Press "Enter" to skip to content

AI có đặt dấu chấm hết

AI có đặt dấu chấm hết cho triết học và luân lý của loài người như ta đã biết?

Nguyễn Giang

Singapore 05/2024

­Dẫn nhập

Tốc độ phát triển của công nghệ AI (artificial intelligence) gồm các bước thiết kế, thử nghiệm và áp dụng trí tuệ nhân tạo vào nhiều lĩnh vực của cuộc sống đang đặt ra và đặt lại một số câu hỏi mang tính triết học về con người và thế giới xung quanh chúng ta, về đời sống, ngôn ngữ và sự tương tác giữa loài người và một thể dạng tri thức, trí tuệ và tính năng khác. AI không chỉ đã xuất hiện trong các ngành công nghiệp, kiến trúc, y tế, nghiên cứu khoa học…ở vai trò hỗ trợ, tư vấn và tìm giải pháp tối ưu, chọn tin tức trên các app thường nhật cho con người, mà đã bắt đầu có mặt ở thể dạng vật lý humanoid (robot giống người). Các chính phủ đã và đang dùng AI, và dùng cả robot quân sự, drone thông minh ngoài thực địa, và các đại công ty đã và đang thiết kế các ứng dụng dùng AI và robots để tung ra thị trường.

Các câu hỏi mang tính đạo đức và luân lý học liên quan tới AI (AI ethics- hiện đang thành một ngành nghiên cứu) và việc ứng dụng công nghệ có trí khôn đã được đặt ra từ ít nhất hai thập niên qua, nay lại có thêm các câu hỏi mới, mà tựu trung lại có thể tập hợp lại vào hai nhóm chính:

1-Các vấn đề nảy sinh vì sự có mặt của AI trong xã hội loài người, quan hệ kinh tế, tương quan quân sự, ngôn ngữ, quyền lực của các đại công ty, chính phủ đối với các công dân, cá nhân;

2-Các vấn đề mang tính sống còn của loài người nếu bị AI đe dọa ở một thời điểm nào đó, hoặc trước mắt là nhu cầu bảo tồn di sản văn minh (civilisational heritage) đa dạng của nhân loại trong thời đại mới khi mà quyền năng siêu việt của một cách áp dụng AI thiên kiến có thể xóa sổ các nền văn hóa, ngôn ngữ bị cho là “không cần thiết”.

Trong bài viết này, đầu tiên tôi muốn nhắc lại định nghĩa AI trong tiếng Việt và vấn đề năng lực của AI tạo ra tính cấp bách cho cả hai nhóm đề tài trên.

Vào thời điểm soạn bài này (tháng 5/2024), công nghệ AI đã đạt được những bước tiến tăng tốc nhanh, nhưng trong tiếng Việt, định nghĩa của nó xem ra vẫn chưa hoàn chỉnh. Artificial Intelligence (AI) thường được dịch là “trí tuệ nhân tạo”, hàm ý đây là một dạng thức tư duy, nhấn mạnh tới tư duy số (digital mind) nhưng vẫn giống não người, của các máy vi tính siêu hạng. Hán văn có hai cách dịch: “nhân công trí tuệ” và “nhân công trí năng”(人工智能 – rengong ở đây nghĩa là ‘do người tạo tác ra’), nên bao hàm được cả hai ý: tư duy và chức năng, năng lực. Vì thế ta có thể dùng cả hai cho tiếng Việt và tôi cho là “trí năng nhân tạo”, nói được cả về phần ứng dụng thông minh, năng lực mới của AI, và đây mới là điều gây ra các câu hỏi luân lý. Bởi nếu chúng ta chỉ có một chiếc máy “biết tuốt” – một trí tuệ siêu việt nhưng hiền lành, tĩnh lặng, một nhà tiên tri bằng máy để hỏi về các vấn đề mang tính học thuật, để tri kiến rồi con người tự xem xét mà áp dụng các giải pháp được máy đó đề xuất thì đã chẳng có các câu hỏi mang tính triết lý và luân lý về AI. Điều người ta lo sợ là AI, một thứ “trí năng siêu nhân” đang được lắp vào vô số ứng dụng trong cuộc sống, kể cả các hệ thống vũ khí giết người tinh vi, đẩy tốc độ của cuộc chạy đua về AI lên tới mức con người khó mà kiểm soát được, khiến nên câu hỏi về tính Thiện hay tính Ác của các ứng dụng mới trở nên cấp bách. Trong bài, tuy thế tôi sẽ tiếp tục dùng cách viết tắt AI của tiếng Anh và xin bắt đầu đi vào phần một về các vấn đề đạo đức học (ethical questions) liên quan đến AI trong xã hội loài người.

