IMMANUEL KANT VÀ KHOA HỌC TỰ NHIÊN: MỘT VÀI NHẬN XÉT
PGS. TS. Nguyễn Quang Hưng
Đại học Quốc gia Hà Nội
Immanuel Kant (1724-1804) có cả một cuộc đời hoạt động sáng tạo triết học và khoa học hơn một nửa thế kỷ, điều ít triết gia nào thời ông có được. Cho đến nay, hầu hết những công trình viết về I. Kant đều chủ yếu vào giai đoạn hơn ba chục năm, cụ thể từ sau 1770 cho tới cuối đời, còn gọi là thời kỳ phê phán. Hiếm khi có những phân tích, đánh giá về quãng thời gian hơn hai chục năm trước đó. Georg F. Hegel trong những Bài giảng về lịch sử triết học của ông (Vorlesungen über Geschichte der Philosophie) không hề nhắc tới giai đoạn này của Kant.[1] Tương tự, nhiều giáo trình lịch sử triết học viết về Kant hoàn toàn bỏ qua giai đoạn trước 1770. Điều đó cũng dễ hiểu, bởi những công trình khiến Kant thành danh, làm cho người ta ngưỡng mộ ông, chủ yếu là giai đoạn sau. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng giai đoạn hơn hai chục năm trước đó, ông không để lại dấu ấn đáng kể gì. Bài viết nhân ba trăm năm sinh của triết gia Đức, xin góp một tiếng nói để chúng ta có cái nhìn đầy đủ hơn về ông.
Giai đoạn tiền phê phán là giai đoạn từ khi I. Kant bắt đầu khởi nghiệp từ năm 1747, nghĩa là khi ông mới 23 tuổi, với một loạt các tác phẩm như: Quan niệm về cách tính đúng đắn năng lượng sống (Gedanken von der wahren Schätzung der lebendigen Kräfte) năm 1746; Lịch sử đại cương về tự nhiên và lý thuyết về bầu trời (Allgemeine Naturgeschichte und Theorie des Himmels) (1755); Khả năng chứng minh duy nhất về sự hiện tồn của Thượng đế (Der einzige mögliche Beweis vom Dasein Gottes) (1763); Bàn về tính minh bạch của những luận cứ cơ sở của thần học tự nhiên và đạo đức (Über die Deutlichkeit der Grundsätze der natürlichen Theologie und Moral) (1763) và một số tác phẩm khác. Bên cạnh đó, ông còn hai tác phẩm được viết bằng tiếng Latin: Làm rõ những nền tảng khởi đầu về nhận thức siêu hình học Lí giải mới về những nguyên lý uyên nguyen về nhận thức siêu hình học (Principiorum primorum cognitionis metaphysicae nova dillucidatio) (1755) và Tận dụng siêu hình học gắn với hình học trong triết học tự nhiên Sử dụng kết nối siêu hình học với hình học trong triết học tự nhiên (Metaphysicae cum geometria iunctae usus in philosophia naturali) (1756).
Như vậy, chủ đề mà các tác phẩm của I. Kant đề cập giai đoạn trước 1770 khá đa dạng, nhưng tập trung vào hai lĩnh vực là siêu hình học và khoa học tự nhiên. Về thế giới quan, ông chịu ảnh hưởng bởi các quan niệm vật lý học cổ điển của Isaac Newton (1642-1726). Có lẽ đây cũng là lý do khiến một số giáo trình lịch sử triết học của Hegel cũng như một số tác giả hầu như bỏ qua những tư tưởng của I. Kant thời kỳ này, đơn giản bởi vì nó thiên về khoa học tự nhiên hơn là triết học. Quả đúng vậy. Bản thân giáo trình của Johannes Hirschberger tuy có điểm qua giai đoạn này, nhưng cũng chỉ dành cho nó một thời lượng khá khiêm tốn.[2] Sẽ là một khiếm khuyết lớn nếu chúng ta bỏ qua những hoạt động sáng tạo của hơn hai chục năm đầu trong sự nghiệp của triết gia Đức này. Trong khi đó, ngay trong thời kỳ này, ngoài những vấn đề khoa học tự nhiên, theo cách gọi truyền thống thời đó là triết học tự nhiên, ông cũng bàn luận tới cả những vấn đề thần học và đạo đức học.
