôn giáo và thần học.

Thứ hai: ông lột bỏ cái vô tận, thiết định cái hiện thực, cái cảm tính, cái thực tại, cái có tận cùng, cái đặc thù [particular] (triết học, tức sự tước bỏ tôn giáo và thần học).” (Marx 2004: 220)[9]

Ở trường hợp này cả bản dịch tiếng Việt và bản dịch tiếng Anh đều dịch là cái phổ biến (universal) và cái đặc thù (particular) chứ không phải cái chung và cái riêng. Nếu nội hàm của hai phạm trù này chưa thể hiện rõ trong đoạn trích trên thì một lát sau, khi Marx phê phán ý niệm tuyệt đối của Hegel ông đã viết khá rõ:

“[Ý] niệm tuyệt đối này quyết định, trong một số điều kiện – sai lầm và cũng còn trừu tượng – nào đó, từ bỏ bản thân mình và đem tồn tại khác của mình, nghĩa là một cái đặc thù [the particular], xác định thay cho tồn tại ở mình của mình (do tồn tại này mà nó là hư vô), thay cho tính phổ biến [generality] và tính không xác định của mình.” (Marx 2004: 245)[10]

Ở đây, vẫn với cách dùng từ như vậy, chỉ có “generality” thay cho “universal” trong bản dịch tiếng Anh, Marx lặp lại cách hiểu của Hegel về mối liên hệ giữa cái phổ biến và cái đặc thù như đã trình bày phía trước: cái đặc thù là cái khác biệt sinh ra từ cái phổ biến.

F. Engels, người phụ trách việc kiện toàn và trình bày nội dung triết học biện chứng duy vật trong cặp bài trùng, rất tiếc vì nhiều nguyên nhân khách quan đã không có điều kiện để hoàn thành đến nơi đến chốn nhiệm vụ của mình. Vì lẽ đó, chúng ta cũng không thể tìm được mấy chỗ ông đề cập đến các phạm trù cái phổ biến-cái đặc thù-cái cá biệt trong Chống Đuy-rinhBiện chứng của tự nhiên—hai tác phẩm trình bày tập trung hơn cả về phép biện chứng trong kho tàng kinh điển của Chủ nghĩa Marx. Mặc dù vậy, cũng không cần nhiều dẫn chứng để làm sáng tỏ cách hiểu của Engels về các phạm trù này khi ông nhận xét đồ thức luận vũ trụ của Dühring về bản chất là học mót của Hegel và được diễn đạt bằng ví dụ của Hegel về giống và loài:

“Thế là giờ đây chúng ta có được khái niệm tồn tại ở một trình độ cao hơn, ở đó nó bao hàm tính cố định cũng như tính biến đổi, tồn tại cũng như sự hình thành. Đến đây chúng ta thấy rằng

‘giống và loài, hay nói chung cái phổ biến [the general] và cái đặc thù [the particular] là những phương pháp đơn giản nhất để phân biệt, mà không có những phương pháp đó thì không thể hiểu được kết cấu của sự vật’.” (Engels 1994: 68)[11]

Như vậy, cũng giống như trường hợp của Marx, bản tiếng Việt và Anh đều dịch câu chữ của Engels là cái phổ biến (general) và cái đặc thù (particular). Những phân tích của Engels ở phần này không cho thấy ông có cách hiểu khác Hegel về nội dung hai phạm trù này. Một lưu ý nhỏ ở đây là cả Marx và Engels dường như không chú ý đến cái cá biệt trong bộ ba phạm trù của Hegel. Điều này có thể lý giải là các ông không cần thiết phải triển khai đến cái cá thể trong việc giải quyết các vấn đề triết học của mình, hoặc là sự cẩn trọng tránh đi logic bộ ba và cái phủ định của phủ định kiểu Hegel mà Marx và Engels đã không chỉ một lần bày tỏ sự phê phán tính máy móc, xơ cứng, phi biện chứng của chúng.

Người viết xin tạm dừng mạch khảo sát để đưa ra một đề xuất sơ bộ nhằm thống nhất về mặt thuật ngữ, ít nhất là trong khuôn khổ bài viết này. Với những nội hàm như đã phân tích trong các tác phẩm của Hegel, Marx và Engels, người cho rằng cách dịch phạm trù Allgemein sát hợp nhất là “cái phổ quát”, trong đó “phổ” (普) nghĩa là “rộng, khắp” và “quát” (括) nghĩa là “bao chứa, bao hàm, gom lại”. Cách dịch này tránh được cách hiểu đơn giản hóa phạm trù này thành những đặc điểm lặp đi lặp lại ở từ “cái chung” và cả ở “cái phổ biến” (từ “biến” (遍) có nghĩa là “khắp nơi”)[12]. Phạm trù Besonder vẫn giữ nguyên cách dịch là “đặc thù” (特殊), với nghĩa “khác biệt, riêng biệt”. Với phạm trù Einzeln, cách dịch “cái cá thể” có lẽ là hợp lý hơn cả bởi nó nhấn mạnh vào tính chủ thể thay vì sự khác biệt (vốn đặc trưng hơn cho cái đặc thù) so với “cái cá biệt”,[13] và cũng ít gây lầm lẫn với “cái đơn nhất” với tư cách là thuộc tính không lặp lại ở sự vật khác. Hệ thuật ngữ cái phổ quát-cái đặc thù-cái cá thể này sẽ được sử dụng nhất quán trong phần còn lại của bài viết, trừ trường hợp đề cập đến thuật ngữ được sử dụng bởi một tác giả cụ thể.

Quay trở lại với cuộc khảo cứu của chúng ta, câu hỏi chính đặt ra lúc này là: từ đâu và làm thế nào mà các phạm trù cái chung-cái riêng-cái đơn nhất xuất hiện trong sự trình bày phép biện chứng ở Việt Nam nếu nó không xuất phát từ phép biện chứng của Hegel hay của Marx-Engels, cũng không từ cách dịch của những bậc tiền bối đã đem đến cho chúng ta bộ C. Mác và Ph. Ăngghen Toàn tập? Liệu có khả năng các phạm trù cái chung-cái riêng-cái đơn nhất là “made in Liên Xô”? Chúng ta hãy bắt đầu sự khảo sát với V. I. Lenin và Bút ký triết học.

3. Cách hiểu của V. I. Lenin và các nhà Marxist Soviet

Có thể tìm thấy trong Bản tóm tắt cuốn sách của Hê-ghen “Khoa học Logic” một số minh chứng cho cách sử dụng thuật ngữ của Lenin. Người viết xin được bổ sung và để trong ngoặc vuông những thuật ngữ tiếng Nga mà Lenin sử dụng trong nguyên tác. Cụ thể trong tiếng Nga, cái chung là общее (tiếng Anh: general) và cái phổ quát (mà trong Lênin Toàn tập dịch là cái phổ biến) là всеобщее (tiếng Anh: universal); hai từ này có cùng gốc và được Lenin sử dụng lẫn với nhau. Cái đặc thù là особенное (tiếng Anh: particular). Còn cái cá thể (Toàn tập dịch là cái cá biệt hoặc cái đơn nhất) là единичного (tiếng Anh: individual/singular). Các từ tiếng Nga này cũng có nhiều hình thái khác nhau tùy vào việc chia ngôi và vai trò ngữ pháp trong văn cảnh.

“Sự phát triển thêm của cái phổ biến [всеобщего], cái đặc thù (Besonderes) [особого] và cái cá biệt (Einzelnes) [отдельного] thì cực kỳ trừu tượng và „a b s t r u s“.” (Lenin 1981: 185)

“‘Tất cả mọi sự vật đều là sự suy lý, một cái chung [общее] liên hệ với cái đơn nhất [единичностью], thông qua cái riêng [частность]; nhưng, cố nhiên, sự vật không phải là một chỉnh thể gồm ba mệnh đề’.” (Lenin 1981: 187)[14]

Ở trong câu trích thứ nhất, Lenin chú thích trực tiếp thuật ngữ tiếng Đức của các phạm trù cái đặc thù và cái cá biệt, thể hiện rõ sự thống nhất cách hiểu với Hegel. Bản dịch tiếng Việt cũng trung thành với những thuật ngữ đó. Điều đáng lưu ý nằm ở đoạn trích thứ hai khi Lenin sử dụng từ частность cũng có nghĩa là cái đặc thù (particular), nhưng bản dịch tiếng Việt lại dịch là “cái riêng”, và từ единичностью (cái cá thể) thì được dịch là “cái đơn nhất” khiến cái đơn nhất và cái riêng cùng xuất hiện trong một câu văn. Ở đây xuất hiện bộ ba cái riêng-cái chung-cái đơn nhất nhưng là kết quả của việc dịch không chính xác.

Cách sử dụng từ ngữ này được lặp lại trong phần “Về vấn đề phép biện chứng” khi Lenin tán thưởng cách hiểu sâu sắc của Hegel về mối quan hệ giữa cái cá thể và cái phổ quát: “I-van là một người; Giu-sơ-ca là một con chó […] Ngay ở đây (như Hê-ghen đã nhận xét một cách thiên tài) đã có phép biện chứng rồi: cái riêng [единичное] chung [общее]” (Lenin 1981: 380-381). Lần này, cái cá thể hay đơn nhất (единичное) đã được dịch thành “cái riêng”.

