Press "Enter" to skip to content

Thư độc giả – Đỗ Quyên

Thưa Ban biên tập,

Xin được chào mừng tập san TRIẾT đã tục bản! Là bạn đọc ngoại đạo (đọc triết 10 may ra hiểu 1/3), tôi vẫn mê triết nói chung và TRIẾT nói riêng, với ít nhất 3 lý do:

1) Là 1 người Việt làm thơ tiếng Việt. Chỉ nội cái câu ngơ ngơ ngắn ngắn vậy mà đã “dính triết” tá lả: người Việt, vốn bị (và có lẽ đúng vậy) tiếng là thiếu tư duy logic lý tính; thơ, lãnh vực (nghe nói và có lẽ đúng vậy) còn khó hiểu và khó làm ngang ngửa với triết; tiếng Việt, vốn bị (và có lẽ đúng vậy) tiếng là không gần ngôn ngữ triết.

2) Ngành triết học trên kiềng 3 chân (nghiên cứu, đào tạo, truyền thông – theo tiêu chuẩn phương Tây cả về hình thức khoa học, học thuật lẫn tinh thần tự do, khai phóng) ở Việt Nam xưa nay kể như chưa có được trọn vẹn, ngay cả trong thời Việt Nam Cộng Hòa 1954 – 1975. Thế nên, bất luận hay-dở đúng-sai trường-đoản, tập san TRIẾT vẫn đã và đang là một hướng tiên phong về truyền thông và nghiên cứu. Vấn đề chỉ còn là hiệu quả.

3) Cùng lý do 1 & 2, tôi may mắn chơi khá thâm tình với 2 anh Nguyễn Hữu LiêmNguyễn Lê Tiến – những người tham gia chủ trương & thực hiện TRIẾT từ số đầu đến nay, nên cả nghĩ có cơ hiểu được “triết trình” của nhị vị trên nẻo đường mang tên TRIẾT đang là. (Để gia tăng luận cứ, lại thêm thông tin phụ: Với anh Như Hạnh, tôi cũng có lần được tiếp chuyện cùng một văn hữu khác).

Từ mấy tháng trước, sau thư thông báo TRIẾT sẽ tái sinh, tôi ngóng hàng tháng đợi hàng tuần mà lo lo cho 2 bạn hiền/già của mình liệu có tranh cái mộng mơ của cánh thi sĩ chúng tôi không. Nay đọc Thư Chủ nhiệm số 5, thêm khẳng định: Cùng ê kíp Ban biên tập, Nguyễn Hữu LiêmNguyễn Lê Tiến của tôi và của chúng ta không làm thơ! Họ làm triết qua TRIẾT.

Sau đây là các cảm nghĩ của riêng tôi sau khi coi tới coi lui lá thư trên: 

1) Chắc hẳn nhiều bạn đọc, nhất là ở Việt Nam, cũng đang hóng coi trực tiếp các bài mới của số 5 sắp được dàn trình lên mạng.

2) Nội dung chính với 9 bài lớn của số phục sinh tạm hy vọng là hài hòa, ổn thỏa về lượng & chất. 

Qua tóm lược, tôi nghĩ sẽ “xơi” trước nhất các bài: Suy nghĩ về Triết (Như Hạnh Nguyễn Tự Cường); Giới thiệu Lý Đông A (Đoàn Viết Hoạt); Giới thiệu “Tractatus-Logico-Philosophicus” của Ludwig Wittgenstein (Nguyễn Hữu Liêm); Học Triết như thế nào (Dương Ngọc Dũng); Phê trình Triết lý Giáo dục Công cụ (Trần Văn Đoàn)... Và tin là trong “Và các bài khác…” sẽ có phần giới thiệu về 1 bộ sách thực dụng, phổ cập và hiếm hoi của làng sách triết nhân loại, mới được ra mắt bản tiếng Việt ở Việt Nam về những nhà tư tưởng lớn (Adam Smith, Kant, Rousseau, Hegel, Sartre, Heidegger, Habermas, Nietzsche, Freud, v.v…) do Walther Ziegler biên soạn mà Nguyễn Lê Tiến – vị Giám đốc Điều hành & Kỹ thuật TRIẾT – tham dự trong Nhóm dịch giả.

3) Cái này liệu quan trọng chăng: Tính phản biện ở Thư Chủ nhiệm khí là cao, bật ra nỗi xông xáo đáng có của TRIẾT. Tuy nhiên, thiển ý, đối tượng cần phản biện về lâu dài cũng như tức thời, dường như ai cũng thấy không/chưa nên là Triết-miền-Nam trước 75, càng không cần là Triết-Pháp hay Triết-Mỹ; mà phải là Triết-trong-nước. Song không dễ làm được và chắc hẳn tập san TRIẾT chưa thể làm trong vài số đầu. Đã đành thế và hơn thế, Thư Chủ nhiệm số 5 lại “xuống xề” so với bài tương tự ở số ra mắt (trong đó từng điểm xuyết chỉ vài câu mà đáng giá cho Triết-trong-nước). Tin là chỉ ở số khơi lửa mới kính nhi viễn chi Triết-trong-nước. Tin là TRIẾT phải tìm bằng được bài vở từ các tác giả đương đại của Việt Nam đương đại, như hoặc hơn các số 2-3-4.

4) Lá thư vén màn, tác giả đi vào các việc cụ tỷ mà buông lơi phong thế của một đoản thiên bút ký triết học như ở Lời Phi Lộ cho TRIẾT số ra mắt, tháng 10/1995. (Chuyện bây giờ mới kể: Qua biết bao lần dọn nhà, số báo đó được vị chủ trì tặng tận tay đều sống sót trong “thư viện còi” của tôi, tức là kịch bản xấu nhất đã – và nay là sẽ – không xảy ra: Phải dọc các trang Lời Phi Lộ đó ra để chỉ giữ lại chúng!) 

Ở bài tái ngộ độc giả, anh Chủ nhiệm thân quý đã chì chiết “đám giặc già lăng nhăng thơ phú” (xài đỡ chữ của Nguyễn Huy Thiệp). Ôkê con gà đen, cần thiết đấy, tuy hơi dề dà và không minh triết cho cam. Tin là coi xong bài của hai tác giả khả tín và thẩm quyền là Như Hạnh và Dương Ngọc Dũng, chúng tôi sẽ hiểu vì sao mình đáng đòn…

Lại liều bút thêm một ý: Tình trạng chuyên ngành triết học từng bị “thi ca hóa, văn chương hóa, cường điệu hóa” bởi các tác giả triết học chủ chốt ở miền Nam trước 1975, ngay cả đã làm “một văn hóa mang bệnh lý biến Triết học thành văn chương và thi ca mơ hồ, muốn vẽ ma vô hình bằng hình thức nào cũng được xem là siêu việt”; “biến cả mấy thế hệ trở nên văn sĩ, thi sĩ, nhà bí truyền, viết lách vu vơ”, v.v… và v.v… – đã đành thế và hơn thế thì đó – cũng chỉ cần là con tôm cái bống, nếu coi các đề tài triết học & tư tưởng Việt (và thế giới) là những mớ cá tươi giãy trên chiếc thớt TRIẾT… đáng yêu 🙂

5) Muốn được góp “một tràng pháo tay” cho cả đoạn áp chót có câu “mong mỏi và kỳ vọng rằng, cho một tương lai gần, TRIẾT sẽ được trở thành một cơ sở chuyên môn cho một phân khoa Triết học ở một đại học uy tín ở Việt Nam.”

Trân trọng cảm ơn!

Canada, 10/7/2021

Đỗ Quyên