Trong giai đoạn tiền phê phán, I. Kant có những hồ nghi về khả năng nhân loại chúng ta có thể nhận thức thế giới của sự sống. Trong cả hai thời kỳ trước và sau 1770, I. Kant đều chịu ảnh hưởng của nhà triết học Anh David Hume (1711-1776), tác giả của câu ví giới tự nhiên tựa như một người phụ nữ cực kỳ đỏng đảnh. Nó biểu hiện ra bên ngoài thế nào thì chúng ta biết về nó chừng ấy, còn bản chất sâu thẳm của nó thì ta không bao giờ với tới được, thể hiện sự hoài nghi của ông về khả năng nhận thức thế giới. Như sau đây trong phần nhận thức luận chúng ta sẽ thấy nếu như quan điểm bất khả tri ở D. Hume còn ở dạng tâm trạng, cảm xúc thì ở I. Kant nó đã được luận chứng một cách hoàn toàn có chủ ý. Hơn nữa, thừa nhận “vật tự nó” không nhận thức được như là cánh cửa để đi vào nhận thức luận của ông. Đây là điểm khác nhau giữa D. Hume và I. Kant.
Trở lại với tình trạng khoa học tự nhiên cận đại, cần lưu ý, cho tới nửa đầu thế kỷ XVIII, những hiểu biết của nhân loại về thế giới sinh học còn quá non trẻ. Chỉ những thập kỷ cuối thế kỷ XVIII, người ta mới bắt đầu biết tới những công trình về tiến hóa của nhà sinh học Pháp Jean Baptiste Lamarck (1744-1829). Tới thế kỷ XIX, hơn nửa thế kỷ sau khi I. Kant mất, công trình về Nguồn gốc của các loài. Bằng phương thức chọn lọc tự nhiên (On the Origin of Species. By Means of Natural Selection) của nhà sinh học Anh Charles Robert Darwin (1809-1882) năm 1859 mới lần đầu tiên được công bố. Công trình này vốn có tác động lớn tới thế giới quan duy vật của Karl Marx, Friedrich Engels và các nhà Marx xít sau đó về nguồn gốc loài người cho dù hiện nay không ít người vẫn hoài nghi về thuyết này. Chẳng hạn, thuyết tiến hóa Darwin chưa lý giải được một số vấn đề căn cốt. Cơ chế ra đời sự sống đầu tiên như thế nào? Cơ chế hình thành loài cũng chưa có sự giải thích thỏa đáng. Về hóa thạch, cho tới nay chúng ta vẫn chưa tìm được các loài trung gian giữa loài vượn với loài người. Xét về số lượng nhiễm sắc thể mang mật mã di truyền thì loài gần với con người nhất lại không hẳn là vượn hay khỉ mà có thể là chuột hay một con vật nào khác! Nghĩa là thuyết tiến hóa, kể cả phiên bản đầy đủ nhất của Darwin cũng chỉ là một giả thuyết, một cách tiếp cận để chúng ta khám phá sự sống, cao hơn là khám phá nguồn gốc của loài người, do vậy cũng không nên tuyệt đối hóa nó như ta đang thấy tình trạng ở Việt Nam. Ngoài hạn chế của thời đại, I. Kant còn bị hạn chế bởi nhận thức cá nhân của ông. Lĩnh vực sinh học vốn không phải là điểm mạnh trong hiểu biết của triết gia Đức, người vốn được mệnh danh là tạo ra “cuộc đảo lộn Copernicus” trong triết học.
Tuy nhiên, quan niệm bất khả tri của I. Kant, việc thừa nhận “vật tự nó” không nhận thức được như ta thấy rõ sau đây trong nhận thức luận của ông không phải xuất phát từ trình độ nhận thức của nhân loại khi đó mà từ chính nền tảng nhận thức luận của ông. Cách giải thích của F. Engels cho rằng lý do thừa nhận “vật tự nó” là do trình độ phát triển thấp của khoa học tự nhiên khi đó chỉ đúng một phần. Cái chính là do cách tiếp cận vấn đề.
