Press "Enter" to skip to content

SƠ THẢO TƯ TƯỞNG KEN WILBER

SƠ THẢO TƯ TƯỞNG KEN WILBER

NHỮNG PHIẾN ĐOẠN TRÍCH DỊCH TỪ

A BRIEF HISTORY OF EVERYTHING CỦA KEN WILBER

TS. DƯƠNG NGỌC DŨNG

Lời giới thiệu của Tony Schwartz:

“SÁU NĂM TRƯỚC, vào năm 1989, tôi bắt đầu tự mình đi khắp đất nước để tìm trí tuệ. Trong suốt những chuyến đi của mình, tôi đã phỏng vấn và làm việc cùng hơn hai trăm nhà tâm lý học, triết gia, bác sĩ, nhà khoa học, và các nhà thần nghiệm tuyên bố rằng họ có những câu trả lời mà tôi đang tìm kiếm. Đến lúc tôi viết What Really Matters: Searching for Wisdom in America, tôi đã nhận thức rõ rằng Ken Wilber là một triết gia vô tiền khoáng hậu Tôi tin rằng ông là một trong những tiếng nói sâu sắc và có sức thuyết phục nhất trong sự đột khởi gần đây của một trí tuệ Mỹ rất đặc trưng.

Đã gần 20 năm kể từ khi Ken Wilber xuất bản cuốn Phổ ý thức (The Spectrum of Consciousness). Tác phẩm được viết năm ông hai mươi ba tuổi, chỉ trong một sớm một chiều, nó đã đưa ông lên vị thế của một triết gia bao hàm toàn diện nhất trong thời đại của chúng ta. Spectrum, tác phẩm được Wilber viết trong vòng ba tháng sau khi bỏ học và rời khỏi trường trong lúc đang theo chuyên ngành sinh hóa học, đã đưa ra luận đề rằng sự phát triển của con người ngoại hiện ra theo từng lớp sóng hay từng giai đoạn, sâu rộng hơn so với những gì được tâm lý học Tây Phương công nhận. Wilber lập luận rằng chỉ bằng cách tìm đường vượt qua những làn sóng phát triển này thì trước hết chúng ta mới có thể phát triển một cảm giác cá nhân tính lành mạnh, và sau cùng mới trải nghiệm được một căn tính rộng lớn hơn, một căn tính siêu vượt đồng thời bao hàm bản ngã cá nhân. Để tóm lại, Wilber đã kết hợp Freud và Đức Phật – điều mà tính đến thời điểm đó dường như là không tưởng vì những khác biệt không thể hòa giải được giữa cả hai. Và đây chỉ là cống hiến đầu tiên của riêng ông, bên cạnh nhiều cống hiến khác sau này.

Tựa đề của cuốn sách này dễ khiến bạn đọc nghĩ rằng nó nhẹ nhàng. Nhưng Lịch sử ngắn gọn của tất cả mọi sự (A Brief History of Everything) làm đúng những gì nó hứa. Nó bao phủ một phạm vi lịch sử rất rộng, từ Tiếng Nổ Lớn đến tận xã hội hậu hiện đại cằn cỗi ngày nay. Dọc theo tiến trình này, nó cố gắng tìm ra ý nghĩa trong những cách thức có tính mâu thuẫn mà theo đó con người đã tiến hóa – cơ thể, cảm xúc, trí tuệ, đạo đức, và tinh thần. Dù chứa đựng một phạm vi rộng lớn như vậy nhưng cuốn sách này lại vô cùng cô đọng và tinh gọn.

Trên thực tế, cái khiến cho Lịch sử ngắn gọn của tất cả mọi sự khác biệt với cuốn Spectrum hay mười một tác phẩm sau đó của Wilber là nó không chỉ mở rộng thêm những ý tưởng đã được đưa ra ở những tác phẩm trước, mà giờ đây còn thể hiện chúng bằng dạng thức đối thoại đơn giản, dễ tiếp cận. Hầu hết các sách của Wilber đều đòi hỏi người đọc phải biết đôi chút về những truyền thống triết học của phương Đông và của tâm lý học phát triển ở phương Tây. Tuy nhiên, Lịch sử ngắn gọn của tất cả mọi sự lại nhắm đến một đối tượng độc giả rộng lớn hơn – những người trong chúng ta cố gắng để đi tìm trí tuệ trong đời sống thường ngày, nhưng lại thấy rối tinh rối mù trước hàng loạt những con đường đi đến chân lý, mà chúng lại thường mâu thuẫn với nhau – và mỗi cái lại có những thiếu sót khác nhau. Với những độc giả muốn tìm hiểu thêm sau khi đọc xong cuốn sách này, tôi đề cử tác phẩm lớn gần đây của Wilber, Sex, Ecology, Spirituality, trong đó khám phát nhiều ý tưởng ở đây nhưng ở cấp độ tỉ mỉ và chuyên sâu hơn.