1. Chúng ta đang ở đâu với AI và các câu hỏi luân lý?

Theo một định nghĩa được chính phủ Nhật Bản (2016) nêu ra thì xã hội loài người đang tiến đến kỳ đoạn thứ năm, society 5.0. Tính từ số 1 là xã hội săn bắn hái lượm, qua số 2 là xã hội canh tác nông nghiệp, số 3 là xã hội công nghiệp, và hiện nay là số 4: xã hội thông tin. AI ra đời như một hệ quả của xã hội thông tin (information society) ban đầu chỉ để để xử lý thông tin bằng kỹ thuật số, phục vụ cho các ngành khác. Nhưng nhờ ứng dụng phần cứng nano (vật liệu siêu nhỏ, có kích thước từ 1 đến 100 nanomet) vào chế tạo các cụm bán dẫn (semiconductor) chạy thuật toán quantum, AI đã không còn đóng vai trò phụ trợ mà được “giao nhiệm vụ” dùng tính năng siêu việt của nó để tự học và tự giải quyết nhiều vấn đề con người không trực tiếp làm nổi. Vào thời điểm này, với các công trình khổng lồ của OpenAI, Google DeepMind, việc để máy tự học và tự chọn cách học, tự nâng cao trình độ (machine learning) đã đẩy xã hội vào thời kỳ chuyển tiếp từ society 4.0 sang society 5.0 – xã hội ứng dụng AI.

Chỉ trong vài năm qua, các câu hỏi về AI ethics đã nảy sinh với độ cấp bách tăng nhanh.

Tính công bằng trong việc sở hữu và ứng dụng AI:

Sự tiến bộ nhanh chóng của việc dùng AI đang làm biến đổi một loạt quan hệ xã hội mà chủ nghĩa tự do kinh tế, chủ nghĩa Marx đánh giá vào những thế kỷ trước. Ví dụ như quan hệ chủ-thợ và giá trị của lao động, hay đúng hơn là giá trị của lao động mà người công nhân, chuyên viên bán cho chủ doanh nghiệp để đổi lấy đồng lương. Theo cách tính truyền thống thì giá trị của việc làm được tính bằng giờ làm (đơn vị thời gian, từng giờ hay công nhật, được đa số các chính phủ định nghĩa là 7 giờ công/ngày, trong 5/7 ngày mỗi tuần. Nhưng nay, các nhà máy dùng AI hoặc các công ty điều hành hệ thống quản trị nhân sự trong các nghề “tự do” (tư vấn luật, kế toán, dịch thuật, viết báo…) đã hoàn toàn có thể xóa bỏ mô thức làm việc và trả công cho nhân viên theo ngày và giờ. AI thay chúng ta để làm việc liên tục 24/7, cả 365 ngày một năm không mệt.

Sau đại dịch Covid, cách tổ chức công việc ở các văn phòng cố định mất dần giá trị. Nhiều công ty cho nhân viên làm việc tại nhà, thậm chí làm việc từ nhiều vùng địa lý khác nhau cho cùng một công việc. Điều này có mặt tích cực nhưng cũng xóa đi văn hóa công xưởng và công sở, làm suy yếu các hoạt động nghiệp đoàn. Chưa kể, AI tạo điều kiện khá dễ dàng cho việc tuyển người từ xa, tiền công rẻ hơn. Ví dụ, Anh Quốc có thể mở các call centre ở Ấn Độ, Philippines, thuê kế toán ở mọi nước nói được tiếng Anh trên thế giới, khiến nhiều công ty ở Anh chẳng hạn không cần thuê chính người Anh nữa.