Khác với Hegel và các nhà kinh điển K. Marx, F. Engels, và Vladimir Ivanovic Lenin sau này, những người vốn cũng rất am tường nhiều lĩnh vực của khoa học tự nhiên, I. Kant không những am hiểu mà còn có những phát minh nổi tiếng trong những lĩnh vực khoa học tự nhiên. Chẳng hạn, Hegel đã thể hiện sự uyên bác của mình trong lĩnh vực khoa học tự nhiên qua triết học tự nhiên của ông như phân tích dưới đây. Tuy nhiên, Hegel không có những phát kiến cụ thể trong những lĩnh vực này. Chúng ta cũng biết tới tác phẩm Bản thảo toán học của K. Marx. Không có tri thức toán học uyên bác, K. Marx đã không thể viết lên bộ Tư bản. Tương tự như vậy, nếu không tinh thông khoa học tự nhiên, trong đó phải kể tới hóa học và sinh học, dù là chủ yếu là do quá trình tự học, F. Engels không thể viết tác phẩm nổi tiếng Biện chứng của tự nhiên. V.I. Lênin cũng từng chỉ ra sự cần thiết của liên minh giữa các nhà triết học và các nhà khoa học tự nhiên, tuy rằng khi nói tới các triết gia trong liên minh này, nhà lãnh đạo nước Nga Xô viết chủ yếu ám chỉ các nhà duy vật. Tuy nhiên trên thực tế, cả K. Marx, F. Engels và V.I. Lênin đều không có những phát minh cụ thể trong những lĩnh vực này và do vậy đều không phải là những nhà khoa học tự nhiên. Họ cũng không có công trình chuyên biệt nào về lĩnh vực này.[3] Sẽ là gượng ép nếu ta gọi K. Marx là nhà toán học, hay F. Engels là nhà vật lý học, hóa học hay sinh học. Phải nói rõ như vậy, bởi có một thời trong cao trào “sùng bái cá nhân”, có không ít các công trình/bài viết đại loại “K. Marx với tính cách là nhà toán học” hay “F. Engels với tính cách là nhà hóa học/sinh học”, … Tương tự như vậy, đối với V.I. Lênin trong giới triết học Xô viết, và đâu đó cả Việt Nam thời kỳ trước Đổi mới, mà hôm nay nhìn lại, quả là một sự gượng ép.
Khác với họ, I. Kant không chỉ là một nhà triết học, mà còn là một nhà vật lý địa cầu theo đúng nghĩa của từ này. Do vậy, giải thích lý do tại sao Kant hoài nghi khả năng nhận thức bản chất của sự sống do trình độ non kém của khoa học tự nhiên thời đó xem ra không thật thỏa đáng. Có lẽ điều đó xuất phát từ tính cách của ông cũng như ảnh hưởng của hoài nghi luận đối với triết gia Đức thì đúng hơn.