Có thể khẳng định đó hoàn toàn là lỗi dịch thuật bởi sự nhất quán về thuật ngữ trong nguyên gốc tiếng Nga. Về nội hàm của phạm trù, I-van hay Giu-sơ-ca rõ ràng là cái cá thể. trong Tóm tắt sách của Hê-ghen “Những bài giảng về lịch sử triết học”, Lenin thể hiện rất rõ ràng nhận thức về cái cá thể hay cái đơn nhất với tư cách là sự vật cảm tính khi ông cho là Aristotles đã tiến sát tới chủ nghĩa duy vật với quan niệm: “hoạt động của cảm giác nhằm vào cái đơn nhất [единичное], còn nhận thức thì, trái lại, nhằm vào cái phổ biến [всеобщее], và cái phổ biến này, trên một ý nghĩa nào đó, tồn tại ngay trong linh hồn như là thực thể” (Lenin 1981: 307). Ở một đoạn khác, Lenin cũng thể hiện sự nhất quán với cách hiểu của Hegel về mối quan hệ giữa cái phổ biến và cái đơn nhất: “Từ đó thấy rằng cái phổ biến [всеобщее] không tồn tại bên cạnh và tách rời cái đơn nhất [единичного]” (Lenin 1981: 391). Như vậy, so với Marx và Engels, Lenin trình bày một cách đầy đủ cả ba phạm trù cái phổ biến-cái đặc thù-cái đơn nhất trong những kiến giải của mình về Hegel và Aristotles. Ngoài vấn đề cách dịch tiếng Việt của phạm trù cái đơn nhất (cái cá thể), không có khác biệt nào đáng kể giữa Lenin và hai bậc tiền bối của ông trong cách hiểu về bộ ba phạm trù của Hegel.

Nhà Marxist người Nga tiếp theo cần phải khảo sát theo thứ tự thời gian là Mark Moisevich Rosenthal (1906-1975). Liên quan đến các phạm trù, Rosenthal có một tác phẩm quan trọng được dịch ra tiếng Việt từ rất sớm và chắc chắn là có ảnh hưởng đến nhiều thế hệ những người học tập và nghiên cứu Chủ nghĩa Marx ở thời buổi thiếu thốn tài liệu đó: Bàn về phạm trù của Phép biện chứng duy vật (Nxb. Sự Thật, 1958).

Về cơ bản, cách hiểu của Rosenthal cũng hoàn toàn nhất trí với các nhà Marxist tiền bối, và cách dịch của những nhà nghiên cứu người Việt cũng trung thành với nguyên tác và lịch sử triết học:

“Trong nhận thức cảm tính của chúng ta, chúng ta gặp những hình thức cụ thể của vật chất chứ không phải vật chất nói chung. Tuy nhiên chúng ta sẽ phạm sai lầm rất lớn nếu từ chỗ đó rút ra kết luận cho rằng cái phổ biến không tồn tại trong hiện thực. Nó tồn tại nhưng không phải tồn tại độc lập, mà tồn tại trong những sự vật cá biệt, với tư cách là cái bản chất mà riêng một nhóm sự vật cá biệt nhất định nào đó vốn có” (Rosenthal 1958: 49)[15]

hay

“Cái phổ biến tồn tại thực sự trong cái cá biệt”. (Rosenthal 1958: 50)

Ở một đoạn khác, Rosenthal đề cập trực tiếp đến cái phổ biến và cái cá biệt với tư cách là một trong các cặp phạm trù của phép biện chứng duy vật: “Nội dung cũng không tồn tại ngoài sự liên hệ với hình thức, cũng như hình thức không ở ngoài sự liên hệ với nội dung; cái cá biệt liên hệ với cái phổ biến, cái phổ biến liên hệ với cái cá biệt v.v… và v.v…” (Rosenthal 1958: 62). Đáng lưu ý là ở trong tác phẩm này Rosenthal không đề cập và phân tích cái đặc thù theo kiểu bộ ba Hegel mà chỉ có cặp đôi cá biệt-phổ biến. Như vậy, sự trình bày nội dung này ở Rosenthal có khác so với cả Lenin và Marx-Engels, mặc dù cách hiểu về nội hàm của hai phạm trù mà ông đề cập thì không khác.

Nhân vật tiếp theo có lẽ không ở tầm ảnh hưởng lớn như Rosenthal bởi lẽ tác phẩm của ông được dịch ra tiếng Việt khá muộn mằn, đó là Evald Vassilievich Ilyenkov (1924-1979). Tầm ảnh hưởng của Ilyenkov trong giới triết học Soviet là không nhỏ, nhưng tác phẩm quan trọng của ông, Lôgíc học biện chứng (1974) chỉ được PGS. TS. Nguyễn Anh Tuấn dịch và xuất bản ở Việt Nam vào năm 2003. Tuy vậy, ảnh hưởng của Ilyenkov tới những thế hệ các nhà nghiên cứu triết học Việt Nam đã từng học tập tại các nước nói tiếng Nga hoặc ở trong nước nhưng sử dụng được tiếng Nga là không cần phải bàn cãi.

Trong Lôgíc học biện chứng, Ilyenkov đề cập đến đầy đủ bộ ba cái phổ quát-cái đặc thù-cái cá thể bằng những thuật ngữ chính xác kiểu Hegel: “Trên thực tế mọi cái phổ biến [всеобщее] đều hiện thực như cái đặc thù [особенное], cái đơn nhất [единичное], như cái hiện tồn cho cái khác” (Ilyenkov 2003: 534).[16] Ông cũng đồng ý với cách hiểu cái cá thể như là sự vật riêng lẻ của Hegel và các tiền bối:

“Chúng ta nói, trong sơ đồ của Hê-ghen không thể có chỗ cho bước chuyển, mà C. Mác phát hiện ra trong các định nghĩa giá trị: sự chuyển hóa cái đơn chất [lỗi chính tả – NĐT] thành cái phổ biến. Ở Hê-ghen chỉ cái phổ biến [всеобщее] có đặc quyền được tha hóa vào các hình thức của cái đặc thù và cái đơn nhất [особенного и единичного], còn cái đơn nhất [единичное] luôn luôn ở đó là sản phẩm riêng lẻ, và vì thế là thành phần nghèo nàn của ‘cái phổ biến’ [всеобщности].” (Ilyenkov 2003: 556)[17]

Cái đơn nhất với tư cách là cá thể riêng lẻ, độc lập như vậy được Ilyenkov đặt vào trong mối quan hệ chuyển hóa với cái phổ biến và coi đó là hiện tượng có tính quy luật:

“Và bước chuyển như thế của cái đơn nhất [единичного] và cái ngẫu nhiên thành cái phổ biến [всеобщее] hoàn toàn không là điều hiếm trong lịch sử, mà, đúng hơn thậm chí là quy tắc của nó. Trong lịch sử luôn luôn xảy chuyện: hiện tượng, mà sau này trở thành cái phổ biến, thì lúc đầu xuất hiện chính như sự hãn hữu đơn nhất [единичное], như cái gì đó riêng rẽ và biệt lập.” (Ilyenkov 2003: 557)[18]

Như vậy cách hiểu và trình bày của Ilyenkov về cơ bản là giống Lenin. Bản dịch tiếng Việt của PGS. TS. Nguyễn Anh Tuấn cũng sử dụng chính xác hệ thuật ngữ mà Ilyenkov và Hegel đã sử dụng thay vì bộ ba cái riêng-cái chung-cái đơn nhất vốn đã rất phổ biến tại thời điểm cuốn sách này được xuất bản ở Việt Nam.

Tác giả Marxist Soviet cuối cùng sẽ được khảo sát ở phần này là Aleksandr Petrovich Sheptulin (1929-1993). Theo khảo sát của người viết, Sheptulin có hai tác phẩm đã được dịch ra tiếng Việt là Bàn về mối liên hệ lẫn nhau của các phạm trù trong Triết học Mác-xít (1961) và Phương pháp nhận thức biện chứng (1987). Tác phẩm đầu trực tiếp đề cập đến vấn đề mà chúng ta đang quan tâm. Cụ thể, trong tác phẩm này, Sheptulin khởi đầu bằng việc phê phán một cách nghiêm túc và khoa học trên tinh thần biện chứng đối với một số sách vở và nghiên cứu của giới Marxist Soviet bấy giờ về vấn đề các phạm trù của phép biện chứng duy vật, sau đó đưa ra quan điểm của mình để “san định” lại những nội dung quan trọng này của Triết học Mác-Lênin. Phê bình cuốn Nguyên lý triết học Mác-xít của Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô (Nxb Sự thật, Hà Nội, 1960), Sheptulin chỉ ra rằng: “các tác giả coi quy luật là cái phổ biến, thế nhưng nội dung của những phạm trù đơn nhất, đặc thù, phổ biến lại được trình bày ở phần sau, sau khi đã trình bày về quy luật” (Sheptulin 1961: 17-19).[19] Như vậy, về mặt hình thức, tác giả này cũng đề cập một cách đầy đủ và sử dụng hệ thuật ngữ trung thành với các tác phẩm kinh điển đã khảo cứu phía trên.

Vấn đề cần đặc biệt chú ý và phân tích ở đây là cách hiểu về những phạm trù này của Sheptulin. Xin được dẫn ra một đoạn trích dài trong đó Sheptulin diễn giải về con đường biện chứng của sự chuyển hóa từ cái đơn nhất tới cái đặc thù và cái phổ biến, mẫu mực cho sự “lộn ngược” lại logic cái phổ biến diễn hóa thành cái đặc thù và cái cá thể/đơn nhất của Hegel:

“Trong tiến trình tác động thực tiễn vào thế giới, trước hết con người va chạm với những kết cấu vật chất riêng lẻ, với những sự vật riêng lẻ. […] nếu càng phát hiện ra những sự vật khác cũng làm thỏa mãn một nhu cầu như thế thì sẽ có thể chuyển (cả trên thực tiễn lẫn trong nhận thức) từ vật chất đơn nhất một, tới một số sự vật, tới ‘nhiều’. […] Khi đã tìm ra được sự giống nhau, sự đồng nhất của một loạt sự vật thì lại chuyển tử ‘nhiều’ đến ‘duy nhất’ […] những sự vật này được bản thân thực tiễn tách riêng ra khỏi toàn khối những sự vật khác xung quanh con người và được thống nhất lại trong một nhóm duy nhất. Nhóm này cả trong ý thức của con người cũng được tách riêng và phân biệt với các sự vật còn lại. Những khái niệm phổ biến nảy sinh ra. […] Như vậy là nhận thức bắt đầu đi từ đơn nhất, từ chỗ hiểu (quan niệm) sự vật riêng lẻ là cái đơn nhất, rồi chuyển sang cái phổ biến, sang chỗ hiểu được sự đồng nhất, thống nhất của nó (sự vật) với sự vật khác, sang quan niệm nó là cái phổ biến.” (Sheptulin 1961: 56-58)

Có thể thấy rõ cách hiểu của Sheptulin trong đoạn trích quan trọng này như sau: cái đơn nhất là sự vật chỉnh thể, riêng lẻ; còn cái đặc thù là một nhóm (“một số”, “nhiều”) có đặc điểm phân biệt với các nhóm khác; và cái phổ biến là sự đồng nhất, thống nhất của cả lớp sự vật hiện tượng. Gạt sang bên logic của sự chuyển hóa, cách hiểu này về cơ bản là giống với Hegel và Lenin.

