Hãng sách Domino vừa tung ra thị trường sách cuốn sách mới nặng ký hàng đầu trong các đầu sách được chuyển sang Việt ngữ trong năm nay. Đó là bản dịch cuốn Tractatus Logico-Philosophicus của Wittgenstein do Trần Đình Thắng dịch. Tựa đề Việt ngữ được dịch giả chọn là Luận văn Logic-Triết học, đúng như ý nghĩa nguyên tác bằng tiếng Latin mà Wittgenstein đã chọn. Sự ra đời của bản dịch nầy có thể xem như là một sự kiện học thuật, triết học, cũng như là dịch thuật, cho thị trường sách Việt Nam.
Ludwig Wittgenstein là một trong những triết gia Tây phương có ảnh hưởng hàng đầu trong thế kỷ 20. Ngoại trừ có lẽ Martin Heiddegger trong lục địa Âu châu, Wittgenstein là triết gia số một trong thế giới triết học Anh Mỹ. Giới triết học hàn lâm trong các phân khoa triết ở các đại học Anh và Mỹ thì cho rằng, sau Hegel, ngoài Wittgenstein, thì không có triết gia nào nói lên được cái gì mới. Cuốn Tractatus nầy xuất hiện trên sân bóng triết học vào những năm đầu thập kỷ 1920’s như một cầu thủ với quả bóng hoàn toàn mới lạ, giới thiệu những thế xuất bóng thần kỳ, ngoạn mục, với những cú làm bàn tấn công thủng lưới gôn triết học truyền thống Âu Mỹ xưa nay. Những năm giữa thế kỷ 20, các tập san chuyên môn về triết học ở Hoa Kỳ đã nhận được quá nhiều luận đề phân tích và phê phán cuốn Tractatus nầy đến độ các tổng biên tập phải ra thông báo không còn nhận thêm bài về đề tài cuốn sách nầy nữa. Nhiều thập kỷ sau đó, nó đã trở thành một tác phẩm kinh điển triết học cho sinh viên và giáo sư. Riêng với các triết gia trong trường phái Logical Positivism ở Áo thì Tractatus không những chỉ là một tác phẩm gối đầu giường mà là một thể loại thánh kinh cho các cuồng đồ của Wittgenstein. Triết học Tây phương từ thập kỷ 1920’s trở đi đã vẽ ra một biên cương tư tưởng mới mà trong đó giới triết học bị phân chia thành hai phía: những ai đã, và những ai chưa, đọc Tractatus.
Lịch sử tư tưởng triết học Tây phương từ 500 năm trước Công nguyên đã được khởi đi bằng câu hỏi mang thuần tính chất vật lý nguyên tắc (metaphysics), “Chất liệu nào làm nền tảng căn bản cho cấu trục thực tại của thế giới?” Tức là, “Bản chất của thực tại ‘ngoài kia’ là gì?” Khi đến thế kỷ 17 thì Descartes mới đặt lại vấn đề rằng, câu hỏi không phải là cái gì ở thể tính khách quan, hay chất liệu nào đã cấu tạo nên thực tại thế gian, mà là cấu trúc tư duy là gì và thực tại nầy có phải là một tác phẩm của trí năng? Triết học lúc đó đã chuyển từ siêu hình học (metaphysics) sang câu hỏi về tri thức (epistemology). Sau Descartes thì Kant và Hegel đã đưa vai trò của trí năng trong quan hệ đến thực tại lên tầm cao mới. Nhưng cho đến đầu thế kỷ 20, thì Wittgenstein mới đưa ra một khúc quanh mới cho con lộ triết học: đó là vai trò của ngôn ngữ trong việc cấu thành thực tại thế gian. Câu hỏi không còn là “What is out there?” của Hi Lạp, hay là của “What is in here (mind)?” của Tây Âu, mà nay là, “How does language relate to reality?” (Bản sắc liên hệ giữa ngôn ngữ và thực tại là gì?). Ngôn ngữ nay được xem là đóng vai trò quan yếu và