Thời kỳ trước 1770, I. Kant có hai phát minh khoa học nổi tiếng đi vào lịch sử của khoa học tự nhiên. Ông tìm ra mối liên hệ giữa trường hấp dẫn Trái đất – Mặt trăng với các hiện tượng thủy triều ở đại dương. Theo định luật vạn vật hấp dẫn của I. Newton, mọi sự vật trong thế giới chúng ta đều chịu tác động của lực hấp dẫn. Lực này tỷ lệ thuận với khối lượng của sự vật và tỷ lệ nghịch với khoảng cách giữa các sự vật. Nước biển ở đại dương cũng như mọi sự vật trên trên bề mặt trái đất chúng ta đều chịu tác động bởi sức hút của mặt trăng. Mặc dù mặt trăng ở cách chúng ta chừng 400.000 km và có trường hấp dẫn yếu hơn nhiều so với trái đất, không đủ sức để kéo sự vật tách khỏi trái đất nhưng điều đó không có nghĩa rằng mọi vật trên trái đất không chịu tác động của mặt trăng. Cả mặt trăng và trái đất đều cùng không đứng yên, trong khi trái đất quay xung quanh trục của nó và đồng thời quay quanh mặt trời thì mặt trăng lại quay quanh trái đất nên sức hút của mặt trăng thay đổi trong ngày tùy thuộc sự thay đổi của khoảng cách giữa mặt trăng với các vùng khác nhau trên bề mặt trái đất, tạo ra hiện tượng thủy triều ở các đại dương. Khoa học hiện đại chứng thực việc này. Chúng ta ở các mức độ khác nhau chịu tác động không chỉ của trái đất mà cả của mặt trăng, xa hơn nữa là cả mặt trời, không chỉ về phương diện lực hấp dẫn mà cả từ trường. Ngày nay chúng ta đều rõ, những tác nhân của mặt trời cũng như mặt trăng ở các mức độ khác nhau đều có ảnh hưởng tới sức khỏe con người.[4]
Phát minh thứ hai quan trọng hơn, gắn với sự lý giải của I. Kant về nguồn gốc của vũ trụ. Đây còn gọi là thuyết vân tinh được trình bày chủ yếu trong công trình Đại cương lịch sử tự nhiên và lý thuyết về bầu trời (Allgemeine Naturgeschichte und Theorie des Himmels) (1755). I. Kant lý giải sự hình thành của vũ trụ, của thái dương hệ, của trái đất từ sơ khởi cho tới khi hình thành sự sống và con người đơn thuần bằng những quy luật vật lý học, cụ thể là lực hấp dẫn của Newton. Mặc dù các quan niệm của ông còn cần phải hoàn thiện rất nhiều với nhiều luận chứng khoa học mới của Pierre Simon Laplace đưa ra năm 1796 và tới cuối thế kỷ XIX thì thuyết vân tinh Kant-Laplace lại bị James Clerk Maxwell chỉ ra những khiếm khuyết của nó, nhưng Kant đã đóng một vai trò nhất định trong lĩnh vực thiên văn học và địa vật lý là điều mà không ai có thể phủ nhận.
Xuất phát điểm của thuyết vân tinh là lý giải mọi sự vật trong thế giới chúng ta đều được cấu từ vật chất, nhưng đồng thời vẫn phải cần tới bàn tay tác thành của Chúa trời. Vật chất từ trạng thái hỗn độn dần dần được xếp đặt theo một quy luật nhất định, hình thành nên thế giới chúng ta có diện mạo như hiện nay. “Cái vật chất vốn là chất liệu nguyên khởi cấu thành mọi vật, như vậy, gắn kết với nhau theo những quy luật một cách tinh tế giúp cho mọi vật có thể vận động theo những phương cách tất yếu. Cái vật chất không hề được tự do tránh được khỏi cái tiền định hoàn hảo này. Vì cái vật chất được gắn kết một cách có chủ ý nên rõ ràng nó vẫn phải chịu sự chi phối của một mối liên hệ được sắp xếp một cách tiền định nào đó đứng trên nó. Đó chính là Chúa trời. Bởi giới tự nhiên vốn dĩ là một sự hỗn độn và tự nó không thể vận động theo một trình tự nào đó được”.[5]