Tôi chưa từng gặp một ai có thể mô tả con đường phát triển của con người – sự tiến hóa của ý thức – một cách đầy đủ và có hệ thống như Wilber. Trong suốt hành trình của mình, tôi đã gặp nhiều không đếm xuể những người đưa ra những tuyên bố hùng hồn về những phiên bản cụ thể của chân lý mà họ đang rao giảng. Tôi phát hiện ra rằng họ hầu như ai cũng như ai, ai cũng đi đến những kết luận của mình bằng cách chọn phe phái, tôn vinh một tập hợp những năng lực và giá trị này, đồng thời phủ nhận những cái khác.

Wilber đã chọn một cách tiếp cận có tính bao quát và đầy đủ hơn, như bạn sẽ chóng nhận ra. Trong những trang tiếp theo, ông đưa ra một tầm nhìn liền lạc, tôn vinh và kết hợp các chân lý từ hàng loạt lĩnh vực khác biệt – vật lý và sinh học; các ngành khoa học hệ thống và khoa học xã hội; nghệ thuật và mỹ học; tâm lý học phát triển và thần nghiệm triết học – cũng như các phong trào triết học đối lập nhau từ triết học Tân Platon (Neoplatonism) đến hiện đại, từ triết học duy tâm đến hậu hiện đại.

Điều mà Wilber đã nhận ra là có thể một chân lý có giá trị hiệu lực, nhưng nó chưa được đầy đủ, nó chỉ đúng trong phạm vi của nó, và đây phải được xem như một phần của các chân lý khác cũng không kém quan trọng. Có lẽ công cụ lợi hại nhất mà ông đưa vào cuốn Lịch sử ngắn gọn của tất cả mọi sự là quan niệm về bốn góc trong “tứ nghiệm đồ” (the four quadrants) của sự phát triển. Bằng việc nghiên cứu hàng trăm bản đồ phát triển khác nhau trong sự phát triển về mặt sinh học, tâm lý học, nhận thức và tinh thần, ngoài ra còn nhiều lĩnh vực khác – Wilber đã nhận rằng rằng chúng thường diễn tả những phiên bản rất khác nhau của “chân lý”. Ví dụ, các hình thái ngoại hiện của sự phát triển là những hình thái có thể đo lường được một cách khách quan và thực nghiệm. Nhưng Wilber đã thể hiện rõ rằng loại chân lý này chỉ đưa bạn đến một mức độ phát triển nào đó. Ông chỉ ra rằng mọi sự phát triển toàn diện đều phải bao hàm một chiều kích nội tại – một chiều kích có tính chủ quan và diễn giải, và phụ thuộc vào ý thức cũng như nội quan. Ngoài việc đó ra, Wilber còn thấy rằng sự phát triển nội tại lẫn ngoại tại đều không chỉ diễn ra ở cấp độ cá nhân, mà còn trong một bối cảnh xã hội và văn hóa. Do đó mới có tứ nghiệm đồ.

Ông đã lập luận bằng một loạt các ví dụ rất sống động rằng chúng ta không thể giản hóa bất cứ hình thái chân lý nào trong bốn loại này thành những loại còn lại. Để lấy một ví dụ, nhà hành vi học không thể hiểu trải nghiệm nội tại của con người chỉ bằng việc nhìn vào hành vi bên ngoài – hay những yếu tố tương liên sinh lý học. Chân lý quả thật là sẽ giải phóng chúng ta, nhưng chỉ khi nào chúng ta chịu thừa nhận rằng có nhiều loại chân lý khác nhau.

