Press "Enter" to skip to content

Khía cạnh Triết học trong Tín ngưỡng Thờ cúng Tổ tiên

KHÍA CẠNH TRIẾT HỌC

TRONG TÍN NGƯỠNG THỜ CÚNG TỔ TIÊN[1]

PGS. TS Trần Đăng Sinh

Hội Triết học Việt Nam

TS. Trần Thị Hà Giang –

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

1. Dẫn nhập

Triết học không chỉ là khoa học về thế giới quan và phương pháp luận mà còn là hình thái ý thức xã hội phản ánh tồn tại xã hội trong suốt tiến trình lịch sử dưới các thể thức khác nhau như: Triết học tự nhiên, triết học chính trị, triết học đạo đức, triết học văn hóa, triết học tôn giáo,…

Ở phương Tây, Triết học được biểu hiện cụ thể, hình thành các hệ thống, trường phái và nền triết học rõ ràng. Do đặc điểm địa văn hóa khác với phương Tây, triết học phương Đông, bên cạnh những điểm tương đồng cũng có những điểm khác biệt như ít bàn đến những vấn đề siêu hình học, chú ý nhiều đến vấn đề xã hội, nhân sinh thông qua các quan điểm, lý thuyết về đạo đức, tôn giáo,…

Ở Việt Nam, tư tưởng triết học có thể tìm thấy trong văn học dân gian, trong tôn giáo, tín ngưỡng. Thờ cúng tổ tiên là một loại hình tín ngưỡng dân gian phản ánh mối quan hệ đặc biệt giữa thế hệ con cháu với Tổ tiên đã khuất. Tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên là sự phản ánh mối quan hệ giữa người sống và người đã chết. Mối quan hệ giữa người sống (các thế hệ con cháu) và người đã chết (Tổ tiên) trong tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên là mối quan hệ đặc biệt của tồn tại người.

Từ khóa: Khía cạnh triết học, Tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên, đạo Hiếu

2. Nội dung

Mỗi sự vật, hiện tượng trong thế giới luôn tuân theo quá trình sinh thành, tồn tại và diệt vong. Sự hiện hữu (tồn tại) của hiện thực bao giờ cũng được bắt đầu từ một khởi nguyên. Lẽ tự nhiên mọi kết quả đều có nguyên nhân, do nguyên nhân. Cái hôm nay có được là nhờ có cái trước đó. Quá khứ, hiện tại và tương lai là một thể thống nhất, sự phân chia chỉ có ý nghĩa tương đối. Các hệ thống triết học đều đi tìm sự khởi nguyên của vũ trụ, thế giới và con người.

Cũng như cây có gốc, nước có nguồn, con người phải có Tổ tiên. Tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên của người Việt đi tìm nguồn gốc của cá nhân, gia đình, họ tộc của mình. Tổ tiên là khái niệm để chỉ các thế hệ trước có công sinh thành và nuôi dưỡng như bố, mẹ, ông, bà, cụ, kỵ,… Có hiện tại hôm nay là do có bố mẹ, ông bà, Tổ tiên của ta đã sinh thành, tạo dựng. “Tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên của người Việt là “sự phản ánh hư ảo – vào đầu óc của con người – của những lực lượng ở bên ngoài chi phối cuộc sống hàng ngày của họ”[2]. “Lực lượng xa lạ, bên ngoài ở đây là Tổ tiên trong thế giới vô hình. Tổ tiên đã mất là đối tượng phản ánh nhằm đáp ứng, thỏa mãn sự thiếu hụt tinh thần của những người đang sống. Tổ tiên khi còn sống thì khôn, khi chết thì “thiêng”, vẫn “ngự” trên bàn thờ, vừa gần gũi, vừa xa lạ, linh thiêng”[3].

Tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên là loại hình tín ngưỡng dân gian không chỉ phản ánh đời sống xã hội mà còn là biểu hiện tư tưởng nhận thức của con người về không gian, thời gian, về đạo Hiếu – Đạo làm người, do đó nó ẩn chứa những tư trưởng triết học của người Việt khá sâu sắc. Tư tưởng triết học trong tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên thể hiện ở những khía cạnh sau:

Quan niệm về không gian

Không gian là không gian vật chất luôn gắn liền với sự tồn tại của vật chất. Không gian trong tín ngưỡng thờ cúng Tỏ tiên là không gian thiêng, gắn liền với các hình thức vật thể thiêng liên quan tới việc thờ phụng như: ban thờ gia đình, nhà thờ họ, mồ mả,…

“Trong mỗi gia đình đều lập bàn thờ tổ tiên. Bàn thờ tổ tiên là không gian thiêng liêng để các thành viên trong gia đình thể hiện, gửi gắm lòng tưởng nhớ, biết ơn tiên tổ. Bàn thờ là nơi tổ tiên “đi”, “về” và “ngự” trên đó”[4].

Ban thờ thường được bố trí ở gian giữa trong nôi nhà.Tùy hoàn cảnh gia đình mà ban thờ được sắp đặt sao cho phù hợp. Ở những gia đình “danh gia vọng tộc”, ban thờ thường được phân thành hai lớp. Lớp trong có ngai (ỷ), khám đựng bài vị Tổ tiên. Ngai của Tổ tiên được sơn son thếp vàng biểu hiện quyền uy và vị thế của Tổ tiên. Bài vị của Tổ tiên thường được làm bằng gỗ táo thể hiện sự trường tồn, ghi tên các vị Tổ. Trong gia đình thường chỉ thờ đến Tổ thứ tư (tứ đại) vì đến đời thứ năm (ngũ đại) thì “mai thần chủ”.

Lớp ngoài là hệ thống đồ thờ. Bộ ngũ sự gồm lư hương; hai cây đèn nến; lọ lộc bình; mâm bồng, tam sơn (bộ đài) để đặt chén rượu, bát nước, đĩa trầu cau. Bộ thất sự thêm hai đồ thờ nữa là: đỉnh đồng; đôi hạc.

Các đồ thờ và lễ vật đều thể hiện tư tưởng triết học về không gian “ngự của Tổ tiên” khi được thỉnh về trong những ngày húy kỵ hoặc lễ, tiết trong năm. Bát hương, lư hương, đỉnh đồng là đồ thờ không thể thiếu trong bất cứ không gian thiêng nào. Trên bàn thờ Tổ tiên, hương (nhang) mỗi khi được thắp thể hiện khí dương. Hương là cầu nối đường lên trời của linh hồn Tổ tiên. Hương thường được thắp theo số lẻ thể hiện cho khí dương. Chén rượu, hoặc bát nước thể hiện khí âm. Âm dương hòa hợp sự vật sinh. Mâm ngũ quả biểu hiện cho ngũ hành tương sinh, tương khắc, tương chế, tương hóa biểu hiện sự vận động và phát triển của vũ trụ. Đôi lọ lộc bình để cắm hoa. Hoa cúng đương nhiên phải là hoa có hương thơm như: hoa đào, hoa huệ, hoa hải đường, hoa cúc,… Mùi hương thơm của hoa thể hiện tấm lòng thơm thảo của con cháu dâng cúng và tưởng nhớ công ơn của Tổ tiên. Đôi hạc thể hiện sự trường tồn của Tổ tiên. Tổ tiên chỉ mất về thể xác song linh hồn còn sống mãi. Ngày giỗ chạp, lễ tết khi con cháu thỉnh (mời) Tổ tiên sẽ về ngự trên ban thờ và sum vầy cùng con cháu. Lễ vật dâng cúng Tổ tiên trên ban thờ cũng thể hiện triết lý âm dương. Lá trầu mang tính dương, quả cau mang tính âm, vôi là chất trung tính để cho âm dương hòa hợp, phát triển. Lễ vật cúng có cỗ tam sinh (thịt bò, thịt dê, thịt gà, hoặc thịt lợn, thịt bò, thịt gà). Rượu, nước mang tính âm cùng với hương, đăng mang tính dương là thứ không thể thiếu trong không gian thờ cúng Tổ tiên.