Ở thời kỳ này, chúng ta quen thuộc với câu nói nổi tiếng của triết gia duy tâm Đức: “Hãy cho tôi vật chất, từ đó tôi sẽ xây dựng lên cái thế giới! Điều đó cũng có nghĩa là: hãy cho tôi vật chất, từ đó tôi sẽ chỉ cho các bạn thấy vũ trụ của chúng ta được hình thành như thế nào!”[6] Câu này được một số các nhà duy vật đánh giá cao vì nó lý giải nguồn gốc hình thành của vũ trụ từ nguyên nhân vật chất, thậm chí có người lầm tưởng rằng ở giai đoạn này Kant là nhà duy vật. Nhưng hiểu như vậy nghĩa là vô hình chung cắt xén đi cái quan niệm của Kant, bởi đó mới chỉ là một nửa của vấn đề. Theo ông, rốt cuộc, nếu không có bàn tay tác thành của Chúa trời thể hiện qua việc sản sinh ra lực hấp dẫn, (rồi nếu ai đó hỏi ông rằng vật chất ở đâu ra thì hẳn ông lại phải viện dẫn tới Chúa trời!) thì cũng không thể có thế giới như chúng ta thấy. Nội dung của thuyết này có thể tóm gọn như sau:
Ban đầu vũ trụ của chúng ta ở trạng thái các hạt vật chất đơn giản nhất, hỗn độn. “Tôi bắt đầu như sau: toàn bộ cái vật chất cấu thành các hành tinh thuộc thái dương hệ, chẳng hạn như các thiên thể, sao chổi, ban đầu vẫn còn ở dạng bụi hạt cơ bản, ở dạng đơn giản nhất và chúng phân tán khắp khoảng không của vũ trụ. Trạng thái này của tự nhiên, nếu người ta không có ý định từ đó xây dựng lên thành một kết cấu nào đó, thì có lẽ là dạng vật chất đơn giản nhất dường như là hư vô. Thủa đó thì vẫn chưa có vật cụ thể gì được tạo ra cả”.[7]
Nhờ tương tác của lực hấp dẫn Newton (lực hút và lực đẩy), các hạt vũ trụ ở gần nhau thì dần dần tích tụ lại. Được gia tăng về khối lượng thì lực hút của nó mạnh lên, tiếp tục hút các hạt vũ trụ ở gần nó. Nhờ cách này hình thành nên các hành tinh. Nói cách khác, không phải ngay từ đầu vũ trụ có hiện trạng như hiện nay. Tiếp tục lập luận của mình, Kant khẳng định: “Sự tích hợp giữa các thiên thể nằm cách xa nhau bởi lực hút tuỳ thuộc vào cái khoảng cách giữa chúng; tương ứng với lượng vật chất tụ lại, dần dần mãi sau này mới tạo lên cái hình thù của các thiên thể với một kết cấu ổn định. Còn cái giới tự nhiên lúc vừa ra đời thì vẫn còn thô sơ tới mức dường như là chưa có gì cả”.[8]
Tổng quan những luận điểm chính của thuyết vân tinh của Kant, ta thấy tuy còn nặng về tính tư biện, thiếu các phương trình toán học tính toán cụ thể và chi tiết, nhưng thuyết này đã giải thích một cách thuyết phục được một số hiện tượng sau.
Thứ nhất, trái đất chúng ta cũng như hầu hết các hành tinh đều có dạng hình cầu, bởi kết cấu hình cầu là cấu hình vật chất bền vững nhất của tự nhiên, tích tụ được một lượng vật chất cao nhất nhưng chiếm một thể tích nhỏ nhất.
Thứ hai, nhân của các hành tinh bao giờ cũng nặng hơn lớp vỏ của chúng, bởi theo lực hướng tâm, những hạt vũ trụ nặng thì hướng về tâm. Càng gần tâm của các hành tinh thì khối lượng riêng của chất liệu tạo nên nó càng nặng. Ngược lại, những vật chất nhẹ hơn sẽ ở xa tâm, gần vỏ theo tỷ lệ nghịch.