Lịch sử ngắn gọn của tất cả mọi thứ là một tác phẩm vận hành trên nhiều cấp độ. Nó là bản đồ phong phú nhất mà tôi đã từng được biết về cõi sống của chúng ta, về chỗ đứng của nam giới và nữ giới ở trong đó. Wilber gợi ý rằng trong tính biện chứng của sự tiến bộ, mỗi giai đoạn tiến hóa sẽ siêu vượt những hạn chế của giai đoạn trước, nhưng đồng thời cũng thể hiện ra những hạn chế mới. Quan niệm này vừa đề cao vừa làm tăng giá trị cho sự vật lộn không ngừng nghỉ trong những công cuộc đi tìm một cuộc sống ý thức hơn và toàn vẹn hơn. Wilber viết: “Không một kỷ nguyên nào là có địa vị tối cao sau cùng. Tất cả chúng ta đều là thức ăn của ngày mai. Quá trình sẽ tiếp diễn, và Tinh Thần sẽ được tìm thấy trong chính quá trình này, chứ không phải trong một kỷ nguyên hay một thời gian hay một vị trí cụ thể nào cả.”

Ở một cấp độ khác, trong cuốn Lịch sử ngắn gọn này, Wilber còn đóng vai trò là người vạch trần và làm sáng tỏ – một nhà phê bình rất sáng suốt về những bậc thầy, những kỹ thuật, những ý tưởng cũng như những hệ thống hứa hẹn sẽ đưa bạn đến với chân lý toàn diện, nhưng thường lại không được đầy đủ, lầm lạc, bị bóp méo, sẽ khiến bạn lạc lối. Thường thì bản thân chúng ta cũng là tòng phạm của chúng. Vì sợ hãi trước những thay đổi và có năng lực tự lừa dối bản thân gần như vô biên, chúng ta thường rất nhanh chóng bám chặt lấy những câu trả lời đơn giản và những phép chữa nhanh chúng, cái khiến cho tầm nhìn của chúng ta bị thu hẹp và sự phát triển của chúng ta bị thui chột.

Wilber là một tiếng nói hiếm có. Ông đảm nhận công việc bằng một trái tim chân thành và dành trọn tâm huyết cho chân lý. Ông đã mở rộng thấu kính của mình để nhìn được bức tranh lớn nhất có thể, nhưng không chấp nhận xem mọi thành tố đều như nhau. Ông không sợ gây thù chuốc oán, nhưng vẫn rất kính cẩn trước nhiều tiếng nói khác. Kết quả của điều đó là Lịch sử giản lược của tất cả mọi thứ hé lộ ra một tia sáng rất mới mẻ, không chỉ đối với những câu hỏi lớn nhất trong đời sống của chúng ta, mà cả hàng tá những vấn đề khó hiểu và gây bất an trong thời đại của chúng ta – những vai trò đang thay đổi của nam giới và nữ giới; thực tế rằng môi trường vẫn tiếp tục bị tàn phá; sự đa dạng và chủ thuyết đa văn hóa; những ký ức bị ức chế về việc bị xâm phạm tình dục lúc còn bé thơ; và vai trò của Internet trong thời đại thông tin – bên cạnh nhiều vấn đề khác.

Tôi không thể hình dung ra cách nào tốt hơn để làm quen với Ken Wilber hơn là việc đọc chính tác phẩm này. Nó đưa cuộc tranh luận về sự tiến hóa, ý thức, và khả năng thay đổi của chúng ta lên một tầm cao hoàn toàn mới. Ở cấp độc thực tiễn hơn, nó sẽ giúp bạn tránh khỏi rất nhiều những bước đi hụt hẫng và những ngả rẽ sai lầm trên bất cứ con đường trí tuệ nào mà bạn chọn đi theo. TONY SCHWARTZ.”

Tất cả phần nhấn mạnh là của chúng tôi [DND].

Sau đây là phần trích dịch từ tác phẩm A BRIEF HISTORY OF EVERYTHING:

1-“KW: Chúng ta có thể xuất phát từ thực tế rất đáng ngạc nhiên rằng dường như có một sợi dây xâu chuỗi quá trình tiến hóa từ vật chất đến sự sống và đến tinh thần. Có những mô thức chung, hay những quy luật, những thói quen cứ lặp đi lặp lại trong mọi lĩnh vực. Chúng ta có thể bắt đầu bằng cách nhìn vào những mô thức lạ thường này, vì dường như chúng nắm giữ trong mình bí mật của tiến hóa.”