Về tác động xuyên quốc gia của AI thì theo các viện nghiên cứu cánh tả ở châu Âu, trên thực tế, rất nhiều dịch vụ rẻ có AI tham gia ở châu Á đã giúp nhiều nền kinh tế châu lục này đánh bại đối thủ châu Âu của họ vốn tôn trọng chế độ làm việc 35 giờ/tuần. Trong tương lai, vấn đề AI ethics liên quan tới việc làm và ngày công sẽ còn gây nhức nhối cho nhiều giới và hiện chưa thấy có giải pháp. Ngược lại, việc thay đổi quy chế làm việc và hạ tiền công nhật của người làm thuê lại giúp các công ty sở hữu dây chuyền làm việc dùng AI tăng lợi nhuận nhanh chóng, tạo ra sự mất cân bằng trong quan hệ kinh tế-xã hội, gây ra vấn đề thiếu công bằng (lack of fairness) trong việc ứng dụng AI và uy lực trên thị trường của bất cứ ai có quyền sở hữu nó (AI ownership).

Tiếp đến là câu hỏi về đạo lý của AI trong chính trị và quân sự:

Hãng Tesla của Elon Musk năm trước công bố sẽ bán hàng loạt humanoid vào năm 2025 trong khi nhiều công ty Nhật đã bán robot nhỏ xinh giúp việc nhà và việc trong bệnh viện và nhà dưỡng lão. Đó là những “tin tốt” về ứng dụng AI. Ngược lại, báo chí cũng đăng các tin khác đen tối hơn về việc nhiều chính phủ dùng công nghệ nhận diện khuôn mặt (facial recognition) để theo dõi công dân, giám sát họ, hoặc dùng kho dữ liệu khổng lồ chứa đựng thông tin sinh trắc (biological data) của công dân để truy bắt, trừng phạt họ. AI đã và đang được dùng cho mục tiêu chính trị, kiểm soát xã hội, đàn áp đối lập ở một số nước, nơi mà hệ thống pháp luật không có cơ chế hoạt động độc lập để thách thức lại cách cảnh sát thu thập “bằng chứng tội phạm” nhờ vào do máy tính và camera được AI hỗ trợ. Một số ví dụ của việc bắt nhầm nghi phạm cho thấy AI có dấu hiệu thiên vị khuôn mặt một số cộng đồng dân cư, và phân biệt đối xử cộng đồng khác, như người Mỹ gốc châu Phi.

Trong quân sự, gần đây như con chó robot của quân đội TQ vừa thử nghiệm thành công, được cài đặt AI để trườn bò, nhảy cao, chạy tới và chạy lùi, mang theo được một tiểu liên tự động trên lưng để giết kẻ thù.

Trên thực tế, công nghệ drone “tìm và diệt” của các nước đều đã dùng AI ở các mức độ khác nhau. Câu hỏi là ai sẽ lãnh chịu trách nhiệm pháp lý cho trường hợp robot quân sự có lỗi trong xử lý tình huống? Người trực tiếp điều khiển nó? Nhà sản xuất? Chính phủ có quân đội dùng AI? Vai trò của người dân, và cả xã hội trong việc cùng quyết định về AI, nếu thế giới còn chấp nhận mô hình dân chủ, cũng là điều phải được bàn tới.