Tuy nhiên, vấn đề này sinh khi Sheptulin chuyển từ chương “bàn luận” sang chương “san định” ở trong cuốn sách này. Chúng ta hãy xem xét ba định nghĩa của ông về cái đơn nhất, cái đặc thù và cái phổ biến (Sheptulin in nghiêng những định nghĩa này):

Đơn nhất là những mặt, những đặc điểm chỉ vốn có của một kết cấu vật chất nào đó (sự vật, quá trình) và không lặp đi lặp lại trong kết cấu vật chất khác (những sự vật, những quá trình khác).

Cái phổ biến bao hàm những mặt, những đặc điểm được lặp đi lặp lại trong một số kết cấu vật chất.” (Sheptulin 1961: 131)

còn

Cái đặc thù là cái phân biệt những kết cấu vật chất này với những kết cấu vật chất khác, là những kết cấu mà chúng ta nêu ra để so sánh với những kết cấu vật chất khác ấy, còn cái phổ biến trong trường hợp đó là cái chỉ rõ sự giống nhau của những kết cấu vật chất được đưa ra so sánh.” (Sheptulin 1961: 133)

Khác với phần trên, đến đoạn này Sheptulin đã thay đổi định nghĩa của mình về cái đơn nhất. Cái đơn nhất được ông chỉ rõ là những mặt, những đặc điểm riêng có của sự vật hiện tượng. Còn đối lập với nó, cái phổ biến là những mặt, những đặc điểm lặp đi lặp lại ở nhiều sự vật. Đây là cách hiểu và cách dùng từ về cái đơn nhất giống với các giáo trình Triết học Mác-Lênin ở Việt Nam.

Sự giống nhau đó là không hoàn toàn bởi Sheptulin không hiểu cái đặc thù như là cái riêng-sự vật. Thuật ngữ cái đặc thù được giữ nguyên, còn nội hàm của nó thì được ông nhận thức như là những đặc điểm, thuộc tính phân biệt một bộ phận của cái phổ biến, những đặc điểm khác biệt mà khi xuất hiện thêm ở nội hàm sẽ giới hạn một cái phổ biến nhỏ hơn về mặt ngoại diên. Cái đặc thù này do đó cũng đối lập với cái đơn nhất.

Tuy nhiên, là một nhà duy vật, Sheptulin không bỏ quên cái riêng—cái sự vật cảm tính, chỉnh thể, độc lập và cá biệt. Cái riêng lẻ xuất hiện như một phạm trù phân biệt với cái đơn nhất, cái đặc thù và cái phổ biến nhưng lại không được Sheptulin coi là một phần của các phạm trù này. Nó được đưa ra chỉ nhằm mục đích chống lại quan niệm của phái duy thực và duy danh: “Theo chủ nghĩa duy vật biện chứng thì chỉ có cái riêng lẻ, chỉ có những kết cấu vật chất riêng lẻ là tồn tại độc lập, chỉ có chúng là tồn tại như chúng đang tồn tại. Còn cái đơn nhất và cái phổ biến chỉ tồn tại trong cái riêng lẻ, thông qua cái riêng lẻ” (Sheptulin 1961: 138).

Đây đúng là cái riêng theo cách hiểu phổ biến trong giới Marxist ở Việt Nam hiện nay, cũng chính là cái cá thể, nhưng nó không được gia nhập vào mối liên hệ và tương tác biện chứng với cái đơn nhất (những đặc điểm riêng có của sự vật), cái phổ biến và cái đặc thù. Chỉ có mối liên hệ giữa cái đơn nhất với cái phổ biến (mà cái đặc thù là một trường hợp đặc biệt của nó) được Sheptulin đề cập: “trong quá trình phát triển, cái đơn nhất và cái phổ biến đổi chỗ cho nhau: cái đơn nhất trở thành cái phổ biến, cái phổ biến trở thành cái đơn nhất” (Sheptulin 1961: 141).

Rõ ràng là Sheptulin hướng tới những nhận thức mới về vấn đề triết học này và vì đó việc đối chiếu kỹ hơn là cần thiết. Do người viết chưa sưu tầm được tác phẩm này ở ngôn ngữ thứ hai để so sánh các thuật ngữ được Sheptulin sử dụng, chúng ta có thể tạm đối chiếu chéo bản dịch trên với bản tiếng Anh của một tác phẩm quan trọng khác của chính ông, Triết học Mác-Lênin (Nxb. Tiến bộ, 1978). Trong cuốn sách được thiết kế theo kiểu giáo trình này, Sheptulin định nghĩa cái đơn nhất, cái phổ biến và cái đặc thù lần lượt như sau (tác giả cũng in nghiêng):

“Tất cả những thứ là độc đáo trong một hiện tượng, thứ chỉ là cố hữu duy nhất cho hiện tượng này mà không lặp lại ở những cái khác, cấu thành nên cái đơn nhất [the individual].”[20]

“Thứ lặp đi lặp lại ở các hiện tượng, thứ là cố hữu không chỉ trong một mà trong nhiều hiện tượng, thì được gọi là cái phổ biến [the general].”[21]

“[T]hứ phân biệt nhóm sự vật này với nhóm khác cấu thành nên cái đặc thù [the particular], trong khi đó thì thứ cho biết sự tương đồng giữa chúng cấu thành nên cái phổ biến [the general].”[22]

Những định nghĩa này khái quát hơn so với cuốn Bàn về mối liên hệ lẫn nhau trước đó của Sheptulin. Cách hiểu các phạm trù này không có gì thay đổi, chỉ có mối liên hệ biện chứng giữa cái đặc thù và cái phổ biến được đề cập rõ hơn. Thuật ngữ trong bản tiếng Anh cũng cho thấy sự nhất quán với lịch sử triết học của Sheptulin, trừ trường hợp cái đơn nhất được hiểu là thuộc tính chỉ xuất hiện duy nhất một lần. Cái riêng hay cái cá thể-sự vật vẫn bị ông bỏ ra ngoài mối liên hệ biện chứng này.

Như vậy, việc khảo sát quan điểm của Lenin và một số triết gia Marxist Liên Xô cho thấy có sự khác biệt và diễn sinh đáng kể trong quan niệm của họ về các phạm trù cái phổ quát-cái đặc thù-cái cá thể (cái đơn nhất). Ngoài trừ một số trường hợp dịch thuật tiếng Việt không nhất quán, về cơ bản cách hiểu và gọi tên các phạm trù này từ Lenin qua Rosenthal và đến Ilyenkov là tương tự như nhau và giống với cách hiểu của Hegel cũng như của Marx-Engels. Sự khác biệt lớn nhất xuất hiện ở quan niệm của Sheptulin. Cách dùng từ và giải thích nội hàm cái đơn nhất-cái đặc thù-cái phổ biến của Sheptulin có rất nhiều điểm tương đồng với cách trình bày chính thống về vấn đề này ở Việt Nam. Nếu xem thêm cả kết cấu nội dung cuốn Triết học Mác-Lênin (1978) của Sheptulin, ta có thể tìm thấy nhiều điểm tương đồng hơn nữa với các giáo trình của chúng ra. Sự ảnh hưởng của Sheptulin đến việc trình bày các phạm trù cái riêng-cái chung-cái đơn nhất nói riêng và Triết học Mác-Lênin nói chung ở Việt Nam là có cơ sở để khẳng định. Sự ảnh hưởng đó được dẫn truyền như thế nào là một vấn đề cần được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu lịch sử Chủ nghĩa Marx ở Việt Nam. Mặt khác, vẫn còn đó một sự khác biệt quan trọng ở phạm trù cái riêng với tư cách là sự vật cá biệt, tức phạm trù cá thể rất quan trọng trong quan niệm của Hegel, Marx, Lenin và giáo trình của Việt Nam nhưng lại gần như bị bỏ qua trong quan niệm của Sheptulin. Vẫn cần thêm sự lý giải, vẫn còn hơn một nguồn ảnh hưởng nữa tới các nhà Marxist Việt Nam chưa được khảo sát, và chúng ta sẽ tiếp tục với góc độ Trung Hoa của vấn đề.

4. Cách hiểu của Mao Trạch Đông và giới Marxist Trung Quốc

Ảnh hưởng của cách giải thích Trung Hoa tới Chủ nghĩa Mác-Lênin ở Việt Nam ngay từ những buổi đầu là rõ ràng và chắc chắn. Trong khuôn khổ sự quan tâm của nghiên cứu này, sự tìm kiếm dẫn ngay người viết đến với Mao Trạch Đông và tác phẩm Luận về mâu thuẫn (1937) của ông.[23] Nội dung chính của tác phẩm này là quy luật mâu thuẫn, nhưng vấn đề trung tâm khơi mào cho sự luận bàn về mâu thuẫn của Mao Trạch Đông lại chính là mối quan hệ giữa tính phổ biến với tính đặc thù và tính cá biệt. Sau phần dạo đầu về siêu hình và biện chứng, Mao Trạch Đông triển khai sự bàn luận về mâu thuẫn của mình lần lượt qua hai mục lớn là “II. Tính phổ biến của mâu thuẫn” và “III. Tính đặc thù của mâu thuẫn”. Thuật ngữ được ông sử dụng phổ biến và về cơ bản là nhất quán trong tác phẩm này là tính phổ biến (普遍性, universality) và tính đặc thù (特殊性, particularity).

