Press "Enter" to skip to content

SỨ MỆNH VÀ SỬ MỆNH ĐẠI HỌC ĐẲNG CẤP

SỨ MỆNH VÀ SỬ MỆNH ĐẠI HỌC ĐẲNG CẤP

Trần Văn Đoàn

Academia Catholica (Fujen University) & Học Viện Công Giáo Việt Nam

Bản văn sau vốn là bài phát biểu trong lễ Khai giảng Niên khóa 2009-2010 của Đại Học Quốc Gia Đài Loan (National Taiwan University, viết tắt NTU) trước hơn 3000 tân sinh viên, ban giám hiệu và ban giáo sư. Bản văn tiếng Trung, từng đăng trên Tuần san Đài Đại Hiệu Tấn (台大校訊 , 10.2009). Nhận thấy tính cấp bách của đại nạn thương mại hóa đại học tại nước nhà làm méo mó bản chất đại học (với những quy hoạch “đầu dơi đuôi chuột,” thiếu chủ đạo, lẫn lộn mục đích, thiển cận,) tôi đã viết lại bằng tiếng Việt và công bố bài thuyết trình này trên Tập san Văn Hóa Nghệ An theo lời mời của Ông Tổng Biên tập Phan Văn Thắng (06.2012.) Tôi không biết có mấy độc giả theo dõi bài viết, nhưng chỉ thấy cái đại dịch thương mại hóa đại học biến hóa khó lường – rất giống đại dịch Covid-19— nên quyết định bổ túc bài viết và tái công bố trên Triết – Tập san Triết Học & Tư Tưởng, với nhiều ý kiến liên quan tới giáo dục đại học Việt Nam. Như độc giả sẽ thấy, tuy đối tượng trong bài viết là Đại học Quốc gia Đài Loan (nơi tôi phục vụ gần 30 năm,) nhưng tôi cũng nhắm tới đại học nước nhà, đặc biệt hai Đại học Quốc gia tại Hà Nội và Tph. Hồ Chí Minh, Đh Sư Phạm Hà Nội (những nơi tôi từng thỉnh giảng,) và Đh Đà Nẵng cũng như Đh Thái Nguyên (tôi từng trao đổi ý kiến với lãnh đạo của họ.)

Theo nguyên tắc công bố khoa học, tôi đã thông báo chủ quản Văn Hóa Nghệ An về việc tái công bố bài đã được chỉnh sửa này, và được hồi đáp (E-mail của ông (bà) Hà Hồ, 10.01.2022). Nơi đây xin cám ơn Văn Hóa Nghệ An cũng như ông Phan Văn Thắng.

Đào Nhiên Cư, Tết Nhâm Dần, 01.2022.

Vài Lời Dẫn Nhập

Vào đầu tháng 12.2011, dịp tham dự hội thảo về Khoa học Xã hội (do Giáo sư Trần Ngọc Thêm tổ chức tại Đại Học Khoa Học Xã Hội Nhân Văn, Tph. Hồ Chí Minh,) tôi có vinh hạnh trao đổi với nhiều nhà giáo quan tâm đến nền giáo dục đại học trong nước, trong số đó có Phó Giáo sư Phan Thanh Bình.[1] Gs Bình cho biết ông đương nỗ lực phát triển đại học quốc gia thành đại học nghiên cứu, và xin tôi góp ý. Quan tâm của Gs Bình cũng là mối quan tâm chung của giới điều hành đại học như Giáo sư Mai Trọng Nhuận[2] và Giáo sư Bùi Văn Ga.[3] Là người có được chút ít kinh nghiệm trong quá trình biến đổi NTU thành một đại học trong sổ 100 đại học hàng đầu thế giới, tôi xin chia sẻ một số ý tưởng về sứ mệnh của đại học, về yếu tố quyết định làm đại học trở thành đẳng cấp.

Đó chính là tham vọng muốn làm lên lịch sử mà tôi chia sẻ với toàn bộ tân sinh viên NTU (cũng như ban Giám hiệu và ban Giảng viên) trong bài phát biểu đầu niên học 2009-2010. Tôi lập luận rằng, đại học đẳng cấp phải là đại học lãnh đạo. Lãnh đạo là hướng dẫn, tìm đường, soi đường, chỉ lối, làm đường, chứ không phải đơn thuần là quản lý. Lãnh đạo khoa học, tôn giáo, nhân văn, kinh tế, xã hội, y dược, nghệ thuật, thể thao, thương mại, nông nghiệp, ngư nghiệp… đòi hỏi phải có bản lãnh đi trước khám phá tìm nguyên lý, tìm đường, tìm nơi ở, tìm nguồn thực phẩm, nước uống, tìm đảm bảo cho cuộc sống, tìm phương thế làm cuộc sống tươi đẹp. Sau đó mới tới nhiệm vụ quản lý (bảo vệ, gìn giữ, sản xuất…). Nói gọn, làm lãnh đạo theo đúng nghĩa là làm lên lịch sử: lịch sử nhân loại được ghi nhớ bởi những nhà khám phá ra nguyên lý, phát minh ra công cụ, cải cách, kiện toàn thể chế và sáng tạo.[4]

1. Tại sao Đại Học Quốc Gia Đài Loan? Đặt Lại Vấn Đề về Sứ Mệnh

Tôi được Giáo sư Hiệu trưởng Lý Tự Lĩnh (李嗣涔) mời phát biểu cho toàn thể tân sinh viên, ban giám hiệu và ban giáo sư trong buổi lễ khai giảng niên khóa 2009-2010, một danh dự thường dành cho Tổng thống, Thủ tướng, các khôi nguyên giải Nobel, và các nhà lãnh đạo kinh tế, tài chính. Là nhà giáo triết học thứ hai sau Giáo sư Phó Tư Niên[5] đảm nhiệm trọng trách này, tôi muốn đem đến cho sinh viên một ý thức về sử mệnh của họ trong quá trình đào tạo tại NTU.

Ai cũng biết là chỉ những thí sinh nằm trong “tốp” 2% trong số hàng trăm ngàn ứng viên mỗi năm mới đủ tư cách được nhận vào NTU. Lí do đơn giản, NTU là đại học tốt nhất của Đài Loan, và từng là số 1 trong những nơi nói tiếng Hoa như Trung Quốc, Tân Gia Ba, Hồng Kông, Ma Cao. Nhưng ít ai nghĩ về lí do tại sao NTU được trọng vọng như thế. Tôi nghĩ, NTU tốt nhất không phải vì đào tạo ra 100% tổng thống dân cử và khôi nguyên giải Nobel của Đài Loan, mà vì là biểu tượng của tự do, học thuật, và nhất là cái nôi đào tạo nhân tài làm lên lịch sử. Sự “tồn tại” của NTU, sự hy sinh ‘nằm gai nếm mật’ để vào đại học này, sự miệt mài nghiên cứu, giảng dậy, cống hiến đời mình cho đại học của ban giáo sư sẽ mất ý nghĩa nếu NTU không coi cái sứ mệnh là chính sử mệnh của mình.

2. Sứ Mệnh không phải là Khẩu hiệu, Sáo ngữ Tuyên truyền

Câu hỏi đặt ra, đó là tại sao lại phải bàn về sứ mệnh NTU? Không phải đó chính là cái sứ mệnh “Đôn Phẩm, Lệ Học, Ái Quốc, Ái Nhân” (敦品勵學愛國愛人)[6] thấy trên huy hiệu của Trường, mà Nhà nước Trung Hoa Dân Quốc đã nhồi nhét vào đầu sinh viên ngay vừa khi họ tiếp thu Đại Học Đế Quốc Đài Bắc (臺北帝國大學 /Taihoku Teikoku Daikagu) từ nước Nhật đó sao? Hay cụ thể, hữu hiệu hơn, đó không phải là cái mục tiêu lọt vào trong nhóm 100 trường nổi tiếng nhất thế giới mà ban giám hiệu đã đặt ra dịp sinh nhật 80 của Trường (vào tháng 11 năm 2007,) và nhờ đó mà đã vòi vĩnh Quốc hội Trung Hoa Dân Quốc được hàng trăm triệu Mỹ kim mỗi năm hay sao?