2. AI có đang thiên vị Phương Tây?

Một vấn đề luân lý quan trọng là tính thiên vị, thiên kiến (bias) về văn hóa, chủng tộc của AI và các ứng dụng dùng AI. Đây là vấn đề khá cấp bách trên thế giới, vì dòng chủ lưu trong nhãn quan xã hội của việc soạn các chương trình, các thuật toán cho AI hiện vẫn do Phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ kiểm soát. Điều này, và dù vô tình hay cố ý, đã và đang phản ánh nhãn quan về nhân loại của tư duy Âu-Mỹ. Các xã hội Âu-Mỹ cũng giàu có hơn, số hóa cao hơn nên kho tàng kiến thức của họ cũng trở thành nền tảng cho data base dùng trong machine learning.

Sự thiên kiến cố hữu của các mô hình ngôn ngữ đến từ công nghệ:

Gần đây có các tiếng nói chỉ ra tính thiên kiến về văn hóa của các mô hình xử lý ngôn ngữ (large language models) dùng AI và kho dữ liệu toàn cầu để giải đáp nhiều vấn đề xã hội mà ChatGPT chỉ là một. Jibu Elias, chủ nhiệm chương trình nghiên cứu AI của Ấn Độ (Research and Content Head, INDIAai) nêu lại số liệu của một nghiên cứu trước đại dịch Covid ở Thụy Sĩ về hoạt động soạn các bộ quy chuẩn về đạo đức học cho AI trên thế giới để chỉ ra rằng Phương Tây đang làm chủ đa số các nghiên cứu AI. Trích lại thống kê của ĐH Zurich từ năm 2019 về 1000 bộ mã định ra tiêu chuẩn luân lý (ethical principles) cho AI, Elias cho rằng Phương Tây chiếm 63% số quy chuẩn quản trị AI. Cụ thể trong số 84 văn bản liên quan, 23,8% là của Hoa Kỳ, 16,7% soạn ở Anh và phần còn lại từ EU (tổng cộng thành 63%). Số quy chuẩn từ châu Phi, Mỹ Latinh gần như không có gì, còn từ châu Á chiếm thiểu số. Bài của Jibu Elias trích một số học giả cho rằng “AI ethics nay được hiểu như là ethics nhìn từ quan điểm châu Âu hoặc Mỹ” và kêu gọi các nước châu Á cần lên tiếng trong vấn đề quản trị AI.

Các ví dụ thường được nêu là tính thiên kiến của những software chuyên tìm ảnh khi nhận lệnh tìm, ví dụ “váy áo cưới” sẽ gần như 100% là tải lên màn hình cho bạn một ảnh cô dâu người châu Âu hoặc Mỹ trắng. Người viết bài này đã thử lại thí nghiệm đó (ngày 31/05/2024) trên một máy laptop ở Singapore, cài đặt các nhu liệu hoàn toàn có địa chỉ Singapore. Kết quả tìm kiếm “wedding dress” quả nhiên vẫn thế: nhiều trang ảnh mà GoogleImages tải lên đều chỉ là các cô gái và cặp đôi người Caucasian, với trang phục đám cưới kiểu Âu, không hề có người châu Á hay các lục địa khác, và không thấy các loại áo cưới Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Trung Á, châu Phi.

Có cuộc đối đầu toàn cầu về AI hay không?

Trong vòng 5 năm qua, sự phát triển nhanh chóng của các hãng công nghệ Mỹ, Anh trong các lĩnh vực hàng đầu về trí tuệ nhân tạo, gồm “machine learning”, “generative AI”, được “đáp trả” bằng vai trò của Trung Quốc cũng nổi lên như trung tâm thứ nhì. Một đánh giá của Đại học Oxford, Anh công bố vào tháng 11/2023 cho rằng trong nghiên cứu và thử nghiệm, ứng dụng AI, Hoa Kỳ đang đứng số một, Trung Quốc đứng thứ nhì và Anh đứng thứ ba trên toàn cầu.