Ngay từ đầu, Mao Trạch Đông đã đưa ra một nhận xét sâu sắc về tính phổ biến (của mâu thuẫn):

“Tính phổ biến [普遍性, universality] hay tính tuyệt đối của mâu thuẫn có hai tầng nghĩa. Một là mâu thuẫn tồn tại trong quá trình phát triển của tất cả mọi thứ, và nghĩa còn lại là trong quá trình phát triển của một sự vật thì có một khuynh hướng vận động của các mặt đối lập tồn tại suốt từ đầu chí cuối.”[24]

Đoạn trích này cho thấy Mao Trạch Đông hiểu thấu đáo về phạm trù cái phổ biến ở cả hai lớp nghĩa của nó: là cái chung, tức là những đặc điểm lặp đi lặp lại ở các sự vật khác nhau; đồng thời là tính quy luật xuyên suốt quá trình phát triển của sự vật (có thể cần nói rõ thêm là của cả các lớp sự vật). Cái đặc thù thì được ông hiểu là “cái bản chất đặc thù [特殊性, the particular essence] của một vật giúp phân biệt nó với các sự vật khác”.[25] Mao Trạch Đông nhấn mạnh là tính đặc thù và tính phổ biến có sự thống nhất với nhau, tính phổ biến “nằm trong” tính đặc thù, vì thế cần nhận thức đầy đủ cả hai mặt này của sự vật.[26]

Ở một đoạn khác, Mao Trạch Đông có thay đổi trong cách lựa chọn từ ngữ để diễn tả hai phạm trù này:

“Mối liên hệ giữa tính phổ biến và tính đặc thù của mâu thuẫn là mối liên hệ giữa tính chất chung [共性, cộng tính, general character] và tính chất cá biệt [个性, cá tính, individual character] của mâu thuẫn. Cái trước [tính chất chung] nghĩa là mâu thuẫn tồn tại và quán xuyến mọi quá trình từ đầu chí cuối […] Nhưng tính chất chung này được chứa đựng trong mọi tính chất cá biệt; không có tính chất cá biệt thì không thể có tính chất chung. Nếu tất cả tính chất cá biệt bị loại bỏ, tính chất chung sẽ còn ý nghĩa gì? Chính vì mỗi mâu thuẫn là một cái đặc thù [特殊, particular] mà các tính chất cá biệt mới sinh ra. Mọi tính chất cá biệt tồn tại một cách nhất thời và có điều kiện, vì đó chúng chỉ là tương đối.”[27]

Chỗ này, Mao Trạch Đông sử dụng “cộng tính” và “cá tính” để nói về những tính chất lặp đi lặp lại và những tính chất riêng có không lặp lại của các sự vật, về cơ bản chỉ là một cách diễn đạt thông dụng (hai từ này ít hàn lâm hơn trong tiếng Trung) của tính phổ biến và tính đặc thù. Trong bản dịch tiếng Anh sử dụng từ “individual” nhưng hoàn toàn không phải với nghĩa sự vật-cá thể mà chỉ với nghĩa các tính chất cá biệt nhất thời, tương đối trong sự vật. Điều này được khẳng định bởi nhà nghiên cứu Thành Trung Anh của Đại học Hawai’i tại Manoa:

“Tính phổ biến của mâu thuẫn, còn được gọi là tính chất chung của mâu thuẫn, tồn tại vô điều kiện, và vì thế là tuyệt đối. Tính đặc thù của mâu thuẫn, còn được gọi là tính chất cá biệt của mâu thuẫn, tồn tại có điều kiện và tạm thời, và do đó là tương đối.”[28]

Để góp phần hoàn thiện hơn phần khảo sát góc nhìn Trung Hoa, chúng ta sẽ cập nhật định nghĩa về các phạm trù này của một giáo trình Triết học Marx tiêu biểu của Trung Quốc. Giáo trình Triết học của Chủ nghĩa Marx (Nxb. Cao đẳng giáo dục, 2009) tiếp cận vấn đề một cách rất khác biệt cả về thuật ngữ và nội dung. Các tác giả của giáo trình này dường như cố gắng đơn giản hóa đến cùng cực các phạm trù này khi xem đó là mối quan hệ giữa chỉnh thể và bộ phận:

“Chỉnh thể (整体, whole) và bộ phận (部分, part), hay còn gọi là toàn cục và cục bộ, là một cặp phạm trù của phép biện chứng được sử dụng rộng rãi. Chỉnh thể và bộ phận là điều kiện tồn tại của nhau, chỉnh thể do bộ phận cấu thành, nếu không có bộ phận thì cũng chẳng có chỉnh thể; ngược lại chỉnh thể quy định bộ phận, không có chỉnh thể thì cũng chẳng có bộ phận.” (Nhiều tác giả 2009: 105)

“Chỉnh thể và bộ phận trong điều kiện nhất định có thể chuyển hóa cho nhau. Cũng trong điều kiện nhất định, một bộ phận nào đó của chỉnh thể có thể thoát li khỏi chỉnh thể và trở thành độc lập, thành một cái chỉnh thể riêng.” (Nhiều tác giả 2009: 106)

Như vậy là ở đây cái phổ biến và cái đặc thù đã bị tước bỏ hầu như hoàn toàn mặt chất với những liên hệ quy luật sâu sắc, biện chứng của chúng, chỉ còn lại mặt thiên hướng về lượng, hay đúng hơn là đã bị thay thế bởi một cặp phạm trù khác—chỉnh thể và bộ phận.[29] Tất nhiên, khác như vậy nên cái logic chuyển hóa giữa cái phổ quát-cái đặc thù-cái cá thể ở Hegel, ở Marx hay Lenin không còn nữa. Với cách tiếp cận và lý giải đơn giản hóa đến nghèo nàn như vậy, không quá khó để hiểu tại sao trong giáo trình Nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác (Nxb. Cao đẳng giáo dục, 2021) bộ phạm trù này đã hoàn toàn biến mất, chỉ còn có năm cặp phạm trù được giới thiệu một cách sơ lược (Nhiều tác giả 2021: 40-43).

Có thể nhận thấy rằng cách hiểu về bộ phạm trù cái phổ quát-cái đặc thù-cái cá thể ở Trung Quốc cũng trải qua một quá trình biến tướng và đơn giản hóa (theo nghĩa xấu của từ này). Ở Mao Trạch Đông, sự sâu sắc và tính quy luật của cái phổ quát vẫn còn được nhận thức khá đầy đủ, còn cái đặc thù thì được nâng lên ngang hàng với cái phổ quát, nhấn mạnh hơn so với những người đồng nghiệp Soviet—điều có thể lý giải là nhãn quan triết học nhạy bén trước tính lịch sử-cụ thể của việc vận dụng Triết học Mác nói riêng và Chủ nghĩa Marx nói chung vào cuộc cách mạng hiện thực trong điều kiện kinh tế, văn hóa và xã hội đặc thù của Trung Quốc. Điều đáng tiếc là những giáo trình Triết học Marx gần đây của Trung Quốc có vẻ càng ngày càng trở nên đặc thù theo cách rời xa khỏi những nhận thức đó. Điểm chung của góc nhìn Trung Hoa về các phạm trù này, như chúng ta đã thấy, là sự xao nhãng đối với cái cá thể, cái đơn nhất với tư cách là sự vật riêng lẻ, cảm tính, điều mà nếu so sánh với phía bắc bờ Hắc Long Giang (sông Amur), trong khuôn khổ sự khảo sát của bài viết này, chỉ bắt gặp duy nhất ở giai đoạn sau của Sheptulin. Cách trình bày về các phạm trù này của người Trung Quốc, đặc biệt là của các giáo trình Triết học Marx cũng không giống với cách trình bày ở Việt Nam. Như thế, sự ảnh hưởng của Chủ nghĩa Mác Trung Hoa tới nhận thức về phép biện chứng duy vật, trước hết là qua các phạm trù cái phổ biến-cái đặc thù-cái cá thể, dù chắc chắn là có nhưng không thể sánh bằng sự ảnh hưởng được truyền tới qua các đại diện nói tiếng Nga của Chủ nghĩa Mác-Lênin.

5. Cách trình bày của một số triết gia phương Tây hiện đại

Sẽ là thiếu hụt nếu chúng ta không khảo sát cách hiểu của triết học phương Tây nói chung và các triết gia phương Tây hiện đại nói riêng về các phạm trù cái phổ quát-cái đặc thù-cái đơn nhất. Cách hiểu các phạm trù này trong giới Marxist bắt nguồn từ các nhà kinh điển, và cách hiểu của Marx, Engels, Lenin lại bắt nguồn chủ yếu từ Hegel. Mặc dù cách hiểu của Hegel, vì lý do vừa nêu, là phổ biến và ở mức độ nào đó là một chuẩn mực đối với giới triết học Marxist, điều đó hoàn toàn không có nghĩa đó là cách hiểu duy nhất hay phổ biến nhất trong lịch sử triết học phương Tây. Ngược lại, cần phải thừa nhận rằng cách hiểu của Hegel về các phạm trù này là khá đặc thù, bị ràng buộc bởi logic triển khai hệ thống của ông.

