Press "Enter" to skip to content

Hoàng Đế Tứ Kinh

HOÀNG ĐẾ TỨ KINH 黃 帝 四 經:
PHÁT HIỆN MỚI NHẤT VỀ
TƯ TƯỞNG HOÀNG LÃO

DƯƠNG NGỌC DŨNG

I. GIỚI THIỆU

Tháng 12 năm 1973 các nhà khảo cổ Trung Quốc phát hiện tại Mã Vương Đôi 馬 王 堆, huyện Trường Sa 長 沙, tỉnh Hồ Nam 湖 南, kinh đô cũ nước Sở 楚, một ngôi mộ cổ bên trong chôn dấu những tác phẩm triết học chép trên lụa (bạch thư 帛 書) bao gồm Lão Tử Đạo Đức Kinh 老 子 道 德 經 (2 bản Ất và Giáp), nhiều tác phẩm về âm dương, ngũ hành, y thuật, đạo dẫn, Kinh Dịch, chiêm tinh học. Đặc biệt nhất trong số bạch thư được phát hiện chính là Hoàng Đế Tứ Kinh 黃 帝 四 經, một tác phẩm thất truyền rất lâu, chứa đựng trọn vẹn tư tưởng Hoàng Lão 黃 老 mà chính sử gia Tư Mã Thiên cũng chưa có cơ hội đọc qua. Theo đánh giá của những chuyên gia triết học hàng đầu Trung Quốc cũng như các nhà Hán học phương Tây, sự phát hiện này có khả năng sẽ đảo lộn tất cả những kiến giải trước đây về tư tưởng triết học Trung Quốc thời Tiên Tần.

Trước khi có sự phát hiện ở Mã Vương Đôi, các sử gia rất mơ hồ về cái gọi là tư tưởng Hoàng Lão. Họ chỉ biết rằng Hoàng tức là Hoàng Đế còn Lão tức là Lão Tử và tư tưởng Hoàng Lão là hệ thống tư tưởng chủ đạo trong đầu thời Hán; mãi đến thời Hán Vũ Đế khi Đổng Trọng Thư độc tôn nho thuật thì tư tưởng Hoàng Lão mới giảm bớt ảnh hưởng. Tư Mã Thiên liệt kê các nhân vật như Trần Bình, Thân Bất Hại, Thận Đáo, và Hàn Phi là những người sùng bái và phát huy tư tưởng Hoàng Lão.

Hoàng Đế Tứ Kinh gồm bốn phần, mỗi phần có tựa đề riêng và có đính kèm số tự 字 (chữ): (Kinh Pháp 經 法 (5000 tự), (Thập Đại Kinh 十 大 經 (4564 tự), (Xứng 稱 (1600 tự), và (Đạo Nguyên 道 原 (464 tự). Tạp chí Văn Vật 文 物 đã chuyển thể bạch thư sang tự thể giản thể hiện đại. Năm 1975, Đường Lan 唐 蘭 cho xuất bản tác phẩm đầu tiên nghiên cứu về Hoàng Đế Tứ Kinh. Năm 1980, nhà xuất bản Văn Vật cho xuất bản các bạch thư gồm ba tập, in bằng chữ phồn thể. Tập 3 trong bộ này gồm Hoàng Đế Tứ Kinh và hai bản Lão Tử Đạo Đức Kinh (Ất và Giáp). Không phải ngẫu nhiên mà Lão Tử lại được xếp chung trong bộ Hoàng Đế Tứ Kinh. Có thể nói tư tưởng Lão Tử bàng bạc trong tất cả bốn chương của Tứ Kinh. Theo sự tính toán của Trần Cổ Ứng 陳 鼓 應, trọn bộ Hoàng Đế Tứ Kinh dẫn dụng từ ngữ, khái niệm của Lão Tử tổng cộng hơn 170 lần. Hoàng Đế Tứ Kinh ra đời trong khoảng giữa thời Chiến Quốc[1] cũng như Quản Tử 管 子, một tác phẩm khác phô diễn tư tưởng Hoàng Lão, ra đời suýt soát cùng thời gian, cả hai đều chịu ảnh hưởng tư tưởng Lão Tử rất sâu đậm. Đồng thời thông qua việc đọc Hoàng Đế Tứ Kinh chúng ta phát hiện nhân vật Phạm Lãi 范 蠡 tương truyền là quân sư của Câu Tiễn, có quan hệ tình cảm lãng mạn với Tây Thi, nhân vật làm sụp đổ triều đại Ngô Phù Sai, cũng là một tư tưởng gia kiệt xuất. Tứ Kinh nhắc tên tư tưởng Phạm Lãi hơn mười bảy lần. Từ Lão Tử đến Quốc Ngữ (phần Việt Ngữ trong đó có nhắc Phạm Lãi) và Hoàng Đế Tứ Kinh chúng ta có thể theo dõi thấy được quá trình tiến triển của triết học Hoàng Lão suốt thời Chiến Quốc.