Ý kiến của tôi xem ra đi ngược với lối nhìn của nhiều nhà (chứ không phải tất cả mọi giới) lãnh đạo giáo dục, và dĩ nhiên, đối nghịch với chính sách giáo dục của nhà nước Trung Hoa Dân Quốc. Tôi không nghĩ mục đích của chúng ta chỉ nhắm vào việc “lọt vào” số 100 trường giỏi nhất thế giới là đủ (mặc dù chúng ta bắt buộc phải thuộc hàng đầu thế giới.) Và tôi càng nghĩ là tám chữ vàng son “Đôn Phẩm, Lệ Học, Ái Quốc, Ái Nhân,” tuy rất hào nhoáng, chỉ để tham khảo mà thôi. Giống như khẩu hiệu “ngũ dục kiêm bị,”[7] khẩu hiệu của chúng ta chỉ là sáo ngữ, sảo ngôn với nội dung trống rỗng, không thể hiện thực. Nó mang tính chất tuyên truyền chứ không phải giáo dục.[8]

Lý do thật đơn giản. Khi nhà nước Quốc Dân Đảng (và trước đó, mọi triều đại) ép buộc chúng ta phải nhồi nhét “tám chữ vàng” vào trong đầu, họ muốn đào tạo sinh viên thành một đàn bò, đàn dê, đàn cừu… hơn là tạo ra con người nhân cách, tự do và tự chủ. Đó chính là mục tiêu giáo dục của bất cứ một chế độ chuyên chế nào. Trường học nào cũng có những khẩu hiệu hoành tráng như thế. Vậy thì, thử hỏi, có trường đại học nào trong một chế độ chuyên chế khác với đại học chúng ta? “Đôn phẩm,” rồi “lệ học,” rồi đao to búa lớn hơn, “ái quốc,” “ái nhân,” đã được nhồi nhét vào đầu óc các em học sinh ngay từ nhỏ, và cả hàng trăm, hàng ngàn năm nay. Chúng ta đâu còn xa lạ gì với những khẩu hiệu “trung quân, ái quốc” trong sách vở, trong những lời tuyên huấn mà giới trẻ nhàm chán. Đó là những thực phẩm “bổ béo” nhưng không thể tiêu hóa, những đồ uống sang trọng nhưng “càng uống càng khát.” Đó là những “bộ áo” của những ông vua tự sướng với ảo giác “oai phong, lẫm liẹt.” Bộ áo đã chẳng che đậy được cái thân thể xấu xí, mà ngược lại càng lột trần cái sự ngu dốt của ông ta.

Thực vậy, từ thời đức Khổng Tử tới nay, chúng ta đã có đưọc mấy ai “yêu người” thực sự, “yêu nước” theo đúng nghĩa? Yêu nước đã biến thái thành “yêu vua,” “yêu chúa,” “yêu đảng,” “yêu lãnh tụ,” chứ có phải là yêu nước là yêu dân như thầy Mạnh Tử dậy đâu! Mù quáng yêu “nước,” đánh đồng “đất nước” với lãnh tụ, đảng phái… là bất trí. Miệng lưỡi xoen xoét nói “yêu dân” nhưng lại coi người dân như cỏ rác, đó là bất nhân. Mài dũa cái học để vinh thân phì gia, thăng quan tiến chức, thâu tóm quyền hành, đó là bất nghĩa, không thể làm NTU chúng ta cao thượng.

Rồi cái mục tiêu nằm trong 100 đại học hàng đầu của thế giới thì lại càng “nhảm nhí” hơn nữa. Lấy tiêu chuẩn nào để xếp hạng? Câu hỏi này vẫn còn chưa có một câu trả lời nào được đồng thuận. Đã nhiều năm, mỗi năm tôi đều bị Times Higher Education Supplement (THES), Quacquarelli Symonds (QS) cũng như vài ba tổ chức “xếp bảng đại học” khác “mời” điền vào một số bản mẫu đánh giá xếp hạng các đại học thế giới và Á châu… Chẳng có mấy tiêu chuẩn nào là khoa học, mà toàn thấy những câu hỏi đầy cảm tính, nhảm nhí đại khái như “10 đại học tốt nhất thế giới theo ông,“ “Chọn 10 đại học tốt nhất Á châu”… Tôi đã từ chối tham gia cuộc chơi hám danh độc hại từ nhiều năm trước, nhưng mỗi năm những tổ chức con buôn này không chịu buông tha, vẫn “cố đấm ăn xôi” bằng những lá thư rác với câu cám ơn vô cảm “ghi nhận đóng góp ý kiến của ông.”[9]

Vâng, nếu theo THES, và theo QS, thì hiện nay NTU đã nằm trong cái danh sách 100 đại học hàng đầu của thế giới học thuật đó rồi.[10] Nhưng NTU có được nhìn với ánh mắt mà thiên hạ dành cho Harvard, Cambridge, Oxford, Princeton, MIT, Stanford, Yale, Caltech… chưa?[11] Viện Công Nghệ của NTU xếp hạng 29 trên thế giới, với rất nhiều giảng viên lấy bằng tiến sỹ từ MIT, Caltech, Stanford nhưng chỉ có rất ít cựu sinh viên NTU được mời giảng dậy tại những đại học trên. Khoa Triết học NTU cũng rất hoành tráng, đứng thứ 43 trên thế giới,[12] nhưng thử hỏi đã có nhà tư tưởng nào của chúng ta ảnh hưởng tới thế giới? Khoa Triết học Đh Goethe ở Frankfurt, xếp đồng hạng với NTU, nhưng họ có cả hàng chục triết gia như Juergen Habermas, Theodor Adorno, Max Horkheimer, Theodor Adorno, Karl Otto Apel… những người thực sự ảnh hưởng sâu rộng tới cả thế giới từ bao năm nay.

Mang danh nằm trong “tốp 100,” là “partner” của Đh Stanford và Đh Chicago, nhưng sự thực (đáng xấu hổ,) đó là NTU đương bám đuôi lẽo đẽo chạy theo họ và những ông lớn Harvard, Oxford, Cambridge, Princeton, Yale… nhưng lại kiêu căng tự mãn với cái hư danh “Harvard Đài Loan,” “Harvard Trung Quốc.”[13]

3. Sứ Mệnh và Sử Mệnh

Tôi thiển nghĩ, mục đích hay sứ mệnh (mission) của chúng ta phải cùng một lúc là sử mệnh (historical destiny). NTU phải (tham dự vào việc) tạo ra lịch sử, định đoạt số mệnh Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan,) ảnh hưởng sâu rộng tới Trung quốc Đại lục, và cố gắng đóng góp vào việc thay đổi số mệnh của nhân loại. Một tham vọng xem ra có vẻ hoang tưởng! Nhưng đừng quên là thế giới không thể tiến bộ nếu không có những ý tưởng ‘hoang đường’ (utopia.)[14] Để vừa là sử mệnh, vừa là sứ mệnh, NTU bắt buộc phải là một đại học lãnh đạo theo đúng nghĩa của nó. Lãnh đạo là đi tìm đường; lãnh đạo là dẫn đường; lãnh đạo là chỉ đường; lãnh đạo là xây đường; lãnh đạo là tìm ra vấn nạn và giải quyết vấn nạn; lãnh đạo là tạo ra giá trị mới… Nói một cách đơn giản: lãnh đạo là người đi trước tìm đường, chỉ đường, dẫn lối, xây đường.[15] Đi trước trong mọi lãnh vực trên thế giới là đại học đẳng cấp thế giới. Đi trước trong phạm vi nhỏ hẹp, hay trong một không gian, thời gian nhất định, là đại học đẳng cấp quốc gia, hay vùng, hay của một ngành nào đó. Tham vọng của chúng ta không chỉ đào tạo lãnh đạo cho Đài Loan mà còn cho toàn thế giới và cho mọi ngành. Uớc vọng của NTU phải là đẳng cấp thế giới theo đúng nghĩa là lãnh đạo. Đó là con đường NTU phải chọn và phải đi.[16]

4. Đi Vào Thế Giới chứ không phải Đi Theo Thế Giới.