Nhà thờ họ cũng là không gian thiêng của dòng họ trong tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên. Mỗi họ thường có nhà thờ Tổ họ, nhà thờ Tổ chi, nhà thờ Tổ ngành. Nhà thờ họ thường được xây dựng trên mảnh đất của họ, là nơi thực hiện nghi lễ thờ cúng của cả họ có qui mô hoành tráng. Xưa, nếu họ nhỏ, lại nghèo thì nhà thờ họ có khi chỉ là một am nhỏ. Có trường hợp họ không có nhà thờ riêng thì nhà của trưởng họ được dùng là nơi thờ cúng Tổ họ. Nhìn chung nhà thờ họ thường được chú ý xây dựng với qui mô lớn nhỏ khác nhau nhưng đều được coi là chốn linh thiêng, nơi mà Tổ tiên sẽ về ngự và sum họp cùng con cháu trong dịp giỗ Tổ. Nhà thờ họ thường bày biện đồ thờ cúng đầy đủ. Bộ thất sự, ngoài các đồ thờ thông dụng như trên bàn thờ gia tiên còn có bát bửu. Ban thờ gian giữa thường được phân tách thành hai lớp trong (mang tính âm, của người âm) và ngoài (mang tính dương, của người dương). Lớp trong đặt ngai, khám trong đó có bài vị của cụ thủy Tổ dòng họ. Lớp ngoài là các đồ thờ và chỗ đặt mâm cỗ cúng, các lễ vật dâng cúng. Giữa hai lớp có y môn là một tấm vải lụa màu có họa tiết hoa văn thêu các họa tiết cầu kỳ. Vào kỳ giỗ họ hằng năm, y môn được kéo lên để cụ Tổ về hâm hưởng lễ vật do con cháu dâng cúng. Trên gian chính nhà thờ có hoành phi, các cột nhà thờ có câu đối bằng chữ Nho ngoài ý nghĩa giáo dục đạo đức cho con cháu còn làm tăng thêm tính thiêng của không gian thờ. Ngoài gian chính thờ bài vị cụ Thủy Tổ, còn có các gian bên thờ Tổ Cô và các vị thần linh khác như thổ công, thổ địa. Ngoài sân, phía trước mặt có bức bình phong có chạm hình khắc nổi các họa tiết như ở các không gian thiêng khác như đình, miếu,… Hai bên bình phong cũng có câu đối nói về công đức của Tổ tiên hoặc ca ngợi vẻ đẹp nơi thờ tự của dòng họ. Những nhà thờ của các dòng họ “danh gia vọng tộc” thường có nhiều câu đối nói về công danh của Tổ, hoặc nói về đạo lý làm người mà con cháu cần học tập, tu dưỡng.

Một không gian thiêng rất được coi trọng trong tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên là mồ mả. Với quan niệm: “sống về mồ mả chứ ai sống cả bát cơm” người Việt coi mồ mả là nơi ở vĩnh hằng của Tổ tiên. Khi ông, bà, cha, mẹ “quy tiên” thì việc chọn đất để mai táng là hết sức quan trọng. Theo thuật phong thủy, đất mai táng thi hài của người chết phải là nơi cao ráo, sạch sẽ song ở phía dưới phải có mạch nước. Đào ba tấc đất lên mà thấy có nước là đất tốt. Vì có nước thì hài cốt mới phân hủy nhanh, xương cốt ngâm trong nước không bị mục ruỗng. Quan trọng hơn là sau 27 tháng, nghi lễ sang cát (cất mả) được thực hiện, hài cốt được đặt trong tiểu sành, ngoài là quách, rồi an táng vĩnh viễn. Người chết được “về nhà mới”. Lúc đó mồ mả mới được xây kiên cố bằng gạch hoặc đá. Tùy từng gia đình mà được xây dựng với quy mô khác nhau. Gia đình có điều kiện thì ốp đá, làm mái che. Gia đình không có điều kiện thì chỉ làm mả đất. Hằng năm vào ngày tết Thanh minh, mọi gia đình đều đi tảo mộ. Mồ mả tối kỵ bị sụt lún vì một lý do gì đó. Gia đình nào bị hạn gặp điều xấu thì người ta hay nghĩ đến chuyện “động mồ, động mả” rồi đi làm lễ cúng bái mong Tổ tiên không quở trách, trừng phạt. Việc chăm sóc phần mộ của Tổ tiên là rất quan trọng. Nếu để mất mồ mả là tối kỵ vì sẽ “mồ cha không khóc mà khóc đống mối”.