Hoang de

Hoàng Đế
(Nguồn: Trương Kỳ Quân, Trung Hoa Ngũ Thiên Niên Sử, Q.1, tr.44)

Phạm Lãi là nhân vật cuối thời Xuân Thu, sau Lão Tử khoảng ba bốn chục năm và rất có thể là đệ tử trực tiếp của Lão Tử. Bản thân nắm quyền lực quân sự tối cao trong thời Câu Tiễn, Phạm Lãi đã linh hoạt vận dụng tư tưởng Lão Tử vào vấn đề binh pháp. Ông cho rằng: “Binh tức là hung khí vậy. Chiến tranh chỉ là phần ngọn của sự vật. Âm mưu trái đức, thích dùng hung khí, đầu tiên là do con người, cũng là chỗ làm chết người vậy.” (Binh giả, hung khí dã. Tranh giả, sự chi mạt dã. Âm mưu nghịch đức, hiếu dụng hung khí, thuỷ ư nhân giả, nhân chi sở tốt dã 兵 者 凶 器 也 爭 者 事 之 末 也 陰 謀 逆 德 好 用 凶 器 始 於 人 者 人 之 所 卒 也.) [2] Đây chính là diễn giảng tư tưởng Lão Tử: “Binh khí tức là công cụ đem lại xui xẻo.” (Binh giả, bất tường chi khí 兵 者 不 祥 之 器). Phạm Lãi cũng nói: “Thiên đạo đầy mà không tràn, thịnh mà không kiêu, lao khổ nhưng không kể công.” (Thiên đạo doanh nhi bất dật, thịnh nhi bất kiêu, lao nhi bất căng kỳ công 天 道 贏 而 不 溢 盛 而 不 驕 勞 而 不 矜 其 功.) [3] Đây rõ ràng là tư tưởng Lão Tử.

Quản Tử được các học giả xưng tụng là Tắc Hạ tùng thư, nghĩa là một cuốn bách khoa triết học nhắc đến tất cả các học phái thịnh hành trong thời “Bách gia tranh minh” tại học quán Tắc Hạ, thủ đô của nước Tề. Quản Tử tức là Quản Trọng người giúp Tề Hoàn Công làm minh chủ của Ngũ Bá thời Chiến Quốc. Tên ông thường gắn liền với trường phái Pháp gia. Nhưng với sự phát hiện Hoàng Đế Tứ Kinh vấn đề xếp loại tư tưởng Quản Tử giờ đây đã trở nên phức tạp hơn.

Có thể nói Tắc Hạ là trung tâm tư tưởng của thời Chiến Quốc (giống như Paris thế kỷ 18). Bản thân Tuân Tử, người tập đại thành tư tưởng Nho Học, cũng từng du học tại Tắc Hạ.[4] Tác phẩm Quản Tử từng bị Hồ Thích cho là ngụy thư nên suốt một thời gian dài chẳng học giả nào ngó ngàng đến. Bây giờ do phát hiện Mã Vương Đôi và tư tưởng Hoàng Lão, bản thân Quản Tử trở thành điểm chú ý hàng đầu của các sử gia triết học Trung Quốc. Thông qua nghiên cứu Quản Tử chúng ta có thể khôi phục lại chân dung của không khí triết học đương thời Chiến Quốc, đặc biệt là hệ thống tư tưởng Hoàng Lão đã quật khởi tại đây (Tắc Hạ). Bốn thiên quan trọng nhất trong Quản Tử (Nội Nghiệp, Bạch Tâm, Tâm Thuật thượng, Tâm Thuật hạ) chính là phô diễn tư tưởng Hoàng Lão của Đạo gia Tắc Hạ. Hồ Gia Thông 胡 家 聰 đã tiến hành phân tích tỉ mỉ từng chương một của Quản Tử để phân loại chương nào thuộc hệ tư tưởng Hoàng Lão và chương nào thuộc trường phái Pháp gia.[5] Kanaya Osamu khẳng định hệ thống triết học quán xuyến tác phẩm Quản Tử là hệ tư tưởng Hoàng Lão tổng hợp Đạo gia và Pháp gia.[6]