Đi theo con đường của mình không có nghĩa là sống trong một thế giới nhỏ hẹp và đóng kín, điều mà Trung Quốc, Việt Nam… đã làm với chính sách “bế quan tỏa cảng.” Họ đã không muốn biết thế giới bên ngoài. Ngay cả khi có một ai từ trong thoát ra ngoài, quay trở lại, để nói cho họ biết sự thật về thế giới, thì họ đã chẳng nghe, thậm chí còn tố khổ những người này. Bi kịch mà Plato cảnh báo[17] xem ra không phải là sản phẩm của óc tưởng tượng phong phú. Nó từng rất thật tại Trung Quốc và cả Việt Nam (với bi kịch Nguyễn Trường Tộ.) Nó đã thành một phần của cái thảm kịch giáo dục mà chúng ta đương phải đối diện.

Hãy vượt qua quan niệm giáo dục là phục vụ, phục tòng và phụ giúp. Bởi lẽ, phục vụ đòi buộc phải “học theo, nghe theo, đi theo, làm theo, sống theo.” Phục tòng đòi buộc thái độ “không nhìn, không nghe, không nói” (của ba chú khỉ Mizaru, Kikazaru và Iwazaru ở đền thờ Tosho-gu, mà các bạn thấy bán khắp nơi.)[18] Phụ giúp nói lên tính chất phụ thuộc, không quan trọng, đó là tính chất công cụ của người giúp việc như Ô-sin, hay nô lệ. Người ta đã đổ đốn hạ cấp giá trị trí thức thành cái giá trị công cụ, chẳng khác chi cái gía trị của người giúp việc (under-labourer, theo John Locke.)[19] Một quan niệm sai lầm nguy hiểm bắt đầu với Francis Bacon, rồi Locke, và đạt đến cao điểm của sự khốn cùng trí thức với Mao Trạch Đông. Theo lối nhìn công cụ, họ Mao khinh miệt giới trí thức vô dụng, nhưng lại coi trọng bạo lực. Họ Mao không chỉ là một cá biệt ngoại lệ. Ngay cả vào thời chúng ta, vẫn còn nhiều nhà “lãnh đạo” coi trí thức chỉ là công cụ rẻ tiền. Triều đại nhà Kim ở Bắc Triểu Tiên là một thí dụ. Các nhà lãnh đạo Phi Châu là một thí dụ khác.

Khác với Trung Quốc, nước Nhật Bản ngay từ thời Minh Trị (1868-1912) đã nhận ra sự thật sau phát súng thần công của đô đốc Matthew C. Perry ở vịnh Edo (vịnh Tokyo) vào năm 1852. Thay vì “bế quan tỏa cảng,” Nhật khiêm cung chấp nhận sự trội vượt của thế giới Tây phương. Họ gửi người đi học tập, và nghiêm túc tiếp thu Tây học.[20] Nhưng cũng không quá khích, họ không “phá đổ” truyền thống thần đạo, vẫn trọng Nho học, vẫn quý Phật học, và biết cách dung hòa tạo ra cái chất Nhật, cái tinh thần Nhật.[21] Và điều này làm lên sự khác biệt giữa họ với Trung Quốc: một nước trì trệ, một nước tiến bộ.

Nhìn từ Trung Quốc sang Nhật, ta thấy cách biệt không phải ở thái độ nghiêm túc học hỏi, mà còn thấy nơi triết lý giáo dục. Nếu giáo dục Trung Quốc đặt trọng tâm vào công năng phục vụ thì Nhật chú trọng vào cải tiến và sáng tạo. Vì giáo dục chỉ để phục vụ, nên mạo hiểm, thám hiểm chỉ cần trong lúc chiến tranh; phát minh chỉ để bảo vệ chế độ. Phát minh ra các loại vũ khí tân tiến, bom các loại, ngay cả loại bom hạt nhân hủy diệt… nhắm bảo vệ một chế độ, một nhóm người, hay một lãnh tụ nào đó, hay kinh hoàng hơn, để hủy diệt nhân loại. Bắc Triều Tiên đã “sáng chế” được bom nguyên tử nhưng với cái gía cực đắt: hy sinh bao triệu đồng loại không đủ cơm ăn, thiếu tiện nghi căn bản. Chúng ta cố tình quên đi là, phát minh, mạo hiểm, cải cách, khám phá… chỉ có được nhờ vào tự do, tự lập và tự chủ tìm kiếm chân, thiện, mỹ chứ không vì mục đích phục vụ lợi ích thiển cận như tranh chấp, bảo vệ, củng cố quyền lực.

Đúng thế! Lịch sử đã chứng minh hậu quả tai hại của những phát minh và sáng chế bị ép buộc hay bị mua chuộc. Đã có một thời nước Nga từng sản sinh ra nhiều bác học, vĩ nhân, những nhà lãnh đạo trong nhiều lãnh vực. Nhưng dưới thời Lenin, rồi Stalin, trí thức đã bị đánh đồng với người phục vụ chế độ. Những ai muốn sống thật với bản chất trí thức của mình đã bị vùi dập. Đh Lomonosov, một biểu tượng cho sáng tạo và vĩ đại, đã bị ma thuật quyền bính biến thành đồ trang sức cho nhà nước Sô Viết của Stalin. Đại học biến thành công xưởng đào tạo, sản xuất hàng loạt chuyên gia phục vụ đảng lãnh đạo và nhà nước.[22] Tương tự, tại Trung Quốc Đại lục thời Mao, giới trí thức có lẽ còn kém may mắn hơn nữa. Theo hay chống Mao, họ đều bị cái ông “Tần Thủy Hoàng đỏ”[23] này coi không hơn chất phế thải. Đh Bắc Kinh không còn là bộ óc của Trung Quốc. Nó bị đối xử tồi tệ còn hơn cả Đh Thanh Hoa (một đại học được thành lập nhờ tiền đền bồi của 8 nước từng xâm lăng Trung Quốc.) Các giáo sư, chuyên gia hàng đầu của đất nước bị bắt đi chăn bò, nuôi heo, canh tác, vân vân, thậm chí bị công khai đấu tố, đến độ phẫn uất phải tự vẫn. Sách vở nghiên cứu bị tịch thu đem đi đốt.[24] Các nhà nghệ sĩ thành danh bị lôi cổ đi cuốc đất, kéo cày. “Đại Cách Mạng Văn Hóa” (1967-1977) không chỉ phá sản văn hóa đạo đức, mà còn tái hiện thực cơn ác mộng Tần Thủy Hoàng một cách vô văn hóa nhất trong lịch sử nhân loại. Mãi đến gần đây, người Trung quốc mới nhận ra được cái thảm kịch này, khi mà thấy mình tụt hậu sau thế giới “tư bản giãy chết” cả mấy chục năm.[25]

Ngay ở Đài Loan, dưới thời Tưởng Giới Thạch, cho dù được đối đãi khá hơn đồng nghiệp bên Đại lục, giới trí thức vẫn bị coi là giới phục vụ. Thầy cô giáo đều được xếp chung với công chức, quân đội, cảnh sát, tức là những người phục vụ. Chúng ta bây giờ phần nào hiểu được sự trì trệ của Đài Loan vài chục năm trước. Khi nào mà giáo dục còn là công cụ cho nhà nước, hay cho đảng phái, hay cả tổ chức tôn giáo, thì lúc đó khó có thể có sáng tạo, phát minh, cải cách. Thì lúc đó thám hiểm chỉ là những cuộc mạo hiểm kiểu “say rượu đua xe;” thì lúc đó lãnh đạo đồng nghĩa với quyền lực, và quyền lực với sức mạnh. Sáng tạo, cải cách trở thành nguồn gốc tạo ra nguy hại cho giới cầm quyền.