cơ bản trong sự cấu thành bản thể (ontology) và tri thức (epistemology). Từ lý thuyết về ngôn ngữ và thực tại được trình bày trong Tractatus mà triết học Âu Mỹ từ đó đã chuyển hướng nhấn mạnh đến bản chất văn hóa, tập thế, và chức năng phiên giải của tri thức qua ngôn ngữ. Theo Wittgenstein thì, cũng như trước đó Nietzsche cũng đã, hay sau nầy thì Foucault phụ họa theo, rằng tất cả mọi chân lý, hay là những mệnh đề triết học, khoa học, tôn giáo, đều là những “khẳng định chân lý” (truth-claims). Chúng chỉ là những phiên giải (interpretations) mà thôi. Tức là, không có sự thể chân lý khách quan, tuyệt đối; tất cả đều là những tầm mức và bản sắc phiên giải từ góc độ nhân văn và quyền lực, hay bởi từ sự hiểu lầm về chức năng, khả thể của ngôn từ. Về một phương diện khác, Tractatus cũng đã làm một việc tương tự như Kant ở cuối thế kỷ 18 đã làm trước đó trong cuốn Phê phán lý tính thuần tuý: nó vạch ra một làn ranh giữa những gì có thế nói đến, tức là đụng đến được bằng ngôn từ, và cái gì phải bỏ qua trong im lặng.
Bản dịch của Trần Đình Thắng là công lao tim óc của một đời người. Dịch giả đã mang hoài bão là khi “lớn tuổi sẽ dịch một cuốn sách, tạm gọi là trả nợ những người đã bỏ công dịch sách cho mình đọc.” Không những là một công trình tâm huyết về nỗ lực, bản Việt ngữ nầy là tác thành của một công trình nghiên cứu, trình bày, ghi chú rất cẩn thận và chu đáo về mọi mặt. Đối với một tác phẩm rất khó thâu nhận và thông hiểu như Tractatus, dịch giả đã mang đến cho độc giả tiếng Việt một bản văn tương đối dễ dàng tiếp nhận, nhất là giới “ngoại đạo” về triết học, cũng như với các nhà nghiên cứu triết học không chuyên môn, xưa nay vốn nặng về triết học mang chất văn chương của lục địa Âu châu. Dịch giả cũng đã phụ chú thêm một biểu đồ tóm tắt nội dung của sách như là một bản đồ rõ ràng nhằm giúp độc giả có một bản hướng đạo tổng quan trước khi vào khu rừng bí hiểm Tractatus.
Trước đây, Tractatus cũng đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt, mang tựa đề Cương lĩnh Luận lý và Phê bình Triết học, bởi Giáo sư Nguyễn Quỳnh, tiến sĩ triết học (luận án tiến sĩ về Wittgenstein) từ Đại học Columbia, Hoa Kỳ. Văn phong của Nguyễn Quỳnh rất khác – theo tôi thì mới mẻ và khó đọc hơn – so với bản dịch nầy của Trần Đình Thắng. Bản của Nguyễn Quỳnh cũng chưa thấy được xuất bản và phát hành ở Việt Nam. So chiếu hai bản dịch, tác phẩm của Trần Đính Thắng, theo thiển ý của tôi, thì trong sáng, dễ hiểu, công phu – với cả một công trình ghi chú, trình bày mang tính hàn lâm – nhưng không vì thế mà làm giảm đi hiệu ứng kinh điển của nguyên tác.
Nếu ai nghiên cứu hay muốn có một hiểu biết cơ bản về triết học Tây phương thì không thể không đọc Wittgenstein. Hy vọng rằng bản dịch Luận văn Logic và Triết học nầy sẽ là con lộ dẫn đến, một chiếc cầu bắc ngang sông, để độc giả tiếng Việt có cơ hội tiếp cận với một tác phẩm kinh điển hàng đầu của triết học Tây phương hiện đại.
Bạn đọc muốn có tác phẩm quý nầy, xin liên lạc với các hiệu sách, hay là với Domino Books ở Sài Gòn.