Sau khi Hoàng Đế Tứ Kinh được phát hiện, các học giả mới nhận thấy giữa hai tác phẩm Hoàng Đế Tứ KinhQuản Tử có quá nhiều điểm tương đồng và mối quan hệ nội tại. Thuyết Quản Tử là ngụy thư của Hồ Thích như thế không thể đứng vững. Nghiên cứu Hoàng Đế Tứ Kinh, Quản Tử, và một số tác phẩm phô diễn tư tưởng Hoàng Lão khác như Trang Tử 莊 子, Hạc Quán Tử 鶡 冠 子, Văn Tử 文 子, Doãn Văn Tử 尹文 子, Điền Tử 田 子, Tống Tử 宋 子, Tiệp Tử 捷 子, chúng ta có thể khẳng định hệ thống tư tưởng chủ đạo trong thời Chiến Quốc chính là tư tưởng Hoàng Lão, một hệ thống triết học hoàn chỉnh đặt nền tảng trên hai chân vạc: tư tưởng Lão Tử và tư tưởng Pháp gia. Ngoài ra trong Hán Thư (Nghệ văn chí) cũng chép Thái Công 太 公 (237 thiên), Dục Tử 鬻 子 (22 thiên), Hoàng Đế Quân Thần 黃 帝 君 臣 (10 thiên), Tạp Hoàng Đế 雜 黃 帝 (58 thiên), Lực Mục 力 牧 (22 thiên). Trần Cổ Ứng cho rằng các tác phẩm này cũng thuộc trường phái Hoàng Lão ở Tắc Hạ. Ông cũng cho biết thêm năm 1973 tại huyện Định 定 tỉnh Hà Bắc 河 北 có phát hiện bản Thái Công chép trên trúc giản (thẻ tre) nhưng bản này vẫn chưa được công bố.

Đứng về phương diện lịch sử triết học, Nho giáo tại Trung Quốc trải qua ba thời kỳ biến chuyển quan trọng: lần thứ nhất là do công của Tuân Tử, hấp thu tư tưởng Hoàng Lão, tập đại thành triết học Khổng Tử (chính do chịu ảnh hưởng tư tưởng Hoàng Lão, Tuân Khanh không được Nho gia chính thống nhìn nhận là thuộc đạo thống Nho học, chỉ có Mạnh Tử mới được xem là chân truyền của Khổng môn. Cộng thêm lý do Hàn Phi, một tư tưởng Pháp gia kiệt xuất, lại là học trò Tuân Tử). Lần biến chuyển quan trọng thứ hai là Đổng TrọÏng Thư, vị kiến trúc sư chính yếu của Nho học đời Hán. Lần thứ ba chính là Nho học thời Tống Minh với Lý học của Chu Hi và Tâm học của Vương Dương Minh. Giờ đây với phát hiện Hoàng Đế Tứ Kinh chúng ta thấy ngay trong hai giai đoạn biến chuyển đầu, Nho giáo với Tuân Khanh và Đổng Trọng Thư chịu ảnh hưởng tư tưởng Hoàng Lão sâu đậm. Trần Cổ Ứng đưa ra một kết luận táo bạo: “Trong suốt quá trình phát triển của Nho giáo, kết cấu bề sâu của nó thực ra là một quá trình bị Đạo giáo hoá.” (Nho học đích phát triển quá trình kỳ thâm tầng kết cấu thực vi Đạo học hóa đích quá trình 儒 學 的 發 展 過 程 其 深 層 結 構 實 為 道 學 化 的 過 程).[7] Dĩ nhiên đây là một kết luận khá vội vã và cực đoan, thậm chí mâu thuẫn với lời khẳng định của Trần Cổ Ứng là khi Đổng Trọng Thư “độc tôn Nho thuật, bãi truất Bách gia” thì tư tưởng Hoàng Lão bị dần dần mất hết ảnh hưởng. Cũng như Tuân Tử ít khi được các Nho gia đời sau trọng thị ngang hàng với Mạnh Tử, vì họ cho rằng ông thiên trọng hình pháp hơn là nhân nghĩa. Nhưng nhận xét rằng Tuân Tử là khúc quanh chuyển biến đầu tiên trong lịch sử phát triển tư tưởng Nho học Trung Quốc thì rất chính xác: đó là bước chuyển đầu tiên tạo ra tư tưởng Pháp gia về sau với Lý Tư và Hàn Phi.