Lịch sử chứng thực, phục vụ không thể tạo ra cái mới, không thể thay đổi thế giới. Vậy thì, đã đến lúc chúng ta bắt buộc phải thay đổi lối nhìn về sứ mệnh đại học của chúng ta. Hãy coi sứ mệnh như là sử mệnh. Thay vì coi phục vụ như sứ mệnh, thì chúng ta phải tự tạo ra định mệnh của mình. Hãy lấy sáng tạo, cải cách làm sử mệnh.

5. Sử Mệnh

Đh Harvard lấy việc truy tầm và bảo vệ chân lý (Veritas) làm sứ mệnh, và họ đã làm lên lịch sử. Người tài tìm đến với họ, và họ lại tạo ra nhân tài, những nhà lãnh đạo trong mọi ngành. Đh Berlin lấy việc tìm kiếm và bảo vệ tri thức; và dùng tri thức để xây dựng đất nước làm sứ mệnh. Berlin cũng đã làm lên lịch sử. Tương tự, sứ mệnh của những Sorbonne, Oxford, Cambridge, Princeton, Yale, Stanford hay MIT. Họ cũng đã đóng góp vào lịch sử nhân loại không ít. Chỉ cần lướt qua danh tính của họ trong mạng lưới Wikipedia bình dân, thì chúng ta cũng có thể nhận ra được ảnh hưởng của họ trên nhân loại như thế nào.[26] Những đại học này đồng nhất sứ mệnh với sử mệnh. Tạo ra lịch sử, đó chính là sứ mệnh.

Vậy thì, câu hỏi đặt ra, tại sao chúng ta cũng có sứ mệnh, nhưng không thể tạo được lịch sử? Có phải là sứ mệnh của chúng ta bị hạn chế vào vai trò công cụ? Có phải sứ mệnh của chúng ta bị chủ nghĩa “làng xóm” (provincialism / đồng hương) hay “bộ lạc” (tribalism) ràng buộc? “Làng xóm” nên được hiểu theo nghĩa rộng của chủng tộc, tôn giáo, giai cấp, triều đại, đảng phái, gia tộc, chế độ, cơ chế.[27] Vâng, đại học của chúng ta đã từng “vang bóng một thời” làm nô lệ cho các chủ thuyết trên. Và vì danh vì lợi thiển cận nhất thời, chúng ta quên khuấy đi sử mệnh của mình. Chúng ta đã không làm lên lịch sử, mà ngược lại, làm lịch sử trì trệ, méo mó, độc điệu, đen đủi… Biết bao cựu sinh viên NTU đã là công cụ phục vụ đắc lực cho độc tài, thực dân, độc ác?

Để tìm lại sứ mệnh, chúng ta phải tìm ra sử mệnh của mình. Cái sứ mệnh lịch sử của đại học phải là xây dựng tri thức mới, phải là khám phá những gì mới lạ, phải là đi tìm một tương lai tốt đẹp hơn cho con người, phải là cải tổ Đài Loan, Trung Quốc và, tham vọng hơn, đóng góp làm thế giới tốt đẹp hơn. Để được như vậy, chúng ta cần đào tạo lên những người dám mạo hiểm, biết khám phá, có năng lực phát minh, lấy sáng tạo làm lẽ sống, và nhất là có tinh thần cải cách. Tôi xin được giải thích ngắn gọn như sau:

5.1. Mạo Hiểm và Thám Hiểm

Không biết các đại học của chúng ta đã đào tạo ra được ai dám mạo hiểm vào những nơi chưa ai biết đến chưa? Làm sao mà chúng ta có kiến thức mới nếu không có những nhà mạo hiểm như Columbo, người khám phá ra Tân Thế Giới? Làm sao có được thuyết tiến hóa, nếu không có những người như Darwin, mạo hiểm mò mẫm những nơi khỉ ho cò gáy, nơi những sắc dân xa lạ đầy nguy hiểm rình rập? Oxford từng đào tạo ra những người đầu tiên chinh phục đỉnh núi Everest, những nhà khảo cổ đi tới tận cùng các ngõ ngách địa cầu. Và Harvard ngày nay cũng thế.

Chúng ta khó có thể có một nền khoa học văn minh như ngày nay nếu thiếu những nhà thám hiểm này. Từ lên cung trăng cho xuống tới tận đáy đại dương, từ bay cao cho đến lặn sâu, họ đã thắng vuợt sự hãi sợ… và đó chính là tâm điểm của một nền giáo dục mà Aristotle đã từng ca ngợi.

5.2. Khám Phá

Gắn liền với mạo hiểm là khám phá. Các bạn chỉ cần mở đài truyền hình Discovery bạn sẽ thấy một cách hiển nhiên, đó là tính mạo hiểm và khám phá có liên hệ mật thiết với nhau. Mạo hiểm mà không có mục đích, mà thiếu phương pháp, mà không biết ghi chú, phân tích, tổng hợp chỉ là những cuộc mạo hiểm thông thường thỏa mãn nhất thời. Khám phá mới đích thực là một mạo hiểm khoa học. Mạo hiểm phải là thám hiểm.

Khám phá có thể nhờ vào mạo hiểm, có được một cách bất ngờ. Khám phá khoa học, nói chung, là kết qủa của một qúa trình tìm tòi không biết mệt. Những nhà triết học là những nhà suy tư, tìm tòi, khám phá và phê phán không ngưng nghỉ. Những nhà khoa học lớn là những người tìm tòi, suy tư và tổng hợp không biết chán. Newton đã khám phá ra hấp lực của trái đất, để rồi phát minh ra luật hấp lực do động lực tương quan với tốc độ sau cả bao nhiêu thời gian quan sát, suy tư, thử nghiệm. Khám phá đòi mạo hiểm, và chấp nhận gian nan thử thách. Chẳng có mấy ai có thể khám phá ra điều gì đáng giá nếu cả ngày làm bạn với TV, suốt đêm với dàn Karaoke, và “nghiên cứu” trong những quán cà phê thâu đêm suốt sáng. Dĩ nhiên khám phá càng không thể có nếu chúng ta chỉ mò mẫm trên mạng để sao chép, hay chạy chọt quan hệ. Đi tắt đón đường, đội trên đạp dưới, chạy chức chạy quyền, những thói xấu có thể giúp làm quan, hay giúp “nổi tiếng” nhất thời, nhưng chẳng có lợi gì cho tiến bộ hay tri thức. Đại học chúng ta đã từng có rất nhiều giáo sư “nổi danh” vì giỏi nghệ thuật quan hệ hơn chuyên ngành. Họ chạy chọt được những ghế bộ trưởng, thậm chí làm tới thủ tướng. Chúng ta cũng có rất nhiều “người nổi tiếng” với những “shows” trên TV, báo chí.[28] Không biết đáng vui hay đáng buồn! Tôi nghĩ, đúng phải là đáng xấu hổ. Nhân tài được mời ra giúp nước, đúng. Nhưng dựa vào quan hệ chạy chọt luồn cúi làm quan thì đúng là ô nhục làm ố danh trường mình.[29]

5.3. Phát Minh

Phát minh là tạo ra, hay sửa đổi, hay hoàn mỹ công cụ giúp cuộc sống tiện lợi, dễ chịu hơn. Một Thomas Edison với cả ngàn sáng chế đã khiến cho cuộc sống con người tiện lợi hơn rất nhiều. Phát minh không nhất thiết đồng nghĩa với sáng tạo. Nhưng phát minh đòi hỏi một thái độ biết phê phán và tinh thần khoa học. Biết nhìn ra cái sai, biết tìm ra những điều gì chưa hoàn hảo trong bất cứ công cụ nào, hay cách tổ chức nào, hay lối suy tư nào… và tìm cách thay đổi, khắc phục với một kỹ thuật mới, một chất liệu khác, một phương pháp khác… đó chính là phát minh. Một phát minh đáng giá bắt buộc phải được thí nghiệm hay thử nghiệm. Sự cải tiến phương pháp trị liệu ung thư và bệnh nan y AIDS của Hà Đại Nhất (何大一/David Ho, từng cộng tác với NTU) là một ví dụ. Hay sự phát minh sông đào là một sáng kiến, phát minh vĩ đại trong việc trị thủy của Vũ vương.