Trật tự này làm nảy sinh các câu hỏi: – Có phải AI của Trung Quốc sẽ thống trị các trình duyệt tìm kiếm khép kín ở Trung Quốc hoặc trong các ứng dụng “thân hữu” với Trung Quốc ở châu Á? Ví dụ bạn tìm kiếm hình ảnh gì đó bằng khẩu lệnh chữ Hán thì AI của TQ sẽ thiên vị luôn kho dữ liệu Trung Quốc đang kiểm soát để tìm câu trả lời cho bạn? Hoặc nếu dụ bạn tìm một câu hỏi về lịch sử các cuộc chiến tranh giữ Trung Quốc và một nước làng giềng thì AI của TQ có kiểm duyệt, định hướng câu trả lời theo quan điểm hiện hành ở TQ? Và khi AI của Hoa Kỳ và Trung Quốc đồng đẳng nhau, cạnh tranh nhau thì vị thế của các nước yếu hơn còn lại sẽ ở đâu? AI sẽ vẫn thiên vị các đại cường giàu có nhất, có ngân khoản để phát triển, kiểm soát, định hướng công nghệ này?

Trong một bài viết gần đây đăng trên trang của Viện Internet ĐH Oxford, hai giáo sư Sandra Wachter và Brent Mittelstadt nói rằng trong thế giới của AI cho tới nay, không hề có “các dữ liệu trung dung” (there is no such thing as neutral data). Việc kiểm soát kho dữ liệu này đang tác động trực tiếp tới kết quả tìm kiếm, và cũng là “kiến thức” bạn nhận được.

Vì AI được dùng trong tìm kiếm thông tin, trong giáo dục nên các định kiến (prejudice) lịch sử, văn hóa, tranh chấp lãnh thổ, xung khắc hệ thống chính trị, sẽ được nhân rộng nhanh chóng mặt và có tác động sâu rộng đến nhiều thế hệ con người chứ không chỉ còn là việc nghiên cứu của một số giới. Tương tự, người ta đã nhắc tới việc dùng AI không hoàn toàn công bằng, bất thiên vị của các Big Tech do nhu cầu làm ăn của họ với nhiều chính phủ. Ví dụ, khi đặt các câu hỏi khó về thể chế chính trị, nhân quyền ở một số quốc gia thì người ta chỉ nhận được các câu trả lời từ ChatGPT khá chung chung, né tránh phê phán nhà chức trách sở tại. Lý do là các Big Tech thanh lọc cuộc thảo luận trên mạng về các đề tài nhạy cảm với chính phủ nước đó.

3. Tìm lại cội nguồn văn hóa của AI và robot

Trong cuộc chạy đua về AI hiện nay, phải thừa nhận rằng chỉ các nước giàu có nhất mới có mặt nhưng về truyền thống văn hóa thì châu Á, gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và cả Ấn Độ chỉ vừa mới có mặt. Tìm hiểu về AI ethics không thể tránh khỏi việc phải tìm đến “nguồn gốc Âu-Mỹ” của nó. Tôi dùng khái niệm Âu-Mỹ vì nhiều ý tưởng tiên phong đến từ vùng Trung và Đông Âu chứ không phải là Tây Âu hay Bắc Mỹ. Và quan trọng hơn, câu chuyện về trí tuệ của máy móc và “loài robots” vốn có nguồn gốc trong văn hóa và khoa học Âu-Mỹ và vẫn đang tiếp tục được điện ảnh, văn học Âu-Mỹ nói tới. Châu Á lâu nay vắng bóng trong “cuộc chơi trí tuệ” quan trọng này.

Ta cần trở lại với khái niệm con robot, vốn được kịch sĩ người Czech, Karel Capek nghĩ ra năm 1921, với gốc từ “robota” (công việc, sự phục vụ trong tiếng Sla-vơ) qua tác phẩm Rossum’s Universal Robots. Kết thúc vở kịch là cảnh con robot của Capek tự có đời sống riêng, không còn bị người chế tạo ra nói kiểm soát nữa. Nhà văn viễn tưởng Ba Lan Stanislaw Lem cũng được biết đến như cha đẻ của tư duy (và dự báo?) về một dạng trí tuệ bên ngoài sự hiểu biết của con người. Tiểu thuyết Solaris của ông, đã được hai lần dựng thành phim, ở Liên Xô cũ (đạo diễn Andrei Tarkovsky, 1972) và ở Hollywood (Steven Soderbergh, James Cameron, 2002) nói về một vật thể có trí khôn là cả một đại dương sống, bao trùm trọn một hành tinh xa, và những vấn đề luân lý nảy sinh khi tiếp xúc với nó mà đoàn phi hành gia đến từ Trái Đất phải xử lý. Đây là những tác phẩm văn hóa-điện ảnh tiên phong trong việc khám phá câu hỏi đạo đức về quan hệ người-robot-trí tuệ alien.