Quan niệm về thời gian

Cùng với không gian, thời gian cũng là yếu tố quan trọng trong tâm thức của người Việt. “Coi trọng hiện tại, song không bao giờ quên quá khứ và luôn lạc quan, tin tưởng, hy vọng ở tương lai là một đặc điểm trong tư duy người Việt”[5].

Thời gian trong tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên gắn liền với ngày hóa của Tổ tiên. Nếu người phương Tây rất chú ý tới ngày sinh thì người Việt lại chú ý tới ngày mất. Ngày mất của cha, mẹ, ông, bà, Tổ tiên trở thành ngày giỗ (kỵ nhật, húy kỵ) thường niên của gia đình, dòng họ. Ngày giỗ của Tổ tiên là ngày quy tụ, sum họp của con cháu. Trước ngày giỗ con cháu gửi lễ giỗ cho nhà trưởng theo lối “con giàu một bó, con khó một nén”. Nhà trưởng phải chịu trách nhiệm chính về lễ giỗ. Cở sở kinh tế của việc nhà trưởng làm lễ giỗ là “của hương hỏa” của Tổ tiên để lại như ruộng, vườn, ao cá….Việc con cháu ngành thứ đóng góp chỉ là sự thể hiện tấm lòng trước hết với Tổ tiên, sau gọi là “có lễ” với nhà trưởng. Điều tối kỵ đối với người Việt là “bỏ giỗ” hoặc mất giỗ vì không nhớ ngày giỗ.

Ngoài ngày giỗ của Tổ tiên thì các ngày lễ, tết trong năm, những ngày gia đình có việc trọng như: cưới hỏi, làm nhà, xuất hành, đỗ đạt được thăng quan tiến chức,…cũng rất có ý nghĩa. Người ta không quên sắm lễ, dâng cúng Tổ tiên về hâm hưởng, chứng giám và phù hộ độ trì cho gia đình, con cháu mọi sự tốt lành. Người có tín ngưỡng Phật thì thường dâng lễ cúng Tổ tiên vào tuần rằm, mồng một hàng tháng. Lễ vật thường là trầu, cau, nước, hương hoa, oản quả.

Thời nay, do nhịp sống của xã hội hiện đại, dường như thời gian cũng vận động nhanh hơn. Quan niệm về thời gian của người Việt trong tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên cũng có nhiều thay đổi theo hướng thích nghi với thời cuộc.

Quan niệm về con người

Quan niệm về con người trong tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên của người Việt xưa chịu ảnh hưởng tư tưởng của Tam giáo. Những người chịu ảnh hưởng của Nho giáo thì tin vào thuyết Thiên – Địa – Nhân. Rằng Trời là thực thể tối cao sáng tạo ra Đất; Đất sáng tạo ra Người. Tam tài (Trời – Đất – Người) sáng tạo ra vạn vật. Do vậy, trong nghi lễ khấn Tổ tiên vào những ngày giỗ, tết người ta đều khấn thần Trời, thần Đất trước khi khấn Tổ tiên. Khi con người chết thì thể xác tan ra trở về Đất Mẹ (tử tất quy thổ) còn hồn thì trở về với Trời (chết là thể xác, hồn là tinh anh). Trời được coi là Cha, đất là Mẹ ở dạng “vĩ mô” mang tính trừu tượng song cũng rất cụ thể. Mối quan hệ gữa Tổ tiên đã mất và con cháu đang sống được xác định. Sinh con ra, đương nhiên cha, mẹ có trách nhiệm nuôi dưỡng dạy bảo con nên người. Con cháu cũng có nghĩa vụ, bổn phận thực hiện đạo Hiếu. Phải báo hiếu cha, mẹ (nuôi dưỡng chăm sóc cha, mẹ khi già, thờ cúng đúng lễ khi mất, không làm cha mẹ buồn phiền và hơn nữa làm vinh danh cha, mẹ, tổ tiên, dòng họ). Khi cha mất, quyền hành thuộc người con trưởng. Anh trưởng được xem như cha (quyền huynh thế phụ). Khi mẹ mất, chị đầu được coi như mẹ, thay mẹ nuôi bảo các em lên người. Quan hệ trong gia đình theo kiểu “trên bảo dưới nghe”, “anh trên em dưới”, Hiếu đễ là ở đó.