Thứ ba, và đây chính là điều quan trọng nhất, trái đất chúng ta cũng như mọi hành tinh khác không phải là bất biến, do vậy, cũng không thể trường tồn, mà đều có lịch sử của mình. Hiện trạng của các hành tinh cũng như toàn bộ vũ trụ nói chung không phải được hình thành một cách tức thì, mà là kết quả của cả một tiến trình lịch sử lâu dài trước đó, nhưng chưa phải là đã hoàn chỉnh, mà rất có thể còn tiếp tục thay đổi trong tương lai. Ông nói: “Có lẽ chưa phải tất cả các hành tinh đã hoàn chỉnh; cần tới hàng trăm năm, thậm chí hàng ngàn năm nữa để một hành tinh nào đó đạt tới thể trạng và cấu trúc vật chất hoàn chỉnh của nó”.[9]
Sự sinh ra hay diệt vong của một hành tinh nào đó cũng là lẽ thường tình bởi đó là quy luật của vũ trụ. Nếu như René Descartes là người đầu tiên khẳng định sự bảo toàn của vận động trong vũ trụ, thì Kant có lẽ cũng là người đầu tiên khẳng định sự bảo toàn của vật chất: Tổng số vật chất trong vũ trụ chúng ta là một hằng số. Theo ông, “Chúng ta có lẽ cũng không việc gì phải nuối tiếc trước sự tiêu vong của một hành tinh cũng như một mất mát thực sự nào đó của giới tự nhiên. Nó cho thấy một sự dồi dào, phong phú của giới tự nhiên rằng khi một thiên thể nào đó tiêu vong, thì cái mất đi đó lại được bù đắp lại bằng một dạng khác, còn trong bản thân vũ trụ như một chỉnh thể thì chả có gì mất đi cả. Nếu như vào một ngày lạnh lùng nào đó có chuyện một khối lượng lớn các loài hoa và côn trùng bị hủy hoại, thì người ta cũng chả có gì phải bận tâm vì tất cả chúng đều là sản phẩm của tự nhiên mà thôi và điều đó minh chứng cho sự vạn năng của Thượng đế. Ở một nơi nào đó [trong vũ trụ này] giới tự nhiên sẽ phải sản sinh ra những vật khác, bù vào những gì nó mất đi ở nơi này. Cả con người chẳng qua cũng là sản phẩm của Tạo hóa cũng không nằm ngoài cái quy luật trên”.[10]
Từ đây, cũng như nhà triết học, nhà chủ nghĩa xã hội không tưởng Pháp Charles Fourier (1772 – 1837), lần đầu tiên đã tiên đoán về sự diệt vong tất yếu của nhân loại,[11] I. Kant là một trong những người đầu tiên tiên đoán về sự diệt vong của trái đất. Trái đất chúng ta không phải là tồn tại vĩnh cửu, mà đến một lúc nào đó cũng tất yếu bị diệt vong như bao vật khác vậy. Nhiệm vụ của các nhà khoa học, theo I. Kant, là phải xác định thể trạng trái đất của chúng ta hiện nay ra sao, đang ở thể trạng trẻ thơ tràn đầy sức sống hay đang thể trạng già lão rồi để trên cơ sở đó, loài người có định hướng cho tương lai phát triển của mình được hợp lý hơn. Giờ đây, sau hơn hai trăm năm, các nhà vật lý địa cầu đã có thể trả lời được câu hỏi mà I. Kant đưa ra cách đây hơn hai thế kỷ: trái đất của chúng ta không còn ở giai đoạn trẻ thơ nữa rồi! Trái đất của chúng ta đang ở thể trạng không được khỏe. Những thiên tai như núi lửa, động đất, sóng thần, bão tố có chiều hướng ngày càng gia tăng. Đó là chưa kể những tác động của con người từ thời kỳ công nghiệp đến nay có khuynh hướng càng thúc đẩy để tuổi thọ của trái đất ngắn đi.