Vẫn ở Phương Tây, theo hai tác giả Nancy S. Jecker và Eisuke Nakazawa (2022) thì câu chuyện về robot, về một dạng trí tuệ siêu việt và quan hệ của nó với loài người liên tục tạo chủ đề nóng cho văn hóa đại chúng Phương Tây: phim Terminator (1984) nói về viễn cảnh hủy diệt nhân loại bởi một người máy sinh học ‘killer cyborg’, phim Blade Runner (1982) mô tả loài robot không khác gì người, phim Matrix (1999) vẽ ra một xã hội viễn tưởng đen (dystopia) do robot kiểm soát, và phim Ex Machina (2014) dựng ra robot nữ tính, xinh đẹp (Ava) để thách thức con người trong mảng quan hệ tình dục, tình yêu, và đặt câu hỏi “robot có ý thức tự do cá nhân” hay là không. Phương Tây chiếm thế thượng phong còn Nhật Bản cũng có đóng góp nhỏ vào dòng văn hóa đặt thù này qua nhân vật tốt Testuwan Atom (chú bé có trái tim nguyên tử-AstroBoy trong bản dịch tiếng Anh), nhân vật manga ra đời năm 1951 trong truyện của nghệ sĩ Osamu Tezuka. Jecker và Nakazawa đề xuất có cuộc đối thoại Đông-Tây về AI và ảnh hưởng của các biểu tượng trong khoa học viễn tưởng về robot tới ngành AI làm sao cho cân bằng, bớt thiên vị Phương Tây.

Câu chuyện văn hóa này phản ánh một thực tế về nhãn quan Đông-Tây hiện vẫn chưa cân bằng trong khối lượng thời gian, tác phẩm đầu tư vào mảng tư duy về robot và AI. Chừng nào người ở các nước châu Á chưa tích cực tham gia cuộc chơi, không chỉ trong chạy đua công nghệ, mà còn gồm cả các hoạt động văn hóa, tranh luận luân lý phản ánh giá trị của họ, thì tính thiên kiến Âu-Mỹ trong AI sẽ vẫn còn, bất chấp khá nhiều hội nghị, hội thảo Liên Hiệp Quốc, World Economic Forum…về AI ethics. Quá lắm, người ta sẽ tạo ra được các bộ quy chuẩn chung về việc quản trị AI còn chi tiết về việc đưa dữ liệu gì, đặt thuật toán xử lý trình duyệt ngôn ngữ, di sản văn hóa, các giá trị thiết thân của một cộng đồng hoặc một quốc gia ra sao thì sẽ phụ thuộc vào năng lực của cộng đồng và quốc gia đó để có tiếng nói của mình trên diễn đàn toàn cầu về AI.

4. Singularity và tương lai triết học, đạo đức của loài người

Cuối cùng, vấn đề lớn nhất, cơ bản nhất là quan hệ người-AI. Giả định là chúng ta không phải đang chứng kiến cuộc chạy đua về AI giữa các quốc gia, mà đang tiến tới cuộc chạy đua Người với AI thì câu hỏi cơ bản nhất tới đây là bên nào sẽ thắng.