2- “KW: Phải. Đó là sự tiếp nối của nhiều chủ đề do Schelling, Hegel, Aurobindo, và nhiều lý thuyết gia về tiến hóa khác từ Đông lẫn Tây gợi ra. Ý tôi là, theo những ngôi sao trí tuệ này, cách tốt nhất để hình dung tiến hóa là xem nó như Tinh-Thần-trong-quá-trình-diễn-hóa, hay Thượng-Đế-trong-quá-trình-thành-tựu. Theo quan niệm này, Tinh Thần ngoại hiện nó ra tại mọi giai đoạn phát triển, do đó nó biểu hiện mình và nhận biết được mình ngày càng rõ rệt hơn ở mỗi lần ngoại hiện ra. Tinh Thần không phải là một giai đoạn cụ thể, không phải một ý thức hệ được ưa chuộng nào đó, cũng không phải bất cứ nam thần hay nữ thần nào, mà đúng hơn là toàn bộ quá trình tự ngoại hiện mình ra. Đó là một quá trình vô tận hiện hữu đầy đủ ở mọi giai đoạn, nhưng sau mỗi lần sự tiến hóa mở ra nó lại được thể hiện rõ hơn.”

3-“ Và đúng vậy, theo các truyền thống triết học lớn của nhân loại, chúng ta có thể nhìn vào những giai đoạn cao hơn của quá trình tiến hóa và ngoại hiện ra này – những giai đoạn cao hơn hay sâu hơn nơi Tinh Thần tự ý thức được nó, tự giác ngộ và bắt đầu nhận biết được bản chất của chính nó. Trong trí tưởng tượng của chúng ta, những giai đoạn cao hơn này thường rất huyền bí và “lạ lẫm”, nhưng phần lớn chúng đều rất cụ thể, rõ ràng như có thể sờ ngắm được. Mỗi người chúng ta đều có thể đạt đến những giai đoạn này. Mỗi người chúng ta đều mang trong mình những tiềm năng sâu thẳm này.”

4-“ Đúng vậy, nếu chúng ta nhìn vào những nỗ lực của con người để hiểu Thần Tính – từ cả Đông và Tây, Bắc và Nam – chúng ta sẽ nhận ra rằng có hai loại hình tâm linh rất khác biệt. Và tôi gọi chúng là Xuất Thế và Qui Thế.

5- “Con đường Xuất Thế thuần túy mang tính siêu việt và thoát tục. Nó thường rất khắt khe về đạo đức, khổ hạnh và nhấn mạnh việc luyện tập yoga, đồng thời xem nhẹ hoặc thậm chí phủ nhận cơ thể, các giác quan, tính dục, và nhục dục. Nó tìm kiếm sự cứu rỗi trong một thế giới khác; nó xem mọi biểu hiện ở thế giới này hay cõi luân hồi là xấu xa và hão huyền; và nó tìm cách để thoát hẳn ra khỏi vòng luân hồi. Trên thực tế, mọi loại hình Qui Thế trong mắt nó đều là xấu xa và hão huyền. Con đường Xuất Thế tôn vinh cái Đơn Nhất chứ không phải cái Đa Tạp; Tính Không chứ không phải Hình Thái, Thiên Đường chứ không phải Mặt Đất.”

6- “Còn con đường Qui Thế lại khuyên bảo ta điều ngược lại. Nó lấy thế giới này làm cốt lõi, và tôn vinh cái Đa Tạp thay vì cái Đơn Nhất. Nó ca tụng Trái Đất, thân thể, các giác quan, và thường cả tính dục. Nó thậm chí còn đồng nhất Tinh Thần và thế giới qua cảm nhận của giác quan, với Gaia, với sự trình hiện, và nhìn thấy trong từng bình minh, từng lúc trăng lên, tất cả Tinh Thần mà con người có thể đòi hỏi. Nó thường rất nội tại và hoài nghi bất cứ thứ gì siêu vượt. Trên thực tế, trong mắt những người Qui Thế, mọi loại hình Xuất Thế đều là xấu xa.”

7-“ Tôi nghĩ rằng điều này rất quan trọng, vì, xin nhắc lại, cả hai con đường đều có những điều cực kỳ quan trọng để chúng ta học hỏi. Chính trong sự hợp nhất của hai dòng chảy Xuất Thế và Qui Thế, chúng ta sẽ tìm thấy sự hài hòa, chứ không phải trong cuộc chiến giữa đôi bên. Có vẻ như chỉ khi Xuất Thế và Qui Thế hợp nhất ta mới cứu được cả hai. Và nếu chúng ta – nếu bạn và tôi – không góp sức để mang lại sự hợp nhất này, thế thì rất có khả năng chúng ta chẳng những sẽ hủy diệt Trái Đất duy nhất mà còn sẽ mất cả Thiên Đàng, nơi lẽ ra ta có thể đến.”