Người có tín ngưỡng Phật thì cho rằng, con người được tạo tác bởi ngũ uẩn. Là một pháp của vạn pháp, luôn biến đổi (vô thường) do đó không có cái tôi (vô ngã). Vì không có con người cá thể nên cũng không có linh hồn cá thể. Sống là gửi, thác là về (sinh ký tử quy). Con người sướng hay khổ ở kiếp này là do nghiệp thiện hoặc nghiệp ác từ kiếp trước. Phật Tổ chỉ cho con đường giải thoát khỏi mọi khổ đau. Phật cũng là Bụt thực hiện đạo Từ bi, là chỗ dựa tinh thần cho người con Phật. Vì thế, trong lời khấn Tổ tiên bao giờ người ta cũng niệm lục tự: “Nam Mô A Di Đà Phật”.

Cùng với tam giáo, Thiên Chúa giáo khi vào Việt Nam tuy không cho tín đồ được thờ cúng Tổ tiên song luôn dạy con người phải hiếu kính cha mẹ. Trong Mười điều răn của Thiên Chúa có điều bốn: “Thảo kính đối với cha mẹ”. Ngày nay, người theo Thiên Chúa giáo được tự do thờ cúng cha, mẹ trong gia đình. Bàn thờ cha, mẹ được đặt ngay ngắn dưới bàn thờ Thiên Chúa.

Tuy chịu ảnh hưởng tư tưởng tôn giáo, những quan niệm về con người trong tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên của người Việt vẫn giữ được nét bản địa truyền thống. Người Việt cho rằng, “có Tổ tiên trước, rồi sau có mình”. Cũng như cây có gốc, nước có nguồn, chim có tổ, con người phải có tổ tông. Khi sống con người phải giữ tròn đạo Hiếu: “Con ơi muốn nên thân người; lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha”; phải “giữ tròn chữ Hiếu mới là đạo con”. Đạo Hiếu được coi là đạo làm người. Hiếu là nết đầu trong trăm nết. Khi cha, mẹ khuất núi, làm phận con phải phụng thờ hương khói bởi: “Khôn ngoan nhờ đức cha ông; Làm nên phải đoái tổ tông phụng thờ”.

Quan niệm về con người trong tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên thể hiện trong quan niệm về mối quan hệ giữa người sống và người chết, giữa cái tục (đời thường) và cái thiêng (linh hồn Tổ tiên gắn với không gian thiêng, thời gian thiêng). Người Việt cho rằng “nghĩa tử là nghĩa tận” nên khi sống có giận nhau đến mấy thì khi biết tin người ấy mất cũng đến thắp một nén hương để vĩnh biệt người quá cố.

Quan niệm về mối quan hệ giữa Tổ tiên (những người đã chết) và thế hệ con cháu (những người đang sống) thực chất là quan hệ đạo đức, là cách ứng xử văn hóa đạo đức giữa những người có công đức cù lao (sinh, cúc, dục, xúc, trưởng, dục, cố, phục, phúc) là đạo làm người – đạo Hiếu. Phan kế Bính cho rằng: “Xét cái tục phụng sự tổ tiên của ta rất là thành kính, ấy cũng là một lòng bất vong bản, cũng là một việc ngĩa vụ của người”[6].

Đạo Hiếu được thể hiện rõ nét trong mối quan hệ cha – con, chồng vợ, anh em trong gia đình với những giá trị cụ thể: hiếu kính, hiếu thảo, hiếu hạnh, hiếu đễ.

Trong gia đình truyền thống, con cháu trong mối quan hệ với Tổ tiên, ông, bà, cha, mẹ,… phải “kính”. Kính hiếu với Tổ tiên, ông, bà, cha, mẹ, thể hiện ở việc phải nghe lời, phải “vâng”, “dạ” khi giao tiếp, chào hỏi. Trong những dịp “giỗ”, “tết” người cha với vai trò là “chủ” gia đình không những chỉ quán xuyến công việc gia đình mà còn có trách nhiệm lo giỗ tết Tổ tiên. Một năm có ngày giỗ nào trong vòng tứ đại là người cha phải lo chu đáo. “Trưởng nam tốn bấc hao dầu; bao nhiêu giỗ tết đổ đầu trưởng nam” là vì thế.