Thuyết về khoảng khắc “singularity” – khái niệm do Verno Vinge nêu ra lần đầu năm 1983 – nói rằng sẽ có một thời điểm con người bị AI vượt qua về khả năng trí tuệ và không thể kiểm soát được AI nữa. Hiện vẫn đang có nhiều tranh luận về thuyết singularity. Một số ý kiến nói AI đã vượt khỏi tầm kiểm soát của con người, một số khác nói là chưa. Vào năm 2007, Ray Kurzweil công bố cuốn sách “The Singularity is Near”, nói về AI vượt qua năng lực tư duy của con người là tất yếu, rất gần rồi. Nhưng với tốc độ ứng dụng AI nhanh như hiện này, một số nhà quan sát còn đưa ra thời điểm cụ thể, như Ben Goertzel, CEO of SingularityNET, tiến sĩ ĐH Temple University, nêu ra đích xác năm 2031 là thời khắc xảy ra “singularity” – quyền kiểm soát công nghệ chuyển sang hệ hình của AI. Dù tiên đoán khác nhau về thời điểm, đa số các nhà bình luận đều nói thời khắc đó sớm muộn cũng sẽ xảy đến.

Trở lại viễn kiến của Vinge. Khi dùng khái niệm “singularity” trong vật lý không gian để hình dung ra sự phát triển của AI, ông viết:

Khi điều đó xảy ra, loài người sẽ đạt tính đồng nhất (singularity), một tình trạng chuyến hóa về trí tuệ không phân tách được, như không-thời gian ở giữa một hố đen và thế giới con người sẽ đi tới chỗ chúng ta không còn hiểu nổi – the world will pass far beyond our understanding”.

Trong các phát biểu về sau, Vernor Vinge lại tỏ ra lạc quan về kỷ nguyên “hậu nhân loại – post-human era”, trái với ý sử gia Israel Yuval Noah Harari nêu ra gần đây, khá bi quan về sự đe dọa tới sự tồn tại của loài người (existential threat) mà AI đem lại.

Tạm chưa bàn tới ‘AI apocalypse’ tức viễn cảnh tận thế bởi AI vốn được quá nửa giới chuyên gia ngành này tin rằng có xác suất xảy ra ít nhất là 10%, những nhà xã hội học tin rằng chỉ riêng sự tồn tại của khái niệm ‘singularity’ đã thách thức loài người về luân lý. Bởi nếu AI vượt qua chúng ta thì vị trí con người, loài duy nhất tự nhận là chủ thể có trí tuệ trong muôn loài trên Trái Đất sẽ bị đặt ở đâu? Chúng ta sẽ bị AI tước quyền tự do, quyền làm người (viễn cảnh nô lệ – dystopia) hay thậm chí bị AI tàn ác, vô cảm hủy diệt (viễn cảnh tận thế – apocalypse)? Các quy chuẩn về luân lý lâu nay của nhân loại có còn ý nghĩa gì nữa không khi mà trí não và hành vi của chúng ta bị AI điều khiển?

Kết thúc bài viết này, tác giả muốn đặt ra nhiều câu hỏi phụ cho hệ luận ‘singularity’. Giả sử thời điểm đó chưa đến thì các vấn đề luân lý nêu trên về công bằng xã hội, an ninh, tính định kiến văn hoá của AI…sẽ còn cần thảo luận và tìm giải pháp quản trị. Thông tin cho biết nhiều chính phủ, các đại công ty và cả các định chế quốc tế đều đang làm việc này. Còn nếu ‘singularity’ tới mà con người vẫn điều khiển được AI (phương án lạc quan) thì AI đó cần tuân theo bộ quy chuẩn thế nào? Thậm chí có phải chúng ta cần học cách chung sống và chia sẻ không gian xã hội với loài robit có trí tuệ và cảm xúc? Các hệ lụy luân lý cho việc cộng sinh này sẽ nảy sinh, tính chủ thể, trách nhiệm đạo đức, pháp lý của từng bên sẽ ra sao?