II. LƯỢC THUẬT NỘI DUNG HOÀNG ĐẾ TỨ KINH

Như đã nói, Hoàng Đế Tứ Kinh gồm có bốn thiên. Thiên đầu tiên là Kinh Pháp 經 法, phân ra làm 9 tiết ( Đạo Pháp 道 法, Quốc Thứ 國 次, Quân Chính 君 正, Lục Phận 六 分, Tứ Độ 四 度, Luận 論, Vong Luận 亡 論, Luận Ước 論約, Danh Lý 名 理) chủ yếu thuyết minh về nguyên lý thường hằng vĩnh cửu chi phối tự nhiên và xã hội. Đây là một trong những đề thuyết quan trọng nhất của tư tưởng Hoàng Lão: Thế giới tự nhiên (cosmos) cũng như xã hội con người (society) đều cùng chia sẻ những nguyên tắc bất biến. Trong tiết thứ nhất (Đạo Pháp 道 法), tác giả thảo luận vấn đề “Pháp luật có nguồn gốc từ Đạo” (Đạo sinh Pháp 道 生 法) và ý nghĩa của Đạo. Sau đó tác giả bàn qua việc chinh phạt, trị quốc, đặt ra các tiêu chí để phân biệt Lục Thuận 六 順, Lục Nghịch 六 逆, Chấp Lục Bính 執 六 柄, Thẩm Tam Danh 審 三 名 (thuộc Nhân Sự), Kiến Bát Chính 建 八 政, Hành Thất Pháp 行 七 法 (thuộc Thiên Đạo). Đạo Pháp có thể nói là tiết quan trọng nhất của Kinh Pháp vì nó tóm thâu tổng luận các tư tưởng chủ chốt quán xuyến toàn bộ Kinh Pháp.

Đạo Pháp phân tích quan hệ giữa Đạo và Pháp. Pháp phải được xây dựng trên các nguyên tắc thường hằng bất biến (Đạo). Peerenboom nhận định rất chính xác rằng tư tưởng Hoàng Lão như được thể hiện trong Hoàng Đế Tứ Kinh là một học thuyết cho rằng tất cả đều có nền tảng trong qui luật tự nhiên (foundational naturalism). Peerenboom viết: “Tôi cho rằng tư tưởng Hoàng Lão trong Bạch Thư tốt nhất nên hiểu như một loại chủ nghĩa tự nhiên nền tảng, có nghĩa là, trật tự xã hội nhân văn (human social order) được xây dựng trên và bao hàm trong trật tự tự nhiên (natural order). Với tư cách là một chủ nghĩa tự nhiên, trật tự tự nhiên mang tính ưu tiên về mặt qui phạm (normatively privileged). Với tư cách là chủ nghĩa tự nhiên nền tảng, nó được xác lập một cách tiên quyết (predetermined). Trật tự xã hội nhân văn  bao gồm hành vi cá nhân cũng như các thiết chế xã hội  có nền tảng trong (grounded in), được biện chính bởi (justified by), và phán xét căn cứ (judged against) theo trật tự tự nhiên, tư tưởng này được thể hiện trong tác phẩm bằng nhiều phương thức khác nhau. Về mặt triết học ngôn ngữ, tác giả Bạch Thư ủng hộ quan điểm duy thực, lý thuyết ngôn ngữ tương ứng (correspondence theory of names), tức là, danh xưng (names) và hình thức (forms= tức học thuyết hình danh) đều là sự thể hiện trực tiếp của Đạo. Về mặt chính trị xã hội, tác giả ủng hộ một hệ thống tôn ti trật tự trong đó các giai cấp xã hội được xem như là “tự nhiên”, một đặc trưng thường hằng và cho sẵn của trật tự tự nhiên đã được hình thành trước (a constant and given feature of the preconfigured natural order). Ba phương diện này của triết học Hoàng Lão được xây dựng trên một tiền đề tri thức luận đối ứng nền tảng (foundational correspondence epistemology) trong đó con người phát hiện ra Đạo, trật tự tự nhiên khách quan được thể hiện ra trong lý (nguyên tắc), pháp (luật), và hình danh, bằng cách gạt bỏ các thiên kiến chủ quan thông qua việc đạt đến hư tĩnh (emptiness and tranquility).”[8]

Đây là một tóm tắt đầy đủ nhất về tư tưởng Hoàng Lão nhưng vì tác giả sử dụng các thuật ngữ của triết học phương Tây nên tương đối khó hiểu, tôi xin diễn giải cho dễ hiểu hơn như sau:

1- Đạo (tức trật tự tự nhiên) là nền tảng của trật tự xã hội và pháp luật.

2- Đạo là nền tảng của đạo đức và đã có sẵn trước khi có con người, do đó Đạo mang tính ưu tiên và ưu việt tuyệt đối.

3- Pháp luật hay đạo đức cá nhân do có căn cứ trong Đạo nên phải được phán xét xem có phù hợp với Đạo hay không.