5.4. Sáng Tạo

Nhìn vào bề dày của một đất nước, chúng ta nghĩ ngay đến những bộ mặt làm lên lịch sử. Chúng ta có thể quên vua chúa, nhưng không thể quên họ. Họ là những nhà thám hiểm, những nhà khám phá, những nhà phát minh, những nhà cải cách, và đặc biệt là những nhà sáng tạo. Gia tài của nước Đức là Martin Luther, là J.S. Bach, là Immanuel Kant, là Wolfgang Goethe, là Friedrich Hegel, là Ludwig van Beethoven, là Albert Einstein,… những người sáng tạo và cải cách. Lịch sử của Mỹ không chỉ được hình thành với những người như George Washington, Thomas Jefferson, mà còn với Abraham Lincoln, Martin Luther King, hàng trăm nhà bác học vĩ đại, những nhà phát minh như Thomas Edison, những triểt gia như John Dewey và những nhà sáng tạo tiên phong trong mọi ngành. Một Bill Gates, một Steve Job, một Elon Musk, những cái tên đình đám ở thời đại chúng ta mà ai cũng biết, nói lên vai trò quan trọng của sáng tạo: sáng tạo khoa học, sáng tạo nghệ thuật, sáng tạo tư duy, sáng tạo kỹ thuật, sáng tạo ngôn ngữ, vân vân.

Sáng tạo là đi trước, là dẫn đầu, là khám phá, là độc đáo, là mạo hiểm. Sáng tạo làm tiền đề cho cải cách, cho cách mạng, và tạo ra hy vọng. Nói chung, một đất nước thiếu sáng tạo là những đất nước chạy theo, ăn theo, nói leo. Một đại học thiếu sáng tạo là một trường nghề nối dài, một trung tâm huấn luyện những con người không cần suy tư, chỉ cần nghe mệnh lệnh và làm việc như những người máy. Một đại học thiếu sáng tạo cũng chính là một đại học thiếu cá tính, thiếu học thuật và nhất là thiếu “nhân cách,” tức đặc tính tạo ra chính mình.

5.5. Cải Cách

Nhưng điều kiện quan trọng và tất yếu để có được tiến bộ đó chính là cải cách. Nhà cải cách là những người thừa kế sáng tạo, và phát minh, cũng như là một người mạo hiểm cao độ. Với bộ óc sáng tạo, với cách làm việc của nhà phát minh, họ nhận ra những khuyết điểm của khoa học hiện nay, của xã hội hiện đại, của cơ cấu, pháp luật hiện hành, của nền kinh tế sai hướng, của một hệ thống chính trị sa lầy. Quan trọng hơn, họ thấy được cái sai của chính quan niệm về vai trò cũng như năng lực của con người. Họ nhận ra được cái sai là do họ biết dựa vào những khám phá mới, vào những tư tưởng tiên tiến, hay từ chính bài học lịch sử. Điều quan trọng là họ nhìn ra những góc tối mà chúng ta không nhìn thấy, hay không muốn nhìn thấy. Họ là những nhà phê phán gay gắt nhất. Nói theo Karl Marx, phê phán phải là điều kiện cho cải cách (A Contribution to the Critique of Hegel’s Philosophy of Right, 1844.) Điều quan trọng hơn nữa, nhà cải cách biết đưa ra những phương thế mới, và họ mạo hiểm dẫn đường, mặc kệ những khó khăn nguy hiểm, để hoàn tất sứ mệnh này. Những nhà sáng lập các tôn giáo lớn là những nhà cải cách vĩ đại. Một Đức Giê-su, một Đức Phật, một Đức Khổng… đã tạo lên những lịch sử ngàn năm, thậm chí vạn năm. Lịch sử nhân loại gắn liền với tên các ngài. Dĩ nhiên những đại thánh nhân trên không cần đại học, nhưng một Martin Luther, một Karl Marx, một Martin Luther King, hay ngay cả Abraham Lincoln đều là những người từng dùi mài kinh sử… Họ chính là những người khiến nơi họ học biến thành đẳng cấp.

6. Kết Luận: Hãy là Đại học Lãnh đạo

Đã từng có một thời chúng ta “tự hào” cho mình là “Harvard Trung Quốc,” hay “Harvard Đài Loan.” Đây là một “tự hào đáng xấu hổ” phát xuất từ cái căn bệnh hoạn tự ti sau cú đòn định mệnh Tây phương giáng lên đầu người Tầu vào cuối thế kỷ 19. Tây phương ép buộc Đông phương phải chấp nhận sự thua kém qúa xa của mình. “Bát quốc liên minh” khiến cái cao ngạo tự phong mình là “cái rốn của vũ trụ” (Trung quốc) nổ be bét ra như trái bong bóng bị kim châm. Hơn 90 năm trước, khẩu hiệu một thời “Vào, vào Bắc Đại, đi, đi Cơ Đại” từng cắm ngập vào lòng giới hàn lâm Tầu. Ngày nay bản chất vẫn chưa thay đổi. Các bạn chỉ cần thay đổi cái khẩu hiệu này bằng khẩu hiệu “Vào, vào Đài Đại, đi, đi Ha Đại,”[30] là biết được cái căn bệnh “tự kiêu tự ti” bất trị này. Dẫu là một “Harvard Đài Loan” thì chúng ta vẫn chỉ là đàn em, hay “cậu bé” chưa trưởng thành, suốt đời cứ phải chạy theo học hỏi ông thầy Harvard mà thôi. Cứ tưởng tượng mình là chú bé nhặt bóng quần vợt, hay người vác gậy cho những ông chủ chơi golf! Hãnh diện hay xấu hổ?!

Đã đến thời đoạn mà ta phải tự đứng lên bằng chính đôi chân của mình. Nếu chúng ta đã từng biết cách leo lên vai những người khổng lồ để nhìn xa hơn, biết rộng hơn chính họ (quan niệm của Max Weber,) thì bây giờ đã đến lúc chúng ta phải biết tự “tạo” biến mình thành người khổng lồ.[31] Cho dù ai đứng trên vai, trên đầu, hay “cưỡi trên lưng, trên cổ” chúng ta, thì họ vẫn phải dựa vào chúng ta. Lọt vào trong sổ 100 đại học không dễ gì, nhưng để trở thành một đại học lãnh đạo theo đúng nghĩa dẫn đầu, để người khác dựa vào, và đi theo, hay leo lên vai, thì mới thực sự khó. Leo lên vai người khổng lồ không dễ, nhưng làm người khổng lồ mới đúng là một thách đố cho NTU chúng ta.

Hãy là người dò đường, tìm đường, dẫn đường, xây đường, và cải tiến đường đi. Con đường duy nhất để trở thành lãnh đạo chính là nỗ lực không ngừng khám phá, phát minh, sáng tạo ra cái mới cũng như cải cách. Nó đòi hỏi tinh thần mạo hiểm, óc sáng tạo, và lòng can đảm nhìn nhận sai sót và quyết tâm cải cách.