8- “Q: Vậy thì chúng ta sẽ khởi đầu với vụ Nổ Lớn (Big Bang) và sau đó vẽ lại quá trình tiến hóa từ vật chất đến sự sống và đến tâm thức (mind). Với sự đột sinh của tâm thức, của ý thức nhân loại, chúng ta sẽ xem xét năm hay sáu giai đoạn trong sự tiến hóa của con người. Và tất cả những điều này đều được đặt trong bối cảnh TINH THẦN (SPIRITUALITY)- về ý nghĩa của tinh thần, về những hình thái khác nhau của tinh thần xuất hiện trong lịch sử và trong tương lai. Đúng không nào?

KW: Đúng là vậy! Nói chung đó là một loại lịch sử ngắn gọn về tất cả mọi sự. Điều này mới nghe qua thật là quá hoành tráng, nhưng nó dựa trên những điều mà tôi gọi là “những định hướng tổng quát hóa” (generalizing orientations) sẽ đơn giản hóa mọi thứ đi rất nhiều.”

9-“Q: Chúng ta sẽ theo dõi quá trình tiến hóa trải qua giai đoạn từ vật chất đến sự sống, từ sự sống đến tinh thần. Ông đã gọi ba cảnh giới chính này là VẬT CHẤT hay vũ trụ (cosmos), SỰ SỐNG hay SINH QUYỂN (BIOSPHERE), TINH THẦN hay TRÍ QUYỂN (NOOSPHERE). Và tổng thể của ba cảnh giới này ông gọi là HOÀN VŨ (KOSMOS).

KW: Vâng, đúng thế! Những triết gia Hi Lạp theo trường phái Pythagore đã đưa ra thuật ngữ KOSMOS mà chúng ta quen dịch là “vũ trụ” (cosmos) nhưng thực ra KOSMOS có nghĩa là một quá trình có tính mô hình về mọi cảnh giới tồn tại, từ vật chất cho đến tinh thần, cho đến Thiên Chúa, chứ không phải chỉ có vũ trụ vật chất không mà thôi. Trong tiếng Anh bây giờ, hai từ “universe” và “cosmos” đều chỉ vũ trụ vật chất mà thôi. Vì thế mà tôi muốn giới thiệu lại thuật ngữ mới này, HOÀN VŨ (KOSMOS), và như anh đã biết, HOÀN VŨ bao gồm cả vũ trụ (hiểu theo nghĩa là “vũ trụ vật chất,” gọi là VẬT QUYỂN= physiosphere), SINH QUYỂN (sự sống), TRÍ QUYỂN (tinh thần), và cả THẦN QUYỂN (THEOSPHERE= cảnh vực thần linh) nữa. Ví dụ chúng ta có thể tranh cãi về các chi tiết trong quá trình chuyển biến từ vật chất sang sự sống, nhưng như Francisco Varella đã chỉ ra, hiện tượng “tự sao chép” (autopoiesis= self-replication) chỉ xảy ra trong các hệ thống các sinh thể, tức là nó không được tìm thấy trong vũ trụ vật chất, mà chỉ có trong sinh quyển. Đó là một sự đột sinh, đột khởi có ý nghĩa sâu sắc, một điều mới mẻ đến mức đáng kinh ngạc, và tôi sẽ chỉ ra những kiểu hình chuyển hóa sâu sắc này trong quá trình tiến hóa của HOÀN VŨ.”

10-“ Q: Chúng ta có thể bắt đầu khóa hoàn vũ học này bằng cách xem xét các đặc trưng của quá trình tiến hóa trong các cảnh giới khác nhau. Anh đã tách ra được 20 mô hình có thể xem là đúng cho quá trình tiến hóa dù ở cấp độ vật chất, sự sống hay tinh thần.

KW: Vâng, đúng vậy!

Q: Vậy xin anh hãy đưa một vài ví dụ về hai mươi nguyên lý này để cho mọi người thấy chúng gồm những gì. Nguyên lý thứ nhất nói rằng thực tại được cấu thành từ tổng thể nhiều phần, hay từ “Toàn/Bộ” (HOLON).