4- Ngôn ngữ (danh) và sự vật nó chỉ thị (hình) đều bắt nguồn trực tiếp từ Đạo.

5- Xã hội do bắt nguồn từ Đạo nên giai cấp xã hội là sản phẩm tự nhiên của quá trình phát triển. Trong tự nhiên cũng có tôn ti trật tự nên xã hội cũng cần phải có tôn ti trật tự.

6- Con người phát hiện Đạo bằng cách gạt bỏ các thành kiến chủ quan trong tri kiến, trí tuệ phải được tẩy sạch các tư tâm dục vọng cá nhân để đạt đến trạng thái yên tĩnh. Chỉ trong trạng thái hư tĩnh con người mới trực nhận ra sự tồn tại khách quan của Đạo trong vạn vật.

Đoạn đầu tiên của Đạo Pháp viết: “Đạo là nguồn gốc của Pháp, Pháp tức là dùng việc được mất làm đầu mối, làm rõ sự cong thẳng vậy, cho nên bậc vương giả, là nền tảng của luật pháp nhưng không dám phạm pháp vậy. Pháp đã thiết lập thì không dám phế bỏ, [cho nên] có thể tự xem là đầu mối, sau đó hiểu biết thiên hạ không còn nghi hoặc gì nữa.” (Đạo sinh pháp. Pháp giả, dẫn đắc thất dĩ thằng, nhi minh khúc trực giả dã. Cố chấp Pháp giả, sinh pháp nhi phất cảm phạm dã, pháp lập nhi phất cảm phế, năng tự dẫn dĩ thằng, nhiên hậu kiến tri thiên hạ nhi phất hoặc hĩ: 道 生 法. 法 者, 引 得 失 以 繩, 而 明 曲 直 者 也. 故 執 法 者, 生 法 而 弗 敢 犯 也, 法 立 而 不 敢 廢, 能 自 引 以 繩, 然 後 見 知 天 下 而 弗 惑 矣).[9]

Trần Cổ Ứng giảng: “Đạo sinh pháp có nghĩa là các loại pháp luật qui tắc trong xã hội đều phát sinh từ Đạo tức là nền tảng uyên nguyên của vũ trụ vạn vật. Đạo tức là thực thể vũ trụ, là bản nguyên của vạn vật, vừa là qui luật phổ biến, là thuật ngữ chuyên dùng do Lão Tử đầu tiên sáng tạo, trở thành phạm trù tối cao trong triết học Trung Quốc.”[10]

Trong Hoàng Đế Tứ Kinh có hai câu định nghĩa thuật ngữ Đạo. Trong Kinh Pháp (tiết Minh Lý) viết: “Đạo là nguồn gốc của thần minh” (Đạo giả, thần minh chi nguyên dã 道 者 神 明 之 原 也). Một nơi khác (Kinh Pháp, tiết Luận) tác giả khẳng định: “Cái làm cho lý tồn tại gọi là Đạo” (Lý chi sở tại vị chi Đạo 理 之 所 在 謂 之 道). Định nghĩa thứ nhất nêu bật chức năng biến hóa linh diệu như thần minh của Đạo. Định nghĩa thứ hai nêu vấn đề bản thể luận: Đạo là qui luật tổng quát chi phối vạn vật trong tự nhiên cũng như các thiết chế, pháp tắc trong xã hội.

Chương thứ hai trong Hoàng Đế Tứ KinhThập Đại Kinh 十 大 經, chia ra làm mười lăm tiết tất cả: (1) Lập Mệnh 立 命, (2) Quán 觀, (3) Ngũ Chính 五 正, (4) Quả Đồng 果 童, (5) Chính Loạn 正 亂, (6) Tính Tranh 姓 爭, (7) Thư Hùng 雌 雄, (8) Binh Dung 兵 容, (9) Thành Pháp 成 法, (10) Tam Cấm 三 禁, (11) Bản Phạt 本 伐, (12) Tiền Đạo 前 道, (13) Hành Thủ 行 守, (14) Thuận Đạo 順 道, (15) Danh Hình 名 刑. Chương này chủ yếu thảo luận học thuyết Hình Danh, Hình Đức, thuyết Âm Dương, Thư Hùng, trong quan hệ biện chứng đối lập nhưng thống nhất, chuyển hóa lẫn nhau. Hoài Nam Tử 淮 南 子, một tác phẩm Đạo gia tổng hợp đời Hán, rõ ràng là kế thừa tư tưởng Hoàng Lão trong chương này. Hai tiết Binh DungBản Phạt tập trung thảo luận lý thuyết quân sự theo góc độ tư tưởng Đạo gia. Tiết cuối bàn về Hình Danh, chính là tôn chỉ “tuần danh trách thực” 循 名 責 實 (theo dõi xem chức vụ và việc làm có phù hợp hay không) chung của cả chương.