Để xứng đáng là lãnh đạo, NTU không được tự mãn với hạng nhất ở Đài Loan hay nằm trong tốp 100 trên thế giới. Sản sinh ra lớp lãnh đạo Đài là một thành tích đáng khen, nhưng đào tạo được những nhà mạo hiểm, những nhà khám phá, những nhà phát minh, những nhà sáng tạo và nhất là những nhà cải cách mới thực sự làm NTU vĩ đại. Oxford đã đào tạo rất nhiều lãnh tụ thế giới, nhưng họ được ca tụng vì đào tạo ra những triết gia Duns Scotus, W. Ockham, Thomas Hobbes, John Locke, Jeremy Bentham và ngày nay với John Rawls. Trước cả Oxford, Sorbonne cũng đã có một thời danh vang bốn bể, là cái nôi của đầu óc nhân loại với thần học gia Thomas Aquinas, Bonaventura, với triết gia Voltaire, Diderot, Henri Bergson, Jean-Paul Sartre, với những khoa học gia như Ampère, Piere Curie, Marie Curie, J. Monod, với những nhà cải cách thay đổi con người như Ignatius Loyola… Đh Berlin (sau đổi tên thành Humboldt) ngay từ thời Humboldt đã tạo được những con người như K. Marx, F. Engels (cha đẻ chủ thuyết xã hội vô sản), S. Kierkegaard (cha đẻ chủ nghĩa hiện sinh), M. Bakunin (cha đẻ chủ thuyết vô chính phủ), và đã biết trọng dụng những bộ óc vượt thời gian như G.F. Hegel, J. Fichte, F.W.J. Schelling. Đh này từng có một thời là “đầu óc thế giới” với những A. Einstein, W. Heisenberg, Max Planck, E. Schroedinger, H. Heine, O.v. Bismarck, v.v. Tương tự, Cambridge từng là cái nôi cho những nhà lãnh đạo khoa học như I. Newton, F. Bacon, Ch. Darwin, A. N. Whitehead, P. Dirac… và từng có 122 khôi nguyên giải Nobel cộng tác. Những đại học này chính là những đại học đẳng cấp theo đúng nghĩa là đi trước, biết trước, làm trước, và luôn luôn tự cải cách. Họ chính là những người khổng lồ mà mọi người khác phải dựa vào, hay trèo lên vai họ mới có thể biết rộng hơn, nhìn xa hơn và làm hiệu qủa hơn.

Trần Văn Đoàn

Khoa Triết Học, NTU (09.2009)

Bản Việt ngữ: Tập san Văn Hóa Nghệ An (06.2012)

Bản sửa: Triết – Tập san Triết Học & Tư Tưởng số 7 (01.2022)

  1. Phó Giáo sư Phan Thanh Bình, từng giữ các chức vụ: Giám đốc Đh Quốc Gia Việt Nam (Tph. Hồ Chí Minh,) Thứ trưởng Bộ Giáo Dục và Đào Tạo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn Hóa, Giáo Dục, Thanh Niên, Thiếu Niên (Quốc Hội Việt Nam,) Ủy viên Trung ương đảng Công Sản Việt Nam, Đại biểu Quốc Hội.

  2. Giáo sư Mai Trọng Nhuận, Chuyên gia Địa hóa học, Nguyên Giám đốc Đại Học Quốc Gia Việt Nam tại Hà Nội (2007-2013)

  3. Giáo sư Bùi Văn Ga, Nguyên Giám đốc Đại Học Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ Giáo Dục và Đào Tạo, Chủ tịch Hội đồng Chức danh Nhà nước. Dịp kỷ niệm 80 năm thành lập Đh Quốc Gia Đài Loan (11.2007), đại diện Hiệu trưởng, tôi mời và tiếp đón Gs Mai Trọng Nhuận (Giám đốc Đh Quốc Gia Hà Nội), Gs Bùi Văn Ga (Giám đốc Đh Đà Nẵng) và đồng nghiệp (Gs Trần Văn Nam, hiện là Giám đốc Đh Đà Nẵng) đến từ Việt Nam. Riêng Gs Phan Thanh Bình không thể đích thân tham dự vì là Ủy viên Trung Ương Đảng (theo yêu sách của Bắc Kinh.) Vào dịp này, chúng tôi trao đổi về việc làm thế nào để nâng cao tầm nghiên cứu của hai đại học này. Ngoài ra, tôi cũng từng chia sẻ ý tưởng này vào dịp Ban Giám hiệu NTU đến Hà Nội (01.2007) thảo luận về việc cộng tác với Bộ Giáo Dục Việt Nam (Thứ trưởng Bành Tiến Long và hai Vụ trưởng,) Đh Bách Khoa, Đh Xây Dựng, ĐhQG Hà Nội… giúp đào tạo nghiên cứu sinh, cũng như vào dịp Ban Giám hiệu Đh Chang Jung Christian University đến làm việc với ban Lãnh đạo Đh Thái Nguyên (01.2018) bàn về việc cộng tác giữa hai trường.

  4. Bài thuyết trình vốn bằng tiếng Trung (đăng trên Đài Đại Hiệu Tấn,) được một số đài vô tuyến truyền hình (TV) phát tin, cũng như được ba tờ nhật báo lớn nhất của Trung Hoa Dân Quốc (Liên Hiệp Báo, Trung Quốc Thời BáoTự Do Báo) thông tin bình luận, tạo ra nhiều tranh luận trong giới trí thức Đài. Thiên Hạ (天下) và Viễn Kiến (遠見), hai Tuần báo rất có ảnh hưởng chính trị và kinh tế trong giới người Hoa đăc biệt chú ý bài thuyết trình này.

  5. Giáo sư Phó Tư Niên (傅斯年,1896-1950,) nguyên là Hiệu trưởng NTU (1949-1950,) cũng như là Hiệu trưởng Đh Bắc Kinh trước sang Đài Loan. Ông được coi như là biểu tượng của NTU. Người duy nhất được chôn cất trong khuôn viên đại học.

  6. Nghĩa tiếng Việt: “Phẩm chất đôn hậu, khích lệ học tập, yêu nước thương người.”

  7. Chính sách bắt học sinh phải được giáo dục toàn diện bao gồm đức dục, trí dục, thể dục, quần dục (giáo dục con người xã hội) và mỹ dục (德智體群美.) Quá lí tưởng, quá tham lam, thiếu thực tế nên biến thành sáo ngữ.

  8. Sáo ngữ là ngôn ngữ bề ngoài hoành tráng nhưng nội dung trống rỗng. Sảo ngôn là những lời hoa mỹ mục đích bịp bợm; trong khi khẩu hiệu (slogans) có hay, có dở. Khẩu hiệu chính trị, thương mại thường có cả hai đặc tính sáo và sảo làm quáng mắt dân chúng và người tiêu dùng. Giới chính khách và giới con buôn thích tạo ra những khẩu hiệu rất hoành tráng để đưa người dân hay người tiêu dùng vào bẫy của họ. Rất nhiều trường học (ở Trung quốc và Việt Nam) đi theo lối này, đưa ra rất nhiều khẩu hiệu nổ hơn tiếng súng đại bác làm “sứ mệnh” (mission) của họ.

  9. Gần đây nhất (2020), đã thấy xuất hiện một tổ chức đánh giá (CWTS Leiden Ranking,) địa chỉ tại Hà Lan, nhưng thực ra do người Tầu chủ trương và điều hành. Trong 10 đh hàng đầu thế giới thì Trung Quốc đã chiếm 6 với các Đh Giao Thông (2), Triết Giang (3), Thanh Hoa (5), Hoa Trung (7), Tứ Xuyên (8) và Bắc Kinh (10). Những đại học vô danh của Trung Quốc khá nhiều nằm trong “top 100 trên thế giới. Từng dậy học tại Đh Bắc Kinh (được coi là số 1 của Trung Quốc), cộng tác với Đh Phúc Đán tại Thượng Hải (hạng số 3) và là giáo sư Danh dự Đh (Khoa học Kỹ nghệ) Hoa Trung ở Vũ Hán (hạng 5-10), tôi biết rõ thực lực của họ ra sao. Nên khi thấy bảng xếp hạng như vậy, chỉ còn cách lắc đầu ngao ngán cho sự trơ trẽn của nhà nước Trung Quốc gần đây.