KW: Arthur Koestler đã đặt ra thuật ngữ ‘Toàn/bộ’ (Holon) để chỉ một thực thể có bản chất vừa đầy đủ trong chính bản thân nó nhưng cũng đồng thời là một phần của một toàn thể khác. Và nếu như anh chú tâm quan sát cặn kẽ hơn những sự vật, sự việc và hiện tượng trong thực tại, anh sẽ dễ dàng nhận ra rằng chúng không chỉ đơn thuần là những toàn thể riêng lẻ mà còn đồng thời là một phần của một thứ gì đó nữa. Chúng là “toàn thể/bộ phận,” hay là ‘Toàn/Bộ’. Ví dụ: Toàn thể một nguyên tử sẽ là một phần của toàn thể một phân tử. Toàn thể một phân tử sẽ là một phần của toàn thể một tế bào, và toàn thể một tế bào sẽ là một phần của toàn thể một sinh vật, vân vân và vân vân. Mỗi một thực thể trên đều không đơn thuần chỉ là toàn thể hay là một bộ phận của toàn thể: chúng là Toàn/Bộ. Vấn đề là mọi thứ đều là toàn/bộ của một thứ gì khác. Phái nguyên tử và phái toàn thể đã cãi nhau ỏm tỏi về mặt triết học gần 2000 năm nay về việc thứ gì mới thực sự có thật: cái Toàn thể hay cái Bộ phận? Câu trả lời là không. Cả hai đều không có thật. Hoặc cả hai đều có thật, nếu anh muốn nói cách đó, Dù xuống thấp nhất hay lên cao nhất đi chăng nữa, đâu đâu ta cũng chỉ thấy Toàn/Bộ mà thôi. Có một chuyện vui khá xưa như sau: Một vị vua đã đến hỏi một nhà thông thái rằng: “Tại sao trái đất không rơi xuống?” Nhà thông thái ngẫm nghĩ rồi trả lời: “Vì trái đất được đặt trên lưng một con sư tử.” “Thế con sư tử được đặt trên cái gì?” “Trên một con voi.” “Thế con voi được đặt trên cái gì?” “Trên một con rùa.” “Vậy con rùa được đặt trên cái gì?’’ “Ngài có thể dừng được rồi đấy, đức vua của tôi ơi. Dưới nữa cũng là rùa mà thôi.” Dưới nữa cũng là rùa, dưới nữa cũng là toàn/bộ. Mặc cho ta đào sâu tới đâu đi chăng nữa, thứ duy nhất chờ đợi ta cũng chỉ là Toàn/Bộ đặt trên Toàn/Bộ đặt trên Toàn/Bộ. Ngay cả các hạt hạ nguyên tử cũng biến mất thành đám mây bong bóng ảo. Và trong mỗi bong bóng, trong Toàn/Bộ của Toàn/Bộ, tồn tại nhiều vô tận các thể sóng xác suất. Dưới nữa cũng chỉ là Toàn/Bộ.

Q: Và trên nữa cũng thế, như anh đã nói. Chúng ta sẽ không bao giờ đạt đến cái toàn thể tối thượng cuối cùng.”

Trên đây là những phần trích dẫn mà chúng tôi cho rằng đã thể hiện phần cốt lõi tinh yếu trong toàn bộ tư tưởng của Ken Wilber. Tất cả đều nằm trong chương 1 của tác phẩm A BRIEF HISTORY OF EVERYTHING các độc giả có thể đối chiếu với bản gốc tiếng Anh rất dễ dàng. Tư tưởng của Wilber có thể nói một cách ngắn gọn là SỰ KẾT HỢP GIỮA TRIẾT HỌC HEGEL VÀ KHOA HỌC HIỆN ĐẠI, GIỮA THẦN HỌC PHƯƠNG TÂY VÀ MINH TRIẾT PHƯƠNG ĐÔNG, MỘT CHỦ NGHĨA PHI NHỊ NGUYÊN ĐẦY HẤP DẪN VÀ LÔI CUỐN NGƯỜI ĐỌC CÙNG THAM GIA VÀO HÀNH TRÌNH VĨ ĐẠI CỦA Ý THỨC NHÂN LOẠI.

TS. Dương Ngọc Dũng

Giám đốc chương trình triết học đại học Hoa Sen (HSU)