Ngược trở lại tới khởi điểm của các phạm trù triết học ở Aristotle, ông sử dụng cái phổ quát (ta katholou, universals) để chỉ những thứ ‘có thể dùng để nói về’ nhiều sự vật (ví dụ: Socrates là thông thái, Plato cũng thông thái). Đối lập với cái phổ quát, những thứ không phổ biến được ông gọi là cái đặc thù (ta kath’ hekasta, particulars). Aristotle cũng cho rằng có cái cá thể (tode ti, individual) nhưng nó không đối lập với cái phổ quát mà có thể đồng thời là cái phổ quát. Cái cá thể được đặc trưng bởi tính xác định, không khác biệt; trong khi cái đặc thù được đặc trưng bởi tính không lặp lại, không thể làm vị từ của bất cứ sự vật nào khác. Mặc dù vậy, các tác giả của Bách khoa thư triết học Stanford lưu ý rằng chính Aristotle không phải lúc nào cũng phân biệt rõ ràng hai phạm trù cái cá thể và cái đặc thù (Cohen và Reeve 2021). Đây có thể là một mầm mống cho sự phức tạp của việc hiểu và sử dụng thuật ngữ liên quan đến chúng trong lịch sử triết học.

Cho đến đầu thế kỷ XX, bàn luận phổ biến về vấn đề siêu hình học này là từ góc độ mối liên hệ giữa cái phổ quát (universals) và cái đặc thù (particulars), trong đó cái đặc thù cũng được hiểu là những cái cụ thể, cảm tính. Không giống như ở Hegel, phạm trù cái cá thể trong phân biệt với cái đặc thù ít khi được đem vào những bàn luận của các triết gia thời kỳ này. Cách phân biệt truyền thống và phổ biến ở phương Tây giữa cái phổ quát và cái đặc thù là dựa trên sự định vị thời-không của chúng: cái phổ quát thì không có vị trí thời-không nên nó có thể là vị từ của nhiều thứ, còn cái đặc thù thì phải có vị trí xác định trong không-thời gian. Trong trường hợp này, cách dịch “cái phổ biến” (với từ “biến” (遍) có nghĩa là “khắp nơi”) có thể là sát hợp hơn. Điển hình cho cách phân biệt này là quan niệm của Bertrand Russell (1872-1970):

“Như vậy, chúng ta có một sự phân chia mọi thực thể thành hai loại: (1) những cái đặc thù [particulars], thứ tham gia vào phức hệ chỉ với tư cách chủ từ của các vị từ hay những vế của mối liên hệ, và, nếu chúng nằm trong thế giới kinh nghiệm của chúng ta, thì chúng tồn tại trong thời gian và không thể chiếm hơn một vị trí trong không gian và thời gian mà chúng thuộc về; (2) những cái phổ biến [universals], thứ có thể xuất hiện với tư cách vị từ hoặc mối liên hệ trong các phức hệ, và không có ràng buộc với một vị trí theo cách chúng không thể đồng thời xuất hiện ở vị trí khác.” (Russell 1911-1912: 23-24)

và của một tên tuổi nổi tiếng khác của Chủ nghĩa thực chứng logic là Alfred Jules Ayer (1910-1989):

“Tôi cho rằng sự phân biệt giữa cái đặc thù [particulars] và cái phổ biến [universals] là ở chỗ Socrates thì là cái đặc thù, còn thông thái thì là cái phổ biến […] sự xuất hiện của hai hoặc hơn những vật mang thuộc tính màu trắng trong cùng một tầm quan sát là khả thi: đó chỉ là cách nói khác của việc màu trắng (hay tính trắng) có thể xuất hiện ở nhiều nơi cùng một lúc. Và chuyện trong bất cứ tầm quan sát nào xuất hiện hai hay nhiều đối tượng của cảm giác có điểm giống nhau là một sự thực kinh nghiệm.” (Ayer 1933: 52-56)

Như vậy, việc tập trung chú ý vào cặp phạm trù cái phổ quát (cái phổ biến)-cái đặc thù và bỏ qua cái cá thể (không tính đến hoặc không phân biệt nó với cái đặc thù) là khuynh hướng phổ biến hơn trong lịch sử triết học phương Tây. Việc xuất hiện cách tiếp cận tương tự ở Sheptulin hay Mao Trạch Đông là có thể lý giải. Họ có thể đã tham khảo ra đằng trước hoặc bên ngoài các tác phẩm của Hegel, Marx, Lenin và các nhà Marxist khác, mà cũng có thể một cách tự thân xuôi theo logic phổ biến của các bậc tiền nhân để đi đến sự trình bày về cái phổ quát và cái đặc thù có sự khác biệt nhất định với truyền thống giải thích kiểu Hegelian-Marxist. Vấn đề còn lại là có vẻ như bộ ba phạm trù cái riêng-cái chung-cái đơn nhất được trình bày trong các tài liệu triết học Marxist-Leninist phổ biến ở Việt Nam không thể truy nguyên hoàn toàn về bất cứ đâu trong các nguồn ảnh hưởng này.

6. Một số vấn đề trong cách trình bày các phạm trù cái riêng-cái chung-cái đơn nhất ở Việt Nam

Trong giới nghiên cứu và giảng dạy Triết học Mác-Lênin ở Việt Nam, Giáo trình Triết học Mác-Lênin của Hội đồng Trung ương chỉ đạo biên soạn giáo trình quốc gia các bộ môn khoa học Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn thường được coi làm chuẩn cơ bản trong một thời gian dài. Nếu lấy nội dung của “Giáo trình chuẩn” này làm đại diện cho quan niệm của các nhà Marxist Việt Nam, có thể hình dung sự trình bày các phạm trù cái riêng-cái chung-cái đơn nhất và tính có vấn đề của nó như sau.

Chương VI của quyển giáo trình có tiêu đề “Các cặp phạm trù cơ bản của Phép biện chứng duy vật” (Hội đồng Trung ương 1999: 233). Có chút mâu thuẫn với tiêu đề “II – Cái riêng, cái chung và cái đơn nhất” (Hội đồng Trung ương 1999: 237) bởi ở đây chúng ta có tới ba chứ không phải là một cặp phạm trù. Điều này ít nhiều có liên quan đến cách mà giáo trình này định nghĩa về phạm trù, nhưng xin phép không đi sâu vào vấn đề này ở đây.

Các phạm trù lần lượt được định nghĩa như sau:

“Như vậy, theo Lênin, “cái riêng” là phạm trù được dùng để chỉ một sự vật, một hiện tượng, một quá trình riêng lẻ nhất định. Còn “cái chung” là phạm trù được dùng để chỉ những mặt, những thuộc tính chung không những có ở một kết cấu vật chất nhất định, mà còn được lặp lại trong nhiều sự vật, hiện tượng hay quá trình riêng lẻ khác.” (Hội đồng Trung ương 1999: 237-238)

Như vậy là hai phạm trù cái riêng và cái chung có nguồn gốc từ Lenin với đoạn trích kinh điển được sử dụng ở trang 381 của Lênin Toàn tập 29, phần “Về vấn đề phép biện chứng”. Cách sử dụng thuật ngữ và cách hiểu của Lenin ở phần này chúng ta đã khảo sát ở phía trên, có sự không nhất quán về mặt dịch thuật. Cái riêng ở đây về thực chất là cái cá thể (cá biệt, đơn nhất), còn cái chung là cái phổ quát. Tuy nhiên, cách hiểu về cái chung trong giáo trình này lại lược bỏ mất lớp nghĩa về tính quy luật, tính bản chất, tính duy nhất của cái phổ quát, chỉ còn lại lớp nghĩa về sự lặp đi lặp lại có thể chứa đựng, nhưng không nhất thiết là tính phổ quát. Đây là điều mà tác giả Phạm Chiến Khu đã phân tích khá kỹ lưỡng (Phạm Chiến Khu 2004).

Điều đáng tiếc ở đây là tất cả trích dẫn kinh điển trong phần “II – Cái riêng, cái chung và cái đơn nhất” này đều từ một nguồn duy nhất: trang 381 của Lênin Toàn tập 29. Chỉ cần một sự tham khảo và đối chiếu rộng hơn ngay trong Bút ký triết học của Lenin như những gì người viết đã làm phía trên cũng đủ để tránh khỏi vấn đề thiếu nhất quán về dịch thuật này và đi đến sự nhận thức đầy đủ hơn về cách Lenin hiểu các phạm trù cái phổ quát-cái đặc thù-cái cá thể cũng như mối quan hệ biện chứng giữa chúng.

Với cách hiểu như trong “Giáo trình chuẩn” thì đúng là hợp lý khi ở phần ý nghĩa phương pháp luận sự chuyển hóa lẫn nhau một cách biện chứng được nhắc tới là giữa cái đơn nhất và cái chung chứ không phải là giữa cái riêng và cái chung.[30] Bởi chỗ, thuộc tính có thể chuyển hóa lẫn nhau vì chúng cùng một cấp (thuộc tính chung/phổ biến và thuộc tính đơn nhất), nhưng thuộc tính không thể vượt cấp để chuyển hóa thành chỉnh thể/sự vật (cái riêng).[31] Sự chuyển hóa và thâm nhập vào nhau một cách vượt cấp như thế có lẽ chỉ có thể diễn ra trong khái niệm, với tư cách chủ từ và vị từ của phán đoán, theo cách lý giải của Hegel:

“Theo cái nghĩa của mình, chủ thể trước hết là cái đơn nhất, còn thuộc tính – là cái phổ quát. Trong sự phát triển tiếp theo của phán định [phán đoán], chủ thể không chỉ dừng lại là cái đơn nhất trực tiếp, còn thuộc tính cũng không chỉ dừng lại là cái phổ quát trừu tượng; chủ thể và thuộc tính sẽ nhận được một ý nghĩa khác: thuộc tính sẽ nhận được ý nghĩa của cái đặc thù và cái đơn nhất, còn chủ thể thì nhận được ý nghĩa của cái đặc thù và cái phổ quát.”[32]