  10. Theo bảng xếp hạng của THES năm 2012, NTU xếp hạng 61-70 trên toàn thế giới. Năm 2007, nằm ở nhóm 91-100, năm 2011, nằm trong nhóm 81-90. Năm 2013 nằm trong nhóm 51-60, theo QS. Riêng Trường Triết Học NTU được xếp hạng 43 trên thế giới, đồng hạng (41-50) với Đh Frankfurt, Đh Heidelberg (Đức) và Đh Vienna (Áo.) Theo bảng đánh giá của ARWU của Đại Học Giao Thông, Thượng Hải, NTU xếp hàng đầu (cùng với National University ò Singapore) trong các vùng nói tiếng Trung, trên Đh Hongkong, Đh Bắc Kinh, Đh Thanh Hoa (Bắc Kinh.)

  11. Ngay cả giới học thuật của những nước lân bang như Phi Luật Tân, Việt Nam, Thái Lan, Lào, Cam Bốt, Mã Lai Á, Nam Dương, vân vân, không có mấy ai biết gì về NTU, đừng nói đến các nước xa hơn ở Âu châu, Nam Mỹ hay Phi Châu.

  12. Khi được thông báo “tin vui” này, tôi sững sờ tưởng mình nhầm. Và bỗng cảm thấy hụt hẫng sau vài phút kiêu hãnh. Từng thỉnh giảng (Gastprofessor) tại một số đại học (được xếp cùng hạng với NTU như Heidelberg, Frankfurt (Đức,) Wien (Đh Vienna, Áo,) tôi biết chắc là về triết học, chúng tôi vẫn còn lẹt đẹt rất xa phía sau họ. Họ có những nhà tư tưởng lừng danh ảnh hưởng sâu rộng trên thế giới như Weber, Husserl, Brentano, Gadamer, Popper, Arendt, Nhóm Viên (Wienerkreis), Freud, Wittgenstein, Habermas, Adorno, Horkheimer, Marcuse … còn chúng ta thì có ai không?

  13. Người Đài coi NTU như là “Harvard Đài Loan.” Tôi cũng nghe nhiều người của Đh Ngoại Thương (Hà Nội) kiêu hãnh khoe (khoang) đại học này là “Harvard Việt Nam.” Ôi, cái bi kịch nhược tiểu ”thấy người sang bắt quàng làm họ” của Đài Loan tái hiện “một cách hoành tráng” tại Việt Nam. Người Đài có thể tự ti, vì chưa thắng ai bao giờ. Nhưng người Việt chúng ta từng đương đầu với những nước khổng lồ như Trung Quốc, Pháp, Mỹ… không có lí do gì để quá tự ti.

  14. Ernst Bloch, Geist der Utopie (Muenchen, 1918.) Bản Anh ngữ: The Spirit of Utopia (Stanford U.P., 2000;) và Das Prinzip Hoffnung (1938-1947.) Bản Anh ngữ: The Principle of Hope (MIT Press, 1986.)

  15. Chúa Giê su từng cảnh cáo, nếu để người mù dẫn đường, chúng ta sẽ rơi xuống hố (Mattheus, 15:14.) Đa số các nhà “lãnh đạo” giáo dục ở Việt Nam đều chỉ là những chính khách, cán bộ quản lý và gần như “mù tịt” về giáo dục và nghiên cứu (hồng hơn chuyên.) Đây là lí do của chất lượng “có vấn đề” trong nghiên cứu, vì bị những người không biết hay không làm nghiên cứu “chỉ đạo.” Trong lãnh vực khoa học nhân văn, tôi được nhiều học giả cho biết sự thật là có khá nhiều lãnh đạo chưa từng (và không biết) làm nghiên cứu, nhưng được phong giáo sư, dành quyền hướng dẫn nghiên cứu sinh về đủ mọi lãnh vực. Vụ một nhà quản lý bận bịu trăm công ngàn việc, nhưng vẫn hướng dẫn trên 43 luận văn (tiến sỹ và thạc sỹ) trong nhiều chuyên ngành thuộc khoa học xã hội trong vòng một năm chỉ là chuyện “thường ngày ở huyện.” Chuyện một Gs Viện sỹ, chủ quản một Viện nghiên cứu, xuất bản một tập sách bằng ngôn ngữ ông không hiểu cũng chẳng có gì là hy hữu ở Việt Nam (hay ở Trung Quốc.)

  16. Dựa theo câu thơ “Seguir il tuo corso e lascia dir la gente” trích từ La comedia divina của Alghieri Dante. K. Marx cũng trích dẫn câu này trong lời Tựa cho lần tái bản Tư Bản Luận (1867) của ông.

  17. Plato, “The Myth of Cave.” Trong The Republic, 514a.

  18. Thực ra ba chú khỉ được người Nhật coi như là một biểu tượng tu thân của Nho giáo: Mizaru che mắt để không thấy điều ác, Kikazaru bịt tai để khỏi nghe thấy những lời thối tha, và Iwazaru bịt miệng để không nói điều thô tục. Luận Ngữ : “Phi lễ vô thị, phi lễ vô thính, phi lễ vô ngôn, phi lễ vô động” (非禮勿視,非禮勿聽,非禮勿言,非禮勿動). www.wikipedia.org/wiki/Three_wise_monkeys

  19. John Locke, Essays on Human Understanding (1689/90.) Epistle to the Readers.

  20. Marius B. Jansen, The Making of Modern Japan (Cambridge: Harvard University Press, 2000.) Những nhà tân học như Ito Hirobumi, Matsukata Masayoshi, Kido Takayishi, Itagaki Taisuke, Mori Arinori… đã làm thay đổi nước Nhật.

  21. Ta có thể thấy tinh thần Nhật nơi hai đại học hàng đầu của họ. Đh Đông Kinh (Tokyo) là thành trì của Nho giáo, trong khi Đh Kinh Đô (Kyoto) là cái nôi nghiên cứu Phật học. Tôi quen thân với nhiều nhà triết học hàng đầu của Nhật như Masao Abe, Konichi Tsujimura (trường phái Kyoto) và Tomonobu Imamichi (trường phái Tokyo.) Trong một hội thảo tại Kyoto (1987,) sau bài thuyết trình của tôi, Gs Tsujimura đến gặp tôi trong phòng, và trao đổi về Nietzsche, thái độ rất khiêm nhượng. Tôi biết ông là một vị triết gia nổi tiếng, là viện sỹ Hàn Lâm Viện Nhật Bản, giáo sư giảng tòa Đh Kyoto, đã trên 70 tuổi, vào bậc đại sư, nên tôi vô cùng cảm kích. Là hậu sinh (khi đó tôi mới 38 tuổi,) “ngựa non háu đá” (mới lên hàng giáo sư được 2 năm,) thiếu hiểu biết và thiếu lịch lãm khi muốn biết lãnh vực ông nghiên cứu. Ông thẳng thắn trả lời “Tôi nghiên cứu triết học của tôi.” Một bài học làm tôi bừng tỉnh! Tương tự khi đến thỉnh giảng tại Đh Tokyo theo lời mời của hai Gs Imamichi (cựu viện trưởng Đh Văn Khoa (文學院) và Gs Segumi Sakabe đương kim Viện trưởng,) tôi rất cảm kích nhận ra nỗ lực của họ xây dựng một nền triết học mang tính Nhật. (Gs Imamichi là người khởi xướng triết học “Eco-ethica” và được thế giới chú ý. Hiện có Viện Nghiên cứu Eco-ethica Imamichi tại Copenhagen.) Tôi nghiệm ra, để xứng đáng với danh triết gia, phải có gì của riêng mình đóng góp vào kho tàng tư tưởng thế giới. Và từ đó, tôi bắt đầu con đường riêng cho mình. Cả hai triết gia Tsujimura và Imamichi đã cổ võ nhận lời làm cố vấn, trong khi Gs Sakabe là thành viên Ban Biên Tập của Tập san The Asian Journal of Philosophy do tôi phụ trách.