Bàn về Hình Danh, Quản Tử (thiên Tâm Thuật thượng) viết: “Vật phải có hình thể, có hình thì phải có danh” (Vật cố hữu hình, hình cố hữu danh 物 固 有 形 形 固 有 名). Nơi khác (Tâm Thuật hạ) cũng viết: “Tất cả mọi vật do danh mà đến.” (Phàm vật tải danh nhi lai 凡 物 載 名 而 來). Doãn Văn Tử (thiên Đại Thiên thượng) viết: “Danh tức là hình chính vậy. Hình chính là do danh, nên danh không thể sai. Có hình tất phải có danh, danh là dùng để kiểm tra hình, hình là dùng để xác định danh, danh dùng để xác định sự, sự dùng để kiểm tra danh.” (Danh giả dã, chính hình giả dã. Hình chính do danh, tắc danh bất khả sai. Hữu hình giả tất hữu danh, danh dĩ kiểm hình, hình dĩ định danh, danh dĩ định sự, sự dĩ kiểm danh 名 者 也 正 形 者 也 形 正 由 名 則 名 不 可 差 有 形 者 必 有 名 名 以 檢 形 形 以 定 名 名 以 定 事 事 以 檢 名). Hàn Phi Tử (thiên Nhị Bính) viết rất rõ: “Bậc quân chủ muốn ngăn trừ gian loạn, cần phải xét xem hình danh có phù hợp hay không, hình danh tức là ngôn ngữ và sự việc vậy.” (Nhân chủ tương dục cấm gian, tắc thẩm hợp hình danh, hình danh giả, ngôn dữ sự dã 人 主 將 欲 禁 奸 則 審 合 形 名 行 名 者 言 與 事 也). Tất cả ba tư tưởng gia trên đây đều mượn tư tưởng từ Hoàng Đế Tứ Kinh, tiết Danh Hình trong chương Thập Đại Kinh nói trên. Học thuyết Hình Danh là lý thuyết gắn liền với tư tưởng Pháp gia, và Pháp gia bắt nguồn từ Hoàng Lão, cụ thể là từ Hoàng Đế Tứ Kinh. Hình đây chỉ ngôn từ và hành động của một quan chức, Danh là chỉ quan chức, chức vị mà vị quan đó đảm nhiệm. Thí dụ chức vụ của viên quan là Bộ trưởng Công An tức là Danh, việc làm của viên quan (trấn áp tội phạm, giữ gìn trật tự an ninh) tức là Hình. Nếu Hình và Danh hợp thì đó là viên quan tốt. Chuyện viên quan đó có nhân nghĩa lễ trí tín hay không thì không cần thiết. Kiểm tra quan lại chỉ cần kiểm tra xem Hình và Danh có phù hợp hay không mà thôi. Đó chính là quan niệm “tuần danh trách thực” (theo dõi xem chức vụ và việc làm có phù hợp hay không).