Liên quan đến vấn đề này, việc bàn luận có thể cần phải mở rộng ra ngoài khuôn khổ của các giáo trình đến nhà Marxist Trần Đức Thảo. Trong Vận dụng triết học Mác-Lênin thế nào cho đúng (1991), Trần Đức Thảo phê phán quan điểm siêu hình cho rằng chỉ có cái riêng mới là sự vật cụ thể, còn cái chung chỉ là thuộc tính trừu tượng. Tương tự như cách tiếp cận của các giáo trình của Trung Quốc, ông đi tới một quan niệm đồng nhất giữa cái chung-cái riêng với cái toàn thể-cái bộ phận: “với tư cách là hệ thống, mỗi sự vật là một cái chung cụ thể bao gồm vô số những cái riêng là cái bộ phận riêng . . . như trong xã hội Việt Nam thì dân tộc Việt Nam là cái chung. Trong cái chung ấy, có những cái riêng, là các giai cấp, các tập đoàn, các cá nhân người Việt Nam . . . Theo quan điểm Mác, Ăngghen và Lênin, thì cái chung không phải chỉ là trừu tượng, mà còn là cụ thể. Nó không phải là thuộc tính chung, mà còn là thực thể chung. Tức là mỗi sự vật là một cái riêng, đồng thời nó cũng là một cái chung, cái hệ thống chung của những bộ phận riêng của nó.”[33] Mặc dù vậy, Trần Đức Thảo không đưa ra dẫn chứng về tính cụ thể của cái chung được trình bày như thế nào hay cái chung và cái phổ quát (phổ biến) phân biệt với nhau như thế nào bởi Marx, Engels và Lenin. Tầm quan trọng của sự phân biệt giữa cái chung và cái phổ quát, hay mở rộng ra là giữa hai hệ thống phạm trù này, sẽ được phân tích ở những trang tiếp theo.

Phạm trù cái đơn nhất được “Giáo trình chuẩn” định nghĩa là “phạm trù dùng để chỉ những nét, những mặt, những thuộc tính… chỉ có ở một kết cấu vật chất nhất định và không được lặp lại ở bất cứ một kết cấu vật chất nào khác[34] mà không dẫn ra một nguồn tài liệu nào. Với nội hàm như vậy, phạm trù này không thể quy về cái cá thể (“cái riêng” trong cách gọi của giáo trình này, và “cái đơn nhất” trong cách gọi của Hegel và nhiều triết gia khác), cũng không thể quy về cái đặc thù (vì những đặc điểm đặc thù có lặp lại trong nhóm). Trong sự khảo sát của người viết, chỉ có cách hiểu về cái đơn nhất của A. P. Sheptulin là tương thích với cách hiểu trong giáo trình của Hội đồng Trung ương. Đem so sánh cả cấu trúc của giáo trình này với cách triển khai nội dung cuốn Triết học Mác-Lênin của Sheptulin, sự tương đồng giữa chúng gợi ý rằng có khả năng Sheptulin là một trong số những nguồn ảnh hưởng đến việc hình thành các quan niệm và xây dựng giáo trình môn Triết học Mác-Lênin ở Việt Nam, và có thể trong quá trình đó phạm trù cái đơn nhất theo cách hiểu không tìm thấy ở đâu khác của Sheptulin đã được tiếp thu bởi các nhà Marxist Việt Nam. Tuy nhiên, không thể cắt nghĩa hết cách trình bày các phạm trù ở Việt Nam từ triết học của Sheptulin, bởi hai bên chỉ giống nhau 2/3 các phạm trù: ở Sheptulin là cái đơn nhất-cái phổ biến-cái đặc thù, còn ở Việt Nam theo thứ tự tương ứng là cái đơn nhất-cái chung-cái riêng. Cái đặc thù không được bàn đến trong “Giáo trình chuẩn”, còn cái riêng (cái cá thể) không được bàn đến trong triết học Sheptulin.

Cũng cần phải nói ngay là mặc dù phạm trù cái đơn nhất theo cách hiểu như trên ít được chú ý trong quan niệm của Hegel và các nhà kinh điển của Chủ nghĩa Marx, nhưng điều này hoàn toàn không có nghĩa là nó sai, “ly kinh bạn đạo”, hay không có giá trị về mặt triết học và phép biện chứng. Những đặc điểm chỉ xuất hiện duy nhất một lần là có tồn tại (ví dụ: Nguyễn Văn A là con trai độc nhất trong gia đình của bố mẹ A) dù “hiếm” gặp hơn những đặc điểm đặc thù của nhóm (gọi là “hiếm” một cách tương đối bởi cũng tồn tại vô số cái đơn nhất như vậy), chúng cũng giúp phân biệt (đặc thù hóa, cá biệt hóa) sự vật, và trong những điều kiện nhất định chúng cũng có thể dần trở nên phổ biến hơn, thậm chí thành cái phổ quát. Như vậy, cái đơn nhất cũng đáng được chú ý nghiên cứu, nhất là với một cách hiểu tương đối về nó như là cái hiếm hoi (thay vì duy nhất), trong quá trình phổ biến hóa của nó, và trong bối cảnh của chủ nghĩa hậu hiện đại và chủ nghĩa đa nguyên văn hóa (cultural pluralism). Lấy ví dụ một vấn đề liên quan đến phạm trù cái đơn nhất này: bản sắc văn hóa Việt Nam (hoặc yếu tố nào đó của nó) là cái đặc thù hay cái đơn nhất và nó sẽ liên hệ như thế nào với cái phổ quát về văn hóa?

Như đã đề cập ngay từ đầu, vấn đề cái đặc thù-cái phổ biến đã được “cập nhật bản vá lỗi” trong Giáo trình Triết học Mác-Lênin (dành cho bậc đại học hệ chuyên về lý luận chính trị) của Bộ Giáo dục và Đào tạo xuất bản năm 2021. Ở trang 191, GS.TS. Phạm Văn Đức và các cộng sự đã bổ sung một ý in nghiêng về “Cái đặc thù và cái phổ biến”. Cơ sở kinh điển được lấy làm khởi điểm cho những lập luận ở phần này là nhận xét về cái phổ biến trừu tượng và cái phổ biến cụ thể của Lenin trong Bút ký triết học, trang 108 (Bộ Giáo dục và Đào tạo 2021: 191). Sự phân tích triết học ở đây là thấu đáo. Ở chừng mực nhất định, việc lưu ý thêm nội dung này sau khi đã trình bày xong ý nghĩa phương pháp luận của bộ ba phạm trù cái riêng-cái chung-cái đơn nhất cho thấy các tác giả xác định cái đặc thù-cái phổ biến là một cặp phạm trù khác nhưng có mối liên hệ mật thiết với cái trước.

Việc bổ sung này là quan trọng, bởi bộ ba cái riêng-cái chung-cái đơn nhất không đủ biện chứng để giải thích nhiều vấn đề và nội dung của ngay chính Chủ nghĩa Marx. Đơn cử là vấn đề về bản chất con người trong luận cương thứ sáu về L. Feuerbach của Marx: “Nhưng bản chất con người không phải là một cái trừu tượng cố hữu của cá nhân riêng biệt. Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hoà những quan hệ xã hội” (Marx 1995: 19). Chúng ta sẽ không thể hiểu được ý nghĩa thực sự của định nghĩa này nếu chỉ dừng lại ở phạm trù cái chung, bởi những thuộc tính chung, lặp đi lặp lại ở các sự vật không phải lúc nào cũng thể hiện tính bản chất và tính quy luật của chúng. Sự lặp đi lặp lại đó chính là cái “trừu tượng cố hữu” (của các cá nhân riêng biệt) mà Marx nhắc đến, là cái “phổ biến trừu tượng” mà Lenin cảnh báo trong Bút ký triết học. Feuerbach đã chỉ dừng lại ở cái chung, và vì thế thứ bản chất con người mà ông đúc rút ra được chỉ là “là ‘loài’, là tính phổ biến nội tại, câm, gắn bó một cách thuần túy tự nhiên đông đảo cá nhân lại với nhau” (Marx 1995: 19) theo kiểu: Mọi con chó đều là động vật bốn chân biết sủa gâu gâu; vậy thì “bốn chân” và “sủa gâu gâu” là bản chất của con chó. Định nghĩa như vậy thì Lenin có lẽ sẽ phải thảng thốt: Giu-sơ-ca là một con chó, nhưng nó sẽ là gì nếu một ngày nọ bị cụt mất một chân? Vậy nên cái bản chất sâu sắc không dừng ở cái chung mà phải ở chỗ cái phổ quát, và cái phổ quát với tư cách là “mối liên hệ có tính quy luật” (Ilyenkov 2003: 536) như Ilyenkov đã tổng kết thì không nhất thiết phải là chung theo kiểu logic hình thức.[35] Bởi vậy, bản chất thực sự của con người không thể tìm thấy trong những đặc điểm sinh học của giống, loài và tổ tiên của anh ta, mà là ở trong “tính hiện thực” của anh ta. Marx tâm đắc với định nghĩa “con người là sinh vật sản xuất ra công cụ lao động” của B. Franklin chính là ở tính biện chứng, phổ quát của nó. Chiểu theo định nghĩa này thì logic học hình thức của cái chung sẽ không coi một đứa bé sơ sinh là người, hoặc ngược lại, và khả năng này thì cao hơn, sẽ coi việc sản xuất ra công cụ lao động chỉ là một cái đặc thù. Còn logic học biện chứng hiểu đó là tính quy luật, và lấy đó làm khởi điểm để nhận thức về con người, nhận thức về lịch sử-xã hội (Ilyenkov 2003: 549-550).

7. Một vài kết luận

Sự khảo cứu các phạm trù cái phổ quát-cái đặc thù-cái cá thể từ nhiều góc độ và tương đối xuyên suốt về mặt thời gian cho phép chung ta rút ra một vài kết luận như sau.