Thêm nữa, còn một xu thế đang xảy ra là chúng ta sẽ hòa hợp với AI, hoặc bằng cách lồng ghép, tải năng lực tính toán của AI vào mắt, vào não, vào hệ thần kinh, hoặc qua phẫu thuật ghép tứ chi dạng robotic vào thân thể để cải thiện sức mạnh vật lý thêm nhiều lần cơ bắp chúng ta hiện nay. Các tính năng mới và năng lực tư duy mới hẳn sẽ có hệ lụy không nhỏ về suy nghĩ và cảm xúc khi có loài người lai máy (cyborg). Họ có tuân theo các chuẩn đạo đức mới hay sẽ vẫn là thành phần pháp lý trong xã hội của người bình thường? Năng lực tư duy và sinh hoạt tinh thần được đẩy lên mức siêu việt (transcendental), sẽ khiến một số cá nhân thành một loài á thần, hay quái vật hùng mạnh và độc ác? Ta trở lại công án muôn thuở các tôn giáo đã nói về người trần mắt thịt và các loài khác trong truyền thuyết, thần thoại.

Tóm lại, AI và khả năng về “singularity” đang đặt ra câu hỏi về “phương án cuối cùng” và tùy vào dự cảm mà chúng ta có hai khả năng, lạc quan hay bi quan. Xét cho cùng, đó là câu hỏi về sự tồn tại của con người cùng câu hỏi về tính người và thế giới xung quanh. Mượn lời của Bertrand Russell thì đó cũng là chủ đề trọng tâm của triết học, theo nghĩa môn khoa học cổ nhất, bao trùm mọi tri thức. Russell nhắc rằng ở thời các bộ môn khoa học hiện đại chưa phân ngành thì toán và vật lý được Isaac Newton gọi là “the mathematical principles of natural philosophy”- khoa học về thế giới tự nhiên chính là “triết học tự nhiên”. Tương tự “philosophy” (triết học) từng gồm cả vũ trụ học và khoa học về tâm trí trước khi chúng được nghiên cứu riêng, và có tên khác – triết học về ‘human mind’ được gọi là tâm lý học. Với sự thăng tiến nhanh chóng của AI, các vấn đề này đang cần được rà soát lại một cách tổng thể nhất và bàn bạc, quyết định…trước khi quá muộn.

References:

Bloomberg, “Why Making Computer Chips Has Become a New Global Arms Race” (April 19th 2024).

United Nations, “Principles for the Ethical Use of Artificial Intelligence in the United Nations System“, Inter-Agency Working Group on Artificial Intelligence (September 20th 2022).

Society 5.0 (Japanese Government).

AI Strategy 2022 (Japanese government 2019).

Stropoli R., “A.I. Is Going to Disrupt the Labor Market. It Doesn’t Have to Destroy It”, Chicago Booth Review (November 14th, 2023).

Najibi A., “Racial Discrimination in Face Recognition Technology”, Science in The News, Harvard University (October 24th 2020)

The Guardian, “Meet the Chinese army’s latest weapon: the gun-toting dog” (May 30th 2024).

Jecker N., and Nakazawa E., “Bridging East-West Differences in Ethics Guidance for AI and Robotics” (September 14th 2022).

Elias J., “The Role of Culture in AI Ethics: An Eastern Perspective”.

Wachter S., and Mittlestadt B. “No Need to Wait for the Future. The AI is already here”, Oxford Internet Institute (May 15th 2023)

Newcomb T., “A scientist says the Singularity will happen by 2031”, Popular Mechanics (November 09th 2023).

BBC News (December 02nd 2014): “Stephen Hawking warns artificial intelligence could end mankind”

Edwards B., “Vernor Vinge, Father of the Tech Singularity, has died at the age of 71”, Ars Technica (March 21st 2024).

Parker A., “The Czech playwright’s invention perfectly distilled twentieth-century anxieties about modernity, science, and technology” (May 22nd 2023).

McLaughlin J., “Russell Bertrand – On the Value of philosophy”, The Originals: Classic Readings in Western Philosophy.

Harari N. Y., “How AI Will Shape Humanity’s Future”: The Late Show with Stephen Colbert (April 14th 2023).