Hai chương cuối của Hoàng Đế Tứ Kinh, XứngĐạo Nguyên, rất ngắn nên không có phân đoạn tiết. Xứng 稱 giống như một tuyển tập bao gồm những câu cách ngôn, ngạn ngữ, cho nên giữa đoạn này và đoạn kia không có mối liên hệ kết cấu rõ ràng, nhưng tông chỉ cốt yếu của toàn chương có thể hiểu được. Xứng nghĩa là cái cân, do đó tác giả vận dụng học thuyết Âm Dương, Ngũ Hành, quan hệ biện chứng chuyển hoá và đối lập để khuyến cáo bậc quân vương nên thận trọng trong việc tuyển cử hiền tài giúp ông trị nước. Nhưng khuyết điểm chính của chương này là sót rất nhiều chữ do không đọc được nên việc giải đoán khó lòng chính xác. Có thể tạm trích một câu hóc búa trong chương Xứng như sau: “Thời nhược khả hành, cức ứng vật ngôn, nhược vị khả, đồ kỳ môn, vô kiến kỳ đoan. Thiên chế hàn thử, địa chế cao hạ, nhân chế thủ dữ. Thủ dữ đáng, lập vi thánh vương, thủ dữ bất đáng, lưu chi tử vong. 時 若 可 行 亟 應 勿 言 若 未 可 涂 其 門 無 見 其 端 天 制 寒 暑 地 制 高 下 人 制 取 予 取 予 當 立 為 聖 王 取 予 不 當 流 之 死 亡.” Trần Cổ Ứng diễn dịch câu này như sau: “Gặp thời nếu có thể làm được, thì phản ứng mau mắn, không cần phải nghe ngóng nhiều. [Gặp thời] chưa thể làm được, giấu kín tâm cơ, không để lộ ý định ra nét mặt. Đạo trời thì lo việc nóng lạnh, đạo đất thì lo chuyện cao thấp, đạo người lo việc thu đoạt hay tặng cấp. Nếu thu giữ hay tặng cấp phù hợp với pháp luật, tôn làm thánh vương. Nếu thu giữ hay ban phát không phù hợp với pháp luật, bản thân lưu linh tử địa, nước mất nhà tan.” [11] Câu này khó vì sót chữ “thời” 時 ngay trước “nhược vị khả”. Chữ “dư” 予 do cận âm nên dùng làm giả tá cho “dữ” 與 (tặng dữ). “Đồ” 涂 dùng giống như “đồ” 塗 mà “đồ” 塗 dùng thông với “đỗ” 杜 có nghĩa là “làm bế tắc.” Thích Danh 釋 名 giảng: “Đồ tức là đỗ vậy, đỗ là làm đầy lỗ trống.” (Đồ, đỗ dã, đỗ tắc khổng huyệt dã 塗 杜 也 杜 塞 孔 穴 也). Bản thân chữ “môn” 門 theo Đạo gia là dùng chỉ “tâm cơ” 心 機. Nội Kinh Tố Vấn 內 經 素 問 (thiên Chí chân yếu đại luận 至 真 要 大 論) chú giảng: “Thần môn tức là chân tâm mạch khí vậy.” (Thần môn, chân tâm mạch khí 神 門 真 心 脈 氣).

Tông chỉ triết học Hoàng Lão thể hiện đầy đủ trong câu này: Thiên Đạo, Địa Đạo, và Nhân Đạo đều chia xẻ chung một hệ thống qui luật, tức là Đạo. Nhân đạo ở đây có nghĩa cụ thể là Quân đạo (đạo làm vua). Vấn đề đặt ra hết sức thực tế: việc ban thưởng hay thu thuế phải phù hợp với pháp luật, không thể tùy tiện hành động. Vấn đề hành động phải tùy thời ứng cơ, linh hoạt quyền biến, không có gì cố định. Nhưng qui luật chung vẫn là khi gặp thời cơ phải ra tay thật nhanh, không được bỏ lỡ cơ hội tốt, bàn luận dông dài. Khi chưa gặp thời cơ vẫn tập trung tu tâm dưỡng khí, không nhất thiết phải hoang mang rối loạn, đặc biệt không bao giờ để lộ ra nét mặt những suy tư lo lắng trong bản thân. Quản Tử cũng viết: “Đạo không có vị trí cố định. Đạo tồn tại trong thiện tâm. Nếu tâm an tĩnh và khí được điều hoà, Đạo có thể giữ được.” (Phù Đạo vô sở, thiện tâm an xử. Tâm tĩnh khí lý, Đạo nãi khả chỉ 夫 道 無 所 善 心 安 處 心 靜 氣 理 道 乃 可 止).[12]

Đạo Nguyên 道 原 là chương cuối cùng của Hoàng Đế Tứ Kinh, cũng không phân thành tiểu đoạn. Nội dung chính là tiến hành phân tích và mô tả bản thể và công dụng của Đạo. Về mặt bản thể luận, Đạo có thể xem là “không có điểm khởi đầu” (vô thủy), cũng có thể xem là “có điểm khởi đầu” (hữu thủy), có thể xem là “vô danh” hay “hữu danh”, “ẩn vi” hay “hiển minh” đều được, vì Đạo bao hàm cả hai phương diện đối lập của thực thể. Harold D. Roth nhận xét rất đúng rằng: “Đối với các Đạo gia, Đạo là quyền năng tối hậu trong vũ trụ, một cách nghịch lý vừa siêu việt vừa nội tại. Với tư cách là một nguyên lý thống nhất vượt ra ngoài sự nắm bắt của một sự vật cụ thể nào trong vũ trụ, và đôi khi được gọi là “Cái Đơn Nhất” hay bằng các ẩn dụ như “thuần tuý” (phác 樸) hay “đơn sơ” (tố 素), Đạo hoạt động một cách mầu nhiệm trong vũ trụ để trợ giúp vào việc sinh thành vũ trụ vạn vật và là sức mạnh hướng dẫn cuộc sống của vạn hữu trong từng giây từng phút.” [13]