Xét về phương diện khoa học tự nhiên, thuyết vân tinh của I. Kant tuy ra đời sau hơn, và ở một mức độ nào đó được luận chứng cụ thể hơn so với thuyết “gió xoáy” của R. Descartes một thế kỷ trước đó, bởi I. Kant dựa vào những phát kiến của I. Newton và giải thích được một số vấn đề vật lý học. Nhưng nó cũng không tránh khỏi sự lạc hậu bởi thời gian. Nhiều vấn đề cụ thể về sự hình thành mặt trời và các hành tinh trong thái dương hệ vẫn chưa được Kant làm sáng tỏ. Hơn nửa thế kỷ sau, những vấn đề do I. Kant gợi mở tiếp tục được nhà toán học và vật lý học người Pháp Pierre Simon Laplace (1749-1827) phát triển năm 1796. Từ đó người ta thường gọi đây là thuyết Kant-Laplace.[12] Bertrand Russell cũng ghi nhận điều này và thừa nhận vai trò của cả hai ông trong việc lý giải nguồn gốc của thái dương hệ.[13]
Tiếp tục phân tích vấn đề từ khía cạnh khoa học tự nhiên thuần túy, ta thấy thật là khập khiễng khi so sánh thuyết của Kant-Laplace với thuyết Big Bang hiện đại của Stephen Hawking.[14] Trong hơn hai thế kỷ qua, các lĩnh vực của toán học và khoa học tự nhiên đã có những bước tiến khổng lồ, vượt xa thời đại mà chúng ta đang nghiên cứu. Nhưng về phương diện triết học của khoa học tự nhiên, tất cả các lý thuyết trên đều có chung một tư tưởng sâu sắc rằng toàn bộ vũ trụ chúng ta, toàn bộ giới tự nhiên không phải là bất biến, mà biến đổi theo thời gian, nghĩa là cũng có lịch sử riêng của mình. Không phải ngay từ đầu vũ trụ đã có thể trạng như hiện nay mà đó là kết quả của cả một quá trình tiến hoá lâu dài của tự nhiên. Cũng như muôn vật, toàn bộ vũ trụ, giới tự nhiên cũng có lịch sử của nó, sinh ra và diệt vong, nghĩa là không tránh khỏi quy luật khắc nghiệt đó của tạo hóa theo cách nói của người xưa. Thế giới chúng ta được sinh ra và do vậy, thế giới chúng ta sẽ bị diệt vong và không có gì có thể cưỡng lại được quy luật sắt đá này.
Tuy những lập luận trên đang còn là giả thiết, nhưng nếu quả thực đúng như vậy thì rốt cuộc gianh giới giữa khoa học và tôn giáo chỉ là tương đối. Stephen Hawking, tác giả của thuyết Big Bang đã phải viện dẫn tới Đức Chúa trời khi ông kết luận cuốn sách Lược sử thời gian (A Brief History of Time) của mình tuy dù quan điểm của ông về Chúa trời không nhất quán, lúc ông viện dẫn tới Đức Chúa trời sự sự cứu cánh, khi thì lại thờ ơ.[15]
Kết luận
Như vậy, trong thời kỳ trước 1770, tuy ít trực tiếp bàn luận tới những vấn đề triết học theo nghĩa hẹp của từ này, nhưng I. Kant có những đóng góp lớn lao về khoa học tự nhiên cũng như triết học tự nhiên, bên cạnh phát kiến cụ thể về mối liên hệ giữa lực hấp dẫn của mặt trăng với các hiện tượng thủy triều, còn góp phần xây dựng một phương thức tư duy mới về vũ trụ. Những nhận định của ông về sự tất yếu diệt vong của trái đất cũng như lịch sử hình thành của vũ trụ vào thời ông còn là mới mẻ, mang tính tiên đoán, thì nay sau hơn hai thế kỷ đã trở thành quen thuộc, trở thành những tri thứ phục vụ đại chúng hôm nay.
Mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng người ta vẫn có thể so sánh. Những phát kiến trên đây của Kant có lẽ không thể sánh với của I. Newon, G. Galileo, R. Descartes hay G. Leibniz trong các lĩnh vực này, nhưng không thua kém một số nhà khoa học tự nhiên trứ danh cận đại khác. Chính nền tảng tri thức khoa học tự nhiên đó tạo đà cho những phát kiến khai phóng của ông sau này. Riêng những thành quả để lại của Kant giai đoạn trước 1770 đã đủ đưa tên tuổi của ông vào hàng “lưu danh sử sách” rồi. Bất luận thế nào, đều sẽ không đầy đủ nếu ta bỏ qua những di sản của ông giai đoạn trên.