  22. Dưới thời Joseph Stalin, một bộ phận của Đh Lomonosov được xây lại bởi chính tù nhân nhà ngục (Gulag) mà đa số là trí thức. Xem A. Solzhenitsyn, The Gulag Archipelago (1973.) Trong thời Stalin, giới trí thức bị phỉ báng, đàn áp và bị giam hãm trong tù. Giáo sư, chuyên viên (kỹ sư, nhà khoa hoc) bị bắt buộc phải nghiên cứu phục vụ chiến tranh, sáng chế vũ khí phòng không, đại bác, chất nổ, làm giầu

    Uranium để chế bom nguyên tử. http://en.wikipedia.org/Lomonosov_Mosow_State_University#History

  23. https://document.site>chinese.leaders_pdf “Emperor Qin Shi Huangdi and Mao Zedong”.

  24. Thảm kịch này cũng xẩy ra tại Việt Nam. Giáo sư Trần Đức Thảo bị bắt chăn bò ở Tam Đảo; Luật sư Nguyễn Mạnh Tường sống vất vưởng đói khát bên lề xã hội… Sau năm 1975, sách vở thời Việt Nam Cộng Hòa từng bị thiêu đốt hay vất bỏ. Giáo sư Trần Thái Đỉnh (một nhà giáo triết học nghiêm túc từng dạy tại Đh Văn Khoa, Đh Đà Lạt trước 1975) từng thổ lộ với tôi (1998) là ông phải đem tủ sách triết học hiếm (đa số tiếng Pháp) đổ xuống sông Thị Nghè vào ban đêm, vì sợ bị đấu tố. Vừa đổ vừa khóc!

  25. Tôi từng gặp Gs Phùng Hữu Lan (1988,) Gs Thang Nhất Thế (1993,) Gs Trương Đại Niên (1995) và cộng tác với những giáo sư hàng đầu của Đh Bắc Kinh, Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Trung Quốc, Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Thượng Hải, Đh Phúc Đán và hai Đh Vũ Hán và Hoa Trung tại Vũ Hán, nghe họ thổ lộ và hiểu được nỗi khổ nạn của giới trí thức trong quá khứ.

  26. Chú thích cho bản tiếng Việt. Văn Miếu tại Hà Nội, từng được “đánh bóng” là một đại học có ngàn năm lịch sử (từ năm 1070.) Không biết “đại học” này đã đóng góp được cái gì cho đất nước Việt Nam, ngoài tạo ra giai cấp thống trị (quốc tử giám,) giới quan lại, và sự mê tín về bằng cấp. Tôi đi thăm Văn Miếu cả chục lần. Ấn tượng duy nhất là những con rùa với (83) bia đá ghi tên hàng ngàn tiến sỹ mà hầu hết tôi không biết đến công lao của họ cho đất nước. Văn Miếu gián tiếp cổ võ chủ nghĩa “bằng cấp” và lối nhìn “quan to, học vấn to,” biến nho học thành nho giáo với những mê tín vẫn còn thịnh hành ngày nay. Phong chức học hàm, nhận học vị, khấn vái thần thánh, bói toán, buôn thần bán thánh, bán chữ “thánh hiền” đầu năm… đều rẩm rộ tổ chức tại nơi đây. Sự thật là, những người không bằng cấp khoa cử như Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Đình Chiểu, Trương Vĩnh Ký… lại có ảnh hưởng tới học thuật hơn rất nhiều tiến sỹ trong số 1304 tiến sỹ được khắc danh trên bia đá đặt trên lưng rùa này. Những người đáng kính trọng nhất trong Văn Miếu, Chu Văn An, Lê Quý Đôn, Nguyễn Bỉnh Khiêm, v.v. lại chính là người từ bỏ danh vọng bổng lộc của quan liêu về quê dạy học. Đóng góp cho học thuật cũng chỉ lác đác được vài vị như Lương Thế Vinh (toán học, Phật học,) và vài vị khác.

  27. Như Oxford, Cambridege, Harvard… hai đại học của Tân Gia Ba và hệ thống đại học ở Hồng Kông mang tính “thế giới,” không bị chủ nghĩa đảng phái, quốc gia, tôn giáo, sắc tộc ràng buộc. Sinh viên, giảng viên quốc tế của họ còn nhiều hơn sinh viên bản xứ. Đây là lí do National University of Singapore, Đh Nanyang, Đh Hongkong… được đánh giá rất cao trong các bảng xếp hạng đại học.

  28. Một điều làm tôi hãnh diện là biết từ chối những cuộc phỏng vấn (vô bổ) hay “shows” không liên quan đến học thuật trên nhiều đài truyền hình và báo chí ở nhiều nước.

  29. Theo thống kê, thì 100% tổng thống dân cử (Lý Đăng Huy, Trần Thủy Biển, Mã Anh Cửu, Thái Anh Văn,) 80% bộ trưởng, 85% đại pháp quan, 90% viện sỹ… của Đài Loan đều là cựu học sinh của NTU. NTU cũng là đại học duy nhất có cựu học sinh đoạt giải Nobel và có nhiều khôi nguyên Nobel từng giảng dậy tại đây như Dương Chấn Ninh (vật lý,) Lý Chính Đạo (vật lý,) Samuel Đinh (vật lý,) Lý Nguyên Triết (hóa học,) Steven Chu (vật lý.)

  30. Bắc Đại (Đh Bắc Kinh,) Cơ Đại (Đh Columbia tại New York,) Ha Đại (Đh Harvard tại Boston,) và Đài Đại (NTU.)

  31. Trong bài viết “Giáo Dục Việt Nam: Cách Mạng hay Cải Cách” (Triết – Triết học và Tư tưởng, số 6) tôi có nhắc qua đến lối nhìn thiển cận “đi tắt đón đường” của một số đại học tại Việt Nam. Thay vì tự mình cố gắng trèo lên vai người khổng lổ, họ bỏ tiền (VinUni) hay van xin người khổng lồ bế họ đặt lên vai. Độc gỉa đều biết Bộ Giáo Dục Đào Tạo đương làm như vậy với chủ trương xin các nước giầu, mạnh giúp thành lập đại học như Việt Đức, Việt Pháp, Việt Mỹ, Việt Anh, Việt Nhật, Việt Hàn… và hàng loạt cái gọi là Đại học Quốc tế. VinUni đặc biệt nhất vì có nhiều tiền nhất. Họ bê “nguyên xi” mô hình, giáo trình và người của Đh Cornell và Đh Pennsylvania vào Việt Nam… để có thể là đẳng cấp. Như tôi đã viết, và xin lập lại nơi đây: đó là đẳng cấp “ăn theo nói leo.” Sẽ chẳng bao giờ có sáng tạo hay phát minh nào ra hồn. Cải cách ư, một qua niệm xa xỉ với họ. Biến thành đại học nghiên cứu ư? Thật là khó nếu vẫn còn ý đồ mua bằng sáng chế, mua bài báo cáo khoa học, thuê người viết bài, xin “đi xe ôm” để được “xếp hạng cao.” Tôi rất bi quan, không nghĩ ĐhTôn Đức Thắng, Đh Duy Tân có thể giúp việc làm nghiên cứu khoa học tại Viêt Nam tốt hơn.