Trong xã hội phong kiến, người vợ thực hiện đạo “Tam tòng” cũng là thực hiện đạo làm con, đạo làm vợ, đạo làm mẹ. Người con gái theo nếp “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy” thế mới là Hiếu. Khi đã xuất gia, người vợ tận lực, tận tâm lo việc nhà chồng, chăm sóc bố, mẹ chồng và lo thờ phụng cúng giỗ Tổ tiên nhà chồng chu đáo. Để “trọn đạo Hiếu” phải sinh được con trai để nối dài dòng giống nhà chồng. Khi chồng mất, nếu người phụ nữ ở lại nuôi con, thờ chồng thì được coi là “hiếu hạnh”.

Mối quan hệ huynh đệ nếu được thực hiện theo kiểu “anh trên, em dưới” là thực hiện “Hiếu đễ”. Trong gia đình, anh em không chỉ vâng lời cha, mẹ mà còn giữ được mối quan hệ trên dưới, hòa hảo. Nếu cha, mẹ mất thì anh cả, chị cả được coi là “cha, mẹ” thay cha, mẹ chăm nuôi các em nên người. Anh, chị thì “nhường” em; em thì “kính” anh, chị. Trong gia đình anh chị em hòa thuận chung sống ấy là Hiếu đễ vậy.

Đạo Hiếu không chỉ được thực hiện trong mối quan hệ huyết thống mà còn được mở rộng thành quan hệ xã hội. Người con không chỉ Hiếu kính với cha, mẹ, ông, bà, Tổ tiên mà còn phải thể hiện lòng trung với Vua. Như thế là Hiếu trung. Thời Lý, con cháu nhà vua cứ đến ngày mồng bảy tháng giêng âm lịch là ra đền Đồng Cổ thực hiện nghi lễ ăn thề. Mỗi người phải uống rượu hòa máu thề độc: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, thần linh chu diệt”.

3. Kết luận

Khía cạnh triết học trong tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên của người Việt được thể hiện trong quan niệm về không gian, thời gian, về con người góp phần định hướng hoạt động của con người trong quan hệ ứng xử giữa con người với con người trong cộng đồng huyết thống là gia đình, họ tộc và sau này được mở rộng ra cộng đồng xã hội là làng, nước. Khía cạnh triết học trong tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên cũng góp phần tạo nên bản sắc văn hóa Việt.

Trong xã hội hiện đại, nhiều quan niệm mang tính triết học trong tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên không còn phù hợp nữa, song cái cốt lõi của nó là đạo Hiếu – đạo làm người vẫn còn nguyên giá trị.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. C. Mác và Ph. Ăngghen, Toàn tập, tập 20, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995.

2. Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, TP Hồ Chí Minh, 1990.

3. Trần Đăng Sinh, Những khía cạnh triết học trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt ở đồng bằng Bắc bộ hiện nay, (tái bản), Nxb Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2010.

4. Trần Đăng Sinh (chủ biên), Đạo lý uống nước nhớ nguồn – Cơ sở triết học và giá trị trong lịch sử dân tộc, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2017.

5. Trần Đăng Sinh, Tôn giáo học, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2017.

  1. Bài tham luận tại Hội thảo Triết học về Tôn giáo, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Hà Nội, 2022.

  2. C. Mác và Ph. Ăngghen, Toàn tập, tập 20, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.437.

  3. Trần Đăng Sinh, Tôn giáo học, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2017, tr.119

  4. Trần Đăng Sinh, Những khía cạnh triết học trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt ở đồng bằng Bắc bộ hiện nay, Tái bản, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2010, tr.134

  5. Trần Đăng Sinh, Những khía cạnh triết học trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt ở đồng bằng Bắc bộ hiện nay, Tái bản, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2010, tr.110

  6. Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1990, tr.25 – 26.