Thứ nhất, có sự sai lệch đáng kể trong cách hiểu về và trình bày các phạm trù này trong lịch sử phép biện chứng nói chung và lịch sử phép biện chứng Marxist nói riêng. Khuynh hướng chung của các nhà Marxist, đặc biệt là ở Trung Quốc và Việt Nam là đơn giản hóa, và có lúc là nghèo nàn hóa nội dung của các phạm trù này. Điều này có nguyên nhân một phần ở sự “tam sao thất bản” trong việc dịch thuật và sử dụng thuật ngữ, nhưng hơn cả là sự thiếu cẩn trọng trong việc khảo cứu và luận giải các tác gia kinh điển, mà biểu hiện nghiêm trọng hơn của nó là bệnh giáo điều. Về mặt thuật ngữ, người viết cho rằng cách dịch các phạm trù này trong tiếng Việt thành cái phổ quát-cái đặc thù-cái cá thể là sát hợp hơn cả. Về mặt nội dung, việc đi xa khỏi lý luận gốc về các phạm trù này có hệ lụy là khả năng lý giải sai và tầm thường hóa nhiều nội dung lý luận triết học của Chủ nghĩa Marx, và vì lý do đó nó cần được chú ý và khắc phục.

Thứ hai, việc trình bày bộ ba phạm trù cái riêng-cái chung-cái đơn nhất ở Việt Nam là một trường hợp đặc biệt. Trong so sánh với sự ảnh hưởng bởi Trung Quốc, sự ảnh hưởng bởi Liên Xô là lớn hơn về mặt triết học. Người viết cho rằng ảnh hưởng lớn nhất tới quan niệm về các phạm trù được đề cập có thể đến từ quan niệm của A. P. Sheptulin, nhưng đó không phải là ảnh hưởng duy nhất. Ảnh hưởng của Lenin và các nhà Marxist Soviet khác là rất quan trọng, nhưng ở Sheptulin có một sự đột biến phá vỡ truyền thống trong quan niệm về các phạm trù này. Tính độc đáo trong việc lựa chọn và kết hợp ba phạm trù cái riêng-cái chung-cái đơn nhất lại với nhau cho thấy giới học giả Marxist ở Việt Nam có sự chủ động và sáng tạo. Điều đó cũng có thể phản ánh phần nào sự thiếu vắng cọ xát, giao lưu, tham khảo, đối chiếu về mặt học thuật giữa các bên. Cần có thêm những khảo cứu sâu rộng hơn về vấn đề ảnh hưởng và tiếp biến này, và không chỉ bó hẹp trong nội dung về những phạm trù.

Thứ ba, đã có những phản tư và cố gắng bổ sung, chỉnh sửa những thiếu hụt trong sự trình bày phép biện chứng duy vật ở Việt Nam. Những sự bổ sung đó, và ngay cả một số sự tiếp biến hay cải biên mà chúng hướng tới bổ sung và điều chỉnh đều có giá trị triết học đáng để nghiên cứu và thảo luận. Tuy nhiên những cố gắng này còn khá ít ỏi và chưa thu được sự quan tâm ghi nhận xứng đáng. Thiết nghĩ cần có nhiều hơn những diễn đàn và cơ hội cho những phản tư triết học ở cấp độ này. Đó không phải là lý thuyết suông. Tư bản luận chỉ cho chúng ta điều này bằng chính Logic học biện chứng trong nó.

Tài liệu tham khảo

Ayer, A. J. 1933. “III – On Universals and Particulars”. Proceedings of the Aristotelian Society, New Series, Vol. 34 (1933 – 1934), 51-62.

Bộ Giáo dục và Đào tạo. 2021. Giáo trình Triết học Mác-Lênin (dành cho bậc đại học hệ chuyên về lý luận chính trị). Hà Nội: Nxb. CTQG.

Cohen, S. Marc và C. D. C. Reeve. 2021. “Aristotle’s Metaphysics”, The Stanford Encyclopedia of Philosophy (Winter 2021 Edition), Edward N. Zalta (ed.), URL = <https://plato.stanford.edu/archives/win2021/entries/aristotle-metaphysics/>.

Cheng, Chung-ying. 1977. “The Universality and Particularity of Contradiction”. Chinese Studies in Philosophy, 9:1, 36-60. DOI: 10.2753/CSP1097-1467090136

Engels, F. 1878. Anti-Dühring: Herr Eugen Dühring’s Revolution in Science. Người dịch: Emile Burns. Nguồn: marxists.org

Engels, F. 1994. “Chống Đuy-rinh”. C. Mác và Ph. Ăngghen Toàn tập. Tập 20. Hà Nội: Nxb CTQG Sự Thật. Thời gian sáng tác: 1878.

Hegel, G. W. F. 2010. Encyclopedia of the Philosophical Sciences in Basic Outline – Part I: Science of Logic. Người dịch: Klaus Brinkmann và Daniel O. Dalhstrom. Cambridge: Cambridge University Press. Xuất bản lần đầu: 1817.

Hegel, G. W. F. 2013. Bách khoa thư các khoa học triết học – Tập I: Khoa học lôgích. Người dịch: Phạm Chiến Khu. Hà Nội: Nxb. CTQG. Xuất bản lần đầu: 1817.

Hội đồng Trung ương chỉ đạo biên soạn giáo trình quốc gia các bộ môn khoa học Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh. 1999. Giáo trình Triết học Mác-Lênin. Hà Nội: Nxb. CTQG.

Ilyenkov, E. V. 1977. Dialectical Logic: Essays on Its History and Theory. Người dịch: H. Campbell Creighton. Moscow: Progress Publishers. Xuất bản lần đầu: 1974.

Ilyenkov, E. V. 2003. Lôgíc học biện chứng. Người dịch: Nguyễn Anh Tuấn. Hà Nội: Nxb. Văn hóa Thông tin. Xuất bản lần đầu: 1974.

Inwood, Michael. 2015. Từ điển Triết học Hegel. Bùi Văn Nam Sơn chủ trì biên dịch. Nxb. Tri thức.

Lenin, V. I. 2006. “Bút ký triết học”. Lênin Toàn tập. Tập 29. Hà Nội: Nxb. CTQG Sự Thật. Thời gian sáng tác: 1914-1915.

Mao, Trạch Đông. 1975. “On Contradiction”. Selected works of Mao Tse-tung. Tập 1. Oxford: Pergamon Press. Thời gian sáng tác: 1937.

Marx, K. 1843. Critique of Hegel’s Philosophy of Right. Người dịch: Annette Jolin and Joseph O’Malley. Nguồn: marxist.org

Marx, K. 1932. Economic and Philosophic Manuscripts of 1844. Người dịch: Martin Milligan. Nguồn: marxists.org

Marx, K. 1993. “Tư bản”. C. Mác và Ph. Ăngghen Toàn tập. Tập 23. Hà Nội: Nxb CTQG Sự Thật. Thời gian sáng tác: 1867.

Marx, K. 1995. “Những luận cương về Phoi-ơ-bắc”. C. Mác và Ph. Ăngghen Toàn tập. Tập 3. Hà Nội: Nxb. CTQG Sự Thật. Thời gian sáng tác: 1845.

Marx, K. 2002. “Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hê-ghen”. C. Mác và Ph. Ăngghen Toàn tập. Tập 1. Hà Nội: Nxb. CTQG Sự Thật. Thời gian sáng tác: 1843.

Marx, K. 2004. “Bản thảo kinh tế – triết học năm 1844”. C. Mác và Ph. Ăngghen Toàn tập. Tập 42. Hà Nội: Nxb CTQG Sự Thật. Thời gian sáng tác: 1844. Xuất bản lần đầu: 1932.

Nhiều tác giả. 2009. 马克思主义哲学 (Triết học của Chủ nghĩa Marx). Bắc Kinh: Nxb. Cao đẳng giáo dục.

Nhiều tác giả. 2021. 马克思主义基本原理 (Nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Marx). Bắc Kinh: Nxb. Cao đẳng giáo dục.

Phạm, Chiến Khu. 2004. “Về cặp phạm trù Cái phổ quát – Cái đặc thù – Cái đơn nhất trong phép biện chứng của Hêgen”. Tạp chí Triết học, số 4 tháng 4/2004.

Rosenthal, M. M. 1958. Bàn về phạm trù của Phép biện chứng duy vật. Hà Nội: Nxb. Sự Thật.

Russell, Bertrand. 1911-1912. “On the Relations of Universals and Particulars”. Proceedings of the Aristotelian Society, New Series, Vol. 12 (1911 – 1912), 1-24.

Sheptulin, A. P. 1961. Bàn về mối liên hệ lẫn nhau của các phạm trù trong triết học Mác-xít. Hà Nội: Nxb. Sự Thật.

Sheptulin, A. P. 1978. Marxist-Leninist Philosophy. Moscow: Progress Publishers.

Trần, Đức Thảo. 1991. Vận dụng triết học Mác – Lênin thế nào cho đúng. Hà Nội: Nxb. Sự Thật.

  1. * TS, Khoa Triết học, Đại học KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội.

  2. * PhD, Department of Philosophy, VNU – USSH.

  3. Người đọc cần lưu ý điều này bởi sự khảo sát tiếp sau sẽ phải thao tác với các lựa chọn thuận ngữ khác nhau của nhiều tác giả và dịch giả.

  4. Bài viết được thực hiện với sự trợ giúp tra cứu văn bản gốc của TS. Mai K Đa (các tác phẩm bằng tiếng Nga của Lenin, Rosenthal và Ilyenkov), và TS. Phạm Thanh Hà (các tác phẩm tiếng Trung của Mao Trạch Đông và các giáo trình của Trung Quốc), Khoa Triết học, ĐHQG Hà Nội.