- Xem: Immanuel Kant. Trong: Hegel G.W.F. (1975), Vorlesungen über Geschichte der Philosophie, Suhrkamp Verlag, tr. 329-386. ↑
- Xem: Johannes Hirschberger (2020), Lịch sử triết học, tập II, Chủ trương và hiệu đính Bùi Văn Nam Sơn. Tập thể dịch giả Đoàn Kim Cúc, Nguyễn Thanh Huy, Nguyễn Thị Minh, Đặng Thị Hồng Nhung, Vũ Hoàng Lan Phương, Nxb. Tri thức, Hà Nội, tr. 329-331. Nhiều giáo trình lịch sử triết học cả ở nước ngoài và Việt Nam không đề cập tới giai đoạn này trong triết học Kant; Xem: Wilhelm Windelband, Lehrbuch der Geschichte der Philosophie, 15. Auflage, J.C.B. Mohr, Tübingen, 1957; Trần Đức Thảo (1995), Lịch sử tư tưởng trước Mác, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội. ↑
- Kể cả tác phẩm Biện chứng của tự nhiên của F. Engels cũng không phải là tác phẩm chuyên biệt về lĩnh vực này. ↑
- Người viết bài này đã có dịp trao đổi với một số giáo sư bên ngành vật lý địa cầu của Đại học Quốc gia và được biết phát minh này của I. Kant được giới nghiên cứu ngành này ghi nhận. ↑
- Immanuel Kant., Allgemeine Naturgeschichte und Theorie des Himmels. Trong: Immanuel Kant, Werke in zehn Bänden, Wilhelm Weischedel chủ biên, Tập I, Insel Verlag, Wiesbaden, 1983, tr. 234-235. ↑
- Kant I., Allgemeine Naturgeschichte und Theorie des Himmels… Sđd., tr. 237. ↑
- Kant I., Allgemeine Naturgeschichte und Theorie des Himmels…, Sđd., tr. 275. ↑
- Kant I., Allgemeine Naturgeschichte und Theorie des Himmels…, Sđd., tr. 275. ↑
- Kant I., Allgemeine Naturgeschichte und Theorie des Himmels…, Sđd., tr. 378. ↑
- Kant I., Allgemeine Naturgeschichte und Theorie des Himmels…, Sđd., tr. 339. ↑
- Charles Fourier (1772-1837), người đã phân kỳ lịch sử thành 4 giai đoạn phát triển từ thấp tới cao: 1/ Mông muội; 2/ Dã man; 3/ Gia trưởng và cuối cùng là 4/ Văn minh, ám chỉ giai đoạn xã hội cộng sản. Sau 4 giai đoạn này thì nhân loại sẽ suy tàn, cuối cùng dẫn tới diệt vong. Cùng thời với ông, Hegel cũng đưa ra cách phân kỳ lịch sử của mình dựa trên tiêu chí sự phát triển của tự do, như sau đây sẽ được phân tích kỹ hơn. K. Marx thì xây dựng học thuyết hình thái kinh tế-xã hội và nhấn mạnh tính tất yếu của xã hội cộng sản. Nhà phân kỳ lịch sử người Mỹ đương đại Alvin Toffler (1928-2016) thì phân chia lịch sử thành các nền văn minh nông nghiệp, công nghiệp và hậu công nghiệp. Ta thấy mỗi cách phân kỳ có những tiêu chí riêng và thể hiện một khía cạnh nào đó trong sự phát triển lịch sử. ↑
- Pierre Simon Laplace (1749-1827), theo Bách khoa Toàn thư mở Wikipedia, là một nhà toán học và thiên văn học người Pháp, đã có công xây dựng nền tảng của ngành thiên văn học bằng cách tiếp thu và phát triển các công trình nghiên cứu của những người đi trước trong một công trình đồ sộ của ông với tựa đề Mécanique Céleste (Cơ học thiên thể) trong một thời gian dài từ 1799 tới 1825. Công trình này đã chuyển đổi các nghiên cứu về cơ học cổ điển của I. Newton thành một nghiên cứu dựa trên vi phân và tích phân hay còn gọi là cơ học vật lý. ↑
- Bertrand Russell, History of Western Philosophy and its Connection with Political and Social Circumstances from the Earlier Times to the Present Day, Reprinted, London, 1961, tr. 678. ↑
- Thực ra thuyết Big Bang đã được khởi thảo bởi linh mục Georges Lemaitre năm 1927. Xem https://en.wikipedia.org/wiki/History_of_the_Big_Bang_theory) ↑
- Xem: Stephen Hawking (1986), A Brief History of Time, Bantam. Bản tiếng Việt: Lược sử thời gian, Dịch giả Cao Chi và Phạm Văn Thiều, Nxb. Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, 1995. ↑