III. KẾT LUẬN

Tư tưởng Hoàng Lão là một hệ thống tư tưởng phong phú và quan trọng nhất trong lịch sử triết học Trung Quốc kéo dài từ thời Chiến Quốc cho đến Tần Hán. Việc phát hiện Hoàng Đế Tứ Kinh đã góp phần thúc đẩy các học giả bắt tay nghiên cứu lại các tác phẩm trước đây vẫn không được xem trọng trong lãnh vực nghiên cứu triết học Trung Quốc như: Quản Tử, Hoài Nam Tử, và những tác phẩm gần đây được phát hiện Lão Tử Đạo Đức Kinh (2 bản Ất Giáp Mã Vương Đôi và gần đây nhất là bản trúc giản Lão Tử phát hiện ở Quách Điếm), Doãn Văn Tử, Hạc Quán Tử, Thái Công, Văn Tử, v.v. Các nhà nghiên cứu Hán học phương Tây chưa bao giờ rộn ràng tất bật như vậy. Những chuyến đi Trung Quốc càng lúc càng thường xuyên hơn. Nhiều hội thảo mở ra tại các đại học Mỹ để thảo luận những tác phẩm mới phát hiện hay mới được công bố. Các giáo trình triết học Đông phương tại Việt Nam phải chăng đã đến lúc cần phải được cập nhật hóa một cách toàn diện hơn?

DƯƠNG NGỌC DŨNG

  1. CHÚ THÍCH

    Có tất cả bốn giả thuyết về thời điểm sáng tác Hoàng Đế Tứ Kinh: (giữa thời Chiến Quốc (394-310 tcn), (cuối thời Chiến Quốc (309-221 tcn), (trong khoảng giữa cuối Chiến Quốc và đầu thời Tần Hán (309-140 tcn), và (đầu thời Hán (206-135 tcn). Quan điểm được ủng hộ mạnh nhất hiện này là quan điểm thứ nhất của Đường Lan 唐蘭, Long Hối 龍 晦, Hứa Kháng Sinh 許 抗 生, Dư Minh Quang 余 明 光. Quan điểm thứ hai do Cát Vinh Tấn 葛 榮 晉, Cao Hanh 高 亨, Đổng Trị An 董 治 安, Chung Triệu Bằng 鍾 肇 鵬 đề xướng. Quan điểm thứ ba do Uchiyama Toshihiko, Kanaya Osamu bảo vệ. Quan điểm thứ tư của Cừu Tích Khuê 裘 錫 圭, Nishikawa Yasuji, Khương Quảng Huy 姜 廣 輝, Saiki Tetsuru.

  2. Trần Cổ Ứng, Hoàng Đế Tứ Kinh Kim Chú Kim Dịch 黃 帝 四 經
    今 注 今 譯 (Đài Loan: Thương Vụ Ấn Thư Quán, 1995), tr. 5. Tất cả các dẫn văn Hoàng Đế Tứ Kinh của tôi đều trích từ trong bản này.

  3. Trần Cổ Ứng, sđd., tr. 5.

  4. Về trung tâm Tắc Hạ, độc giả có thể tham khảo Tiền Mục 錢 穆, Tiên Tần chư tử hệ niên 先 秦 諸 子 繫 年, 2 tập (Bắc Kinh: Trung Hoa Thư Cục, 1956), tr. 231-235 và 540-574.

  5. Hồ Gia Thông, Quản Tử tân thám 管 子 新 探 (Bắc Kinh: Hàn Lâm Viện Khoa Học Xã Hội, 1995).

  6. Kanaya Osamu, Kanshi no kenkyu [Nghiên cứu Quản Tử] (Tokyo: Iwanami Shoten, 1987).

  7. Trần Cổ Ứng, sđd., tr. 24.

  8. R.P. Peerenboom, Law and Morality in Ancient China [Luật pháp và Đạo đức thời Trung Quốc cổ đại] (Albany: State University of New York Press, 1993), tr. 217.

  9. Trần Cổ Ứng, sđd., tr. 48

  10. Trần Cổ Ứng, sđd., tr. 48.

  11. Trần Cổ Ứng, sđd., tr. 433.

  12. Quản Tử (bản Tứ Bộ Tùng San quyển 16): 1b10-2a2

  13. Harold D. Roth, Original Tao: Inward Training (Nei-yeh) and the Foundations of Taoist Mysticism [Nguyên Đạo: Nội Nghiệp và nền tảng của triết học Đạo giáo thần tiên] (New York: Columbia University Press, 1999), tr. 44.