  5. Đối chiếu với bản tiếng Anh: “But the universal factor of the concept is not merely something common, opposite which the particular has its standing for itself. Instead the universal factor is the process of particularizing (specifying) itself and remaining in unclouded clarity with itself in its other.” (Hegel 1817: 237)

  6. Đối chiếu với bản tiếng Anh: “the particular is what has been differentiated or the determinacy, but in the sense that it is universal in itself and as an individual.” (Hegel 1817: 239)

  7. Đối chiếu với bản tiếng Anh: “the individual has the meaning of being the subject, the foundation which contains the genus and species in itself and is itself substantial.” (Hegel 1817: 239)

  8. Đối chiếu bản dịch tiếng Anh: “The statement that the universal continually engenders itself while maintaining its identity throughout the process, is nothing new, having been implied in the definition of the various powers as members of the organism, as organic members; or rather, this definition of the various powers is nothing but a paraphrase of the statement about the organism being ‘the development of the Idea to its differences, etc.’.” (Marx 1843)

  9. Đối chiếu bản dịch tiếng Anh: “Feuerbach explains the Hegelian dialectic (and thereby justifies starting out from the positive facts which we know by the senses) as follows: Hegel sets out from the estrangement of substance (in logic, from the infinite, abstractly universal) – from the absolute and fixed abstraction; which means, put popularly, that he sets out from religion and theology. Secondly, he annuls the infinite, and posits the actual, sensuous, real, finite, particular (philosophy, annulment of religion and theology).” (Marx 1932)

  10. Đối chiếu bản dịch tiếng Anh: abstraction (i.e., the abstract thinker), which, made wise by experience and enlightened concerning its truth, resolves under various (false and themselves still abstract) conditions to abandon itself and to replace its self-absorption, nothingness, generality and indeterminateness by its other-being, the particular, and the determinate”. (Marx 1932).

  11. Đối chiếu bản dịch tiếng Anh: “We have now, therefore, the idea of being on a higher plane, where it includes within itself both inertness and change, being and becoming. Having reached this point, we find that ‘genus and species, or the general and the particular, are the simplest means of differentiation, without which the constitution of things cannot be understood’.” (Engels 1878)

  12. Cách dịch “cái phổ biến” có thể có giá trị sát hợp riêng của nó theo cách hiểu của triết học phương Tây hiện đại về phạm trù này, điều sẽ được phân tích thêm ở mục 5.

  13. Cách dịch “tính cá biệt” vẫn được sử dụng khi nói về tính chất của cái cá thể.

  14. Câu này Lenin trích của Hegel.

  15. Rất tiếc người viết chưa sưu tầm được tư liệu này ở ngôn ngữ khác (Nga và Anh) để có sự đối chiếu sâu sắc hơn.

  16. Đối chiếu với nguyên văn câu này bằng tiếng Đức trong Những bài giảng về lịch sử triết học của Hegel, tập 2, với chú thích thuật ngữ tiếng Nga được Ilyenkov sử dụng: “In der Tat ist alles Allgemeine [всеобщее] reell als Besonderes, Einzelnes [особенное, единичное], als seiend für Anderes.”

  17. Đối chiếu với bản tiếng Anh: “In the Hegelian schema there could be no place, say, for the transition that Marx discovered in the determinations of value, the transformation of the singular or individual [единичного] into the general [всеобщее]. With Hegel only the general [всеобщее] had the privilege of alienating itself in forms of the particular and the singular [особенного и единичного], while the singular [единичное] always proved to be a product, a particular ‘modus’ of universality [всеобщности] (and therefore poor in content).” (Ilyenkov 1977: 368)

  18. Đối chiếu với bản tiếng Anh: “This transition of the individual [единичного] and chance into the general [всеобщее] was not at all rare in history, but was even rather the rule. It has always happened in history that phenomena that subsequently became general arose first precisely as individual [единичное] exceptions to the rule, as anomalies, as something particular [частное] and partial.” (Ilyenkov 1977: 368)

  19. Người viết chưa sưu tầm được bản tiếng Nga hoặc Anh để đối chiếu.

  20. “Everything that is unique in a phenomenon, that is inherent only in this phenomenon and is absent in others, constitutes the individual.” (Sheptulin 1978: 191).

  21. “That which is repeated in phenomena, which is inherent not in one, but in many phenomena, is called the general.” (Sheptulin 1978: 192)

  22. “[T]hat which distinguishes the objects from one another constitutes their particular, while that which indicates their similarity constitutes the general.” (Sheptulin 1978: 196-197)

  23. Ở Trung Quốc có ý kiến (không chính thống) cho rằng nhiều tác phẩm trong Mao Tuyển, trong đó bao gồm cả Luận về thực tiễnLuận về mâu thuẫn, không phải do Mao Trạch Đông viết mà chỉ là sửa chữa, biên duyệt lại những cống hiến của những nhà Marxist Trung Quốc khác như Chu Ân Lai, Khang Sinh, Lưu Thiếu Kỳ, Trần Bá Đạt… Điều này không quan trọng với sự khảo sát trong bài viết này, vì chúng ta hướng tới tìm hiểu quan điểm chung của các nhà Marxist Trung Quốc về các phạm trù được bàn tới, mà nếu thật Luận về mâu thuẫn là công sức của tập thể thì việc lựa chọn tác phẩm này để phân tích ở đây lại càng hợp lý và đắt giá.

  24. “The universality or absoluteness of contradiction has a twofold meaning. One is that contradiction exists in the process of development of all things, and the other is that in the process of development of each thing a movement of opposites exists from beginning to end.” (Mao Trạch Đông 1975: 316)

  25. “the particular essence of a thing which differentiates it from other things”. (Mao Trạch Đông 1975: 320)

  26. “Since the particular [特殊] is united with the universal [普遍] and since the universality as well as the particularity of contradiction is inherent in everything, universality residing in particularity, we should, when studying an object, try to discover both the particular and the universal and their interconnection, to discover both particularity and universality and also their interconnection within the object itself, and to discover the interconnections of this object with the many objects outside it.” (Mao Trạch Đông 1975: 329).

  27. “The relationship between the universality and the particularity of contradiction is the relationship between the general character [共性, cộng tính] and the individual character [个性, cá tính] of contradiction. By the former we mean that contradiction exists in and runs through all processes from beginning to end […] But this general character is contained in every individual character; without individual character there can be no general character. If all individual character were removed, what general character would remain? It is because each contradiction is particular [特殊, đặc thù] that individual character arises. All individual character exists conditionally and temporarily, and hence is relative.” (Mao Trạch Đông 1975: 330)

  28. “The universality of contradiction, also known as the general character of contradiction, exists unconditionally, hence its absoluteness. The particularity of contradiction, also known as the individual character of contradiction, exists conditionally and temporarily, and thus is relative.” (Cheng 1977: 51)

  29. Trong khi nhận định rằng cặp phạm trù chỉnh thể-bộ phận có thiên hướng về lượng, người viết không loại bỏ hoàn toàn tính biện chứng của chúng. Tính biện chứng của cặp phạm trù này thể hiện rõ nhất ở chỗ cái chỉnh thể có thể xuất hiện những thuộc tính “đột sinh” mà các bộ phận của nó không có. Điều này có ý nghĩa trong việc luận giải các hệ thống phức tạp, chẳng hạn như việc ý thức nảy sinh như thế nào từ não bộ của con người. Tính biện chứng này cũng được đề cập trong cuốn Triết học của Chủ nghĩa Marx (2009) nói trên. Tuy nhiên, tính biện chứng được lẩy ra ở đây là khác hẳn với trường hợp tính biện chứng được nhận thức thông qua mối quan hệ giữa cái phổ biến, cái đặc thù và cái cá thể.

  30. Hội đồng Trung ương chỉ đạo biên soạn giáo trình quốc gia các bộ môn khoa học Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh (1999). Sđd. Tr. 243.

  31. Bộ phận và toàn thể thì có thể chuyển hóa lẫn nhau vì chúng đều là thực thể. Ví dụ: một tế bào có thể nhân lên thành cơ thể, hoặc một vài cá thể có thể sinh sôi lấp đầy chủng tộc. Ta có thể nói “lao động trở thành tính loài của con người”, nhưng không thể nói “lao động [với tư cách một thuộc tính] trở thành loài người”, trừ trường hợp đó là một phép tu từ.

  32. G. W. F. Hegel (1817). Bách khoa thư các khoa học triết học – Tập I: Khoa học lôgích. Người dịch: Phạm Chiến Khu. Hà Nội: Nxb. CTQG, 2013. Tr. 481. (Đối chiếu với bản tiếng Anh: “As far as the thought of the subject is concerned, it is initially the individual and the predicate the universal. In the further development of the judgment, it then happens that the subject does not remain merely the immediately individual and the predicate merely the abstract universal. Subject and predicate then also acquire a [new] meaning, the former that of the particular and universal, the latter that of the particular and individual.” G. W. F. Hegel (1817). Encyclopedia ofthe Philosophical Sciences in Basic Outline – Part I: Science of Logic. Người dịch: Klaus Brinkmann và Daniel O. Dalhstrom. Cambridge: Cambridge University Press, 2010. Tr. 244)

  33. Trần Đức Thảo (1991). Vận dụng triết học Mác – Lênin thế nào cho đúng. Hà Nội: Nxb. Sự Thật. Tr.30.

  34. Hội đồng Trung ương chỉ đạo biên soạn giáo trình quốc gia các bộ môn khoa học Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh (1999). Sđd. Tr. 238.

  35. Cái phổ quát (phổ biến) thể hiện tính quy luật, chứ không phải cái chung có thể chỉ thuần túy hình thức, mới là một phạm trù trung tâm của phép biện chứng. Vì lẽ đó, một trong những nguyên lý xuất phát của phép biện chứng đòi hỏi chúng ta phải chú ý đến các mối liên hệ phổ biến mà biểu hiện cơ bản nhất là các cặp phạm trù. Cách các tài liệu phổ biến ở Việt Nam luận giải nguyên lý này cũng là một vấn đề cần phân tích kỹ lưỡng hơn, nhưng là vào một dịp khác bởi nó đòi hỏi một sự khảo cứu công phu vượt khỏi trọng tâm của bài viết này.